Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

TƯ TƯỞNG QUỐC GIA DÂN TỘC NHẬT BẢN – VÀI NÉT ĐẶC TRƯNG



1. Thiên hoàng và huyền thoại về sự hình thành quốc gia dân tộc

Huyền thoại tuy không phải là sự thật nhưng cũng là một sản phẩm do hoạt động nhận thức của con người tạo ra. Mỗi dân tộc đều có những huyền thoại, thần thoại về sự hình thành quốc gia, về nguồn cội của dân tộc mình. Những câu chuyện này đều xuất phát từ trí tưởng tượng của con người như chuyện “Con rồng cháu tiên” của người Việt, “Mahabharata” của người Ấn Độ, “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường..v..v. Tuy nhiên, để tạo nên những câu chuyện này con người cũng dựa trên những hiểu biết của họ về hoàn cảnh sống, về những biến động của môi trường xung quanh. Do vậy, trong huyền thoại có những yếu tố thực tế mà các nhà nghiên cứu có thể khai thác được nếu tìm được hướng giải mã hợp lý. Một khi giải mã được ý nghĩa cũng như sự thật trong những câu chuyện đó, chúng ta có thể hiểu được nhiều khía cạnh thuộc về tâm lý, tư tưởng dân tộc thông qua những điều được gửi gắm cho thế hệ sau dưới dạng những huyền thoại.
Dân tộc Nhật Bản có khá nhiều truyện cổ thuộc loại thần thoại, hầu hết những truyện này được ghi chép lại trong hai tập sách là Cổ sự ký (Kojiki- 古事記)  và Nhật Bản thư kỷ (Nihonshoki- 日本書紀). Trong số đó quan trọng nhất là những câu chuyện kể về quá trình hình thành nên xứ sở được gọi là nước Nhật cùng với những con người sinh sống trên đất nước đó. Cũng như nhiều dân tộc phương Đông khác, người Nhật cho rằng dân tộc mình là con cháu của các thần linh và quần đảo mà họ sinh sống từ thời tiền sử cũng do các thần linh tạo ra. Đây là cách người Nhật lý giải về nguồn gốc của đất nước mình bằng thế giới quan thần thoại:
Khi các thần Izanagi và Izanami từ trên trời bước xuống đất bằng cầu vồng để phân đất liền khỏi biển thì thần Izanagi đã đập ngọn giáo của mình lên mặt biển đang nổi sóng. Và lúc đó từ đầu mũi giáo của thần đã tóe xuống một chuỗi những giọt nước tạo thành một loạt những hòn đảo”[1].
Với cách lý giải như vậy, người Nhật đã làm sâu sắc thêm ấn tượng về đất nước mình như là một đảo quốc tươi đẹp và thiêng liêng. Điều đó vừa thể hiện lòng tự hào của họ về cội nguồn đất nước vừa thể hiện tình cảm gắn bó và sự trân trọng đối với thiên nhiên. Nhưng không phải người Nhật chỉ có một huyền thoại về sự hình thành đất nước. Trong kho tàng truyện cổ Nhật Bản còn rất nhiều câu chuyện kể về quá trình mở đất và dựng nước trên quần đảo này với nhiều vị thần khác như thần Mặt trời, thần Mặt trăng, thần Đại dương..v..v. Trong số các vị thần có công tạo dựng nên nước Nhật, người Nhật đặc biệt yêu thích nữ thần Mặt trời (tiếng Nhật là Ameterasu 天照). Về nữ thần này, có câu chuyện rất thú vị kể rằng khi nữ thần Mặt trời xung đột với em trai là thần Đại dương, nữ thần Mặt trời đã lui vào thiên cung và đóng chặt cửa động làm cho khắp nơi đều chìm trong bóng đêm. Vì vậy các thần phải họp nhau tìm cách đưa nữ thần Mặt trời ra khỏi hang động để mọi nơi đều được mặt trời chiếu sáng[2].
Câu chuyện về nữ thần mặt trời gắn với tư tưởng sùng bái tự nhiên của người Nhật thời cổ đại. Mặt trời là một trong những hiện tượng thiên nhiên có tác động trực tiếp đến cuộc sống con người, đặc biệt là đối với cư dân nông nghiệp. Nhiều dân tộc sống ở khu vực trồng lúa nước Đông Nam Á có truyền thống sùng bái thần mặt trời và thể hiện tín ngưỡng này trong nhiều lễ hội dân gian. Tuy nhiên, người Nhật Bản với cách thức bày tỏ niềm tin của mình thông qua những thần thoại về nữ thần và cả việc đặt tên nước là Nhật Bản (Xứ sở mặt trời mọc) đã khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc mình một cách rõ rệt.
Hơn nữa, niềm tin của người Nhật không chỉ dừng lại ở những giai thoại gắn liền với quá trình dựng nước vào buổi đầu thành lập quốc gia mà tồn tại vững chắc cùng với tiến trình phát triển của dân tộc. Niềm tin bền vững đó được thể hiện qua sự tôn thờ hình ảnh Thiên hoàng trong tâm thức người Nhật từ buổi đầu lịch sử cho đến tận ngày nay.
Thiên hoàng thường được hiểu như là người đứng đầu triều đình Nhật Bản thời phong kiến cũng như Hoàng gia Nhật bản ngày nay. Tuy nhiên, trên thực tế thì khái niệm “Thiên hoàng” trong tâm thức người Nhật không giống như khái niệm “Hoàng đế” trong văn hóa Trung Hoa hay khái niệm “Vua” ở Việt Nam. Lý do chủ yếu dẫn đến sự khác biệt đó là quan niệm về nguồn gốc của Thiên hoàng nói riêng và Hoàng gia Nhật Bản nói chung.
Người Nhật khi tin rằng dân tộc mình là con cháu của nữ thần Mặt trời và đất nước Nhật Bản là do các thần linh tạo nên thì cũng đồng thời tin rằng Thiên hoàng là nhân vật được thần linh cử xuống hạ giới để quản lý trật tự xã hội trên đảo quốc này. Truyện cổ Nhật Bản còn lưu lại huyền thoại về thần Ninighi được cử xuống ngự trị quần đảo:
Các lão thần trao cho hoàng tử ba thứ bảo bối: một cái gương, một chiếc vòng ngọc quý và thanh kiếm. Nữ thần Mặt trời trao chiếc gương cho cháu và dặn dò:
-   Con hãy xem gương này chính là thần linh của ta, và tôn thờ nó như đã tôn thờ ta vậy.
Nữ thần Mặt trời và thần Cao phần (Takaghi no Kami) cùng dặn dò hoàng tử nhà trời Ninighi. Hoàng tử rời ghế đá, đưa tay đẩy các khóm mây ra xa mở đường, bay lơ lửng trên cầu vồng và từ trên trời bước xuống đỉnh núi Kushifuru ở Takachiho trong tỉnh Tsukushi. Và tại đây hoàng tử cho xây dựng lâu đài ngự trị[3].
Theo câu chuyện này, thần Ninighi trong thời gian ngự trị trên quần đảo Nhật Bản đã kết hôn với công chúa Nở rực như hoa và sinh ra ba người con là hoàng tử Lửa sáng, hoàng tử Lửa cháy và hoàng tử Lửa tàn. Con trai của hoàng tử Lửa tàn và công chúa Giàu ngọc quý được một bà dì nuôi, lớn lên lấy bà dì sinh ra bốn đứa con. Người con út là Iware, Thiên hoàng đầu tiên của nước Nhật (đương thời được gọi là vương quốc Yamato), trị vì vào khoảng thời gian 660- 585 trước công nguyên. Sử Nhật Bản thường nhắc đến vị Thiên hoàng này với tên thụy là Jimmu Tenno[4].
Do được gắn với huyền thoại về sự hình thành quốc gia dân tộc, Thiên hoàng Nhật Bản không đơn giản là nhân vật đứng đầu của triều đình phong kiến mà là đại diện về tinh thần của người Nhật. “Do là dòng dõi của các thần linh, nên trong ý thức của người Nhật, hoàng đế cũng cùng huyết thống với toàn thể nhân dân. Hoàng đế, do đó, là người đứng đầu đại gia đình dân tộc Nhật Bản[5]. Những báu vật trong thần thoại, gồm có thanh kiếm, chiếc gương và vòng ngọc đối với người Nhật luôn là biểu tượng của quyền lực và sự thiêng liêng gắn với Hoàng gia, là gia huy của các triều vua được giữ gìn và lưu truyền từ thời cổ đại đến ngày nay.
Người Nhật ngưỡng mộ vẻ đẹp của hoa anh đào và xem loại hoa này là quốc hoa nhưng bên cạnh đó, họ lại lấy hình ảnh hoa cúc làm biểu tượng của Hoàng gia. Lý do mà các nhà nghiên cứu giải thích cho việc này là hoa cúc 16 cánh xòe ra có hình dạng giống với mặt trời đang tỏa nắng. Vì người Nhật cho rằng Thiên hoàng là hậu duệ của nữ thần Mặt trời nên biểu tượng hoa cúc là hình ảnh phù hợp. Hình ảnh này vừa là biểu tượng của Hoàng gia vừa là quốc huy của Nhật Bản hiện nay.
Vị trí của Thiên hoàng trong tâm thức người Nhật khác với vị trí của người đứng đầu bộ máy quyền lực chính trị trong một quốc gia. Điều đó được thể hiện khá rõ nét trong tiến trình lịch sử Nhật Bản. Trải qua nhiều biến động về chính trị và nhiều thay đổi về bộ máy nhà nước, Thiên hoàng vẫn là hình ảnh được người Nhật tôn thờ. “Hoàng gia Nhật Bản là sự tiếp nối từ một dòng dõi liên tục gần 2000 năm nay. Không một hoàng gia nào trong lịch sử nhân loại giữ được địa vị trong một thời gian dài như vậy[6]. Ngay cả trong thời kỳ quyền lực chính trị thực sự đã chuyển về Mạc phủ do các Tướng quân đứng đầu, những vị Tướng quân này vẫn thần phục Thiên hoàng về danh nghĩa, và triều đình của Thiên hoàng vẫn tồn tại bên cạnh Mạc phủ là đầu não chính trị thực tế của đất nước. Trong thời kỳ hiện đại, khi nước Nhật cải cách theo phương Tây và xây dựng hệ thống nhà nước theo mô hình quân chủ lập hiến có quốc hội và thủ tướng đứng đầu chính phủ, Thiên hoàng và hoàng gia vẫn tồn tại như một biểu tượng tinh thần của dân tộc và hàng năm người Nhật vẫn kỷ niệm ngày sinh của Thiên hoàng long trọng như một cách bày tỏ lòng tôn kính đối với nguồn cội quốc gia.

2. Tư tưởng chính trị qua nhà nước phong kiến Nhật Bản

Nét đặc trưng quan trọng nhất cần biết để phân biệt chế độ phong kiến ở Nhật Bản so với chế độ phong kiến ở các nước phương Đông khác là thực trạng hai giai đoạn của chế độ này. Nếu như hầu hết các quốc gia phương Đông đều xây dựng nhà nước phong kiến theo cơ chế trung ương tập quyền thì ở Nhật Bản hình thức này thực sự chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, từ lúc hình thành nhà nước thống nhất Yamato trong thời gian từ thế kỷ III đến thế kỷ VI cho đến cuối thời kỳ Heian, nghĩa là vào thế kỷ XII. Trong giai đoạn này triều đình Nhật Bản đã học hỏi và xây dựng nhà nước phong kiến theo mô hình của nhà nước phong kiến Trung Hoa, với quyền lực tối thượng thuộc về Thiên hoàng. Nhưng từ thế kỷ XII trở đi thì trong tầng lớp nắm giữ quyền lực nhà nước bắt đầu có sự phân hóa. Sau nhiều vấn đề mâu thuẫn và tranh chấp, quyền lực tối cao ở cấp quản lý trung ương rơi vào tay giới quân sự. Từ thời điểm đó chế độ phong kiến Nhật Bản có hình thái khác hẳn so với giai đoạn đầu. Về mặt hình thức, từ thế kỷ XII đến nửa đầu thế kỷ XIX, ở Nhật Bản tồn tại song song hai tổ chức quyền lực trung ương là triều đình của Thiên hoàng và Mạc phủ của Tướng quân mà các nhà nghiên cứu sử học gọi là hình thức “lưỡng đầu chế”. Trên thực tế thì trong giai đoạn này sự tồn tại của Thiên hoàng và triều đình phong kiến đã mất hết ý nghĩa của thời kỳ trước đó mà chỉ được xem như một vị trí biểu trưng. Các Tướng quân của những dòng họ khác nhau nối tiếp giữ quyền điều hành đất nước. Trong suốt thời kỳ tồn tại hình thức chính trị “lưỡng đầu chế”, chế độ phong kiến ở Nhật Bản đã chuyển từ hình thức tập quyền sang hình thức phân quyền, gần giống như chế độ phong kiến ở phương Tây, với đặc trưng là tình trạng cát cứ địa phương và sự thống trị của lãnh chúa phong kiến trên từng lãnh địa.
Sở dĩ có sự hình thành chế độ phong kiến phân quyền ở Nhật Bản là vì quá trình tư hữu hóa ruộng đất ở quốc gia này diễn ra nhanh chóng và dứt khoát. Trong khi tại các quốc gia phương Đông khác, giới lãnh đạo nhà nước tìm mọi cách để kiểm soát sự chiếm hữu ruộng đất để tập trung ruộng đất vào tay nhà vua và một số ít người trong hoàng tộc thì ở Nhật Bản tình hình lại diễn ra theo một xu thế khác. Quá trình dẫn đến tư hữu hóa ruộng đất ở Nhật Bản có thể được mô tả tóm lược như sau:
Ở thời kỳ mới hình thành nhà nước sơ khai, trên lãnh thổ Nhật Bản vẫn còn tồn tại nhiều tiểu quốc thuộc về các thị tộc khác nhau. Dưới triều đại của Thiên hoàng Suiko (593- 628), thái tử Shotoku ở vị trí nhiếp chính đã chủ trương học hỏi cách thức tổ chức triều đình phong kiến ở Trung Hoa để xây dựng Nhật Bản thành một quốc gia thống nhất. Với chủ trương đó, ông đã ban hành các văn bản pháp luật đầu tiên như “Hiến pháp mười bảy điều” quy định về lễ nghi ở triều đình và những tiêu chuẩn đạo đức mà nhân dân Nhật Bản phải tuân thủ.
Đến năm 645, triều đình Nhật Bản thực hiện cải cách Taika và đã ban hành một đạo luật chủ trương quốc hữu hóa ruộng đất. Theo đạo luật này, những ruộng đất trước đây được sở hữu bởi các dòng họ quý tộc sẽ bị trưng thu để sung vào công hữu. Ruộng đất công được quan lại địa phương cấp cho nhân dân để thực hiện sản xuất nông nghiệp theo những tiêu chuẩn nhất định. Người dân không có quyền kế thừa hay sang nhượng ruộng đất.
Tuy nhiên, sau thời gian cải cách Taika, Nhật Bản đã trải qua một thời kỳ suy thoái về mọi mặt do tác động của thiên tai và dịch bệnh. Để huy động sức mạnh nhằm khôi phục đất nước, triều đình Nhật Bản đương thời đã khuyến khích người dân tích cực khai hoang, mở rộng diện tích canh tác và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Vào năm 723 triều đình công bố đạo luật “Tam thế nhất thân pháp” có quy định: “Những ruộng đất vừa mới khai khẩn sẽ được kế tiếp thừa hưởng ở đời con cháu; còn những ruộng đất bị bỏ hoang lâu ngày mà đem công canh tác trở lại thì được thừa hưởng suốt đời cho đến khi chết”. Đạo luật này đã có tác dụng khuyến khích nông dân khai khẩn ruộng đất bằng cách công nhận quyền tư hữu ruộng đất của cá nhân và được nối tiếp duy trì qua nhiều thế hệ[7].
Dựa trên tinh thần của đạo luật này, quá trình tư hữu hóa ruộng đất ở Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng. Đến cuối thời kỳ Heian, khi lực lượng võ sĩ phát triển thành một giai cấp có thế lực, thậm chí lấn át cả quyền lực của triều đình thì các trang viên (shoen- 荘園) đã xuất hiện trên khắp đất nước Nhật Bản. Trang viên là phần lãnh thổ thuộc sở hữu của các lãnh chúa- những người ở đẳng cấp cao trong tầng lớp võ sĩ. Mỗi trang viên là một hệ thống tương đối độc lập về mọi mặt từ kinh tế đến chính trị, quân sự. Các lãnh chúa có một đội ngũ lao động làm việc trong trang viên, chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp và thủ công nghiệp. Ở giai đoạn đầu, kinh tế trang viên mang tính chất tương đối khép kín, sản xuất theo khuynh hướng tự cung tự cấp. Khi khối lượng sản phẩm được tạo ra trong trang viên ngày càng lớn, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp không còn là hoạt động kinh tế tự cung tự cấp nữa mà phát triển thành những ngành sản xuất hàng hóa. Thêm vào đó, những vùng khác nhau trên đất nước Nhật Bản có ưu thế trong những ngành sản xuất khác nhau. Ví dụ: vùng Kyoto và Nara sản xuất gấm, vóc, lụa, rượu sake, sản phẩm từ sắt và sơn; vùng Satsuma sản xuất đường; vùng Nagoya sản xuất đồ gốm sứ; vùng Tosa và Choshu sản xuất giấy. Từ thực trạng đó nảy sinh nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa các vùng để đáp ứng cho người tiêu dùng trên cả nước. Đây chính là bước đầu của quá trình phát triển kinh tế hàng hóa của Nhật Bản và là mầm mống của chủ nghĩa tư bản nảy sinh trong lòng xã hội phong kiến.
Cùng với sự thành lập các trang viên và quá trình tư hữu hóa ruộng đất, sự phát triển của giai cấp võ sĩ với lực lượng đứng đầu là các lãnh chúa đã chuyển hóa chế độ phong kiến Nhật Bản sang khuynh hướng phân quyền. Trong thời gian này, vị lãnh chúa có thế lực nhất trong giới võ sĩ đã đứng ra thành lập cơ quan quyền lực riêng của mình gọi là Mạc phủ (Bakufu- 幕府). Cơ quan này tồn tại độc lập với triều đình phong kiến của Thiên hoàng và được duy trì trong một thời gian dài từ thế kỷ XII đến cải cách Minh Trị năm 1868.
Trước đây triều đình của Thiên hoàng sở hữu toàn bộ ruộng đất trên cả nước và tùy theo chế độ ban điền mà phân phối cho các tầng lớp trong xã hội. Khi có sự thành lập mạc phủ thì ruộng đất thuộc về quyền chi phối của Tướng quân, mặc dù trên danh nghĩa vẫn là ruộng đất của Thiên hoàng. Trên thực tế, Tướng quân không trực tiếp kiểm soát hết diện tích ruộng đất trong cả nước mà chỉ quản lý phần lãnh thổ của mạc phủ và thân tộc. Ví dụ, Tướng quân Yoritomo- thời kỳ Mạc phủ Kamakura- kiểm soát ruộng đất vùng Kanto là nơi đóng đại bản doanh của dòng họ Minamoto; trong giai đoạn Mạc phủ Tokugawa thì các Tướng quân của dòng họ Tokugawa quản lý vùng lãnh thổ ở trung tâm quyền lực Edo. Phần ruộng đất còn lại trong cả nước đều thuộc sự quản lý của các lãnh chúa. Cơ chế này tạo điều kiện cho sự phát triển tinh thần tự trị trong hệ thống chính quyền địa phương ở Nhật Bản thời phong kiến. Trong thời kỳ này, mỗi lãnh chúa sở hữu một phần lãnh thổ là trang viên và chiêu tập đội ngũ võ sĩ để phục vụ trong lãnh thổ của mình cùng với đội ngũ nông dân làm việc trên phần đất nông nghiệp trong thái ấp. Hệ thống tổ chức chính quyền và chế độ ruộng đất như trên là cơ sở hình thành nên xã hội giai cấp ở Nhật Bản. Trong thời kỳ chính quyền Mạc phủ, xã hội Nhật Bản có những giai cấp cơ bản là võ sĩ, nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Mỗi giai cấp có vị trí riêng và hoạt động trong những lĩnh vực riêng về kinh tế- xã hội.
Những diễn biến lịch sử nói trên cho thấy chế độ phong kiến ở Nhật Bản có những đặc điểm khác hẳn với chế độ trung ương tập quyền ở hầu hết các nước phương Đông. Mặc dù ở giai đoạn nhà nước sơ khai, Nhật Bản có xu hướng học hỏi theo mô hình Trung Hoa để tổ chức triều đình phong kiến nhưng hướng đi này đã nhanh chóng bị thay đổi do những diễn biến nội tại trong nước Nhật. Vì vậy, quy định về quốc hữu hóa ruộng đất thật ra chỉ tồn tại về mặt hình thức trong đạo luật, còn trên thực tế thì quá trình tư hữu hóa ruộng đất đã diễn ra nhanh chóng cùng với quá trình thay đổi cấu trúc quyền lực của quốc gia. Điều đó khẳng định sự khác biệt rõ nét về tư tưởng chính trị giữa Trung Hoa và Nhật Bản. Trong khi hoàng đế Trung Hoa là biểu hiện tối cao của quyền lực chính trị và có sức chi phối về mọi mặt trên toàn đất nước thì ở Nhật Bản giới cầm quyền lại có khuynh hướng chia sẻ quyền lực và tài sản, tức khuynh hướng đa nguyên về chính trị. Để khôi phục và phát triển đất nước, người Nhật hướng đến việc tập hợp mọi nguồn lực của quốc gia, huy động sức mạnh của toàn dân tộc thông qua chính sách thống nhất của cơ quan quyền lực trung ương. Với chủ trương như vậy, cơ chế chính trị phân quyền theo địa phương và chế độ tư hữu về ruộng đất là điều kiện thích hợp để phát triển đất nước. Đó cũng là hướng phát triển kinh tế theo con đường tư bản chủ nghĩa của Nhật Bản ở thời kỳ cận đại.

3. Tinh thần dân tộc với việc bảo tồn và tiếp biến các giá trị

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Nhật Bản đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là khả năng tiếp biến các giá trị ngoại lai thành các giá trị của quốc gia dân tộc. Đồng thời thông qua quá trình tiếp biến đó, Nhật Bản cũng thể hiện rõ nét tinh thần dân tộc muốn kế thừa những thành tựu của văn minh thế giới để trên cơ sở đó khẳng định sức mạnh nội tại và nỗ lực phát triển của mình. Tác giả công trình “Nếp suy tưởng của các dân tộc phương Đông” của học giả Mỹ gốc Nhật Najime Nakamura có nhận xét: “Người Nhật đã tỏ ra khôn ngoan rất mực trong việc lựa chọn những gì là tinh hoa trong các nền văn hóa khác, tùy thuộc vào nhu cầu của từng giai đoạn phát triển cụ thể trong tiến trình phát triển lịch sử của quốc gia mình[8].
Tuy là một đảo quốc nhưng Nhật Bản không tự cô lập mình một cách tuyệt đối mà luôn chú trọng đến mối quan hệ với những khu vực lân cận, đặc biệt là những nơi có nền văn minh phát triển sớm. Ngay từ thời cổ đại, mối bang giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở lục địa cũng như bán đảo Triều Tiên đã mang lại cho người Nhật những giá trị quan trọng giúp họ đẩy nhanh tiến trình phát triển.
Thành tựu quan trọng của dân tộc Nhật Bản trước khi hình thành nhà nước là kỹ thuật trồng lúa nước. Cây lúa nước được truyền vào Nhật Bản từ lục địa thông qua bán đảo Triều Tiên. Chính sự du nhập của loại cây trồng này đã thúc đẩy Nhật Bản tiến nhanh đến thời kỳ hình thành nhà nước cổ đại. Khi chưa có cây lúa nước, những người Nhật cổ sinh sống trên quần đảo này chủ yếu dựa vào những điều kiện có sẵn của thiên nhiên. Trong khi đó, điều kiện tự nhiên Nhật Bản lại không thuận lợi cho cuộc sống con người. Vì vậy quá trình phát triển ở thời kỳ này diễn ra khá chậm. Kinh tế kém phát triển và các thị tộc, bộ lạc chưa có động cơ để liên kết với nhau. Nhờ sự phát triển nông nghiệp mà trung tâm là việc canh tác lúa nước, sản lượng lương thực được tạo ra ngày một nhiều hơn. Trong quá trình phát triển nông nghiệp, các bộ lạc vừa hợp tác vừa đấu tranh với nhau. Xu hướng chủ đạo là hợp tác do tính cộng đồng của sản xuất nông nghiệp, nhưng trong một vùng lãnh thổ tồn tại nhiều bộ lạc thì sẽ có nhiều hướng liên minh khác nhau và mối quan hệ cạnh tranh giữa các bộ lạc hay các liên minh bộ lạc với nhau cũng là một vấn đề tất yếu. Chính quá trình vừa cạnh tranh vừa hợp tác này đã dẫn đến sự ra đời của hình thức nhà nước sơ khai ở Nhật Bản.
Khi bắt đầu xây dựng nhà nước, Nhật  Bản đã hướng đến việc học hỏi Trung Hoa, nơi đã phát triển trong một thời gian dài hình thức nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Trong thời gian đảm nhận vai trò nhiếp chính, Thái tử Shotoku đã chủ trương gửi những người ưu tú ở Nhật Bản đến Trung Hoa để tiếp thu cách thức tổ chức nhà nước cùng với các thể chế, các quy định cần thiết để xây dựng một quốc gia thống nhất[9]. Kết quả của quá trình học hỏi này là hàng loạt các thể chế, quy định về sở hữu đất đai, về mô hình tổ chức triều đình và đạo đức, phẩm phục của các quan lại được áp dụng, tạo nên một bộ mặt mới cho triều đình Nhật Bản. Đồng thời, trong quá trình xây dựng nhà nước người Nhật cũng tiếp thu một giá trị văn hóa rất quan trọng là Phật giáo. Giá trị này trước hết được công nhận bởi hoàng gia Nhật Bản và dần dần được phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân.
Điểm độc đáo của Nhật Bản trong việc tiếp biến các giá trị ở thời kỳ này là người Nhật vừa học hỏi, tiếp thu vừa biến đổi các giá trị theo khuynh hướng phù hợp với đặc trưng của quốc gia dân tộc mình. Chẳng hạn như quy định về chế độ sở hữu ruộng đất, trong thời gian cải cách Taika, triều đình Nhật Bản muốn thực hiện quốc hữu hóa ruộng đất theo mô hình Trung Quốc nhưng sau đó chính sách này đã thay đổi theo tình hình thực tế ở Nhật Bản. Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh làm giảm năng suất lao động và làm chậm tiến trình phát triển của xã hội, những nhà cầm quyền ở Nhật Bản đã khuyến khích việc khai khẩn đất hoang và có chính sách công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai để người dân tích cực tham gia sản xuất. Điều đó cho thấy trong việc học hỏi các giá trị từ thế giới bên ngoài, người Nhật ý thức rõ mục đích tối thượng của việc học hỏi đó là nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, vì vậy họ không rập khuôn theo nước ngoài mà linh hoạt trong việc áp dụng sao cho mục tiêu quan trọng nhất của mình có thể đạt được.
Một ví dụ khác trong việc xử lý các giá trị ngoại lai ở Nhật Bản là sự tiếp nhận Phật giáo và đưa tôn giáo này hòa nhập vào đời sống tinh thần của toàn dân tộc. Trước khi tiếp nhận Phật giáo, Nhật Bản đã có Thần đạo (Shinto- 神道) là tín ngưỡng dân gian truyền thống. Do đó khi Phật giáo truyền vào Nhật Bản thì không thể tránh được những vấn đề xung đột tư tưởng giữa hai truyền thống tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, triều đình phong kiến Nhật Bản đã giải quyến ổn thỏa vấn đề này bằng cách gắn Phật giáo với việc xây dựng đất nước và dung hợp Phật giáo với Thần đạo. Vốn là một tôn giáo nặng về triết lý và tư duy siêu hình của văn hóa Ấn Độ, Phật giáo khi được du nhập vào Trung Hoa rồi cuối cùng truyền sang Nhật Bản đã biến đổi rất nhiều theo khuynh hướng thế tục hóa. Nhưng chỉ khi biến đổi như vậy thì Phật giáo mới hòa nhập được với khuynh hướng chú trọng thực tế của người Nhật.
Truyền thống tiếp biến các giá trị này vẫn được duy trì liên tục trong tiến trình phát triển của Nhật Bản qua các thời kỳ. Trong thời kỳ trung đại, khi sự phát triển của khoa học kỹ thuật và chủ nghĩa tư bản đưa người phương Tây đến với các nước phương Đông, Nhật Bản cũng đã thể hiện truyền thống này qua việc tích cực học hỏi các thành tựu của nền văn minh phương Tây. Mặc dù mạc phủ Tokugawa có một thời kỳ dài thực hiện chính sách đóng cửa (sakoku鎖国) từ năm 1939 đến 1953 nhưng trong thời gian này Nhật Bản vẫn không ngừng học hỏi phương Tây. Phong trào Hà Lan học (rangaku- 蘭学) đã phát triển rộng rãi ở Nhật. Nội dung của trào lưu này là giới thanh niên thuộc đẳng cấp võ sĩ do có nhiều thời gian rỗi trong lúc nền chính trị ổn định đã chú tâm vào việc học các ngôn ngữ phương Tây như tiếng Hà Lan, tiếng Anh và nghiên cứu khoa học kỹ thuật qua nguồn tư liệu viết bằng các thứ tiếng này. Nhờ có quá trình chuẩn bị từ bên trong như vậy nên ở thời điểm Minh Trị duy tân, Nhật Bản đã có đầy đủ điều kiện để đổi mới đất nước một cách toàn diện và trở thành quốc gia tiên phong ở Đông Á trên con đường hiện đại hóa và phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Truyền thống tiếp biến các giá trị thể hiện đặc trưng quan trọng của bản sắc Nhật Bản là tinh thần dân tộc và ý chí cầu tiến, ham học hỏi. Nhờ tinh thần này mà đất nước Nhật Bản dù không được thiên nhiên ưu đãi và có lịch sử hình thành nhà nước tương đối muộn nhưng đã phát triển rất nhanh, thậm chí vượt cả nước Trung Hoa trong thời kỳ cận đại và đến thời hiện đại vượt nhiều nước Tây Âu về kinh tế, khoa học kỹ thuật. Vì xuất phát từ tinh thần dân tộc nên những giá trị du nhập từ bên ngoài đều được người Nhật biến đổi cho phù hợp với văn hóa truyền thống và được sử dụng một cách hiệu quả cho sự phát triển đất nước trên mọi phương diện. Nhiều giá trị ngoại lai đã được “Nhật Bản hóa”và trở thành những thành tố quan trọng của nền văn hóa Nhật Bản như Thiền, trà đạo..v..v. là kết quả của quá trình tiếp biến này.

4. Chủ nghĩa quốc gia cực đoan

Cực đoan cũng là một nét của tính cách dân tộc Nhật Bản. Nếu dùng để mô tả tâm lý dân tộc nói chung, “cực đoan” có nghĩa là đẩy một vấn đề lên đến mức thái quá. Do vậy có thể thấy rất nhiều biểu hiện thái quá trong tính cách và ứng xử của người Nhật. Ví dụ như trong văn hóa giao tiếp, họ chú trọng quá nhiều đến việc lễ nghĩa và cho rằng đó là tiêu chuẩn lịch thiệp. Trong vấn đề danh dự, họ trọng danh dự đến mức cho rằng cái chết là điều tất yếu một khi danh dự bị xúc phạm.
Tinh thần yêu nước và tự hào về quốc gia dân tộc, nếu phát triển ở một mức độ vừa phải sẽ được xem là giá trị tích cực. Nếu theo dõi tiến trình phát triển của người Nhật, chúng ta sẽ nhận thấy lòng tự hào và tinh thần vì quốc gia dân tộc của họ là một nét tính cách ổn định được hình thành từ thời cổ đại. Tinh thần này được thể hiện trong các huyền thoại về sự hình thành đất nước, về nguồn gốc thần linh của Thiên hoàng nói riêng và dân tộc Nhật Bản nói chung. Từ đó, tinh thần này phát triển thành chủ nghĩa quốc gia, và chi phối gần như xuyên suốt tư tưởng người Nhật trong mọi lĩnh vực văn hóa xã hội. Chẳng hạn khi tiếp thu Phật giáo, triều đình Nhật Bản đã chủ trương gắn việc phổ biến tôn giáo này với việc phát triển quốc gia. “Người ta tin rằng trong Phật có sức mạnh thần bí giúp cho việc bảo vệ đất nước và đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi, và quốc gia cổ đại đã tập trung nhiều tiền của và công sức để làm cho đạo Phật hưng thịnh nhằm tăng cường nền tảng của chính quyền[10].
Chủ nghĩa quốc gia dân tộc đã mang lại cho Nhật Bản những thành tựu lớn trong lịch sử phát triển. Trong thời kỳ cận đại, với chủ trương “phú quốc cường binh”, Nhật Bản đã quyết tâm thực hiện công cuộc hiện đại hóa đất nước trên cơ sở học hỏi những thành tựu khoa học kỹ thuật phương Tây, và nhờ đó đã trở thành quốc gia phát triển sớm và mạnh nhất ở Đông Á vào cuối thế kỷ XIX.
Sau chiến tranh thế giới thứ II, từ vị trí là một nước chiến bại với thực tại đổ nát do hậu quả chiến tranh, Nhật Bản đã vươn lên thành một cường quốc kinh tế chỉ trong vài thập kỷ. Một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến thành tựu đó là do người Nhật có thể làm tất cả vì quốc gia của mình. Những chính sách vì quốc gia của chính phủ luôn được toàn dân ủng hộ và nỗ lực thực hiện cho đến lúc thành công. Như vậy chủ nghĩa quốc gia dân tộc là động cơ quan trọng để huy động nội lực dân tộc cho tiến trình phát triển.
Tuy nhiên, khi chủ nghĩa quốc gia dân tộc phát triển đến mức thái quá thì lại trở thành chủ nghĩa cực đoan và điều này đã để lại những dấu ấn khó phai trong lịch sử nước Nhật cũng như các nước châu Á khác. Sự thành công của công cuộc hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đã đưa chủ nghĩa quốc gia ở Nhật Bản sang khuynh hướng cực đoan. Với vị thế dẫn đầu trong việc canh tân đất nước, Nhật Bản nhanh chóng bước vào con đường quân phiệt hóa. Thay vì giúp đỡ các nước châu Á còn kém phát triển trên tinh thần hợp tác hữu nghị, Nhật Bản lại lợi dụng các nước này vào mục đích quân sự. Chủ trương “thế giới dưới một mái nhà” và chương trình “Đại Đông Á” mà chúng ta đã thấy trong chiến tranh thế giới thứ II là sản phẩm của chủ nghĩa quốc gia thái quá[11]. Kết quả là Nhật Bản đã xâm phạm lãnh thổ của nhiều quốc gia ở khu vực châu Á và làm bùng nổ cuộc chiến tranh Thái Bình Dương.
Lý giải về chủ nghĩa quốc gia cực đoan của người Nhật, nhà nghiên cứu Nakamura cho rằng vì Nhật Bản là một đảo quốc biệt lập với thế giới bên ngoài nên quan niệm của người Nhật về quốc gia không giống như quan niệm của các dân tộc khác[12]. Trên thực tế, tuy là một đảo quốc nhưng Nhật Bản không theo xu hướng tự cô lập mà luôn duy trì mối quan hệ giao lưu với các quốc gia lân cận trong thời cổ đại, với phương Tây (thời trung đại) và nhiều nước trên toàn thế giới (thời cận hiện đại). Vì vậy cách lý giải trên chưa thật sự bao quát những nguồn gốc tạo nên tư tưởng cực đoan về quốc gia của người Nhật. Có lẽ bên cạnh đó còn tồn tại những nguyên nhân khác, chẳng hạn như tính đồng nhất cao về chủng tộc của người Nhật cũng là một điều kiện để hình thành tư tưởng thống nhất về quốc gia. Một vấn đề đáng lưu ý là mặc dù tình trạng phân chia thành các khu vực có khả năng tự trị tồn tại rất lâu dài trong lịch sử Nhật Bản, từ khi hình thành mạc phủ cho đến cải cách Minh Trị, nhưng tinh thần quốc gia dân tộc thì vẫn được duy trì và có sức ảnh hưởng lớn trên toàn đất nước.

5. Tinh thần dân tộc với việc khôi phục đất nước thời hậu chiến

Con đường quân phiệt hóa đất nước cuối thế kỷ XIX và quyết định tham chiến trong chiến tranh thế giới thứ II đã mang lại hậu quả nặng nề cho Nhật Bản. Kết thúc chiến tranh, Nhật Bản là nước bại trận phải chấp nhận sự chiếm đóng và chi phối của đại diện quân đội Đồng minh. Hơn bao giờ hết trong lịch sử, nước Nhật phải đối diện với một tình trạng đổ nát về vật chất và xáo trộn về tinh thần. Trong hoàn cảnh đó, Nhật Bản đã quyết tâm khôi phục lại nền kinh tế đất nước bằng nội lực của chính mình.
Nếu như cuối thế kỷ XIX chủ nghĩa quốc gia dân tộc là động cơ để Nhật Bản đi theo con đường quân phiệt thì sau chiến tranh tinh thần dân tộc lại là sức mạnh để Nhật Bản khôi phục đất nước và phát triển kinh tế.
Nhờ thực hiện các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi trong giai đoạn 1945-1954 và đạt đến phát triển cao độ vào giai đoạn 1955-1973. Từ 1974 đến nay tốc độ phát triển tuy chậm lại, song Nhật Bản tiếp tục là một nước có nền kinh tế-công nghiệp-tài chính thương mại-dịch vụ-khoa học kĩ thuật lớn đứng thứ hai trên thế giới (chỉ đứng sau Hoa Kỳ), GDP tính theo đầu người là 36.217 USD (1989). Cán cân thương mại dư thừa và dự trữ ngoại tệ đứng hàng đầu thế giới, nên nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài rất nhiều, là nước cho vay, viện trợ tái thiết và phát triển lớn nhất thế giới. Nhật Bản cũng là nước có nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng đứng hàng đầu thế giới. Sự phát triển kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn 1960 đến 1980, được gọi là "sự thần kì" : tốc độ phát triển kinh tế trung bình 10% giai đoạn 1960, trung bình 5% giai đoạn 1970 và 4% giai đoạn 1980[13]. Ngoài con số thể hiện mức độ tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân ở Nhật Bản cũng được cải thiện rõ rệt. Các dịch vụ công cộng như giáo dục và y tế không ngừng phát triển, tuổi thọ trung bình của người Nhật được xếp vào loại cao nhất thế giới.
Các nhà kinh tế học đã lý giải hiện tượng “thần kỳ” Nhật Bản từ nhiều góc độ khác nhau. Ngoài sự thành công của các sách lược phát triển kinh tế như chính sách huy động vốn, chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển..v..v của chính phủ và các chế độ của doanh nghiệp như chế độ tuyển dụng suốt đời, thành tựu kinh tế của Nhật Bản hiện đại còn là kết quả của sự phát triển cao độ tinh thần dân tộc truyền thống. 
Mỗi người Nhật làm việc trong nền kinh tế, dù ở vị trí nào, đều có ý thức đóng góp để xây dựng đất nước. Chủ doanh nghiệp hướng đến việc sản xuất và kinh doanh những mặt hàng có hàm lượng tri thức và công nghệ cao để tạo ra ưu thế xuất khẩu cho Nhật Bản. Việc đóng thuế, đối với doanh nghiệp ở nhiều nước khác là nghĩa vụ nặng nề thì đối với những chủ doanh nghiệp lớn ở Nhật Bản là niềm tự hào về khả năng đóng góp của mình cho việc phát triển kinh tế chung của cả nước. Các nhà quản lý kinh tế tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển việc sản xuất kinh doanh để có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Ở vị trí công nhân viên, người Nhật luôn nỗ lực hết mình để đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Mỗi cá nhân luôn có ý thức gắn bó chặt chẽ với công ty của mình và sẵn sàng hy sinh thời gian nghỉ ngơi hoặc những quyền lợi cá nhân khác để hoàn thành nhiệm vụ ở công ty. Chỉ có tinh thần dân tộc mạnh mẽ đã trở thành một truyền thống lâu đời và ăn sâu vào tư tưởng người dân mới có thể tạo nên một sự phối hợp đồng điệu và hiệu quả như thế trong toàn xã hội. Đó là nguồn gốc của những thành tựu to lớn về kinh tế Nhật Bản đã từng làm kinh ngạc toàn thế giới và cũng là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc Nhật Bản được duy trì từ truyền thống đến hiện đại.


[1] Vơ- xe vô- lốt Ô- vơ chin- nhi- kốp, Cành Sakura, NXB Mũi Cà Mau, 1988, tr. 22
[2] Theo Đoàn Nhật Chấn, Truyện cổ nước Nhật và bản sắc dân tộc Nhật Bản, NXB Văn học, TP.HCM, 1996, tr. 73- 77
[3] Sđd, tr. 84
[4] Sđd, tr. 83- 92
[5] V. Pronikov & I. Ladanov, Người Nhật (Đức Dương biên soạn), NXB Tổng hợp Tp.HCM, 2004, tr. 76
[6] Nhật Bản, (Trịnh Huy Hóa biên dịch), NXB Trẻ, Tp.HCM, 2002, tr. 39
[7] Thích Thiên Ân, Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, NXB Đông Phương, 1965, tr. 76- 77
[8] Dẫn theo V. Pronikov & I. Ladanov, Người Nhật (Đức Dương biên soạn), NXB Tổng hợp Tp.HCM, 2004, tr. 23
[9] Theo Thích Thiên Ân, Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, NXB Đông Phương, 1965, tr. 40
[10] Murakami Shigeyoshi, Tôn giáo Nhật Bản (Người dịch: Trần Văn Tình), NXB Tôn giáo, 2005, tr. 44
[11] Theo Thích Thiên Ân, Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, NXB Đông Phương, 1965, tr. 185
[12] Sđd, tr. 185
[13] Nguồn: Wikipedia