Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ ĐIỂN NHẬT BẢN Ở PHƯƠNG TÂY – VÀI GHI NHẬN QUA “CỬA SỔ” UNIVERSITY OF CALIFORNIA, LOS ANGELES (UCLA)


Thú thật tôi cũng không rõ vì sao mình phải viết ra những dòng này. Tôi thích viết nhưng sợ phải viết ra những thứ không đến đầu đến đũa, vì nếu vậy thì sự viết không phải là giải tỏa mà ngược lại khiến cho tôi day dứt nhiều hơn. Nói rõ hơn trong trường hợp này, tôi ngại viết vì nghĩ rằng một khi đã nói đến vấn đề nghiên cứu thì nên viết một cái gì thật sự là học thuật. Đáng tiếc là tôi hoàn toàn không thể làm điều đó trong hoàn cảnh hiện tại vì rất nhiều lý do. Biết vậy, lẽ ra tôi nên cất những suy nghĩ lan man trong đầu vào góc tối và làm tiếp những việc làm dang dở. Nhưng có điều gì đó không rõ rệt vẫn khiến tôi muốn viết, muốn giãi bày dù biết ở thời điểm hiện tại mình chỉ có thể viết những điều vụn vặt, lan man...
Cũng có thể vì trong tôi bỗng gợn lên một cảm giác gì đó khiến tôi chợt muốn chia sẻ với mọi người, khi nhận được email của một học giả hỏi về ý nghĩa của niên hiệu mà Nhật Bản mới vừa công bố. Tác giả email là một học giả về khoa học cơ bản, đã từng sống và làm việc khá lâu trong môi trường giáo dục phương Tây nhưng không hiểu vì sao rất ngưỡng mộ và gần đây thích tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản. Tôi biết thế nên không lấy làm lạ mỗi khi nhận email của thầy nhờ cắt nghĩa một khái niệm nào đó. Tôi biết mình không hơn gì thầy ngoài việc có thể tra cứu bằng tiếng Nhật. Nhiều khái niệm nhờ thầy nêu ra mà tôi mới biết đến lần đầu, nên tất cả những gì tôi có thể làm để giúp thầy là tra cứu rồi thuật lại những gì mình hiểu qua email viết bằng tiếng Việt. Niên hiệu mà Nhật Bản mới công bố gần đây cũng là một trường hợp như thế.
Thoạt tiên, tôi nghĩ rằng chỉ cần tìm tự dạng Hán tự của niên hiệu thì sẽ có thể trả lời ngay câu hỏi của thầy (trên email thầy chỉ viết phiên âm Latin của từ nên tôi không rõ nghĩa). Nhưng khi tìm kiếm những thông tin giúp mình biết tự dạng, tôi đồng thời được biết đây không phải là một từ đơn bình thường có thể tìm thấy dễ dàng trong từ điển. Rắc rối hơn, xuất xứ của từ này được tuyên bố là văn học cổ điển Nhật Bản, cụ thể là bài thơ trong tập thơ quốc âm Manyoshu 万葉集được sưu tầm trong khoảng thời gian từ nửa cuối thế kỷ thứ VII đến nửa đầu thế kỷ thứ VIII.
Thông tin về xuất xứ niên hiệu khiến trong tôi có chút gì chùng xuống. Như đã từng biết đến văn hóa Nhật trong rất nhiều việc khác, tôi kính trọng người Nhật trong cái cách mà họ lựa chọn và công bố niên hiệu lần này. Nhưng thành thật mà nói thì tôi cảm thấy thật khó khăn khi phải giải thích với ai đó về bất cứ cái gì có nguồn gốc là văn học cổ điển Nhật Bản, dù biết rằng trong trường hợp cụ thể hiện tại thì tôi chỉ có thể trình bày ngắn gọn trong vài dòng email. Điều khiến tôi cảm thấy không thoải mái là cảm giác như mình chỉ có thể nói với ai đó rằng mình đang thấy biển, và biển là nơi chứa thứ nước rất mặn, trong khi bản thân đang đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ với màu nước, màu trời, khi mái tóc làn da tắm nắng và đón gió, khi lồng ngực xôn xao cùng nhịp sóng và tâm hồn bay theo cánh hải âu...
Tôi thấy không thoải mái vì hiểu được tình trạng bất bình đẳng giữa việc hiểu văn hóa Nhật Bản từ bên trong và việc cố gắng tiếp thu những gì được gọi là Nhật Bản qua những hiện tượng, thông tin rời rạc trên bề mặt bên ngoài. Tôi thấy ở đó sự khó khăn của mình và của rất nhiều người muốn tìm hiểu Nhật Bản từ điểm nhìn đặt ở một nền văn hóa khác. Nhật Bản bí ẩn không phải vì người Nhật giấu giếm bản thân trước người ngoài mà vì sự độc đáo nội tại ở sợi dây bền chặt nối kết hiện tại và quá khứ xuyên suốt tiến trình lịch sử không gián đoạn, chỉ có những thay đổi theo thời gian mà không bị đứt gãy hay thoái bộ về giá trị văn hóa. Độc đáo có nghĩa rằng đó là một hiện tượng hiếm gặp. Và dễ hình dung rằng những hiện tượng kiểu đó thường kích thích những bộ óc tò mò nhưng không dễ phân tích đối với bất kỳ ai.
Mối liên hệ giữa những suy nghĩ mà tôi muốn viết ra và chuyện hiểu ý nghĩa niên hiệu Nhật Bản vừa công bố cũng xuất phát từ đặc tính độc đáo của văn hóa Nhật Bản.
Nhưng trước khi trình bày cụ thể về những suy nghĩ ấy, và bởi vì đã chấp nhận là sẽ viết những điều vụn vặt lan man, tôi cảm thấy có lẽ cần thẳng thắn nhìn nhận cái tình cảnh lạ lùng đã cho mình cơ hội nhìn qua “ô cửa sổ” ở một chốn xa xôi đến mức tôi chẳng bao giờ mơ đặt chân đến đó.
UCLA là một thành viên thuộc mạng lưới University of California, hay có thể nói là campus đóng ở Los Angeles của mạng lưới đại học này, bên cạnh những campus ở các nơi khác trong phạm vi California như San Diego hay Berkeley.
Tôi vốn không thích những đô thị, đặc biệt lại là đô thị trong lòng một quốc gia khá trẻ. Một nơi chỉ có phố xá và nhà cửa, nơi để hưởng thụ đời sống theo kiểu công nghiệp hóa thường là nơi mà tôi cảm thấy rất ít mối liên hệ với mình, dù tôi có thể sống ở đó hoặc đi xuyên qua đó nếu cuộc đời đưa đẩy. Dĩ nhiên là nếu có điều kiện thì tôi muốn đi khắp mọi nơi để biết về thế giới. Nhưng với tất cả những thông tin lặt vặt giúp tôi có một ý niệm nào đó về nước Mỹ, thật sự tôi chưa từng khao khát được đặt chân đến những nơi tạo nên ấn tượng về bộ mặt hoành tráng của “siêu quốc gia” này như New York hay Washington DC. Tôi cũng mù tịt về điện ảnh nên hầu như không biết gì đến sức hấp dẫn của “kinh đô” Hollywood. Thật buồn cười là nếu muốn nghĩ về nước Mỹ như một điều tốt đẹp, tôi vẫn thường nhớ lại những trang viết của Jack London miêu tả những miền đất hoang vu và băng giá, nơi rất ít sự sống và dường như chẳng liên hệ gì đến thế giới văn minh, nơi chỉ dành cho những người khốn khổ nhất của xã hội loài người hay những kẻ thích phiêu lưu mạo hiểm!
Tôi biết đến cái tên UCLA lần đầu tiên do một người hoàn toàn xa lạ. Cô ấy gửi email cho biết một giáo sư ở UCLA, là đồng nghiệp của cô, đang tìm người tham gia một đề án được thực hiện do nguồn tài trợ của Nhật Bản. Tôi mở đường dẫn gửi kèm trong email thì thấy tên của nhà tài trợ quen thuộc – Japan Foundation – nhưng chương trình thì tôi chưa từng biết. Đọc lướt qua thông tin, tôi cũng chỉ biết mơ hồ rằng đây là chương trình tài trợ cho hoạt động học thuật có sự hợp tác của Mỹ và khu vực Đông Nam Á. Tôi chỉ thấy ngạc nhiên vì lần đầu tiên biết đến một loại chương trình kéo dài đến mấy năm, và chỉ để ý là thời hạn của chương trình đang thực hiện ở UCLA sẽ kết thúc vào tháng 3 năm tới.
“Phải trả lời thế nào cho xong vụ này đây?” Đó là tất cả những gì tôi nghĩ sau khi đọc email và đọc qua nội dung giới thiệu chương trình. Cho đến thời điểm đó, suốt mấy năm tôi dành hết thời gian mình có thể tranh thủ để dịch một tác phẩm là đối tượng nghiên cứu chính của tôi. Công việc tôi đang làm giống như một “phiến đá cửa vào” quá nặng nề đồ sộ. Nếu tôi không làm xong thì cũng không thể nào đi tiếp trên con đường học hành, nghiên cứu. Nhưng dù có cố làm hết sức thì cũng không biết khi nào việc mới xong. “Phiến đá” nặng nề kia buộc tôi phải từ bỏ gần như mọi thứ, ngoài những gì thiết yếu giúp tôi thở được và sống được. Cho nên, phản xạ của tôi trong suốt thời gian đó là từ chối tất cả mọi lời đề nghị làm gián đoạn công việc của mình.
Tôi không nghĩ ngợi gì về việc mình không thể dự tuyển để tham gia đề án ở UCLA mà chỉ thấy cảm kích trước một sự tử tế ngoài khả năng mong đợi. Tôi cảm thấy cả vị giáo sư đã đánh tiếng để tìm người tham gia chương trình và người đã trực tiếp liên hệ với tôi qua email đều vô cùng tử tế, đồng thời cảm thấy mình là người có lỗi vì không thể sắp xếp thời gian cho lời đề nghị bất ngờ này. Tuy nhiên, cũng chính vì điều đó mà tôi nghĩ rằng mình không thể nói lời từ chối đơn giản với cả hai. Tôi thầm ước giá như không phải làm điều đó. Xem kỹ lại thông tin, tôi thấy email được gửi cho bốn người, đều là trong đơn vị mà tôi làm việc. Nhưng vì lý do riêng, tôi không thể yêu cầu hay nhờ vả bất kỳ ai trong số ba người còn lại để có người đại diện đứng ra từ chối. Tôi cũng không tin tưởng rằng có ai trong số ba người đó sẽ liên hệ với vị giáo sư kia như một người dự tuyển. Với những gì tôi biết về cách thức làm việc của những người xung quanh, tôi đoán rằng chuyện này sẽ rơi vào quên lãng như rất nhiều chuyện khác, nếu bản thân tôi không nhận lấy trách nhiệm cảm ơn người kết nối và liên hệ với vị giáo sư kia, dù chỉ liên hệ để mọi chuyện khép lại mà không khiến cho ai phải buồn lòng.
Sau vài phút suy nghĩ, tôi trả lời ngắn gọn để cảm ơn người đã gửi email, và hứa rằng tôi sẽ liên hệ với vị giáo sư kia để tìm hiểu thông tin chi tiết. Cô ấy khiến tôi thêm cảm kích vì hồi đáp ngay và cũng cảm ơn tôi. Nhưng tôi đành tạm gác mọi chuyện ở đó vì chưa biết cụ thể phải thực hiện ra sao lời hứa hẹn của mình, rồi vẫn theo quán tính vùi đầu vào công việc.
Chừng khoảng một tuần sau thì tôi bị cảm – một trạng thái khiến cho tôi vô cùng mệt mỏi và khó chịu vì phải tạm rời khỏi công việc luôn luôn thúc bách mình. Vì không phải là bệnh nghiêm trọng để ngủ vùi và quên đi mọi thứ, tôi không ngồi vào bàn làm việc nhưng cứ cầm sách đọc và suy nghĩ miên man. Rồi tôi nhớ đến câu chuyện tử tế mà mình đang bỏ dở. Trong trạng thái đầu óc cứ nhức mỏi tù mù, tôi chợt nhủ thầm mình phải liên hệ chứ không được để cho mọi chuyện trôi đi mất. Tôi tự động viên mình rằng lâu ngày chỉ toàn dùng tiếng Nhật thì thử viết tiếng Anh cho vui, vì là viết cho một người hoàn toàn xa lạ, chẳng khác gì cầm viên sỏi tí hon mà ném vào lòng biển, chỉ để không ai phải phật lòng và mình khỏi áy náy mà thôi.
Tôi định là sẽ viết hơi dài vì biết rằng khó có thể giải thích đủ để khiến người ta thật lòng thông cảm. Nhưng có lẽ vì trạng thái uể oải thúc giục tôi tìm con đường ngắn nhất, tôi nói toạc ra việc gì đang khiến mình bận rộn, và cố ý phân trần rằng mình không thể sắp xếp được thời gian trước mùa xuân năm sau, vì biết rằng chương trình sẽ kết thúc trước khi mùa xuân đến.
Thú thật là ở thời điểm ấy, tôi vẫn hình dung rằng nghiên cứu văn học cổ điển Nhật Bản là một chuyên ngành hẹp, và không kỳ vọng rằng, dù là một trường đại học quy mô lớn ở Mỹ, có nhiều người cùng làm việc trong chuyên ngành đó để xem xét trường hợp của tôi nếu tôi muốn tham dự chương trình. Nhưng vì chỉ muốn nói lời từ chối, tôi hy vọng cái tên tác phẩm mình viện ra có đủ sức nặng và đủ tầm ảnh hưởng để vị giáo sư kia, dù ở chuyên ngành nào, sẽ thông cảm vì hiểu rằng tôi bận rộn thật sự chứ không phải vì thiếu thiện chí nên mới viện lý do. Tôi gửi thư và cảm thấy mình đã trút xong gánh nặng.
Trong vài ngày sau đó không có thư trả lời, tôi thản nhiên nghĩ rằng mọi việc đã trôi vào quên lãng, tự nhủ dù mình có viết thư vụng về hay làm cho vị giáo sư phật ý thì chuyện cũng đã qua. Nhưng rồi tôi nhận thư vào lúc không ngờ nhất. Vị giáo sư viết rằng vì ông cũng nghiên cứu tác phẩm tôi đang dịch, nên rất vui nếu tôi nhận lời đến thăm trường vào học kỳ mùa xuân năm tới, với hy vọng là chúng tôi có thể học hỏi nhau những điều bổ ích nhờ trao đổi ý kiến chuyên môn. Tôi bàng hoàng và biết rằng lần này thì không có cách nào mà từ chối được nữa, vì chính tôi đã đề cập đến từ “mùa xuân” và vị giáo sư đề nghị tôi đến thăm trường vào lúc ấy. Tôi chỉ thầm thắc mắc là không hiểu vì sao học kỳ mùa xuân ở Mỹ lại là khoảng thời gian của ba tháng đầu năm, rồi về sau mới biết là do vị giáo sư ghi nhầm mùa đông thành mùa xuân trong email lần đó!
Mọi chuyện thật không dễ dàng gì khi tôi đành chấp nhận để công việc nặng nề của mình rơi vào tình trạng gián đoạn thêm lần nữa (trước đó đã có đến ba lần, lần nào cũng phải tốn khá nhiều thời gian và cũng vì những lý do nghiêm trọng, những tình huống không thể lựa chọn khác), trong khi tôi lại ở thời điểm dồn nén nhiều căng thẳng, và hoàn toàn không có thời gian dành cho việc nghiên cứu để có thể đáp ứng bất cứ kỳ vọng nào của một đối tác cần trao đổi chuyên môn. Tôi chỉ có một điểm tựa mong manh về mặt tinh thần, đó là bản năng muốn bước ra thế giới bên ngoài để học hỏi đôi điều mới mẻ. Bình tĩnh lại, tôi nhận ra mình cũng cần nghe ý kiến ai đó để xác nhận những ý tưởng của mình trên con đường nghiên cứu, đồng thời cũng cần tìm tài liệu phương Tây để so sánh và hiểu thêm một số vấn đề. Vậy là tôi đến với UCLA như một người trên đường đến cơ quan ghé lại một cửa hàng khi nhận ra cần tranh thủ mua vài vật dụng.
Thật may mắn khi Los Angeles không phải là một kiểu thành phố ầm ào nuốt chửng tôi. Nó là siêu đô thị nhưng nó trải rộng và có nhiều khu đáng sống đối với kiểu người thích một nơi ẩn mình bình yên, thanh thản. Và chỗ tôi tạm trú là một nơi như vậy, với cái tên Westwood gợi lên vẻ hoang sơ và campus trải rộng liền kề. Hài lòng với sự may mắn đó và bận tâm vì quá nhiều gánh nặng, tôi đắm mình vào những việc cần làm, đến mức hơn một nửa học kỳ trôi qua mà vẫn chưa biết gì về thành phố có cái tên thơ mộng, lại là nơi nổi tiếng khắp toàn cầu vì chứa trong lòng nó một kinh đô điện ảnh. Nhiều lúc tôi chỉ nhớ là mình đang làm gì chứ không có cảm giác rõ ràng là mình đang ở đâu. Hay những lúc ngồi co ro trong phòng nhìn qua cửa sổ thấy mưa gió tả tơi trên những tán lá cọ bên ngoài, tôi chợt thấy như mình hoàn toàn cách biệt với thế giới, và Los Angeles trở thành một cái tên trống rỗng...
Môi trường học thuật đầu tiên mà tôi được làm quen ở UCLA là một seminar trình độ sau đại học. Lớp chỉ có vỏn vẹn bốn học viên. Giáo sư điều hành seminar đến từ một trường đại học ở Vancouver, Canada. Cũng là một khách mời của trường trong học kỳ mùa đông giống như tôi nhưng cô ấy đã là người kỳ cựu trên con đường nghiên cứu. Cô giảng dạy, làm diễn giả trong một buổi nói chuyện tổ chức riêng và kết hợp với một đồng nghiệp ở UCLA tổ chức một hội thảo quốc tế về chủ đề phụ nữ trong văn học Nhật Bản, có sự tham gia của các học giả, nghiên cứu sinh và học viên cao học đến từ đại học Waseda, một số đại học khác ở Mỹ và Đông Nam Á, trong khuôn khổ đề án mà tôi cũng như cô đều là những thành viên tham dự. Seminar cô dạy cũng tập trung vào chủ đề phụ nữ trong văn học Nhật Bản.
Vị giáo sư mà tôi đã liên hệ và được tiếp nhận để tham gia chương trình hóa ra không phải là một vị lão thành về mặt tuổi tác như tôi nghĩ. Anh khiến tôi sửng sốt trong lần đầu gặp mặt vì gương mặt rất trẻ và tác phong nhanh nhẹn không khác gì một cậu sinh viên. Nhưng anh là chủ nhiệm đề án, có vị thế chuyên môn rất cao và bận rộn kinh khủng trong suốt cả học kỳ vì rất nhiều sự kiện. Rủi thay, ở UCLA chỉ có anh là chia sẻ với tôi về đối tượng nghiên cứu, nên theo thông lệ của chương trình thì anh là đối tác nghiên cứu của tôi và có trách nhiệm giúp đỡ tôi về mặt học thuật trong thời gian tôi là khách mời ở nơi này. Trong lần gặp đầu tiên, anh vui vẻ cho biết sẽ sắp xếp những buổi nói chuyện để giúp tôi trao đổi ý kiến với mọi người. Tôi cũng rất hào hứng với chương trình như thế nhưng cũng rất băn khoăn, ái ngại trong thời gian đợi anh thu xếp, vì anh bận đến nỗi không đủ thời gian để trả lời tất cả những email công việc, hoặc phải trả lời những trường hợp cấp thiết vào lúc đã quá khuya.
Trong quãng thời gian đó, tôi gắng dành thời gian tham dự seminar để học hỏi đôi điều, dù tôi chẳng có ý niệm gì về nghiên cứu nữ quyền, nữ giới hay những chủ đề tương tự trong văn học. Giáo sư điều hành seminar cũng là người vô cùng tử tế và luôn thân thiện, giúp đỡ tôi. Sau lần gặp đầu tiên, cô hẹn tôi ở thư viện nghiên cứu và đưa cho tôi cả một tập tài liệu rất dày, để tôi tiện theo dõi nội dung mà mọi người trao đổi trong buổi học kế tiếp. Tôi rất hứng thú và cố gắng dành thời gian để đọc, vì nội dung chủ yếu của mớ tài liệu đó là văn học cổ điển Nhật Bản.
Nhưng lập tức, tôi cảm thấy dường như mình vừa vấp một tảng đá lớn ngay khi dừng mắt ở tài liệu đầu tiên.  Đó là một luận án tiến sĩ mà đối tượng nghiên cứu là một số tác phẩm tự sự của văn học cổ điển Nhật Bản, trong số đó chỉ có Genji monogatari là tác phẩm tôi được biết nội dung rõ nhất[1]. Tựa đề luận án rất hoa mỹ, nhưng khi đọc vài câu phần giới thiệu mở đầu, tôi hiểu ra điều tác giả luận án muốn trình bày là bạo lực tình dục (sexual violence) và cưỡng hiếp (rape) mà tác giả ghi nhận trong nội dung những tác phẩm nói trên.
Tôi chưa có điều kiện đọc những tác phẩm thuộc dòng “monogatari” của các phụ nữ quý tộc Nhật Bản thời trung đại, nhưng với những gì được biết về Genji mongatari, tôi gần như choáng váng khi bắt gặp quan điểm cho rằng hành động của Genji đối với một số nhân vật nữ là bạo lực tình dục hay cưỡng hiếp! Tôi choáng váng không phải vì bản thân những lập luận mà tác giả luận án đưa ra, mà vì không hiểu tại sao tác giả lại lập luận như vậy.
Phần “ghi nhận” của luận án giúp tôi biết rõ rằng để thực hiện công trình này, tác giả đã đến nghiên cứu ở Nhật Bản một năm theo chương trình tài trợ của Japan Foundation dành cho nghiên cứu sinh cần thu thập tài liệu viết luận án. Tác giả cũng trình bày rất rõ rằng bản thân đã trải qua quá trình làm việc rất chặt chẽ, công phu với nhiều người hỗ trợ trong thời gian thực hiện nghiên cứu ở Đại học Sophia, Nhật Bản. Vì cũng đã từng được tài trợ để tham gia cùng một chương trình nghiên cứu như cô ấy, dù thời gian tôi ở Nhật ngắn hơn khá nhiều và tôi không may mắn được người cùng chuyên môn hướng dẫn, tôi dễ dàng hiểu được người ta có thể làm những gì trong thời gian một năm ở điều kiện tuyệt vời như vậy, đặc biệt là khi đã có một nền tảng học thuật vững vàng chứ không ở hoàn cảnh phải đâm ngang bổ ngửa như tôi. Hơn thế nữa, phần “ghi nhận” của cô còn nhắc đến một cái tên thuộc hàng “đại thụ” trong lĩnh vực nghiên cứu văn học Nhật Bản ở phương Tây, và cho biết đó là người đã gợi ý cho cô tiếp cận với đề tài nghiên cứu của luận án tiến sĩ.
Tôi choáng váng vì hiểu rằng với những thông tin tôi được biết thì đây là một bản luận án không thể chứa đựng những sai lầm ngờ nghệch – điều mà tôi luôn phấp phỏng sợ mình mắc phải do không có nền tảng học thuật và do thiếu thông tin – thế nhưng nó lại chứng minh những luận điểm mà tôi chẳng biết tìm đâu ra chứng cứ. Nhưng rất may là bản năng hiếu kỳ của một người ưa học hỏi đã giúp tôi lấy lại bình tĩnh sau cú sốc và quyết định đọc kỹ nội dung luận án xem tác giả đưa ra những lập luận cụ thể thế nào.
Dĩ nhiên nội dung mà tôi có trên tay không phải là toàn bộ mà chỉ là một phần luận án. Chương đầu khiến tôi vất vả và mất nhiều thời gian vì là chương thuần túy lý thuyết, trong đó tác giả đi xuyên qua lịch sử nghiên cứu hiện tượng “rape” trong học thuật phương Tây để minh định khái niệm “rape” trong trường hợp mà tác giả nghiên cứu, đồng thời biện giải cho việc sử dụng những lý thuyết đương đại để soi rọi, phân tích những hiện tượng được thể hiện trong tác phẩm tự sự cổ điển.
Tuy hoàn toàn không có kiến thức nền tảng cho lĩnh vực nghiên cứu về “rape” nhưng nhờ cách trình bày mạch lạc và quan điểm rõ ràng của tác giả luận án nên tôi vẫn lĩnh hội được chương lý thuyết này. Những gì tác giả luận án viết ra trong chương đó khiến cho tôi ngưỡng mộ bề dày truyền thống làm lý thuyết trong học thuật phương Tây, nhất là ngưỡng mộ nền tảng lý thuyết sâu rộng cùng khả năng diễn đạt sáng rõ, hùng hồn và đầy sức thuyết phục của tác giả luận án. Nhưng tôi vẫn mơ hồ nhận ra khoảng trống còn bỏ ngỏ giữa thế giới lý thuyết rất phong nhiêu về bạo lực tình dục hay chủ trương nam nữ bình quyền với những gì tôi đã gặp trong thế giới độc đáo của văn học cổ điển Nhật Bản. Chính vì vậy mà dù phải chật vật để tranh thủ thời gian, tôi vẫn hào hứng đọc tiếp phần phân tích sự thay đổi trong mối quan hệ giữa Genji và Murasaki từ trường hợp gần giống cha nuôi và con gái sang tình yêu nam nữ - một chi tiết thuộc nội dung chương 9 trong tác phẩm Genji monogatari.
Đi vào phân tích cụ thể chi tiết này, tác giả lập luận rằng cách Genji cư xử với Murasaki là một kiểu bạo lực tình dục, vì những gì xảy ra đánh dấu sự thay đổi trong mối quan hệ giữa hai người đã khiến cho Murasaki toát mồ hôi đầm đìa – dấu hiệu cho thấy nàng hết sức sợ hãi khi bị buộc phải chấp nhận điều trái ý trong tình cảnh hoàn toàn bất lợi.
Ít nhất thì cách lập luận vẫn không kém chặt chẽ và mạch lạc ở phần này giúp tôi cảm thấy mình đã bước thêm một bước. Quả thật tác giả luận án không diễn giải sai lạc hay nhầm lẫn điều gì khi xử lý nội dung văn bản. Tôi mừng vì thật sự không có kiểu nhầm lẫn như tôi đã lo sợ lúc ban đầu, và từ đó chợt mơ hồ kỳ vọng sẽ gặp được điều gì lý thú nếu hiểu ra vì sao tác giả lại theo đuổi đề tài luận án để chứng minh những luận điểm như vậy.
Nhưng đạt được kết quả như tôi kỳ vọng là hết sức khó khăn. Vì ở thời điểm ấy, những gì tôi biết về câu chuyện giữa hai nhân vật Genji và Murasaki được tác giả luận án đưa ra phân tích chỉ đơn thuần là nội dung văn bản. Tôi chưa từng lưu ý riêng đoạn văn này để tìm hiểu, truy cầu một cái gì sâu sắc tiềm ẩn đằng sau lớp ngôn ngữ văn chương, nên chỉ đủ sức để biết rằng nội dung diễn giải trong luận án đúng như điều tôi đã hiểu khi đọc câu chuyện đó. Điểm khác biệt giữa tôi và tác giả luận án là ở cách nhận định ý nghĩa của vấn đề. Tôi không hiểu được vì sao nếu như nhân vật nữ có biểu hiện như Murasaki trong tình tiết nói trên thì hành vi của nhân vật nam được cho là một kiểu bạo lực tình dục, bởi khi đọc tình tiết đó trong truyện, tôi chỉ cảm nhận rằng tác giả muốn miêu tả trạng thái nội tâm của nhân vật theo cách có thể gây ấn tượng sâu sắc mà thôi, còn về mặt sự kiện thì sự thay đổi mối quan hệ giữa hai nhân vật đã diễn ra tốt đẹp thể hiện qua tình cảm gắn bó tự nhiên, đằm thắm giữa hai bên kể từ thời điểm đó trong cuộc sống lâu dài, chẳng có dấu hiệu gì của một tấn bi kịch khởi đầu bằng hành vi bạo lực tình dục hay cưỡng hiếp.
Vì vậy, tôi khép lại phần luận án đã được cung cấp như một tài liệu dùng cho seminar với nỗi băn khoăn chưa giải tỏa và cảm giác hào hứng mong được nghe ý kiến của mọi người khi bình luận về nội dung tài liệu này trên lớp. Tôi thấy vui khi bước vào phòng học lúc giáo sư chưa đến và nghe hai học viên hoạt ngôn nhất lớp vừa chào nhau đã hỏi ý kiến nhau về đề tài “rape” trong tài liệu. Hai bạn đồng ý với nhau rằng tác giả của tập luận án kia có lối diễn đạt rất hoa mỹ, nhưng dường như lập luận không thuyết phục nếu cho rằng chuyện đã xảy ra trong Genji monogatari là “rape”. Nhưng rốt cuộc, dưới sự dẫn dắt của giáo sư điều hành seminar, cuộc thảo luận hôm đó không dành nhiều thời gian cho tập luận án đã khiến tôi thắc mắc, mà cũng không đi vào cụ thể những điều mà tác giả luận án đã lập luận, chứng minh. Các học viên chỉ bày tỏ chung chung là họ cảm thấy khó có thể đồng thuận với cách lập luận của tác giả, vì đối với họ thì mối quan hệ giữa Genji và Murasaki là tình yêu lãng mạn hơn là chuyện người này dùng bạo lực để cưỡng đoạt người kia. Giáo sư thì ghi nhận ý kiến của học viên với thái độ ôn hòa, chỉ hỏi cụ thể các học trò nghĩ gì khi đọc đoạn miêu tả cảm xúc của Murasaki trong bản cổ ngữ, và rồi lại ghi nhận khi học viên trả lời bằng cách lý giải vì sao nhân vật Murasaki lại thảng thốt bàng hoàng khi nhận ra mối quan hệ giữa nàng và Genji đã thay đổi theo cách mà nàng không bao giờ ngờ đến.
Nội dung thảo luận trên lớp không sâu sắc tường minh như tôi kỳ vọng, nhưng tôi nhanh chóng hiểu ra rằng mình không thể đòi hỏi nhiều hơn, vì nội dung tài liệu khiến tôi phải bận tâm chỉ là một phần trong số những tài liệu mà học viên cần phải xử lý, vì không ai trong số học viên tham dự seminar có ý định nghiên cứu hay đã có sự chuẩn bị cần thiết để đi sâu vào nội dung chi tiết của Genji monogatari, và bản thân giáo sư điều hành seminar cũng không phải là một chuyên gia về tác phẩm này.
Không còn cách nào khác, tôi đành bỏ ngỏ nỗi băn khoăn và quay về với việc đọc tài liệu.
Với tài liệu kế tiếp[2], thoạt tiên tôi chỉ cảm thấy dễ chịu, thoải mái vì tác giả bài nghiên cứu lập luận dễ hiểu và nội dung của bài nghiên cứu là những vấn đề quen thuộc, dễ tiếp thu. Cũng đề cập đến khái niệm “rape” khi phân tích nội dung tác phẩm Genji monogatari nhưng tác giả bài nghiên cứu này thành thật trình bày rằng sau khi đọc kỹ tình tiết miêu tả sự thay đổi trong mối quan hệ giữa Genji và Murasaki, bản thân đã nhận ra cách cư xử của Genji không đáng bị cho là cưỡng hiếp. Tôi đồng tình với tác giả nhưng biết rằng điều đó không thể giúp tôi giải tỏa mối băn khoăn, vì tôi không tìm kiếm một ai đó biện hộ cho cách nghĩ của mình mà muốn hiểu vì sao tác giả của tập luận án kia lại lập luận như vậy, với nền tảng học thuật vững vàng và điều kiện tối ưu giúp cô tìm hiểu kỹ vấn đề để có cách nhìn nhận sâu sắc và hợp lý.
Vừa đọc tiếp vừa lơ mơ nghĩ ngợi, tôi chợt hiểu ra điều mà tác giả bài nghiên cứu muốn tập trung làm rõ là giá trị của sự yếu đuối mong manh (vulnerability). Tác giả có vẻ là người rất am hiểu văn hóa truyền thống Nhật Bản trong xã hội quý tộc thời Heian cũng như thời trung đại, và lý giải nội dung những tác phẩm tự sự được sáng tác trong khoảng thời gian đó trên nền tảng quan niệm và lối sống đương thời. Cụ thể, tác giả đưa ra nhiều ví dụ cho thấy các nhân vật nữ trong truyện kể ở thời kỳ nói trên gần như bằng mọi cách luôn phải thoái thác khi có người khác phái tiếp cận và thổ lộ tâm tình, bày tỏ mong muốn xây dựng mối quan hệ tình cảm, đồng thời lập luận rằng sở dĩ như vậy là bởi vì theo quan niệm đương thời, thái độ thoái thác trước những lời tỏ bày lãng mạn, tự đặt bản thân vào vị trí khó tiếp cận là một điều quan trọng trong giá trị phẩm cách của phụ nữ. Một người dù ở vị thế cao, có nhiều ưu điểm về ngoại hình, tính cách nhưng nếu là trường hợp mà nam giới thuyết phục dễ dàng thì sẽ bị chính người chinh phục mình đánh giá là tầm thường, dễ dãi.
Tôi cảm thấy thú vị với cách lập luận này. Biểu hiện của các nhân vật trong tác phẩm theo cách cứ kéo dài tình huống phải giằng co như thế thì tôi đã quen thuộc từ lâu, nhưng nhờ có sự soi rọi của văn hóa truyền thống mà tôi mới nhận ra điều đó là biểu hiện của một cách nhìn nhận thú vị về giá trị nữ giới. Nói ngắn gọn thì tôi lại được biết thêm một nghịch lý trong số nhiều nghịch lý của văn học và văn hóa Nhật Bản. Nghịch lý này cho thấy phụ nữ thật yếu đuối mong manh vì luôn ở tình trạng phụ thuộc vào nam giới, phải chú tâm và hết sức thận trọng để giữ gìn danh dự vì luôn là đối tượng để nam giới kiếm tìm, theo đuổi; nhưng mặt khác chính sự mong manh ấy lại tạo nên nét quyến rũ của họ theo cách nhìn nhận giá trị của phái nam. Người ta không cho rằng vì cần một điểm tựa mà phụ nữ nên sốt sắng ưng thuận lời đề nghị bắt đầu mối quan hệ tình cảm với bất cứ người nào đủ điều kiện đảm bảo một đời sống hạnh phúc.
Thoạt nghe thì một quan niệm đầy nghịch lý như vậy có vẻ rất lạ lùng. Nhưng vì đã quen với một số khía cạnh trong văn hóa Nhật Bản nên tôi không lấy làm khó hiểu vì sự lạ lùng này. Ngược lại, tôi phấn khởi vì nó tình cờ giúp tôi tháo gỡ được vấn đề đã khiến tôi thắc mắc.
Kể từ lúc được biết về xã hội quý tộc qua văn học cổ điển Nhật Bản, mà chủ yếu là xã hội ở thời Heian là giai đoạn phát triển đỉnh cao của văn hóa vương triều, tôi nhận thấy phụ nữ quý tộc có vị thế đặc biệt trong truyền thống văn hóa độc đáo. Tuy chưa từng đi sâu vào tìm hiểu chi tiết thông qua những đề tài nghiên cứu cụ thể nhưng cảm nhận chung chung như vậy đủ giúp tôi tránh khỏi những băn khoăn. Chính xác hơn, tôi cảm nhận có một sự cân bằng nào đó ở vị thế của phụ nữ quý tộc, tuy rằng mới biết qua thì người ta có thể cảm thấy họ quá đỗi thiệt thòi với đời sống khép kín, bị động và hoàn toàn phụ thuộc vào nam giới. Tôi biết rằng cảm nhận của riêng tôi là ghi nhận cảm tính vì tôi coi trọng những giá trị như thời lượng và sự tự do dành cho việc trau dồi kiến thức, làm phong phú đời sống văn hóa và phát triển năng lực thẩm mỹ, và tôi cho rằng nó là sự đánh đổi không tệ cho tình thế bị động của phụ nữ quý tộc thời xưa. Nhưng vì là cảm tính nên tôi chỉ dừng lại ở đó mà không phân tích cho cặn kẽ những vấn đề lợi hại như những nhà nghiên cứu theo khuynh hướng nữ quyền. Quan trọng hơn, tôi không có giả thiết ban đầu rằng hễ là phụ nữ thì bị thiệt hại nhiều hơn là nắm giữ ưu thế. Nhân tiện, tôi không ủng hộ hay phản đối những người có quan điểm nữ quyền, và cố gắng hiểu họ dù đôi khi họ có vẻ cực đoan, nhưng không hiểu vì sao tôi chỉ thích những gì thuộc về phụ nữ khi họ không nghĩ rằng vì mình là phụ nữ nên phải làm điều đó hay phải thể hiện mình như vậy.
Trở lại với vấn đề thắc mắc về luận điểm nghiên cứu, tôi đã tháo gỡ được rắc rối khi nhìn nhận mọi chuyện theo cách lý tính hơn. Nhờ quan điểm và cách lập luận của Margaret H. Childs, tôi hiểu rằng phụ nữ quý tộc thời Heian thực sự có ưu thế của họ, dẫu rằng ưu thế đó gắn với quan niệm xã hội có vẻ khá dị thường. Từ đó, tôi nhận ra điều tác giả Genji monogatari muốn nói khi miêu tả một cách ấn tượng cơn khủng hoảng tâm lý của nhân vật Murasaki lúc biết rằng tình cảm thật sự của Genji đối với nàng không phải là tình cảm cha con như suốt bấy lâu nàng lầm tưởng.
Murasaki có cảm giác sững sờ, thảng thốt vì bất ngờ tỉnh ngộ, hiểu ra bản thân đã sai lầm nghiêm trọng khi ngây thơ tin rằng Genji đối với nàng luôn như một người cha, bởi niềm tin ấy đã khiến nàng thân thiết với Genji thật tự nhiên thoải mái, trong khi theo quan niệm đương thời thì đó là biểu hiện rõ ràng nhất của một người phụ nữ dễ dãi, tầm thường. Chính vì Genji đã dốc công rèn luyện để giúp nàng trở thành một phụ nữ quý tộc hoàn hảo, chắc hẳn điều quan trọng nhất mà nàng phải ghi nhớ là giữ lấy vị trí của mình bằng cung cách cư xử đúng mực, nghĩa là phải luôn giữ thái độ điềm nhiên, phớt lạnh khi nam giới tiếp cận mình với mong muốn thiết lập mối quan hệ tình cảm. Vậy mà nàng đã làm hoàn toàn ngược lại khi ngộ nhận rằng Genji chỉ đơn thuần bảo trợ nàng với tình cảm cha con. Nếu biết bối cảnh của câu chuyện là văn hóa truyền thống thời Heian, khi cái đẹp và phẩm cách con người có vị trí vô cùng đặc biệt trong hệ giá trị của đời sống quý tộc, thì không khó để hình dung một nhân vật như Murasaki có cảm giác thế nào khi đột ngột rơi vào một tình thế éo le như vậy. Cho nên, những từ có vẻ gây ấn tượng nặng nề chính là thủ pháp của tác giả để khắc họa thực hơn, sống động hơn trạng thái tâm lý của một nhân vật có tầm vóc cực kỳ quan trọng trong tác phẩm. Và theo đó, người đọc có thể hiểu rằng biểu hiện khác lạ của Murasaki so với thường ngày – không trở dậy sinh hoạt như thường lệ, không đáp lời khi Genji thăm hỏi, không trả lời bài thơ chàng để lại trên mẩu giấy nhắn tin, mồ hôi đầm đìa và chừng như mất hết tinh thần trong dáng nằm sõng sượt – là biểu hiện của cuộc khủng hoảng đầu tiên trong thế giới nội tâm mà nàng phải vượt qua khi vừa chớm bước sang độ tuổi trưởng thành.
Ngoài ra, còn có nhiều dấu hiện khác nữa giúp người đọc tin rằng Murasaki bị sốc không phải vì Genji đã tỏ ra thô bạo đối với nàng. Nếu xem xét vấn đề ở cung cách hành xử của nhân vật Genji, cũng dễ thấy chẳng có lý do gì để một người quý phái và tôn thờ sự thanh lịch như chàng, trong hoàn cảnh mà bản thân được thoải mái dàn xếp và hoàn toàn tự chủ, lại khởi đầu cuộc sống tình cảm mà chàng kỳ vọng nhất bằng cách dùng bạo lực để cưỡng hiếp Murasaki. Còn nếu cho rằng nữ giới vì phụ thuộc phái nam để có người bảo trợ nên đành chấp nhận một người có thế lực như Genji dù có bị cưỡng chế, thì lẽ ra người chắc chắn phải chấp nhận điều đó là nàng Tamakazura, trong điều kiện không có người nào ở địa vị ngang bằng hoặc cao hơn Genji đứng ra che chở, nhưng nàng đã kiêu hãnh từ chối vị chủ nhân của khu dinh thự Rokujo là nơi nàng nương náu, mà chẳng có gì cho thấy đó là một sai lầm. Cuối cùng, theo tiến trình câu chuyện trong tác phẩm thì sau sự kiện kia là một sự gắn bó lâu dài đằm thắm. Thật khó để hình dung nàng Murasaki có cuộc sống tình cảm như vậy với một người đã gây ra vụ cưỡng hiếp thô bạo khiến cho nàng hoảng loạn và mất hết tinh thần.
Khi nhận ra điều đó, tôi biết rằng khó khăn lớn nhất trong việc lý giải những tình tiết kiểu này là khả năng hiểu văn học trong bối cảnh của văn hóa truyền thống Nhật Bản. Tôi nhớ một giáo sư người Nhật nghiên cứu về lịch sử đã nói rằng người ta không thể hiểu được những vấn đề hiện đại hay đương đại trong xã hội Nhật Bản nếu chỉ biết Nhật Bản trong thời kỳ hiện đại, vì nhiều khi phải tìm kiếm gốc rễ của vấn đề trong lịch sử xa xưa. Tôi cũng nhớ đã từng gặp nhiều trường hợp ngộ nhận về Nhật Bản trong rất nhiều khía cạnh, vì người ta chỉ dựa vào suy luận chủ quan để lý giải vấn đề từ lát cắt thông tin hiện tại mà không biết đến đặc trưng văn hóa Nhật Bản như một hệ thống và như một tiến trình. Dĩ nhiên tác giả luận án mà tôi đề cập đến trong bài viết này không phải là trường hợp như vậy. Chính vì thế mà cô ấy là người giúp tôi hiểu rõ hơn về những khó khăn mà mình luôn đối mặt khi tìm hiểu về văn học cổ điển Nhật Bản. Khó khăn là rất lớn vì đối tượng mà mình tìm hiểu có gốc rễ sâu xa, độc đáo và cách mình một hố thẳm thời gian. Khó đến mức một nền tảng học thuật vững vàng gắn với truyền thống làm lý thuyết sâu rộng của phương Tây cũng chưa thể là một sự đảm bảo tuyệt đối giúp người nghiên cứu không rơi vào ngộ nhận.
Đến đây thì tôi chợt nghĩ rằng, chính vì thấu hiểu sự khó khăn như thế mà tôi muốn viết những dòng này như một lời chia sẻ.



[1] Otilia Clara Milutin, Sweat, tears and nightmares: textual representations of sexual violence in Heian and Kamakura monogatari, The University of British Columbia, August 2015.
[2] Margaret H. Childs, “The value of vulnerability: sexual coercion and the nature of love in Japanese court literature”, The Journal of Asian Studies, Vol. 58, No. 4 (Nov., 1999), pp. 1059 – 1079.