Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

ĐOM ĐÓM (CHƯƠNG 25 TRUYỆN GENJI)



Hiện giờ ngài Daijo-daijin đang có vị thế cao như vậy, nên luôn có phong thái nhàn nhã ung dung trong bất cứ việc gì. Các phu nhân, tiểu thư đang trông cậy ở ngài thì ai nấy đều tùy theo vị thế riêng mà có được cuộc sống ổn định như mong muốn, được tận hưởng cảnh đời viên mãn và chẳng có điều gì đáng phải âu lo.
Riêng tiểu thư ở khu nhà phía tây thì vốn đã rơi vào cảnh ngộ không may mắn, lại thêm mối ưu phiền mà nàng chẳng thể nào dự liệu trước đây, giờ chưa biết phải xử trí ra sao nên trong lòng cứ rối bời lo lắng. Dù không gây phiền toái đến mức như chàng Tayu-no-gen thuở nào, nhưng chuyện như vừa rồi thì chẳng ai nghĩ rằng lại có thể xảy ra, chỉ riêng tiểu thư phải chất chứa nỗi lòng sầu muộn và cảm thấy ngài Daijo-daijin là một người kỳ dị khiến nàng khó xử. Vì đã ở độ tuổi hiểu rõ được mọi điều, khi nghĩ suy kết nối giữa bao nhiêu sự việc, giờ đây tiểu thư càng cảm thấy đau buồn tiếc nuối vì thân mẫu của nàng đã sớm mất đi.
Về phía ngài Daijo-daijin, từ khi thổ lộ với tiểu thư nỗi lòng thầm kín thì trong lòng lại càng thêm đau khổ, nhưng vì e ngại mọi người xung quanh nên không thể mở lời trao đổi với tiểu thư dù chỉ là việc tầm thường nhỏ nhặt. Ngài cứ ôm nỗi đau khổ trong lòng mà thường xuyên đến gặp gỡ tiểu thư, nếu là lúc không gian yên tĩnh vì vắng mặt các thị nữ trong nhà thì ngài thường nôn nóng tỏ bày tình cảm. Tiểu thư tuy rất đỗi phiền lòng trong cảnh ấy, nhưng e rằng cự tuyệt thì sẽ làm phật ý đại quan nên trong lúc tiếp kiến nàng chỉ tỏ ra như chẳng hề hay biết chuyện gì. Tiểu thư vốn là người thân thiện, dễ gần nên dù có tỏ ra hết sức nghiêm túc và thận trọng thì người khác vẫn chỉ thấy toát lên ở nàng vẻ duyên dáng đáng yêu.
Những người quan tâm đến tiểu thư như ngài Hyobukyo-no-miya thì vẫn nghiêm túc gửi thư đến nàng để tỏ bày tình cảm. Nghĩ rằng việc nhọc công theo đuổi tiểu thư vẫn chưa được bao lâu mà đã sang tháng năm với những cơn mưa rả rích kéo dài[1], hoàng thân than thở: “Giá mà được phép tiếp cận tiểu thư nhiều hơn dù chỉ là đôi chút, may ra ta ngỏ được cùng nàng đôi lời tâm sự cho nhẹ nhõm cõi lòng!” Ngài Daijo-daijin xem bức thư rồi bảo: “Thế thì chẳng có vấn đề gì. Hoàng thân quan tâm đến tiểu thư như vậy là rất hay đấy chứ. Tiểu thư đừng tỏ ra lãnh đạm với ngài. Thỉnh thoảng cũng nên có lời hồi đáp cho bên ấy.” Đại quan nói thế rồi hướng dẫn viết thư trả lời, nhưng điều ấy càng khiến cho tiểu thư cảm thấy khó chịu, nên nàng thoái thác với lý do “trong người không được khỏe”. Các thị nữ hiện đang giúp việc cho tiểu thư hầu hết cũng chẳng có ai là con nhà gia thế. Chỉ một nàng là con gái của vị quan hình như đã thăng tiến đến tước vị Saisho, vốn là anh em với thân phụ của phu nhân quá cố. Ngài Daijo-daijin đã nhận ra nàng là người có tâm hồn và tài nghệ cũng chẳng đến nỗi nào nhưng phải chịu cơ cực vì cảnh nhà sa sút, nên nàng đã trở thành thị nữ Saisho-no-kimi. Nàng Saisho viết chữ khá đẹp, lại tỏ ra hiểu biết và chín chắn nên trong những hoàn cảnh thích hợp tiểu thư vẫn nhờ nàng viết giúp cho đôi lời hồi đáp. Lần này đại quan cũng cho gọi Saisho, cho nàng biết nội dung hồi đáp và bảo nàng viết hộ. Có lẽ ngài muốn biết hoàng thân rồi sẽ ngỏ ý thế nào với tiểu thư. Từ khi gặp chuyện khó xử và đáng buồn như vậy, đôi lúc tiểu thư cũng có chút lưu tâm mà đọc thư hoàng thân gửi đến. Tuy chẳng đến mức là quan tâm đặc biệt, nhưng quả nhiên nàng cũng có suy nghĩ kiểu nữ nhi thường tình, tự hỏi liệu có cách nào mà tránh được sự phiền muộn trong cảnh ngộ này chăng.
Đại quan đợi hoàng thân tìm đến với tâm trạng khấp khởi lạ lùng. Hoàng thân chẳng hay biết sự tình như vậy, cho rằng bức thư hồi đáp khá thân tình mà ngài vừa nhận được là dịp may hiếm có, và ngài đã hết sức thận trọng kín đáo khi tìm đến gặp gỡ tiểu thư. Hoàng thân được tiếp đón vào gian phòng ở góc nhà, nơi đã được bố trí đệm ngồi và khá gần vị trí của tiểu thư, chỉ cách có một bức màn che ở giữa. Đại quan cho sửa soạn mọi thứ chỉn chu và xông hương trong nhà thơm nức. Đó không phải là cách thể hiện đúng vai trò của một người làm bố mà đã trở thành sự thái quá gây cảm giác phiền hà, nhưng quả thật cũng có thể khiến cho người khác nhìn vào phải lấy làm cảm động. Các thị nữ như nàng Saisho-no-kimi đang lúng túng ngại ngần với việc phải chuyển lời trao đổi giữa hoàng thân với tiểu thư. Đại quan lại hỏi “Sao cứ dùng dằng ngơ ngẩn thế?”, rồi phát vào Saisho một cái, khiến cho nàng thị nữ càng bối rối chẳng biết nên ứng xử ra sao. Đã qua thời khắc nhập nhoạng khi ngày chuyển sang đêm[2]. Vẻ trầm lặng của hoàng thân trong cảnh trời đầy mây nhợt nhạt càng toát lên nét đẹp thật thanh tao quý phái. Làn hương phảng phất từ phía phòng trong thoảng nhẹ ra ngoài, hòa quyện với mùi hương thơm ngát lan tỏa từ y phục của đại quan, khiến cho khắp gian nhà đều đượm hương sực nức. Hoàng thân cảm thấy mọi thứ còn tuyệt vời hơn cả những gì mà trước đó ngài đã hình dung, nên tình cảm mến mộ ngài dành cho tiểu thư lại càng thêm sâu sắc. Những lời nói tỏ bày tâm ý mà hoàng thân liên tục nhắn gửi đến tiểu thư thể hiện nét trầm tĩnh già dặn chứ không phải là sự biểu lộ thói hiếu sắc một bề, cho thấy thái độ của hoàng thân quả là khác biệt. Đại quan cũng có nghe loáng thoáng và cảm thấy thú vị vô cùng.
