Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

THÊM MỘT LẦN DẠI DỘT



Bài này thì không phải là viết để giải sầu, mà vì tôi cảm thấy cần phải trần tình nghiêm túc với người đọc, khi một dịch phẩm của mình vừa trở thành thương phẩm, mang theo một số nỗi niềm không mấy dễ chịu của riêng tôi.
Mà đã mất công viết thì nên tỏ hết cả nguồn cơn luôn vậy.
Mọi sự khởi đầu từ một lời đề nghị đầy hảo ý. Người đề nghị là cô giáo của tôi thời đại học. Sở dĩ đề nghị là vì công ty làm sách mua bản quyền hai tiểu thuyết của Kawabata và tìm người dịch trực tiếp từ tiếng Nhật, dù cả hai tác phẩm đều đã có nhiều bản tiếng Việt rồi. Cô tôi đề nghị tôi hợp tác với nhã ý chia sẻ công việc cô cảm thấy nên làm. Còn tôi thì sung sướng vì bỗng nhiên lại có được cơ hội để chạm vào thế giới tuyệt mỹ và vi diệu của Kawabata, nên liều lĩnh nhận lời dù đang bận ngập đầu vì những công việc khác.
Trong hai tác phẩm đã được mua bản quyền, tôi chọn cuốn ngắn hơn vì biết mình ở trong hoàn cảnh khó khăn hơn để thực hiện bản dịch. Và ngẫu nhiên đó là cuốn Xứ tuyết.
Khi nhận lời thì tôi có cảm giác mâu thuẫn, vừa muốn thưởng thức cái đẹp vừa sợ tốn thời gian. Còn khi đã bắt tay vào làm thì tôi hiểu rằng mình quá ư dại dột, vì tác phẩm đúng là tuyệt đẹp nhưng quá khó! Khó nhất là nhiều chỗ trong tác phẩm được viết bằng trực giác chứ không theo logic đời thường, nên rất nhiều câu văn khó đoán ý tác giả, nhiều nội dung miêu tả không thể kiểm chứng trong thực tại. Có những câu tuy chỉ là lời thoại ngắn ngủi nhưng không hề dễ dịch. Tôi đọc bản tiếng Nhật thì hiểu theo hướng này, tham khảo bản tiếng Anh lại gặp cách hiểu khác. Quan điểm của tôi là không cố chấp theo một hướng nhất định, nên gặp chỗ lệch nhau thì cứ cân nhắc mãi. Nếu thấy những dấu hiệu ủng hộ cách lý giải của bản tiếng Anh thì tôi tự sửa mình, còn nếu thấy ngược lại thì cũng phải hết sức thận trọng. Rồi có nhiều chỗ quá khó về văn hóa. Cũng có thể nói là khó vì vốn hiểu biết của tôi hạn hẹp. Có khi tra cứu cả ngày lẫn đêm mới dịch được một câu... Vì tất cả những điều gian nan đó mà tôi phải mất hai tháng rưỡi mới hoàn thành bản dịch. Sở dĩ nói là “phải mất” vì nếu dịch bài nghiên cứu trong chuyên ngành, với dung lượng tương đương Xứ tuyết thì tôi chỉ mất khoảng hai tuần mà thôi.
Nhưng rốt cuộc thì quan trọng hơn lại là chuyện “ngoài lề”. Khi chính thức nhận lời thực hiện bản dịch thì tôi cũng đồng thời gặp hai vị lãnh đạo công ty làm sách, nghe họ giới thiệu về lực lượng biên tập viên “khủng” về số lượng và cực kỳ tài năng. Sau đó, vì một trong hai vị tôi đã gặp có liên hệ để nhờ vả, hỏi han một số điều lặt vặt, nên đôi bên cũng nhân tiện trao đổi về những nội dung trong công việc đang hợp tác cùng nhau. Tôi cảm thấy yên tâm và thậm chí rất mừng khi được biết phía công ty chủ trương biên tập chu đáo, minh bạch, luôn gửi bản dịch sau biên tập cho người dịch kiểm tra, trao đổi.
Rồi tôi đã đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác trong thời gian sau đó.
Đầu tiên là tôi bỗng đột ngột nhận thông báo rằng họ sẽ làm hồ sơ xin tài trợ cho việc dịch Xứ tuyết, và bảo tôi gửi gấp mấy chục trang bản dịch để hoàn thiện hồ sơ. Thật ra trước đó tôi có trao đổi với lãnh đạo công ty về việc giới thiệu dịch giả Nguyễn Nam Trân và bản dịch Buồn buồn phóng bút, với mong muốn họ sẽ xin tài trợ để xuất bản bản dịch này. Không ngờ họ gửi hồ sơ một lượt nhiều tác phẩm, trong đó có hai cuốn của Kawabata. Vì lúc đó tôi chỉ còn vài dòng là hoàn thành bản dịch nên đã gửi cho họ bản toàn văn, nhưng vì quá dễ dãi tin người nên có tâm lý ỷ lại vào đội ngũ biên tập, nghĩ rằng sẽ trao đổi chi tiết với họ để hoàn thiện bản dịch về sau.
Sau khi hợp tác với họ để hoàn thiện hồ sơ xin tài trợ dịch thuật chừng một tháng, tôi còn có dịp gặp vị lãnh đạo công ty ở Sài Gòn. Chị ấy bảo rằng biên tập viên đang vật vã vì biên tập bản dịch tác phẩm của Kawabata, rằng sự khó khăn trong việc biên tập ấy đã làm đình trệ bao nhiêu công việc khác, rằng biên tập viên mong muốn sẽ trao đổi với tôi qua email trong quá trình làm việc v.v... Tôi cảm kích trước những điều chị kể và cho biết mình sẵn lòng trao đổi với biên tập viên mọi vấn đề. Nhưng sau đó thì bên phía công ty hoàn toàn bặt tiếng. Họ cũng không thông báo khi bản dịch nhận được tài trợ. Không thông báo khi chuyển tiền thanh toán theo hợp đồng. Chuyện tài trợ thì tôi nghe được sau đó qua người khác. Còn chuyện thanh toán thì mãi tôi mới phát hiện ra. Nhưng điều khiến tôi khó hiểu nhất là họ im lặng quá lâu về kết quả biên tập, cũng không có sự trao đổi nào như lời hứa hẹn từ vị lãnh đạo kia.
Hơn một năm kể từ khi tôi nộp bản dịch thì “cố nhân” mới tìm lên facebook để nhắn tin thông báo, rằng bên họ sắp in Xứ tuyết, và in xong sẽ gửi sách cho tôi. Thông tin mà ở thời điểm ấy công ty đã đưa lên facebook là sách đang được gửi đi in, cũng đã có ảnh bìa. Tôi chới với vì không biết rốt cuộc thì bản dịch ra sao, nhưng nghĩ rằng sự việc đã rồi thì chẳng can thiệp được.
Hai tuần trôi qua, bỗng nhiên “cố nhân” lại email cho tôi bản dịch đã biên tập, có cả những lời bình của biên tập viên ghi thẳng vào trong đó. Xem lại thì thấy họ có sửa giúp tôi vài chỗ sai sót khá lặt vặt. Nhưng quan trọng là biên tập viên tuyên bố khá nhiều chỗ không thống nhất ý kiến với tôi. Trong vài tiếng đồng hồ, tôi tranh thủ rà soát những chỗ được đánh dấu, ghi ý kiến hoặc lời giải thích của mình vào văn bản để trao đổi với họ. Tôi cũng hỏi thẳng rằng có kịp để sửa không, và cũng đề nghị rõ ràng là nếu còn thời gian thì hãy cho tôi biết, để tôi viết thêm mấy lời với tư cách người dịch, nhờ họ in kèm vào tập sách. Tôi biết rằng phía công ty đã làm rất tốt chuyện giới thiệu sách rồi. Chuyện viết lời người dịch chỉ là trách nhiệm tôi phải trần tình với độc giả mà thôi. Sở dĩ lâu nay tôi chưa viết vì tôi vẫn “hồn nhiên” đợi kết quả biên tập!
Lại một lần nữa, tôi không nhận được phản hồi rõ ràng cho câu hỏi và lời đề nghị có phần khẩn thiết, mặc dù sau đó mấy hôm chị ấy lại hẹn gặp tôi ở Sài Gòn.
Theo những gì tôi biết hiện nay, như một người ngoài cuộc, thì sách đã được in và đang đi vào giai đoạn phát hành.
Tôi thấy mình có lỗi với độc giả vì đã gửi cho họ bản dịch toàn văn lúc vội vàng, chưa kịp rà soát lại cẩn thận. Tuy rằng biên tập viên có phát hiện sai sót nhưng cũng không thấu đáo. Và dù cái phần không thấu đáo chỉ là vài ba chỗ thì điều đó vẫn là khiếm khuyết trong công việc của tôi.
Tôi cũng cảm thấy mình bị oan khi biên tập viên tự ý sửa nhiều chỗ mà cô ấy hiểu khác tôi, như thể phía công ty mặc định rằng đã là người biên tập thì luôn luôn hiểu đúng.
Buồn nhất là sau tất cả mọi việc đã tường thuật ở trên, thêm một lần nữa tôi lại thấm thía rằng công ty làm sách chỉ coi người dịch sách là một kẻ làm thuê thuần túy. Quyển sách dịch xong cũng như một cái bánh được làm ra đem giao nộp cho họ. Họ thích ăn ngọt thì cho thêm đường vào, không thích phần nào thì bỏ phần đó đi v.v..., trong khi tên người dịch bị đưa lên bìa sách và chịu trách nhiệm trước độc giả về chất lượng bản dịch!
Dẫu sao thì mọi chuyện đã rồi. Dù biết rất ít người đọc blog của tôi nhưng tôi cũng mong rằng những ai đã đọc bài này nếu có đọc Xứ tuyết do tôi dịch thì lượng thứ cho thái độ thiếu nghiêm túc vì không có lời nào kèm theo dịch phẩm, và nếu thấy trong bản dịch có sai sót nào đó thì vui lòng chỉ giáo cho tôi.
Nếu hiểu theo quan điểm Phật giáo thì chuyện này có lẽ là một đòn trừng phạt vì tôi đã không cưỡng lại được ham muốn chạm vào thế giới duy mỹ của một đại văn hào!
Xin cúi đầu trước sự cao minh của Kawabata và vẻ đẹp huyền hoặc trong Xứ tuyết!!!

16 nhận xét:

  1. Tôi chia sẻ suy nghĩ với anh/chị/bạn, đây là chuyện buồn mà người dịch nào cũng từng trải qua khi làm sách ở Việt Nam. Thực tế rằng các công ty tư nhân làm sách đều không coi sách là một dịch phẩm, mà coi là một thứ hàng hóa, vì thế khối lượng biên tập của biên tập viên là tương đối nhiều, điều đó khiến họ không có đủ thời gian để trao đổi chi tiết với người dịch là một nhẽ. Một nhẽ khác là sự giới hạn trong nhận thức và trình độ của biên tập viên, thường thì họ không coi từng từ trong bản dịch là tâm huyết của người dịch, mà thích thế nào thì sửa thế ấy, tình trạng này thậm chí vẫn xuất hiện ở tạp chí lớn, công ty xuất bản lớn bậc nhất ở VN.

    Người dịch chỉ còn biết ngẩng mặt lên trời mà than thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng ạ. Xin cảm ơn quý dịch giả, độc giả đã quan tâm và có lời chia sẻ, động viên! Thật ra vì thời gian này Lam Anh đang bận rộn vì một công trình khác nên không quyết liệt với công ty làm sách sau khi nộp bản dịch. Lam Anh sẽ cố gắng khắc phục điều tương tự trong những bản dịch sau. Thành thật xin lỗi quý độc giả!

      Xóa
  2. Xin cảm ơn quý độc giả đã chia sẻ ạ!

    Trả lờiXóa
  3. Em là người đã góp ý cho IPM về việc dịch thoại có phần xì tin quá. Không biết phần đó có bị can thiệp so với bản dịch đầu của bác không. Đây là facebook page em. Mong được giao lưu với dịch giả để hoàn thiện những bản in sau tốt hơn. https://www.facebook.com/Tiệm-sách-Flower-171193253633564/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    3. Vậy mình đã hiểu nguyên nhân tại sao bác dịch quyển Gối đầu lên cỏ không bị lỗi văn phong, mà quyển Xứ tuyết lại bị. Thực ra văn phong trẻ rất phù hợp để đối tượng độc giả chính của IPM là các bạn thanh thiếu niên tiếp nhận các tác phẩm kinh điển. Cũng có thể là dụng ý "mới hóa" tác phẩm kinh điển để phù hợp thị hiếu khách hàng chủ đạo. Nhưng có lẽ, đối tượng độc giả lớn hơn sẽ ưa một cách dịch khác. Cám ơn dịch giả Lam Anh đã chia sẻ!

      Xóa
    4. Xin cảm ơn quý độc giả đã chia sẻ rất chi tiết, chân thành!
      Lỗi văn phong là điều rất đáng tiếc trong bản dịch, một khi người dịch có thể hiểu bản gốc cũng như có khả năng diễn đạt tương đối trôi chảy khi chuyển ngữ. Càng đáng tiếc hơn khi lỗi này lại có trong bản dịch một tuyệt phẩm của Kawabata! Rất xin lỗi độc giả đã gặp phải cảm giác “vướng ngôn từ” trong khi đọc bản dịch Xứ tuyết lần này.
      Nhưng điều xót xa nhất đối với người dịch là trong khi thực hiện bản dịch thì người dịch không hề có ý “đối đầu” với công ty làm sách, gửi cho họ bản dịch mới đọc lại một lần mà không sợ họ chê mình đã diễn đạt không tốt hoặc có những sai sót nọ kia, chỉ mong sau đó sẽ đi với họ quãng đường dài để hoàn thiện bản dịch sau này sẽ trở thành thương phẩm để đến tay độc giả, nhưng khi có bản dịch nộp cho công ty thì người dịch bị quẳng ra ngoài, theo cái kiểu họ đã trả tiền để mua rồi thì tùy nghi hành xử...
      Xứ tuyết vốn đượm buồn lại buồn thêm một chút vì những chuyện như trên!

      Xóa
    5. Xin cảm ơn quý độc giả đã góp ý và chia sẻ thông tin để giao lưu! Hiện nay Lam Anh chưa nhận được bản dịch Xứ tuyết mới phát hành nên chưa kiểm tra được. Tuy nhiên, khi đọc phần bình luận của biên tập viên trên bản dịch, Lam Anh cảm thấy hơi dị ứng với những đề nghị sửa theo hướng dùng từ khá thô và trẻ hóa quá nhiều. Lam Anh cũng có trao đổi lại nhưng hình thư thời điểm đó bên họ đã đưa sách đi in.

      Xóa
    6. Quả nghĩ cũng buồn thật. Có thể mình đã từng dịch tiểu thuyết nên quan tâm đến văn phong thôi, còn đại đa số người đọc chỉ quan tâm đến nội dung. Quan trọng là mình còn tâm huyết, vẫn có thể dành tâm sức cho một cuốn sách khác, để tròn trịa hơn.

      Mong sẽ được thấy tên dịch giả Lam Anh trong các tác phẩm khác trong tương lai.

      Chúc dịch giả năm mới may mắn và thành công!

      Xóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  6. "Tôi đọc bản tiếng Nhật thì hiểu theo hướng này, tham khảo bản tiếng Anh lại gặp cách hiểu khác." => Nếu bác có thể đưa ra một số ví dụ minh hoạ cho chỗ này, thì hay biết mấy. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin cảm ơn quý độc giả đã góp ý ạ. Vì đang bận quá nên Lam Anh không tra cứu lại các văn bản. Hiện tượng này không phải là hiếm ở những câu không có chủ ngữ và / hoặc tân ngữ trong tiếng Nhật. Cũng có những chỗ sau đó biên tập viên đã tự ý sửa lại vì biên tập viên cũng hiểu khác.

      Xóa
  7. Cảm ơn chị Lam Anh đã chia sẻ. Cá nhân tôi đang rất háo hức định mua cuốn sách này, nhưng xem ra giờ đành thôi vậy. Cá nhân tôi cũng có vài trải nghiệm không lấy gì làm vui vẻ với các biên tập viên, đặc biệt là trong mảng sách phi hư cấu (dù bản thân tôi cũng là biên tập viên). Hy vọng trong tương lai, chị có thể có cách nào đó chia sẻ bản dịch với công chúng, một cách chính thống hay không chính thông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn quý độc giả! Bản thân tôi hôm qua mới nhận được sách đã đặt mua, và sau khi xem qua thì quả thật tôi không còn muốn tặng sách cho những người thân nữa! Dù những chỗ bị sửa so với dung lượng toàn bản dịch chưa hẳn đã là nhiều nhưng tôi không muốn nhận những chỗ như vậy là thành quả của mình, dù nó hay hay dở. Bản dịch bị sửa cả những câu mà trong lúc dịch tôi cực kỳ ngưỡng mộ hành văn của tác giả nên cố gắng dịch cho nhuyễn, cho tốt... Tôi hoàn toàn không lý giải được một cách làm như vậy.

      Xóa