Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2017

CHUYỆN NHỎ MÀ KHÔNG NHỎ



Gần đây, nơi tôi làm việc có một chuyện nho nhỏ.
Nhưng có lẽ chỉ là chuyện nhỏ đối với tôi, còn đối với tập thể nói chung thì nó khá hệ trọng.
Vả chăng, tuy là chuyện nhỏ nhưng nó có dư âm kéo dài, làm tôi nhớ đến một chuyện khác và không khỏi nặng lòng khi so sánh hai chuyện với nhau.
Ấy là chuyện thủ trưởng của tôi đến tuổi thôi chức vụ quản lý.
Cũng xin được nói rõ rằng “thủ trưởng” ở đây chỉ là người quản lý một “đơn vị công tác” trong một cơ quan, chứ không phải là người đứng đầu của cả cơ quan ấy. Và trong cơ quan thì có cả mấy chục đơn vị có chức năng và vị thế như nhau.
Kể cả hồi mới ra trường và làm nhân viên trong một công ty Nhật, tôi cũng ít quan tâm đến chuyện ai là sếp của mình. Tôi tôn trọng vị trí của họ như tôn trọng bao nhiêu người khác, và cẩn trọng trong mọi việc cần đến sự cộng tác của nhiều người để giảm thiểu những rắc rối xảy ra trong quá trình làm việc, nhưng tôi không xét nét xem con người cá nhân của họ ra sao. Chính xác hơn, tôi không có ý định phán xét ai ở góc độ cá nhân, và những gì tôi biết về tính cách, lối ứng xử của người quản lý hay đồng nghiệp chỉ có tác dụng giúp tôi điều chỉnh mối quan hệ trong công việc theo hướng ôn hòa và bền vững.
Từ khi chọn công việc mà tôi cho rằng nó giúp tôi hạn chế rất nhiều sự tương tác với đồng nghiệp cũng như người quản lý, tôi lại càng ít quan tâm đến những chuyện linh tinh về cá nhân người này, người kia trong môi trường làm việc. Chỉ riêng quy chế điều hành chung của cả cơ quan đã có quá nhiều điều khiến tôi trầm uất và mệt mỏi.
Vị sếp mà tôi mới nhắc đến ở đoạn trên vốn là thầy dạy trong ngành tôi đã học. Tôi không có ấn tượng gì sâu sắc về thầy và cũng không rõ tính cách của thầy trong đời sống cá nhân. Chỉ có cảm nhận chung chung rằng thầy là một người vui vẻ và dễ tính.
Cho nên, cả việc thầy thôi làm công tác quản lý và việc một ai đó sẽ thay thế vị trí của thầy đều không tác động nhiều đến suy nghĩ của tôi. Với tôi, đó chỉ là một trong những thay đổi về điều kiện làm việc, như rất nhiều trường hợp thay đổi khác.
Nhưng một hôm khi đến văn phòng, tôi loáng thoáng nghe thầy nói về việc thay đổi chỗ ngồi, và có cảm giác hơi là lạ. Trước đó thì tôi chẳng hề lưu tâm đến chuyện này, không phải chỉ vì nó không liên quan gì đến tôi, mà còn vì trong tâm thức của tôi thì nó không hề là một chuyện khiến người ta phải đắn đo, cân nhắc.
Cách đây mấy năm, tôi đến Nhật trong một thời gian ngắn để thu thập tư liệu nghiên cứu, vừa đúng lúc giáo sư nhận bảo trợ cho tôi đến tuổi nghỉ hưu.
Ở Nhật, khi đến tuổi nghỉ hưu thì người ta rời hẳn vị trí công việc, và không còn chức danh gắn với công việc ấy. Khi đã thôi làm việc ở trường thì người ta không còn là giáo sư. Cũng đơn giản như nhân viên thiết kế đã nghỉ hưu thì không còn là nhân viên thiết kế.
Về sau, qua nhiều nguồn thông tin và cũng do liên lạc trực tiếp với thầy, tôi biết rằng người thay thế vị trí của thầy ở trường đại học kia là một học trò cũ mà thầy đã trực tiếp giảng dạy. Tôi cũng biết thầy được phong giáo sư danh dự của trường, nhưng thầy khẳng định đã thôi hẳn công việc và không còn liên quan gì đến ngôi trường ấy nữa. Tôi biết thầy đang dành hết thời gian cuối đời để làm nghiên cứu và dịch thuật – công việc mà thầy tâm sự rằng luôn rất muốn làm nhưng khi còn ở trường đại học thì đã bị công việc giảng dạy và quản lý chiếm dụng mất thời gian.
Còn trong thời gian mà tôi được gặp thầy hàng tuần ở trường đại học, tôi chỉ thấy là thầy đang phải rất vất vả dọn phòng nghiên cứu để trả lại cho trường. Thầy giải thích là đến tháng Ba năm sau thì nơi đang là phòng nghiên cứu của thầy phải được dọn sạch sẽ để đón người mới đến. Mà phòng thầy thì như một thư viện. Nhiều lần hai thầy trò đi cùng tuyến xe điện về ga Shinjuku, tôi thấy thầy cẩn thận chọn ra một ít sách để mang dần về nhà. Thầy bảo phải mang rất nhiều chuyến mới vơi bớt phần nào, vì sách dồn lại trong nhiều năm nên bây giờ nhiều quá. Bình thường thầy đã phải chống gậy vì chân yếu, lại còn phải đứng trên xe điện hàng tiếng đồng hồ, thế mà thầy vẫn cứ cần mẫn chuyển sách về nhà theo cách ấy. Thầy còn giải thích là mấy tháng nữa thầy phải lái ô tô đến trường chở sách về, chắc phải chở mấy chuyến mới xong. Có hôm thầy bị cảm, trông rất mệt mỏi khi vừa chống gậy vừa cầm túi đựng sách. Tôi nằng nặc xin cầm sách giúp thầy, dù chỉ đi với thầy chung một đoạn đường thôi, nhưng thầy không bao giờ để tôi động tay vào việc ấy, đến mức khiến tôi thấy bực mình vì tính cách quá ư cứng rắn của người Nhật!
Tuy cũng là trường đại học nhưng nơi tôi làm việc khác hẳn nơi công tác của thầy. Khác như vùng địa cực khác với vùng xích đạo! Nên văn phòng cơ quan chẳng hề khiến tôi nhớ lại việc thầy dọn dẹp phòng nghiên cứu.
Nhưng bỗng nhiên vị sếp mới thôi làm quản lý lại khiến tôi nhớ đến chuyện kia. Mà là nhớ con người, thái độ chứ không phải sự kiện.
Quyết định thôi chức và quyết định bổ nhiệm đều đã được công bố hơn một tuần rồi, nhưng sếp cũ vẫn ngồi trên ghế cũ, trong gian phòng dành cho thủ trưởng mà thầy vẫn sử dụng lâu nay.
Gian phòng ấy không khiến tôi ngưỡng mộ như phòng nghiên cứu của thầy tôi bên Nhật, mà chỉ là nơi tôi thỉnh thoảng bước vào để trình ký các loại giấy tờ khi phải làm thủ tục hành chính với các phòng ban khác trong trường. Đối với tôi, nói ngắn gọn thì đó là nơi có đặt cái ghế của người làm quản lý. Và việc sếp khó xa rời nó khiến tôi không khỏi thấy ngạc nhiên.
Sở dĩ nói là “khó xa rời” vì tôi đã mấy lần nghe thầy nói về việc thay đổi vị trí với vẻ khá băn khoăn, nhưng rồi hơn một tuần trôi qua mà mọi thứ vẫn còn nguyên như cũ. Dĩ nhiên là thầy vẫn tiếp tục làm việc tại cơ quan với đầy đủ học hàm học vị. Vấn đề là một thành viên bình thường làm công tác giảng dạy thì không có chỗ ngồi cố định ở cơ quan, nói gì đến một góc hẳn hoi tách riêng với mọi người còn lại.
Khi tình cờ trò chuyện với một cô bạn đồng nghiệp cùng đơn vị, tôi nghe cô ấy bày tỏ sự thắc mắc về việc chỉ thay đổi trên nội dung giấy tờ chứ chưa thay đổi vị trí nơi làm việc, và chợt hiểu ra rằng tình trạng hiện tại nếu kéo dài thêm nữa thì có vẻ sẽ không ổn lắm trong tâm thức mọi người.
Là một người ngoài cuộc đối với chuyện quản lý, tôi chỉ biết là có tồn tại một tình trạng như thế, chứ không biết vì sao mà nó lại xảy ra.
Mười bốn năm đi làm, tôi đã mấy lần thay đổi nơi làm việc, và chưa từng có cảm giác muốn vào thăm lại cơ quan cũ, dù khi tôi chuyển việc thì không hề ghét bỏ cơ quan hay đồng nghiệp ở đó.
Tôi chỉ muốn thăm lại trường cũ mình đã học, nhìn lại cái cây mình đã trồng ở một góc sân trường. Tôi cũng thường nhớ về ngôi nhà cũ, nơi mình đã sống với người thân, dù ngôi nhà ấy không còn nữa.
Có lẽ vì tôi thuộc kiểu người không đặt tình cảm cá nhân vào cơ quan hay quan hệ công việc.
Cũng có thể ai đó nghĩ rằng tôi chỉ là một nhân viên bình thường, còn người quản lý thì mới có tình cảm gắn bó với cơ quan.
Nói chung là tôi không hiểu được tâm tư tình cảm của người khác, đặc biệt là những người có vị thế khác hẳn bản thân mình.
Có thể người ta gặp rất nhiều khó khăn khi phải chia tay với cơ quan, hay thậm chí chỉ là chia tay với một... cái ghế?
Tôi cảm nhận rất rõ là thầy tôi rất buồn, khi thầy nói về việc nghỉ hưu, việc dọn phòng nghiên cứu và thu xếp để mang từng quyển sách về nhà.
Nhưng thầy đã làm hết những việc phải làm một cách rất điềm tĩnh. Không băn khoăn. Không níu kéo.
Vì vậy nên dù không hiểu được nỗi buồn của thầy, tôi cũng biết rằng nó không phải là thứ tình cảm khiến cho thầy bám víu vào cái cũ, vào những thứ vẫn có sức chi phối rất lớn đến tâm thức con người.
Mà ở đây không phải chỉ có chuyện cá nhân. Một môi trường xã hội như Nhật Bản không cho phép người ta níu kéo. Xã hội tạo rất nhiều điều kiện để nuôi dưỡng lòng tự trọng ở con người, và nó buộc người ta phải hành xử với lòng tự trọng! Trong xã hội như thế, một người khi biết mình là ai thì đồng thời phải có đủ dũng cảm để rời bỏ những gì cần rời bỏ, nếu không muốn những thứ vốn tùy thuộc vào ta “vươn lên” nắm quyền làm chủ ta, và ta đánh mất chính bản thân trong cái nhìn khắc nghiệt của thiên hạ.
Tôi viết những điều này chủ yếu chỉ vì muốn “tẩy rửa” đầu óc sau mấy ngày mệt mỏi. Những chuyện này không phải chuyện của cá nhân tôi, cũng không phải chuyện mà tôi quan tâm chú ý, chỉ là điều tôi tình cờ “chạm trán” và khiến tôi liên tưởng đến một tình huống khác, một lối hành xử khác, mà cảm thấy nặng lòng.
Tôi nhớ đến một nhà văn Việt Nam với nhiều tiểu thuyết có những nhân vật là quan chức về hưu mà vẫn hành xử như thuở còn đương chức.
Tôi không có ý định phê bình hay phán xét một ai.
Tôi chỉ thấy sợ vì thông qua những người có lối hành xử mà tôi không hiểu được, tôi cảm thấy được cảnh báo sâu sắc về sự yếu đuối của con người. Có lẽ vì tôi vốn là người đặc biệt yếu đuối và nhạy cảm với sự yếu đuối. 
Chúng ta luôn muốn học hỏi các nước văn minh, các nước giàu. Nhưng chúng ta có học được từ họ sự mạnh mẽ hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét