Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

ĐỌC LẠI “YABU NO NAKA” CỦA AKUTAGAWA RYUNOSUKE



Thật ra thì mình không hề mở sách ra đọc lại, mà chỉ suy nghĩ về ý nghĩa tác phẩm, sau khi dự buổi cà phê tọa đàm về phim Rashomon. Mà nói là “nghĩ lại” thì cũng không chính xác, vì trước đây mình chỉ đọc mà chẳng có suy nghĩ gì cho ra đầu ra đũa, chứ không phải bây giờ mình “phản tỉnh” nên nghĩ khác hồi xưa. Tạm hiểu “đọc lại” là quá trình mình vừa ôn lại những tình tiết quan trọng của tác phẩm (nhờ được nghe nhắc lại trong nội dung tọa đàm) vừa đuổi theo dòng suy nghĩ trong đầu để tìm ra một hướng lý giải khả dĩ về câu chuyện.
Các nhân chứng của Yabu no naka[1] khai ra trước tòa những nội dung khác nhau, mâu thuẫn lẫn nhau về một vụ án mạng đã xảy ra trong rừng. Về điểm này, có thể hiểu rằng mỗi người đều có lý do riêng để không khai sự thật, hay là sự thật không giống nhau nếu nhìn từ những góc độ khác nhau. Nhưng có lẽ cần phải làm rõ hơn một chút.
Đối với những người không trực tiếp liên quan đến án mạng đã xảy ra, thì lời khai của họ có thể không trùng khớp với nhau do góc nhìn, do cách họ quan sát và suy đoán về sự kiện. Nhưng đối với ba nhân tố của vụ án mạng thì mọi chuyện không hẳn thế. Nếu mỗi người kể lại trung thực cảnh tượng mà họ đã chứng kiến thì giữa các lời khai không có sự chênh lệch quá xa như vậy. Cả ba, kể cả hồn ma của người đã chết rồi, đều tự nhận trước tòa rằng chính họ đã gây ra cái chết. Như vậy nội dung của lời khai không phải là sự thật như họ đã nhìn thấy, mà là “văn bản” đã được tạo ra vì những lý do riêng.
Vấn đề là khó có thể tìm ra câu trả lời duy nhất đúng cho những lý do riêng như thế. Chính vì vấn đề này mà tác phẩm là một văn bản mở, tạo điều kiện cho người đọc đi vào câu chuyện, sáng tạo câu chuyện bằng nhiều hướng suy nghĩ khác nhau.
Với riêng mình, tình tiết này thú vị vì nó làm cho mình liên tưởng đến một câu chuyện khác – một tiểu thuyết mình mới đọc khoảng hai năm trước đây. Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết ấy chấp nhận lời buộc tội cho rằng cô đã tham gia vào một vụ giết người của Đức Quốc xã. Chỉ có một chứng cứ duy nhất để cô thoát khỏi lời buộc tội, ấy là cô mù chữ. Nhưng nhân vật đã chấp nhận để tòa buộc tội, chứ không hề hé lộ cái sự thật đáng xấu hổ kia.
Đối diện với sự thật là một vấn đề nhức nhối của con người. Vì vô vàn lý do mà người ta bóp méo sự thật, phủ nhận sự thật hay trốn chạy sự thật. Nhưng theo mình, sự yếu đuối cố hữu ở bên trong là một trong những lý do căn bản khiến người ta sợ hãi sự thật. Và có lẽ vì vậy mà trong nhiều sự thật đáng sợ ở đời, thì sự thật cho thấy con người bất lực trong cảnh ngộ của mình là khủng khiếp hơn cả.
Người phụ nữ trong tiểu thuyết Người đọc vốn chỉ là một người ở tầng lớp thấp kém. Dù cô có phải thừa nhận mình mù chữ thì chắc hẳn cũng không gây ra sự sụp đổ nào nghiêm trọng. Nhưng cô là người khao khát được biết về thế giới qua sách vở, và tình trạng mù chữ là điều khiến cô bất lực với hoàn cảnh bản thân. Càng khao khát  biết đọc, biết viết thì càng khó chấp nhận tình trạng bất lực vì mù chữ. Cho nên, đối với nhân vật này, thừa nhận mình mù chữ là một sự thật quá khủng khiếp, khủng khiếp hơn cả một bản án buộc tội cô tham gia giết rất nhiều người!
Nếu tạm chấp nhận rằng sự thật đầu tiên trong câu chuyện Yabu no naka là người vợ, trên đường đi theo chổng qua một cánh rừng, đã bị tên cướp khét tiếng kia làm nhục, thì có thể hiểu được vì sao sự thật tiếp theo – là vấn đề ai đã giết người chồng – đã bị cả ba người chôn giấu. Sự thật đầu tiên là nỗi nhục cho cả ba người: người vợ bị giày vò trước đôi mắt quan sát bất lực của chồng mình, người chồng không thể bảo vệ được người vợ, tên cướp không chống lại được bản năng “đen tối” ở bên trong. Nói cách khác, đó là một sự thật khủng khiếp vì cả ba người đều bất lực trong cảnh ngộ của riêng mình.
Một khi đã trải qua cái sự thật ghê gớm như vậy, thì chẳng ai muốn mình phải lún sâu hơn nữa bằng cách thừa nhận mình bất lực trong sự thật tiếp theo. Nếu tên cướp đã làm nhục người vợ, và vì thế làm cho người chồng phải tự sát, hoặc người vợ giết chết người chồng, thì tình cảnh của hắn lại càng thêm bi thảm. Tương tự, người vợ và người chồng cảm thấy sự bất lực ở bản thân sẽ trở nên khủng khiếp hơn nữa nếu mình không là người gây ra cái chết. “Bi thảm” hay “khủng khiếp” ở đây không phải là những gì họ sẽ bị phán xét theo quan niệm đạo đức của mọi người trong xã hội, mà là cảm nhận của riêng mỗi người về hoàn cảnh bản thân – hoàn cảnh khiến họ phải trở nên bất lực. Trong tình huống này, mỗi người chỉ có thể vớt vát sự thảm hại bằng cách thừa nhận mình đã gây ra cái chết. Ít nhất thì đó cũng là sự chủ động, sự lựa chọn của họ trong hoàn cảnh mà họ lâm vào. Lựa chọn dù tồi tệ vẫn hơn là hoàn toàn bất lực, để mặc cho những điều tồi tệ cứ liên tiếp xảy ra.
Chạm đến sự thật như ngòi bút Akutagawa, hay ngòi bút Bernhard Schlink, là một cách thể hiện dày dặn của một tư tưởng lớn. Hơn nữa, sự thật ở đây lại là nỗi bất lực ở con người. Con người vốn yếu đuối và rất sợ phải thừa nhận mình yếu đuối. Đó là một lý do quan trọng để người ta liên tục che giấu, xuyên tạc hay chối bỏ sự thật. Cảnh ngộ ấy là không của riêng ai. Nhưng để phát hiện và trình bày một cách ấn tượng về sự thật này, ít nhất nhà văn cũng phải có tâm hồn sâu sắc cắm rễ trong một nền văn hóa mạnh mẽ. Một hệ thống ưu việt không phải là hệ thống không hàm chứa vấn đề, mà là một hệ thống đủ mạnh để tự nhìn nhận ra vấn đề và tìm cách khắc phục. Hay nếu thích hài hước thì có thể nói rằng, phải mạnh mẽ đến một mức độ nào thì mới biết là mình yếu đuối!


[1] Tác phẩm này có nhiều bản dịch tiếng Việt với nhiều tên khác nhau: Trong rừng trúc, Bốn bề bờ bụi v.v...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét