Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

“NHẬT BẢN TAM CẢNH” – NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VỀ VỚI THIÊN NHIÊN



Khái niệm “Nhật Bản tam cảnh” đến với tôi một cách rất tình cờ. Sau một lần đặt xe buýt đường dài của hãng xe Orion, tôi nhận được thông tin quảng cáo của hãng này qua thư điện tử. Hôm ấy tìm xong tài liệu ở thư viện thì còn vài chục phút nữa mới đến giờ hẹn gặp giáo sư. Thấy khu vực để máy tính dành cho bạn đọc đang có nhiều khoảng trống, tôi chợt nhớ mình cần lục lại email để tìm số điện thoại một người bạn nên sẵn tiện đến ngồi một chút để tra cứu linh tinh.
Vì không dùng máy để soạn thảo văn bản, và trong khi dùng máy cũng chẳng lưu trữ được thông tin để sử dụng cá nhân nên tôi không vội vã hay mải mê lang thang trên nhiều website như thường lệ. Đang lúc rỗi rãi, tôi bèn mở email quảng cáo ra xem. Nhìn thấy tuyến Tokyo – Sendai với cước phí thấp hơn nhiều so với sự hình dung của tôi về một chuyến đi lên vùng Đông Bắc, tôi thầm nghĩ “Hay mình tranh thủ mấy ngày lên chơi ở Sendai”. Trước đó, tôi chỉ biết loáng thoáng rằng Sendai là một thành phố lớn của vùng Tohoku, là một trong những nơi bị thiệt hại khá nhiều trong thảm họa động đất, sóng thần năm 2011. Nhưng để có một chuyến tham quan hữu ích thì cần tra cứu thêm một chút thông tin.
Mở ngẫu nhiên một trang cung cấp thông tin về du lịch, tôi ngớ ra khi nhìn thấy địa danh Matsushima – một cái tên rất quen và rất được đề cao trong văn học cổ điển Nhật Bản. Thì ra Matsushima là thắng cảnh nổi bật nhất ở nơi này. Tôi có cảm giác gần như tự hổ thẹn vì mình nhất thời không nhớ ra điều đó.
Đọc thông tin chi tiết hơn một chút, tôi được biết Matsushima là một nơi trong “Nhật Bản tam cảnh”, và không thể nào bỏ qua khái niệm mới gặp này. Tôi lại “lang thang” theo những đường dẫn mở ra rất dễ dàng trên màn hình máy tính, để được biết hai địa danh còn lại là Amanohashidate ở ngoại vi thành phố Kyoto và đảo Miyajima thuộc tỉnh Hiroshima. Mừng vì hai “cảnh” ấy thuộc về những trọng điểm trong “bản đồ du lịch” mà tôi đã phác họa cho những ngày sắp tới, tôi lại càng thích thú vì cái thư quảng cáo kia đã tạo điều kiện cho mình phát hiện “cảnh” thứ ba trong lúc còn khả năng thu xếp thời gian.
Thật ra thì tôi không quá lệ thuộc vào những danh hiệu hay danh mục đề cử, bầu chọn nào đó, đặc biệt là khi tìm đến với những giá trị phù hợp với tính cách của mình. Nhưng tôi biết mình có quá ít thời gian ở nơi này và không nhiều lắm thông tin về mọi mặt, nên cố gắng tận dụng tất cả những nguồn tin có giá trị tham khảo như một kẻ dẫn đường, rồi sau đó mới đi vào quá trình tìm hiểu và cân nhắc, trước khi quyết định và lên kế hoạch chi tiết để “tiêu xài” tiền bạc, thời gian. Với cách ấy, thông tin về “Nhật Bản tam cảnh” hay “Nhật Bản tam danh viên” đều đến với tôi một cách tình cờ và được tôi lựa chọn sau quá trình tra cứu (trừ Kenrokuen là nơi đã được cơ quan giao lưu văn hóa Nhật Bản lựa chọn và giới thiệu, trước khi tôi được biết đó là một “danh viên”).
Những thông tin đọc được trên internet cho tôi biết danh mục của “Nhật Bản tam cảnh” đã có sự thay đổi theo thời đại, và danh mục gần đây đề xuất nhiều “tân cảnh” rất đáng để tham quan. Dĩ nhiên mỗi cảnh đẹp thiên nhiên đối với tôi đều là một chân trời vẫy gọi, nhưng dù cho danh mục có thay đổi thế nào thì “sức nặng” của cái tên Matsushima đối với tôi vẫn không hề suy suyển. Tôi muốn được tận mắt nhìn cảnh vịnh biển có nhiều thông nơi ấy, để “thấm” được cảm giác làm cho Basho phải thốt lên trong một bài haiku độc đáo như một công án Thiền. Thế là tôi hăm hở lên đường trong một đêm vừa bước sang tháng chín, khi Tokyo vẫn oi ả bứt rứt trong những ngày hè dai dẳng còn sót lại cuối mùa.
Sendai đón tôi bằng gương mặt yên ả dịu dàng của buổi sáng đầu thu vùng Đông Bắc. Ấn tượng đầu tiên của tôi về nhà ga trung tâm của Sendai là sự rộng mở và náo nhiệt của cả một “khu phố” nằm chìm trong lòng đất, với lối đi thênh thang và dài tít tắp có những hàng cột sáng choang biển quảng cáo và luôn luôn rầm rập bước chân người. Nghe nói đây là nhà ga mới được tái thiết sau khi bị thiệt hại khá nặng trong đợt thiên tai xảy ra vào tháng 3 năm 2011. Không rõ mức độ thiệt hại như thế nào và công trình khôi phục của người địa phương đã vất vả, tốn kém ra sao, tôi chỉ có cảm giác rằng cảnh hoành tráng của ga Sendai tấp nập và hiện đại cứ như một nụ cười ngạo nghễ của xứ sở ngoan cường đã nhận lấy định mệnh phải sống cùng với thiên nhiên khắc nghiệt!
Những chuyến tàu địa phương ở đây cũng khiến tôi ngạc nhiên vì ghế ngồi có vẻ rất sang trọng, khác hẳn với tàu điện Tokyo chỉ có hai dãy ghế chạy dọc theo thành tàu gợi cảm giác của xe buýt nội đô, do phải đối ứng với lượng khách đi tàu quá đông vào giờ cao điểm. Với một ít thông tin tra cứu được, tôi “dò dẫm” hết lên tàu, xuống tàu rồi lại tìm xe buýt địa phương để tham quan một số nơi được giới thiệu trên các website du lịch.
Và tôi dành riêng một buổi chiều để tìm đến thắng cảnh Matsushima.
Đường sắt đi từ ga Sendai đến ga Matsushima mất hơn ba mươi phút, với khoảng một phần ba đoạn đường chạy dọc theo bờ biển, khiến tôi vừa thích thú nhìn phong cảnh đang mở ra trước mắt vừa hồi hộp nhìn lên biển báo xem đã đến ga mình cần xuống hay chưa.
Xuống tàu, tôi đi bộ một vòng cung ngắn trên bờ vịnh thì gặp bến du thuyền. Thế là cũng xếp hàng theo mọi người mua vé và lên thuyền ngoạn cảnh. Tôi vốn không có nhiều cảm xúc với biển khơi nhưng khi đứng trên du thuyền đợi giờ xuất phát, nhìn hải âu chao lượn từng đàn trên sóng nước, cứ đỗ xuống mạn thuyền rồi tung cánh bay lên, trong khoảnh khắc tôi cảm nhận được cả sự dữ dội mênh mông và nét thân thương, dịu dàng của biển. Và lần đầu tiên tự “đãi” mình cảm giác của một người đang vẫy chào bờ bến để “ra khơi”!
Trong năm mươi phút dạo chơi trên chuyến du thuyền, tôi đã được thoải mái thả hồn vào mênh mang sóng nước và tha hồ chụp ảnh những đảo thông muôn hình muôn vẻ cứ thay nhau hiện rõ dần trước mắt để rồi sau vài phút lại khuất dần vào màu xanh vô tận của vịnh biển bao la. Loa phát thanh trên du thuyền thuyết minh chi tiết về vẻ đẹp thiên nhiên và ý nghĩa du lịch của Matsushima, về hình dáng và nét đẹp đặc trưng của từng cụm đảo trên vịnh, về những tổn thất mà đợt thiên tai năm 2011 gây ra cho vịnh biển v.v... nhưng tôi không thể tập trung để lắng nghe tường tận vì mải mê ngắm cảnh đẹp bên ngoài ô cửa kính và liên tục xoay trở tìm góc độ hợp lý để ghi hình.
Năm mươi phút cứ tưởng là khá dài nhưng loáng cái thuyền đã quay về bến. Cũng vừa lúc mặt trời khuất vào mây nên mới hơn bốn giờ chiều mà không gian sẫm lại, mặt biển cũng mất đi màu xanh sáng mà tôi đã may mắn ghi được bằng máy ảnh trước đó không lâu. Xong chuyến du ngoạn qua các đảo nhưng khung cảnh thiên nhiên rộng mở ở nơi này cứ níu chân tôi lại. Vì cũng chẳng có gì phải vội vàng nên tôi quyết định đi tản bộ khắp xung quanh cho đến khi trời tối.
Nhờ cái quyết định ngẫu hứng kia mà tôi có cơ hội ngắm nhìn và ghi thêm một số hình ảnh đẹp. Tôi tình cờ phát hiện con dốc nhỏ dẫn lên thành Sendai trong lúc đi lang thang ở công viên chạy dọc theo bờ biển. Cũng là kiến trúc kiểu thành quách phổ biến thời lãnh chúa nhưng thành Sendai chỉ là một lâu đài nho nhỏ so với những tòa thành uy nghiêm, cao rộng và nổi bật về tính năng quân sự như thành Osaka ở Kansai hay thành Kumamoto ở Kyushu. Có lẽ vì dáng vẻ khiêm tốn như vậy nên mặc dù nằm ngay bên bờ vịnh Matsushima nhưng thành Sendai không phải là một điểm đến thu hút nhiều du khách. May mắn là lúc tôi vào mua vé tham quan thì có một du khách Nhật cũng mới bước vào. Một người đàn ông trung niên và tầm thước, không hẳn phong trần nhưng cũng toát ra cái vẻ đặc trưng của kiểu người trầm lặng thường đi du lịch “bụi” một mình. Hai người lặng lẽ nối tiếp nhau leo hết đoạn cầu thang này sang đoạn cầu thang khác, lặng lẽ xem những tấm ảnh và vật lưu niệm bày trong các gian phòng, rồi cuối cùng gặp nhau ở ban công chìa ra phía ngoài gian phòng chính của tầng cao nhất. Tuy chỉ là một đoạn hành lang hẹp nhưng quả là một vị trí lý tưởng để ghi hình, đặc biệt là hình toàn cảnh vịnh Matsushima nhìn từ trên cao xuống, đủ gần để nhìn thấy những đảo thông có hình dáng đẹp và đủ xa để ghi được tầm nhìn bao quát, để phủ lên bức hình chút khói sương bảng lảng của buổi chiều thu nhẹ và ngân như một nốt nhạc trầm. Nhờ có vị khách Nhật cùng đến tham quan thành Sendai hôm ấy mà tôi đã có được tấm ảnh lưu niệm ở góc ban công nhỏ hẹp mà lý tưởng như một đài vọng cảnh, với gió lùa trong tóc và những cụm thông của vịnh Matsushima thấp thoáng phía sau lưng...
Sau khi tạm biệt lâu đài nhỏ bé, tôi còn lang thang thêm một hồi lâu nữa quanh bờ vịnh, rồi lên cây cầu dài màu đỏ dẫn ra một hòn đảo có diện tích kha khá để tham quan. Thỉnh thoảng tôi lại gặp một nhóm du khách cũng đang đi dạo loanh quanh trên con đường mòn len lỏi dưới những gốc tùng cổ thụ. Vài nhóm học sinh người địa phương đang vui đùa trong những căn chòi hình lục giác – một kiểu bố trí chỗ ngồi dành cho những sinh hoạt dã ngoại, khiến tôi thầm ghen tỵ với những bạn trẻ người Nhật sinh trưởng ở nơi này. Khi dừng chân ở doi đất nhô ra biển là điểm cuối của một nhánh đường mòn, tôi tranh thủ bấm máy thêm vài lượt và nhận ra bóng hoàng hôn đã chuyển sang màu thẫm. Biết rằng đã đến thời điểm kết thúc của một chuyến lang thang trên vịnh suốt buổi chiều nhưng tôi không hề có cảm giác bất an khi một mình đứng trên doi đất vắng người và lộng gió, cũng như trên suốt đoạn đường không bóng người nhưng rậm rạp cỏ cây dẫn tôi trở lại chiếc cầu bắc qua bờ vịnh.
Sau cái buổi chiều lang thang ấy, tôi mới nhận ra, một cách rất chân thành, rằng ký ức của tôi về Matsushima không giống như ký ức về một thắng cảnh nổi bật, một vẻ đẹp độc đáo làm cho khách du sửng sốt, mà đúng hơn là ký ức về một vùng thiên nhiên phong phú, rộng mở nhưng lại rất thâm trầm. Tôi đã tìm đến Matsushima với tâm thế của một du khách đi tìm một tuyệt cảnh được nhiều người ngưỡng mộ, nhưng ở điểm đến thì Matsushima không còn là một khách thể hùng vĩ đối diện với con người tìm kiếm trong tôi. Matsushima trở thành một vòng tay đón tôi vào thế giới thiên nhiên thân thuộc dịu dàng và mênh mông bất tận. Con người tìm tòi, khám phá của cá nhân tôi không biết tự lúc nào đã trượt vào thế giới êm dịu bao la ấy, nên đã quan sát, cảm nhận mọi điều bằng cái cách của một sinh vật nhỏ bé chìm đắm giữa thiên nhiên, chứ không phải bằng đôi mắt của một người xem cảnh quan là một thứ khách thể để thẩm định và phán xét.
Điều thú vị là tâm thức ấy không phài chỉ là kinh nghiệm một lần của tôi với Matsushima. Đó là những trải nghiệm khó quên của tôi trong những cuộc du hành tìm đến bao nhiêu vùng thiên nhiên tươi đẹp, trong đó có “Nhật Bản tam cảnh” và nhiều danh thắng trên khắp mọi miền đã từng cuốn hút bước chân tôi.
Chuyến đi đến Amanohashidate từ ga Kyoto, và sau đó là chuyến ra đảo Miyajima từ ga Hiroshima, cũng là kiểu trải nghiệm như vậy.
Amanohashidate là tên một thắng cảnh nổi tiếng ở vịnh Miyazu thuộc Maizuru – một thành phố phụ cận Kyoto. Từ ga Kyoto đến vịnh Miyazu mất khoảng hai tiếng đồng hồ, và du khách có thể lựa chọn phương tiện di chuyển là tàu hỏa hay xe buýt.
Với bản tính “tham lam” muốn biết nhiều cung đường khác nhau trong những chuyến du hành, tôi đã chọn cách... sử dụng cả hai phương tiện. Đi bằng xe buýt và về bằng tàu hỏa. Chỗ ngồi trên xe buýt thì không thoải mái bằng chỗ ngồi trên một toa tàu rộng nhưng tuyến đường xe buýt thường linh hoạt ngoằn ngoèo, nên ngồi trên xe cũng dễ được thưởng thức nhiều bức tranh phong cảnh khác nhau.
Nếu như ký ức của tôi về buổi chiều ở Matsushima là một bức tranh tương đối tĩnh với hoạt động chủ yếu là nhìn ngắm, thì kỷ niệm về chuyến tham quan Amanohashidate lại là một đoạn phim, trong đó khung cảnh được quan sát liên tục thay hình đổi dạng do sự thay đổi vị trí của người quan sát. Du thuyền ở Matsushima đi theo một tuyến đường khép kín, nên cảm giác của tôi khi ấy là mình vẫn chỉ đang loanh quanh một chỗ để ngắm nhìn. Còn du thuyền ở Amanohashidate thì lại đưa tôi đi dọc theo hòn đảo kỳ lạ như một “chiếc cầu thần” vắt qua vịnh biển. Tôi có điểm dừng chân hẳn hoi để tránh rét tạm thời, thậm chí có thể đi dạo quanh khu phố, tham quan các đền chùa gần đấy nếu thích thú và có đủ thời gian. Nhưng khi ấy ngoài trời đang gió mạnh và mưa bay lất phất. Sóng biển xô liên tục và phủ bọt trắng xóa lên chỗ cầu tàu, khiến cho các nhân viên của dịch vụ du thuyền vừa đón khách lên bờ đã vội vã đưa khách vào gian phòng dành để nghỉ chân và luôn miệng cảnh báo, ngăn cản những du khách trẻ tuổi muốn nán lại chụp ảnh gần mép nước. Tôi không muốn làm phiền những người đầy trách nhiệm với nghề như vậy nên ngoan ngoãn chui vào phòng chờ tìm lấy một chỗ ngồi dễ chịu, nhân tiện tìm mua một cốc đồ uống nóng ở máy bán hàng tự động ngay gần đó, rồi nhìn qua ô cửa kính ngắm cảnh biển bên ngoài. Nhưng ngồi được một lúc thì con người quan sát trong tôi lại bắt đầu cựa quậy. Tôi nhìn theo các bạn trẻ cứ thường xuyên ra vào qua cánh cửa nhỏ cuối gian phòng, tự nhủ mình cũng nên thử không khí bên ngoài một chút.
Bên ngoài trạm dừng chân của dịch vụ du thuyền là công viên chạy dọc theo bờ biển. Tôi khám phá ra rằng mình có thể nhìn bao quát cảnh vịnh để ghi hình thoải mái mà không phải đến chỗ cầu tàu, chỉ cần đi dọc theo công viên một quãng cho đến khi tầm nhìn không còn vướng những chiếc du thuyền đang cập bến. Giữa công viên và bãi biển có một bức tường chắn sóng nên các nhân viên dịch vụ không cần phải nhắc nhở hành khách đi dạo ở quãng này, và bức tường không quá cao để cản trở du khách cần chụp ảnh. Điều đáng tiếc duy nhất là thời tiết lúc ấy đang biến động bất thường. Trời âm u nên biển cũng thẫm màu và khật khừ cuộn sóng. Gió lồng lộng thổi còn mưa thì lúc tạnh lúc rơi. Tôi loanh quanh một lúc, chụp được vài tấm ảnh thì lại phải quay về gian phòng đợi để tránh mưa, sưởi ấm. May mắn là sau mấy lần tôi “nhấp nhổm” kiểu ấy thì mưa nhẹ hạt hẳn đi, màu mây xám nhạt dần và mặt trời sắp lặn bỗng tạo nên một vầng sáng rực hồng rất đẹp phía chân mây. Tôi sung sướng ghi hình thắng cảnh lúc hoàng hôn mà cứ cảm giác như mình đang được nhận một ân huệ thiêng liêng từ bàn tay vô hình của thiên nhiên vĩ đại, ngỡ như có một vị thần nào đó vì thương hại cho con người quan sát trong tôi mà vén tạm vầng mây cho tôi được ngắm nhìn vịnh biển hoàng hôn trong chốc lát!
Cảm giác có vẻ “thần bí” ấy còn quay lại với tôi nhiều lần nữa trong những chuyến du hành. Nhưng đặc biệt để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất là lần tham quan hồ Biwa, cũng vào một buổi chiều trời thoắt mưa thoắt tạnh, và lần tôi ngắm vịnh Miyajima từ chuyến phà đưa khách du ra đảo.
Về sau, có lần nhân nói chuyện du lịch và những thắng cảnh ở nơi này nơi khác, một đồng nghiệp người Nhật hỏi tôi thích nhất cảnh đẹp nào ở “Nhật Bản tam cảnh” mà tôi đã tham quan. Đây quả là một câu hỏi khó trả lời, vì cứ sau mỗi cuộc du hành thì mỗi điểm đến đều trở thành một mảng ký ức đẹp trong tôi, với những hình ảnh gắn liền với đặc trưng cảnh quan khó mà so sánh theo kiểu hơn thua, cao thấp. Nhưng sau một hồi lục lọi trong ký ức, tôi nhận ra hình ảnh có vẻ rạng rỡ nhất là cảnh vịnh Miyajima lúc chiều tà. Thành thật chia sẻ cùng đồng nghiệp, tôi chỉ nghĩ rằng mình đang trình bày một kinh nghiệm rất cá biệt và rất chủ quan, không ngờ lại nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt vì đồng cảm! Phải chăng điều đó cũng là một món quà dễ chịu dành cho những ai đã lặn lội vất vả qua nhiều cuộc du hành?
Nói Miyajima đẹp hơn Matsushima hay Amanohashidate thì không hẳn đúng. Chỉ là trong ký ức của tôi thì cảnh trời chiều ở Miyajima lung linh hơn với quầng mây trên cao và mặt nước dưới biển phản chiếu ánh mặt trời rực rỡ. Khoảnh khắc ấy tôi lại đang di chuyển qua vịnh biển trên một chuyến phà. Ấn tượng về cảnh quan trong tôi luôn được tô đậm thêm nhờ cảm giác thích thú khi “xê dịch”. Theo một cách nào đó, có thể hình dung rằng trong kho ký ức của tôi về “Nhật Bản tam cảnh” thì những hình ảnh về Miyajima được ghi lại nhiều nhất trong tư thế “động” và lưu giữ được khoảnh khắc lung linh nhất của một buổi hoàng hôn trên vịnh biển. Ấn tượng của tôi về Miyajima “đậm” hơn hai trường hợp còn lại chính là vì khoảnh khắc này chăng?
Nói “đậm” hơn toàn bộ cũng không chính xác. Chỉ là sự ngưng đọng tự nhiên của ký ức mà thôi. Trước khi tìm đến thắng cảnh này, mỗi lần nghe nhắc đến địa danh Miyajima hoặc Itsukushima là trong đầu tôi lại hiện lên bức ảnh chụp cổng “đền nổi” Itsukushima đỏ rực, nhưng sau chuyến tham quan lần ấy thì cảnh hoàng hôn trên mặt biển đã thay thế cho hình ảnh quảng cáo truyền thống đã trở nên quen thuộc như một biểu tượng về thắng cảnh của Hiroshima. Và bao giờ cảnh hoàng hôn rực rỡ lung linh ấy cũng dừng lại trong đầu tôi một lúc, rồi cuốn phim hồi ức mới chầm chậm chuyển sang cảnh công viên trên đảo với những đôi mắt nai ngơ ngác hiền lành, rồi cuối cùng mới đến hình ảnh ngôi “đền nổi” bề thế nghiêm trang đang nhìn ra mênh mông sóng nước...
Cho nên, trong ký ức của tôi thì “Nhật Bản tam cảnh” không phải là những bức tranh “tĩnh vật” gây chấn động thị giác người xem, mà là những nẻo đường đưa khách du tìm về với những vùng thiên nhiên đẹp trong vẻ thâm trầm, nên thơ, trong trẻo. Nói là “những nẻo đường” bởi đường đi quan trọng hơn điểm đến. Điểm đến chỉ trình hiện cảnh quan còn đường đi chở theo bao mong chờ, luyến lưu, hoài niệm v.v... Ở điểm đến khách du chỉ là người quan sát, còn trên đường đi thì, vẫn người khách ấy, có khi vừa quan sát vừa tìm kiếm, hay vừa quan sát vừa mơ mộng, nhớ nhung.
Trên đất Nhật, tôi đã thực hiện nhiều chuyến đi dài và tốn kém chỉ vì một điểm đến hấp dẫn, vì chút lòng mê chấp của một kẻ vô minh, nhưng ký ức của tôi về cuộc hành trình ấy bao giờ cũng đẹp nhất, sáng rõ nhất ở quãng đường mà tôi thả hồn theo đam mê dịch chuyển. Một thứ kết quả ngoài mong đợi nhưng lại rất đáng yêu. Như chuyến đi thăm hồ Towada mang lại cho tôi những thước phim ký ức tuyệt đẹp về núi rừng ở miền Đông Bắc. Chuyến đi tìm núi lửa Aso khiến tôi muốn tan ra trên thảo nguyên mùa đông thăm thẳm một sắc vàng êm dịu. Hay cuộc hành trình đến Nikko, qua đoạn đường quanh co bên sườn núi cháy rực những lá vàng lá đỏ, đã giúp tôi thấu hiểu cảm xúc của các thi nhân xứ Phù Tang muốn thông qua cái chết để hóa thân vào thiên nhiên mênh mông bất tuyệt v.v...
Bao nhiêu “cảnh” là bấy nhiêu đểm đến. Còn những nẻo đường du hành thì vẫn trải ra bất tận đón bàn chân du khách từ ngàn xưa cho đến ngàn sau!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét