Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

QUAN NIỆM VỀ WAKA TRONG VĂN HỌC CỔ ĐIỂN NHẬT BẢN



Lời mở đầu
Sáng tác và thưởng thức thơ ca là hoạt động được ghi nhận từ buổi bình minh của nhiều nền văn học. Nghệ thuật thơ ca có thể được hình thành từ nhu cầu trao chuốt ngôn từ trong những hình thức giao tiếp đặc biệt, có thể xuất phát từ sinh hoạt văn hóa cộng đồng hay sự thăng hoa của tâm hồn cá nhân trong những hoàn cảnh cá biệt, riêng tư. Những thành tựu thơ ca đầu tiên của một cộng đồng dân tộc thường phản ánh một cách tự nhiên cảm nhận của con người về thế giới xung quanh, đồng thời cũng thể hiện phần nào văn hóa ứng xử cá nhân và văn hóa ứng xử cộng đồng trong đời sống của dân tộc ấy. Vì vậy, có thể nói thơ là một sản phẩm ngôn ngữ có chức năng truyền tải tình cảm, tư tưởng và văn hóa trong đời sống con người.
Mặt khác, quan niệm của con người về bản chất và giá trị của thơ ca cũng có ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành những đặc trưng quan trọng của một nền thơ ca dân tộc, hay ít nhất cũng là một giai đoạn thơ ca trong tiến trình lịch sử. Nói cách khác, lý luận về thơ ca có tác động đáng kể đến con đường phát triển và sự hình thành diện mạo một nền thơ.
Ngày nay, mối tương quan giữa lý luận và sáng tác được ghi nhận rõ ràng, không chỉ riêng trong lĩnh vực thơ ca mà là quy luật chung của sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Văn học cổ điển Nhật Bản để lại một kho tàng thi ca đồ sộ nhưng hầu như rất ít tài liệu bày tỏ những quan niệm chính thức về thơ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người Nhật không có quan niệm, lý luận riêng cho loại hình nghệ thuật này. Thư tịch về văn học cổ điển Nhật Bản cho biết rằng các thi nhân và học giả sống cách đây hàng nghìn năm đã để lại những thông điệp với nội dung lý luận thơ ca, tuy hết sức hạn chế về dung lượng, bày tỏ những quan niệm độc đáo của người Nhật Bản về thơ và được xem như những chiếc chìa khóa giúp người đọc giải mã vẻ đẹp rất đặc trưng của dòng thơ quốc âm cổ điển.
Bài viết này được thực hiện với mục tiêu làm sáng tỏ quan niệm về thơ ca của người Nhật thông qua việc khảo sát những thông điệp nói trên, từ đó tìm hiểu mối tương quan giữa sáng tác và lý luận thơ ca Nhật Bản trong thời kỳ văn học cổ điển. Khái niệm “cổ điển” ở đây được hiểu là khoảng thời gian từ khi những thành tựu văn học đầu tiên xuất hiện cho đến khi Mạc phủ Edo mở ra một giai đoạn văn hóa mang màu sắc của xã hội thị dân thời cận đại.
1.      Tiến trình thơ cổ điển Nhật Bản và sự xuất hiện lý luận về thơ ca
Thơ ca là thể loại xuất hiện sớm và có lịch sử phát triển lâu dài trong tiến trình văn học Nhật Bản. Trong xã hội quý tộc thời cổ, các hội thơ (“uta awase歌合” trong tiếng Nhật) thường được tổ chức vào những dịp đặc biệt trong năm. Ở những hội thơ này, các thi nhân xướng đọc những câu thơ do mình sáng tác và thưởng thức, bình luận những bài thơ mình đã được nghe. Bên cạnh đó, khi muốn trao gửi cho nhau những thông điệp giàu mỹ cảm, giới quý tộc thường viết thư cho nhau bằng hình thức waka. Đời sống văn hóa trong xã hội quý tộc đã sản sinh ra một kho tàng thi ca đồ sộ cứ giàu thêm từ đời này sang đời khác.
Ý thức bảo tồn di sản văn hóa sớm phát triển ở người Nhật đã giúp họ hình thành nên những thi tập có quy mô lớn, với số lượng các bài thơ được ghi chép trong mỗi tập lên đến vài nghìn. Mở đầu cho truyền thống sưu tập thơ ca này là tập thơ Manyoshu (万葉集』Vạn diệp tập), được ghi nhận là ra đời năm 759, thời Nara. Tiếp đó, từ thời Heian, việc sưu tập thơ ca để biên soạn thành thi tập không chỉ là công việc xuất phát từ sở nguyện cá nhân mà còn được quy phạm hóa bởi sắc lệnh của triều đình. Sự thay đổi này càng tạo thêm động lực cho công việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển thơ ca, dẫn đến sự ra đời của hàng loạt tập thơ có quy mô lớn và giới thiệu được nhiều tài năng thơ ca nổi bật, trong đó được biết đến nhiều nhất là các tập như Kokinshu (古今集』Cổ kim tập), Shuishu (『拾遺集』Thập di tập), Gosenshu (『後撰集』Hậu soạn tập), Shinkokinshu (『新古今集』Tân cổ kim tập) v.v...
Trong khi việc sáng tác thơ ca diễn ra sôi động và để lại dấu ấn qua từng thời đại với các thi tập được sưu tầm và tuyển chọn công phu như thế, quan niệm về thơ ca ở dạng hiển ngôn lại xuất hiện tương đối muộn với tần suất thấp, hàm lượng ngôn từ biểu đạt còn hạn chế và khái niệm được sử dụng còn rất mơ hồ về ý nghĩa.
Trường hợp được biết đến sớm nhất, đồng thời cũng được cho là văn bản diễn đạt rõ ràng nhất quan niệm về thơ waka của người Nhật Bản, là lời tựa được viết cho tập thơ Kokinshu. Trong bài tựa này, tác giả là nhà thơ nổi tiếng Ki no Tsurayuki đã trình bày nội dung và đưa ra ý kiến, bình luận về nhiều khía cạnh của thơ ca, cụ thể là đã đi từ vấn đề nguồn gốc, bản chất, hình thức của thơ ca đến việc phân loại thơ, sau đó còn tái hiện tiến trình lịch sử của thơ waka qua việc so sánh “thơ xưa” và “thơ nay”, rồi khép lại bài tựa với những lời biểu hiện sự kỳ vọng về tương lai của thơ ca trong đoạn cuối.
Với những nội dung trên, bài tựa của tập Kokinshu được biết đến như tuyên ngôn chính thức về thơ waka của văn học cổ điển Nhật Bản. Bài tựa này cũng được xem là một trường hợp hiếm hoi của sự xuất hiện lý luận hiển ngôn về thơ ca ở giai đoạn tương đối sớm trong lịch sử của một nền văn học phương Đông vốn không có truyền thống lập thuyết và tranh luận trên tinh thần duy lý.
Sự xuất hiện của bài tựa giàu tính lý luận trong tập Kokinshu đã trở thành một tín hiệu khởi đầu cho những phát ngôn, ở nhiều hình thức và mức độ khác nhau, về giá trị thẩm mỹ của waka, hay là cái đẹp mà nghệ thuật sáng tác waka cần vươn đến. Cụ thể là, tư liệu cho thấy có nhiều trường hợp khái niệm “yugen” được dùng để bình luận về giá trị nghệ thuật của thơ ca. Các trường hợp này nếu xếp theo trật tự thời gian thì có thể được điểm lại như sau:
Mibu Tadamine 壬生 (860 – 920) trong tập sách ghi chép những ý kiến phê bình về thơ ca Wakataijusshu (『和歌体十種』Mười loại waka) đã nói đại ý rằng những bài thơ xuất sắc nhất là những bài thơ thâm nhập được vào cảm thức yugen.
Ý kiến của Mibu Tadamine như trên đã được Fujiwara Mototoshi藤原基俊 (10601142) lặp lại trong hoàn cảnh đưa ra lời bình ở hội thơ. Fujiwara Mototoshi là một nhà thơ sống cuối thời Heian và là một thi nhân nổi bật trong dòng họ Fujiwara – những người có đóng góp quan trọng cho việc chú giải và lưu truyền danh tác Genji monogatari.
Kế tiếp Fujiwara Mototoshi là Fujiwara Shunzei 藤原俊成 (11141204), một nhân vật nổi tiếng cả về sáng tác và phê bình thơ trong giai đoạn chuyển tiếp từ thời Heian sang thời Kamakura, hay còn gọi là giai đoạn trung đại tiền kỳ. Fujiwara Shunzei cũng là người thường sử dụng khái niệm yugen khi đưa ra lời bình ở các hội thơ. Chẳng hạn khi nói về bài thơ nổi tiếng của Saigyo, “Kokoronaki / mi nimo aware wa  / shirarekeri / shigi tatsu sawa no / aki no yuukure” (心なき身にもあはれは知られけり鴫立つ沢の秋の夕暮), Fujiwara Shunzei cho rằng bài thơ này có vẻ đẹp đặc trưng của cảm thức thẩm mỹ mà trong tiếng Nhật gọi là “kokoro yugen”[1].
Fujiwara Teika 藤原定家 (1162 – 1241), học giả và thi nhân nổi bật thời Kamakura, đồng thời cũng là người kế thừa xuất sắc của Fujiwara Shunzei, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm thức yugen trong sáng tác thơ ca khi bàn về mười loại waka trong tập khảo luận Maigetsusho (Mỗi nguyệt sao『毎月抄』). Trong tập khảo luận này, Fujiwara Teika đã định ra mười “loại” (trong tiếng Nhật là “thể” ) thơ waka, và một trong số đó là “loại yugen”.
Kamo no Chomei 鴨長明 (1155 – 1216), một văn nhân nổi tiếng của dòng “văn học ẩn sĩ” thời trung đại với tác phẩm tiêu biểu là tùy bút Hojoki (Phương trượng ký方丈記』) cũng có đề cập đến khái niệm yugen trong tập khảo luận Mumyosho (Vô danh sao無名抄』). Kamo no Chomei không đưa khái niệm này vào việc phê bình thơ ca trực tiếp như Fujiwara Shunzei mà chỉ nêu lên cảm nhận chung rằng “yugen không hiển hiện trên ngôn từ và không thể nắm bắt qua hình tướng[2].
Yoshida Kenko 吉田兼好 (1283 – 1352), một tên tuổi khác của “văn học ẩn sĩ”, ở đoạn 122 trong tập tùy bút Tsurezuregusa (Đồ nhiên thảo『徒然草』) đã dùng khái niệm “yugen” để nói về giá trị thẩm mỹ sâu sắc, thậm chí có thể được cảm nhận là thần diệu, của nghệ thuật thi ca và âm nhạc cổ điển.
Một nhân vật khác của văn học Nhật Bản thời trung đại là Shotetsu 正徹 (1381 – 1459), nhà sư của phái Thiền Lâm Tế, trong tập truyện Shotetsu monogatari (Truyện Shotetsu正徹物語』) đã sử dụng khái niệm “yugen” trong hai trường hợp. Thứ nhất, “yugen” được nói đến khi tác giả bình luận một số bài thơ cụ thể trong tập Shinkokinshu (Tân cổ kim tập『新古今和歌集』). Thứ hai, “yugen” được dùng trong cụm từ “yugentai”, có nghĩa là “loại thơ yugen”, như cách dùng từ của Fujiwara Teika đã đề cập ở phần trên.
Như vậy, có thể thấy rằng sự xuất hiện của bài tựa tập thơ Kokinshu cũng như các tập khảo luận về thơ trong giai đoạn chuyển tiếp từ cuối thời Heian sang trung đại tiền kỳ là những biểu hiện ngày càng rõ rệt của ý thức lý luận thơ ca trong văn học cổ điển Nhật Bản. Khởi đầu cho tiến trình vận động của ý thức nói trên là bài tựa Kokinshu trình bày những vấn đề khái quát về waka, xuất phát từ thực tiễn sáng tác thơ được ghi nhận từ tuyển tập waka đầu tiên là tập Manyoshu. Tiếp đó, các nhà thơ bắt đầu ý thức về việc dùng khái niệm mỹ học cụ thể trong việc bình luận và xác định giá trị thẩm mỹ của thơ ca. “Yugen”, một khái niệm mỹ học thuộc loại khó hiểu nhất của văn chương và mỹ học cổ điển Nhật Bản, đã xuất hiện trong hoàn cảnh như vậy và dần dần trở thành khái niệm then chốt của mỹ học Nhật Bản thời trung đại, là chuẩn mực thẩm mỹ không chỉ trong sáng tác waka mà cả trong các loại hình nghệ thuật được hình thành và phát triển trong bối cảnh xã hội – văn hóa đặc thù của thời trung đại và cận hiện đại như kịch No, kịch rối, thơ haiku v.v...
Để làm rõ nội dung và tiến trình vận động của quan niệm thơ ca Nhật Bản qua những cứ liệu hiển ngôn của lý luận văn học, trong những phần tiếp theo bài viết sẽ phân tích sâu hơn về bài tựa tập thơ Kokinshu và khái niệm “yugen” trong quan niệm thơ ca của các thi nhân có đóng góp nổi bật về lý luận – phê bình waka cổ điển.
2.      Quan niệm về thơ ca trong lời tựa tập thơ Kokinshu
Như đã trình bày ở phần trên, bài tựa tập thơ Kokinshu bao quát nhiều nội dung về thơ waka nói chung và thơ waka đương thời trong tập thơ đang được biên soạn và giới thiệu. Tuy nhiên, trong phần này bài viết chỉ tập trung phân tích những nội dung thể hiện quan niệm về thơ ca của người Nhật Bản trong thời kỳ văn học cổ điển, thông qua người phát ngôn tiêu biểu là Ki no Tsurayuki – một thi nhân nổi bật trên cả hai hoạt động sáng tác và bình luận thơ ca khi waka trong văn hóa cung đình phát triển đến giai đoạn chuẩn mực và thâm thúy.
Quan niệm về waka được trình bày cô đọng nhưng cũng không kém phần tinh tế trong các nội dung cụ thể như sau:
Trước hết là phần trình bày về nguồn gốc và bản chất của waka. Ngay từ câu đầu tiên của bài tựa, Ki no Tsurayuki đã đưa ra lời khẳng định được truyền tụng dài lâu trong văn học Nhật Bản, rằng “Waka là hạt giống của tâm hồn con người, đã nảy nở thành lá của muôn vàn lời nói”. Rồi để giải thích rõ hơn lời ví von rất giàu hình tượng ấy, tác giả lại viết thêm: “Con người sống ở đời mang lấy bao nhiêu việc, nên đã dùng ngôn từ để bày tỏ nỗi lòng cùng những điều mắt thấy, tai nghe. Cứ lắng nghe tiếng oanh hót trong hoa, tiếng ếch kêu dưới nước, thì chắc hẳn không có sinh vật nào tồn tại mà lại không lên tiếng hát ca. Không cần sức mạnh mà lay động đất trời, khiến cho quỷ thần khuất mặt phải cảm động, tạo nên sự hòa hợp giữa nam và nữ, xoa dịu tâm hồn những võ sĩ dũng mãnh, ấy chính là waka”.
Tiếp đó, trình bày về hình thức của waka, tác giả Ki no Tsurayuki đồng thời cũng nhắc đến nguồn gốc lâu đời và sự gắn bó với huyền thoại lập quốc của thơ quốc âm Nhật Bản. Ông cho rằng thơ ca được hình thành từ thuở khai thiên lập địa và được lưu truyền ở cả thiên giới lẫn địa giới, từ thời đại của thần linh sang thời đại của con người. Về hình thức của waka, tác giả bài tựa cho biết trong thời đại của thần linh thì chưa có quy định về số lượng âm tiết, nhưng chuyển sang thời đại của con người thì số lượng âm tiết được thống nhất là 31 âm.
Bên cạnh đó, tác giả còn đề cập đến hoàn cảnh sáng tác thơ và những từ thường dùng trong thơ. Theo Ki no Tsurayuki, ngôn ngữ trong thơ waka đa dạng và thiên về nội dung miêu tả cảnh thiên nhiên gắn với việc biểu lộ cảm xúc con người. Chẳng hạn, waka thường có những câu thơ nói về sự yêu thích của thi nhân đối với hoa cỏ, chim chóc, hay là sự rung động của tâm hồn trong cảnh sương giăng mây phủ. Đặc biệt, trong phần này tác giả đã viết một câu rất hay, miêu tả sự phát triển của thơ waka như một cuộc hành trình: “Cũng giống như một cuộc đi xa, người lên đường trải qua bao tháng ngày kể từ khi bắt đầu cất bước, hay như người leo lên núi cao phải xuất phát từ nơi bụi bặm bùn lầy để vươn đến đỉnh cao có mây giăng, thơ waka đã trải qua cả một quá trình.”
Thêm vào đó, để làm rõ quan niệm về lịch sử và bản chất của thơ waka, tác giả bài tựa còn chỉ ra hai bài thơ được xem là “cha” và “mẹ” của thể thơ này. Trong đó, “cha” là bài thơ có nội dung ca ngợi, chúc phúc nhân dịp thiên hoàng lên ngôi, còn “mẹ” lại là bài thơ do một cô gái ngâm vịnh chỉ để vui đùa. Xác định hai tác phẩm được xem là “cha mẹ” của thơ quốc âm Nhật Bản, tác giả bài tựa Kokinshu cho thấy người Nhật đương thời quan niệm rằng waka ra đời từ sự kết hợp của ngôn từ trang trọng lễ nghi trong đời sống của xã hội quý tộc và sự dung dị khoáng đạt của trò chơi ngôn ngữ trong cuộc sống đời thường.
Tinh thần của sự kết hợp này trong thơ waka càng được thể hiện rõ khi tác giả bài tựa chỉ ra “6 loại thơ waka”, gồm có: (1) thơ ca ngợi, chúc phúc, nói về ân huệ thiêng liêng; (2) thơ suy tư, phản tỉnh; (3) thơ liên tưởng, so sánh; (4) thơ nói ví, nhấn mạnh, cường điệu; (5) thơ bộc bạch nỗi lòng chân thật hay nói lên chân tướng sự vật; (6) thơ chúc tụng.
Cách phân loại như trên có thể chưa thật sự thuyết phục theo lối tư duy của phê bình văn học hiện nay, vì có những “loại thơ” được xác định dựa vào nội dung, chủ đề, còn những loại khác được xác định nhờ cấu tứ hay thủ pháp sử dụng ngôn từ khi sáng tác. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là các loại thơ được xác định đều cho thấy tinh thần chủ đạo của waka là bộc lộ cảm xúc, tình cảm hay những suy nghĩ thầm kín trong thế giới nội tâm. Từ những bài thơ được Ki no Tsurayuki dẫn ra làm ví dụ minh họa cho từng loại, dễ thấy rằng thơ có nội dung giao tiếp mang tính xã hội chỉ gồm có loại (1) và loại (6). Các loại còn lại đều là thơ trữ tình theo hướng biểu đạt sự tinh tế trong tình cảm và sự sâu sắc trong tâm lý cá nhân. Trong đó loại thứ (5) thường là những bài thơ nói trực tiếp suy nghĩ của người viết về đối tượng giao tiếp, hoặc về mối quan hệ giữa hai người; loại thứ (2) có khuynh hướng đi vào những suy tưởng sâu kín trong tâm hồn tác giả, thường thể hiện sự phản tỉnh trong quan hệ tình cảm hay sự bất lực của lý trí con người trước sức sống và khả năng chi phối của tình yêu; loại thứ (3), (4) về thủ pháp biểu đạt thường sử dụng cách nói so sánh ví von khơi gợi sự liên tưởng, nhưng nội dung chủ yếu vẫn là thơ tình. Nói cách khác, chính vì tình cảm và suy tưởng nội tâm là nội dung sâu sắc và kín đáo, cần có yếu tố thẩm mỹ và sự tế nhị trong biểu đạt nên waka cổ điển mới có các “loại thơ” sử dụng thủ pháp (2), (3), (4) trong trật tự phân loại của tác giả bài tựa Kokinshu.
Trong bài tựa nói trên, tác giả còn trình bày nhiều nội dung liên quan đến waka nói chung và sự ra đời của tập Kokinshu nói riêng, cụ thể là nói về sự khác nhau giữa “thơ xưa” và “thơ nay”, tài năng của một số nhà thơ tiêu biểu thời cổ và đặc trưng phong cách của 6 nhà thơ đương thời được mệnh danh là “Lục ca tiên”, bối cảnh và lý do hình thành thi tập Kokinshu và sự kỳ vọng của tác giả về tương lai phát triển của waka. Điều đáng chú ý là những nội dung nói trên dù không trực tiếp trình bày về bản chất của waka nhưng vẫn biểu hiện khá rõ quan niệm của người Nhật đương thời về tinh thần cốt lõi và giá trị thẩm mỹ của thể thơ này.
Khi nói về tinh thần chủ đạo và giá trị thẩm mỹ của waka, Ki no Tsurayuki đã dùng cách nhìn so sánh để làm rõ sự khác nhau giữa “thơ xưa” và “thơ nay”, tức làm rõ quá trình thay đổi của thơ waka từ khởi nguyên cho đến thời điểm thi tập Kokinshu được hình thành theo sắc lệnh của triều đình.
Cụ thể, tác giả bài tựa chỉ ra rằng:
Quan sát tình hình ngày nay thì thấy tâm hồn con người chuộng về hoa mỹ nên thơ ca toàn những kiểu chơi đùa với ngôn ngữ phù du, chỉ ẩn khuất trong nhà riêng của những khách phong tình chứ không phải là thơ dành cho sự thưởng thức của nhiều người ở những nơi nghiêm túc.
Nhớ lại khởi nguồn của waka thì thấy mọi chuyện ngày xưa không phải vậy. Nhiều đời thiên hoàng xưa kia vào mỗi buổi sớm mùa xuân hoa nở hay mỗi đêm thu trăng đẹp đều tập trung những người hầu hạ thân cận quanh mình rồi tổ chức ngâm vịnh theo hoàn cảnh. Khi ấy thơ có thể là lời ngâm vịnh lúc thưởng hoa, có thể nói về những vướng mắc khó khăn không có người chia sẻ, có thể nói về cảm hứng với trăng hay về tình cảnh phải dò dẫm trong tăm tối vì không có ai dẫn dắt. Người thưởng thức tùy vào tâm hồn của thi nhân thể hiện trong sáng tác mà phân định dở hay.
Không những thế, thơ còn được ngâm vịnh để xoa dịu nỗi lòng trong nhiều trường hợp. Người làm thơ có thể ví mình như viên sỏi nhỏ bé, có thể hướng về núi Tsukuba mà bày tỏ lòng ước nguyện, có thể ngâm vịnh khi bản thân vô cùng hoan hỉ và trong lòng tràn ngập niềm vui, khi dõi theo ngọn khói trên núi Phú Sĩ mà bày tỏ lòng thương nhớ, khi nghe tiếng côn trùng mà nghĩ về bạn hữu, khi cảm thấy như mình đã thân thiết bao năm với những cội tùng ở Takasago[3] hay Suminoe[4], khi nhớ về kỷ niệm thuở thanh niên sức vóc như một gã sơn tràng, hay nhớ tiếc những năm tháng thanh xuân như hoa kim ngân chỉ một lần khoe sắc.
Vả chăng, có những lúc ngắm hoa rơi trong buổi sớm mùa xuân, nghe tiếng lá rụng trong buổi chiều thu muộn; khi than thở vì những dấu hiệu của tuổi tác hiện lên trong gương soi với gợn sóng trên da và tuyết nhuộm mái đầu; khi nhìn thấy sự mong manh của giọt sương trên cỏ hay bọt nổi trong làn nước rồi nghĩ về bản thân mà giật mình kinh ngạc; khi nhận ra rằng mới hôm qua còn công danh rạng rỡ mà nay đã thất thời lạc thế, ngay cả những người từng thân thiết cũng trở nên lạnh nhạt; khi trải nghiệm với ngọn sóng ở Matsuyama[5] hay vốc nước ở Nonaka[6], ngắm những cành lá thấp của khóm hagi mùa thu hay đếm tiếng đập cánh của đàn chim dẻ buổi bình minh; khi bày tỏ cùng ai nỗi lòng phiền muộn, hay oán hận vì lòng người thay đổi chẳng khác gì sông Yoshino; khi được nghe rằng ngày nay núi Phú Sĩ chẳng còn tỏa khói, rằng cây cầu dài cũng đã được làm mới lại rồi. Trong những lúc như vậy thì người ta chỉ biết tìm lấy nguồn an ủi trong thơ.
Như vậy là, bằng cách nhìn nhận sự thay đổi của waka từ khởi nguyên cho đến thời Kokinshu, tác giả bài tựa đã nêu ra một cách chi tiết những nội dung như tinh thần chủ đạo và những đề tài thường gặp trong thế giới waka, qua đó giúp độc giả nhận ra quan niệm truyền thống của người Nhật Bản – mà trọng tâm là các bậc thức giả, thi nhân trong xã hội quý tộc – về thể thơ quốc âm có nguồn gốc cổ xưa này. Quan niệm ấy có thể được trình bày một cách ngắn gọn như sau:
Thứ nhất, tinh thần chủ đạo từ nguyên khởi của waka là thể hiện cảm xúc của con người. Mọi cảm xúc nảy sinh khi con người quan sát và cảm nhận vẻ đẹp, sự thay đổi của thiên nhiên theo mùa, khi con người gặp phải những vấn đề khó khăn hoặc tiếp nhận những biến cố không mong muốn, mang lấy những niềm vui nỗi buồn trong đời sống tình cảm và giao tiếp xã hội, hay khi một cá nhân tự nhìn nhận về bản thân, hồi tưởng lại những trải nghiệm của riêng mình v.v... đều có thể được biểu đạt bằng ngôn ngữ của waka.
Thứ hai, vì waka là tiếng nói của cảm xúc cất lên từ thế giới nội tâm sâu thẳm và chân thành của mỗi cá nhân nên mang những thông điệp tinh tế về tình cảm, tâm hồn, về đời sống tinh thần của người sáng tác. Do vậy, thưởng thức waka là đến với tâm hồn, tình cảm của thi nhân, là chia sẻ những nỗi niềm sâu kín trong đời sống nội tâm của bạn bè, tri kỷ.
Thứ ba, waka trải qua một tiến trình thay đổi từ tính nghiêm cẩn, công khai của các hội thơ cung đình sang tính riêng tư, thầm kín của đời sống yêu đương, tình ái. Theo một cách nhìn nào đó, sự thay đổi này có thể bị đánh giá là “xuống cấp”, “suy đồi”, nhưng trong truyền thống của văn hóa Nhật Bản – kể cả văn hóa của xã hội quý tộc cung đình – thì sự thay đổi nói trên là một bước phát triển quan trọng của waka. Thay đổi như vậy là waka đã đi từ sinh hoạt cộng đồng đến đời sống cá nhân, từ việc thể hiện những cảm xúc, suy tư mà nhiều người xung quanh có thể chia sẻ và đồng cảm đến việc giãi bày những tình cảm của nỗi lòng sâu kín, những đam mê, khao khát, thất vọng hay hạnh phúc riêng tư không thể tỏ cùng ai. Với sự thay đổi này, ngôn từ và cách biểu đạt của waka sẽ đi vào chiều sâu, ngày càng sử dụng nhiều lối nói trau chuốt, ẩn ý khi thể hiện những tình cảm sâu sắc, mãnh liệt trong lớp vỏ ngôn từ diễm lệ và tao nhã.
Cũng xuất phát từ việc nhìn nhận bản chất trữ tình và sự gắn bó với thiên nhiên của waka mà khi nói đến những nhà thơ nổi bật trong lịch sử, tác giả bài tựa Kokinshu đã ca ngợi tài thơ của Kakinomoto no Hitomaro 柿本の人麿 và Yamabe no Akahito 山辺赤人, nhấn mạnh lối cảm nhận thiên nhiên tài tình và những vần thơ “linh diệu” của hai bậc “thánh thi” này. Đặc biệt, tác giả nhận xét “Khó nói rằng Hitomaro tài giỏi hơn Akahito, mà cũng khó nói rằng Akahito kém Hitomaro”. Điều này chẳng có gì khó hiểu, vì một khi thơ ca được lắng nghe như tiếng nói của chân thành của trái tim thì khó mà đánh giá tài thơ theo thứ bậc thấp cao như chấm điểm trong môi trường khoa cử. Thay vào đó, người bình thơ chỉ có thể đưa ra nhận xét về đặc trưng phong cách của từng thi nhân, đúng như cách làm của Ki no Tsurayuki trong phần viết về “Lục ca tiên” ở bài tựa Kokinshu, chẳng hạn “thơ của sư Henjo thì ổn về hình thức nhưng thiếu sự chân tình”, còn thơ của Arihara no Narihira thì “tràn đầy tâm hồn nhưng yếu về ngôn ngữ”.
Tiếp nối tinh thần trên, khi trình bày trực tiếp về lý do hình thành thi tập Kokinshu, tác giả bài tựa cũng viết rằng mục đích của việc tập hợp những tác phẩm thơ ca lần này là “gây dựng lại những giá trị cổ điển, để chuyện xưa không bị rơi vào sự lãng quên” và bản thân người biên tập cũng muốn “đọc thơ rồi truyền lại cho hậu thế”. Bên cạnh đó, tác giả cũng giới thiệu khái quát rằng những tác phẩm thơ được đưa vào thi tập có chủ đề và nội dung đa dạng, “từ chuyện cài hoa xuân lên tóc, nghe tiếng hót chim quyên, hái lá đỏ mùa thu cho đến ngắm tuyết mùa đông; lại cũng có thơ mượn hình ảnh rùa, hạc để nói về đấng quân vương, thơ chúc tụng, thơ bày tỏ niềm nhớ nhung trong tình yêu khi ngắm hoa tím mùa thu hay cỏ xanh mùa hạ, thơ cầu nguyện được bình an trong chuyến du hành đến núi Ausaka[7]; và cũng có nhiều bài thơ khác không xếp theo chủ đề xuân – hạ – thu – đông”.
Lời giới thiệu như trên cho thấy những thi phẩm trong tập Kokinshu vẫn tiếp nối tinh thần truyền thống của waka từ khởi thủy, vẫn là tiếng nói tinh tế của tâm tư, tình cảm con người, đặc biệt là tiếng nói của tình yêu nam nữ được lồng vào trong nhịp điệu mùa với biết bao hình ảnh tuyệt sắc của thiên nhiên. Từ đó, cũng có thể nói rằng nội dung mang tính chất lý luận phê bình trong bài tựa tập thơ Kokinshu vừa chính thức khẳng định quan niệm về thơ ca của người Nhật đương thời vừa bày tỏ tình cảm trân trọng và nêu cao tinh thần bảo tồn di sản thơ ca của những bậc tiền bối, hướng tới một tương lai rực rỡ và bền vững của waka. Nhưng, đóng góp quan trọng nhất của bài tựa này là việc gợi mở cho lý luận và phê bình thơ ca phát triển song hành với việc sáng tác thơ và bảo tồn di sản thơ bằng những thi tập lớn. Nhờ đó, văn học Nhật Bản từ cuối thời Heian đã từng bước hình thành truyền thống lý luận – phê bình thơ ca bằng văn bản mà trọng tâm là việc sử dụng các “từ khóa” mỹ học gắn liền với tinh thần chủ đạo của văn hóa Nhật Bản nói chung, trong đó “yugen” 幽玄là từ khóa xuất hiện đầu tiên và trở thành một trong những thuật ngữ khó hiểu nhất của mỹ học Nhật Bản.
3. Quan niệm về giá trị thẩm mỹ của thơ ca trong lập luận về “yugen” của Fujiwara Shunzei và Fujiwara Teika
Như đã trình bày ở phần trên, trước khi đi vào những công trình lý luận kinh điển về kịch No thời trung đại, thuật ngữ “yugen” đã được nhiều người sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau và với những cách thức có phần khác nhau để bày tỏ ý kiến phê bình hoặc quan niệm mang tính lý luận về thơ ca, trong đó được chú ý nhiều nhất là trường hợp xuất hiện trong lập luận của Fujiwara Shunzei và Fujiwara Teika.
Fujiwara Shunzei là một nhân vật tiếng tăm trong các hội thơ ở cung đình. Ông vừa là nhà thơ tài hoa vừa là người bình thơ sắc sảo. Nhưng đáng chú ý nhất là ông đã “từng bước phát triển một quan niệm thơ ca độc đáo có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thơ ca Nhật Bản trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn[8], như nhận xét của một nhà nghiên cứu phương Tây.
Trước hết, Fujiwara Shunzei được biết đến như một nhà thơ của thời Shinkokinshu nhưng ngôn ngữ thơ ca có sự gắn bó mật thiết với thơ ca trong thời Kokinshu. Nói đúng hơn, ông là một nhà thơ nổi bật của trào lưu sử dụng thủ pháp “honkadori” 本歌取りtrong sáng tác.
“Honkadori” cho thấy các nhà thơ của thời Shinkokinshu xem thơ ca thời Kokinshu như những thi phẩm đạt đến chuẩn mực về giá trị thẩm mỹ. “Honkadori” là thủ pháp lặp lại những hình ảnh, ngôn từ đã có trong những bài thơ nổi tiếng và được lưu truyền rộng rãi từ thời Kokinshu. Sự lặp lại này tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa “thơ xưa” và “thơ nay”, đồng thời thể hiện tình yêu thơ, thái độ trân trọng của nhà thơ đương thời đối với di sản thơ ca trong quá khứ và cả lòng tôn kính của nhà thơ “hậu sinh” đối với nhà thơ “tiền bối” trong lịch sử waka. Về giá trị biểu cảm của bài thơ, “honkadori” thổi không khí cổ điển vào hồn thơ hiện tại, giúp nhà thơ mang cả vẻ đẹp của hình ảnh, cảm xúc đã được định hình trong thi phẩm trước đó vào sáng tác của mình thông qua một từ hay một cụm từ được vay mượn với sự lựa chọn khéo léo từ một bài thơ cũ.
Fujiwara Shunzei không phải là người sáng tạo ra thủ pháp “honkadori” nhưng là nhà thơ đã vận dụng rất thành công thủ pháp này. Thành công có nghĩa là thi nhân không chỉ vay mượn hình ảnh, ngôn từ trong thơ cổ một cách khéo léo mà còn xử lý tốt mối quan hệ giữa tinh thần tập cổ và cảm xúc mới mẻ – một một yêu cầu quan trọng của thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung. Nói cách khác, Fujiwara Shunzei – cũng như một số thi nhân nổi bật đương thời – đã sáng tác nhiều bài thơ vừa phảng phất hương vị cổ điển nhờ thủ pháp “honkadori” vừa toát lên vẻ đẹp mới mẻ và độc đáo. Để làm được như vậy, nhà thơ phải có khả năng phát triển tứ thơ về chiều sâu, vượt qua việc miêu tả hình ảnh hay cảm xúc vốn có trong thơ cổ đã được làm sống lại bằng cụm từ vay mượn. Nhờ đó, thơ sử dụng “honkadori” trong thời Shinkokinshu đã dần dần mở ra một chiều sâu mới với ngôn ngữ cô đọng và lối biểu đạt thiên về trừu tượng, mơ hồ, để lại nhiều dư âm phảng phất vẻ huyền bí cho việc thưởng thức thơ.
Lối sáng tác thơ ca như vậy có thể là điều kiện quan trọng dẫn đến sự xuất hiện của khái niệm “yugen” trong những lời bình thơ của Fujiwara Shunzei. Xem xét những bài thơ được Fujiwara Shunzei cho là có thể hiện cảm thức yugen thì thấy những tác phẩm này đều giống nhau ở tính trừu tượng và mơ hồ do sử dụng ngôn ngữ giàu tính khơi gợi nhưng có nhiều khoảng trống. Điều này cũng đã được Takeda Motoharu 武田元治xác nhận trong bài nghiên cứu “Về khái niệm ‘yugen’ trong ngôn ngữ bình thơ của Shunzei”[9]. Chẳng hạn, theo Fujiwara Shunzei thì “kokoro yugen” là cảm thức thẩm mỹ chủ đạo trong bài thơ của Saigyo đã đề cập ở phần trên, “Kokoronaki / mi nimo aware wa / shirarekeri / shigi tatsu sawa no / aki no yuukure” (心なき身にもあはれは知られけり鴫立つ沢の秋の夕暮), còn bài thơ của sư Jien慈円, “Fuyugare no / kozue ni ataru / yamakaze no / mata fuku tabi wa / yuki no amagiru” (冬枯れの梢にあたる山風のまた吹くたびは雪のあまぎる), thì được nhận xét là tác phẩm thể hiện cả “kokoro yugen” và “kotoba yugen”.
Trong hai bài thơ trên, bài thứ nhất độc đáo ở chỗ nói lên được sự thấu cảm tinh thần “aware” ở con người. “Aware” có nghĩa mơ hồ và rất rộng, có thể hiểu một cách khái quát là phản ứng cảm xúc của con người trước mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống. Còn trong văn cảnh của bài thơ này thì “aware” là xúc cảm tự nhiên của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Một khoảnh khắc “chấn động” mãnh liệt dù diễn ra thầm lặng trong nội tâm sâu thẳm, tuy ngắn ngủi nhưng để lại dư âm kéo dài và khiến thi nhân “sực tỉnh” nhận ra bản chất khó thay đổi của con người đã trót mang lấy “aware” trong xác thân phàm tục, dù tâm hồn tưởng như đã đạt đến sự thanh thản, bình yên. Có lẽ vì ghi nhận sự kết nối tinh tế và vô cùng sâu sắc giữa tâm hồn con người và vẻ đẹp khó tả của thiên nhiên qua cảm thức “aware” nên Shunzei đã khẳng định bài thơ trên là tác phẩm thể hiện “kokoro yugen”, tức là thể hiện sự linh diệu, sâu thẳm của tâm hồn, tình cảm.
Bài thứ hai nếu lĩnh hội theo nghĩa tường minh thì chỉ là một bài thơ tả cảnh đơn thuần. Cụ thể là tác giả tả cảnh mùa đông với tuyết bay đầy trời và gió núi thổi vào những ngọn cây trơ trụi. Nhưng nếu đặt bài thơ trong không gian đặc trưng của tự nhiên và văn hóa Nhật Bản mà ngẫm kỹ thì sẽ cảm nhận được đây là một bức tranh về diện mạo hết sức khắc nghiệt của mùa đông. Điều kỳ diệu là trong sự khắc nghiệt của tận cùng khô khốc và lạnh giá lại phảng phất vẻ đẹp của thiên nhiên khốc liệt và hùng vĩ. Phải là người có cái nhìn thuần phác và tâm hồn tĩnh lặng trước thiên nhiên mới cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế ấy. Sử dụng những từ ngữ giản dị, trong sáng để khơi mở vẻ đẹp mong manh sâu thẳm ở chốn tương thông giữa sự vĩ đại của thiên nhiên với sự cao khiết của trái tim con người, tác giả đã đưa được vào thơ cả “kokoro yugen” và “kotoba yugen”. Cách giải thích đơn giản nhất về lời bình của Fujiwara Shunzei phải chăng là như vậy?
Với cách bình thơ sử dụng khái niệm “yugen” như những trường hợp nói trên, Fujiwara Shunzei trở thành người tiên phong xác lập vị trí của khái niệm này như một thuật ngữ then chốt trong mỹ học và nghệ thuật Nhật Bản thời trung đại. Sau đó, người kế thừa xuất sắc của ông là Fujiwara Teika đã củng cố và làm nổi bật vị trí của khái niệm “yugen” bằng cách phân định “mười loại waka” trong tập sách lý luận – phê bình Maigetsusho được nhiều người biết đến.
Trong Maigetsusho của Teika thì “yugen” không còn đơn giản là một từ dùng để nói lên vẻ đẹp riêng của một bài thơ nào đó đã khiến cho người bình thơ tâm đắc hay cảm phục. Khi nói về “mười loại waka”, Fujiwara Teika đã xác định “yugen” là một “loại” trong số đó. Từ “loại” (hay “thể”) ở đây chủ yếu mang ý nghĩa là giá trị thẩm mỹ chứ không phải là “đề tài” (kiểu như thơ tình yêu, thơ theo mùa, thơ chúc tụng v.v...) hay độ dài, cấu trúc của thơ.
Nhà nghiên cứu Tanaka Hiroki田仲洋己trong bài viết “Về mười loại waka theo Fujiwara Teika – Khái lược và khảo sát quan niệm về yugen của Teika” đã chỉ ra hai nội dung quan trọng. Thứ nhất, nếu so sánh với 9 loại waka còn lại thì nhóm thơ “yugen” có số lượng thơ tình tương đối lớn (22 trên tổng số 57 bài thơ trong cả nhóm). Thứ hai, hầu hết những bài thơ trong nhóm “yugen” đều có sự gắn bó mật thiết với thế giới truyện kể “monogatari” của văn chương quý tộc vương triều. Từ đó, tác giả bài viết cũng có nhận xét rằng quan niệm về yugen của Teika có khác biệt so với quan niệm về yugen của Shunzei[10]. Nhưng, cụ thể thì sự khác nhau đó cần được hiểu như thế nào?
Như đã phân tích ở phần trên, quan niệm về yugen của Shunzei gắn với thủ pháp dùng “honkadori” trong sáng tác thơ của thời Shinkokinshu. Theo quan niệm này, những bài thơ được đánh giá cao là những tác phẩm có sử dụng “honkadori” một cách khéo léo, có nghĩa là vừa “mượn” được những từ hay, những hình ảnh độc đáo trong sáng tác của các bậc tiền bối vừa nâng cao giá trị thẩm mỹ cho sáng tác của mình bằng cách phát triển về độ sâu, sự tinh tế của ngôn từ biểu đạt. Do vậy những bài thơ được Shunzei đánh giá là có chất yugen thường là những bài thơ có ý nghĩa sâu sắc nhưng mơ hồ, trừu tượng vì chạm đến sự linh diệu của thế giới tâm hồn.
Trong khi đó, những bài thơ được Teika xếp vào nhóm “yugen”, như nhận xét của Tanaka Hiroki, lại là kiểu thơ có liên hệ với những tình tiết trong truyện kể cung đình, hầu hết những truyện kể này là truyện tình ái mà trước đây thường bị cho là “trò giải trí ủy mị của nữ lưu” trong những phát ngôn chính thống của nam giới. Điều đó cho thấy “yugen” trong quan niệm của Teika không còn lệ thuộc vào giá trị mực thước của thơ ca cổ điển thời Kokinshu mà đã được mở rộng theo hướng đời thường hóa. Thơ ca gắn với những câu chuyện tình ái, dù là chuyện cung đình thời Heian hay là chuyện thực tế trong đời sống cá nhân của nhà thơ thời trung đại, đều toát lên vẻ đẹp mềm mại và hơi thở tươi tắn của cuộc sống đời thường, thoát khỏi sự ràng buộc khuôn khổ nhằm đảm bảo cho tác phẩm thơ được tiếp nhận, hoan nghênh ở những nơi “nghiêm túc” với sự chứng kiến của nhiều người, như nhận xét về “thơ xưa” trong bài tựa của tập Kokinshu.
4. Lời kết – Tương quan giữa lý luận và thực tiễn sáng tác thơ ca trong văn học cổ điển Nhật Bản
Như vậy, nếu quan sát một cách hệ thống sự phát triển của quan niệm về thơ ca từ bài tựa của tập Kokinshu đến khái niệm “yugen” của Fujiwara Shunzei và Fujiwara Teika, có thể thấy quan niệm này đã biến chuyển theo thời gian với hướng đi từ nghiêm túc đến phóng khoáng, từ cứng nhắc đến mềm mại, từ không gian công cộng đến đời sống riêng tư.
Một mặt, sự biến chuyển nói trên phản ánh quá trình thay đổi của sáng tác waka từ thời Heian sang thời trung đại. Văn hóa thời Heian phô bày sự diễm lệ và trau chuốt nên waka của thời Kokinshu cũng “chuộng về hoa mỹ” và được các nhà thơ đời sau lấy làm chuẩn mực, như một cách bày tỏ sự cảm phục trước di sản đồ sộ và quý báu của tổ tiên. Tuy nhiên, điều đáng quý trong tiến trình này là các nhà thơ thời trung đại không tự trói buộc mình vào “khuôn vàng thước ngọc” của thơ ca cổ điển mà chỉ sử dụng kho tàng ngôn ngữ trong Kokinshu như một vốn quý để phát triển nghệ thuật waka lên một giai đoạn mới, từ đó thơ ca có thể trở nên sâu sắc đến mức mơ hồ, trừu tượng mà cũng có thể trở nên mềm mại, đời thường.
Mặt khác, sự xuất hiện của những tài liệu lý luận – phê bình thơ ca như bài tựa của tập Kokinshu hay lập luận về yugen của Shunzei, Teika đã góp phần làm cho việc sáng tác waka trở thành một hoạt động có tính tự ý thức, tác động và xây dựng quan niệm thẩm mỹ của các nhà thơ, cuối cùng dẫn đến sự thay đổi giá trị thẩm mỹ và phong cách biểu đạt của waka theo từng thời đại. Do vậy mà waka đã thực hiện một cuộc hành trình từ vẻ đẹp nghiêm túc, diễm lệ và kín đáo của thời Kokinshu sang vẻ đẹp sâu thẳm, linh diệu hay nhẹ nhàng, mộc mạc của thời Shinkokinshu. Từ đó, phải chăng có thể nói rằng mối tương quan giữa lý luận và thực tiễn sáng tác waka trong văn học cổ điển Nhật Bản được thể hiện khá rõ ở sự xuất hiện lần lượt những tài liệu mang tính lý luận – phê bình thơ ca như bài tựa của tập Kokinshu hay tập sách Maigetsusho của Fujiwara Teika?

Tài liệu tham khảo
1.      Clifton W. Royston, “The poetics ideals of Fujiwara Shunzei”, The Journal-Newsletter of the Association of Teachers of Japanese, Vol.5, No.2, Papers from the 1968 AAS Meetings (Jul., 1968), pp. 1-8, http://www.jstor.org/stable/488801.
2.      Haruo Shirane, “Lyricism and Intertextuality: An Approach to Shunzei's Poetics”, Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol. 50, No. 1 (Jun., 1990), pp. 71-85, http://www.jstor.org/stable/2719223.
3.      Moto, Nihonshikiron 日本式論」, http://nihonshiki.sakura.ne.jp/kotoba/
4.      Ono Robert 大野ロベルト, 「『古今和歌集』の仮名序の真価を探るー『六義』と『歌のさま』の問題を中心に」(Đi tìm chân giá trị của bài tựa kana trong tập Kokinshu – Vấn đề “sáu loại thơ” và “các dạng thơ”), http://ci.nii.ac.jp/naid/40019772384.
5.      Takeda Motoharu武田元治, 「俊成歌論における「幽玄」について」(Về khái niệm ‘yugen’ trong ngôn ngữ bình thơ của Shunzei), http://ci.nii.ac.jp/naid/110000128429.
Tanaka Hiroki田仲洋己, 「藤原定家の十体論についてーその概略と定家の幽玄観についてー」(Về mười loại waka theo Fujiwara Teika – Khái lược và khảo sát quan niệm về yugen của Teika), ousar.lib.okayama-u.ac.jp/file/18499/011_027.pdf.


[1] Moto, Nihonshikiron 日本式論」, http://nihonshiki.sakura.ne.jp/kotoba/kotoba-4.html.
[2] Kamo no Chomei, Mumyosho, dẫn lại theo Moto, Nihonshikiron 日本式論」, http://nihonshiki.sakura.ne.jp/kotoba/kotoba-4.html.
[3] Địa danh ở Nhật Bản, nay là tên một thành phố thuộc tỉnh Hyogo.
[4] Địa danh ở Nhật Bản, nay là tên một thành phố thuộc tỉnh Yamagata.
[5] Địa danh ở Nhật Bản, nay là tên một thành phố thuộc tỉnh Ehime.
[6] Được biết đến như một nơi có nguồn nước tinh khiết, nay thuộc thành phố Tanabe, tỉnh Wakayama.
[7] Tên một ngọn núi ở thành phố Otsu, tỉnh Shiga ngày nay.
[8] Clifton W. Royston, “The poetics ideals of Fujiwara Shunzei”, The Journal-Newsletter of the Association of Teachers of Japanese, Vol.5, No.2, Papers from the 1968 AAS Meetings (Jul., 1968), pp. 1-8, http://www.jstor.org/stable/488801.
[9] Xem Takeda Motoharu武田元治, 「俊成歌論における「幽玄」について」(Về khái niệm ‘yugen’ trong ngôn ngữ bình thơ của Shunzei), http://ci.nii.ac.jp/naid/110000128429.
[10] Tanaka Hiroki田仲洋己, 「藤原定家の十体論についてーその概略と定家の幽玄観についてー」(Về mười loại waka theo Fujiwara Teika – Khái lược và khảo sát quan niệm về yugen của Teika), ousar.lib.okayama-u.ac.jp/file/18499/011_027.pdf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét