Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

“NHÔ 雅 VÀ “TỤC” 俗 TRONG VĂN HỌC NHẬT BẢN THỜI EDO



Mở đầu
Nói đến “nhã” trong văn học Nhật Bản, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến văn học thời Heian. Điều đó không thể nói là sai và cũng không có gì vô lý, vì văn hóa thời Heian nói chung và văn học thời kỳ này được biết đến rộng rãi với vẻ đẹp ưu nhã toát ra từ đời sống quý tộc và ý thức thẩm mỹ của tầng lớp quý tộc cung đình. Nhưng sẽ là một nhận xét không đầy đủ nếu nói rằng yếu tố “nhã” trong văn học Nhật Bản chỉ tồn tại, hoặc chỉ được thể hiện, vào thời Heian.
Lịch sử văn hóa Nhật Bản cho thấy rằng ở đất nước này, những giá trị văn hóa nổi bật đã được hình thành ở bất cứ thời điểm nào trong lịch sử phát triển của dân tộc đều không bị mất đi theo thời gian. Một nhân vật hoặc một tầng lớp giữ vị trí trung tâm của hệ thống quyền lực điều hành đất nước có thể làm nhiều việc để tạo ra đặc trưng văn hóa mới cho một thời kỳ mới, nhưng không bao giờ có ý định hủy hoại những giá trị đã định hình trong thời kỳ văn hóa đã qua. Đặc điểm này cũng thể hiện rất rõ trong văn học, chẳng hạn trong thế giới waka 和歌. Các thi tập đồ sộ Manyoshu『万葉集』, Kokinshu『古今和歌集』Shinkokinshu『新古今和歌集』xuất hiện như những thành tựu lớn của những thời kỳ nối tiếp nhau trong lịch sử sáng tác thơ quốc âm Nhật Bản. Mỗi tập thơ toát lên vẻ đẹp riêng của đặc trưng mỹ học trong thời kỳ ấy, cho nên trong lịch sử văn học còn có những khái niệm như “thời Kokinshu”, “thời Shinkokinshu”. Nhưng đọc kỹ mỗi tập thơ thì sẽ nhận ra rằng ở tập thơ xuất hiện sau, ý thức thẩm mỹ đã làm nên vẻ đẹp đặc trưng của thơ ca ở thời kỳ trước đó vẫn không mất hẳn mà chỉ nhường vị trí trung tâm cho sự biểu đạt cảm thức thẩm mỹ mới, gắn liền với bối cảnh văn hóa của giai đoạn mà tập thơ ra đời. Vẻ đẹp tự nhiên, hồn hậu trong thuở bình minh của sáng tác waka vẫn còn lại đâu đó trong Kokinshu, và Shinkokinshu với nền tảng thẩm mỹ là cảm thức “yugen” vẫn có không ít tác phẩm phảng phất niềm bi cảm “aware” của văn hóa Heian, bởi trong thời trung đại “khi chính quyền của tầng lớp quý tộc đã bị vô hiệu hóa thì ngược lại, lòng ngưỡng mộ và khát khao hoài niệm về văn hóa vương triều càng trở nên mạnh mẽ[1].
Cho nên, yếu tố “nhã” trong văn học Nhật Bản trước hết và chủ yếu là vẻ đẹp “miyabi” của văn hóa quý tộc Heian nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Nói cách khác, “nhã” không bị mất đi theo dòng chảy lịch sử như quyền lực chính trị của hoàng gia, cung đình. Nó tiếp tục tồn tại như một giá trị đã được khẳng định của ý thức thẩm mỹ Nhật Bản, bên cạnh những cảm thức, những khái niệm biểu đạt vẻ đẹp theo cách nhìn nhận mới, được hình thành và trở nên nổi bật trong những thời kỳ lịch sử tiếp theo. Ngay cả trong đời sống văn hóa của Nhật Bản đương đại, “nhã” vẫn được cảm nhận như là một thành tố không thể thiếu, như những bông hoa nở trong nhiều hoàn cảnh với nhiều vẻ khác nhau, được nuôi dưỡng bằng dòng nhựa vẫn không ngừng tuôn chảy từ cội nguồn là bản sắc dân tộc. Nhưng có lẽ một trong những điều rất thú vị khi tìm hiểu về ý thức thẩm mỹ Nhật Bản là xem xét sự tồn tại và thể hiện của yếu tố “nhã” trong đời sống văn hóa – nghệ thuật thời Edo, một thời kỳ mà cái “tục” được biết đến như đặc điểm phổ biến trong hoạt động sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật.
1.      “Nhã” và “tục” song hành: sự mở rộng bình diện của văn học Edo
Nếu quan sát trong suốt cả chiều dài của lịch sử văn hóa Nhật Bản thì có thể nhận thấy sự hoán đổi vị trí giữa văn hóa quý tộc và văn hóa bình dân là một quá trình dài, bắt đầu từ sau thời Heian cho đến khi ý niệm về “quý tộc” mờ hẳn đi trong mọi mặt của cuộc sống đời thường. Vì văn hóa bình dân và văn hóa quý tộc không có ranh giới rõ ràng như là những bức tranh đặt trong những cái khung nên sự hoán đổi vị trí nói trên không xảy ra dứt khoát ở một thời điểm cụ thể, mà thực chất là một quá trình rất lâu dài, trong đó hai bên đều thay đổi theo hướng tiệm cận, giao thoa và hòa nhập vào nhau. Bản chất của sự thay đổi này là ở chỗ, nếu diện mạo của văn hóa Heian là vẻ đẹp cao nhã của đời sống quý tộc thì văn hóa Edo được biết đến trước hết ở sự thể hiện dung tục của đời sống bình dân.
Quá trình hoán đổi vị trí giữa văn hóa quý tộc và văn hóa bình dân được thực hiện với sự đóng góp của nhiều yếu tố: sự thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của tầng lớp quý tộc; ý thức thẩm mỹ và đời sống văn hóa của tầng lớp võ sĩ đang nắm giữ quyền lực điều hành đất nước; tư tưởng nghệ thuật và quan niệm sáng tác của văn nhân trí thức thời trung đại; sự hình thành đô thị và đời sống văn hóa đô thị - một không gian sinh hoạt mà tầng lớp thương nhân giữ vị trí trung tâm. Quá trình này có thể được chia làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn trung đại tiền kỳ (từ khi thành lập Mạc phủ Kamakura đến cuối thế kỷ XVI), văn hóa nghệ thuật mang phong cách quý tộc dần trở thành khối di sản lộng lẫy của quá khứ vàng son, nhường lại không gian rộng lớn cho nghệ thuật đại chúng phát triển về cả loại hình và giá trị thẩm mỹ. Sự thay đổi trong giai đoạn này diễn ra với chất xúc tác quan trọng là bối cảnh xã hội mới cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ của những nhân vật quyền thế, vốn là người bình dân xuất thân từ tầng lớp võ sĩ. Tiến trình phát triển của kịch no từ sarugaku 猿楽, dengaku 田楽 thành một loại hình nghệ thuật làm nổi bật cảm thức “yugen” bằng thủ pháp biểu đạt tinh tế có thể được xem là ví dụ tiêu biểu nhất cho sự thay đổi của văn hóa nghệ thuật thời trung đại tiền kỳ. Sự thay đổi như vậy trong một thời gian dài đã dần dần làm mờ khoảng cách giữa nghệ thuật theo ý thức thẩm mỹ của quý tộc cung đình thuở xưa với sinh hoạt văn nghệ trong đời sống của toàn xã hội. Điều đó là tiền đề quan trọng để khi bước sang thời Edo, với vai trò của tầng lớp thương nhân trong đời sống đô thị, hiện tượng bình dân hóa nghệ thuật đạt đến giai đoạn cao trào, và nghệ thuật bình dân trở thành trung tâm của hoạt động sáng tạo cũng như thưởng thức văn hóa.
Quá trình thay đổi từ văn hóa quý tộc sang văn hóa bình dân không chỉ là kết quả tự nhiên của biến động xã hội ở Nhật Bản trong lịch sử. Bình dân hóa trong sáng tạo văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung là khuynh hướng tất yếu trong lịch sử nhân loại, khi việc làm ra những sản phẩm văn hóa cùng phát triển với hoạt động kinh tế của con người. Ngoài sự thay đổi vị trí, vai trò của các tầng lớp xã hội, Nhật Bản thời Edo so với những thời kỳ trước đó đã có những tiến bộ quan trọng về điều kiện kinh tế - kỹ thuật, giúp cho việc sáng tạo và thưởng thức văn hóa nghệ thuật được phổ biến đến tầng lớp bình dân.
Còn riêng trong lĩnh vực văn chương, có thể nói kỹ thuật in ấn thời Edo là yếu tố quyết định để hình thành nền văn học đại chúng. Trên thực tế, sự xuất hiện của kỹ thuật in trong thế kỷ XVII đã làm thay đổi căn bản việc sáng tác và tiếp nhận văn học. Trước đó, khi tác phẩm văn học chỉ tồn tại dưới dạng những tập sách chép tay, thì tác phẩm dù có giá trị lớn cũng khó mà được thưởng thức rộng rãi. Cụ thể như trong điều kiện của thời Heian thì ngay cả Murasaki Shikibu, một người viết đầy bản lĩnh và thấu hiểu công việc sáng tác, cũng chỉ cho rằng tác phẩm văn chương “là những điều mà mắt ta không chán nhìn, tai ta chẳng chán nghe, những điều ta khó mà giữ kín trong cõi lòng riêng tư nên những muốn viết lại, nói ra để lưu truyền cho hậu thế[2]. Trong hoàn cảnh ấy thì người sáng tạo và người thưởng thức còn cách nhau một khoảng khá xa, và tác phẩm được xem như là sự gạn lọc những giá trị trong đời sống văn hóa đương thời để chưng cất thành cái đẹp nghệ thuật gửi lại cho đời sau, như làn hương còn lại để con người hình dung và hoài niệm về quá khứ. Vẻ đẹp ưu nhã của văn học Heian chính là sự chắt lọc, trau chuốt ngôn từ với tâm thức như vậy trong bối cảnh là đời sống phồn hoa của chế độ vương triều.
Trong thế kỷ XVII, việc in ấn được tiến hành nhanh chóng và thuận lợi đã rút ngắn khoảng cách giữa người viết và người đọc, giữa sáng tác và thưởng thức văn chương. Vì vậy, người viết đã có thể nghĩ đến người đọc, việc đọc ngay trong khi sáng tạo ra tác phẩm. Bên cạnh đó, một khi tác phẩm văn học đã được ấn hành và trao đổi dễ dàng thì việc thưởng thức văn chương cũng không còn giới hạn ở tầng lớp tinh hoa như quý tộc và võ sĩ cấp cao ở các thời kỳ trước. Sự kết hợp của hai điều kiện này, trên nền tảng là đời sống xã hội ở các đô thị lớn với thương nhân là tầng lớp giữ vai trò chủ đạo, đã tạo ra nền văn học đại chúng, hay còn được gọi là văn học phù thế (ukiyo 浮世), văn học bình dân, thời Edo. Trong nền văn học ấy, người bình dân không chỉ là độc giả thưởng thức những sáng tác văn chương mà còn là chủ thể sáng tạo. Ihara Saikaku và Ueda Akinari, hai cây bút nổi bật và thường được xem là tiêu biểu cho hai dòng tiểu thuyết quan trọng của văn chương tự sự đương thời[3], đều sinh trưởng trong môi trường sống của tầng lớp thương nhân[4], thậm chí Ueda là con của một cô gái làng chơi, và khi sinh ra đã là một đứa trẻ không có bố.
Với sự phát triển và lan rộng của tiểu thuyết bình dân, văn chương tự sự thời Edo trở nên đa dạng về cả nội dung và hình thức, được phân chia thành nhiều dòng sách khác nhau. Có dòng sách chuyên về truyện phong tục, giáo huấn. Có dòng sách chuyên viết những nội dung châm biếm, khôi hài. Có dòng sách chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc thời Minh – Thanh. Có dòng sách thiên về tả thực đời sống của tầng lớp bình dân ngay trong giai đoạn ấy v.v... Khuynh hướng chủ đạo của loại tiểu thuyết này là kể chuyện và miêu tả về con người, về đời sống đang diễn ra với tất cả sự sinh động và đa tạp của nó. Nội dung sách không nặng về triết lý, không hướng đến việc trau chuốt  lời văn và sử dụng ngôn từ cao nhã. Trái lại, sách thường dùng giọng văn hài hước để gây ấn tượng và sự thú vị cho những truyện kể đơn giản về bản chất và lối sống của con người bình dân, với tâm thế thưởng thức cuộc sống ở thời điểm hiện tại, dù đó chỉ là một hiện tại không có gì bền vững.
Khuynh hướng nói trên không chỉ được thể hiện trong văn chương tự sự. Sự xuất hiện của thể loại haikai 俳諧 và senryu 川柳 cũng đã tạo nên diện mạo mới cho hoạt động sáng tác thơ ca thời Edo. Về hình thức thì hai thể thơ này vẫn ngắt nhịp 5/7 là nhịp điệu phổ biến trong waka cổ điển, nhưng nội dung thì trở nên nhẹ nhàng, mới mẻ với tinh thần hài hước, gây cười, với hình ảnh đời thường và ngôn ngữ dung dị.
Vì những khuynh hướng mới trong văn xuôi và thơ ca thời Edo đều hội tụ ở đặc trưng là giọng điệu hài hước và nội dung đời thường, bao gồm cả những khía cạnh dung tục vốn chưa từng xuất hiện hoặc không được đề cập trực tiếp, được nói đến cụ thể trong văn chương các thời kỳ trước đó, nên văn học thường để lại ấn tượng là một dòng văn học nói về cái “tục”.
Tuy nhiên, khi bàn về cái “tục” trong văn học Edo trước hết cần lưu ý hai điểm chính. Một là, không nên hiểu cái “tục” ở đây như là sự thô tục, phản văn hóa, vô giá trị, mà nên hiểu đó là tinh thần chung của xu hướng bình dân hóa, hay là sự thể hiện nét bình dân và đời thường trong sáng tác văn chương. Thứ hai, không nên suy diễn rằng văn học Edo chỉ thể hiện, chỉ nói về cái “tục”, dù có hẳn một dòng tiểu thuyết miêu tả chi tiết mối quan hệ giữa các vị khách và các cô gái ở làng chơi.
Ngoài ra, cũng cần ghi nhớ rằng sự xuất hiện của cái “tục”, hay tiến trình bình dân hóa văn học thời Edo, vẫn không làm mất đi cái “nhã” vốn là một giá trị nổi bật thời Heian và vẫn được ngưỡng mộ trong suốt các thời kỳ sau đó. Bên cạnh những dòng tiểu thuyết bình dân và thơ ca hài hước, văn học Edo còn có sự đóng góp nổi bật của những nhà thơ tiếp nối con đường sáng tác của waka cổ điển và các nhà quốc học làm sống lại những thành tựu, những tinh hoa của một thời ưu nhã, cổ xưa. Có thể kể ra hàng loạt những tên tuổi đã để lại dấu ấn trong lĩnh vực này như Hosokawa Yusai, Kinoshita Choshoshi, Toda Mosui, Kobe Choryu, Keichu, Kamo no Mabuchi, Motoori Norinaga, Kagawa Kageki v.v...
Đóng góp của các thi nhân, các học giả kể trên cũng rất nhiều và phong phú. Hosokawa Yusai được biết đến như một nhà thơ tiếp nối và giữ gìn truyền thống của waka cổ điển. Kinoshita Choshoshi đưa vào tác phẩm những màu sắc mới mẻ khác lạ nhưng vẫn giữ tinh thần phong nhã, vẻ đẹp dịu dàng vốn có của waka. Kobe Choryu viết Manyoshu kanken『万葉集管見』là tập sách nghiên cứu, bình giảng về waka cổ điển trong thời Manyoshu. Toda Mosui cũng có tác phẩm Nashinomotoshu『梨本集』là sách nghiên cứu tổng quan về lịch sử lưu truyền và những quy tắc trong sáng tác waka. Đóng góp của Keichu và Kamo no Mabuchi cũng là những công trình khảo cứu về Manyoshu có quy mô lớn. Riêng Motoori Norinaga đã viết nhiều tập sách sưu tầm và nghiên cứu công phu về các tác phẩm văn học cổ điển, trong đó nổi bật nhất là tập sách Genji monogatari tama no ogushi『源氏物語玉の小櫛』đề cao giá trị mỹ học của Genji monogatari bằng cách nêu ra và phân tích vẻ đẹp “mono no aware” trong tác phẩm. Ngoài ra, Motoori còn để lại một tuyển tập thơ ca với phong vị cổ điển là Suzunoyashu『鈴屋集』. Tuy không phải là một thi tập đặc biệt xuất sắc nhưng bên cạnh những công trình chú giải và khảo cứu, Suzunoyashu xuất hiện như góp thêm một lời khẳng định rõ lòng ngưỡng mộ của Motoori hướng về vẻ đẹp ưu nhã của văn hóa vương triều.
Nhưng có lẽ trường hợp thú vị nhất của tình trạng “nhã” và “tục” song hành trong văn học thời Edo là sự ra đời của tiểu thuyết phóng tác Nise murasaki inaka Genji偐紫田舎源của nhà văn Ryutei Tanehiko. Nise murasaki inaka Genji là một phiên bản của Genji monogatari『源氏物語』theo hướng thông tục hóa, bình dân hóa của trào lưu tiểu thuyết đương thời. Thực hiện phiên bản này, Ryutei Tanehiko đã thay đổi khung thời gian của truyện từ thời vương triều sang thời Mạc phủ, vì vậy hệ thống nhân vật trong tác phẩm gốc cũng được thay thế bởi những hình tượng mới có nguyên mẫu là các nhân vật lịch sử thời trung đại. Điểm thú vị không phải là bản thân sự xuất hiện của Nise murasaki inaka Genji mà là cảm nhận về tiểu thuyết phóng tác này trong tương quan với sự tồn tại của Genji monogatari của văn học Heian. Trước hết, ngay trong tựa đề tác phẩm, khi sử dụng các từ “nise” (giả mạo) và “inaka” (quê mùa), Ryutei Tanehiko đã có ngụ ý rằng những gì ông viết ra chỉ là một bản sao kém cỏi, chỉ là sự học hỏi vụng về so với tác phẩm gốc là được xem là một thành tựu đỉnh cao của văn học vương triều. Điều này càng được khẳng định rõ ràng hơn với sự xuất hiện của công trình khảo cứu kinh điển Genji monogatari tama no ogushi cùng hàng loạt những tác phẩm viết theo tinh thần cải biên Genji monogatari thành tiểu thuyết có kèm tranh minh họa với nội dung đã được giản lược hóa như Jujo Genji『十帖源氏』, Osana Genji『おさな源氏』, Genji kokagami『源氏小鏡』 v.v...  Qua hiện tượng này, có thể thấy trào lưu bình dân hóa, thông tục hóa trong văn học thời Edo chẳng những không phủ nhận và làm mất đi vẻ đẹp cao nhã trong thành tựu văn học ở các thời kỳ trước mà còn có tác dụng tôn vinh vẻ đẹp ấy như một cách thể hiện lòng ngưỡng mộ của văn nhân, học giả đương thời đối với những giá trị đỉnh cao của di sản dân tộc. Nói cách khác, cái “tục” xuất hiện và trở nên phổ biến thời Edo cho thấy văn học thời kỳ này đã được mở rộng đáng kể về bình diện và thủ pháp sáng tác, chứ không phải là sự xuống dốc, suy đồi so với văn học thời Heian hay thời trung đại, trong đó cái “nhã” vẫn giữ được vị trí và vai trò của nó để góp phần tạo nên tính đa dạng của văn hóa – nghệ thuật đương thời.
2.      “Nhã” và “tục” xen lẫn: chiều sâu của văn học Edo
Qua các nội dung đã trình bày ở phần trên, có thể thấy văn học thời Edo nổi bật lên ở tính đa dạng với không gian rộng mở và tinh thần thần sáng tác tự do, với tư liệu và đề tài phong phú, trong đó yếu tố “nhã” và “tục” đều có những vị trí phù hợp và vai trò quan trọng khi song hành phát triển. Nhưng văn học Edo không chỉ có bề rộng mà còn có chiều sâu. Và điều đáng chú ý là, khi đi vào bên trong để tìm hiểu chi tiết về văn học thời kỳ ấy, chúng ta lại được thêm một lần trải nghiệm thú vị với vẻ đẹp toát ra nhờ các yếu tố “nhã” và “tục” đan cài, hòa quyện vào nhau. Trong bài viết ngắn này, người viết xin chỉ nêu vài ví dụ điển hình, dễ thấy.
Trong thể loại văn xuôi tự sự, độc giả của văn học Edo sẽ dễ dàng nhận ra lối kể chuyện kết hợp giữa nhân vật là con người của thời gian hiện tại với nội dung truyện có sử dụng nhiều tư liệu lịch sử và văn chương thuộc về một giai đoạn nào đó trong quá khứ. Đặc biệt, nhiều tác phẩm đương thời thường lồng vào cốt truyện những chi tiết có liên quan đến một nhân vật lịch sử cụ thể và đưa cả vào đó những bài thơ quốc âm kèm theo nội dung diễn giải, bình luận, hoặc là những điển tích điển cố liên quan để nhấn mạnh cái hay, cái đẹp của những vần thơ đó. Chẳng hạn, cây bút nổi bật của dòng tiểu thuyết yomihon là Ueda Akinari cũng sử dụng thủ pháp này trong tập Ugetsu monogatari với hai truyện “Shiramine”「白峰」và “Bupposo”「仏法僧」. “Shiramine” kể chuyện hồn ma của thiên hoàng Sutoku hiện lên để đọc thơ đối đáp với nhân vật chính của truyện là nhà sư Saigyo, còn trong “Bupposo” thì nhân vật Muzen khi đến tham bái thánh tích của Kobo đại sư ở Koyasan đã làm thơ haiku cảm tác và sau đó bất ngờ gặp hồn ma của Toyotomi Hidetsugu, nội dung chính của cuộc gặp gỡ này là ngâm vịnh và bình giảng thơ ca. Trong cả hai trường hợp, chi tiết đọc thơ và bình thơ xen vào đã tạo nên sự thay đổi quan trọng cho chiều kích mỹ học của tác phẩm. Nói một cách hình tượng, chi tiết này giống như một ngã rẽ đột ngột khi người đọc đang đi trên lối mòn chẳng có cảnh quan nào đặc biệt thu hút trong tầm mắt, dẫn người đọc đến với một ngôi nhà cổ kính để bước vào khám phá và thưởng thức một vẻ đẹp tao nhã u trầm. Đó là sự kết hợp của yếu tố thông tục, đời thường và cái đẹp tinh tế, trau chuốt trong nội dung cụ thể của tiểu thuyết bình dân.
Nhìn nhận một cách bao quát từ góc độ lý luận, sự xuất hiện của hai khái niệm mới “tsu” và “iki” trong ý thức thẩm mỹ Nhật Bản thời Edo cũng cho thấy chiều sâu và nét đặc sắc của tiểu thuyết bình dân, cũng như ý nghĩa của thưởng thức và phát triển dòng tiểu thuyết này. Hai dòng sách có thể được cho là “tục” nhất của tiểu thuyết bình dân là truyện kể hài hước về những thói tật của người đời và truyện tả thực về quan hệ nam nữ, cụ thể là quan hệ giữa các vị khách thường lui tới “làng chơi” và các du nữ làm nghề buôn hương bán phấn. Những truyện kể có nội dung như vậy không dừng lại ở mức độ tiếp cận hay miêu tả sự việc đời thường bằng một vài đường nét chấm phá mà đã đạt đến mức cao nhất của nghệ thuật miêu tả và tự sự, thậm chí đi sâu vào những khía cạnh nhạy cảm, nhiều vấn đề phức tạp như quan hệ nam nữ, tình yêu hay những cố tật kỳ lạ của con người. Nhờ đi đến tận cùng những nội dung rất thông tục, rất đời thường như thế mà những dòng tiểu thuyết này đã đạt đến giá trị thẩm mỹ với đặc trưng của thời đại mới là “tsu” hay “iki”. Theo các tác giả của Shin nihon bungakushi thì “iki” là ý thức thẩm mỹ được hình thành ở giai đoạn hậu kỳ thời cận đại, còn “tsu” là vẻ sinh động tươi sáng của những “làng chơi” được miêu tả trong tiểu thuyết đương thời[5]. Như vậy, có thể hiểu rằng “tsu” hay “iki” đều gắn với sự sôi nổi tươi tắn là đặc trưng của văn hóa Edo. Cụ thể hơn, “tsu” là sự thông thạo, nhạy bén để đạt đến “iki” là trạng thái trong trẻo của thấu suốt, tinh tường. Một khi đã đạt đến vẻ đẹp “iki” thì tiểu thuyết bình dân không chỉ là việc miêu tả đời sống với diện mạo tầm thường, dung tục, mà còn là những bước chân thô ráp đang vượt qua những vướng víu trở ngại bên ngoài để thâm nhập vào bản chất sâu xa của con người và cuộc sống, để có được cái nhìn tinh tế của đôi mắt thấu cảm vì đã tường tận mọi lẽ đời, mọi góc khuất của nhân sinh. Với “iki”, tiểu thuyết bình dân thời Edo không chỉ có “tục” mà còn có “nhã”. “Nhã” ở đây không phải là vẻ đẹp diễm lệ được thể hiện trong văn học và văn hóa Heian, mà là thứ tinh chất khó thấy nằm bên trong khối hiện thực dung tục, thậm chí bề bộn và rối rắm. Phải thấu suốt đường ngang ngõ tắt của cuộc đời, phải có sự nhạy bén tinh tường để nhìn được vào góc tối, nhận ra những tia sáng nhỏ nhoi lấp lánh phía sau những bóng hình nhập nhòa mờ ảo thì mới thấy được cái “nhã” mà “iki” biểu đạt.
Đến đây thì có thể thấy rằng cái “nhã” của văn học thời Edo không chỉ là vẻ đẹp ưu nhã được giữ gìn ở một góc riêng dành cho lòng ngưỡng mộ và ý thức tìm về với cội nguồn của ý thức thẩm mỹ truyền thống, mà còn là nét đẹp mới mẻ, đầy sức sống và cũng không kém phần tinh tế được chắt lọc từ đặc trưng văn hóa đương thời. Hơn nữa, sự kết hợp của “nhã” và “tục” cũng không đơn giản là việc lắp ghép các mảng sáng tối vào cùng một chỉnh thể, không dừng lại ở con đường đi từ diện mạo bên ngoài đến bản chất bên trong. Sự hòa quyện của hai yếu tố này đạt đến mức cao nhất ở thể thơ haiku 俳句 với vẻ đẹp đời thường mà ảo diệu.
Nếu có thể hình dung các trào lưu sáng tác haikai-no-renga 俳諧の連歌 như một ngôi nhà rộng rãi thoáng mát được xây dựng bằng phong cách kiến trúc tân thời phù hợp với văn hóa thị dân của xã hội Edo, thì thể thơ mười bảy âm tiết với cảm thức thẩm mỹ độc đáo của phong cách “Shofu” 蕉風 như một thiền thất kín đáo nằm trong một khoảng vườn khuất sau ngôi nhà ấy, và lối đi dẫn từ ngôi nhà đến thiền thất là Matsuo Basho. Nếu ngôi nhà là không gian để chủ nhân tổ chức mọi sinh hoạt của cuộc sống đời thường với tư cách là một cá nhân tồn tại trong cộng đồng xã hội thì thiền thất là nơi để chủ nhân gặp gỡ và đối thoại với chính mình. Ở đó con người có thể thoát ra khỏi những mối ràng buộc cụ thể của đời sống xã hội để chỉ còn là một cá nhân, nhưng là một cá nhân nhìn ra sự kết nối sâu thẳm diệu kỳ giữa bản thân với toàn vũ trụ.
Trong giai đoạn Edo sơ kỳ, Basho đã từ một người học hỏi và sáng tác haikai theo trường phái Teimon ở Kyoto trở thành một nhân vật nổi bật của các hội renga của trường phái Danrin ở Edo. Điều quan trọng là sau đó Basho đã xác lập được vị trí và giá trị mỹ học cho thể thơ mười bảy âm tiết với phong cách “Shofu”, trong khi bản thân ông dần rời xa các hội thơ của thi đàn ở đô thị trung tâm để du hành đây đó và trải nghiệm cuộc sống trầm mặc tĩnh lặng ở thảo am, như một người sau khi hoàn thành các vai trò của cá nhân trong xã hội thì có thể tự do tĩnh tọa trong thiền thất. Chính vì vậy phong cách “Shofu” là sự chưng cất những chất liệu đời thường, dung tục vốn là một đặc trưng của haikai để làm thăng hoa vẻ đẹp độc đáo của u trầm, đơn bạc và tịch lặng.
Bản thân “Shofu” cũng là một quá trình trải nghiệm và thay đổi. Về cơ bản, đó là sự thay đổi cảm thức “sabi” đến cảm thức “karumi”.
Vì cả hai đều là những khái niệm mỹ học mơ hồ, khó giải thích đầy đủ bằng lý thuyết thuần túy, người viết xin giới thiệu hai ví dụ trong số những bài thơ tiêu biểu, mong rằng có thể giúp người đọc tiếp cận dễ dàng với cảm thức thẩm mỹ của “Shofu”:
この道や                  Kono michi ya                      Con đường này
行く人なしに             Yuku hito nashi ni               Trong chiều thu muộn      (1)
秋の暮                               Aki no kure                           Chẳng còn bóng ai

木のもとは      Ki no moto wa                   Dưới cội anh đào
汁も鱠も                  Shiru mo namasu mo           Món canh món cá            (2)
桜かな                      Sakura kana                          Cũng hoa bay vào
Trong hai bài thơ trên thì bài (1) là ví dụ cho cảm thức “sabi”, còn bài (2) thể hiện khá rõ cảm thức “karumi”. Vẻ đẹp “sabi” thường toát lên từ không gian tịch lặng, hình ảnh sơ bạc và màu sắc u trầm. Theo Shiota Hiroko thì “sabi” là nét độc đáo riêng có ở phong cách “Shofu”, khác với “iki” được xem như ý thức thẩm mỹ chung của văn hóa nghệ thuật thời Edo trong giai đoạn mà loại tranh khắc gỗ ukiyo-e 浮世絵 trở nên thịnh hành, phổ biến. Sự khác biệt ấy cũng giống như Thiền tông du nhập vào Nhật Bản đã tạo nên “tinh thần Thiền” nằm ở bề sâu, ở mặt trong của nền văn hóa ấy; trong khi ở bề nổi, mặt ngoài là vẻ đẹp diễm lệ, phồn hoa[6].
Từ “sabi” đến “karumi” là quá trình từ trầm lắng, tĩnh tại đến thăng hoa, thanh thoát. Điều đáng chú ý là kể từ khởi điểm, quá trình này đã mở ra chiều sâu mỹ học ngoài mong đợi của thể loại haikai. Nói đúng hơn, cơ thể thô mộc đời thường của haikai khi đi vào “thiền thất Shofu” đã được thổi vào bên trong một linh hồn mới và vô cùng trong trẻo. Với linh hồn ấy, người ta dù vẫn đang đi trên con đường trần thế nhưng đã thấy xung quanh vắng bóng người, chỉ còn lại cảm giác tịch liêu trong bóng chiều thu muộn. Thêm một bước nữa, linh hồn ấy sẽ trở nên nhẹ nhõm như cánh hoa đào rơi xuống giữa mùa xuân, để những “món canh, món cá” quyến rũ mà bề bộn của đời thường đều biến thành hoa vì quyện hương, thắm sắc.
Với vẻ đẹp “sabi” và “karumi” của phong cách “Shofu”, văn học Edo đã bất ngờ đạt đến chiều sâu vô tận nhờ sự kết hợp ở mức độ cao nhất, trở thành sự hòa quyện tự nhiên của yếu tố bình dị đời thường và tinh thần trong trẻo, thanh cao.
3.      Sự phối hợp “nhã” - “tục” và giá trị cận đại của văn học Edo
Nếu nhìn trong dòng chảy của lịch sử văn học thì Edo là giai đoạn “bắt cầu” từ văn học cổ điển sang văn học hiện đại. Ở phần trên, người viết đã nói đến sự tiếp nối từ thời Heian, qua thời trung đại và đến thời Edo như một tiến trình đại chúng hóa,  bình dân hóa văn học. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì vai trò cầu nối của văn học Edo vẫn chưa được xem xét đầy đủ. Vì vậy, ở phần này, đặc trưng của văn học Edo cần được bổ sung thêm từ góc nhìn hiện đại hóa văn học.
Các tác giả của tập sách Shin nihon bungakushi đã ghi nhận hai đặc điểm quan trọng của tiến trình hiện đại hóa trong văn học Nhật Bản. Một là sự xâm nhập ồ ạt của văn hóa và tư tưởng phương Tây. Hai là sự mất đi khái niệm về văn học chính thống như là việc trước tác và sử dụng thư tịch để giáo dục bồi dưỡng con người, thay vào đó là khái niệm văn học được hiểu như nghệ thuật dùng ngôn từ để sáng tác văn chương, trong đó giới trí thức của xã hội hiện đại là lực lượng đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động sáng tác và lý luận, phê bình[7]. Trong hai đặc điểm trên, đặc điểm thứ nhất là hoàn cảnh tất yếu của Nhật Bản đương thời, và cũng là điều kiện cần thiết để Nhật Bản trở thành một quốc gia phát triển trong thế giới hiện đại, bao gồm sự phát triển trong nghệ thuật và văn hóa. Còn đặc điểm thứ hai là sự thay đổi căn bản trong lịch sử văn học, từ nội hàm của thuật ngữ “văn học” đến hoạt động sáng tác và tiếp nhận văn chương, khi có sự dịch chuyển từ tâm thức cổ điển sang tâm thức hiện đại.
Tuy nhiên, sự thay đổi trong nội hàm của thuật ngữ “văn học” thật ra không đơn giản. Đó là sự thay đổi căn bản về nhận thức, có tác dụng chi phối cấu trúc của cả nền văn học và cách thức mà nền văn học ấy vận hành, phát triển.
Một mặt, sự thay đổi từ quan niệm về văn học nói trên đã mang lại bầu không khí tự do cho việc sáng tác và tiếp nhận văn học. Khi đó, văn học không cần phải là những trước tác có nội dung chuẩn mực và nghiêm cẩn như tài liệu được biên soạn để dùng cho công việc giáo dục, mà cũng không nhất thiết phải gánh lấy sứ mệnh bảo tồn những gì mà luân lý đạo đức đánh giá là thành tựu đỉnh cao, là tinh túy nhất của một thời đã qua để lưu truyền cho hậu thế. Như vậy, người viết văn làm thơ có thể sử dụng bất cứ đối tượng nào làm chất liệu sáng tác, có thể lựa chọn bất cứ đề tài nào để biểu đạt cảm xúc, miêu tả hay kể chuyện. Còn người đọc thì đến với văn học như một sự lựa chọn tự do để thưởng thức cái hay, cái đẹp trong tác phẩm.
Nhưng mặt khác, khi văn học trở thành một hoạt động của sáng tạo nghệ thuật thuần túy thì giá trị thẩm mỹ của tác phẩm cũng cần được nâng cao. Vì người đọc được tự do lựa chọn và thưởng thức nên tác phẩm văn học cần phải có giá trị tự thân để tồn tại, chứ không còn dựa vào mục đích giáo dục hay truyền đạt thông tin như trong các thời kỳ trước đó. Tình hình như vậy cũng có nghĩa là người sáng tác cần phải có trình độ khá cao về cảm quan thẩm mỹ, năng lực sáng tạo và năng lực biểu đạt. Nói cách khác, khi văn học thực hiện đúng chức năng là một ngành nghệ thuật trong xã hội hiện đại thì người sáng tác có thể là bất cứ ai, có thể viết về bất cứ cái gì, nhưng không phải ai cũng có thể là nhà văn nhà thơ, không phải tác phẩm nào cũng tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả.
Kết hợp hai bình diện nói trên thì sẽ thấy nổi lên một vấn đề quan trọng: nền văn học Nhật Bản hiện đại trở thành một sân chơi tự do với sáng tác văn chương là hoạt động mang tính đại chúng, tuy phong phú, đa dạng nhưng tất cả đều hướng đến giá trị thẩm mỹ cao. Cho nên, không khó hình dung rằng đó là một môi trường đòi hỏi văn học phải có cả bề rộng của mạch nguồn chất liệu và chiều sâu của nhận thức thẩm mỹ. Để hình thành một môi trường như thế, rõ ràng là văn học Nhật Bản cần có một chiếc cầu nối từ tâm thức cổ điển sang tâm thức hiện đại. Chiếc cầu ấy chính là sự chuẩn bị ở mức độ nhất định tính đại chúng, tính đa dạng và năng lực sáng tạo cái đẹp từ chất liệu đời thường. Với sự mở rộng bình diện theo hướng đại chúng hóa, bình dân hóa và vẻ đẹp thăng hoa từ sự hòa quyện tự nhiên của cái “nhã” và cái “tục”, văn học Edo đã thực hiện rất tốt vai trò cầu nối giữa văn chương cổ điển và văn học hiện đại. Vì vậy, cũng có thể nói rằng sự kết hợp của “nhã” và “tục” đã tạo nên tính cận đại của văn học Nhật Bản thời Edo.