Tiểu thư đã vào nằm trong gian phòng phía đông nên nàng Saisho cũng lướt vào trong ấy để chuyển lời hoàng thân bày tỏ. Đại quan nhân dịp ấy bèn có lời quở trách: “Tiếp khách như thế này thì quá ư ngột ngạt! Mọi chuyện ở đời đều trở nên dễ dàng nếu ứng xử phù hợp theo hoàn cảnh. Tiểu thư nay đã không còn ở độ tuổi hay tỏ thái độ cố chấp kiểu trẻ con. Ngay cả với hoàng thân thế này mà tỏ ra xa cách, phải cậy người trung gian để chuyển lời trao đổi thì đúng là lối cư xử không hay. Dù chưa trực tiếp trả lời ngài đi nữa thì tiểu thư cũng nên xích lại gần một chút...” Tiểu thư nghe thế thì vô cùng bối rối, e rằng đại quan có thể nhân chuyện này mà vào tận phòng trong, nên lúng túng khổ sở vì chẳng biết phải hành xử thế nào, đành kín đáo rời khỏi gian phòng ấy, đến ngả lưng phía sau bức màn ngăn cách phòng chính và gian phụ. Trong lúc tiểu thư vẫn còn đang ngần ngại, chưa hồi đáp những lời bày tỏ dông dài của hoàng thân về việc này việc khác, thì đại quan tiến gần đến chỗ nàng, vén một lá màn[3] vắt cao lên, và ánh sáng cũng vừa chợt lóe lên khi ấy, khiến tiểu thư giật mình cứ ngỡ là ánh đèn vừa mới rọi vào. Lúc chiều đại quan đã gói nhiều đom đóm vào trong lớp vải mỏng để giấu đi ánh sáng, rồi giờ đây ngài thả đom đóm ra trong lúc vờ đang thu vén mọi việc trong nhà với vẻ thản nhiên. Ánh sáng đột ngột lóe lên như vậy khiến tiểu thư kinh ngạc giật mình, vội xoay nghiêng và đưa chiếc quạt xếp lên che mặt. Dáng vẻ nàng khi ấy thật xinh đẹp đáng yêu. ‘Khi ánh sáng bất ngờ lóe lên như vậy thì hoàng thân chắc hẳn cũng ghé nhìn. Hẳn vì chỉ biết rằng ta nhận tiểu thư làm con gái nên đến giờ ngài vẫn luôn quan tâm đến tiểu thư. Nhưng chắc ngài không biết được tiểu thư xuất sắc đến mức nào về cả dung mạo và tính cách. Ta đoan chắc hoàng thân phải là người rất si tình hiếu sắc và sẽ khiến cho ngài phải cuống quýt say mê!’ Ngài Daijo-daijin cứ suy nghĩ miên man với những ý định sẽ thế này thế khác. Nếu tiểu thư thật sự là con gái của ngài, chắc hẳn ngài đã không làm rộn chuyện lên như vậy. Thật phiền cho một người có tính tình như thế! Rồi ngài đã qua một cửa khác mà kín đáo rời đi.
Hoàng thân đã đoán biết tiểu thư đang có mặt ở đâu đó trong nhà, rồi khi có cảm giác là nàng đã đến gần hơn một chút thì trong lòng càng nôn nao hồi hộp. Lúc đang ghé nhìn qua khe hở của bức màn bằng lụa mỏng đẹp đến mức khó tả nên lời thì ngài được chứng kiến cảnh tượng tuyệt vời khi những đốm lập lòe bất chợt lóe sáng trong tầm nhìn trải rộng chừng một gian[4] trước mặt. Chẳng mấy chốc, những đốm sáng đã bị giấu kín đi. Nhưng ánh sáng chợt lóe lên như thế biết đâu chẳng trở thành một cơ duyên tốt đẹp cho kỳ vọng của ngài. Tuy chỉ là ánh sáng lập lòe nhưng cũng đã giúp hoàng thân nhìn thấy tiểu thư đang ngả lưng có dáng người dong dỏng rất xinh, khiến cho ngài cứ thầm tơ tưởng mãi. Tình cảm của hoàng thân hướng đến tiểu thư vì thế mà càng thêm sâu đậm, quả đúng như chủ ý của đại quan. Hoàng thân đã có lời bày tỏ:
“Dù ai muốn giấu đi
Nhưng loài côn trùng ấy
Tuy lặng lẽ không lời
Tâm tưởng còn cháy bỏng[5]
Dễ đâu khuất mắt người
Chẳng hay tiểu thư có thấu hiểu tâm tình như thế?” Lúc này nếu tiểu thư chậm đáp lời hoàng thân vì trong lòng cứ ngập ngừng lưỡng lự thì sẽ là biểu hiện thiếu chân thành, nên nàng chỉ còn biết trông cậy vào tài ứng đối nhanh để có lời hồi đáp:
“Sâu sắc hơn lời nói
Là nỗi niềm tâm tưởng
Đốt cháy cả thân mình
Tuy loài đom đóm ấy
Luôn bặt tiếng lặng thinh[6]
Tiểu thư chỉ hồi đáp bằng mấy lời bâng quơ như thế, rồi tự lui vào gian phòng phía trong. Hoàng thân thì trong lòng u uất và vô cùng phiền muộn khi tình cảm của ngài được tiểu thư đón nhận với thái độ quá ư xa cách. Ngài không kéo dài cuộc thăm viếng qua đêm vì không muốn tỏ ra là một người đam mê nông nổi. Bên hiên nhà, mưa vẫn tí tách rơi vào tâm tưởng vị khách đang ôm lòng sầu muộn. Rồi hoàng thân ra về đẫm ướt khi đêm vẫn còn sâu. Chắc hẳn cũng có tiếng đỗ quyên hay tiếng hót của các loài chim quanh đấy, nhưng vì cõi lòng đang nặng trĩu nên hoàng thân không để ý lắng nghe. “Hoàng thân có dung mạo và phong thái thanh lịch chẳng khác gì đại quan ấy nhỉ!” Các thị nữ giúp việc cho tiểu thư cứ trầm trồ khen ngợi. Vì không hiểu rõ sự tình, khi thấy đêm qua đại quan đã thu xếp lo toan cho tiểu thư như người mẹ lo cho con gái, các thị nữ trong nhà đều tỏ lòng khâm phục và cảm động.
Ở bề ngoài, đại quan vẫn giữ cách cư xử với tiểu thư như thể ngài thật sự là thân phụ của nàng. Điều đó khiến cho nàng sầu khổ, cứ đêm ngày dằn vặt không yên. ‘Mình đã tự chuốc lấy phiền muộn cho mình. Giá thân phụ hiểu cho hoàn cảnh hiện nay và mình cũng có nơi có chốn như bao nhiêu người khác, thì mình chẳng việc gì phải khổ tâm đến thế khi đón nhận tình cảm của đại quan. Nào có tốt đẹp gì khi sống trong hoàn cảnh chẳng giống như người khác. Hẳn rồi rốt cuộc chẳng thể nào tránh khỏi chuyện đàm tiếu ở đời!’ Ngài Daijo-daijin thì nghĩ rằng tuy thế nhưng ngài nhất định sẽ không để cho tiểu thư thật sự rơi vào cảnh ngộ bị tiếng đời chê trách. Nhưng mọi chuyện vẫn xảy ra như thế vì điều đó vốn là cố tật trong tính cách của ngài. Ngay cả đối với trường hợp như hoàng hậu, vì cảm thấy người tuyệt vời xinh đẹp nên vào những dịp này dịp khác ngài vẫn cứ bồn chồn đánh tiếng hỏi thăm, nhưng vì sự phiền phức khiến cho ngài khó có thể tiếp cận đến vị trí cao sang như thế nên ngài chưa có dịp để dốc lòng bày tỏ. Còn tiểu thư là người tính cách thân thiện mà lối ứng xử lại có vẻ tân thời, nên với nàng thì tự nhiên ngài cảm thấy khó mà kiềm chế được. Đã nhiều lần cách thể hiện của ngài hẳn sẽ gây nghi ngờ nếu có ai nhìn thấy. Tuy mọi chuyện vẫn mơ hồ nửa có nửa không, nhưng cố gắng chế ngự bản thân như đại quan cũng là điều đáng quý. Mối quan hệ như vậy quả thật là khó tả!
Vào ngày mồng năm[7], đại quan lại ghé thăm tiểu thư nhân lúc ngài sang khu quần ngựa. “Hôm ấy rồi mọi chuyện thế nào? Hoàng thân có ở lại đến khuya chăng? Tiểu thư đừng để ngài tỏ ra thân cận quá. Hoàng thân là người có tính cách dễ sinh chuyện phiền hà. Ở đời hầu như hiếm có ai chẳng bao giờ khiến người khác tổn thương hay chưa từng thất thố trong cư xử...” Đại quan nói về hoàng thân theo kiểu vừa khen vừa chê để nhắc nhở tiểu thư. Khi ấy dáng vẻ ngài trông thanh lịch trẻ trung khó mà tả hết. Ngài mặc bộ áo tuyệt đẹp chừng như tràn ngập độ bóng và màu sắc, bên ngoài khoác hờ một lớp áo noshi. Cách phối hợp tuyệt vời đến mức tưởng chừng như màu sắc trên trang phục của ngài chẳng phải do con người trên trần thế nhuộm nên, mà nhờ đâu đó có thêm nét tao nhã khác thường. Hoa văn trên áo tuy chẳng có màu sắc gì đặc biệt nhưng hôm nay dường toát lên vẻ thanh tao hiếm thấy. Và y phục của ngài luôn phảng phất mùi hương dễ chịu. ‘Nếu chẳng có điều gì phải âu lo sầu muộn thì chắc hẳn hình ảnh đại quan trước mắt mình sẽ đẹp biết bao nhiêu!’ Tiểu thư thầm nghĩ.
Hoàng thân có lời nhắn gửi sang. Thư viết trên loại giấy dó[8] mỏng màu trắng, chữ viết trong thư cũng bay bướm tuyệt vời. Khi đọc thì thấy nội dung thư khá là thú vị, nhưng nếu kể lại thì dường như chẳng có gì đặc sắc.
“Khác nào hoa diên vỹ[9]
Chẳng ai buồn lay gốc[10]
Dù đúng dịp hôm nay[11]
Rễ giấu mình đáy nước
Nên ngấn lệ vơi đầy[12]
Lá thư còn được buộc kèm theo một cọng rễ của cây diên vỹ - hẳn rồi sẽ trở thành đề tài cho mọi người xung quanh bàn tán. “Tiểu thư hãy hồi đáp cho ngài trong hôm nay đi nhé!” Đại quan có lời khuyến khích nàng trước lúc rời đi. Các gia nhân thị nữ trong nhà cũng cho rằng “Quả là nên như thế”. Khi ấy chẳng rõ tiểu thư có cảm giác ra sao.
“Diên vỹ kia mọc cạn
Dáng hoa còn chưa tỏ[13]
Đã thấy rễ phơi mình
Biết đâu là ngấn lệ
Trong nước trôi dập dềnh
Xin thất lễ với mấy lời non nớt...” Có lẽ thư hồi âm chỉ viết mấy câu thấp thoáng mơ hồ như vậy. Hoàng thân vốn là người thích phong lưu bay bướm, nên thầm nghĩ ‘Giá như nét chữ của nàng có điểm nào đặc sắc hơn một chút...’, và hơi có cảm giác hụt hẫng lúc đọc thư.
Tiểu thư nhận được nhiều túi thơm[14] đẹp đến ngỡ ngàng từ khắp nơi gửi tặng. Cảnh trầm luân qua bao nhiêu năm tháng giờ chẳng còn dấu vết trong cuộc sống của nàng. Đón nhận bao điều kiện phong nhiêu để sống một cuộc đời thư thả, lẽ nào tiểu thư chẳng nghĩ rằng, ‘Nếu đằng nào cũng vậy, thì cũng mong mọi chuyện sẽ trôi qua yên ổn mà chẳng có điều gì khiến cho đại quan phải tổn thương’.
Ngài Daijo-daijin cũng ghé sang khu nhà phía đông thăm hỏi. “Ta đã dặn Chujo rằng hôm nay nhân dịp thi bắn cung thường lệ[15] thì hãy mời các quan cùng đến chơi bên này. Nhà ta cũng lo liệu theo tinh thần ấy nhé. Chắc khi trời còn sáng thì quan khách đã kéo đến rồi. Tuy chỉ là tổ chức kín đáo trong nhà nhưng chẳng hiểu vì sao các thân vương cũng nghe tin và sẽ sang tham dự, nên mọi chuyện tự nhiên lại trở nên huyên náo linh đình. Trong nhà hãy chuẩn bị tinh thần cho việc ấy...” Ngài Daijo-daijin căn dặn.
Khu nhà xem quần ngựa cách gian nhà phía đông không xa lắm, từ hành lang bên này có thể trông sang. “Quý nương trẻ tuổi hãy mở cửa ở phía ngoài hành lang mà xem thi tài nhé. Các vị quan ở Hidari-no-tsukasa[16] cũng có nhiều gương mặt vô cùng sáng giá, so với mấy vị còn nửa vời lơ lửng trong hàng ngũ đại thần thì cũng chẳng thua kém gì đâu!” Nghe đại quan bảo thế, các thị nữ trong nhà đều háo hức chờ mong được xem cuộc thi tài. Từ gian nhà phía tây cũng có các nữ tiểu đồng kéo sang xem hội. Quanh chỗ cửa chớp ngoài hành lang có treo những tấm rèm trúc màu xanh xanh, còn có thêm một lớp rèm vải, loại được nhuộm thẫm ở thân rèm bên dưới trông rất tân thời. Các nữ tiểu đồng, nữ gia nhân bậc thấp rộn ràng qua lại. Các nữ tiểu đồng mặc áo akome màu hoa diên vỹ, khoác bên ngoài áo kazami màu tím phớt xanh có lẽ từ gian nhà phía tây mới đến. Ấy là bốn nữ tiểu đồng trông có vẻ thành thạo đáng yêu. Các gia nhân bậc thấp mặc hakama màu hoa xoan, nhuộm thẫm ở phần gấu, lớp áo khoác ngoài cùng được thiết kế theo kiểu trang phục nhà Đường, có màu xanh lá cẩm chướng non[17]. Tất cả đều là trang phục phù hợp với dịp lễ tiết này[18]. Nữ tiểu đồng ở gian nhà phía đông có dáng vẻ trầm tĩnh thong dong với lớp áo bên trong màu đỏ thẫm, áo khoác ngoài có màu hoa cẩm chướng. Thật thú vị khi thấy đôi bên đều thể hiện rõ ràng ý hướng cùng thi đua như vậy. Các vị đại thần trẻ tuổi đã bị hình ảnh này thu hút nên vẫn hay đưa mắt nhìn sang. Vào giờ Mùi, khi ngài Daijo-daijin ra chỗ sân quần ngựa, thì quả nhiên các thân vương đã tề tựu về đây. Cách thi đấu trong cuộc vui ở khu dinh thự Rokujo cũng khác với thể lệ hội thi tổ chức ở cung đình. Các Chujo, Shojo đều cùng nhau tham dự, tạo nên không khí vui chơi đặc biệt và vô cùng sôi nổi, đến hết ngày mới kết thúc cuộc chơi. Các nàng tuy chẳng rõ về chuyện thi đua nhưng cũng thích thú khi nhìn thấy ngay cả những chàng lính hầu khi ấy cũng diện những bộ quần áo thật bắt mắt, tập trung vào thi đấu bằng tất cả sức vóc và tài nghệ. Sân quần ngựa kéo dài đến tận khu nhà phía nam, nên các thị nữ trẻ ở khu nhà bên ấy cũng được chứng kiến cuộc vui này. Mọi người thi đua diễn tấu các khúc nhạc như Đả cầu nhạc[19], Lạc tồn[20], tạo nên bầu không khí xôn xao náo nhiệt. Rồi màn đêm dần buông và mọi thứ chìm vào bóng tối. Những chàng lính tham gia cuộc chơi đều được nhận quà. Mọi người đều cáo biệt khi đêm đã về khuya.
Đại quan nghỉ lại ở khu nhà phía đông bên này, cùng với phu nhân hàn huyên tâm sự. “So với mọi người thì hoàng thân Hyobukyo-no-miya là nổi bật hơn cả. Về dung mạo thì hoàng thân không phải là xuất sắc, nhưng nét đẹp về tác phong của một người tế nhị tạo nên sức cuốn hút ở ngài. Hôm nay nàng cũng kín đáo quan sát ngài rồi chứ? Ai nấy đều khen ngợi nhưng quả thật cũng có chỗ cần phải suy xét lại...” Đại quan bày tỏ. “Hoàng thân tuy là huynh đệ với đại quan nhưng có vẻ cách biệt khá xa về tuổi tác. Thiếp nghe nói rằng mấy năm gần đây, trong những dịp thế này ngài luôn đến tham dự và bày tỏ sự gắn bó thân tình. Nhưng về ngài thì thiếp chỉ được biết thoáng qua thuở còn ở nội cung ngày trước[21], còn sau này thì thiếp không được rõ. Hoàng thân Hyobukyo có phong thái đĩnh đạc và dung mạo tuyệt vời. Còn hoàng thân Sochi thì nổi bật về vẻ đẹp bên ngoài nhưng tính cách thì có phần thua sút, chỉ như người bình thường trong hoàng tộc[22] mà thôi.” Nghe phu nhân nói vậy, đại quan thầm nghĩ, ‘Chỉ cần nhìn thoáng qua là nàng đã thấu suốt mọi điều’, nhưng ngài chỉ mỉm cười mà không bình luận thêm về điểm mạnh hay điểm yếu ở người nào khác nữa. Cứ nhìn ra những chỗ không hay ở con người rồi xem thường người ta, ấy là tính cách vẫn khiến cho đại quan cảm thấy khó chấp nhận. Bởi thế, ngài chỉ nghĩ trong lòng mà không tiện nói ra, rằng ‘Ngay cả trường hợp như ngài Udaisho, tuy vẫn được thế gian khen ngợi là kiểu người sâu sắc, nhưng xem ra thì thấy có điểm nào đặc biệt lắm đâu. Nếu đặt vào vị trí là người sẽ gắn bó với tiểu thư bên này thì chắc hẳn cũng có chỗ này chỗ khác chưa toàn vẹn’.
Giờ đây, giữa đại quan và phu nhân ở khu nhà phía đông chỉ là sự thân mật thông thường. Hai bên đều sinh hoạt riêng biệt không cùng chung chăn gối. ‘Vì sao ta với nàng cứ xa xôi cách biệt như vậy nhỉ?’ Đại quan vẫn tự hỏi mà cảm thấy nặng lòng. Phu nhân bên này hầu như chẳng bao giờ nói những lời hờn ghen giận dỗi. Mấy năm nay nàng có nghe người khác kể lại những cuộc vui như thế được tổ chức vào dịp này dịp khác. Còn sự kiện hôm nay là dịp may hiếm có đối với nàng. Chỉ cần như thế cũng đủ để phu nhân cảm thấy rạng ngời vinh hạnh cho khu nhà mà nàng đang sinh sống.
“Đời đã quen chịu tiếng
Ngựa cũng chẳng buồn nhai[23]
Bởi nay người đoái tưởng
Thân cỏ bên bờ nước
Nên diên vỹ rạng ngời”
Với phong thái nhẹ nhàng thong dong, phu nhân đã bày tỏ mấy lời như vậy. Tuy chẳng phải là tứ thơ đặc sắc nhưng cũng khiến đại quan động lòng thương cảm.
“Dáng ngựa dù trẻ trung
Bên bờ hoa diên vỹ
Biết khi nào cách chia
Giá như loài chim nước
Đôi bóng chẳng xa lìa”
Hai bên đều bày tỏ với tình cảm bộc trực tự nhiên. “Tuy sớm tối không cùng nhau chia sẻ nhưng mỗi khi được gặp gỡ thế này thì trong lòng thật nhẹ nhàng thư thái”, đại quan nói với vẻ bông đùa. Vì phu nhân luôn giữ vẻ khoan hòa trầm tĩnh nên câu chuyện vẫn đằm thắm thiết tha. Phu nhân nhường phòng ngủ cho đại quan rồi tạm chuyển sang phòng bên cạnh, ở giữa là bức màn ngăn cách. Nàng nhất định từ chối vì cảm thấy việc chia sẻ chăn gối hoàn toàn không thích hợp, nên đại quan cũng chẳng nỡ ép nài.
Mùa mưa ngâu dầm dề hơn hẳn mọi năm, bầu trời chẳng lúc nào quang đãng. Trong những ngày vẩn vơ nhàn rỗi ấy, các phu nhân, tiểu thư ở khu dinh thự Rokujo sớm tối nhờ vào các loại truyện tranh[24] để tiêu khiển giải sầu. Phu nhân Akashi cũng hứng thú với lĩnh vực này, chuyên tâm sáng tác và gửi tặng tiểu thư. Chủ nhân của gian nhà phía tây[25] còn cảm thấy trải nghiệm thú vui này là dịp may hiếm có, nên nàng cứ say mê vẽ tranh đọc sách mỗi ngày. Quanh nàng cũng có nhiều thị nữ trẻ tuổi tâm đắc với lĩnh vực mà nàng yêu thích. Có nhiều truyện kể về những nhân vật trong cảnh ngộ lạ lùng, chẳng biết là chuyện thật hay chỉ là hư cấu. Nhưng tiểu thư nhận thấy trong số đó chẳng ai có thân phận như nàng. Chuyện về tiểu thư Sumiyoshi[26] đã gặp nhiều biến cố, không cần phải nói đến cảm nhận của mọi người thời xưa, có lẽ với nhiều người bây giờ truyện cũng được đánh giá là đặc sắc. Gặp những tình tiết như đoạn nàng Sumiyoshi suýt bị rơi vào tay quan Kazoe-no-kami, tiểu thư lại liên tưởng đến cảm giác sợ hãi đối với chàng Tayu-no-gen thuở trước.
Đại quan cũng hay bắt gặp những truyện tranh như vậy được bày ra ở nơi này nơi khác. “Ồ, thế này thì cũng phiền hà thật! Nữ giới dường như có đặc tính bẩm sinh là rất dễ bị lừa. Trong những truyện kể kiểu này hầu như chẳng có bao nhiêu sự thật. Đã biết rõ như vậy mà các nàng vẫn bị cuốn hút để tin vào những chuyện kể linh tinh thế ấy, chẳng để ý gì đến bản thân đang xõa tóc rối bù trong lúc trời mưa ngâu oi bức mà cứ say mê chép truyện vẽ tranh!” Đại quan bật cười khi thốt lên như vậy, nhưng rồi ngài lại bảo: “Nhưng quả thật nếu mà không có những truyện kể về đời thường như thế thì chẳng biết lấy gì mà khuây khỏa trong những lúc khó xua đi cảm giác vẩn vơ buồn chán. Vả chăng, trong những tình tiết hư cấu ấy, có lúc truyện khiến ta chợt nghĩ rằng biết đâu thực tế cũng có chuyện này chăng, rồi ta lại xúc động với bao nhiêu lời kể cứ miên man tiếp nối. Biết rằng chẳng qua cũng chỉ là chuyện kể mà thôi nhưng ta vẫn cảm thấy bị cuốn hút lạ lùng, và cũng sẽ xúc động biết bao khi ta được nhìn thấy dáng vẻ cô nàng đáng yêu đang trầm tư sầu muộn trong những câu chuyện ấy. Vả lại, cũng có trường hợp ta đọc truyện mà vẫn luôn nghĩ rằng ‘truyện kể này là không hề có thật’, những tình tiết khoa trương trong câu chuyện khiến ta phải ngạc nhiên choáng váng, nhưng khi bình tĩnh mà nghe lại thì thấy truyện chẳng phải là hay, nhưng bỗng nhiên xuất hiện những chi tiết rõ ràng và rất ư thú vị. Dạo này, đôi khi ta tình cờ nghe những câu chuyện các thị nữ trong nhà đọc giúp cho tiểu thư nhỏ tuổi. Thì ra trên đời cũng có người kể chuyện hay thật đấy! Ta tự hỏi phải chăng đó chỉ là lời lẽ tùy tiện của hạng người đã quen mở miệng nói những điều hư huyễn được thêu dệt tài tình, nhưng có lẽ không phải trường hợp nào cũng thế.” “Hạng người chỉ quen kể những chuyện giả dối như ngài vừa nói đã đặt ra bao nhiêu là truyện kể phong phú thế này! Vậy mà người ta toàn tin rằng đó là sự thật.” Tiểu thư nói thế rồi đẩy nghiên mực ra. “Ta đã lỡ lời mà nói ra những điều không hay về truyện kể. Mọi người vẫn biết rằng truyện kể đã ghi chép và lưu lại những sự việc trên thế gian này kể từ thời của chư vị thần linh. Những bộ sách như Nhật Bản kỷ[27] thì cũng chỉ thuật chuyện một chiều. Chính truyện kể mới ghi ghép sự việc chi tiết rõ ràng theo lẽ phải.” Đại quan cười đáp lời tiểu thư, rồi lại nói: “Truyện kể không phải là việc tường thuật lại đúng như sự thật về một người nào đó, mà là những điều người ta đã trải nghiệm trong cuộc sống ở đời, dù là chuyện xấu hay chuyện tốt, là những điều mà mắt ta không chán nhìn, tai ta chẳng chán nghe, những điều ta khó mà giữ kín trong cõi lòng riêng tư nên những muốn viết lại, nói ra để lưu truyền cho hậu thế. Khi muốn nói tốt thì người ta chọn lấy những điều cực tốt để làm cho người khác vui lòng, mà khi nói điều xấu cũng tìm lấy những chuyện xấu đến mức độc đáo hiếm hoi, và tất cả mọi điều như thế đều chính là cuộc sống trên cõi đời này. Ngay cả truyện kể ở xứ người[28] cũng thế, và cách kể chuyện thì hẳn nhiên không giống ở nước ta. Nhưng cùng trong một đất nước Yamato này thì truyện kể bây giờ hẳn cũng khác ngày xưa. Mà chắc cũng có sự khác nhau giữa truyện kể sâu sắc và truyện kể hời hợt. Nếu cho rằng tất cả đều là những lời thêu dệt thì không thấy được một tinh thần cốt lõi ở loại truyện kể này. Đức Phật với tấm lòng từ bi khi thuyết pháp cũng nói đến những phương pháp tu hành, hạng người chưa giác ngộ chắc hẳn phải nảy sinh nhiều hoang mang nghi vấn. Trong Kinh phương đẳng cũng đưa ra nhiều phương pháp khác nhau, nhưng suy nghiệm đến cùng thì đều thống nhất về một hướng. Sự cách biệt giữa bồ đề và phiền não cũng giống như người tốt khác với người xấu trong những truyện kể này. Nếu nhìn theo hướng tốt thì mọi thứ trên đời chẳng có gì là không hữu ích.” Đại quan lại tập trung giải thích về sự quan trọng của truyện kể. “Nhân tiện, trong số những truyện kể thế này, tiểu thư có từng gặp truyện nào kể về một người giống như ta, cứng nhắc vì quá là nghiêm cẩn? Ngay cả những cô nàng trong truyện có tính cách khó gần cũng chẳng ai có trái tim lạnh lùng và thái độ phớt tỉnh như tiểu thư đâu đấy. Thôi ta hãy kể lại chuyện này cho mọi người xung quanh như là một truyện kể đặc biệt chưa từng thấy trên đời.” Đại quan nói thế và ghé lại gần bên tiểu thư. Nàng vội giấu mặt vào cổ áo, thưa rằng: “Dù không làm như vậy thì câu chuyện hy hữu thế này hẳn rồi cũng sẽ thành lời đàm tiếu trên khắp thế gian!” “Nàng cũng thấy là chuyện hy hữu chứ? Quả thật ta chưa từng thấy ai có thái độ thế này...” Đại quan nói và lại ghé đến gần tiểu thư với thái độ đùa cợt dường như không tiết chế:
“Dấu xưa mong tìm lại
Bởi lòng nặng nhớ nhung
Gặp chuyện đời hy hữu
Khi phụ thân tìm đến
Con ngoảnh mặt lạnh lùng
Theo quan niệm Phật giáo thì chuyện bất hiếu bị phê phán nặng nề đấy nhé!” Nghe đại quan nói thế nhưng tiểu thư vẫn không ngẩng mặt lên. Đại quan vừa khẽ vuốt tóc nàng vừa bày tỏ nỗi muộn phiền sâu nặng. Rốt cuộc tiểu thư cũng đáp lời:
“Quả như lời người dạy
Đời mấy ai được biết
Lòng thân phụ vướng sầu
Dẫu nhọc công tìm kiếm
Dấu xưa vẫn tuyệt mù”
Nghe lời đáp, trong lòng đại quan thấy vô cùng hổ thẹn, không dám đi quá xa trong chuyện cợt đùa. Cứ thế này thì chẳng biết mọi chuyện rồi đây sẽ ra sao.
Phu nhân Murasaki cũng vì chiều ý tiểu thư Akashi nên cảm thấy khó lòng rời bỏ những truyện kể. Xem tranh vẽ trong Truyện ở Kumano, phu nhân đã khen rằng “Những bức tranh đẹp quá!” Nàng ngắm bức tranh vẽ tiểu thư nhỏ tuổi đang ngủ trưa với dáng vẻ thơ ngây mà nhớ về bản thân trong những ngày thơ dại. “Những em bé còn nhỏ tuổi thế này mà sao trông có vẻ già dặn thế! Người có lòng kiên nhẫn như ta[29] chắc hẳn là mẫu mực ở đời vì chẳng ai sánh được!” Ngài Daijo-daijin góp lời. Quả thật ngài đã từng có những nỗi đam mê mà người đời hiếm thấy! “Phu nhân đừng cho đọc những truyện kể với nội dung già dặn thế này khi có mặt tiểu thư. Dù không đến mức tán thưởng câu chuyện về cô nàng thầm yêu trộm nhớ nhưng cũng đáng lo nếu để tiểu thư quen nghĩ rằng ấy là chuyện bình thường trong thiên hạ.” Tiểu thư bên gian nhà phía tây nếu nghe được những lời đại quan vừa nói thì hẳn phải cảm thấy nặng lòng vì thái độ cư xử của ngài với đôi bên quá ư cách biệt. “Nếu tâm hồn nông nổi đến mức rập khuôn theo kiểu người như thế, dẫu chỉ là người dưng trông vào thì cũng thấy hết sức đáng thương! Còn trường hợp như tiểu thư Fujiwara-no-kimi trong Truyện bộng cây, tuy là người vô cùng sâu sắc và rõ ràng kiên định, chẳng hề phạm phải lỗi lầm gì, nhưng lời nói và cách hành xử thì dường như kém phần nữ tính, nên kể ra cũng chẳng khá hơn những cô nàng nông nổi.” Phu nhân Murasaki đáp lời. “Người ta ở ngoài đời có lẽ cũng đều là như vậy. Mỗi người đều có chủ tâm và tính cách khác nhau, chẳng ai biết điều phải chăng trong hành xử. Có trường hợp cha mẹ chẳng đến nỗi bất tài, lại tận tụy hết lòng để nuôi con khôn lớn, tuy rằng công dưỡng dục cũng mang lại chút niềm an ủi vì con gái có tâm hồn trong trẻo thanh cao, nhưng khi thấy ở con mình nhiều điều khiếm khuyết thì bậc làm cha mẹ không khỏi băn khoăn về chức phận của mình, tự hỏi rằng thật ra thì mình đã làm những việc gì để chăm sóc cho con. Hoàn cảnh như thế thì đáng thương lắm vậy! Tuy nhiên, nếu người khác nhìn vào một tiểu thư mà cảm nhận rằng cô thật xứng với nếp nhà, thì điều đó quả là sự đáp đền đáng kể cho công lao dưỡng dục, và bậc làm cha mẹ cảm thấy rất tự hào. Dù cha mẹ có ù tai rối trí khi những người thân cận trong nhà luôn hết lời khen ngợi tiểu thư, nhưng bản thân lại chưa từng cảm thấy “quả là như vậy” khi quan sát cung cách hành xử và lắng nghe lời ăn tiếng nói của con mình, thì nàng tiểu thư kia chỉ là trường hợp khiến người ta thất vọng. Nói chung, chẳng ai mong những người tầm thường khen ngợi con gái mình thế này thế khác...” Đại quan nói những lời như vậy, thật ra cũng chỉ vì ngài đang có nhiều điều suy nghĩ, mong rằng tiểu thư Akashi lớn lên sẽ không phải mang tiếng ở đời. Vì cho rằng nhiều truyện cổ kể chuyện mẹ ghẻ có tâm địa xấu xa khiến cho mọi người đều mang ác cảm do thành kiến với những người mẹ kế, đại quan để tâm lựa chọn hết sức cẩn thận những truyện cổ dành cho tiểu thư, rồi cho viết lại thành những tập sách sạch đẹp rõ ràng, cũng có thể vẽ cả tranh vào đấy.
Bấy lâu đại quan vẫn lưu ý không để cho công tử Chujo qua lại gần gũi chỗ phu nhân bên này, nhưng với tiểu thư Akashi thì ngài không cần nhắc nhở con trai giữ gìn khoảng cách. ‘Khi ta còn có mặt trên đời thì thế nào cũng được, nhưng nếu nghĩ đến lúc ta từ bỏ cõi đời thì chỗ anh em qua lại đã trở thành thân thiết chắc hẳn sẽ đặc biệt quan tâm giúp đỡ lẫn nhau’, đại quan nghĩ thế nên cho phép công tử Chujo được thường xuyên ra vào chỗ gian phòng dành riêng cho tiểu thư Akashi ở góc nhà phía nam. Tuy nhiên, ngài vẫn không cho phép công tử ra vào khu vực nhà ăn, chỗ vẫn dành cho các gia nhân thị nữ. Vì chẳng có đông anh chị em nên công tử Chujo rất quý trọng và hết lòng chăm sóc tiểu thư. Nhìn chung công tử vốn là người chu đáo thận trọng và cực kỳ nghiêm túc, nhờ vậy mà về việc lo liệu giúp tiểu thư thì đại quan có thể yên tâm trông cậy ở chàng. Nhìn tiểu thư Akashi vẫn còn ở tuổi hồn nhiên thích chơi cùng búp bê, chàng Chujo luôn nhớ về tiểu thư dạo ấy, trong những năm tháng cả hai cùng chơi đùa bên nhau, vì vậy chàng rất nhiệt tình đóng vai gia nhân giúp việc cho búp bê công chúa[30] nhưng lắm lúc rơi nước mắt âm thầm. Những chỗ thân cận với Chujo thì dường như chẳng có gì trở ngại, và trong nhiều trường hợp như thế chàng cũng có hỏi han bông đùa đôi chút chứ không thể hiện gì để tạo lòng tin cậy ở đối phương. Tuy cũng có đối tượng khiến chàng cảm động, thầm nghĩ rằng người như thế này thì kể cũng đáng để gửi trao tâm tình đấy, nhưng rồi chàng vẫn cứ dằn lòng, chỉ giữ mối quan hệ bông đùa với người ấy mà thôi. Giờ phải làm thế nào để ai kia không còn khinh miệt “tay áo xanh” này nữa. Chỉ riêng suy nghĩ ấy là trở nên vô cùng quan trọng, lúc nào cũng bám chặt tâm trí Chujo. Nếu chàng cứ một mực theo đuổi thì chắc hẳn ngài Naidaijin rồi cũng mất kiên nhẫn và chấp thuận cho đôi bên gắn bó, nhưng mỗi lần nhớ lại nỗi phiền muộn đã qua thì chàng không thể nào từ bỏ quyết tâm sẽ tìm cách nào đó để mọi chuyện được ngài nhìn nhận, nên chàng thổ lộ những tình cảm muôn vàn sâu nặng chỉ với riêng tiểu thư bên ấy, không để cho nỗi lòng say đắm thể hiện ra vẻ mặt bên ngoài. Các anh em bên nhà tiểu thư cũng nhiều khi cho rằng thái độ của công tử Chujo chỉ có thể nói là thật khó ưa. Công tử Uchujo[31] vì nặng lòng tơ tưởng đến tiểu thư Tamakazura nhưng hầu như không có chỗ nhờ cậy để trao lời ngỏ ý nên đã nằn nì than thở cùng công tử Chujo bên này. Khi ấy chàng Chujo đã lạnh lùng đáp lại, rằng “Một khi không phải chuyện của mình thì ai cũng tỏ ra khó chịu cả thôi!” Chuyện cũng giống như mối quan hệ thuở nào giữa hai vị đại quan, cũng chính là thân phụ của hai chàng công tử.
Quan Naidaijin có nhiều con cùng cha khác mẹ. Tùy theo gia thế bên họ ngoại và tùy theo cốt cách của mỗi người, vả chăng cũng nhờ ngài được tùy nghi hành xử với danh tiếng và vị thế của một bậc đại quan, nên các công tử tiểu thư đều có danh có phận. Ngài không có nhiều con gái, mà chuyện của cung phi đã không được như ngài kỳ vọng, còn tiểu thư trẻ tuổi trong hoàn cảnh thế kia cũng là trái với dự định trong tâm ý, nên ngài thấy mọi chuyện thật đáng tiếc vô cùng. Ngài vẫn không quên “đóa hoa cẩm chướng”[32] trong chuyện cũ và nhiều lần đã từng nhắc đến cô trong lúc chuyện trò. ‘Chẳng biết con gái ta giờ đây ra sao nhỉ. Vì thần sắc ở người mẹ yếu đuối mong manh nên con gái đáng yêu là vậy mà mất hút về chốn nào không rõ. Ai cũng biết rằng dù hoàn cảnh có thế nào cũng không được rời xa con gái. Biết đâu giờ đây cô bé chẳng ranh mãnh tự xưng là con gái của ta trong lúc đang sống cảnh trầm luân phiêu dạt! Dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa, giá mà con đánh tiếng tìm ta...’ Ngài Naidaijin vẫn nặng lòng vì những suy nghĩ ấy. Ngài cũng thường dặn bảo các con: “Nếu có biết người nào đã xưng danh như vậy thì chú ý để nghe mọi chuyện cho rõ nhé. Ngày trước chỉ vì muốn khuây khỏa nỗi lòng mà ta đã từng có nhiều mối quan hệ vu vơ nông nổi. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt trong số đó vì ta cảm thấy nàng không phải như bao nhiêu người khác vẫn tầm thường hời hợt. Chỉ vì mọi chuyện lạnh nhạt trong phút chốc mà ta bặt tin nàng. Ta vốn chẳng có nhiều con gái mà lại để thất lạc con mình như vậy thì thật là đáng tiếc!” Cũng có lúc ngài thôi dằn vặt mình mà tạm thời quên đi chuyện cũ, nhưng khi được biết xung quanh có nhiều người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau đã chăm lo cẩn thận cho con gái thì ngài lại cảm thấy buồn phiền, nghĩ rằng chỉ riêng bản thân mình là chẳng được đúng như mong muốn.
Lần nọ, để biết được ý nghĩa khi vừa trải qua một giấc mơ, ngài Naidaijin cho mời người thông thạo về đoán điềm giải mộng. “Có một quý tử mà đại quan không gặp đã nhiều năm, nay được người khác nhận làm con và đưa về chăm sóc. Chẳng hay ngài đã từng nghe chuyện ấy chăng?” Người đoán mộng cho biết như vậy. “Nhận con gái người khác về làm con nuôi quả là chuyện trên đời hiếm có! Nên nghĩ thế nào về việc này đây nhỉ?” Dường như dạo này ngài vẫn luôn thắc mắc trong lòng và cũng có mở lời về chuyện ấy.


[1] Tháng Năm (Âm lịch) ở Nhật thường có mưa bụi kéo dài. Theo tập quán đương thời thì khoảng thời gian này không nên tiến hành các nghi lễ hôn nhân.
[2] Thời khắc “ngày chuyển sang đêm” là khoảng thời gian từ khi mặt trời lặn hẳn đến khi trăng thượng tuần xuất hiện. Vì vậy, khoảng thời gian này chỉ có trong những đêm đầu tháng. Ở đây ý nói đã đến lúc trăng thượng tuần ló dạng.
[3] Loại màn che bằng vải, dùng để ngăn các khoảng không gian bên trong một gian nhà, gồm các tấm vải có kích thước khá lớn được gắn vào thanh tre ở phía trên và buông rủ dài xuống sàn nhà. “Lá màn” ở đây là một trong những tấm vải được kết thành một bức màn như thế.
[4] “Gian” là khoảng cách từ giữa hai cây cột trong kiến trúc Nhật Bản truyền thống. Theo cách đo hiện nay thì chưa đầy ba mét.
[5] Chơi chữ trong nguyên tác: “omohi” có nghĩa là suy nghĩ, nhưng “hi” cũng có nghĩa là lửa. Lửa vừa là hình ảnh đom đóm lóe sáng vừa là cách nói ngụ ý về tình cảm say đắm của hoàng thân đối với nàng Tamakazura.
[6] Dẫn ý thơ Shigeyuki thi tậpCổ kim tập, cho rằng tâm tưởng sâu sắc hơn lời nói. Bài thơ trong Shigeyuki thi tập so sánh côn trùng phát sáng là đom đóm và côn trùng kêu vang, ngụ ý ánh sáng phát ra là do những nung nấu bên trong tâm tưởng không thể hiện bằng lời.
[7] Mồng năm ở đây được hiểu là dịp Tết Đoan Ngọ.
[8] Loại giấy cao cấp được chế biến từ một loại cây họ trầm.
[9] Tết Đoan Ngọ ở Nhật Bản cũng là dịp hoa diên vỹ nở rộ.
[10] Đương thời, vào dịp Tết Đoan Ngọ ở Nhật Bản có trò chơi nhổ cây diên vỹ để đọ xem độ dài của rễ cây.
[11] Tức dịp Tết Đoan Ngọ.
[12] Chơi chữ trong nguyên tác “nakare” là khóc, phát âm gần giống với “nagare” là trôi; “ne” nghĩa là rễ cây, nhưng cũng có nghĩa là âm thanh, cất tiếng. Lời thơ dùng mượn hình ảnh rễ cây diên vỹ trong ao nước để ngụ ý hoàng thân than khóc vì không chinh phục được tình cảm của nàng Tamakazura.
[13] Chơi chữ trong nguyên tác: “ayame” là tên gọi của hoa diên vỹ trong tiếng Nhật, nhưng “ayame” cũng có nghĩa là hoa văn, nghĩa rộng là dạng thức, sự tình.
[14] Theo phong tục đương thời, vào ngày Tết Đoan Ngọ người Nhật làm túi thơm để trang trí trong nhà và xua đuổi tà khí. Túi thơm được làm bằng vải gấm, đựng các loại hương liệu và thảo dược. Gọi là túi nhưng thường được buộc thành hình cầu, có gắn dây treo và hoa giả bên ngoài để trang trí.
[15] Theo thông lệ đương thời, cung đình có tổ chức cuộc thi cưỡi ngựa bắn cung vào hai ngày mồng năm và mồng sáu tháng năm.
[16] Cơ quan phụ trách việc tổ chức cuộc thi đua ngựa bắn cung như một sinh hoạt của triều đình.
[17] Tức màu xanh lục nhạt, hơi vàng.
[18] Tức dịp Tết Đoan Ngọ.
[19] Nghĩa là “khúc nhạc đánh cầu”. Nhạc khúc du nhập từ Trung Hoa, được sử dụng trong nhã nhạc Nhật Bản đương thời.
[20] Nhạc khúc du nhập từ Triều Tiên, được sử dụng trong nhã nhạc Nhật Bản đương thời. Tên của nhạc khúc không rõ nghĩa.
[21] Tức thời gian theo giúp hoàng phi Reikeiden ở nội cung.
[22] Ý nói là người trong hoàng tộc nhưng vì không được đánh giá cao về phẩm chất nên không được ban tước vị cụ thể.
[23] Dẫn ý thơ Egyo trong Hậu thập di tập và thơ (vô danh) trong Cổ kim tập. Bài thơ mượn hình ảnh cây cỏ “ngựa chẳng buồn ăn” để nói đến tình cảnh phụ nữ cô đơn, không duyên phận. Ở chi tiết này, nhân vật tự ví mình với hoa diên vỹ và nhân đó đã mượn ý thơ xưa để nói về hoàn cảnh bản thân.
[24] “Truyện tranh” có thể hiểu là thưởng thức hay sáng tác truyện kể bằng tranh vẽ, hoặc là vẽ tranh minh họa cho câu chuyện nào đó, hoặc là kết hợp đọc truyện cùng vẽ tranh.
[25] Tức nàng Tamakazura.
[26] Nhân vật chính trong một truyện cổ, có tên là Truyện Sumiyoshi.
[27] Tập sách lịch sử Nhật Bản thời cổ.
[28] Chỉ Trung Hoa.
[29] Nội dung này có thể là Genji đang nói đến mối quan hệ với Murasaki, mà cũng có thể là nhân vật vẫn đang suy nghĩ về tình cảm với nàng Tamakazura.
[30] Tác giả mượn cách nói trong trò chơi búp bê để nói về mối quan hệ giữa Chujo và Akashi.
[31] Tức con trai của quan Udaijin.
[32] Tức nàng Tamakazura.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét