Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

LỄ HỘI PHÁO HOA – MỸ HỌC TRUYỀN THỐNG VÀ KỸ THUẬT HIỆN ĐẠI



Dù biết rằng lễ hội là một bộ phận quan trọng của văn hóa Nhật Bản nhưng thói quen “sợ” những chốn đông người khiến tôi chẳng mấy mặn mà với việc đi xem hội. Thêm vào đó, mùa lễ hội ở Nhật lại là mùa hè. Cảnh tượng đám đông chen chúc kéo nhau đi trong cái nóng điên người ở xứ ôn đới này khiến tôi có cảm giác... nản lòng hơn là thích thú!
Lần đầu tiên đến Kyoto, chúng tôi đang đi dạo trên đường phố thì tình cờ gặp một đám hội rước kiệu đi ngang, tạo nên quang cảnh rộn rã suốt một quãng đường. Rất đông người mặc áo trắng, quấn khăn trắng trên đầu đang ghé vai khiêng kiệu và hô vang những lời khó hiểu cứ như là... thần chú, và càng đông người hơn nữa rầm rập theo sau đoàn khiêng kiệu, mặt mũi bóng loáng và lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Hình ảnh đầu tiên mà tôi ghi nhận về lễ hội Nhật Bản là như vậy. Và ngay từ cái lần đầu tiên ấy, tuy cũng cầm máy ảnh lên ghi hình vài cảnh để làm kỷ niệm nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ chạy theo dòng người nhễ nhại mồ hôi kia suốt cả quãng đường dài, hay thậm chí hăng hái ghé vai vào khiêng kiệu như nhiều du khách hiếu kỳ mỗi khi tình cờ gặp một đám rước trên đường phố. Cho nên lần thứ hai đến Nhật, tuy biết mình sẽ trải qua trọn một mùa hè ở Tokyo nhưng tôi cũng chẳng có ý niệm gì về việc đi xem hội, ngay cả khi được nghe bạn bè “quảng cáo” về những lễ hội quy mô lớn của vùng Kanto, mà chỉ mải mê “nghiên cứu” hệ thống thư viện ở cái nơi mình đang sống và tìm hiểu các phương án để lên kế hoạch cho chuyến leo núi Phú Sĩ.
Trong hoàn cảnh ấy, tôi đi xem hội pháo hoa cùng cô bạn ở chung nhà vì tình cảm đối với người đã lo liệu “cơ sở hạ tầng” cho cuộc sống của mình ở Tokyo hơn là vì không khí hội hè mà lúc ấy tôi vẫn chưa “ngấm” được. Ra khỏi nhà vào một chiều hè nóng bức, tôi chỉ nghĩ đến một cuộc... dạo mát khi biết mình sẽ đi về hướng bờ sông. Nhưng rồi khi vừa bước lên tàu điện, tôi đã nhận thấy không khí xung quanh khác hẳn mọi ngày. Các cô gái trẻ mặc những bộ yukata rực rỡ đủ màu, đi thành từng cặp hay từng nhóm, vẻ mặt tươi vui và chuyện trò rôm rả. Không khí hội hè càng lúc càng dâng cao và trở nên đậm đặc với vô số hình ảnh thú vị ngay trước mắt khi chúng tôi đổi sang tàu điện ngầm, khi đứng đợi người quen ở cửa soát vé và tìm đường đến chỗ hẹn cuối cùng gần điểm bắn pháo hoa. Yukata đủ màu phất phơ như bướm lượn. Nam thanh nữ tú nắm tay nhau. Có những cô nàng còn cầm theo chiếc túi vải hoa ngộ nghĩnh hay chiếc quạt xếp truyền thống làm tăng vẻ dịu dàng thanh lịch. Thỉnh thoảng lại có một anh chàng Tây phương cao lớn mặc yukata len lỏi giữa dòng người, bên cạnh một cô gái mảnh mai người bản xứ. Rồi các cụ bà cũng yukata nền nã, obi tươm tất với tóc búi cao và trâm cài đúng điệu. Rồi các nhóm thiếu niên râm ran chuyện gẫu hoặc khúc khích cười đùa...
Nơi chúng tôi xem bắn pháo hoa là sân thượng của một tòa nhà lớn. Người đi xem hội rất đông, ngồi thành từng nhóm trên những tấm vải bạt. Bia và các loại thức nhắm được bày ra. Ống kính máy ảnh xoay đủ hướng để tìm cách ghi hình. Tiếng loa phát thanh của nhân viên điều chỉnh trật tự càng làm cho không khí hội hè thêm rộn rã... Đến lúc này thì tôi đã hoàn toàn quên chuyện dạo mát mà cứ chăm chú nhìn thẳng trước mặt, nơi thỉnh thoảng vang lên tiếng nổ lớn rồi một bông hoa lửa rất to vụt hiện và nở bung giữa nền trời. Nhưng đó mới chỉ là những phát bắn thử nghiệm trong tâm trạng chờ đợi háo hức của mọi người, vì trời mùa hạ đã hơn bảy giờ mà vẫn chưa chịu tối!
Khi đêm hội pháo hoa thực sự mở màn thì mọi người dường như quên cả chuyện trò, ăn uống để tập trung chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự kỳ thú được tạo nên bởi những tia lửa sáng rực bừng nở giữa trời đêm. Không gian lễ hội trở nên hoành tráng và sảng khoái vô cùng. Hình ảnh thì muôn màu muôn vẻ còn âm thanh thì cực kỳ ấn tượng. Trong khoảnh khắc thưởng thức vẻ đẹp kỳ vĩ ấy, tôi mới thực sự hiểu được tinh thần của văn hóa lễ hội ở đất nước này, hiểu được sự tinh tế của người Nhật biết thưởng thức cuộc sống phù hợp với chu trình thời tiết của tự nhiên. Tôi cảm thấy trong sâu thẳm bản thân mình như cũng có một cái gì vừa bay lên, vừa bừng nở trong khoảng không bao la khoáng đạt của đêm hè. Tôi thấy mình như tan ra theo làn gió nhè nhẹ thổi từ phía dòng sông, theo những tia sáng rực rỡ huy hoàng trong chớp mắt đã biến vào bầu trời đêm mênh mông bí ẩn...
Rồi tôi chợt nhớ đến lời giới thiệu trang trọng của giáo sư hướng dẫn về lễ hội pháo hoa ở quê thầy, trong lần đầu tiên tôi được thầy mời đến thăm nhà ở một thành phố nhỏ thuộc vùng phụ cận Tokyo. Tôi chợt hiểu vì sao một người rất đỗi trầm tính và ít nói như thầy lại tỏ ra “hăng hái” với sự kiện mà tôi ngỡ là chỉ phù hợp với những người ham vui nhộn và trẻ tuổi. Thầy không chỉ giới thiệu mà còn nhiệt tình mời tôi trở lại quê thầy để xem hội pháo hoa, bằng cách nhắc đi nhắc lại lời mời trong mấy lần gặp tôi ở trường đại học.
Điều thú vị là khi tôi khoe với thầy đã đi xem pháo hoa ở gần sông Sumida và được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh tuyệt vời thì thầy thản nhiên mà bảo rằng lễ hội ở quê thầy còn hoành tráng hơn những gì mà tôi vừa trải nghiệm, khiến tôi phải... bật cười và nhận lời đến nhà thầy để cùng với gia đình thầy xem pháo hoa lần nữa!
Lần này thì tôi thấy mình thoát ra khỏi cảnh đông người cố hữu của siêu đô thị Tokyo, thấy mình đang ở giữa thiên nhiên để thoải mái chiêm ngưỡng vẻ đẹp được tạo ra bởi trí tuệ và mỹ cảm của con người. Nơi tổ chức lễ hội là một không gian rộng lớn, gồm triền đê nối tiếp với bờ sông, gần một sân golf mướt xanh màu cỏ. Cũng yukata rực rỡ đủ màu. Cũng ống kính máy ảnh và rất nhiều màn hình ipad, iphone. Cũng bia bọt và thức nhắm trong râm ran câu chuyện. Lại có thêm một dãy hàng quán dựng tạm ở triền đê tỏa ra mùi thịt nướng và mùi chiên xào thức ăn ngào ngạt thơm lừng.
Và mọi người cũng phải đợi một lúc khá lâu cho đến khi trời tối hẳn. Tôi vốn không mấy hào hứng với “tiết mục” ăn uống trong không khí oi bức của mùa hè nên cứ... ngửa cổ lên trời nhìn những đám mây lúc hoàng hôn rồi giương ống kính lên chụp ảnh, khiến cho giáo sư ngồi bên cạnh thắc mắc hỏi đùa: “Mây ở nơi này có gì khác với mây ở Việt Nam chăng?
Loa phát thanh được đặt ở đâu đó văng vẳng lời giới thiệu về lễ hội. Người giới thiệu có vẻ như đang nói một cách rất tỉ mỉ, rất nhiệt tình nhưng đáng tiếc là vì không gian quá rộng và nhiều gió nên tôi chỉ nghe được vài câu đứt quãng. Khi lễ hội chính thức bắt đầu và mọi người đều im lặng để tập trung thưởng thức vẻ đẹp của của những bông hoa lửa thì tiếng loa chen vào giữa những đợt pháo được bắn lên có vẻ dễ nghe hơn một chút. Tôi nhận ra người ta đang giới thiệu một cách trân trọng những “tác phẩm” pháo hoa được đưa đến tham dự lễ hội lần này. Quả thật pháo hoa được người dân nơi đây tạo ra và “đối đãi” như tác phẩm nghệ thuật thật sự! Người ta dồn mọi tâm huyết để sáng tạo ra nhiều loại mới, để làm cho hình ảnh của bông hoa lửa ngày càng đa dạng, đẹp hơn, ấn tượng hơn trong mắt người xem. Xung quanh tôi liên tiếp rộ lên những tiếng trầm trồ, xuýt xoa vì thán phục. Bầu trời đêm biến thành một bức màn nhung vĩ đại để các nghệ nhân tài hoa vẽ lên đó cả một thế giới hình ảnh muôn vẻ muôn màu. Hoa anh đào, bông cỏ lau, hoa cẩm tú cầu, trái tim, ngôi sao v.v... Bao nhiêu hình ảnh quen thuộc của cuộc sống đời thường nối tiếp nhau bừng sáng rồi biến mất. Cứ như là vũ trụ liên tục tái sinh, liên tục đổi mới trước mắt mình. Những “bông hoa” bừng nở đột ngột rồi lụi tàn trong khoảnh khắc đã vượt qua mọi lý thuyết cao siêu để giúp tôi thấu hiểu bản chất mong manh của cái đẹp và đời sống. Tôi chợt nhận ra rằng pháo hoa chẳng khác với hoa anh đào mùa xuân hay lá đỏ mùa thu, rằng lễ hội này là sân khấu tôn vinh một nền nghệ thuật rất nghiêm túc và rất điển hình của tinh thần Nhật Bản, rằng vẻ đẹp của pháo hoa là sự kết hợp tuyệt vời giữa kỹ thuật hiện đại và ý thức thẩm mỹ truyền thống... Và tôi biết ơn giáo sư hướng dẫn đã đem lại cho tôi những khoảnh khắc trải nghiệm khó quên, để tôi cảm nhận đầy đủ hơn về mỹ học Nhật Bản trong một sự kiện rất đời thường. Quả đúng như lời thầy giới thiệu, lễ hội pháo hoa ở quê thầy kéo dài hơn và để lại ấn tượng sâu sắc hơn về tính nghệ thuật so với đêm hội ở bờ sông Sumida trong rừng người chen chúc và lô nhô cao ốc che chắn bớt tầm nhìn. 
Đáng tiếc là chỉ mấy tuần sau khi tôi trở về Việt Nam, những hình ảnh tôi ghi được trong hai lần xem lễ hội pháo hoa đều đã bị... mất trộm cùng với chiếc máy tính mà tôi đã dùng trong thời gian ở Nhật! Thế là tôi không còn được xem những đoạn video kỷ niệm để tự mình sống lại với không khí lễ hội trong khoảnh khắc. Nhưng ký ức về hình ảnh, âm thanh, mùi hương, làn gió, mây trời v.v... thì vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn trong tôi. Và biết đâu, trong thế giới thiên biến vạn hoá điệp trùng này, sự mất mát kia sẽ là một “tiền đề” xa xôi để tôi trở lại với nơi mình đã từng có những kỷ niệm đẹp, với không gian thực và hình ảnh thực để thêm một lần thưởng thức và chia sẻ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét