Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

HỆ THỐNG THƯ VIỆN – MẠCH NƯỚC NGẦM CỦA NHẬT BẢN VĂN MINH



Trong mấy năm đại học, thư viện là cái nơi duy nhất trong trường đã cho tôi cảm giác gần như là gắn bó. Tôi yêu những buổi sáng, buổi chiều ngồi dán mắt vào trang sách trong thư viện, và yêu cả những giây phút ngồi nghỉ trên ghế đá sân trường sau mấy tiếng đồng hồ đọc mỏi nhừ cả mắt, như một vận động viên tận hưởng cảm giác hồi phục của cơ thể sau cuộc chạy đường dài. Cảm giác vừa đầy ắp vừa cạn kiệt mỗi khi bước ra khỏi phòng đọc thư viện ngay trước giờ đóng cửa là sự giao thoa tuyệt vời nhất mà tôi được biết trong những tháng ngày nhiều mơ mộng mà cũng không ít điều lo lắng, hoang mang.
Nghĩ đến nước Nhật như là một xứ sở văn minh, tôi hình dung người Nhật hẳn phải có những thư viện tuyệt vời. Hình dung một cách rất tự nhiên mà không cần tra cứu hay thu thập thông tin gì cả. Vì vậy mà ngay trong lần đầu đến Nhật, sau chuỗi ngày tất bật để làm quen với các phương tiện văn minh và thực hiện những hoạt động nối tiếp nhau của lịch trình xếp sẵn, tôi nghĩ ngay đến việc đi thăm thư viện khi vừa có được đôi chút thời gian rỗi để tự do làm những điều mình thích.
Thư viện Kanazawa nằm ở đâu thế nhỉ?” Một lần, trong lúc ngồi uống trà sau bữa ăn với gia đình mà tôi đang chung sống trong chương trình homestay, tôi rụt rè mở lời thăm hỏi. Nghe vậy, mẹ sốt sắng hỏi tôi có việc gì quan trọng liên quan đến thư viện hay không, và khi biết rằng tôi chỉ muốn đi tham quan thì mẹ hồ hởi giới thiệu cho tôi một thư viện gần nhà và một thư viện lớn ở khu vực trung tâm thành phố. Điều tôi lo lắng nhất là một người không có tư cách bạn đọc (tức là không có thẻ bạn đọc, theo tôi nghĩ) thì liệu có được vào thư viện hay không, nhưng khi tôi nói ra điều đó thì mẹ vội lắc đầu, giải thích rằng thẻ thư viện chỉ dùng khi bạn đọc cần mượn sách, còn nếu muốn tham quan hay đọc sách thì bất cứ ai cũng có thể vào thư viện, miễn là phải giữ trật tự và tuân thủ các nội quy khác theo hướng dẫn của thủ thư. Tôi ghi lại vài thông tin cần thiết và cảm ơn với vẻ mãn nguyện, nhưng mẹ vẫn chu đáo hỏi lại xem tôi có cần mượn sách gì không, nếu cần thì mẹ sẽ đi cùng để mượn sách cho tôi vì mẹ đang dùng thẻ bạn đọc của thư viện gần nhà.
Sốt sắng là thế nhưng rốt cuộc tôi thậm chí chẳng có đủ thời gian để tìm đến thư viện thứ hai. Tôi chỉ tranh thủ ghé thư viện gần nhà trong một buổi chiều đi loanh quanh để biết thêm về khu vực ấy. Biết là được vào cửa tự do nhưng khi đứng trước tòa nhà thư viện tôi vẫn cứ ngập ngừng. Tòa nhà đẹp quá, thâm nghiêm quá! Thật đúng là một nơi để phát hiện, tích lũy tri thức và nhất là để nghiền ngẫm, suy tư.
Nhưng bên trong thư viện mới thật sự là rất tuyệt vời. Phòng dành cho bạn đọc phổ thông rộng rãi và sang trọng như một salon văn hóa. Chỉ khác là mọi người đều im lặng. Nói đúng hơn là không ai cất tiếng, nhưng mỗi người đều đang chìm đắm vào thế giới trong trang sách với đầy những con chữ hẳn là luôn xôn xao hoặc thì thầm theo những cách riêng.
Tôi thèm được ngồi xuống một chiếc ghế êm ái và cứ thế trôi vào một trong những thế giới ngôn từ mình đã chọn. Nhưng tôi biết rằng trong “cuộc thăm viếng” hôm nay mình không đủ thời gian để đọc hết một quyển sách nào, đành dỗ dành bản thân bằng cách đi lướt qua các kệ để chọn ra một vài quyển sách quan trọng trong chủ đề nghiên cứu của mình, rồi mang đến chỗ ngồi để đọc qua mục lục và lời đầu sách, với mục đích tìm hiểu xem sách ấy có đúng là tài liệu nhất thiết phải mua không.
Chỉ thế thôi mà tôi đã có thể rời khỏi thư viện với cảm giác mãn nguyện lạ lùng! Lạ lùng nhất là lần đầu tiên tôi nếm trải cảm giác của một du khách bỗng đâu “lạc bước” vào thư viện, mà lại được những cô thủ thư thanh lịch và niềm nở đón chào, rồi được đi lang thang giữa các kệ sách nhiều tầng đầy ắp, được tự do chọn sách và thoải mái ngồi vào một góc bàn để “nhấm nháp” từng trang trong không gian tĩnh lặng. Nhớ lại cảm giác ở thư viện quê nhà, mỗi lần làm xong thủ tục để được phép chui vào kho sách là tôi như trút được một gánh nặng khỏi lưng; còn kho tư liệu thì chỉ là nơi lưu giữ sách chứ chẳng có chút không gian nào dành cho sự thảnh thơi, nên những gì mà tôi tận hưởng ở thư viện thật ra là tận hưởng ở thế giới bên trong trang sách. Chỉ với một chút hồi tưởng về cảm giác thế thôi là tôi đã thấy mình như một đứa bé bấy lâu bị nhốt trong gian phòng ngột ngạt, chỉ biết nhìn ngắm và tưởng tượng về thế giới bên ngoài qua ô cửa sổ, nay bỗng nhiên được mời đến dự tiệc trong một khu vườn tuyệt đẹp đầy hoa trái! Nhưng so với hệ thống thư viện như một phần của đời sống văn hóa – xã hội Nhật Bản thì trải nghiệm của tôi hôm ấy chỉ giống như một người mới được ngửi mùi quả chín mà chưa dùng cơ quan vị giác để được biết tường tận một thứ quả ngọt lành.
Thư viện thứ hai mà tôi được đến thăm trong chuyến đi lần ấy là thư viện của Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Tôi đến trường để chào vị giáo sư vốn là thầy của thầy tôi và là người hướng dẫn nghiên cứu cho tôi trong một chương trình được thực hiện hai năm sau đó. Sau chừng mười phút trò chuyện trong phòng nghiên cứu thì thầy dẫn tôi đi tham quan thư viện. Có lẽ đó là nơi mà thầy muốn giới thiệu cho tất cả những người khách có ý hướng về học thuật đến thăm trường, chứ không phải vì sự biệt đãi với riêng tôi.
Thư viện là một tòa nhà lớn nằm trong khuôn viên trường, gồm có hai tầng ngầm và bốn tầng trên mặt đất. Nhưng thầy chỉ giới thiệu với tôi đôi nét tổng quan và đưa tôi đến tầng hai để đi dạo vòng quanh một lượt, vì đây là tầng tiêu biểu của thư viện, có nhiều sách tiếng Nhật, khu vực để photocopy, máy tính để tra cứu dữ liệu, máy tính công cộng dành cho bạn đọc và cả quầy làm thủ tục với nhân viên khi mượn sách ra ngoài.
Tôi khép nép theo thầy đi qua từng kệ sách, chỉ cảm giác rằng nơi đây còn thâm nghiêm hơn cả thư viện duy nhất mà tôi biết ở Kanazawa chứ không dám nghĩ đến một ngày nào đó mình sẽ có cơ hội được vào ra thoải mái nơi này. Không ngờ chỉ hai năm sau đó tôi lại đến thư viện với tấm thẻ dành cho khách của trường, để được sử dụng thư viện với chế độ của giảng viên hoặc nghiên cứu viên chính thức!
Trước khi tôi đến Nhật hai tuần thì thầy đã làm thủ tục yêu cầu thư viện cấp thẻ cho tôi. Tôi chỉ cần gửi ảnh cho thầy qua thư điện tử và được nhận thẻ ngay trong tuần đầu tiên thực hiện chương trình. Kèm theo tấm thẻ, tôi còn được nhận thêm một tập sách hướng dẫn khá dày, ghi chi tiết về quy trình sử dụng các thiết bị và các không gian chức năng trong thư viện, về chế độ mượn sách và trả sách , về cách thức tra cứu dữ liệu, về vấn đề sử dụng internet cố định và internet không dây v.v... Thầy lại còn chu đáo đến mức dẫn tôi lên tầng hai thư viện để quẹt thẻ ở cửa vào, đảm bảo rằng tôi không gặp trục trặc gì trong việc sử dụng thẻ, nhân tiện hướng dẫn thêm cho tôi vài khu vực có nhiều đầu sách mà tôi cần sử dụng để thực hiện đề tài trong dự án, rồi thời gian sau đó lại thỉnh thoảng hỏi tôi có thường xuyên đến thư viện hay không.
Nơi lưu trú của tôi trong mấy tháng thực hiện đề tài nghiên cứu ở Tokyo nằm ở Edogawa - một quận ngoại thành về phía Đông thành phố, trong khi trường đại học lại nằm ở khu vực ngoại vi thuộc phía Tây, vì vậy để đến trường tôi phải di chuyển bằng xe điện trên quãng đường hơn bốn mươi cây số, và mất từ bảy mươi đến chín mươi phút tùy thời gian chờ đợi ở ga lúc đổi tàu. Với điều kiện về lưu trú và giao thông như thế, tôi chỉ có thể tận dụng thư viện của trường trong những hôm có giờ gặp giáo sư, hoặc thỉnh thoảng khi cần kết hợp giải quyết một vài công việc cá nhân ở khu vực phía Tây thành phố.
Để có thể sử dụng thư viện ở mức độ tốt nhất cho công việc nghiên cứu mà không phải tốn quá nhiều thời gian và chi phí cho việc đi lại thì trước hết phải tìm hiểu quy định của thư viện về việc cho mượn sách. Nghĩ thế nên tôi đành mở tập sách hướng dẫn và cẩn thận xem qua từng khoản mục, dù biết rằng việc ấy cũng rất tốn thời gian.
Những con số trên tập sách hướng dẫn khiến tôi phải giật mình kinh ngạc! Theo quy định thì những người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu trong trường được phép mượn nhiều nhất là 30 quyển sách trong thời hạn tối đa là 3 tháng!
Mặc dù chẳng có đóng góp gì cho công việc của trường nhưng vì được giáo sư tiếp nhận với tư cách là khách mời của chương trình nghiên cứu nên tôi cũng được phép sử dụng thư viện như một thành viên của đội ngũ làm công tác học thuật, bao gồm nghiên cứu viên và giáo sư giảng dạy trong trường. Quả là thái độ hiếu khách rất đặc trưng của một xứ sở giàu tinh thần hiếu học!
Tìm hiểu quy định rồi thì chỉ cần lên kế hoạch chi tiết cho việc tìm sách và mượn sách theo hướng tiết kiệm thời gian đến mức tối đa. Thường thì tôi chỉ tìm đến thư viện trường đại học trong ngày thứ Sáu hàng tuần, trước và sau thời gian làm việc với thầy hướng dẫn. Những hôm ấy tôi thường tranh thủ đến sớm, để ngoài thời gian trả sách và mượn sách còn có thể tận hưởng không gian hết sức dễ chịu trong tòa nhà rộng lớn với những chỗ ngồi thoải mái để đọc sách và làm việc ngay bên cạnh những dãy kệ trầm mặc, trang nghiêm. Tôi trân trọng khoảng thời gian quý báu được ngồi trong gian phòng thoáng đãng và tĩnh lặng, thỉnh thoảng khi ngước lên từ trang sách, hoặc là từ màn hình máy tính cá nhân, lại nhìn thấy khoảng sân trải rộng bên ngoài qua khung cửa kính. Một khoảng sân mướt xanh vào mùa hạ nhưng cảnh quan và màu sắc cứ liên tục thay đổi khi thời tiết lạnh dần, rồi đến mùa đông thì chỉ còn màu cỏ cháy khô và những cành cây trơ trụi, đen thẫm sau khi rụng lá. Thật khó tả hết cảm giác thích thú khi được ngồi giữa một kho tàng tri thức, thả ánh mắt lang thang qua thế giới cỏ cây trước mặt, còn tâm tưởng thì theo chữ nghĩa trên trang sách trôi vào những dòng chảy miên man. Tôi thích cả những lúc một mình tìm xuống kho tư liệu dưới tầng hầm. Những bóng đèn tự động bật sáng khi có người tiến lại gần, những kệ sách tự động xê dịch để mở rộng lối đi cho người vào chọn sách. Trong cái im lặng đặc trưng của không gian thư viện, khi một mình tương tác với mọi vật xung quanh thông qua những tiện ích kỹ thuật của một xã hội văn minh như thế, tôi cứ có cảm giác như mình đang lạc vào thế giới của những câu chuyện trinh thám nào đó, hoặc là thế giới nhiều phép màu của Nghìn lẻ một đêm!
Có những lần tôi ra về khi thư viện đã đến giờ đóng cửa. So với nhiều đại học ở Nhật thì nơi tôi đang dùng thư viện chỉ là một đại học có quy mô nhỏ, thời gian hoạt động của thư viện trường cũng tương đối ngắn. Nhưng khi đi bộ qua sân trường lộng gió lúc gần mười giờ đêm, tôi vẫn cảm thấy có chút gì ghen tị với những người được ở gần một kho sách tuyệt vời như vậy. Những bạn sinh viên đang lưu trú trong ký túc xá gần trường và những giáo viên thỉnh giảng ở trong khu nội trú. Nếu không phải tốn quá nhiều thời gian cho mỗi lần di chuyển thì chắn chắn là tôi sẽ tìm đến thư viện mỗi ngày, sẽ tận hưởng tối đa cái cảm giác yên tĩnh và thanh sạch bên những kệ sách trầm tư ấy, và những lúc cần thay đổi không khí thì sẽ đi dạo ra khu vườn rộng như một cánh rừng thưa ở phía sau trường.
 Vì không thể đến thư viện trường hàng ngày, tôi nghĩ đến kho sách và không gian tiện ích ở thư viện quận như một giải pháp thay thế.
Vào internet để tra cứu thông tin, tôi hy vọng sẽ tìm được thư viện gần nhà, hoặc ít nhất là thư viện nằm ở một nơi không quá xa và tiện đường đi lại. Hy vọng nhưng không khỏi lo lắng vì tôi biết mình đang tạm trú ở một quận ngoại thành, nên không thể đòi hỏi những dịch vụ tiện ích như ở khu vực trung tâm được.
Thông tin đầu tiên về thư viện quận lại khiến tôi ngạc nhiên đến giật mình! Cái mà tôi nghĩ đến như là “thư viện Edogawa” thật ra là một hệ thống gồm 12 thư viện, mỗi nơi có tên gọi và địa điểm khác nhau nhưng đều trực thuộc hệ thống hành chính quận, trong đó có một thư viện dành riêng cho trẻ em.
Một quận ngoại thành với quy mô dân số chưa đến 700 nghìn người thì 12 thư viện quả là một con số ngoài sức tưởng tượng! Dù có là một người mê đọc sách đến khổ sở, tôi cũng tự biết mình không thể nào đi thăm hết 12 thư viện đó, với khối lượng công việc dồn nén đến ngộp thở và thời gian ngắn ngủi của một đợt tạm trú nửa năm.
Điều khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm là trong số 12 thư viện ấy tôi đã tìm được 4 thư viện tương đối gần nhà. Gần nhất là thư viện Koiwa, đi bộ từ chỗ tôi ở mất khoảng 20 phút. Còn nếu đến thư viện trung tâm của quận, thư viện Shinozaki hoặc thư viện Komatsugawa thì có thể đi xe điện hay xe buýt từ ga Koiwa, cũng chỉ mất trên dưới 20 phút.
Sau khi đi thăm lần lượt 4 thư viện để “nắm bắt tình hình”, tôi quyết định chọn thư viện Koiwa làm địa điểm thường xuyên lui tới để làm việc bằng máy tính cá nhân, kết hợp với đọc sách và tra cứu tư liệu. Thư viện trung tâm là nơi có kho sách phong phú nhất trong hệ thống của thư viện quận nên thỉnh thoảng tôi cũng đến tham khảo hoặc mượn những tài liệu không tìm thấy ở các thư viện khác.  
Một điểm thú vị nữa trong việc sử dụng thư viện quận là mỗi thư viện trong hệ thống quy định ngày đóng cửa khác nhau, nên những ngày thư viện Koiwa đóng cửa thì tôi có thể tìm đến thư viện trung tâm hoặc thư viện Shinozaki để công việc không bị gián đoạn hay xáo trộn. Cách quản lý tư liệu của hệ thống thư viện này cũng rất “văn minh”. Bạn đọc chỉ cần làm thẻ tại một thư viện bất kỳ và có thể sử dụng thẻ ấy trong toàn hệ thống. Còn sách mượn ở thư viện này thì có thể trả tại thư viện khác, hệ thống sẽ tự động sắp xếp để đưa sách ấy về vị trí ban đầu.
Các thư viện thuộc hệ thống quản lý hành chính trong thành phố tuy không có nhiều sách chuyên ngành như thư viện của trường đại học nhưng cũng là những không gian tiện ích rất tuyệt vời. Không chỉ là nơi phục vụ cho nhu cầu đọc sách của tất cả mọi người, mỗi thư viện đều có khu vực riêng để sử dụng internet. Nhưng để sử dụng khu vực này thì phải có thẻ bạn đọc. Vì vậy tôi phải đợi đến lúc nhận được giấy đăng ký tạm trú thì mới có thể hoàn thành thủ tục xin cấp thẻ, và từ đó mới sử dụng không gian thư viện đúng theo kế hoạch triển khai công việc, một cách đầy đủ và thuận lợi như tôi mong muốn.
Trong thời gian chưa có thẻ bạn đọc, tôi vẫn đến thư viện để có thể làm việc tập trung trong không gian yên tĩnh. Tôi mang theo từ điển chuyên ngành, tài liệu cá nhân và sách mượn của thư viện trường đại học rồi đến ngồi ở khu vực dành cho bạn đọc thông thường. Trở ngại lớn nhất của tôi khi đó là không thể kết hợp việc đọc sách, tra cứu tư liệu và soạn thảo văn bản trên máy tính cá nhân, vì máy tính chỉ được sử dụng trong khu vực đa phương tiện có kết nối internet.
Nhưng dù có bất tiện vì những vấn đề thuộc nội quy chi tiết kiểu như vậy thì tôi vẫn thích đến thư viện hơn là ngồi làm việc ở nhà. Thứ nhất là vì ở đó tôi có điều kiện sử dụng thêm nhiều tư liệu có thể được tìm thấy dễ dàng trong kho sách. Thứ hai là vì thư viện cho tôi cảm giác của một kiểu trường học đặc biệt – một không gian vừa tự do thoải mái vừa nghiêm túc, kỷ luật, văn minh.
Tự do ở đây là tự do trong việc học. Tự do lựa chọn và tiếp nhận tri thức. Chẳng có một thời khóa biểu nào được đặt ra cho bất cứ ai. Chẳng bao giờ phải tham gia một giờ học mà mình không thích. Muốn đọc sách nào, nội dung nào vào lúc nào cũng được. Muốn thả hồn theo những dòng chữ bao lâu tùy ý, mà chỉ đi lòng vòng qua những kệ sách để ngắm nhìn suốt buổi cũng chẳng sao.
Còn nghiêm túc, kỷ luật, văn minh trong hệ thống thư viện là nói về tổ chức. Tất cả bạn đọc đến thư viện đều tuân thủ nghiêm túc nội quy. Mỗi thư viện lại có những quy định chi tiết, cụ thể về việc sử dụng các không gian tiện ích. Chẳng hạn, ở những thư viện mà tôi thường lui tới thì thời gian sử dụng internet ở phòng đa phương tiện được chia làm 3 ca trong một ngày, mỗi ca kéo dài khoảng chừng 3 – 4 tiếng. Bạn đọc muốn sử dụng phòng đa phương tiện phải mang thẻ đến quầy thủ thư đăng ký và lựa chọn chỗ ngồi (thông qua việc nhận phiếu ghi số). Cứ hết ca thì mỗi người đều phải thu dọn sách vở và vật dụng cá nhân, rời khỏi chỗ ngồi đến quầy thủ thư trả lại thẻ ghi số, rồi nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì xếp hàng ở trước quầy để đăng ký chỗ ngồi cho ca tiếp theo.
Cho nên, “văn minh” ở thư viện không chỉ vì thư viện là một tòa nhà lớn, thảm trải sàn sang trọng và không gian tiện ích có những trang thiết bị tối tân. Từ “văn minh” ở đây còn được dùng để nói đến một cảm giác có được trong trạng thái tinh thần dễ chịu, khi mọi người sử dụng thư viện đều tuân thủ nội quy nghiêm túc, còn nhân viên thư viện thì lịch sự, nhiệt tình trong từng lời nói và cử chỉ. Một lần ở thư viện trường đại học, tôi đã được giúp đỡ rất nhiệt tình, và biết rằng “văn minh” là một thứ tinh thần đã ngấm vào tác phong của những người làm dịch vụ, chứ không phải là những khẩu hiệu vô hồn ghi ở nơi nào đó.
Hôm ấy tôi đi tìm tài liệu ở kho sách tầng 3. Tôi đã tra cứu trên website thư viện vị trí từng cuốn sách, nhưng có một cuốn không tìm thấy ở khu vực mà tôi ghi nhận. Tìm mấy lượt vẫn không thấy sách đâu, tôi chạy xuống khu vực dùng máy tính để kiểm tra xem có ai đã mượn sách ấy trước mình không, nhưng dữ liệu trên website chẳng có gì thay đổi. Không còn cách nào khác, tôi rụt rè tìm đến quầy thủ thư. Một cô gái trẻ đang lúi húi với chồng tư liệu phía sau quầy. Cô lắng nghe thắc mắc của tôi, tươi cười bảo tôi đợi cô một chút, nhanh tay xếp gọn mấy thứ giấy tờ rồi dẫn tôi trở lại tầng 3. Áy náy vì khiến cô phải bỏ dở công việc, tôi phân trần rằng mình gặp khó khăn dù đã tìm kiếm đúng địa chỉ ghi kèm thông tin sách. Cô lại nở nụ cười thông cảm và nói rất nhẹ nhàng, như người ta dỗ dành một đứa trẻ đang có điều gì lo lắng hay bực dọc: “Bây giờ mình sẽ đi xác nhận xem sao nhé!” Thay vì đi thẳng đến dãy kệ tôi đã tìm lúc nãy, cô dẫn tôi đi vòng qua khu vực có bàn ngồi đọc sách để vào một gian nhỏ nằm khuất ở góc phòng. Đến một kệ sách mà có vẻ là cô đã thuộc số ký hiệu, cô thoăn thoắt kiểm tra thông tin trên gáy từng cuốn sách rồi lấy ra ngay cuốn sách tôi cần. Trước vẻ mặt ngỡ ngàng của tôi, cô lại nhẹ nhàng giải thích về ký hiệu chỉ dẫn vị trí tìm sách, giúp tôi hiểu ra rằng mình đã nhầm khu vực chỉ vì thiếu sót khi đọc ký hiệu về vị trí, rồi rảo bước để trở về vị trí làm việc ở tầng 2. Tôi nhanh chóng bước theo cô để cảm ơn và xin lỗi vì đã làm phiền cô lúc đang bận rộn, nhưng cô vội xua tay từ chối, bảo tôi đừng bận tâm gì cả vì những gì cô làm chỉ là trách nhiệm của thủ thư.
Những điều ngạc nhiên tôi gặp ở thư viện không chỉ đến từ nhân viên và hệ thống quản lý. Có đến thư viện mới thật sự biết rằng Nhật Bản là xã hội của những người đam mê học tập. Có kiểu học nghiêm túc, cần mẫn của học sinh – sinh viên; có kiểu học tự do, thưởng thức của những người cao tuổi và nhiều cách sử dụng thư viện của nhiều người khác nữa, thuộc đủ mọi thành phần xã hội và lứa tuổi khác nhau.
Lần đầu đến thư viện Koiwa, tôi chỉ tìm thấy duy nhất một chiếc ghế còn trống ở khu vực ưu tiên cho học sinh hoặc người cao tuổi. Cô thủ thư bảo tôi cứ ngồi tạm ở đấy, khi nào có người thuộc đối tượng ưu tiên cần ghế ngồi đọc sách thì nhường chỗ lại. Thế là tôi ngồi giữa một em học sinh và một cụ già. Cô bé, có vẻ là học sinh trung học, đang loay hoay vẽ cái gì đó trên trang vở, còn ông cụ ngồi say mê đọc báo. Tôi ngồi được một lát thì cô bé đứng lên thu dọn sách bút để ra về. Đỡ lo lắng về việc chiếm chỗ của đối tượng ưu tiên, tôi lại mải mê với cuốn sách đang đọc dở. Không rõ đã mấy tiếng đồng hồ trôi qua. Bỗng có một bà cụ bước lại gần ông cụ đang đọc báo và giục ông ra về. “Bảy giờ rưỡi rồi kìa! Về thôi, ông ạ!” Bà nhắc đi nhắc lại với vẻ sốt ruột và lo lắng. Nhưng ông cụ chừng như vẫn chưa muốn đứng lên. “Mới có năm giờ rưỡi thôi mà!” Ông đủng đỉnh cãi lại, nửa muốn gập tờ báo nửa như còn luyến tiếc. Chỉ cần nghe như thế là có thể đoán biết rằng ông đã nhiều tuổi lắm rồi. Tự nhiên tôi cảm thấy vui vui khi chứng kiến hai người cao tuổi chăm sóc nhau và thưởng thức cuộc sống ở cái tuổi xế chiều như vậy. Vui nhất là khi biết rằng thư viện cùng với văn hóa đọc đã trở thành một phần quen thuộc trong đời sống người dân theo cách ấy.
Sau đó tôi còn gặp một bạn đọc thường xuyên của thư viện trung tâm. Ông đuổi theo và bắt chuyện với tôi khi tôi rời thư viện và đang đi bộ ra ga tàu gần đấy. Qua câu chuyện làm quen, tôi biết ông sống ở khu phố gần thư viện và đã nghỉ hưu nên có khá nhiều thời gian rỗi. Tuy chẳng liên quan gì đến công việc giảng dạy hay nghiên cứu, ông vẫn đến thư viện đọc sách từ 3 đến 5 ngày mỗi tuần. Khá lâu sau đó tôi mới lại tìm đến thư viện trung tâm, và tình cờ gặp ông ở cửa vào phòng đọc. Ông chào tôi vui vẻ rồi cắm cúi đi tìm sách, chẳng có gì là tất bật vội vã nhưng tuyệt nhiên không có dáng vẻ của một người nhàn rỗi vào thư viện chỉ để giết thời gian.
Rồi tôi chợt nhận ra một điều đơn giản. Chính vì văn hóa đọc đã thấm vào người dân xứ này như thế nên thư viện lúc nào cũng đông người. 12 thư viện trong một quận ngoại thành mà thư viện nào cũng rất nhiều bạn đọc. Muốn sử dụng phòng đa phương tiện thì phải đến trước giờ đăng ký (đến sau giờ đổi ca mười lăm phút là đã hết chỗ ngồi). Khu đọc sách tự do, phòng có sofa để đọc báo và tạp chí cũng thường kín chỗ sau khi thư viện mở cửa 1 – 2 giờ (tức là khoảng 10 – 11 giờ trở đi) và đến 7 giờ tối mới dần dần vãn khách.
Tôi tìm đến thư viện vì đó là không gian phù hợp và cần thiết để thực hiện đề tài nghiên cứu, với cảm giác của một người đi tìm một góc riêng để giải quyết một công việc mà tôi cho là mang tính đặc thù. Nhưng thư viện ở Nhật không chỉ là một góc, và những người tìm đến thư viện với nhu cầu về không gian tiện ích giống như tôi là một con số không hề nhỏ. Nếu nói về cơ sở vật chất và chế độ quản lý thì thư viện ở Nhật Bản là những hệ thống khổng lồ, hiện đại với rất nhiều tiện ích. Còn nói về phương diện tinh thần thì thư viện là cả một thế giới phong phú dành cho những người ham học hỏi. Có sống trong thế giới của thư viện mới hiểu rằng Nhật Bản không bỗng nhiên trở thành một đất nước giàu có, văn minh. Nếu ví những thành tựu trong mọi lĩnh vực mà Nhật Bản đạt được là một tòa cao ốc thì hệ thống thư viện hẳn phải là phần móng của tòa cao ốc ấy. Một không gian tĩnh lặng và dường như ẩn khuất nhưng là một thế giới để con người mở mang tri thức và rèn luyện bản thân. Cái phần chìm của tảng băng trôi ấy là nguồn lực đã tạo nên những giá trị độc đáo của Nhật Bản hiện đại. Nói cách khác, văn hóa đọc kết hợp với thế giới phong nhiêu trong thư viện chính là mạch nước ngầm để duy trì và phát triển một Nhật Bản văn minh. Không có mạch nước ngầm như thế thì khó mà có được những “vụ mùa bội thu” của công cuộc duy tân thời Minh Trị và tiến trình tái thiết “thần kỳ” thời hậu chiến.
Dù chỉ được may mắn làm việc nửa năm trong không gian tuyệt vời của thư viện Nhật Bản nhưng hoài niệm về thế giới trầm lặng mà rất phong nhiêu ấy vẫn xôn xao trong ký ức của tôi đến tận bây giờ. Tôi vẫn nhớ cảm giác nuối tiếc lạ lùng vì phải trả lại thẻ bạn đọc của trường khi kết thúc thời gian sử dụng thư viện cho chương trình nghiên cứu. Không phải tiếc vì không được giữ lại tấm thẻ mà tiếc vì thời gian mình được phép “thưởng thức” thư viện đã kết thúc quá nhanh. Rời khỏi thư viện nào tôi cũng thầm ao ước mình sẽ có dịp quay trở lại, dẫu biết rằng đó là lần cuối mình được làm một “công dân” nhỏ bé trong thế giới văn minh hiện đại này. Đó là một kiểu không gian đặc biệt, vừa giúp tôi hiểu rõ mình nghèo nàn, thiếu thốn đến mức nào, vừa mang lại cho tôi niềm hạnh phúc của khoảnh khắc dừng chân trên ốc đảo xanh tươi giữa lòng sa mạc, dù chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi và mong manh như một giấc mơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét