Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

MIỀN CỔ KÍNH TRONG MÀU THU LỘNG LẪY



Đã từ lâu tôi nghe nói cố đô của Nhật Bản là một nơi có cảnh thu tuyệt sắc, nhưng tôi đến Kyoto lần đầu tiên vào lúc giữa hè, và những trải nghiệm lần đầu của tôi ở nơi này đã khiến tôi gần như quên hết những hình dung đẹp đẽ trước kia.
Dạo ấy cả nước Nhật đang sôi lên trong đợt nóng đỉnh điểm của mùa hè. Nóng đến nỗi khi đi dưới màu xanh mướt mát của những vòm lá phong che rợp con đường nhỏ rất đẹp trong chùa Ryoanji dẫn đến vườn Thiền mà tôi vẫn cảm giác như cơ thể mình sắp sửa bốc hơi và tan biến vào tiếng ve sầu cứ râm ran inh ỏi! Cái nóng của thiên nhiên ôn đới ở vùng bồn địa trở thành một thách thức đáng sợ cho mấy cô gái mảnh khảnh cứ ngỡ rằng quê hương nhiệt đới của mình mới là nơi nóng nhất, khiến cho hai trong bốn thành viên của nhóm chúng tôi lúc ấy phải bỏ cuộc tham quan chỉ sau một chuyến xe buýt nội thành đến thăm mấy đền chùa nổi tiếng và ở những địa điểm khá gần khu vực trung tâm.
Bước ra khỏi không gian mát lạnh trên xe buýt vì máy điều hòa đang được chỉnh ở nhiệt độ thấp, tôi và mấy cô bạn đồng hành đều trải qua một cơn choáng nhẹ vì hơi nóng phả ra hầm hập từ mặt đường trải nhựa và khu nhà cao ốc toàn những khối bê tông đang phơi nắng giữa trưa hè. Mấy chị em vội vã dẫn nhau về lữ quán để nghỉ trưa, định buổi chiều sẽ đi thăm tiếp một số nơi đã làm dấu trên tấm bản đồ du lịch. Đáng buồn là chỉ sau một giấc ngủ ngắn thì hai cô bạn đi cùng đã thay đổi quyết định vì cảm thấy sức khỏe vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Tôi gật gù nghe quyết định của hai người bạn trẻ, không khỏi băn khoăn khi bản thân mình cũng đang phải chịu đựng một cơn nhức đầu khủng khiếp.
Lần ấy chúng tôi được trọ lại Kyoto trong một lữ quán nằm ở khu trung tâm, phòng nghỉ và bữa ăn đều được đặt trước theo chương trình giao lưu văn hóa. Lữ quán nằm trong một con hẻm nhỏ và yên tĩnh, mặt tiền trông giống như một ngôi nhà bình thường nhưng phòng nghỉ của chúng tôi là kiểu phòng của nhà ở truyền thống Nhật Bản, không gian rộng và nội thất trang nhã tạo cảm giác thư thái, vừa thâm trầm xưa cũ vừa mát mẻ tiện nghi. Và chính cảm giác tiện nghi, dễ chịu khi nghỉ ngơi trong gian phòng ấy đã biến thành một trở lực rất lớn cho tôi trong khoảnh khắc phải quyết định sẽ theo đuổi lịch trình tham quan hay ở lại trong phòng cùng hai cô bạn. Tôi đắn đo dăm phút rồi quyết định lôi thuốc cảm ra uống để tiếp tục lên đường.
Bỏ lại hai người bạn đồng hành nằm rúc rích chuyện trò giữa mớ chăn đệm thơm tho trong gian phòng mát rượi, tôi một mình rảo bước ra con đường lớn cho kịp giờ xe buýt. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình cần phải đi cho hết lịch trình để không phải áy náy vì cảm giác có lỗi với các nhà tài trợ đã công phu giúp mình một chuyến tham quan mà chi phí ăn ở, đi lại khá là đắt đỏ. Sau này, những khi rời gian nhà ấm cúng ngay sau giờ ăn tối, một mình xách vali ra đường dưới trời mưa tầm tã để lên xe buýt đêm từ Tokyo đi nơi này nơi khác, tôi mới nhận ra sự “ngoan cố” của chính bản thân mình, mới hiểu rằng một khi cuộc lữ đã là niềm đam mê thì bao nhiêu vất vả cũng khó mà thay đổi được!
Lần ấy, rốt cuộc thì tôi cũng đã trải qua chuyến tham quan Kyoto một cách an toàn, tuy có phần nuối tiếc và vội vã. Trên chuyến Shinkansen từ Kyoto đến Tokyo, tôi mang theo hình ảnh cố đô với đền chùa cổ kính và rất nhiều đèn lồng thắp sáng rực trên hè phố trong đêm. Tôi cũng nhớ rằng mình đã thấy rất nhiều vòm lá phong trong những vườn chùa, nên không thể tránh được cảm giác luyến tiếc vì chuyến đi của mình không được kéo dài đến mùa thu.
Cảm giác ấy khiến tôi dành cho Kyoto một vị trí quan trọng khi có dịp lưu lại xứ Phù Tang trong suốt cả mùa thu với lịch trình tham quan dày đặc, chen chúc nhiều địa danh hấp dẫn.
Sau khi thu thập nhiều thông tin liên quan và cân nhắc những việc cần làm, tôi chọn thời điểm trung tuần tháng mười một cho chuyến du lịch Kansai. Kansai chứ không phải chỉ riêng Kyoto như lần trước. Kansai với tham vọng kết hợp chuyến ngoạn cảnh mùa thu với tìm hiểu, liên hệ một vài nơi quan trọng trong vùng. Kansai với tâm thức muốn nắm bắt những hình ảnh nào đó của sự khác biệt giữa miền Đông và miền Tây, giữa cố đô cổ kính và thủ đô hiện đại.
Lúc đó là gian đoạn gần kết thúc chương trình nghiên cứu. Tôi phải hoàn thành bài nghiên cứu theo đề cương đã lập ra trước đó để nộp cho giáo sư, rồi sau đó còn phải làm một loạt các bài báo cáo gửi cơ quan tài trợ. Nhưng lúc đó cũng là khoảng thời gian mà sắc lá mùa thu đang rực lên ở khắp nơi trên toàn nước Nhật, như một thông điệp lặng lẽ mà quyến rũ của thế giới thiên nhiên, và người Nhật cũng đáp lại thông điệp đó bằng sự say mê rất đặc trưng của một nền văn hóa theo nhịp điệu mùa. Trong chuyến đi Nikko ngắn ngủi vào đầu tháng mười một, ban đầu tôi đã rất căng thẳng vì là lần đầu tiên đi chơi xa cùng với giáo sư, mọi thứ đều do ý tưởng và sự sắp xếp của thầy. Tôi không kỳ vọng về bất kỳ sự thưởng thức nào mà chỉ lo mình sẽ vô tình làm điều gì trái ý khiến thầy không vui, nhưng rồi chuyến đi chẳng những đã diễn ra tốt đẹp mà còn mang lại cho tôi cảm giác được thiên nhiên ôn đới “chiêu đãi” một bữa tiệc đầy những sắc màu của mùa thu lộng lẫy. Điều bất ngờ hơn nữa là chúng tôi bị kẹt xe suốt một ngày dài. Có lẽ vì ô tô là phương tiện hiệu quả nhất cho du khách đến tham quan ở vùng rừng núi Nikko nên các cung đường ở khu vực này – vốn là vùng rừng núi ít dân cư với không gian rộng mở và tĩnh lặng – đều đặc kín ô tô của du khách đến từ mọi tỉnh thành trên cả nước. Ngồi trong xe, chúng tôi ái ngại nhìn giáo sư cứ vừa xuýt xoa vừa ôm vô lăng để nhích từng chút một. Rồi chẳng còn biết làm cách nào khác để thay đổi tình hình nên chúng tôi nhìn ra bên ngoài cửa xe tìm cảm hứng, tìm đủ mọi đề tài mà tán chuyện cho đỡ ngán ngẩm vì cảm giác đợi chờ. Trước mặt chúng tôi là một hàng ô tô dường như kéo dài ra bất tận. Biển kiểm soát phía sau xe ghi tên đủ mọi tỉnh thành. “Cứ như mọi người trong cả nước đang dồn về nơi này vậy”, cô bạn ngồi cạnh tôi bật thốt. Giáo sư ngồi phía trước điềm đạm mỉm cười: “Đúng là như vậy thật, vì đúng dịp cao điểm để thưởng thức mùa lá đỏ ở đây mà! Mùa lá đỏ kéo dài mấy tuần, nhưng cao điểm chỉ có mấy ngày thôi”. Từ “cao điểm” của thầy cho tôi thêm một chút hiểu biết sống động về văn hóa theo nhịp điệu mùa ở Nhật. Tôi chợt nhận ra rằng trong khoảnh khắc ấy, trường nghĩa của từ “cao điểm” không chỉ có những cánh rừng với lá vàng lá đỏ như rực cháy xung quanh con đường đèo quanh co uốn lượn, mà còn có cả hình ảnh những chiếc ô tô đủ loại đang xếp hàng dài dằng dặc trên đường. “Cao điểm” của thiên nhiên và “cao điểm” của đời sống con người gặp nhau ở đó.
Điều thú vị là ấn tượng từ chuyện tắc đường lần ấy không những chẳng làm tôi nản lòng với những chuyến ngoạn du mà ngược lại còn khiến tôi muốn đi nhiều hơn nữa, đến những vùng trọng tâm hơn nữa để “cảm” được, “thấm” được cái tinh thần “cao điểm” ấy. Là một người quan sát, tôi luôn tự nhủ rằng phải hiểu cái cốt lõi của nền văn hóa này trước đã, rồi chuyện hay dở sẽ bình luận sau, nếu điều kiện không gian, thời gian và vấn đề phù hợp.
Biết tôi sẽ đi du lịch Kansai, thầy lại ân cần dặn phải mang nhiều áo ấm. “Kansai còn lạnh hơn Kanto nữa ạ?” Tôi hỏi thầy trong lúc chợt nhớ lại những ngày hè “bốc hỏa” ở Kyoto dạo trước. “Kyoto khá lạnh. Vì là vùng bồn địa nên hè nóng hơn mà đông cũng lạnh hơn”, thầy trầm ngâm bảo. Chắc thầy cũng đang nhớ về những kỷ niệm nào đó ở cố đô.
Không kịp hoàn thành bài nghiên cứu để gửi cho thầy trước khi đi, tôi đành mang theo một ít sách vở và laptop, tự nhủ mùa lạnh có phải kéo vali nặng hơn một chút cũng không sao.
Điểm tham quan đầu tiên của tôi là Himeji-jo, tòa thành được đánh giá là có kiến trúc đẹp nhất trong số những di sản thành quách thời lãnh chúa. Ngồi trên xe điện chạy dọc theo bờ biển, tôi thích thú tận hưởng cảm giác được ngắm nhìn hình ảnh sống động của những vùng đất mà trước đó tôi chỉ biết đến như là một địa danh trong sách cổ. Nhưng khi đến được thành Himeji thì mới biết tòa thành này đang được trùng tu. Người Nhật cứ phải trùng tu các di sản kiến trúc theo một chu kỳ nhất định, mà khi trùng tu phải đảm bảo giữ nguyên chất lượng, hình ảnh công trình và theo đúng kỹ thuật xây dựng truyền thống nên thời gian để trùng tu một công trình lớn thường phải mất mấy năm. Người dân xứ này đủ chuyên nghiệp để du khách có thể tham quan khuôn viên và một phần công trình kiến trúc ngay trong lúc trùng tu, đặc biệt là được xem hình ảnh và nghe thuyết minh về kỹ thuật trùng tu ở những chi tiết quan trọng của công trình, nhưng tôi vẫn tiếc không thể ghi được những hình ảnh đẹp về “lâu đài hạc trắng” vừa vươn cao vừa hài hòa thanh nhã như đã từng được biết qua phương tiện nghe nhìn từ lúc bước chân vào đại học. Cả tòa nhà giờ đây đang được quây kín lại, chỉ có khuôn viên trải rộng với những vòm cây lá đang tràn ngập sắc thu vẫn như một vòng tay dịu dàng đón chào du khách. Tôi có cảm giác như mình lặn lội đến thăm một bậc cao minh mà mình hằng ngưỡng mộ nhưng gặp lúc chủ nhà đang ốm, đành đi dạo loanh quanh trong khu vườn rộng lớn, để cho cả tâm hồn thấm đẫm màu sắc và không khí của mùa thu.
May mắn là tòa thành thứ hai tôi tìm đến trong cùng chuyến đi vẫn đang đón khách ở trạng thái bình thường. Osaka-jo cũng nằm trong một công viên rộng lớn, rộng đến mức đi chưa hết chiều dài đường kính là đã thấy mỏi chân. Nhưng nhờ vậy mà tôi được ngắm nhìn hình ảnh lâu đài từ nhiều góc độ, nhiều khoảng cách khác nhau để ghi nhận vẻ đẹp đa dạng của tòa kiến trúc. Nghe nói rằng theo cảm quan thẩm mỹ của người bản xứ thì đây chỉ là một tòa thành “hạng hai” so với Himeji-jo. Dù biết vậy, tôi vẫn thành thực ngưỡng mộ vẻ uy nghiêm và hoành tráng của tòa nhà đồ sộ vươn cao, khiến cho du khách đang đứng dưới chân thành phải ngửa đến oặt cổ mới nhìn được những diềm mái cong cong trên tầng lầu cao nhất. Tôi không hiểu biết gì về kiến trúc nên không mấy bận tâm đến việc chụp ảnh chi tiết những đường nét đặc trưng của tòa nhà, chỉ cần ghi lại hình ảnh tòa thành như một chứng nhân lịch sử vẫn hiên ngang sừng sững giữa một vùng cây cối đang nhuộm thẫm sắc thu trong ánh nắng dìu dịu cuối ngày. Trong lúc loay hoay tìm góc độ để ghi hình toàn cảnh, nhìn thấy những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng đang chăm chú chĩa ống kính vào tòa nhà trước mặt, tôi chợt nhận ra rằng có dùng máy ảnh hay ống kính loại nào cũng khó mà đưa được đồng thời vào khung ảnh toàn bộ tòa thành và một gương mặt hay dáng người ai đó ở độ lớn dễ nhìn, vì hai bên có chênh lệch quá lớn về kích thước. Rồi cũng từ đó mà tôi hiểu ra một lẽ tự nhiên rằng, khi đến với một cái gì thực sự là vĩ đại thì một cá nhân như mình chỉ có thể chiêm ngưỡng để thán phục mà thôi, còn nếu muốn đưa “cái tôi” của mình vào đó thì kết quả chỉ là một tác phẩm mất cân đối trầm trọng!
Sau một ngày liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác, chiều tối tôi mới tìm về quán trọ đã lựa chọn qua internet làm điểm dừng chân – một nhà nghỉ nhỏ bé nhưng có vẻ là kiểu nhà truyền thống của Nhật, với cửa gỗ và mấy chậu cây xanh tạo cảm giác thân thiện, hiền hòa. Nhà nghỉ nằm ở ngay trung tâm thành phố nhưng lại náu mình trong một con hẻm nhỏ. Xuống tàu điện ngầm ở ga Gojo như dự kiến, trong lúc thấm mệt và hơi vội vì đã trễ hơn ba mươi phút so với giờ hẹn check-in ở lễ tân, tôi không biết mình đã chọn nhầm cửa ra để chui từ đường ngầm lên mặt đất. Trước mắt tôi là một đại lộ trải rộng, nhiều làn xe, hai bên đường ngất ngưởng những tòa cao ốc với những biển hiệu quảng cáo rực rỡ ánh đèn. Đúng là diện mạo của một khu thương mại ở trung tâm thành phố, nhưng tôi chẳng tìm thấy dấu hiệu nào mà mình đã ghi nhớ để tìm về quán trọ.
Thấy tôi đứng tần ngần trên vỉa hè đại lộ, một cô gái trẻ đi ngang dừng lại hỏi “Bạn cần tìm gì đấy?” Tôi mừng rỡ, vội hỏi xem cô ấy có biết con đường lớn trước mặt tên là gì không, nhưng cô lắc đầu ngay và bảo: “Mình không biết tên đường. Bạn cần tìm chỗ nào cụ thể thì cho biết địa chỉ, may ra mình tìm được”. Khi tôi nói tên quán trọ và địa chỉ kèm theo, cô ấy liền rút điện thoại ra tra cứu, vừa thoăn thoắt ngón tay trên màn hình điện thoại vừa xin lỗi, bảo rằng cô không quen tra cứu kiểu này nên tôi phải chịu khó chờ một chút. Cô cũng cho biết rằng tôi đã đến đúng khu phố cần tìm, nhưng quán trọ cụ thể mà tôi muốn đến nằm ở con hẻm nào thì cô không nhớ rõ. Đang giữa lúc ấy, lại có một người đàn ông trẻ tuổi đi ngang. Cô gái nói tên quán trọ để hỏi người đàn ông, thì anh ta điềm nhiên đưa tay chỉ vào con hẻm nhỏ ngay cạnh chỗ chúng tôi đang đứng. “Theo tôi nhớ thì hình như là ở lối này”, anh vừa nói vừa như cố nhớ lại điều gì, rồi gật gật như để khẳng định. Sau một phút ngớ người, tôi và cô gái đi qua đường nhanh nhảu cảm ơn anh và bước vào con hẻm.
Trong hẻm khá tối vì không có đèn cao áp rọi sáng như ở ngoài đại lộ. Tôi còn chưa kịp nhận ra dấu hiệu nào có liên quan đến địa chỉ đang tìm thì cô gái đi bên cạnh hồ hởi bảo, “Đây rồi!” Cô đưa tay chỉ vào gian nhà ngay bên trái chỗ tôi vừa dừng lại. “Nhà ấy đấy! Mình có đi qua lối này rồi nhưng không chú ý nên mãi không nhớ được...” Tôi nhìn lại thì thấy đúng là hình ảnh gian nhà mà tôi đã xem qua trên website khi tìm địa chỉ khách sạn ở Kyoto để đặt phòng. Nhìn mãi mới thấy tấm biển ghi tên nhà nghỉ treo phía dưới mái hiên. Tôi thở phào nhẹ nhõm, quay sang cảm ơn cô gái đã giúp tìm địa chỉ và còn đưa tôi đến tận nơi. Cô tươi cười chúc tôi có một kỳ nghỉ thú vị, rồi tiếp tục đi sâu vào con hẻm.
Bước vào khoảng sân nhỏ, tôi vừa lên tiếng báo hiệu vừa mở cánh cửa gỗ của gian nhà nhỏ bé nhưng thanh lịch. Sau cánh cửa là quầy lễ tân trong một gian phòng nhỏ nhưng nội thất ấm áp vì khá nhiều màu nóng. Một cô gái trẻ đứng sau quầy lễ phép chào tôi và loay hoay tìm các giấy tờ. Tôi xin lỗi vì đến sai giờ hẹn và giải thích thêm một chút về việc tìm nhà, còn cô thì vẫn giữ nụ cười rất tươi trên gương mặt trắng trẻo, và liên tục hỏi han để bày tỏ lòng hiếu khách. Khi cô đưa cho tôi tờ giấy để ghi thông tin cá nhân của khách thuê phòng, tôi không thấy có quy định gì đặc biệt nên hỏi cô rằng có thể ghi tên bằng mẫu tự Latin được hay không[1]. “Sao ạ?” Cô hỏi lại trong lúc vẫn loay hoay với đám giấy tờ. Tôi bèn giải thích thêm rằng “tôi là người Việt Nam, vậy tôi có thể ghi tên mình ở dạng chữ Latin được chứ?” Câu hỏi lần này làm cho cô ngước lên rất nhanh và nhìn tôi bằng đôi mắt xoe tròn. “Chị là người nước ngoài thật sao? Vậy mà tôi cứ nghĩ là người Nhật chứ!” Đến phiên tôi ngớ ra vì câu nói của cô. Tôi nhớ rằng, vì những sự việc đã xảy ra trước đó, nên khi vừa đặt chân đến trước quầy lễ tân là tôi đã hỏi han và phân trần đủ thứ, có nghĩa là đã “cung cấp đủ cứ liệu” để cô biết tôi là khách nước ngoài. Sau chừng ấy nội dung giao tiếp mà cô vẫn nghĩ tôi là người Nhật thì thật lạ!
Hai chúng tôi bối rối nhìn nhau mất mấy giây, rồi cô trở lại vẻ hoạt bát của một người làm dịch vụ, bảo rằng tôi ghi tên kiểu gì cũng được, vẫn với một nụ cười tươi tắn trên môi. Tôi ghi mấy dòng vào mẩu giấy để hoàn thành thủ tục, nhận chìa khóa phòng và nghe cô giải thích cặn kẽ về các tiện ích trong nhà nghỉ. Rồi tôi tranh thủ hỏi thăm đường đến Trung tâm nghiên cứu văn hóa Nhật Bản, là nơi tôi có hẹn đến gặp một giáo sư lúc chiều mai.
Một lần nữa, câu hỏi của tôi lại làm cô lễ tân tròn xoe mắt, “Chị có việc cần phải đến Trung tâm nghiên cứu à?” Chắc cô không nghĩ một du khách trú tại một quán trọ kiểu này lại có mối liên hệ nào đó với một địa chỉ có vẻ “nghiêm trọng” thế. Tôi cười bảo không có gì đặc biệt, chỉ vì tôi sang đây để tìm hiểu về văn học cổ điển, nên nhân tiện đến Kyoto thì ghé chào vị giáo sư cùng chuyên ngành đang làm việc ở Trung tâm ấy mà thôi. Cô lại xuýt xoa tỏ vẻ ngạc nhiên, vừa hỏi xem tôi nghiên cứu cái gì, vừa tìm các bản đồ và các tập sách hướng dẫn để chỉ cho tôi cặn kẽ đường đi lẫn phương tiện giao thông phù hợp. Ngoài ra, cô còn tranh thủ chỉ thêm cho tôi những địa điểm nổi tiếng vì vẻ đẹp cảnh quan mùa lá đỏ, đặc biệt là những điểm ở gần Trung tâm nghiên cứu mà tôi khẳng định là sẽ đến. Cuộc nói chuyện thỉnh thoảng bị cắt ngang vì có những khách trọ từ tầng trên chạy xuống hỏi tìm gì đó, hoặc vì cô lễ tân ngẩng lên chào hỏi khách trở về quán trọ sau một ngày tham quan, nhưng tôi vẫn cảm nhận được lòng hiếu khách đặc biệt mà cô dành cho tôi, khi cung cấp thông tin lẫn khi hỏi thăm tôi chuyện học hành, nghiên cứu.
Chẳng biết có phải cảm nhận lúc ấy của tôi thật ra là dự báo của một điều gì thật sự đặc biệt hay không, nhưng đúng là ngay sau đó tôi đã trải qua những bất ngờ, khiến cho đợt lưu trú tại một quán trọ rẻ tiền trở thành một kỷ niệm sâu sắc của tôi về những ngày lang thang trên quốc đảo.
Bước vào gian phòng trọ ở tầng hai, tôi thật sự hài lòng vì phòng hẹp nhưng xinh xắn, đủ đáp ứng nhu cầu ngả lưng của một lữ khách rong ruổi ở cố đô giữa lúc trời thu đang chuyển dần sang mùa đông giá lạnh. Vẫn còn đang loay hay soạn quần áo, vật dụng từ vali thì tôi nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ và câu “xin lỗi” loáng thoáng vọng vào. Mở cửa ra, tôi gặp lại cô lễ tân trẻ trung hoạt bát, nhưng khi ấy đang có vẻ rụt rè e ngại một cách lạ lùng. Khi tôi mời vào phòng, cô khép nép bước vào đứng ngay sau cánh cửa, rồi, bằng những câu nói thể hiện vẻ lúng túng ngập ngừng, cô bảo rằng muốn nhờ tôi một việc. Cô không nói lý do trực tiếp, mà chỉ nói rằng quán trọ có việc đột xuất cần sử dụng phòng này vào ngày thứ ba trong chuỗi ngày mà tôi đã đặt phòng, và hỏi tôi có bằng lòng chuyển sang nghỉ lại ở phòng khác hay không. Nghĩ rằng mình phải di chuyển sang một địa chỉ khác, tôi hơi nản nhưng chỉ nói rằng: “Mình không câu nệ gì một chỗ trú chân trong lúc đi du lịch, nhưng vì mình đã tìm hiểu và đặt phòng ở đây rồi, giờ không có thời gian để tìm phòng khác nữa, nên nếu bạn xếp phòng mới cho mình thì vui lòng lo liệu giúp cho vấn đề đi lại”. Cô bảo rằng chuyện ấy rất dễ thôi, vì tôi sẽ ở ngay trong khu nhà này, chỉ là chuyển sang dãy phòng phía sau, tức là nơi gia đình cô đang ở. Tôi nhìn xuống mớ đồ đạc vừa mới soạn tung ra từ chiếc vali, giải thích rằng hôm ấy tôi sẽ rời phòng khá sớm và đi đến tận chiều, rồi hỏi xem cô có thể chuyển giúp hành lý của tôi sang phòng mới, trong lúc tôi không có mặt tại quán trọ hay không (dĩ nhiên là với điều kiện tôi đã thu dọn hành lý và xếp gọn vào vali để lại trong phòng). Cô lại tươi cười bảo rằng cô sẽ thu dọn giúp, để đến khi quay về quán trọ lúc chiều tối thì tôi chỉ việc ghé quầy lễ tân nhận lại hành lý để chuyển sang phòng khác mà thôi. Rồi cô đưa trả tôi số tiền phòng của một đêm không sử dụng, rối rít cảm ơn tôi với cái vẻ của một người vừa trút xong gánh nặng vì một nỗi phiền lo. Tôi không hiểu có chuyện gì khiến cho gian phòng cá nhân nhỏ xíu mà tôi chỉ cần thuê để nghỉ lại mấy đêm lại trở thành “vấn đề” với chủ nhà đến vậy. Nhưng chỉ cần có chỗ ngủ ấm áp ban đêm mà không phải di chuyển sang một địa chỉ lưu trú khác thì với tôi chẳng có gì là phiền toái cả. Tôi vui vẻ chào cô lễ tân và hơi bối rối vì cô cứ lặp đi lặp lại lời cảm ơn cho đến lúc ra khỏi cửa phòng.
Ngày thứ ba của chuyến du lịch Kansai, khi tôi trở lại quán trọ và đến trước quầy lễ tân thì vẫn cô gái trẻ có nụ cười tươi tắn đưa cho tôi chiếc vali và dẫn tôi ra khu vực phòng ở của gia đình, phía sau khu nhà mặt tiền dành cho khách. Chúng tôi leo lên một đoạn cầu thang gỗ, vừa đến tầng thứ hai thì gặp hai ông bà chủ nhà đang đứng chờ ở cửa. Nhìn thấy tôi, cả hai người đều cúi chào và cảm ơn nồng nhiệt, cứ như là tôi đã giúp họ việc gì to tát lắm. Đã quen với sự lễ phép của người Nhật từ lâu nhưng tôi vẫn không khỏi bối rối khi rơi vào những tình huống kiểu này. Liền sau đó, cô gái lễ tân cùng với bà chủ nhà trọ (mà tôi đoán là mẹ của cô) dẫn tôi vào một phòng thứ hai của một dãy chừng bốn phòng nối tiếp nhau, cách phòng khách của gian nhà chính bằng một lối đi hẹp.
Gian phòng rộng hơn nhiều so với phòng trọ cá nhân mà tôi đã nghỉ hai đêm trước. Phòng có giường rộng, bàn làm việc hơi cao và một chiếc bàn chân thấp, máy điều hòa loại lớn, máy sưởi, kệ sách, tủ quần áo và một số dụng cụ tập thể dục trong nhà. Có vẻ như đây vốn là phòng ngủ của một thành viên nào đấy trong gia đình, nhưng hiện tại không có người sử dụng. Những vật dụng tiện ích nằm im lìm mỗi thứ một nơi. Kệ sách chỉ lưa thưa mấy cuốn sách kỹ thuật, tin học đượm màu cũ kĩ.
Dẫn tôi vào phòng mới, bà chủ nhà trọ hướng dẫn tôi qua loa về việc sử dụng phòng, bảo tôi cứ sử dụng thoải mái những tiện nghi có sẵn, chỉ cho tôi nhà vệ sinh và nhà tắm nằm ở đầu dãy phòng, bên trái, và còn xin lỗi tôi “vì nhà tắm ít người dùng nên không được sạch sẽ, chỉn chu”. Còn cô gái trẻ làm công việc lễ tân thì trao cho tôi một tập sách mỏng in màu, là sách giới thiệu về danh tác cổ điển mà tôi đang nghiên cứu. Hôm đầu tiên gặp nhau ở quầy lễ tân, khi được cô hỏi han về chuyện học hành, tôi cũng có nói về nghiên cứu văn học cổ điển, có tâm sự rằng mình tìm đến Kansai lần này cũng là muốn nhân tiện đến thăm “quê hương của Truyện Genji” là Uji, một thành phố nhỏ chỉ cách Kyoto mười mấy phút đi tàu. Cô lễ tân nghe tôi nói thế thì tỏ vẻ đặc biệt quan tâm và hào hứng, bảo rằng Uji là quê gốc của cô, và những dịp đặc biệt trong năm gia đình cô vẫn trở về Uji thăm mộ tổ tiên, gặp gỡ họ hàng. Tôi tin rằng cô có tình cảm gắn bó với Uji thật sự, nhưng không nghĩ là cô lại nhiệt tình đến mức tặng tôi tập sách này. Cô lại còn rụt rè bảo tôi là “chuyên gia” nên chắc hẳn đã có nhiều thư tịch về đối tượng nghiên cứu, nếu tập sách của cô không đáng dùng thì chỉ xem như là một món quà kỷ niệm lúc chia tay. Tôi chẳng biết làm cách nào để bày tỏ lòng cảm kích, đành chỉ cảm ơn và tự nhủ khi trở về Tokyo sẽ gửi cho cô một tấm thiệp với đôi lời cảm tạ, cũng là cách “nhập gia tùy tục” ở nơi này.
Tuy đã quen với việc thay đổi chỗ ở trong những chuyến du lịch ngắn ngày nhưng đêm ấy tôi luôn có cảm giác lạ lùng như vừa mới “lạc” vào một không gian tiểu thuyết. Tôi không bận tâm mấy đến những vật dụng bài trí trong phòng, không bị trở ngại gì vì thiết bị điều hòa nhiệt độ và mạng internet không dây vẫn hoạt động rất tốt, nhưng cảm giác như mình bỗng dưng xen ngang vào câu chuyện của ai đó cứ bảng lảng trong đầu tôi cho đến lúc chìm vào giấc ngủ. Tôi cũng còn nhớ rõ, đến tận bây giờ, cảm giác ngạc nhiên thú vị khi bước vào khu “phức hợp” gồm nhà vệ sinh và nhà tắm nối liền nhau. Cái nơi mà bà chủ nhà trọ khi nói đến đã xin lỗi vì “không được sạch sẽ” mở ra trước mắt tôi với không gian rộng, thiết bị cực kỳ hiện đại và ... bóng loáng! Qua bấy nhiêu thời gian trải nghiệm trên đất Nhật, đêm hôm ấy tôi mới được biết đến cảm giác một mình sử dụng một không gian sang trọng, “tối tân” đến vậy chỉ để làm công việc vệ sinh thân thể!
Nhưng cảm giác ngạc nhiên của tôi về quán trọ “lạ lùng” này vẫn chưa dừng ở đó! Vì tranh thủ thời gian nên tôi có dự định sáng hôm sau sẽ rời Kyoto hơi sớm để đi tàu đến Nara, rồi sau đó còn tranh thủ ghé qua vài điểm khác trước khi kết thúc chuyến du lịch vào lúc cuối ngày. Nếu đang lưu trú như là một du khách thông thường thì việc ấy chỉ phụ thuộc vào ... đồng hồ báo thức của tôi, nhưng hôm ấy tôi lại chuyển sang nghỉ tạm trong tư thất của một gia đình nên việc rời đi chắc chắn phải phiền đến gia chủ. Tôi cũng rất băn khoăn nên đã ngỏ lời về việc ấy ngay khi được chuyển sang phòng mới. Vẫn giữ nguyên vẻ mặt điềm đạm, bà chủ quán trọ hỏi tôi định rời đi lúc mấy giờ, và khẳng định sẽ có mặt đúng lúc để mở cửa cho tôi. Còn cô bạn lễ tân trẻ trung hoạt bát thì nở nụ cười bối rối: “Thành thật xin lỗi vì mình không dậy sớm, vậy chúng ta chào nhau lúc này luôn!” Tôi có hơi áy náy vì biết rằng người Nhật quen dậy muộn, nhưng vì chuyện “xê dịch” của tôi không được thoải mái lắm về mặt thời gian nên đành “làm khó” gia chủ trong “tình huống đặc biệt” này. Mà thật ra thì tôi cũng phải “tự đấu tranh” ghê gớm mới có thể chui ra khỏi lớp chăn dày trên giường đệm ấm áp vào lúc trời tảng sáng, lập cập làm vệ sinh và chuẩn bị hành lý trong cái lạnh se sắt của vùng ôn đới giữa mùa thu, rồi cuối cùng thì kéo vali ra ngoài phố, vừa ngước mặt đón những cơn gió mùa tê tái vừa mải miết bước đi cho cơ thể ấm dần.
Điều bất ngờ cuối cùng mà tôi nhận được trong cuộc hạnh ngộ lần này là bữa sáng không đặt trước. Dù chỉ là một bữa sáng đơn giản với bánh mì sandwitch và một quả chuối tươi nhưng cái khay thơm phức do bà chủ nhà đích thân chuẩn bị, vào cái giờ mà tôi cảm thấy mình “quá đáng” khi làm phiền ai đó dậy mở cửa cho mình, đã khiến tôi thêm một lần nữa sửng sốt và cảm động! Tôi không có thói quen ăn sáng, và đặc biệt là rất khó có thể nhét món gì vào bụng trước tám giờ, nhưng hôm ấy đã ngoan ngoãn mang cái khay vào phòng đặt lên chiếc bàn chân thấp. Dù có phải cố gắng đến đâu tôi cũng quyết định sẽ ăn hết những gì đã được chuẩn bị sẵn cho mình, để có thể đàng hoàng nói lời cảm tạ rồi cất bước ra đi.
Chuyến đi Kansai lần ấy cũng không mấy rộng rãi về thời gian nhưng đã cho tôi cảm giác vô cùng mãn nguyện, có lẽ một phần nhờ câu chuyện bất ngờ và thú vị ở quán trọ mà tôi đã tình cờ chọn làm điểm nghỉ chân. Trước đó, thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe rằng, nếu nói về văn hóa vùng miền thì Kyoto có vẻ là một nơi đặc biệt “khép kín”. Nói như vậy không có nghĩa là người dân Kyoto không niềm nở, hiếu khách. Nhưng ở họ dường như có một tầng sâu nào đó về đời sống tinh thần, và tầng sâu đó khiến cho những người sinh trưởng ở vùng khác cảm nhận được một khoảng cách mơ hồ với họ trong giao tiếp xã hội, kể cả những trường hợp đã duy trì mối quan hệ dài lâu.
Đưa ra những nhận xét như vậy không chỉ có người Việt sống lâu năm ở Nhật mà còn có cả người Nhật, thậm chí người Nhật còn khá trẻ và có nhiều kinh nghiệm về giao lưu văn hóa. Điều đó vô tình làm nảy sinh trong tôi một cảm giác e ngại khi nghĩ đến chuyện “tiếp cận” với người dân ở cố đô. Nhưng hình như cảm giác ấy bắt đầu thay đổi khi tôi gặp cô gái trẻ đi ngang đường đã dừng lại tìm giúp tôi địa chỉ, rồi sau đó còn nhiệt tình dẫn tôi đến tận nơi, với lòng nhiệt tình dường như tỏa ra từ một tâm hồn trong trẻo không vết gợn.
Khi cô gái trẻ làm công việc lễ tân ở quán trọ bảo rằng cô không biết tôi là người nước ngoài, tôi không tin mình đã giao tiếp với cô bằng một thứ tiếng Nhật hoàn hảo, mà có cảm nhận rằng cô đón tiếp mọi du khách bằng tinh thần rộng mở, không xét nét, xuất phát từ một tâm hồn quý trọng sự giao lưu đích thực chứ không phải chỉ là thái độ niềm nở vì công việc kinh doanh. Và bây giờ thì tôi đã có thể khẳng định là mình không nhầm lẫn, vì giữa cô và tôi đã có được một tình bạn chân thành, dù mối liên hệ vốn đã rất mong manh chỉ được duy trì “thấp thoáng” qua thư từ và internet.
Trong ký ức của tôi, vì những trải nghiệm bất ngờ và thú vị ở quán trọ lần ấy mà hình ảnh về một Kyoto cổ kính, thâm trầm trong lộng lẫy sắc thu luôn thấp thoáng gương mặt tươi cười của cô lễ tân mảnh dẻ trong một gian nhà gỗ gợi cảm giác thanh sạch, hiền hòa. Tôi vẫn nhớ khi gặp lại cô sau một ngày đi lang thang nhiều nơi dưới khoảng trời như được lợp bằng tán lá phong đỏ rực, tôi đã khoe với cô về những địa điểm mình vừa mới tham quan, còn cô thì hay tròn xoe mắt hỏi tôi làm sao có thể đi nhanh thế, đi được nhiều nơi thế! Cô còn nói rằng cô “ghen tị” với tôi vì sống ở giữa Kyoto nhưng quanh năm bận rộn nên chẳng mấy khi đi tham quan, ngoạn cảnh. Tôi biết cô nói thật vì sau này, khi biết tôi về nước và chưa có dịp ngắm hoa đào ở Nhật, cô đã gắng tranh thủ thời gian tìm đến những địa điểm có cảnh hoa đào nở đẹp nhất Kyoto để tham quan và chụp ảnh gửi cho tôi.
Giờ đây, giữa bộn bề công việc và muôn sự phiền nhiễu của cuộc sống đời thường, thỉnh thoảng tôi lại nghĩ về người thầy đã giúp đỡ tôi hết lòng trong chương trình nghiên cứu, về gia đình thân thiện ở Kanazawa đã tiếp nhận tôi trong chương trình homestay, và về cô bạn gái mảnh dẻ mà hoạt bát ở quán trọ Jiyujin lần ấy. Tôi đã dành thời gian đọc sách, đã cố gắng suy nghĩ để lý giải sự độc đáo trong tính cách người Nhật và vẻ đẹp đặc trưng của văn hóa Nhật thể hiện trong văn học, nhưng thú thật là tôi chẳng bao giờ hết băn khoăn về những điều tốt đẹp mà tôi đã nhận được từ những người “xa lạ” trong những cuộc gặp gỡ tình cờ trên quốc đảo. Sự tốt đẹp - cũng như sự xấu xa, tàn bạo của con người - thì ở đâu cũng có, nhưng tôi đặc biệt ấn tượng về cái vẻ “thản nhiên như không” của những người đã mang lại cho mình bao điều đáng trân trọng với tinh thần chỉn chu và lòng quan tâm sâu sắc. Tôi tự hỏi, không biết điều gì đã tạo nên ở họ một thái độ “vô tư” tuyệt vời đến thế, và ước ao được sống cận kề với họ để may ra thì có thể “nhiễm” lấy một chút niềm thanh thản, vô tư!
Nhưng đó là chuyện của sau này, khi tôi trở về với quê hương nhiệt đới có những siêu đô thị đằm mình trong khói bụi, còn trong chuyến đi Kansai lần ấy thì tôi chẳng có được một chút thời gian mà suy ngẫm. Tôi vội vã chạy theo lịch trình, dù cái sự vội vã ấy rốt cuộc cũng chỉ là để ngắm cảnh, tham quan. Những nơi mà trước đó tôi đã biết tên, đã giẫm gót giày lên vỉa hè đường phố giờ hiện ra trước mắt tôi với diện mạo khác hẳn. Kyoto như một cô gái đã trút bỏ bộ áo xanh mùa hạ để khoác lên mình bộ áo của mùa thu với sắc đỏ là gam màu chủ đạo.
Khuôn viên Kim Các Tự trước đó chìm trong màu xanh miên man của núi đồi, giờ nổi bật với những vòm lá phong đỏ thắm. Những cành lá rực rỡ soi mình trên mặt nước, như âm thầm “đọ sắc” với tòa kiến trúc dát vàng và con phượng hoàng có đôi cánh làm “dội ngược thời gian”[2]. Nhìn đôi cánh phượng hoàng trong sắc vàng lung linh đáy nước, nhìn con đường nhỏ ven ao có lá phong rải thảm, rồi nhìn lên vòm lá trên đầu như gắn lên trời xanh những chiếc lá chia thùy đẹp mắt và có màu đỏ rực, tôi có cảm giác như mình đang trôi đi trong một giấc mơ, như là chỉ thoáng chốc nữa thôi thì toàn bộ khung cảnh xung quanh sẽ bốc cháy khi cái đẹp trôi vào miền vĩnh cửu.
Trong số những địa điểm tôi đã đến tham quan lần ấy, ngoài Himeji-jo còn có chùa Kiyomizudera và Byodoin cũng đang được trùng tu. Tôi hơi tiếc vì không được nhìn tòa kiến trúc thanh nhã trong dáng vẻ vốn có thường ngày để hình dung cảnh nữ sĩ Murasaki chắp bút thảo nên Truyện Genji nổi tiếng, lại phải đứng trú mưa hồi lâu dưới giàn hoa tử đằng, nhưng không hề có cảm giác mệt mỏi hay bực dọc. Đặt chân đến đâu tôi cũng được thiên nhiên ôn đới đón chào bằng những vòm lá thu rực cháy, hệt những ngày Tết ở quê đến bất cứ nhà nào cũng nhìn thấy trên bàn một khay mứt đầy vun màu đỏ. Nhờ vậy mà chỉ mấy ngày ngắn ngủi của chuyến du lịch Kansai đã in đậm trong tôi hình ảnh mùa thu đặc trưng của miền tây Nhật Bản với những mái chùa cổ kính màu nâu sẫm thấp thoáng trong những vòm lá đỏ, lá vàng rực rỡ, lung linh. Tôi biết mình sẽ không bao giờ quên cơn buốt lạnh đột ngột khi vừa xuống xe buýt ở một công viên vắng người trong buổi mai tinh khiết, trước mặt là dãy núi Arashi với những mảng màu xen lẫn đẹp như một bức tranh; hay những đôi mắt nai hiền lành trong công viên Nara rộng lớn và tĩnh lặng, cứ như một khu vườn cổ tích bị bỏ quên giữa cuộc đời ồn ã; rồi cầu vồng bảy sắc hiện lên sau vòm lá đỏ bên hồ Biwa trước buổi hoàng hôn; hay dòng sông ở miền Uji với cù lao Nakanoshima ở giữa dòng và cây cầu sơn màu đỏ tươi như hiện ra từ những trang sách cổ v.v... Lang thang một buổi chiều trong thành phố nhỏ được mệnh danh là “quê hương Truyện Genji”, tôi thích thú chiêm ngưỡng tượng nữ sĩ Murasaki và cả tượng hai nhân vật của bà ở hai bên bờ sông chỉ cách nhau một cây cầu nho nhỏ, rồi tham quan Bảo tàng Truyện Genji trầm lặng mà trang nghiêm trong khuôn viên cũng đang rực lên màu lá phong đỏ thắm, thấy mình đang có chút may mắn được hít thở bầu không khí còn vương lại hơi hướng cao sang của văn hóa quý tộc cung đình!
Khép lại chuyến đi, trước khi bước vào khu vực bách hóa ở ga Kyoto như một mê cung rộng lớn tìm mua quà lưu niệm, tôi còn đứng lại một lúc trước bãi đỗ xe buýt nhìn tháp Kyoto rực sáng trong đêm. Chợt nhớ lời thầy kể về một lần uống rượu cùng một bạn văn người Việt trên tòa tháp ấy, tôi thầm mong có lần nào đó, khi trở lại nơi này, sẽ cùng một người thân hay một “khách giang hồ” tri kỷ leo lên tòa tháp mà ngắm cảnh thành phố về đêm và hình dung cảnh phồn hoa diễm lệ của kinh thành Heian một thuở... Trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm giác “thèm thuồng” khi đứng đợi xe buýt để đi thăm thắng cảnh Amanohashidate, nhìn thấy nhiều địa danh khác nhau trên những tuyến xe khác đang lần lượt chạy qua trước mặt, thấy mình thật nhỏ bé trước “lòng tham vô hạn” muốn lấp đầy những cái tên mới mẻ kia bằng cảm giác sống động có sắc màu, hương vị của nắng, gió, mây trời và cỏ hoa, bằng những chuyến du hành như những con sóng duy trì nguồn năng lượng cho một tâm hồn mê dịch chuyển...


[1] Trong tiếng Nhật có nhiều loại văn tự, trường hợp là người nước ngoài thì có thể ghi tên bằng mẫu tự Latin, bằng Hán tự hoặc sử dụng mẫu tự kana để ghi phiên âm ra tiếng Nhật. Trong thủ tục hành chính, pháp lý, các mẫu giấy tờ thường quy định cụ thể là ghi tên đương sự ở dạng nào.
[2] Ý văn của Mishima Yukio trong tiểu thuyết Kim Các Tự.      

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG GENJI MONOGATARI



Nếu nói cảm thức thẩm mỹ “mono no aware” là linh hồn của tác phẩm Genji monogatari thì thế giới nhân vật của tác phẩm này chính là nơi trú ngụ của linh hồn ấy. Cụ thể hơn, thế giới nhân vật trong tác phẩm là hình thức, chất liệu phù hợp để “mono no aware” được biểu đạt một cách đầy đủ, sinh động nhất và chạm đến những rung động thẳm sâu nơi người đọc.
Bằng khả năng quan sát và cảm nhận tinh tế kết hợp với không gian tự do, rộng mở của một tác phẩm trường thiên, Murasaki Shikibu đã xây dựng nên những nhân vật đa diện trong một thế giới phức tạp đa chiều. Những nhân vật này có nhiều nét tính cách – thể hiện qua suy nghĩ, lời nói, hành vi – có thể gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc nhưng không hề xa lạ với bản chất con người. Cho nên, bước vào thế giới của Genji monogatari và “gặp gỡ”, “đối thoại” với những hình tượng ấy, độc giả vừa được khám phá một thế giới rộng lớn của con người nói chung lại vừa có thể tự soi chiếu vào đời sống nội tâm của bản thân. Hay là nói theo cách của Mikel Dufrenne thì “Lĩnh hội một nhân vật trong một tiểu thuyết không chỉ là nhận biết ở anh ta độ mờ, sự đầy đặn và thuộc tính kín đáo của một ý thức, mà còn phải nắm bắt anh ta trong mối quan hệ với một thế giới vừa là một sự tương quan vừa là một định mệnh, tùy theo sự nhập nhằng trong cảnh ngộ con người”. Một thế giới nhân vật phức tạp mà tinh vi như vậy làm cho những vấn đề được nói đến, những hình ảnh được miêu tả trong tác phẩm đạt đến những chiều kích của hiện thực đời sống. Và nếu công nhận rằng nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật là một trong những vấn đề then chốt của việc tạo dựng một thế giới hư cấu trong văn chương tự sự thì trong trường hợp Genji monogatari, có thể nói những hình tượng nhân vật được miêu tả thành công là trung tâm của sức cuốn hút tỏa ra từ tác phẩm này.
Vì “con người trong truyện cũng chính là quan niệm nghệ thuật về con người thông qua tính cách, hành động, sự kiện diễn biến trong thời gian thuộc về quá khứ tính từ thời điểm kể truyện[1] nên bước vào thế giới nhân vật của Genji monogatari cũng chính là bước vào cuộc hành trình khám phá tư duy nghệ thuật của tác giả Murasaki Shikibu thể hiện trong tác phẩm. Đó là một hành trình thú vị dẫn dắt người nghiên cứu đến với những gương mặt, những tính cách độc đáo nhưng lại rất đời thường, xuất hiện trong một mạng lưới đan cài nhiều mối quan hệ phức tạp chi phối hành vi, nếp nghĩ của mỗi cá nhân và trở nên nổi bật nhờ sự kết hợp tinh vi giữa hiện thực và hư cấu.
Từ nguyên mẫu trong lịch sử đến nhân vật của thế giới hư cấu
Việc các nhà nghiên cứu xem nghệ thuật xây dựng nhân vật là vấn đề trọng tâm của tác phẩm Genji monogatari thể hiện trước hết và rất rõ ràng trong tư liệu nghiên cứu về tác phẩm. Khi tìm hiểu, khảo sát về hầu hết các vấn đề của Genji monogatari, các nhà nghiên cứu đều căn cứ vào thế giới nhân vật của tác phẩm để đặt giả thuyết hay lập luận. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều công trình nghiên cứu đi sâu vào thế giới nhân vật của tác phẩm này. Có quy mô lớn nhất là bộ sách Jinbutsu de yomu Genji monogatari「人物で読む『源氏物語』」(Đọc Genji monogatari qua nhân vật) được biên soạn bởi một nhóm nhà nghiên cứu, trong đó tác giả có đóng góp nhiều nhất là Murofushi Shinsuke, giáo sư trường Đại học nữ Tokyo. Bộ sách này gồm 20 cuốn, phân tích khoảng 30 nhân vật quan trọng trong Genji monogatari, do nhà xuất bản Bensei phát hành năm 2005. Các công trình thuộc loại chuyên luận nghiên cứu chuyên sâu về thế giới nhân vật hay thủ pháp xây dựng nhân vật trong Genji monogatari cũng rất nhiều. Tiêu biểu có thể kể đến những cuốn sách công phu như Genji monogatari no jinbustu to hyogen – sono ryogiteki tenkai「源氏物語人物表現その両義的展開」(Nhân vật và cách biểu đạt của Genji monogatari – lối triển khai theo kiểu hai nghĩa) của Haraoka Fumiko, Genji monogatari no hyogen to jinbutsu zokei「源氏物語表現と人物造型」(Cách biểu đạt và xây dựng nhân vật trong Genji monogatari) của Mori Ichiro, Genji monogatari no koso to jinbutsu zokei「源氏物語構想人物造型」(Cấu tứ và xây dựng nhân vật trong Genji monogatari) của Nakajima Ayako, Genji monogatari no jinbutsu to koso「源氏物語人物構想」(Nhân vật và cấu tứ trong Genji monogatari) của Tasaka Kenji v.v... Ngoài ra còn có từ điển chuyên về nhân vật trong Genji monogatari 「源氏物語作中人物事典」do Nishizawa Masashi biên soạn.  
Người đọc tiếp cận tác phẩm Genji monogatari dễ nhận thấy thế giới nhân vật rất phức tạp nhưng cũng đầy thú vị. Theo nhìn nhận của các nhà nghiên cứu, sự phức tạp ấy không phải là do số lượng nhân vật quá nhiều mà do thủ pháp xây dựng nhân vật – hay nghệ thuật biểu đạt thông qua hình tượng nhân vật – mà tác giả vận dụng trong quá trình sáng tác. Đi sâu vào tìm hiểu ý nghĩa của thủ pháp này thì trong giới nghiên cứu Nhật Bản có nhiều ý kiến, nhiều hướng lập luận khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy hầu hết các nhà nghiên cứu viết về vấn đề này đều quan tâm và đánh giá cao tính hiện thực của các hình tượng nhân vật trong tác phẩm.
Không chỉ riêng những nhà nghiên cứu, những chuyên gia về Genji monogatari mà ngay cả những người đọc có hiểu biết về lịch sử Nhật Bản cũng biết rằng nhiều nhân vật trong tác phẩm này có nguyên mẫu là những nhân vật lịch sử trong hiện thực. Vấn đề này cũng được đề cập đến trong nhiều công trình nghiên cứu về Genji monogatari. Nhà nghiên cứu Kano Shigefumi trong cuốn sách có tựa là Genji monogatari no hanashiげんじものがたりのはなし(Truyện Genji monogatari), đặc biệt trong chươngGenji monogatari no jidai”『源氏物語時代』(Thời đại của Genji monogatari) đã có những phân tích chi tiết để kết luận rằng khoảng thời gian của những câu chuyện được kể trong tác phẩm là từ cuối thế kỷ IX đến đầu thế kỷ X, tức là giai đoạn trung kỳ thời Heian. Để đi đến kết luận như vậy, tác giả đã khảo sát tương đối kỹ về hành trạng, cá tính các nhân vật cùng với một số sự kiện nổi bật được miêu tả trong Genji monogatari, so sánh với những nguyên mẫu và sự kiện lịch sử tương ứng trong hiện thực. Công trình Genji monogatari no koso to jinbutsu zokei「源氏物語構想人物造型」(Cấu tứ và xây dựng nhân vật trong Genji monogatari) của Nakajima Ayako có chương 2 “Murasaki Shikibu no taiken to sosaku”『紫式部体験創作』(“Trải nghiệm và sáng tạo của Murasaki Shikibu”) trình bày mối liên hệ giữa việc miêu tả nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật trong Genji monogatari với những trải nghiệm trong đời sống hiện thực của tác giả Murasaki Shikibu. Tác giả Yamanaka Yutaka trong bài viếtGenji monogatari no junkyo to shijitsu”『源氏物語準拠史実』(Nguyên mẫu và sự thực lịch sử trong Genji monogatari)[2] có nói đến nguyên mẫu của một số nhân vật trong Genji monogatari, chủ yếu tập trung vào những nhân vật trong câu chuyện về nàng Tamakazura. Và thậm chí theo nhà nghiên cứu Suzuki Hideo thì trong một thời gian dài có nhiều người nghĩ rằng Genji monogatari là một kiểu truyện kể lịch sử, mãi đến cuối thời Edo, khi xã hội Nhật Bản sắp chuyển sang thời kỳ hiện đại hóa thì mới có những nhà nghiên cứu chính thức lên tiếng để xóa bỏ quan niệm này, chính thức công nhận Genji monogatari là một tác phẩm văn học hư cấu, trong đó học giả có đóng góp quan trọng nhất là Motoori Norinaga[3].
Theo những công trình nghiên cứu kể trên và một số bài viết khác về Genji monogatari thì nhân vật trong tác phẩm này có nguyên mẫu từ hiện thực rõ ràng nhất Hikaru Genji, và gắn liền với nhân vật này là vua cha Kiritsubo. Bên cạnh đó, trong tác phẩm có nhắc đến những nhân vật lịch sử như Thiên hoàng Suzaku, Thiên hoàng Reizei, Chie, Tsunenori, Michikaze, Kinshige v.v.... Ngoài ra còn có một số chi tiết trong truyện lặp lại hoặc gần giống với sự kiện xảy ra trong thực tế là việc Thiên hoàng cho hoàng tử mang danh tính của người bình dân, việc hoàng tử bị lưu đày, việc Thiên hoàng tổ chức cuộc thi tranh có quy mô lớn (trong thực tế là cuộc thi thơ) v.v... Tuy nhiên, cũng theo các nhà nghiên cứu đã khảo sát về vấn đề này, thì không có nhân vật nào trong tác phẩm có cuộc đời và tính cách trùng lặp hoàn toàn với một cá nhân trong hiện thực lịch sử. Điều này thể hiện rõ ràng ngay trong trường hợp nhân vật chính là Hikaru Genji.
Dựa trên kết quả khảo sát tư liệu, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng nhân vật Hikaru Genji có nguyên mẫu là Minamoto Takaakira (914 – 982), hoàng tử thứ 10 của Thiên hoàng Daigo (897 – 930). Minamoto Takaakira là một hoàng tử có năng lực học vấn cao, trong sự nghiệp chính trị đã làm đến chức quan Sadaijin (Tả đại thần), nhưng lúc trên 50 tuổi thì bị phát hiện mưu phản và phải chịu hình phạt lưu đày, từ đó không còn tham gia vào đời sống chính trị ở cung đình nữa. Như vậy, quả thật là những chi tiết như sự nổi bật về tài năng và học vấn, thời gian rời hoàng cung vì bị lưu đày tạo cho người đọc cảm giác về sự giống nhau giữa nhân vật Hikaru Genji trong tác phẩm và hoàng tử Minamoto Takaakira. Mặt khác, nếu xét về giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn học thì những chi tiết trên không có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Hikaru Genji ở vị trí trung tâm của tác phẩm. Với tư cách là nhân vật chính của Genji monogatari, Hikaru Genji gây ấn tượng sâu sắc với người đọc bởi sự hào hoa, mối quan hệ với những phụ nữ xung quanh chàng và ý thức thẩm mỹ thể hiện qua đời sống vinh hoa ở khu dinh thự Rokujo, nhưng những chi tiết này không có trong sự thực lịch sử về cuộc đời hoàng tử Minamoto Takaakira.
Tương tự, những chi tiết hiện thực khác được nói đến trong tác phẩm luôn có sự pha trộn giữa sự thực lịch sử và hư cấu. Chẳng hạn như trong tác phẩm có Thiên hoàng Suzaku và Thiên hoàng Reizei thì trong lịch sử cũng có hai Thiên hoàng cùng tên, nhưng những chi tiết về hai nhân vật này trong tác phẩm và hai vị Thiên hoàng trong lịch sử rất khác nhau, có những chi tiết lẫn vào nhau và lẫn với những chi tiết về những Thiên hoàng mang tên khác trong lịch sử. Mối quan hệ thân tộc giữa các cá nhân thuộc hoàng tộc trong tác phẩm và trong hiện thực cũng khác nhau. Vì vậy, sau khi có những khảo sát chi tiết về vấn đề này, các nhà nghiên cứu đều dễ dàng khẳng định tính hư cấu của Genji monogatari, và những chi tiết hiện thực được đưa vào tác phẩm có thể cũng là một dụng ý của tác giả hơn là sự sao chép hay mô phỏng hiện thực để mang đến cho người đọc một truyện kể hấp dẫn về lịch sử.
Từ những nội dung trên, dễ thấy rằng tuy có đưa những chi tiết của hiện thực lịch sử vào tác phẩm, rõ ràng tác giả không có ý định kể chuyện lịch sử mà đã xây dựng nên một thế giới hư cấu sinh động. Điều đó đặc biệt thể hiện rõ trong thế giới nhân vật của tác phẩm, với những đặc trưng về hình tượng nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật như đã trình bày ở phần trên. Nhưng nếu như vậy thì mối quan hệ giữa hiện thực và hư cấu trong thế giới nhân vật của Genji monogatari có ý nghĩa như thế nào?
Nhân vật trong tác phẩm hư cấu không phải là con người tồn tại trong thực tế nhưng mang những đặc điểm về tính cách, ngôn ngữ, hành động v.v… như con người hiện thực. Vì vậy, người đọc thâm nhập vào thế giới trong tác phẩm sẽ có cảm giác như đang “biết đến” câu chuyện về ai đó trong đời sống thực tế đang diễn ra xung quanh mình. Đó là đặc điểm của nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại. Nhưng ở thời đại mà Genji monogatari xuất hiện, kiểu nhân vật kết hợp một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả giữa hiện thực và hư cấu như trên hầu như chưa có, vì trong đời sống văn học chỉ có loại nhân vật thiên hẳn về hư cấu với những chi tiết khác hẳn với con người của đời thường (thần thoại, cổ tích) và loại nhân vật thiên hẳn về sự thực lịch sử (truyện kể lịch sử, nhật ký). Theo nhà nghiên cứu Suzuki Hideo thì nhân vật trong những tác phẩm thuộc thể loại monogatari xuất hiện trước Genji monogatari (như Ise monogatari, Utsuho monogatari) đã có dấu hiệu của sự kết hợp này, nhưng với hình thức truyện kể đoản thiên thì nhân vật chỉ thể hiện một lát cắt của hiện thực, chưa có sự phát triển lâu dài về tính cách để tạo ấn tượng ở người đọc về hình ảnh và số phận con người của cuộc sống đời thường. Do vậy, nhìn vào thế giới nhân vật của Genji monogatari thì dễ nhận thấy tác phẩm này là một sự phát triển đột biến trong lịch sử thể loại, có sự khác biệt rất lớn so với những truyện kể thuộc loại monogatari trước đó. Sự thành công này chủ yếu là do tính hiện thực của thế giới nhân vật được miêu tả trong tác phẩm. Với những chi tiết có tính hiện thực như đã nói ở phần trên, Genji monogatari mang đến cho người đọc bầu không khí của thế giới thực tế. Để rồi với nghệ thuật hư cấu trong việc miêu tả tính cách nhân vật, xây dựng tình tiết và các mối quan hệ kết nối những nhân vật trong tác phẩm, tác giả đã dựng nên một thế giới hư cấu phức tạp và sinh động, thể hiện được sự phức tạp của con người và mối quan hệ con người. Sự phối hợp của hiện thực và hư cấu như trên đã mang đến cho người đọc một “hiện thực” mới. Hiện thực đó là những vấn đề của con người và mối quan hệ con người, được “nhìn” qua những hình tượng điển hình là những nhân vật trong tác phẩm.
Nói chung, với việc xây dựng thế giới nhân vật, tác giả Genji monogatari thực hiện đúng quan niệm về hư cấu được lồng vào câu chuyện giữa các nhân vật trong tác phẩm này, theo đó thì hiện thực trong tác phẩm văn chương là “hiện thực” được hư cấu, đem lại cho người đọc những hiểu biết và cảm xúc về con người và đời sống nhưng không phải là sự kiện thực tế được ghi trong lịch sử:
(Monogatari) không phải là chuyện kể đúng như sự thật về một người nào đó, mà là những điều người ta đã trải nghiệm trong cuộc sống ở đời, dù là chuyện xấu hay chuyện tốt, là những điều mà mắt ta không chán nhìn, tai ta chẳng chán nghe, những điều ta khó mà giữ kín trong cõi lòng riêng tư nên những muốn viết lại, nói ra để lưu truyền cho hậu thế. Khi muốn nói tốt thì người ta chọn lấy những điều cực tốt để làm cho người khác vui lòng, mà khi nói điều xấu cũng tìm lấy những chuyện xấu đến mức độc đáo hiếm hoi, và tất cả mọi điều như thế đều chính là cuộc sống trên cõi đời này[4].
Vì vậy, tuy rằng “kỹ thuật” thể hiện còn khá đơn giản nên hiệu quả tác động của tác phẩm với người đọc còn hạn chế nhưng với sự kết hợp giữa hiện thực và hư cấu trong thế giới nhân vật, có thể nói Genji monogatari đã đi đúng con đường của thể loại tiểu thuyết và là một trường hợp đặc biệt của thể loại này trong lịch sử văn học Nhật Bản. Trong chương 3, trên cơ sở lý luận về nghệ thuật tiểu thuyết, chúng tôi sẽ trình bày thêm về nghệ thuật hư cấu và tính hiện thực nói chung của Genji monogatari, trên cơ sở so sánh tác phẩm với những đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại.
Nhân vật tái hiện hình ảnh con người hiện thực
Tác giả của Genji monogatari đã sáng tạo nên một thế giới nhân vật sinh động, phong phú và đặc sắc mà thông qua đó, người đọc có thể hình dung tổng quát về cuộc sống, sinh hoạt trong cung đình Nhật Bản thời Heian cũng như niềm vui, nỗi buồn trong cuộc đời riêng của những con người sống ở thời kỳ đó, đúng như nội dung được khẳng định trong công trình Những vấn đề thi pháp của truyện: “Người kể khẳng định “cái được kể”, trong đó nhân vật nổi lên không phải bằng sự tích phi thường như sử thi, không huyền thoại hóa nhân vật mà bằng tính cách nổi bật của người được nói đến. Những hiện tượng được đưa ra cũng tiêu biểu cho những gì bình thường trong cuộc sống[5].
Nhân vật trong Genji monogatari được miêu tả về tâm lý, tính cách và hành động như những con người đời thường, khác với những nhân vật anh hùng trong sử thi hay nhân vật lý tưởng, thần thánh, siêu thực trong truyện hoang đường thời cổ. Xét ở thời điểm mà tác phẩm ra đời thì đây là một thành công vượt bậc trong nghệ thuật văn xuôi của tác giả Murasaki Shikibu, phản ánh quan niệm được thể hiện trong Bách khoa toàn thư Mỹ: “Một tác giả xuất sắc sẽ khoác cho nhân vật của mình diện mạo và cá tính của những con người sống thực. Anh ta đặt nhân vật vào trong cảnh tượng mà ở đó rất có thể họ sẽ cư xử, phản ứng như trong bối cảnh đời thực[6]. Những nhân vật trong Genji monogatari có đời sống tình cảm, tâm lý như những con người bình thường. Họ đam mê ái tình, họ tranh giành quyền lực, họ xúc động trước cái đẹp và ghen tuông trong tình yêu v.v... như những con người mà ta vẫn tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày. Và chính những khắc họa đặc sắc về tính cách, tâm lý nhân vật đã làm cho mỗi nhân vật trong tác phẩm này có một diện mạo riêng. Nhờ vậy, tuy tác phẩm có rất nhiều nhân vật - trong đó có nhiều phụ nữ trẻ đẹp đều thuộc giới quý tộc và đều là người tình của Hikaru Genji - nhưng khi khép lại trang sách, người đọc vẫn có thể hình dung được một Fujitsubo kiều diễm, một Murasaki thánh thiện, một Aoi lạnh lùng hay một Tamakazura kiêu hãnh v.v...
Nhân vật trung tâm của tác phẩm Hikaru Genji – một mặt được miêu tả như một vị hoàng tử có dung mạo tuyệt đẹp và tài năng xuất chúng, trở thành tâm điểm chú ý của giới quý tộc cung đình, nhưng mặt khác cũng được khắc họa qua nhiều chi tiết trần thuật như một con người có tâm lý, đời sống, ngôn ngữ và hành động của một người bình thường, khác với các nhân vật lý tưởng mang tính huyền thoại của sử thi. Hikaru Genji là một người có thân phận cao quý nhưng theo đuổi những đam mê đời thường. Chàng luôn bị cuốn hút bởi vẻ đẹp ở những người phụ nữ và say sưa với hành trình tìm kiếm, chinh phục những bông hoa lạ. Ngay khi mở đầu chương thứ hai của tác phẩm là Hahakigi『箒木』(Cỏ phấn hương), tác giả đã đề cập thẳng thắn đến sự bất toàn của nhân vật mà bà đã dành nhiều tình cảm qua những lời khen ngợi tán dương trong chương trước: “Cái tên “Genji rạng ngời” thì thật tuyệt, nhưng hoàng tử thì cũng có không ít khuyết điểm bị người đời chỉ trích. Chàng lo ngại “không khéo rồi hậu thế sẽ truyền tụng nhau rằng ta là một kẻ phóng túng và quá ư hiếu sắc”, nên cố gắng giữ kín mọi điều, nhưng rồi người đời lắm chuyện vẫn cứ truyền tai nhau...”[7].
Hikaru Genji có vẻ đẹp vô song của một “hoàng tử rạng ngời” khiến cho những người xung quanh phải choáng ngợp vì ngưỡng mộ. Nhưng chàng không phải là một hình ảnh hoàn hảo không tì vết. Những mối quan hệ tình cảm lãng mạn và cũng rất “phiêu lưu” Hikaru Genji đã mang lại cho cuộc đời chàng không ít rắc rối và phiền muộn. Ở chương Suma『須磨』(Vịnh Suma), tác giả cũng thông qua lời thoại của bản thân Genji để nói đến những lầm lỗi của nhân vật này, dù không hề có ý chỉ trích hay thay đổi ấn tượng về tính cách nhân vật:
Dù không phải là người tước cao lộc trọng như con, dù chỉ phạm phải những lầm lỗi thông thường và đã chịu hình phạt của triều đình, chấp nhận cuộc sống bình thường trong thiên hạ nhưng vẫn bị xem là trọng tội, ấy là chuyện mà con được biết đã xảy ra ở nước người[8]. Còn như trường hợp của con thì cũng có khi phải chịu hình phạt lưu đày xa xứ, nên con biết tội lỗi của mình không phải chỉ ở mức thông thường.
Việc Genji bị lưu đày ở vịnh biển Suma, một mặt được nói đến như là một sự dồn ép của phe cánh chính trị đối lập ở cung đình, và vì thế là sự bất công đối với Genji, mặt khác vẫn là một sự kiện được bản thân chàng đón nhận với thái độ cam chịu, vì cho rằng đó là hậu quả tất yếu của những lỗi lầm mà chàng đã phạm phải trước đây. Đó cũng là một biểu hiện thú vị cho tính gấp khúc, đa chiều của “hiện thực” được miêu tả trong tác phẩm. Và trong “hiện thực” ấy, tính đa diện cũng như sự bất toàn của nhân vật càng được thể hiện rõ nét hơn, làm cho nhân vật gần gũi hơn với những con người trần tục, nhiều khiếm khuyết của cuộc sống đời thường.
trong số những câu chuyện về lỗi lầm của Hikaru Genji được kể trong tác phẩm thì sự kiện nghiêm trọng nhất là chàng đã có mối quan hệ bí mật với người mẹ kế Fujitsubo, và hoàng nam mà Fujitsubo sinh hạ là kết quả của mối tình vụng trộm này. Bằng ngòi bút tinh tế, tác giả đã khắc họa tâm lý nhân vật Hikaru Genji trong hoàn cảnh khó xử - khi phải đối mặt với bằng chứng tội lỗi của mình, trước người cha rất yêu thương chàng nhưng lại bị chàng phản bội:
Như mọi lần, Genji chujo lại đến cung Fujitsubo để tham gia chơi nhạc, thì gặp nhà vua đang bế hoàng tử nhỏ bước ra.
“Ta có nhiều hoàng tử nhưng chỉ gần gũi sớm tối bên con từ lúc con còn non nớt thế này. Có lẽ sự gắn bó từ thuở ấy khiến ta liên tưởng đến con, nên thấy hoàng tử nhỏ giống con quá đỗi. Hay là lúc còn quá nhỏ thì mọi đứa trẻ đều trông giống thế này chăng?” Nhà vua nói. Có vẻ như ngài đang cảm thấy hoàng tử nhỏ “xinh đẹp vô cùng”. Genji cảm thấy như gương mặt mình đang biến sắc, trong lòng chàng cùng lúc dâng lên cảm giác sợ hãi và hối hận hòa lẫn với tình cảm thương yêu, vui sướng khiến cho nước mắt tuôn trào. Hoàng tử nhỏ bập bẹ mấy tiếng vu vơ rồi nhoẻn miệng cười trông đẹp đến mức người khác phải kính sợ. Genji nghĩ rằng nếu hoàng tử khôi ngô này giống hệt mình, thì chắc hẳn mình trông cũng ưa nhìn lắm. Quả là chàng cũng rất tự cao. Quý phi thì không sao tránh được cảm giác xấu hổ và dằn vặt trong lòng, đến nỗi người vã mồ hôi lạnh. Được gặp hoàng tử nhỏ, Genji chỉ càng tự chuốc lấy sầu muộn với bao mối phiền lo, nên đã rời hoàng cung để về lại Nijo[9].
Đoạn văn trên mang lại cho người đọc cảm giác đang gặp gỡ những con người đời thường, chứng kiến những hành vi đời thường của họ. Ở đoạn văn này, tác giả không chỉ đưa ra những bằng chứng về tâm lý cho việc phạm tội của Hikaru Genji, mà còn thông qua việc miêu tả bằng chứng ấy để khơi mở những góc khuất sâu kín trong tâm hồn nhân vật, gửi đến người đọc những hình ảnh tinh tế nhất về nội tâm con người trong hoàn cảnh điển hình. Với cách miêu tả này, tác giả không chỉ thuyết phục người đọc về tính hợp lý của các sự kiện trong tác phẩm mà còn lay động cảm xúc của người đọc, vì mỗi người đều có thể tự soi chiếu bản thân để bắt gặp chính mình trong hoàn cảnh của nhân vật – một hoàn cảnh tuy rất đặc biệt nhưng không phải là chuyện  vô lý, khó tin trong thế giới đa phức của xã hội con người.
Bên cạnh hình ảnh Hikaru Genji, tác giả còn xây dựng một thế giới nhân vật nữ, trong đó nhiều nhân vật có đặc điểm tâm lý, tình cảm phức tạp, mà độc đáo nhất có lẽ là hiện tượng “hồn ma sống” của Rokujo.
Rokujo là góa phụ của Đông cung thái tử đã qua đời, một trong những bậc mệnh phụ có địa vị rất cao của xã hội quý tộc được miêu tả trong tác phẩm. Nhưng nàng cũng bị thu hút bởi vẻ đẹp của Hikaru Genji, và trở thành người tình bí mật của chàng. Tuy là một phụ nữ có vị thế cao, Rokujo lại không phải là người được giữ được tình cảm dài lâu của ông hoàng đào hoa – người luôn là một lữ nhân trên hành trình khám phá vẻ đẹp nữ tính. Khi nhận ra mình không còn được Hikaru Genji quan tâm nữa, Rokujo đau khổ và thầm ghen với những người phụ nữ đang có may mắn được gần gũi với chàng. Lòng ghen tuông của công nương Rokujo là một thứ năng lượng đặc biệt, trở thành một kiểu “hồn ma sống” thoát ra từ bản thân nàng để tìm đến ám hại những người phụ nữ đang là đối tượng ghen tuông. Nàng Yugao – một phụ nữ có thân thế không rõ ràng nhưng có vẻ rất hấp dẫn đối với Hikaru Genji – là nạn nhân đầu tiên của “hồn ma sống” ấy. Sau đó, nàng Aoi – vợ chính thức của Genji – cũng bị hồn ma ấy tấn công sau sự kiện đoàn xe đi hội của nàng vượt lên đoàn xe của Rokujo. Aoi đã lâm bệnh nặng và qua đời sau khi sinh con trai. Từ lễ cúng trừ tà cho Aoi lúc bệnh tình của nàng trở nên nguy kịch, cả Hikaru Genji và Rokujo mới biết được nguồn gốc của hồn ma đáng sợ này.
Tình tiết “hồn ma sống” rõ ràng là có tính chất siêu thực. Nhưng với chi tiết này, Murasaki Shikibu đã xây dựng được một hình tượng nhân vật Rokujo đặc sắc, không thể nhầm lẫn được với rất nhiều phụ nữ đa hình đa sắc trong thế giới nhân vật Genji monogatari. Đồng thời, chi tiết này còn cho thấy tác giả là một người hiểu biết sâu sắc về thế giới nội tâm của con người, thấy được những ẩn ức của tình cảm mà – vì nhiều lý do – bị che giấu trong những mối quan hệ xã hội của cuộc sống đời thường, nhưng lại bộc lộ ra trong những chiều kích khác của đời sống tâm linh.
Nếu Rokujo là một hình tượng đặc sắc vì sự kết hợp giữa hiện thực và huyền ảo, thì Ukifune là một kiểu nhân vật thế tục hoàn toàn, có đời sống tâm lý rất gần gũi với những nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại. Chàng Kaoru đến với Ukifune vì nàng có dung mạo giống người chị cùng cha khác mẹ là Oigimi, người đã từ chối tình cảm của Kaoru trước đó. Khi mối quan hệ giữa hai người đã được xác lập thì Niou xuất hiện. Chàng trai quyến rũ và thích những cuộc phiêu lưu tình ái này đã giả giọng của Kaoru để gần gũi Ukifune, và sau đó còn đưa nàng đến một ngôi nhà phía bên kia dòng sông trong suốt hai ngày liền. Ukifune bị hấp dẫn bởi Niou hơn là Kaoru, mặc dù nàng biết rằng Kaoru là một người chân thật, có thể mang lại cho nàng cuộc sống bình yên, còn Niou thì phóng túng và hay thay đổi. Bên cạnh đó, do bị động trước cách hành xử đường đột của Niou, nàng cảm thấy mình có lỗi với Kaoru và không còn trong sạch để có thể quay về với chàng được nữa. Bị tình thế dồn ép và bị dằn vặt vì mâu thuẫn nội tâm, Ukifune nghĩ đến cái chết như một giải pháp cuối cùng và quyết định gieo mình xuống dòng sông chảy xiết. Tuy nhiên, nàng không chết và cuối cùng trở thành một ni sư sống khép kín trong tu viện.
Nói chung, những nhân vật được miêu tả trong phần Uji thập thiếp đều có cuộc sống ảm đạm hơn hẳn so với những nhân vật xuất hiện trong phần đầu tác phẩm Genji monogatari. Nhưng chính vì vậy mà họ trở thành những hình ảnh thực hơn, gần gũi với đời thường và với cảm nhận của độc giả thời hiện đại. Trong số đó, Ukifune là hiện thân của một cô gái đa đoan. Nghịch cảnh trong đời sống tình cảm của cô cũng là nghịch cảnh của rất nhiều người trong cuộc sống. Trong thực tế, các cô gái thường có khuynh hướng tìm một người đàn ông mà mình có thể tin cậy- như trường hợp Kaoru đối với Ukifune- nhưng lại dễ bị quyến rũ bởi những người phong tình và táo bạo như chàng Niou. Do đó, có thể thấy Ukifune cũng là một thành công lớn của bút pháp hiện thực của tác giả trong vấn đề khắc họa tâm lý nhân vật.
Một điểm thú vị trong hình tượng nhân vật của Genji monogatari là nhân vật trong tác phẩm này vừa có cá tính rõ rệt lại vừa thể hiện sự đa dạng về tính cách ở mỗi cá nhân. Sự đa dạng ấy có thể được thể hiện bằng cách miêu tả sự thay đổi tưởng chừng rất lạ lùng trong tính cách nhân vật – như trường hợp nhân vật Suetsumuhana, Kashiwagi, Yugiri – hoặc bằng cách miêu tả những khía cạnh tâm lý khác nhau, thể hiện qua đời sống nội tâm của nhân vật đó – như trường hợp Hikaru Genji, Fujitsubo, Rokujo v.v… Đó cũng là một cách để thể hiện nhân vật như là những con người của thế giới hiện thực trong cuộc sống đời thường: những cá nhân không hoàn hảo, dễ thay đổi và đa diện về tính cách. Vì vậy, khi phân tích về sự thay đổi tính cách của nhân vật Suetsumuhana trong chương “Yomogiu”『蓬生』(Bụi ngải vườn hoang), nhà nghiên cứu Suzuki Hideo đã nhận xét rằng “cách xây dựng cấu trúc tâm lý nhân vật như trong tác phẩm là sự thống nhất tính đa diện của con người[10]. Những nhân vật được miêu tả theo cách như vậy thường xuất hiện trong những mối quan hệ phức tạp, đa chiều, do vậy càng tạo nên sức cuốn hút của thế giới nhân vật trong tác phẩm, vì đó không chỉ là thế giới với những hình tượng nhân vật mang hình ảnh của con người hiện thực mà còn là một mạng lưới của những mối quan hệ phức tạp trong cuộc sống đời thường.
Thế giới nhân vật tái hiện xã hội con người
Genji monogatari không chỉ mang đến cho người đọc một thế giới nhân vật đa dạng với nhiều kiểu tính cách mà còn cho người đọc có cơ hội cảm nhận và suy ngẫm về mối quan hệ con người qua việc miêu tả mối quan hệ giữa các nhân vật trong tác phẩm.
Nếu chỉ đọc lướt qua, độc giả sẽ dễ có cảm giác rằng Genji monogatari chỉ là câu chuyện về cuộc đời tình ái của chàng hoàng tử Hikaru Genji. Đó là một cảm nhận tự nhiên vì trong suốt hơn ba mươi chương của tác phẩm này, người đọc được dẫn dắt qua rất nhiều câu chuyện về những mối quan hệ của Hikaru Genji với nhiều phụ nữ. Theo các tài liệu nghiên cứu thì rõ ràng “thế giới của Genji” là thế giới hư cấu, nghĩa là tác giả không chủ trương kể chuyện lịch sử theo kiểu ghi chép lại hành trạng, cuộc đời của những con người có thực, mà đã tạo ra một thế giới của tưởng tượng theo một cấu tứ nhất định nào đó. Vậy thì những mối quan hệ với những phụ nữ cung đình xung quanh nhân vật Hikaru Genji có ý nghĩa gì?
Đã có nhiều nhà nghiên cứu theo đuổi và lý giải vấn đề trên theo nhiều kiểu khác nhau. Và không ít nhà nghiên cứu cho rằng thế giới nhân vật của Genji monogatari – với những mối quan hệ phức tạp của nó – là trung tâm của thủ pháp nghệ thuật trong tác phẩm. Cụ thể hơn, có thể nói mối quan hệ của các nhân vật trong cấu trúc câu chuyện của Genji monogatari là một sự biểu đạt nghệ thuật, thể hiện ý thức thẩm mỹ Nhật Bản qua năng lực sáng tạo của người viết. Và điều đó thể hiện tập trung nhất, rõ ràng nhất trong mối quan hệ của nhân vật chính Hikaru Genji với nhiều phụ nữ xung quanh.
Hikaru Genji có nhiều mối quan hệ với nhiều người phụ nữ nhưng rõ ràng theo cách kể chuyện trong tác phẩm thì những mối quan hệ này không đơn giản chỉ là sự gặp gỡ tình cờ, sự tìm kiếm để mua vui hoặc là sự biểu hiện của một cách sống buông thả không luân lý. Mối quan hệ của Hikaru Genji với mỗi người phụ nữ đều có hoàn cảnh nảy sinh, có lý do tồn tại và ý nghĩa riêng trong cuộc đời nhân vật và sự phát triển của câu chuyện trong tác phẩm. Có thể thấy điều đó qua ví dụ về mối quan hệ của chàng với các nhân vật nữ quan trọng là Fujitsubo, Murasaki và công chúa Ba.
Tình cảm với Fujitsubo nảy sinh khi Hikaru Genji còn ở độ tuổi thiếu niên và mang tâm trạng của một cậu bé mồ côi mẹ. Chàng không nhớ rõ hình ảnh người mẹ đã sinh ra mình vì đã mất mẹ từ lúc mới lên ba tuổi. Hikaru Genji chỉ nghe nói rằng mẹ kế Fujitsubo rất giống mẹ ruột của mình. Chàng có điều kiện gần gũi với Fujitsubo trong cuộc sống hằng ngày ở bên cạnh vua cha, và không biết từ lúc nào chàng đã dành cho Fujitsubo một tình cảm ngày càng sâu đậm, đồng thời xem nàng là hình mẫu của một người phụ nữ lý tưởng. Nhưng về mặt đạo đức thì đây là mối quan hệ bị cấm kỵ, nên tình cảm đầu tiên ấy ở Hikaru Genji cũng không có điều kiện để phát triển bình thường. Càng ngày chàng càng khó có điều kiện gặp Fujitsubo, và cả hai đều phải cố đè nén tình cảm để giữ mối quan hệ trong vòng bí mật.
Trong hoàn cảnh đó thì Hikaru Genji gặp Murasaki, lúc nàng chỉ mới là một bé gái với vẻ xinh xắn hồn nhiên rất trẻ con. Cơ hội gặp gỡ chỉ là một sự tình cờ, nhưng ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy Murasaki, chàng đã bị cuốn hút mãnh liệt vì cô có vẻ đẹp trong sáng lạ lùng và đặc biệt rất giống Fujitsubo. Cảm xúc mãnh liệt ban đầu và niềm mong muốn có được một người đẹp giống như Fujitsubo để chia sẻ cuộc sống suốt đời đã thôi thúc Hikaru Genji tìm mọi cách để chiếm hữu cô bé. Rõ ràng là trong câu chuyện này, Hikaru Genji hiện lên trước mắt độc giả không phải như một người đàn ông phóng túng đi tìm kiếm những thú vui, mà trái lại là người đau khổ trong tình yêu vừa có được một nguồn an ủi. Và mối quan hệ giữa chàng với Murasaki, tuy có một hình thái lạ lùng và được bắt đầu trong hoàn cảnh Hikaru Genji đang có vợ chính thức, vẫn không gây cảm giác khó chấp nhận mà cứ tồn tại và tiếp diễn một cách tự nhiên.
Còn mối quan hệ với công chúa Ba lại là một trường hợp khác hẳn. Khi Hikaru Genji sắp bước vào tuổi bốn mươi và đang có địa vị rất cao trong thời kỳ trị vì của Thiên hoàng Reizei thì nhận được đề nghị từ anh mình - cựu hoàng Suzaku - nhờ chăm sóc công chúa Ba, vì theo Suzaku thì hơn ai hết, Hikaru Genji là một người bảo trợ đáng tin cậy, có thể đảm bảo một tương lai tốt đẹp cho công chúa. Vì vẫn đang chia sẻ cuộc sống yên bình và hạnh phúc với Murasaki nên Hikaru Genji tiếp nhận lời đề nghị này như là một tình huống khó xử. Tuy nhiên, ở địa vị của chàng và nghe những lời tâm sự, phân giải của Suzaku, Hikaru Genji không thể không nhận lấy trách nhiệm này. Tuy rằng công chúa Ba là một cô gái có địa vị cao vời và cũng rất xinh đẹp, cuộc hôn nhân của nàng với Hikaru Genji chỉ là một sự sắp xếp có phần chật vật, nên khác hẳn với những mối quan hệ xuất phát từ tình cảm. Theo diễn biến của câu chuyện thì cuộc hôn nhân này là một giải pháp hợp lý cho sự băn khoăn của cựu hoàng Suzaku và tương lai của công chúa, nhưng chính mối quan hệ này lại gây nên những bất hạnh trong giai đoạn cuối đời của Hikaru Genji.
 Những câu chuyện trên tuy kể về những nhân vật có địa vị cao, có vẻ rất lý tưởng và xa lạ với cuộc sống đời thường, nhưng mối quan hệ giữa họ vẫn là mối quan hệ của con người trong đời sống hiện thực, trong đó con người phải sống với những ràng buộc phiền phức, những hoàn cảnh không như mong muốn, những khao khát không được thỏa mãn và những thay đổi bất ngờ. Tình cảm của Hikaru Genji đối với Fujitsubo nảy sinh trong hoàn cảnh như vậy là một điều tất yếu, nhưng lại là điều không thể chấp nhận theo quan niệm đạo đức của con người, nên luôn tồn tại trong lòng Genji như là sự khát khao chưa được giải tỏa. Thực trạng ấy cũng chính là lý do cho sự hình thành và tồn tại mối quan hệ giữa Hikaru Genji và Murasaki. Mối quan hệ này được miêu tả như một thiên tình sử đẹp nhất trong tác phẩm, nhưng vẫn hàm chứa một sự khiếm khuyết vì Murasaki không có con, và cuối cùng lại bị rạn nứt nghiêm trọng vì cuộc hôn nhân của Hikaru Genji với nàng công chúa trẻ. Rồi đến lượt cuộc hôn nhân này, vì không phải là một mối quan hệ có điểm tựa vững chắc về tình cảm, còn gây ra bi kịch lớn hơn, đến mức hủy hoại cuộc đời và hạnh phúc của người trong cuộc. Về hình thức văn hóa thì những câu chuyện trên diễn ra trong tập quán của giới quý tộc và những nghi thức cung đình, nhưng về mặt tâm lý thì vẫn là những vấn đề trong mối quan hệ giữa con người với con người trong tình yêu và cuộc sống gia đình trên con đường mưu tìm hạnh phúc.
Sự bất toàn trong mối quan hệ con người không chỉ nảy sinh do hoàn cảnh hoặc do sự chênh lệch vốn có giữa người này với người kia, mà còn do tình cảm con người thay đổi theo thời gian, như mọi sự vật hiện tượng trong đời sống. Sự thay đổi như vậy cũng được thể hiện ở nhiều mối quan hệ trong tác phẩm Genji monogatari. Nếu như câu chuyện về nàng Suetsumuhana là một quá trình thay đổi tình cảm, tâm lý theo hướng tốt thì ngược lại, bi kịch tình cảm của nàng công chúa Ba hay chuyện hôn nhân của Yugiri với nàng Kumoinokari lại là những trường hợp thay đổi theo hướng xấu.
Vốn là một cô gái có tâm hồn trong sáng và thậm chí tính tình còn rất trẻ con, công chúa Ba bị cuốn vào mối quan hệ với Kashiwagi một cách rất lạ lùng, nhưng không phải là một kiểu gượng ép hay vô lý. Và trong câu chuyện này, bản thân Kashiwagi cũng trải qua một quá trình thay đổi đáng ngạc nhiên, bắt đầu từ lúc chàng nhìn thấy nàng công chúa xinh đẹp sau tấm rèm bị vén lên một cách tình cờ. Kashiwagi liên tục bày tỏ với công chúa Ba tình cảm mãnh liệt của chàng vì bản thân không thể cưỡng lại sức chi phối của tình cảm ấy. Còn công chúa Ba, bị xáo trộn vì sự tác động của Kashiwagi và bối rối trong tình thế nan giải của mình, cuối cùng đã bị cuốn vào mối quan hệ với Kashiwagi một cách bị động. Theo diễn biến câu chuyện, người đọc cảm thấy mọi sự kiện diễn ra theo một trình tự rõ ràng và hợp lý, nhưng kết quả câu chuyện lại là một bi kịch lớn trong mối quan hệ của ba người. Có thể xem đây là một ví dụ điển hình về chuyện con người bị chi phối và thay đổi theo hoàn cảnh.
Còn chuyện hôn nhân của Yugiri là một trường hợp khác. Tình cảm giữa Yugiri và Kumoinokari nảy sinh từ thuở thiếu thời. Họ vốn là hai đứa trẻ thân nhau từ khi còn nhỏ và quyến luyến nhau một cách tự nhiên, nên khi đến tuổi lập gia đình thì Yugiri cầu hôn Kumoinokari với tình cảm chân thành, và chàng cũng vốn được biết đến như một người nghiêm túc trong tình cảm. Dù vấp phải sự lãnh đạm của gia đình Kumoinokari, Yugiri vẫn kiên trì theo đuổi mối quan hệ trong thời gian khá dài, cho đến lúc bố của Kumoinokari thay đổi suy nghĩ về chàng và ưng thuận cho hai người được kết hôn. Hai người đã chia sẻ đời sống vợ chồng, sinh con và sống bình yên trong mấy năm. Nhưng rồi khi đến nhà thăm bạn của chàng là Kashiwagi đang bị ốm, chàng nảy sinh tình cảm với vợ của Kashiwagi là công chúa Hai, và đời sống tình cảm của chàng thay đổi hẳn từ lúc đó. Sau cái chết của Kashiwagi, tình cảm của Yugiri dành cho công chúa Hai càng mạnh mẽ hơn, và chàng tìm mọi cách để tiếp cận với nàng công chúa đang tuổi thanh xuân đã trở thành góa phụ, bất chấp hoàn cảnh tang tóc và sự kháng cự dứt khoát của công chúa Hai cũng như nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình khi Kumoinokari phản ứng gay gắt. Qua câu chuyện về Yugiri, người đọc nhận thấy rằng theo thời gian, tình cảm ở con người có thể thay đổi đến mức khó tưởng tượng. Và khi sự thay đổi như vậy xảy ra ở một người nào đó, thì mối quan hệ giữa người ấy với những người xung quanh cũng không thể giữ nguyên tình trạng ban đầu, đặc biệt là quan hệ hôn nhân. Nói cách khác, sự thay đổi tình cảm ở mỗi cá nhân cũng là một trong những nguyên nhân làm thay đổi các mối quan hệ giữa người với người, có thể làm cho người ta gần nhau hơn nhưng cũng có thể làm rạn nứt, đổ vỡ mối quan hệ vốn có và gây đau khổ cho người trong cuộc. Một người vốn nổi tiếng là nghiêm túc trong tình cảm như Yugiri mà có thể lao theo lòng đam mê với nàng công chúa Hai trong hoàn cảnh ấy càng gây ấn tượng mạnh mẽ ở người đọc về sự thay đổi tình cảm ở con người như một quá trình tự nhiên và tất yếu, có thể xảy ra với bất cứ ai và gây ra những tổn thương không tránh khỏi. Đó cũng là một dấu hiệu về sự mong manh, bất toàn trong quan hệ giữa con người với con người.
Tất cả những nỗi bất hạnh như vậy đều có nguồn gốc từ sự mâu thuẫn cố hữu giữa bản tính đam mê vô hạn của con người và sự bất toàn của đời sống, trong đó mỗi cá nhân đều có những khiếm khuyết không tránh khỏi. Đó là những vấn đề mà con người được sinh ra trong hoàn cảnh nào, sống ở thời đại nào cũng đều phải đối mặt.
Với những nhân vật đa diện có đời sống nội tâm nhiều uẩn khúc, với mạng lưới xã hội nhiều tầng, đa mắc xích và không tránh khỏi những giao điểm lắt léo, chông chênh, thế giới hư cấu của Genji monogatari đã thể hiện rõ nét “tinh thần của sự phức tạp”[11] trong văn chương tự sự, như khẳng định của Milan Kundera về nghệ thuật tiểu thuyết. Chính vì thể hiện được điều đó mà Genji monogatari, tuy xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử lịch sử phát triển của hình thức văn xuôi tự sự, đã trở thành một “kim tự tháp” của văn học Nhật Bản, và cho đến nay vẫn không ngừng thu hút người đọc, dẫn dắt người đọc đi vào thế giới nghệ thuật độc đáo nhưng cũng rất hiện thực trong tác phẩm.


[1] Nguyễn Thái Hòa, Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB Giáo dục, 2000, tr. 37.
[2] In trong 阿部秋生 (Abe Akio – chủ biên), 「源氏物語研究」(Nghiên cứu Genji monogatari), 東京大学出版会, 1974.
[3] Xem 鈴木日出男「源氏物語虚構論」(Bàn về nghệ thuật hư cấu trong Genji monogatari),  東京大学出版会, 2003.
[4] Murasaki Shikibu, tlđd, cuốn 2, chương “Hotaru”, tr. 432.
[5]Nguyễn Thái Hòa, tlđd, tr. 6.
[6] Hoài Anh (2007), Xác và hồn của tiểu thuyết, NXB Văn học, tr. 28, tr. 50.
[7]紫式部 Murasaki Shikibu, 「源氏物語」(Genji monogatari) (Yamagishi Tokuhei chú giải), Iwanami Shoten, 1959, Quyển 1, chương “Hahakigi”, tr. 55.
[8] Ý nói xảy ra ở Trung Hoa (theo chú thích trong nguyên tác).
[9]紫式部 Murasaki Shikibu, tlđd, quyển 1, chương “Momiji no ga”, tr. 284 – 285.
[10]鈴木日出男「源氏物語虚構論」(Lý thuyết hư cấu trong Genji monogatari) 東京大学出版会, 2003, tr. 46.
[11] Milan Kundera, Nghệ thuật tiểu thuyết (Nguyên Ngọc dịch), NXB Đà Nẵng, 1998, tr. 24.