Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

“ĐÁY ĐĨA MÙA ĐI NHỊP HẢI HÀ...”



Thế là tôi đã trải qua trọn một mùa hè ở Nhật. Sau hơn hai tháng khó chịu vì người lúc nào cũng nhớp nháp mồ hôi, một buổi sáng thức dậy bỗng thấy trời se lạnh, và nhận ra một cái gì vừa đến, rất êm đềm.
Trong suốt cả mùa hạ, lúc nào tôi cũng mong cho chóng đến mùa thu, để tiết trời dịu xuống, đầu óc dễ chịu hơn khi làm việc. Vậy mà khi thu đến, tôi vẫn không khỏi có cảm giác bất ngở.
Hơn cả sự dễ chịu. Trời thu se lạnh và nhiều mây như rải khắp không gian một nỗi niềm gì đó. Bàng bạc. Mông lung. Như là tâm hồn con người chợt tan ra, hòa trong hơi thở của đất trời. Nên người ta chợt thấy rộn ràng vui với một bông hoa vừa mới nở, chợt nghe lòng se sắt với ngọn gió đầu mùa bất chợt lướt qua…
Trưa nay, vẫn con đường quen thuộc đi sang thư viện, nhưng mọi thứ dường như trở nên đáng yêu hơn, dịu dàng hơn. Tôi cảm thấy hình như cả chính mình cũng có chút gì mềm mại đi thì phải. Và tôi chợt nhận ra nhiều loại hoa thu đã nở suốt dọc đường. Những loài hoa có thân cành mảnh dẻ, nở ra từng cụm hoa li ti. Có hoa màu tím đậm. Có hoa màu hồng phấn hay màu tím hoa cà. Mà sao hoa thu cũng hợp với trời thu đến lạ. Toàn những sắc màu nhẹ nhàng mà khắc khoải, mà vời vợi buồn, vời vợi nhớ nhung… Rồi tôi bỗng nhớ một người bạn đã nói rằng, mùa thu ở nơi này còn đáng yêu vì những buổi sáng trời thu có hương thơm phảng phất. Lúc nghe câu nói đó, tôi nghĩ chắc là bạn ấy có một cảm giác mơ hồ thế nào thôi, nhưng giờ đây tôi chợt hiểu rằng có lẽ hương thơm của mùa thu thoảng đến từ những bông hoa mảnh dẻ mà tôi đã gặp.
Đi trong cơn gió se lòng buổi chớm thu, tôi mới hiểu vì sao người dân ở xứ sở này yêu thiên nhiên đến vậy. Họ hay dùng từ “ân huệ” để nói về những gì đến từ thiên nhiên, dẫu là những thứ do mình gia công chăm sóc cho đến ngày thu hoạch. Tôi cũng đã từng ngạc nhiên khi thấy những loại hoa ở Việt Nam mọc tràn lan trong cỏ dại, nở ràn rụa trên những cánh đồng hoang, trên những triền núi vắng và mãi mãi là hoa dại vô danh trong tâm thức cộng đồng thì ở đây, người Nhật trồng thành từng chậu xinh xắn bán ở cửa hàng hoa, hoặc đem trưng bày một cách trân trọng trong tủ kính. Dĩ nhiên mỗi loài hoa có một vẻ đẹp riêng khó mà so sánh, và giá bán các loài hoa trong tiệm cũng khác nhau, nhưng trong nhận thức của mọi người thì hoa nào cũng là “ân huệ” của thiên nhiên, cũng là cái đẹp đáng trân trọng. Thiên nhiên mà người Nhật đưa vào thơ ca cũng là một thứ thiên nhiên bình đẳng. Đủ mọi dáng hoa, đủ mọi sắc màu. Không phân biệt danh hoa và cỏ dại. Không hoa nào cao quý hơn, hoa nào thấp hèn hơn. Họa chăng chỉ có cách đối xử với thiên nhiên, với cái đẹp mới là sự thể hiện con người thấp hèn hay cao quý! Nhận ra điều này, tôi chợt thấy mình cũng muốn học cách trân trọng thiên nhiên như người Nhật. Để thấy mình bé nhỏ đi nhưng lại thấm nhuần một điều gì đó trong một thế giới mênh mông. Để thấy mình nhẹ nhàng như một bông hoa thu vừa gửi chút hương thầm vào cơn gió thoảng…
Nhưng không cần phải đợi hết một mùa mới thấy được sự gắn bó với thiên nhiên của người Nhật Bản. Thiên nhiên hiện diện trong tâm thức người Nhật như con người thở trong không khí, như lá cây nảy nở trên cành. Có thể nhận ra dấu ấn của thiên nhiên từ những lời chào hỏi, những cánh thiệp chúc mừng đến các hình thức sinh hoạt trong nhiều lĩnh vực như tôn giáo, lễ hội, ẩm thực, văn chương v.v... Một chiếc lá dùng làm vật trang trí cho đĩa bánh ngọt khi uống trà cũng phải là hình ảnh phù hợp theo mùa. Rồi mỗi lúc giao mùa thì các hình ảnh, thông tin quảng cáo ở khắp nơi đều đồng loạt thay đổi. Hàng hóa cũng được sản xuất và bày bán theo mùa, từ thực phẩm, trang phục cho đến những cánh thiệp hay những món đồ trang trí nhỏ. Những biểu hiện như thế tuy chỉ là nhỏ nhặt nhưng tạo nên nhịp điệu và diện mạo riêng của cuộc sống trên đất nước này. Sống trong một không gian như vậy, người ta luôn nhận biết mình đang ở thời điểm nào trong năm. Con người cảm nhận được dòng chảy của thời gian luôn nhớ mình đã trải qua những mùa nào và chuẩn bị đón mùa nào sắp đến. Vì thế mà mọi người tỉnh táo hơn nhưng cũng nhạy cảm hơn, có thể vui vì một nhánh cây vừa nảy lộc, một búp hoa vừa hé nở hay man mác buồn trước một triền núi trơ trọi những cành khô, một cánh rừng thu xao xác lá vàng.
Và thú vị nhất là những thú vui của người Nhật gắn liền với nhịp bước của thiên nhiên. Tôi không bao giờ quên được cảm giác khi len lỏi trong dòng người đông đúc vào dịp hoa tú cầu nở rộ ở Kamakura, trong khu vườn rộng của một ngôi chùa nổi tiếng là địa điểm thưởng thức loại hoa này. Và cũng không bao giờ quên được chuyến đi đến khu danh thắng ở Nikko mùa lá đỏ, khi chỉ cần di chuyển... vài kilômet mà phải ngồi trong xe suốt mấy tiếng đồng hồ, có cảm giác như tất cả mọi người đều đổ vào một tuyến đường duy nhất để nhìn cho được cảnh lá đỏ huy hoàng trên những sườn núi đủ lọt vào tầm mắt du khách ở một cự ly vừa phải, trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi cả vùng cây lá chuyển sang màu xám bạc lúc vãn thu. Đặc biệt là vào dịp Tết, nếu đến viếng những ngôi chùa sẽ thấy dòng người xếp hàng dài ngút mắt chỉ để tiến đến đỉnh trầm nghi ngút khói hương, thực hiện những nghi thức đơn giản có ý nghĩa thanh tẩy và cầu phúc. Tôi vốn rất ngại phải chen chúc ở những chỗ đông người, nhưng phải công nhận rằng có “chen” vào những nơi như vậy mới hiểu sự gắn bó mật thiết giữa văn hóa Nhật Bản với thiên nhiên. Dường như khi chìm trong dòng người đông đúc ấy, mỗi cá nhân càng cảm nhận sâu sắc hơn nhịp sống của con người hòa trong nhịp điệu chung của tự nhiên, của thế giới mênh mông, bất tận mà cũng luôn thanh tân, tinh tế. 
Tôi vẫn tiếc vì chưa có dịp được ngắm hoa anh đào mùa xuân ở Nhật, nhưng trải nghiệm về nhịp điệu mùa của thiên nhiên và đời sống nơi này đã giúp tôi hình dung được phần nào vẻ đẹp đặc trưng của lễ hội hoa đào trong không khí mùa xuân ấm áp và trong trẻo. Tôi cũng tiếc vì một lần “lỗi hẹn” với những cánh đồng cỏ lau là điểm đến du lịch nổi tiếng ở Hakone và Izu, dù rất muốn đắm mình trong không gian mùa thu với biển hoa trắng bạc trải dài trước mắt, để hiểu thêm một chút về vẻ đẹp mong manh, hoang dại, suy tàn mà nhiều thi nhân đã nói đến trong thơ. Khi viết những dòng này, tôi chợt nhớ đến câu nói của thầy tôi, trong một lần hai thầy trò đàm luận về văn học và đời sống. Nghe tôi thích thú nói về những trải nghiệm của mình ở Nhật, thầy đã bảo: “Em cần phải sống ở đây ít nhất hai năm để cảm nhận sâu sắc sự thay đổi của thiên nhiên qua các mùa, có thế mới hiểu được đầy đủ và chính xác về văn học và ý thức thẩm mỹ của người Nhật Bản”. Câu nói của thầy như một lời hẹn còn dang dở trong “duyên nợ” của tôi và xứ sở hoa đào. Tôi yêu sự dang dở đó vì nó sẽ gìn giữ trong tôi hơi ấm của những hoài niệm đẹp về những ngày tháng đã qua và lòng nhiệt tình cho một ngày trở lại!
Tokyo - Đầu thu 2012