Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

SUỐI NƯỚC NÓNG NHẬT BẢN VÀ “VĂN HÓA ONSEN”



Là một đảo quốc nằm trên vành đai lửa của Thái Bình Dương, Nhật Bản mang lấy định mệnh phải sống chung với động đất và núi lửa. Nhưng bù lại, người dân nước này được thiên nhiên đãi ngộ với rất nhiều suối nước nóng phun trào ở khắp nơi, và “onsen” đã trở thành một từ không thể thiếu trong cuộc sống đời thường, gắn với một nếp sống quen thuộc của người dân Nhật Bản.
Có một điều thú vị khi nói đến “văn hóa onsen”. Việc tắm suối nước nóng là sự thể hiện rất rõ và rất sâu tính cách Nhật Bản, đời sống Nhật Bản. Nhưng mặt khác, tập quán này thường là “tiết mục” khiến nhiều người nước ngoài e ngại khi đến tham dự các chương trình giao lưu văn hóa. Một giáo sư người Nhật đã kể với tôi rằng, nhiều lần các cơ quan giao lưu văn hóa sắp xếp chương trình cho một đoàn khách trẻ từ phương Tây đến Nhật Bản tham quan. Họ ngạc nhiên vì có rất ít người đăng ký tham gia trải nghiệm suối nước nóng. Sau này tìm hiểu thì mới biết là vì khách nước ngoài xấu hổ, không dám tắm suối nước nóng theo cách “tự nhiên” như người Nhật.
Đúng là trong chuyện này thì người Nhật hết sức “tự nhiên”! Thầy giáo và học trò, cấp trên và cấp dưới, người lớn và trẻ con, những người chỉ mới gặp nhau được vài ngày đều có thể đưa nhau đến chỗ onsen mà thưởng thức. Khi bước vào khu vực có để nhiều hộc tủ cá nhân thì ai nấy đều trút bỏ hết quần áo trên người. Kể từ lúc ấy mọi người đều hiện diện trước mặt nhau như Adam và Eva hồn nhiên, nhẹ nhõm! Rồi cứ thế mà cùng nhau tẩy rửa thân thể bên vòi nước, cùng nhau ngâm mình trong bể tắm ngoài trời, với làn nước trong veo có khi nóng gần 50 độ!
Với người Nhật, tắm suối nước nóng là thưởng ngoạn thiên nhiên, cảm nhiễm thiên nhiên nhiều hơn là hoạt động làm sạch làn da trên cơ thể. Phòng tắm gia đình thường có vòi sen bên cạnh bồn để ngâm nước nóng. Vòi sen là công cụ để người ta gội đầu, tẩy rửa. Còn bồn nước là để ngâm mình, để làm cho cơ thể ấm lên và các lỗ chân lông nở rộng. Ở các cơ sở tắm suối nước nóng thì không gian được mở rộng hơn, có thể cung cấp nhiều dịch vụ cho người thưởng thức bằng các loại bể tắm, phòng xông hơi, nhà hàng phục vụ món ăn và thức uống v.v...
Lần đầu tiên đến Nhật, chúng tôi đã thấy nhiều nơi cung cấp dịch vụ này. Một vài nơi có khu vườn trước nhà rất đẹp nằm trên một con phố yên tĩnh trong nội thành Kanazawa, với tên nhà cung cấp dịch vụ được viết bằng nét chữ bay bướm, thanh tao trên phiến đá hoa cương ngay bên hè phố rộng. Tôi thích những hoa, những lá cùng vẻ yên bình của kiểu vườn như thế, nhưng cái từ “onsen” lúc đó chẳng hề khuấy động một chút gì cảm xúc trong tôi.
Hôm đầu tiên đến Nhà nghỉ Thanh Niên để ở lại ba tuần, chúng tôi vừa nhận phòng thì đã được người phụ trách hướng dẫn cặn kẽ về quy cách sử dụng bồn tắm công cộng ở trong nhà nghỉ ấy. Sau đó nhóm chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Có một cô bạn trẻ rụt rè đề nghị hôm nào đến xem qua cho biết. còn lại ai nấy đều rụt cổ, nháy mắt với nhau như đang thỏa thuận ngầm, rằng kiểu tắm tập thể thế này kỳ cục làm sao ấy, mình thì rất xấu hổ nên không hề có ý định tham gia. Mà nói gì đến bồn tắm tập thể, ngay cả bồn tắm nhỏ trong phòng chúng tôi cũng không hề dùng đến, vì đã quen cảm giác chỉ cần dùng vòi sen là đủ, lại không cần phải tốn thời gian.
Ngày đầu tiên bước vào chương trình homestay, khi đến gặp gỡ gia đình mới, tôi cũng được hướng dẫn cách dùng bồn tắm có vẻ khá hiện đại trong nhà. Tôi chăm chú lắng nghe nhưng tự biết bản thân không hề có nhu cầu sử dụng. Phải nói là về chuyện tắm bồn nước nóng thì tôi thật đáng trách vì đã thiếu ý thức tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản. Một sự thiếu sót rất tự nhiên và cũng rất lâu dài, mà không hề khiến cho tôi phải băn khoăn áy náy. Thế mới biết người ta khó từ bỏ thói quen đến mức nào!
Nhưng may mắn là có hai yếu tố đã giúp tôi khắc phục khó khăn.
Trước hết là vì tôi thích đi tham quan đây đó.
Trải nghiệm đầu tiên của tôi ở onsen Nhật Bản cũng là một chuyện rất tự nhiên, vì trong hoàn cảnh ấy thì khó mà có lựa chọn khác. Thân thể rã rời sau chuyến đi leo núi Phú Sĩ. Cái nóng giữa hạ khiến làn da lúc nào cũng nhớp nháp mồ hôi. Thời gian quy định dành cho điểm dừng chân của khách đi tour vừa đủ cho việc tắm gội và ngâm mình ở mức vừa phải sau bữa ăn nhẹ và nóng sốt. Lại thêm điểm dừng chân là một nơi phong cảnh hữu tình, bốn bề yên ắng và thiên nhiên tươi đẹp. Lại thêm bể nước rộng và trong veo, tinh khiết, vừa tầm để ngắm núi Phú Sĩ sừng sững ngay trước mặt.
Dĩ nhiên là lần ấy mang lại cho tôi cảm giác trải nghiệm rất tuyệt vời. Chưa đủ để tôi có được thói quen thích tắm bồn nước nóng, nhưng đủ để giúp tôi vui vẻ lựa chọn một nhà nghỉ có suối nước nóng cho một đêm duy nhất ở lại Sapporo.
Lúc ấy tôi vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn các địa điểm lưu trú cho một cuộc lữ hành. Khi tìm kiếm ngẫu nhiên trên website đặt phòng khách sạn, tôi nhìn thấy một nơi có giá phòng khá rẻ với tiêu đề nổi rõ cụm từ “suối nước nóng thiên nhiên”, nhưng hầu như không chú ý đến dòng chữ ghi loại hình lưu trú là “capsule hotel” phía dưới. Ấn tượng về onsen trong chuyến đi Phú Sĩ khiến tôi có quyết định lựa chọn rất nhanh. Lúc đến nơi nhận phòng, tôi mới vỡ lẽ rằng chỗ ở trọ của mình đúng là như cái kén của một con nhộng vậy!
Nói cho chính xác thì chỗ lưu trú ấy gồm hai khu vực khá rạch ròi, thậm chí đối lập nhau về không gian, tiện nghi và tinh thần tận hưởng.
Khu vực “phòng nghỉ” chỉ là kiểu gian phòng tập thể, gồm hai tầng với khá nhiều ô dài và hẹp nối tiếp nhau, mỗi ô vừa đủ cho một người chui vào nằm ngủ như con tằm ngủ trong chiếc kén! Nhiệt độ trong phòng được điều chỉnh vừa phải. Trong mỗi “chiếc hộp ngủ” đều có TV gắn phía trên đầu nằm, đèn đọc sách và chăn gối cá nhân. Nhà vệ sinh công cộng vừa đủ dùng và ở ngay gần đấy. Lại có một dãy hộc tủ riêng để khách tiện cất giữ hành lý mang theo. Như vậy là vừa đủ đáp ứng nhu cầu qua đêm cho khách trọ. Cá nhân tôi thật sự không đòi hỏi gì hơn, nhưng quả thật tôi đã hơi bị choáng vì lần đầu tiên biết đến kiểu “hộp ngủ kén nhộng” thế này, và có lẽ do vấn đề tâm lý nên khi chui vào đấy thì tôi cảm thấy hơi ngột ngạt.
Tôi không biết rằng điều choáng ngợp lớn hơn đang chờ mình ở khu onsen ngay cạnh đó!
Trong mấy tiếng đồng hồ đi bộ giữa phố đêm, tôi luôn hình dung một bể tắm nước nóng rộng rãi để giúp mình có được giấc ngủ ngon trong chiếc hộp ngủ kỳ dị mà lần đầu tiên mình biết đến.
Nhưng mọi chuyện đã vượt quá sự hình dung ấy rất nhiều lần.
Tôi thận trọng xem sơ đồ khách sạn và đi theo các dấu hiệu chỉ dẫn, vừa xuống hết đoạn cầu thang hơi tối thì trước mắt chợt mở ra một “thế giới” mênh mông. Một “thế giới” của nước!
Không phải một mà rất nhiều bể tắm trải rộng ra dưới ánh đèn dìu dịu. Chỗ để khách tắm sạch cơ thể trước khi ngâm mình vào nước nóng cũng được xây bằng đá hoa cương thành một khu rất đẹp, rất quy mô. Bên cạnh đó là các bể tắm hình tròn, hình chữ nhật, đa dạng về cả chức năng và kích thước. Đặc biệt có một bể tắm hình bán nguyệt rất lớn nằm trước một bức tường bằng kính mở rộng, nếu là ban ngày thì khách có thể vừa ngâm mình trong bể vừa nhìn ngắm cảnh vật bên ngoài. Lại có một khu thiết kế nhiều bồn tắm cá nhân hình chữ nhật nằm song song với nhau thành một dãy. Đó là nơi cung cấp dịch vụ massage cơ thể bằng lực phun của nước, nên mỗi bồn tắm đều có trang bị các vòi phun.
Về sau, khi tìm lại thông tin để xác nhận về nơi mình lưu trú thì tôi mới biết cơ sở này còn nhiều tiện nghi, dịch vụ khác liên quan đến onsen. Nhưng lần ấy vì là chuyến du lịch một mình, lại đi dạo nhiều nơi ngoài phố và trở về khá muộn nên tôi chỉ muốn được ngâm mình trong bể nước nóng để tận hưởng cảm giác thư giãn và thanh khiết trước khi đi ngủ. Lúc tôi xuống khu vực bể tắm thì chỉ còn một vài người khách đang chuẩn bị rời đi, nên chỉ vài phút sau tôi đã nhận ra mình là người duy nhất, bé nhỏ và lọt thỏm giữa thế giới của nước cứ đầy ắp mênh mông, cứ lênh láng tràn trề như bất tận. Tôi chợt vỡ ra rằng onsen Nhật Bản là một loại không gian rất đặc thù của thiên nhiên và văn hóa ở xứ sở này, là nơi gặp gỡ giữa điều kiện tự nhiên độc đáo và sự tinh tế của những người sùng mộ, biết rõ mọi hình thức để tận hưởng thiên nhiên. Vì vậy sẽ là thiếu sót lớn nếu nghĩ rằng onsen chỉ là nơi để người ta vệ sinh cơ thể!
Thật sự thì “khách sạn kén tằm” ở Sapporo ấy đúng là nơi giúp tôi hòa nhập vào “văn hóa onsen”. Cũng trong chuyến đi này, vào cái đêm rời Aomori để về Tokyo, tôi đã tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi sau bữa ăn chiều và trước giờ xuất phát để vào một nhà tắm công cộng tẩy trần và thư giãn.
Sau chuyến đi mất gần cả tuần lên miền bắc, khi tôi trở về Tokyo thì trời đã bắt đầu trở lạnh. Và tôi thật hạnh phúc khi được hai chị em cô bạn ở cùng nhà rủ đi tắm onsen ở một thành phố nhỏ thuộc vùng phụ cận Tokyo. Mỗi lần đến nơi này, chúng tôi đều gần như dành trọn cả ngày để tận hưởng việc tắm suối nước nóng, nên tôi đã trải nghiệm đầy đủ các dịch vụ thường có ở khu vực onsen. 
Tôi cũng đã trải qua một lần khiến mọi người xung quanh hoảng vía vì bị ngất khi vừa bước ra khỏi một loại bồn tắm đặc biệt có sục khí, có lẽ vì cơ thể hơi yếu nên đã không chịu nổi áp lực nước trong bồn. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi đã có thêm một chút kinh nghiệm liên quan đến văn hóa onsen, thấy vui hơn vì mình có thể phần vào hòa nhập vào lối sống gắn bó với thiên nhiên, tận hưởng thiên nhiên bằng cảm giác thẳm sâu, khoáng đạt và mạnh mẽ! Tôi vẫn luôn “ghen tỵ” với người Nhật Bản khi đã rời xa đất nước này, mỗi lần xem chương trình NHK quảng bá về nước Nhật, thấy người ta thư thả ngâm mình trong bể tắm lộ thiên trong vắt, đặc biệt là khi bồn tắm ấy nằm giữa vùng núi non tuyết phủ mênh mông. Tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác cơ thể như trở nên nhẹ hẫng tuyệt vời khi “lang thang” nhiều giờ trong khu vực tắm suối nước nóng, trải nghiệm nhiều bể nước có độ nóng và loại nước khác nhau. Và thích nhất là bể tắm ngoài trời, xung quanh là cỏ cây hoa lá, lại có cả TV để tiện xem tin tức truyền hình. Cả một thế giới rất đa dạng để phục vụ nhu cầu thanh tẩy và thư giãn, phục vụ đến mức khiến người ta cảm thấy cơ thể như bỗng chốc trút sạch những tạp chất, bụi trần, để trở thành một phần rất nhỏ của thiên nhiên thuần khiết. Đã trải qua cảm giác ấy rồi thì không còn thắc mắc vì người ta có thể khỏa thân trước mặt nhau mà cười nói tự nhiên, hay thong thả dẫn nhau đi từ bể tắm này sang bể tắm khác giữa rất nhiều người lạ mà chẳng ai thấy ngượng ngùng, xấu hổ. Tôi thấy mình may mắn vì chỉ do tình cờ mà đã thay đổi được thói quen của bản thân, để thâm nhập văn hóa onsen và tận hưởng những cảm giác tuyệt vời khi tắm suối nước nóng, để hiểu thêm về một nét đặc trưng của thiên nhiên và con người Nhật Bản.

2 nhận xét:

  1. "Thế mới biết người ta khó từ bỏ thói quen đến mức nào!"

    Bài bạn viết rất hay. Có dịp bạn kể thêm những góc cạnh khác của Nhật để bạn bè biết thêm. Khi đi du lịch thời gian quá ít, chỉ xem cảnh đẹp chứ thâm nhập thì không có giờ.

    Trả lờiXóa
  2. Dạ vâng ạ. Còn có nhiều đề tài em muốn viết nhưng chưa có thời gian. Em sẽ cố gắng tranh thủ để viết dần.

    Trả lờiXóa