Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

AI CHO TA LƯƠNG THIỆN?



Quả thật là gần đây có một số người tranh luận với nhau (theo tôi được biết thì “diễn đàn” tranh luận là facebook cá nhân và báo điện tử) về tác phẩm Chí Phèo, đại loại là có nên tiếp tục để tác phẩm này trong sách giáo khoa hay không, và nên nhìn nhận ý nghĩa của hình tượng Chí Phèo như thế nào v.v... Nhưng tôi viết bài này không phải vì bản thân bị cuốn vào cuộc tranh luận đó. Chí Phèo không phải là tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi. Kể cả những câu mà tôi thuộc nằm lòng khi bất chợt “đụng phải” Nam Cao trong tâm tưởng, như “nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối...” cũng không thật sự là điều tôi tâm đắc khi thưởng thức văn học. Đó chỉ là nội dung mà tôi nhớ được rất tự nhiên, nhưng không khiến cho tôi trăn trở hay làm tôi xúc động sâu sắc.
Cuộc tranh luận nói trên đã nhắc tôi nhớ lại, không biết là lần thứ bao nhiêu, ý định sẽ viết cái gì đó về câu duy nhất mà tôi nhớ trong tác phẩm này, nhưng không phải là nhớ tự nhiên mà vì đã từng nghe thầy tôi bình luận khi so sánh với quan điểm mà thầy cho là trái ngược với nội dung của câu văn ấy. Đó là câu mà Chí Phèo đã thốt lên rất thống thiết rằng “Ai cho tôi lương thiện”.
Gần đây, trong một cuộc tọa đàm, thầy nhắc lại lời bình luận mà tôi đã từng nghe, và gặp phải một số ý kiến phản bác. Tôi nghe và cảm thấy bất an vì nhận ra có một khoảng trống mơ hồ giữa hai luồng ý kiến trái ngược, nên định sẽ ngồi xuống viết ra suy nghĩ của chính mình xem có “lọt” được vào cái khoảng trống ấy không. Và nhân tiện, vì chuyện này có liên quan đến vấn đề so sánh, tôi cũng muốn nói thêm về một tác phẩm đã để lại cho tôi những ấn tượng khó phai...
Tôi không đến mức “dị ứng” với lời thoại nhân vật nêu trên, như cách thể hiện của thầy tôi khi nói về câu đó, cũng không đủ tầm xa như thầy để lo rằng các em học sinh chưa đủ vững vàng trong nhận thức sẽ dễ bị nhầm lẫn mà hiểu sai, “vận dụng” sai lời nói của Chí Phèo. Nhưng cũng như thầy, tôi có đọc trong những cuốn sách khác những nội dung khiến cho tôi nghĩ rằng lương thiện là thứ mà người này không thể đem cho người khác được.
Tôi không định nói rằng ai đúng ai sai. Nhận xét về bản chất con người vốn dĩ khó phân định đúng sai, trừ khi chủ thể phân định là... Thượng Đế! Huống chi đây lại là những nhận xét trong văn bản nghệ thuật, là kiểu diễn ngôn được người ta cố ý đặt vào một mạng lưới ngữ nghĩa phức tạp, rồi lại còn làm mờ hoặc xóa đi các lằn ranh ý nghĩa! Cho nên, việc tồn tại những phát ngôn mang ý nghĩa hoặc gợi lên những ý nghĩa trái ngược nhau trong những tác phẩm khác nhau là chuyện rất bình thường.
Điều tôi quan tâm chính là sự khác nhau như vậy.
Trong cuộc tranh luận mà tôi có nói đến khi bắt đầu bài viết, có những người đã hết lời ca ngợi tác phẩm Chí Phèo. Tôi tôn trọng cảm nhận và ý kiến của họ về tác phẩm, và bản thân cũng không hề có ý định phủ nhận giá trị của một truyện ngắn được nhiều người biết đến trong văn học hiện đại Việt Nam. Tôi chỉ tự hỏi rằng không biết họ cảm nhận ra sao, họ nghĩ đến điều gì khi đọc đến tình tiết mà nhân vật thốt lên “Ai cho tôi lương thiện”. Riêng tôi thì không hề có ấn tượng gì cả khi tiếp xúc với phát ngôn này. Chỉ khi nghe ý kiến của thầy tôi, và khi đọc vài tác phẩm với nội dung khiến tôi có suy nghĩ ngược lại, thì tôi mới nhớ ra đã từng biết một tác phẩm của văn học Việt Nam có nhân vật thốt lên câu đó.
Tôi biết vì sao lời thoại trong truyện ngắn của Nam Cao không gây cho tôi ấn tượng gì đáng kể. Ấy là vì tôi đã tiếp nhận lời thoại trong tác phẩm Chí Phèo một cách rất tự nhiên khi cảm xúc chảy theo mạch văn từ tình tiết này sang tình tiết khác. Chí Phèo là nhân vật rơi vào bi kịch vì đã bị hoàn cảnh tha hóa và bất lực trước hoàn cảnh. Tôi cảm nhận rằng câu nói mà nhân vật thốt lên là sự thể hiện rõ ràng tâm thế bất lực ấy. Cũng phải nói thêm rằng tôi chỉ cảm nhận về nội dung tác phẩm chứ hoàn toàn không biết bản thân tác giả có suy nghĩ và cảm nhận như nhân vật trong tác phẩm hay không, có nghĩ rằng lương thiện là thứ có thể xin và cho được hay không. Bởi vì về nguyên tắc, một nhà văn có thể ký thác tư tưởng của mình vào phát ngôn của nhân vật, nhưng cũng có thể để nhân vật nói ra những điều hoàn toàn trái ngược với quan niệm đạo đức hoặc suy nghĩ của bản thân.
Trường hợp gây ấn tượng về quan niệm ngược lại thì hầu hết đều thuộc loại khó đọc của văn học nước ngoài. Dostoevsky là một điển hình được thầy tôi nói đến. Nhưng tôi nghĩ mình chưa đủ tư cách để nói về tác phẩm của Dostoevsky, mà chỉ xin đưa ra một ví dụ có thể được xem là tương đối gần gũi với Chí Phèo, vì là tiểu thuyết của nhà văn người Việt viết bằng tiếng Việt.
Trong tiểu thuyết Và khi tro bụi, nhân vật An Mi đã trải qua biến cố lớn trong đời, lớn đến mức khiến cho cô quyết định sẽ rời bỏ cuộc đời để đi vào cõi chết, nhưng đồng thời cô vẫn luôn thắc mắc về bản lai diện mục của mình: “Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết.”
Dù biết rõ mình đến từ đâu, dù vẫn nhớ những giai đoạn đã trải qua trong đời và những người quan trọng đã có mặt trong những giai đoạn đó nhưng An Mi vẫn cảm thấy mình không nắm bắt được con người thật sự ở trong bản thân mình. Hành trình tìm kiếm bản thân của An Mi là tìm kiếm cái tôi ở bên trong, một cái tôi không thể định nghĩa được chỉ với những thông tin như quốc tịch, nghề nghiệp, địa chỉ v.v....
Và cuối cùng, An Mi đã gặp được cái tôi đích thực mà cô đã tìm kiếm và gần như bỏ cuộc trong rã rời, tuyệt vọng, khi cô đang ở trong trạng thái chơi vơi giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Ấy là khoảnh khắc cô nhận ra mình đã bỏ rơi em gái giữa cảnh tượng khủng khiếp của bom đạn chiến tranh, khi em gái đối mặt với tử thần và cần đến sự cứu giúp của cô hơn bao giờ hết.
Quyết định bỏ rơi người em gái trong hoàn cảnh như vậy, dù là một trạng thái không được kiểm soát bởi ý thức thông thường, chính là sự thể hiện trong sâu thẳm bản chất con người của An Mi. Đó cũng là một An Mi dù đã quyết định đi tìm kiếm cái chết vẫn không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh của câu chuyện tình cờ đọc được trong cuốn sổ, và vì thế đã lặn lội đi tìm Marcus tội nghiệp bị bỏ rơi, tìm đến ngôi nhà trong câu chuyện để biết được Anita đã sống một cuộc đời buồn đến thế nào, đã hụt hẫng vô cùng khi Michael là người viết ra câu chuyện ấy lại chối bỏ những điều mình đã viết, quay lưng với Marcus mà anh từng nghĩ đến như lẽ sống của anh những ngày mới bắt đầu một cuộc sống tự lập. Một An Mi đã từng hiểu được ý nghĩa tinh tế, sâu thẳm của tình thương trong cuộc giao tiếp ngắn ngủi cùng Marcus, khi cậu bé khẳng định “em biết một con chó là như thế nào”, bằng cách ra dấu không phải chiều cao mà là chiều ôm con chó trong vòng tay của em. Một An Mi như vậy đã bỏ rơi em mình trong khoảnh khắc định mệnh, vì một sự điều khiển nào đó từ thẳm sâu vô thức.
Một An Mi như vậy có lương thiện hay không?
Đó không chỉ là một câu hỏi dẫn đến bế tắc vì không thể có được câu trả lời, mà còn khiến cho tôi, sau khi đọc tác phẩm Và khi tro bụi, đã chợt nhận ra rằng con người có thể thiện hay ác, trong tận cùng bản chất của mình, khi mình còn chưa kịp ý thức rõ ràng về điều đó. Rằng chính những quyết định đến từ tầng sâu khó mà dò tới trong vô thức, và vì thế mà không bị kiểm soát bởi ý thức thông thường của một cá nhân trong cộng đồng xã hội, mới là biểu hiện trung thực của bản chất con người. Cái bản chất mà thậm chí “chủ thể” của nó không thể nào lý giải cho rành mạch! Và phải chăng đó là cái “to be or not to be” mà Hamlet nói đến?
Dĩ nhiên là tôi chưa từng có được lời xác nhận nào về cảm nhận nói trên, từ tác giả của Hamlet hay tác giả Và khi tro bụi. Tôi chỉ tình cờ gặp được sự cảm nhận gần giống hệt như thế khi đọc cuốn sách Thế giới quan của Dostoevky trong thời gian gần đây.
Nhưng điều quan trọng ở đây là, dù các nhà văn có viết gì và những người đọc như tôi cảm nhận theo cách nào về những trang viết ấy, thì chúng ta chỉ nên đặt nghệ thuật ở đúng chỗ của nó mà thôi.
Nhà văn không phải là Thượng Đế để thấu suốt về bản chất con người, mà cũng không phải là triết gia phát biểu những chân lý sau khi đã nghiền ngẫm vấn đề và rút ra kết luận.
Cho nên, “hiện thực” trong văn chương không phải là sự thật tuyệt đối hay chân lý tối hậu, mà chỉ là cái khả thể của cuộc sống con người, được trình bày theo một cách nào đó dựa vào kinh nghiệm và cảm quan của nhà văn.
Người ta không nói là tác phẩm này đúng và tác phẩm kia sai, mà có thể nói là tác phẩm này rất hay, hoặc tác phẩm nào đó là không mấy thú vị. Bởi vì bản chất của tác phẩm là chia sẻ và khơi gợi, kích thích những cảm nhận, suy nghĩ ở con người. “Giá trị” của tác phẩm này khác với tác phẩm kia là khác ở chỗ đó.
Chí Phèo không làm tôi sửng sốt dù anh ta được nhà văn miêu tả là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, vì bằng cảm quan thông thường thì tôi cũng biết rằng có rất nhiều người sẽ trở thành như thế nếu trải qua những gì mà Chí đã trải qua. Nhưng An Mi là một trong những nhân vật đã khiến tôi chấn động với suy nghĩ rằng không có gì đảm bảo để tôi không quyết định bỏ rơi một người thân, như cô ấy đã quyết định bỏ rơi em gái đang kêu cứu. Và như An Mi, tôi không thể biết mình lương thiện hay là không lương thiện, dù có thể đủ lòng trắc ẩn để xót xa cho Marcus,  để chia sẻ nỗi buồn của Anita.
Tôi biết được điều đó rõ hơn nhờ một lần tình cờ gặp hai người khiếm thị, trong khi đang đứng đợi xe buýt trên vỉa hè một con đường lớn ở Sài Gòn. Có một người phụ nữ trung niên đến trạm xe buýt sau tôi vài ba phút. Cô ấy là kiểu người bình dân có thái độ cởi mở, khi mới đến đã hỏi tôi dăm câu về các tuyến xe buýt có chạy qua chỗ trạm mà chúng tôi đứng đợi, rồi xuýt xoa khi nhìn thấy hai người khiếm thị đang dẫn nhau dò dẫm đi về phía chúng tôi. Trong lúc tôi vẫn đang thắc mắc về điều mà người phụ nữ bên cạnh mới thốt lên, rằng làm thế nào mà hai người mù lại có thể dẫn nhau đi qua những con đường nhộn nhịp đông đúc thế, thì hai người khiếm thị đã đến ngay trước mặt. Tôi chỉ nhẹ nhàng bước dịch qua một chút để nhường chỗ cho họ tiếp tục đi, còn người phụ nữ đang cùng đợi xe buýt với tôi thì cầm lấy cánh tay của một trong hai người khiếm thị, dẫn họ đi sát vào phía trong vỉa hè để tránh những ô trồng cây xanh có đường viền bê tông dễ khiến cho người ta vấp ngã. Vừa dẫn dắt như vậy, cô ấy vừa rút tiền ra mua giúp họ hai tờ vé số, vì nhận ra rằng họ đang đi bán vé số chứ không phải chỉ là khách nhàn rỗi qua đường. Việc làm của cô ấy chỉ là trong chớp mắt mà thôi, nhưng đủ để khiến tôi xấu hổ vì mình không làm được như vậy. Tôi không định nói rằng mình đã áy náy vì không rút tiền ra để mua vé số. Tôi xấu hổ vì mình đã không thể ân cần với hai người khiếm thị như người phụ nữ kia. Nỗi xấu hổ có pha lẫn cảm giác gần như tuyệt vọng. Vì tôi biết rằng cả tôi và người phụ nữ bình dân ấy đều đã hành xử rất tự nhiên. Tôi biết rằng người ta tự do và cô độc trong khoảnh khắc lựa chọn có thể rất nhỏ nhặt như câu chuyện của tôi ở trạm chờ xe buýt, mà cũng có thể là trọng đại như tình huống mà An Mi và em gái cô ấy đã trải qua. Và chẳng có gì để biện minh cho điều đó cả. Chẳng hạn, tôi không thể nghĩ rằng giá như mình có trình độ học vấn cao hơn một chút thì mình đã cư xử ân cần như người phụ nữ kia.
Với cảm nhận chủ quan của riêng tôi thì cả Chí Phèo và An Mi đều là những khả thể của đời sống con người, nhưng khác nhau ở chỗ Chí Phèo là khả thể về cái mà người ta trở thành, còn An Mi là khả thể của bản chất mà con người vốn có. Đọc Chí Phèo thì tôi cảm thấy được nhà văn chia sẻ về câu chuyện ở ngôi làng có tên là Vũ Đại. Tôi cảm thấy mình có thể là Chí Phèo mà cũng có thể không, bởi vì tôi có thể thích bà chủ đã gọi anh Chí vào xoa bóp, hoặc tôi có thể tự sát trước khi trở thành “con quỷ dữ”, vì không đủ sức để mà chửi cả làng, không đủ can đảm để rạch mặt ăn vạ như Chí Phèo chẳng hạn. Nhưng khi đọc Và khi tro bụi thì tôi thấy mình khó mà hành xử khác An Mi trong hoàn cảnh bỏ rơi em gái. Tôi cảm thấy An Mi là một khả thể của chính bản thân mình, có thể trở thành hiện thực vào bất cứ lúc nào như câu chuyện mà tôi đã trải qua ở trạm chờ xe buýt, một khi tôi vốn dĩ đã là người như vậy. Với trường hợp Chí Phèo thì tôi có thể tạm yên tâm chừng nào tôi không sống ở một chỗ giống hệt làng Vũ Đại, chừng nào tôi không nằm trong tay những người như Bá Kiến. Nhưng tôi không thể nào biết được mình có đã và đang là An Mi hay không, dù hiện tại tôi yêu thương em gái của mình đến đâu đi nữa. Vì thế mà An Mi, dù được tác giả miêu tả rất nhạt nhòa, lại sống động trong tôi và ám ảnh tôi hơn hẳn “con quỷ dữ” được Nam Cao khắc họa.
Tôi thích tiểu thuyết vì đó là thế giới của trò chơi có thể dung chứa được vô vàn điều khả thể. Mỗi người viết cũng như người đọc đều có thể sáng tạo, gặp gỡ và tương tác với những khả thể rất khác nhau, để rồi cảm nhận và suy nghĩ theo kiểu riêng của mình. Luật chơi là như vậy. Điều quan trọng duy nhất là người viết lẫn người đọc chia sẻ được bao nhiêu, cảm nhận được những gì về bản thân và cuộc đời thông qua trò chơi ấy. Bởi thế nên tôi đã cảm động sâu sắc khi gặp một tác phẩm như Và khi tro bụi, biết rằng có người đã chạm đến những vấn đề thẳm sâu như thế trong cõi tâm linh huyền diệu của con người, và chia sẻ với bạn đọc bằng một thứ ngôn từ đẹp đẽ, giàu mỹ cảm và đậm chất suy tư. Tôi vẫn luôn chờ đợi và biết ơn bất cứ tác giả, tác phẩm nào mang lại cho tôi những khoảnh khắc chấn động sâu xa bởi những suy tưởng, thức nhận về cõi tâm linh huyền diệu ấy.
Cho nên, sự đa dạng trong thế giới văn chương là một điều vô cùng quan trọng. Có điều là trong thế giới đa dạng đó, tôi mong rằng những người “chơi hoa” sẽ nhìn kỹ một chút khi thưởng thức “đóa hoa”, đừng vì muốn bảo vệ ý kiến của mình mà sẵn sàng gắn cho bất cứ tác phẩm nào danh hiệu là “kiệt tác”, để rồi đến một lúc nào đó lại ngơ ngác hỏi rằng vì sao trong “làng văn” của mình chưa hề có được giải Nobel. Hành xử như thế thì khác gì một bác nông dân đầu óc “có vấn đề”, quanh năm chỉ cấy trồng lúa nước mà thu hoạch xong thì lại kêu than rằng mình không có lúa mì để mang đi xuất khẩu!
Có những nhà văn đã đạt đến đỉnh cao của văn chương nhân loại. Có ai cho họ những ý tưởng để sáng tác hay không?

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

GIAO CẮT MÔNG LUNG



Tôi vừa chia tay với người yêu.
Nói đúng hơn, tôi vừa nhận ra rằng chúng tôi đã, đang và sẽ không là của nhau, không thuộc về nhau.
Anh chưa từng nói yêu tôi. Chưa từng giới thiệu tôi với bất cứ ai trong gia đình. Chưa từng ấn định ngày tháng năm nào sẽ cưới tôi.
Hình như mọi rắc rối của cuộc đời đều do tôi quá đa cảm.
Chẳng hạn, tôi cứ hình dung cuộc đời anh sẽ tẻ nhạt, vô nghĩa, sẽ trống rỗng mà nặng nề nếu không có tôi và sự quan tâm chăm sóc của tôi. Tôi nghĩ rằng anh sẽ đau đớn, vật vã và suy sụp nếu vì một lý do nào đó mà tôi phải rời xa anh mãi mãi.
Mà cũng có thể mọi chuyện là do tôi quá thông minh. Tôi bỏ học liên tục để lao đi kiếm tiền. Tôi thức khuya dậy sớm vì công việc kinh doanh của anh. Vậy mà tôi vẫn ra trường với tấm bằng loại khá.
Hay là do tôi đã sống một cuộc đời quá đơn điệu. Họ hàng nội ngoại đều ở xa. Bố mẹ và anh chị em đi về lặng lẽ. Suốt bảy năm trời, từ ngày biết anh tôi chỉ nghĩ về anh. Tôi giao tiếp với khách hàng của anh, có mặt ở những cuộc vui mà anh tham dự, lo lắng khi anh trắc trở và vui mừng lúc anh thành đạt. Tôi dốc hết sức lực, tiền bạc và thời gian vào sự nghiệp của anh để cảm thấy mình trở nên giàu có.
Hay chỉ vì tình yêu là một cái gì không có thật? Hay chẳng vì lý do nào cả? Tôi không biết và sẽ chẳng bao giờ biết được. Cuộc đối thoại giữa tôi và anh đã vĩnh viễn khép lại rồi.
“Tháng sau anh cưới vợ”. Anh đã nói với tôi như thế. Và tôi tin như thế. Như bảy năm vừa qua tôi đã đặt niềm tin tuyệt đối vào anh.
Tôi trở về nhà, gom tất cả những gì có liên quan đến anh cho vào một cái thùng gỗ cũ kĩ và to tướng. Nhiều quá, gần như tất cả những gì tôi có đều mang bóng dáng của anh. Tôi đậy nắp thùng gỗ, khóa lại và ném chìa khóa vào sọt rác. Niềm tin của tôi dành cho cái gọi là tình yêu cũng bị nhốt kín cùng với mớ kỉ vật ấy rồi, mãi mãi.
Tôi chọn một ít áo quần và đồ dùng lặt vặt cho vào vali. Trước đây, tôi đã từng dự tính sẽ đi du lịch, nhưng là đi với anh, và chỉ cần có anh là đủ. Còn bây giờ tôi không biết sẽ đi đâu. Không biết nơi nào đẹp và cái gì cần thưởng thức. Thế giới của tôi giống như một khu vườn đang xanh tốt bỗng nhiên bị biến thành một pháo đài quân sự. Tôi cứ đi loanh quoanh trước hàng rào thép gai lạnh toát mà không biết phải làm gì.
Trong những tháng ngày vô định đó thì tôi nhận được một cú điện thoại lạ. Người gọi điện là một cô bé khoảng mười lăm tuổi sống cùng thành phố với tôi. Cô bé nhận là em gái và gọi tôi bằng một cái tên lạ hoắc.
Tôi biết chắc đó là sự nhầm lẫn. Vì tôi không có em gái và cũng chưa cho ai biết số điện thoại mới của mình. Nhưng cô bé cứ một mực cho rằng tôi chính là chị gái của em, hoặc ít ra là một người bạn thân của chị ấy. Em nói cần gặp tôi và muốn trò chuyện với tôi.
Tôi đồng ý hẹn gặp em ở một quán trà gần nơi tôi làm việc. Em đến rất đúng giờ. Một cô bé nhỏ nhắn với gương mặt thanh tú, nhưng có cái vẻ xanh xao của một người đã sống trong bóng tối lâu ngày. Tôi có cảm giác như em vừa bước ra từ một lâu đài trong cổ tích. Một nơi không dành cho những cuộc đối thoại hay bàn cãi. Nơi chỉ có những giá nến và những chùm đèn sang trọng ngủ vùi trong quá khứ vàng son. Nơi mà tiếng khóc và nụ cười chỉ hiện diện trong những bức tranh và những cuốn sách gáy da mạ vàng nằm im trong thư viện.
Em nhìn tôi. Đôi mắt thẫm màu mở to và trống rỗng. Cái trống rỗng nguyên sơ như rọi về từ thuở hồng hoang. Nhưng chỉ một thoáng thôi. Khi rèm mi cụp xuống thì tôi không dám nhìn em nữa. Tôi sợ nhìn thấy ở bất cứ đôi mắt nào cái khoảnh khắc mà sự khát khao giãy chết để nhường chỗ cho nỗi vô vọng triền miên.
Nhưng câu chuyện mà em mang đến không phức tạp và ly kỳ như tôi tưởng. Một câu chuyện rất bình thường. Như muôn sự bình thường vẫn đến và đi trong cõi người ta quắt quay và hỗn độn.
Bố mẹ em là những nhà kinh doanh thành đạt và có địa vị xã hội. Cô chị hơn em tám tuổi đang học ở trường đại học trong thành phố. Chị ấy thường xuyên xung đột với bố mẹ về quan điểm sống, về việc lựa chọn ngành nghề. Chị có một người bạn trai học vấn thấp và không có việc làm ổn định. Khi bố mẹ phản đối, chị đã tìm mọi lý lẽ để bảo vệ anh ấy, đã khóc rất nhiều và cuối cùng đã bỏ đi. Em chỉ có một cách duy nhất để liên lạc với chị là gọi vào số điện thoại của chị ấy. Điện thoại mất tín hiệu kể từ khi chị ra khỏi nhà vào một buổi chiều muộn, sau một trận cãi nhau. Em cứ bấm mãi trên điện thoại cái dãy số vô tri ấy như một niềm ám ảnh, chỉ để nghe tiếng tít tít vô cảm sau một câu thông báo lạnh lùng. Cho đến một ngày em mừng rỡ khi bắt được liên lạc, nhưng đó là số điện thoại của tôi. Sao lại là số điện thoại của tôi chứ không phải của một người nào khác?
-         Chị ơi, có nhiều lúc em nghĩ…hay chị ấy đã chết rồi mà em không biết?
-         Sao em lại nghĩ thế? Tôi gần như quát lên, không biết là để trấn an cô bé hay để lấn át nỗi sợ hãi của chính mình- Không ai lại chết dễ dàng như thế cả. Rồi chị ấy sẽ về. Chị ấy ra đi chỉ đơn giản là để chứng tỏ sự phản kháng của mình thôi.
Tôi nói như ném đá vào khoảng không trước mặt. Khoảng không đó là sự bất lực không thể chối cãi. Tôi muốn em tin vào những điều tốt đẹp trong khi chính mình chẳng dám tin như thế. Nhưng tôi có thể làm gì trước một đôi mắt mở to và trong suốt? Có phải tình yêu thương và nỗi tuyệt vọng cũng không màu?
-         Từ ngày chị ấy đi mọi thứ đều thay đổi. Những con sáo buồn bã xác xơ và chết rũ trong lồng. Những giò phong lan không ra hoa nữa. Những khóm xương rồng khô quắt lại. Em sợ lắm! Đã lâu rồi em không dám ngủ trưa. Trong giấc mơ ban trưa em thấy toàn những hình ảnh xa lạ và chết chóc. Em không mơ thấy chị ấy nhưng luôn nghĩ đến chị sau khi tỉnh giấc. Có những đêm em không ngủ được chỉ vì nghe tiếng kèn đám ma. Em sợ cái chết dù không biết người ta phải sống để làm gì.
Tôi nhìn bâng quơ ra bên ngoài cửa sổ. Tôi biết mình không thể nói gì thêm. Em còn quá nhỏ để nghe những phân tích về tâm lý, về liệu pháp tinh thần, nhưng cũng không còn là trẻ con để tôi có thể huyễn hoặc bằng cổ tích. Tôi thấy mình như đang tan ra trong một nỗi buồn vô hạn. Giá như tôi đã “sống” nhiều hơn trước lúc gặp em!
-         Cũng có lúc em nghĩ…hay là chị ấy đã đến N.?
-         N. ư? Vì sao thế?
-         Chị ấy thường bảo N là một thành phố đẹp. Vì ở đó có biển, có núi và có rất nhiều hoa.
Tôi mỉm cười. Cả nghìn thành phố trên thế giới này đều có những thứ mà em vừa kể. Nhưng tôi không nói với em suy nghĩ của mình.
-         Bố mẹ em có thường đến N không? Tôi hỏi
-         Em không biết. Hình như bố mẹ chẳng bao giờ nói chuyện với em.
-         Vậy em có người thân nào sống ở N. không?
-         Không ạ- Em buồn bã lắc đầu- Hoặc là có mà em không biết. Em chưa từng ra khỏi thành phố này. Bây giờ thì em rất muốn đến N. để tìm chị nhưng chắc chắn là bố mẹ em sẽ không cho phép.
Thành phố N. mà em tình cờ nhắc đến đã vô tình trở thành điểm đến của tôi, giống như một đốm sáng nhỏ nhoi bất ngờ xuất hiện khi tôi đang chơi vơi trong đêm tối mịt mùng.
Ngày hôm sau, tôi đến cơ quan làm giấy đề xuất đi công tác đến N. Tôi không muốn giải thích bất cứ lý do nào để xin nghỉ phép. Nhờ những ngày tháng làm việc cần mẫn và có tinh thần trách nhiệm, tôi dễ dàng nhận được sự đồng ý của cấp trên, dù chưa có ý tưởng rõ rệt nào về những công việc mà tôi sẽ phải làm.
Tàu đến ga N. vào lúc hai giờ sáng. Sân ga vắng vẻ đìu hiu như rền lên trong hơi thở cũ kĩ và nặng nhọc của con tàu, rồi trở lại vẻ ban đầu quạnh quẽ. Tôi ra khỏi nhà ga, vẫy hú họa một chiếc taxi để đến khách sạn lấy phòng. Tài xế đưa tôi đến một khách sạn nằm sát biển, giải thích rằng đây là một trong những khách sạn tốt nhất thành phố và chúc tôi có một kỳ nghỉ thú vị.
Tôi mang hành lý lên phòng. Mới chớm thu mà trời đột nhiên trở lạnh. Tôi ngâm mình vào bồn nước nóng để tẩy rửa bụi đường rồi cuộn mình trong chăn ấm ngủ một giấc thật sâu. Giấc ngủ yên bình đầu tiên kể từ khi cuộc đối thoại giữa tôi và anh chấm dứt.
Khi tôi thức dậy thì buổi sáng đã trôi qua một nửa. Tôi lục lọi tất cả những số điện thoại lưu trong máy, rồi tất cả danh thiếp mà tôi đã nhận được trong nhiều tình huống và cẩn thận mang theo. Tôi gọi cho vài người quen cũ trong thành phố. Có người đang bận việc cơ quan. Có người đang bận việc gia đình. Có người đang trên đường đi công tác. Vài người hẹn gặp tôi sau giờ tan sở buổi chiều. Nhưng tôi không muốn nằm dài trong một gian phòng kín bưng và yên lặng để đợi đến giờ hẹn buổi chiều. Tôi bỏ máy ảnh và vài thứ lặt vặt vào chiếc túi xách tay rồi đi ra phố.
Hôm đó tôi về phòng rất muộn. Hình như là đã quá nửa đêm. Rượu và cà phê khiến giấc ngủ của tôi chập chờn, đứt quãng và nặng trĩu. Ngày kế tiếp tôi nằm lì trong phòng nghe nhạc cổ điển và đọc một cuốn sách cũ kể về một câu chuyện tình bất hạnh.
Khi tôi đọc xong quyển sách thì đã hơn năm giờ chiều. Tôi thấy đói khủng khiếp, cứ như đã lâu ngày bị thiếu ăn.
Tôi vén rèm nhìn ra cửa sổ. Trời lất phất mưa. Biển thẫm lại và những đợt sóng chồm lên, trắng xóa. Tôi xuống nhà hàng ở tầng trệt gọi một chiếc sandwitch và một cốc cà phê sữa.
Nhà hàng vắng ngắt. Chỉ có một thiếu phụ ngồi ở góc phòng, cạnh ô cửa sổ nhìn ra biển. Thiếu phụ mặc bộ quần áo màu rượu chát. Dáng người thon thả, mái tóc dày và óng buông xuống nửa lưng. Gương mặt chị nhìn nghiêng rất đẹp nhưng buồn. Trông chị như một chiếc dương cầm bị bỏ quên trong một ngôi giáo đường hoang phế.
Khi thiếu phụ xoay người lại, tôi giật mình nhận ra trên gương mặt chị một đôi mắt rất quen. Lẽ nào câu chuyện của cô bé ở thành phố xa xôi kia lại ám ảnh tôi nhiều đến thế?
Tôi đủ tỉnh táo để biết rằng chị không phải là cô sinh viên năm cuối, không thể là nhân vật của câu chuyện hôm trước ở quán trà. Nhưng quả thật có một nỗi ám ảnh nào đấy cứ đeo bám lấy tôi. Nỗi ám ảnh vể sự giống nhau lạ lùng giữa thiếu phụ và cô bé mà tôi đã gặp nhưng chưa kịp biết tên. Nỗi ám ảnh đó thúc đẩy tôi bưng cốc cà phê chưa kịp uống đến ngồi cùng bàn với chị.
Thiếu phụ nhìn tôi và mỉm một nụ cười. Không phải cười xã giao. Một nụ cười buồn và sâu thẳm. Trước mặt chị là một chiếc điện thoại có kiểu dáng rất nữ tính, một chiếc cốc pha lê đựng thứ nước hoa quả màu hồng.
-         Chị đi tham quan hay đến đây công tác?- Tôi bắt chuyện.
Thiếu phụ khẽ lắc đầu:
-         Không tham quan mà cũng không công tác. Chị đến đây để gặp người thân.
Tôi cúi xuống nhấp một ngụm cà phê, và suy nghĩ. Hình như có một điều gì đó không bình thường. Không ai đến một thành phố lạ để gặp người thân mà lại ngồi một mình trong nhà hàng rộng thênh thang ở khách sạn vào giờ ăn tối. Nhưng tôi có lý do gì để hỏi và biết về chuyện riêng tư của chị? Mà cũng có thể chẳng có gì bất ổn, chỉ vì tôi quá nhạy cảm trước vẻ mong manh của một người phụ nữ mà thôi.
-         Có phải chị đến từ thành phố K.? Tôi buột miệng.
Lần này thì chị gật đầu
-         Chị đến học ở K., rồi sau khi lấy chồng vẫn sống và làm việc ở đó.
Có thể tôi đã đi quá xa trong thế giới tưởng tượng. Hoặc là tôi quá sợ hãi trước những bi kịch của con người. Nhưng không hiểu sao trong lòng tôi có cảm giác thất vọng nhiều hơn là nhẹ nhõm, như khi tôi đứng trước một cây đàn cũ kỹ và rất đẹp nhưng không còn đủ sức để ngân lên một nốt nhạc nào.
-         Em thấy chị rất quen. Có thể em đã từng gặp chị ở đâu đó. Hoặc có thể em đã gặp một người giống chị- Tôi thấy mình đang cố gắng để gợi lên một điều gì đó. Nhưng hình như chị không biết đến sự tò mò. Ánh nhìn của chị đọng lại trên mặt tôi một thoáng, rồi chị quay ra ngoài cửa sổ. Chị không thắc mắc gì về cá nhân tôi, không hỏi tôi từ đâu đến và vì sao lại ngồi đây. Chị nói mà không nhìn vào người đối diện:
-         Chị không nghĩ là có ai đó giống mình. Cũng không nghĩ là đã từng gặp em. K. là một thành phố lớn, mà phạm vi cuộc sống của chị thì rất nhỏ. Mẹ chồng chị sống ở đây. Bà ấy bệnh nặng, đang hấp hối và muốn gặp chị. Vợ chồng chị sống ly thân đã lâu. Nhưng với mẹ chồng lần này, dẫu sao…nghĩa tử là nghĩa tận.
-         Em cứ nghĩ những dịp như thế này là lúc để người ta nhìn nhận lại và tha thứ cho nhau?
-         Không có gì để mà tha thứ cả. Chỉ có những sự nhầm lẫn đôi khi nghiêm trọng đến mức khó hiểu. Chị nhận ra điều đó khi tìm thấy chồng chị trong vòng tay người đàn bà bốn mươi tám tuổi, người mà anh ấy vẫn gọi là mẹ nuôi.
Những điều chị vừa nói làm tôi nhớ đến anh. Và tôi đồng ý với chị rằng có những sự nhầm lẫn nghiêm trọng đến mức gần như là phi lý. Nhưng dường như chị không chú ý gì đến thái độ của tôi. Chị cầm chiếc điện thoại lên ngắm nghía với một thoáng tần ngần, rồi đứng dậy.
-         Xin lỗi nhé, chị phải lên phòng sắp xếp ít đồ đạc. Ngày mai chị sẽ đi.
Chị nói thật chậm rãi. Rồi trong một động tác xoay người rất nhẹ, chị đẩy cánh cửa sổ trượt qua và ném chiếc điện thoại ra ngoài.
Không có tiếng rơi. Bên ngoài cửa sổ là biển cả với những con sóng bạc đầu mê mải đuổi nhau và gào thét những điều vô nghĩa. Chị đóng cánh cửa lại và đi về phía cầu thang.
Trời đã tạnh mưa. Tôi uống hết cốc cà phê rồi trở về phòng. Điện thoại bàn đổ chuông khi tôi đang mở van cho nước chảy vào bồn tắm. Người trực ở quầy tiếp tân bảo tôi có điện thoại từ xa gọi đến và yêu cầu tôi giữ máy để nhận cuộc gọi. Rồi một giọng đàn ông ở đầu dây bên kia hẹn gặp tôi ở sân bay khoảng ba mươi phút nữa.
Sau khi gác máy tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì vừa mới xảy ra. Giọng nói của người đàn ông trên điện thoại rất giống giọng của anh và điều đó đẩy tôi rơi vào trạng thái bị động.
Thật lạ lùng. Ký ức tôi còn lưu giữ rất nhiều ánh mắt của những người đàn ông. Những ánh mắt hoặc quá si mê nồng nhiệt hoặc quá lạnh lùng bí ẩn. Nhưng giọng nói thì tôi chỉ nhớ âm sắc và chất giọng của anh.
Dĩ nhiên là tôi chẳng có cuộc hẹn với người nào ở sân bay cả. Nhưng lúc ngâm mình trong làn nước ấm và lơ mơ nghĩ ngợi, tôi bỗng thấy khát khao được gặp người đàn ông nào đó có giọng nói làm tôi nghĩ đến anh. Một người đàn ông có thể rất quen mà cũng có thể hoàn toàn xa lạ. Tôi quyết định phải ra sân bay.
Ra khỏi taxi, tôi bước chông chênh giữa khoảng sân vắng lặng. Ở hành lang, một vài nhóm người đứng quanh những chiếc xe đẩy chất đầy hành lý. Không có anh hoặc người đàn ông nào mang dáng dấp của anh.
Chuyến bay có người khách mà tôi tìm gặp đã hạ cánh trước đó mười phút. Mười phút có khi là một khoảng thời gian vô nghĩa, nhưng có khi là cả cuộc đời.
Lúc đi ngang quầy bar của sân bay, tôi nhìn thấy một người đàn ông trung niên đang ngồi uống cocktail và xem truyền hình. Trước mặt ông ta là một chiếc cặp da màu đen, trên cặp có một đóa hồng vàng.
Tôi đến gần người đàn ông và hỏi :
-         Xin lỗi, có phải ông đến bằng chuyến bay đã hạ cánh cách đây mười phút ?
Người đàn ông nhìn tôi một lúc lâu, rồi trả lời :
-         Không, tôi đang đợi chuyến bay. Vì nhớ nhầm thời gian nên tôi đã ra sân bay sớm một giờ.
Bỗng dưng tôi thấy hụt hẫng, như bị phản bội bởi một người bạn mà mình tin cậy nhất. Tôi xin lỗi, giải thích rằng tôi cần phải đón người quen nhưng đến muộn, rồi bước ra khỏi quầy.
Tôi gọi taxi đi loanh quanh trong thành phố rồi trở về khách sạn. Đêm hôm ấy tôi lại mất ngủ dù không hề dùng chất kích thích. Đến gần sáng thì tôi mệt mỏi thiếp đi.
Trong cơn mê, tôi mơ hồ nghe tiếng ai đó hét lên và bừng tỉnh. Có tiếng chân bước hối hả và tiếng người lao xao phía hành lang. Rồi tiếng xe cứu thương hụ còi gấp gáp.
Tôi mở cửa phòng và nhìn thấy một thân người rũ rượi nằm trên chiếc cáng được khiêng vội ra phía cầu thang. Tôi kịp nhận ra thiếu phụ đẹp và buồn với bộ quần áo màu rượu chát.
Thì ra phòng chị ấy ở cạnh phòng tôi. Trong phòng không có gì gây cảm giác xáo trộn. Quần áo đã được xếp cẩn thận vào vali. Một chiếc cốc thủy tinh nằm trên sàn nhà, cạnh chai rượu ngoại đã vơi gần phân nửa. Không có dấu vết của thuốc an thần hay một loại hóa chất nào đặc biệt. Những người xung quanh tôi bảo rằng chị đã uống nhiều rượu mạnh và bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp.
Trên chiếc bàn kê gần giường ngủ có hộp đựng mỹ phẩm và một đóa hồng vàng cắm trong chiếc lọ cổ cao bằng sứ trắng. Tôi chợt nhớ đóa hồng vàng trên chiếc cặp của người đàn ông ở sân bay.
Giá như lúc nhận điện thoại tôi đủ tỉnh táo để xác nhận thông tin hay nói một lời từ chối! Dẫu biết rằng câu chuyện giữa tôi và anh đã chết lặng trong miền ký ức, sao tôi còn nuôi ảo tưởng về một cuộc hồi sinh?
Phải chăng con người khác nhau nhiều thứ và chỉ giống nhau ở những bi kịch? Hay tất cả những gì vừa xảy ra cũng chỉ là ảo giác?
Tôi về phòng, mở tủ lạnh tìm một loại thức uống nào có thể giúp cho mình tỉnh táo, nhưng chẳng tìm thấy gì.
Ngả lưng xuống giường, tôi chợt thấy hoang mang và buồn thảng thốt. Nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy những ánh nhìn và những gương mặt chồng lấp lên nhau, mịt mờ và hỗn độn.
Tôi vùng dậy gom hết quần áo và vật dụng xếp vào vali. Có lẽ tôi lại phải đi, dù chưa biết nơi nào là điểm đến.
Tôi đang loay hoay đóng nắp vali thì có tiếng gõ cửa. Nhân viên lễ tân khách sạn bê trên tay một lẵng salem màu tím ngát.
-         Chị có điện hoa- Anh ta nói và nâng lẵng hoa với vẻ cẩn trọng.
Tôi mời anh vào phòng, bảo anh đặt lẵng hoa lên bàn và bảo :
-         Cảm ơn anh đã mang hoa đến, nhưng tôi không nghĩ đây là lẵng hoa được gửi cho tôi. Không ai biết tôi đang ở địa chỉ này.
Nhân viên lễ tân mỉm cười nhưng nói rất nghiêm trang :
-         Trước khi gõ cửa, tôi đã nhìn kỹ số phòng. Quầy lễ tân đang giữ chứng minh thư của chị. Chẳng lẽ chị không nghĩ rằng có ai đó gửi hoa chúc mừng sinh nhật của mình sao?
Quả thật tôi không nhớ ngày sinh của mình, cái ngày mà đối với nhiều người là rất đỗi quan trọng. Nhưng món quà này là của ai? Anh thanh niên bảo người gửi yêu cầu giữ bí mật thông tin và anh buộc phải làm như vậy.
Lẵng hoa được cắm khá sơ sài, nhưng salem chỉ đạt đến vẻ đẹp viên mãn trong sự phồn sinh hoang dại của tự nhiên chứ không phải do bàn tay con người bài trí. Chắc chắn đây không phải là ý tưởng của anh. Anh chỉ thích những gì rực rỡ. Nhưng của người nào thì tôi không đoán được. Hay lại là một sự nhầm lẫn trong rối bời ảo giác cộng với một chút trùng hợp ngẫu nhiên?
Tôi nói với anh thanh niên rằng tôi rất vui nếu đây là một lời chúc mừng sinh nhật được gửi đến cho mình. Nhưng tôi sắp trả phòng để ra đi, nên muốn gửi lại lẵng hoa ở quầy lễ tân như một món quà lưu niệm. Anh ngẫm nghĩ một thoáng, rồi chấp thuận lời đề nghị đó và mang lẵng hoa đi.
Không phải tôi cố chấp đến mức phủ nhận cái ngày mình bắt đầu hiện diện trong cuộc sống. Nhưng tôi không dám tin vào những thứ quá mong manh. Linh cảm của tôi đã bị chi phối bởi quá nhiều ám ảnh. Và tôi nhận thấy cái đẹp luôn là kẻ tiền trạm của nỗi buồn.
Nhưng dẫu sao, những bông hoa li ti màu tím ngát cũng gợi lên trong tôi một bình nguyên hoang sơ và chan hòa ánh nắng. Biết đâu nơi ấy lại chẳng là điểm dừng chân sắp tới của tôi trong cuộc hành trình?
10/11/2006

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

VỚI “KHÔNG GIAN CÀ PHÊ” Ở SÀI GÒN



Một dạo, khi tôi đến sống và làm việc tại thành phố Vũng Tàu, hễ có bạn bè từ nơi khác đến chơi thì tôi lại đưa họ đi thăm thú cảnh quan quanh thành phố. Vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài điểm tham quan nên tôi chẳng cần phải đắn đo lựa chọn, nhưng cũng không đến nỗi “bế tắc” vì chẳng biết mình nên đưa khách đi đâu, làm gì.
Còn khi sống ở Sài Gòn thì lại khác. Về cơ bản, tôi không hứng thú với cuộc sống đô thị và hoạt động mua sắm, nên thường rất băn khoăn nếu phải làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho ai đó đến thăm Sài Gòn, đặc biệt là khi những người khách ấy đến từ một xứ sở hiện đại, phồn thịnh và lịch lãm.
Rồi bỗng nhiên, thời gian tạm trú ngắn ngủi ở một nơi đất khách đã cho tôi cơ hội “tái phát hiện” vẻ đẹp của Sài Gòn một cách rất tình cờ.
Trong khi những công viên trải rộng ngút ngàn khiến du khách tản bộ phải chồn chân mỏi gối thì quán xá ở Tokyo chật hẹp đến khó tin. Nhiều quán mì chỉ có chừng dăm bảy chiếc ghế xếp dọc theo một chiếc bàn dài trong không gian rất hẹp. Những thực khách không có ghế ngồi thì phải đứng mà ăn. Ăn vội vã rồi rời đi vội vã.
Những lúc tất bật vì công việc thì tôi cảm nhận được trong sự chật hẹp vội vàng kia một thái độ nghiêm túc và một tinh thần năng động đáng khâm phục, rồi tôi cũng thoải mái hòa mình vào trong một cộng đồng như thế.
Nhưng nếu ta đi tìm một chút gì an nhàn thư thả, một khoảng trống nào đấy để mơ mộng vẩn vơ?
Một lần, sau giờ trao đổi về đề tài nghiên cứu, đang cùng nhau đi bộ ra ga tàu gần nhất thì giáo sư hướng dẫn hỏi tôi có thời gian đi uống cà phê với thầy không. Lúc đó Tokyo đang trong đợt nóng đỉnh điểm của mùa hè, và chúng tôi đang thả bước trên vỉa hè của những con đường rộng, đi qua cây cầu nhỏ bắc trên một dòng kênh, đi trong tiếng ve sầu inh ỏi dưới vòm cây xanh lá. Thật ra tôi lúc nào cũng vội vì bao nhiêu công việc làm mãi vẫn chưa xong. Nhưng khoảnh khắc ấy hai từ “cà phê” bỗng có sức hấp dẫn lạ lùng và đã “đánh bại” tôi đang chịu đựng cảm giác mệt mỏi giữa mùa hè nóng bức!
Chúng tôi đi bộ thêm một chút dọc theo con đường lớn chạy qua trước nhà ga. Khu phố này có thể được xem là một trong những nơi khá thú vị của Tokyo với trụ sở của những trường đại học danh tiếng, với nhiều cửa hàng sách và cửa hàng nhạc cụ. Nhưng rốt cuộc nơi chúng tôi vào uống cà phê lại là... cửa hàng McDonald’s!
Sau mấy phút xếp hàng chờ đến lượt phục vụ, chúng tôi mang hai cốc cà phê và một túi giấy nhỏ đựng khoai tây chiên đến một góc nhỏ còn vừa đủ chỗ ngồi cho hai người. Rất nhiều khách hàng là học sinh và sinh viên đã lấp kín các chỗ ngồi quanh đấy.
Người Nhật ứng xử rất tốt ở những chỗ đông người, nên tuy quán hẹp và khách đông nhưng chẳng ai cảm thấy bị ai làm phiền cả. Câu chuyện của hai thầy trò hôm ấy cũng rất vui, vì thầy hỏi thăm tôi về chuyến đi leo núi Phú Sĩ mà tôi sẽ thực hiện trong tuần kế tiếp. Nhưng thật lòng tôi đã rất thất vọng khi biết rằng mình sẽ uống cà phê ở McDonald’s. Nói đúng hơn là trong tâm tưởng tôi, kể từ lúc theo thầy bước chân vào cửa hiệu, hương vị quyến rũ của khái niệm “uống cà phê” đã hoàn toàn biến mất. Tôi chỉ có cảm giác như mình đang ngồi tạm xuống một chỗ bên đường để nghỉ chân. Một chỗ mát mẻ và có chút gì đó để giải khát. Còn thứ thức uống được gọi là cà phê ở Nhật thì vốn dĩ đã chẳng có gì hấp dẫn đối với tôi.
Ngồi ở cái góc chật hẹp ấy, tôi nhớ lại những lần “cà phê buông thả” ở Sài Gòn.
Nói “buông thả” là bởi vì chúng tôi có thể ngồi la cà suốt ngày ở quán, cho đến lúc ra về cũng không cần nhớ là bao nhiêu thời gian đã trôi qua.
Dĩ nhiên không phải là ngày nào cũng vậy. Nhóm thường là ba hoặc bốn người chúng tôi dạo ấy đều đã có việc làm. Nhưng có thời điểm cả ba người đều vừa làm việc vừa theo chương trình “phổ cập kiến thức” sau đại học, nên ngoài những giờ phải làm việc và phải học trong trường thì chúng tôi đến quán cà phê.
Đó là nơi mà chúng tôi có thể gặp nhau trong cảm giác dễ chịu và thoải mái với những chiếc sofa rộng rãi và êm ái đặt ở nơi mát mẻ, xung quanh là hoa lá xinh tươi.
Đó là một thái cực đối lập với những căn phòng trọ chật hẹp và nóng bức trong không gian đô thị ngột ngạt của Sài Gòn. Ấy là chưa kể đến đủ kiểu “đụng chạm” khác nếu chúng tôi kéo nhau cùng về một trong những chỗ trọ như vậy.
Chúng tôi có thể cùng gặp nhau ở một nơi nào đó rồi cùng đến quán cà phê yêu thích. Cũng có thể lần lượt đến và đợi nhau ở địa chỉ quen thuộc. Và dù đến buổi sáng, buổi chiều hay buổi tối, dù chờ đợi những bạn bè còn lại bao lâu thì tôi cũng cảm thấy dễ chịu vô cùng khi ngồi trong không gian thoáng đãng cùng hoa cỏ thiên nhiên.
Có khi chúng tôi tập trung thành một nhóm đông người, chọn một góc cà phê ưng ý rồi mải mê trò chuyện về chủ đề nào đó. Cũng có khi chỉ có hai, ba người đến quán, chủ yếu là để làm bài tập cho khóa học ở trường. Trò chuyện dăm ba câu rồi mỗi người lôi ra một xấp tài liệu, miệt mài chăm chú trên máy tính suốt nhiều tiếng đồng hồ. Vậy mà vẫn cảm thấy dễ chịu, vui vẻ vì được ngồi cùng bạn bè thân thiết.
Với chúng tôi, quán cà phê kiểu ấy không phải là nơi bán thứ gì đó để giải khát tạm thời mà là một kiểu không gian tiện nghi đa chức năng, bù đắp cho cuộc sống ngột ngạt tù túng trong phòng trọ. Bước chân vào nơi ấy, dường như chúng tôi được tạm thời quên hết những khó chịu bức bối khi đi qua những con đường kẹt xe ngập trong khói bụi dưới trời nắng chói chang hay trong những cơn mưa tầm tã. Cho nên chúng tôi vẫn thường tìm đến những không gian như thế mà không cần cà phê của quán phải đặc biệt thơm ngon.
Ngồi trong một góc chật hẹp ở Tokyo để uống cà phê McDonald’s, khi nhớ đến kiểu “không gian cà phê” như thế, lần đầu tiên tôi cảm thấy người dân Sài Gòn “hạnh phúc” hơn những người đang sống ở thành phố cao sang hiện đại này. Và tôi chợt nghĩ rằng “không gian cà phê” cũng là một thứ “đặc sản” của quê hương để tôi có thể giới thiệu với bạn bè, người quen đến từ xứ khác mà không đến nỗi phải áy náy, băn khoăn.
Thật ra thì tôi cũng đã đặt chân qua nhiều nơi trên các miền đất nước. Và đến nơi nào tôi cũng thường ghé qua một vài quán đẹp để thưởng thức “không gian cà phê” của mỗi vùng. Nhưng tôi nhận ra rằng ở những chốn nên thơ, mơ màng như Huế hay Đà Lạt thì “không gian cà phê” chìm hẳn vào không gian thành phố, giống như một vài đóa hoa nở giữa cánh đồng hoa, còn “không gian cà phê” ở Sài Gòn thì gần như là những bông hoa nở trên sa mạc, hay những khóm lá xanh mọc giữa lởm chởm cao nguyên đá!
Dĩ nhiên là tôi mong Sài Gòn trở thành một kiểu đô thị dễ chịu hơn. Nhưng tôi cũng rất mong Sài Gòn sẽ không làm mất đi “không gian cà phê” trong lòng nó, dù thời cuộc có mang đến bao nhiêu thay đổi trong đời sống đô thị và trong “văn hóa cà phê” ở nơi này.