Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

SHINJUKU QUEN THUỘC VÀ “BÍ ẨN”



Shinjuku là cái tên thường gặp trong giáo trình tiếng Nhật. Nên cảm giác “quen thuộc” dường như đến với tôi từ thời sinh viên. Nhưng thật ra đó chỉ là một sự “quen thuộc... ảo”, vì thậm chí tôi chưa bao giờ thử hình dung xem cái nơi mang tên ấy có diện mạo thế nào, chỉ ghi nhận một cách máy móc rằng đó là một khu vực trung tâm của thành phố Tokyo. Mà với kiểu người “bờ tre gốc rạ” như tôi thì một siêu đô thị của những người “đẳng cấp” trên thế giới có gì là quen thuộc?!
Ga Shinjuku lần đầu tiên trở thành điểm đến của tôi khi nhóm chúng tôi gồm bốn người tham gia chương trình giao lưu văn hóa ở Kanazawa được cơ quan tài trợ sắp xếp cho một chuyến tham quan Tokyo trước khi về nước. Theo sự sắp đặt của người phụ trách chương trình, nơi lưu trú của chúng tôi là một khách sạn ở gần ga Shinjuku, nên ga này đương nhiên là trạm cuối của chúng tôi trên tuyến đường Tokaido lần ấy.
Vậy là sự kết hợp giữa vấn đề giao thông và lưu trú đã biến ga Shinjuku thành một “điểm hẹn” của tôi, thay vì chỉ là một điểm dừng của hệ thống giao thông đường sắt chằng chịt như một cái mạng nhện khổng lồ trong một siêu đô thị.
Thú vị hơn, vì cuộc hẹn đầu tiên ở nơi này lại trở thành một “sự cố” không thể nào quên mà Shinjuku trong ký ức của tôi bỗng chốc trở thành một cái tên, và hơn thế, một không gian kỷ niệm.
“Đối tượng hẹn hò” của tôi lần ấy là một người tôi chưa gặp bao giờ. Nói là một bậc bề trên đáng kính thì có vẻ nghiêm trọng, nhưng cảm giác của tôi khi đến với cuộc hẹn thì đúng là như thế. Và bây giờ chị vẫn là “bậc phụ huynh” nghiêm túc của tôi trong nhiều vấn đề liên quan đến xứ sở văn minh mà với tôi đã trót thành duyên nợ.
Không có điện thoại di động mà lại hẹn một người chưa biết mặt ở ga Shinjuku vào giờ cao điểm! Nhưng vì chẳng còn cách nào khác nên tôi vẫn đến nơi đúng theo giờ hẹn với tâm trạng háo hức đón chờ.
Địa điểm hẹn là cửa Nam của nhà ga, đủ cho tôi có được một chút yên tâm ban đầu vì đây cũng là cửa ra mỗi lúc tôi xuống tàu ở ga này để về khách sạn. Định là sẽ đến sớm để hạn chế rủi ro nhưng hôm ấy tôi phải đi từ một trường đại học ở ngoại thành về, lại chưa rành mạng lưới đường sắt Tokyo nên chỉ kịp đến trước giờ hẹn chừng năm phút.
Khi ấy vừa đúng giờ cao điểm. Trôi trong biển người từ trên đường tàu xuống cửa soát vé rồi đến sảnh chờ ở cửa phía Nam, tôi nghĩ rằng nhất định chị ấy đã đến rồi và đang đứng đợi mình ở góc nào đó giữa không gian đông đúc. Nhưng tìm kiếm một hồi mà chẳng thấy ai có vẻ là “đối tượng” của mình, tôi bắt đầu cảm thấy hoang mang. Sợ mình nhầm địa điểm nên tôi cứ loanh quanh khu vực ấy để tìm, lên lên xuống xuống cầu thang mấy lần thì đã quá giờ hẹn mười lăm phút. Tôi buộc phải sử dụng giải pháp cuối cùng là tìm máy điện thoại công cộng gọi vào số di động của chị để hỏi xem sự thể thế nào, nhưng gọi bao nhiêu lần mà máy cứ “tít tít” cả tràng dài rồi im bặt.
Buông máy điện thoại, tôi thật sự cảm thấy bất lực trong một biển người xa lạ trên đất khách, chỉ biết nhìn đồng hồ để thấy thời gian dành cho một cuộc hẹn quan trọng bỗng đâu cứ tuồn tuột trôi qua kẽ tay mình. Đợi chừng mười phút nữa thì tôi quay về khách sạn.
Về đến nơi, tôi nhận được lời nhắn thoại của chị qua nhân viên lễ tân. Thì ra chị không thể gặp tôi chiều hôm ấy vì một sự cố thật hy hữu! Nhưng may mắn là chúng tôi còn cơ hội để xác định một giờ hẹn mới và gặp nhau vào sáng hôm sau. Lần này thì mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, và tôi đã có những giây phút cảm động được trải lòng với một người mà các “thông số” xã hội thì cách tôi một trời một vực, nhưng vừa mới gặp gỡ là đã truyền sang tôi một cảm giác thân mật rất tự nhiên.
Cho dù không kể đến kỷ niệm “hẹn hò” đầy ấn tượng do sự cố thì trong chuyến tham quan ấy tôi gần như chỉ ghi nhận hình ảnh về Tokyo thông qua khu vực xung quanh nhà ga Shinjuku. Nhà sách đồ sộ Kinokuniya nằm trong khu bách hóa cao tầng Tokyu Hands với các mặt hàng phong phú đến choáng ngợp. Hệ thống các siêu thị điện máy lớn mà đại diện là Yodobashi Camera và Big Camera. Những tòa nhà chọc trời với kiến trúc hiện đại kiêu hãnh vươn cao đây đó như những cột mốc vững vàng của một siêu đô thị, tỏa ra sức mạnh một nền kinh tế lớn và để lại trong lòng du khách dấu ấn về một xứ sở văn minh. Rồi những cầu vượt dành cho khách bộ hành băng qua đại lộ, mang lại cho người đi đường không khí thoáng đãng và cảm giác thưởng ngoạn cảnh quan trong tầm nhìn rộng mở, dù thành phố đang trong giờ cao điểm tấp nập tàu xe. Rồi những cơn gió lồng lộng thổi qua khoảng trống giữa các tòa cao ốc, nhắc mọi người nhớ rằng Tokyo là một thành phố cảng nằm ngay bên bờ vịnh... Kết thúc chuyến đi lần ấy, chúng tôi ra sân bay bằng xe buýt Limousine và lên xe ở điểm đón khách gần ga Shinjuku. Khi xe chuyển bánh, tôi thầm nói lời tạm biệt Tokyo với những hình ảnh của khu vực trung tâm Shinjuku đang lùi dần lại phía sau trong tầm nhìn hữu hạn. Trong khoảnh khắc ấy, hình ảnh Tokyo trong tôi gần như thu gọn lại thành Shinjuku.
Những trải nghiệm của lần đầu tiên ấy đã tạo nên cảm giác thân thuộc gắn với cái tên Shinjuku trong ký ức của tôi. Mãi về sau tôi mới nhận ra rằng cảm giác ấy đã tác động đáng kể đến nhiều lựa chọn của tôi khi tham gia giao thông, và những lựa chọn như thế, kết hợp với những yếu tố khách quan mà đối với tôi là “duyên nợ” tình cờ, càng tô đậm thêm cảm giác quen thuộc với khu vực có trung tâm là một nhà ga khổng lồ trong mạng lưới đường sắt Nhật Bản.
Kể ra những lựa chọn vặt vãnh của tôi thì có vẻ rất buồn cười, nhưng quả thật không biết từ lúc nào trong tôi đã hình thành phản xạ chọn Shinjuku làm “trạm giao thông” căn bản.
Khi di chuyển từ nơi lưu trú đến trường đại học, tôi phải đi một quãng đường dài xuyên qua Tokyo từ phía Đông sang phía Tây và phải đổi tàu điện hai lần. Điểm đổi tàu từ tuyến Chuo sang tuyến Seibu thì bắt buộc phải là ga Musashisakai. Còn khi đổi từ tuyến Sobu sang tuyến Chuo thì địa điểm tiện nhất, và quan trọng là tiết kiệm thời gian nhất, là ga Ochanomizu. Thế mà tôi vẫn hay nán lại trên tuyến tàu chậm Sobu đến tận ga Shinjuku mới đổi sang tuyến Chuo, dù khi ấy phải mất thêm thời gian để di chuyển sang một đường tàu khác.
Đôi khi, trên đường trở về nhà từ trường đại học, tôi thường xuống tàu điện ở Shinjuku rồi đi lang thang qua khu bách hóa Tokyun Hands, chỉ để loanh quanh trong nhà sách hoặc mua vài món đồ lặt vặt ở tầng chuyên bán văn phòng phẩm. Mua sắm không phải là chuyện nhất thiết hay hệ trọng. Điều tôi thích nhất là tự thưởng cho mình một chút cảm giác thư giãn khi xuống tàu ở một nơi quen thuộc rồi thong thả đi qua khu quảng trường lộng gió, trước khi bước chân vào tòa cao ốc Tokyu.
Trong một lần lang thang như thế vào dịp cuối năm, tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy khu quảng trường tĩnh lặng bao ngày bỗng nhộn nhịp không khí Giáng Sinh với những vòm cây trang trí có đèn giăng lấp lánh nhiều màu. Xung quanh tôi là rất nhiều nam nữ thanh niên đang chụp ảnh cho nhau bên cạnh những chùm đèn trang trí. Tôi không mang máy ảnh nên thầm nhủ sẽ ghi lại cảnh này vào hôm khác, nhưng bất giác cũng cảm thấy rộn ràng phấn chấn vì được nếm qua một chút không khí đặc trưng của mùa lễ hội. Khi ấy, Shinjuku trong tôi vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ. Cứ như tôi vừa gặp lại một người thân của mình rạng rỡ trong bộ quần áo mới nhưng tiếng nói giọng cười thì vẫn là ấn tượng mà tôi đã ghi nhớ từ lâu.
Những thông tin, hình ảnh mà tôi biết về Shinjuku trong thời gian ấy cứ mở rộng dần từng chút một. Tôi tìm thấy bưu điện, một số khu vực tiện ích và các quán ăn nho nhỏ nhưng dễ chịu ở quanh ga. Những phát hiện như thế càng làm tăng số lần tôi tìm đến hay ghé lại nhà ga Shinjuku trên lộ trình di chuyển bằng đường sắt.
Nhiều lần đặt xe buýt đường dài tôi cũng chọn điểm lên hoặc xuống xe là ga Shinjuku thay vì ga Tokyo, tuy rằng thời gian đi tàu điện từ chỗ tôi đang ở đến ga Tokyo có thể ngắn hơn thời gian đến ga Shinjuku mười phút. Cũng vì lý do này mà sau gần 5 tháng xuôi ngược trong lòng thành phố bằng xe điện, tôi vẫn chưa lần nào đặt chân xuống ga Tokyo, chỉ đôi lần đi trên tuyến đường xuyên qua ga và nhìn thấy tên ga hiện lên trên biển báo trạm dừng.
Vì chọn ga Shinjuku là trạm giao thông cho những chuyến xe buýt đường dài nên có những đêm tôi loanh quanh trong nhà ga vào giờ đã vãn người chỉ vì phải tìm mua quà Tokyo để mang sang vùng khác. Cũng lại có những buổi sáng sớm tôi xuống xe buýt ở bên ngoài rồi vào ga để đi tàu điện về nhà. Đường tàu vắng người và trên tàu điện cũng rất nhiều chỗ trống, đặc biệt là tàu chạy theo hướng rời xa khu vực trung tâm. Vốn là người có bộ máy sinh học thiên về hoạt động ban đêm nên tôi không thích và hiếm khi dậy sớm, nhưng những kỷ niệm buổi ban mai với ga Shinjuku như thế mang lại cho tôi cảm giác vô cùng dễ chịu vì được tận hưởng không gian vắng vẻ rất đặc biệt của giao thông đường sắt Tokyo, được ngắm nhìn Tokyo còn ngái ngủ trong bầu không khí tinh khiết và cảnh quan tĩnh lặng.
Những lựa chọn kiểu ấy là do “thiên kiến” của riêng tôi. Nhưng đóng góp vào quá trình “gắn bó” giữa tôi với Shinjuku còn có nhiều “mối duyên” tình cờ khác. Chẳng hạn, vì giáo sư hướng dẫn nghiên cứu cho tôi ở trường đại học thường rủ tôi về cùng, và thầy đổi tàu ở ga Shinjuku nên ga này nhiều khi trở thành điểm kết thúc đột ngột của câu chuyện giữa hai thầy trò cứ miên man không dứt. Hay vì một ngày nọ cô em gái của người bạn ở chung nhà được tặng mấy tấm phiếu giảm giá của nhà hàng món Việt ở ga Shinjuku, nên ga này còn được nhớ đến như một địa điểm gợi nhắc hương vị ẩm thực của quê nhà.
Trong suốt mấy tháng trời “tạm trú” ở Tokyo, sự kết hợp giữa “thiên kiến” lựa chọn và những “mối duyên” tình cờ như thế khiến tôi ngộ nhận rằng mình đã “thuộc” được nhà ga đường sắt khổng lồ này, cho đến khi xảy ra những “sự cố” nhắc nhở tôi rằng đó chỉ là một sự sai lầm về cảm giác.
Lần đầu tiên tôi nhận ra sự sai lầm ấy cũng là một kỷ niệm khó quên giữa tôi với giáo sư. Dạo ấy đang trong đợt nghỉ hè. Nếu đúng theo chế độ làm việc của trường thì thầy không có trách nhiệm “lên lớp” với tôi trong vòng hai tháng, nhưng thầy quá nhiệt tình nên đã hẹn tôi đến học với thầy ở một cơ sở vệ tinh của trường, một tòa nhà không lớn lắm ở gần ga Ochanomizu.
Trước đó, trong một lần đến ăn cơm ở nhà thầy, tôi có khoe chuyện đặt vé máy bay và lên kế hoạch đi du lịch Hokkaido vào cuối tháng chín. Nói là “khoe” cho vui nhưng thật ra tôi nghĩ đó là một cách tôi báo cáo với thầy về lịch trình hoạt động cá nhân. Chỉ là báo cáo thôi chứ không cần xin phép vì tháng chín vẫn là thời gian chính thức nghỉ hè.
Hôm ấy tôi đến cơ sở vệ tinh để học theo lịch thầy đã hẹn. Trong giờ nghỉ giải lao thầy trao đổi với tôi về lịch làm việc trong tuần tới, và tôi phải nhắc lại với thầy lịch trình chuyến đi du lịch Hokkaido. Tôi áy náy vì thầy phải điều chỉnh lịch làm việc của thầy chỉ vì một chuyến đi chơi mà tôi đã trót lên kế hoạch từ tháng trước, nhưng thầy thì luôn nhiệt tình ủng hộ chuyến đi sẽ lấy mất của tôi khá nhiều thời gian ấy, hẳn vì thầy nghĩ rằng di chuyển và quan sát đó đây cũng là một cách thức cần thiết để tôi hiểu thêm về đất nước là đối tượng nghiên cứu của tôi và là nơi sinh trưởng của thầy.
Sau khi quyết định xong thời điểm làm việc cho tuần tới, tôi lại được thầy ưu ái dành cho một bất ngờ thú vị. “Chuyến đi của em bắt đầu vào thứ Hai, vậy Chủ Nhật em vẫn còn rảnh chứ?” Thầy nhìn trang lịch trong sổ tay rồi nhỏ nhẹ hỏi tôi. Tôi xác nhận rằng mình vẫn ở Tokyo hôm Chủ Nhật và cũng chưa có việc gì hệ trọng được lên lịch cho ngày hôm ấy. Nghe xong, thầy lại nhìn vào những dòng ghi chú trong cuốn sổ tay, rồi thong thả giải thích rằng thầy có vé mời đi nghe nhạc ở Yokohama vào hôm Chủ Nhật và muốn rủ tôi đi cùng. Đó là buổi biểu diễn âm nhạc Việt Nam của một nghệ sĩ trẻ, học trò cũ của thầy và đã từng học đàn T’rưng ở Việt Nam.
Thầy hẹn sẽ gặp tôi ở ga Shinjuku vào lúc 5 giờ chiều và sẽ cùng tôi đi tàu điện đến Yokohama, vì buổi biểu diễn bắt đầu lúc 6 giờ ở một nơi gần bến cảng. Tôi vui vẻ tiếp nhận lời hẹn của thầy như nhận một món quà. Nghĩ rằng mình sẽ đến gặp thầy ở một nơi quen thuộc vào một thời điểm khá thoải mái trong ngày nghỉ cuối tuần, trong lòng tôi không hề gợn chút gì lo lắng, chỉ thầm vui vì được thầy chia sẻ, quan tâm. Không ngờ hôm ấy tôi bắt thầy phải đợi mình ở ga suốt hơn hai mươi phút!
Nơi thầy hẹn vẫn là cửa phía Nam. Đó là hướng cửa ra dễ thấy nếu đi tàu điện JR dừng ở đường tàu trên mặt đất. Tôi tự tin vì đã rành lối đi quen thuộc từ đường tàu của tuyến Sobu hoặc Chuo đến cửa này. Nhưng hôm ấy tôi lại tranh thủ chạy qua một nơi khác trước giờ hẹn gặp thầy đi Yokohama, và đến Shinjuku bằng một tuyến tàu điện ngầm có bến đỗ nằm ở đâu đó... trong lòng đất! Ra khỏi tàu, tôi cắm cúi đi theo dấu hiệu chỉ đường ra cửa phía Nam, nhưng đi được một đoạn thì dấu hiệu biến mất mà khung cảnh xung quanh vẫn hoàn toàn lạ lẫm. Tôi quay lại lối cũ để tìm bảng chỉ dẫn và ngoặt sang hướng khác, đi hết đoạn cầu thang dẫn đến cửa Nam thì bỗng thấy mình đã thoát hẳn ra ngoài khuôn viên của nhà ga, nhưng nơi ấy chỉ là một góc phố vắng người và chẳng có vẻ gì là khu vực cửa Nam mà tôi quen thuộc. Nhìn thấy phía trước có một trạm gác của cảnh sát địa phương, tôi vội đến hỏi thăm thì được hướng dẫn đi ngược lại.
Tôi vội vã vừa đi vừa chạy vì lúc đó là vừa đúng giờ hẹn với thầy. Nhưng đi hoài mà chẳng thấy cửa Nam đâu cả. Lại phải thêm vài bận hỏi đường thì tôi mới có thể quay trở vào nhà ga bằng cửa Đông, rồi mới tìm được sảnh chờ quen thuộc ở cửa Nam là nơi cần đến.
Thầy đứng lặng lẽ trong một góc sảnh chờ với vẻ mặt nôn nóng, lo âu. Tôi chạy đến xin lỗi thầy, vừa kịp nhìn đồng hồ để biết mình trễ hẹn đã hai mươi phút. “Ôi may quá! Thầy lo lắng từ nãy đến giờ!” Nhìn nét mặt thầy trở nên nhẹ nhõm pha lẫn chút vui mừng sau câu nói đó, tôi mới dám giải thích cụ thể rằng mình đã đến ga trước giờ hẹn khoảng mười lăm phút, nhưng chỉ vì đi lạc mà mãi đến lúc đó mới gặp được thầy. Thầy tỏ ra thông cảm khi biết rằng đây là lần đầu tiên tôi đến ga Shinjuku bằng tuyến tàu điện ngầm, bảo rằng khu vực dưới lòng đất của nhà ga đúng là phức tạp nên những ai chưa quen phương hướng thì cũng khó mà tìm được lối ra. Tôi nhẹ người khi được thầy thông cảm nhưng cũng thấm thía cảm giác rằng nhà ga Shinjuku quả là một mê cung, rằng những gì tôi biết mới chỉ là “bề nổi” của cả một thế giới mịt mùng những đường ngang ngõ dọc.
Cuộc trải nghiệm kế tiếp về thế giới rộng lớn của ga Shinjuku đến với tôi ngay vào hôm tôi quay về sau chuyến du lịch Hokkaido. Hôm ấy tôi hẹn gặp một người bạn ở Việt Nam qua Tokyo công tác mấy ngày. Vì phải tranh thủ thời gian nên chúng tôi hẹn nhau ở ga Shinjuku vào buổi sáng, gửi tạm hành lý vào những hộc tủ có thu phí của nhà ga để đi chơi, định đến lúc xong một ngày tham quan mới ghé lấy hành lý trên đường trở về nơi lưu trú.
Trên đường đến bến tàu điện ngầm để di chuyển sang Harajuku, chúng tôi đã ghé vào một góc sảnh có tủ gửi hành lý ở khu vực gần cửa phía Tây của nhà ga. Tôi không nghĩ đó là chỗ khó tìm, vậy mà khi trở lại từ trạm dừng của tuyến Keio, chúng tôi phải loay hoay mất một hồi lâu mới tìm ra đúng khu vực có hộc tủ mà mình sử dụng. Dù không quá lo lắng về chuyện thời gian như lần hẹn gặp thầy nhưng quả thật trải nghiệm lần này ở “mê cung” Shinjuku đã làm tăng thêm trong tôi nỗi hoang mang trước một thế giới cứ ngỡ là gần gũi thân quen nhưng càng dấn sâu lại càng thấy tuyệt mù lẩn khuất.
Cảm giác bất lực khi cố gắng đi tìm địa điểm một lần nữa trở lại với tôi cũng ở ga đường sắt khổng lồ này. Đó là một đêm cuối tháng mười, khi tôi trở về Tokyo trên chuyến xe buýt đường dài từ Karuizawa. Chút cảm hứng bất chợt khi nghe cô bạn giới thiệu về ngôi nhà thờ có kiến trúc lạ mắt ở miền đất nổi tiếng là khu nghỉ mát sang trọng này đã kết nối với sự tò mò cố hữu trong tôi như một tia nước nhỏ hòa vào dòng chảy lớn, đủ lớn để cuốn tôi rời khỏi bàn viết mà bước chân vào một chuyến tham quan ngắn ngủi trong ngày.
Hôm ấy trời nắng đẹp cho đến giữa trưa nhưng đến khoảng 2 giờ chiều thì đổ mưa sầm sập. Đúng như nội dung mà tôi đã được nghe trong bản tin dự báo thời tiết! Vậy là tôi phải trải qua một buổi chiều khó nhọc vì di chuyển trong mưa. Nhưng khó khăn nhất là tôi phải chịu đựng cảm giác lạnh lẽo và ẩm ướt trong thời gian đợi xe buýt quay về. Đặc trưng của vùng tiểu khí hậu buổi đầu thu kết hợp với trận mưa bất ngờ làm cho nhiệt độ không khí ở Karuizawa lúc cuối ngày chắc phải thấp hơn gần 10 độ so với nhiệt độ Tokyo ở thời điểm tôi xuất phát.
Chuyến xe buýt lúc 6 giờ xuất hiện đã cứu tôi thoát khỏi cái lạnh và không gian sũng nước như thấm xuyên vào da thịt và tháo rời từng khớp xương trên toàn cơ thể. Tựa người vào chiếc ghế đệm bọc nhung trong lòng xe ấm áp và khô thoáng, tôi tận hưởng cảm giác của một người đang phục hồi sức khỏe sau trận ốm đột ngột, lim dim nhìn cảnh vật bên ngoài cửa kính vẫn nhập nhòe ướt át trong mưa.
Xe chạy được chừng nửa quãng đường thì tôi bắt đầu thấy đói. Tôi nghĩ đến bữa ăn tối (sẽ là khá muộn) khi kết thúc chuyến tham quan ngắn ngủi mà vất vả, và cảm giác thèm được ăn một món gì cay nóng trong nhà hàng món Việt bỗng ập đến trong tôi thật bất ngờ. Nhớ lại lần thưởng thức món bánh xèo trong nhà hàng ở ga Shinjuku cùng với hai chị em cô bạn, tôi quyết định khi xuống xe ở ga sẽ tìm lại địa chỉ mình đã đến để “nuông chiều” bản thân một chút, bù đắp năng lượng sau mấy tiếng đồng hồ chịu lạnh trong một chuyến lang thang.
Xe dừng ở cửa Tây của ga Shinjuku lúc gần 9 giờ 20 phút. Tôi hăm hở đi tìm khu vực có nhà hàng, và một lần nữa tôi nhận ra mình đang gặp bế tắc trong một mê cung! Nếu kể lại ghi nhận theo cảm giác thì tôi đã đi theo chỉ dẫn trong ký ức nhưng dường như đã bị chính ký ức của mình phản bội! Loanh quanh khoảng chừng vài chục phút, tôi đoán rằng mình đã nhầm sang tòa nhà không phải là cao ốc có nhà hàng món Việt, nhưng cũng không tìm được lối đi nào dẫn tôi đến tòa nhà khác – một hướng đi hy vọng làm cho công việc tìm kiếm trở nên khả quan hơn. Cuối cùng, khi cảm giác mệt mỏi và thèm được nghỉ ngơi đánh bại chút cảm hứng bất ngờ với món ăn cay nóng tỏa ra hương vị của ẩm thực quê nhà, tôi đành bỏ dở việc tìm kiếm để bước lên tuyến tàu quen thuộc, biết rằng bữa tối đơn giản nhất rồi sẽ được thực hiện đâu đó gần ga tàu chỉ cách nơi tôi ở vài góc phố quanh co.
Đó là lần trải nghiệm đã khiến tôi thấm thía càm giác rằng nhà ga Shinjuku là một nơi “bí ẩn”! Bí ẩn không phải vì đó là một nơi tôi hoàn toàn không biết mà, theo một cảm nhận nào đó, là nơi luôn có thể “đánh lừa” tôi vì cảm giác quen thuộc cứ loáng thoáng, mơ hồ. Điều lạ lùng là tôi không hề tích lũy được kinh nghiệm gì cho mình sau những lần lạc lối trong mê cung như thế. Những lần khác, khi xuống tàu ở vị trí nào đó trong ga Shinjuku, tôi lại đi theo biển chỉ dẫn để tìm đến cửa ra hoặc tìm sang vị trí đổi tàu, và mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Tôi không gặp lại những nẻo đường đã khiến tôi đi lạc, cứ như là trong mấy lần trải nghiệm kỳ lạ đó tôi bỗng nhiên rơi vào trạng thái ảo giác hay một đám sương mù...
Còn cảm giác quen thuộc với cái tên Shinjuku thì cho đến bây giờ vẫn thấp thoáng trong tôi. Thấp thoáng vì trong sự quen thuộc vẫn bàng bạc một cảm thức bí ẩn mơ hồ nào đó. Sắp đến ngày chia tay Tokyo, khi có việc đi qua trạm dừng khó quên này, tôi vẫn hay nhìn vào những lối rẽ liên tục mở ra ở nơi này nơi khác, và biết rằng nếu bước chân vào đó thì bất cứ lúc nào tôi cũng có thể lạc vào một mê cung hun hút nuốt thời gian của khách bộ hành giữa dòng người cứ trôi đi tấp nập và hối hả.
Với cảm giác nửa như bí ẩn và nửa như quen thuộc, Shinjuku tồn tại trong tôi như một “sinh thể” hơn là một địa điểm, địa danh. Có lẽ đó là điều thú vị nhất trong mọi điều “duyên nợ” giữa tôi và khu vực có trung tâm là nhà ga đường sắt khổng lồ này. “Sinh thể” ấy sẽ tiếp tục thay hình đổi dạng chừng nào chuyện “qua lại” giữa tôi và quốc đảo hàm chứa bao điều bí ẩn kia vẫn còn chưa kết thúc.