Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

VẤN ĐỀ THỂ LOẠI TRONG GENJI MONOGATARI CỦA MURASAKI SHIKIBU



DẪN NHẬP

Tính mơ hồ, khó xác định về mặt thể loại của Genji monogatari là điều gây khó khăn trước hết cho các nhà nghiên cứu, các dịch giả khi tiếp cận hoặc “gọi tên” tác phẩm này. Trong tiếng Anh, kể cả trong các dịch phẩm và các bài nghiên cứu, tựa đề tác phẩm có khi là “The Tale of Genji”, có khi là “Genji monogatari”. Các nhà nghiên cứu phương Tây và Nhật Bản gọi tác phẩm là “tiểu thuyết” (novel / 小説) trong một số trường hợp, trong những trường hợp khác lại cho tác phẩm là truyện kể (tale), thần thoại (myth), truyện hư cấu (fiction), tiểu thuyết lịch sử (historical novel), truyện kể trường thiên (長編物語) hay tiểu thuyết trường thiên (長編小説) v.v... Tất nhiên, từ “monogatari” ngay trong tựa đề tác phẩm bằng tiếng Nhật đã là một từ chỉ thể loại. Nhưng, như đã trình bày ở phần trên, khái niệm monogatari có nội hàm mơ hồ tương ứng với ngoại diên phức tạp, nên khó có thể được dùng trong những trường hợp cần xác định rõ ràng, chi tiết một khía cạnh nào đó của tác phẩm.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là cách định danh hay cách dùng từ thích hợp khi chuyển ngữ, mà quan trọng nhất là chuyện “phải hiểu tác phẩm như thế nào”, “phải theo hướng phân tích nào để đánh giá đúng về tác phẩm, hiểu được giá trị mỹ học và những thông điệp mà tác giả gửi gắm vào ngôn từ khi sáng tác nên một tác phẩm quy mô như thế”.
Những câu hỏi nêu trên, dù trực tiếp hay gián tiếp, đã thúc đẩy nhiều độc giả, nhà nghiên cứu tìm hiểu về Genji monogatari, đi sâu vào thế giới của tác phẩm để tìm câu trả lời thỏa đáng. Nhưng cho đến ngày nay, sau quá trình nghiên cứu tác phẩm kéo dài qua nhiều thời kỳ lịch sử, vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về vấn đề này. Để đi vào chi tiết vấn đề trên, trước hết cần nói qua về hình thức monogatari như một thể loại của văn chương tự sự Nhật Bản và thế giới, mà Genji monogatari là một trường hợp đặc biệt, một thành công vượt bậc của thể loại này.

1. MONOGATARI TRONG TIẾN TRÌNH VĂN CHƯƠNG TỰ SỰ NHẬT BẢN VÀ THẾ GIỚI

Trong tiến trình vươn ra khỏi không gian thần thoại và thâm nhập sâu vào đời sống con người, văn chương tự sự đã phát triển ngày càng phức tạp về cả nội dung và hình thức, trong bối cảnh văn hóa – xã hội của nhiều cộng đồng dân tộc khác nhau, do đó có sự hình thành nhiều thể loại tự sự khác nhau trong các nền văn học. Đặt tất cả các thể loại tự sự bên cạnh nhau rồi chỉ ra những điểm giống và khác nhau hay làm rõ mối quan hệ giữa chúng sẽ là một công việc khó khăn, phức tạp mà đề tài nghiên cứu này không thể đảm đương. Trong phần này, chúng tôi chỉ trình bày những đặc điểm của thể loại monogatari và mối quan hệ của thể loại này với các thể loại có những nét gần gũi hoặc tương đồng với nó, trong thế giới văn chương tự sự nói chung, nhưng chủ yếu được nhìn ở cận cảnh văn học Đông Á và Nhật Bản.
“Mono” trong tiếng Nhật là một danh từ chỉ sự vật nói chung. Gatari” là kể lại, thuật lại. Do vậy “monogatari” có thể hiểu là “truyện”, “truyện kể”, hay là “kể lại một câu chuyện”. Trong lịch sử văn học Nhật Bản, “monogatari” là một hình thức tự sự bằng thơ hoặc văn xuôi, ra đời vào giai đoạn trung cổ (khoảng từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII) và phát triển trong một thời gian dài, cho đến khi Nhật Bản tiếp nhận văn học phương Tây và sử dụng những khái niệm mới để gọi tên các thể loại văn học theo quan niệm hiện đại.
Về mặt ngôn ngữ, cơ sở hình thành và phát triển của thể loại này là việc sáng lập hệ văn tự kana, sau một thời gian người Nhật tiếp thu Hán tự của Trung Hoa để ghi âm tiếng Nhật. Sự xuất hiện của chữ kana làm cho cách diễn đạt của ngôn ngữ Nhật Bản trong sáng tác văn học trở nên mềm mại hơn, và nhờ đó những hình thức sáng tác văn học dùng chữ kana ngày càng phát triển phong phú và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cùng với sự phát triển những hình thức tu từ trong thơ ca là sự xuất hiện của những thể loại mới trong văn xuôi, trong đó monogatari là một hình thức văn học có lịch sử tồn tại lâu dài với nhiều tác phẩm lớn.
Về mặt nội dung, có thể nói monogatari ra đời trên cơ sở những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian. Những câu chuyện này có thể là chuyện hư cấu kể về những điều kỳ lạ, những tình tiết không có thực trong đời sống, hoặc là những câu chuyện về một nhân vật, một miền đất có thực nào đó (thường là những nhân vật thuộc tầng lớp quý tộc ở cung đình và vùng phụ cận Kyoto). Trong giai đoạn đầu, monogatari thường có nội dung là những truyền thuyết dân gian như Utsuho monogatari (Truyện bộng cây), Taketori monogatari (Truyện ông già đốn tre) v.v..., nên thể loại này có thể được xem như hình thức văn xuôi ghi chép lại những câu chuyện cổ trong kho tàng văn học truyền miệng. Tuy nhiên, tiến trình phát triển của monogatari cho thấy thể loại này ngày càng thiên về hướng trần thuật những câu chuyện trong đời sống, với nhân vật thường là những con người có thật trong lịch sử, sống ở một miền đất nào đó và gắn với những sự kiện nào đó, điển hình là những tác phẩm như Ise monogatari (Truyện vùng Ise), Yamato monogatari (Truyện Yamato), Heichu monogatari (Truyện chàng Heichu) v.v... Về sau, loại truyện kể về xã hội con người trở nên phong phú hơn hẳn so với loại ghi chép lại những truyền thuyết dân gian, nên có thể phân chia loại truyện này thành các tiểu loại như truyện lịch sử, truyện chiến tranh, truyện tình ái v.v...
Tuy nói là truyện viết về những con người, những sự việc có thật nhưng trên thực tế thì trong những truyện kể này cũng có nhiều tình tiết hư cấu. Có tác phẩm thiên về hư cấu như Genji monogatari xuất hiện vào thế kỷ XI. Ngoài ra, còn có những tác phẩm thuộc loại truyện truyền kỳ trong dòng “văn học phù thế” phát triển cuối thời Edo (tức khoảng thế kỷ XVIII) như  Ugetsu monogatari (Truyện vũ nguyệt) của Ueda Akinari.
Ngày nay, khái niệm “monogatari” trong văn học Nhật Bản thường được hiểu theo hai mức độ ý nghĩa. Theo nghĩa hẹp, monogatari được xem là loại truyện cổ, ghi chép những truyền thuyết dân gian hoặc kể về hành trạng, cuộc đời của một nhân vật nào đó trong lịch sử. Theo nghĩa rộng, monogatari là thể loại truyện kể nói chung, có nhân vật và cốt truyện, bao gồm cả truyện hư cấu, truyện lịch sử, truyện chiến tranh hay truyện truyền kỳ. Nếu hiểu theo nghĩa này, monogatari là một thể loại văn xuôi xuất hiện sớm và có quá trình phát triển lâu dài trong lịch sử văn học Nhật Bản, từ thời Heian đến cuối thời Edo.
Thời Heian (794 – 1192) là thời kỳ phát triển đỉnh cao của văn hóa cung đình, thời kỳ phồn thịnh nhất của giới quý tộc Nhật Bản. Vì vậy, những tác phẩm văn học được sáng tác trong thời kỳ này mang màu sắc của văn hóa quý tộc với vẻ đẹp diễm lệ và cao nhã. Đồng thời, do một số nguyên nhân về văn hóa xã hội nên đây cũng là thời kỳ có nhiều cây bút nữ tham gia vào đời sống văn học, thường được gọi là “thời kỳ văn học nữ lưu”. Những tác phẩm thuộc thể loại monogatari được sáng tác trong thời kỳ này cũng thể hiện rõ vẻ đẹp của văn hóa quý tộc và sự mềm mại của văn chương nữ tính, đồng thời cũng là những tác phẩm có nội dung phong phú và giá trị nghệ thuật cao. Đó là những tác phẩm như Genji monogatari, Eiga monogatari (Truyện vinh hoa), Hamamatsu Chunagon monogatari (Truyện về quan chunagon ở Hamamatsu). Trong số đó, Genji monogatari là tác phẩm đồ sộ nhất và thể hiện trình độ tư duy nghệ thuật cao nhất, có thể xem là thành tựu đỉnh cao của thể loại monogatari, và cũng là thành tựu đỉnh cao của văn xuôi Nhật Bản trong suốt nhiều thế kỷ, trước khi xuất hiện tiểu thuyết hiện đại.
Cuối thời Heian, khi quyền lực chính trị chuyển từ giai cấp quý tộc sang tầng lớp võ sĩ thì văn hóa cung đình cũng dần dần nhường chỗ cho văn hóa bình dân, vẻ đẹp cao nhã trong văn chương nghệ thuật được thay thế bằng phong cách thô mộc và mạnh mẽ. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu của thời kỳ trung đại, từ thế kỷ XII cho đến cuối thế kỷ XVI, đã có nhiều cuộc nội chiến xảy ra do xung đột quyền lực giữa các dòng họ lớn. Vì vậy, có những tác phẩm monogatari phản ánh thực tế lịch sử này, điển hình là Heike monogatari  (Truyện Heike).
Heike monogatari là một truyện kể xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, kể lại cuộc xung đột giữa hai dòng họ có thế lực là họ Taira và họ Minamoto. Xét về quy mô thì Heike monogatari cũng là một tác phẩm lớn (gồm 13 quyển), nhưng về tính nghệ thuật thì không thể sánh bằng Genji monogatari đã được viết trước đó hai thế kỷ. Trong khi Genji monogatari là một tác phẩm có trình độ tư duy nghệ thuật cao, thể hiện nhiều dấu ấn cá nhân về tri thức, quan niệm nghệ thuật của người sáng tác thì Heike monogatari chỉ là một truyện chiến tranh bình thường, kể về cuộc đời những con người có thật trong lịch sử với giọng văn kết hợp giữa thể loại nhật ký và truyện răn đời mang màu sắc Phật giáo.
Có thể nói sau thời Heian, thể loại monogatari vẫn tiếp tục tồn tại như một bộ phận của nền văn học Nhật Bản. Đặc biệt, khi có sự xuất hiện của các loại hình nghệ thuật biểu diễn như múa rối (bunraku), kịch No, kabuki thì cốt truyện, nhân vật và tình tiết trong những tác phẩm monogatari thường được những nhà viết kịch bản sử dụng để viết tuồng cho các vở diễn, vì thế monogatari càng trở nên phổ biến và gắn bó với nhiều hình thức văn nghệ dân gian. Tuy nhiên, trong suốt thời trung đại, thể loại này không có sự tiến bộ đáng kể nào được ghi nhận về tư duy nghệ thuật.
Cuối thời Edo, khoảng thế kỷ XVII - XVIII, theo dòng chảy của văn hóa thị dân, văn chương tự sự Nhật Bản bước vào một giai đoạn phát triển mới với hình thức tiểu thuyết mang tính giải trí, chủ yếu miêu tả đời sống thị dân và thói đam mê hưởng thụ của con người. Trong số các thể loại tự sự của thời kỳ này có thể loại yomihon là loại truyện truyền kỳ lấy cảm hứng từ văn học cổ điển Nhật Bản và chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết bạch thoại Trung Quốc. Ueda Akinari được xem là nhà văn tiêu biểu của thể loại này với tập Ugetsu monogatari, gồm 9 truyện ngắn mang tính chất kỳ ảo. Những câu chuyện trong tập Ugetsu monogataritruyện hư cấu, với những tình tiết xung đột được xây dựng để nói lên sự kiên quyết trong tâm hồn người Nhật mang tinh thần võ sĩ đạo, thông qua các nhân vật điển hình trong tác phẩm. Có thể thấy Ugetsu monogatari khác hẳn với những truyện có tựa đề monogatari trong văn học cổ điển. Nó không phải là một tác phẩm trường thiên mà chỉ là tập hợp một số truyện ngắn được viết theo kiểu truyện truyền kỳ phổ biến ở các nước Đông Á thời hậu kỳ trung đại. Loại truyện này tương đối gần với tiểu thuyết hiện đại, nhưng có đặc thù là sử dụng nhiều chi tiết kỳ ảo tạo nên không khí ma quái trong câu chuyện và làm giảm đi sự cảm nhận về tính hiện thực đời thường của tác phẩm. Cũng cần nói thêm rằng những tác phẩm văn xuôi trong thời kỳ này không mang tựa đề “monogatari” đồng loạt như những truyện kể thời cổ điển và tiền kỳ trung đại. Thay vào đó, có sự xuất hiện những tên gọi mới như “ukiyozoshi” hay “yomihon” được dùng phổ biến để chỉ các tiểu loại của hình thức tiểu thuyết thời Edo. Điều đó phản ánh sự phát triển của ý thức về thể loại tự sự thời hậu kỳ trung đại. Tuy nhiên, tựa đề Ugetsu monogatari cho thấy “monogatari” vẫn được hiểu là truyện kể nói chung.
Nói tóm lại, cùng với lịch sử phát triển lâu dài của văn chương tự sự ở Nhật Bản, từ thời kỳ của truyền thuyết, thần thoại đến khi xuất hiện tiểu thuyết hiện đại kiểu phương Tây, “monogatari” được sử dụng như một khái niệm chung để chỉ các hình thức tự sự đã có mặt trong khoảng thời gian đó. Như vậy, thời gian tồn tại và phát triển của monogatari tương ứng với thời gian xuất hiện nhiều thể loại tự sự ở các nền văn học trên thế giới, như tiểu thuyết cổ điển ở Trung Quốc, romance ở châu Âu, truyện truyền kỳ và truyện thơ Nôm ở Việt Nam, yadam (truyện dã sử tiếp nhận từ Trung Quốc) và thể loại hát kể p’ansori ở Triều Tiên v.v... Cho nên, trong thế giới monogatari hàm chứa nhiều tiểu loại khác nhau của văn chương tự sự, thể hiện những bước phát triển của nghệ thuật tự sự từ giai đoạn này sang giai đoạn khác.
Để xác định vị trí của thể loại monogatari trong thế giới văn chương tự sự nói chung, dưới đây chúng tôi lần lượt so sánh, hoặc làm rõ mối quan hệ, giữa monogatari với các thể loại gần gũi với nó về nội dung, niên đại hay thi pháp.
Như đã nói qua ở phần trên, là hình thức tự sự đặc trưng của văn học Nhật Bản, monogatari bắt nguồn từ truyện cổ của người Nhật và chịu ảnh hưởng, hay lưu giữ dấu ấn, của hình thức tự sự cổ sơ này trong suốt tiến trình phát triển của thể loại. Điều đó đã được nhiều nhà học giả Nhật Bản quan tâm và làm rõ trong các công trình nghiên cứu về monogatari nói chung, hoặc về một tác phẩm nào đó thuộc thể loại này. Theo đó, không chỉ có những tác phẩm monogatari khuyết danh mới có mối liên hệ với thần thoại mà ngay cả trong tác phẩm có thể hiện trình độ tư duy nghệ thuật cao như Genji monogatari, cũng không khó tìm thấy những dấu vết của truyện cổ. Chẳng hạn, Suzuki Hideo, trong công trình Genji monogatari kyokoron『源氏物語虚構論』 (Bàn về nghệ thuật hư cấu trong Genji monogatari) đã chỉ ra sự tương đồng giữa nhân vật Hikaru Genji với hình tượng những vị thần trong Kojiki. Hay trong tập sách Nihon no kokoro to Genji monogatari『日本の心と源氏物語』(Tâm hồn Nhật Bản và Genji monogatari), Okano Hirohiko cho rằng cuộc lưu đày của Genji là một tình tiết giống như trong thần thoại, còn một số nhân vật nữ được miêu tả trong tác phẩm thì mang dáng dấp của các vị nữ thần trong thần thoại tình yêu[1]. Còn theo nhận xét của nhà nghiên cứu Richard Bowring thì Genji monogatari hàm chứa kiểu chiều sâu tâm linh đã mang lại cảm hứng sáng tác cho Homer, Virgil, Shakespeare, hay sự huyền bí trong thần thoại phương Tây và Ấn Độ[2]. Theo quan điểm này, một số nhà nghiên cứu xác định rằng tác phẩm Taketori monogatari là đánh dấu sự mở đầu chính thức cho hình thức tự sự monogatari, vì “trước Taketori monogatari chỉ có những thuyết thoại rời rạc, những truyện kể dân gian truyền miệng, về sau được ghi chép lại bằng Hán văn[3]. Và bởi vì Taketori monogatari vẫn là một kiểu truyện kể dân gian mang màu sắc huyền thoại, nên ở tác phẩm này mối quan hệ giữa truyện cổ Nhật Bản và thể loại monogatari được thể hiện rõ nét.
Bên cạnh đó, thơ waka là dòng chảy mạnh mẽ của truyền thống văn học Nhật Bản từ thời cổ đại, là nguồn mạch của cảm hứng sáng tác văn chương qua nhiều thời kỳ, nên đã nên đã thâm nhập vào cả không gian tự sự của monogatari, tạo nên một số truyện kể bằng thơ gọi là “uta monogatari” như Ise monogatari, Heichu monogatari và hình thức văn xuôi tự sự có xen lẫn tanka như Genji monogatari. Đặc biệt trong Genji monogatari, thơ waka không chỉ đóng góp vào nội dung, hình thức trình bày mà còn thật sự lắng vào chiều sâu văn hóa và thẩm mỹ của tác phẩm, thẩm thấu từ ý thức của tác giả sang hình tượng, tính cách và cảm xúc của nhân vật.
Điều đáng chú ý ở đây là, trong khi hình thức thơ tự sự khá phổ biến ở nhiều nền văn học, đặc biệt là văn học phương Tây, từ thời đại của các sử thi đến thời trung cổ với hình thức tiểu thuyết hiệp sĩ, thì hình thức này chỉ xuất hiện thấp thoáng trong văn học Nhật Bản từ giai đoạn cổ đại sang trung đại. Và các tác phẩm kiểu “uta monogatari” này xuất hiện vào giai đoạn đầu của lịch sử phát triển monogatari, trước khi có những tác phẩm monogatari ở dạng văn xuôi tự sự. Vì vậy, nhà nghiên cứu Ozaki Yoshie cho rằng monogatari ở Nhật Bản là một hình thức quá độ từ thơ tự sự đến tản văn, có sự kết hợp cả tính chất tự sự và trữ tình trong cách thức biểu đạt[4]. Như vậy, điểm giống nhau giữa monogatari Nhật Bản và thơ tự sự phương Tây là cả hai đều mang tính chất của thể loại trung gian trên con đường phát triển từ sử thi đến tiểu thuyết hiện đại, nhưng ở monogatari có sự kết hợp thi pháp của nhiều thể loại và phát triển theo hướng văn xuôi tự sự là chủ yếu, nên có những tác phẩm gần với tiểu thuyết hiện đại hơn.
Vào thời Heian, do Nhật Bản tiếp thu văn hóa Trung Hoa thời Đường, trong đó có bộ phận quan trọng là thơ Đường và tiểu thuyết truyền kỳ, nên monogatari trong thời kỳ này cũng chịu ảnh hưởng của các thể loại trên, về cả nội dung và cấu tứ. Nhà nghiên cứu Okazaki Yoshie nhận xét rằng Taketori monogatari chịu ảnh hưởng của truyện truyền kỳ Trung Quốc, có yếu tố thần tiên, hoang đường, thể hiện sự phát triển từ truyện thơ đến truyện tình ái ở cung đình, và cũng có yếu tố tả thực của tiểu thuyết[5]. Trong Genji monogatari, tinh thần tiếp nhận Đường thi cũng thể hiện rõ rệt qua việc trích dẫn nhiều câu, nhiều ý trong Trường hận ca, Văn tuyểnBạch thị văn tập. Bên cạnh đó, giữa truyện truyền kỳ thời Đường và thể loại monogatari của Nhật Bản thời Heian cũng có nhiều điểm tương đồng về nội dung và cách kể chuyện. Cả hai thể loại đều là truyện kể về thế sự nhưng phảng phất màu sắc tâm linh và được điểm tô bằng những tình tiết huyễn ảo, lạ lùng phản ánh tư duy con người ở thời điểm còn chịu ảnh hưởng đậm sâu của những huyền thoại cổ. Không khí này đặc biệt đậm nét ở cách miêu tả các nhân vật nam nữ gặp nhau trong cảm xúc say mê của tình yêu, nhưng sự tác hợp hay cản trở mối quan hệ của họ thường do những nguyên nhân kỳ lạ, ít nhiều mang sắc màu huyền ảo. Vì vậy, cũng có nhà nghiên cứu Nhật Bản, như Okazaki Yoshie, cho rằng monogatari là thể loại tự sự mang tính chất truyền kỳ, đồng thời có nét tương đồng với thể loại romance phổ biến ở châu Âu vào thế kỷ XVIII[6].
Cũng cần phải nói thêm rằng, tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc, từ các loại truyện chí quái, truyền kỳ đến tiểu thuyết chương hồi có đề tài lịch sử - xã hội thời Minh – Thanh, vẫn có những ảnh hưởng khá rõ nét đến dòng tiểu thuyết trung cận đại ở Nhật Bản thời Edo, trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX. Nói cách khác, ảnh hưởng của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc đến văn chương tự sự Nhật Bản không chỉ nằm trong phạm vi thể loại monogatari. Tuy nhiên, trong khi tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc phát triển mạnh với hình thức tiểu thuyết chương hồi ở giai đoạn trung kỳ và hậu kỳ trung đại, thì monogatari của Nhật Bản đạt đỉnh cao về thi pháp thể loại ở tác phẩm Genji monogatari, xuất hiện vào thế kỷ XI, rồi đến thế kỷ XVII (thời Edo) mới bắt đầu giai đoạn phát triển nở rộ của tiểu thuyết mang tính giải trí trong xã hội thị dân. Điều đó cho thấy monogatari Nhật Bản tuy có chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc nhưng có tiến trình lịch sử và thành tựu riêng biệt. Thực tế này càng được tô đậm bởi sự xuất hiện của tác phẩm Genji monogatari – một trường hợp đặc biệt của hình thức monogatari mà chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn ở những phần kế tiếp.
Tuy không có mối quan hệ tiếp nhận và ảnh hưởng trực tiếp nhưng monogatari của Nhật Bản và romance của châu Âu vẫn có những nét tương đồng, trên tiến trình hình thành nên tiểu thuyết hiện đại. Sự giống nhau giữa monogatari Nhật Bản và romance ở phương Tây thể hiện rõ ở hai đặc điểm. Thứ nhất, cả hai đều là hình thức tự sự bằng thơ hoặc văn xuôi. Thứ hai, đều có nội dung miêu tả hoặc kể lại những sự kiện khách quan, với sự thay đổi dần dần về cách xây dựng nhân vật, sự mở rộng và biến đổi tự do của cấu trúc tác phẩm theo chiều hướng tăng dần những tính chất của tiểu thuyết hiện đại. Mặt khác, do sự chi phối của điều kiện xã hội và văn hóa bản địa, monogatari và romance có tiến trình biến đổi khác nhau trên con đường bình dân hóa, cá nhân hóa và phát triển về chiều sâu để hình thành nên loại tiểu thuyết đại chúng, cũng như có sự khác nhau về sắc độ thẩm mỹ của tác phẩm ở từng giai đoạn.
Như đã trình bày ở phần trên, Genji monogtari là một tác phẩm xuất hiện tương đối sớm trong tiến trình phát triển của hình thức tự sự monogatari, nhưng lại được đánh giá là thành tựu đỉnh cao của thể loại này. Cho nên, việc tiếp nhận những thông điệp thẩm mỹ mà tác phẩm này chuyển tải, ở thời điểm mà tác phẩm ra đời và thậm chí sau đó nhiều thế kỷ, vẫn là một thách thức lớn ngay cả với những người am hiểu văn chương. Tác phẩm đã từng bị diễn giải như một truyện kể minh họa cho quan niệm của Phật giáo về nhân quả nhằm răn dạy đạo đức cho con người theo hướng “khuyến thiện trừng ác”, hoặc bị hiểu nhầm là truyện kể lịch sử miêu tả những con người, sự kiện trong một thời kỳ nào đó theo kiểu Heike monogatari. Nhà quốc học Motoori Norinaga là một nhân vật quan trọng trong lịch sử nghiên cứu Genji monogatari vì đã đề xuất cách hiểu Genji monogatari đúng theo tinh thần “mono no aware” trong tác phẩm, đồng thời phê phán những nhà nghiên cứu trước đó, và cả độc giả thông thường, đã đánh giá sai lệch về tuyệt tác này, ép tác phẩm vào khuôn khổ nhận thức chật hẹp và bị chi phối bởi các quan niệm tôn giáo – xã hội. Nhờ lý thuyết “mono no aware” của Motoori, lịch sử nghiên cứu Genji monogatari đã bước sang một giai đoạn mới. Lý thuyết này đã “giải thoát” Genji monogatari khỏi cái nhìn hạn chế, phiến diện thời trung đại, khuyến khích độc giả và các nhà nghiên cứu nhìn nhận tác phẩm là một thành quả của sáng tạo nghệ thuật, thay vì như một phương tiện để giáo dục hay phê phán. Tuy nhiên, do sự phức tạp cố hữu và nội tại, Genji monogatari vẫn là một thách thức lớn cho cả giới nghiên cứu chuyên nghiệp và những độc giả muốn tìm hiểu tác phẩm vì niềm vui thích riêng tư. Do đó, những nhà nghiên cứu sau Motoori, tuy tán thành lý thuyết của ông và cũng có mong muốn làm rõ giá trị thẩm mỹ của tác phẩm, lại phân hóa thành nhiều hướng nghiên cứu với nhiều quan điểm khác nhau trong hành trình khám phá và lý giải tác phẩm này. Thêm nữa, khi Genji monogatari được biết đến rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là được giới học thuật phương Tây quan tâm tìm hiểu, thì những cách hiểu, cách lý giải tác phẩm càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn.
Điều cần chú ý ở đây là, trong thế giới tư liệu đồ sộ gồm những công trình nghiên cứu vể Genji monogatari được viết bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, rất ít trường hợp nhà nghiên cứu trả lời trực tiếp cho câu hỏi về vấn đề thể loại đã nêu ở phần trên, tuy có rất nhiều bài báo hay chuyên luận khảo cứu sâu về giá trị thẩm mỹ và các phương diện thi pháp của tác phẩm như nghệ thuật miêu tả nhân vật, vấn đề thời gian và không gian, năng lực tưởng tượng và nghệ thuật hư cấu của tác giả v.v... Mặt khác, trong các công trình có các nội dung trên, các tác giả thường nhấn mạnh tính độc đáo của tư duy nghệ thuật, tính vượt khung thể loại, đi trước thời đại của Genji monogatari, đồng thời thể hiện niềm say mê tìm tòi, diễn giải để làm rõ hơn đặc điểm ấy của tác phẩm.
Từ thực trạng nêu trên, có thể rút ra hai ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, tính mơ hồ, khó phân định về mặt thể loại là một đặc trưng nội tại trong tác phẩm, do sự phát triển đột biến của tư duy nghệ thuật, chứ không đơn giản là do cách nhìn nhận sai lầm hay sự hạn chế về trình độ của người tiếp nhận, nghiên cứu. Thứ hai, vì tác phẩm vốn là phức tạp và độc đáo nên việc xác định thể loại không thể được thực hiện theo kiểu ép tác phẩm vào một hình thức mang tính khuôn khổ hay một kiểu định danh, mà phải trên cơ sở khảo sát, lý giải những yếu tố, đặc điểm là nguyên nhân của vấn đề thể loại trong tác phẩm.
Ý nghĩa được rút ra ở đây cũng cho thấy con đường đúng đắn để nghiên cứu Genji monogatari. Nói cách khác, nghiên cứu đặc điểm thể loại của Genji monogatari không phải là tìm cho tác phẩm một tên gọi duy nhất đúng, vì trên thực tế thì các khái niệm thể loại đều không thể vạch ra những ranh giới rạch ròi, mà tác phẩm này lại bao hàm nhiều đặc điểm của nhiều thể loại khác nhau. Thay vào đó, nhà nghiên cứu cần làm rõ vấn đề thể loại bằng cách chỉ ra những biểu hiện đột phá về mặt thể loại trong tác phẩm và lý giải những biểu hiện đó từ góc nhìn thể loại để hiểu giá trị thẩm mỹ của tác phẩm một cách sâu sắc, đầy đủ và chính xác hơn. Theo cách làm này, chúng tôi trình bày dưới đây ba nội dung quan trọng với nỗ lực làm rõ hơn những đặc điểm thể loại của tác phẩm.

2. GENJI MONOGATARI – MỘT TÁC PHẨM TỰ SỰ TRƯỜNG THIÊN

Tính trường thiên là một đặc trưng quan trọng của thể loại tiểu thuyết. Nhưng trường thiên không đơn giản chỉ là độ dài của tác phẩm. Bằng chứng là những pho sử thi đồ sộ và những tiểu thuyết hiện đại rất khác nhau về trình độ tư duy nghệ thuật, và do đó cũng khác nhau về hiệu quả thẩm mỹ.
Tính trường thiên của tiểu thuyết là kết quả tương tác giữa tính tự do và tính chặt chẽ của thể loại. Để phản ánh cuộc sống hay miêu tả con người một cách chân thực và toàn vẹn, tác phẩm phải là một không gian mở dưới ngòi bút sáng tạo tự do của tác giả, và vì thế thường đạt một độ dài tương đối, không thể quá ngắn theo kiểu một truyện hài hước, hay một truyện ngụ ngôn. Mặt khác, để người đọc cảm nhận những gì được miêu tả, được kể lại trong tác phẩm là hợp lý và sinh động, thì bản thân tác phẩm phải là một cấu trúc chặt chẽ, trong đó các sự kiện, nhân vật và tình tiết được kết nối với nhau một cách mạch lạc.
Sự kết hợp hai mặt đối lập nói trên trong một tác phẩm thống nhất là một nan đề cơ bản của nghệ thuật tự sự mà tiểu thuyết hiện đại là một “lời giải” thỏa đáng. Nhưng trước khi có được “lời giải” ấy, văn chương tự sự đã đi qua một quãng đường dài với các thể loại khác nhau còn khiếm khuyết về mặt này hay mặt khác. Trường ca tự sự hay sử thi trong văn học cổ chỉ là cách mà người ta kể một câu chuyện dài. Vì nội dung câu chuyện ấy dựa vào những huyền tích cổ xưa hay những sự thật lịch sử nên tác phẩm không đặt ra yêu cầu khó khăn về nghệ thuật sáng tạo. Những thể loại như truyện truyền kỳ ở Trung Quốc thời Đường thì thể hiện rõ nét sự sáng tạo trong hình thức tự sự, nhưng vì còn hạn chế về quy mô tác phẩm và tư duy nghệ thuật nên không thể phản ánh cuộc sống hay miêu tả con người một cách toàn vẹn, sinh động, đa chiều. Hình thức truyện kể lồng khung như Nghìn lẻ một đêm hay Truyện mười ngày thì thể hiện cách thức mà tác giả sử dụng để kể nhiều câu chuyện nhỏ, tương đối độc lập nhưng được gắn vào nhau trong “bầu không khí” chung, theo một cách cảm nhận nào đó. Vì vậy hình thức này chủ yếu thiên về tính tự do trong tự sự mà vẫn chưa đạt được tính chặt chẽ của tiểu thuyết hiện đại. Vào cuối thời trung đại trong các nền văn học, hình thức tiểu thuyết cổ điển đã có được những tác phẩm trường thiên – như tiểu thuyết thời Edo ở Nhật Bản, thời Minh – Thanh ở Trung Quốc và thời Phục hưng ở châu Âu – nhưng chưa đạt đến cấu trúc mang tính nghệ thuật mà hầu như chỉ xâu chuỗi các sự kiện theo một trình tự tuyến tính, vì thế thời gian và không gian trong tác phẩm còn đơn điệu, chưa mang tính nghệ thuật cao và gần như chỉ dừng lại ở vai trò làm bối cảnh cho những sự kiện được kể lại, những hình ảnh được miêu tả.
Là một tác phẩm tự sự xuất hiện vào thế kỷ thứ XI, nếu theo trình tự phát triển thông thường của thể loại thì Genji monogatari hoặc phải là một truyện kể lịch sử bằng thơ – gần giống với sử thi, hoặc phải là một kiểu tự sự đoản thiên như truyện truyền kỳ, nhưng trên thực tế tác phẩm này lại là một pho tự sự trường thiên bằng hình thức văn xuôi, tuy rằng tác giả có đưa vào nội dung truyện một số lượng lớn thơ waka và các trích dẫn thơ Đường. Vì vậy trong thời gian đầu của lịch sử tiếp nhận và nghiên cứu Genji monogatari, nhiều người đã cho rằng tác phẩm chỉ là một sự lắp ghép nhiều truyện kể đoản thiên, hoặc là một hình thức văn vần và văn xuôi lẫn lộn, còn về nội dung thì chỉ là một truyện kể lịch sử.
Sau một quá trình khảo cứu lâu dài, với sự đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu ở Nhật Bản và trên thế giới, Genji monogatari đã được trả về với những giá trị vốn có, được công nhận tính nghệ thuật và tính phức tạp của một tác phẩm tự sự trường thiên, cho dù sự xuất hiện của nó ở thế kỷ XI vẫn còn là một câu hỏi khó đối với nhiều người. Kết quả này được thể hiện trong nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có nhiều bài viết của các học giả uy tín là chuyên gia về Genji monogatari. Ít nhất, trong số những tài liệu mà chúng tôi đã tiếp cận, các chuyên luận, bài viết có khuynh hướng tập trung vào việc lý giải tư duy nghệ thuật của Genji monogatari ở bình diện cấu trúc và phân tích những biểu hiện, những yếu tố tạo nên tính trường thiên của tác phẩm gồm có Genji monogatari kyokoron『源氏物語虚構論』(Bàn về nghệ thuật hư cấu trong Genji monogatari), Genji monogatari no bunsho hyogen『源氏物語の文章表現』(Biểu đạt văn chương của Genji mononogatari) và Genji monogatari eno michi『源氏物語への道』 (Con đường dẫn đến Genji monogatari) của Suzuki Hideo, Genji monogatari no kenkyu – seiritsu to denryu『源氏物語の研究―成立と伝流』(Nghiên cứu Genji monogatari – Vấn đề hình thành và lưu truyền tác phẩm) của Inaga Keiji, Genji monogatari no buntai to hoho『源氏物語の文体と方法』(Hành văn và phương pháp của Genji monogatari) của Shimuzu Yoshiko, Genji monogatari jikuron『源氏物語時空論』(Bàn về thời gian và không gian trong Genji monogatari) của Kawazoe Fusae, Genji monogatari no kiju to sozoryoku『源氏物語の時空と想像力』(Thời gian – không gian và sức tưởng tượng trong Genji monogatari), 『源氏物語の美』(Cái đẹp của Genji monogatari) của Okazaki Yoshie, “The Four-Part Theoretical Structure of The Tale of Genji” (Cấu trúc giả định gồm 4 phần trong Truyện Genji) của Leon Zolbrod, “The Order of The Early Chapters in The Genji monogatari” (Trật tự các chương đầu trong Genji monogatari) của Aileen Gatten, “Some Thematic and Structual Features of the Genji monogatari” (Một số đặc trưng về chủ đề và cấu trúc của Genji monogatari) của Earl Miner, “The Search for Things Past in The Genji monogatari” (Sự tìm kiếm quá khứ trong Genji monogatari) của Doris G. Bargen, “Rivalry, Triumph, Folly, Revenge: A Plot Line through “The Tale of Genji”” (Ganh ghét, chiến thắng, điên rồ, báo thù: một tuyến truyện xuyên suốt “Truyện Genji”) của Royall Tyler.
Trong số những công trình nêu trên, Bàn về nghệ thuật hư cấu trong Genji monogatari là chuyên luận đồ sộ và công phu nhất, trình bày những quan điểm, lập luận sâu sắc là kết quả nghiên cứu của Suzuki Hideo[7] về giá trị thẩm mỹ của Genji monogatari dưới góc nhìn văn hóa nghệ thuật. Trong chuyên luận này, tác giả có hẳn chương 3 để trình bày về quá trình phát triển từ truyện kể đoản thiên đến tiểu thuyết trường thiên trong lịch sử phát triển của thể loại tự sự ở Nhật Bản, và trên cơ sở đó lý giải chi tiết về tính trường thiên của Genji monogatari, tuy là một trường hợp đặc biệt phát sinh trong tiến trình này nhưng vẫn dựa trên những nền tảng hợp lý về văn hóa, văn học.
Tất nhiên là trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi không thể và cũng không có tham vọng trình bày vấn đề một cách bao quát và chi tiết như Suzuki Hideo hay các học giả khác đã làm trong những công trình nghiên cứu nói trên, mà chỉ dừng lại trong phạm vi nêu lên những đặc điểm nổi bật đã tạo nên giá trị thẩm mỹ và mặt khác cũng tạo ra tính mơ hồ về thể loại của tác phẩm. Trong quá trình thưởng thức và tìm hiểu Genji monogatari, kết hợp với việc tham khảo quan điểm và lập luận của một số nhà nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy Genji monogatari là một tác phẩm có cấu trúc theo kiểu trường thiên với ít nhiều biểu hiện của tính trường thiên trong tiểu thuyết hiện đại, được thể hiện qua các nội dung sau:
Thứ nhất, Genji monogatari là một thế giới phức tạp, sinh động nhưng nhất quán về tư tưởng và cảm xúc, phản ánh con người và thế giới của con người trong sự liên tục, thống nhất và luôn luôn biến đổi. Nói cách khác, tác phẩm không phải là một lát cắt tĩnh lặng của cuộc sống như truyện kể đoản thiên, và cũng không đơn giản chỉ là sự lắp ghép, xâu chuỗi nhiều câu chuyện độc lập. Thậm chí nếu so sánh với các tiểu thuyết thời cận đại ở nhiều nền văn học, Genji monogatari vẫn thể hiện một trình độ tư duy nghệ thuật cao hơn, vì nó kết hợp được cấu trúc, mạch truyện trong tác phẩm với mục tiêu phản ánh toàn vẹn, sinh động, có chiều sâu về đời sống và thân phận con người, trong khi các tiểu thuyết cận đại chỉ đạt đến tính liền lạc, hấp dẫn của một câu chuyện cụ thể với một chuỗi sự kiện, tình tiết.
Thứ hai, giá trị thẩm mỹ đã nêu trong ý thứ nhất được thể hiện trong nhiều bình diện của tác phẩm, từ nghệ thuật xây dựng nhân vật, thi pháp không gian – thời gian, thủ pháp đa dạng hóa điểm nhìn đến tính tất yếu trong diễn biến câu chuyện. Dưới đây, chúng tôi xin chỉ ra một số ví dụ tiêu biểu và mang tính bao quát.
Chẳng hạn, tác giả không đưa các nhân vật vào tác phẩm một cách tùy tiện, ngẫu hứng hay để cho chuyện kể về nhân vật này chấm dứt rồi chuyển sang chuyện về nhân vật khác, mà ngay từ đầu đã thể hiện chủ ý xây dựng nhân vật theo kiểu kết cấu của tác phẩm trường thiên, theo đó các nhân vật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và – như nhận xét của nhà nghiên cứu Suzuki Hideo – chỉ thật sự sống động khi gắn với những mối quan hệ trong tác phẩm[8]. Bên cạnh các nhân vật chính, tác giả còn xây dựng nhiều nhân vật phụ theo kiểu “nhân vật chức năng” (tiêu biểu như nhân vật Koremitsu, em trai của nàng Utsusemi, thị nữ Omyobu ở cung Fujitsubo, cậu bé dẫn đường cho Niou đến với Ukifune v.v...) có tác dụng làm thay đổi tình huống của nhân vật chính, để câu chuyện được chuyển hướng và tiếp tục phát triển một cách tự nhiên.
Một ví dụ khác là khi xây dựng các nhân vật nữ (Fujitsubo, Utsusemi, Suetsumuhana, Akashi) trong mối quan hệ với Genji, tác giả đã miêu tả sự mâu thuẫn nội tâm của các nhân vật này, và chính tâm lý mâu thuẫn đó đã đẩy mối quan hệ của các nhân vật theo nhiều hướng khác nhau, làm cho câu chuyện có thể kéo dài hay trở đi trở lại mà không gây cảm giác nhàm chán hay gượng ép.

3. GENJI MONOGATARI – MỘT THÀNH CÔNG CỦA VĂN CHƯƠNG HƯ CẤU

Điều kiện quan trọng để tính trường thiên của Genji monogatari, như đã trình bày ở phần trên, trở thành nét đặc sắc của tác phẩm, là tính chất này phải gắn với nghệ thuật hư cấu. Nếu như những gì được kể lại trong trong nội dung tác phẩm đều là sự thật lịch sử, thì vấn đề tác phẩm dài hay ngắn, đơn giản hay phức tạp không có ý nghĩa gì để bàn luận ở đây, vì mọi chuyện được quy chiếu về hiện thực đời sống chứ không còn là nghệ thuật sáng tạo. Và may mắn là với Genji monogatari, tác giả Murasaki Shikibu đã thực hiện một công trình sáng tạo độc đáo bằng nghệ thuật hư cấu, chứ không làm một công việc đơn giản là tập hợp các truyện kể lịch sử.
Hư cấu ở đây không phải là kiểu hư cấu trong thần thoại, mà là con đường nghệ thuật để sáng tạo ra cái “hiện thực” trong tác phẩm, như đã nói qua trong phần trình bày về đặc trưng của tiểu thuyết. Hư cấu là một “trò chơi” của trí tưởng tượng con người, mà tiểu thuyết là một trong những kết quả của “trò chơi” ấy, và tính hiện thực của tiểu thuyết có thể được hiểu như một yếu tố bắt buộc của “luật chơi”. Cũng do sự tồn tại của “luật chơi” này mà hư cấu trong tiểu thuyết trở thành một vấn đề khó khăn và phức tạp. Vì, như mọi người đều quan sát và nhận thấy, trong khi những thể loại tự sự chỉ có tính hư cấu hoặc chủ yếu là sự thật lịch sử đã xuất hiện từ buổi bình minh của mọi nền văn học, thì sự kết hợp một cách thành thục, điệu nghệ giữa hai tính chất này để tạo ra tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao chỉ có được với loại hình tiểu thuyết. Và cũng chính vì điều đó mà trước đây, nhiều người cho rằng Genji monogatari – tác phẩm xuất hiện quá sớm trong tiến trình phát triển của thể loại và có nhiều tên tuổi, bóng dáng của các nhân vật lịch sử vương triều thời Heian – chỉ là một pho truyện lịch sử. Nói cách khác, tính hư cấu nghệ thuật của Genji monogatari đã bị hoài nghi, từ khi người đọc không còn mối liên hệ trực tiếp với tác giả và tác phẩm, cho đến khi Motoori Norinaga công bố những kết quả nghiên cứu và lập luận sâu sắc, hợp lý của ông về bản chất và giá trị của tác phẩm này.
Thật ra, sự thành công của Motoori Norinaga không phải vì ông phát hiện được bằng chứng gì quan trọng về Genji monogatari qua các thư tịch cổ, mà chủ yếu vì ông đã đồng cảm với tác giả Murasaki Shikibu, hiểu được tinh thần chủ đạo của công việc sáng tạo ra tác phẩm, mà chủ yếu là từ phát biểu về văn chương hư cấu được ký thác vào lời nói và suy nghĩ của nhân vật Genji và Tamakazura trong chương “Hotaru” 『蛍』(Đom đóm). Về sau, nhiều chuyên gia nghiên cứu về Genji monogatari cũng có nhiều phát hiện, nhiều quan điểm và lập luận thú vị xoay quanh nội dung tư tưởng độc đáo và mang tính chất vượt thời đại ở chương này.
Quan điểm của Murasaki Shikibu về văn chương hư cấu được trình bày trong chương “Hotaru” rất ngắn gọn, đủ để cách miêu tả và kể về cuộc gặp gỡ của hai nhân vật vẫn giữ được vẻ tự nhiên, không sa vào biện luận dài dòng hay triết lý một cách mơ hồ, cứng nhắc. Tuy vậy, nội dung được trình bày vẫn nêu được những vấn đề cốt lõi của văn chương hư cấu, và cũng là những đặc điểm mà văn tự sự đã theo đuổi, tìm kiếm trong một quãng đường dài để cuối cùng có được với tiểu thuyết hiện đại. Ngoài nội dung nói về động cơ của người sáng tác văn hư cấu, quan điểm của Murasaki Shikibu được trình bày ngắn gọn qua hai luận điểm: (1) văn chương hư cấu là loại “chuyện được bịa ra” (trong nguyên tác là “soragoto”), phi lịch sử nên chỉ dùng để giải trí cho những người yếu đuối; và (2) tuy là chuyện bịa đặt nhưng tác phẩm hư cấu lại có sức cuốn hút và lay động tâm hồn người đọc, bởi đôi khi nó còn “thật hơn cả sự thật được ghi chép trong lịch sử”.
Trong quan điểm trên, ý (1) khẳng định tính bản chất “bịa đặt” của văn chương hư cấu, thừa nhận rằng nó là loại được viết ra chỉ để giải trí, để “chơi”. Nhưng bên cạnh đó, ý (2) là phát hiện bất ngờ về một đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết, ở thời điểm nó được trình bày trong nội dung tác phẩm Genji monogatari, vì nó gọi ra đúng bản chất của mối tương quan giữa hư cấu và hiện thực là yếu tố làm nên giá trị thẩm mỹ của thể loại này. Đồng thời, như cách phân tích của Suzuki Hideo, với việc trình bày quan điểm về văn chương hư cấu, Murasaki Shikibu đã chuyển nghĩa cho từ “soragoto”. Trong sinh hoạt đời thường thì “soragoto” có nghĩa là điều giả dối, không đáng tin, đối lập với giá trị chân thực. Nhưng trong nghệ thuật, trong lĩnh vực của sáng tạo thì “soragoto” phải được hiểu là hư cấu, nghĩa là tạo ra cái không có thật nhưng mang hình ảnh về sự thật, đem lại cho người đọc, người thưởng thức những cảm xúc và suy tưởng về hiện thực của con người và thế giới[9].
Nhưng, vì sao mà văn chương hư cấu lại “thật hơn sự thật”? Joseph Conrad đã trả lời câu hỏi này rằng:
Nghệ thuật của tiểu thuyết gia rất đơn giản. (...) Thật ra mỗi tiểu thuyết gia phải bắt đầu bằng cách tạo ra cho mình một thế giới, dù rộng lớn hay bé nhỏ, nhưng phải là thế giới mà anh ta tin một cách thành thực. Thế giới này được tạo ra không ở đâu khác ngoài hình ảnh của chính anh ta: nó bắt buộc phải giữ được tính cá nhân và một chút bí ẩn, nhưng phải giống như cái gì đã quen thuộc với kinh nghiệm, tư tưởng và cảm giác của người đọc[10].
Sáng tạo nên Genji monogatari, Murasaki Shikibu đã làm đúng như “nghệ thuật” theo quan niệm của Joseph Conrad. Điều đó đã được chứng minh bằng nhận xét của Richard Bowring rằng: “Chi tiết lịch sử chỉ có vai trò như những kỹ thuật khác được vận dụng nhằm làm tăng cảm giác hiện thực cho thế giới hư cấu. Đó chỉ là vấn đề hợp thức hóa, đưa vào tác phẩm nhiều dấu hiệu thuộc về đời sống công cộng để tạo cảm giác rằng tác phẩm hư cấu ấy cũng giống như vậy”, nên “rốt cuộc thì Murasaki đã tạo ra một thế giới riêng, và đó mới chính là thế giới mà chúng ta cần khám phá[11].
Nói cụ thể hơn, “thế giới riêng” của Murasaki cũng là thế giới của xã hội quý tộc thời Heian và, ở một số phương diện, là thế giới của con người nói chung. Đó là thế giới của tình yêu nam nữ muôn màu muôn vẻ, của sự giằng co cố hữu giữa tội lỗi và dục vọng, thế giới của những hoài niệm da diết ám ảnh, thế giới vô thường của cái đẹp mong manh v.v...
“Thế giới” Genji monogatari được mở ra bằng một câu mở đầu lấp lửng: “Dưới triều của một vị vua không rõ thời nào...[12]. Câu mở đầu mơ hồ như thế gợi lên ở người đọc một cảm giác mông lung để bước vào một thế giới phi thực tế trong bầu không khí rộng mở của trí tưởng tượng. Đồng thời, cũng câu ấy đã giải phóng người sáng tạo khỏi mọi ràng buộc của lịch sử, mọi quy chuẩn của hiện thực để miêu tả và kể chuyện tự do. Điều quan trọng là ngòi bút “rong chơi” của Murasaki Shikibu vẫn tuân thủ “luật chơi” của văn chương hư cấu, để thế giới được dựng nên trong tác phẩm trở thành một bức tranh hiện thực toàn cảnh, sinh động về tình cảm và đời sống nội tâm con người. Cho nên, dù các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nhiều điểm tương đồng giữa tác giả Murasaki và một số nhân vật trong tác phẩm, hay chỉ ra nguyên mẫu của các nhân vật là những nhân vật lịch sử cụ thể, thì với người đọc hiện nay, tác phẩm vẫn là câu chuyện về con người, về đời sống và quy luật tình cảm nói chung, chứ không phải là chuyện về cá nhân tác giả, hay về một số người cụ thể ở một nơi nào đó.
Như vậy, Genji monogatari đã giải quyết được vấn đề cơ bản của nghệ thuật tiểu thuyết, là mối tương quan giữa hư cấu và hiện thực. Điều đó giải thích vì sao tác phẩm này, một nghìn năm sau khi được viết ra, vẫn có sức hấp dẫn đối với độc giả, đặc biệt là độc giả đã quen thuộc “tay nghề” của các tiểu thuyết gia hiện đại và thậm chí hậu hiện đại, ở một đất nước mà thẩm mỹ là một nhu cầu thường trực, quan trọng của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Vì thế giới con người quá phức tạp và rộng lớn so với tầm kiến văn của một cá nhân, và bởi vì con người có nhu cầu cố hữu là tự nhìn ngắm, tự tìm hiểu chính mình, nên người đọc đến với văn chương hư cấu để mở rộng sự trải nghiệm đời sống và đi sâu vào thế giới nội tâm của bản thân. Trong lời giới thiệu của công trình The Theory of the Novel cũng có lời nhận xét tương tự, rằng: “Tiểu thuyết, hơn mọi thể loại khác, có khả năng chứa đựng những hình ảnh lớn lao, rộng mở, nhất quán về con người, và đó là một trong những lý do để mọi người đều đọc tiểu thuyết[13].
Nhận xét trên lại đặt ra một vấn đề khác của nghệ thuật tiểu thuyết và văn chương hư cấu nói chung. Đó là vấn đề làm thế nào để tác phẩm của nghệ thuật hư cấu đạt được tầm bao quát về hiện thực, đồng thời lại gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc, khiến họ “ngộ” ra những điều sâu sắc về đời sống và hiểu sâu hơn về chính bản thân mình. Câu trả lời cho vấn đề này là nghệ thuật điển hình hóa được trình bày ngắn gọn trong phần kế tiếp dưới đây.

4. NGHỆ THUẬT ĐIỂN HÌNH HÓA VÀ HIỆU QUẢ THẨM MỸ CỦA GENJI MONOGATARI

Khi nói về đặc trưng của tiểu thuyết cũng như sự khác nhau giữa các thể văn tự sự, tính điển hình là một đặc điểm quan trọng của tiểu thuyết hiện đại, nên có thể dựa vào đó để phân biệt thể loại này với sử thi hay romance. Trên thực tế, tính điển hình trong tiểu thuyết hiện đại là kết quả của một quá trình phát triển lâu dài của nghệ thuật văn chương hư cấu, trải qua nhiều dạng thức ở các giai đoạn nối tiếp nhau, trong nỗ lực hướng đến giá trị hiện thực và giá trị thẩm mỹ. Điều này thể hiện rõ nhất trong thế giới nhân vật của tác phẩm.
Nếu nhân vật chính của sử thi là những vị anh hùng trong lịch sử, của romance là những hiệp sĩ, hay những vị “anh hùng” của các mỹ nhân quý tộc, thì nhân vật của tiểu thuyết hiện đại là những con người của đời thường, những hình ảnh mà độc giả cảm thấy quen thuộc với đời sống xung quanh. Hình ảnh của một vị anh hùng trong sử thi, hay một hiệp sĩ trong romance vẫn có sức hấp dẫn người đọc. Thậm chí ở một trình độ tiếp nhận nào đó, độc giả còn thích thú với những “anh hùng” trong sử thi hay trong tiểu thuyết hiệp sĩ hơn là những nhân vật đời thường trong tiểu thuyết hiện đại. Như vậy, rõ ràng là các kiểu nhân vật nói trên đều tạo ra hiệu quả thẩm mỹ cho tác phẩm. Thế thì, sự khác biệt quan trọng nhất giữa những nhân vật ấy, trong mối quan hệ với nghệ thuật hư cấu và giá trị thẩm mỹ của thể loại tự sự, là ở chỗ nào?
Câu trả lời cho vấn đề trên được tìm thấy trong tính hiện thực của tác phẩm, thể hiện ở khả năng soi chiếu hiện thực vào thế giới hư cấu để làm nổi bật những đặc trưng của con người và đời sống, những vấn nạn của xã hội hay những nan đề của nhân sinh. Một nhân vật anh hùng hay hiệp sĩ được xây dựng thành công mang đến cho người đọc cảm giác thoát ly đời sống thực tại trong chốc lát, đưa họ vào một thế giới tưởng tượng đầy hồi hộp, căng thẳng của những cuộc chinh chiến hay những cuộc phiêu lưu, và khi gấp trang sách lại thì độc giả trở về với cuộc sống đời thường trong cảm giác thư thái như vừa ra khỏi một giấc mơ thú vị. Còn một nhân vật thành công của tiểu thuyết hiện đại là một tấm gương mà bất cứ người đọc nào soi vào cũng thấy hình ảnh của chính mình trong đó, nên cảm xúc, tư tưởng, hành trạng của nhân vật trong tương quan với các yếu tố, nhân vật khác trong tác phẩm khiến người đọc trăn trở về đời sống, ưu tư về con người nói chung và về chính bản thân. Đó chính là hiệu quả thẩm mỹ của kiểu nhân vật điển hình. Có sự khác biệt đó là vì nhân vật anh hùng hay hiệp sĩ là hình ảnh cá biệt, độc đáo, là hình tượng đầy chất thơ bay bổng trên cuộc sống đời thường, nên những gì liên quan đến nhân vật lại có một khoảng cách với độc giả, ngược lại nhân vật điển hình có khả năng “đối thoại” trực tiếp với người đọc, dẫn dắt họ thâm nhập vào “cõi người ta” trong tiểu thuyết. Trong thế giới của sử thi và romance, độc giả thấy mình đang thưởng thức “câu chuyện của ai đó”, còn trong thế giới của tiểu thuyết thì người đọc đang đối diện với chính mình và những vấn đề của cuộc sống mà mình đang trải nghiệm. Cho nên, nếu tác động thẩm mỹ của hình tượng cá biệt chỉ hạn chế ở trạng thái cảm xúc nhất thời thì tác động của hình tượng điển hình chạm đến những tầng sâu của ý thức con người, đặc biệt là kích thích ý thức phản tư để mỗi cá nhân có thể chiêm nghiệm sâu hơn về bản thân và xã hội.
Nhìn rộng ra, có thể thấy tiểu thuyết thời trung – cận đại ở các nền văn học trên thế giới, dù không phải là tiểu thuyết hiệp sĩ, đều khác với tiểu thuyết hiện đại do sự chênh lệch về hiệu quả thẩm mỹ như vừa phân tích ở đoạn trên, tuy rằng giá trị thẩm mỹ cụ thể sẽ khác nhau ở từng tác phẩm, tương ứng với tính hiện thực của tác phẩm đó.
Trong trường hợp tác phẩm Genji monogatari thì thế giới nhân vật được xây dựng trong mối tương quan giữa tính cá biệt và tính điển hình. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở nhân vật trung tâm của tác phẩm là Hikaru Genji. Vì vậy, có nhiều quan điểm cho rằng Genji là một kiểu nhân vật anh hùng như trong thần thoại hay truyền thuyết. Nhưng thật ra, việc xây dựng một nhân vật như thế không nằm ngoài thi pháp của thể loại tiểu thuyết hay hình thức monogatari, nếu chúng ta nhìn nhận nhân vật này theo quan niệm về văn chương hư cấu của Suzuki Hideo, rằng monogatari “là tác phẩm hư cấu về những chuyện hiếm thấy chứ không phải là truyện kể về những sự thật phổ biến có thể xảy ra ở bất cứ đâu[14], hoặc theo quan niệm của các tác giả bài viết “The Nature of the Novel”, rằng đặc điểm của tiểu thuyết (novel) là hình thức tự sự về những điều không có thật, kỳ lạ, hấp dẫn, khó có thể xảy ra[15]. Mặt khác, như một số nhà nghiên cứu đã nhận xét[16], nếu quan sát kỹ cách thức mà Hikaru Genji được miêu tả trong tác phẩm, sẽ thấy nhân vật này ít khi được khắc họa bằng những đường nét cụ thể, rõ ràng (chẳng hạn như vẻ đẹp của gương mặt, vóc dáng, giọng nói, tiếng cười v.v...) mà chủ yếu chỉ là một hình ảnh mơ hồ được được gợi lên qua những lời khen kiểu như “có lẽ ngay cả kẻ thù đáng sợ hay những chiến binh hung hãn khi nhìn thấy hoàng tử cũng phải nở nụ cười”, thậm chí đôi khi có vẻ trừu tượng như “vẻ đẹp của chàng phảng phất một dự cảm bất ổn[17]. Bên cạnh đó, tác giả lại tập trung thể hiện sự xuất sắc, nổi bật của nhân vật Genji thông qua việc miêu tả sức thu hút của chàng đối với hầu hết mọi cô gái mà chàng gặp gỡ. Thậm chí những người chưa từng được diện kiến Genji cũng khao khát được nhìn thấy vẻ khôi ngô tuấn tú của chàng và xem điều đó là may mắn hay vinh dự. Cách miêu tả như thế cho thấy rằng tác giả không xây dựng nhân vật Genji thành một hình ảnh lý tưởng đến mức phi thực tế, mà muốn nhân vật này trở thành hiện thân của lòng khát khao lý tưởng và khát khao cái đẹp ở mỗi người. Tương tự, chúng ta có thể nhìn thấy sự thể hiện của niềm say mê cái đẹp và ý thức vươn đến sự lý tưởng ở nữ giới qua nhân vật Fujitsubo, hay ý thức về kiểu người thanh lịch lý tưởng trong xã hội quý tộc qua nhân vật hoàng thân Hotaru, đúng theo tinh thần “irogonomi” của văn hóa truyền thống Nhật Bản.
Thành công của Murasaki Shikibu trong nghệ thuật điển hình hóa thể hiện ở chỗ, dù các nhân vật không được miêu tả một cách hoàn toàn khách quan với những đường nét rõ ràng về diện mạo, hành động hay tính cách, nhưng với cảm quan thẩm mỹ và năng lực phân tích tâm lý tinh tế, tác giả đã khéo léo dẫn dắt người đọc vào thế giới nội tâm đầy phức tạp và bí ẩn của con người. Cho nên khi đến với Genji monogatari, người đọc vẫn có cảm giác đang “đối thoại” với chính mình và với cuộc đời như khi đọc một tiểu thuyết tâm lý hiện đại.

KẾT LUẬN

Kết nối những điều đã trình bày ở trên về nghệ thuật tự sự trường thiên, nghệ thuật hư cấu và nghệ thuật điển hình hóa thể hiện trong Genji monogatari, chúng ta có thể đi đến một tổng kết ngắn gọn về vấn đề thể loại ở tác phẩm này. Với sự kết hợp của những yếu tố trên trong nội dung và hình thức biểu đạt, Genji monogatari là một tác phẩm tự sự hư cấu trường thiên có tính hiện thực và giá trị thẩm mỹ cao, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản đặt ra cho nghệ thuật tiểu thuyết như mối tương quan giữa hư cấu và hiện thực, sự tự do, linh hoạt nhưng chặt chẽ của cấu trúc, khả năng phản ánh con người và thế giới ở phạm vi bao quát một cách sinh động và có tác động thẩm mỹ theo hướng “đối thoại” với người đọc về những vấn đề của nhân sinh.
Cụ thể hơn, nếu so với những đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại thì có thể thấy hầu hết những đặc điểm của thể loại này được biểu hiện một cách cơ bản ở Genji monogatari như: (1) là hình thức văn xuôi tự sự; (2) là kết quả của nghệ thuật hư cấu; (3) tác phẩm có độ dài tương đối với cấu trúc phức tạp; (4) có tính hiện thực, phản ánh đời sống đa diện và linh hoạt; (5) được kể và tiếp nhận trong tâm thức hiện thời; (6) là tự sự về con người cá nhân; (7) có giá trị thẩm mỹ. Những biểu hiện chưa hoàn chỉnh hoặc chưa thuần nhất ở một vài đặc điểm kể trên – chẳng hạn đặc điểm (1) và (5) – hay sự khiếm khuyết một đặc điểm nổi bật khác của tiểu thuyết hiện đại là tính đại chúng, cần được nhìn nhận như những hạn chế không tránh khỏi do chi phối của hoàn cảnh lịch sử đối với tác giả, với công việc sáng tác cũng như sự tồn tại của bản thân tác phẩm sau khi đã ra đời. 
Những đặc điểm thể loại đã phân tích ở phần trên cho thấy Genji monogatari, về cả hình thức và nội dung, là một tác phẩm tự sự trường thiên rất gần với tiểu thuyết hiện đại. Nó đặt ra, một cách sâu sắc và trong phạm vi rộng lớn, những vấn đề căn bản về thân phận con người, về mối quan hệ của con người và về bản chất của thế giới mà mỗi người đang trải nghiệm trong hành trình của cuộc sống cá nhân. Cho nên, dù được viết ra trong một hoàn cảnh bị hạn chế về nhiều mặt, tác phẩm vẫn thể hiện một sức sống mạnh mẽ qua một tiến trình lịch sử dài lâu, vẫn có sức lôi cuốn đối với độc giả nhiều tầng lớp, từ những phụ nữ quý tộc có đời sống khép kín, thụ động thời Heian đến những học giả uyên bác của xã hội hiện đại. Mặt khác, cũng vì tính chất đột phá, vượt thời đại như vậy nên ở thời trung đại tiền kỳ, Genji monogatari đã bị hoài nghi và bị ngộ nhận trên nhiều bình diện. Có lẽ vì điều đó mà nhà nghiên cứu Donald Keene nhận xét: “điều nghịch lý là tiểu thuyết (novel) Nhật Bản cổ nhất này – thật ra nó là một tiểu thuyết cổ nhất cho dù được viết ra ở bất cứ nơi đâu trên thế giới – lại quá “hiện đại” đối với cảm nhận của một số người[18].


[1] Xem岡野弘彦Okano Hirohiko (2010),「日本の心と源氏物語」(Tâm hồn Nhật Bản và Genji monogatari), 思文閣出版, tr. 36, 65 và鈴木日出男 Suzuki Hideo (2003),「源氏物語虚構論」(Bàn về nghệ thuật hư cấu của Genji monogatari), 東京大学出版, tr. 669.
[2] Xem Richard Bowring (2004), Murasaki Shikibu – The Tale of Genji, Cambridge University Press.
[3]岡崎義恵 Okazaki Yoshie (1960),「源氏物語の美」(Vẻ đẹp của Genji monogatari), 宝文, tr. 215.
[4]岡崎義恵 Okazaki Yoshie, tlđd, tr. 213, 227.
[5] Xem岡崎義恵 Okazaki Yoshie, tlđd, tr. 223.
[6] Xem岡崎義恵 Okazaki Yoshie, tlđd, tr. 215 – 216.
[7] Suzuki Hideo nguyên là giáo sư Đại học Tokyo. Ông là một chuyên gia hàng đầu về Genji monogatari ở Nhật Bản, và là người kế thừa Akiyama Ken trong đường lối nghiên cứu giá trị thẩm mỹ, tính nghệ thuật độc đáo của Genji monogatari trên nền tảng văn hóa, văn học Nhật Bản.
[8] Xem鈴木日出男 Suzuki Hideo (2003),「源氏物語虚構論」(Bàn về nghệ thuật hư cấu của Genji monogatari), 東京大学出版.
[9]鈴木日出男 Suzuki Hideo, tlđd.
[10] Joseph Conrad, “Novel as World”, in trong The Theory of the Novel, Philip Stevick (edited), The Free Press, 2011, tr. 29.
[11] Richard Bowring (2004), Murasaki Shikibu – The Tale of Genji, Cambridge University Press, tr. 21.
[12]紫式部 Murasaki Shikibu (1956), 「源氏物語」(Genji monogatari), 山岸徳平校注(Yamagishi Tokuhei chú giải), 岩波書店, quyển 1, chương “Kiritsubo”, tr. 27.
[13] Philip Stevick (edited) (2011), The Theory of the Novel, The Free Press, 2011, tr. 3.
[14]鈴木日出男 Suzuki Hideo (2003),「源氏物語虚構論」(Bàn về nghệ thuật hư cấu của Genji monogatari), 東京大学出版, tr. 669.
[15] José Ortega y Gasset, Evelyn Rugg, Diego Marín, “The Nature of the Novel”, The Hudson Review, Vol. 10, No. 1 (Spring, 1957), pp. 11 – 42.
[16] Xem高橋文二 Takahashi Bunji (1999),「源氏物語の時空と想像力」(Thời gian, không gian và khả năng tưởng tượng trong Genji monogatari), 翰林書, tr. 6 -7.
[17]紫式部 Murasaki Shikibu, tlđd, chương “Kiritsubo”.
[18] Donald Keene, “The Tale of Genji in a General Education”, The Journal of General Education, Vol. 12, No. 1 (January1959) pp. 9 – 14, Penn State University Press, http://www.jstor.org/stable/27795615, tr. 9 – 10.