Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

YẾU TỐ THẨM MỸ TRONG TÂM THỨC NGƯỜI NHẬT



1. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên Nhật Bản

Nhật Bản là một đất nước quần đảo nằm trên biển Thái Bình Dương, phía Đông của lục địa châu Á.. Đất nước Nhật Bản có diện tích lãnh thổ là 377.834 km2, gồm hơn 3000 hòn đảo, trong đó có bốn đảo lớn nhất là Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu.
Địa hình Nhật Bản chủ yếu là đồi núi, diện tích đồi núi chiếm hơn 70% diện tích lãnh thổ. Đặc điểm này khá quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội Nhật Bản. Thứ nhất là địa hình đồi núi có độ dốc lớn và cấu tạo đất không thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do vậy mà nông sản ở Nhật có số lượng ít hẳn so với các quốc gia Đông Nam Á nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa phù hợp với việc canh tác lúa nước. Cùng với sự phát triển của hoạt động ngoại thương, lúa gạo và hoa quả từ khắp nơi trên thế giới được nhập khẩu vào Nhật Bản ngày càng nhiều. Tuy nhiên, giá thành của các loại nông sản này khá cao so với trường hợp được sản xuất trong nước.
Thứ hai là địa hình đồi núi không phù hợp với việc cư trú do những bất tiện trong hoạt động giao thông nên đại bộ phận dân cư tập trung ở đồng bằng. Trong khi đó, diện tích lãnh thổ ở vùng đồng bằng chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích cả nước. Tình trạng tập trung dân cư đã làm cho Nhật Bản trở thành quốc gia có mật độ dân cư cao, xếp thứ 30 trên thế giới.
Về vị trí địa lý, Nhật Bản nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, nằm ở điểm nối của ba vùng kiến tạo địa chất nên thường xuyên phải chịu các dư chấn động đất nhẹ cũng như các hoạt động của núi lửa. Các cơn động đất có sức tàn phá, thường dẫn đến sóng thần, diễn ra vài lần trong một thế kỷ. Những cơn động đất lớn gần đây nhất là động đất Chūetsu năm 2004 và đại động đất Hanshin năm 1995. Những cơn động đất xảy ra thường xuyên trên cả nước cũng ảnh hưởng rất lớn đến nhiều hoạt động trong xã hội Nhật Bản. Mọi công trình xây dựng lớn nhỏ trên nước Nhật đều phải chú ý đến kỹ thuật nhằm hạn chế thiệt hại về người và của trong trường hợp xảy ra động đất.
Ngoài ra, do vị trí quần đảo nằm giữa Thái Bình Dương nên Nhật Bản cũng thường xuyên phải chú ý đến những cơn bão nhiệt đới. Bên cạnh đó, những diễn biến cực đoan của khí hậu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, đặc biệt ở những vùng phía Bắc Nhật Bản, nơi có mùa đông lạnh và kéo dài khiến các đảo bị ngập trong những đống tuyết lớn.
Nói chung, sự bất ổn trong cấu tạo địa chất, tình trạng mất cân đối trong phân bố địa hình cùng với những biến động bất thường trong môi trường tự nhiên đã tạo nên một đất nước Nhật Bản không bình lặng. Đặc điểm này mang lại nhiều khó khăn cho đời sống của cư dân trên quần đảo nhưng đồng thời là điều kiện ban đầu tạo nên những khía cạnh tích cực trong tính cách người Nhật mà ít dân tộc nào trên thế giới có được.

2. Vẻ đẹp của thiên nhiên Nhật Bản

Mặc dù nằm trên mảnh đất đầy bất ổn và khắc nghiệt về môi trường tự nhiên nhưng mặt khác, Nhật Bản cũng là một quốc gia nổi tiếng về cảnh quan tự nhiên phong phú, trữ tình. Nhật Bản là một trong những nơi có phong cảnh được coi là đẹp nhất thế giới vì những đặc trưng vốn có của tự nhiên.
Vẻ đẹp của thiên nhiên Nhật Bản trước hết là vẻ đẹp thay đổi theo mùa. Nhật Bản có bốn mùa rõ rệt, mỗi mùa thiên nhiên lại có những sắc màu và dáng vẻ rất khác nhau: Về mùa xuân, hoa anh đào với nhiều chủng loại, nhiều sắc độ của màu hồng nở lan dần từ phía Nam lên phía Bắc. Vào mùa hè, lượng mưa tập trung nhiều nên  cây cxanh mướt tạo nên bức tranh thiên nhiên tươi nhuận và đầy sức sống. Vào mùa thu, những loại cây ôn đới có đặc tính đổi màu lá mà điển hình là cây phong (momiji) khoác lên những triền núi, sườn đồi một tấm áo màu đỏ rực. Màu đỏ của thiên nhiên cũng theo diễn biến khác nhau của khí hậu từng vùng mà lan dần từ Bắc xuống Nam. Vào mùa đông, đảo quốc tươi đẹp này lại ngập trong màu tuyết trắng. Đặc biệt là núi Phú Sĩ, ngọn núi cao nhất nước và chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức người Nhật nằm giữa đồng bằng nhưng đỉnh núi thì quanh năm tuyết phủ tạo nên một vẻ đẹp sáng lạnh và trang nghiêm. Do đó ngọn núi này trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều văn sĩ và thi sĩ xứ Phù Tang cũng như của các văn nghệ sĩ, trong đó có các nhiếp ảnh gia và họa sĩ khắp bốn phương.
Nếu như sự bất ổn về cấu tạo địa chất dẫn đến nhiều hiện tượng tự nhiên bất lợi cho cuộc sống người dân Nhật Bản như hoạt động của núi lửa, động đất, sóng thần..v..v. thì cũng chính sự bất ổn đó lại tạo ra nhiều nguồn suối nước nóng trên cả nước. Những suối khoáng này rất phù hợp với thói quen tắm nước nóng của người Nhật và hiện nay những vùng có suối khoáng thường được phát triển thành những khu nghỉ dưỡng, kết hợp với cảnh quan tự nhiên và các di tích lịch sử văn hóa trong vùng để tạo thành những điểm đến du lịch thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Nhật Bản còn là một đất nước có địa hình đa dạng. Ngoài đồi núi chiếm hơn 70% diện tích, nước Nhật còn có những bình nguyên ven biển. Các đảo Nhật Bản là một phần của dải núi ngầm trải dài từ Đông Nam Á tới Alaska nên địa hình Nhật Bản có bờ biển dài 37.000 km, có đá lớn và nhiều vịnh nhỏ nhưng rất tốt và đẹp.
Vì là một quần đảo có dạng vòng cung hẹp và dài nên Nhật Bản cũng đa dạng về khí hậu. Do địa thế và lãnh thổ trải dài 25 độ, khí hậu của Nhật Bản cũng phức tạp. Tại miền bắc của đảo Hokkaido, mùa hè ngắn nhất, mùa đông dài với tuyết rơi nhiều; trong khi đó, đảo Okinawa có khí hậu bán nhiệt đới; và do ở gần lục địa châu Á, Nhật Bản cũng chịu các ảnh hưởng thời tiết của lục địa này. Vào mùa đông từ tháng 12 tới tháng 2, gió lạnh và khô của miền Siberia thổi về hướng Nhật Bản, đã gặp không khí ẩm và nóng của Thái Bình Dương, tạo ra các trận tuyết lớn trên các phần đất phía tây. Miền đông của Nhật Bản ít bị tuyết hơn nhưng cũng rất lạnh. Sự đa dạng của các đới khí hậu trên đất nước Nhật Bản đã tạo nên những sắc màu thiên nhiên phong phú và gợi cảm: màu trắng của tuyết, màu đỏ và xanh của lá cây, màu hồng của hoa anh đào và rất nhiều màu hoa khác.
Ngoài vẻ đẹp vốn có của tự nhiên, tính cách thân thiện với môi trường, yêu thiên nhiên của người Nhật đã đóng góp rất nhiều vào việc gìn giữ, tôn tạo nhiều cảnh quan trên cả nước. Hiện nay Nhật Bản có tất cả 28 công viên quốc gia là những khu bảo tồn sinh thái được quản lý trực tiếp bởi cơ quan môi trường.

3. Quan niệm thẩm mỹ qua khái niệm “kirei”

Trong tiếng Nhật, kirei (綺麗) có nghĩa là đẹp. Từ này được dung trong phạm vi rộng rãi để chỉ  tính chất của nhiều đối tượng khác nhau:
Trường hợp chỉ người, “kirei” dùng để miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của người con gái.
Ví dụ: 鈴木さんは綺麗な人/ Chị Suzuki là người xinh đẹp.
Trường hợp chỉ vật, kirei dùng để miêu tả vẻ đẹp bề ngoài của đồ vật.
Ví dụ: 綺麗な写真/ Bức ảnh đẹp.
“Kirei” thường được dùng để diễn tả phong cảnh thiên nhiên như núi non, sông suối..v..v..hay những hiện tượng tự nhiên như tuyết rơi, hoa nở, lá đỏ..v..v..   Vì Nhật Bản là một đất nước có nhiều cảnh thiên nhiên đẹp nên từ “kirei” thường xuất hiện trong cách diễn đạt của người Nhật, gồm cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.
Một cách dùng khác của từ “kirei” cũng rất phổ biến, đặc biệt trong văn nói của người Nhật là để diễn tả ý niệm “sạch sẽ”. Cách dùng này thể hiện rõ nét văn hóa nói chung và tư tưởng thẩm mỹ của người Nhật nói riêng.
Ví dụ: 綺麗な水/ Nước sạch
Trường hợp này là cách nói để phân biệt độ tinh khiết của nước. Nước sạch hay nước uống được khác với nước có nhiều tạp chất không được đưa trực tiếp vào cơ thể. Những trường hợp khác cũng có thể hiểu theo ý nghĩa này như: ①部屋は綺麗です。②部屋を綺麗にしてください。
Trong hai câu văn trên, câu có thể hiểu là căn phòng “đẹp” vì yếu tố mỹ thuật thể hiện qua cách trang trí, chẳng hạn như kiến trúc đẹp, màu sơn đẹp, nội thất đẹp..v..v.. nhưng cũng có thể hiểu là căn phòng được sắp xếp “ngăn nắp, sạch sẽ”. Câu có thể hiểu là hãy làm đẹp căn phòng bằng cách trang trí, hoặc là “làm đẹp” căn phòng bằng cách sắp xếp, dọn dẹp, nghĩa là “làm sạch” căn phòng.
Như vậy, từ “kirei” trong tiếng Nhật vừa có nghĩa là “sạch” vừa có nghĩa là “đẹp”. Điều đó thể hiện quan điểm của người Nhật về cái đẹp. Mặc dù vẻ đẹp có nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn có thể đẹp về hình dáng, về cấu trúc, về màu sắc..v..v.. nhưng để được xem là đẹp thì trước hết phải gọn gàng, sạch sẽ. Trường hợp là phong cảnh thiên nhiên thì không thể nào dùng “kirei” để nói về một nơi nào đó dù có địa hình đẹp nhưng môi trường bị ô nhiễm hoặc có quá nhiều rác thải.
Tư tưởng đó cho thấy người Nhật rất coi trọng yếu tố vệ sinh. Mặc dù cái đẹp thẩm mỹ đối với họ rất quan trọng nhưng cái đẹp phải bắt đầu từ một thực trạng sạch sẽ, không bề bộn, không ô nhiễm. Qua cách nghĩ đó, người Nhật tỏ ra là một dân tộc rất coi trọng vẻ đẹp của tự nhiên, vẻ đẹp mang tính chất thanh khiết và do đó họ cũng là dân tộc rất chú ý đến thực trạng của môi trường.
Một vấn đề đáng chú ý là trong tiếng Nhật cũng có hiện tượng chuyển nghĩa tương tự như trường hợp các từ có “nghĩa đen” và “nghĩa bóng” trong tiếng Việt. Từ “kirei” cũng là một từ có “nghĩa bóng” trong trường hợp được dùng để diễn tả những cái đẹp trừu tượng, khác với cái đẹp do thị giác cảm nhận và đánh giá.
Ví dụ: 彼女の日本語は綺麗ですね/ Tiếng Nhật của cô ấy rất đẹp.
Trường hợp này có thể hiểu là cách phát âm tiếng Nhật trong trẻo, rõ ràng, dễ nghe hoặc giọng nói dịu dàng, gợi cảm. Ở đây từ “kirei”vốn là thuộc tính về hình ảnh đã được chuyển nghĩa sang thuộc tính về âm thanh.
Có thể nói người Nhật dùng từ “kirei” trong rất nhiều trường hợp. Cách dùng như vậy không chỉ thể hiện sự chú ý đến vẻ đẹp bề ngoài mà còn chuyển tải nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo ngữ cảnh.

THẨM MỸ CỦA ĐỜI SỐNG

1. Điều kiện kinh tế của người Nhật

Với địa hình phần lớn là diện tích đồi núi, Nhật Bản là một xứ sở gặp nhiều bất lợi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vào thời kỳ sơ sử, trong khi những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và ở đồng bằng hạ lưu sông Dương Tử đã phát triển rộng rãi nghề nông nghiệp trồng lúa nước thì ở quần đảo Nhật Bản, con người vẫn sống chủ yếu dựa vào tự nhiên với nguồn thực phẩm hạn chế. Đến khoảng thế kỷ III trước Công nguyên, cây lúa nước mới được du nhập từ đại lục vào Nhật Bản bằng con đường gián tiếp thông qua bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, cây lúa nước chỉ phù hợp với những khu vực có địa hình thấp và gần nguồn nước nên sản lượng lúa sản xuất ra ở quần đảo này không cao bằng những quốc gia khác có cùng quy mô lãnh thổ ở vùng Đông Nam Á. Do đó ngay từ thời cổ đại, người Nhật Bản đã ý thức rõ rệt về tình trạng khan hiếm lương thực trong điều kiện tự nhiên nhiều đồi núi ít đồng bằng.
Một khía cạnh đáng chú ý trong điều kiện tự nhiên của Nhật Bản là đất nước này rất ít tài nguyên. Ngoại trừ nguồn tài nguyên lâm nghiệp và thủy sản lấy từ hệ sinh thái rừng và biển, gần như các loại tài nguyên khác dùng cho sản xuất công nghiệp đều phải nhập khẩu từ bên ngoài. Do vậy, người Nhật luôn ý thức được giá trị của tài nguyên tự nhiên nói chung và nguyên vật liệu nói riêng trong sản xuất công nghiệp. Xuất phát từ ý thức đó mà dân tộc Nhật Bản rất coi trọng việc bảo vệ tài nguyên môi trường.
Do điều kiện phát triển nông nghiệp hạn chế nên ngay từ thời kỳ rất sớm Nhật Bản đã có định hướng phát triển về thương mại. Nhật Bản là một trường hợp cá biệt trong số những quốc gia ở vùng Đông Á về mặt tư tưởng. Tuy chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán nhưng tư tưởng Nho giáo coi trọng tầng lớp sĩ phu và xem thường những người làm nghề buôn bán không có sức chi phối đối với xã hội Nhật Bản ngay trong thời kỳ phong kiến.
Không chỉ xúc tiến việc buôn bán trong nước, Nhật Bản còn là một quốc gia có hoạt động ngoại thương phát triển từ rất sớm trong lịch sử. Những di tích khảo cổ cho thấy thương nhân người Nhật đã có mặt rất sớm ở những thương cảng tại Việt Nam và Đông Á là bằng chứng rõ rệt cho thực trạng này. Đặc biệt vào thời kỳ Mạc phủ Tokugawa (1603- 1867), hoạt động ngoại thương tại Nhật Bản được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi nhà cầm quyền đương thời thông qua chính sách “Châu ấn trạng” (Shuinjo). Theo chủ trương này, chính quyền Mạc phủ cấp một loại “giấy phép” có đóng dấu đỏ cho những thương nhân muốn tham gia buôn bán ở các thương cảng ngoài nước Nhật. Chính trong thời kỳ này hoạt động thương mại đã diễn ra sôi nổi ở cảng thị Hội An thuộc miền Trung Việt Nam với thương thuyền của nhiều quốc gia trong khu vực mà nổi bật nhất là Nhật Bản.
Khuynh hướng “trọng thương” từ thời kỳ Mạc phủ kéo dài nhiều thế kỷ trong lịch sử Nhật Bản là cơ sở để hình thành nên những tập đoàn kinh tế tư bản có quy mô lớn ở Nhật vào đầu thời kỳ cận đại. Sự phát triển của thủ công nghiệp và sự năng động trong hoạt động thương nghiệp đã giúp Nhật Bản sớm xây dựng được cơ sở vật chất đầy đủ để bước vào giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, vượt qua trình độ phát triển của những quốc gia có quy mô lãnh thổ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và quan trọng nhất là thoát khỏi sự xâm lược và kiểm soát của chủ nghĩa thực dân phương Tây trong thời kỳ chinh phục viễn Đông.

2. Tính tiết kiệm của người Nhật

Cho đến khi trở thành một cường quốc kinh tế thế giới với mức thu nhập quốc dân vượt qua nhiều nước có nền kinh tế phát triển mạnh ở Tây Âu, Nhật Bản vẫn là một dân tộc nổi tiếng về đức tính tiết kiệm. Đức tính này trong nước Nhật hiện đại vẫn tồn tại và ngày càng thể hiện rõ nét hơn trong mọi khía cạnh của đời sống cá nhân cũng như tập thể. Có thể lý giải tính tiết kiệm của người Nhật từ hai nguyên nhân chính như sau.
Do những khó khăn về điều kiện kinh tế: đất nước Nhật Bản vốn nghèo tài nguyên và thiếu đất nông nghiệp. Như vậy dân tộc Nhật thiếu cả điều kiện để phát triển nông nghiệp lúa nước và công nghiệp. Trong khi các nước ở  vùng Đông Nam Á phong phú về tài nguyên và có thể sản xuất lương thực, thu hoạch hoa quả suốt bốn mùa thì Nhật Bản chỉ có thể làm ra một khối lượng lương thực hạn chế và phải nhập khẩu hầu hết các loại hoa quả. Trong thời kỳ phát triển công nghiệp, Nhật Bản cũng phải nhập khẩu gần như toàn bộ nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc từ tự nhiên, mà quan trọng nhất là các loại khoáng sản. Đó là một thực trạng buộc người Nhật phải tiết kiệm trong đời sống hàng ngày và trong hoạt động sản xuất.
Bên cạnh nguyên nhân về kinh tế, tính tiết kiệm của người Nhật còn chịu ảnh hưởng bởi quan niệm đạo đức của Phật giáo. Phật giáo vốn là một tôn giáo xuất phát từ Ấn Độ với mục đích tối thượng là đưa con người đến với sự giải thoát viên mãn, nghĩa là đạt đến trạng thái dứt bỏ hoàn toàn mọi tham vọng trần tục. Đối với người Nhật, Phật giáo là con đường dẫn dắt người ta đến với sự thanh thản bằng cách rèn luyện tốt đạo đức cá nhân. Một trong những cách rèn luyện đạo đức quan trọng là phải từ bỏ những tham vọng không chính đáng và hạn chế những dục vọng hướng đến đời sống vật chất. Do đó người Nhật có khuynh hướng trọng lối sống giản dị, tính cách nhẫn nhục, chăm chỉ và đặc biệt là tính tiết kiệm.
Khuynh hướng tiết kiệm trong tính cách người Nhật thể hiện cả trong đời sống cá nhân và đời sống tập thể. Trong đời sống cá nhân, người Nhật luôn là những người lao động cần mẫn nhưng dè dặt trong việc chi tiêu. Nói cách khác, họ tổ chức đời sống dựa trên sự cân đối nghiêm ngặt giữa mức thu nhập, tiêu dùng và tích lũy. “Từ giữa những năm 50 cho đến tận đầu những năm 80, tức là sau ¼ thế kỷ, phần tích lũy trong tổng thu nhập quốc dân Nhật Bản giữ ở mức độ 30- 35% (trong lúc đó ở các nước tư bản phát triển chiếm khoảng 17- 20%)[1]. Trong đời sống tập thể, khuynh hướng tiết kiệm thể hiện rõ nhất ở các công ty và xí nghiệp sản xuất. Những doanh nhân người Nhật sẵn sàng vay vốn để đầu tư cho việc kinh doanh nhưng họ luôn tính toán rất chi tiết những khoản cần phải chi trong doanh nghiệp. Nhờ thiết kế được chế độ quản lý chặt chẽ, các doanh nghiệp Nhật Bản đã tiết kiệm được chi phí trong nhiều phương diện từ thời gian làm việc của công nhân đến chi phí nguyên vật liệu hay các loại văn phòng phẩm. Nhà nước Nhật Bản cũng có những chính sách tiết kiệm ở tầm vĩ mô nhằm hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế trên toàn quốc. Chẳng hạn trong thời gian đầu của quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Nhật, chính phủ đã kêu gọi các cơ quan nhà nước hạn chế mua ô tô nhập khẩu từ nước ngoài để tiêu dùng hàng quốc nội. Chính sự tiết kiệm đồng bộ từ cá nhân đến tổ chức đã đóng vai trò là một trong những nhân tố chủ yếu đưa đến những thành tựu phát triển kinh tế “thần kỳ” ở Nhật Bản trong nửa cuối thế  kỷ XX.

3. Quan niệm thẩm mỹ qua khái niệm “wabi- sabi”

“Wabi- sabi” được xem là một trong những khái niệm nền tảng- hoặc những keyword- để tìm hiểu về tư tưởng thẩm mỹ Nhật Bản. Trên thực tế, “wabi- sabi” không phải là khái niệm hàn lâm chỉ tồn tại trong giới học thuật mà là khái niệm hơi cổ điển nhưng gắn với cuộc sống đời thường của người Nhật.
“Wabi” có thể hiểu là sự đơn giản, thô sơ, đạm bạc về hình thức nhưng hàm chứa sự phong phú về mặt tinh thần. “Sabi” gần như là nỗi buồn hay sự cô đơn, gợi lên vẻ đẹp cổ xưa của những tác phẩm nghệ thuật hoặc những vật dụng của cuộc sống đời thường. “Wabi- sabi” thường dùng để nói đến sự vật, thường là những vật dụng hằng ngày, đã gắn bó với con người qua một khoảng thời gian nhất định và lưu giữ dấu ấn của thời gian cũng như dấu ấn sinh hoạt của người sử dụng những đồ vật đó.
“Wabi- sabi” thể hiện thế giới quan hay tư tưởng thẩm mỹ sâu sắc của người Nhật, và khác hẳn với tư tưởng thẩm mỹ của phương Tây, nên rất khó diễn đạt bằng một ngôn ngữ khác. Theo Leonard Koren, “wabi- sabi” là nét đặc trưng nổi bật nhất của cái được cho là vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản và “vị trí của nó trong hệ giá trị thẩm mỹ Nhật Bản cũng tương đương với tư tưởng Hy Lạp về cái đẹp và sự hoàn thiện ở phương Tây”.
“Wabi- sabi” là vẻ đẹp của sự vật không hoàn hảo, không toàn mỹ và không thường hằng. Đó là vẻ đẹp đơn sơ và mong manh. Là vẻ đẹp độc đáo ngoài quy ước.
Khái niệm “wabi- sabi” tương quan với những khái niệm của Phật giáo Thiền tông, bởi những người Nhật đầu tiên có liên quan đến khái niệm này là thầy dạy trà đạo, nhà sư và tăng sinh học Thiền.
Khái niệm “wabi- sabi” cho thấy một trong những nét chủ đạo của bản sắc văn hóa Nhật Bản là coi trọng tính nhân văn của cuộc sống. Đồng thời, quan niệm thẩm mỹ này còn gắn liền với khuynh hướng tiết kiệm của người Nhật. Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đặc điểm này ở người Nhật là do sự ảnh hưởng của Phật giáo. Trong lĩnh vực tổ chức đời sống cá nhân và gia đình, người Nhật có khuynh hướng giản dị. Chẳng hạn như ngôi nhà truyền thống của người Nhật thường làm bằng gỗ và không sử dụng những phụ kiện có màu sắc nổi bật để trang trí nội thất như người phương Tây: “Cả vách trong lẫn vách ngoài thường không bao giờ quét vôi- cố nhiên, phần bên trong bao giờ cũng được gia công kỹ lưỡng cho tăng vẻ mỹ quan; còn phần bên ngoài thì phó mặc cho thiên nhiên hoàn thiện giùm. Dáng dấp chung của nếp nhà và cảnh quan chung quanh rất phù hợp với một quan điểm thẩm mỹ của dân tộc Nhật, gọi là wabi: dung dị nhưng thanh tao- tựa hồ muốn thi vị hóa vẻ thanh bạch vậy[2].
Như vậy, thẩm mỹ được biểu đạt bởi khái niệm “wabi- sabi” là vẻ đẹp giản dị, thanh tao gợi lên cảm thức u hoài về cuộc sống con người hơn là thiên hướng chú trọng về hình thức trong nghệ thuật trang trí mang dấu ấn của nền văn minh công nghiệp. Tư tưởng thẩm mỹ này chi phối rất nhiều lĩnh vực của nghệ thuật truyền thống Nhật Bản như trà đạo, hoa đạo, hội họa hay nghệ thuật vườn cảnh.


[1]Vơxevôlốt Ôvơchinnhikốp, 1988, Cành Sakura, NXB Mũi Cà Mau, tr. 230
[2] V. Pronikov & I. Ladanov, 2004, Người Nhật (Đức Dương biên soạn), NXB Tổng hợp Tp.HCM, tr. 53

1. Tình yêu và sự hòa điệu với thiên nhiên

Sống trên quần đảo giữa Thái Bình Dương trong điều kiện thiên nhiên nhiều biến động và đầy khắc nghiệt nhưng cũng không ít cảnh quan thi vị trữ tình, người Nhật luôn phải tìm cách khắc phục những bất lợi của tự nhiên để tồn tại và phát triển nhưng cũng chưa bao giờ đánh mất tình yêu đối với thiên nhiên. Tình yêu và sự gắn bó với thiên nhiên của người Nhật thể hiện trong từng khía cạnh đời sống và trong hầu hết những loại hình nghệ thuật truyền thống của họ.
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất về sự gắn bó với thiên nhiên thể hiện trong ngôn ngữ của người Nhật. Trong văn hóa giao tiếp, người Nhật luôn nhắc đến yếu tố mùa, nói đến những diễn biến và đặc điểm của tự nhiên ở thời điểm giao tiếp. Chẳng hạn như khi mở đầu một lá thư, người Nhật luôn dành câu đầu tiên để nói về thiên nhiên- thường là về thời tiết, khí hậu- như một thông lệ truyền thống. Trong ngôn ngữ nghệ thuật cũng vậy. Tập thơ cổ điển nổi tiếng của người Nhật ra đời vào thế kỷ VIII có tên là “Vạn diệp tập” (Manyoshu) có nghĩa là “mười nghìn chiếc lá”. Người Nhật xem thơ ca như là sự hòa điệu giữa tâm hồn biết thưởng ngoạn của con người và cái đẹp của tự nhiên. Như lá cây mọc ra trên cành cây, thơ sinh ra từ thẩm mỹ của thiên nhiên và từ trái tim người. Do vậy mà một quy tắc của loại thơ truyền thống Nhật Bản là thơ Haiku quy định rằng trong mỗi bài thơ đều phải có “quý ngữ”, nghĩa là từ chỉ mùa, cụ thể hơn là chỉ những nét đặc trưng của tự nhiên theo từng mùa, ví dụ như mùa hạ thì có chim cuốc (hototogisu), mùa thu thì có trăng (tsuki), mùa xuân có hoa mai (ume)..v..v..
Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống, tính gắn bó và hòa điệu với thiên nhiên cũng thể hiện rất rõ. Chẳng hạn như nghệ thuật uống trà (sado). Để tổ chức lễ trà người Nhật cần phải có trà thất (chasitsu), là một kiến trúc nhỏ trong vườn, tách rời với ngôi nhà ở chính và nằm giữa thiên nhiên. Trong trà thất được bài trí đơn giản, với một bức tranh phong cảnh theo mùa phù hợp với thời điểm tổ chức tiệc trà, một bình hoa thường chỉ cắm một đóa hoa được hái trong vườn, thậm chí có thể là một bông hoa dại nở vào buổi sớm. Người Nhật tổ chức tiệc trà không phải chỉ để uống trà mà còn để thưởng thức hương vị thiên nhiên, đắm mình vào không khí trong trẻo của tự nhiên để tâm hồn lắng lại, thoát khỏi những tất bật đời thường và chiêm nghiệm về bản thân, về cuộc sống. “Nếu như nỗi đam mê đang sôi sục trong tâm hồn con người sinh ra những cử chỉ nhất định thì, như nghệ nhân tiệc trà quan niệm, có những cử chỉ có thể tác động lên tâm hồn và làm nó dịu lại. Bằng những động tác bắt buộc nhất định, bằng vẻ đẹp hài hòa của chúng, tiệc trà tạo nên sự bình thản của tâm hồn, đưa nó vào trạng thái rất nhạy cảm với vẻ đẹp toàn diện của thiên nhiên[1] .
Trong đời sống thường nhật cũng vậy. Người Nhật luôn có khuynh hướng gần gũi với thiên nhiên. Khuynh hướng đó thể hiện rất rõ qua việc thiết kế ngôi nhà truyền thống và nghệ thuật vườn cảnh Nhật Bản: “Nếu nằm lọt trong một thành phố lớn, ngôi nhà dân tộc thường không còn những vuông sân nhỏ vây quanh….Nhưng ngay cả khi không còn một mẩu đất thừa nào nữa, người Nhật vẫn cố tìm mọi cách để tạo dựng những kiến trúc nhỏ, trông tựa như một khoảnh vườn cỏn con, và tại đó thế nào cũng bài trí một vài tảng đá thô theo mô thức các thạch viên (vườn đá) nổi tiếng[2].
Tình yêu thiên nhiên, sự trân trọng vẻ đẹp tự nhiên của người Nhật chính là động lực quan trọng nhất cho công tác bảo vệ môi trường tự nhiên trên đất nước này. Mặc dù là nước công nghiệp hóa đầu tiên ở vùng Đông Á và có tốc độ phát triển kinh tế nhanh đến mức “thần kỳ”, thiên nhiên Nhật Bản cho đến bây giờ vẫn còn đầy đủ những sắc màu phong phú với những rặng cây lá đỏ, những đám mây hoa anh đào và những công viên quốc gia trên khắp các vùng đất nước.

2. Tình yêu cuộc sống và sự trân trọng dấu ấn thời gian

Những nhà nghiên cứu về Nhật Bản đã có nhận xét rằng: khác với văn hóa Ấn Độ thiên về sự sùng bái những thế lực siêu nhiên và khuynh hướng tư duy siêu hình, văn hóa và tư duy Nhật Bản hướng về sự thực dụng. Điều này cũng được thể hiện trong quan niệm thẩm mỹ Nhật Bản.
Nhưng trước hết, cần phải hiểu “thực dụng” ở đây không phải theo nghĩa hẹp là sự chú trọng duy nhất đến yếu tố vật chất mà bỏ qua những giá trị tinh thần. Tính “thực dụng” của người Nhật chính là đầu óc thực tế và tình cảm trân trọng đối với cuộc sống con người. Có thể nói yếu tố tự nhiên và yếu tố nhân văn có vị trí như nhau trong tư tưởng thẩm mỹ nói riêng và trong văn hóa Nhật Bản nói chung. Điều đó thể hiện trước hết qua những nghệ thuật truyền thống của người Nhật.
Cái cầu giữa nghệ thuật và thiên nhiên, giữa nghệ thuật và cuộc sống hằng ngày- đó là nét căn bản của nền văn hóa Nhật Bản. Ở đất nước này chưa bao giờ có sự phân chia rạch ròi giữa nghệ thuật thuần túy và nghệ thuật thực hành. Người Nhật quen với việc hòa đồng cái đẹp với cái có mục đích và bất kỳ một đồ dung trong nhà nào của họ cũng đều chứa đựng vẻ đẹp và tính thực dụng[3].
Như đã trình bày ở phần trên, tư tưởng thẩm mỹ của người Nhật được hình thành trên cơ sở của môi trường tự nhiên Nhật Bản đồng thời chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Tính mùa rõ rệt của thiên nhiên Nhật Bản làm người Nhật trở nên nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường. Thêm vào đó, quan niệm Phật giáo về sự luân hồi và tính vô thường của đời sống càng khiến người Nhật chú ý nhiều hơn đến sự thay đổi về thời gian. Từ ý thức đó, người Nhật rất trân trọng thời gian của cuộc sống, trân trọng từng khoảnh khắc và từng dấu ấn mà con người lưu lại trên những vật dụng quanh mình:
Người châu Âu cố gắng xóa sạch vết cũ kỹ khi chùi rửa đồ vật một cách dữ dội. Chúng tôi thì ngược lại cố gắng gìn giữ cẩn thận nó, đưa nó lên thành một nguyên tắc thẩm mỹ nào đó. Chúng tôi rất thích những đồ vật có dấu ấn của con người, dấu dầu mỡ, dấu phong sương. Chúng tôi không thích những màu sắc, ánh lấp lánh gây nên trong tâm trí chúng tôi những dấu ấn của các hiện tượng bên ngoài. Chúng tôi nghỉ ngơi bằng tinh thần, sống trong những ngôi nhà và giữa các đồ vật kiểu như vậy[4].
Cũng xuất phát từ ý thức về sự vô thường của cuộc sống mà người Nhật tôn thờ những vẻ đẹp ngắn ngủi, thoáng qua. Không phải ngẫu nhiên mà dân tộc Nhật Bản ngưỡng mộ hoa anh đào. Loại hoa này có đặc tính là rụng cánh ngay khi vừa nở, cánh hoa vẫn tươi màu trong khi rơi như người võ sĩ hi sinh giữa tuổi xuân của cuộc đời. Một vẻ đẹp gợi lên sự phù du, gợi cảm giác nuối tiếc về một điều gì đó không trọn vẹn nhưng chính vì vậy mà trở nên quý giá:
Giờ phút bừng tỉnh mong đợi của thiên nhiên ở đây được bắt đầu bằng sự ra hoa đột ngột và rộng khắp của cây anh đào. Những cành hoa màu hồng của chúng làm người Nhật xúc động và than phục không chỉ bằng số lượng nhiều của mình mà còn bằng sự ngắn ngủi của chúng. Các cánh hoa anh đào không bao giờ héo. Chúng thà rụng khi vẫn còn tươi nguyên trên cây còn hơn là chịu vẻ đẹp của mình bị giảm đi dù chỉ là một chút[5].

3. Văn hóa “nhìn” của người Nhật

Có thể nói tình yêu thiên nhiên của người Nhật đã kết tinh vào tư tưởng thẩm mỹ của họ qua khuynh hướng gắn kết và hòa điệu với thiên nhiên. Đó là phần nền tảng của ý thức thẩm mỹ Nhật Bản. Còn nếu quan sát từ bên ngoài, ai cũng dễ dàng nhận thấy người Nhật là một dân tộc rất chú trọng đến vẻ đẹp hình thức trong mọi trường hợp.
Chẳng hạn như trong vấn đề ẩm thực. Người Nhật truyền thống không tổ chức những bữa tiệc đông người như trong văn hóa phương Tây. Họ cũng không sử dụng những bộ đồ ăn sáng loáng làm bằng những chất liệu đắt tiền. Nét riêng của người Nhật là chú trọng về cách bài trí thức ăn khi dọn bữa. Các món ăn phải được đựng trong những dụng cụ thích hợp và phải hài hòa về màu sắc khi được bày ra trên bàn ăn. Do tính cách này mà người Nhật thường có câu nói “ăn bằng mắt”  trong nghệ thuật ẩm thực.
Tuy nhiên, tư tưởng thẩm mỹ Nhật Bản không chỉ đơn thuần là trọng vẻ đẹp hình thức. Người Nhật thường thể hiện sự tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên bằng rất nhiều phong tục như “hanami” (ngắm hoa anh đào), “tsukimi” (thưởng nguyệt), “hotarumi” (ngắm đom đóm), “yukimi” (ngắm tuyết rơi).  Những phong tục hay lễ hội truyền thống này tạo nên “văn hóa nhìn” của người Nhật như một nét đặc trưng của bản sắc văn hóa Nhật Bản.
Rất nhiều dân tộc lựa chọn một loài hoa nào đó làm quốc hoa, nhưng tình yêu như người Nhật dành cho hoa anh đào thì có lẽ là duy nhất. Vào mùa xuân khi hoa anh đào nở, cả nước Nhật xôn xao với lễ hội ngắm hoa anh đào. Ở mỗi địa phương, người ta tổ chức thành từng nhóm- thường là theo lứa tuổi hoặc theo cơ quan làm việc- tập trung đến những công viên có nhiều hoa anh đào để vui chơi, đàn hát, ăn uống và thưởng thức vẻ đẹp của hoa trong cảm giác đắm mình vào thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp. Vào mùa thu, người Nhật lại có phong tục thưởng trăng. Mùa đông thì ngắm tuyết rơi. Đặc biệt người Nhật truyền thống còn có lễ hội ngắm đom đóm vào những đêm đẹp trời mùa hạ.
Trong xã hội Nhật Bản hiện đại, những lễ hội truyền thống không còn đầy đủ như trước đây nhưng khuynh hướng trân trọng cái đẹp thì vẫn tồn tại đậm nét trong văn hóa Nhật Bản. Có thể nói nước Nhật là quốc gia duy nhất trên thế giới có “văn hóa nhìn” xuất phát từ lòng ngưỡng mộ cái đẹp thiên nhiên cũng như người Nhật là dân tộc duy nhất nâng những hoạt động truyền thống mang tính thẩm mỹ lên thành “đạo”.
Truyền thống sùng mộ cái đẹp được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để lại dấu ấn sâu đậm trong mọi lãnh vực, thể hiện cả trong tình cảm, trong hành động lẫn ngôn từ…Tình yêu đối với cái đẹp, dĩ nhiên mọi dân tộc khác đều có, nhưng ở người Nhật, đó là một bộ phận không thể tách rời với truyền thống dân tộc[6].


[1] Vơxevôlốt Ôvơchinnhikốp, 1988, Cành Sakura, NXB Mũi Cà Mau, tr.71
[2] V. Pronikov & I. Ladanov, 2004, Người Nhật (Đức Dương biên soạn), NXB Tổng hợp Tp.HCM, tr. 54
[3] Vơxevôlốt Ôvơchinnhikốp, 1988, Cành Sakura, NXB Mũi Cà Mau, tr. 72
[4] Dennichiro Tanizaki, 1992, Sự ca ngợi bóng râm, dẫn theo Vơxevôlốt Ôvơchinnhikốp, 1988, Cành Sakura, NXB Mũi Cà Mau, tr. 56
[5] Vơxevôlốt Ôvơchinnhikốp, 1988, Cành Sakura, NXB Mũi Cà Mau, tr. 52
[6] V. Pronikov & I. Ladanov, 2004, Người Nhật (Đức Dương biên soạn), NXB Tổng hợp Tp.HCM, tr. 33

TÀI LIỆU THAM KHẢO




1.      Charles. A. Moore, 1967, The Japanese mind: Essentials of Japanese Philosophy and culture, East-west center press, USA, 357 tr.
2.      Dương Ngọc Dũng, 2008, Nhật Bản học, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 310tr.
3.      Junjiro Takakusu, 2007, Tinh hoa triết học Phật giáo (Tuệ Sỹ dịch), NXB Phương Đông, 300tr.
4.      Kodansha International, 1995, Japan- Profile of a nation, Tokyo, 493 tr.
5.      Lê Văn Quang, 1998, Lịch sử Nhật Bản, NXB Đại học quốc gia Tp.HCM, 297 tr.
6.      Nancy Wilson Ross, 2005, Ba con đường minh triết Á châu (Người dịch: TS. Võ Hưng Thanh), NXB Văn hóa thông tin, 291tr.
7.      Thích Thiên Ân, 1965, Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, NXB Đông Phương, 406tr.
8.      V. Pronikov & I. Ladanov, 2004, Người Nhật (Đức Dương biên soạn), NXB Tổng hợp Tp.HCM, 412tr.
Vơxevôlốt Ôvơchinnhikốp, 1988, Cành Sakura, NXB Mũi Cà Mau, 310tr.