Lời kết
Vì là giai đoạn cuối, và cũng là giai đoạn cao trào, của tiến trình bình dân hóa, đại chúng hóa trong văn học nghệ thuật, thời Edo thường được xem là thời kỳ mà cái “tục”, cái thô ráp đời thường chiếm vị trí trung tâm trong sáng tác và thưởng thức văn nghệ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là văn chương nghệ thuật thời kỳ này chỉ có “tục” mà không có “nhã”. Những cứ liệu nắm bắt được từ cái nhìn hệ thống cho thấy “nhã” không chỉ tồn tại như một bộ phận có vai trò đáng kể trong văn học Edo mà quan trọng hơn, sự kết hợp giữa “nhã” và “tục” trong sáng tác văn chương đương thời là nguồn lực giúp cho nền văn học mở rộng chiều kích ở bề ngoài và nâng cao giá trị thẩm mỹ ở bên trong, chạm đến chiều sâu của vẻ đẹp tinh tế từ chất liệu thô mộc, từ sự cọ xát trực tiếp với cuộc sống đời thường. Đó chính là yếu tố cốt lõi tạo nên tính chất cầu nối của văn học Edo, là sự chuẩn bị về nội lực ở giai đoạn cận đại để sang thời hiện đại, nền văn học kết tinh từ văn hóa truyền thống Nhật Bản hội nhập trôi chảy vào biển rộng của văn học thế giới với tư thế vững vàng và rất nhiều thành tựu nổi bật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      秋山虔Akiyama Ken - 三好行Miyoshi Yukio (2000),『新日本文学史』(Tân lịch sử văn học Nhật Bản), 文英堂.
2.      橋口侯之介 Hashiguchi Konosuke (2009),「書物から見た近世文学」(Văn học cận đại từ góc nhìn tư liệu), http://www.mmjp.or.jp/seishindo/seikei_kinsei/.
3.      小林秀雄 Kobayashi Hideo (1992), 『本居宣長』(Motoori Norinaga), 新潮社.
4.      小嶋菜温子Kojima Naoko - 小峯和明Komine Kazuaki -
渡辺憲()Watanabe Kenji (biên soạn) (2008),『源氏物語と江戸文化』(Genji monogatari và văn hóa Edo),  森話.
5.      小西甚一 Konishi Jin’ichi (1993), 『日本文学史』(Lịch sử văn học Nhật Bản), 講談社.
6.      Michael F. Marra (translated and edited) (2007), The Poetics of Motoori Norinaga – A Hermeneutical Journey, University of Hawai’i Press, Honolulu.
7.      紫式部 Murasaki Shikibu (1965), 源氏物語5巻(Genji monogatari – 5 tập), 山岸徳平校注(Yamagishi Tokuhei chú giải), 岩波書店.
8.      日本文学研究資料刊行会 Nihon bungaku kenkyu shiryo kankokai (1972),日本文学研究資料叢書(Tổng tập nghiên cứu văn học Nhật Bản), 有精堂.
塩田博子Shiota Hiroko (2002), 『美術から日本文化を観る』(Văn hóa Nhật Bản từ góc nhìn mỹ thuật), 文芸社.


[1]秋山虔Akiyama Ken - 三好行Miyoshi Yukio (2000),『新日本文学史』(Tân lịch sử văn học Nhật Bản), 文英堂, tr. 68.
[2] 紫式部 Murasaki Shikibu (1965), 源氏物語5巻(Genji monogataricuốn 2), 山岸徳平校注(Yamagishi Tokuhei chú giải), 岩波書店, chương “Hotaru”, tr. 432.
[3] Ihara Saikaku thường được xem là người đã xác lập dòng tiểu thuyết “ukiyozoshi” với tác phẩm Koshoku daiichi otoko『好色第一男』. Ueda Akinari thì được đánh giá là cây bút thành công nhất trong dòng tiểu thuyết “yomihon” với tập truyện Ugetsu monogatari『雨月物語』.
[4] Tài liệu tiếng Nhật về Ihara Saikaku chỉ ghi nhận thông tin về hoàn cảnh xuất thân của tác giả này như những giả thuyết được suy đoán, theo đó thì Ihara Saikaku sinh trưởng trong một gia đình thương nhân ở Osaka. Tuy nhiên, chính tình trạng mơ hồ về thông tin cá nhân như vậy góp phần khẳng định nhà văn là người thuộc tầng lớp bình dân (khác với trường hợp xuất thân từ gia đình có vị thế cao trong xã hội với lai lịch rõ ràng được nhiều người biết đến).
[5]秋山虔Akiyama Ken - 三好行Miyoshi Yukio (2000),『新日本文学史』(Tân lịch sử văn học Nhật Bản), 文英堂, tr 113.
[6] 塩田博子Shiota Hiroko (2002), 『美術から日本文化を観る』(Văn hóa Nhật Bản từ góc nhìn mỹ thuật), 文芸社, tr. 116.
[7]秋山虔Akiyama Ken - 三好行Miyoshi Yukio (2000),『新日本文学史』(Tân lịch sử văn học Nhật Bản), 文英堂, tr 138.