Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

TOKYO TRONG VĂN XUÔI NHẬT BẢN CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX




Tokyo là một cái tên gắn với Nhật Bản thời hiện đại, tuy vùng này đã là trung tâm quyền lực chính trị của đất nước từ khi thành lập Mạc phủ Edo vào thế kỷ XVII. Và nối tiếp vị thế của Edo trước đó, Tokyo tiếp tục là thủ đô Nhật Bản cho đến ngày nay. Vì vậy, theo một cách hình dung nào đó, cái tên Tokyo như một lớp áo mới choàng lên cơ thể vốn là một trong những đô thị lớn nhất Nhật Bản thời cận đại, mở ra một thời kỳ phát triển dài lâu, trải qua nhiều biến cố trong nhiều giai đoạn, nhiều bình diện của nơi này.
Về mặt địa lý, Tokyo là thành phố nằm trên đồng bằng Kanto thuộc khu vực phía đông Nhật Bản, bên bờ vịnh Tokyo nhìn ra Thái Bình Dương.
Về cấu trúc đô thị, Tokyo vốn là Edo thời Mạc phủ, cũng được hình thành theo quy luật lấy tòa thành của gia tộc cầm quyền làm vị trí trung tâm.
Vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vẫn tồn tại sự khác biệt rất lớn giữa khu vực trung tâm của Tokyo và khu vực ngoại thành, tuy rằng về khoảng cách địa lý thì hai nơi như vậy có thể rất gần nhau. Những nơi mà ngày nay nổi tiếng là địa điểm sầm uất như Kanda, Asakusa đều là những khu phố bình dân của thời kỳ ấy.
Khi Nhật Bản bước vào tiến trình hiện đại hóa đất nước, Tokyo không chỉ là trung tâm hành chính, chính trị mà còn là môi trường rộng lớn cho các hoạt động kinh tế và văn hóa, giáo dục. Vì vậy Tokyo nổi tiếng là nơi tập trung của rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ và các nhà phê bình, nghiên cứu. Có nhiều người sinh ra và lớn lên ở thành phố này nhưng cũng không ít bậc tài danh từ nơi khác đến, góp phần tạo nên sức sống và nét đặc trưng cho hoạt động văn hóa, văn nghệ ở Tokyo.
Một đặc điểm quan trọng có thể được xem là sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động văn hóa văn nghệ với không gian đô thị Tokyo là sự hình thành và tồn tại các “làng văn sĩ” ở nơi này. “Làng văn sĩ” thường được hiểu là nơi sinh sống tập trung của nhiều nhà văn, nhà thơ, đôi khi có sự tham gia của các nhà nghiên cứu về văn hóa – xã hội, hay nghệ sĩ hoạt động trong một lĩnh vực khác. Chẳng hạn, thế hệ ra đời trong những thập niên đầu thế kỷ XX và sinh trưởng ở Tokyo vẫn biết đến những nơi từng có “làng văn sĩ” như Nippori, Ryudoken, Tabata, Hongo v.v... “Làng văn sĩ” một mặt cho thấy một mức độ tập trung nhất định của giới tao nhân mặc khách ở thành phố Tokyo đương thời, mặt khác cũng trở thành một nét đặc trưng của thành phố trong tâm thức người dân sinh sống ở nơi đây, khác với những đô thị như Osaka hay Kyoto cũng là những trung tâm kinh tế hàng đầu của Nhật Bản từ thời cận đại.
Nhưng trong khi các “làng văn sĩ” chỉ là nơi có nhiều nhà văn sống gần nhau và thường xuyên giao lưu, chia sẻ trong sinh hoạt đời thường thì những ngôi trường nổi tiếng ở Tokyo lại là nơi hình thành nên các trường phái sáng tác trong hoạt động văn chương nói riêng và văn nghệ nói chung. Bất cứ ai tìm hiểu về văn học Nhật Bản hiện đại trong thời kỷ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cũng đều biết đến những trường phái sáng tác như phái Mita của Đại học Keio, phái Waseda của Đại học Waseda, phái Shirakaba với các thành viên chủ yếu từng theo học ở trường Gakushuin.
Và trên hết, Tokyo không phải chỉ là nơi sinh sống, là môi trường thuận lợi để hình thành diễn đàn tranh luận cho các nhà văn, mà còn là cảm hứng, đề tài, không gian nghệ thuật của rất nhiều tác phẩm văn học. Nếu không có dữ liệu thống kê bài bản thì chắc là khó mà kể hết tên tuổi những nhà văn nhà thơ cùng với những tác phẩm văn chương viết về Tokyo nói chung, hay về một khu vực cụ thể nào đó trong thành phố. Chỉ cần điểm qua những cây bút văn xuôi cũng đã gặp nhiều tên tuổi lớn như Higuchi Ichiyo, Akutagawa Ryunosuke, Mori Ogai, Nagai Kafu, Yokomitsu Riichi, Tanizaki Jun’ichiro, Kubota Manrato v.v...
Mỗi nhà văn kể trên đều có sự nghiệp lớn với rất nhiều tác phẩm. Như vậy cũng dễ hình dung rằng hình ảnh Tokyo trong văn học Nhật Bản hiện đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã được thể hiện rất đa dạng từ nhiều cách quan sát, cảm nhận và bằng nhiều bút pháp khác nhau. Chỉ riêng khu vực đương thời được mệnh danh là “phố bình dân” khi đi vào tác phẩm văn học cũng đã có nhiều diện mạo rất khác nhau, từ khung cảnh phố phường được tác giả lựa chọn làm bối cảnh cho câu chuyện, hình ảnh những con người sống trong khu phố ấy đến cảm thức đô thị toát lên qua tâm trạng nhân vật hoặc qua lời dẫn truyện. Khu Yoshiwara trong tác phẩm của Higuchi Ichiyo nghèo nàn nhưng dường như luôn được thắp sáng bởi những gương mặt tuổi thiếu niên ngây thơ, tràn đầy sức sống và hy vọng. Trong một số truyện ngắn của Akutagawa Ryunosuke thì khung cảnh miền hạ lưu sông Sumida êm đềm thơ mộng cứ như một vùng quê nào đó. Cũng có khi khu phố bình dân hiện lên trong tác phẩm của Tanizaki Jun’ichiro từ góc nhìn độc đáo của một người muốn đi tìm kiếm những điều “bí mật” trong một thành phố mà bản thân nghĩ rằng đã thông thạo mọi ngóc ngách từ lâu, với những hình ảnh đặc tả theo cảm xúc khác thường của nhân vật v.v...
Nhưng nếu nói về cảm thức chung gắn với hình ảnh Tokyo trong văn học Nhật Bản hiện đại thì có lẽ trước hết phải lưu ý đến cảm giác nhớ nhung luyến tiếc với những gì xưa cũ. Trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều sự kiện xảy ra khiến cho Tokyo đã nhiều lần đổi thay diện mạo. Có những sự kiện lớn như động đất, hỏa hoạn, chiến tranh làm thay đổi bộ mặt thành phố trên diện rộng, thậm chí dẫn đến việc thay đổi quy hoạch ở một vài khu vực trong thành phố. Nhưng chủ đạo vẫn là sự thay đổi theo quy luật tự nhiên do sự phát triển kinh tế ở nơi này. Thay đổi từ quy mô dân số, cơ sở hạ tầng đến các khu dân cư, trụ sở các công ty xí nghiệp. Tuy có thể là một tiến trình tự nhiên, tất yếu nhưng sự thay đổi như thế đã để lại trong lòng người dân gắn bó với nơi đây một cảm giác nhớ tiếc, u hoài. Cảm giác này càng đặc biệt sâu sắc trong tâm hồn những nhà văn nhạy cảm, dù là người sinh trưởng ở Tokyo hay là người từ địa phương khác đến. Có lẽ sự cảm nhận theo chiều hướng ấy cũng là một quy luật tự nhiên nên cảm giác nhớ nhung này lặp lại trong khá nhiều tác phẩm, dù được sáng tác trong những thập niên cuối thế kỷ XIX hay những thập niên đầu thế kỷ XX. Ở thời điểm sau Meiji duy tân thì nhà văn có cảm giác nhớ về những hình ảnh tốt đẹp của thành phố Edo trước đó. Tương tự, hình ảnh Tokyo cuối thế kỷ XIX lại đẹp hơn trong nỗi nhớ của nhà văn đang sáng tác đầu thế kỷ XX, so với không gian đô thị mà hiện tại nhà văn đang sinh sống. Điều đó không đơn giản là một kiểu “cố tật” trong tâm thức của nhà văn hay của cả cộng đồng, mà là một tín hiệu cho thấy hai chiều hướng vận động tinh thần luôn khiến cho con người khắc khoải. Một mặt, người ta luôn cố gắng thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, dù có phải trải qua những biến cố đột ngột và sâu sắc. Mặt khác, tuy đã thích nghi được với đời sống hiện tại nhưng đâu đó trong lòng mỗi người luôn có một khoảng trống để những hình ảnh trong quá khứ hiện về, và so với thực trạng vừa trải qua biến động thì hình ảnh quá khứ luôn có vẻ quyến rũ của một sự bình yên, đằm thắm.
Vì vậy, theo một cách nào đó cũng có thể nói rằng, Tokyo trong nỗi hoài nhớ của nhà văn Nhật Bản hiện đại là một không gian đô thị với đời sống phong phú và không ngừng thay đổi. Có trường hợp thì Tokyo trên trang sách giống như một “phiên bản hiện đại” của thành phố Edo. Có trường hợp thì Tokyo như một mảng hiện thực đang rời rã, xói mòn so với hình ảnh thời quá khứ. Trường hợp khác thì thành phố lại giống như một công trình dang dở trên con đường hiện đại hóa mà Nhật Bản đang đuổi theo các nước phương Tây. Có khi nơi này là sân khấu cho những tấn bi kịch nhiều màu sắc của cuộc sống đương thời. Nhưng với nhà văn khác, Tokyo có thể là một nơi đủ rộng để một nghệ sĩ mang tinh thần lữ khách tìm được chỗ trú chân tĩnh lặng v.v... 
Ngày nay, Tokyo vẫn luôn là một nơi tiềm ẩn những khả năng xảy ra biến cố. Điều đáng quý là Tokyo vẫn đứng vững và liên tục đi lên trong suốt mấy trăm năm trải qua nhiều biến động. Và cũng rất đáng mừng khi thế hệ đi sau có thể hình dung diện mạo thành phố này qua miêu tả và cảm nhận của lớp người đi trước trong con đường trải dài của văn học hiện đại Nhật Bản, đặc biệt là nhờ sự nỗ lực đóng góp của các nhà văn đã sống và sáng tác trong thời kỳ hiện đại hóa văn học cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.