Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

NGHĨ VỀ CHỮ “HÒA” VÀ NGUYÊN TẮC BẤT ĐỐI XỨNG TRONG MỸ HỌC NHẬT BẢN


Yamato là tên người Nhật tự gọi đất nước họ ngày xưa. Khi viết từ này bằng chữ Hán, họ dùng chữ Đại Hòa (大和), nhưng “hòa” không phải là tên triều đại như chữ Đường trong cấu trúc Đại Đường[1] chẳng hạn, mà có thể được xem như một ý niệm hướng về sự tốt đẹp khi chọn tên đất nước, vì có nhiều giả thuyết về các chữ Hán từng được chọn trước khi việc định danh bằng Hán tự dừng lại ở chữ “hòa”, và bởi “Yamato” thường được dùng như một tính từ để chỉ những gì thuộc về Nhật Bản từ khởi thủy. Về sau, chữ “hòa” đọc là “wa” được dùng phổ biến hơn để chỉ những gì thuộc văn hóa truyền thống Nhật Bản, phân biệt với những thứ du nhập vào Nhật Bản từ thế giới bên ngoài: “waka” là thơ quốc âm Nhật Bản khác với “kanshi” là thơ chữ Hán, “wafuku” là trang phục Nhật Bản khác với “yofuku” là trang phục phương Tây, “washoku” là ẩm thực Nhật Bản khác với “yoshoku” là ẩm thực phương Tây v.v...
Với cách dùng chữ “Yamato” và chữ “wa” như vậy, “hòa” thường được giải thích là ý niệm cốt lõi trong văn hóa Nhật Bản, hướng đến sự dung hợp trong tiếp nhận, mềm dẻo trong điều tiết, hài hòa trong sắp đặt v.v...
Vì chữ “hòa” thường khơi gợi những giá trị tích cực như thế gắn với một cảm giác trầm tĩnh dịu dàng nên tôi không thấy có gì đáng ngạc nhiên, hay đáng phải thắc mắc, khi biết ngày xưa người Nhật đã lựa chọn chữ này làm quốc hiệu. Tôi chỉ bắt đầu có cảm giác lướng vướng khi đọc bài viết của Donald Keene về mỹ học Nhật Bản[2].
Bài viết nói trên khẳng định rằng một trong những nét đặc trưng nổi bật của mỹ học Nhật Bản là tính bất đối xứng. Tôi hiểu và đồng ý ngay với điều mà tác giả khẳng định, vì những ví dụ đưa ra trong bài viết có thể được kiểm nghiệm trong thực tế rất dễ dàng. Chẳng hạn, tác giả lấy ví dụ về đồ gốm Nhật Bản với những chén gốm để uống trà được cố ý tạo ra trong dáng vẻ thô sơ, dày nặng và không hề tròn trịa vì luôn có những vết lõm ngẫu nhiên ở chỗ này chỗ khác. Hay ví dụ về vườn cảnh Nhật Bản với lối đi quanh co mềm mại bên những khóm cây, tảng đá nằm rải rác, không hề có con đường thẳng tắp với bố cục đối xứng ở hai bên. Tôi cũng cảm nhận được vẻ đẹp, phong vị riêng của những gì được tạo ra trong tinh thần mỹ học bất đối xứng như vậy. Đó là vẻ đẹp cho người ta cảm giác thật tự nhiên, không có dấu vết của sự nỗ lực làm cho vật tạo tác trở nên tròn trịa, bóng bẩy hay hoàn hảo. Một cái chén như một gốc cây, hòn đá trong tự nhiên có chỗ lõm chỗ lồi. Một khu vườn như mảnh đất tự nhiên với chỗ này hoa lá, chỗ kia sỏi cuội và chỗ khác là dòng nước lững lờ hay ẩm ướt rêu phong.
Tôi cảm thấy lướng vướng, như đã nói ở trên, không phải vì tôi không hiểu tác giả nói gì, hay vì không đồng ý với khẳng định của tác giả rằng bất đối xứng là một trong những nguyên tắc quan trọng của mỹ học Nhật Bản, mà vì tôi mơ hồ có một chút băn khoăn khi tiếp nhận điều này trên nền tảng chữ “hòa” vốn được người Nhật xem như tinh thần chủ đạo trong lối sống, lối ứng xử với môi trường xung quanh. Theo lối nghĩ cảm tính, tôi có ấn tượng rằng “hòa” là một trạng thái dễ chịu, êm đềm mà cốt lõi phải là sự cân đối, thăng bằng, không quá vênh lệch khiến người ta dự cảm nhiều bất trắc. Nhưng nếu đó là những gì mà người Nhật hướng tới trong cuộc sống thì tại sao cảm quan thẩm mỹ của họ không ưa chuộng những gì được sắp đặt cân xứng mà, ngược lại, cố ý tránh tạo ra sự tròn trịa lý tưởng hay trạng thái đối xứng rõ ràng?
Thắc mắc ấy đeo đẳng tôi trong suốt thời gian dài dù chỉ thấp thoáng ở tầng sâu tâm tưởng. Qua nhiều năm tháng sục sạo vào ngõ này ngách khác để tìm cách trả lời cho những câu hỏi cụ thể hơn, để lĩnh hội những điều nhỏ bé và dễ nắm bắt hơn, tôi vẫn chưa gặp phải cái gì giúp mình đột nhiên thông suốt về điều đó, hoặc cái gì bắt mình nhất định phải dừng lại để làm sáng tỏ hẳn điều đó thì mới thấy yên lòng. Nên thắc mắc vẫn cứ là thắc mắc, như có hai mối dây cứ thế buông hờ đâu đó trong tâm tưởng mà tôi tạm thời chưa biết làm thế nào để kéo chúng lại gần và buộc chúng vào nhau.
Rồi một ngày, khi đầu óc chừng như đang ở trạng thái căng thẳng nhất trong cuộc hành trình liên tục trải qua nhiều khám phá và thử thách mới mẻ, đọc những tài liệu về đề tài xưa nay tôi ít quan tâm nhất và tìm cách chia sẻ những điều mà tôi biết là khó chia sẻ nhất kể cả với những người hoạt động cùng lĩnh vực, thì chợt nhiên, như một phiêu sinh vật bỗng trồi lên mặt nước, câu hỏi kia đột ngột hiện ra và kết hợp một cách tự nhiên với thứ gì đó mà tôi vừa tiếp nhận, hoặc thứ gì đó vừa mới được đánh thức trong tôi, giúp tôi nhận ra điểm tiếp xúc hợp lý của hai mối dây suốt bấy lâu cứ buông thõng mơ hồ.
Tôi chợt nhận ra rằng có lẽ vì vốn suy nghĩ thiển cận theo sự dẫn dắt của cảm giác đời thường nên trước đây tôi không hiểu được sự cân bằng trong tinh thần của chữ “hòa” mà người Nhật hướng đến.
Thực ra, cân bằng không phải là một cái gì chết cứng ở trạng thái tĩnh tại. Nếu thế thì nó sẽ cực kỳ mâu thuẫn với bản chất của vật sống, sự sống, là kiểu trạng thái của một mẩu hóa thạch nằm im hàng ngàn, hàng vạn năm sâu trong lòng đất, hay giữa một khối băng không bao giờ tan chảy.
Nhưng bản chất của sự sống là vận động không ngừng. Mọi thứ lớn lên, già đi theo năm tháng. Mọi thứ được hình thành và cũng bị hủy hoại không ngừng theo dòng chảy thời gian. Vậy nên trong sự cân bằng tồn tại một nghịch lý thú vị. Một mặt, nó là điều không thể thiếu được với bất cứ ai, bất cứ thứ gì tồn tại và phát triển. Đặc biệt ở con người, sự mất cân bằng trong tâm tưởng là điều rất vô hình nhưng có thể dẫn đến những hậu quả hữu hình khủng khiếp, như việc tự hủy hoại bản thân hay gây nên tình trạng đổ vỡ, xung đột phủ bóng đen bất hạnh lên đời sống của cả một cộng đồng. Mặt khác, tìm kiếm hay duy trì một trạng thái cân bằng tuyệt đối là một điều bất khả. Nói cách khác, cân bằng là một thứ giá trị mà xét về cách thức tồn tại và cơ chế tác động đến đời sống con người thì cũng chẳng khác gì tự do hay tình yêu, hạnh phúc – những giá trị vẫn được xem là nỗi khao khát không nguôi của nhân loại dù tiến bộ đến đâu. Về những giá trị kiểu này thì không thể có định nghĩa tuyệt đối – tức là định nghĩa cung cấp đủ mọi thông tin, làm thỏa mãn mọi quan niệm từ mọi góc nhìn khác nhau về cùng một đối tượng. Không thể có định nghĩa tuyệt đối vì bản thân giá trị không phải là một cái gì duy nhất và hoàn kết. Sự tồn tại của giá trị và ý nghĩa của nó luôn gắn với điều kiện bao gồm nhiều yếu tố biến động và phụ thuộc lẫn nhau. Riêng trường hợp về sự cân bằng, thì có thể nói theo cách cụ thể và dễ hiểu là cân bằng chỉ tồn tại trong từng khoảnh khắc. Mọi thứ tồn tại và phát triển không phải trong trạng thái cân bằng đông cứng vĩnh viễn, mà trong một tiến trình nỗ lực níu lấy sự cân bằng. Trạng thái cân bằng sẽ nhanh chóng đổi thay vì những yếu tố mà nó phụ thuộc là sống động, luôn luôn thay đổi. Nhưng nỗ lực níu lấy sự cân bằng sẽ giúp chủ thể đạt đến một trạng thái cân bằng mới mà không bị sụp đổ nhanh chóng trong một khoảnh mất cân bằng. Cứ thế, nếu chủ thể không bị mất tập trung và nỗ lực này không ngừng lại, thì mọi sự ở mức độ nào đó vẫn được duy trì và phát triển, dù trải qua những khoảnh khắc chông chênh. Nhìn một cách tương đối thì có thể gọi tiến trình đó là sự cân bằng động.
Chính vì bản chất động của giá trị cân bằng như thế mà có sự kết hợp của tinh thần hướng đến chữ “hòa” và nguyên tắc bất đối xứng trong mỹ học Nhật Bản. Trong khi luôn nỗ lực hướng tới sự cân bằng, hài hòa, người Nhật vẫn biết rằng giá trị ấy chỉ có được trong từng khoảnh khắc của tiến trình vượt qua những chông chênh, vì cuộc sống biến động và không ngừng thay đổi. Tạo tác hay sắp đặt cái gì theo nguyên tắc bất đối xứng là cách tự ý thức, tự nhắc mình về những chông chênh tự nhiên của cuộc đời. Nếu không tỉnh táo và không thấu hiểu được điều đó, có thể người ta cũng rất dễ dàng đánh mất sự cân bằng vì không biết cần phải níu giữ nó ra sao. Ngược lại, người ta có thể nhìn cái cây đang xơ xác trong những ngày trút lá mà hình dung ra được mùa lá mới tươi non, hay mùa hoa bát ngát cả đất trời.

LA 6/3/2019


[1] Tuy có những tài liệu ghi rằng Yamato là thời đại mà kinh đô Nhật Bản đóng ở Yamato – một vùng đất thuộc Nara ngày nay – nhưng trong lịch sử Nhật Bản thì không có tên triều đại được viết bằng chữ 大和 hay chữ .
[2] Xem Donald Keene, “Japanese Aesthetics”, Philosophy East and West, Vol. 19, No. 3, Symposium on Aesthetics East and West (Jun., 1969), pp. 293-306.