Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

THĂM HOKKAIDO - “ĐÁNH ĐƯỜNG TÌM HOA” TRÊN MIỀN ĐẤT LẠNH



Thời sinh viên tôi vẫn chưa biết gì về Hokkaido, trừ một vài thông tin vụn vặt do đại diện của trường Đại học Sapporo cung cấp trong một cuộc nói chuyện ngắn ngủi ở hội thảo du học Nhật Bản, khi trình độ tiếng Nhật của tôi mới đủ để hỏi người bản ngữ dăm câu về thời tiết, thiên nhiên.
Mấy năm sau đó, do nhiều lần lang thang trên mạng để tìm kiếm một số thông tin có liên quan, kiến thức của tôi về vùng đất này có mở rộng ra đôi chút, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phổ thông. Tôi biết rằng Hokkaido là đảo lớn thứ hai và nằm ở cực bắc Nhật Bản, cũng là nơi lạnh nhất nước này. Rằng Hokkaido không có mùa hè nóng ẩm nhưng lại có mùa đông rất dài và lạnh giá. Rằng thủ phủ của Hokkaido là thành phố trẻ Sapporo, được quy hoạch theo kiểu đô thị hiện đại ở Mỹ trong thời kỳ chính quyền Minh Trị quan tâm đến vùng biên cương phía Bắc, chủ trương phát triển miền đất rộng lớn nhưng còn rất hoang sơ vì mật độ dân cư còn quá thấp và chưa có cơ sở hạ tầng v.v... Tôi hài lòng với những “hiểu biết mới” của mình nhưng vẫn chưa có cảm giác rằng Hokkaido là một nơi quyến rũ để một ngày kia tôi tìm đến.
Rồi một lần nào đó, tôi tình cờ tìm được, cũng trên internet, mấy tấm ảnh chụp những cánh đồng hoa bát ngát ở Hokkaido. Hoa nhiều loại, nhiều màu được trồng thành từng luống trải dài ra tít tắp, trông cứ như một tấm thảm vĩ đại đang mở rộng giữa thiên nhiên. Hình ảnh ấy bắt đầu khiến cho cái tên Hokkaido vang lên trong tôi với ít nhiều cuốn hút.
Khi đến Nhật lần đầu tiên và tham gia chương trình homestay ba tuần ở Kanazawa, tôi thường cùng bố mẹ nuôi vừa ngồi uống trà vừa xem tivi ở phòng khách sau giờ ăn tối. Tôi không lựa chọn gì mà chỉ xem chương trình được bật sẵn, nhưng không hiểu sao lại may mắn thường gặp những chương trình giới thiệu cảnh thiên nhiên, đặc biệt là thiên nhiên hoang dã ở đảo Hokkaido và vùng biển lạnh tiếp giáp giữa Nga và Nhật Bản. Tôi nhớ mình đã nhìn thấy những hồ nước rất trong, mặt hồ trải rộng trên một vùng thiên nhiên rộng lớn hầu như không có bóng dáng của cuộc sống con người, và đã bất giác thốt lên những tiếng trầm trồ trước khung cảnh đẹp như tranh vẽ ấy. Bố mẹ ngồi bên cạnh lập tức xác nhận những điều tôi vừa nói và còn góp lời miêu tả cảnh thiên nhiên trù phú ở hòn đảo rộng lớn nơi miền bắc xa xôi, đủ khiến cho con người duy mỹ và ưa xê dịch trong tôi bắt đầu cựa quậy!
Ngay trước khi tôi lên đường đến Nhật lần thứ hai thì cơ quan tôi công tác nhận được thư mời tham gia hội thảo về giảng dạy tiếng Nhật tổ chức ở trường Đại học Hokkaido. Thấy thời điểm tổ chức hội thảo nằm trong khoảng thời gian tôi “tạm trú” ở Tokyo, lãnh đạo đơn vị và một số đồng nghiệp khuyến khích tôi sắp xếp thời gian tham dự, vì hội thảo không tài trợ chi phí đi lại nên hầu như chẳng có “chuyên gia” nào sẽ được cử từ Việt Nam sang. Tôi không nhận lời mà cũng không phản đối, dự định sẽ xem xét lại vấn đề sau khi ổn định chỗ ở và hoàn thành mọi thủ tục với cơ quan tài trợ và giáo sư hướng dẫn, tất nhiên là vẫn hy vọng có thể thu xếp ổn thỏa để làm một cuộc “viễn chinh” lên miền bắc lúc đang hè.
Nhưng một số vấn đề ngoài dự kiến trong quá trình làm thủ tục và khi bắt tay vào chương trình nghiên cứu theo yêu cầu của thầy hướng dẫn đã lấy mất của tôi khá nhiều thời gian và buộc tôi phải từ bỏ tham vọng ấy. Đến lúc tôi có lịch làm việc ổn định và có thể tìm được những khoảng thời gian trống để thực hiện những chuyến đi theo sở thích riêng thì tháng bảy đã trôi qua gần một nửa. Trong một buổi chiều lang thang trên mạng sau mấy ngày tập trung cho dịch thuật, tôi tình cờ phát hiện chương trình giảm giá của hãng hàng không ANA và ngay lập tức biết rằng đây là một dịp tốt để đặt vé máy bay đi Hokkaido. Thời điểm sớm nhất mà tôi có thể đặt vé theo chương trình này là cuối tháng chín, vẫn còn trong thời gian nghỉ hè của trường đại học nên tôi tạm yên tâm là không gặp trở ngại gì trong việc “làm thủ tục” với giáo sư hướng dẫn. Nhưng đặt vé xong rồi thì tôi còn phải tìm hiểu rất nhiều thông tin khác để biết rằng mình sẽ đi những đâu, tham quan những gì trong mấy ngày lang thang trên miền đất xa lạ ấy.
Lục lọi thêm một lúc trên nhiều website có liên quan đến Hokkaido thì tôi biết rằng tháng bảy mới là mùa du lịch lý tưởng đến vùng đất lạnh vì là lúc tiết trời ấm áp và hoa nở khắp nơi, đặt biệt là hoa oải hương (lavender) được trồng rất nhiều trong thung lũng Furano ở khu vực trung tâm của đảo. Lần đầu tiên biết đến địa danh Furano mà tôi đã thấy cái tên này thật dịu dàng, thật đẹp. Đó không phải chỉ là sự tốt đẹp trong ý nghĩa địa danh được viết bằng Hán tự[1] mà là thứ hiệu ứng cảm xúc nảy sinh một cách rất tự nhiên từ hình ảnh những cánh đồng oải hương tươi thắm bạt ngàn. Đã từ lâu tôi yêu loại hoa này qua những trang văn tả miền Provence ở Pháp và luôn mơ ước một lần được đứng trước cánh đồng hoa trải rộng để thỏa mắt ngắm nhìn. Những hình ảnh về Furano hiện lên trên màn hình máy tính trong buổi chiều hôm ấy càng thôi thúc tôi tìm đến với thung lũng nên thơ được mệnh danh là xứ sở oải hương của đảo quốc này. Cho nên, tuy biết rằng chuyến đi của mình hơi lệch mùa nhưng tôi vẫn tra cứu mọi thông tin chi tiết và quyết định đi thêm hơn 130 kilômet từ Sapporo để được tận mắt nhìn thung lũng Furano tươi đẹp, vẫn âm thầm hy vọng sẽ bắt gặp đâu đó trên đồng ruộng bao la những bông hoa oải hương nở muộn vào tháng chín. Tôi cũng muốn đi một số nơi khác để thưởng thức vẻ trù phú và trong trẻo của thiên nhiên Hokkaido nhưng đành phải tự hạn chế mình vì chi phí giao thông trên vùng đất rộng lớn này quá cao so với nguồn kinh phí mà tôi dự trù sẽ tiết kiệm để đi được nhiều vùng trên cả nước, chưa kể thời gian di chuyển từ nơi này sang nơi khác ở Hokkaido cũng rất dài do tàu điện thường ít chuyến ở những miền thưa thớt dân cư.
Khi chuyến đi đã được lên kế hoạch tương đối rõ ràng, tôi đã thanh toán xong vé máy bay và đặt xong khách sạn ở các nơi cần nghỉ qua đêm thì lại phải điều chỉnh lịch trình vì một chuyện rất tình cờ và thậm chí còn có vẻ hơi... ngớ ngẩn!
Tôi vốn ít dành thời gian cho việc xem tivi và cũng không cảm thấy hứng thú bao nhiêu với phương tiện giải trí này. Các kênh truyền hình ở Nhật phong phú hơn và cũng giàu tính văn hóa – nghệ thuật hơn nhiều so với chương trình truyền hình ở Việt Nam nhưng tôi cũng chỉ xem theo kiểu nhân tiện, trong những khoảng thời gian ngắn ngủi ngồi ăn cơm hay trò chuyện cùng bạn bè trong phòng khách. Trong một buổi trưa hè, tôi vừa ăn trưa một mình vừa xem tivi theo kiểu ngẫu hứng, liên tục chuyển từ kênh này sang kênh khác vì chưa thật sự muốn xem nội dung nào cụ thể, thì bỗng gặp một cảnh phim đẹp đến sững người! Trên màn ảnh là một đoàn tàu hỏa màu đen chạy bằng động cơ hơi nước kiểu cổ đang lướt qua một bình nguyên rộng lớn. Cận cảnh bình nguyên là cỏ dại úa vàng và cây khô lởm chởm – một hình ảnh đặc trưng của miền ôn đới lúc cuối thu, còn thấp thoáng phía sau đoàn tàu là những rặng núi kéo dài đằng xa với đỉnh tuyết trắng xóa. Rồi khung hình nhanh chóng chuyển qua cảnh bình nguyên trắng một màu tuyết lạnh. Một đàn hạc đang đứng trên nền tuyết, vươn cao cổ, xòe rộng cánh như đang chuẩn bị cho một vũ hội rộn ràng giữa thiên nhiên. “Hokkaido!” Tôi chợt nhớ đã từng đọc ở đâu đó về loài hạc tancho thường tập trung về hòn đảo phía bắc Nhật Bản để phô diễn những điệu múa tình yêu tuyệt vời giữa mùa đông lạnh giá. Chỉ khung cảnh ấy thôi đã đủ sức níu tôi ngồi lại với bộ phim chưa kịp biết tựa đề. Và cũng nhờ vậy mà tôi được xem những hình ảnh tuyệt đẹp về bình nguyên ẩm Kushiro thuộc mạn đông bắc của đảo Hokkaido, về loài hạc tancho hiện đang là động vật quý hiếm được bảo tồn trên đảo.
Về sau, khi tìm hiểu thông tin trên internet, tôi mới biết nội dung phim mà mình xem hôm ấy là một trong những tập phim dựa theo những tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Nishimura Kyotaro. Như hầu hết mọi người đều biết, dù là phim hay tiểu thuyết thì thể loại trinh thám vẫn thường được các nhà phê bình “khó tính” xếp vào vị trí “cận nghệ thuật”, vì loại này chỉ cuốn hút người đọc, người xem nhờ tính hấp dẫn của câu chuyện có nhiều biến cố chứ không mang giá trị thẩm mỹ cao. Nhưng vào cái buổi trưa tình cờ hôm ấy, bất chấp mọi quan niệm về thể loại và mọi định kiến trong giới phê bình, cảnh bình nguyên trải rộng với con tàu đơn độc lướt ngang, cảnh đôi hạc vươn cổ xòe cánh xoắn vờn nhau trong vũ điệu tình yêu trên nền tuyết trắng xóa vẫn khiến tôi lặng đi vì xúc động. Xúc động vì bản thân cái đẹp của thiên nhiên thuần khiết mà không cần sự can thiệp của một luận thuyết hay tư tưởng cao siêu nào về thẩm mỹ, nhân sinh.
Điều đáng nói là kế hoạch của tôi cho chuyến đi sắp tới cứ thấp thoáng trong tâm tưởng mỗi khi trên màn ảnh hiện lên những khung cảnh đặc trưng của vùng đất lạnh Hokkaido. Và đến lúc xem xong tập phim thì tôi quyết định rằng mình sẽ thay đổi kế hoạch của chuyến đi để tìm đến miền đất có tên là Kushiro ấy, để được nhìn cảnh bình nguyên trải rộng hoang sơ và điệu múa quyến rũ đam mê của loài hạc cao lớn mà vẫn thanh tao như những nét vẽ trong tranh thủy mặc. Vậy là tôi lại phải làm thêm một số thao tác tra cứu nữa để có thể xen vào kế hoạch đã đề ra một chuyến đi tốn khá nhiều thời gian từ Furano đến Kushiro mà vẫn không thay đổi lịch trình chung ở thời điểm mở đầu và kết thúc, vì tôi còn hai cuộc hẹn quan trọng ở Tokyo ngay sau khi trở về và cũng có tham vọng di chuyển bằng đường sắt từ Hokkaido sang Aomori để dạo chơi ở vùng Tohoku trong ngày cuối cùng của chuyến đi.
Sau này nghĩ lại, tôi mới thấy rằng sự đam mê đúng là dễ khiến cho người ta trở nên bồng bột và phần nào vội vã khi quyết định một điều gì. Khi quyết tâm đến Kushiro và tìm mọi cách để thêm vào kế hoạch một chuyến đi đã khiến tôi phải tốn thêm một khoản chi phí đáng kể dù chỉ chọn phương tiện di chuyển rất thông thường của ngành đường sắt, tôi chỉ bị cuốn hút bởi những hình ảnh tuyệt đẹp của bình nguyên ẩm Kushiro và loài hạc tancho mà quên mất là mình chưa hiểu biết đầy đủ về điều kiện tự nhiên của đảo Hokkaido, cụ thể là tôi không hề biết rằng hạc tancho hoang dã chỉ bay về miền Kushiro vào mùa lạnh, khi sắp có tuyết rơi, mà chuyến đi của tôi thì lại được thực hiện vào lúc cuối hè!
Vì khi quyết định đi Kushiro thì tôi chỉ tìm hiểu được những thông tin cơ bản về giao thông và những điểm đến ở miền này, nên mãi đến lúc sắp sửa bước vào cuộc hành trình thì tôi mới tra cứu chi tiết các điểm đến và phát hiện ra sự thiếu sót trên. Dĩ nhiên là có một chút cảm giác hụt hẫng vì thất vọng, nhưng niềm hy vọng mơ hồ về những điều tốt đẹp trong chuyến đi vẫn không mất hẳn. Và đúng theo lịch trình, tôi vẫn hăm hở lên đường với niềm vui khám phá, với tâm trạng háo hức của một kẻ sẵn sàng chấp nhận sự mệt mỏi về thể xác và sự tốn kém vật chất cho những cuộc “đánh đường tìm hoa” trên những miền đất lạ, vẫn tự nhủ rằng ý nghĩa của hành trình nằm ở đường đi hơn là điểm đến... Cũng phải nói thêm rằng nhờ trải nghiệm thực tế trong chuyến đi lần ấy mà tôi càng hiểu rõ hơn sức ám ảnh của ấn tượng ban đầu về một hình ảnh đẹp, vì cho đến tận bây giờ bình nguyên màu cỏ khô trải rộng mà tôi tình cờ nhìn thấy trên phim vẫn thấp thoáng trong tôi như một nỗi u hoài bàng bạc và lặng lẽ, vẫn in vào trí nhớ của tôi như một tấm thảm kỳ diệu được dệt nên từ vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên và nỗi sầu nhân thế của lữ khách đa tình.
Và tôi đã thật sự đặt chân đến bình nguyên ẩm Kushiro, sau mấy tiếng đồng hồ ngồi trên tàu điện từ ga Furano chạy xuyên qua vùng trung tâm của đảo Hokkaido bát ngát. Dù không được xem điệu múa tuyệt vời của loài hạc tancho, dù chỉ được “tham quan” ga Kushiro Shitsugen trong ánh chiều nhập nhoạng đang thẫm dần thành đêm tối giữa bình nguyên ẩm trải rộng xung quanh như mặt biển không bờ, tôi vẫn mãn nguyện với ký ức đang đầy ắp vô vàn hình ảnh của hòn đảo phong nhiêu và rộng lớn.
Điểm dừng chân đầu tiên của tôi trên đảo Hokkaido là công viên Odori nằm dọc theo tuyến đường trung tâm của thành phố Sapporo. Công viên không có gì bề bộn nhưng thanh bình, sạch sẽ. Tôi vừa nghỉ ngơi thoải mái vừa tham quan, chụp ảnh trên đường vác ba lô hành lý đi từ ga Sapporo về khách sạn. Cũng trong công viên này, lần đầu tiên tôi được ngắm vòm lá phong bắt đầu ửng đỏ để mơ màng tưởng tượng về một mùa thu ôn đới mà mình sắp trải qua. Tối hôm ấy, tôi còn ghé lại Odori lần nữa và đi bộ suốt chiều dài công viên để hình dung cảnh tượng hoành tráng khi lễ hội tuyết diễn ra ở nơi này, khi người ra trưng bày những sản phẩm điêu khắc tráng lệ được làm từ những khối băng trắng xóa hay trong suốt, và công viên sẽ lung linh ngời sáng với đền Parthenon, Khải hoàn môn, đền Taj-Mahan và bao nhiêu cung điện, lâu đài khác nữa.
Dù chỉ dành có một ngày đêm cho việc tham quan Sapporo nhưng tôi vẫn được biết khá đầy đủ về nơi sầm uất nhất ở vùng đất lạnh này. Tôi sung sướng hình dung khi chuyến đi kết thúc, tôi có thể nói với mọi người, không phải bằng những thông tin mình đọc trong sách vở mà bằng những ký ức sinh động của chính mình, rằng Sapporo là một nơi rất đáng dừng chân, rằng ở trong thành phố có bảo tàng bia, có tháp đồng hồ, có công viên Odori và những con đường thẳng tắp v.v...
Buổi chiều hôm ấy, vì muốn nán lại trên đỉnh núi Moiwa để nhìn toàn cảnh Sapporo lúc lên đèn nên khi tôi xuống núi và trở về trung tâm thành phố thì phải vội vàng đi tìm nơi ăn tối. Xong bữa ăn, dù biết rằng đã muộn nhưng được biết trường Đại học Hokkaido chỉ cách ga trung tâm hơn mười phút đi bộ, tôi vẫn muốn tạt ngang để nhìn thấy ngôi trường một chút.
Cổng trường rộng mở như mọi cơ sở giáo dục, nghiên cứu ở xứ sở văn minh này. Tôi lững thững đi vào cổng như một sinh viên mới dạo chơi ngoài phố trở về, rồi tiếp tục đi vào khuôn viên rộng lớn với những tòa nhà nằm rải rác đó đây và rất nhiều cây cối. Con đường chạy dưới những rặng cây dẫn tôi đến một cái ao rộng. Ven bờ ao là những cây liễu rủ, cành lá xanh mềm mại buông quanh gốc cây rất to và đen thẫm trong đêm tối, trông vừa nghiêm trang hùng vĩ vừa thanh khiết dịu dàng. Tôi đi thêm một đoạn men theo bờ ao vì muốn thưởng thức thêm một chút không gian dễ chịu của ngôi trường, dù khi bước vào cổng tôi đã biết rằng mình không thể dạo qua hết khuôn viên rộng lớn. Sau mấy phút dừng chân ngước nhìn thư viện và khu lưu trữ trong một tòa nhà lớn chi chít những ô cửa sáng đèn, tôi quyết định dừng cuộc tham quan và quay lại phía bờ ao để đi ra cổng. Đang suy nghĩ miên man và bước đi theo quán tính, tôi chợt nhìn thấy một bức tượng trong bóng tối lờ mờ giữa một vườn hoa nhỏ nằm ngay bên trái lối đi. Tôi tò mò đứng lại và đến gần bức tượng để nhìn xem, thì biết ngay là tượng William S. Clark vì trên bệ tượng có dòng chữ khắc câu nói nổi tiếng của ông, vốn chỉ có mấy từ ngắn gọn bằng tiếng Anh: “Boy, be ambitous!” Chữ “ambitous” được dịch ra tiếng Nhật thành “大志 - chí lớn” và được khắc bằng nét chữ vừa sắc sảo vừa bay bướm trên bệ tượng bằng đồng tối sẫm ngay trước mặt như một luồng gió lạ bất chợt thổi vào tôi một cảm giác khó gọi tên. Tôi biết Clark là một trí thức người Mỹ được mời sang Nhật Bản và đã có những đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển văn hóa – giáo dục thời chính quyền Minh Trị mới bắt đầu khai phá Hokkaido, trong đó có việc thành lập trường Đại học nông nghiệp Sapporo là tiền thân của Đại học Hokkaido bây giờ. Đứng giữa khuôn viên trường mênh mông trong một đêm chớm thu se lạnh, nhìn bức tượng bán thân của William Clark đứng nghiêm trang trong một vườn hoa nhỏ đủ để gây cảm giác vừa thân thương vừa tôn kính, rồi đọc lời huấn thị của ông được “ghi nhận” sâu sắc ở ngôi trường mà ông đã bỏ công xây dựng, tôi thấy mình như được “hưởng lây” một chút tinh thần hào sảng của giới trí thức ở nơi này. Câu nói của William S. Clark, mà tôi đọc được từ đâu đó đã lâu, cứ văng vẳng trong đầu tôi trong suốt thời gian tản bộ đêm hôm ấy.
Đúng theo kế hoạch, sáng hôm sau tôi rời khách sạn ở Sapporo để di chuyển sang miền thung lũng Furano bằng xe buýt đường dài. Dù hơi lo lắng vì triệu chứng rối loạn tiền đình khi ngủ dậy, và đến lúc ra quầy lễ tân để check-out thì lại giật mình vì bên ngoài đang mưa như trút nước, tôi vẫn quyết định tiếp tục cuộc hành trình bằng cách gọi taxi để ra ga, thay vì đi bộ nếu điều kiện sức khỏe và thời tiết tốt, dù khoảng cách khá gần.
Hành khách chỉ khoảng hơn mười người trên khoang xe dài rộng với những hàng ghế sạch và êm ái. Xe xuất phát đúng giờ và lăn bánh dưới làn mưa xối xả, chỉ một lúc đã ra khỏi nội thành Sapporo. Mệt mỏi và lo lắng vì sức khỏe không ổn định, tôi thu người trong áo ấm và tựa vào thành ghế nhìn không gian mờ ảo bên ngoài qua ô cửa kính cũng đã nhòa đi vì đẫm nước, rồi nhanh chóng chìm vào một giấc ngủ lơ mơ, dù thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng loa với âm lượng vừa phải trong xe thông báo những trạm dừng mang những cái tên lạ hoắc.
Khi tôi tỉnh dậy và cảm thấy sức khỏe đã khá hơn thì ở nơi xe buýt đang chạy qua chỉ lất phất những hạt mưa bay nhẹ. Xe vẫn miên man chạy trên con đường trải dài ngút ngát, hai bên đường là núi đồi trùng điệp và rất nhiều hoa thu màu hồng, màu tím nở dịu dàng ngay cạnh vỉa hè. Tôi nhìn lại biển báo giờ và điểm đến trên xe thì giật mình thấy đã quá giờ xuống ga Furano hơn ba mươi phút. Tôi hoang mang thật sự vì không nghĩ rằng ngành vận tải ở đất nước này có thể muộn giờ nhiều đến thế, nhưng theo dõi tên các trạm dừng lần lượt hiện lên trên biển báo thì tôi đoán là chưa đến ga Furano, vì sau Furano thì chỉ còn một hoặc hai điểm dừng là lộ trình kết thúc. Cuối cùng, xe cũng lăn bánh vào ga Furano khi một cơn mưa nặng hạt lại vừa ập đến, khiến cho những hành khách vừa xuống xe phải co ro dưới những cây dù nylon che tạm để chạy vội vào phòng khách của nhà ga. Cái tên Furano gắn với bao hình dung thi vị trong tôi giờ hiện lên nhòa nhạt dưới trời mưa lướt thướt. Nhà ga trông nhỏ bé hẳn đi trong không gian lạnh lẽo bởi cơn mưa mù mịt bên ngoài.
Khu vực dành cho hành khách đợi tàu trong nhà ga chỉ có một quầy tạp hóa bán nhiều đồ lưu niệm và một quầy bán thức ăn, chủ yếu là các món mì nóng và cơm nắm. Sau khi xem giờ tàu và mua vé đến Biei, tôi ngồi nghỉ một lúc để “nghe ngóng” tình hình sức khỏe và quyết định ăn một tô mì nóng để yên tâm trên chặng đường sắp tới, dù quầy bán chẳng có vẻ gì hấp dẫn và tôi cũng không thật sự muốn ăn. Trước khi lên tàu, tôi còn kịp mua một ly ca cao nóng từ máy bán tự động, để thấy mình “sang trọng” hẳn khi ngồi vào chiếc ghế bọc nhung êm ái với ly ca cao uống dở đặt trên cái bàn nhỏ xíu cạnh cửa sổ toa tàu.
Chuyến tàu đưa tôi đến Biei hôm ấy chỉ có hai toa mà số hành khách đi tàu cũng không ngồi kín ghế. Kiểu động cơ của tàu thì có vẻ như rất cũ nhưng những chiếc ghế rộng bọc nhung bên trong toa tàu tạo cảm giác tinh tươm theo kiểu tàu du lịch. Trước khi đến Hokkaido, tôi đã tra cứu thông tin và biết rằng trên tuyến đường này có nhiều điểm dừng chân để thưởng ngoạn những cánh đồng hoa trải rộng – những hình ảnh gây ấn tượng về Hokkaido mà tôi đã gặp trong mấy lần lang thang trên internet. Tôi cũng được biết rằng trong số những điểm dừng chân ấy thì nơi xa nhất tính từ ga Furano nhưng cũng nổi tiếng nhất với nhiều thắng cảnh là Biei – một địa danh mà nếu hiểu theo nghĩa nôm na của chữ tượng hình thì có nghĩa là “hoa đẹp”. Vì vậy, khi lên kế hoạch tham quan Furano tôi đã dự định sẽ đi từ ga Furano đến thị trấn Biei trước, lúc về nếu còn thời gian sẽ ghé thăm các địa điểm khác như Kami-furano hoặc Naka-furano. Và buổi trưa hôm ấy, dù trời còn mưa và đầu óc vẫn hơi váng vất vì chứng rối loạn tiền đình ban sáng, tôi đã ngồi lên chuyến tàu đi Biei với cảm giác mừng vui hồi hộp, và lòng hăm hở của một kẻ “đánh đường tìm hoa” chẳng giảm sút bao nhiêu. Lòng thầm mong trời đừng mưa to và sức khỏe của mình đừng gặp thêm chuyện gì bất ổn, tôi vừa uống nốt những ngụm ca cao còn lại trong chiếc cốc vừa ngắm cảnh thung lũng Furano lướt qua ô cửa kính toa tàu. Nhiều lần tôi cố gắng ghi hình khi thấy những cánh đồng hoa hiện ra thấp thoáng, nhưng tàu chạy khá nhanh và ô cửa bị nhòa khiến cho hầu hết những lần bấm máy vội vàng của tôi đều thất bại.
Ga Biei là một ngôi nhà không đồ sộ nhưng rất ưa nhìn, kiểu nhà đặc trưng của những cư dân có đời sống khá giả ở vùng đất lạnh, với tường đá dày và ống khói lò sưởi điệu đà nhô cao trên mái. Không gian bên trong ga khá hẹp, chỉ có một quán ăn vắng khách, một phòng nhỏ dành cho khách đợi tàu, phòng của nhân viên nhà ga có treo bảng vẽ sơ đồ tuyến tàu và ghi giá vé các chặng đường trên tuyến, cùng mấy chiếc máy bán vé tàu đặt ở góc phòng, bên cạnh giá trưng bày những tạp chí quảng cáo tour du lịch và giới thiệu thắng cảnh địa phương. Nhưng không gian phía sau của nhà ga thì thoáng đãng và rất đẹp với những bồn hoa nằm sát chân tường, với bãi đỗ xe rộng rãi và những trạm xe buýt nằm ven quảng trường nối nhà ga với các khu dịch vụ tiện ích lân cận.
Quang cảnh mở ra trước mắt tôi đầy khích lệ nhưng trời vẫn còn mưa lất phất. Tôi tìm đến văn phòng hướng dẫn du lịch ở gần đấy để xin bản đồ và hỏi thông tin. Người Nhật làm dịch vụ này nhiệt tình đến nỗi nhiều khi có thể tự tìm hiểu nhưng tôi vẫn “kiếm cớ” đến hỏi đôi điều để giao lưu với những người ở vùng đất mình đang đến tham quan. Tôi bất ngờ khi thấy văn phòng hướng dẫn du lịch là cả một tòa nhà rộng lớn, ngoài khu quầy hướng dẫn có nhân viên thường trực là cả một gian trưng bày và bán nhiều loại quà lưu niệm làm từ các sản vật địa phương.
Một cô nhân viên trẻ tuổi và xinh xắn niềm nở tiếp chuyện khi tôi bước đến quầy. Nghe tôi nhờ chỉ đường đến những cánh đồng hoa, cô thoáng chút ái ngại mà giải thích rằng mùa này chẳng có mấy nơi còn hoa nở. Rồi cô lấy ra một tấm bản đồ Biei trải rộng trên quầy trước mặt tôi, chỉ cặn kẽ cho tôi đoạn đường dẫn đến khu đồi rộng lớn là thắng cảnh nổi tiếng nhất của Biei, và cũng là nơi có thể may mắn còn sót lại những đồng hoa nở muộn. Cô cẩn thận làm dấu những vị trí mà cô nghĩ rằng tôi có thể tìm thấy cánh đồng hoa, rồi tươi cười gấp tấm bản đồ đưa tặng tôi và ân cần dặn: “Quý khách đi cẩn thận và đừng để bị cảm vì trời mưa đấy nhé!” Câu nói và ánh mắt của cô nhân viên khiến tôi hơi lo về sắc diện của mình, nhưng nụ cười của cô quả thật đã khiến tôi ấm lòng để tiếp tục lang thang dưới trời mưa lạnh lẽo.
Ra khỏi phòng thông tin du lịch, tôi đứng tần ngần một lúc dưới mái hiên nhìn quanh khu quảng trường. Có một số quán ăn ở ven đường gần đó nhưng tuyệt nhiên không thấy những cửa hàng tiện lợi. Tôi đã để quên cây dù nhỏ của mình khi gửi ba lô vào ngăn tủ gửi hành lý ở ga Furano, và bây giờ tôi không thể đi bộ một quãng đường dài để tìm đến ngọn đồi có những nông trường trồng hoa trong lúc trời đang mưa như thế.
Trong khi chưa tìm ra cách nào để tháo gỡ khó khăn, tôi nhìn thấy khu nhà vệ sinh nằm ở giữa khoảng cách từ nhà ga đến phòng thông tin du lịch. Chỉ là nhà vệ sinh nhưng cũng là một ngôi nhà có tường dày, mái ngói đen trông rất lịch sự và ấm cúng. Quả là sự chu đáo của những người duy mỹ, tôi lấy làm thú vị nghĩ thầm rồi bước về phía ấy. Khi đến nơi, tôi phát hiện ngay trước nhà vệ sinh có một cây dù nylon đang dựng hờ bên cửa, nhưng bên trong thì hoàn toàn chẳng có ai. Tôi đến chỗ vòi nước để rửa tay và tranh thủ nhìn xem gương mặt mình nhàu nhĩ đến mức nào, nhưng trong lòng vẫn băn khoăn về cây dù vô chủ. Tôi e rằng có ai đó đã dựng cây dù ngoài cửa khi vào nhà vệ sinh và bỏ quên lúc quay ra, vì nếu muốn bỏ luôn thì người ta sẽ để vào thùng rác cho đúng chỗ. Nghĩ thế nên tôi vừa muốn “mượn tạm” cây dù để đi ngoạn cảnh, trong lúc chưa tìm được cửa hàng tiện lợi để mua cây dù khác, vừa do dự khi đụng vào một đồ vật không rõ của ai. Đứng ngần ngừ một lúc, thấy xung quanh mình vẫn hoàn toàn vắng lặng và đoán rằng chủ nhân cây dù ấy có lẽ đã rời khỏi Biei bằng một chuyến tàu nào đó mất rồi, tôi đánh liều cầm cây dù lên và đi theo hướng mà cô nhân viên ở phòng thông tin đã chỉ. Khi “chính thức mượn” cây dù và giương lên để che mưa, tôi mới biết cây dù đã bị gãy mất một gọng, nhưng vẫn có thể dùng tạm trong một chuyến đi ngắn vì đó là loại dù có bộ khung chắc chắn và lớp nylon khá dày.
Thế là suốt buổi chiều hôm đó, với cây dù vô chủ xộc xệch như một con thiên nga gãy cánh, tôi lang thang một mình trong mưa trên những con đường vắng vẻ dẫn đến một khu đồi chập chùng trải rộng và càng vắng vẻ hơn. Điều đáng nói là tôi lang thang như thế để tìm những đồng hoa đẹp lung linh như trong những khung hình đã làm tôi sửng sốt, nhưng rốt cuộc chẳng có vạt hoa nào trải ra để đón bước chân tôi. Cả vùng đồi bạt ngàn mênh mông ấy chỉ có những con đường ngoằn ngoèo hết bò xuống triền thung lại leo lên sườn dốc. Tôi cắm cúi bước đi suốt cả quãng đường dài như thế, và trải rộng xung quanh tôi chỉ là những vạt nương phơi đất màu nâu sẫm, thỉnh thoảng mới có những cánh đồng lúa mạch chín vàng, hình như là những đồng lúa hiếm hoi còn sót lại sau mùa thu hoạch.
Niềm hy vọng xen lẫn nỗi thất vọng cứ giằng co trong lòng tôi suốt quãng đường đi. Mỗi lần leo lên một sườn đồi khá cao là tôi lại đưa mắt tìm kiếm khắp xung quanh, nhưng chẳng thấy bóng hoa nào cả. Muốn chụp hình ở một nơi như vậy cũng rất khó khăn, vì cây dù gãy gọng cứ nghiêng ngả khi gió cuốn và những ngón tay tôi thì co lại vì thấm lạnh.
Rồi con đường đưa tôi đến một nơi mà theo bảng chỉ đường là trung tâm dịch vụ dành cho du khách. Đó là một khu đất mở rộng bên triền đồi, có quán cà phê, nhà hàng, máy bán hàng tự động và những cửa hàng nho nhỏ bán quà lưu niệm địa phương. Chỉ có một hai chiếc xe loại lớn chở khách du lịch theo đoàn nằm trong bãi đỗ xe, còn lại là cả khu đồi đang mùa vắng khách nằm lặng lẽ dưới trời mưa buồn bã.
Tôi leo lên triền dốc để trú mưa dưới một cây dù lớn dựng ngay bên cạnh một quán cà phê đang đóng cửa, rồi nương theo mái hiên của quán để ngắm cảnh thung lũng và tranh thủ bấm máy ghi hình. Tôi nhận ra cho dù chẳng có khóm hoa nào, cảnh quan ở khu này vẫn có vẻ đẹp riêng nếu người xem có được một chỗ trú ẩn dễ chịu và một vị trí tốt để nhìn toàn cảnh.
Loanh quanh một lúc thì tôi nhìn thấy trong dãy hàng lưu niệm có một quầy bán các bức ảnh nghệ thuật chụp cảnh Biei và một số văn hóa phẩm lưu niệm có sử dụng những hình ảnh ấy. Tôi tò mò thử bước vào xem thì gặp một cô bán hàng với nụ cười tươi bước ra chào hỏi. Khi biết tôi là người nước ngoài lần đầu tiên đến Hokkaido, cô ngạc nhiên và càng bày tỏ lòng hiếu khách, nhiệt tình thuyết minh về vị trí và thời điểm của những bức hình mà tôi tỏ ý quan tâm. Còn tôi thì hồn nhiên “than thở” với cô về chuyện mình đã lặn lội đi khắp cả vùng đồi để tìm những cánh đồng hoa như trong bức ảnh mà không gặp. Cô lại vui vẻ giải thích rằng hoa oải hương chỉ nở rộ vào tháng bảy nên những ruộng hoa đã thu hoạch từ lâu, rằng miền đất này rất lạnh và gần như phủ tuyết quanh năm nên việc canh tác chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi, rằng ở thời điểm tôi tìm đến thì mùa thu hoạch lúa mạch cũng đã gần như kết thúc rồi, và chỉ mấy tuần nữa là có thể tuyết sẽ rơi...
Lúc ấy thì tôi chỉ biết gật gù nghe cô nói và lấy sự thú vị tình cờ ở cửa hàng lưu niệm bù đắp cho nỗi thất vọng của một chuyến tìm kiếm lệch mùa. Tôi mua mấy bức ảnh và một cuốn lịch để bàn xinh xắn, thành thật nói rằng tôi muốn mua thêm vài thứ nữa nhưng phải di chuyển nhiều nơi trong chuyến du lịch lần này nên không tiện mang theo. Cô cười tươi tỏ ý thông cảm, gói mấy món hàng tôi mua thật cẩn thận và còn tặng thêm một bức ảnh chụp cánh đồng oải hương, có lẽ vì muốn an ủi cảm giác thất vọng trong tôi khi thấy tôi cứ săm soi mấy tấm ảnh chụp cảnh đồng hoa với vẻ thèm thuồng và tiếc nuối! Trước khi tôi rời tiệm, cô còn chỉ cho tôi một vị trí mà theo lời cô nói thì “may ra còn một cánh đồng hoa”, khiến tôi lại nhen lên niềm hy vọng và lang thang trong mưa thêm mấy đoạn đường lên đồi xuống dốc. Khi đã gần như nản chí và định đi thẳng theo con đường lớn để về lại nhà ga thì tôi chợt thấy một đoàn khách du lịch có nhiều phụ nữ cao tuổi lần lượt đi ra từ con đường mòn nhỏ hình như dẫn xuống một triền thung gần đấy. Tôi đến gần, niềm nở cất tiếng chào và hỏi xem phía cuối con đường ấy có cánh đồng nào đang nở hoa không, thì một cụ bà phúc hậu vui vẻ trả lời rằng: “Chẳng có hoa nào đang nở cả, nhưng phía ấy nhiều cây cối màu xanh rất đẹp. Cháu cứ xuống xem đi!
Tôi cảm ơn theo phản xạ rồi vội quay đi để che giấu một thoáng hẫng người. Câu nói vô tình của bà cụ đã giúp tôi nhận ra rằng, những con người đang sống trên miền ôn đới có bốn mùa rõ rệt sẽ không thể nào hiểu được nỗi đam mê và cả sự thất vọng của tôi – kẻ sinh trưởng ở vùng nhiệt đới quanh năm chỉ nhìn thấy cây cối xanh ngăn ngắt một màu – trong một cuộc “đánh đường tìm hoa” như thế. Sau này nhớ lại, tôi càng thấm thía “chân lý” ấy và hiểu rõ vì sao khi tôi kể lể nỗi thất vọng của mình thì cô bán hàng ở quầy ảnh lưu niệm vẫn nở nụ cười tươi và say mê thuyết minh về vẻ đẹp bốn mùa qua những bức ảnh đang bày trên giá, vẫn hồn nhiên giải thích về nhịp điệu mùa trong cuộc sống đời thường gắn với sự đổi thay diện mạo của khu đồi ấy mà không biết rằng điều đó chẳng thể lấp đầy nỗi hụt hẫng trong tôi.
Thái độ của những người mà tôi đã gặp đều xuất phát từ một điểm chung là cảm thức mùa của người Nhật Bản. Với người Nhật thì mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng, và quanh năm họ say mê thưởng thức từ những đám mây hoa đào mùa xuân, những vòm lá non biếc xanh đầu hạ đến những rừng thu lá vàng lá đỏ, rồi cảnh tuyết rơi phủ trắng núi đồi và đọng trên những cành khô trơ trụi. Với họ thì ngắm những cánh đồng hoa hay những khóm lá xanh đều là cơ hội để thưởng thức thiên nhiên chỉ có được trong một mùa nào đó. Do sự luân chuyển của tự nhiên qua bốn mùa nên màu lá xanh không tồn tại quanh năm và trở nên nhàm chán, tầm thường như khung cảnh ở miền nhiệt đới. Khi đã nhận ra điều đó, tôi lại nhớ đến cô bán hàng lưu niệm với những bức hình nghệ thuật chụp cảnh đẹp Biei, và bắt đầu cảm thấy cảnh ngọn đồi trắng một màu tuyết phủ chỉ nhô lên một cây thông đơn độc, hay cảnh thung lũng màu vàng nâu trải rộng với những kiện lúa mạch vừa được gặt xong, cũng đẹp không kém gì những cánh đồng oải hương tím ngát. Và quan trọng là một khi đã hiểu được lối thưởng ngoạn thiên nhiên theo cảm thức mùa như vậy thì tôi cũng giải tỏa được nỗi thất vọng vì không tìm thấy cánh đồng hoa, để biết rằng mình đã may mắn được đặt chân đến miền thắng cảnh tuyệt vời của thung lũng Furano trù phú và tươi đẹp, đã làm giàu kho kỷ niệm của chính mình bằng một chiều mưa đáng nhớ ở Biei.
Rời khỏi vị trí mà bà cụ đã chỉ cho tôi để ngắm cảnh thung lũng xanh rờn, tôi cứ theo con đường lớn mà đi thẳng một mạch về khu phố có nhà ga. Cây dù trên tay tôi qua mấy tiếng đồng hồ đã tả tơi trong mưa gió.
Ở ngã ba đầu dốc rẽ xuống con đường nhỏ trở về ga, tôi đang cắm cúi bước trong mưa thì bỗng thấy một chàng thanh niên người phương Tây cao lớn đạp xe ngược chiều. Anh chàng giơ tay chào và toét miệng cười khi lướt qua tôi, như thể vừa phát hiện một điều gì làm tăng niềm phấn khích của chuyến đi mà anh đang trải nghiệm. Dù đang thấm mệt vì đi bộ suốt buổi chiều dưới trời mưa rả rích, tôi vẫn bật cười trước thái độ của chàng du khách mà tôi chưa kịp nhìn rõ mặt dưới làn mưa. Rồi ngay lúc đó thì tôi nhìn thấy một cửa hàng tiện lợi hiện ra bên tay phải. Trước đôi mắt của một kẻ du hành lang thang suốt đoạn đường vắng vẻ trong lúc trời lạnh lẽo và mưa gió thì cửa hàng tiện lợi quả là một vị cứu tinh! Cảm giác ấy thật sống động và rõ rệt khi tôi có thể đường hoàng gấp cây dù mà mình đã “mượn tạm” mấy giờ qua dựng vào... sọt rác trước cửa hàng rồi bước vào bên trong tìm một cây dù mới.
Nhật Bản có khá nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi với cơ cấu mặt hàng và cách thức phục vụ rất giống nhau. Và có lẽ vì thế mà giờ đây tôi chẳng còn nhớ “vị cứu tinh” tôi đã gặp trong chiều mưa hôm ấy thuộc hệ thống nào, chỉ biết rằng đó chỉ là một cửa hàng nhỏ và hàng hóa không được phong phú lắm. Không tìm thấy loại dù có lớp nylon dày và chắc như cây dù đã cùng tôi chống chọi mưa gió và lang thang suốt buổi chiều, tôi đành mua loại dù nylon trong suốt, nhẹ hơn và mảnh khảnh hơn, rồi tiếp tục dấn bước trong cơn mưa tưởng chừng như kéo dài bất tận.
Trước khi vào nhà ga, tôi đã dừng lại ở chỗ nhà vệ sinh, gấp cây dù mới mua ngay ngắn rồi dựng vào đúng vị trí cây dù mình đã “mượn”, trong lòng vẫn còn cảm giác hơi áy náy vì cây dù mới rõ ràng là loại kém chất lượng so với cây dù cũ, nhưng rốt cuộc đành tặc lưỡi quay đi.
Cảm giác ấm áp và thanh sạch như một tấm khăn mỏng choàng qua vai khi tôi bước vào gian phòng nhỏ của nhà ga dành cho hành khách đợi tàu. Ngoài một nhóm học sinh đang cười đùa với nhau ở gần cửa soát vé, ngồi trên ghế xung quanh tôi chỉ có mấy người đàn ông dáng vẻ phong trần. Người nào cũng đi ủng cao su, đeo ba lô to phồng và máy ảnh chuyên nghiệp gắn ống zoom oai vệ. Tôi đoán họ chính là “hậu trường” của cửa hàng lưu niệm bán những bức hình chụp thắng cảnh Biei. Ngắm nghía họ như một đứa trẻ con nhìn những người khổng lồ đến từ một thế giới lạ và có thể làm được những điều to tát, tôi bỗng thấy vui chỉ bởi vì mình được ngồi cùng họ trong phòng đợi của nhà ga nhỏ bé này, thấy thế giới xung quanh mình vừa thật bao la lại vừa trở nên gần gũi bởi những cung đường giao nhau bất ngờ và thú vị!
Những buổi chiều mưa thường nhanh tối. Nhìn khung cảnh ảm đạm đang thẫm dần đi và nghe cảm giác rã rời lan dần trên cơ thể, tôi biết mình không thể ghé thêm nơi nào khác nên đã mua vé tàu về thẳng ga Furano, dù lúc ấy vẫn còn khá sớm so với thời gian tôi đặt xe của khách sạn đến đón về.
Đúng ra thì không phải khách sạn mà chỉ là một “nhà nghỉ thanh niên” dành cho các bạn trẻ thích trải nghiệm, khám phá mà không đòi hỏi nhiều về tiện nghi khi đi du lịch. Đó là điều mà tôi biết được khi thực sự đặt chân đến ngôi nhà nhỏ ấy và nghỉ lại qua đêm, còn lúc ngồi đợi xe ở ga Furano thì trong tôi chỉ thường trực cảm giác bồn chồn lo lắng. Tôi chọn nhà nghỉ này qua một website đặt phòng vì thấy giá cả hợp lý và hình ảnh ngôi nhà gợi cảm giác bình yên, thoáng đãng. Nhà nghỉ nằm trên một ngọn đồi khá xa khu thị tứ trung tâm nhưng có dịch vụ xe đưa đón dành cho khách đến và rời Furano bằng đường sắt, nghĩa là sẽ đón và trả khách tại ga Furano. Tuy đã kiểm tra thông tin cẩn thận và biết rằng có thể đến nhà nghỉ bằng một tuyến xe buýt địa phương xuất phát từ ga Furano, tôi vẫn cẩn thận kèm theo dịch vụ xe đưa đón lúc đặt phòng để yên tâm và đỡ vất vả hơn, vì biết mình sẽ đến khách sạn khi trời đã tối.
Nhưng hôm ấy tôi đợi mãi mà chẳng thấy chiếc xe nào có vẻ là xe đưa rước của một khách sạn đến bãi đỗ xe trước nhà ga. Đắn đo một lúc, tôi quyết định gọi điện thoại đến nhà nghỉ hỏi lại thông tin cho chính xác, thì nhân viên lễ tân cho biết rằng nhà nghỉ không tổ chức chuyến xe tôi đã đặt vì hôm nay không liên lạc được với tôi, và vì ngoài tôi ra thì chẳng có hành khách nào cùng đặt chuyến xe ấy để về nhà nghỉ! Tôi hiểu mọi chuyện là do mình đã dùng số điện thoại của cô bạn ở cùng để đặt phòng qua internet, nhưng tôi chẳng còn cách nào khác vì chỉ “tạm trú” tại đất nước này trong thời gian ngắn và không đáp ứng được những điều kiện cho việc dùng điện thoại cá nhân.
Khi mọi chuyện đã trở nên thông suốt, nhân viên nhà nghỉ hướng dẫn tôi đi xe buýt địa phương thay vì xe đưa đón, vì còn một chuyến xe cuối cùng sẽ khởi hành sau ba mươi phút nữa. Tôi cũng đã tra cứu thông tin về tuyến xe này nên tạm thời lấy lại cảm giác an tâm, bèn đi loanh quanh tìm một ít đồ ăn nhẹ để lót dạ và tiếp tục chờ xe buýt.
Nhà ga khi ấy đã vắng tênh. Xung quanh tôi chỉ còn mấy cô bé học sinh hình như cũng đang đợi những chuyến xe buýt muộn để về nhà. Tôi ra trạm đợi xe trước giờ xe chạy hơn mười phút, trong lòng vẫn còn cảm giác hơi phấp phỏng khi một mình ở giữa nơi xa lạ, lúc trời đã tối mà chưa tìm được đến chỗ trú chân. Không còn cách nào khác, tôi chỉ biết trông cậy vào tính đúng giờ và chất lượng dịch vụ mà bản thân đã được trải nghiệm tương đối trên đất Nhật. Tựa người vào cây cột dưới trạm chờ xe buýt, tôi vừa lơ mơ nghĩ ngợi về chuyến đi của mình vừa ngắm những chiếc taxi trong bãi đỗ chờ khách trước nhà ga, rồi chợt nhận ra một điều thú vị là trên nóc chiếc xe nào cũng có một chiếc đèn trang trí hình “người tuyết” xinh xắn và ngộ nghĩnh. Đúng là người Nhật quan tâm đến từng chi tiết nhỏ trong mọi mặt của đời sống, và luôn có ý thức nhấn mạnh những đặc trưng tự nhiên – văn hóa của từng địa phương để hướng đến quảng bá du lịch.
Thấy các bạn học sinh kéo nhau ra đứng ngay cạnh mình, tôi cảm thấy yên tâm hơn và cũng biết rằng mình sắp được bước vào không gian ấm áp trên xe buýt. Rồi chiếc xe hơi nhỏ so với hình dung của tôi cũng đến trạm rất đúng giờ. Sau một buổi chiều lang thang dưới mưa trên vùng đồi mênh mông vắng vẻ, biết rằng chuyến xe này là phương tiện duy nhất giúp mình đến được chỗ nhà nghỉ xa xôi cách ga Furano gần hai mươi cây số, tôi bước vào khoang xe sáng sủa ấp áp mà cứ ngỡ như đang bước lên một chuyến du thuyền sang trọng!
Khi tự tìm hiểu thông tin trên internet cũng như lúc nghe nhân viên nhà nghỉ hướng dẫn qua điện thoại, tôi tạm yên tâm về việc đi xe buýt vì biết nhà nghỉ nằm ở trạm cuối cùng, tuy cách trạm cũng gần hai cây số. Nhưng ngồi trên xe mới được chừng mười phút thì tôi lại bắt đầu cảm thấy hoang mang. Xe chạy loáng cái là ra khỏi vùng nội thị với những con đường hẹp và nhà cửa hai bên thắp sáng đèn, rồi lao nhanh vào đêm đen thăm thẳm. Dù huy động tất cả giác quan và cố căng mắt nhìn qua ô cửa kính, tôi cũng chỉ biết là xe đang chạy lên đoạn đường đèo với cây cối rậm rạp ở hai bên. Loa phát thanh thông báo các trạm dừng và màn hình hiển thị tên trạm tương ứng vẫn đang hoạt động, nhưng khoảng cách giữa các trạm thì kéo dài ra hẳn. Các bạn học sinh “đồng hành” với tôi lần lượt xuống trạm ở chỗ này chỗ khác. Nỗi hoang mang trong tôi cứ tăng dần khi có những lúc xe dừng ở trạm để trả khách giữa màn đêm đen đặc không một ánh đèn, không một dấu hiệu nào cho thấy có khu dân cư gần đó. Không biết liệu khi đến lượt mình, bước xuống giữa một nơi hoang vắng mịt mùng như thế thì tôi biết đi đâu, biết hỏi ai để tìm ra nhà nghỉ!
Còn hơn mười phút nữa mới đến trạm cuối mà trên xe chỉ còn một mình tôi, ngoài bác tài đang chăm chú lái xe xuyên màn đêm trên quãng đường đèo cứ quanh co không ngớt. Loa báo trạm và màn hình hiển thị trên xe cứ hoạt động với một vẻ bình thản, lạnh lùng, khiến tôi cảm thấy chưa bao giờ hai con người cùng chia sẻ một không gian lại cách xa nhau đến thế! Khi tên trạm cuối cùng của chuyến xe hiện lên màn hình với nét chữ màu cam, khung cảnh xung quanh tôi vẫn chỉ là cây cối và màn đêm tối mịt, dù ở phía xa xa có thấp thoáng ánh đèn. Tôi thu hết can đảm mang hành lý đứng lên, cầm sẵn mớ tiền lẻ trong tay và căng thẳng đợi đến lúc xe dừng. Khi chiếc xe dừng lại, cửa trước mở ra và bác tài cất giọng nhã nhặn nói tên trạm cuối, tôi vừa bỏ mấy đồng tiền trên tay vào hộp thu tiền tự động vừa tranh thủ hỏi thăm đường đến chỗ nhà nghỉ, nhưng thật bất ngờ thấy bác tài chỉ tay về phía cửa xe rồi vui vẻ nói: “Người của nhà nghỉ đến rồi kia!” Tôi giật mình quay lại thì thấy một người đàn ông hơi thấp trong chiếc áo khoác màu đen vừa hiện ra bên cửa xe mới mở. Ông cất tiếng chào và cảm ơn bác tài với giọng hồ hởi rồi dẫn tôi đến chiếc ô tô nhỏ đang đậu nép bên vệ cỏ lề đường – một con đường dốc chênh vênh chạy thẳng đến cánh đồng mênh mông phía trước.
Cô từ đâu đến nhỉ?” Người lái xe vừa bắt chuyện vừa cho xe chuyển bánh, trong lúc tôi mới yên vị trên ghế ngồi và chưa kịp hoàn hồn sau chuyến đi đầy lo lắng vừa qua.
Cháu từ Tokyo đến ạ, nhưng cháu là lưu học sinh người Việt Nam”.
Việt Nam à? Tiếng Việt Nam nói lời chào thế nào ấy nhỉ?
Nói là ‘xin chào’ ạ”. Tôi bất ngờ một thoáng, nhưng vẫn phản xạ theo thói quen giao tiếp với người nước ngoài.
À, đúng rồi. Thế mà tôi quên mất! Xin chào, xin chào!
Bác từng đến Việt Nam rồi ạ?
Tôi có đến một lần. Cách đây cũng đã lâu. Đến chỗ thành phố gì gì ở miền Nam ấy...
Tôi nói tên thành phố mình đang sống và làm việc. Ông vui vẻ xác nhận “Đúng rồi”, xong lại nhanh nhảu chuyển đề tài sang chuyến du lịch của tôi. Còn tôi thì vẫn trong cảm giác ngẩn ngơ vì đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhưng đã dần dần bình tâm lại và bắt đầu cảm thấy mình có thể tạm thời gạt bỏ mọi lo lắng phía sau lưng để thưởng thức đêm ở trọ duy nhất giữa miền Furano xinh đẹp.
Ngồi ô tô với cảm giác thoải mái vui vẻ trong không gian ấm áp nên tôi chỉ nhớ là thoắt cái mình đã được đưa đến tận nơi. Xe chạy chầm chậm rồi đỗ lại trong một khoảng sân khá rộng tuy hơi tối. Bước xuống xe, tôi thấy ngôi nhà trước mặt mình chẳng có vẻ gì là khách sạn hay nhà nghỉ, nhưng đúng là ngôi nhà trong ảnh mà tôi đã ngắm nghía nhiều lần trên internet.
Bác lái xe vừa đưa tôi về mở cửa, chỉ cho tôi chỗ để giày ở góc nhà rồi nói với người phụ nữ đang đứng ở quầy lễ tân rằng tôi là lưu học sinh người Việt Nam từ Tokyo đến. Nói xong bác mất hút vào đâu đó rất nhanh. Còn tôi thì được người phụ nữ kia chào hỏi, phân trần về dịch vụ xe đưa đón, hướng dẫn về tiện ích và nội quy nhà nghỉ rồi thu tiền phòng theo đúng giá mà tôi đã đặt qua website dịch vụ. Sau khi trả tiền đầy đủ và ký vào giấy xác nhận lưu trú dành cho khách trọ là người nước ngoài, tôi cầm lấy chiếc chìa khóa để theo người phụ nữ lên gác nhận phòng, và cảm thấy như mình đang ở trong một quán trọ cổ xưa – nơi những lữ khách chồn chân ngẫu nhiên tìm đến xin nương náu, hơn là một nhà nghỉ dành cho du khách thời hiện đại.
Người phụ nữ ở quầy lễ tân dẫn tôi qua gian phòng khách nhỏ hẹp có mấy người khách đang ngồi ghế sofa, rồi lên tầng trên bằng một cầu thang bằng gỗ cũng hẹp và hơi thấp. Phòng của tôi là một gian phòng kiểu Nhật truyền thống, nằm ở cuối dãy phòng bên tay trái. Gọi là “dãy” nhưng thật ra tầng này chỉ có tổng cộng bốn, năm phòng gì đó được bố trí đối diện nhau qua một hành lang hẹp. Có phòng còn đang mở cửa, chỉ buông loại rèm vải hai mảnh thường thấy ở các quán ăn hơi cổ và bình dân.
Khi còn lại một mình ở giữa gian phòng, tôi mới nhận ra là phòng khá rộng. Tôi đã từng lưu lại một khách sạn rất to nằm ở một khu sầm uất của Tokyo, cách ga Shinjuku chỉ năm phút đi bộ. Khách sạn là một tòa cao ốc hoành tráng, có nhiều khu tiện ích và cả những sảnh rộng đủ để tôi cảm nhận sự “hoang vắng” khi mưa rơi sầm sập và gió lùa hun hút bên ngoài, nhưng phòng thì chật đến ngột ngạt. Tôi biết đảo quốc này là một nơi đất chật người đông nên chẳng lấy làm phiền, thậm chí còn khâm phục sức chịu đựng và những nỗ lực của người Nhật để sử dụng không gian tiết kiệm và hợp lý. Nhưng với mức giá mà tôi đã đặt phòng ở nhà nghỉ lần này, quả thật diện tích và vẻ xinh xắn của gian phòng làm tôi phải ngạc nhiên. Ở ngay gần cửa phòng là một chồng đệm ngủ cá nhân và chăn đắp. Đệm thì mỏng nhưng êm ái và dễ chịu, còn chăn lại rất to, đúng phong cách của miền ôn đới lạnh. Có tổng cộng ba bộ chăn đệm chất lên nhau thành một chồng cao ngất, và trên sàn gỗ trải chiếu cũng có đủ chỗ nằm cho ba người. Nhưng tôi ở một mình nên chỉ cần lôi một xuống một bộ đủ dùng, rồi trải ra giữa phòng để tận hưởng cảm giác “làm chủ” một không gian rộng rãi và vô cùng dễ chịu. Trong phòng còn có tủ quần áo, những chiếc ghế phồng to êm ái may bằng vải và được nhồi một thứ hạt lạo xạo nào đó ở bên trong, và lại còn có cả máy sưởi bằng điện nữa. Dạo ấy mới là cuối tháng chín nhưng vùng Hokkaido thì đã khá lạnh rồi. Sau khi được tắm rửa sạch sẽ và ngâm mình trong bồn nước ấm, tôi cảm thấy chẳng còn mong muốn nào khác ngoài việc nằm dài trên tấm đệm trong phòng, bật lò sưởi lên và đọc sách cho đến lúc cơn buồn ngủ ập đến lôi tuột đầu óc mình vào một vùng dễ chịu.
Khi thức giấc, tôi thấy gian phòng của mình cứ như là đã biến thành một bức tranh. Khung cửa sổ rộng với cánh cửa lắp kính thoải mái đón vào phòng thứ ánh sáng rạng rỡ của một ngày nắng đẹp, xóa tan hoàn toán dấu vết của ngày mưa u ám mới qua. Ngay phía ngoài cửa sổ là một bụi trúc khá to với những cành lá xanh rì đung đưa trong gió nhẹ. Tôi chợt nhớ đêm qua đã bị giật mình mấy lần vì tiếng cành cây cọ vào khung cửa, nhưng vì đã trải qua một ngày sử dụng hết công suất cả cơ bắp lẫn hệ thần kinh nên rốt cuộc tôi vẫn cứ chìm sâu vào giấc ngủ. Nhớ rằng mình định tranh thủ dạo qua một chút để được biết rõ hơn phong cảnh nơi này, trước khi được bác tài vui tính đưa ra ga để tiếp tục hành trình tìm những cánh đồng hoa, tôi vội vàng gấp dọn chăn đệm, chuẩn bị mọi thứ qua loa rồi ra khỏi ngôi nhà.
Bên ngoài là không gian rộng mở trong ánh nắng thu dịu dàng và ấm áp. Với chiếc máy ảnh bé xíu trên tay, tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ ngây ngô đi lạc giữa một vùng thiên nhiên mênh mông trù phú. Tôi khoan khoái thả bước trên con đường trải nhựa, chẳng cần biết là đường chạy từ đâu đến đâu, thích thú ngắm khung cảnh trải rộng xung quanh mình dưới bầu trời thu bao la trong vắt. Bên trái tôi là cánh đồng phơi màu đất nâu sau một mùa thu hoạch. Rải rác trên đồng có những cái thùng hình chữ nhật khá to (đến khi ngồi trong xe tôi mới được bác tài giải thích rằng đó là số khoai tây được “gửi lại”, phơi mấy ngày trên nền đất ngoài đồng sau khi đóng kiện, để tăng độ ngọt bùi tự nhiên của củ khoai). Còn bên phải là cánh đồng xanh chạy dài đến tận dãy núi phía chân trời. Trên cái nền bằng phẳng bao la đó điểm xuyết những kiến trúc hình có mái vòm với màu sắc nổi bật, quy mô thì đủ loại to nhỏ khác nhau. Tôi lang thang một lúc, ngắm nghía và thư giãn rồi thong thả quay về.
Vẫn chưa đến giờ hẹn với bác tài nên tôi nán lại ngắm khoảng vườn phía trước khu nhà nghỉ. Tôi gặp lại anh chàng người Nhật tối qua đã chào tôi vui vẻ trong phòng khách. Trước đó, khi mọi người tập trung dùng bữa tối trong nhà bếp thì tôi tranh thủ hỏi thăm người quản lý khách sạn về quang cảnh xung quanh ở nơi này và tỏ ý muốn đi xem những cánh đồng hoa. Người quản lý cho biết nơi gần nhất cũng cách nhà nghỉ đến hơn ba cây số, nên nếu đi bộ thì mất nhiều thời gian và cũng hơi mệt mỏi. Khi đó anh chàng lên tiếng bảo sẽ sẵn lòng cho tôi mượn chiếc xe đạp mà anh đang thuê để đi lại loanh quanh ở khu này. Tôi không nhận lời mà chỉ nhã nhặn cảm ơn, nói rằng phải xem lại kế hoạch vì thời gian hơi gấp gáp. Một lúc sau thì tôi gặp lại anh chàng kia khi đang checkmail ở một góc phòng khách có để máy tính cho khách trọ cần dùng internet. Anh hỏi tôi từ đâu đến rồi vui vẻ nhận mình là dân Tokyo, nhưng không có ý định nói gì về Tokyo mà chỉ hỏi đôi điều về chuyến đi của tôi, hỏi tôi vì sao lại lựa chọn hòn đảo phía bắc xa xôi này, rồi gật gù tán thưởng khi tôi nói về thiên nhiên phong phú và tuyệt đẹp ở Hokkaido. Giờ thì anh chàng cũng đang vui vẻ trò chuyện với mấy người khách trọ hình như đang chuẩn bị đi tham quan đâu đó, cạnh chiếc xe đạp dã ngoại dựng dưới tán cây thông. Tôi nhờ anh chụp ảnh lưu niệm trước cửa ngôi nhà và anh sốt sắng bấm giúp tôi mấy khung hình rất đẹp, rồi bảo tôi muốn xem cánh đồng trồng hoa oải hương thì hãy tìm đến nông trường Tomita, ở đó luôn có chỗ trồng hoa – kiểu như “cánh đồng mẫu” và được duy trì quanh năm – để phục vụ khách du lịch các miền đến thưởng hoa, chụp ảnh. Được biết nông trường ấy nằm ở gần ga Naka-furano, tôi dự định sẽ tranh thủ thời gian trước chuyến tàu đi Kushiro để “đánh đường tìm hoa” lần nữa! Tôi cảm ơn anh đã nhiệt tình cung cấp những thông tin quý báu rồi quay về phòng thu dọn hành lý để chuẩn bị lên đường. May mắn là hành lý du lịch của tôi luôn gọn nhẹ, nên chỉ cần xếp lại vài món là tôi đã thong dong vác ba lô xuống thưởng ngoạn gian phòng khách xinh đẹp đang chan hòa ánh nắng mùa thu.
Tôi vốn không mặn mà với chuyện ẩm thực vào buổi sáng, nhưng có lẽ vì đang lúc tâm trạng thoải mái nên khi xuống phòng khách đã tự pha cho mình một tách cà phê rồi ngồi nhâm nhi trong chiếc ghế to êm ái, tưởng chừng có thể vùi cả thân mình ngập sâu vào mớ hạt kêu lạo xạo như một chú mèo khoanh tròn trong cái bếp đầy tro. Trước mặt tôi lại là một khung cửa sổ rộng và trong suốt. Ngồi trong phòng khách mà có thể quan sát từng chi tiết những khóm cây ngọn cỏ trong khoảng vườn nho nhỏ bên hông nhà. Tôi vừa thưởng thức cảm giác uống cà phê sáng “giữa thiên nhiên” vừa nhìn đám oải hương đã qua mùa hoa nở và thầm tiếc vì mình đến muộn.
Có một nhóm khách lục tục mang hành lý từ tầng trên xuống, hình như cũng đang sắp rời đi. Một bé gái má ửng hồng, mặc chiếc áo choàng lông xinh xắn đến đứng ngay cạnh chiếc ghế tôi ngồi, trong khi mẹ cô bé đang nói chuyện với người phụ nữ ở quầy lễ tân gần đấy. Tôi đang nói vài câu đùa vu vơ với món đồ chơi trên tay cô bé thì có một người đàn ông tiến lại gần, tươi cười chào tôi và hỏi chuyện đi tìm cánh đồng hoa. Anh còn mở máy ảnh cho tôi xem hình cánh đồng oải hương vừa mới chụp, rồi bảo đó là hình chụp ở nông trường Tomita, xác nhận lại thông tin tôi mới được nghe trước đó chỉ chừng mười lăm phút. Tôi vui vẻ nhận rằng mình may mắn đã biết được một địa điểm để ngắm cảnh đồng hoa oải hương nở trái mùa, rồi khẳng định sẽ tìm đến nông trường Tomita sau khi được bác tài đưa ra ga Furano. Người đàn ông đang trò chuyện bỗng giơ máy ảnh lên, bảo tôi cứ ngồi yên trong chiếc ghế to phồng ấy để anh chụp ảnh, rồi đưa cho tôi một tấm name-card có cả gương mặt anh trong khung hình nhỏ xíu bên cạnh những dòng thông tin cá nhân. “Nagoya à? Tôi cũng có một người quen ở gần đó, nhưng không biết lần này có kịp thời gian để đến chơi không...”, tôi thật thà nói khi xem thông tin trên tấm card. “Ừ, Nagoya. Đi tàu từ Tokyo thì cũng không xa lắm. Tôi cũng là một người thích đi khám phá đó đây. Lúc nào cô có dịp đến Nagoya thì gọi cho tôi nhé”, anh trả lời rồi đứng lên chào tạm biệt tôi để di chuyển sang một nơi khác cũng là điểm đến du lịch ở Hokkaido này, và chúc tôi có thêm một ngày vui vẻ của chuyến đi.
Cũng lúc ấy người phụ nữ ở quầy lễ tân nhắc tôi đã đến lúc khởi hành. Tôi uống nốt chút cà phê còn lại rồi khẩn trương mang hành lý ra xe. Cứ ngỡ là nhóm khách vừa checkout cũng đi cùng với tôi trên chuyến xe hôm ấy nhưng rốt cuộc chỉ có mình tôi và một người phụ nữ mà tối qua tôi đã gặp ở nhà ăn, cũng là người đã hướng dẫn tôi cách sử dụng bồn tắm theo kiểu gia đình. Tôi không rõ cô là người làm việc ở nhà nghỉ hay chỉ là một khách quen của gia chủ, cũng không rõ cô đi cùng xe với tôi là để ra ga hay đến nơi nào khác. Chỉ thấy cô là một người hiền lành dễ mến và vui vẻ. Trên đường đi, bác tài chỉ vào đám cây rừng ở hai bên, bảo rằng khu này nhiều gấu lắm, rồi còn đùa thêm rằng người xứ lạ mới đến như tôi nếu đi lang thang một mình ở vùng này thì rất dễ chạm mặt với bọn gấu địa phương và bị chúng ăn thịt! Tôi bật cười và tranh thủ hỏi thêm thông tin về điều kiện tự nhiên cũng như đời sống dân cư ở vùng này, nhờ đó mà biết thêm lắm điều thú vị. Khi tôi hỏi về những kiến trúc mái vòm có màu nổi bật nằm rải rác trên bình nguyên rộng lớn, người phụ nữ đi cùng xe cho biết đó là đặc trưng của vùng lạnh, vì mùa đông có những lúc tuyết rơi nhiều và nhanh chóng phủ trắng khắp xung quanh, nên người đi trên đường phải dựa vào những mái vòm (không đọng tuyết) nổi bật trên nền trắng để xác định vị trí cần tìm. “Ôi, tuyết đẹp thật nhưng sống ở nơi nhiều tuyết quả là không đơn giản!” Tôi thốt lên và ngay lập tức nhận được sự đồng tình của hai người còn lại. “Khổ nhất là dọn tuyết. Mà cũng vì dọn tuyết tốn nhiều năng lượng nên sau đó lại càng ăn khỏe, kết quả là mình chẳng bao giờ giảm được cân!” – người phụ nữ nói vui khiến tôi lại bật cười. “Nhưng cái gì cũng có giá trị riêng của nó” – bác lái xe hóm hỉnh nhưng điềm đạm – “Cháu có biết mọi sản vật ở vùng này đều nổi tiếng là thơm ngon đậm đà không? Nông sản và hải sản đều là chất lượng cao đấy nhé! Cua, cá hồi, khoai tây, bắp ngọt v.v... Nếu có điều kiện thì cháu cứ thưởng thức thử xem...” Tôi công nhận là đã từng nghe tiếng nhiều món ăn đặc sản của vùng Hokkaido, và khi đến đây thì được hiểu rõ thêm những nguồn gốc làm nên hương vị ngon ngọn ấy.
Cuộc trò chuyện vui vẻ trong chiếc xe nhỏ gọn lướt băng băng trên đường chẳng mấy chốc thì kết thúc trước bãi đậu xe của ga Furano. Đúng là khi trời đẹp nhìn khung cảnh quanh nhà ga tươi sáng hẳn. Tôi thầm nghĩ và cảm ơn bác tài trước lúc xuống xe, nhưng chưa nói hết câu thì bác đã giơ lên trước mặt tôi một quả bắp còn nguyên vỏ với nụ cười đôn hậu.
“Bác biết là cháu chưa ăn sáng, đúng không?”
Tôi xác nhận là chưa và bảo rằng tôi gần như không ăn sáng trước tám giờ nếu không muốn bữa ăn bị biến thành chuyện nhai nuốt khổ sở và mọi thứ đồ ăn đều trở nên vô vị. Nét cười trên gương mặt bác tài vẫn không thay đổi.
“Vậy cháu hãy cầm lấy cái này. Bác định mang theo trên xe để ăn thôi nhưng chưa cần đến. Cháu cứ để lúc nào thích thì ăn, để biết thêm một chút hương vị nông sản của Hokkaido vậy. Cái này hơi nguội rồi và cũng không phải là loại đặc biệt ngon, nhưng so với bắp thường bán ở các nơi thì cũng ngọt lắm đấy.”
Một món quà địa phương bất ngờ và thú vị! Tôi cầm lấy quả bắp, cảm ơn bác tài và tạm biệt cả hai người còn lại trên xe. Bên ngoài xe, trời khá lạnh so với tưởng tượng của tôi về thời tiết của miền ôn đới trong tháng chín nhưng tôi lại cảm thấy nơi này ấm áp và thân thiện vô cùng!
Bước vào nhà ga, tôi thở phào nhẹ nhõm khi biết mình vẫn kịp chuyến tàu đi Naka-furano như dự kiến. Lại bước lên những bậc thang có vẽ hình oải hương màu tím, lại ngồi trên chuyến tàu hai toa chạy hun hút giữa bình nguyên tươi đẹp. Đang là buổi sáng với trời trong, nắng vàng nên tầm nhìn trải rộng và màu sắc thiên nhiên cũng rạng rỡ hơn nhiều so với cảnh chiều mưa ảm đạm ngày hôm trước.
Tàu đỗ lại, tôi nhanh chóng đi tìm một chiếc taxi và cũng may mắn gặp được một bác tài vui tính. Ông hỏi tôi là khách từ đâu đến, rồi nhiệt tình thuyết minh về nông trường Tomita và quang cảnh chung của cả vùng. Thật ra thì từ nhà ga đến nông trường không xa lắm, nhưng đường đi ngoằn ngoèo và phải leo lên dốc khá cao nên đi taxi là lựa chọn hợp lý cho những người lạ chỗ vì mới đến, bác tài kết luận khi dừng xe trước một gian nhà gỗ trống hoác nằm trên một cái nền cao.
“Đến nơi rồi. Đồng hoa ở phía sau cái nhà hàng ấy đấy”, bác thông báo và đưa tay chỉ.
Thì ra vậy. Lúc đó tôi mới để ý thấy có nhiều du khách đang đi ngang qua gian nhà rồi mất hút xuống bậc cấp phía bên kia. Tôi khấp khởi bước theo dòng người, và khi tầm mắt vừa thoát khỏi mái che của gian nhà thì toàn bộ khung cảnh mà tôi đã nhọc lòng tìm kiếm đang trải rộng ra phía trước. Một tấm thảm vĩ đại với hai mảng màu tím và trắng nối liền nhau. Khi tôi bước lại gần, những khóm cây mảnh dẻ với ngọn hoa màu tím dịu dàng rung rinh như chào đón.
Tôi quỳ xuống kề bên những luống hoa, tận hưởng cảm giác tuyệt vời của một người nhìn thấy giấc mơ của mình đã trở thành hiện thực. Dù đồng hoa không rộng so với khu đồi trập trùng mênh mông mà tôi đã lang thang suốt buổi chiều hôm trước, và trên đồng chỉ riêng có oải hương với hai màu dịu nhẹ, không có nhiều loài hoa khác được trồng xen vào từng luống rộng để tạo nên tấm thảm đa màu sắc như trong những tấm hình giới thiệu tuyệt cảnh Hokkaido, tôi vẫn có cảm giác chân thực rằng mình đã chạm đến cái đẹp xa xôi mà mình hằng khao khát, cái đẹp được tạo nên từ những con người nhỏ bé và cực nhọc nhưng có tâm hồn khoáng đạt chừng như hòa lẫn với thiên nhiên...
Xung quanh tôi, khách du lịch chủ yếu vẫn là người Nhật. Nhiều phụ nữ ở tuổi nghỉ hưu đi thành từng nhóm đang bàn tán về oải hương và cùng nhau chụp ảnh. Nhớ lại lời thuyết minh về nông trường Tomita của anh chàng du khách trong nhà nghỉ, tôi càng cảm thấy con người ở xứ này thật đáng yêu khi đã cố gắng bằng mọi cách để duy trì cánh đồng hoa trái mùa cho du khách được tha hồ nhìn ngắm, dù không thể sắp xếp để tìm đến vào đúng mùa hoa tự nhiên của oải hương.
Tuy chỉ có vài chục phút tham quan cánh đồng hoa nhưng tôi biết mình sẽ không thể nào quên cảnh tượng này. Và tôi sung sướng nghĩ rằng kể từ lúc rời khỏi nông trường Tomita, hình ảnh cánh đồng hoa mà tôi lưu giữ trong ký ức sẽ không còn là những tấm hình vuông vắn phẳng lì đã nhìn thấy trên internet mà là một không gian ba chiều rộng mở với những khóm hoa tắm trong nắng thu vàng và lay động trong gió sớm, với những du khách vừa chụp ảnh vừa không ngớt trầm trồ, với cảm giác sống động nhờ sự hòa điệu tuyệt vời của mùi hương, làn gió và ánh nắng trong buổi ban mai tinh khiết ở miền ôn đới lạnh...
Trên đường trở lại ga Naka-furano, tôi còn ghé lại tham quan thêm một điểm trồng hoa nữa. Một ngọn đồi tiếp giáp với quảng trường rộng ở ngay đầu dốc dẫn xuống khu phố bằng phẳng nối liền với nhà ga. Hoa được trồng thành từng luống trên sườn đồi, oải hương xen lẫn với vài loại có màu rực rỡ hơn như đồng tiền và cúc vạn thọ. Thú vị nhất là hoa được sắp xếp công phu để tạo thành chữ “Furano” bằng tiếng Nhật trên ngọn đồi cao, như một tấm biển khổng lồ giới thiệu với du khách về vùng đất nên thơ vốn được mệnh danh là “xứ sở oải hương” này. Khi tôi đến, cả khu đồi chỉ có đúng một cậu thanh niên đang thơ thẩn chụp ảnh trên quảng trường ngập nắng, nhưng chỉ cần một người như thế cũng đủ giúp tôi mãn nguyện vì “ké” được gương mặt mình vào đồi hoa kèm dòng chữ “Furano” điệu nghệ kia!
Trên chuyến tàu rời ga Furano hôm ấy, tôi đã mang theo trong lòng cảm giác viên mãn và mang theo trong tâm tưởng những hình ảnh khó quên về một miền thung lũng nổi danh với loài hoa thơm ngát dịu dàng. Tàu chạy băng băng giữa bình nguyên rộng lớn, đưa tôi từ trung tâm sang vùng đất phía đông của đảo Hokkaido. Biết rằng sẽ không có điệu múa tuyệt vời của loài hạc tancho chờ đợi mình ở điểm dừng ven biển phía đông nhưng lòng tôi vẫn vô cùng thanh thản. Tôi nghĩ rằng mình đang thực hiện cái điều đã được nghe đâu đó từ lâu, rằng những kẻ dấn thân vào cuộc lữ phải biết yêu và trân trọng cả cuộc hành trình chứ không chỉ có niềm khát khao hướng về điểm đến. Chính là nhờ nghĩ về điều đó mà tôi đã biết tận hưởng từng phút giây tuyệt đẹp trong cuộc lữ hành được thực hiện bằng thứ phương tiện giao thông mà tôi ưa thích nhất, chỉ bằng một cách rất đơn giản là ngắm cảnh thiên nhiên đang lướt qua ngoài cửa sổ toa tàu. Dù trong chuyến đi ấy tôi chỉ ghi được vài bức ảnh với chất lượng hạn chế, và những bức ảnh ấy cũng mất đi rất nhanh sau đó cùng với chiếc máy tính xách tay, nhiều khoảnh khắc mà bộ nhớ của tôi đã “chụp lại” một cách tự nhiên thỉnh thoảng vẫn bừng sáng trong tâm tưởng như ánh chớp bất ngờ, đưa tôi trở về với cảm giác bình yên dễ chịu hay nhớ nhung thích thú, ngay cả khi tôi đang nghẹt thở vì bộn bề công việc giữa thành phố nhiệt đới nhiều khói bụi và oi nóng quanh năm. Đó có thể là cảnh rừng thông xứ lạnh cứ xanh thẫm ngút ngàn bên đường sắt, cảnh đồng hoa hướng dương vàng rực với vô số mặt trời, cảnh hoàng hôn trên bình nguyên ẩm Kushiro, cảnh nhà ga Kushiro-shitsugen giống như một căn lều ẩn cư bằng gỗ nằm chon von giữa bình nguyên bát ngát và trở thành một ốc đảo cô đơn khi cảnh vật xung quanh chìm vào bóng tối của đêm thu lạnh lẽo, cảnh bãi biển Tsugaru hiện lên lúc bình minh trước cái nhìn ngái ngủ của hành khách trên tàu mà như cảnh ở chốn bồng lai với miên man những đợt sóng vỗ bờ trắng xóa và biển mây phía trùng khơi cũng trắng xốp như bông v.v... Dù biết rằng những hình ảnh tuyệt vời như thế là kết quả “chọn lọc tự nhiên” của bộ nhớ “ranh mãnh” chỉ muốn kho ký ức trở thành điểm tựa giàu có và êm đẹp của tâm hồn, tôi vẫn thấy vui khi có được những khoảnh khắc lưu niệm như thế trong một cuộc “đánh đường tìm hoa” đầy vụng dại nhưng cũng nhiều may mắn, nhờ trái tim con người rộng mở giữa khung cảnh khoáng đạt và trù phú của thiên nhiên.
Chuyến đi Hokkaido lần ấy cũng trở thành một thứ động lực mơ hồ nhưng mạnh mẽ, giúp tôi “mạnh dạn” điều chỉnh nhiều chi tiết trong kế hoạch cá nhân, tranh thủ tối đa những điều kiện có được trong thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu ở Tokyo để lang thang qua nhiều vùng, nhiều điểm đến trên toàn nước Nhật. Chi phí du lịch ở Nhật nổi tiếng là đắt đỏ, kể cả khi so sánh với thu nhập của người bản xứ, còn thời gian thì vô cùng quý báu do chế độ làm việc nghiêm ngặt và yêu cầu về công việc rất cao, nhưng tôi biết mình chẳng bao giờ phải ân hận về những gì đã bỏ ra lúc đó cho những cuộc du hành, vì những trải nghiệm thú vị và những kỷ niệm đẹp sẽ là thứ tài sản vô giá của tôi trên quãng đường phía trước. Hơn cả mọi thứ mà tôi từng có được, chúng giúp tôi nhớ rằng mình đã đi qua cuộc đời như thế nào, và hiểu rằng với những điều kiện nào thì mình đạt đến những khoảnh khắc hiếm hoi mà người đời vẫn gọi là hạnh phúc...


[1] Furano viết bằng Hán tự là 富良野, nếu chiết tự để giải nghĩa thì có thể hiểu là “cánh đồng tươi đẹp và trù phú”.