Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

NÚI PHÚ SĨ – MỘT VÙNG CẢNH SẮC MỘT MIỀN TÂM LINH



Bất cứ sinh viên nào của ngành Nhật Bản học đã từng học qua phần tiếng Nhật sơ cấp đều biết rằng Phú Sĩ (phát âm trong tiếng Nhật là Fuji) là tên của ngọn núi cao nhất Nhật Bản, tuy chưa hẳn đã nhớ được chính xác chiều cao ngọn núi. Thời Edo, có một họa sĩ thuộc dòng tranh khắc gỗ là Katsushika Hokusai đã từng vẽ hai bộ tranh nổi tiếng là “36 cảnh núi Phú Sĩ” và “100 cảnh núi Phú Sĩ”. Còn ngày nay thì hình ảnh ngọn núi này có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu trên toàn nước Nhật, từ những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, những bức ảnh quảng cáo du lịch to bằng cả bức tường đến những chiếc thẻ điện thoại mỏng manh xinh xắn. Cho nên, chẳng biết tự bao giờ, núi Phú Sĩ cùng với hoa anh đào đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho xứ sở Phù Tang. Những ai từng tiếp xúc với văn hóa Nhật Bản hầu như đều biết rõ điều này. Tuy nhiên, sự hiểu biết hay cảm giác quen thuộc ấy vẫn là chưa đủ để thấu hiểu ý nghĩa của hình ảnh Phú Sĩ trong tâm hồn người Nhật.
Nếu được biết Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản, một người Việt Nam có chút kiến thức về địa lý sẽ dễ dàng liên tưởng đến vị trí của “nóc nhà Đông Dương” Phan-xi-păng ở nước ta. Nhưng rồi mọi chuyện sẽ trở nên rất khác, chỉ sau vài giây trí tưởng tượng tự do kiếm tìm hình ảnh. Trong khi một trí thức thuộc loại “cao cấp” ở nước ta cũng khó mà có sẵn trong bộ nhớ một hình ảnh rõ nét về “nóc nhà Đông Dương” thì một em học sinh tiểu học ở xứ Phù Tang cũng quen thuộc với Phú Sĩ từ tên gọi đến dáng hình, dù đảo quốc xinh đẹp có đến ¾ diện tích là đồi núi.
Cho nên, có thể nói rằng Phú Sĩ không chỉ là một “đỉnh cao” thuần túy về địa chất. Ba nghìn bảy trăm bảy mươi sáu mét chẳng là gì so với những đỉnh tuyết rợn ngợp ở Himalaya và ở bao nhiêu nơi khác trên thế giới. Bản thân người Nhật hiểu rất rõ điều này, và những nhà leo núi có đẳng cấp quốc tế chỉ xem Phú Sĩ là bước luyện tập ban đầu để họ vươn tới những đỉnh núi cao hơn, hiểm trở hơn, thách thức người chinh phục nhiều hơn. Mặt khác, có một điều gì đó vượt qua độ cao của một ngọn núi thông thường, một điều gì đó mơ hồ nhưng dường như rất thâm sâu và vững chắc, đã làm cho Phú Sĩ trở thành một hình ảnh thiêng liêng, kỳ vĩ trong lòng mỗi người dân ở xứ Phù Tang. Và cũng chính điều đó đã tạo nên một thứ lực hấp dẫn thu hút nhiều người nước ngoài ở Nhật Bản tìm đến với ngọn núi dễ tiếp cận nhưng khó chinh phục này, không loại trừ cả những người kém cỏi về thể chất và chẳng có ý niệm gì về môn thể thao leo núi như tôi.
Lần đầu tiên đến Nhật, được biết trong kế hoạch có một chuyến đi tàu cao tốc shinkansen trên tuyến đường Tokaido, tôi hớn hở “khoe” với nhiều người và nói rằng mình rất mong muốn được nhìn thấy núi Phú Sĩ, đồng thời bày tỏ sự băn khoăn vì không biết làm thế nào để nhận ra ngọn núi, vì đảo quốc cứ trập trùng đồi núi như sóng lượn, mà con tàu lại lao đi rất nhanh với vận tốc 360km/h. Những người quen ở Kanazawa nghe tôi “tâm sự” về điều đó đều trả lời rằng: “Nhận ra Fujisan không có gì là khó, vì ngọn núi có vị trí biệt lập và khác hẳn mọi đồi núi ở những khu vực xung quanh. Điều quan trọng là chỉ nhìn thấy núi lúc đẹp trời, còn nếu gặp lúc nhiều mây thì nửa trên của ngọn núi bị che lấp nên không nhìn rõ được...” Tôi mang theo lời chỉ dẫn ấy lên chuyến tàu cao tốc từ Kyoto đến Tokyo, cùng với niềm háo hức chờ mong và cả nỗi phấp phỏng về thời tiết. Tôi căng mắt nhìn từng ngọn núi, từng dãy núi lướt thật nhanh qua cửa kính toa tàu, chăm chú kiếm tìm cái hình dáng độc đáo kia nhưng không hề nhìn thấy. Về sau tôi mới biết vì lúc ấy mình đã ngồi gần cửa sổ phía bên trái của toa tàu, trong khi núi Phú Sĩ lại hiện ra bên phải và hơi chếch về phía trước! Tôi đã không gặp may trong lần “hẹn hò” thầm lặng đầu tiên với ngọn núi này, nhưng mau chóng được “đền bù” xứng đáng trong lần thứ hai trải nghiệm cùng đảo quốc.
Biết rằng mình sẽ lưu lại Tokyo suốt cả mùa hè, ngay khi vừa giải quyết xong các thủ tục cần thiết cho chuyến công tác nửa năm là tôi hối hả lao vào việc tìm kiếm thông tin, sắp xếp lịch trình cho một chuyến tham quan Phú Sĩ. Vì không rủ được ai trong số bạn bè đang sống ở vùng Kanto đi cùng nên tôi đã chọn tour leo núi của một công ty chuyên cung cấp dịch vụ lữ hành và xe buýt cao tốc từ Tokyo đi các địa phương ở Nhật Bản. Dù sức khỏe không được tốt và không có kinh nghiệm leo núi, lại còn nhận được nhiều lời “đe đọa” của bạn bè, người quen về những khó khăn, nguy hiểm của chuyến đi nhưng ngọn lửa nhiệt tình dành cho cái đẹp vẫn sưởi ấm trong tôi chút niềm tin và hy vọng mơ hồ. Thêm vào đó, sự đam mê làm việc trong không gian tuyệt vời của thư viện ở Tokyo đã biến tôi thành một kẻ mạo hiểm kỳ quặc vì lấy mất của tôi hầu hết thời gian dành cho những chuẩn bị cần thiết! Đêm trước ngày khởi đầu chuyến đi, tôi vẫn miệt mài ở thư viện gần nhà cho đến giờ thư viện đóng cửa. Sau bữa ăn tối vội vàng bằng cơm hộp mua trong siêu thị, tôi chỉ còn một chút thời gian để sắp xếp quần áo, vật dụng vào ba lô và một giấc ngủ ngắn trước khi lên xe điện thật sớm để đến nơi tập trung theo quy định trước giờ xe buýt khởi hành. Cô bạn ở chung nhà tròn mắt nhìn tôi hối hả nhét mấy thứ sơ sài vào ba lô trước khi đi ngủ và nhắc lại mấy lời cảnh báo mà tôi đã quen nghe. Tôi biết thái độ lo lắng của bạn mình không có gì là thái quá, nhưng ở thời điểm ấy thì tôi không còn thay đổi gì được nữa!
Tour leo núi mà tôi đã đăng ký là tour dành riêng cho khách hàng nữ giới, nên trước hết là tôi cảm thấy yên tâm về chỗ ngồi trên xe buýt, về việc nghỉ đêm trên quán trọ gần đỉnh núi và hy vọng về khả năng theo kịp tốc độ chung của cả đoàn. Nhưng đến khi hướng dẫn viên tập hợp cả đoàn ở trạm nghỉ nằm trên lưng chừng núi để hướng dẫn mọi người khởi động, chuẩn bị cho cuộc hành trình dài và nhọc mệt bằng sức lực tự thân của mỗi người thì tôi mới biết mình là người ngoại quốc duy nhất trong đoàn, mà lại đến từ một xứ sở nhiệt đới vốn xa lạ với môn thể thao leo núi và khó thích nghi với không khí lạnh ở nhiệt độ dưới 10oC! Tôi vốn không thích mình trở thành người “nổi bật” trong một tập thể nhưng vì cảm thấy bất an trước cuộc hành trình sắp tới và e rằng sự yếu kém của bản thân sẽ gây ảnh hưởng đến mọi người, nên khi hướng dẫn viên hỏi “Trong đoàn có ai là người nước ngoài không?” thì tôi đành phải giơ tay mà “thú nhận” lai lịch. Tôi vẫn còn nhớ khi ấy cô gái đứng ngay bên cạnh tôi, và cũng là người ngồi cạnh tôi trên chuyến xe buýt xuất phát từ Shinjuku, đã ngạc nhiên quay sang hỏi: “Bạn là người nước ngoài thật à? Cho đến giờ, mình cứ tưởng bạn là người Nhật...” Còn tôi cũng ngạc nhiên không kém vì cứ ngỡ cô đã nhận ra mình là một “kẻ ngoại nhập” từ lúc ngồi cạnh nhau trên xe buýt, bởi khi hướng dẫn viên trên xe chỉ cho mọi người nhìn núi Phú Sĩ từ xa qua ô cửa kính để tranh thủ bấm máy ghi hình, tôi đã mở lời hỏi cô về khu vực mà mình đang đi qua, với nỗ lực ghi nhớ vị trí có thể nhìn thấy núi Phú Sĩ từ xe buýt trên đường cao tốc. Từ lúc đó, chúng tôi thường đi cạnh nhau trong suốt cuộc hành trình, và sau khi kết thúc chuyến đi vẫn còn hẹn hò gặp gỡ nhau ở Tokyo. Dù cảm thấy tiếc nuối vì tôi chỉ ở Nhật trong thời gian ngắn, còn cô bạn kia thì hai tháng sau chuyến leo núi Phú Sĩ đã nghỉ việc ở Tokyo để chuyển về quê cô ở Fukuoka rồi thực hiện nhiều chuyến du lịch liên tiếp ở nước ngoài, nhưng đến nay tôi thỉnh thoảng vẫn nghĩ về cô ấy với một niềm vui dịu nhẹ, và cảm thấy biết ơn ngọn núi linh thiêng đã làm nảy sinh tình bạn giữa chúng tôi.
Chuyến leo núi quả thật là vất vả. Cả một đoàn gồm ba mươi người khởi hành từ điểm dừng xe buýt ở lưng chừng núi vào lúc giữa trưa, để tám giờ tối mới đến được quán trọ nhỏ xíu và chật ních người ở gần đỉnh núi. Nhưng tôi cũng rất vui vì biết mình đã gặp nhiều may mắn trong cuộc hành trình.
Trước hết, hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi là một người nhiều kinh nghiệm, rất nhiệt tình và cực kỳ chu đáo. Cứ leo được vài cây số là cả đoàn dừng lại để hướng dẫn viên hỏi thăm tình hình sức khỏe của mọi người, thuyết minh về phong cảnh xung quanh, về những “kỹ thuật” nho nhỏ để giữ gìn sức khỏe và những khó khăn cần khắc phục trên đoạn đường sắp tới. Nhờ được quan tâm giúp đỡ tận tình như thế nên trong đoàn tuy có nhiều người bị bệnh độ cao phải bỏ cuộc dọc đường và một người bị đau chân khá nặng lúc đoàn quay trở xuống nhưng nói chung mọi thành viên đều hài lòng với chuyến đi, mọi khó khăn đều được khắc phục kịp thời. Tôi cũng cảm thấy an tâm hơn khi được hướng dẫn viên hỏi thăm, nhắc nhở thường xuyên, theo cái cách người ta quan tâm đến một cá nhân “đặc biệt” trong tập thể!
Bên cạnh đó, chúng tôi còn may mắn vì đã không gặp phải chút trở ngại nào về thời tiết trong suốt cả chặng đường – một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng là yếu tố quyết định sự thành bại của cả chuyến đi. Ở độ cao hơn hai nghìn mét trên một sườn núi rộng mênh mông không có cả những bóng cây to hay khu vực nhiều đá tảng để làm nơi nghỉ chân và trú ẩn tạm thời, với không khí càng lúc càng loãng và nhiệt độ càng lúc càng hạ thấp, chỉ cần một cơn mưa ập đến thì cuộc hành trình sẽ nhanh chóng biến thành thảm họa! Là một kẻ liều lĩnh đến mức không mang theo những vật dụng cần thiết trong điều kiện địa hình và thời tiết xấu như ủng đi mưa, gậy chống v.v..., hơn ai hết trong đoàn, tôi vô cùng cảm kích khi được thiên nhiên hào phóng ban cho cả hai ngày nắng đẹp.
Càng lên cao thì cảnh quan mở ra trước mắt càng đẹp hơn, quyến rũ hơn. Đến một lúc nào đó, khi nhìn xuống bên dưới chúng tôi không còn phân biệt được phố xá, ruộng đồng, hồ nước mà chỉ thấy một vùng xanh thẫm trải rộng ra xa, rồi trên nền xanh ấy là tầng tầng lớp lớp mây giăng, trắng xóa và tinh khiết như một chiếc bánh thần vĩ đại mà thiên nhiên tạo ra để bù đắp cho nỗi nhọc mệt của những con người bé nhỏ đã hào hển gắng sức leo đến tận nơi này. Tuy mỗi thành viên trong đoàn đều phải huy động tối đa nguồn năng lượng trong cơ thể để vượt qua từng đoạn ngắn nhưng mỗi người trong chúng tôi đều cảm thấy như được động viên, được khơi mở tâm hồn nhờ vẻ đẹp và sự bao la khoáng đạt của cảnh quan trong tầm mắt. Những con người vốn hoàn toàn xa lạ bỗng trở nên thân thiện với nhau một cách dễ dàng. Mọi người hỏi han, nhắc nhở nhau với tình cảm tự nhiên của những người bạn đồng hành, chia sẻ cùng nhau những viên kẹo ngậm, những miếng bánh khô và chụp ảnh cho nhau trong mấy phút hiếm hoi nghỉ lại bên triền núi.
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác tuyệt vời khi ngồi uống từng ngụm trà gạo rang mát lạnh và ăn ngấu nghiến mấy miếng rong biển khô ở điểm dừng chân sau mấy tiếng đồng hồ vừa leo vừa thở! Tôi cũng không quên được mình đã ngạc nhiên như thế nào khi gặp một đoàn học sinh tiểu học đang trên đường trở về sau chuyến leo núi dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Các em nhỏ đi trật tự theo hàng, vẻ mặt rạng ngời và đầy tinh thần tự chủ với những chiếc ba lô xinh xắn trên lưng. Gặp đoàn leo núi đi ngược chiều, các em cất tiếng chào lễ phép và vui vẻ. Nhiều thành viên trong đoàn chúng tôi vội rút máy ảnh ghi hình và vẫy tay chào các em bé dễ thương. Tôi dừng lại mỉm cười nhìn các em lần lượt đi qua, thấy chuyến leo núi nặng nhọc bỗng trở thành nhẹ tênh như một chuyến dã ngoại ven thành phố! Cũng có những lúc, tôi không khỏi bật cười khi bất chợt nhìn thấy những chàng trai Tây phương cao lớn vượt qua đoàn chúng tôi với dáng đi nhanh nhẹn, cứ như người ta đi ngang qua nhau trên vỉa hè đại lộ hay trong một công viên, không biểu lộ chút nhọc mệt nào của người đang leo núi, với trang phục đơn giản chỉ gồm áo sơ mi mỏng manh và quần soọc. Hơn bao giờ hết, khoảnh khắc thú vị ấy mang đến cho tôi cảm giác thấm thía sự khác biệt bẩm sinh giữa con người với con người, giữa phương Đông và phương Tây, do một sự phân định kỳ diệu mà chúng ta quen gọi là bàn tay tạo hóa!
Trong ánh sáng mờ nhạt của buổi hoàng hôn, hướng dẫn viên chỉ cho chúng tôi khu nhà trọ nằm chênh vênh bên vách núi, nơi chúng tôi sẽ ăn tối và ngủ một giấc ngắn qua đêm, nằm ở độ cao 3360 mét so với mực nước biển. Khu nhà trọ chỉ cách chúng tôi gần hai trăm mét độ cao nhưng để đặt chân đến nơi, chúng tôi phải mất hơn một tiếng đồng hồ dò dẫm trong bóng tối để leo qua đoạn đường dốc cheo leo, da mặt và vành tai tê cóng vì những cơn gió buốt lạnh cứ ù ù thốc tới.
Đến trước sân nhà trọ, dù cả đoàn vẫn đang co ro vì gió núi trong lúc phải xếp hàng chờ được phục vụ và hơi choáng trước cảnh đông người, tôi vẫn khá yên tâm vì xung quanh tôi đã hình thành một nhóm năm, sáu cô gái trẻ thân mật như bạn bè sau nửa ngày leo núi. Trong không khí khẩn trương vì phải nhanh chóng nhường chỗ ngồi cho đoàn kế tiếp, chúng tôi tập hợp trong một gian phòng nhỏ, vừa nghe hướng dẫn viên phổ biến kế hoạch cho cuộc khởi hành lúc hai giờ rưỡi sáng hôm sau, vừa ăn vội vàng một suất cơm trong lúc sự mệt mỏi, cảm giác về sự chóng vánh tạm bợ và cái lạnh về đêm ở nơi gần đỉnh núi đã làm mất hết mọi hứng thú về ẩm thực.
Chỗ ngủ mà quán trọ cung cấp cho chúng tôi là một kiểu không gian khó gọi tên, nơi có những chăn đệm rất dày trải ra trên sàn gỗ, được ngăn làm nhiều tầng với chiều cao vô cùng hạn chế, chỉ cách chỗ ngồi ăn tối một dãy đệm mỏng hơn dành cho những khách hàng muốn dùng thêm trà nóng, muốn sắp xếp lại hành lý hay còn đang chuyện gẫu với bạn bè.
Nhóm chúng tôi nhanh chóng tìm được một góc nhỏ để nằm sát bên nhau. Với ba lô hành lý và điện thoại hẹn giờ để ngay bên cạnh, chúng tôi chỉ kịp “giao lưu” với nhau thêm mấy lời ngắn ngủi trong lúc chờ cho cơ thể ấm lên đôi chút dưới tấm chăn dày, rồi phải tranh thủ chợp mắt sau một chặng đường dài vất vả để thức dậy đúng giờ cho cuộc chinh phục cuối cùng lúc nửa đêm về sáng.
Giấc ngủ bình yên kết thúc ngay sau một hồi chuông báo thức trên điện thoại. Vào khoảnh khắc mà ý thức vừa trở về rất nhanh sau mấy tiếng đồng hồ ngắn ngủi, tôi cảm nhận toàn bộ sức mạnh ghê gớm của bản năng khi biết mình phải lập tức rời khỏi cái góc chật hẹp đến kỳ dị nhưng đang ấm sực vì chăn đệm, hơi người để bước ra khoảng trời đêm lạnh lẽo ngoài kia. Nhưng rồi tôi vẫn phải cưỡng lại sức mạnh ghê gớm ấy để cùng với những người bạn đồng hành chui ra khỏi nơi trú ẩn tạm thời, làm mấy thao tác chuẩn bị nhanh chóng rồi khoác ba lô đến nơi tập trung trước giờ xuất phát.
Trời vẫn đang tối mịt và gió đêm vẫn ù ù thổi. Hướng dẫn viên thông báo trước cả đoàn những trường hợp không tham gia được chuyến đi sáng hôm nay vì lý do sức khỏe, điểm danh các thành viên có mặt, xác nhận tình hình sức khỏe của từng người rồi thuyết minh chi tiết về chặng đường sắp tới. Xung quanh chúng tôi là những đoàn leo núi đang lặng lẽ chinh phục độ cao, ánh đèn pin lấp loáng từng khóm nhỏ giữa màn đêm trải rộng. Trên đầu chúng tôi, bầu trời đêm mùa hạ mênh mông như gần lại, những vì sao nhấp nháy đang thắp lên trong những người leo núi chúng tôi niềm hy vọng về một buổi sáng đẹp trời.
Tuy chỉ còn vài trăm mét độ cao nhưng đoạn đường cuối cùng quả là gay go nhất. Đường dốc, gió mạnh và đôi chân ê ẩm khiến cho mỗi người đều cất bước với dáng vẻ nặng nề hơn. Lần này, chúng tôi di chuyển gần như liên tục để đến nơi cao nhất của ngọn núi chứ không nghỉ lại ở các điểm dừng chân như hôm trước. Mỗi lần dừng nghỉ bên vách núi, chúng tôi cũng chỉ có vài phút vừa đủ để điều hòa nhịp thở, và mỗi thành viên đều giữ nguyên vị trí xếp hàng như những người lính nghiêm túc trong một cuộc hành quân. Có những lúc chúng tôi lặng lẽ vượt qua một đoàn khác đang nghỉ lại bên triền núi, một số người đang co ro trong túi ngủ khiến tôi kinh ngạc hình dung họ đã qua đêm trong cái lạnh thấu xương ở ngoài trời. Thỉnh thoảng, sau một khúc quanh, lại có một vài thành viên trong đoàn chúng tôi quay xuống khu nhà trọ vì chứng bệnh độ cao hoặc những trục trặc nào đó về sức khỏe, và rốt cuộc chúng tôi cũng lên đến cột mốc đánh dấu độ cao 3776 mét theo đúng tiến độ của cuộc hành trình. Lúc ấy khoảng bốn giờ rưỡi sáng.
Trời mùa hạ đủ sáng để chúng tôi nhìn thấy mặt nhau. Mọi người tập hợp lại trước cổng đền theo hiệu lệnh của hướng dẫn viên, hơi thở gấp gáp nhưng vẻ mặt thì hân hoan rạng rỡ. Hướng dẫn viên chúc mừng các thành viên trong đoàn đã vượt qua chặng đường gian khổ để chinh phục đỉnh núi thành công, chỉ cho mọi người những vị trí có thể nghỉ ngơi hay chụp ảnh bình minh trên đỉnh núi. Cuối cùng, hướng dẫn viên xác nhận những thành viên tham gia chuyến đi vòng quanh miệng núi lửa để ngắm nhìn toàn cảnh núi Phú Sĩ khi mặt trời mới mọc. Số thành viên tham gia chuyến đi này chỉ là một nửa số thành viên của đoàn ở thời điểm bắt đầu xuất phát.
Tôi thấy mình rất đỗi may mắn khi có mặt trong nhóm thành viên tham gia chặng tham quan hết sức thú vị này. Trong cảm giác hân hoan của người vừa chinh phục đỉnh cao sau cả một quãng đường vất vả và trong bầu không khí vô cùng tinh khiết của buổi ban mai trên đỉnh núi, chúng tôi hình thành từng cụm ba, bốn người, vừa đi vừa chuyện trò, ngắm cảnh. Hướng dẫn viên từ phía sau đi đến cạnh tôi, nhắc tôi cẩn thận trước bờ vực hiểm trở rồi tỏ ý khen tôi đã chịu được cái lạnh và không khí loãng ở độ cao này. Tôi bảo rằng có lẽ nhờ vận động liên tục nên cơ thể không bị cóng vì quá lạnh, và tò mò về nhiệt độ ở thời điểm hiện tại thì được ông cho biết là khoảng 4 độ C. Thông tin ấy cho tôi thêm một chút tự tin, vì có lẽ đó là mức nhiệt độ thấp nhất mà tôi từng biết đến trong phạm vi trải nghiệm của mình.
Vừa trò chuyện vừa đi quanh miệng núi lửa theo chiều kim đồng hồ, tôi say sưa ngắm biển mây bồng bềnh bên sườn núi và cảm thấy như có một phép màu nào đó đã nhấc mình lên, đưa mình đến với một xứ sở thần tiên cao hơn cả mây trời, quên cả cảm giác mệt nhọc trên suốt chặng đường vừa mới trải qua.
Hướng dẫn viên đầy kinh nghiệm đưa chúng tôi đến vị trí đẹp nhất để ngắm bình minh trên đỉnh núi. Nhìn về phía dưới, trước mắt chúng tôi là miệng núi lửa rộng hoác và sâu hoắm, với những đốm trắng rải rác là những cụm tuyết chưa tan hết dưới ánh nắng mùa hè. Cùng với rất nhiều du khách của các đoàn đã tập hợp về đây, mỗi người trong chúng tôi tìm cho mình một chỗ đứng hay chỗ ngồi khả dĩ rồi nhìn chăm chăm về hướng Đông, nơi bầu trời sáng lên bởi một vầng mây đang chuyển dần từ màu hồng sang màu vàng xen lẫn màu đỏ nhạt. Rồi đúng năm giờ sáng thì mặt trời đột ngột hiện ra với những tia nắng rực hồng xuyên qua đám mây bao quanh tạo thành cả một vầng hào quang rạng rỡ. Mọi người đang chờ đợi đều ồ lên thích thú, rồi những màn hình máy ảnh xung quanh tôi chớp nháy liên hồi, trong khi cái vầng đỏ ở phía trời Đông đang nhích dần lên cao với những đám mây nhuộm hồng cứ liên tục thay hình đổi dạng.
Nhóm chúng tôi chụp hình một lúc rồi di chuyển theo hướng dẫn viên. Chúng tôi nhận ra ánh bình minh đã nhuộm cả triền núi thành thứ màu của gạch vừa nung chín. Từng nhóm du khách nối tiếp nhau đứng vào vị trí đẹp nhất để chụp ảnh trong tinh thần phấn chấn lúc bình minh. Khi đến lượt mình, nhóm chúng tôi cũng nhanh nhảu đứng vào vị trí và chụp cho nhau những bức ảnh lưu niệm mà ai cũng biết là sau này sẽ trở nên vô cùng quý giá. Những người bạn mới quen lại đứng sát vào nhau trước ống kính máy ảnh, trời lạnh buốt nhưng gương mặt ai cũng rạng rỡ nét cười.
Khi hoàn tất chuyến tham quan vòng tròn quanh miệng núi lửa thì tất cả các thành viên trong đoàn leo núi chúng tôi được tự do cho đến giờ tập hợp để cùng nhau quay xuống. Nơi tập trung của mọi du khách sau khi chinh phục đỉnh núi là ngôi đền Thần đạo. Tôi không vào lễ trong đền nhưng cũng phải công nhận rằng cái cấu trúc đơn giản mà đặc trưng của cổng đền Thần đạo khi hiện diện ở nơi này đã làm cho không khí thêm màu sắc tâm linh. Vả chăng, khi đã đổ bao nhiêu mồ hôi và phải huy động tất cả ý chí để leo đến tận đỉnh cao này, mỗi người đều cảm thấy dường như mình vừa được thanh lọc để trở nên gần gũi với thiên nhiên, để có thể thanh thản mà hòa mình vào khí trời trong trẻo. Sự hiện diện của ngôi đền phải chăng chỉ là một hình thức vật chất hóa cảm giác nguyên sơ ấy của những du khách đã thành tâm lặn lội đến đây? Tôi vừa lan man nghĩ ngợi vừa đi dạo lòng vòng quanh khu vực tập trung nhiều du khách. Có một dãy hàng bán đồ lưu niệm xen lẫn các quán ăn nhưng tôi chỉ xem qua vì biết rằng bất cứ thứ gì mình mua vào lúc này sẽ trở thành “gánh nặng” cho chính mình trên đường đi xuống.
Mặt trời dần lên cao, nắng chói chang nhưng không khí vẫn còn rất lạnh. Tôi tìm một chiếc ghế còn trống để uống chai cà phê sữa nóng vừa mua từ máy bán tự động ngay gần đấy và tự cho phép mình chậm rãi thưởng thức những khoảnh khắc quý giá đến mức gần như linh diệu ở một nơi tưởng chừng trời đất đang hòa quyện vào nhau.
Nếu được biết trước rằng chỉ có một nửa số thành viên của đoàn còn đủ sức khỏe khi lên đến độ cao 3776 mét để tham gia chuyến đi vòng quanh miệng núi lửa, để đến được nơi đẹp nhất mà đón ánh bình minh trên đỉnh núi, chắc hẳn tôi không dám hy vọng mình sẽ may mắn được góp mặt vào đội ngũ “dẻo dai” này. Cho nên, trong lúc ngồi duỗi chân thoải mái trên chiếc ghế dài cạnh ngôi đền Thần đạo mà nhâm nhi từng ngụm cà phê nóng, tôi vẫn chưa hết lạ lùng khi hồi tưởng cuộc chinh phục vừa qua. Rồi tôi chợt nhớ đến lời nói của hướng dẫn viên trong quá trình leo núi. Ông bảo rằng để lên đến đỉnh thiêng của ngọn núi cao nhất Nhật Bản, sức khỏe dĩ nhiên là một yếu tố không thể thiếu, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là ý chí, tình cảm của mỗi người tha thiết muốn leo đến tận nơi. Và tôi thấy vui vui khi tự nhủ rằng, dù không phải là một người sinh ra và lớn lên trên đảo quốc, phải chăng niềm đam mê dành cho cái đẹp trong lòng tôi vẫn có đủ sức mạnh để “kéo” tôi lên đến đỉnh cao này?
Chuyến leo núi Phú Sĩ lần ấy cũng là dịp đầu tiên tôi được tắm suối nước nóng kiểu Nhật. Sau gần một ngày đêm vận động liên tục hết leo núi rồi xuống núi, mọi người đều mệt rã rời đến nỗi khi chuyến xe buýt đưa cả đoàn du khách quay về Tokyo từ điểm tập trung ở lưng chừng núi vừa lăn bánh thì cả xe đều im phăng phắc vì toàn bộ hành khách đều đang ngủ gà ngủ gật! Mãi đến khi xe dừng lại ở nơi tắm suối nước nóng và hướng dẫn viên trên xe thông báo về thời gian nghỉ ngơi thư giãn thì mọi người mới choàng tỉnh và lục tục xuống xe. Nắng tháng tám gay gắt lúc giữa trưa khiến cho sự mệt mỏi và những cáu bẩn trên cơ thể trở nên quá sức chịu đựng, nên dù thời gian nghỉ lại rất ít ỏi, tất cả mọi thành viên trong đoàn đều tranh thủ vào khu vực tắm nước nóng trước khi ăn. Nhu cầu gột rửa đã trở nên bức thiết cùng với không khí khẩn trương do lịch trình xếp sẵn theo kiểu văn hóa Nhật đã xua tan mọi cảm giác ngại ngùng trong tôi ngay lúc ấy. Dù chỉ có mấy phút ngắn ngủi nhưng tôi đã trải qua cảm giác tuyệt vời khi thả mình vào bể nước trong veo ấm nóng và thích thú nhận ra ngay trước mặt mình là ngọn núi Phú Sĩ. Qua khung cửa kính rất rộng của gian phòng có bể tắm nước nóng, tôi ngắm nhìn ngọn núi uy nghiêm soi bóng xuống mặt hồ, và chợt nhớ đến lời nói của hướng dẫn viên trên đường xuống núi, rằng việc leo lên đỉnh Phú Sĩ gần như là một hành động mang tính tâm linh, còn nếu muốn thưởng thức vẻ đẹp của ngọn núi thì phải đứng từ xa để ngắm nhìn toàn cảnh. Tôi tự nhủ nếu còn sắp xếp được thời gian thì sẽ trở lại vùng này, tìm một điểm nhìn lý tưởng để thưởng thức vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên và chụp ảnh cho thỏa thích.
Niềm cảm hứng được nhen lên trong một thoáng ngắn ngủi của buổi trưa hôm ấy đã bị tôi nhấn chìm vào thẳm sâu tiềm thức qua mấy tháng trời bận rộn, và bỗng nhiên “bừng thức” vào một ngày mùa thu cũng rất đỗi tình cờ. Hôm ấy tôi đến trường vì có giờ học với giáo sư. Khi xuống ga Musashi-sakai để đổi tàu, tôi nhìn đồng hồ theo thói quen và biết rằng còn phải đợi chuyến tàu kế tiếp hơn mười phút nữa. Thế là thay vì đi thẳng ra cửa soát vé đang ở ngay trước mặt, tôi rẽ phải để ghé vào khu.. nhà vệ sinh, chỉ vì đây là một trong những nơi rất có sức hấp dẫn với tôi trên đất nước này! Bước thêm vài bước thì tôi nhìn thấy trên bức vách trước mặt mình là một tấm ảnh quảng cáo du lịch khổ lớn, in hình núi Phú Sĩ với phần chóp phía trên đang phủ tuyết trắng xóa, và ngay trước ngọn núi là mặt hồ trong xanh trải rộng, được tô điểm bởi một cây phong với tán lá đỏ rực ghép vào bên góc ảnh. “Núi Phú Sĩ mùa thu”, tôi nghe trong tâm tưởng như có tiếng thì thầm, và chợt thấy hình ảnh trước mắt mình không có gì xa lạ nhưng dường như đang tỏa ra một sức hấp dẫn khó mà giải thích. Tôi dừng lại đọc kỹ những thông tin ghi trên bức ảnh và được biết đó là ảnh quảng cáo cho một điểm du lịch nổi tiếng mà địa danh trùng tên với cái hồ - Kawaguchiko – nơi có thể chiêm ngưỡng núi Phú Sĩ từ góc độ và khoảng cách lý tưởng nhất. Từ lúc ấy, tôi ghi nhớ tên hồ và tự nhủ sẽ tìm cách chen vào mớ lịch trình dày đặc của mình một chuyến đi khó mà bỏ lỡ.
Nhưng cũng phải đến lúc vào đông tôi mới thực hiện được chuyến đi. Đó là một ngày tháng mười hai trời nắng tươi nhưng rất lạnh. Chuyến xe buýt cao tốc xuất phát từ ga Tokyo đưa hành khách đi về phía tây nam trong cuộc hành trình khoảng hai tiếng rưỡi. Như mọi chuyến xe buýt đường dài, xe chạy êm như ru còn hành khách thì đọc sách cho đến lúc chìm vào trạng thái lơ mơ vì buồn ngủ. Nhưng đến khi núi Phú Sĩ chợt hiện ra qua khung cửa kính thì mọi người như tỉnh lại. Nhiều người khẩn trương tìm các thiết bị ghi hình. Có những người, chừng như đã quen qua lại trên tuyến đường này, chỉ lặng lẽ vén rèm che nắng ở phía trong ô cửa và ngắm nhìn ngọn núi. Xe đi qua nhiều quãng đường trống trải, hai bên chỉ có đồng cỏ hoặc những dải rừng thưa chỉ còn là một mớ cành khô trơ trụi giữa tiết đông lạnh giá, rồi đến một thị trấn nằm trong một thành phố thanh bình mang tên núi Phú Sĩ. Nhìn ngọn núi thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện phía sau những ngôi nhà, tôi chợt thấy “ghen tỵ” với những người dân sống ở nơi đây, chỉ vì ngọn núi trứ danh và tuyệt đẹp kia cứ quanh năm sừng sững trong tầm nhìn của họ!
Điểm dừng cuối cùng của chuyến xe là một nhà ga cũng mang tên Kawaguchiko. Những hành khách muốn tìm đến cái hồ để ngoạn cảnh còn phải đi thêm một tuyến xe buýt địa phương đông đúc khách du lịch người ngoại quốc. Rốt cuộc thì tôi cũng được tận mắt ngắm nhìn cái khung cảnh nên thơ đã toát ra sức quyến rũ mạnh mẽ từ kích thước hạn chế của một tấm ảnh quảng cáo du lịch. Và hơn cả sự hình dung ban đầu, nơi này còn có dịch vụ du thuyền chở du khách đi một vòng trên hồ để ngắm cảnh và chụp hình Phú Sĩ.
Chuyến du thuyền mà tôi mua vé không đông khách lắm nhưng mọi người đều bỏ trống các chỗ ngồi ở tầng dưới để dồn lên tầng trên, tuy rất lạnh vì lộng gió nhưng đem lại cho người quan sát cái nhìn toàn cảnh và những khung hình thiên nhiên tuyệt mỹ. Khi thuyền ra đến giữa mặt hồ, mọi người hầu như đứng cả lên để tranh thủ chụp hình Phú Sĩ ở góc độ có thể chỉnh được khung hình cân đối nhất. Quả thật đây là một vị trí lý tưởng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp chỉnh thể của ngọn núi trứ danh này. Chiếc du thuyền nhỏ bé đang lướt từ từ qua mặt hồ trong xanh phản chiếu những tia nắng lấp lánh rọi thẳng xuống từ vầng mặt trời giữa ngọ, và núi Phú Sĩ lừng lững trước những đôi mắt ngưỡng mộ của khách du, như một vị đại biểu khổng lồ của thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ. Với hình thể rắn chắc và cân xứng, vừa độc lập vừa hài hòa với cả vùng cảnh sắc xung quanh, ngọn núi cứ như một tượng đài tự nhiên của tập thể người dân quốc đảo đang ngấm ngầm biểu lộ niềm kiêu hãnh trong dáng vẻ thuần phác mà tinh tế, lặng lẽ mà mãnh liệt. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi khi du thuyền dạo quanh mặt hồ lộng gió, tôi thích thú nhìn những dải mây trắng mỏng manh như tấm voan tinh khiết và mềm mại từ trời xanh bay ngang đỉnh núi, choàng qua khối tuyết trên chóp núi cũng trắng xóa nhưng rắn lạnh và im sững, có cảm giác như đang chứng kiến một cuộc “đối thoại” thầm lặng và bí ẩn của thiên nhiên qua hình ảnh tương chiếu giữa cái biến động vô thường và sự thâm trầm vĩnh cửu! Khoảnh khắc ấy đã giúp tôi nhìn rõ mọi chiều kích của hình ảnh núi Phú Sĩ trong nhận thức và tình cảm của người dân xứ Phù Tang – những con người sống giữa thiên nhiên tuyệt mỹ và khốc liệt.
Khi du thuyền đã quay về gần nơi cập bến, nhìn những ống kính máy ảnh xung quanh vẫn cứ chĩa vào ngọn núi mà ghi hình liên tục, lần này thì tôi thấy mình “ghen tỵ” với... bản thân ngọn núi đang dành được trọn vẹn lòng “ưu ái” và niềm ngưỡng vọng của tất cả mọi người! Dù không mở lời nói chuyện cùng ai trong suốt ba mươi phút dạo qua vùng cảnh quan tuyệt đẹp, tôi vẫn cảm thấy mình vừa trải qua một cuộc “đối thoại” đầy đủ nhất để nhận ra chân lý của cái đẹp giản đơn mà ảo diệu trong thế giới mênh mông...

2 nhận xét:

  1. Về sau tôi mới biết vì lúc ấy mình đã ngồi gần cửa sổ phía bên trái của toa tàu, trong khi núi Phú Sĩ lại hiện ra bên phải và hơi chếch về phía trước!

    QN cũng canh như thế, bây giờ mới biết vì sao không gặp, bởi ngồi ghế bên trái của toa tàu đi từ Kyoto đến Tokyo.
    Nhưng lần đi này chưa có dịp đến núi Phú Sĩ. Chỉ trong tâm nhớ câu: Hoa đào mỗi năm nở trên núi, thử chẻ cây ra, đâu là hoa nhỉ!"

    Bài bạn viết dễ thương lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết! Mong một ngày bạn cũng sẽ có dịp đến núi Phú Sĩ.

      Xóa