Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

GEISHA – MỘT “CỬA SỔ” ĐỂ NHÌN VÀO VĂN HÓA NHẬT BẢN



Từ “geisha” trong tiếng Nhật viết bằng Hán tự là 芸者, có nghĩa là người làm nghệ thuật.
Không phải là nói cho hoa mỹ lên đâu.
Họ là những người làm nghệ thuật thật đấy. Có điều chữ “làm” ở đây mang ý nghĩa biểu diễn nhiều hơn là sáng tạo. Nếu có sáng tạo thì hầu hết cũng là sáng tạo trong biểu diễn.
Họ phải học tập để có hiểu biết về nghệ thuật. Và phải khổ luyện để biến bản thân mình thành phương tiện thể hiện cái đẹp, để truyền tải cái đẹp đến với người thưởng thức.
Họ đúng là phương tiện để cho khách mua vui, nhưng là mua vui ở phương diện tinh thần. Tình yêu nam nữ hay quan hệ thân xác đều ở ngoài phạm vi nghề nghiệp của họ. Có nghĩa là nếu yêu hoặc hiến thân cho khách, họ luôn biết rằng mình làm điều đó với tư cách một cá nhân phái nữ, chứ không phải là một geisha.
Nhiều người nghĩ geisha là gái điếm trá hình.
Nhưng mà thực tế không phải vậy.
Trong tiếng Nhật có nhiều từ để chỉ gái điếm như 遊女、娼婦、売春婦. Các từ này có thể dùng để giải thích cho nhau, nhưng không có định nghĩa của từ nào nhắc đến geisha cả. Cùng nghĩa hay gần nghĩa với geisha lại có các từ khác như 芸妓 hoặc 娼妓.
Nhưng đó mới chỉ là vấn đề ngôn ngữ.
Còn ý thức và văn hóa thì sao?
Có minh bạch mà cũng có nhập nhằng.
Minh bạch là chuyện về quy tắc, quy định trong nghề nghiệp. Geisha tập sự cũng biết rõ những quy định trong công việc mình làm.
Nhập nhằng là ở chỗ con người cá nhân. Khách hàng đôi khi vẫn nghĩ rằng đã thuê được geisha thì có thể ép nàng phục vụ theo cách mình mong muốn. Đôi khi nhìn thấy ở geisha một người bạn, một tri âm tri kỷ, một người tình, và nhất thời quên đi thân phận của nàng gắn với những quy định nghề nghiệp. Mà về phía geisha cũng thế, tuy tình cảm xuất phát từ hai phía không phải bao giờ cũng đồng điệu với nhau.
Geisha là kiểu người sống giữa sự minh bạch và nhập nhằng như vậy.
Nếu tài hoa thật sự và có sức thu hút người khác phái, mà bản thân cũng là người mơ mộng, thì nàng phải giữ cân bằng như người làm xiếc đi trên một sợi dây.
Điều quan trọng là thật sự có tồn tại một trạng thái cân bằng mỏng manh như thế, trong văn hóa Nhật Bản và trong tâm thức của geisha.
Geisha có thể trải qua rất nhiều trạng thái phức tạp trong tình cảm, nhưng nàng vẫn luôn biết rất rõ về bản chất nghề nghiệp của mình. Nàng có sự an nhiên và cả lòng tự hào về nghề nghiệp ấy. Dù người khách nhìn nàng như thế nào, nàng vẫn là sứ giả của cái đẹp. Chỉ với tư cách ấy thì nàng mới là một geisha và khách mới là khách của nàng.
Ghi nhận của xã hội Nhật Bản về geisha cũng vậy. Mọi người đều biết là geisha có vị trí riêng, không phải là những người “buôn hương bán phấn”. Họ biết khách hàng không “thưởng thức” geisha mà thông qua geisha để thưởng thức cái đẹp. Cho nên, dù biết rằng công việc của geisha “nhạy cảm”, vì các nàng luôn có mặt để phục vụ cho những cuộc vui, rằng geisha sẽ hoàn toàn khác với một thiếu nữ, một người vợ bình thường, nhưng họ không cho rằng như thế là sa đọa.
Người Nhật rất cực đoan mà cũng rất nửa vời là thế.
Có phải vì ở một xã hội mà mọi thứ đều có thể tìm được chỗ của mình, thì cái gì “lưng chừng” là thực sự có lý do của nó, và vì vậy mà nó đáng tin? Người ta không “lưng chừng” vì lấy cái này biện minh cho cái khác, lấy cái này để che đỡ cái kia. Lưng chừng là bởi vì ở đời có những chỗ chơi vơi như thế. Mà không có chơi vơi thì cũng chẳng biết thế nào là vững chãi. Như không có dòng sông thì không có đôi bờ.

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

HOẠT ĐỘNG MỸ THUẬT CỦA PHÁI SHIRAKABA Ở NHẬT BẢN



1.      Khái lược về phái Shirakaba
Phái Shirakaba là một trào lưu xuất hiện trong tiến trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản, cụ thể là trên văn đàn thời Taisho với không khí sôi nổi của nhiều giọng điệu, nhiều tư tưởng và lối viết.
Tên gọi “Shirakaba” là tên của tạp chí văn nghệ do một nhóm nhà văn vốn là bạn học ở trường Gakushuin sáng lập, được phát hành mỗi tháng trong khoảng thời gian 1910 – 1923. Hầu hết các nhà văn trong nhóm đã thân nhau từ lúc còn đi học, có hoàn cảnh xuất thân tương đối giống nhau, đều có nhiệt tình đối với việc thưởng thức nghệ thuật và sáng tác văn chương, chia sẻ cùng nhau và có ảnh hưởng lẫn nhau về quan niệm văn học và đường lối sáng tác. Vì vậy, khi tạp chí Shirakaba được thành lập, các nhà văn trong nhóm thực hiện tạp chí cũng đồng thời được biết đến như là một văn phái nổi bật trên văn đàn Taisho với những nét mới và độc lập trong quan niệm nghệ thuật và phong cách sáng tác. Tên gọi “Shirakaba” do đó được dùng để chỉ cả văn phái lẫn tạp chí văn nghệ do văn phái này thực hiện. 
Phái Shirakaba xuất hiện trên diễn đàn văn nghệ thời Taisho trong không khí sôi nổi của làn sóng tư tưởng đề cao giá trị của con người, do ảnh hưởng của phong trào dân chủ và chủ nghĩa tự do. Với khuynh hướng coi trọng con người cá nhân theo quan niệm của chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa nhân đạo, các nhà văn Shirakaba thể hiện một lối viết mới, trong đó hình ảnh con người được miêu tả theo hướng khẳng định, khác với phong cách biểu hiện của chủ nghĩa tự nhiên – vốn là một trường phái sáng tác nổi bật của văn đàn Nhật Bản trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XX. Tuy không trực tiếp thể hiện quan điểm phản đối cách biểu đạt của chủ nghĩa tự nhiên, nhóm Shirakaba thường được các nhà phê bình nhắc đến như là một trào lưu văn học đối lập với chủ nghĩa tự nhiên vì chủ trương không tán thành việc loại bỏ hoặc xem nhẹ yếu tố chủ quan khi miêu tả con người trong sáng tác.
Tạp chí Shirakaba là thành tựu văn nghệ nổi bật nhất, là nơi kết nối hoạt động văn nghệ của các nhà văn trong nhóm và cũng là cơ sở để cả nước biết đến sự tồn tại của nhóm Shirakaba trên diễn đàn văn học đương thời. Điểm đặc biệt của nhóm Shirakaba là không chỉ có đam mê trong lĩnh vực sáng tác văn chương mà còn thể hiện khuynh hướng yêu thích mỹ thuật phương Tây, đặc biệt là tác phẩm hội họa của các họa sĩ thuộc trường phái tả thực và trường phái ấn tượng. Do đó, bên cạnh việc giới thiệu sáng tác của các nhà văn trong nhóm và đăng những bài phê bình văn học của các nhà văn Nhật Bản đương thời, tạp chí Shirakaba còn có chuyên mục giới thiệu những tác phẩm nổi bật của hội họa phương Tây và thường có bài viết giới thiệu chân dung các nghệ sĩ lớn của mỹ thuật phương Tây như Rodin, van Gogh, Gaugin, Cézan v.v...
Với việc thực hiện tạp chí Shirakaba trong 13 năm liên tục, các nhà văn trong nhóm đã khẳng định được vị trí của một trào lưu văn nghệ có vai trò quan trọng trên văn đàn Nhật Bản thời Taisho. Đồng thời, xoay quanh hoạt động của tạp chí cũng như qua nhiều lần tổ chức triển lãm mỹ thuật, nhóm Shirakaba đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà văn tiền bối, quy tụ được sự cộng tác của nhiều nhà văn – nghệ sĩ đương thời, tạo được mối quan hệ đối thoại, giao lưu trên diễn đàn văn nghệ trong nước và thế giới. Dấu ấn của những hoạt động đó ngày nay còn lưu lại trong kho tư liệu của Bảo tàng văn học Nhật Bản hiện đại tại Tokyo, Bảo tàng văn học Shirakaba tại tỉnh Chiba và Bảo tàng mỹ thuật Kiyoharu Shirakaba tại tỉnh Yamanashi.
Do ảnh hưởng của trận động đất lớn tại vùng Kanto năm 1923, tạp chí Shirakaba đã bị đình bản, chấm dứt thời kỳ các nhà văn trong nhóm gắn bó chặt chẽ vì một công việc chung. Tuy nhiên, sau thời điểm này các thành viên trong nhóm – lúc đó đều là những nhà văn có tên tuổi của văn học Nhật Bản hiện đại – vẫn tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật cho đến cuối đời. Không chỉ để lại một sự nghiệp văn chương phong phú, nhiều nhà văn trong nhóm còn được tặng huân chương văn hóa vì những đóng góp có ý nghĩa cho tiến trình phát triển văn hóa – văn nghệ trong cả nước. Vì vậy, tuy trong sáng tác – và cả trong đời sống cá nhân của các nhà văn – còn thể hiện những hạn chế nhất định về lối viết và tư tưởng, nhóm Shirakaba đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong số những trào lưu văn nghệ xuất hiện đồng thời hay liên tiếp trong tiến trình hiện đại hóa văn học cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
2.      Những hoạt động mỹ thuật gắn với việc thực hiện tạp chí Shirakaba
Cũng như trên lĩnh vực văn học, những đóng góp của phái Shirakaba trên lĩnh vực mỹ thuật chủ yếu được thực hiện thông qua tạp chí văn nghệ Shirakaba, và trong số những thành viên của nhóm thì Arishima Ikuma và Mushanokoji Saneatsu là có thành tựu về hoạt động mỹ thuật nhiều hơn cả.
Thành tựu mỹ thuật của Arishima Ikuma trong thời gian thực hiện tạp chí Shirakaba có nguồn gốc từ những kinh nghiệm và hoạt động của ông tại châu Âu trong quá trình du học. Arishima may mắn được học hội họa phương Tây tại những nơi được xem là trung tâm của nền mỹ thuật phương Tây là Ý và Pháp, được tiếp cận với những kiến thức và thành tựu mới nhất của hội họa châu Âu. Trong ba năm đầu du học tại Rome, Arishima Ikuma đã theo học tại khoa ký họa ở trường mỹ thuật và tham gia sinh hoạt nghệ thuật tại học viện French Academy[1]. Ông được học cả nghệ thuật cổ điển và mỹ thuật hiện đại nhưng đặc biệt yêu thích hội họa của trường phái ấn tượng. Sau đó, ông đã cùng với Arishima Takeo đi du lịch vòng quanh châu Âu và quyết định chuyển sang Paris để tiếp tục học về hội họa, kết hợp với trau dồi kiến thức về điêu khắc. Mùa thu năm 1908, Arishima Ikuma được xem triển lãm tưởng niệm Paul Cézanne[2] tại Paris và bị chinh phục bởi lối vẽ phóng khoáng, mạnh mẽ và thuần khiết của họa sĩ này. Từ đó, ông quyết tâm rèn luyện theo phương pháp của trường phái ấn tượng để thể hiện đối tượng miêu tả bằng cái nhìn trực tiếp từ tâm hồn chân thật, trong sáng của con người cá nhân.
Với tình yêu nghệ thuật, niềm say mê học hỏi vốn có và tận dụng những điều kiện thuận lợi trong thời gian du học tại châu Âu, Arishima Ikuma đã thực hiện nhiều cuộc gặp gỡ thú vị với các họa sĩ bậc thầy và qua đó học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức bổ ích cho hoạt động nghệ thuật. Ông cũng gặp gỡ nhiều họa sĩ, điêu khắc gia Nhật Bản đang du học tại châu Âu như Umehara Ryuzaburo, Ogiwara Morie, Saito Yori, Yamashita Shintaro, Shirataki Ikunosuke, Minami Kunzo v.v… và thường xuyên đi lại, thiết lập mối quan hệ thân hữu với những nghệ sĩ này. Thông qua việc giao lưu, sinh hoạt nghệ thuật với những nghệ sĩ cùng thế hệ đang du học tại phương Tây, trên cơ sở những kiến thức và kinh nghiệm học hỏi trực tiếp từ môi trường mỹ thuật châu Âu hiện đại với những bậc thầy về hội họa và điêu khắc như Renoir, Rodin v.v…, Arishima Ikuma dần dần hiểu rõ về năng lực, cá tính, khuynh hướng nghệ thuật của bản thân và cũng xác định được vị trí của mình trong thế giới mỹ thuật hiện đại. Những hiểu biết và xác tín như vậy là điều kiện nền tảng để ông có thể lựa chọn con đường phù hợp cho quá trình hoạt động nghệ thuật lâu dài sau khi về nước, và thông qua những hoạt động đó thực hiện những đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngành mỹ thuật hiện đại tại Nhật Bản.
Sau khi về nước (năm 1910), Arishima Ikuma gặp gỡ những bạn học trước đây như Shiga Naoya, Mushanokoji Saneatsu và xúc tiến nhanh chóng việc thực hiện tạp chí văn nghệ Shirakaba, với mục đích giới thiệu đến độc giả Nhật Bản đương thời những thông tin mới mẻ và những tác phẩm xuất sắc của hội họa phương Tây, bên cạnh việc công bố những sáng tác và bình luận văn chương của các nhà văn trong nhóm. Vì vậy, mỗi số phát hành của tạp chí Shirakaba đều có chuyên mục dành riêng để giới thiệu những tác phẩm của hội họa phương Tây. Bên cạnh đó, nhóm Shirakaba còn thực hiện những chuyên san tập trung giới thiệu những nghệ sĩ bậc thầy của mỹ thuật châu Âu như Paul Cézanne, Auguste Rodin, Pierre-Auguste Renoir, Vincent van Gogh v.v…. Tạp chí này cũng thường xuyên đăng các bài bình luận về mỹ thuật của các thành viên trong nhóm cũng như cộng tác viên.
Nhà nghiên cứu Nishimura Shuko đã tổng kết những hoạt động mỹ thuật của phái Shirakaba trong thời gian thực hiện tạp chí Shirakaba như bảng liệt kê dưới đây[3]:
Thời điểm
Hoạt động mỹ thuật của phái Shirakaba và nội dung tạp chí Shirakaba
Meiji 43 (1910)

Phát hành số đầu tiên của tạp chí Shirakaba
Triển lãm hội họa kỷ niệm thời gian du học tại châu Âu, do Minami Kunzo và Arishima Ikuma thực hiện
Minami Kunzo: 47 bức tranh màu nước và 7 bức tranh sơn dầu
Arishima Ikuma: 2 bức màu nước, 67 bức sơn dầu, 1 bức tempera
Ngoài ra còn trưng bày tác phẩm của Collin, Harada Naojiro, Inuzuka Kinuko và Velasquez dưới dạng tranh chép

Liên lạc với Rodin (về việc thực hiện chuyên san về Rodin) và gửi cho Rodin 30 bức tranh khắc gỗ ukiyo
Thực hiện chuyên san về Rodin
Meiji 44 (1911)

Thực hiện chuyên san về Renoir
Thực hiện chuyên san về Manet
Triển lãm cá nhân của Yamawaki Shintoku. Kinoshita Mokutaro phê bình cách biểu đạt của Yamawaki qua bài viết đăng trên tạp chí Chuo koron số phát hành tháng 6.
Yamawaki Shintoku phản hồi bài viết của Kinoshita, bắt đầu cuộc tranh luận về “sứ mệnh của hội họa”.
Triển lãm hội họa do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Akasaka và Sankaido, Tokyo)
Nhóm tác phẩm hội họa phương Tây gồm có 189 bức của 36 họa sĩ như Breadsley, Klingel, Munch v.v...
Nhóm tác phẩm hội họa Nhật Bản gồm có 119 bức của 21 họa sĩ như Yamawaki Shintoku, Fujishima Takeji, Saito Yori, Yamashita Shintaro v.v...
Tiếp nhận 3 tác phẩm điêu khắc của Rodin đáp lễ món quà 30 bức tranh khắc gỗ Nhật Bản
Meiji 45 (1912)






Triển lãm mỹ thuật lần thứ 4 do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Akasaka và Sankaido, Tokyo).
Tác phẩm trưng bày gồm có 3 tác phẩm điêu khắc do Rodin gửi tặng, một bức họa của Renoir thuộc sở hữu của Yamashita Shintaro và các tác phẩm ký họa, sơn dầu của Vogeler, Yamawaki Shintoku và điêu khắc của Leach.
Triển lãm mỹ thuật lần thứ 5 do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Thư viện Kyoto, công viên Okazaki, Kyoto).
Trưng bày những tác phẩm khắc đá của Toulouse-Lautrec, tác phẩm điêu khắc của Breadsley, Klinger, Munch bổ sung vào những tác phẩm đã được trưng bày trong đợt triển lãm lần thứ 4.
Thực hiện chuyên san về Vincent van Gogh
Taisho 2 (1913)

Triển lãm mỹ thuật lần thứ 6 do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Chúng nghị viện, Tokyo).
Trưng bày những tác phẩm hội họa của Cézanne, van Gogh, Gauguin, Matisse, tác phẩm khắc đá của Toulouse-Lautrec, khắc đồng của Munch v.v...
Triển lãm tranh sơn dầu của Umehara Ryutaro do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Kanda)
Trưng bày 111 tác phẩm được sáng tác ở châu Âu, trong đó có những bức nổi bật như “Chân dung tự họa”, “Sợi dây chuyền vàng” v.v...
Thực hiện chuyên san về Gustave Courbet[4]
Taisho 3 (1914)

Triển lãm hội họa phương Tây do Hội giáo dục Suwa (thuộc Trường trung học nữ Suwa) tổ chức, trưng bày những tác phẩm thuộc sở hữu của nhóm Shirakaba
Kỷ niệm 5 năm thành lập Shirakaba. Thực hiện chuyên san về William Blake[5].
Taisho 4 (1915)

Triển lãm mỹ thuật lần thứ 7 do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Bảo tàng mỹ thuật Hibiya, Yuraku-cho, Tokyo).
Trưng bày 150 tác phẩm, gồm 15 bức họa của Blake và các tác phẩm ký họa của Goya, Rembrandt, Michelangelo v.v...
Triển lãm mỹ thuật lần thứ 7 do nhóm Shirakaba tổ chức tại Kyoto (Thư viện Kyoto, công viên Okazaki, Kyoto). Ngoài những tác phẩm đã trưng bày tại triển lãm ở Tokyo còn có thêm 60 bức họa của Redon và một số tác phẩm của các danh họa khác như Leonardo de Vinci, Tintoretto v.v...
Taisho 5 (1916)
Tạp chí Shirakaba bị cấm phát hành vì in tranh bìa của Mantegna[6]
Taisho 6 (1917)

Thông qua tạp chí Shirakaba, kêu gọi thành lập bảo tàng mỹ thuật Shirakaba
Triển lãm tác phẩm của Bernard Leach (tại Kanda)
Taisho 7 (1918)
Tháng 11
Tháng 12
Thực hiện chuyên san tưởng niệm Rodin
Tổ chức buổi độc xướng của Yanagi Kaneko[7] tại Kyoto và Kobe nhằm gây quỹ cho việc thành lập Bảo tàng mỹ thuật Shirakaba
Triển lãm mỹ thuật lần thứ 8 do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Akasaka và Sankaido, Tokyo).
Trưng bày 3 tác phẩm điêu khắc đồng của Rodin và những tác phẩm của Hy Lạp, của thời kỳ Phục Hưng và mỹ thuật châu Âu hiện đại.
Triển lãm mỹ thuật lần thứ 8 do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Thư viện Kyoto). Nội dung giống như lần triển lãm tại Tokyo.
Tổ chức buổi trình diễn piano của Kuno Hisa tại Trường âm nhạc Tokyo nhằm gây quỹ cho việc thành lập Bảo tàng mỹ thuật Shirakaba
Taisho 8 (1919)

Kỷ niệm 10 năm thành lập Shirakaba
Tổ chức đại hội kỷ niệm thành lập Shirakaba (tại Kanda). Các diễn giả phát biểu trong đại hội gồm 6 người là Nagayo Yoshiro, Mushanokoji Saneatsu, Yanagi Muneyoshi, Koizumi Magane, Kondo Keiichi và Kishida Ryusei.
Tổ chức triển lãm cá nhân của Kishida Ryusei kỷ niệm 10 năm thành lập Shirakaba (tại Tokyo). Trưng bày 108 tác phẩm được sáng tác từ 1913, do chính tác giả lựa chọn.
Tổ chức triển lãm cá nhân của Kishida Ryusei kỷ niệm 10 năm thành lập Shirakaba (tại Thư viện Kyoto)
Triển lãm những tác phẩm phục chế của William Blake (tại Kanda)
Taisho 9 (1920)

Thực hiện chuyên san kỷ niệm Bernard Leach
Triển lãm tác phẩm của Leach
Taisho 10 (1921)

Triển lãm lần đầu tiên tại Bảo tàng mỹ thuật Shirakaba.
Trưng bày 14 tác phẩm gồm tranh sơn dầu, ký họa và tranh màu nước của Cézanne, tranh sơn dầu của van Gogh, ký họa của Rodin, tác phẩm điêu khắc của Durer, ký họa của Delacroix, ký họa của Chavannes v.v...
Triển lãm mỹ thuật dân tộc Triều Tiên
Taisho 11 (1922)

Triển lãm cá nhân của Kono Michisei (tại Kanda). Trưng bày 10 bức sơn dầu và 50 bức ký họa.
Triển lãm cá nhân của Tsubaki Sadao (tại Kanda). Trưng bày khoảng 30 bức sơn dầu, màu nước và ký họa.
Triển lãm đồ gốm của Leach.
Taisho 12 (1923)
Tạp chí Shirakaba đình bản do động đất lớn tại vùng Kanto, tổng cộng đã phát hành 160 số.

Qua bảng trên, có thể thấy hoạt động của nhóm Shirakaba trên lĩnh vực mỹ thuật được tổ chức thường xuyên, đa dạng và có quy mô lớn. Với nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật trong suốt thời gian thực hiện tạp chí Shirakaba, nhóm nghệ sĩ này đã tạo điều kiện cho người dân trong nước tiếp xúc với thành tựu của mỹ thuật phương Tây trong nhiều giai đoạn, qua tác phẩm của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và đặc biệt tạo ấn tượng sâu sắc về hội họa phương Tây hiện đại qua việc trưng bày, giới thiệu tác phẩm của nhiều họa sĩ bậc thầy của châu Âu thế kỷ XIX – XX, chủ yếu thuộc trường phái ấn tượng và tả thực. Thêm vào đó, nhóm Shirakaba còn thực hiện nhiều chuyên san về các nghệ sĩ nổi bật của mỹ thuật châu Âu nhằm cung cấp cho độc giả cũng như giới nghệ sĩ trong nước nhiều thông tin chi tiết hơn về thành tựu nghệ thuật đỉnh cao của phương Tây và thế giới, tạo điều kiện để xúc tiến những hoạt động giao lưu văn hóa – nghệ thuật giữa Nhật Bản và phương Tây. Tuy có ý kiến cho rằng việc giới thiệu mỹ thuật phương Tây theo cách thức mà nhóm Shirakaba thực hiện là không hệ thống vì không theo trật tự niên đại của lịch sử mỹ thuật, cũng như có ý kiến cho rằng giới thiệu Cézanne vào Nhật Bản ở thời điểm đầu thế kỷ XX là còn quá sớm, nhưng nói chung những hoạt động mang tinh thần tiên phong của nhóm Shirakaba cần được ghi nhận là những đóng góp rất quan trọng cho việc xây dựng một nền mỹ thuật Nhật Bản hiện đại vừa bảo tồn được những thành tựu cổ điển vừa ứng dụng được những kỹ thuật tối tân của châu Âu.
Để thực hiện thành công một tạp chí có nội dung bao trùm trên cả hai lĩnh vực văn chương và mỹ thuật, nhóm Shirakaba cũng phải kêu gọi nhiều nghệ sĩ và nhà nghiên cứu mỹ thuật tham gia vào việc trình bày tạp chí, sưu tầm và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật phương Tây và đóng góp ý kiến trên diễn đàn phê bình nghệ thuật. Trên thực tế, tạp chí Shirakaba đã được thực hiện với sự góp mặt của nhiều tên tuổi nổi bật trong giới mỹ thuật đương thời như các họa sĩ Nakagawa Kazumasa, Umehara Ryuzaburo, Kishida Ryusei v.v…; các nhà nghiên cứu mỹ thuật như Morita Kamenosuke, Kojima Kikuo v.v…
Điều thú vị là ở tạp chí Shirakaba, hai mảng nội dung văn chương và mỹ thuật được trình bày trong một mối quan hệ gắn bó, tạo nên một không gian sinh hoạt nghệ thuật phong phú và tự nhiên chứ không gây cảm giác về một sự lắp ghép khiên cưỡng và rời rạc. Nền tảng quan trọng để đạt được thành công này có lẽ là thiên hướng nghệ thuật tự nhiên của các thành viên Shirakaba. Hai thành viên trụ cột của nhóm là Arishima Ikuma và Mushanokoji Saneatsu đều là những tài năng trên cả hai lĩnh vực văn chương và hội họa. Với năng khiếu bẩm sinh và vốn kiến thức phong phú, sắc sảo nhờ được đào tạo trong môi trường giáo dục tiến bộ, rộng mở, họ đã trở thành những nghệ sĩ lớn và có thể kết hợp hai lĩnh vực nghệ thuật một cách tự nhiên trong hoạt động sáng tác cũng như lý luận – phê bình. Mặt khác, nếu suy ngẫm sâu xa hơn, có thể lý giải sự kết hợp văn chương và mỹ thuật ở phái Shirakaba từ nhân sinh quan và quan niệm nghệ thuật của các thành viên trong nhóm văn nghệ này. 
Hướng đến chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa nhân đạo, các nhà văn nhóm Shirakaba chủ trương đề cao con người và phát huy mọi tố chất tốt đẹp ở từng cá nhân. Văn chương và mỹ thuật trước hết là các môn nghệ thuật, là những “nghề chơi” của con người nhưng đồng thời cũng là những hoạt động sáng tạo mà qua đó tâm hồn của con người được thăng hoa cùng cái đẹp. Nói cách khác, với tư cách là bộ môn nghệ thuật, cả mỹ thuật và văn chương đều có tác dụng giáo dục con người, đưa tinh thần con người đến gần với cái đẹp và sự thanh cao, nhưng trong khi văn chương mang vẻ đẹp trừu tượng và kích thích khả năng tưởng tượng của người sáng tác cũng như người cảm nhận thì mỹ thuật thể hiện vẻ đẹp rõ ràng, sinh động bằng sắc màu và đường nét. Sự kết hợp của hai bộ môn này làm cho một tập san văn nghệ vừa có sức cuốn hút của cái đẹp được cảm nhận trực tiếp, lại vừa có vẻ đẹp sâu sắc ẩn giấu trong lớp vỏ ngôn từ, đòi hỏi người thưởng thức phải ngẫm ngợi và suy tưởng.
Cũng có thể hiểu rằng sự kết hợp của văn chương và mỹ thuật ở tạp chí Shirakaba xuất phát từ quan niệm về đường lối biểu đạt. Nhìn lại các hoạt động mỹ thuật của nhóm Shirakaba thì thấy những thành viên của nhóm này đặc biệt quan tâm đến phong cách của trường phái ấn tượng và tả thực. Còn trong lĩnh vực văn chương thì các thành viên Shirakaba chủ trương thể hiện một cách sâu sắc và tinh tế đời sống tâm lý của con người. Từ đó, có thể thấy trường phái này đề cao việc biểu đạt những gì phức tạp và tinh vi bằng thủ pháp gây ấn tượng và lối miêu tả chân thực, tỉ mỉ. Họ đã tìm thấy điều đó trong hội họa ấn tượng của phương Tây và trong thể loại tiểu thuyết hiện đại, nên tạp chí Shirakaba vừa là nơi mà các nghệ sĩ trong nhóm bày tỏ quan niệm nghệ thuật đồng thời là nơi thể nghiệm và là diễn đàn mở rộng để phê bình, định hướng và điều chỉnh sự phát triển đó.
Nếu như mỹ thuật làm cho tạp chí Shirakaba trở nên nổi bật vì vẻ đẹp và sự mới mẻ so với những tạp chí văn nghệ đương thời thì ngược lại, tính văn chương làm nên chiều sâu tư tưởng cho hoạt động mỹ thuật của phái Shirakaba. Hoạt động mỹ thuật của nhóm này không chỉ có việc sáng tác và trưng bày tại các cuộc triển lãm mà còn bao gồm cả lý luận – phê bình mỹ thuật diễn ra thường xuyên và sôi nổi trên tạp chí Shirakaba, thậm chí có khi trở thành cuộc tranh luận về một vấn đề phức tạp nào đó trong lý luận nghệ thuật như cuộc “bút chiến” giữa Yamawaki Shintoku, Kinoshita Mokutaro và Mushanokoji Saneatsu xoay quanh vấn đề giá trị của tác phẩm hội họa và việc biểu đạt cái tôi cá nhân của nghệ sĩ, khởi đầu từ bài viết của Kinoshita Mokutaro đăng trên tạp chí Chuo koron với nội dung phê bình tranh vẽ của Yamawaki Shintoku trong cuộc triển lãm cá nhân của họa sĩ này tháng 4 - 1911. Trong cuộc “bút chiến” này, Mushanokoji Saneatsu đã tham gia bằng nhiều bài viết đăng trên tạp chí Shirakaba, dùng lập luận của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa lý tưởng như chủ trương của ông trong đời sống và trong sáng tác văn chương để nói về hình thức “nghệ thuật vì cái tôi” trong hội họa. Cách lý luận của Mushanokoji có thể gây cảm tưởng là nhà văn đẩy vấn đề tranh luận theo hướng triết lý về bản chất và lối sống của con người hơn là làm rõ bản chất của nghệ thuật, nhưng mặt khác cũng là một cách thể hiện trình độ thưởng thức mỹ thuật của giới nghệ sĩ đương thời, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác và làm cho công chúng quan tâm nhiều hơn đến giá trị của mỹ thuật hiện đại.
3.      Đóng góp từ các thân hữu quan trọng của nhóm Shirakaba
Nói về hoạt động mỹ thuật của nhóm Shirakaba cũng cần phải kể đến những đóng góp độc đáo của Yanagi Muneyoshi và mối quan hệ bằng hữu của ông với nghệ sĩ – nhà nghiên cứu nghệ thuật gốm Bernard Leach.
Yanagi Muneyoshi (1889 – 1961) là nhà tư tưởng – tôn giáo đồng thời là người sưu tầm và nghiên cứu nghệ thuật dân gian, chủ yếu là đồ gốm mỹ nghệ. Yanagi cũng trải qua thời kỳ học phổ thông tại Gakushuin và sau đó tốt nghiệp Đại học Đế quốc Tokyo, ngành triết học – tôn giáo phương Tây. Ông tham gia sinh hoạt văn nghệ với nhóm Shirakaba trong thời gian học ở Gakushuin và đại học nhưng không đi theo con đường văn chương hay hội họa phương Tây mà vốn có niềm say mê riêng với những sản phẩm mỹ nghệ dân gian và chủ trương đề cao “cái đẹp thực tế” của những vật dụng này. Ông cũng dành nhiều tâm huyết cho việc vận động bảo tồn, phát triển ngành mỹ nghệ dân gian và thành lập Bảo tàng mỹ nghệ dân gian Nhật Bản[8]. Tuy là một gương mặt không mấy nổi bật trong hoạt động của nhóm Shirakaba trong thời gian thực hiện tạp chí Shirakaba nhưng Yanagi lại có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành mỹ thuật dân gian Nhật Bản và Đông Á, và ông đã thực hiện những hoạt động có ý nghĩa lớn trong lĩnh vực này trong suốt nhiều năm sau khi tạp chí Shirakaba đình bản.
Yanagi Muneyoshi đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật gốm sứ cũng như tranh dân gian Triều Tiên sản phẩm mỹ nghệ truyền thống của Okinawa (đặc biệt là mỹ nghệ ở thời kỳ văn hóa Ryukyu). Ông đã dành nhiều thời gian cho việc sưu tập, nghiên cứu mỹ thuật dân gian Triều Tiên và là một trong những người chủ trương thành lập Bảo tàng mỹ thuật dân gian Triều Tiên[9] vào năm 1924. Từ 1938 đến 1940 ông đến Okinawa để tập trung nghiên cứu những đặc trưng văn hóa của khu vực này, sau đó đã viết nhiều công trình khảo cứu quan trọng như Văn nhân Okinawa, Văn hóa Okinawa, Đồ gốm Okinawa v.v..., về sau được tập hợp trong bộ sách Yanagi Muneyoshi toàn tập, do Chikuma shobo xuất bản trong khoảng thời gian 1980 – 1992.
Ngoài ra, Yanagi Muneyoshi còn thực hiện các tạp chí chuyên về văn nghệ dân gian, với sự giúp đỡ và cộng tác của Bernard Leach và nhiều nghệ nhân Nhật Bản.
Tạp chí Mingei 民藝 (Văn nghệ dân gian) do Yanagi Muneyoshi sáng lập trong quá trình thực hiện phong trào “vận động vì văn nghệ dân gian” cùng với hai nghệ nhân trong ngành gốm là Hamada Shoji và Kawai Kanjiro, được phát hành lần đầu tiên năm 1926. Mingei là diễn đàn để giới thiệu và bình luận về sản phẩm của các loại hình mỹ nghệ dân gian như đồ gốm, đồ sơn mài hay các loại vải được dệt và nhuộm theo phương thức thủ công truyền thống. Những ngành thủ công này không được xem là mỹ thuật (fine-art) theo quan niệm phương Tây nhưng lại là một bộ phận không thể thiếu của văn hóa Nhật Bản, thậm chí có thể nói là những lĩnh vực thể hiện một cách rõ ràng nhất ý thức thẩm mỹ truyền thống của người Nhật. Vì vậy, tạp chí Mingei được thực hiện với mục đích lôi cuốn sự chú ý của công chúng đến “cái đẹp thực tế” đặc trưng của thẩm mỹ Nhật Bản thể hiện trên các sản phẩm của mỹ nghệ dân gian, hướng đến việc bảo tồn, phát triển những ngành nghề thủ công truyền thống và giới thiệu ra thế giới vẻ đẹp riêng của mỹ nghệ dân gian Nhật Bản. Những người thực hiện tạp chí Mingei đều là những nghệ nhân yêu vẻ đẹp thuần khiết và chân thực của các ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống, đã dành thời gian đi khắp các vùng miền trên đất nước Nhật Bản để sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu vẻ đẹp giản dị mà độc đáo của những vật dụng được chế tác tinh xảo, làm cho thế giới biết đến một khía cạnh đặc sắc của văn hóa truyền thống Nhật Bản.
Tạp chí Mingei được xuất bản liên tục đến năm 1945 thì bị ngưng do tình hình chiến sự căng thẳng. Sau chiến tranh, tạp chí này được Hiệp hội nghệ thuật dân gian Nhật Bản[10] tiếp tục thực hiện cho đến ngày nay. Hiệp hội nghệ thuật dân gian Nhật Bản cũng là một tổ chức do Yanagi Muneyoshi sáng lập nhằm vận động cho việc bảo tồn và phát triển văn nghệ dân gian, nay đã phát triển thành một tổ chức lớn, gồm 32 chi hội có trụ sở tại các tỉnh thành trên toàn quốc từ Aomori (vùng Tohoku) đến Okinawa.
Yanagi Muneyoshi cũng là người chủ trương thực hiện tạp chí Kogei 工藝 (Thủ công mỹ nghệ), phát hành trong khoảng thời gian từ 1931 đến 1951, tổng cộng 120 số. Kogei cũng là tạp chí chuyên về giới thiệu sản phẩm của các ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống ở Nhật Bản. Kogei thường đăng các bài viết về lý luận và thực tiễn sáng tạo của các loại hình thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc giới thiệu các sản phẩm thủ công qua tranh vẽ và hình ảnh, những người thực hiện còn đính vào tạp chí cả những vật mẫu như vải, giấy, chất sơn để mang đến cho người đọc những thông tin thực tế và chi tiết về sản phẩm được giới thiệu.
Cuối cùng, nói đến những hoạt động trên lĩnh vực mỹ thuật của nhóm Shirakaba còn phải kể đến sự đóng góp của Bernard Howell Leach (1887 – 1979), một nhà nghiên cứu mỹ nghệ người Anh có mối quan hệ thân thiết với các thành viên của nhóm Shirakaba và là một người yêu thích sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở các nước Đông Bắc Á. Leach sinh ở Hồng Kông và học về mỹ thuật ở London nhưng quá trình nghiên cứu mỹ nghệ phương Đông của ông chủ yếu được thực hiện trong những thập niên đầu thế kỷ XX là khoảng thời gian ông sinh sống tại Nhật. Ông quen biết họa sĩ Takamura Kotaro trong thời gian Takamura du học ở London. Sau khi đến Tokyo năm 1909, Leach kết bạn với Yanagi Muneyoshi nên thường đi lại giao du với nhóm Shirakaba và tham gia vào những sinh hoạt văn nghệ của nhóm này.
Bernard Leach đã nghiên cứu để chế tác những sản phẩm mỹ nghệ kết hợp cả triết lý và mỹ học của phương Đông và phương Tây, hướng đến việc bảo tồn, phát triển ngành gốm mỹ nghệ ở Nhật Bản – Triều Tiên – Trung Quốc đồng thời phục chế những sản phẩm gốm truyền thống ở các nước Tây Âu như Anh, Đức. Ông cũng đã hợp tác với Yanagi Muneyoshi trong những hoạt động kêu gọi bảo tồn ngành mỹ nghệ và thành lập Bảo tàng nghệ thuật dân gian. Năm 1940, Leach đã xuất bản công trình A Potter’s Book (Sách của nhà làm gốm) trình bày tư tưởng của ông về kỹ thuật và triết lý trong nghệ thuật chế tác đồ gốm. Với công trình này, ông thực sự trở thành một chuyên gia tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu mỹ nghệ phương Đông. Những sản phẩm mỹ nghệ do ông chế tác hiện nay vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Victoria and Albert, London. Leach đã từng nhận giải thưởng của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản vì những đóng góp của ông cho ngành mỹ nghệ ở Nhật và cho việc giao lưu văn hóa – nghệ thuật giữa Nhật Bản với các nước phương Tây.
Lời kết
Những hoạt động nhằm kêu gọi việc bảo tồn và phát triển các ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống Nhật Bản đồng thời hướng đến việc giới thiệu vẻ đẹp đặc trưng của nghệ thuật dân gian Nhật Bản với thế giới tạo nên một nét mới trong nội dung hoạt động mỹ thuật của nhóm Shirakaba. Điều đó cũng góp phần làm rõ hơn tính tương chiếu của văn hóa Nhật Bản, đặc biệt trong trường hợp có sự gặp gỡ của các yếu tố văn hóa khác nhau, thậm chí tương phản nhau. Một mặt, những thành viên của nhóm Shirakaba rất tích cực trong việc học hỏi, tiếp thu những thành tựu mới nhất, đặc sắc nhất của mỹ thuật phương Tây và thông qua tạp chí Shirakaba cũng như các cuộc triển lãm nghệ thuật để giới thiệu những thành tựu này với công chúng và giới nghệ sĩ trong nước, hướng đến việc phổ biến những kỹ thuật, phương pháp hiện đại của mỹ thuật phương Tây vào Nhật Bản. Mặt khác, một số thành viên và cộng tác viên của nhóm lại có khuynh hướng đề cao vẻ đẹp giản dị, thuần phác và mang hơi thở cuộc sống của các sản phẩm mỹ nghệ như đồ gốm, đồ sơn mài và vải nhuộm thủ công. Nhóm nghệ sĩ theo hướng này cũng hết sức nhiệt tình trong việc sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ Nhật Bản qua các tạp chí chuyên ngành, làm cho thế giới biết đến các ngành mỹ nghệ truyền thống của Nhật đồng thời tạo điều kiện cho những ngành này được bảo tồn và phát triển mạnh hơn. Tuy vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến đánh giá khác nhau xung quanh các hoạt động này nhưng có lẽ ai cũng dễ dàng công nhận rằng cả hai khuynh hướng nói trên đều thể hiện thái độ tích cực và đúng đắn của người Nhật trong việc bảo tồn và tiếp thu văn hóa. Rõ ràng việc tiếp thu, phổ biến mỹ thuật hiện đại phương Tây vào Nhật Bản và việc vận động để bảo tồn các ngành mỹ nghệ truyền thống trong nước đều cần thiết cho công cuộc hiện đại hóa Nhật Bản trong lĩnh vực văn hóa – văn nghệ đầu thế kỷ XX. Nhờ đó mà Nhật Bản ngày nay vừa được biết đến như một đất nước của những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo, phong phú lại vừa có một nền mỹ thuật hiện đại không kém gì các nước Tây Âu.
Nhìn lại các hoạt động văn nghệ của phái Shirakaba, có thể thấy tạp chí Shirakaba do nhóm này thực hiện liên tục trong khoảng thời gian hơn 13 năm là một thành tựu lớn. Shirakaba đã thể hiện đầy đủ vai trò của một tạp chí văn nghệ bao gồm hai mảng nội dung là văn chương và mỹ thuật. Sự kết hợp này khó có thể tìm thấy ở một trào lưu văn nghệ, đặc biệt là trong tình hình hoạt động nghệ thuật tại các nước phương Đông. Thành công của tạp chí Shirakaba cho thấy các thành viên của nhóm Shirakaba là tầng lớp thanh niên ưu tú trong thời kỳ hiện đại hóa Nhật Bản. Họ may mắn được theo học tại những trường có chất lượng giáo dục tốt trong nước và được đào tạo bài bản tại phương Tây, nhờ đó có thể tiếp cận với những tri thức mới mẻ về triết học và lý luận nghệ thuật. Đồng thời, họ cũng là những người có tinh thần xây dựng đất nước, đã tận dụng vốn kiến thức và phát huy hết năng lực cá nhân để đóng góp cho việc bảo tồn những giá trị nghệ thuật truyền thống và xây dựng những giá trị về văn chương – nghệ thuật cho tiến trình hiện đại hóa Nhật Bản. Đặc biệt nhóm Shirakaba đã thể hiện vai trò rất lớn trong việc xây dựng nền mỹ thuật hiện đại Nhật Bản qua nhiều hoạt động thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ đương thời.
Tài liệu tham khảo
Honda Shugo本田秋五, (1960),「白樺」派文学』 (Văn học của phái Shirakaba), 新潮文庫.
Honda Shugo本田秋五 (1968),「白樺」派作家作品』 (Tác giả và tác phẩm thuộc phái Shirakaba)未來社.
Nishimura Shuko (2009), 西村修子『美術雑誌としての「白樺」にみる西洋美術認識』(Nhận thức về mỹ thuật phương Tây trong tạp chí Shirakaba, trong vai trò một tạp chí mỹ thuật), Journal of East Asian Studies, No.7, 2009.3, pp.137 – 153.
Senuma Shigeki瀬沼茂樹 (1990)日本文壇史19 白樺派若人たち (Lịch sử văn đàn Nhật Bản tập 19 – Những nhà văn trẻ thuộc phái Shirakaba)講談社文芸文庫.
Sekikawa Natsuo関川夏央 (2005), 白樺たちの大正 (Thời Taisho của những nhà văn Shirakaba), 文藝春秋.
Shirakaba『白樺 』創刊~10 (Tạp chí Shirakaba – từ số 1 đến số 10), 日本近代文学間, 東京 (Kho tư liệu của Bảo tàng văn học hiện đại Nhật Bản, Tokyo).


[1] French Academy tại Rome là nơi tuyển chọn và đào tạo những nghệ sĩ mỹ thuật từng đoạt giải Prix de Rome trong thế kỷ XVII – XIX.
[2] Họa sĩ người Pháp, thuộc trường phái ấn tượng, mất năm 1906.
[3] Theo Nishimura Shuko (2009), 西村修子『美術雑誌としての「白樺」にみる西洋美術認識』(Nhận thức về mỹ thuật phương Tây trong tạp chí Shirakaba, trong vai trò một tạp chí mỹ thuật), Journal of East Asian Studies, No.7, 2009.3, pp.137 – 153
[4] Gustave Courbet (1819 – 1877) là họa sĩ người Pháp, thuộc trường phái tả thực.
[5] William Blake (1757 – 1827) là nhà thơ, họa sĩ người Anh.
[6] Andrea Mantegna (1431 – 1506) là họa sĩ người Ý.
[7] Yanagi Kaneko là vợ của nghệ sĩ Yanagi Muneyoshi trong nhóm Shirakaba.
[8] Tức Nihon mingeikan 日本民藝館 ở Meguro, Tokyo.
[9] Tức Chosen minzoku bijutsukan 朝鮮民族美術館 tại Seoul.
[10] 日本民藝協会