Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

GEISHA – MỘT “CỬA SỔ” ĐỂ NHÌN VÀO VĂN HÓA NHẬT BẢN



Từ “geisha” trong tiếng Nhật viết bằng Hán tự là 芸者, có nghĩa là người làm nghệ thuật.
Không phải là nói cho hoa mỹ lên đâu.
Họ là những người làm nghệ thuật thật đấy. Có điều chữ “làm” ở đây mang ý nghĩa biểu diễn nhiều hơn là sáng tạo. Nếu có sáng tạo thì hầu hết cũng là sáng tạo trong biểu diễn.
Họ phải học tập để có hiểu biết về nghệ thuật. Và phải khổ luyện để biến bản thân mình thành phương tiện thể hiện cái đẹp, để truyền tải cái đẹp đến với người thưởng thức.
Họ đúng là phương tiện để cho khách mua vui, nhưng là mua vui ở phương diện tinh thần. Tình yêu nam nữ hay quan hệ thân xác đều ở ngoài phạm vi nghề nghiệp của họ. Có nghĩa là nếu yêu hoặc hiến thân cho khách, họ luôn biết rằng mình làm điều đó với tư cách một cá nhân phái nữ, chứ không phải là một geisha.
Nhiều người nghĩ geisha là gái điếm trá hình.
Nhưng mà thực tế không phải vậy.
Trong tiếng Nhật có nhiều từ để chỉ gái điếm như 遊女、娼婦、売春婦. Các từ này có thể dùng để giải thích cho nhau, nhưng không có định nghĩa của từ nào nhắc đến geisha cả. Cùng nghĩa hay gần nghĩa với geisha lại có các từ khác như 芸妓 hoặc 娼妓.
Nhưng đó mới chỉ là vấn đề ngôn ngữ.
Còn ý thức và văn hóa thì sao?
Có minh bạch mà cũng có nhập nhằng.
Minh bạch là chuyện về quy tắc, quy định trong nghề nghiệp. Geisha tập sự cũng biết rõ những quy định trong công việc mình làm.
Nhập nhằng là ở chỗ con người cá nhân. Khách hàng đôi khi vẫn nghĩ rằng đã thuê được geisha thì có thể ép nàng phục vụ theo cách mình mong muốn. Đôi khi nhìn thấy ở geisha một người bạn, một tri âm tri kỷ, một người tình, và nhất thời quên đi thân phận của nàng gắn với những quy định nghề nghiệp. Mà về phía geisha cũng thế, tuy tình cảm xuất phát từ hai phía không phải bao giờ cũng đồng điệu với nhau.
Geisha là kiểu người sống giữa sự minh bạch và nhập nhằng như vậy.
Nếu tài hoa thật sự và có sức thu hút người khác phái, mà bản thân cũng là người mơ mộng, thì nàng phải giữ cân bằng như người làm xiếc đi trên một sợi dây.
Điều quan trọng là thật sự có tồn tại một trạng thái cân bằng mỏng manh như thế, trong văn hóa Nhật Bản và trong tâm thức của geisha.
Geisha có thể trải qua rất nhiều trạng thái phức tạp trong tình cảm, nhưng nàng vẫn luôn biết rất rõ về bản chất nghề nghiệp của mình. Nàng có sự an nhiên và cả lòng tự hào về nghề nghiệp ấy. Dù người khách nhìn nàng như thế nào, nàng vẫn là sứ giả của cái đẹp. Chỉ với tư cách ấy thì nàng mới là một geisha và khách mới là khách của nàng.
Ghi nhận của xã hội Nhật Bản về geisha cũng vậy. Mọi người đều biết là geisha có vị trí riêng, không phải là những người “buôn hương bán phấn”. Họ biết khách hàng không “thưởng thức” geisha mà thông qua geisha để thưởng thức cái đẹp. Cho nên, dù biết rằng công việc của geisha “nhạy cảm”, vì các nàng luôn có mặt để phục vụ cho những cuộc vui, rằng geisha sẽ hoàn toàn khác với một thiếu nữ, một người vợ bình thường, nhưng họ không cho rằng như thế là sa đọa.
Người Nhật rất cực đoan mà cũng rất nửa vời là thế.
Có phải vì ở một xã hội mà mọi thứ đều có thể tìm được chỗ của mình, thì cái gì “lưng chừng” là thực sự có lý do của nó, và vì vậy mà nó đáng tin? Người ta không “lưng chừng” vì lấy cái này biện minh cho cái khác, lấy cái này để che đỡ cái kia. Lưng chừng là bởi vì ở đời có những chỗ chơi vơi như thế. Mà không có chơi vơi thì cũng chẳng biết thế nào là vững chãi. Như không có dòng sông thì không có đôi bờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét