Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

VẠN THỌ HOA TRẮNG



-         Năm nghìn đôla- Vị khách người Hà Lan nói ngắn gọn sau một hồi ngắm nghía và suy gẫm- Anh đồng ý bán cho tôi bức tranh này chứ?
Chàng họa sĩ cau mày:
-         Sao lại không thể là bức tranh nào khác?
Khách mỉm cười:
-         Đã có bao giờ anh tự hỏi mình, rằng “tại sao cái vật nằm trong bàn tay tôi không phải là chiếc rìu, mà lại là cây cọ?”
-         Tôi không mù về lý thuyết hội họa đâu. Ý tôi muốn nói là, bức tranh này đối với tôi có một ý nghĩa đặc biệt.
-         Còn với tôi, nó có một giá trị đặc biệt, và tôi tự thấy mình đủ sức để trả giá xứng đáng. Hy vọng rằng anh cũng hiểu ý tôi?
Những nếp nhăn hằn rõ trên trán chàng họa sĩ. Đây là một món quà tình yêu. Là nỗi trăn trở, là niềm vui, là tâm huyết của anh suốt mấy tháng trời. Ai có quyền trả giá cho tình cảm giữa anh và nàng kia chứ?
Nhưng đó là cái giá tối thiểu của một ca phẫu thuật- con đường sống cho đứa em gái yếu ớt với quả tim bệnh hoạn đang rên rỉ từng ngày. Trước số phận mỏng manh kia, những ngọt ngào tha thiết trong anh bỗng trở thành xa xỉ.
-         Tôi đồng ý- Quyết định vụt đến nhanh như trốn chạy điều gì.
Trên môi vị khách nở ra một nụ cười mãn nguyện.
Họa sĩ nhìn xấp giấy bạc màu xanh đặt trên bàn, ngỡ mình vừa trải qua một cơn ác mộng. Mình sẽ vẽ lại, chỉ cần tranh thủ thời gian và đủ lòng kiên nhẫn, anh tự nhủ khi chạm những ngón tay vào chất giấy mát lạnh như lưỡi thép.
Nhưng anh đã không làm được điều đó, cho đến tận lúc này, và cũng có thể là mãi mãi…
Người đàn ông tuổi ngũ tuần ngồi trầm tư trong khoảng sân ngập nắng, chăm chú nhìn ngọn lửa bùng lên thiêu rụi những bức họa dở dang. Những sắc màu của yêu thương, của một hoài niệm đẹp lẽ nào chỉ còn lại như một niềm ám ảnh, như bóng ma của những đứa con tinh thần chưa trọn vẹn hình hài mãi quanh quẩn trong cuộc đời làm nghệ thuật của anh? 
Thà rằng nàng trách móc anh, hỏi lý do và buộc anh giải thích. Thà rằng nàng tỏ ra nuối tiếc, phẫn nộ hoặc cay cú trước những tờ giấy bạc màu xanh lạnh lẽo kia. Nhưng nàng chỉ cười lặng lẽ, như thể nỗi buồn của nàng nằm ở một nơi nào đó rất sâu mà những đồng tiền có được từ cuộc đổi chác kia không thể nào chạm tới. “Có gì đâu anh. Cuộc sống và sức khỏe của bé Thư cũng vô giá kia mà. Vả lại, chẳng phải anh đã từng mơ ước tác phẩm của mình có mặt trên đất nước của Rembrandt vĩ đại đấy sao?”
Anh cười buồn khi thấy trong mắt nàng lơ đãng trôi một dòng suy tưởng khác: “Em hiểu rồi. Cả tình yêu, cả giấc mơ về một tác phẩm để đời cũng đều là phù phiếm. Người ta vui vì một bữa ăn ngon, buồn vì không được tăng lương hay khóc vì thi trượt. Mấy ai đau lòng khi một nền văn minh chìm sau cơn bão cát hay môt kiệt tác nghệ thuật ngủ vùi trong thế giới lãng quên…”
Trong đôi mắt sẫm màu mênh mang đó anh nhìn thấy khoảng trống không lấp được của đời mình, thấy mình bỗng biến thành trẻ con dẫu tuổi đời của nàng kém anh gần thập kỷ.
*
*      *

Cả họ xôn xao vì cái tin cô Hà Xuyên về quê ăn tết. Gia tộc My ngày xưa có truyền thống khoa cử, không làm quan to nhưng cũng nhiều người học hành đỗ đạt. Thế hệ ông bà hầu hết là nhà giáo. Nhưng thế hệ bố mẹ My, những người đã trải qua thời kỳ cả nước gặp khó khăn về kinh tế, đều say mê theo đuổi sự nghiệp làm giàu, còn học vấn thì chỉ cần cơ bản. Cô Hà Xuyên là người duy nhất làm việc ở cơ quan cấp bộ.
Qua những lần nghe người lớn trao đổi với nhau, My được biết rằng ông nội mất sớm và khá đột ngột vì một chứng bệnh nan y. Gia đình rơi vào cảnh neo đơn nên các bác lần lượt từ bỏ con đường đại học. Có người học tạm lấy một nghề. Cũng có người vừa rời trường phổ thông đã hòa lẫn vào dòng đời hỗn độn vì miếng cơm manh áo. Bố My lấy được tấm bằng kế toán và trở thành nhân viên quèn ở ngân hang nông nghiệp địa phương. Chỉ có cô Hà Xuyên, người con út và là con gái duy nhất trong gia đình, là bất chấp mọi khó khăn để theo đuổi con đường học vấn.
Mười lăm tuổi, cô một mình lên thị xã trọ học, sống xa nhà gần tám mươi cây số. Mười tám tuổi, cô lên thành phố sống cuộc đời sinh viên. Các bác đều lập gia đình sớm nên ai cũng mãi quay quắt với những bề bộn riêng tư của cuộc sống đời thường. Bố My nhiệt tình ủng hộ cô nhưng lại eo hẹp về kinh tế. Cô sống chủ yếu bằng học bổng và những đồng lương làm việc bán thời gian.
Cô tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc. Trong khi các bạn cùng khóa lao đi tìm việc ở những công ty có tiếng tăm hoặc mức lương hấp dẫn thì cô ghi danh vào một tổ chức quốc tế làm công tác từ thiện. Trong quá trình làm việc, cô quen biết nhiều người trong giới ngoại giao. Được biết có cuộc thi hùng biện về văn hóa Anh quốc tổ chức ở Đại sứ quán Anh, cô gửi bài dự thi, đoạt giải cao và trở thành nhân viên ở đó. Cô theo học cao học ở học viện quốc tế rồi tìm được cơ hội dự tuyển vào sở ngoại vụ, sau mấy năm công tác thì cô chuyển hẳn lên Bộ ngoại giao.
My biết họ hàng quan tâm đến cô Hà Xuyên chủ yếu vì sự nghiệp. Các anh chị em họ của cô, sau một thời gian vật lộn với thời kỳ chuyển đổi kinh tế, đã tìm được chỗ đứng khá ổn định trong nền kinh tế thị trường. Khi đã có cuộc sống khá đầy đủ về vật chất, họ bắt đầu quan tâm đến địa vị xã hội, và nhận ra cô Hà Xuyên là ngọn đèn rực rỡ thắp chung cho cả đại gia đình. Họ tranh nhau giành cho cô sự ưu ái và ngưỡng mộ. Nhưng đáng tiếc là khi ấy cô không còn nhiều thời gian để đón nhận những tình cảm cao quý mà bấy lâu vẫn chìm vào quên lãng.
Riêng My thì quan tâm nhiều hơn đến một khía cạnh khác trong cuộc đời cô. Hình như không ai hiểu vì sao cô vẫn sống độc thân đến tận bây giờ. Nghe nói có lần cô định tiến đến hôn nhân với một cán bộ cùng ngành, nhưng không hiểu sao chuyện ấy bị gác lại vĩnh viễn. Điều làm My ngạc nhiên hơn là cô Hà Xuyên không hề khó tính như một bà cô quá lứa lỡ thì. Ngoài vẻ đẹp khá chuẩn về hình thể, sức quyến rũ ở cô toát ra từ vẻ dịu dàng, giản dị mà tinh tế. Mỗi lúc có dịp về thăm nhà nội, cô luôn giúp mẹ My và các bác nấu ăn, đảm đang như một phụ nữ chỉ đơn thuần lo toan nội trợ. My khâm phục cô nhưng không muốn thể hiện điều đó bằng những lời tán tụng, chỉ thích nhìn cô từ xa và cảm nhận sự thanh thoát. Nhiều lúc My có cảm tưởng rằng tâm hồn cô trong suốt như pha lê, thấu suốt con người và cuộc sống trong khi những người xung quanh chẳng hiểu cô thực sự nghĩ gì.
Do tính chất công việc, cô thường xuyên bận rộn vào dịp Tết. Từ khi nhận công tác ở cơ quan bộ, hình như đây là lần đầu tiên cô về quê ăn Tết trong không khí sum họp gia đình.
Khi cô Hà Xuyên còn cách làng hơn cả trăm cây số thì nhà nội My đã đông đủ họ hàng. My không thích cảnh đông người nên lẻn ra vườn sau, ngồi đọc sách một mình bên nồi bánh chưng sôi sùng sục trên bếp lửa hồng rực rỡ.
Cuốn sách “Mùa lá rụng trong vườn” làm My thích thú. Sao khu vườn trong truyện lại giống vườn nhà nội My thế nhỉ? My thích những buổi chiều gió bấc, lá khô rụng thành thảm màu nâu lốm đốm vàng dưới những gốc cây. Những buổi sáng mùa đông giàn mướp thắp hoa vàng trong sương mờ bảng lảng… My lơ mơ nghĩ ngợi theo câu chuyện và ngủ gật bên bếp lửa ở góc vườn.
*
*     *
Hà Xuyên bước ra vườn khi đã quá nửa đêm. Mười mấy năm trong nghề với những chương trình đột xuất, những chuyến công tác triền miên không làm cô mất ngủ. Thế mà ở cái nơi yên tĩnh tuyệt đối như thế này cô lại không ngủ được.
Hương hoa táo dại vừa hăng hắc vừa ngọt ngào làm cô nôn nao muốn khóc. Cô tưởng như mình đang đứng cạnh bố dưới vòm cây, nghe ông giảng giải từ các vì sao, các thiên hà đến đời sống của những loài côn trùng bé nhỏ. Bố chẳng bao giờ hỏi đến chương trình học ở trường nhưng bằng những câu chuyện tản mạn về thế giới ông đã thắp lên trong cô niềm khát khao tri thức còn cháy mãi đến bây giờ.
Còn nhớ cái tết năm cô mười hai tuổi. Bố bận rộn suốt mấy ngày giáp Tết và đêm giao thừa ông bất ngờ mang về nhà mấy chậu hoa. Chưa bao giờ cô thấy loại cúc vạn thọ đẹp trang trọng đến thế. Những bông hoa trắng mịn đồng loạt mãn khai trong giây phút chuyển mùa, thanh thoát và căng đầy nhựa sống. Ông nhìn cô, mắt như cười: “Đẹp không, con gái?” Cô tưởng như bố vừa mang cả mùa xuân về với gia đình. “Bố tìm mua ở đâu mà tài thế? Con chẳng thấy cúc vạn thọ màu trắng bao giờ”. Ông cặm cụi sửa dáng hoa, đủng đỉnh: “Thế à? Sau này lớn lên, con gái bố còn đi nhiều nơi, biết nhiều cái lạ hơn ấy chứ!”… Và cuối mùa xuân năm ấy ông đột ngột chia tay với cuộc đời. Cô đón nhận cuộc ra đi ấy như một thông điệp từ bàn tay định mệnh.
Cô ngắt một chiếc lá ổi vò nát rồi đưa lên mũi ngửi, lại tưởng mình đang hóng mát cùng bố trong một buổi trưa hè. Bố ơi, con lại về với bố đây, đang đợi bố trong vườn. Mắt cô cay xè như đang thổi cơm bằng củi ướt. Nếu bây giờ hai bố con đang đứng đối diện nhau, không biết ông sẽ gọi đùa cô như thế nào- một cán bộ cấp cao hay một bà cô ế chồng bốn mươi hai tuổi? Nhưng có gì quan trọng đâu bố nhỉ! Như mưa nắng vẫn dìu nhau đi suốt bốn mùa. Như hạnh phúc và khổ đau vẫn thống trị con người trong cái vòng luân hồi bất tận. Cả người đàn ông duy nhất của cuộc đời con cũng bị cuốn theo cái vòng quay nặng trĩu ấy mất rồi!
Nước mắt ràn rụa, cô úp mặt vào thân cây lạnh ngắt. Trong làn gió chuyển mùa se sắt lướt qua vai, cô loáng thoáng nghe lời trách móc của những người trong họ khi nhìn con bé mười hai tuổi ráo hoảnh trước đám tang: “Sao lớn thế kia rồi mà chẳng khóc cho bố mình một tiếng, con cái gì mà bất nghĩa…”
Bố ơi, cô thầm gọi trong cơn thổn thức, con đã đi nhiều nơi, đã từng gặp nhiều nguyên thủ quốc gia, đã từng đói lả người trên giường tầng ký túc, nhưng những giọt nước mắt từ ba mươi năm trước vẫn mặn chát và nóng hổi trong con đến tận bây giờ!
*
*   *
My mơ thấy người ta mang về nhà nội My một con robot khổng lồ. Nghe nói robot có rất nhiều chức năng, lại biết cười, biết khóc như người thật. Mọi người kéo đến xem chật cả gian nhà. My cố leo lên một chiếc ghế thật cao để nhìn cho rõ, nhưng nhìn mãi mà không thấy cỗ máy hiện đại kia, chỉ thấy cô Hà Xuyên quý phái trong trang phục công sở màu đỏ sậm giữa đám người nhốn nháo. Cô nhìn thấy My và vẫy tay mỉm cười. My chưa kịp chào cô thì cảm giác có một bàn tay nào đó nhấc bổng mình lên. My gọi tên cô Hà Xuyên và bừng tỉnh.
Một gương mặt quen thuộc ghé xuống thật gần:
-         Sao cháu đang ngủ mà vẫn biết là cô?
My ngồi bật dậy dụi mắt nhìn, ngơ ngác:
-         Cô về rồi ư? Cháu vừa mơ thấy cô… My bỗng thừ người ra làm cô Hà Xuyên bật cười:
-         Cô xuất hiện trong cơn ác mộng của cháu à? Sao lại ngủ quên trước cả một đống lửa thế này, nguy hiểm lắm!
-         Tại có một mình nên cháu mải đọc truyện rồi buồn ngủ. Bây giờ cô cháu mình cùng thức với nhau chắc sẽ vui. Trông bánh chưng giống như đợi vị thần mùa xuân mang lộc về cô nhỉ?
-         Công việc này này trước là của cô đấy nhé- Cô Hà Xuyên lại cười. My nhìn thấy ngọn lửa nhảy nhót trong mắt cô như hoa đăng trôi trên một dòng sông đen thẫm.
*
*    *
- My rảnh không? Cô Hà Xuyên hỏi khi câu chuyện trong bữa cỗ tất niên đã đến lúc thoái trào- Mình đi dạo trong làng một lúc.
Hai cô cháu rảo bước trên con đường rợp bóng tre. Nắng cuối ngày như đám dây tơ hồng rải vung vãi trên vòm lá. Đến cuối đường, cô Hà Xuyên dừng lại trước một ngôi nhà mới xây có kiến trúc cầu kỳ.
-         Nhà của ông Năm ở xóm ngoài, xây được gần một năm rồi cô ạ- My giải thích.
-         Thế à? Cô hỏi thẫn thờ như nuối tiếc- Nơi này ngày trước là cả một vườn hoa.
-         Bây giờ người ta toàn mua hoa mang về từ thành phố. Các bác cũng đã mang về nhà nội cả chục chậu hoa và cây kiểng đấy thôi.
-         Thế quê mình không còn ai trồng hoa hả cháu?
-         Cũng có nhưng chỉ trồng được vạn thọ và cúc đồng tiền- My băn khoăn trước vẻ xa vắng của cô như khắc khoải kiếm tìm điều gì đó.
Cô chầm chậm đi qua các luống hoa, ánh mắt trải dài vừa đau đáu vừa trầm mặc. Cúc đồng tiền màu đỏ, cúc vạn thọ hoa vàng… Chợt bật ra một câu hỏi như tự vấn:
-         Không có nơi nào trồng cúc vạn thọ màu trắng cả sao?
-         Không…- Phản xạ của My đột ngột dừng- À, cháu biết có một nơi, nhưng phải đi hơn hai cây số nữa…
-         Cô phải đi mấy nghìn cây số mới về đến đây, cháu ạ.
*
*   *
Ngôi nhà có vẻ cổ kính nằm lọt thỏm giữa khu vườn trồng đầy hoa và các loại cây ăn quả. Chủ nhân có lẽ là một người yêu thích thú điền viên.
-         Ông ấy không có nhà. Nếu có thời gian, cô và cháu vui lòng đợi một lúc- Bà cụ nói trong khi vẫn quét sân xoèn xoẹt.
Khóm vạn thọ hoa trắng được trồng ở góc vườn. Những búp hoa căng nhựa lấp ló trong đám lá xanh rì và mềm mượt như nhung. Vài đóa mãn khai trắng ngần như một miền ký ức buồn đau và vô nhiễm.
-         Giống hoa này bác ấy phải nhờ ai đó mua về từ nơi nào xa lắm- My tỏ ra quen thuộc với chủ nhân gian nhà cũ kĩ- Nó có ý nghĩa gì mà quý thế hả cô?
-         Không có- Cô Hà Xuyên thở dài- Ý nghĩa là do người ta nghĩ ra thôi chứ, hoa nào chẳng vô tri!
Gian phòng khách có vẻ lạnh lẽo và ngột ngạt. Cô Hà Xuyên vừa ngồi xuống trường kỷ đã đứng bật dậy như một cái lò xo. Một bức thư họa đã ngả màu thời gian treo lẻ loi trên vách gỗ. Dấu ấn của một tâm hồn an nhiên mà phóng khoáng, của bàn tay cầm cọ trẻ trung nhưng tài hoa và chuẩn mực:
“Sớm đào trưa lý đêm hồng phấn
Tuyết hạnh sương quỳnh máu đỗ quyên”
-         Chủ nhân ngôi nhà này là họa sĩ?
-         Vâng, bác ấy là thầy dạy vẽ của cháu mà
Cô Hà Xuyên lại buông người xuống ghế. Anh là người Kẻ Chợ nhưng vẫn thích kiếm một ngôi nhà ở nông thôn- Cái nháy mắt kèm theo nụ cười nửa miệng rất phong tình- Một vùng quê tuyệt đối bình yên như quê em chẳng hạn”
Cô đảo mắt nhìn khắp gian phòng. Không có gì khác ngoài một bức tranh thủy mặc. Đâu rồi thứ ánh sáng thần diệu trong những danh tác của thần tượng Rembrandt? Đâu rồi những bức tranh tĩnh vật với từng đường nét ghi dấu cái nhìn duy mỹ? Đâu rồi những ruộng bậc thang Tây Bắc và cổ tháp rêu phong?...
Một tiếng thở dài không giấu giếm:
-         Ta về thôi cháu ạ. Cô còn mấy việc phải làm.
My bước theo cô Hà Xuyên, áy náy vì cảm giác như vừa mang đến cho cô một niềm vui không trọn vẹn
-         Sao hôm nay thầy lâu về thế ạ? My thắc mắc
-         Tôi không biết- Bà cụ quản gia không nhìn hai người khách mà nhìn vào cây chổi- Cô và cháu có cần tôi nhắn lại gì không?
Bà không thể nói với họ rằng trong lúc đứng tỉa lá phía ngoài rào, bà đã nhìn thấy họa sĩ trở về, đứng sững lại bên hiên nhà mấy phút rồi lặng lẽ quay ra, như đang thực hiện một trò chơi trốn tìm bí ẩn. 

Bóng hai người phụ nữ mờ dần trên con đường sẫm bóng hoàng hôn. Bà cụ quản gia đứng tần ngần giữa khoảng sân vừa quét xong đã xao xác lá vàng. Sao hết năm rồi mà vẫn nhiều gió thế?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét