Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

NGƯỜI NHẬT THỰC DỤNG HAY LÃNG MẠN?



Trong những năm gần đây, quan hệ ngoại giao Việt – Nhật phát triển tốt đẹp đã tạo nên nhiều thành tựu đáng mừng trong hợp tác kinh tế - văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Điều đó thể hiện khá rõ qua sự hiện diện của một số tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản ở Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp (FDI) tại các khu công nghiệp, qua kim ngạch viện trợ ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam, qua số lượng khách du lịch người Nhật đến Việt Nam cũng như số lượng lưu học sinh Việt Nam tại Nhật và nhiều chương trình giới thiệu văn hóa do Nhật Bản tổ chức tại Việt Nam hàng năm thông qua các cơ quan ngoại giao hoặc các quỹ giao lưu văn hóa. Vì vậy, ở một mức độ nào đó có thể nói rằng văn hóa Nhật Bản đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam trong đời sống hàng ngày.
Mặt khác, phải thừa nhận rằng trong sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn tồn tại không ít khó khăn. Biểu hiện dễ thấy của vấn đề này là những bất ổn về văn hóa trong quan hệ hợp tác Việt – Nhật. Nhiều bạn trẻ hiện nay thi vào ngành tiếng Nhật ở các trường đại học hoặc theo học các khóa tiếng Nhật tại các cơ sở đào tạo ngoại ngữ trên cả nước với mong muốn tìm được công việc mang lại thu nhập khá tại các công ty Nhật Bản ở Việt Nam, hoặc xa hơn nữa là mong muốn tìm được cơ hội sang Nhật du học và xây dựng một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng để sống và làm việc cùng người Nhật, năng lực tiếng Nhật là một yếu tố quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Cụ thể hơn, hiểu biết về văn hóa Nhật Bản cũng là một vấn đề then chốt để quan hệ hợp tác Việt – Nhật thành công và đạt hiệu quả cao. Không ít các trường hợp thất bại hoặc bất ổn khi người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản, hoặc trường hợp lưu học sinh Việt Nam cố gắng thích nghi với điều kiện sống ở Nhật, đều xuất phát từ vấn đề hiểu biết văn hóa, chứ không phải là vấn đề trình độ ngôn ngữ. Thậm chí những người sử dụng thành thạo tiếng Nhật và có nhiều kinh nghiệm giao lưu văn hóa với Nhật Bản cũng nhận thấy người Nhật là một dân tộc khó tính và... khó hiểu!
Thật ra, những khó khăn về văn hóa trong mối quan hệ Việt – Nhật, hay cảm giác “khó hiểu” của người Việt Nam khi “va chạm” văn hóa Nhật Bản, cũng không phải là điều kỳ lạ hay vô lý, khi chúng ta biết rằng văn hóa Nhật Bản – được thể hiện qua những sản phẩm văn hóa và thái độ, hành vi của người Nhật trong đời sống hàng ngày – dường như hàm chứa khá nhiều mâu thuẫn nội tại. Về vấn đề này, người viết xin đưa ra một ví dụ cụ thể như sau.
Trong đời sống hàng ngày cũng như trong các hoạt động kinh tế, suy nghĩ và hành động của người Nhật thường tỏ ra rất thực tế, thậm chí thực dụng. Họ nổi tiếng với tinh thần tiết kiệm và kiểu tính toán chặt chẽ, chi ly, cũng như thường đòi hỏi cao về tính cụ thể, tính hiệu quả trong tư duy, sách lược và hành động. Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn đề cao những sáng kiến của nhân viên nhằm giảm thiểu chi phí và tăng hiệu suất kinh tế. Quản lý trong các doanh nghiệp thường xuyên yêu cầu nhân viên báo cáo tình hình công việc, những khó khăn gặp phải và hướng giải quyết khó khăn một cách cụ thể, rõ ràng. Tố chất này ở người Nhật Bản được xem là một yếu tố quan trọng giúp nước Nhật nhanh chóng khắc phục những khó khăn về nhiều mặt sau Chiến tranh thế giới thứ hai để vươn lên thành cường quốc kinh tế ở Đông Á và trên thế giới.
Mặt khác, những ai đã từng trải nghiệm cuộc sống ở Nhật Bản – dù trong thời gian ngắn – cũng dễ có ấn tượng về sự phát triển nghệ thuật ở đất nước này. Các bảo tàng mỹ thuật có mặt ở khắp nơi, trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại và tổ chức nhiều cuộc triển lãm quy mô lớn. Chỉ cần đi dạo loanh quanh trong một thành phố nhỏ, khách bộ hành cũng dễ dàng bắt gặp những bức tượng lạ mắt trên đường phố hoặc trong các công viên. Đặc biệt, nhiều tác phẩm mỹ thuật hiện đại của Nhật Bản thể hiện nghệ sĩ sáng tạo nên tác phẩm có năng lực tưởng tượng đáng khâm phục. Bên cạnh đó, người Nhật còn được biết đến trên khắp thế giới với nghệ thuật uống trà độc đáo được thực hiện như một nghi lễ trang nghiêm, trong đó cả người pha trà và người uống trà đều tốn nhiều công phu và thời gian mà chẳng đạt được lợi ích thực tế nào so với những cách uống trà thông thường khác.
Vậy thực ra người Nhật là một dân tộc thực dụng hay lãng mạn?
Để trả lời câu hỏi này, người viết xin nêu thêm một ví dụ cũng rất dễ thấy trong đời sống hàng ngày ở Nhật. Truyền hình Nhật Bản thường gửi đến khán giả những khuôn hình rất đẹp về nông sản và công việc của nhà nông. Đó là hình ảnh về bông lúa từ lúc mới hình thành cho đến khi vàng ruộm, hình ảnh người nông dân cẩn thận tỉa bớt những quả táo còn non và quan sát ánh nắng mặt trời để tỉa từng chiếc lá quanh những quả còn lại trên cành, sao cho tất cả những quả táo được chọn lọc và chăm sóc đều có đủ ánh sáng để chín đều và đẹp trong điều kiện phát triển tốt nhất v.v... Với cảm nhận thoáng qua, những hình ảnh kiểu này đúng là minh họa cho sự khó tính đến mức khó hiểu của người Nhật! Tuy nhiên, nếu có cái nhìn trầm tĩnh và tâm hồn nhạy cảm để suy nghĩ sâu hơn, người quan sát sẽ nhận ra tinh thần “sống hết mình” của người Nhật được thể hiện qua những hình ảnh ấy.
“Sống hết mình” nghĩa là trân trọng nguồn sống và những giá trị tạo nên ý nghĩa cuộc sống đang hiện diện rất bình thường và gần gũi quanh ta. Trong một bông lúa chín vàng, một quả táo tròn đầy có công sức quý báu của người lao động mà cũng có cả sự kỳ diệu của thiên nhiên. Thiên nhiên Nhật Bản đủ khắc nghiệt để người Nhật thấm thía điều này nhưng cũng đủ tươi đẹp để họ sống hết mình vì những giá trị tưởng chừng nhỏ nhặt. Cả tinh thần thực tế và sự lãng mạn đều được tích hợp trong thái độ “sống hết mình” như thế, nên người Nhật có thể tỉ mỉ đến mức đi tỉa từng chiếc lá trên cành táo và cũng có thể thưởng thức vẻ đẹp của những bông lúa như những tuyệt tác của tự nhiên.
Nếu tìm hiểu rộng hơn, sâu hơn về văn hóa Nhật Bản, chúng ta sẽ thấy nhiều biểu hiện mâu thuẫn khác trong cách nghĩ và lối sống của người Nhật cũng xuất phát từ tinh thần “sống hết mình”. Chẳng hạn người Nhật sản xuất ra vô số sản phẩm tiện ích để tận hưởng cuộc sống bằng mọi hình thức, trong mọi hoàn cảnh nhưng mặt khác lại nổi tiếng là một dân tộc hay tự sát, đặc biệt là trong trường hợp có liên quan đến vấn đề danh dự. Những thái độ và hành vi của người Nhật được cả thế giới khen ngợi sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 cũng là những biểu hiện của tinh thần “sống hết mình” trong nghịch cảnh.
Trong “thế giới phẳng” được hỗ trợ bởi rất nhiều phương tiện hiện nay, “khoảng cách” giữa con người với con người, giữa quốc gia với quốc gia được thể hiện và cảm nhận trong văn hóa, tư tưởng hơn là trong không gian địa lý. Cho nên, hiểu văn hóa của một dân tộc là điều kiện không thể thiếu để mọi hoạt động hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân diễn ra và phát triển tốt đẹp. Với những điều nói trên, người viết mong muốn chia sẻ cùng bạn đọc một chút ghi nhận về văn hóa và con người Nhật Bản, hy vọng rằng quan hệ hợp tác Việt – Nhật sẽ phát triển theo hướng hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích kinh tế và văn hóa cho cả hai bên trong thời gian sắp tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét