Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

PHÁI SHIRAKABA TRONG TIẾN TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA VĂN HỌC NHẬT BẢN



Nói một cách chặt chẽ thì sự tồn tại của phái Shirakaba chỉ là khoảng thời gian mà các nhà văn trong nhóm này thực hiện tạp chí văn nghệ Shirakaba, nghĩa là từ năm 1910 đến năm 1923. Mười ba năm không hẳn là một khoảng thời gian dài đối với một sự nghiệp văn chương cũng như sự tồn tại của một tạp chí văn nghệ. Nhưng với 160 số tạp chí được phát hành trong khoảng thời gian ấy cùng với nhiều hoạt động khác trong lĩnh vực văn chương, mỹ thuật và cả trong đời sống xã hội, các nhà văn nhóm Shirakaba đã thực sự có đóng góp lớn cho tiến trình hiện đại hóa văn học và cho việc phát triển ngành mỹ thuật hiện đại ở Nhật Bản đầu thế kỷ XX.
Sự xuất hiện và tồn tại của tạp chí Shirakaba thời Taisho không chỉ là một thành công về hoạt động văn nghệ của các nhà văn – nghệ sĩ nhóm Shirakaba mà còn là một thành tựu quan trọng của tiến trình hiện đại hóa văn học – nghệ thuật Nhật Bản sau cải cách Minh Trị. Tạp chí Shirakaba trước hết đã thực hiện tốt vai trò cơ quan ngôn luận của bút nhóm, là cửa sổ để các nhà văn – nghệ sĩ trong nhóm giao lưu với các nghệ sĩ, trường phái văn học nghệ thuật khác cùng hoạt động trong đời sống văn nghệ thời Taisho và qua đó khẳng định quan điểm nghệ thuật riêng của Shirakaba.
Ở đây cần nói thêm rằng báo chí nói chung và các tạp chí văn nghệ nói riêng là một phần quan trọng của đời sống văn nghệ Nhật Bản thời hiện đại. Đã có nhiều tạp chí văn nghệ được sáng lập trong tiến trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản, chủ yếu là giai đoạn từ cải cách Minh Trị đến trước chiến tranh Thế giới thứ hai. Tạp chí Hototogisu do nhà thơ Masaoka Shiki sáng lập, là diễn đàn chủ yếu của trường phái thơ haiku cách tân. Subaru được thực hiện bởi sự cộng tác của Mori Ogai và vợ chồng nhà thơ Yosano Tekkan – Akiko, đăng nhiều thơ tự do và sáng tác của các nhà văn theo trường phái lãng mạn. Tạp chí Zamboa do nhà thơ Kitahara Hakushu chủ biên, về sau cũng trở thành diễn đàn của các nhà văn, nhà thơ thuộc trường phái lãng mạn. Tạp chí Shinshicho do nhà biên kịch Osanai Kaoru sáng lập, về sau được điều hành bởi một nhóm cựu sinh viên trường Đại học Tokyo. Ngoài ra còn có nhiều báo hoặc tạp chí thông thường, có nội dung tổng hợp nhưng cũng được biết đến như là nơi giới thiệu nhiều tài năng văn học, nhiều sáng tác văn chương giá trị như Chuo koron, Asahi v.v...
Trong tiến trình hiện đại hóa văn học, những tạp chí kể trên đều được sử dụng như một diễn đàn rộng rãi để các nhà văn, nghệ sĩ công bố sáng tác mới, bày tỏ ý kiến phê bình về những sáng tác của các cây bút đương thời, giới thiệu những thành tựu kinh điển của văn học thế giới hoặc tác phẩm mới của văn học phương Tây và cung cấp cho độc giả những thông tin bổ ích về hoạt động văn hóa – văn nghệ trong và ngoài nước. Nhờ có hoạt động của các tạp chí văn nghệ mà các trường phái văn nghệ, các nhà văn – nghệ sĩ biết đến sáng tác của nhau, trao đổi ý kiến về sáng tác nghệ thuật và về tác phẩm của nhau, phê bình, học hỏi và kế thừa nhau để cùng xây dựng nền văn học Nhật Bản hiện đại.
So với các tạp chí đương thời thì Shirakaba cũng thực hiện đầy đủ các vai trò của một tạp chí văn nghệ điển hình. Các nhà văn – nghệ sĩ nhóm Shirakaba đã thông qua tạp chí để giới thiệu rộng rãi những sáng tác mới có khả năng gây chú ý trên văn đàn, những bài lý luận phê bình có giá trị và nhiều thông tin về các nghệ sĩ lớn trên thế giới, về hoạt động văn hóa – văn nghệ ở các nước phương Tây. Đặc biệt, tạp chí này được sáng lập và thực hiện bởi một nhóm nhà văn – nghệ sĩ đồng trang lứa, quen biết nhau từ lúc còn là học sinh trường Gakushuin, trong khi những tạp chí đương thời thường do một nhà văn hay nhà thơ có tài năng và uy tín đứng ra sáng lập. Được điều hành bởi một nhóm người trẻ tuổi bằng nguồn tài chính do các thành viên tự đóng góp và được duy trì liên tục suốt 13 năm, tạp chí Shirakaba là minh chứng rõ ràng cho tinh thần yêu văn nghệ và ý chí dấn thân vì hoạt động văn nghệ của các nhà văn trong nhóm, đồng thời cũng là một thành công hiếm thấy của việc hợp tác cùng bằng hữu trong lĩnh vực làm báo, viết văn.
Nhưng điều quan trọng là tạp chí Shirakaba đã thể hiện một sự dung hợp hài hòa hai lĩnh vực văn chương và mỹ thuật trong hoạt động văn nghệ của phái Shirakaba. Được biết đến như một tạp chí văn nghệ nhưng nét đặc trưng của Shirakaba so với các tạp chí văn học đương thời là khuynh hướng nhấn mạnh yếu tố mỹ thuật, như nhận xét của nhà nghiên cứu Nishimura Shuko:
Shirakaba là một tạp chí văn nghệ được thực hiện theo chủ trương của Mushanokoji Saneatsu nhưng đồng thời cũng thể hiện rõ ràng đặc điểm của một tạp chí mỹ thuật. Những thành viên của nhóm Shirakaba có mong muốn tiếp nhận mỹ thuật phương Tây, đã viết phê bình mỹ thuật đăng trên tạp chí, tổ chức nhiều đợt triển lãm mỹ thuật do nhóm Shirakaba chủ trì và để lại ảnh hưởng lâu dài trong lĩnh vực mỹ thuật Nhật Bản (...) Mỗi số của tạp chí đều có đăng bài viết về hội họa và triển lãm, Shirakaba mở đầu cho việc giới thiệu mỹ thuật phương Tây đã thể hiện đầy đủ vai trò của một tạp chí mỹ thuật[1].
Tuy rằng trong số những thành viên chủ chốt của nhóm Shirakaba chỉ có Arishima Ikuma là họa sĩ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản ở Tây Âu, Shirakaba đã thực hiện tốt vai trò tiên phong trong hoạt động giới thiệu và phát triển nền mỹ thuật hiện đại Nhật Bản bằng cách chọn lọc những tác phẩm hội họa của những nghệ sĩ lớn hoặc những trường phái nổi tiếng, được giới mỹ thuật phương Tây đánh giá cao để giới thiệu trên từng số tạp chí Shirakaba và trong các cuộc triển lãm mỹ thuật do nhóm Shirakaba tổ chức, đăng tải nhiều bài phê bình mỹ thuật có giá trị của các họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật trong và ngoài nhóm và thông qua hoạt động của tạp chí Shirakaba để kết nối sinh hoạt mỹ thuật của các họa sĩ Nhật Bản với nghệ sĩ phương Tây.
Với những động thái tích cực như trên, tạp chí Shirakaba đã trở thành diễn đàn mỹ thuật của các họa sĩ Nhật Bản thuộc thế hệ đầu tiên được đào tạo ở phương Tây trong ngành mỹ thuật hiện đại, tạo nên không khí sinh hoạt mỹ thuật sôi động trong nước và cũng làm cho các nước có nền mỹ thuật rực rỡ, lâu đời ở phương Tây biết đến những hoạt động bước đầu của mỹ thuật hiện đại Nhật Bản. Sự cộng tác của nhà nghiên cứu mỹ thuật Bernard Leach trong các hoạt động mỹ thuật của nhóm Shirakaba vừa là một bằng chứng quan trọng cho thành tựu và uy tín của nhóm này trong ngành mỹ thuật đương thời, vừa là một sự kết nối có ý nghĩa giữa mỹ thuật Nhật Bản với mỹ thuật phương Tây, giữa sự phát triển của mỹ thuật hiện đại và việc bảo tồn các nghệ thuật chế tác truyền thống.
Cá nhân Arishima Ikuma còn dịch những công trình quan trọng về mỹ thuật phương Tây để góp phần phổ biến tri thức về mỹ thuật hiện đại trong nước và tích cực tham gia nhiều hoạt động có quy mô lớn của giới mỹ thuật Nhật Bản đương thời như tham gia các triển lãm mỹ thuật có tầm cỡ quốc gia, tham gia vận động thành lập và điều hành những tổ chức quy mô lớn trong ngành mỹ thuật.
Trong khi đó, một thành viên khác của nhóm Shirakaba là Yanagi Muneyoshi lại có đam mê riêng về hoạt động bảo tồn các ngành mỹ nghệ dân gian truyền thống và đã có nhiều đóng góp quan trọng cho lĩnh vực này, từ những sưu tầm, nghiên cứu cá nhân về sản phẩm mỹ thuật ở Triều Tiên và các vùng trong nước Nhật đến những hoạt động quy mô lớn như vận động thành lập bảo tàng, thành lập Hiệp hội nghệ thuật dân gian Nhật Bản và thực hiện tạp chí Mingei để giới thiệu thường xuyên những sản phẩm mỹ nghệ, phổ biến thông tin về tình hình bảo tồn và phát triển các ngành nghệ thuật dân gian.
Những hoạt động của nhóm Shirakaba trong lĩnh vực mỹ thuật thể hiện rõ tinh thần của người Nhật Bản trong cách thức tiếp thu văn hóa ngoại lai kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong tiến trình hiện đại hóa đất nước sau Minh Trị duy tân. Nhờ sự đóng góp của nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu mà Arishima Ikuma, Kinoshita Mokutaro, Yamawaki Shintoku là những người tiên phong, với tinh thần tích cực vì sự phát triển của mỹ thuật hiện đại là một lĩnh vực hoàn toàn mới đối với văn hóa Nhật Bản, bằng những hoạt động chuyên nghiệp, có quy mô và tầm ảnh hưởng rộng lớn mà hội họa và điêu khắc phương Tây đã nhanh chóng hòa nhập vào đời sống văn hóa – nghệ thuật chung của cả nước. Trong khi đó, các ngành mỹ nghệ truyền thống như đồ gốm, sơn mài, dán vàng, nhuộm vải ở nhiều địa phương vẫn được bảo tồn và tiếp tục phát triển. Đến giữa thế kỷ XX thì mỹ thuật Nhật Bản trở thành một lĩnh vực nghệ thuật có quy mô lớn, bao gồm cả những ngành mỹ nghệ truyền thống và mỹ thuật hiện đại theo phong cách phương Tây. Phái Shirakaba với những đóng góp tích cực trong hoạt động văn hóa – văn nghệ thời Taisho đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử phát triển của ngành mỹ thuật Nhật Bản hiện đại.
Ấn tượng mà các nhà văn – nghệ sĩ của nhóm Shirakaba để lại trên văn đàn nói riêng và trong đời sống văn hóa – xã hội Nhật Bản nói chung còn được tạo nên từ những hoạt động xã hội của các nhà văn trong nhóm. Công trình “làng mới” thể hiện ước vọng của Mushanokoji Saneatsu về một xã hội ôn hòa, không tranh chấp và là điều kiện lý tưởng để mỗi cá nhân đều có thể phát huy những tiềm lực tốt đẹp của bản thân, xây dựng một cuộc sống no ấm, đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần. Ý tưởng này đã thu hút nhiều người tham gia xây dựng “làng mới” tại Miyazaki và Saitama, và sự tồn tại của “làng mới” ở Saitama đến ngày nay cho thấy tư tưởng nhân đạo và chủ nghĩa lý tưởng của Mushanokoji có sức ảnh hưởng nhất định đến người dân bình thường trong xã hội.
Tuy rằng “làng mới” không thực hiện được những chủ trương ban đầu của Mushanokoji, cũng như “nông trường tập thể” ở Sapporo không ổn định và phát triển như mong muốn của Arishima Takeo nhưng qua những hoạt động thực tế, các nhà văn – nhà tư tưởng của nhóm Shirakaba đã thể hiện thái độ tích cực, tinh thần dấn thân của lớp trí thức và văn nghệ sĩ tiền phong trong công cuộc hiện đại hóa đất nước. “Làng mới” ngày nay vẫn dành vị trí trang trọng nhất cho công viên tưởng niệm Mushanokoji Saneatsu. Những thành tựu văn học và mỹ thuật của Mushanokoji cùng với những vật lưu niệm và hình ảnh về nhà văn được trang trọng giới thiệu trong bảo tàng mỹ thuật mang tên ông, do cộng đồng cư dân trong làng thành lập và quản lý.
Tương tự, Arishima Takeo dù đã tự kết thúc cuộc đời và văn nghiệp của mình quá sớm nhưng đến nay vẫn là nhà văn chiếm vị trí số một trong đời sống văn học ở vùng Hokkaido. Những nơi chốn còn lưu lại dấu tích của nhà văn trong quá trình công tác và viết lách ở Sapporo được bảo tồn nguyên vẹn để làm nơi trưng bày, giới thiệu những vật lưu niệm về cuộc đời và hoạt động văn nghệ của Arishima. Bảo tàng và bia lưu niệm nhà văn tại Sapporo cũng là một địa điểm tham quan cho du khách đến thăm thành phố.
Số lượng các thành viên nòng cốt của phái Shirakaba không nhiều nhưng quá trình hợp tác tốt đẹp và những hoạt động tích cực của họ trải rộng trên nhiều lĩnh vực văn hóa – xã hội thời Taisho gắn với sự tồn tại của tạp chí văn nghệ Shirakaba đã tạo nên ấn tượng khá sâu sắc về một trường phái tư tưởng – văn học trong đời sống văn nghệ sôi nổi đầu thế kỷ XX. Tuy thường được nói đến như một trường phái văn nghệ đối lập với trường phái tự nhiên về quan niệm sáng tác nhưng thái độ và nội dung hoạt động văn nghệ của phái Shirakaba cho thấy các nhà văn trong nhóm này thiên về khẳng định hơn là phủ định, hướng đến việc giới thiệu và xây dựng những giá trị mới hơn là phê phán hay phủ nhận những hạn chế của quá khứ và hiện tại. Cho nên, dù có những thất bại hay hạn chế không tránh khỏi, phái Shirakaba vẫn lưu lại trên văn đàn Taisho một hình ảnh đẹp của một lớp văn nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật, nhiệt tình vì hoạt động giao lưu văn hóa – văn nghệ trong nước và quốc tế, dấn thân vì một nền nghệ thuật Nhật Bản phong phú hơn và cũng vì một xã hội hiện đại tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, những hoạt động mà các thành viên của phái Shirakaba cùng hợp tác để thực hiện chủ yếu chỉ diễn ra trong khoảng thời gian 13 năm mà tạp chí Shirakaba tồn tại. Và ngay cả trong thời gian duy trì tạp chí thì hoạt động quan trọng nhất của các thành viên trong nhóm vẫn là sáng tác văn chương. Không chỉ góp phần tạo ra ấn tượng chung về một trường phái văn học có khuynh hướng tư tưởng và quan niệm sáng tác tương đối thống nhất, mỗi thành viên của nhóm Shirakaba đều có một sự nghiệp văn chương phong phú, có phong cách sáng tác riêng và khẳng định được vị trí cá nhân trên văn đàn đương thời cũng như trong lịch sử văn học hiện đại.
Mushanokoji Saneatsu có văn phong gẫy gọn, giọng văn nhẹ nhàng nhưng tư tưởng sắc nét, thậm chí phá cách và lập dị. Shiga Naoya thì theo đuổi lối viết hiện thực, sở trường ở hình thức tự truyện và được tôn xưng là “ông thần của thể loại truyện ngắn”. Arishima Takeo là nhà văn có nhiều giọng điệu. Thế giới trong tác phẩm của ông có khi cực kỳ trong trẻo và tươi sáng, có khi lại vô cùng dữ dội và nghiệt ngã. Arishima cũng là nhà văn trong nhóm chịu ảnh rõ rệt nhất tư tưởng – văn học phương Tây. Satomi Ton và Nagayo Yoshiro tuy cũng trải quan thời gian viết cho tạp chí Shirakaba nhưng chủ yếu phát triển cá tính và sự nghiệp văn chương sau khi Shirakaba đình bản, nên lại càng tỏ ra độc lập về tư tưởng và lối viết. Satomi Ton thường viết về kinh nghiệm cá nhân với giọng điệu tỉnh táo, lạnh lùng còn Nagayo Yoshiro thì chuyển từ giọng văn mềm yếu, tình cảm sang lối viết nặng về triết luận.
Tuy mỗi nhà văn đều có phong cách riêng nhưng điểm gặp gỡ giữa họ trong đời sống và trong quan niệm về nghệ thuật đã tạo ra những nét đặc thù, dễ nhận thấy trong thế giới văn chương Shirakaba, và những từ đường nét như vậy đã hình thành diện mạo văn học của trường phái Shirakaba trong đời sống văn nghệ đương thời. Với quan niệm mới về con người cá nhân, về chủ nghĩa nhân đạo kết hợp với việc tiếp thu ảnh hưởng từ văn học, tư tưởng phương Tây, các nhà văn của phái Shirakaba đã tạo được phong cách riêng với những tác phẩm có giá trị, góp phần phát triển văn học hiện đại Nhật Bản theo hướng tinh tế hơn và cũng rộng mở hơn.
Nói đến phái Shirakaba, nhiều nhà phê bình thường nhắc đến lối viết mới mẻ và bầu không khí đậm chất phương Tây trong sáng tác, từ thơ tự do đến truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch bản sân khấu – điện ảnh.
Ảnh hưởng của tư tưởng – văn học phương Tây thể hiện rõ nét nhất trong sáng tác của Arishima Takeo – nhà văn của nhóm Shirakaba có thời gian học tập và sinh sống tương đối dài tại các nước châu Âu, cùng với em trai của ông là họa sĩ Arishima Ikuma. Dấu ấn phương Tây lưu lại trong tiểu thuyết của Arishima ở nhiều tác phẩm và nhiều khía cạnh. Có khi là hình ảnh thiên nhiên, con người và đời sống ở châu Âu hiện lên dưới ngòi bút tả thực như trong tiểu thuyết Kankan mushi. Có khi là những trang viết nặng tính triết luận xoay quanh những khái niệm của triết học và xã hội học phương Tây hiện đại như Meiro. Lại có khi là sự phản ánh tư tưởng, tính cách của con người hiện đại trong xã hội phương Tây qua cái nhìn chủ quan của tác giả như Aru onna v.v...
Những nhà văn khác trong nhóm Shirakaba, tuy không trải nghiệm cuộc sống thực tế ở xã hội phương Tây nhưng vẫn có bề dày tiếp xúc với văn hóa phương Tây qua sách vở, thể hiện trong tác phẩm sự tiếp thu tư tưởng – văn học phương Tây ở những mức độ khác nhau. Nagayo Yoshiro đưa vào tác phẩm những vấn đề lý luận xoay quanh sự tồn tại của con người và cơ chế duy trì sự sinh tồn đó. Những nhà văn khác như Shiga Naoya, Mushanokoji Saneatsu hay Satomi Ton đều viết nhiều tác phẩm mang tính tự truyện, thể hiện một cách sắc sảo hình ảnh con người cá nhân và những vấn đề xung quanh sự tồn tại của cá nhân như một thực thể tự nhiên bị điều chỉnh bởi điều kiện sống và các mối quan hệ xã hội.
Sự tiếp nhận tư tưởng – văn học phương Tây của các nhà văn Shirakaba và sự phản ánh điều đó trong sáng tác của họ vừa là một khuynh hướng phổ biến của văn học Nhật Bản trong giai đoạn khởi đầu cho tiến trình hiện đại hóa vừa tạo nên những nét riêng cho diện mạo văn học Shirakaba so với lối viết của các tác giả hay các trường phái khác.
Yếu tố phương Tây trong văn học Shirakaba cho thấy văn học Nhật Bản thời Taisho đã trải qua một bước tiến dài so với giai đoạn đầu của thời Meiji trong tiến trình hiện đại hóa theo hướng tiếp thu văn học phương Tây để cách tân thể loại và lối viết. Tiến trình này bắt đầu từ việc dịch văn học phương Tây và việc phóng tác một số tác phẩm như hình thức luyện tập bước đầu để du nhập các thể loại mới, rồi đến sự xuất hiện của các tác phẩm thuộc thể loại mới như tiểu thuyết, lý luận, phê bình. Đó là những thành tựu ban đầu của tiến trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản, được thực hiện vào những thập niên cuối thế kỷ XX và gắn với tên tuổi các nhà văn, nhà lý luận – phê bình thuộc thế hệ đầu tiên của văn học Nhật Bản hiện đại như Tsubouchi Shojo, Futabatei Shimei, Ozaki Koyo, Yamada Bimyo v.v... Trong giai đoạn này thì yếu tố phương Tây trong văn học Nhật Bản còn ở dạng thô cứng, nặng nề như một sự cấy ghép không tránh khỏi khi muốn kiến tạo một cấu trúc mới khác hẳn với những yếu tố nội tại của văn học Nhật Bản cho đến thời Edo.
Trong thời gian chuyển tiếp từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, sự nghiệp hiện đại hóa văn học Nhật Bản được tiếp nối bởi một đội ngũ những cây bút mới, trong đó nhiều cây bút sáng tác trên cả hai lĩnh vực thơ ca và văn xuôi, hoặc có đóng góp quan trọng trong cả hoạt động dịch thuật và sáng tác. Trong tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ thuộc giai đoạn này như Mori Ogai, Natsume Soseki, Shimazaki Toson, Izumi Kyoka v.v..., ảnh hưởng từ tư tưởng – văn học phương Tây bắt đầu được biểu hiện đa dạng, tương ứng với sự hình thành nhiều lối viết, nhiều trào lưu văn học cùng hoạt động trên văn đàn nối tiếp nhau như trường phái lãng mạn, trường phái tả thực, trường phái tự nhiên, trào lưu xã hội, trào lưu phản tự nhiên và trường phái duy mỹ. Tác phẩm của Mori Ogai và Natsume Soseki có những hình ảnh cụ thể, trực tiếp về xã hội phương Tây (Maihime của Mori Ogai và Rondon to (Tháp London) của Natsume Soseki) do các nhà văn này có thời gian lưu học khá dài ở Tây Âu. Shimazaki Toson thì làm thơ theo phong cách lãng mạn và sáng tác tiểu thuyết theo lối viết của chủ nghĩa tự nhiên. Izumi Kyoka cũng là nhà văn lãng mạn thiên về những đề tài siêu thực, huyền ảo. 
Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, có thể thấy trong những tác phẩm của Mori Ogai hay Natsume Soseki, sự tiếp thu ảnh hưởng phương Tây vẫn gắn liền với ý thức đối kháng văn hóa – xã hội.
Maihime, Fushinchu (Đang trùng tu) của Mori Ogai miêu tả những nhân vật có phần gắn bó, bị chi phối hay chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhưng khi bị đặt vào những tình huống phức tạp thì yếu tố phương Tây không có vai trò quyết định, hoặc không phải là sự lựa chọn cuối cùng. Điều đó thể hiện rõ nhất trong tác phẩm Fushinchu, ở đoạn văn miêu tả cuộc gặp gỡ của nhân vật Watanabe – một quan chức ngoại giao Nhật Bản và Vladivostok – cô gái Nga, người yêu của Watanabe trong thời gian anh du học ở Đức – tại Tokyo. Thái độ lãnh đạm của Watanabe trước sự vồn vã của Vladivostok cho thấy nhân vật này đã thực sự “trở về” nước Nhật sau một thời gian sống trong lòng xã hội phương Tây. Thái độ ấy như một sự khẳng định về bản thân và về nước Nhật khi đối mặt với văn hóa phương Tây, cho dù nhân vật nhận thức rất rõ rằng, so với sự phát triển của phương Tây thì Nhật Bản hiện tại chỉ là một tòa nhà đang xây dở.
Còn tiểu thuyết của Natsume Soseki thì, hơn cả tác phẩm của Mori Ogai, thể hiện sự đối lập gay gắt giữa phương Đông và phương Tây, cũng như giữa hiện đại và truyền thống. Ý thức về sự đối lập này được tác giả ký thác vào dòng suy tưởng hoặc phát ngôn của nhân vật chính trong những tác phẩm như Sorekara (Từ dạo ấy), Sanshiro (Chàng Sanshiro), Michikusa (Cỏ bên đường) v.v... Thậm chí nhân vật Kenzo trong tiểu thuyết Michikusa đã tỏ ra ác cảm đối với không khí ngoại quốc sau thời gian du học ở châu Âu: “Trên người anh vẫn còn vương vất thứ mùi khó chịu của một đất nước xa xôi mà anh mới vừa bỏ lại phía sau. Anh ghét điu đó[2], hay nhân vật Daisuke đã phê phán gay gắt xu hướng hiện đại hóa Nhật Bản theo con đường phát triển của phương Tây đã làm băng hoại những giá trị đạo đức truyền thống: “Trên một phương diện nào đó nước Nhật đang từ bỏ chiu sâu để chạy theo tầm vóc của một cường quốc. Vì là sự mở rộng khiên cưỡng nên hậu quả rất tai hại (...) Một dân tộc chịu sự áp đặt của phương Tây như vậy thì không còn đầu óc thanh thản để làm những việc nhân nghĩa nữa[3].
So với lối viết của Natsume Soseki hay Mori Ogai thì rõ ràng hình ảnh và sự cảm nhận về phương Tây trong sáng tác của các nhà văn Shirakaba là một sự thể hiện hết sức khác biệt. Trong khi Natsume Soseki nhắc đến phương Tây như đối tượng của một sự chỉ trích, còn Mori Ogai nghĩ về sự “gặp gỡ” giữa Nhật Bản và phương Tây như một quá trình tương tác trong đối kháng thì các nhà văn Shirakaba thể hiện một thái độ tiếp thu tư tưởng – văn hóa phương Tây một cách tự nhiên, ôn hòa và tích cực, như việc tiếp thu và vận dụng tri thức bình thường ở con người. Những khái niệm “tự do cá nhân”, “bình đẳng”, “sức mạnh” tuy có được các nhà văn Shirakaba đưa vào tác phẩm, nhưng không phải đưa vào để bình luận hay phê phán về tư tưởng phương Tây mà được ký thác vào tư tưởng của nhân vật để biểu hiện thái độ, cách suy nghĩ của nhân vật về con người và thế giới. Khung cảnh thiên nhiên và xã hội phương Tây trong tác phẩm của Arishima Takeo cũng được miêu tả dưới cái nhìn khách quan, không cố ý nhấn mạnh sự khác biệt khó chấp nhận hay phê phán những điểm khác biệt giữa phương Tây và Nhật Bản.
Hình ảnh về phương Tây trong văn học Shirakaba và thái độ của các nhà văn Shirakaba đối với văn hóa phương Tây thể hiện qua sáng tác văn chương cho thấy phái Shirakaba có xu hướng nhìn nhận văn hóa – tư tưởng phương Tây cũng như tiến trình hiện đại hóa văn hóa – văn học Nhật Bản theo đường lối phát triển của phương Tây một cách tích cực và ôn hòa. Những nhà văn Shirakaba không sao chép văn học phương Tây một cách sống sượng nhưng cũng không thể hiện sự xung đột giữa văn hóa phương Tây và văn hóa Nhật Bản, không phê phán gay gắt hay đánh giá theo hướng tiêu cực về hiện đại hóa. Điều đó vừa thể hiện thái độ chừng mực và xu hướng tích cực của các nhà văn Shirakaba khi cùng góp tiếng nói vào thế giới văn nghệ đa thanh ở Nhật Bản trong những thập niên đầu thế kỷ XX, vừa cho thấy việc tiếp nhận tư tưởng – văn học phương Tây vào Nhật Bản từ thời Meiji (1868 – 1912) sang thời Taisho (1912 – 1926) đã có sự thay đổi quan trọng về chất, khi tư tưởng – văn học phương Tây không còn là yếu tố hoàn toàn khác biệt và xa lạ để các nhà văn phải tiếp cận bằng con đường dịch thuật và học hỏi bằng cách mô phỏng. Với tư tưởng và kỹ thuật viết được thể hiện trong văn chương Shirakaba, có thể thấy kể từ thời Taisho trở đi Nhật Bản đã có được một trí thức – nhà văn hiện đại có nền tảng học vấn sâu rộng, cập nhật để có thể tư duy và sáng tác trên tầm nhận thức tương đương và theo cách nhìn, cách nghĩ của văn nghệ sĩ phương Tây đương thời.
Thêm vào đó, các nhà văn Shirakaba còn thể hiện khuynh hướng tán thành và tiếp thu tích cực tư tưởng phương Tây về con người cá nhân. Biểu hiện nổi bật nhất của khuynh hướng này là lối viết tự truyện, trong đó các nhà văn kể lại không giấu giếm những trải nghiệm cá nhân của chính mình. Tự truyện là một hình thức phù hợp để các nhà văn Shirakaba thể hiện miêu tả bằng bút pháp hiện thực hình ảnh con người cá nhân, đồng thời qua đó ký thác lý tưởng theo quan niệm của bản thân về con người lý tưởng trong xã hội hiện đại.
So với tự truyện của các nhà văn thuộc những trào lưu, trường phái khác cùng sinh hoạt văn nghệ trên văn đàn Taisho thì tự truyện của phái Shirakaba thiên về miêu tả đời sống nội tâm, diện mạo tâm lý của nhân vật. Đặc tả con người ở bình diện tâm lý, tính cách cũng là một đặc điểm quan trọng của văn học Shirakaba. Đó cũng là biểu hiện của một giai đoạn phát triển mới, từ khi con người cá nhân trở thành chủ đề trung tâm của văn học hiện đại, làm cho hình ảnh con người cá nhân trong văn học trở nên sâu sắc hơn và cũng nhờ đó mà sự phản ánh thế giới trong văn học giàu tính thẩm mỹ hơn, có sức lay động lớn hơn.
Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận rằng, ấn tượng chung mà phái Shirakaba để lại trên văn đàn Nhật Bản thời Taisho không phải là một hình ảnh toàn vẹn về một thành tựu văn học đỉnh cao, hay là về những tài năng đột phá, những nhân cách xuất chúng. Tư tưởng nhân đạo mang màu sắc chủ nghĩa cá nhân, sự đề cao thái quá vấn đề phát triển cá tính hay khuynh hướng lý tưởng hóa về con người là những hạn chế ở các nhà văn Shirakaba, đã thể hiện trong khá rõ trong kết quả hoạt động xã hội của họ và cũng đã được nhiều nhà văn, nhà phê bình chỉ ra trong các công trình nghiên cứu. Những hạn chế này cũng là nhân tố làm cho sáng tác của các nhà văn Shirakaba quá thiên lệch về thế giới tâm lý cá nhân mà có phần thiếu không khí thực tiễn xã hội.
Như đã nói ở phần trên, phái Shirakaba được hiểu như một sự hợp tác đồng bộ và liền mạch của các nhà văn trong nhóm chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 13 năm, khi hầu hết các thành viên trong nhóm đều tập trung vào hoạt động văn nghệ ở Tokyo, có điều kiện chung sức thực hiện tạp chí cùng tên, đồng thời tham gia viết bài cho một số báo và tạp chí văn nghệ khác. Sau khi rơi vào tình huống bắt buộc phải đình bản tạp chí Shirakaba do ảnh hưởng của trận động đất lớn ở vùng Kanto năm 1923, mỗi nhà văn trong nhóm lựa chọn một địa điểm khác nhau để sinh sống, viết văn, rồi dần dần xa rời nhau về tư tưởng, về kỹ thuật hay quan niệm sáng tác. Có nhà văn trải qua những thời kỳ xáo trộn tư tưởng do tác động của hoàn cảnh xã hội đương thời, thậm chí như Mushanokoji Saneatsu đã thay đổi từ quan điểm phản chiến sang chủ trương ủng hộ đường lối “Đại Đông Á”. Có nhà văn sau thời kỳ gắn bó với tạp chí Shirakaba đã thay đổi hẳn chủ đề và lối viết, và cuối cùng đã tạo dựng nên sự nghiệp văn học đồ sộ nhưng ít thấy biểu hiện phong cách đặc thù của nhóm Shirakaba. Nhưng nói chung những nhà văn Shirakaba đều tìm được vị trí xứng đáng trên diễn đàn văn nghệ đương thời, đều gây được ấn tượng với độc giả bằng phong cách cá nhân và đều là những nhà văn – nghệ sĩ đã hoạt động tích cực vì một giai đoạn quan trọng của nền văn học Nhật Bản. Phái Shirakaba quả thật đã tạo nên một hình ảnh đẹp và đầy sức sống trên văn đàn thời Taisho, đúng như hình ảnh của loài cây có tên gọi đã được các nhà văn trong nhóm lựa chọn khi đặt tên cho tạp chí – một cách để thể hiện phong cách riêng, không khí mới và ký thác những ước vọng đẹp về văn chương nghệ thuật của thời đại canh tân.


[1] Nishimura Shuko (2009), 西村修子『美術雑誌としての「白樺」にみる西洋美術認識』(Nhận thức về mỹ thuật phương Tây trong tạp chí Shirakaba, trong vai trò một tạp chí mỹ thuật), Journal of East Asian Studies, No.7, 2009.3, pp.137 – 153.
[2] Natsume Soseki 夏目漱石 (1994), 『夏目漱石全集』(Natsume Soseki toàn tập, quyển 10), 岩波書店, tr. 3.
[3] Natsume Soseki 夏目漱石 (1993), 『夏目漱石全集』(Natsume Soseki toàn tập, quyển 6), 岩波書店, tr. 101 - 102.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét