Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG GENJI MONOGATARI




1. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự
Không gian, cũng như thời gian, là một trong những yếu tố định hình nên khung biểu đạt của tác phẩm văn học. Đặc biệt ở những tác phẩm trường thiên thuộc thể loại văn xuôi tự sự, không gian cùng với thời gian tạo nên một “hệ quy chiếu” của tác phẩm trong tâm tưởng người đọc cũng như người sáng tác.
Nói như vậy không có nghĩa là không gian truyện kể chỉ có nhiệm vụ trả lời cho câu hỏi “câu chuyện được kể trong tác phẩm này diễn ra ở đâu?”. Dĩ nhiên ở tác phẩm văn xuôi tự sự, không gian trước hết là môi trường sống và hoạt động của các nhân vật trong tác phẩm, nhưng vai trò của không gian không chỉ dừng ở việc định hình mà còn là vấn đề biểu đạt. Không gian chính là “bầu không khí” trong “thế giới nghệ thuật” riêng của tác phẩm, được tác giả xây dựng lên bằng ngòi bút hư cấu. Tùy theo ý đồ sáng tác và trình độ tư duy nghệ thuật của tác giả mà tác phẩm sẽ có không gian rộng hay hẹp, phức tạp hay đơn giản, có tạo nên sức hút với người đọc hay không. Vì vậy không gian còn là một trong những yếu tố quyết định giá trị nghệ thuật của tác phẩm, thể hiện tư duy nghệ thuật của người viết.
Trong đời sống hiện thực, không gian là một chiều kích nhận thức của con người, thể hiện thế giới quan của mỗi cá nhân trong hoàn cảnh tồn tại và hoạt động của cá nhân ấy. Lịch sử phát triển của thể loại văn xuôi tự sự cũng phản ánh sự thay đổi về thế giới quan của con người, từ thời cổ đại đến thời hiện đại, trong đó có ý thức về không gian. Và trong mỗi giai đoạn của tiến trình này, sự thay đổi tầm nhận thức của con người về không gian để lại những dấu ấn trong việc biểu đạt yếu tố không gian trong tác phẩm.
Không gian trong thế giới thần thoại là không gian vũ trụ mang tính toàn thể và rộng mở, không có những đường biên giới cụ thể giới hạn tầm nhìn, là không gian đồng nghĩa với quan niệm về thiên nhiên của con người thời cổ, nhưng cũng vì thế mà giữa không gian với con người còn tồn tại khoảng cách rất lớn.
Trong truyện cổ tích thì không gian đã là môi trường hoạt động của các nhân vật, nhưng vẫn là môi trường chịu tác động của thần linh, của các thế lực siêu nhiên can thiệp vào thế giới con người, để các sự việc phát triển theo một định hướng cần thiết. Có thể nói rằng, nếu không gian trong thần thoại thể hiện niềm ngưỡng vọng của con người trước thiên nhiên thì không gian trong cổ tích phản ánh khát vọng của con người muốn chinh phục giới thiên nhiên ấy, muốn dẹp bỏ mọi trở ngại từ tự nhiên để có được cuộc sống an toàn và hạnh phúc.
Trong thời kỳ hiện đại thì con người hiểu biết nhiều hơn về tự nhiên nhưng lại băn khoăn nhiều hơn về chính bản thân mình, về những vấn đề trong quan hệ xã hội cũng như trong đời sống nội tâm của mỗi cá nhân. Cách lựa chọn không gian để kể chuyện trong tiểu thuyết hiện đại cũng hướng đến việc biểu đạt những vấn đề này. Không gian trong tiểu thuyết hiện đại vì thế mà trở nên vô cùng đa dạng. Không chỉ có không gian rộng hay hẹp, tĩnh hay động mà còn có không gian thực hay ảo. Ngoài không gian theo cảm nhận thông thường còn có không gian của tâm linh, không gian trong mộng mị, không gian hoài niệm, không gian trong ảo tưởng v.v.... Không gian trong tiểu thuyết hiện đại trở thành một hình tượng nghệ thuật, gắn với chủ đề tác phẩm và để lại ấn tượng trong lòng người đọc như “rừng xà nu” của Nguyên Ngọc, “nhà thờ Đức Bà ở Paris” của Victor Hugo, “sông Đông êm đềm” của Mikhail Aleksandrovich Sholokhov, “đồi gió hú” của Emily Bronte, “xứ tuyết” của Kawabata Yasunari v.v…  Cho nên không gian không chỉ là môi trường, bầu không khí mà tác giả lựa chọn để đặt vào đó câu chuyện mình định kể. Nó còn là kết quả của thi pháp không gian mà tác giả vận dụng để xây dựng nên thế giới nghệ thuật trong tác phẩm, trên cơ sở kết hợp với thi pháp thời gian và thi pháp nhân vật. Nói cách khác, trong tiểu thuyết hiện đại vừa có không gian của sự kiện vừa có không gian của diễn ngôn. Không gian của sự kiện là nơi diễn ra câu chuyện được kể trong tác phẩm, nơi mà nhân vật hoạt động và các sự kiện, biến cố xảy ra, từ khi mở đầu câu chuyện cho đến khi kết thúc. Còn không gian của diễn ngôn là không gian được mở ra bằng nghệ thuật ngôn từ, có thể là không gian trong tưởng tượng hay trong hồi ức của nhân vật, có thể là không gian trong một giấc mơ, hay trong một câu chuyện mà nhân vật này kể cho nhân vật khác. Nói chung là không gian diễn ngôn rộng hơn, phong phú hơn, linh hoạt và dễ dịch chuyển hơn không gian sự kiện. Vì vậy các tiểu thuyết gia hiện đại rất chú trọng vấn đề xây dựng và khai thác hiệu quả biểu đạt của không gian diễn ngôn, gắn với việc nhấn mạnh chủ đề tác phẩm và thể hiện những vấn đề về con người, về xã hội một cách ấn tượng và thẩm mỹ.
Dòng văn học monogatari ở Nhật Bản cũng có một quá trình phát triển lâu dài từ những truyện kể dân gian đơn giản đến những tác phẩm có thi pháp rất gần với tiểu thuyết hiện đại. Sự phát triển về tư duy nghệ thuật ở những tác phẩm này thể hiện chủ yếu trên các phương diện như thi pháp nhân vật, thi pháp thời gian và thi pháp không gian. Vậy thì về cách biểu đạt yếu tố không gian, Genji monogatari có những điểm gì đặc biệt so với những tác phẩm monogatari trong tiến trình phát triển của thể loại này? Để làm rõ vấn đề trên, trước hết chúng tôi xin trình bày ngắn gọn về không gian sự kiện trong tác phẩm.
2. Không gian sự kiện trong tác phẩm Genji monogatari
Trong phần truyện kể về cuộc đời nhân vật Hikaru Genji thì không gian sự kiện của tác phẩm chủ yếu là không gian sinh hoạt của giới quý tộc ở kinh đô. Vì vậy có nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng, tác phẩm Genji monogatari triển khai theo hướng dịch chuyển về thời gian trong không gian tĩnh tại[1]. Tuy nhiên, không gian sự kiện trong phần truyện kể này không phải là không gian ngưng đọng, khép kín và giống nhau trong mọi câu chuyện. Hầu hết các nhân vật xuất hiện ở đây đều thuộc tầng lớp quý tộc và đều sinh hoạt trong không gian văn hóa cung đình thời Heian nhưng trong từng câu chuyện ở mỗi chương, tác giả lại mở ra một góc nhìn mới cho các nhân vật và sự kiện. Chẳng hạn câu chuyện kể về nàng Yugao gắn với khu vườn có nhiều hoa phấn, chuyện về nàng Hanachirusato thì gắn với không gian thanh vắng và phảng phất hương hoa cam như một làng quê nhỏ bé và thanh tịnh, chuyện về nàng Suetsumuhana gắn với một ngôi nhà vắng người trong khu vườn hoang phế cỏ dại mọc đầy. Đặc biệt ở một số chương như “Waka murasaki”若紫』(Cỏ tím non), “Suma”須磨』(Vịnh Suma), “Akashi”明石』(Vịnh Akashi) thì – giống như chương mở đầu của phần “Uji thập thiếp” là “Hashimime”『橋姫(Tiểu thư bên cầu) – câu chuyện mở ra trong một không gian hoàn toàn mới, khác với không gian sinh hoạt của giới quý tộc ở cung đình hay các biệt trang trong vùng lân cận hoàng cung. Với sự thay đổi nội dung miêu tả về không gian như vậy, độc giả không có cảm giác về một không gian khép kín hay trùng lặp trong tác phẩm mà ngược lại, cảm thấy đang được thưởng thức nhiều chuyện kể thú vị trong nhiều khung cảnh khác nhau, tuy những khung cảnh này đều được nhìn nhận và miêu tả theo ý thức thẩm mỹ Nhật Bản thời Heian, nên đều có vẻ đẹp tao nhã với nỗi buồn aware phảng phất.
Trong phần “Uji thập thiếp” thì không gian sự kiện là vùng ngoại vi kinh đô thời Heian, mà trung tâm là miền rừng núi Uji – nơi có thiên nhiên phong phú nhưng hoang sơ và vắng người qua lại, nơi sinh sống của gia đình vị hoàng thân thứ tám, về sau chỉ còn lại ngôi nhà đơn sơ là chỗ trú ngụ của mấy chị em Oigimi, Nakanokimi và Ukifune. Cũng như phần truyện kể về Hikaru Genji, không gian sự kiện trong phần “Uji thập thiếp” không phải là một hình ảnh duy nhất, tĩnh tại mà có nhiều khung cảnh khác nhau tùy theo từng câu chuyện được kể. Phần truyện kể về hai nàng Oigimi và Nakanokimi thường diễn ra trong ngôi nhà của hoàng thân ở Uji, xen kẽ với những cảnh sinh hoạt trong cung đình khi nói về Kaoru, Niou no Miya hay hoàng hậu Akashi. Phần này chủ yếu là cảnh gặp gỡ và trò chuyện giữa các nàng Oigimi, Nakanokimi với chàng Kaoru và hoàng tử Niou. Phần truyện kể về nàng Ukifune thì diễn ra trong không gian rộng mở hơn và hay thay đổi theo diễn biến câu chuyện: từ dinh thự của Niou no Miya nơi nàng Nakanokimi đang sống đến ngôi nhà cũ của vị hoàng thân ở Uji và dòng sông chảy qua miền Uji với cù lao giữa dòng nước xiết, rồi cuối cùng là điền trang Ujinoin gần đền Hatsuse và ngôi chùa tĩnh lặng ở Ono là nơi nàng Ukifune sống cuộc sống tu hành.
Một điều đáng lưu ý trong cách miêu tả không gian ở Genji monogatari là tác giả thiên về không gian trừu tượng hơn không gian cụ thể. Trong tác phẩm xuất hiện rất nhiều những địa danh có trong thực tế như Nijo, Sanjo, Rokujo, Uji v.v…, và điều đó có tác dụng gây ấn tượng ở người đọc về tính hiện thực của câu chuyện trong tác phẩm. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp tác giả không chủ trương tả lại khung cảnh của những nơi này trong thực tế như một cách cấu trúc không gian làm bối cảnh cho hoạt động của các nhân vật mà chỉ đơn thuần sử dụng địa danh hoặc chỉ miêu tả không gian một cách tượng trưng từ góc nhìn tâm lý. Khi nói đến những nhân vật nữ có địa vị nổi bật trong tác phẩm như hoàng hậu Fujitsubo, công nương Rokujo hay tiểu thư Aoi, tác giả không hề tả không gian sống cụ thể hay điều kiện sinh hoạt thường ngày của họ, mà thường chỉ phác họa đôi nét về những hình ảnh thể hiện cảm quan thẩm mỹ của nhân vật như khu vườn trước sân nhà hay những vật dụng cần thiết cho những hình thức sinh hoạt văn hóa cao nhã. Nói đúng hơn, những nhân vật này tuy là quan trọng trong tác phẩm nhưng chỉ hiện lên qua cái nhìn và cách cảm nhận, đánh giá của người dẫn truyện, hoặc của nhân vật Hikaru Genji. Do đó hình ảnh của họ trong sự hình dung của độc giả chủ yếu được tạo nên bằng những phác họa về tính cách. Tác giả chỉ miêu tả chi tiết về không gian khi cần thể hiện một trạng thái tâm lý, tình cảm ở một nhân vật nào đó. Chẳng hạn như đoạn tả vầng trăng và khu vườn mùa thu trong chương Kiritsubo『桐壺(Ngô đồng vườn ngự) gắn với tâm trạng của góa phụ là thân mẫu của nàng cung phi Kiritsubo và nhà vua đang thương nhớ nàng cung phi quá cố, đoạn tả cảnh bờ biển hoang vu ở Suma gắn với hoàn cảnh cô đơn sầu não của Genji trong lúc lưu đày, đoạn tả cảnh dòng sông chảy xiết trong chương “Kagero”『蜻蛉(Phù du) thể hiện tinh thần xáo trộn của Ukifune khi nghĩ đến chuyện gieo mình xuống sông để kết thúc cuộc đời vì bi kịch tình cảm v.v... Kể cả những chương có tựa đề rất gợi tả như “Hana no en”『花の宴(Hội hoa đào) hay “E awase”『絵合(Cuộc thi tranh) thì tác giả cũng không quan tâm đến việc tả khung cảnh mà chỉ tả sự kiện theo ý thức thẩm mỹ và cái nhìn tâm lý. Có thể nói đây cũng là một nét đặc biệt trong tư duy nghệ thuật của tác giả, thể hiện qua thế giới nghệ thuật trong tác phẩm Genji monogatari.
Nét đặc biệt này cũng đã được các nhà nghiên cứu Nhật Bản quan tâm tìm hiểu và đưa ra những nhận xét thú vị. Chẳng hạn theo nhà nghiên cứu Takahashi Bunji trong công trình Genji monogatari no jiku to sozoryoku「源氏物語時空想像力」(Thời gian – không gian và sức tưởng tượng trong Genji monogatari) thì, khác với những truyện kể mang tính dân gian như Konjaku monogatari「今昔物語」(Chuyện xưa và nay), tác phẩm Genji monogatari không phản ánh một cách cụ thể đời sống sinh hoạt thời Heian, vì đa số những khung cảnh được miêu tả trong truyện đều là hư cấu. Những cảnh được miêu tả khi Hikaru Genji đến thăm hoặc tìm hiểu những cô gái quý tộc và cả khu dinh thự bề thế Rokujoin mà Genji xây dựng trong giai đoạn vinh hoa tột đỉnh của cuộc đời chàng đều không có thực. Vả lại, cách miêu tả từ nhân vật đến sự kiện, cảnh vật đều tạo cảm giác rằng khung cảnh trong Genji monogatari có tính trừu tượng và thiên về tâm lý[2].
Tuy nhiên, cách miêu tả không gian như trên không đơn giản là do tác giả Genji monogatari bị hạn chế về tầm quan sát hay bút pháp tả thực. Khi thâm nhập vào bầu không khí đặc trưng của “thế giới Genji” trong tác phẩm, độc giả sẽ dễ dàng nhận ra cách miêu tả không gian thiên về trừu tượng và tâm lý là một đặc điểm về bút pháp. Đặc điểm này thống nhất với các đặc điểm khác như cách miêu tả nhân vật, cách biểu thị thời gian trong dụng ý sáng tạo của tác giả, hình thành nên thế giới nghệ thuật với những đường nét vừa mơ hồ vừa cụ thể đến mức tế vi, một thế giới mở ra trong không gian và thời gian tưởng chừng hạn chế và đơn điệu nhưng thật ra lại có thể biến hóa linh hoạt theo từng nội dung, từng câu chuyện mà tác giả muốn đưa vào tác phẩm.
Trước hết, nếu đi vào xem xét cụ thể từng chi tiết thì có thể thấy rằng tác giả Genji monogatari không chỉ đơn thuần miêu tả không gian như bối cảnh xảy ra câu chuyện mà còn sử dụng không gian như một yếu tố linh hoạt để biểu đạt nội dung câu chuyện và tạo nên giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm. Nói cách khác, trong tác phẩm Genji monogatari không chỉ có không gian sự kiện mà còn có không gian diễn ngôn. Nếu không gian sự kiện giúp người đọc hình dung được bối cảnh xảy ra câu chuyện thì không gian diễn ngôn là những thông điệp về không gian được “nhào nặn” theo ngòi bút của tác giả để nội dung biểu đạt trong tác phẩm đạt hiệu quả thẩm mỹ cao hơn, có sức lay động tình cảm và để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm tưởng người đọc.
3. Không gian diễn ngôn trong tác phẩm Genji monogatari
Biểu hiện dễ thấy nhất của bút pháp nói trên việc tác giả Genji monogatari miêu tả không gian gắn với tâm trạng, tình cảm của nhân vật, đồng thời qua đó có thể lý giải những sự kiện cần làm rõ trong câu chuyện. Với cách biểu đạt này, không gian được miêu tả trong nhiều tình tiết là không gian gợi nhớ, hay không gian hồi tưởng. Do đó không gian không chỉ là bối cảnh cho sự kiện mà còn là “cầu nối” để tác giả khéo kéo dẫn dắt người đọc vào một nội dung cần “chen ngang” câu chuyện, tức không gian có chức năng dẫn dắt, tạo tính liên tục cho mạch truyện có kết cấu phức và không được kể theo trật tự tuyến tính như truyện cổ.
Chẳng hạn ở chương đầu tiên Kiritsubo, tác giả đặc biệt miêu tả chi tiết khung cảnh ở nhà góa phụ Kitanokata (mẹ của cung phi Kiritsubo) khi sứ giả của nhà vua đến thăm vào một đêm thu trăng sáng: “Nữ quan Myobu vừa cho xe vào cổng nhà nàng đã nhận thấy quang cảnh thật là ảm đạm (...) Trăng sắp tàn trên bầu trời trong vắt. Gió thổi qua mát dịu và tiếng côn trùng rền rĩ trong đám cỏ như than khóc, khiến nàng Myobu không nỡ rời chân[3]. Nếu như trước đó hoàn cảnh gia đình của cung phi Kiritsubo chỉ được kể lướt qua thì trong chi tiết nói trên, tác giả lại chú ý khắc họa rõ nét khung cảnh gian nhà quạnh quẽ trong một khu vườn mùa thu sau khi nàng cung phi đã qua đời. Khung cảnh được miêu tả trong trường hợp này có tác dụng làm đậm nét ấn tượng về tình cảnh cô đơn của góa phụ, đồng thời cũng là hoàn cảnh khơi gợi những kỉ niệm ngày trước có liên quan đến nguyên do khiến bà buộc phải gửi con gái vào cung. Nói cách khác, khung cảnh này cũng là một hoàn cảnh để tác giả trình bày khéo léo về duyên phận của nàng cung phi bạc mệnh.
Tinh tế hơn, có những chi tiết mà không gian được miêu tả trong tác phẩm, ngoài chức năng dẫn dắt, kết nối trong mạch truyện phi tuyến tính như trên, còn gắn với một ý nghĩa quan trọng nào đó của câu chuyện, hay là để chuyển tải một quan niệm nào đó của người viết vào nội dung tác phẩm. Tiêu biểu cho cách thể hiện này là khung cảnh được miêu tả trong chương “Waka murasaki”, với chi tiết Hikaru Genji lên núi Kitayama tìm một vị cao tăng để chữa bệnh và tình cờ nhìn thấy nàng Murasaki lúc còn nhỏ tuổi.
Câu chuyện trong chương này kể rằng Hikaru Genji cảm thấy khó chịu vì một chứng bệnh kéo dài, nên đến tìm vị cao tăng nổi tiếng đang sống trên núi Kitayama ở phía bắc kinh thành để nhờ vị này giúp xua đuổi tà khí trong cơ thể. Đây là một trong những chương khá đặc biệt trong phần truyện kể về Hikaru Genji, trong đó không gian sinh hoạt của nhân vật vượt ra ngoài phạm vi quen thuộc của đời sống cung đình.
Tuy rằng núi Kitayama không cách xa hoàng cung về không gian địa lý nhưng cảnh vật ở nơi này mang đến cho Hikaru Genji những cảm nhận hoàn toàn mới mẻ. Đặc biệt không khí ban mai ở chốn núi đồi giữa thiên nhiên thuần khiết vừa giúp chàng thanh lọc cơ thể đang khó chịu vì đau ốm, vừa là một nguồn dưỡng khí mang lại cho chàng sức sống mới với cảm giác trong trẻo an lành, và cũng là không gian thơ mộng được chuẩn bị cho sự xuất hiện của “nhành cỏ tím” thanh khiết Murasaki: “Vì đã cuối tháng ba nên hoa đào trong kinh thành đã qua thời điểm mãn khai, nhưng hoa đào trên núi thì vẫn đương nở rộ. Và khi chàng (Genji) đi vào trong núi thì thấy cảnh sương mù giăng phủ trông rất hữu tình. Không quen đi đến vùng núi non xa cách, chàng lại càng thấy cảnh sắc nơi đây vô cùng lạ mắt với một người chỉ quen sống tù túng ở kinh đô[4].
Trong bối cảnh như vậy, tác giả kể rằng nhà sư đã giảng giải cho Hikaru Genji một cách chi tiết những quan niệm theo triết lý Phật giáo về tội lỗi trong cuộc sống đời thường cũng như về quy luật nhân quả, nhằm hướng Genji đến việc sám hối và thanh tẩy tâm hồn. Trong quá trình đó, Hikaru Genji cũng luôn nhớ đến tình cảm của chàng dành cho hoàng hậu Fujitsubo. Và khi tình cờ nhìn thấy Murasaki với vẻ đẹp hồn nhiên trong trẻo, Hikaru Genji cảm thấy bị cuốn hút mạnh mẽ vì Murasaki rất giống Fujitsubo – người phụ nữ cho đến thời điểm đó vẫn giữ vị trí chi phối đời sống tình cảm của chàng.
Việc Genji bị cơn bệnh dày vò cơ thể và bị ám ảnh, day dứt vì mối quan hệ tình cảm với Fujitsubo được nối tiếp bởi việc Genji tình cờ phát hiện Murasaki, rồi quyết tâm chiếm được Murasaki để thay thế cho hình ảnh Fujitsubo đang chế ngự trong tâm hồn diễn ra đồng thời trong khoảng thời gian rất ngắn ở vùng núi Kitayama, thể hiện một bước ngoặt quan trọng trong đời sống tình cảm của nhân vật chính. Tuy những vấn đề trên chỉ được biểu hiện một cách mơ hồ và có vẻ rời rạc nhưng theo nhà nghiên cứu Kawazoe Fusae thì nếu đặt trong dòng tư tưởng và thủ pháp biểu đạt của toàn tác phẩm, có thể thấy tác giả không miêu tả những chi tiết như vậy một cách ngẫu nhiên mà có dụng ý thể hiện một sự thay đổi quan trọng của Hikaru Genji trong tư tưởng Phật giáo về nhân duyên, nghiệp báo cũng như về tội lỗi, thanh tẩy và tái sinh[5]. Khoảnh khắc gặp gỡ Murasaki là thời điểm mà Hikaru Genji tìm được một nguồn lực mới giúp chàng thoát ra khỏi mối quan hệ đam mê và tội lỗi mà bấy lâu vẫn làm day dứt cả hai người trong cuộc. Tác giả đã chọn vùng núi Kitayama làm bối cảnh cho cuộc gặp gỡ này. Như vậy núi Kitayama không chỉ là không gian sự kiện mà còn thể hiện một cách sử dụng yếu tố không gian để tạo hiệu quả biểu đạt một cách tự nhiên, tinh tế.
Từ ngôn ngữ mơ hồ nhưng cũng nhiều ngụ ý trong tác phẩm, có thể hiểu rằng việc Genji rời khỏi kinh thành lên miền núi để tìm cao tăng điều trị cơn bệnh vẫn hành hạ mình dai dẳng cũng là việc chàng đi tìm một lối thoát cho đời sống tình cảm đang bị bế tắc vì mối quan hệ trái đạo lý với Fujitsubo. Điều đó trước hết được thực hiện bằng việc sám hối dưới sự hướng dẫn của nhà sư ở núi Kitayama, và cuối cùng vấn đề đã được giải quyết nhờ sự xuất hiện của Murasaki – một sự thay thế cho hình ảnh của Fujitsubo trong tâm tưởng Hikaru Genji cho đến cuối đời. Trong dòng tư tưởng ấy thì việc rời khỏi kinh thành với đời sống thường ngày quen thuộc cũng là việc thoát ra khỏi bi kịch tình cảm. Vậy có thể nói rằng miền núi Kitayama là không gian được lựa chọn cho sự chuyển hóa và tái sinh trong đời sống tinh thần của nhân vật, và sự trong trẻo của buổi ban mai nơi rừng núi còn thể hiện tinh tế cảm giác mới mẻ, tinh khôi của sự tái sinh. Nói cách khác, không gian trong câu chuyện ở miền núi Kitayama là không đơn thuần là không gian làm nền tảng cho việc miêu tả sự kiện mà còn là một kiểu không gian chức năng trong nghệ thuật tự sự của tác phẩm. Thủ pháp này còn được vận dụng trong một số chương khác – thường là các chương có vị trí đặc biệt quan trọng trong diễn biến câu chuyện của toàn tác phẩm – như “Suma”須磨』(Vịnh Suma), “Akashi”明石』(Vịnh Akashi), “Wakana”『若菜(Cải non), “Kagero”『蜻蛉(Phù du).
Ngoài cách sử dụng “không gian chức năng” như đã nói ở phần trên, trong chương “Waka murasaki” còn xuất hiện một hình thức khác của không gian diễn ngôn, ở chi tiết Hikaru Genji được nghe câu chuyện về vị cựu trấn thủ vùng Harima – bố của nàng Akashi mà sau này chàng gặp gỡ trong cuộc lưu đày.
Chuyện kể rằng khi Hikaru Genji đang đứng trên ngọn núi nhìn về phía kinh thành và buột miệng khen cảnh đẹp đang trải ra trước mắt thì một trong số những người hầu cận của chàng – nhân nói chuyện về phong cảnh hùng vĩ ở những vùng lân cận, trong đó có bờ biển Akashi – đã dẫn dắt người nghe đi vào nội dung câu chuyện về tính khí đặc biệt và hoàn cảnh gia đình của nhân vật trước đó từng làm quan trấn thủ Harima:
Xa xa là sương mù giăng phủ, những ngọn cây ở khắp nơi mờ ảo trong khói sương vấn vít, phong cảnh cứ như là một bức tranh. Sống ở một nơi như thế này thì chắc hẳn trong tâm hồn chẳng chút gì vướng bận”, Genji buông lời cảm thán.
“Phong cảnh nơi đây cũng rất đỗi tầm thường thôi ạ. Nếu được ngắm cảnh biển cả núi non ở các vùng[6] thì có lẽ hoàng tử còn vẽ nên biết bao nhiêu bức họa tuyệt vời kia. Chẳng hạn như cảnh núi Phú Sĩ và những dãy núi cao đây đó...”, một viên tùy tùng bày tỏ với Genji. Rồi những người khác lại tiếp tục nói về những vịnh biển và những mỏm đá ven bờ biển tuyệt đẹp ở vùng đất phía Tây, làm cho Genji quên cả cảm giác khó chịu vì đau ốm.
“Ở gần đây có vịnh Akashi thuộc vùng Harima quả là nơi kỳ thú. Tuy không có điểm nào đặc biệt thu hút nhưng khi ngắm nhìn mặt biển mênh mông ở đó thì sẽ có cảm giác thanh thản lạ lùng, khác hẳn mọi nơi. Quan trấn thủ của vùng Harima trước đây có một gia đình tuyệt vời và đã nuôi dạy tiểu thư trong nhà rất mực chu đáo. Ngài vốn là hậu duệ của một vị quan đại thần đời trước nên là một công tử có hoạn lộ hanh thông. Nhưng vì có tính khí khác người nên vị này không màng đến chuyện giao tế ở triều đình, đã từ chức Chujo trong đội vệ binh ở hoàng cung và tự xin làm quan trấn thủ vùng Harima nhưng lại không được cư dân trong vùng kính trọng...[7].
Qua lời kể của nhân vật này, truyện đột ngột mở ra một không gian mới, vượt ra ngoài không gian kinh thành và cả vùng núi Kitayama là nơi Hikaru Genji đang ngoạn cảnh. Vùng Harima với vịnh biển Akashi và gia đình quan trấn thủ trong câu chuyện ấy là vùng đất và những con người mà Hikaru Genji chưa từng biết, nhưng lại là nơi mà chàng sẽ đến, là những người mà chàng gặp gỡ trong một hoàn cảnh rất đặc biệt sau này. Nhìn vào cách triển khai mạch truyện (từ chuyện lưu đày ở Suma đến chuyện gặp gỡ và gắn bó với gia đình cựu trấn thủ Harima ở Akashi) thì rõ ràng việc mở ra một không gian diễn ngôn nằm ngoài không gian sự kiện trong chương này thuộc về dụng ý biểu đạt của tác giả. Đồng thời, chi tiết này cũng là một biểu hiện thú vị của khuynh hướng xây dựng một tác phẩm trường thiên, trong đó không gian này được lồng vào không gian khác để sự kiện này nối tiếp sau sự kiện kia, tạo nên một cấu trúc đa tầng, đa tuyến.
Một điểm đáng chú ý trong không gian nghệ thuật của Genji monogatari là không gian diễn ngôn trong tác phẩm này thường là không gian hồi tưởng và thường gắn với hình ảnh vầng trăng. Tác giả đã nhiều lần miêu tả cảm xúc và hồi tưởng của nhân vật – đặc biệt là cảm xúc và hồi tưởng về những người thân yêu – trong không gian có ánh trăng, và cũng thường là không gian có âm nhạc.
Lần đầu tiên là cảnh nhà vua thương nhớ nàng cung phi vừa mới qua đời, trong một đêm thu trời se lạnh và trăng sáng: “Trong đêm trăng đẹp, ngài lại mơ màng nhớ những lúc bên nàng. Trước đây vào những dịp như thế, ngài thường cho các cung tần chơi nhạc. Ngài nhớ rằng nàng cung phi ấy luôn là người có ngón đàn tuyệt nhất, và những vần thơ ngẫu hứng của nàng cũng không ai sánh kịp, đã khiến ngài say đắm vô cùng[8].
Không gian hồi tưởng như thế được miêu tả rất nhiều lần trong chương Suma, nhấn mạnh những tình cảm bi thiết trước cuộc lưu đày và hoàn cảnh muộn phiền, cô đơn của Genji ở một vùng biển hoang vu, xa lạ:
Lên viếng mộ phụ hoàng trên núi, ngài Genji lại có cảm giác như vẫn được nhìn thấy tiên đế ngay trước mặt. Nghĩ rằng ngay cả một người có quyền uy tối thượng mà rồi cũng phải từ bỏ thế gian như thế, ngài càng cảm thấy nỗi tiếc thương trong lòng không sao tả được (.) Quanh mộ tiên đế cỏ mọc rậm rạp che khuất cả lối đi. Người viếng mộ phải rẽ cỏ vạch đường để đến gần ngôi mộ nên sương đêm đẫm ướt. Khi ấy vầng trăng lại đang bị mây che, còn xung quanh là rừng cây rậm rạp um tùm gợi cảm giác hoang vu rợn ngợp.[9]
Nếu không gian tràn ngập ánh trăng ở chương “Kiritsubo” là điều kiện để khơi mở những hồi ức của nhà vua về tình cảm gắn bó với cung phi trong những tháng ngày tươi đẹp thì ngược lại, “vầng trăng bị mây che”, như trong đoạn tả cảnh Genji lên núi Kitayama để thăm mộ phụ hoàng, ngoài việc gợi lên cảnh tối tăm rợn ngợp nơi rừng núi còn là một cách miêu tả hình tượng về thực tại đảo điên, bế tắc khi cái tươi đẹp, sự cao minh đã mất đi. Rồi vầng trăng trở lại trong nhiều đoạn văn khác của cùng chương Suma”, và cả chương Akashi kế tiếp, mỗi lần lại gắn với khung cảnh ngắm trăng và dòng tâm tưởng cứ vận động không ngừng, gắn với những ý hướng khác nhau khi nghĩ về cảnh ngộ lưu đày và những người thân ở kinh đô, nhưng bao giờ cũng gợi lên trạng thái rất đặc trưng cảm thức “mono no aware” nảy sinh từ sự hòa quyện giữa lòng cảm thán trước vẻ đẹp thiên nhiên và nỗi buồn dai dẳng trước nhân tình thế thái.
Ngoài khơi xa có mấy con thuyền với những ngư dân vừa buông mái chèo vừa cất cao tiếng hát. Đang lúc cô đơn, ngài Genji thấy những con thuyền kia như những con chim nhỏ đang dập dềnh bay lượn. Chuỗi tràng hạt đen tuyền soi bóng bàn tay gạt lệ sầu khi ngài mải ngắm nhìn đàn nhạn bay ngang lưng trời cất tiếng kêu tựa như tiếng mái chèo khua nước. Các gia nhân trông thấy cảnh này hẳn cũng phần nào nguôi dịu lòng thương nhớ hướng về những bóng hình kiều diễm ở kinh đô (...) Nhìn vầng trăng vừa hiện ra rạng rỡ, ngài Genji chợt nhớ “hôm nay lại đến rằm”, rồi lại tha thiết nhớ những lần chơi nhạc trên điện lớn năm xưa, và thầm nghĩ “có lẽ những người thân quen ở khắp nơi giờ này cũng đang ngắm nhìn vầng trăng mà nhớ về kỷ niệm”, nên cứ đăm đắm nhìn lên mặt trăng tròn ()
Ánh trăng vằng vặc chiếu vào, rọi sáng gian nhà đơn sơ như quán trọ đến từng ngóc ngách. Ngồi trên sàn nhà cũng có thể ngắm cảnh bầu trời lúc về khuya. Cảm khái nhìn vầng trăng sắp khuất sau đỉnh núi, ngài Genji lại một mình nhẩm đọc “Chỉ ngả về Tây chẳng khuất chìm”[10], rồi tiếp đó lại nối thêm mấy lời cảm tác:
Ôi thân này
Nào biết hướng về đâu
Khi đường mây rẽ lối
Nên trước vầng trăng cao
Nghe sượng sùng quá đỗi!
Có thể thấy trong Genji monogatari, cũng như trong nhiều bài thơ tanka và haiku truyền thống, hình ảnh vầng trăng luôn là tín hiệu để mở ra một không gian hồi tưởng, không gian của cảm giác nhớ nhung, của nỗi buồn khi nhận ra sự đổi thay của con người và thế giới. Trăng gợi lại những kỷ niệm gắn với bao cảm xúc buồn vui trong quá khứ. Trăng nhắc nhở con người về thời gian đang trôi qua. Trăng gợi nhớ về hình bóng những người thân đã khuất v.v… Cho nên không gian có trăng trong tác phẩm là không gian mà nhịp trôi của thời gian được giãn ra và thực tại bị “mờ hóa” để nhân vật chuyển từ không gian sự kiện sang không gian tâm linh, không gian hồi nhớ và vọng tưởng.
Ở nhiều đoạn văn trong tác phẩm, sự hiện diện của vầng trăng làm cho tâm trạng của con người hòa nhập vào thiên nhiên, nhân vật hòa lẫn vào khung cảnh và nhờ đó mà những sự việc ở quá khứ, hiện tại và tương lai nối kết với nhau một cách dễ dàng. Vì vậy mà trong một số tình tiết, vầng trăng xuất hiện đồng thời với sự thay đổi tâm trạng của nhân vật, và từ đó một khung cảnh mới với những sự kiện mới được mở ra một cách tự nhiên. Tiêu biểu cho cách miêu tả này là cảnh Hikaru Genji gặp lại nàng Suetsumuhana – con gái của hoàng thân Hitachi đang sống trong một ngôi nhà quạnh vắng giữa khu vườn đầy cỏ dại. Đây không phải là một chuyến đi được xếp đặt từ trước mà chỉ là sự ngẫu hứng tình cờ, khi Genji đang trên đường đến thăm “làng hoa rụng” thì nhìn thấy cảnh trang viên suy tàn hiu quạnh giữa đêm trăng:
Vầng trăng mới nhô lên trong cảnh đẹp trời khi cơn mưa kéo dài suốt mấy ngày vẫn còn vài hạt rơi lất phất. Trên đường đi trong đêm trăng thơ mộng, đang nhớ về bao nhiêu cuộc phiêu lưu bí mật ngày xưa thì ngài Genji chợt nhìn thấy một khu nhà hoang tàn xiêu vẹo giữa khoảng vườn um tùm rậm rạp tựa rừng cây đang lướt qua trước mặt. Ở chỗ một cây tùng cổ thụ, dây tử đằng buông những chuỗi hoa dài đong đưa dưới bóng trăng. Hương hoa thoảng nhẹ theo làn gió là mùi hương khơi gợi những hoài nhớ mơ hồ. Cảm nhận được làn hương quyến rũ khác hẳn với mùi hương của hoa cam, ngài Genji nhoài người ra khỏi lớp rèm che thì nhìn thấy một gốc liễu um tùm, lấn cả sang chỗ bức tường rệu rã mà tự do đâm cành rậm rạp. “Khu vườn này trông có vẻ quen quen”, ngài Genji thầm nghĩ, vì thật ra đây vốn là trang viên của vị hoàng thân ấy[11]. Bởi động lòng xót xa trước khung cảnh hiện thời nên ngài đã cho dừng xe lại...[12]
Như vậy, có thể thấy rằng không gian diễn ngôn trong Genji monogatari là một trong những yếu tố quan trọng của nghệ thuật kể chuyện ở tác phẩm này. Cách sử dụng không gian diễn ngôn cho thấy tác giả có ý thức rõ ràng về việc kết nối nhiều câu chuyện vào một mạng lưới tự sự phức tạp một tác phẩm trường thiên, cũng như đã khéo léo sử dụng những yếu tố nòng cốt của loại hình văn xuôi tự sự để thực hiện sự kết nối này, tạo cảm giác tự nhiên và hợp lý khi người đọc theo dõi tiến trình câu chuyện. Trong số những trường hợp mà tác giả đã dụng công khi sử dụng ý nghĩa của chiều kích không gian trong tác phẩm, có lẽ nổi bật nhất và công phu nhất là trường hợp miêu tả khu dinh thự Rokujoin của nhân vật Hikaru Genji.
Rokujoin không phải chỉ là một biệt trang thông thường của một gia đình quý tộc, mà được miêu tả như một khu vực rộng lớn gồm nhiều tòa nhà bề thế nguy nga xen lẫn với những khu vườn thiên nhiên tuyệt sắc. Khu dinh thự này được xây dựng sau khi Hikaru Genji trở về từ cuộc lưu đày, trở thành không gian chủ đạo của hầu hết các sự kiện có liên quan đến Hikaru Genji và những người thân, trong giai đoạn mà nhân vật này đạt đến đỉnh cao của vinh quang và quyền lực.
Điều đáng chú ý là tác giả tập trung miêu tả rất chi tiết vẻ đẹp cũng như sự bề thế của khu dinh thự Rokujo, trong khi ở phần truyện kể trước đó tác giả không hề quan tâm đến việc miêu tả cụ thể về nơi sinh hoạt của Hikaru Genji, kể cả cung điện từ triều đại Kiritsubo hay nơi ở của những người có vị thế rất cao như Kokiden, Fujitsubo hay công nương Rokujo.
Trước hết, tác giả mang đến cho người đọc những hình ảnh tuyệt đẹp về thiên nhiên khi miêu tả những khu vườn nằm trong khuôn viên khu dinh thự. Cụ thể là có bốn khu vườn tương ứng với bốn khu vực lưu trú của bốn phụ nữ quý tộc cùng chia sẻ cuộc sống phồn hoa với Genji ở Rokujoin, trong đó mỗi khu vườn có phong cảnh, cách bài trí phù hợp với tính cách hay hoàn cảnh sống vốn có của mỗi vị chủ nhân:
Khu đông nam có mấy ngọn đồi được đắp cao, vô số loài cây nở hoa vào mùa xuân cũng được trồng ở đây, còn ao nước trong vườn thì tuyệt đẹp. Trong khoảng vườn ngay cạnh hiên nhà có nhiều loại cây như thông năm lá, mơ hoa đỏ, anh đào, tử đằng, lệ đường, đỗ quyên đá được chọn trồng công phu để thưởng thức mùa xuân, và có cả mấy khóm cây mùa thu lặng lẽ đứng chen vào lác đác.
Khu nhà dành cho công chúa[13] thì quanh ngọn đồi vốn có được trồng thêm mấy loại cây sẽ nhuộm màu lá thắm lúc thu sang. Con suối được khai thông để dòng nước chảy đi xa lại càng thêm trong trẻo, còn mấy hòn đá được đặt ở giữa dòng là để cho tiếng suối càng réo rắt. Rồi chủ nhân khu vườn còn cho tạo một dòng thác đổ và cả cánh đồng cỏ mùa thu trải rộng, khi ấy lại vừa đúng tiết thu nên cỏ hoa nở tràn khắp chốn. Tưởng chừng cảnh đồng núi trải dài qua khu Ooi ở miền Sagano cũng bị lu mờ và trở nên vô vị trước cảnh vườn thu ở nơi này.
Khu nhà phía đông bắc thì có dòng suối mát và cây cối sum xuê tạo cảnh quan mùa hạ. Khoảng vườn cạnh hiên nhà có trồng rất nhiều tre, gợi cảm giác mát mẻ khi ngọn gió lùa qua dưới các lùm tre ấy. Lại có nhiều cây cao như loại cây rừng, tạo vẻ đẹp riêng của khu vườn rậm rạp. Khu nhà trông như cảnh làng quê, bao quanh là hàng cây không mộc được trồng công phu để tạo thành bờ giậu. Trong vườn còn có nhiều loại hoa gợi những hoài niệm cũ như hoa cam, cẩm chướng, tường vi, long đởm cùng nhiều loại hoa cỏ khác, xen lẫn với những loại cây cỏ mang vẻ đẹp riêng vào mùa xuân hoặc mùa thu. Một phần đất ở phía đông được dành riêng làm sân quần ngựa, có hàng rào che chắn, là nơi dành cho những cuộc vui tổ chức vào tháng năm. Ven bờ ao có trồng hoa diên vỹ, còn ở khu đối diện là chuồng ngựa luôn sẵn có cả đàn ngựa quý thuộc những giống hiếm thấy ở đời.
Khu nhà phía tây thì một phần đất ở mạn bắc được ngăn ra riêng biệt để làm các nhà kho. Hàng rào ngăn cách giữa hai bên là loại trúc có cành lá mảnh dẻ và nhiều gốc thông xanh mướt, quả là một khung cảnh phù hợp để ngắm tuyết mùa đông. Vào những buổi sớm mùa đông, khu vườn sẽ có sương kết hạt trên giậu cúc. Vườn kim lũ mai ở nơi này vốn là niềm tự hào của chủ nhân. Ngoài ra còn có nhiều loại cây mọc sum xuê rậm rạp, mà tên gọi hầu như chẳng được ai biết đến, cũng được di thực từ rừng sâu núi thẳm về trồng ở trong vườn[14].
Trong khung cảnh thiên nhiên phong phú với vẻ đẹp tuyệt mỹ theo từng mùa như vậy, tác giả còn miêu tả những khuê phòng có nội thất lộng lẫy là không gian sinh hoạt của các nữ chủ nhân xinh đẹp và quý phái, đều là những phụ nữ quý tộc có mối quan hệ thân thiết với chủ nhân của toàn khu dinh thự là Hikaru Genji. Không gian diễm lệ và phong nhiêu ấy là bối cảnh cho rất nhiều cuộc vui của giới quý tộc, gây ấn tượng sâu sắc về đời sống vinh hoa tột bậc của vị chủ nhân – lúc ấy đang là một hoàng thân có quyền thế, được nhiều người yêu mến và trọng vọng. Một hình ảnh tiêu biểu cho những cuộc vui  này là hội mừng xuân diễn ra ở dinh thự mà nàng Murasaki đang sống:
Lẽ ra chỉ cần dọn một bữa ăn đơn giản nhưng ngài Genji đã thết đãi đoàn ca vũ một bữa tiệc thịnh soạn có bày thêm nhiều thức ngon món lạ hơn hẳn mọi lần. Trong buổi hừng đông dưới vầng trăng sáng lạnh, tuyết rơi xuống đã đọng lại khá nhiều trên mặt đất. Cơn gió thổi qua rừng thông đang từ ngọn cây cao lùa xuống khiến mọi người rùng mình vì hơi lạnh, và những chiếc áo khoác ngoài màu xanh của các thành viên trong đoàn ca vũ chừng như cũng nhàu đi, vả chăng cách phối màu với lớp áo trắng bên trong cũng chẳng có vẻ gì nổi bật. Những đóa hoa làm bằng vải bông gắn trên chiếc trâm cài cũng không mang vẻ đẹp rực rỡ nhưng có lẽ vì cảnh trí nơi đây mà ai ai cũng cảm thấy thú vị trong lòng, tưởng như mình có thể kéo dài thêm tuổi thọ[15] (...)
Các phu nhân, chẳng ai kém cạnh ai, đều phô diễn những hình ảnh tuyệt đẹp về cách phối màu trang phục qua nhiều lớp vải chồng lên nhau ở cửa tay áo đang buông xuống phía sau rèm, nhìn khắp lượt thì cứ ngỡ là dải lụa lộng lẫy của mùa xuân đang trải ra trong buổi sớm tinh khôi giữa màn sương lãng đãng. Thật là một cảnh tượng khơi dậy ở người xem cảm xúc phấn khởi đến lạ lùng![16]
Đúng như cách dùng từ của nhà nghiên cứu Takahashi Bunji, khu dinh thự Rokujoin của Hikaru Genji có thể được gọi là một “thiên đường nhân tạo nơi trần thế” – một không gian lý tưởng không thể có trong đời thực[17]. Nếu xét tính logic nội tại của tác phẩm, kết hợp với việc đối chiếu tác phẩm và hiện thực lịch sử, thì có thể thấy không phải tác giả thông qua khu dinh thự Rokujoin để phản ánh hiện thực trực tiếp về đời sống quý tộc cung đình. Tuy những địa danh như Nijo, Sanjo, Rokujo v.v… là những tên gọi có trong thực tế, nhưng trong lịch sử của vương triều thời Heian không có một quần thể kiến trúc bề thế ở khu Rokujo như được miêu tả trong Genji monogatari. Hơn nữa, Hikaru Genji chỉ là một hoàng thân, dù có uy tín và thế lực đến đâu thì cũng không thể là nhân vật số một trong thế giới của hoàng gia và quý tộc đương thời. Trong khi đó, tác giả lại không dành những trang miêu tả chi tiết cho khung cảnh hoàng cung hay vườn ngự uyển mà lại tập trung làm nổi bật vẻ lộng lẫy, hoành tráng của Rokujoin để nhấn mạnh đời sống phồn vinh và sự cao quý của Hikaru Genji. Vậy thì cần phải hiểu như thế nào về việc miêu tả khu dinh thự Rokujoin với vẻ tráng lệ phi phàm như thế trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm?
Khu dinh thự Rokujoin và Hikaru Genji có sự tương hợp ở tính nổi bật và vẻ đẹp phi thường. Khi tả nhân vật Hikaru Genji từ lúc mới sinh ra, tác giả nhiều lần sử dụng những nhận xét theo kiểu tán tụng có phần thái quá như “hoàng tử có vẻ đẹp rực rỡ lạ thường và trong sáng như một viên ngọc quý” hay “hoàng tử này càng lớn thì dung mạo lẫn tính cách lại càng có vẻ phi phàm”, còn khi tả khu dinh thự Rokujo thì “khuê phòng của các phu nhân lại vừa được trang hoàng, đẹp đến nỗi chẳng có bút mực nào tả xiết”, “hương hoa mơ phảng phất hòa quyện cùng hương  thơm tỏa ra từ gian phòng bên trong bức rèm che, tưởng như nơi này chính là cõi tây phương cực lạc[18].
Khu dinh thự Rokujo lại được xây dựng vào thời điểm vinh quang tột đỉnh trong cuộc đời Hikaru Genji. Khi kể chuyện lúc Genji còn nhỏ tuổi, tác giả thường nhấn mạnh tình cảm của vua cha dành cho hoàng tử, có lẽ vì mối duyên bất hạnh với nàng cung phi Kiritsubo, nhưng không miêu tả chàng hoàng tử ấy được sống ở một nơi hoa lệ như thế nào. Tác giả cũng không miêu tả nội điện hay nơi ở của những người có thế lực như Kokiden, Fujitsubo hay gia đình nàng Aoi no Ue. Vậy Rokujoin không đơn giản là không gian sự kiện cho hoạt động của các nhân vật trong tác phẩm mà còn là một không gian diễn ngôn mang ý nghĩa tượng trưng.
Theo nhà nghiên cứu Suzuki Hideo thì vẻ đẹp và sức hấp dẫn phi thường ở Hikaru Genji là yếu tố cần thiết để chàng có thể tồn tại trong cuộc đời khắc nghiệt, như một sự tương phản tuyệt vời với những khiếm khuyết về mặt tinh thần do phải chịu đựng sự thiếu thốn tình cảm người thân từ lúc nhỏ[19]. Còn theo lập luận của Takahashi Bunji thì khu dinh thự Rokujoin là hình ảnh đại diện cho ý chí muốn tạo ra một công trình bất tử, chống lại bản chất phù du, hay thay đổi của cuộc sống con người nơi trần thế[20]. Nói cách khác, Rokujoin là nơi phô diễn vẻ đẹp và sự phát triển đỉnh cao của cuộc đời Hikaru Genji, cũng như cung đình thời Heian là nơi phô diễn vẻ đẹp của văn hóa quý tộc Nhật Bản. Như vậy cả vẻ đẹp và sự nổi bật của Hikaru Genji cũng như vẻ phồn hoa tráng lệ của khu dinh thự Rokujoin đều là những công cụ biểu đạt.
Nếu nhìn theo hướng như vậy thì sẽ thấy tác giả rất khéo léo trong việc miêu tả giai đoạn vinh hoa tột đỉnh và sự thay đổi của cuộc đời nhân vật Hikaru Genji vào những năm tháng cuối đời trong không gian là khu dinh thự Rokujoin.
Việc xây dựng, hoàn tất Rokujoin báo hiệu cuộc đời Hikaru Genji đạt đến đỉnh cao danh vọng. Những cuộc vui được tổ chức liên tiếp trong khu dinh thự là biểu hiện sinh động của sự phồn vinh. Tuy nhiên, những rạn nứt trong đời sống tình cảm – như những tín hiệu về sự suy thoái lúc cuối đời – cũng nảy sinh từ đó, cũng như đỉnh cao thịnh vượng là điểm bắt đầu cho sự suy thoái quyền lực của xã hội quý tộc thời Heian. Vậy thì Rokujoin và Hikaru Genji là một sự phối hợp có dụng ý, có tác dụng gây ấn tượng sâu sắc ở độc giả về bản chất của đời sống và thân phận con người. 
Từ những nội dung gắn liền với các ví dụ đã được trình bày ở phần trên, có thể nói rằng không gian nghệ thuật trong tác phẩm Genji monogatari là không gian diễn ngôn. Nó nằm trong không gian sự kiện nhưng không đơn giản chỉ là bối cảnh cho các câu chuyện được kể lại mà là một phương tiện được nghệ sĩ sáng tạo sử dụng linh hoạt theo ngòi bút để nghệ thuật tự sự đạt kết quả cao, hình thành nên thế giới thẩm mỹ đặc trưng trong tác phẩm. Ở Genji monogatari, không gian diễn ngôn thể hiện ba đặc điểm quan trọng, đó là: (1) không gian dẫn dắt, kết nối các sự kiện có mối quan hệ đa tuyến trong truyện kể; (2) không gian khơi mở thế giới nội tâm của nhân vật, tạo điều kiện cho những miêu tả chi tiết về tâm lý, cảm xúc; (3) không gian có tính tượng trưng, là chất liệu để miêu tả sinh động về số phận nhân vật hay trạng thái sự việc, cũng là không gian khơi gợi những ý niệm tâm linh không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ trần thuật minh bạch, rõ ràng. Như đã trình bày ở phần trên, những đặc điểm này của không gian nghệ thuật thường được thể hiện trong tác phẩm ở nhiều dạng kết hợp linh hoạt, làm cho tác phẩm trở thành một diễn ngôn đa nghĩa, nhiều dư vị, dư âm.


[1]清水好子 (Shimizu Yoshiko),『源氏物語文体方法』(Hành văn và phương pháp trong Genji monogatari), 東京大学出版会, 1980, tr. 72.
[2] 高橋文二 (Takahashi Bunji),『源氏物語時空想像力』(Thời gian – không gian và sức tưởng tượng trong Genji monogatari), 翰林書房, 1999, tr. 6 - 7.
[3]紫式部 Murasaki Shikibu (1965),「源氏物語」(Genji monogatari), 山岸徳平校注(Yamagishi Tokuhei chú giải), 岩波書店, chương “Kiritsubo”.
[4]紫式部 Murasaki Shikibu (1965), tlđd, chương “Waka murasaki”.
[5] 河添房江 (Kawazoe Fusae),『源氏物語時空論』(Vấn đề thời gian – không gian trong Genji monogatari), 東京大学出版会, 2005, tr. 77 – 78.
[6] Ý nói các địa phương khác với Kyoto.
[7]紫式部 Murasaki Shikibu (1965), tlđd, chương “Waka murasaki”.
[8]紫式部 Murasaki Shikibu (1965), tlđd, chương “Kiritsubo”.
[9]紫式部 Murasaki Shikibu (1965), tlđd, chương “Suma”.
[10] Thơ chữ Hán của Sugawara Michizane, nguyên văn là 唯是西行不左 trong bài thơ 代月 (theo bản cổ văn).
[11] Ý nói hoàng thân Hitachi. Trang viên của hoàng thân quá cố này là nơi ở của tiểu thư kém nhan sắc mà Genji đã gặp trong chương thứ 6, “Suetsumu hana”.
[12]紫式部 Murasaki Shikibu (1965), tlđd, chương “Yomogiu”, tr. 151 – 152, quyển 2.
[13] Con gái của phu nhân Rokujo và thái tử đã qua đời, còn có biệt danh là Akikonomu nghĩa là “yêu mùa thu”.
[14]紫式部 Murasaki Shikibu (1965), tlđd, chương “Otome”, tr. 322 – 323, quyển 2.
[15]紫式部 Murasaki Shikibu (1965), tlđd, chương “Hatsune”, tr. 389, quyển 2.
[16]紫式部 Murasaki Shikibu (1965), tlđd, chương “Hatsune”, tr. 390, quyển 2.
[17]高橋文二 (Takahashi Bunji),『源氏物語時空想像力』(Thời gian – không gian và sức tưởng tượng trong Genji monogatari), 翰林書房, 1999, tr. 12 – 19.
[18]紫式部 Murasaki Shikibu (1965), tlđd, chương “Hatsune”, tr. 377, quyển 2.
[19] Suzuki Hideo, tr. 87.
[20] Takahashi Bunji, tr. 12 -19.