Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

VAI TRÒ CỦA NHÀ VĂN TRONG CÔNG CUỘC HIỆN ĐẠI HÓA NHẬT BẢN CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX



1.      Nhà văn và giới trí thức Nhật Bản trong bối cảnh chính trị - xã hội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Minh Trị duy tân diễn ra ở Nhật Bản vào nửa cuối thế kỷ XIX là một cuộc cải cách và đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị đến xã hội, văn hóa. Nói cách khác, sự thay đổi thể chế nhà nước và chuyển đổi hình thái kinh tế và bước khởi đầu để nước Nhật bước vào một thời kỳ khai sáng rộng mở và kéo dài, dẫn đến sự hình thành một nước Nhật hiện đại “phú quốc cường binh”. Do đó, sau khi thực hiện hàng loạt những nội dung cải cách về chính trị, quân sự và kinh tế nhằm giải quyết những xung đột và căng thẳng trong vấn đề đối nội cũng như đối ngoại ở thời kỳ suy thoái của chế độ Mạc phủ, chính quyền Minh Trị cũng đã tiến hành những cải cách về văn hóa- giáo dục để tạo điều kiện cho Nhật Bản phát triển, đuổi kịp trình độ văn minh của các nước phương Tây. Để làm được điều đó, chính quyền Minh Trị rất cần sự hợp tác, sự cống hiến của tầng lớp trí thức và trên thực tế, họ đã có nhiều chính sách hợp lý để huy động, phát huy vai trò của trí thức trong công cuộc hiện đại hóa Nhật Bản. Những chính sách này, kết hợp với những tố chất vốn có của trí thức Nhật Bản, đã trở thành một nguồn lực quan trọng để xây dựng một xã hội mới với nền văn hóa hiện đại, biến Nhật Bản thành một tấm gương hiện đại hóa ở Đông Á cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Trí thức tham gia vào tiến trình hiện đại hóa Nhật Bản trước hết là trí thức thời Minh Trị, những người sống trong buổi giao thời từ giai đoạn cuối của Mạc phủ Tokugawa đến giai đoạn đầu của thời Minh Trị hay thời kỳ hiện đại hóa. Lớp trí thức này chủ yếu là những người theo trào lưu Hà Lan học, phương Tây học từ thế kỷ XVIII, sử dụng những kiến thức đã học được từ sách vở phương Tây để đóng góp cho công cuộc hiện đại hóa đất nước. Có thể kể ra một số người nổi tiếng thuộc lớp trí thức này như Fukuzawa Yukichi (1835- 1901), Udagawa Kosai (1821- 1887), Mitsukuri Shuhei (1826- 1886), Kashiwabara Takaaki (1835- 1910)..v.v.. Trong đó Fukuzawa Yukichi nổi tiếng là một nhà canh tân Nhật Bản thời Minh Trị với chủ trương “thoát Á, nhập Âu”, ông có nhiều trước tác về văn minh hóa, hiện đại hóa và cũng là người có nhiều đóng góp thực tiễn trong việc phát triển giáo dục Nhật Bản thời hiện đại. Udagawa Kosai là một dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học Anh. Mitsukuri Shuhei và Kashiwabara Takaaki là hai thành viên của nhóm Meirokusha, là những nhà tư tưởng, nhà Tây phương học có đóng góp cho tiến trình hiện đại hóa giáo dục, cùng với nhiều thành viên khác trong nhóm.
Nối tiếp lớp trí thức nói trên là những trí thức thuộc thế hệ sinh trưởng vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, những người có con đường học vấn và hoạt động xã hội rộng mở do hoàn cảnh đất nước và chủ trương đổi mới văn hóa- giáo dục của chính quyền Minh Trị. Có thể thấy điều đó qua hàng loạt chính sách được thực hiện từ sau sự kiện Minh Trị duy tân.
Trước hết, chính quyền Minh Trị, ý thức rõ ràng về tình trạng lạc hậu của Nhật Bản so với phương Tây sau một thời gian dài thực hiện chính sách đóng cửa, vào năm 1871 đã gửi đoàn sứ thần do Iwakura Tomomi lãnh đạo đến các nước phát triển ở phương Tây để thăm hỏi và nắm bắt tình hình. Mục đích của sứ đoàn này là trước hết là hoạt động ngoại giao, nhưng kèm theo đó là quan sát, ghi nhận những biểu hiện về sự phát triển kinh tế, văn hóa ở các nước phương Tây và những hiểu biết, kiến giải về thành công của các nước này để làm cơ sở cho việc định hướng phát triển Nhật Bản. Vì vậy, thành viên của sứ đoàn không chỉ có những vị lãnh đạo nhà nước, những quan chức chính phủ và cán bộ ngoại giao mà còn có một số trí thức- chủ yếu là sử gia và các nhà tư tưởng, và rất nhiều du học sinh. Các nguồn tài liệu ghi chép số lượng du học sinh tham gia phái đoàn đưa ra những con số không thống nhất, nhưng nói chung số lượng du học sinh (trên dưới 50 người) chiếm khoảng 50% tổng số thành viên của phái đoàn (108 người). Những du học sinh này trong quá trình tháp tùng phái đoàn đã được gửi lại học tại các nước phát triển ở Tây Âu và Mỹ, về sau trở thành những trí thức có tư tưởng khai sáng và học vấn sâu rộng, đóng góp cho công cuộc hiện đại hóa Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực.
Cũng nằm trong chương trình cải cách về văn hóa, Nhật Bản đã thành lập Bộ Giáo dục – cũng vào năm 1871- và xây dựng mô hình giáo dục theo các nước phương Tây như Pháp và Mỹ, thực hiện chế độ giáo dục bắt buộc theo độ tuổi áp dụng trên cả nước. Trong chương trình cải cách giáo dục, có nhiều nhà trí thức Tây học đã được Bộ Giáo dục đưa vào những vị trí quan trọng, chủ yếu phụ trách vấn đề soạn thảo quy chế đào tạo và nghiên cứu chính sách, đề ra chiến lược phát triển giáo dục toàn dân. Bên cạnh đó, số lượng các cơ sở đào tạo, bao gồm nhiều cấp độ, nhiều loại hình khác nhau, đã tăng lên rất nhanh trong cả nước. Trường đại học đầu tiên- cũng là trường đại học danh tiếng nhất ở Nhật Bản- là Đại học Tokyo, được thành lập vào năm 1877, kế tiếp là Đại học Kyoto (1897). Đại học Osaka cũng có nền tảng là Tekijuku từ năm 1838 và từ năm 1862, được chính sách của nhà nước cùng với nhiều nỗ lực xây dựng của nhiều trí thức, nhà giáo dục nổi tiếng như Fukuzawa Yukichi, Omura Masujiro..v.v.., đã liên tục phát triển để trở thành một trường đại học lớn. Các cơ sở đào tạo cho các cấp trung học và tiểu học cũng phát triển rộng khắp trên cả nước, được quy hoạch để bố trí cân đối từ thành thị đến nông thôn.
Trong thời gian đầu, để hệ thống giáo dục phát triển nhanh và đạt hiệu quả cao, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã thực hiện chính sách mời các chuyên gia về giáo dục, nghiên cứu khoa học, các giáo sư từ những đại học lớn ở Mỹ và Tây Âu đến làm việc tại các trường, các cơ quan giáo dục trên cả nước. Ở bậc tiểu học và trung học thì chuyên gia nước ngoài được mời vào những cương vị quản lý, hoặc phụ trách những vấn đề quan trọng và mới mẻ đối với Nhật Bản như giảng dạy ngoại ngữ, kỹ thuật công nghiệp. Ở bậc đại học thì hầu hết các ngành, đặc biệt là những ngành mới và những ngành có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực làm việc cho các lĩnh vực quan trọng, phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa đất nước, đều được thuê chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo sư nước ngoài phụ trách quản lý và giảng dạy. Những chuyên gia nước ngoài làm việc ở Nhật Bản được trả lương rất cao và được hưởng chính sách đãi ngộ đặc biệt về mọi mặt, từ điều kiện làm việc đến chế độ sinh hoạt và nơi cư trú. Đó là một trong những nguồn lực quan trọng để Nhật Bản có thể “lột xác” nhanh chóng trong một thời gian ngắn, trở thành con sếu đầu đàn trong khu vực Đông Á và đuổi kịp mức độ văn minh của phương Tây.
Tuy nhiên, với tầm nhìn dài hạn trong sự nghiệp phát triển đất nước, các nhà lãnh đạo Nhật Bản không dừng lại với chính sách thuê chuyên gia nước ngoài đến Nhật Bản làm việc mà còn chủ trương đào tạo nguồn nhân lực trong nước để sử dụng lâu dài. Ngoài việc thiết lập hệ thống các cơ sở đào tạo có chất lượng trong nước, chính quyền Minh Trị còn xúc tiến mạnh mẽ việc gửi du học sinh ra nước ngoài đào tạo. Sau lớp du học sinh tháp tùng phái đoàn Iwakura năm 1871, còn nhiều du học sinh khác nối tiếp nhau đi học ở các nước phương Tây phát triển theo các chế độ khác nhau. Theo thống kê thì trong thời Minh Trị, tổng số lượng du học sinh đi học bằng ngân sách nhà nước và đi học theo chế độ tự túc là gần 25 nghìn người, trong đó số người do Bộ Giáo dục cử đi du học bằng ngân sách trong khoảng thời gian 1875- 1940 là khoảng 3.200 người. Đây là đội ngũ mà chính quyền Minh Trị mong muốn trở thành những nhà lãnh đạo, những trí thức rường cột của đất nước trong tương lai, thay thế cho những chuyên gia nước ngoài hiện đang làm việc như những người xây dựng nền móng và chuyển giao công nghệ. Kế hoạch này đã thành công vì trên thực tế nhiều du học sinh đi học ở các nước phát triển trong thời kỳ này đã quay về Nhật Bản, giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống quản lý nhà nước hoặc trở thành những giáo sư, những nhà cải cách nổi tiếng.
Từ chính sách đổi mới và phát triển giáo dục của chính quyền Minh Trị, có thể thấy những người sinh trưởng trong giai đoạn này và có ý chí theo đuổi con đường học vấn, giáo dục đều có điều kiện rất tốt để phát huy khả năng của bản thân và cống hiến cho đất nước. Nhờ đó trong thời kỳ này đã có nhiều trí thức hết lòng phục vụ cho sự nghiệp canh tân. Sự thành lập tổ chức Meirokusha cũng là một biểu hiện cho tinh thần cống hiến của tầng lớp trí thức thời Minh Trị. Thành viên của tổ chức này gồm nhiều quan chức nhà nước nhưng cũng có nhiều nhà tư tưởng, nhà khoa học có tinh thần đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Nhiều người trong tổ chức này đã dịch sách, viết báo để phổ biến những nội dung của công cuộc hiện đại hóa. Đặc biệt có nhiều người đã thành lập hay tham gia vào việc vận động, thành lập và điều hành các cơ sở giáo dục có uy tín, các hiệp hội giáo dục quan trọng.
Nhà văn nói riêng và giới văn nghệ sĩ Nhật Bản nói chung thuộc thế hệ sinh trưởng trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng là một bộ phận của giới trí thức nói trên. Trong đội ngũ này có những người xuất thân từ tầng lớp võ sĩ thời Mạc phủ Tokugawa như Fukuchi Genichiro (1841- 1906), là nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch và cũng là một thành viên của nhóm Meirokusha. Kế tiếp là những nhà văn được đào tạo trong nền giáo dục hiện đại Nhật Bản, một số người vốn là sinh viên của Đại học Tokyo (lúc đó có tên là Đại học Đế quốc Tokyo) và được cử đi du học, khi về nước được bổ nhiệm vào những vị trí danh giá với điều kiện làm việc tốt như Natsume Soseki, Mori Ogai. Nhiều nhà văn khác vì điều kiện riêng cũng đã từng có thời gian học tập hay làm việc ở các nước phát triển như Takamura Kotaro, Arishima Takeo, Futabatei Shimei, Hori Tatsuo..v.v..
Từ đó, có thể thấy đội ngũ nhà văn Nhật Bản trong thời kỳ này có nền tảng học vấn cao và điều kiện làm việc tốt. Đặc biệt phong trào du học đã mang lại cho các nhà văn cũng như văn đàn Nhật Bản những thay đổi, hay có thể nói là những thành tựu, hết sức quan trọng. Khi đến học tại những trường đại học lớn ở các nước phát triển, những nhà văn Nhật Bản có điều kiện để tiếp xúc với những tri thức mới trên nhiều lĩnh vực, từ triết học, mỹ học đến lý luận, phê bình văn học. Hơn nữa, họ còn được sống trực tiếp đối thoại với nhà văn, nhà nghiên cứu ở nước sở tại, biết được hoàn cảnh, khuynh hướng và lý tưởng sáng tác của các trường phái, các thể loại, hiểu được một cách sâu sắc sự hình thành và phát triển của các trào lưu. Những tri thức và kinh nghiệm thực tế trong quá trình du học trở thành nguồn tư liệu quan trọng để họ sáng tác và nghiên cứu, phê bình. Chính vì điều đó có nhiều nhà văn Nhật Bản hiện đại chịu ảnh hưởng phong cách của các nhà văn phương Tây, như Hori Tatsuo chịu ảnh hưởng của Zola và Maupassant, Futabatei Shimei và Arishima Takeo chịu ảnh hưởng của các nhà văn Nga..v.v.. Cũng vì học hỏi phương Tây bằng con đường trực tiếp mà văn học Nhật Bản phát triển rực rỡ chỉ trong vòng vài thập niên sau cải cách Minh Trị, và đến giữa thế kỷ XX thì hầu như mọi trào lưu, trường phái, phong cách sáng tác có nguồn gốc từ Âu- Mỹ đều có những dấu ấn để lại trong nền văn học Nhật.
Ngoài con đường du học trực tiếp thì các nhà văn Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX còn có những cách khác để tiếp cận với văn hóa, văn học phương Tây. Họ có thể trao đổi, gặp gỡ với các giáo sư, học giả hay nhà văn nước ngoài đang sống và làm việc ở Nhật. Bên cạnh đó, khối lượng sách nước ngoài được dịch và xuất bản ở Nhật trong thời gian này cũng hết sức đồ sộ và phong phú, cung cấp cho độc giả trong nước nhiều tri thức cập nhật và giới thiệu đến các nhà văn Nhật Bản nhiều lối viết ấn tượng, mới mẻ. Các nhà văn cũng có thể tự do thành lập các nhóm sáng tác, các tạp chí tư nhân để công bố tác phẩm mới, trao đổi, bình luận văn chương hay giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng ở nước ngoài. Nói chung, những chính sách hợp lý của chính quyền Minh Trị và bầu không khí rộng mở của một đất nước trong tiến trình hiện đại hóa là điều kiện quan trọng để các nhà văn Nhật Bản có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo, nâng cao nhận thức lý luận và thực hiện các hoạt động trên văn đàn hay ngoài xã hội với nhiệt tình cống hiến cao nhất.
2.      Vai trò của nhà văn trong tiến trình hiện đại hóa văn học
Đứng trong hàng ngũ của giới trí thức và thực hiện chủ trương của chính quyền Minh Trị trong việc giới thiệu tri thức từ các nước phát triển ở phương Tây vào Nhật Bản, đóng góp đầu tiên của các nhà văn Nhật Bản là dịch hàng loạt sách văn học, bao gồm cả tác phẩm kinh điển và hiện đại thuộc nhiều thể loại khác nhau.
Sách dịch thuộc mảng văn xuôi hết sức phong phú: từ tác phẩm cổ điển như Nghìn lẻ một đêm hay Truyện cổ Grim đến tác phẩm của Emile Zola, Guy de Maupassant, Bernardin de Saint Pierre; từ những tác phẩm dễ đọc như Robinson Crusoe, Hai vạn dặm dưới đáy biển đến những tiểu thuyết của Walter Scott, tiểu thuyết đối thoại của Dostoyevsky.
Về thơ dịch, cùng với Ueda Bin, nổi tiếng là một dịch giả tài hoa, người đã dịch nhiều tác phẩm của nhà thơ Đức Carl Busse, là rất nhiều công trình dịch thuật của các tên tuổi lớn trên văn đàn : Nagai Kafu dịch thơ Charles Baudelaire, Arthur Rimbaud, Paul Valéry..v..v. ; Mori Ogai dịch Heine, Korner, Scheffel và Byron. Những tên tuổi như Mallarmé, Verlaine hay Victor Hugo cũng được biết đến rộng rãi ở Nhật. Nhưng có lẽ nổi bật nhất trong mảng thơ dịch là tập thơ Shintaishisho- tập thơ giới thiệu loại thơ “hình thức mới”, nghĩa là thơ tự do của phương Tây, khác với loại thơ truyền thống bị quy định chặt chẽ về ngôn ngữ, vần điệu ở Nhật Bản và Đông Á. Sự xuất hiện của tập thơ này không chỉ có ý nghĩa giới thiệu với độc giả Nhật Bản một thể thơ mới lạ, mà còn có ảnh hưởng đến quan niệm, phong cách ngôn ngữ của các nhà thơ đương thời, góp phần làm thay đổi bức tranh thơ ca Nhật Bản trên diện rộng.
Kịch phương Tây cũng được dịch sang tiếng Nhật khá nhiều, cụ thể là những tác phẩm của Shakespeare, Schiller, Goethe, Hauptmann..v.v..
Một điều đáng chú ý là những dịch giả chuyển ngữ tác tác phẩm văn học cũng là nhà nghiên cứu, nhà văn như Futabatei Shimei, Mori Ogai, Ueda Bin..v..v.. Điều đó khẳng định giá trị của tác phẩm được lựa chọn để chuyển ngữ cũng như chất lượng bản dịch.
Cùng với việc tiếp thu và giới thiệu văn học phương Tây, các nhà văn Nhật Bản còn có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới nền văn học quốc dân. Đóng góp này có thể xem là yếu tố cốt lõi để Nhật Bản có được một nền văn học hiện đại vừa phong phú đa dạng vừa đặc sắc.
Đổi mới trong sáng tác thơ ca được thực hiện trên nhiều bình diện, ngôn ngữ diễn đạt đến bút pháp hay phong cách. Các thể loại thơ ca được xem là truyền thống như tanka, haiku đều có được cách tân để trở thành thơ hiện đại. Shiki là người có đóng góp nổi bật nhất trong việc đổi mới thể loại haiku. Thơ tanka mới thì có những gương mặt tích cực như Ochiai Naobumi, Yosano Tekkan và Yosano Akiko.
Người được xem là “linh hồn của thơ mới Nhật Bản”, Shimazaki Toson, đã tổng hợp những hiểu biết về thơ ca phương Tây hiện đại, kết hợp với tinh thần của Đường thi và waka để sáng tác loại thơ cách tân mỗi câu 12 chữ, thay cho kiểu ngắt nhịp 5/7 trong thơ ca truyền thống. Bằng cách diễn đạt này, Shimazaki đã mang đến sự mới mẻ và sắc thái dịu dàng cho thơ ca Nhật Bản. Bên cạnh đó, Susukida Kyunin mô phỏng hình thức thơ sonnet của phương Tây, thể hiện bằng những bài thơ 14 câu. Ngoài ra, theo đuổi khuynh hướng cách tân ngôn ngữ thơ ca còn có những nhà thơ chủ trương làm thơ tự do, thơ viết bằng ngôn ngữ nói. Đại biểu của khuynh hướng này là Kawaji Ryuko và Ishikawa TakubokuMasaoka.  
Thơ hiện đại Nhật Bản không chỉ là thơ được cách tân về mặt ngôn ngữ mà còn là thơ đa dạng về bút pháp, phong cách biểu đạt. Cho đến những thập niên 20- 30 của thế kỷ XX thì hầu như những hình thức thơ ca hiện đại ở phương Tây đều được du nhập vào Nhật Bản, dẫn đến sự ra đời hàng loạt các trường phái như chủ nghĩa duy mỹ, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa lý tưởng..v.v.. Thơ ca Nhật Bản ở thời kỳ này đa dạng về phong cách : thơ trữ tình lãng mạn, thơ tả thực, thơ siêu thực, thơ tượng trưng..v.v.. Bức tranh đa dạng của thơ ca Nhật Bản hiện đại cho thấy những nhà thơ thời kỳ này có tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, có đam mê trong việc tiếp thu lý luận để đổi mới thơ ca đồng thời cũng rất tài năng trong sáng tạo.
Cùng với thơ ca, văn xuôi Nhật Bản cũng đã trải qua những bước phát triển đột phá để có một diện mạo mới thời hiện đại. Nét mới đầu tiên trong lĩnh vực này là sự xuất hiện của thể loại tiểu thuyết. Từ hình thức monogatari trong văn học truyền thống, vượt qua loại văn xuôi đại chúng thời Edo, tiểu thuyết mới của Nhật Bản đã hấp thu những đặc điểm thể loại từ tiểu thuyết phương Tây để trở thành bộ phận nòng cốt của văn học Nhật Bản hiện đại. Đó là một tiến trình phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng nhờ sự đóng góp tích cực của các nhà văn cũng như nhà nghiên cứu, phê bình.
Những tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại tiểu thuyết xuất hiện với nỗ lực của các nhà văn để thực hiện lối viết “ngôn văn nhất trí”- hợp nhất văn viết và văn nói, hay ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ đời thường. Đây là một thành tựu quan trọng trong tiến trình đổi mới văn xuôi, vì cách viết dùng văn phong cổ điển không phù hợp cho văn xuôi hiện đại, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết. Chủ trương “ngôn văn nhất trí” đã được thực hiện thành công với tiểu thuyết Ukigumo- tác phẩm đầu tiên của Futabatei Shimei và cũng được xem là tiểu thuyết mới đầu tiên của Nhật Bản. Từ đó, thể loại này liên tục phát triển với sự nở rộ của nhiều phong cách, nhiều trào lưu, nhiều tác giả và tác phẩm nổi tiếng ở Nhật Bản và cả trên thế giới.
Tiếp cận với thực tế phong phú của thể loại tiểu thuyết ở phương Tây, các nhà văn Nhật Bản có thể đi theo nhiều hướng sáng tác khác nhau, và đã hình thành nhiều nhóm, nhiều trường phái sáng tác: phái Shirakaba của Shiga Naoya, Mushakoji Saneatsu, Arishima Takeo; phái Tân hiện thực với Akutagawa Ryunosuke, Kikuchikan, Kume Masao; phái Shin-Waseda với Hirotsu Kazuo, Kasai Zenzo, Makino Shinichi, Uno Koji; phái Tân cảm giác với Kawabata Yasunari, Yokomitsu Riichi, Kataoka Teppei, phái Nghệ thuật mới với Kajii Matajiro, Nakamura Murao, Ibuse Masuji. Mỗi trường phái có chủ trương khác nhau về bút pháp biểu đạt, về phong cách sử dụng ngôn ngữ: phái Shirakaba chống lại lối viết của chủ nghĩa tự nhiên và thiên về chủ nghĩa hiện thực; phái Tân hiện thực gồm các nhà văn có cùng quan điểm về phản ánh hiện thực nhưng khác nhau về bút pháp; phái Shin- Waseda theo đường lối của chủ nghĩa tự nhiên, tác phẩm chủ yếu là tiểu thuyết tự truyện; phái Tân cảm giác chủ trương khám phá hiện thực bằng cảm giác mới- cảm giác nảy sinh trên cơ sở lý trí, và dùng những hình thức nghệ thuật mới để diễn đạt; phái Nghệ thuật mới thì có khuynh hướng chống lại phong trào văn học vô sản.
 Điểm đặc biệt của các trường phái sáng tác ở Nhật Bản là họ có điều kiện để thành lập những tạp chí văn học riêng, chẳng hạn như tạp chí Shirakaba của phái Shirakaba, tạp chí Shinchisho của phái Tân hiện thực, tạp chí Waseda Bungaku của phái Shin-Waseda, tạp chí Bungei Jidai của phái Tân cảm giác. Trong lĩnh vực thơ ca cũng có nhiều tạp chí như tạp chí Hototogisu chuyên về thơ haiku hiện đại, tạp chí Subaru của trường phái thơ duy mỹ, tạp chí Shi to Shiron gần gũi với trường phái duy hiện đại, tạp chí Shi- Genjitsu trình bày quan điểm nghệ thuật Marxist, tạp chí Bungakukai của phái thơ ca lãng mạn, đã giới thiệu nhiều gương mặt thơ mới..v.v.. Những tạp chí này đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của bút nhóm, là nơi để họ đăng tải những sáng tác mới của các thành viên trong nhóm, để trình bày quan điểm nghệ thuật, đường lối sáng tác của nhóm hay của mỗi nhà văn. Đồng thời, các tạp chí cũng là nơi mà những vấn đề về nghệ thuật được đem ra tranh luận sôi nổi, nơi xảy ra những cuộc “bút chiến” gay gắt giữa các quan điểm, các trường phái khác nhau. Đây cũng là nơi phát hiện và giới thiệu những tài năng mới- nguồn lực kế thừa trong sự nghiệp hiện đại hóa văn học Nhật Bản, giới thiệu những trào lưu, tác phẩm mới lạ của văn học nước ngoài.
Một đóng góp quan trọng của các nhà văn Nhật Bản hiện đại là xây dựng nền móng cũng như phát triển ngành lý luận phê bình. Giống như các nền văn học khác trong khu vực Đông Á, cho đến trước cải cách Minh Trị thì văn học Nhật Bản chưa có sự tồn tại của lý luận và phê bình văn học- lĩnh vực được xem là hoạt động “tự ý thức” của một nền văn học, đã hình thành và phát triển ở phương Tây từ rất sớm. Bước vào kỷ nguyên Minh Trị, nhờ học hỏi phương Tây bằng nhiều phương pháp, các nhà văn Nhật Bản đã có những cống hiến nhất định để xác lập ngành lý luận phê bình trong văn học Nhật Bản, làm cho nền văn học này phát triển toàn diện và nhanh chóng đuổi kịp thành tựu của những nền văn học lớn trên thế giới.
Tsubouchi Shoyo- người mở đường cho tiểu thuyết Nhật Bản và có cống hiến trên nhiều lĩnh vực: sáng tác, dịch thuật, giáo dục, nghiên cứu- cũng là nhà văn có những đóng góp đầu tiên cho lý luận văn học. Trong khoảng thời gian 1885- 1886, Tsubouchi Shoyo đã viết công trình lý luận đầu tiên về thể loại tiểu thuyết: Shosetsu Shinzui (Những điều cốt lõi của tiểu thuyết). Cuốn sách này gồm có hai phần: phần 1 có 5 chương và phần 2 có 6 chương. Nói chung, đây là một công trình biên soạn nghiêm túc, thể hiện những hiểu biết tương đối chi tiết về tiểu thuyết với tư cách là một thể loại trong thế giới văn học hiện đại. Những vấn đề cơ bản về đặc điểm thể loại, về nghệ thuật tiểu thuyết – đặc biệt là tiểu thuyết lịch sử- như phong cách, việc xây dựng cốt truyện, nghệ thuật tự sự đều được giải thích và bàn luận trong công trình này. Có thể nói Shosetsu Shinzui là một bước khởi đầu thuận lợi cho sự phát triển của lý luận và phê bình văn học ở Nhật Bản thời hiện đại.
Nối tiếp Tsubouchi Shoyo trong lĩnh vực này là Futabatei Shimei. Ông bước vào văn đàn nhờ sự động viên, giúp đỡ của Tsubouchi Shoyo và cũng là một người hoạt động trên nhiều lĩnh vực: dịch thuật, viết văn và viết báo. Futabatei tán thành hầu hết những quan điểm cơ bản của Shoyo trình bày trong cuốn Shosetsu Shinzui, nhưng ông vẫn hoài nghi về nền tảng triết học của những quan điểm đó. Ông bày tỏ với Shoyo về những điều còn hoài nghi trong bài phê bình cuốn tiểu thuyết Tosei shosei katagi (Tính cách của người trí thức hiện đại) với phần giới thiệu được xuất bản vào năm 1886 dưới tựa đề Shosetsu soron (Tổng luận về tiểu thuyết). Thực hiện công trình này, Futabatei nhấn mạnh tầm quan trọng của lý tưởng hàm chứa bên trong một tác phẩm so với những yếu tố mang tính hình thức khuôn mẫu, cấu trúc trong sáng tạo nghệ thuật. Quan điểm của ông về tiểu thuyết được xây dựng trên cơ sở lý luận về chủ nghĩa hiện thực hiện đại, vượt qua quan niệm đơn giản của Shoyo về tả thực được trình bày trong cuốn Shosetsu Shinzui. Với lập luận rằng nghệ thuật có thể đạt đến chân giá trị xuất phát từ cảm hứng mà nghệ sĩ có được với bất cứ chất liệu hay hình thức thể hiện nào, Futabatei khẳng định rằng tiểu thuyết- vốn là một loại hình nghệ thuật- cũng phải thể hiện chân giá trị thông qua những hình thức biểu hiện cụ thể hay là một dạng mô hình hoá hiện thực bên ngoài mà không cần đến sự trừu tượng uyên thâm. Vì vậy, tác phẩm Shosetsu soron tuy có tiếp thu những luận điểm của Belinksky nhưng chủ yếu vẫn là sự tổng hợp và thể hiện theo phong cách của Futabatei từ lý luận văn học phương Tây đến những quan niệm truyền thống của Nhật Bản.
Từ những công trình mang tính chất mở đường cuối thế kỷ XIX, bộ môn lý luận và phê bình văn học đã phát triển thuận lợi trong khoảng thời gian tiếp theo, với nhiều tên tuổi nổi bật như Ikuta Choko với tập Saikin no shosetsuka (Những tiểu thuyết gia trong thời gian gần đây) (1915) và Saikin no bungei oyobi shicho (Văn nghệ và trào lưu tư tưởng mới), Hirotsu Kazuo với Ikareru Torusutoi (Tolstoy phẫn nộ) (1916) và Shiga Naoyaron (Bàn về Shiga Naoya) (1919)..v.v.. Đặc biệt, sự xuất hiện của các tạp chí văn học là điều kiện quan trọng để việc phê bình phát triển rộng khắp, trở thành một bộ phận không thể thiếu của văn học Nhật Bản hiện đại.
3.      Vai trò của nhà văn trong đời sống văn hóa xã hội Nhật Bản hiện đại
Những tư liệu về tiến trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản cho thấy các nhà văn Nhật Bản đã đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa ở đất nước này với sự nhiệt tình và rất nhiều nỗ lực trong nhiều công việc khác nhau, từ dịch thuật đến đổi mới và phê bình, sáng tạo. Tuy nhiên, với tư cách là một bộ phận của giới trí thức Nhật Bản- lực lượng nòng cốt cho sự nghiệp hiện đại hóa đất nước- đóng góp của nhà văn không dừng lại trong khuôn khổ của hoạt động văn học. Nói cách khác, nhà văn Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX không chỉ tham gia vào công cuộc hiện đại hóa một cách thụ động như những cá nhân bị cuốn theo dòng chảy tất yếu của lịch sử, hoặc tham gia với suy nghĩ đơn giản rằng sứ mệnh của nhà văn lúc này chỉ là đổi mới văn chương. Trên thực tế, nhiều nhà văn Nhật Bản đã dấn thân vào tiến trình này một cách chủ động, mong muốn được mong muốn cống hiến một cách hiệu quả nhất cho công cuộc phát triển văn hóa- xã hội ở Nhật Bản theo thiên hướng của mình.
Trước hết, mong muốn này ở các nhà văn được thể hiện bằng các hoạt động đa dạng của nhiều cá nhân trên nhiều lĩnh vực, ngoài những hoạt động thuần văn chương như dịch thuật, phê bình và sáng tác. Một số nhà văn, xuất phát từ tư tưởng nhân đạo mang màu sắc của chủ nghĩa lý tưởng, đã thực hiện các hoạt động xã hội mà họ cho là cần thiết để xây dựng một đất nước Nhật Bản hòa bình, thịnh vượng và nhân ái. Mushakoji Saneatsu, một thành viên của phái Shirakaba, đã thực hiện ý tưởng của mình bằng cách thành lập một hình thức sinh hoạt cộng đồng gọi là atarashiki mura (làng mới) ở Hyuga, thuộc Myyazaki, đảo Kyushu. Theo quan niệm của ông thì “Làng mới” là nơi mọi người, nếu làm việc được trong một thời gian được ấn định thì ai nấy đều có cơm ăn, áo mặc, nhà ở”. Một thành viên khác của phái Shirakaba, nhà văn Arishima Takeo, cũng đã từng xây dựng thí điểm một nông trường tập thể theo mô hình được miêu tả trong tác phẩm của nhà văn Nga Tolstoy. Những hoạt động này đều kết thúc bằng sự thất bại, vì đó là những công trình xuất phát từ những ý tưởng thiếu tính thực tế. Tuy nhiên, những hoạt động đó cũng là minh chứng cho sự nỗ lực cống hiến của một thế hệ nhà văn theo đuổi lý tưởng thiết lập một xã hội đại đồng. Ngoài ra, cũng có những nhà văn theo đuổi những hoạt động có lợi ích thiết thực như tham gia vào công tác giáo dục và đóng góp cho việc truyền bá tư tưởng khai sáng (các nhà văn tham gia vào nhóm Meirokusha như Fukuchi Genichiro, Toyama Masakazu), nghiên cứu văn hóa dân gian (Yanagita Kunio), quảng bá nghệ thuật cổ truyền Nhật Bản (Yanagi Muneyoshi)..v.v..
Một thực tế thú vị là các nhà văn Nhật Bản, đặc biệt là thế hệ trưởng thành vào thời Minh Trị, tuy chịu sự chi phối của chính sách nhà nước- và cũng nhờ những chính sách này mà có được những điều kiện thuận lợi để phát triển năng lực cá nhân- nhưng lại thể hiện rõ tư thế chủ động khi tham gia vào tiến trình hiện đại hóa.
Các nhà văn Nhật Bản thời kỳ này chủ động lựa chọn và theo đuổi khuynh hướng tư tưởng và con đường cống hiến mà mình cho là hợp lý. Có những nhà văn thiên về “chủ nghĩa Nhật Bản” (Japanism) như Jinbo Kotaro, Dazai Osamu, Ito Shizuo, Tanaka Katsumi..v.v.. nhưng cũng có những nhà văn chủ trương học hỏi phương Tây để thoát khỏi tình trạng lạc hậu của Nhật Bản. Đối với nội dung và tiến trình hiện đại hóa, nhiều nhà văn ủng hộ nhưng cũng có những nhà văn nhìn nhận vấn đề này trên lập trường đối kháng với chính sách nhà nước như Natsume Soseki và Mori Ogai, vì thế, họ có những lựa chọn khác nhau để cống hiến cho xã hội với tư cách là một cá nhân. Chẳng hạn, Mori Ogai là người được chọn đi du học ở Đức về ngành vệ sinh (và sau khi về nước cũng được tạo điều kiện làm việc thuận lợi, được giữ chức vụ cao trong ngành quân y), nhưng ông tự nhận thấy trí thức Nhật Bản cần phải đóng góp nhiều hơn để đất nước này thoát khỏi tình trạng lạc hậu, và ông tự nguyện cống hiến trong lĩnh vực dịch thuật cũng như sáng tác. Trong khi đó, Natsume Soseki được cử đi học về văn học Anh, khi trở về được phân công giảng dạy môn này ở Đại học Tokyo, thay thế cho vị trí của một giáo sư nước ngoài, nhưng ông không mặn mà với cương vị được giao, và chỉ một thời gian ngắn sau đó thì rời bỏ vị trí này để trở thành một tiểu thuyết gia chuyên nghiệp.
Thứ hai, về hoạt động sáng tác, các nhà văn chủ động lựa chọn phong cách sáng tác, từ đó hình thành nhiều bút nhóm, trường phái tồn tại đồng thời hoặc nối tiếp nhau. Bên cạnh đó cũng có những nhà văn không thuộc về một bút nhóm nào và có những quan điểm riêng về sáng tác hay về lý luận. Thực trạng này làm cho hoạt động trên văn đàn Nhật Bản thời kỳ này hết sức đa dạng và sôi nổi. Tác phẩm văn học cũng là một thế giới vô cùng phong phú, và hình ảnh Nhật Bản trong những tác phẩm này là hình ảnh nhiều vẻ, đa sắc vì được nhìn, được miêu tả từ nhiều góc độ khác nhau.
Tư thế tự chủ của các nhà văn khi tham gia vào công cuộc hiện đại hóa là điều kiện quan trọng để họ thực hiện được vai trò quan trọng của trí thức Nhật Bản đương thời: vai trò nhà phản biện xã hội.
Tuy rằng trên nhiều phương diện, Nhật Bản được nhìn nhận như là một tấm gương thành công trên con đường hiện đại hóa ở khu vực Đông Á, được các nước láng giềng ngưỡng mộ về sự phát triển kinh tế và mức độ văn minh, nhưng theo cách nhìn của một số nhà văn thì xã hội Nhật Bản, trong tiến trình phát triển ồ ạt theo hướng Tây phương hóa, là một xã hội hàm chứa rất nhiều vấn đề, thậm chí nhiều tiêu cực. Những nội dung này được thể hiện bằng nhiều phong cách khác nhau trong nhiều tác phẩm khác nhau.
Là một người tôn thờ cái đẹp của văn hóa Nhật Bản truyền thống, Kawabata Yasunari báo động về sự suy tàn của vẻ đẹp đó qua những trang viết của mình. Chính tác giả, trong diễn từ nhận giải Nobel, đã khẳng định:
Trà lễ là một sự cùng đến với nhau trong cảm nghĩ, là một sự gặp gỡ giữa những người bạn tốt, trong một cơ hội đẹp. Tôi có thể nói lướt qua rằng: Xem quyển tiểu thuyết Ngàn cánh hạc của tôi như sự gợi lại vẻ đẹp tinh thần chính xác của trà lễ tức là đã không hiểu ý tôi. Thật ra đó chỉ là một tác phẩm tiêu cực, diễn tả sự nghi ngờ của tôi về giá trị đang mất dần của trà đạo và báo trước cái lố bịch mà trà đạo đã và còn sẽ rơi vào[i].
Ngay từ khi thể loại tiểu thuyết mới hình thành, những vấn đề của xã hội Nhật Bản hiện đại đã được phản ánh rõ nét. Với tựa đề tác phẩm là Ukigumo (mây trôi dạt), Futabatei muốn nói đến số phận trôi nổi của nhân vật nữ Osei trong cuốn tiểu thuyết này, do những toan tính của bà mẹ trong việc dàn xếp một cuộc hôn nhân theo hướng thực dụng. Thông qua số phận của nhân vật đó, tác giả muốn phê phán lối sống thiên trọng vật chất là một khuynh hướng phổ biến trong xã hội Nhật Bản thời Minh Trị, mặt trái của trào lưu học hỏi theo khuôn mẫu phương Tây.
Cách phản ánh xã hội hiện đại theo kiểu này có thể tìm thấy rất nhiều trong tác phẩm của nhiều tác giả. Trong số đó, nổi bật nhất là quan điểm phê phán hiện đại hóa của Natsume Soseki. Trong hàng loạt tác phẩm của mình, ông đã trình bày và phê phán rất nhiều vấn đề của xã hội Nhật Bản mà ông xem là hệ quả của tiến trình hiện đại hóa ồ ạt, phi tự nhiên: sự sụp đổ của các giá trị truyền thống, thái độ của giới trẻ đương thời, khoảng cách giữa con người, mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, sự bế tắc của tầng lớp trí thức vì không thể thích nghi với cuộc sống hiện đại. Quan điểm phê phán của Natsume Soseki, được trình bày qua lời thoại của nhân vật hoặc lời dẫn truyện trong tác phẩm, nhiều khi trở nên rất đỗi gay gắt. Ông đã từng viết những câu như “Trước mắt tôi chỉ có ba con đường. Chết, hoặc điên, hoặc xuất gia[ii], “Nhật Bản hiện đại chỉ là sự khai hoá về hình thức[iii], “Trong Xã hội Nhật Bản bây giờ - tuy rằng phương Tây có thể trội hơn tuỳ theo sự việc – mọi thứ đều có vẻ hời hợt giả tạo kinh khủng[iv]. Tuy nhiên, qua những lời phê phán này, có thể thấy nhà văn đang trình bày những ưu tư sâu sắc của bản thân với tư cách là một trí thức hiểu biết và có trách nhiệm, với mong muốn Nhật Bản có thể tìm được con đường phát triển đúng đắn để trở thành một quốc gia thực sự văn minh.
Tất nhiên, việc có nhiều ý kiến khác nhau trước một xu hướng phát triển của xã hội là điều không thể nào tránh khỏi, cũng như công cuộc hiện đại hóa của một quốc gia không phải chỉ có những thành tựu mà còn làm nảy sinh nhiều vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, ý kiến của các nhà văn, dù xuất phát từ thái độ bất mãn hay nhiệt tình xây dựng, cũng không hẳn là đúng đắn hoàn toàn và cần được thực thi triệt để. Tuy nhiên, dù ở thời đại nào, vai trò phản biện xã hội của nhà văn nói riêng và trí thức nói chung là cực kỳ quan trọng. Làm tốt vai trò này, các nhà văn Nhật Bản không chỉ cống hiến cho công cuộc đổi mới đất nước trong khoảng thời gian vài thập kỷ mà còn định hướng cho sự phát triển lâu dài của một nền văn hóa, mở đường cho những thế hệ đi sau tiếp tục xây dựng một quốc gia giàu mạnh, giảm bớt những mất mát về giá trị tinh thần trên con đường mà bánh xe hiện đại hóa đã lăn qua.


[i] Kawabata Yasunari, Đất Phù Tang, cái đẹp và tôi, Cao Ngọc Phượng dịch
[ii]Natsume  Soseki toàn tập, Quyển 8, Iwanami Shoten, 1994, tr. 412
[iii] Natsume Soseki toàn tập, Quyển 16, Iwanami Shoten, 1995, tr. 436
[iv] Natsume Soseki toàn tập, Quyển 8, Iwanami Shoten, 1994, tr. 263

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét