Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

TÍNH DÂN TỘC VÀ TÍNH NHÂN LOẠI TRONG Ý THỨC THẨM MỸ NHẬT BẢN TRUYỀN THỐNG QUA CÁC KHÁI NIỆM MỸ HỌC “IROGONOMI”, “MONO NO AWARE” VÀ “YUGEN”



Trong bối cảnh toàn cầu hóa và mở rộng giao lưu quốc tế hiện nay, văn hóa nghệ thuật Nhật Bản ngày càng được giới thiệu rộng rãi trên thế giới, và người Nhật thường được biết đến như một dân tộc duy mỹ. Tuy nhiên, để thấu hiểu giá trị thẩm mỹ trong những tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản, người thưởng thức cần có hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về ý thức thẩm mỹ Nhật Bản truyền thống, gắn liền với tư tưởng độc đáo của người Nhật về thế giới, nhân sinh. Một trong những nét độc đáo của tư tưởng thẩm mỹ Nhật Bản là sự kết hợp tự nhiên giữa tính dân tộc và tính nhân loại, thể hiện qua ý nghĩa phong phú của các khái niệm mỹ học nền tảng trong lịch sử phát triển ý thức thẩm mỹ truyền thống từ thời cổ đại đến thời trung đại. Bài viết trình bày vấn đề trên qua việc phân tích ba khái niệm then chốt của mỹ học Nhật Bản truyền thống là “irogomoni”, “mono no aware” và “yugen”, với mong muốn đóng góp một cách nhìn hệ thống trong lĩnh vực nghiên cứu về ý thức thẩm mỹ Nhật Bản.
1.       “Irogonomi” và tâm thức tìm kiếm cái đẹp “lý tưởng”
“Irogonomi” là một khái niệm thể hiện nội dung rất đặc thù của ý thức thẩm mỹ Nhật Bản truyền thống. Nhưng vì khái niệm này rất cổ, chỉ được sử dụng chủ yếu trong văn hóa – văn học Nhật Bản từ thời Heian trở về trước, nên ít được biết đến ngay cả trong những công trình nghiên cứu văn học và mỹ học của các học giả Nhật Bản hiện đại. Trong phạm vi tư liệu bằng tiếng Nhật mà chúng tôi bao quát được, “irogonomi” được nhắc đến trong một số công trình nghiên cứu văn học Nhật Bản cổ điển, đặc biệt “irogonomi” là một nội dung hết sức quan trọng khi các học giả Nhật Bản trình bày lập luận về tư tưởng văn học, tư tưởng thẩm mỹ của người Nhật thể hiện trong truyện cổ và những tác phẩm văn học Nhật Bản thời Heian, trong đó dòng văn học monogatari chiếm vị trí trung tâm với Genji monogatari 「源氏物語」 là đại diện tiêu biểu nhất.
Trong số những học giả thời hiện đại nghiên cứu về tư tưởng và văn học cổ điển Nhật Bản, Orikuchi Shinobu được biết đến như một người đã “làm sống lại”[1] khái niệm “irogonomi” trong các công trình nghiên cứu về văn học dân gian cổ đại, mở ra một hướng lý giải mới cho việc tìm hiểu các tác phẩm văn học từ thời thượng cổ đến thời Heian gắn với tư tưởng “irogonomi” trong quan niệm thẩm mỹ của người Nhật ở thời kỳ nguyên sơ của nền văn hóa Nhật Bản. Cụ thể, các nhà nghiên cứu Suzuki Hideo, Okano Hirohiko và Hasegawa Masaharu trong những công trình nghiên cứu về Genji monogatari và văn học – văn hóa thời Heian[2] đều vận dụng khái niệm “irogonomi” như một yếu tố trong luận thuyết của Orikuchi Shinobu để phân tích hình tượng nhân vật và giá trị thẩm mỹ trong các tác phẩm văn học cổ điển, theo khuynh hướng lý giải những giá trị văn chương gắn với điều kiện văn hóa đã sinh thành tác phẩm, chi phối nhận thức thẩm mỹ và cách thức biểu đạt thẩm mỹ của tác giả trong quá trình sáng tác. Riêng Hasegawa đã nói rất rõ rằng “chúng tôi đã đọc và tiếp thu yếu tố “irogonomi” đã được xác lập như học thuyết Orikuchi[3] trước khi vận dụng học thuyết này vào đối tượng nghiên cứu cụ thể.
Trong tiếng Nhật hiện đại thì “irogonomi” có thể được xem là cách đọc của từ 色好み hay 色好viết bằng Hán tự, và nếu hiểu từ này theo hướng chiết tự thì “irogonomi” có nghĩa là “hiếu sắc”. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý ở đây là để biểu thị ý nghĩa “hiếu sắc”, trong tiếng Nhật đã có từ “koshoku”, được viết bằng Hán tự là 好色, là một từ trong ngôn ngữ văn chương và đời sống, được dùng phổ biến từ thời Edo. Một nhà văn nổi tiếng thời Edo là Ihara Saikaku đã viết nhiều tác phẩm thuộc dòng “văn học phù thế” như Koshoku daiichi otoko 「好色一代男」 (Người đàn ông hiếu sắc), Koshoku daiichi onna 「好色一代女」 (Người đàn bà hiếu sắc), Koshoku gonin onna「色五人女」(Năm người đàn bà hiếu sắc) v.v..., cho nên trong ngôn ngữ đời thường đã hình thành một từ chỉ những tiểu thuyết miêu tả đời sống tình ái và sự đam mê sắc dục là “truyện hiếu sắc” (好色物). Như vậy nghĩa “hiếu sắc” của từ “koshoku” đã được xác định rõ ràng. Vấn đề cần xem xét là “Irogonomi” và “koshoku” có phải là hai từ đồng nghĩa hay không, và nếu không thì ý nghĩa cũng như cách sử dụng của từ “irogonomi” nên được hiểu thế nào cho đúng.
Trong bài viết “Nhân vật nam nữ trung tâm trong Genji monogatari”, sau này được in trong Orikuchi Shinobu toàn tập, nhà nghiên cứu Orikuchi đã viết rằng “Phật giáo đã đến Nhật Bản từ rất sớm. Nho giáo cũng được du nhập vào Nhật Bản. Trước đó, rõ ràng ở Nhật Bản đã từng tồn tại một kiểu giá trị gần giống như đạo đức, và điều đó được biểu hiện trong ngôn ngữ qua từ “irogonomi”. Từ này có nghĩa là lựa chọn người nữ ưu tú nhất[4].
Cũng trong công trình nghiên cứu nói trên, tác giả còn giải thích thêm nguồn gốc hình thành kiểu “đạo đức” hay “lý tưởng” như vậy, rằng:
Đó là việc lựa chọn và kết hôn với người nữ được cho là xuất sắc nhất trong cả nước. Kiểu hôn nhân như vậy được thực hiện nhiều lần. Làm như thế là nam giới đã bảo trợ và tạo điều kiện phát triển cho những người phụ nữ tài năng hay có uy thế về tôn giáo. Còn về vấn đề những ai sẽ là người thực hiện điều này, thì có thể dựa vào tôn giáo và lịch sử Nhật Bản để nói rằng đó chính là những người đã đứng đầu nước Nhật và cai trị đất nước trong một khoảng thời gian rất dài[5].
Từ những khẳng định và giải thích của nhà nghiên cứu Orikuchi như trên, có thể thấy rằng “irogonomi” vốn là một khái niệm của văn hóa Nhật Bản thời thượng cổ và có ý nghĩa khác hẳn với “koshoku” trong tiếng Nhật hiện đại. Orikuchi cũng đưa ra những ví dụ cho thấy từ “sukigokoro” hay “sukimono” thời Heian mới đồng nghĩa với từ “koshoku”[6]. Trong khi “koshoku” hay “sukigokoro” chỉ sự đam mê tình ái trong đời sống dung tục, tầm thường thì “irogonomi” thể hiện một quan niệm độc đáo về sự lý tưởng mang ý nghĩa đạo đức của người Nhật Bản trong thời kỳ văn hóa bản địa còn đậm chất nguyên sơ, chưa chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo và Nho giáo trong quan niệm về đạo đức hay mối quan hệ giữa con người với con người. Chính vì vấn đề từ nguyên như vậy mà các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp như Suzuki Hideo hay Hasegawa Masaharu khi đề cập đến khái niệm này đều viết từ いろごのみ bằng chữ hiragana và để trong dấu ngoặc <> chứ không viết bằng Hán tự thành 色好như một từ thông dụng trong đời sống. Nói cách khác, theo quan niệm phổ biến trong ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, nếu được viết bằng Hán tự thì khái niệm “irogonomi” sẽ bị thu hẹp ý nghĩa, thậm chí bị hiểu sai lệch so với nghĩa gốc của từ này trong bối cảnh văn hóa cổ đại, cho nên trong các công trình nghiên cứu cần phải viết từ này bằng chữ hiragana để giữ được đầy đủ ý nghĩa văn hóa nói trên.
Ý nghĩa của từ “irogonomi” theo cách luận giải của Orikuchi làm hé lộ một khía cạnh quan trọng trong tư tưởng – văn hóa Nhật Bản thời thượng cổ, đặc biệt giúp cho những nhà nghiên cứu không sinh trưởng trong nền văn hóa Nhật có cơ sở để lý giải những tác phẩm cổ điển của văn học Nhật Bản một cách đầy đủ và chính xác hơn. Theo lý thuyết của Orikuchi thì nhiều hình tượng nhân vật trong truyện cổ Nhật Bản cũng như trong một số tác phẩm thuộc dòng văn học monogatari mang vẻ đẹp lý tưởng theo quan niệm “irogonomi” của xã hội Nhật Bản đương thời. Vì vậy, nhà nghiên cứu nếu không thấu hiểu quan niệm “irogonomi” thì khó mà có được những luận giải đúng đắn, thuyết phục và sâu sắc về giá trị thẩm mỹ của hình tượng nhân vật và của toàn tác phẩm. Trên thực tế, điều này đã được minh chứng bằng lịch sử bình luận, nghiên cứu tác phẩm đồ sộ nhất của văn học cổ điển Nhật Bản là Genji monogatari, với nhân vật trung tâm Hikaru Genji là trường hợp rất khó đánh giá theo quan niệm đạo đức thông thường trong xã hội hiện đại.
2.      Từ “irogonomi” đến “mono no aware”
 “Irogonomi” là một quan niệm được hình thành trong đời sống thực tế của người Nhật Bản thời cổ đại, và từ đó đã đi vào văn chương, mang lại cho văn chương một vẻ đẹp rất đặc trưng của văn hóa thuần chất Nhật Bản. Cũng có thể nói rằng “irogonomi” xuất phát từ tập quán thời cổ cho phép nam giới thuộc tầng lớp quý tộc được tuyển chọn và kết hôn với người nữ ưu tú nhất trong cả nước, và tập quán này đã hình thành trong xã hội đương thời khuynh hướng tìm kiếm và nắm bắt cái đẹp “lý tưởng”. Qua thời gian, điều đó trở thành một tâm thức phổ biến của quý tộc nói chung, không phân biệt nam giới hay nữ giới. Việc tìm kiếm và sở hữu cái đẹp “lý tưởng” qua hình ảnh đối tượng kết hôn trong bối cảnh văn hóa như vậy được cho là một kiểu “đạo đức” tốt đẹp vì gắn liền với ý thức giữ gìn và tôn vinh vẻ đẹp hay những giá trị đáng quý ở con người. Trong suy nghĩ thuần phác của người Nhật thời xưa thì điều đó tạo nên truyền thống phát hiện, bảo tồn cái đẹp, cái thiêng liêng quý giá, và thông qua đó mà những người có sứ mệnh đứng đầu quốc gia chứng tỏ được địa vị tôn quý của mình, đồng thời thực hiện được ở mức độ tốt nhất công việc cai trị quốc gia theo ý chí của các thần linh hộ quốc. Điều này được thể hiện rõ nét qua hình tượng các vị thần “kiệt xuất” trong Kojiki「古事記」 (Cổ sự ký), hay hình tượng nhân vật đào hoa, đa tình thường xuất hiện trong các truyện kể như Taketori monogatari 「竹取物語」 (Truyện ông già đốn tre), Ise monogatari 「伊勢物語」 (Truyện Ise). Genji monogatari với nhân vật trung tâm Hikaru Genji cũng là một trường hợp thể hiện tâm thức tìm kiếm và sở hữu cái đẹp lý tưởng theo quan niệm “irogonomi”. Cho nên, có hiểu được “đạo đức irogonomi” thì mới thấy các nhân vật đào hoa, đa tình trong những tác phẩm trên là hình tượng thể hiện cái đẹp lý tưởng theo quan niệm đương thời – cái đẹp có sức thu hút tự nhiên những người khác phái, giúp cho nhân vật có khả năng chinh phục và chiếm hữu tình cảm của nhiều đối tượng.
Tuy nhiên, do sự biến đổi của văn hóa – xã hội qua nhiều giai đoạn lịch sử kéo theo sự biến đổi về tư tưởng, nhận thức ở con người, từ hậu kỳ thời Heian trở đi thì quan niệm đạo đức, thẩm mỹ của người Nhật Bản ngày càng xa rời quan niệm “irogonomi” thời cổ đại. Đặc biệt là trong thời trung đại, với những quy phạm khắt khe về đạo đức theo Nho giáo, người ta khó có thể chấp nhận khuynh hướng tìm kiếm và chiếm hữu cái đẹp với tinh thần tự do, rộng mở theo quan niệm “irogonomi”. Bên cạnh đó, tư tưởng Phật giáo dung hòa với thế giới quan, nhân sinh quan truyền thống của người Nhật Bản đã làm nảy sinh những quan niệm mới về giá trị thẩm mỹ, thể hiện qua các khái niệm mỹ học mà ngày nay được biết đến rộng rãi trong giới nghiên cứu văn hóa – văn học Nhật Bản như “mono no aware” và “yugen”.
Cũng giống như khái niệm “irogonomi” được trình bày ở phần trên gắn liền với “học thuyết Orikuchi”, “mono no aware” như một khái niệm then chốt của mỹ học truyền thống Nhật Bản gắn liền với tên tuổi Motoori Norinaga – nhà quốc học thời Edo có nhiều đóng góp quan trọng cho công việc nghiên cứu những thành tựu văn học cổ điển. Đặc biệt, với việc lý giải cặn kẽ khái niệm “mono no aware” và vận dụng những lý giải này vào công trình nghiên cứu Genji monogatari, Motoori trở thành học giả đầu tiên “phát hiện” giá trị thẩm mỹ của tác phẩm tự sự cổ điển này, mở ra một hướng nghiên cứu mới với chủ trương tìm kiếm và làm sáng tỏ vẻ đẹp của Genji monogatari như một tác phẩm hư cấu, thay vì bình luận tác phẩm như một truyện kể lịch sử hay một thuyết thoại có tính răn đời.
Công trình nghiên cứu thể hiện rõ quan điểm và lập luận nói trên của Motoori là Genji monogatari tama no ogushi 「源氏物語玉の小櫛」 (Genji monogatari – chiếc lược cài nạm ngọc), gồm 9 chương, trong đó chương 2 tập trung giải thích khái niệm “mono no aware” được xem là nội dung quan trọng nhất. Theo luận giải của Motoori trong công trình này thì “mono no aware” là một khái niệm phức tạp, khó xác định ý nghĩa rõ ràng. Lần về nguồn gốc văn hóa của “mono no aware” để có thể hiểu đúng khái niệm này, Motoori đã viết:
Từ “aware” trước hết là tiếng nói cảm thán được thốt lên khi cảm xúc nảy sinh trong lòng do tiếp xúc với sự vật mà mình nhìn thấy hay nghe thấy, là các từ “aa” và “ware” trong ngôn ngữ đời thường. Chẳng hạn với cảm xúc khi thưởng nguyệt ngắm hoa thì người ta sẽ thốt lên rằng “aa, hoa thật đẹp!” hay “ware, trăng đẹp quá!”. Từ “aware” hình thành do hai từ “aa” và “ware” ghép lại với nhau, và khi sử dụng Hán văn thì người ta dùng chữ “嗚呼” cũng là để ghi âm “aa” này. Trong ngôn ngữ cổ, những từ như “ana” hay “aya” cũng có thể được dùng với ý nghĩa tương tự[7].
Sau đoạn trên, Motoori còn đưa ra nhiều minh họa để giải thích một cách chi tiết về ý nghĩa và cách sử dụng của từ “aware”. Theo đó, “aware” vốn là một thán từ, theo quá trình thay đổi của ngôn ngữ trong đời sống và trong sáng tác văn chương, dần dần được sử dụng trong thơ ca (thường có một danh từ kèm theo) để nói về một đối tượng, một hình ảnh có khả năng khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ hay sâu sắc ở con người, rồi được dùng như một động từ để diễn tả trạng thái cảm xúc trước một đối tượng, một khung cảnh nào đó[8]. Nói chung, “aware” thường xuất hiện trong trường hợp cần diễn tả sự rung động của tâm hồn con người, được dùng để thể hiện trạng thái cảm xúc khi tâm hồn rung động và cả đối tượng gây nên sự rung động ấy.
Trong bài viết của Motoori, chúng tôi đặc biệt chú ý đến đoạn văn trình bày sự thay đổi ý nghĩa của từ “aware” như sau:
Người đời sau dùng chữ “” (chữ “ai” với nghĩa “bi ai”) trong Hán tự để ghi từ “aware”, như vậy có thể hiểu rằng từ này chỉ có nghĩa là “bi ai”, nhưng thật ra từ “aware” không bị giới hạn trong một nghĩa duy nhất là “bi ai” như thế. Trong mọi trạng thái như hạnh phúc, thích thú, vui tươi, cảm kích hay hài hước, tất cả những trường hợp khiến người ta bật lên từ cảm thán “aaware” đều được xem là cảm thức “aware”. (...) Tuy nhiên, trong nhiều trạng thái cảm xúc của tâm hồn con người, sự vui mừng hay thích thú không phải là cảm xúc sâu sắc, mà chỉ có nỗi buồn phiền sầu muộn hay tình thương yêu chiếm lĩnh toàn bộ trái tim con người mới là những tình cảm sâu sắc tột cùng, nên có thể dùng từ “aware” để biểu đạt riêng những cảm xúc có độ sâu như vậy. Do khuynh hướng này mà trong ngôn ngữ đời thường người ta dùng từ “aware” với nghĩa “bi ai”[9].
Lập luận của Motoori trong đoạn trên cung cấp một thông tin mới mẻ về ý nghĩa của từ “aware” và cũng là một cách luận giải có tính thuyết phục cao, vì hiện tượng nghĩa của từ bị biến đổi theo hướng tập trung vào một trường hợp điển hình như thế cũng thường xuất hiện trong đời sống văn hóa – văn học Nhật Bản, mà tiêu biểu là từ “hana” (hoa nói chung) được dùng để chỉ “sakura” (hoa anh đào) và từ “tsuki” (trăng) trở thành kigo[10] của mùa thu trong thơ haiku. Hơn thế nữa, sự biến đổi ý nghĩa của từ “aware” như được trình bày trong bài nghiên cứu của Motoori còn gợi mở một góc nhìn thú vị để người đọc có thể hiểu rõ hơn về tâm hồn Nhật Bản. Trong nhiều cung bậc cảm xúc của thế giới tâm hồn con người vốn muôn hình muôn vẻ, người Nhật đã nhận thấy nỗi buồn gắn với tình yêu thương mới là tình cảm chủ đạo và sâu sắc, vì nó có khả năng chi phối mạnh mẽ đời sống nội tâm của con người. Nỗi sầu muộn, u hoài và tình thương yêu không làm cho ý nghĩa của từ “aware” trở nên tiêu cực. Trái lại, với hàm nghĩa như thế, “aware” còn là một trạng thái tinh thần mà người Nhật vươn đến trong khuynh hướng tìm kiếm và đề cao cái đẹp nói chung.
Trong tác phẩm điển hình của văn học Nhật Bản thời Heian là Genji monogatari, từ “aware” chưa được hiểu thống nhất theo nghĩa thu hẹp là “bi ai” mà thường được dùng trong trường hợp miêu tả vẻ đẹp của đối tượng quan sát có sức lay động tâm hồn người quan sát, chẳng hạn như tác giả thường dùng từ “có aware” đối với một khu vườn đẹp hay một nơi phong cảnh hữu tình trước đôi mắt của người biết thưởng thức cái đẹp và yêu thích thiên nhiên. Do đó, còn có cách dùng từ “aware” để nói về sự nhạy cảm với cái đẹp hay trình độ, năng khiếu thẩm mỹ ở một người nào đó, và những người nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên hoặc biết thưởng thức cái đẹp tao nhã trong đời sống phong lưu thường được đánh giá là người “biết aware”. Từ những biểu hiện này, có thể hiểu rằng những người nhạy cảm với vẻ đẹp của người khác phái và sức hấp dẫn của người khác phái trong quan hệ tình cảm cũng là một kiểu người “biết aware”. Như vậy “aware” có mối quan hệ gần gũi với “irogonomi” ở khía cạnh thể hiện sự rung động của tâm hồn con người trước cái đẹp, hay là khả năng lay động tâm hồn của những gì có vẻ đẹp hay giá trị cao quý. Điều này cũng được nói đến trong công trình nghiên cứu về Genji monogatari của Suzuki Hideo, trên cơ sở tiếp thu cách luận giải của Motoori về “mono no aware”:  
Có thể nói rằng ở nhân vật Hikaru Genji có sự kế thừa giá trị đạo đức tốt đẹp theo quan niệm của thời cổ đại. Các cô gái quý tộc đã tỏ ra nhạy cảm trước một chàng Genji như thế, và càng bị Genji thu hút thì càng rung động sâu sắc trong tâm hồn. Đây cũng chính là “mono no aware” mà Motoori Norinaga nói đến. Hikaru Genji đã phát huy sức mạnh “irogonomi” trước nhiều phụ nữ là đối tượng tình cảm của chàng, làm lay động tâm hồn các đối tượng và làm cho mối quan hệ giữa người với người có tinh thần “mono no aware” sâu sắc[11].
3.      Từ “mono no aware” đến “yugen”
Tuy khái niệm “aware” ở thời Heian chưa có nghĩa chính xác là “bi ai” nhưng trạng thái cảm xúc hay khung cảnh mà từ “aware” miêu tả trong văn chương thường phảng phất nỗi buồn. Trong trường hợp này, nỗi buồn được hiểu như một cảm xúc tinh tế, như là một sự hòa trộn giữa tình yêu, niềm khao khát đam mê hướng về cái đẹp và ý thức về sự tồn tại ngắn ngủi, mong manh của cái đẹp trong thiên nhiên cũng như trong thế giới tình cảm của con người. Vận dụng cách giải thích của Motoori về quá trình chuyển nghĩa của từ “aware” thì có thể nói rằng khái niệm “aware” thời Heian đang ở vào giai đoạn trung gian của tiến trình thu hẹp nghĩa. Nếu kết hợp xem xét hiện tượng này với tiến trình du nhập và lan tỏa của tư tưởng Phật giáo trong đời sống văn hóa Nhật Bản, phải chăng có thể nhận xét rằng cách hiểu và sử dụng từ “aware” thời Heian có liên quan đến sự ảnh hưởng của triết lý Phật giáo đến thế giới quan, nhân sinh quan và đặc biệt là cảm thức thẩm mỹ của người Nhật đương thời? Cụ thể hơn, “aware”, vốn gần gũi với “irogonomi” ở khía cạnh diễn tả sự rung động tự nhiên của con người trước cái đẹp, trong bối cảnh văn hóa chịu ảnh hưởng sâu đậm của quan niệm “vô thường” trong triết lý Phật giáo, đã dần dần thay đổi ý nghĩa biểu đạt theo khuynh hướng gắn niềm đam mê cái đẹp với nỗi buồn do ý thức về sự mong manh của sinh mệnh cái đẹp trong đời sống, thiên nhiên. Điều này trở nên rõ ràng hơn khi ta xem xét sự thay đổi trong ý thức thẩm mỹ Nhật Bản qua sự xuất hiện của khái niệm mỹ học “yugen” thời trung đại.
“Yugen” được viết bằng Hán tự là chữ 幽玄 (đọc theo âm Hán Việt là “u huyền”). Nếu giải thích từ này theo kiểu chiết tự thì yu có nghĩa là u uẩn, mờ ảo còn gen có nghĩa là màu đen, bóng tối, nên trong ngôn ngữ đời thường yugen có thể được hiểu là thế giới huyền bí, sâu thẳm vượt qua những chiều kích có thể nắm bắt và quan sát của thực tại đời sống con người.
Từ “yugen” đã xuất hiện trong văn học Nhật Bản thời Heian với lời tựa Hán văn của tập thơ Kokinshu 古今和歌集」 do Ki no Yoshimochi viết. Trong lời tựa này, tác giả dùng từ “yugen” để nói đến vẻ đẹp hay sự sâu sắc về ý nghĩa của những bài thơ tanka cổ. Đến thời trung đại, nhiều bậc thức giả đồng thời là những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Fujiwara Shunzei, Fujiwara Teika, Kamo no Chomei, Yoshida Kenko đã đưa ra những cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của từ “yugen”. Nhưng nói chung, với tư tưởng và lý luận về thẩm mỹ của những bậc thức giả nêu trên, “yugen” được xem như một giá trị thẩm mỹ quan trọng trong nghệ thuật thơ ca thời trung đại.
Vì các nhà thơ, nhà bình luận nghệ thuật giải thích từ “yugen” theo những cách khác nhau nên rất khó có thể đưa ra được một định nghĩa thống nhất và sáng rõ cho từ này như một khái niệm mỹ học. Tuy nhiên, từ những tác phẩm thơ ca được đánh giá cao vì thể hiện cảm thức “yugen” theo quan niệm nói trên, có thể nhận thấy rằng “yugen” là vẻ đẹp trong ý thức thẩm mỹ vươn đến những cảm xúc mơ hồ và sâu lắng, vượt qua sự trình hiện rõ ràng, cụ thể những hình ảnh, đối tượng thẩm mỹ trong cuộc sống đời thường. Một tác phẩm nghệ thuật có vẻ đẹp “yugen” đòi hỏi người thưởng thức phải thâm nhập vào thế giới cảm xúc tinh tế, sâu sắc mà tác giả đã trải nghiệm và biểu đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật nhiều khoảng trống. Cũng có thể nói rằng các loại hình nghệ thuật độc đáo và nổi tiếng là khó hiểu như thơ haiku hay kịch No thời trung đại cũng là sự thể hiện cảm thức thẩm mỹ này bằng các hình thức khác nhau, vì thơ haiku được biết đến như một thể thơ cô đọng, kiệm lời, tiết giảm sự biểu đạt đến mức tối thiểu còn kịch No là một trường hợp điển hình của nghệ thuật “dĩ huyễn độ chân”, với “hiện thực” đời sống được thể hiện qua cái ảo là hồn ma đóng vai chính shite trên sân khấu.   
Ở đây, nếu đặt hai khái niệm “mono no aware” và “yugen” vào một mối liên hệ trong tiến trình vận động của của ý thức thẩm mỹ trên cái nền chung là diễn biến của lịch sử văn hóa Nhật Bản từ thời Heian đến thời trung đại, sẽ dễ nhận ra rằng ý thức thẩm mỹ Nhật Bản đang thay đổi theo hướng sâu sắc hơn nhưng cũng trừu tượng, huyền ảo hơn. Nói cách khác, nếu “mono no aware” thiên về cái đẹp hình sắc thì “yugen” gần với cái đẹp tâm linh; “mono no aware” là sự cảm thán của con người trước cái đẹp hiển lộ trong thế giới vô thường còn “yugen” là vẻ đẹp không hình tướng, khó diễn tả, khó nắm bắt mà chỉ có thể cảm nhận trực tiếp bằng cái tâm linh diệu đã thấu suốt tánh không của cõi đời. Cả hai phạm trù thẩm mỹ đều có sự gần gũi với triết học Phật giáo, nhưng dường như “mono no aware” thể hiện rõ hơn tính thị giác của ý thức thẩm mỹ nguyên sơ thời cổ đại còn “yugen” lại cho thấy sự thâm nhập sâu sắc của tư tưởng Phật giáo vào đời sống văn hóa Nhật Bản, làm nảy sinh cảm thức thẩm mỹ ở độ “tinh lọc” cao hơn nhưng cũng mơ hồ, bí ẩn hơn. Cũng chính vì những nét đặc trưng này mà “yugen” có mối liên hệ gần gũi với các cảm thức thẩm mỹ “yojo” 余情 (dư tình, dư vị), “wabi” わび (đơn bạc), “sabi” さび (tịch tĩnh) v.v..., như cách thuyết giải của Fujiwara Shunzei về “yugen” và như đã được nói đến trong các công trình nghiên cứu văn học – mỹ học Nhật Bản thời trung đại.
4. Sự dung hợp tính dân tộc và tính nhân loại trong tiến trình vận động của ý thức thẩm mỹ Nhật Bản từ “irogonomi” đến “yugen”
Qua nội dung chi tiết trong các phần trên, có thể nhận thấy ý thức thẩm mỹ Nhật Bản đã trải qua một quá trình biến chuyển tinh tế cùng với sự vận động của lịch sử văn hóa Nhật Bản từ thời cổ đại đến thời trung đại. Sự biến chuyển này thể hiện rõ nét trong ý nghĩa và mối liên hệ giữa các khái niệm “irogonomi”, “mono no aware” và “yugen”.
Từ “irogonomi” đến “mono no aware”, ý thức thẩm mỹ vận động theo hướng dung hợp quan niệm cổ xưa của người Nhật về sự khát khao và chiếm hữu vẻ đẹp lý tưởng với triết lý Phật giáo về bản chất vô thường của đời sống, làm nảy sinh cảm thức tinh tế về số phận ngắn ngủi của cái đẹp, sự mong manh của tình yêu hay sự bất toàn trong mối quan hệ và thế giới tình cảm của con người.
Bước sang thời trung đại, quang cảnh điêu tàn vì nội chiến càng thể hiện rõ ràng hơn lẽ “sắc không” của cõi thế và tạo điều kiện cho tư tưởng Phật giáo lan tỏa rộng hơn, thâm nhập sâu hơn vào đời sống văn hóa Nhật Bản, và cảm thức thẩm mỹ Nhật Bản cũng đi vào chiều sâu huyền bí của tâm linh. Mối liên hệ giữa “mono no aware” đến “yugen” là minh chứng cụ thể cho sự vận động này.
Nếu hình dung các khái niệm “irogonomi”, “mono no aware” và “yugen” lần lượt hiện ra nối tiếp nhau trên một trục thời gian từ thời cổ đại đến thời trung đại trong lịch sử văn hóa Nhật Bản, mối liên hệ ý nghĩa giữa các khái niệm này, như đã phân tích ở các phần trên, cho thấy ý thức thẩm mỹ Nhật Bản đã vận động từ quan niệm cổ sơ của dân tộc – về sự lý tưởng gắn với việc rung động trước cái đẹp và sở hữu cái đẹp – đến cảm thức về vẻ đẹp thẳm sâu, huyền ảo nảy sinh từ cái tâm trống rỗng và tĩnh lặng do thấu suốt lẽ vô thường. Tiến trình vận động này diễn ra theo hướng dung hợp giữa tính đặc thù của văn hóa Nhật Bản ở giai đoạn còn thuần phác, đơn sơ với cảm thức chung của nhân loại về sự mong manh, bất toàn của đời sống và cái đẹp để vươn đến trạng thái trực cảm về cái đẹp trừu tượng và tinh tế vượt quá khả năng diễn đạt của ngôn ngữ thông thường.
Dĩ nhiên là những khái niệm nói trên tuy lần lượt giữ vị trí trung tâm trong ý thức thẩm mỹ Nhật Bản ở từng giai đoạn nhưng không hề loại trừ lẫn nhau. Tuy nội hàm ý nghĩa hay hình thức ngôn ngữ có thay đổi theo thời gian nhưng cảm thức thẩm mỹ thể hiện qua các khái niệm này vẫn tiếp tục tồn tại, vận động và biểu lộ dưới nhiều hình thức trong đời sống văn hóa Nhật Bản cho đến tận ngày nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa về quan niệm văn học và phương thức sáng tác, các nhà nghiên cứu có hiểu biết sâu rộng về ý thức thẩm mỹ Nhật Bản truyền thống và sự tinh tế trong cảm nhận văn chương vẫn có thể nhận ra những biểu hiện của “irogonomi”, “mono no aware” hay “yugen” trong nhiều tác phẩm của văn học Nhật Bản đương đại.
Tài liệu tham khảo
1.      鈴木日出男, (Suzuki Hideo) (2003),「源氏物語の虚構論」(Bàn về hư cấu trong Genji monogatari), 東京大学出版会.
2.      岡野弘彦 (Okano Hirohiko) (2009),「日本の心と源氏物語」(Tâm hồn Nhật Bản và Genji monogatari), 思文閣出版.
3.      長谷川政春 (Hasegawa Masaharu), 『源氏物語<いろごのみ>の思想』(Tư tưởng “irogonomi” trong Genji monogatari),  in trong 「源氏物語と文学思想―研究と資料・古代文学論叢第十七輯」(Genji monogatari và tư tưởng văn học – tập tư liệu và các bài nghiên cứu, tập 17), 武蔵野書院, 2008.
4.      本居宣長 (Motoori Norinaga), 「源氏物語玉の小櫛」巻二 (Genji monogatari – Chiếc lược cài nạm ngọc, chương 2), in trong批評集成・源氏物語」 2 (Tuyển tập phê bình Genji monogatari, tập 2), ゆまに書房, 1999.
南波浩 Namba Hiroshi (1971),「物語文学」(Văn học monogatari), 三一書房.


[1] Chúng tôi mượn từ “tái sinh” (再生) của nhà nghiên cứu Hasegawa Masaharu khi nói đến Orikuchi Shinobu trong bài viết 『源氏物語<いろごのみ>の思想』(Tư tưởng “irogonomi” trong Genji monogatari),  in trong 「源氏物語と文学思想―研究と資料・古代文学論叢第十七輯」(Genji monogatari và tư tưởng văn học – tập tư liệu và các bài nghiên cứu, tập 17), 武蔵野書院, 2008.
[2] Xem鈴木日出男, (Suzuki Hideo) (2003),「源氏物語の虚構論」(Bàn về hư cấu trong Genji monogatari), 東京大学出版会; 岡野弘彦 (Okano Hirohiko) (2009),「日本の心と源氏物語」(Tâm hồn Nhật Bản và Genji monogatari), 思文閣出版長谷川政春 (Hasegawa Masaharu), 『源氏物語<いろごのみ>の思想』(Tư tưởng “irogonomi” trong Genji monogatari),  in trong 「源氏物語と文学思想―研究と資料・古代文学論叢第十七輯」(Genji monogatari và tư tưởng văn học – tập tư liệu và các bài nghiên cứu, tập 17), 武蔵野書院, 2008.
[3] Xem長谷川政春 (Hasegawa Masaharu), 『源氏物語<いろごのみ>の思想』(Tư tưởng “irogonomi” trong Genji monogatari),  in trong 「源氏物語と文学思想―研究と資料・古代文学論叢第十七輯」(Genji monogatari và tư tưởng văn học – tập tư liệu và các bài nghiên cứu, tập 17), 武蔵野書院, 2008, tr. 9.
[4] Dẫn theo Hasegawa Masaharu, tlđd, tr. 10.
[5] Dẫn theo Hasegawa Masaharu, tlđd, tr. 10 – 11.
[6] Xem Hasegawa Masaharu, tlđd, tr. 16.
[7] 本居宣長 (Motoori Norinaga), 「源氏物語玉の小櫛」巻二 (Genji monogatari – Chiếc lược cài nạm ngọc, chương 2), in trong批評集成・源氏物語」 2 (Tuyển tập phê bình Genji monogatari, tập 2), ゆまに書房, 1999, tr. 63.
[8] Xem本居宣長 (Motoori Norinaga), tlđd, tr. 63 – 64.
[9]本居宣長 (Motoori Norinaga), tlđd, tr. 64.
[10] Từ dùng trong thơ haiku để khơi gợi hình ảnh, cảm xúc về thiên nhiên theo mùa.
[11] 鈴木日出男, (Suzuki Hideo) (2003),「源氏物語の虚構論」(Bàn về hư cấu trong Genji monogatari), 東京大学出版会, tr. 17.