Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

CÁCH ĐỌC “GỌT CHÂN CHO VỪA GIÀY” – BI KỊCH CỦA “VÀ KHI TRO BỤI”



Sau Nỗi buồn chiến tranh, Và khi tro bụi là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi được viết nên bởi một người Việt Nam khiến tôi xúc động đến mức gần như bị ám ảnh, và vì vậy mà cảm thấy kính phục trình độ và lao động nghệ thuật của người viết. Nhưng tôi không nghiên cứu văn học Việt Nam nên chưa từng nghĩ mình sẽ viết cái gì đó về cuốn sách này. Tôi chỉ giữ lại, một cách rất tự nhiên, những dòng văn rất đẹp của Và khi tro bụi như một kỷ niệm đáng trân trọng, và thấy hạnh phúc vì mình đã may mắn đọc được một quyển sách như thế.
Chừng 7-8 năm trước, có một bạn đồng nghiệp hay mượn sách của tôi về đọc. Tôi hào hứng giới thiệu Và khi tro bụi và đưa cho cô ấy quyển sách tôi đang có. Lần kế tiếp gặp lại, cô bạn bảo rằng đã đọc xong, nhưng chỉ nói mấy lời ngắn gọn là câu chuyện trong quyển sách quá buồn. Tôi dường như có một thoáng hụt hẫng. Tôi biết cô bạn ấy thực sự đã đọc sách, và cũng đã nói lên cảm nhận của cô một cách rất chân thành. Nhưng tôi có cảm giác nỗi buồn là một cái gì không chịu nổi với phần đông người Việt. Trước và sau khi nghe cảm tưởng của cô bạn đọc Và khi tro bụi, tôi đã thấy nhiều trường hợp người ta “dị ứng” với nỗi buồn. Văn học cách mạng thì chỉ có chiến thắng và niềm vui. Đã từng có một thời người ta sẵn sàng “ném đá” những tác phẩm nghệ thuật đi vào lòng người, vì cho rằng viết ra những lời lẽ như thế là biểu hiện sự bi lụy của bản thân và gieo rắc bi lụy cho người khác! Nỗi buồn giống như một rặng núi hiểm trở. Người ta nhìn thấy nó trước mặt thì dừng lại và đi vòng ngả khác, không mấy ai “ngoan cố” dấn mình vào đường núi chênh vênh. Có thể nỗi buồn cũng giống như một đám khói mù. Người ta nghĩ mình sẽ bị ngạt khi đi vào trong đó. Ngạt thở và không còn nhìn thấy gì hết ở chung quanh. Thế nên tốt nhất là tránh đi, là khỏa lấp. Đó là cách ứng xử trái ngược với người Nhật – một dân tộc phát hiện nỗi buồn từ những dấu hiệu tinh tế nhất và luôn luôn chọn cách đi xuyên thấu nỗi buồn. Vì thế họ biết rằng tận cùng nỗi buồn là cái đẹp.
Nhưng dù sao, thái độ “dừng lại” trước nỗi buồn của Và khi tro bụi vẫn là một thái độ chân thành, tuy là sự chân thành yếu ớt. Gần đây, tôi tình cờ đọc được những bài viết thuộc thể loại nghiên cứu, thì mới thấy số phận của Và khi tro bụi trong cuộc giao lưu với độc giả cũng bi kịch không kém câu chuyện buồn mà tác phẩm mang theo.
Một số tác giả bài viết đại khái cho rằng Và khi tro bụi mang trong lòng nó một câu chuyện trinh thám. Đúng là trong truyện có một vụ án mạng, và có người lần theo vết tích để tìm gặp những nhân vật trong vụ án mạng đó. Điều quan trọng là tâm thức của nhân vật lần theo dấu vết kia. Cô không có ý thức rõ rệt về chuyện tìm kiếm đó. Cô chỉ bị trượt vào câu chuyện mà cô tình cờ đọc được trong quyển sổ, như người ta trượt vào một vũng sương mù. Thoạt tiên, câu chuyện làm cho cô bị sốc. Nhưng không phải sốc vì nhận thức rằng có một tội ác cần phải làm sáng tỏ. Cô chỉ cảm thấy đó là một câu chuyện nặng nề, nặng đến mức cô không đủ sức mà mang nó, nên cần phải nhanh chóng trả lại cho người đã viết nó vào trong cuốn số được trao lại cho cô. Tuy nhiên, vì không tìm lại được người viết câu chuyện ấy, và cũng không đủ can đảm mà vứt bỏ quyển số, cô cứ từng bước một trượt vào trong câu chuyện mà không có kế hoạch, mục tiêu nào được xác định rõ ràng cho những việc cô làm.
Truyện trinh thám là hành trình giải mã để làm lộ diện kẻ phạm tội. Còn câu chuyện trong Và khi tro bụi thì khác hẳn. Nội dung được kể trong quyển sổ đã ghi rõ kẻ phạm tội là ai. Nhưng An Mi không muốn tin điều đó. Cô thấy cách lập luận của câu chuyện được viết ra là quá ư lỏng lẻo. Cô chỉ thấy nặng nề vì một cậu bé mười ba tuổi, dẫu vì lý do gì đi nữa, đã phải ôm trong lòng một câu chuyện thế kia. Và rồi khi biết được toàn bộ sự thật từ người đàn ông đã giết chết vợ mình, An Mi đã không làm gì khác ngoài việc thu dọn những mảnh vỡ của cuộc đời ông ấy. Trước đó, cô thậm chí không muốn nghe câu chuyện mà ông Kempf muốn nói ra lúc cuối đời như hành vi xưng tội, và từ chối với lý do là cô chẳng biết phải làm gì với nó, tuy chính cô nói rằng cô muốn biết sự thật về bi kịch trong gia đình ông.
Điều quan trọng không phải là xếp một câu chuyện, một tác phẩm vào loại này hay loại khác bằng cách gán bừa cho nó một cái khung. Tác phẩm cần nhất là được hiểu. Một cái khung giúp cho người ta hiểu đúng, hiểu sâu tác phẩm là điều tốt, còn ngược lại thì nên thận trọng. Nếu một người chưa từng đọc Và khi tro bụi mà bị dẫn dắt bởi cái từ “trinh thám” thì sẽ hình dung về tác phẩm ra sao? Nói rằng một ngôi nhà nào đó làm bằng gỗ thì liệu có giúp cho người khác biết về những buồn vui đã làm nên sự tồn tại của nhà ấy hay không? Nếu nói theo kiểu đó thì Và khi tro bụi còn có cả truyện ma trong truyện trinh thám nữa!
Kinh khủng nhất là một bài viết sử dụng lý thuyết phân tâm học để phân tích tác phẩm. Lý thuyết của Freud vốn là một đóng góp quan trọng của một ngành nghiên cứu, giúp người ta có thể tự hiểu mình nhiều hơn. Vấn đề là cách thức người ta sử dụng nó. Tác giả bài viết (xin phép không nêu tên) cho rằng nhân vật An Mi, cũng giống như tác giả tiểu thuyết là Đoàn Minh Phượng, mang mặc cảm văn hóa, mặc cảm dân tộc vì là người Việt Nam lưu vong ở nước ngoài. Chuyện đó đúng hay sai thì tôi không thể biết. Tôi chỉ thấy tác giả bài viết không hề có lập luận chặt chẽ mà chỉ dùng lý thuyết phân tâm học như một cái khung để ấn vào tác phẩm và phán bừa nhiều chỗ theo suy diễn cá nhân. Chẳng hạn tác giả có viết rằng: “Đoàn Minh Phượng rời Việt Nam qua định cư tại Đức khi chưa đầy hai mươi tuổi, sống trong lòng xã hội tư bản mà ở đó sự minh bạch, phân công đều rõ ràng, lạnh lùng, vô cảm, cộng với sự cách biệt về ngôn ngữ, ứng xử tạo một vách ngăn và mặc cảm văn hóa sâu nặng trong tâm thức của con người xa xứ.” Tác giả không dẫn nguồn tư liệu, nên tôi không biết nội dung trong câu trên có phải là nội dung mà nhà văn Đoàn Minh Phượng tự nói về bản thân hay không. Không biết bằng cách nào tác giả biết được nội dung đó. Mà bản thân nội dung được diễn đạt trong câu cũng rất có vấn đề, chẳng hạn tôi không hiểu “sự minh bạch, phân công đều rõ ràng, lạnh lùng, vô cảm” có ý nghĩa ra sao. Và sự “phân công rõ ràng” trong “xã hội tư bản” thì có gì không đúng, hay không tốt? Phải chăng tác giả muốn nói rằng người ta nên sống trong một xã hội không phải là tư bản và không có sự phân công rõ ràng?
Đến khi tác giả có dẫn nguồn tư liệu cho lập luận của mình thì mọi chuyện lại càng thêm kỳ quặc. “Gắn mình vào guồng quay của cuộc sinh tồn khó nhọc nơi đất khách, chị nhận ra ‘mình lạc lõng và luôn có cảm giác mình không tồn tại trên mặt đất. Như thể mình bị cắt rời khỏi phần máu thịt của mình’(Và khi tro bụi bay về. Truy cập từ http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat). Thế nên, chị tìm cách quay về sau gần hai mươi năm lưu lạc, dẫu hành trình trở lại bản xứ cũng thật chật vật, khó khăn.” Tôi đã tìm bài viết ở đường dẫn ghi trên để đọc. Một bài viết trên trang báo điện tử. Cái câu mà tác giả bài nghiên cứu trích dẫn nằm trong một đoạn như thế này: “Phải mất hai năm chị mới xin được visa vào Việt Nam. Đó là những ngày khủng khiếp. Tôi thấy mình lạc lõng và luôn có cảm giác như mình không tồn tại trên mặt đất. Như thể mình bị cắt rời khỏi phần máu thịt của mình. Thế nên, Phượng đã tìm cách trở về, dù biết là gian khó...” Bài báo cũng không nói nội dung ghi trong ngoặc đến từ đâu, là lời nhà văn đã trực tiếp phát biểu trong trường hợp nào. Nhưng đọc trong mạch văn của bài báo, tôi hiểu rằng cái cảm giác “khủng khiếp” hay “lạc lõng” gắn với chuyện xin visa vào Việt Nam, chứ không phải vì một sự va chạm, hay là sự thất bại nào đó khiến nhà văn mặc cảm khi sống ở xứ người. Điều đó không khó hiểu, vì va chạm hay thất bại dù xảy ra ở quê hương mình hay ở nơi nào khác cũng là chuyện thường thấy trong một đời người, nhưng bị cái nơi mình vẫn xem là quê hương lạnh lùng hay chối bỏ thì mới là lạc lõng thật sự. Đằng này, tác giả bài nghiên cứu nói trên lại viết theo hướng khẳng định rằng cảm giác “lạc lõng” là do nhà văn “gắn mình vào guồng quay của cuộc sinh tồn khó nhọc nơi đất khách”, không biết là do cách hiểu về bài báo, hay là do tùy tiện khi muốn minh họa cho ý kiến rất chủ quan của riêng mình?
Tôi cũng không hiểu cụm từ “mặc cảm văn hóa” được tác giả bài viết sử dụng với ý nghĩa thế nào, và vì sao “mặc cảm văn hóa” lại làm cho An Mi trở thành “con người không có quê hương”, thành “khách lạ” ở những nơi mà cô đã đến. Thông thường, người ta có mặc cảm khi biết rõ mình thuộc về cái gì, còn nhân vật An Mi thì ngược lại. “Mặc cảm” thường khiến cho người ta che giấu đi những điều vốn cần được biểu hiện, hoặc thay thế điều đó bằng một điều gì khác. Còn nhân vật An Mi thì rất tự nhiên mà làm theo tập quán ở quê hương đã chừng như mất hút trong trí nhớ của cô. Khi nhớ ra rằng “ở nơi tôi sinh ra, màu trắng là màu tang chứ không phải đen”, cô đã mặc bộ áo dài trắng đến dự tang lễ chồng ở nhà thờ. Tác giả bài nghiên cứu đã sử dụng lý thuyết phân tâm học để gọi đó là “hành vi sai lạc”, và đưa ra dẫn chứng: “Lúc tôi bước vào nhà nguyện, mọi người nhìn tôi rồi vội quay đi, như tế nhị tránh nhìn một điều sai sót lớn lao. Tôi nghĩ đừng bắt tôi làm khác, tôi chỉ có một lần này trong đời để mặc chiếc áo trắng dành cho anh.” Và sau đoạn trích dẫn, tác giả lại viết rằng “Hành động của An Mi đã phạm phải một điều cấm kỵ lớn lao đối với gia đình chồng, với nền văn hóa bản địa.” Tôi đọc lại thật kỹ tác phẩm mà vẫn không tìm thấy chỗ nào nói thế. Nói về chuyện cấm kỵ ở Đức và việc phạm lỗi của An Mi, dù là qua phát ngôn của nhân vật nào đó thuộc “gia đình chồng” hay đại diện cho “văn hóa bản địa”. Tôi cảm nhận rằng hành động “quay đi” của mọi người khi An Mi bước vào nhà nguyện là biểu hiện ái ngại trước nỗi đau quá lớn của người khác. Họ thấy An Mi đang hành xử rất lạ, nhưng họ biết cái lạ đó là do sự tang thương khủng khiếp trong thế giới của cô. Cái gì khác với những điều mà cộng đồng xung quanh thấy quen thuộc, thông thường không nhất thiết là “sai lạc”, là phạm lỗi. Tác giả Và khi tro bụi không viết một câu nào về thái độ đánh giá của gia đình người chồng đã khuất đối với cách hành xử, hay tính cách vốn có, của An Mi.
Tác giả bài nghiên cứu nói trên còn nói đến “mặc cảm Oedipe” và lấy nhân vật Marcus làm trường hợp minh chứng: “Cậu bé Marcus trong vô thức cũng đã có một sự thù địch, căm ghét bố. (...) Cho nên, khi chứng kiến cái chết của mẹ - người Marcus rất mực yêu thương dưới tay của bố, nỗi căm hờn càng nhân lên gấp bội.” Tôi không rõ “mặc cảm Oedipe”, trên thực tế, có thể khiến cho một người con trai ghét bố đến mức nào. Nhưng lẽ nào cảnh tượng bố mình giết mẹ mình bằng một con dao chưa đủ gây ra chấn thương tâm lý, làm hoảng loạn một đứa bé năm tuổi, bất kể đứa bé ấy là trai hay gái? Giá như “mặc cảm Oedipe” được nói đến trong “mối quan hệ tam giác” của ông Kempf, cô Sophie và Michael thì còn có vẻ dễ hiểu hơn. Ngoài ra, tác giả bài viết còn nhầm lẫn hai nhân vật Michael và Marcus – một sự nhầm lẫn thật khó tin đối với một người làm học thuật!
Nói chung, tác giả bài viết không làm việc cần làm, là cố gắng chiêm nghiệm những con chữ để mà hiểu tác phẩm, mà ngược lại đã phân tích tác phẩm theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”, trong khi phân tâm học vốn không phải là loại giày mềm mại dễ đi.
Tôi viết những dòng này không phải chỉ vì một bài nghiên cứu kém chất lượng. Tôi thấy buồn vì ở đất nước mình, người ta đọc văn chương không phải bằng tâm hồn, bằng tinh thần chia sẻ với con người và khát khao hiểu biết về thế giới, mà bằng những cái khung để mà áp đặt và phán xét. Một thời, những cái khung ấy toàn là những quan điểm chính trị kiểu ai cao ai thấp, ai thắng ai thua. Gần đây thì, ít nhất là trong giới chuyên môn, đã xuất hiện những cái khung lý luận phê bình. Sáng tác văn chương và lý luận phê bình đều có những cái hay. Nhưng để gắn cái này vào cái kia thì không được quên rằng, lý luận phê bình “chạy theo” sáng tác chứ không phải ngược lại. Sáng tác bật ra từ những tâm hồn nhạy cảm, có chiều sâu, trong sự “va chạm” với cuộc đời đa tạp và rộng lớn. Tiểu thuyết là một cuộc hành trình bất tận tìm kiếm và thể hiện sự đa dạng, lắt léo tinh vi của cuộc đời. Vì thế nó cũng là một thế giới đa dạng và cũng đầy ẩn khuất. Tìm hiểu thế giới ấy là một điều vất vả, vì vậy mà mới sinh ra ngành lý luận phê bình. Cho nên, sử dụng lý thuyết để tìm hiểu tác phẩm thì không có gì sai, nhưng phải nhớ cái gốc là tác phẩm chứ không là lý thuyết. Có nhiều người chưa từng biết một lý thuyết nào, họ đọc tác phẩm và họ thấy cảm động, thế thôi. Biết nhiều hơn để chia sẻ với câu chuyện nhiều hơn, sâu hơn thì càng tốt, nhưng không nên vì nhu cầu “mổ xẻ” mà đưa tác phẩm vào những cái khung lệch lạc.
Ở Việt Nam, khi trình bày luận văn luận án trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, người viết bị hỏi rằng bạn dùng lý thuyết nào để nghiên cứu tác phẩm. Có những hội đồng chấm luận văn cao học, chủ tịch hội đồng và học viên bảo vệ luận văn cãi nhau về một lý thuyết mà cả hai đều không hiểu, vì lý thuyết này được tuyên bố là công cụ để tìm hiểu tác phẩm là đề tài nghiên cứu của luận văn!
Tôi biết ít nhất là học giả Nhật Bản không hề làm như vậy. Họ được học và tự đọc về rất nhiều lý thuyết, cũng như nhiều tác phẩm. Nhưng bài nghiên cứu thì chỉ là phát hiện riêng của họ về tác phẩm mà thôi. Phát hiện có thể liên quan đến một lý thuyết nào đó, nhưng người viết không hề xem tác phẩm là bằng chứng minh họa cho cái lý thuyết kia. Điều quan trọng là người viết phải nhìn ra, phát hiện ra sự thú vị nào đó trong tác phẩm bằng cách đọc của mình. Dĩ nhiên “cách đọc” đó bao gồm cả nền tảng tri thức. Phát hiện ấy khi được trình bày bằng cách lập luận chặt chẽ và dễ hiểu thì sẽ trở thành một bài nghiên cứu có thể chia sẻ với mọi người.
Đành rằng hiểu bất cứ cái gì cũng không phải là điều đơn giản. Đành rằng người ta luôn cần có công cụ và cần sự trợ giúp cho những việc khó khăn. Nhưng việc hình thành và duy trì cả một truyền thống nghiên cứu văn chương theo kiểu “gọt chân cho vừa giày” như vậy thì thật là kinh khủng!
Bài viết này tạm thời dừng lại ở đây. Tôi cũng muốn viết về sự thú vị của Và khi tro bụi, nhưng chắc là để sang dịp khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét