Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

AI CHO TA LƯƠNG THIỆN?



Quả thật là gần đây có một số người tranh luận với nhau (theo tôi được biết thì “diễn đàn” tranh luận là facebook cá nhân và báo điện tử) về tác phẩm Chí Phèo, đại loại là có nên tiếp tục để tác phẩm này trong sách giáo khoa hay không, và nên nhìn nhận ý nghĩa của hình tượng Chí Phèo như thế nào v.v... Nhưng tôi viết bài này không phải vì bản thân bị cuốn vào cuộc tranh luận đó. Chí Phèo không phải là tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Kể cả những câu mà tôi thuộc nằm lòng khi bất chợt “đụng phải” Nam Cao trong tâm tưởng, như “nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối...” cũng không thật sự là điều tôi tâm đắc khi thưởng thức văn học. Đó chỉ là nội dung mà tôi nhớ được rất tự nhiên, nhưng không khiến cho tôi trăn trở hay làm tôi xúc động sâu sắc.
Cuộc tranh luận nói trên đã nhắc tôi nhớ lại, không biết là lần thứ bao nhiêu, ý định sẽ viết cái gì đó về câu duy nhất mà tôi nhớ trong tác phẩm này, nhưng không phải là nhớ tự nhiên mà vì đã từng nghe thầy tôi bình luận khi so sánh với quan điểm mà thầy cho là trái ngược với nội dung của câu văn ấy. Đó là câu mà Chí Phèo đã thốt lên rất thống thiết rằng “Ai cho tôi lương thiện”.
Gần đây, trong một cuộc tọa đàm, thầy nhắc lại lời bình luận mà tôi đã từng nghe, và gặp phải một số ý kiến phản bác. Tôi nghe và cảm thấy bất an vì nhận ra có một khoảng trống mơ hồ giữa hai luồng ý kiến trái ngược, nên định sẽ ngồi xuống viết ra suy nghĩ của chính mình xem có “lọt” được vào cái khoảng trống ấy không. Và nhân tiện, vì chuyện này có liên quan đến vấn đề so sánh, tôi cũng muốn nói thêm về một tác phẩm đã để lại cho tôi những ấn tượng khó phai...
Tôi không đến mức “dị ứng” với lời thoại nhân vật nêu trên, như cách thể hiện của thầy tôi khi nói về câu đó, cũng không đủ tầm xa như thầy để lo rằng các em học sinh chưa đủ vững vàng trong nhận thức sẽ dễ bị nhầm lẫn mà hiểu sai, “vận dụng” sai lời nói của Chí Phèo. Nhưng cũng như thầy, tôi có đọc trong những cuốn sách khác những nội dung khiến cho tôi nghĩ rằng lương thiện là thứ mà người này không thể đem cho người khác được.
Tôi không định nói rằng ai đúng ai sai. Nhận xét về bản chất con người vốn dĩ khó phân định đúng sai, trừ khi chủ thể phân định là... Thượng Đế! Huống chi đây lại là những nhận xét trong văn bản nghệ thuật, là kiểu diễn ngôn được người ta cố ý đặt vào một mạng lưới ngữ nghĩa phức tạp, rồi lại còn làm mờ hoặc xóa đi các lằn ranh ý nghĩa! Cho nên, việc tồn tại những phát ngôn mang ý nghĩa hoặc gợi lên những ý nghĩa trái ngược nhau trong những tác phẩm khác nhau là chuyện rất bình thường.
Điều tôi quan tâm chính là sự khác nhau như vậy.
Trong cuộc tranh luận mà tôi có nói đến khi bắt đầu bài viết, có những người đã hết lời ca ngợi tác phẩm Chí Phèo. Tôi tôn trọng cảm nhận và ý kiến của họ về tác phẩm, và bản thân cũng không hề có ý định phủ nhận giá trị của một truyện ngắn được nhiều người biết đến trong văn học hiện đại Việt Nam. Tôi chỉ tự hỏi rằng không biết họ cảm nhận ra sao, họ nghĩ đến điều gì khi đọc đến tình tiết mà nhân vật thốt lên “Ai cho tôi lương thiện”. Riêng tôi thì không hề có ấn tượng gì cả khi tiếp xúc với phát ngôn này. Chỉ khi nghe ý kiến của thầy tôi, và khi đọc vài tác phẩm với nội dung khiến tôi có suy nghĩ ngược lại, thì tôi mới nhớ ra đã từng biết một tác phẩm của văn học Việt Nam có nhân vật thốt lên câu đó.
Tôi biết vì sao lời thoại trong truyện ngắn của Nam Cao không gây cho tôi ấn tượng gì đáng kể. Ấy là vì tôi đã tiếp nhận lời thoại trong tác phẩm Chí Phèo một cách rất tự nhiên khi cảm xúc chảy theo mạch văn từ tình tiết này sang tình tiết khác. Chí Phèo là nhân vật rơi vào bi kịch vì đã bị hoàn cảnh tha hóa và bất lực trước hoàn cảnh. Tôi cảm nhận rằng câu nói mà nhân vật thốt lên là sự thể hiện rõ ràng tâm thế bất lực ấy. Cũng phải nói thêm rằng tôi chỉ cảm nhận về nội dung tác phẩm chứ hoàn toàn không biết bản thân tác giả có suy nghĩ và cảm nhận như nhân vật trong tác phẩm hay không, có nghĩ rằng lương thiện là thứ có thể xin và cho được hay không. Bởi vì về nguyên tắc, một nhà văn có thể ký thác tư tưởng của mình vào phát ngôn của nhân vật, nhưng cũng có thể để nhân vật nói ra những điều hoàn toàn trái ngược với quan niệm đạo đức hoặc suy nghĩ của bản thân.
Trường hợp gây ấn tượng về quan niệm ngược lại thì hầu hết đều thuộc loại khó đọc của văn học nước ngoài. Dostoevsky là một điển hình được thầy tôi nói đến. Nhưng tôi nghĩ mình chưa đủ tư cách để nói về tác phẩm của Dostoevsky, mà chỉ xin đưa ra một ví dụ có thể được xem là tương đối gần gũi với Chí Phèo, vì là tiểu thuyết của nhà văn người Việt viết bằng tiếng Việt.
Trong tiểu thuyết Và khi tro bụi, nhân vật An Mi đã trải qua biến cố lớn trong đời, lớn đến mức khiến cho cô quyết định sẽ rời bỏ cuộc đời để đi vào cõi chết, nhưng đồng thời cô vẫn luôn thắc mắc về bản lai diện mục của mình: “Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết.”
Dù biết rõ mình đến từ đâu, dù vẫn nhớ những giai đoạn đã trải qua trong đời và những người quan trọng đã có mặt trong những giai đoạn đó nhưng An Mi vẫn cảm thấy mình không nắm bắt được con người thật sự ở trong bản thân mình. Hành trình tìm kiếm bản thân của An Mi là tìm kiếm cái tôi ở bên trong, một cái tôi không thể định nghĩa được chỉ với những thông tin như quốc tịch, nghề nghiệp, địa chỉ v.v....
Và cuối cùng, An Mi đã gặp được cái tôi đích thực mà cô đã tìm kiếm và gần như bỏ cuộc trong rã rời, tuyệt vọng, khi cô đang ở trong trạng thái chơi vơi giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Ấy là khoảnh khắc cô nhận ra mình đã bỏ rơi em gái giữa cảnh tượng khủng khiếp của bom đạn chiến tranh, khi em gái đối mặt với tử thần và cần đến sự cứu giúp của cô hơn bao giờ hết.
Quyết định bỏ rơi người em gái trong hoàn cảnh như vậy, dù là một trạng thái không được kiểm soát bởi ý thức thông thường, chính là sự thể hiện trong sâu thẳm bản chất con người của An Mi. Đó cũng là một An Mi dù đã quyết định đi tìm kiếm cái chết vẫn không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh của câu chuyện tình cờ đọc được trong cuốn sổ, và vì thế đã lặn lội đi tìm Marcus tội nghiệp bị bỏ rơi, tìm đến ngôi nhà trong câu chuyện để biết được Anita đã sống một cuộc đời buồn đến thế nào, đã hụt hẫng vô cùng khi Michael là người viết ra câu chuyện ấy lại chối bỏ những điều mình đã viết, quay lưng với Marcus mà anh từng nghĩ đến như lẽ sống của anh những ngày mới bắt đầu một cuộc sống tự lập. Một An Mi đã từng hiểu được ý nghĩa tinh tế, sâu thẳm của tình thương trong cuộc giao tiếp ngắn ngủi cùng Marcus, khi cậu bé khẳng định “em biết một con chó là như thế nào”, bằng cách ra dấu không phải chiều cao mà là chiều ôm con chó trong vòng tay của em. Một An Mi như vậy đã bỏ rơi em mình trong khoảnh khắc định mệnh, vì một sự điều khiển nào đó từ thẳm sâu vô thức.
Một An Mi như vậy có lương thiện hay không?
Đó không chỉ là một câu hỏi dẫn đến bế tắc vì không thể có được câu trả lời, mà còn khiến cho tôi, sau khi đọc tác phẩm Và khi tro bụi, đã chợt nhận ra rằng con người có thể thiện hay ác, trong tận cùng bản chất của mình, khi mình còn chưa kịp ý thức rõ ràng về điều đó. Rằng chính những quyết định đến từ tầng sâu khó mà dò tới trong vô thức, và vì thế mà không bị kiểm soát bởi ý thức thông thường của một cá nhân trong cộng đồng xã hội, mới là biểu hiện trung thực của bản chất con người. Cái bản chất mà thậm chí “chủ thể” của nó không thể nào lý giải cho rành mạch! Và phải chăng đó là cái “to be or not to be” mà Hamlet nói đến?
Dĩ nhiên là tôi chưa từng có được lời xác nhận nào về cảm nhận nói trên, từ tác giả của Hamlet hay tác giả Và khi tro bụi. Tôi chỉ tình cờ gặp được sự cảm nhận gần giống hệt như thế khi đọc cuốn sách Thế giới quan của Dostoevky trong thời gian gần đây.
Nhưng điều quan trọng ở đây là, dù các nhà văn có viết gì và những người đọc như tôi cảm nhận theo cách nào về những trang viết ấy, thì chúng ta chỉ nên đặt nghệ thuật ở đúng chỗ của nó mà thôi.
Nhà văn không phải là Thượng Đế để thấu suốt về bản chất con người, mà cũng không phải là triết gia phát biểu những chân lý sau khi đã nghiền ngẫm vấn đề và rút ra kết luận.
Cho nên, “hiện thực” trong văn chương không phải là sự thật tuyệt đối hay chân lý tối hậu, mà chỉ là cái khả thể của cuộc sống con người, được trình bày theo một cách nào đó dựa vào kinh nghiệm và cảm quan của nhà văn.
Người ta không nói là tác phẩm này đúng và tác phẩm kia sai, mà có thể nói là tác phẩm này rất hay, hoặc tác phẩm nào đó là không mấy thú vị. Bởi vì bản chất của tác phẩm là chia sẻ và khơi gợi, kích thích những cảm nhận, suy nghĩ ở con người. “Giá trị” của tác phẩm này khác với tác phẩm kia là khác ở chỗ đó.
Chí Phèo không làm tôi sửng sốt dù anh ta được nhà văn miêu tả là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, vì bằng cảm quan thông thường thì tôi cũng biết rằng có rất nhiều người sẽ trở thành như thế nếu trải qua những gì mà Chí đã trải qua. Nhưng An Mi là một trong những nhân vật đã khiến tôi chấn động với suy nghĩ rằng không có gì đảm bảo để tôi không quyết định bỏ rơi một người thân, như cô ấy đã quyết định bỏ rơi em gái đang kêu cứu. Và như An Mi, tôi không thể biết mình lương thiện hay là không lương thiện, dù có thể đủ lòng trắc ẩn để xót xa cho Marcus,  để chia sẻ nỗi buồn của Anita.
Tôi biết được điều đó rõ hơn nhờ một lần tình cờ gặp hai người khiếm thị, trong khi đang đứng đợi xe buýt trên vỉa hè một con đường lớn ở Sài Gòn. Có một người phụ nữ trung niên đến trạm xe buýt sau tôi vài ba phút. Cô ấy là kiểu người bình dân có thái độ cởi mở, khi mới đến đã hỏi tôi dăm câu về các tuyến xe buýt có chạy qua chỗ trạm mà chúng tôi đứng đợi, rồi xuýt xoa khi nhìn thấy hai người khiếm thị đang dẫn nhau dò dẫm đi về phía chúng tôi. Trong lúc tôi vẫn đang thắc mắc về điều mà người phụ nữ bên cạnh mới thốt lên, rằng làm thế nào mà hai người mù lại có thể dẫn nhau đi qua những con đường nhộn nhịp đông đúc thế, thì hai người khiếm thị đã đến ngay trước mặt. Tôi chỉ nhẹ nhàng bước dịch qua một chút để nhường chỗ cho họ tiếp tục đi, còn người phụ nữ đang cùng đợi xe buýt với tôi thì cầm lấy cánh tay của một trong hai người khiếm thị, dẫn họ đi sát vào phía trong vỉa hè để tránh những ô trồng cây xanh có đường viền bê tông dễ khiến cho người ta vấp ngã. Vừa dẫn dắt như vậy, cô ấy vừa rút tiền ra mua giúp họ hai tờ vé số, vì nhận ra rằng họ đang đi bán vé số chứ không phải chỉ là khách nhàn rỗi qua đường. Việc làm của cô ấy chỉ là trong chớp mắt mà thôi, nhưng đủ để khiến tôi xấu hổ vì mình không làm được như vậy. Tôi không định nói rằng mình đã áy náy vì không rút tiền ra để mua vé số. Tôi xấu hổ vì mình đã không thể ân cần với hai người khiếm thị như người phụ nữ kia. Nỗi xấu hổ có pha lẫn cảm giác gần như tuyệt vọng. Vì tôi biết rằng cả tôi và người phụ nữ bình dân ấy đều đã hành xử rất tự nhiên. Tôi biết rằng người ta tự do và cô độc trong khoảnh khắc lựa chọn có thể rất nhỏ nhặt như câu chuyện của tôi ở trạm chờ xe buýt, mà cũng có thể là trọng đại như tình huống mà An Mi và em gái cô ấy đã trải qua. Và chẳng có gì để biện minh cho điều đó cả. Chẳng hạn, tôi không thể nghĩ rằng giá như mình có trình độ học vấn cao hơn một chút thì mình đã cư xử ân cần như người phụ nữ kia.
Với cảm nhận chủ quan của riêng tôi thì cả Chí Phèo và An Mi đều là những khả thể của đời sống con người, nhưng khác nhau ở chỗ Chí Phèo là khả thể về cái mà người ta trở thành, còn An Mi là khả thể của bản chất mà con người vốn có. Đọc Chí Phèo thì tôi cảm thấy được nhà văn chia sẻ về câu chuyện ở ngôi làng có tên là Vũ Đại. Tôi cảm thấy mình có thể là Chí Phèo mà cũng có thể không, bởi vì tôi có thể thích bà chủ đã gọi anh Chí vào xoa bóp, hoặc tôi có thể tự sát trước khi trở thành “con quỷ dữ”, vì không đủ sức để mà chửi cả làng, không đủ can đảm để rạch mặt ăn vạ như Chí Phèo chẳng hạn. Nhưng khi đọc Và khi tro bụi thì tôi thấy mình khó mà hành xử khác An Mi trong hoàn cảnh bỏ rơi em gái. Tôi cảm thấy An Mi là một khả thể của chính bản thân mình, có thể trở thành hiện thực vào bất cứ lúc nào như câu chuyện mà tôi đã trải qua ở trạm chờ xe buýt, một khi tôi vốn dĩ đã là người như vậy. Với trường hợp Chí Phèo thì tôi có thể tạm yên tâm chừng nào tôi không sống ở một chỗ giống hệt làng Vũ Đại, chừng nào tôi không nằm trong tay những người như Bá Kiến. Nhưng tôi không thể nào biết được mình có đã và đang là An Mi hay không, dù hiện tại tôi yêu thương em gái của mình đến đâu đi nữa. Vì thế mà An Mi, dù được tác giả miêu tả rất nhạt nhòa, lại sống động trong tôi và ám ảnh tôi hơn hẳn “con quỷ dữ” được Nam Cao khắc họa.
Tôi thích tiểu thuyết vì đó là thế giới của trò chơi có thể dung chứa được vô vàn điều khả thể. Mỗi người viết cũng như người đọc đều có thể sáng tạo, gặp gỡ và tương tác với những khả thể rất khác nhau, để rồi cảm nhận và suy nghĩ theo kiểu riêng của mình. Luật chơi là như vậy. Điều quan trọng duy nhất là người viết lẫn người đọc chia sẻ được bao nhiêu, cảm nhận được những gì về bản thân và cuộc đời thông qua trò chơi ấy. Bởi thế nên tôi đã cảm động sâu sắc khi gặp một tác phẩm như Và khi tro bụi, biết rằng có người đã chạm đến những vấn đề thẳm sâu như thế trong cõi tâm linh huyền diệu của con người, và chia sẻ với bạn đọc bằng một thứ ngôn từ đẹp đẽ, giàu mỹ cảm và đậm chất suy tư. Tôi vẫn luôn chờ đợi và biết ơn bất cứ tác giả, tác phẩm nào mang lại cho tôi những khoảnh khắc chấn động sâu xa bởi những suy tưởng, thức nhận về cõi tâm linh huyền diệu ấy.
Cho nên, sự đa dạng trong thế giới văn chương là một điều vô cùng quan trọng. Có điều là trong thế giới đa dạng đó, tôi mong rằng những người “chơi hoa” sẽ nhìn kỹ một chút khi thưởng thức “đóa hoa”, đừng vì muốn bảo vệ ý kiến của mình mà sẵn sàng gắn cho bất cứ tác phẩm nào danh hiệu là “kiệt tác”, để rồi đến một lúc nào đó lại ngơ ngác hỏi rằng vì sao trong “làng văn” của mình chưa hề có được giải Nobel. Hành xử như thế thì khác gì một bác nông dân đầu óc “có vấn đề”, quanh năm chỉ cấy trồng lúa nước mà thu hoạch xong thì lại kêu than rằng mình không có lúa mì để mang đi xuất khẩu!
Có những nhà văn đã đạt đến đỉnh cao của văn chương nhân loại. Có ai cho họ những ý tưởng để sáng tác hay không?