Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

VỚI “KHÔNG GIAN CÀ PHÊ” Ở SÀI GÒN



Một dạo, khi tôi đến sống và làm việc tại thành phố Vũng Tàu, hễ có bạn bè từ nơi khác đến chơi thì tôi lại đưa họ đi thăm thú cảnh quan quanh thành phố. Vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài điểm tham quan nên tôi chẳng cần phải đắn đo lựa chọn, nhưng cũng không đến nỗi “bế tắc” vì chẳng biết mình nên đưa khách đi đâu, làm gì.
Còn khi sống ở Sài Gòn thì lại khác. Về cơ bản, tôi không hứng thú với cuộc sống đô thị và hoạt động mua sắm, nên thường rất băn khoăn nếu phải làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho ai đó đến thăm Sài Gòn, đặc biệt là khi những người khách ấy đến từ một xứ sở hiện đại, phồn thịnh và lịch lãm.
Rồi bỗng nhiên, thời gian tạm trú ngắn ngủi ở một nơi đất khách đã cho tôi cơ hội “tái phát hiện” vẻ đẹp của Sài Gòn một cách rất tình cờ.
Trong khi những công viên trải rộng ngút ngàn khiến du khách tản bộ phải chồn chân mỏi gối thì quán xá ở Tokyo chật hẹp đến khó tin. Nhiều quán mì chỉ có chừng dăm bảy chiếc ghế xếp dọc theo một chiếc bàn dài trong không gian rất hẹp. Những thực khách không có ghế ngồi thì phải đứng mà ăn. Ăn vội vã rồi rời đi vội vã.
Những lúc tất bật vì công việc thì tôi cảm nhận được trong sự chật hẹp vội vàng kia một thái độ nghiêm túc và một tinh thần năng động đáng khâm phục, rồi tôi cũng thoải mái hòa mình vào trong một cộng đồng như thế.
Nhưng nếu ta đi tìm một chút gì an nhàn thư thả, một khoảng trống nào đấy để mơ mộng vẩn vơ?
Một lần, sau giờ trao đổi về đề tài nghiên cứu, đang cùng nhau đi bộ ra ga tàu gần nhất thì giáo sư hướng dẫn hỏi tôi có thời gian đi uống cà phê với thầy không. Lúc đó Tokyo đang trong đợt nóng đỉnh điểm của mùa hè, và chúng tôi đang thả bước trên vỉa hè của những con đường rộng, đi qua cây cầu nhỏ bắc trên một dòng kênh, đi trong tiếng ve sầu inh ỏi dưới vòm cây xanh lá. Thật ra tôi lúc nào cũng vội vì bao nhiêu công việc làm mãi vẫn chưa xong. Nhưng khoảnh khắc ấy hai từ “cà phê” bỗng có sức hấp dẫn lạ lùng và đã “đánh bại” tôi đang chịu đựng cảm giác mệt mỏi giữa mùa hè nóng bức!
Chúng tôi đi bộ thêm một chút dọc theo con đường lớn chạy qua trước nhà ga. Khu phố này có thể được xem là một trong những nơi khá thú vị của Tokyo với trụ sở của những trường đại học danh tiếng, với nhiều cửa hàng sách và cửa hàng nhạc cụ. Nhưng rốt cuộc nơi chúng tôi vào uống cà phê lại là... cửa hàng McDonald’s!
Sau mấy phút xếp hàng chờ đến lượt phục vụ, chúng tôi mang hai cốc cà phê và một túi giấy nhỏ đựng khoai tây chiên đến một góc nhỏ còn vừa đủ chỗ ngồi cho hai người. Rất nhiều khách hàng là học sinh và sinh viên đã lấp kín các chỗ ngồi quanh đấy.
Người Nhật ứng xử rất tốt ở những chỗ đông người, nên tuy quán hẹp và khách đông nhưng chẳng ai cảm thấy bị ai làm phiền cả. Câu chuyện của hai thầy trò hôm ấy cũng rất vui, vì thầy hỏi thăm tôi về chuyến đi leo núi Phú Sĩ mà tôi sẽ thực hiện trong tuần kế tiếp. Nhưng thật lòng tôi đã rất thất vọng khi biết rằng mình sẽ uống cà phê ở McDonald’s. Nói đúng hơn là trong tâm tưởng tôi, kể từ lúc theo thầy bước chân vào cửa hiệu, hương vị quyến rũ của khái niệm “uống cà phê” đã hoàn toàn biến mất. Tôi chỉ có cảm giác như mình đang ngồi tạm xuống một chỗ bên đường để nghỉ chân. Một chỗ mát mẻ và có chút gì đó để giải khát. Còn thứ thức uống được gọi là cà phê ở Nhật thì vốn dĩ đã chẳng có gì hấp dẫn đối với tôi.
Ngồi ở cái góc chật hẹp ấy, tôi nhớ lại những lần “cà phê buông thả” ở Sài Gòn.
Nói “buông thả” là bởi vì chúng tôi có thể ngồi la cà suốt ngày ở quán, cho đến lúc ra về cũng không cần nhớ là bao nhiêu thời gian đã trôi qua.
Dĩ nhiên không phải là ngày nào cũng vậy. Nhóm thường là ba hoặc bốn người chúng tôi dạo ấy đều đã có việc làm. Nhưng có thời điểm cả ba người đều vừa làm việc vừa theo chương trình “phổ cập kiến thức” sau đại học, nên ngoài những giờ phải làm việc và phải học trong trường thì chúng tôi đến quán cà phê.
Đó là nơi mà chúng tôi có thể gặp nhau trong cảm giác dễ chịu và thoải mái với những chiếc sofa rộng rãi và êm ái đặt ở nơi mát mẻ, xung quanh là hoa lá xinh tươi.
Đó là một thái cực đối lập với những căn phòng trọ chật hẹp và nóng bức trong không gian đô thị ngột ngạt của Sài Gòn. Ấy là chưa kể đến đủ kiểu “đụng chạm” khác nếu chúng tôi kéo nhau cùng về một trong những chỗ trọ như vậy.
Chúng tôi có thể cùng gặp nhau ở một nơi nào đó rồi cùng đến quán cà phê yêu thích. Cũng có thể lần lượt đến và đợi nhau ở địa chỉ quen thuộc. Và dù đến buổi sáng, buổi chiều hay buổi tối, dù chờ đợi những bạn bè còn lại bao lâu thì tôi cũng cảm thấy dễ chịu vô cùng khi ngồi trong không gian thoáng đãng cùng hoa cỏ thiên nhiên.
Có khi chúng tôi tập trung thành một nhóm đông người, chọn một góc cà phê ưng ý rồi mải mê trò chuyện về chủ đề nào đó. Cũng có khi chỉ có hai, ba người đến quán, chủ yếu là để làm bài tập cho khóa học ở trường. Trò chuyện dăm ba câu rồi mỗi người lôi ra một xấp tài liệu, miệt mài chăm chú trên máy tính suốt nhiều tiếng đồng hồ. Vậy mà vẫn cảm thấy dễ chịu, vui vẻ vì được ngồi cùng bạn bè thân thiết.
Với chúng tôi, quán cà phê kiểu ấy không phải là nơi bán thứ gì đó để giải khát tạm thời mà là một kiểu không gian tiện nghi đa chức năng, bù đắp cho cuộc sống ngột ngạt tù túng trong phòng trọ. Bước chân vào nơi ấy, dường như chúng tôi được tạm thời quên hết những khó chịu bức bối khi đi qua những con đường kẹt xe ngập trong khói bụi dưới trời nắng chói chang hay trong những cơn mưa tầm tã. Cho nên chúng tôi vẫn thường tìm đến những không gian như thế mà không cần cà phê của quán phải đặc biệt thơm ngon.
Ngồi trong một góc chật hẹp ở Tokyo để uống cà phê McDonald’s, khi nhớ đến kiểu “không gian cà phê” như thế, lần đầu tiên tôi cảm thấy người dân Sài Gòn “hạnh phúc” hơn những người đang sống ở thành phố cao sang hiện đại này. Và tôi chợt nghĩ rằng “không gian cà phê” cũng là một thứ “đặc sản” của quê hương để tôi có thể giới thiệu với bạn bè, người quen đến từ xứ khác mà không đến nỗi phải áy náy, băn khoăn.
Thật ra thì tôi cũng đã đặt chân qua nhiều nơi trên các miền đất nước. Và đến nơi nào tôi cũng thường ghé qua một vài quán đẹp để thưởng thức “không gian cà phê” của mỗi vùng. Nhưng tôi nhận ra rằng ở những chốn nên thơ, mơ màng như Huế hay Đà Lạt thì “không gian cà phê” chìm hẳn vào không gian thành phố, giống như một vài đóa hoa nở giữa cánh đồng hoa, còn “không gian cà phê” ở Sài Gòn thì gần như là những bông hoa nở trên sa mạc, hay những khóm lá xanh mọc giữa lởm chởm cao nguyên đá!
Dĩ nhiên là tôi mong Sài Gòn trở thành một kiểu đô thị dễ chịu hơn. Nhưng tôi cũng rất mong Sài Gòn sẽ không làm mất đi “không gian cà phê” trong lòng nó, dù thời cuộc có mang đến bao nhiêu thay đổi trong đời sống đô thị và trong “văn hóa cà phê” ở nơi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét