Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

ÂM NHẠC TRONG VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN QUA TRUYỆN GENJI




Nguyễn Thị Lam Anh*
Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật được yêu thích ở Nhật Bản. Trong thời kỳ văn hóa quý tộc cung đình, nhã nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật đã được biết đến từ rất sớm. Các hình thức diễn xướng mang tính đại chúng và có phần diễn tấu âm nhạc (như kịch No, Bunraku, Kabuki) đã phổ biến trong đời sống cộng đồng từ thời trung đại, đến nay vẫn tồn tại trong không gian rộng lớn của nghệ thuật âm nhạc đương đại vừa mang đậm bản sắc văn hóa Nhật vừa phong phú, hiện đại theo tinh thần giao lưu quốc tế. Công việc nghiên cứu văn học đã mang đến cho chúng tôi những kiến thức, thông tin lý thú về âm nhạc và nghệ thuật diễn xướng trong đời sống văn hóa Nhật Bản. Nhiều cây bút nổi bật của văn học Nhật Bản đương đại dành nhiều trang viết về hoạt động diễn tấu hoặc thưởng thức âm nhạc như một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của giới trẻ Nhật Bản hiện nay. Những nội dung như vậy sẽ giúp cho bạn đọc thế giới hình dung rõ nét hơn phần nào về đời sống văn hóa của người Nhật trong xã hội Nhật Bản đương đại. Tương tự, những chi tiết miêu tả về âm nhạc và nghệ thuật diễn xướng trong văn học cổ điển sẽ mang đến cho người đọc những hình ảnh thú vị về đời sống văn hóa truyền thống Nhật Bản. Bài viết này được thực hiện với mong muốn giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam những thông tin về âm nhạc trong văn hóa truyền thống Nhật Bản qua Truyện Genji – một đại diện nổi bật của văn học thời Heian đồng thời cũng là một “kho tàng” đồ sộ về văn hóa Nhật Bản thời quý tộc cung đình.
Từ khóa: âm nhạc, diễn xướng, Truyện Genji, văn học cổ điển, văn hóa truyền thống
1.      Mối liên hệ giữa âm nhạc và yếu tố tâm linh trong đời sống cộng đồng
Với những nhà nghiên cứu quốc văn Nhật Bản thì Truyện Genji là một trường hợp đặc biệt của văn xuôi tự sự cổ điển, nhưng với người Nhật bình dân thì tác phẩm này chủ yếu được biết đến như một pho truyện tình yêu hay một bộ “bách khoa thư” về văn hóa quý tộc trong xã hội vương triều. Trong Truyện Genji, người đọc có thể tìm thấy mọi khía cạnh, mọi hình thức biểu hiện của đời sống văn hóa quý tộc thời Heian, từ quan niệm tôn giáo tâm linh đến những chi tiết nhỏ nhặt trong giao tiếp. Nhưng nếu chỉ chọn ra các nội dung văn hóa được thể hiện trong tác phẩm trên diện rộng và có cội nguồn sâu xa từ bản sắc dân tộc Nhật Bản, người đọc sẽ dễ dàng tìm thấy 3 nội dung nổi bật là tôn giáo (sự kết hợp giữa Phật giáo và Thần đạo), thơ quốc âm Nhật Bản (waka, chủ yếu là hình thức tanka) và âm nhạc.
Điều thú vị là trong Truyện Genji, 3 nội dung trên không chỉ được thể hiện như những thành tố quan trọng của đời sống văn hóa đương thời mà còn có nhiều mối liên hệ gắn kết với nhau. Mối liên hệ quan trọng nhất, và cũng là lý do cơ bản để 3 nội dung trên được nói đến nhiều lần trong tác phẩm, là yếu tố tâm linh và nghi thức diễn xướng trong văn hóa cộng đồng.
Ngày nay Thần đạo và Phật giáo vẫn là hai trụ cột của đời sống tâm linh Nhật Bản, và Nhật Bản vẫn được biết đến như là một dân tộc có tín ngưỡng đa thần xuất phát từ tâm thức sùng kính thiên nhiên. Điều đó biểu hiện rõ nhất ở những lễ hội cộng đồng mang tính chất tôn giáo. Đặc trưng nổi bật của lễ hội là việc tổ chức những đám rước kiệu với quy mô lớn, trong đó nghi thức thể hiện sự giao tiếp với thần linh kết hợp với những hình thức văn nghệ dân gian tạo nên không gian sôi động, huyên náo cuốn hút sự tham gia của cả cộng đồng. Nói cách khác, âm thanh và hoạt động diễn xướng là yếu tố chủ đạo của lễ hội dân gian có ý nghĩa tâm linh, tôn giáo.
Truyện Genji cũng miêu tả nhiều lễ hội tôn giáo theo phong tục đương thời. Vẫn là những sự kiện huyên náo và thu hút rất đông người, nhưng khác với lễ hội cộng đồng trong cuộc sống đời thường ở Nhật Bản hiện nay, lễ hội tôn giáo trong Truyện Genji, vì là sinh hoạt văn hóa của tầng lớp quý tộc cung đình, nên giữa phần “lễ” và phần “hội” có khoảng cách khá xa. Phần “lễ” được tổ chức ở các ngôi đền lớn, gắn với hàng loạt những nghi thức nghiêm ngặt mang ý nghĩa thanh tẩy (do Thần đạo Nhật Bản đề cao sự thanh khiết và quan niệm rằng con người cần phải được thanh tẩy trước khi đi vào môi trường giao tiếp với thần linh). Trong khi đó, phần “hội” trở thành điểm hội tụ của những thú vui tao nhã chốn cung đình, là cơ hội để thưởng thức vẻ đẹp phồn hoa của đời sống quý tộc kinh đô, hay là cuộc phô diễn thanh thế cùng năng lực thẩm mỹ của những gia tộc có quyền lực cao nhất hiện thời.
Sự kết hợp giữa phần “lễ” và phần “hội”, dù là trong đời sống cung đình thời Heian qua Truyện Genji hay là trong lễ hội dân gian với tinh thần đại chúng ngày nay, đều cho thấy tính cộng đồng của hoạt động giao tiếp giữa con người với thần linh trong quan niệm tôn giáo Nhật Bản. Điều đáng chú ý ở đây là, như đã nhắc đến ở phần trên, âm thanh nói chung và diễn xướng văn nghệ với âm nhạc là nội dung nòng cốt đã tạo nên đặc trưng của hoạt động giao tiếp trong lễ hội.
Nhiều lễ hội dân gian hiện nay tổ chức những đám rước hoành tráng với cỗ kiệu rất to và những người khiêng kiệu kéo thành một đoàn dài. Cả đoàn vừa rước kiệu vừa cất tiếng hô vang, làm tăng thêm không khí rộn rã và náo nhiệt. Ở một số lễ hội, kèm theo đám rước là chương trình văn nghệ dân gian, chủ yếu là hình thức biểu diễn những bài hát, những điệu múa truyền thống và mang đậm màu sắc văn hóa địa phương, tạo ra một không gian sinh hoạt mang tính đại chúng thu hút sự tham gia của toàn bộ thành viên trong cả cộng đồng. Như vậy, âm nhạc nói riêng và âm thanh nói chung đã trở thành yếu tố quan trọng cho sự giao tiếp trong cộng đồng xã hội và nghi lễ tôn giáo, tạo nên sự chan hòa, chia sẻ, gắn kết giữa con người với con người, đồng thời gửi đến thần linh những thông điệp mang ý nghĩa cảm tạ, cầu chúc cho một tương lai tốt đẹp của hoạt động sản xuất nhờ nỗ lực của cộng đồng trong tinh thần hòa hợp với thiên nhiên.
2.      Âm nhạc như một hình thức diễn xướng trong lễ hội
Lễ hội được miêu tả trong Truyện Genji là lễ hội của tầng lớp quý tộc, vì vậy không thể so sánh với lễ hội dân gian hiện nay về tinh thần đại chúng và không gian rộng mở. Trong một số trường hợp, lễ hội vừa mang ý nghĩa tôn giáo vừa gắn với mục đích tôn vinh quyền lực của hoàng gia nên phần “lễ” phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt với thành phần tham dự chỉ bao gồm hoàng gia và các vị chức sắc từ những ngôi đền lớn. Các nghi thức tôn giáo trong phần này cũng rườm rà, long trọng và tạo cảm giác cách biệt với sinh hoạt đời thường, tuy những đám rước đi qua những đường phố của kinh đô vẫn được miêu tả là “huyên náo” và có thể trở thành một cuộc thưởng ngoạn lạ mắt cho những gia đình quý tộc sống trong các tư dinh gần đấy. Điều thú vị là cho dù phần “lễ” trang trọng, khép kín và nặng về màu sắc tôn giáo, chính trị đến đâu thì phần “hội” vẫn mang tính cộng đồng với nội dung căn bản là biểu diễn âm nhạc và vũ đạo.
Ngoài ra, Truyện Genji còn có những sự kiện không xuất phát từ nội dung tôn giáo mà chỉ là lễ hội theo mùa, chẳng hạn như những cuộc vui tổ chức ở cung đình hoặc tư dinh của các bậc đại thần trong dịp năm mới, hay hội thưởng hoa đào vào mùa xuân. Trong những trường hợp này thì tinh thần chủ yếu của sự kiện là giao tiếp cộng đồng, hướng đến sự hòa hợp trong mối quan hệ giữa con người và con người, sự thấu cảm giữa con người và thiên nhiên, nên nội dung của sự kiện thường chỉ bao gồm yến tiệc và biểu diễn văn nghệ. Ở đây, cũng cần nói thêm rằng sinh hoạt văn hóa cộng đồng thời Heian, trong những dịp nói trên, có thể bao gồm cả những hình thức như hội thơ (thi sáng tác, bình luận hoặc các trò chơi về thơ ca), thi bắn cung, chơi đá cầu, các trò chơi cưỡi ngựa v.v... Nhưng trong số đó thì diễn xướng âm nhạc (thường kết hợp với vũ đạo) là hình thức chiếm vị trí trung tâm. Chữ “trung tâm” ở đây bao gồm cả ý nghĩa về mức độ phổ biến và quy mô, tính chất của cuộc chơi. Vấn đề này thể hiện khá rõ qua ngôn ngữ trong Truyện Genji, bởi từ “asobi” ngày nay được biết đến với nghĩa rộng là “trò chơi”, “chơi đùa” thì trong Truyện Genji từ này được hiểu là các cuộc diễn xướng âm nhạc. Cũng giống như “hana” (vốn có nghĩa là hoa nói chung) trong thơ quốc âm Nhật Bản có thể hiểu là hoa anh đào, “asobi” trong Truyện Genji nói đến một thú vui vừa tao nhã cao sang vừa phổ biến vào bậc nhất ở cung đình thời ấy. “Asobi” xuất hiện trong nội dung Truyện Genji rất nhiều lần, trong nhiều cảnh truyện khác nhau, nhưng diễn xướng âm nhạc ở quy mô lễ hội cho cả cộng đồng thì được đặc tả trong chương thứ 7 (Lễ hội mùa thu) và chương thứ 8 (Hội hoa đào).
Chương thứ 7 nói về một “cuộc hành hương đến Viện Suzaku”, tức là một sự kiện được tổ chức thường niên trong đời sống cung đình, bao gồm nhiều nghi thức vừa mang tính tôn giáo vừa mang tính chính trị. Lời văn trong tác phẩm giúp người đọc hình dung về một sự kiện trang nghiêm, trọng đại của hoàng gia nhưng mang theo cả không khí đặc trưng của một lễ hội theo mùa, và đặc biệt là một cơ hội để phô diễn văn hóa cao nhã, diễm lệ của tầng lớp quý tộc. Đáng chú ý là tuy có nói đến nhiều phương diện, ý nghĩa của sự kiện nhưng tác giả lại miêu tả chi tiết chỉ riêng cảnh biểu diễn âm nhạc và vũ đạo trong lễ hội, tạo ấn tượng sâu sắc về tinh thần diễn xướng và thưởng thức nghệ thuật trong đời sống quý tộc đương thời:
Cuộc hành hương đến Viện Suzaku sẽ diễn ra vào trung tuần tháng mười. Vì đây là sự kiện trọng đại, khác với những dịp lễ thông thường, nên các cung tần đều rất lấy làm tiếc nếu không được tận mắt xem lễ hội. Hoàng thượng thấy tiếc cho cung phi Fujitsubo không xem được lễ hội cử hành tại Viện Suzaku, nên đã cho tổ chức buổi diễn tập trước lễ chính thức tại hoàng cung (...)
Trong cuộc hành hương đến Viện Suzaku, từ các hoàng tử đến tất thảy mọi người đều tháp tùng hoàng thượng. Đông cung thái tử cũng có mặt trong đoàn. Như mọi lần, thuyền biểu diễn âm nhạc được chèo quanh hồ nước, và có vô số tiết mục diễn tấu các loại âm nhạc Trung Hoa, Triều Tiên. Tiếng trống và âm thanh từ các loại nhạc cụ vang lên rộn rã (...) Giới biểu diễn âm nhạc cũng được xem xét từ cao xuống thấp, chọn ra những người “nổi bật” được thiên hạ đánh giá là có tài trình diễn để chuẩn bị sẵn sàng. Hai quan đại thần Saemon và Uemon trông coi việc biểu diễn âm nhạc theo lối phân đôi tả - hữu[1]. Các vũ sư nổi tiếng cũng được từng vũ công đón về nhà riêng để tập trung ôn luyện. Dưới bóng những cây cao lá đỏ, những âm điệu tuyệt vời khi cả bốn mươi người cùng tấu nhạc hòa quyện cùng tiếng gió thổi thông reo, nghe “như gió ngàn từ thung sâu” thổi tới[2].
Từ nội dung miêu tả trong đoạn văn trên, có thể thấy “cuộc hành hương” gần như chỉ là một cái cớ cho việc tổ chức biểu diễn và thưởng thức âm nhạc. Như vậy, cuộc hành hương tuy có những nghi thức nhất định theo phong tục tôn giáo và thể lệ của hoàng gia, nhưng yếu tố quan trọng nhất hình thành một cuộc lễ long trọng hàng năm như thế vẫn là tinh thần thưởng thức cuộc sống theo nhịp điệu của thiên nhiên thể hiện qua hình thức diễn xướng cộng đồng. Trong hình thức diễn xướng này có cả tính nghi thức, tính trật tự của tổ chức cung đình nhưng đồng thời cũng có tinh thần phóng khoáng, sôi nổi của một cộng đồng yêu chuộng vẻ đẹp của nghệ thuật diễn xướng và sống hòa hợp với nhịp điệu mùa của thiên nhiên. Nhưng sang đến chương 8 thì cuộc diễn xướng chỉ không còn gắn với nghi thức chính trị - tôn giáo mà chỉ là sự thưởng thức nghệ thuật trong không gian mùa xuân rực rỡ sắc hoa và tràn đầy nhựa sống. Vì không bị ràng buộc vào hình thức đám rước mà là một cuộc vui rộng mở mang tính chất hội hè nên “hội hoa đào” trong chương 8 bao gồm cả hội thơ và buổi biểu diễn ca múa nhạc:
Nhà vua mở tiệc mừng hội hoa đào vào hạ tuần tháng hai ở cung điện phía nam (...) Hôm ấy trời rất đẹp, cảnh vật xung quanh tươi sáng và tiếng chim hót ríu ran mang lại sự dễ chịu cho tâm hồn, nên từ các hoàng tử đến các quan đại thần và rất nhiều văn nhân thi sĩ đều hào hứng bốc thăm gieo vần[3] và cùng sáng tác thơ (...) Về phần biểu diễn vũ đạo và âm nhạc thì không cần phải nói đến ở đây, vì đương nhiên là nhà vua đã cho chuẩn bị chu đáo sẵn sàng. Khi ánh nắng chiều dần tắt, mọi người được xem biểu diễn vũ khúc “Xuân oanh chuyển”[4] tuyệt hay, làm thái tử nhớ đến vũ khúc “Sóng biển xanh” của Genji trong lễ hội mùa thu năm trước, bèn lấy cành hoa đào cài lên mũ miện Genji, tỏ ý tha thiết mong chàng diễn lại. Vì khó lòng thoái thác, Genji đành miễn cưỡng đứng lên, vén tay áo rồi biểu diễn lướt qua một trích đoạn trong vũ khúc. Điệu múa của chàng thật chẳng có gì so sánh được[5].
Có hai điểm tương đồng quan trọng khi so sánh buổi diễn xướng trong đám rước của lễ hội mùa thu ở chương 7 và cuộc vui được tổ chức nhân dịp thưởng hoa đào trong chương 8. Thứ nhất, đó là sự kết hợp giữa cảm thức mùa trong văn hóa Nhật Bản với tinh thần thưởng thức nghệ thuật mang tính chất cộng đồng, dù ở đây chỉ là cộng đồng hạn chế của tầng lớp quý tộc phong lưu. Thứ hai là tính chất giao lưu văn hóa trong chương trình vũ đạo và âm nhạc. Cả hai đoạn miêu tả nội dung diễn xướng trong chương 7 và chương 8 đều nhắc đến “âm nhạc Trung Hoa, Triều Tiên”, thậm chí có cả tên những điệu múa hay khúc nhạc cụ thể. Sự dung hợp trong diễn xướng như vậy cũng không có gì là khó hiểu, vì nó chỉ là một phương diện cho thấy tinh thần chung của thực trạng giao lưu văn hóa – nghệ thuật giữa các nước trong khu vực Đông Á đương thời.
Với những nội dung nói trên, người đọc có thể thấy được phần nào vị trí và ý nghĩa của hoạt động diễn xướng âm nhạc trong đời sống quý tộc cung đình thời Heian qua Truyện Genji. Tuy nhiên, để có cái nhìn đầy đủ hơn, rõ ràng hơn về việc biểu diễn âm nhạc như một loại hình nghệ thuật, người đọc nói chung và nhà nghiên cứu nói riêng còn phải xem xét những trường hợp Truyện Genji nói đến âm nhạc như một phương tiện để biểu đạt tình cảm cá nhân.
3.      Âm nhạc như một phương tiện biểu đạt tình cảm
Bên cạnh những hình thức diễn xướng âm nhạc trong lễ hội, Truyện Genji còn có nhiều tình tiết mà trong đó các nhân vật sử dụng âm nhạc như một phương tiện để bày tỏ nỗi lòng, hay là như một chiếc cầu nối tình cảm, tạo nên sự thân thiết gắn bó giữa cá nhân với cá nhân. Nếu lưu ý về vấn đề ngôn ngữ, người đọc có thể nhận ra điều này gắn với quan niệm về “giá trị” của con người biểu hiện qua khả năng âm nhạc. Nếu như trong những cuộc diễn xướng cộng đồng, “asobi” được hiểu là “chơi nhạc”, “hòa nhạc” thì khi nói về con người cá nhân, đặc biệt là phụ nữ quý tộc đương thời, cụm từ “waza” hoặc “kotowaza” (có kỹ năng, tài nghệ) thường được hiểu là “có năng khiếu về âm nhạc” hay “có tài chơi nhạc”, “biết đánh đàn”. Qua cách dùng từ như vậy, có thể thấy văn hóa Nhật Bản thời Heian đề cao vị trí của âm nhạc trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân, cụ thể hơn là coi trọng mối liên hệ giữa khả năng chơi nhạc và sự phong phú trong thế giới tâm hồn, cho rằng một phụ nữ biết chơi nhạc là người có tâm hồn sâu sắc, dịu dàng, là kiểu người chín chắn, trầm tĩnh và biết thưởng thức cái đẹp thanh cao, ưu nhã.
Quan niệm trên thể hiện rõ ở cách thức giáo dục dành riêng cho nữ giới trong xã hội quý tộc cung đình. Theo nhà nghiên cứu Orikuchi Shinobu thì phương pháp giáo dục này được gọi là “giáo dục thẩm thấu tâm hồn” (nghĩa văn tự trong tiếng Nhật là “giáo dục cảm nhiễm”)[6]. Phương pháp này chủ trương các cô gái thuộc dòng dõi quý tộc bậc cao cần được bồi dưỡng tâm hồn từ lúc còn nhỏ tuổi bằng cách nghe những người giúp việc đọc sách, ngâm thơ, kết hợp với việc học văn tự, luyện viết chữ đẹp, học làm thơ, đánh đàn và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác.
Trong Truyện Genji, chủ trương “giáo dục thẩm thấu tâm hồn” như vậy được thể hiện sinh động ở chi tiết Genji dạy đàn cho tiểu thư Murasaki ở Nijo, lúc Murasaki vẫn còn là một thiếu nữ ngây thơ và non nớt:
“Loại đàn tranh này hơi phiền ở chỗ mấy sợi dây mảnh khi quá căng thì không chịu nổi nên dễ đứt”, Genji bảo và chỉnh lại dây đàn cho chùng bớt. Chàng gẩy mấy nốt đàn để thử hòa âm với các nhạc cụ khác rồi đưa cây đàn tranh về phía tiểu thư. Nàng đã thôi hờn dỗi, liền biểu diễn ngón đàn với dáng vẻ vô cùng xinh đẹp. Vì vẫn còn bé nên tiểu thư phải vươn cả cánh tay để dạo ngón trên những sợi dây đàn. Genji thấy hình ảnh duyên dáng ấy là hết sức “đáng yêu”. Chàng vừa thổi sáo vừa chỉ cho tiểu thư các ngón đàn. Nàng vốn có năng khiếu nên những nốt khó cũng chỉ cần học qua một lần là gẩy được. Thấy nàng làm việc gì cũng chăm chút công phu và lại có tâm hồn nhạy cảm, Genji kỳ vọng “nàng sẽ là người lĩnh hội những gì ta truyền thụ để trở thành một phu nhân lý tưởng như ta hằng mong muốn”. Tên khúc nhạc “Hosoroguseri”[7] nghe có vẻ rất lạ tai, nhưng Genji thổi sáo điệu này rất hay, và tiểu thư tuy còn rất trẻ mà đã chơi đàn khá điêu luyện và không hề sai nốt. Khi mọi người dừng chơi nhạc thì cũng đã đến lúc lên đèn[8].
Đoạn văn trên cho thấy việc Genji đang làm không đơn giản chỉ là dạy cho Murasaki biết sử dụng nhạc cụ. Ý nghĩa trước hết của công việc này đối với Genji là tạo ra sự gần gũi, thân thiết giữa chàng và tiểu thư[9]. Sâu xa hơn nữa, chàng kỳ vọng việc trau dồi kỹ năng chơi nhạc và cảm quan thẩm mỹ trong thưởng thức nghệ thuật nói chung sẽ giúp nàng trở thành một “phu nhân lý tưởng” theo sự hình dung của chàng, tức là một người vừa có khả năng thưởng thức, biểu diễn nghệ thuật vừa có tâm hồn dịu dàng, phong phú, biết chia sẻ cảm thông để tạo dựng và duy trì hạnh phúc bền vững trong cuộc sống gia đình.
Kỳ vọng của nhân vật Genji về tiểu thư Murasaki cho thấy phần nào quan niệm phổ biến của quý tộc đương thời về sự tác động của âm nhạc đến tâm hồn con người nói chung và đức hạnh của phụ nữ nói riêng. Chính vì cảm thấy âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần, có khả năng lay động tâm hồn, tình cảm nên Genji, cũng như nhiều nhân vật khác là hình ảnh của nam giới quý tộc trong tác phẩm, đã nhiều lần sử dụng tiếng đàn trong hoàn cảnh phù hợp để thổ lộ tâm tình và chinh phục tình cảm của đối phương. Tác giả Truyện Genji đã để cho tiếng đàn trở thành mối dây kết nối tình cảm giữa hai đối tượng trong nhiều tình huống khác nhau. Khi muốn tác hợp cho mối quan hệ giữa Genji và nàng Suetsumuhana (con gái của hoàng thân quá cố Hitachi), nàng Tayu đã thuyết phục tiểu thư chơi đàn. Dù mọi chuyện không hoàn toàn trôi chảy như nàng Tayu mong muốn, nhưng cũng phần nào nhờ cách biểu lộ này mà Genji đã lưu tâm đến thân phận hẩm hiu của nàng Suetsumuhana, nghĩ về nàng như một cô gái đáng mến và ân cần giúp đỡ nàng, dù trước đó đã phát hiện ra nàng là một cô gái có phần khiếm khuyết về nhan sắc.
Đặc biệt, trong chương “Vịnh Akashi”, tác giả Truyện Genji đã để lại ấn tượng sâu sắc nơi độc giả với cảnh miêu tả cuộc gặp gỡ cuối cùng của Genji và nàng Akashi, trước khi Genji rời khỏi vùng Akashi để trở lại cung đình.
“Thôi thì, chỉ dám xin tiểu thư cho thưởng thức ngón đàn qua một trích đoạn ngắn, xem như một món quà lưu niệm lúc chia tay...” Ngài Genji nói thế rồi cầm lấy cây đàn tranh mà ngài đã mang theo bên mình khi rời khỏi kinh đô, gảy nhẹ mấy nốt đàn du dương thánh thót. Trong đêm khuya thanh vắng, tiếng đàn ngân lên nghe trong trẻo tuyệt vời. Lão gia nghe tiếng đàn thì khó mà kìm nén cảm xúc trong lòng, bèn tìm đến khuê phòng của tiểu thư. Chính tiểu thư khi nghe đàn cũng bị cuốn theo dòng cảm xúc và không ngăn được dòng lệ chứa chan vì cảm động. Rồi nàng hòa theo bằng những nốt nhạc trầm khe khẽ, quả là một ngón đàn rất đỗi tài hoa.
Ngài Genji vẫn cho rằng ngày nay chẳng có ai sánh được ngón đàn tuyệt diệu của thái hậu Fujitsubo. Tiếng đàn của thái hậu trước đây đã từng khiến bao người say đắm bởi vẻ đẹp “thanh tân, hoa mỹ”. Giờ đây, nghe tiểu thư Akashi tấu nhạc, ngài Genji nhớ lại không chỉ tiếng đàn mà cả hình dong kiều diễm thuở xưa, chứng tỏ ngón đàn của tiểu thư quả đúng là tài hoa tột bậc.
Tiếng đàn của tiểu thư độc đáo ở vẻ đẹp trong ngần thánh thót, đến mức khiến người nghe phải cảm thấy động lòng như nuối tiếc xót xa. Một người sành âm nhạc như ngài Genji mà còn có cảm giác mới mẻ khi nghe những nốt đàn tài hoa, sâu lắng. Nhưng rồi tiếng đàn cứ ngập ngừng ngắt quãng khiến cho ngài không khỏi cảm thấy hụt hẫng vì còn đang nóng lòng muốn được nghe thêm những khúc nhạc mà ngài chưa biết đến. “Sao mấy tháng vừa qua ta chẳng chịu cố nài để được nghe tiểu thư tấu nhạc?”, ngài tiếc nuối nghĩ thầm. Rồi ngài đã trải lòng mà ngỏ cùng tiểu thư lời hẹn ước về một tương lai gắn bó[10].
Tác giả không nói đến kỹ thuật đánh đàn hay miêu tả chi tiết dáng vẻ tiểu thư Akashi trong khi chơi nhạc mà chủ yếu tập trung vào vẻ đẹp của âm nhạc ở khả năng tác động đến tâm hồn, cảm xúc của người nghe. Một khi tiếng đàn đã ngân lên thì ngay cả tiểu thư vốn hay giữ ý e dè cũng “bị cuốn theo dòng cảm xúc”. Còn đối tượng mà tiếng đàn hướng đến là ngài Genji thì cảm nhận sự lay động từ sâu thẳm tâm hồn, đi từ hoài niệm da diết về tiếng đàn của thái hậu Fujitsubo đến “càm giác mới mẻ”, sự dằn vặt nuối tiếc vì thời gian vừa qua đã không cố thuyết phục tiểu thư chơi đàn, rồi nỗi xúc động đạt đến cao trào khi ngài đã quyết định trao lời hẹn ước cùng tiểu thư trước cuộc chia tay.
Như vậy âm nhạc hay nghệ thuật chơi đàn thời Heian không phải chỉ tồn tại như một loại hình diễn xướng mang tính chất cộng đồng. Đọc toàn bộ nội dung Truyện Genji, người đọc sẽ nhận ra rằng tác giả có phần nghiêng về vai trò tác động của âm nhạc trong quan hệ tình cảm và đời sống cá nhân hơn là miêu tả nghi thức diễn xướng trong lễ hội. Ngoài những trường hợp âm nhạc được sử dụng làm yếu tố “môi giới” cho tình yêu nam nữ, như những đoạn trích ở phần trên, tác giả Truyện Genji còn miêu tả những “cuộc hòa nhạc” mang tính ngẫu hứng, khi những nhân vật vốn là bạn hữu thân tình gặp gỡ nhau tại một địa điểm thuận tiện, trong một bầu không khí đặc trưng khơi gợi niềm cảm xúc. Những lúc như thế, chỉ cần mỗi người đang có một nhạc cụ trên tay là có thể ngay lập tức diễn ra một “cuộc hòa tấu” nho nhỏ nhưng thú vị, có giá trị chia sẻ buồn vui và tạo nên sự kết nối tâm hồn sâu đậm. Do vậy, có thể nói rằng, trong đời sống văn hóa Nhật Bản thời Heian, nếu hình thức diễn xướng cộng đồng là sự tồn tại của âm nhạc ở bề nổi, thì tác dụng thổ lộ tâm tư tình cảm, tạo nên sự gắn kết giữa cá nhân với cá nhân mới là sức nặng mang ý nghĩa văn hóa của âm nhạc, lắng đọng ở phần chìm. Nhưng, thú vị hơn cả, là nếu suy ngẫm trên cơ sở kết hợp cả hai bình diện nói trên, sẽ không khó để nhận ra sự tương đồng về giá trị văn hóa - nhân sinh của thơ waka và âm nhạc.
4.      Âm nhạc và waka từ cội nguồn văn hóa truyền thống
Chỉ cần xem xét những nội dung đơn giản ở bề nổi là có thể nắm bắt dễ dàng sự tương đồng về chức năng, giá trị của âm nhạc và waka. Cách miêu tả, trần thuật trong Truyện Genji cho thấy âm nhạc luôn là loại hình nghệ thuật đứng ở vị trí liền kề với waka, trong cả hình thức diễn xướng cộng đồng lẫn trường hợp thổ lộ tâm tư sâu kín. Với “hội hoa đào” ở chương thứ tám, tác giả đã miêu tả những trò chơi trong hội thơ trước nhất, rồi kế tiếp là chương trình biểu diễn âm nhạc và vũ đạo lúc chiều tà. Trong những tình huống đôi nam nữ gặp nhau thì tác giả thường kể trước về việc trao gửi tâm tình qua những bức thư bằng hình thức waka[11], rồi khi hai bên gặp gỡ nhau thì hình thức bày tỏ tình cảm tao nhã nhất là gửi nỗi lòng vào tiếng nhạc. Như vậy là cả waka và âm nhạc đều có chức năng kép: nghệ thuật diễn xướng trong lễ hội cộng đồng và là phương tiện biểu đạt tình cảm trong đời sống cá nhân.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là sự tương đồng về bản chất của hai loại hình nghệ thuật. Và điều này trở nên rõ ràng khi ta so sánh quan niệm về waka trong lời tựa Cổ kim tập và với cách miêu tả sức lay động của âm nhạc trong Truyện Genji.
Lời tựa Cổ kim tập viết rằng:
Waka là hạt giống của tâm hồn con người, đã nảy nở thành lá của muôn vàn lời nói. Con người sống ở đời mang lấy bao nhiêu việc, nên đã dùng ngôn từ để bày tỏ nỗi lòng cùng những điều mắt thấy, tai nghe. Cứ lắng nghe tiếng oanh hót trong hoa, tiếng ếch kêu dưới nước, thì chắc hẳn không có sinh vật nào tồn tại mà lại không lên tiếng hát ca. Không cần sức mạnh mà lay động đất trời, khiến cho quỷ thần khuất mặt phải cảm động, tạo nên sự hòa hợp giữa nam và nữ, xoa dịu tâm hồn những võ sĩ dũng mãnh, ấy chính là waka.
Lời tựa này về sau đã được xem là “tuyên ngôn” về thơ quốc âm Nhật Bản, là phát biểu mang tính lý luận bằng văn bản sớm nhất về waka trong lịch sử thơ ca. Với lời tựa này thì waka khởi phát từ tâm hồn con người để đến với tâm hồn con người, là nguồn cảm xúc từ trái tim tìm đến với trái tim. Điều này trước hết là một sự trao gửi, một nhu cầu tự nhiên của sinh vật hữu tình. Nhưng quan trọng hơn là sự trao gửi ấy có khả năng tác động mạnh mẽ đến tâm hồn, tình cảm của đối phương, cảm hóa những tâm hồn thô ráp để tạo ra sự cảm thông, dịu dàng, hòa hợp.
Khả năng tác động ấy gần như đã được cụ thể hóa trong một tình tiết thú vị của Truyện Genji:
Ngài Genji tìm lấy cây đàn cất trong túi đã lâu không dùng đến và gảy vu vơ vài nốt nhạc. Mọi người xung quanh nhìn cảnh ấy đều nghe lòng xúc động, bao nỗi niềm thương nhớ và sầu muộn trào dâng. Còn khi ngài dốc tâm vào ngón đàn mà gảy khúc Quảng lăng thì từ khu nhà trên sườn đồi cũng nghe thấy tiếng nhạc hòa với tiếng thông reo trong gió và quyện lẫn cùng tiếng sóng âm vang, khiến cho những người trẻ tuổi có tâm hồn nhạy cảm đều rung động từ sâu thẳm cõi lòng. Ngay cả những người dân quê mùa lụ khụ sống đây đó quanh vùng, chẳng biết đấy là khúc nhạc gì mà cũng xôn xao kéo ra dãi gió ngoài bãi biển[12].
Rõ ràng chi tiết này được miêu tả theo lối thậm xưng. Khó có thể hình dung cảnh những người bình dân vì nghe một khúc nhạc mà mình không biết lại có thể “rung động” mãnh liệt đến nỗi cùng nhau kéo ra bờ biển làm nên cuộc hội tụ “xôn xao” một cách bất thường. Với lối miêu tả này, tác giả muốn nhấn mạnh khả năng lay động tình cảm, tâm hồn của âm nhạc, muốn thể hiện một cách ấn tượng sự lan tỏa cảm xúc từ trái tim đến trái tim. Tác giả không tả nhân vật Genji chơi đàn hay đến đâu, ngón đàn điêu luyện như thế nào, mà chỉ cho biết thoáng qua rằng Genji gảy đàn “vu vơ” để khuây khỏa lòng sầu muộn. Như vậy vấn đề ở đây không phải là kỹ thuật chơi đàn mà là sự bộc bạch nỗi lòng, sự gửi trao cảm xúc. Tiếng đàn có khả năng tác động ghê gớm đến thế giới xung quanh vì nó mang sức nặng của nỗi niềm bi ai trong lòng người chơi nhạc. Nỗi bi ai vượt quá tầm kiến giải của một cá nhân, trở thành số phận chung của những con người rơi vào những đam mê bất tận trong vòng sinh tử, cho nên sức nặng của nó có thể gây nên trạng thái “xôn xao” của cả một cộng đồng.
Kết hợp hai ví dụ nêu trên, chúng ta có thể nhận ra sự tương đồng về bản chất của waka và âm nhạc. Đó là con đường kết nối giữa tâm hồn với tâm hồn, là sự giãi bày thế giới nội tâm ở mức độ sâu xa, tinh tế nhất. Cũng chính vì điều đó mà âm nhạc cũng như waka đều đóng vai trò quan trọng trong nhiều cuộc diễn xướng cộng đồng. Khi ấy, waka và âm nhạc không chỉ là những hình thức khác nhau của nghệ thuật diễn xướng mà còn là phương tiện để dẫn dắt con người xích lại gần nhau, để mỗi tâm hồn đều được xoa dịu và hướng đến tinh thần sẻ chia, hòa nhã. Có lẽ cũng vì lý do này mà trong tiếng Nhật, từ “ca” (trong “waka”) trở thành tên gọi của thơ quốc âm, trong khi từ “thi” (trong “kanshi”) lại dùng để nói đến hình thức thơ chữ Hán được sáng tác theo thi pháp thơ Đường. Trong khi chữ “thi” mang lại cảm giác khuôn mẫu, mực thước của thơ chữ Hán đến từ nền văn minh lục địa thì chữ “ca” gợi cảm giác mềm mại và tinh thần phóng khoáng của âm nhạc, hội hè ở thời kỳ ban sơ của đời sống trên quốc đảo. Chữ “ca” gắn waka với ca dao Nhật Bản, với âm nhạc và nhạc tính trong ngôn ngữ của lễ hội cộng đồng vốn mang đậm sắc màu tôn giáo, tâm linh.
Lời kết
Tìm hiểu ý nghĩa văn hóa của nghệ thuật âm nhạc qua những tình tiết miêu tả các hình thức biểu diễn âm nhạc trong Truyện Genji là một đề tài thú vị. Tuy nhiên, vì Truyện Genji là một tác phẩm có quy mô lớn, nên để khai thác trọn vẹn đề tài này cần có sự khảo sát tỉ mỉ, đầy đủ và mang tính hệ thống. Bài viết này chỉ dừng lại ở việc kết nối vài chi tiết nổi bật để trình bày cảm nhận của người viết về ý nghĩa của âm nhạc trong đời sống cộng đồng và đời sống cá nhân, trên nền tảng của văn hóa truyền thống Nhật Bản thời quý tộc vương triều. Hy vọng đây sẽ là một gợi ý để mở ra những hướng tìm tòi, nghiên cứu sâu hơn về âm nhạc trong văn hóa Nhật Bản, từ nội dung trong tác phẩm văn học đến biểu hiện trong cuộc sống đời thường, từ thời kỳ của xã hội quý tộc, phong kiến đến thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1.      Gerald Groemer (2004), “The Rise of ‘Japanese Music’”, The World of Music, Vol. 46, No. 2, Japanese Musical Traditions, pp. 9-33, http://www.jstor.org/stable/41699564.
2.      Kazuo Fukushima and Steven G. Nelson (April-June 1996), “The documentary sources of Japanese music”, Fontes Artis Musicae, Vol. 43, No. 2, pp. 177-193, http://www.jstor.org/stable/23508621.
3.      小島菜温子(編集)Kojima Naoko biên soạn (2009),「源氏物語と和歌」(Genji monogatari và waka), 青簡.
4.      増田繁夫 Masuda Shigeo, 鈴木日出男 Suzuki Hideo biên soạn (2000), 「源氏物語研究集成」第十二巻『源氏物語と王朝文化』(Tổng tập nghiên cứu Genji monogatari, quyển 12 - Genji monogatari và văn hóa vương triều), 風間書房.
5.      岡野弘彦Okano Hirohiko (2010),「日本の心と源氏物語」(Genji monogatari với tâm hồn Nhật Bản), 思文閣出版.
東條沙織Tojo Saori (2008), 『「源氏物語」横笛の相伝』(Truyện Genji và câu chuyện về cây sáo), http://ci.nii.ac.jp/naid/120000994048.


* Bộ môn Nhật Bản học, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TPHCM.
[1] Ý nói mỗi vị trông coi một số tiết mục biểu diễn.
[2] Các trích dẫn về nội dung Truyện Genji trong bài viết này đều được trích dịch từ bản cổ ngữ紫式部 Murasaki Shikibu (1965), 「源氏物語」(Genji monogatari), 山岸徳平校注 (Yamagishi Tokuhei chú giải), 岩波書店, chương “Lễ hội mùa thu”.
[3] Theo phong tục thời Heian, trong những dịp hội hè ở cung đình thường tổ chức sáng tác thơ chữ Hán. Các chữ quy định để gieo vần được viết sẵn trên giấy, mọi người sẽ bóc thăm và theo đó mà làm thơ.
[4] Vũ khúc được du nhập từ Trung Hoa thời Đường.
[5] Murasaki Shikibu, Truyện Genji, tlđd, chương “Hội hoa đào”.
[6]松田義幸 (Matsuda Yoshiyuki),『民俗学から読む『源氏物語』』(Đọc Genji monogatari từ quan điểm nghiên cứu dân gian), in trong 岡野弘彦 (Okano Hirohiko), 「日本の心と源氏物語」(Tâm hồn Nhật Bản và Genji monogatari), 思文閣出版, 2009, tr. 146.
[7] Một loại nhã nhạc thời cổ, du nhập từ Trung Hoa thời Đường, tên khúc nhạc không rõ nghĩa.
[8] Murasaki Shikibu, Truyện Genji, tlđd, chương “Lễ hội mùa thu”.
[9] Murasaki vốn là một cô bé mồ côi mẹ, sống với bà ngoại và nhũ mẫu. Genji tình cờ nhìn thấy nàng trong lúc đi chữa bệnh ở ngôi chùa trên núi, gần nơi nàng đang ở. Chàng đem lòng si mê và tìm mọi cách để nhận làm người bảo trợ cho nàng và đưa nàng về tư dinh ở Nijo. Do vậy, Genji luôn cố gắng tìm cách để tạo sự thân thiết, xây dựng ở Murasaki sự tin cậy và tình cảm gắn bó với chàng.
[10] Murasaki Shikibu, Truyện Genji, tlđd, chương “Vịnh Akashi”.
[11] Chính vì vậy mà trong Truyện Genji có rất nhiều thơ waka xen vào. Tổng cộng có 795 bài waka trong 54 chương truyện.
[12] Trích dịch từ lời tựa Cổ kim tập (bản kana),「古今和歌集」Cổ kim tập (佐伯 梅友校注Saeki Umetomo chú giải), 岩波文庫, 1981.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét