Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

HAI BỘ MÔN QUAN TRỌNG CỦA NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN


1. Trà đạo
1.1. Lịch sử phát triển của trà đạo
Cây trà có lẽ vốn có nguồn gốc từ miền núi phía Nam châu Á rồi được mang vào Trung Quốc. Cùng với Phật giáo, trà được du nhập vào Nhật Bản lần đầu tiên từ Trung Quốc vào thế kỷ VI. Tuy nhiên, Thiên hoàng Shomu, trị vì trong khoảng thời gian 724- 749, được ghi nhận là người đã phổ biến việc uống trà khắp nước sau khi được một nhà sư Trung Hoa dâng tặng những gói trà bột. Đồng thời cũng có tài liệu cho rằng người sáng lập trà đạo là nhà sư Muratashu Mitsu.
Trong thời Heian (794- 1185), trà được chế biến bằng cách sấy lá trà rồi nghiền thành bột. Loại trà bột này được gọi là matcha và hiện nay vẫn còn được sử dụng.
Vào thế kỷ XV, Juro Murata, thầy dạy trà đạo cho Tướng quân Yoshimasa Ashikaga, đã đưa những phạm trù thẩm mỹ như wabi, sabi vào những nghi thức trong trà đạo.
Trà đạo phát triển dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo Thiền tông, mà mục tiêu chủ yếu là thanh lọc tâm hồn bằng cách hòa nhập với thiên nhiên. Linh hồn của lễ trà được thể hiện bằng những từ như bình thản, mộc mạc, thanh nhã, chân phương, giản dị. Lễ trà được tổ chức khác nhau theo mùa, với sự lựa chọn tương ứng những dụng cụ như tách uống trà, loại trà, hoa và tranh cuộn treo tường phù hợp với từng thời điểm.
Những quan niệm của Phật giáo Thiền tông trong trà lễ càng được nhấn mạnh hơn bởi Sen no Rikyu (1522- 1591), vị trà sư uy tín nhất ở Nhật Bản. Trong thời Momoyama vào nửa cuối thế kỷ XVI, Rikyu đã tổ chức lễ trà trong không khí đơn sơ và tĩnh lặng. Nghi lễ này vẫn được giảng dạy và thực hành trên khắp thế giới hôm nay. Ông cũng đã thiết kế một kiến trúc riêng biệt, đơn giản để tổ chức lễ trà theo kiểu của một gian nhà thô sơ điển hình ở nông thôn Nhật Bản. Rikyu còn nghi thức hóa những nguyên tắc của lễ trà trong việc ứng xử đồng thời khắc họa diện mạo tinh thần của trà đạo với quy tắc về bốn tiêu chuẩn hài hòa, trang nghiêm, thuần khiếttĩnh lặng theo tinh thần Phật giáo. Những quy tắc hướng dẫn này thể hiện ở mức cao nhất về mặt tư tưởng của lễ trà.
1.2. Những đặc trưng quan trọng của trà đạo
Trà thất (茶室): là một gian nhà nhỏ được dựng biệt lập trong vườn dành riêng cho việc tổ chức lễ trà. Đường dẫn đến trà thất thường là một lối đi rải sỏi, hai bên có trồng hoa và cây cảnh để tăng cảm xúc về thẩm mỹ và sự thanh tịnh cho khách đến dự lễ trà. Trà thất của những gia đình giàu có và địa vị thường gồm ba phòng với các chức năng khác nhau. Phòng thứ nhất là nơi tổ chức trà đạo, phòng kế tiếp là nơi đặt các dụng cụ pha trà. Phòng thứ ba được bố trí tách rời với hai phòng trên, dùng làm nơi nghỉ ngơi cho khách.
Phòng tổ chức uống trà được bố trí đơn giản. Trong phòng luôn có treo một bức tranh sơn thủy vẽ theo phong cách hội họa truyền thống Nhật Bản, thường là tranh của các danh họa. Trên những bức tranh này thường có đề thơ, nên được gọi chung là thư họa. Bên cạnh đó, còn có bình hoa được trưng bày theo phong cách của nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản, thường chỉ có một bông hoa được cắm rất tự nhiên. Vẻ giản dị và thô mộc của trà thất (cũng là của ngôi nhà Nhật Bản truyền thống) cho phép một sự tập trung hoàn toàn vào bông hoa duy nhất hoặc bức tranh cuộn được lựa chọn cẩn thận theo mùa.
Ở chính giữa phòng trà có đặt một lò than chế bằng đồ đất nung để đun sôi nước và một ấm để pha trà, phía trước lò than đặt bát trà và các loại dụng cụ uống trà. Những đồ uống trà cần phải thích ứng theo từng mừa trong năm và là những món đồ quí của từng thời đại lịch sử khác nhau. Bộ đồ trà phải thô, nặng có men màu cam hoặc đen đậm dáng vẻ cổ kính.
Nội dung lễ trà:
Thời gian tổ chức lễ trà: 7 giờ sáng, 8 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ tối. Khách mời đến trà thất đúng giờ, gõ vào chiếc chuông gỗ báo hiệu đã đến. Chủ nhà nghe tiếng chuông sẽ từ phòng trà ra đón khách. Trước cửa phòng trà có đặt một chiếc cối đá đựng đầy nước, khách phải rửa sạch tay trước khi vào phòng. Khách tháo giày tại cửa ra vào của phòng tổ chức lễ trà, khi bước vào phòng phải khom mình tỏ ý khiêm tốn. Nếu khách là võ sĩ thì phải tháo kiếm trước mới được bước vào để biểu thị không khí hòa bình. Trong số khách, người tinh thông trà đạo được cử làm người chủ trì. Người chủ trì phải cạo trọc đầu để biểu thị sự sạch sẽ, thanh khiết.

Toàn bộ quá trình một cuộc uống trà cần từ 3 đến 4 giờ đồng hồ, chia thành bốn giai đoạn (4 bước). Bước thứ nhất gọi là "hoài thạch", sau khi những người khách đã an vị, chủ nhà sẽ mời khách những món ăn điểm tâm. Món điểm tâm này hết sức tinh tế phải được làm với hình thức phù hợp theo mùa. Chẳng hạn, nếu tổ chức lễ trà vào mùa thu thì món điểm tâm phải làm giống như lá phong hoặc hoa cúc. Bước thứ hai là "trung lập": khách dùng món điểm tâm xong sẽ đi xuống trà đình và ngồi nghỉ ở đó. Bước thứ ba là "ngự toà nhập", lúc này khách sẽ được dâng trà đặc. Bước thứ tư là "dùng trà loãng". Ngày nay lễ trà thường được đơn giản hoá đến mức chỉ còn bước thứ tư.
Có hai cách pha trà: pha đặc và pha loãng. Trà đặc thông thường ba người thay nhau uống một bát, mỗi người ba hớp rưỡi hết 1/3 bát. Trà loãng mỗi người uống riêng một bát. Trà đặc có màu xanh đậm, hương thơm hơi chát. Chủ nhân múc hai muôi gỗ trà cho vào bát, đổ nước sôi, dùng que trúc khuấy đều để trà có nước đặc như bột đậu. Bát đầu tiên mời người chủ trì, người chủ trì nâng bát trà ngang trán rồi mới uống. Khi uống phải chép miệng để tỏ ý thực sự được thưởng thức trà ngon của chủ nhân. Khi tất cả khách uống xong thì nghi thức trà đạo cũng kết thúc.
Các trường phái trà đạo: Trà đạo đã hình thành nhiều trường phái khác nhau, chủ yếu có ba trường phái lớn là: Risenka, HyosenkaBushakoro Senka. Mỗi nhà đều theo chế độ gia truyền - tức là con thường kế nghiệp bố làm người chủ trì trà đạo của gia đình đó.
Những quy tắc trong trà đạo:
Bốn qui định là: hoà, kính, thanh, tịch. Hoà là hoà mục, kính là tôn kính với người khác, thanh là thuần khiết u tĩnh. tịch là làm cho tinh thần ý tứ trầm lắng an tĩnh, gạt bỏ dục vọng, thanh thản.
Bảy qui tắc là:
·        Độ đậm của trà phải vừa miệng.
·        Độ to của lửa vừa phải.
·        Tuỳ theo thời tiết bốn mùa mà để cho độ nóng của trà vừa phải thích ứng.
·        Hoa cắm để trang trí trong phòng phải tươi mới.
·        Người đến thưởng trà phải đến sớm hơn một chút (thông thường khách được mời phải đến sớm hơn trước từ 20 đến 30 phút so với thời gian mời).
·        Bất luận là trời có mưa hay không cũng phải mang theo áo mưa.
  • Cần quan tâm tới khách một cách chu đáo, kể cả khách của khách.
Tóm lại, trong toàn bộ diễn biến của một cuộc trà, từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc cần phải quán xuyến tinh thần đầm ấm hoà hoãn thân mật và đem lễ nghi để đãi khách, đó là phong cách của dân tộc Nhật Bản.
Do đó có thể thấy, trà đạo bao gồm những nhân tố nghệ thuật, triết học, đạo đức, là một con đường để làm gia tăng tình cảm hữu nghị, thân thiết giữa bạn bè, chủ khách... Đó cũng là lí do khiến trà đạo Nhật Bản cớ cơ sở xã hội lớn đến như vậy và ngày nay nó vẫn thịnh hành.

2. Hoa đạo ()

2.1. Sự ra đời và phát triển của nghệ thuật cắm hoa

Từ Ikebana có nghĩa là "hoa tươi" nhưng cũng có nghĩa là “sắp đặt hoa”. Ikebana thường được dịch sang tiếng Việt là “nghệ thuật cắm hoa” nhưng ý nghĩa của từ này không chỉ là việc sắp đặt những bông hoa vào lọ theo các phương pháp hay kiểu cách nào đó mà còn là triết lý của người Nhật Bản về thiên nhiên và vũ trụ thông qua hoa như một hình ảnh tượng trưng.
Người Nhật đã biết đến hoa từ thời cổ đại, nhưng họ chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa như một bộ phận của tự nhiên. Từ thế kỷ VI khi Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản, hoa chủ yếu được dùng để cúng Phật. Trong thời gian này việc cắm hoa còn được thực hiện rất đơn giản, hoa được cắm thành từng bó cùng loại đặt trên bàn thờ. Dần dần, việc cắm hoa thay đổi theo hướng cắm nhiều hoa vào cùng một lọ nhưng các bông hoa đều phải hướng theo một trục. Cách cắm này được gọi là rikka hay tatebana. 
Sau đó, hình thức này được thay thế bằng những cành hoa thấp hơn, nhưng cách bố cục kiểu rikka vẫn tiếp tục là hình thức cắm hoa chủ đạo trong các chùa, đền đến cuối thế kỉ VII. Trong bố cục của bình hoa cắm theo kiểu này, cành lá có kích thước lớn (thông thường là cành thông, tùng, bách hay tre, trúc) là trục chính của bố cục và bông cúc trắng có một vị trí đặc biệt. Kiểu rikka được sử dụng phổ biến trong một thời gian dài, từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIV.
Bước sang nửa sau thế kỉ XV, khi Trà đạo phổ biến trong xã hội thì việc cắm hoa được nâng lên thành nghệ thuật- hoa đạo. Trong thời kỳ này các bình cắm hoa được dùng để trang trí văn phòng hay trà thất. Trong ngôi nhà truyền thống của người Nhật có thiết kế một góc nhỏ là tokonoma dành riêng để đặt lọ hoa, được xem là chỗ đẹp và trang trọng nhất trong nhà. Do gắn liền với nghệ thuật uống trà, hoa đặt trong trà thất thường được cắm theo bố cục tự nhiên, từ đó hình thành lối cắm hoa mới gọi là nageire. Dù phương pháp này cũng cho phép tỉa bớt những cành lá thừa nhưng phải theo nguyên tắc các cành không được nương tựa vào nhau mà phải đứng độc lập một cách tự nhiên.
Vào thế kỉ XX, đặc biệt từ thời Taisei (1912-1926) xuất hiện thêm một kiểu cắm hoa mới chịu ảnh hưởng của phong cách phương Tây là phương pháp moribana. Kiểu này thích hợp hơn với khung cảnh nội thất châu Âu vì sử dụng loại bình đáy thẳng miệng thấp, song do biết hoàn thiện những nét chưa đẹp của hai kiểu trên nên đã mô phỏng dược những cảnh quan thiên nhiên cụ thể của Nhật Bản, do đó đã thành công hơn và được nhiều người ưa chuộng. Phương pháp này cho phép dùng cả các loại cây lá không có hoa. Vì bình thấp nên phải sử dụng bàn chông để giữ cho cành lá đứng ở tư thế cần thiết. Hoa cắm theo kiểu này thường được sử dụng trang trí văn phòng, phòng khách và phòng ngủ trong những ngôi nhà hiện đại có nội thất kiểu phương Tây.
2.2. Những nguyên tắc quan trọng của nghệ thuật cắm hoa
Việc cắm hoa của người Nhật không phải là một hình thức dùng hoa để trang trí mà là nghệ thuật biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan thông qua những bông hoa. Vì vậy, dù có nhiều kiểu cắm hoa nhưng tất cả đều phải tuân thủ những nguyên tắc chung nhất định. Những nguyên tắc của nghệ thuật cắm hoa thể hiện rõ nét tư tưởng Thiền trong đời sống văn hóa Nhật Bản. Chính những nguyên tắc đã làm nên nét đặc trưng của nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản, làm cho nghệ thuật này khác hẳn với phong cách cắm hoa trang trí trong văn hóa phương Tây.

Nguyên tắc quan trọng nhất của nghệ thuật cắm hoa là nguyên tắc tượng trưng. Trong bình hoa phải có những cành chính tạo nên đường nét căn bản, tượng trưng cho Trời, NgườiĐất. Cành chính có chiều dài lớn nhất là cành chỉ Trời, đảm bảo độ vững chắc cho bình hoa. Độ cao của cành Trời được lựa chọn theo công thức sau: độ cao bằng độ sâu cộng một lần rưỡi đường kính miệng bình. Cành thứ hai kế bên tượng trưng cho Người nằm ở tư thế gợi cảm, cùng nghiêng về một phía và có chiều dài bằng 2/3 cành Trời. Cành còn lại phía bên kia. Ngoài ra có thể điểm thêm cành cây, cọng cỏ khác nhưng phải giữ nguyên hướng của ba cành chính, khi nhìn vào thấy như ba cái tán của một cành vậy.
Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản lấy 3 đường sau đây làm căn bản trong cách trưng bày: trời, người và đất. Đường chính- dành cho cành chỉ trời thường được gọi là đường gốc, hay shin. Đó chính là cành tạo nên cái nền cho bình hoa; vì vậy, cành này phải đủ vững chãi. Kế bên đường chính là cành thứ 2, tượng trưng cho người (soe). Cành này phải cắm ở tư thế gợi cảm tưởng đang “mọc” sang phía bên kia. Cành “người” phải cao chỉ bằng 2/3 cành “trời” và cùng nghiêng về một phía với cành “trời”. Cành thứ 3 tượng trưng cho “đất” (tai), cao chỉ bằng 2/3 cành “người” và nghiêng về phía ngược với 2 cành trên[1].
Do tuân thủ nguyên tắc tượng trưng nên người Nhật thường cắm hoa theo khuynh hướng bất đối xứng, khác hẳn với cách cắm hoa đối xứng của phương Tây. Cách chọn loại hoa và số lượng hoa để cắm cũng rất đặc biệt. Vì người Nhật quan niệm điều quan trọng nhất của việc thưởng thức hoa là hiểu được quá trình biến đổi, từ lúc đâm nụ cho đến khi ra hoa và tàn úa theo vòng sinh hóa của tự nhiên nên hoa được chọn cắm thường là hoa hàm tiếu thay vì hoa mãn khai rực rỡ. Hoa được cắm trong trà thất có khi chỉ là một bông hoa dại nở trong vườn nhà, vì vai trò của bình hoa trong nghệ thuật uống trà là gợi cho khách tham dự lễ trà nhớ đến nhịp sống của tự nhiên và thể hiện phong cách thẩm mỹ của chủ nhân nên không nhất thiết phải là hoa đắt tiền mới thể hiện sự quý phái.
2.3. Các kiểu cắm hoa phổ biến
Có 3 trường phái cắm hoa ở Nhật Bản.
Trường phái quy cách Shin có lối cắm hoa thẳng đứng trong các bình bằng đồng đặt trên chiếc giá bằng gỗ tếch được trạm trổ tinh tế.
Trường phái Gyo là trường phái bán quy cách, theo lối cắm với đường nét chảy dài và sử dụng nhiều loại bình cắm khác nhau.
Trường phái So, một trường phái bất quy cách, cắm hoa trong các giỏ, bình bằng tre, bằng gỗ và sứ đặt trên các đế bằng tre hay bằng gỗ thiên nhiên.
Cả 3 trường phái đều sử dụng ba cành hoa chính với độ dài khác nhau để đạt được sự cân đối không đối xứng và tác dụng của không gian ba chiều. Cả ba trường phái đều diễn đạt bằng biểu tượng mối quan hệ giữa trời, đất, và người.

Kiểu rikka:
Ấn tượng mà kiểu rikka tạo ra là sự rộng lớn khoáng đạt, thanh tú và nổi bật. Sự sắp xếp cơ bản của ba cành tạo thành khung cho những cánh hoa. Những cành hoa này thường cân đối và to lớn về tỉ lệ. Một bình hoa rikka trung bình có kích thước từ 3 đến 5 lần chiều cao hoặc chiều rộng của bình cắm. Một khi chiều dài của cành hoa chính đã được định, những cành hoa còn lại được cân đối theo tỉ lệ với cành chính đó. Một bình hoa rikka cắm xong sẽ có dạng hình cầu với không gian rất lớn.

Kiểu nageire:
Nageire là kiểu cắm hoa tùy cảm hứng, bất quy tắc. Do đó, kiểu nageire cho người ta cảm giác thanh thoát, tự nhiên. Kiểu cắm này cần bình cao và những vật đỡ để giữ những cành hoa. Cành hoa chính có thể bằng hoặc gấp đôi chiều cao cộng thêm một lần chiều rộng của bình. Cành thứ hai bằng ba phần tư chiều dài cành chính và cành thứ ba bằng ba phần tư cành thứ hai.
Kiểu shoka:
Kiểu cắm shoka cổ điển có nét dài và hẹp, sử dụng tối đa hai loại vật liệu. Kiểu cắm shoka hiện đại thường có ba loại vật liệu. Đây là một trong những kiểu cắm hoa lâu đời nhất trong nghệ thuật cắm hoa.

Kiểu shoka sử dụng ba cành chính cắm vươn lên từ miệng bình như theo khuynh hướng hợp nhất. Theo thiết kế này, không có tàn lá nào trong khoảng từ 7 đến 10 cm từ miệng bình trở lên. Các cành được giữ bởi một loại vật đỡ đặc biệt. Hoa được tập trung vào cành thứ ba.
Kiểu moribana:
Kiểu cắm moribana không sử dụng trong các nghi thức tôn giáo, và nó cũng không thể hiện biểu tượng gì của đạo đức, triết lí. Khi thực hiện cắm hoa kiểu moribana, người cắm sẽ dựa vào bình cắm hoặc vật liệu để đưa ra thiết kế. Kiểu cắm này dựa trên nghệ thuật không đối xứng, tạo cho người xem có cảm giác về chiều sâu và sự khao khát.


[1] Sđd, tr. 292- 293

VĂN HÓA GIAO TIẾP Ở NHẬT BẢN



1. Ý thức của người Nhật về cá nhân trong văn hóa giao tiếp

          Người Nhật là một trong những dân tộc có những đặc trưng độc đáo về tính cách. Tính cách dân tộc Nhật Bản là cái làm cho người Nhật khác với những dân tộc khác trên thế giới, nhưng tính cách đó lại được hình thành từ những nét chung trong quan niệm và ứng xử của từng người Nhật với tư cách là những cá nhân thành viên của cộng đồng. Do vậy, để tìm hiểu về tính cách Nhật Bản, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng tính cách của người Nhật trong đời sống cá nhân.
          Một xã hội bao giờ cũng được cấu tạo nên bởi nhiều cá thể thuộc các nhóm, các thành phần khác nhau. Tuy nhiên, người Nhật dù tồn tại trong xã hội ở vị trí nào thì cũng có những khuynh hướng ứng xử chung xuất phát từ những quan niệm giống nhau và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
          Một nét đặc trưng của người Nhật trong đời sống cá nhân là họ luôn ý thức rất rõ về bổn phận của mình trong mối quan hệ với những người khác hoặc mối quan hệ giữa cá nhân và tổ chức. Trong tiếng Nhật có từ “giri” để chỉ bổn phận, cách thức thực thi bổn phận hay là lòng biết ơn[1]. Trong xã hội Nhật Bản với cấu trúc phức tạp theo chiều ngang và chiều dọc, mỗi cá nhân đều ý thức rất rõ về vị trí của mình để từ đó xác lập cách ứng xử phù hợp. “Giri” trong tâm thức người Nhật đã trở thành tiêu chuẩn trong ứng xử của mỗi cá nhân mà biểu hiện quan trọng nhất là lòng biết ơn đối với người khác. Tiêu chuẩn này được xác lập trong thời kỳ phong kiến, nên trước hết nó được biểu hiện giữa các cá nhân trong mối quan hệ theo chiều dọc, chẳng hạn như quan hệ giữa lãnh đạo và thuộc cấp, giữa cha và con, giữa người nhỏ tuổi và người lớn tuổi.
          Trong xã hội hiện đại, sự du nhập của văn hóa phương Tây đã tạo ra nhiều nét khác biệt trong cách ứng xử của người Nhật- đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Tuy vậy, sự ý thức về bổn phận của mỗi cá nhân vẫn còn in đậm dấu ấn trong tâm thức người Nhật. Họ thể hiện lòng biết ơn trong những dịp đặc biệt hàng năm như ngày tết bằng cách tặng quà cho những người có mối quan hệ trong công việc hoặc trong đời sống. Tặng phẩm không cần thiết phải đắt tiền nhưng là thứ không thể thiếu trong ứng xử và thể hiện phẩm cách cá nhân. Người được tặng có thể là người lãnh đạo của họ trong cơ quan làm việc hay những người có quan hệ ngang hàng như đồng nghiệp hoặc những đối tác thương mại.
Một nét văn hóa đáng quý của người Nhật là sự khiêm nhường của cá nhân trong giao tiếp. Điều đó có thể là kết quả của ý thức về vị trí của cá nhân và tinh thần tôn trong tập thể của người Nhật. Họ luôn có khuynh hướng hòa mình trong tập thể, tránh sự nổi trội gây sự chú ý riêng về một cá nhân. Và trong những tình huống giao tiếp, họ luôn cố gắng tránh làm phiền người khác vì những vấn đề cá nhân của mình. Chẳng hạn như khi một cá nhân hoặc trong gia đình có chuyện buồn, họ không muốn làm người khác chú ý đến điều đó, vì cho rằng như vậy là làm cho người khác khó xử. Do vậy, người Nhật hầu như rất ít khi bộc lộ sự riêng tư hay những nét cá biệt trong tính cách. Họ luôn ứng xử hòa nhã để giữ cho mọi mối quan hệ đều tốt đẹp, luôn vui vẻ trong giao tiếp để mọi người đều có cảm giác dễ chịu, thoải mái. Tuy nhiên, do nét tính cách này mà tâm hồn người Nhật cũng trở nên rất bí ẩn và khó hiểu. Với một đối tác là người Nhật, có thể mọi câu chuyện đều vui vẻ, mọi công việc đều được dàn xếp ổn thỏa nhưng rất khó để hiểu được nội tâm của họ, vì vậy mối quan hệ thường chỉ dừng ở mức độ xã giao.
Ý thức khiêm nhường thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ Nhật Bản. Khi nói về điều gì đó của bản thân mình, người Nhật thường lượt bỏ chủ ngữ “tôi”. Chủ ngữ đã giản lược sẽ được người tiếp nhận ngầm hiểu. Điều này đã trở thành một đặc điểm phổ biến trong tiếng Nhật và rất khác với cách nói trong các ngôn ngữ phương Tây thường bắt đầu câu nói bằng đại từ nhân xưng chỉ chủ thể phát ngôn. Hơn nữa, khi người Nhật trình bày một ý kiến, nhận xét nào đó mang tính cá nhân, họ luôn nói rằng “tôi nghĩ là…” để người nghe hiểu được tính cá nhân của lời nói, khác với việc trình bày một điều hiển nhiên đúng mà mọi người đều phải công nhận.
          Xuất phát từ sự ý thức về bổn phận, người Nhật còn có một nét tính cách quan trọng khác là khuynh hướng trọng danh dự. Tính cách này cũng là một nét đặc trưng được hình thành trong xã hội phong kiến Nhật Bản, cụ thể hơn là thời kỳ có sự tồn tại của tầng lớp võ sĩ samurai như một tầng lớp hàng đầu trong xã hội. Võ sĩ là những người được giáo dục nghiêm khắc về đạo đức để thực hiện đúng bổn phận cá nhân ở vị trí của mình. Do vị trí của võ sĩ là trong hàng ngũ quân đội và liên quan mật thiết đến việc bảo vệ sự an toàn cho lãnh chúa cũng như toàn thể thái ấp của ông, việc đảm bảo những tiêu chuẩn đạo đức và thực hiện đúng nhiệm vụ của mình là cực kỳ quan trọng. Ý thức trách nhiệm đã buộc người võ sĩ phải đảm bảo việc hoàn thành bổn phận của mình bằng danh dự cá nhân. Nếu có những sơ suất đáng tiếc trong việc thi hành nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến người khác, họ chỉ có thể cứu vãn danh dự của mình bằng cách tự chấm dứt cuộc sống của bản thân.
          Do sự tôn trọng đặc biệt của xã hội Nhật Bản dành cho tầng lớp võ sĩ, những khuynh hướng ứng xử của tầng lớp này ăn sâu vào tâm thức của mỗi thành viên trong xã hội. Khi võ sĩ không còn là một tầng lớp có đặc quyền và trách nhiệm quan trọng như trước thì mỗi người dân Nhật Bản vẫn có ý thức rất rõ về danh dự và uy tín cá nhân và mọi ứng xử của họ trong đời sống đều tránh làm tổn thương về danh dự. Có một người ngoại quốc đã nhận xét về tính cách đó như sau: “Tôi cho rằng trên thế giới không có dân tộc nào đối xử với danh dự của mình kỹ như người Nhật. Họ không chịu được bất kỳ một sự xúc phạm nhỏ nào thậm chí một lời nói nặng… Họ rất thận trọng trong cách cư xử và không bao giờ làm phiền người khác bằng cách phàn nàn hoặc kể ra những tai họa của mình[2].
Tính trọng danh dự của người Nhật thậm chí được phát triển đến mức cực đoan. Khi một cá nhân ý thức rằng danh dự của mình bị xúc phạm, họ cho rằng chỉ có cái chết là lối thoát duy nhất cho tình huống đó. Ý thức này đặc biệt mạnh mẽ ở tầng lớp võ sĩ thời phong kiến và có ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội cho đến ngày nay. Khi một tập đoàn kinh tế phá sản vì làm ăn thua lỗ, những công nhân làm thuê thì chỉ cần tìm kiếm một chỗ làm mới tương tự để giải quyết vấn đề tài chính cho cuộc sống, nhưng người đứng đầu tập đoàn kinh tế đó sẽ chịu sức ép rất lớn do gánh nặng về trách nhiệm và danh dự, và rất nhiều người trong trường hợp đó đã chọn giải pháp tự sát.

2. Giao tiếp trong gia đình

Gia đình là những nhóm người có quan hệ huyết thống, là đơn vị cơ bản để cấu thành xã hội. Ngoài gia đình, trong xã hội còn có các nhóm khác được hình thành theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như các xí nghiệp, công sở, đoàn thể, các câu lạc bộ của những người cùng lứa tuổi, cùng sở thích..v..v.. Nhưng trong số đó thì gia đình vẫn là nhóm quan trọng nhất bởi vì ngoài các chức năng khác, gia đình còn có chức năng tái sản xuất con người để tạo nên thế hệ kế thừa. Do vậy, nhiều cách thức và quy ước giao tiếp của người Nhật trong phạm vi gia đình cũng trở nên phổ biến trong các nhóm khác và trong toàn xã hội.
Gia đình truyền thống của người Nhật là một tổ chức được kế thừa bằng quan hệ huyết thống. “Đây là một đơn vị nối tiếp tồn tại lâu dài qua thời gian, cứ mỗi thế hệ là có một cặp vợ chồng ở lại sống trong ngôi nhà. Đôi vợ chồng này sẽ sống cùng con cái họ và với mọi thế hệ cao tuổi còn lại, cùng với anh chị em ruột chưa lập gia đình. Đơn vị này, với tư cách là một tổng thể, nắm tài sản, giữ vị thế, và thường thường cũng có một nghề nghiệp của hộ gia đình, và mỗi thành viên trong nhà là phải làm việc cho nhà và gìn giữ danh tiếng của nhà[3].
          Gia đình của người Nhật theo truyền thống được xây dựng trên hai loại quan hệ là quan hệ theo chiều ngang và quan hệ theo chiều dọc. Do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, quan hệ chiều dọc là yếu tố quy định vị trí và cách ứng xử của mỗi thành viên trong gia đình. Chẳng hạn, con cái phải lễ phép với cha mẹ, em phải tỏ ra kính trọng anh chị trong cách cư xử. Trong mối quan hệ này cũng thể hiện sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Nếu là những người cùng một thế hệ, thì trong gia đình người Nhật vị trí cao hơn sẽ thuộc về nam giới. “Ở Nhật Bản trong gia đình đã thể hiện và quy định chặt chẽ các quy tắc kính trọng người trên và người lớn…Khi em gái nói với anh trai, họ phải dùng từ xưng hô khác, long trọng hơn là anh trai nói với em gái[4]. Đặc biệt là trong mối quan hệ vợ chồng. Trong khi ở các xã hội phương Tây, vợ chồng có mối quan hệ bình đẳng thì ở trong xã hội Nhật Bản truyền thống, địa vị của người vợ thấp hơn chồng một cách rõ rệt. Vợ phải tiễn chồng ra cửa và cúi chào khi người chồng đi làm và đón tiếp, chăm sóc khi anh ta trở về nhà cũng như phải phục tùng chồng trong tất cả những việc quan trọng.
Mối quan hệ bất bình đẳng giữa nam và nữ cũng để lại dấu ấn trong ngôn ngữ giao tiếp. Trong tiếng Nhật, cách nói của nam giới thường ngắn gọn, mạnh mẽ và mang tính chất thông tục nhiều hơn. Trong khi đó, phụ nữ luôn nói năng một cách lịch sự, nhỏ nhẹ và lễ phép.
          Vị trí của người chủ gia đình- cụ thể hơn là người chồng, người cha- được đề cao trong quan hệ gia đình của người Nhật. Người đàn ông đứng đầu gia đình được các thành viên khác kính trọng và có quyền quyết định những việc hệ trọng trong nhà, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đối ngoại. Đồng thời, chủ gia đình cũng là người có trách nhiệm đảm bảo cuộc sống vật chất cho mọi thành viên. “Các đặc quyền của người chủ gia đình được nhấn mạnh hàng ngày trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính anh ta được mọi người trong gia đình đưa và đón. Chính anh ta là người đầu tiên được tắm trước trong nước nóng của phu-rô dành cho cả nhà. Chính anh ta là người được cầm đũa đầu tiên[5].
          Gia đình người Nhật được duy trì theo chế độ phụ hệ, nghĩa là vị thế gia trưởng thường được kế truyền theo dòng nam. Trừ một số trường hợp ngoại lệ mang tính địa phương, thông thường con trai trưởng trong gia đình là người có vai trò thừa kế. Các anh chị em khác hầu hết đều rời khỏi ngôi nhà của cha mẹ khi lập gia đình. Người con trai trưởng ngay từ nhỏ đã có một vị trí khác biệt so với những đứa con khác và được giáo dục kỹ lưỡng để có thể đảm nhận vai trò làm chủ gia đình. “Người con trai lớn nổi bật lên trên mọi đứa trẻ khác. Mọi người coi anh ta như là hoàng tử kế vị mặc dù cái vương quốc đó chỉ là ngôi nhà của cha mẹ[6].
          Trong gia đình Nhật Bản truyền thống, người phụ nữ có vai trò nội trợ và chăm sóc, nuôi dạy con cái và tính toán những chi tiêu trong đời sống thường nhật. Theo tiến trình hiện đại hóa, số lượng phụ nữ Nhật đi học và tham gia các công tác ngoài xã hội ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi có tham gia những hoạt động xã hội thì người phụ nữ vẫn phải hoàn tất những nhiệm vụ trong gia đình. Vì vậy mức độ giải phóng phụ nữ vẫn là một vấn đề còn tồn tại trong xã hội Nhật Bản. Hiện nay nhiều phụ nữ vì muốn duy trì tự do cá nhân, hoặc muốn dành thời gian cho sự nghiệp và sở thích riêng tư của mình thường có khuynh hướng không lập gia đình.
          Ngày nay, trong các đô thị Nhật Bản hiện đại, mô hình gia đình phổ biến nhất là gia đình hạt nhân chỉ gồm hai thế hệ là cha mẹ và con cái. Theo đó, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi hiện nay ở Nhật Bản có khuynh hướng không lập gia đình, lập gia đình muộn hoặc không sinh con. Thực trạng đó là nguyên nhân tạo ra tình trạng dân số già và thiếu nguồn nhân lực trẻ kế thừa trong những thế hệ tiếp theo. Đây cũng là một vấn đề nan giải trong việc quản lý xã hội ở Nhật Bản.

3. Giao tiếp trong xã hội

Xã hội Nhật Bản được cấu thành trên nền tảng của các nhóm gồm nhiều loại khác nhau. Chẳng hạn gia đình là nhóm theo quan hệ huyết thống, công ty hoặc xí nghiệp là nhóm theo quan hệ công việc, câu lạc bộ là nhóm theo quan hệ tuổi tác, giới tính hay sở thích cá nhân. Trong các nhóm kể trên thì gia đình và công ty hay cơ quan làm việc là những nhóm quan trọng. Nói cách khác, xã hội Nhật Bản chính là mô hình mở rộng của gia đình hoặc công ty.
          Cũng như trong gia đình hoặc trong xí nghiệp, trong xã hội có quan hệ theo chiều dọc và quan hệ theo chiều ngang. Trong quan hệ theo chiều dọc, người Nhật rất chú trọng về việc cư xử lễ phép. Họ luôn thể hiện sự tôn trọng đối với người lớn tuổi, đối với những người có danh vị cao, những người làm công việc quan trọng và cần thiết đối với xã hội như giáo viên, bác sĩ hay những người sáng tạo nghệ thuật.
Sự lễ phép của người Nhật được thể hiện qua ngôn ngữ và qua hành vi. Trong ngôn ngữ, người Nhật sử dụng một cách nói đặc biệt là thể kính ngữ (敬語) khi giao tiếp trong những trường hợp trang trọng, khi nói chuyện với những người có tuổi tác hoặc địa vị cao và dùng thể khiêm ngữ (謙譲) khi nói về mình. Trong hành vi, người Nhật luôn cúi gập người khi chào và tỏ ra nghiêm túc trong những tình huống trang trọng. Những học sinh, và cả sinh viên đại học, được giáo dục rất kỹ về sự lễ phép trong giao tiếp, về các nghi thức chào hỏi trong môi trường làm việc và trong xã hội. Khi nhận được một món quà hoặc một hành vi thể hiện thiện chí, người Nhật thường đáp lại bằng một lá thư cảm ơn. Họ cũng thường viết lời cảm ơn lên những tấm thiệp để gửi đến những người thân, bạn bè hoặc đối tác trong ngày tết hoặc những dịp lễ đặc biệt của năm để mối quan hệ được tiếp tục duy trì và phát triển tốt đẹp.
          Trong ứng xử xã hội, người Nhật luôn luôn tránh xung đột. Họ có khuynh hướng kiềm chế bản thân để có những ngôn từ, hành vi lịch sự và hòa nhã. Tuy nhiên, người Nhật lại rất chú trọng đến sự phân biệt, mà điển hình là sự phân biệt trong (uchi) - ngoài (soto).
          Khái niệm trong và ngoài ở đây có nhiều lớp nghĩa. Trước hết, đó là sự phân biệt về mặt không gian. Một đứa trẻ được lớn lên trong gia đình sẽ có ý thức về sự khác biệt giữa không gian trong nhà với không gian bên ngoài. “Khung cảnh nội thất (uchi) và các thành viên trong nhà luôn luôn được giữ sạch sẽ tinh tươm, thể hiện an ninh, an toàn và tin cậy; bên ngoài (soto) là nơi mà bẩn thỉu, hiểm nguy và lo sợ đều được gạt ra một bên[7].
          Trên cơ sở là sự phân biệt về không gian, khái niệm uchisoto còn dùng để phân biệt giữa nội bộ với không gian xã hội bên ngoài. Chẳng hạn như những người trong gia đình cư xử với nhau khác với những nghi thức mà họ cư xử với người ngoài gia đình, hoặc những người trong công ty cũng có ý thức rằng quan hệ trong nội bộ công ty khác với quan hệ với đối tác, khách hàng hoặc người của công ty khác. Trong ngôn ngữ giao tiếp, người Nhật thường dùng cách nói ngắn gọn, thân mật cho quan hệ uchi và dùng thể lịch sự cho quan hệ soto.
          Sự phân biệt uchisoto thật ra là cơ sở để hình thành và củng cố ý thức về vị trí, vai trò của cá nhân trong ứng xử xã hội. Một khi ý thức rõ về vị trí của mình và nhiệm vụ tương ứng dành cho vị trí đó, người Nhật rất tôn trọng trật tự trong mọi tình huống ứng xử xã hội. Mặc dù ở Nhật Bản tồn tại nhiều đô thị lớn với mật độ dân cư rất cao nhưng lại rất ít tiếng ồn và cũng không có tình trạng chen lấn ở những nơi công cộng. Trong trường hợp đông người, mỗi cá nhân đều tự có ý thức xếp hàng và chờ đợi. Do vậy mà trên những phương tiện giao thông công cộng rất đông người vào giờ cao điểm, mọi di chuyển vẫn diễn ra trật tự và không hề có những hành xử thái quá. Với tư cách là thành viên của một nhóm, người Nhật luôn tuân theo sự dẫn dắt của người đứng đầu. Sự phục tùng này được duy trì nghiêm túc ngay cả trong trường hợp đi du lịch tập thể. “Trong mọi trường hợp các thành viên trong đoàn đều phục tùng anh ta, coi việc phản đối ý kiến hoặc từ chối mọi sự đỡ đầu của anh ta là không phù hợp. Trong trường hợp này người Anh có lẽ là sẽ thấy ở đây sự xâm phạm quyền tự do cá nhân nhưng người Nhật thì sẵn sàng đi sau lá cờ[8].
Một đặc điểm quan trọng trong tâm lý người Nhật là họ rất gắn bó với tập thể. Họ tự hào với vị trí là thành viên trong tập thể và luôn nỗ lực để cống hiến cho sự thành công của tập thể đó. Tập thể lớn nhất là đất nước, là cộng đồng dân tộc, nên ý thức về quốc gia dân tộc của người Nhật rất mạnh mẽ. Tập thể nhỏ hơn là cơ quan làm việc hoặc gia đình. Người Nhật luôn ứng xử vì tập thể, đặt danh dự và quyền lợi tập thể trên những vấn đề cá nhân. Vì tinh thần tập thể mà người Nhật rất thích mặc đồng phục của cơ quan và rất trân trọng bộ quần áo truyền thống có gắn gia huy của gia tộc mình. Khi tự giới thiệu, họ luôn nói tên mình sau tên tổ chức mà mình phụ thuộc, ví dụ “Tôi là Tanaka của báo Asahi” hoặc tôi là “Matsumoto của công ty Toyota”. Điều này được thể hiện giống nhau ở tất cả mọi người, từ lãnh đạo tổ chức cho đến nhân viên ở cấp bậc thấp nhất cơ quan. 
Nhờ tinh thần tập thể cao mà người Nhật rất thành công khi làm việc theo nhóm. Cách làm việc này đã mang lại cho nền kinh tế Nhật những thành tựu quan trọng. Người Nhật rất tự hào về dân tộc khi tự nhận xét rằng họ không có gì nổi bật về năng lực cá nhân nhưng lại có ưu điểm về sự nỗ lực chung của cả tập thể. Sức mạnh tập thể mang lại cho họ những kết quả rất lớn mà nhiều cá nhân ưu tú nhưng thiếu gắn kết không thể nào đạt được.


[1] Theo V. Pronikov & I. Ladanov, Người Nhật (Đức Dương biên soạn), NXB Tổng hợp Tp.HCM, 2004, tr. 62
[2] Alechxanđrơ Valihannô, Lịch sử hoạt động của dòng Giê Juyt ở Đông Á, 1942, dẫn theo V. Pronikov & I. Ladanov, Người Nhật (Đức Dương biên soạn), NXB Tổng hợp Tp.HCM, 2004, tr. 135
[3] Grant Evans (Chủ biên), Bức khảm văn hóa châu Á, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001, tr. 443
[4] Vơ- xe vô- lốt Ô- vơ chin- nhi- kốp, Cành Sakura, NXB Mũi Cà Mau, 1988, tr. 100- 101
[5] Sđd, tr. 101
[6] Sđd, tr. 101
[7] Grant Evans (Chủ biên), Bức khảm văn hóa châu Á, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001, tr. 441
[8] Vơ- xe vô- lốt Ô- vơ chin- nhi- kốp, Cành Sakura, NXB Mũi Cà Mau, 1988, tr. 126