Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

KHI TỐC ĐỘ TRỞ THÀNH VĂN HÓA



Trong mấy năm học ở trường đại học, tôi đã tích lũy dần những thông tin về Nhật Bản qua những bài học tiếng Nhật trong sách giáo khoa, qua những bài báo và tạp chí cũng như những chuyện kể của thầy cô người Nhật và thầy cô đã từng có thời gian du học ở xứ sở hoa đào. Rồi không biết tự bao giờ, những thông tin mà tôi có được tự kết nối với nhau để hình thành trong tôi một hình ảnh... không mấy hấp dẫn về nước Nhật. Tôi vốn là một người thích lang thang đây đó, thích khám phá nhiều nơi nhưng lại thích những chỗ có thiên nhiên phong phú hơn những chỗ đông người, thích không khí trong lành ở nông thôn hơn nhịp sống gấp gáp và sự ồn ào nơi đô thị. Vì vậy, hình ảnh về một nước Nhật hiện đại với giá sinh hoạt đắt đỏ, với những siêu đô thị đông người, với những người dân luôn bận rộn và căng thẳng vì sinh kế không phải là động lực khiến tôi tìm đến quốc đảo vẫn được mệnh danh là “con sếu đầu đàn” của khu vực kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Có lẽ vì vậy mà trong suốt cuộc đời sinh viên và ngay cả khi đã ra trường, làm nhân viên phiên dịch cho một công ty Nhật Bản tại Sài Gòn, trong tôi vẫn phảng phất một thứ cảm giác e dè mỗi khi tự đặt cho mình câu hỏi: “nếu đến Nhật để sống và học tập lâu dài?”. Mỗi lần tiễn một người bạn, một đồng nghiệp sang Nhật du học hay đi công tác, tôi cũng nghe trong lòng gợn lên một chút tò mò, và thầm ao ước một ngày nào đó mình cũng sẽ có dịp đặt chân lên đảo quốc, được tận mắt ngắm hoa anh đào và nhiều loại cây lá khác của vùng ôn đới, đặc biệt là được ngắm thỏa thích những cánh rừng lá đỏ mùa thu... Nhưng so với bạn bè học cùng ngành, tôi vẫn bị cho là một kẻ kỳ dị vì không mấy mặn mà, thậm chí... lần lữa trước những cơ hội đi sang Nhật, trong khi nhiều người khác có thể làm nhiều việc, chịu vất vả nhiều lần để tìm kiếm bằng được một cơ hội đến xứ Phù Tang.
Cho nên, không có gì đáng ngạc nhiên nếu nói rằng, trở lực lớn nhất đối với tôi khi “thâm nhập” xã hội Nhật Bản là... tính hiện đại và tốc độ!
Tôi trải nghiệm sâu sắc điều đó ngay trong lần đầu tiên đến với xứ sở hoa đào. Lần ấy, chúng tôi đến Nhật chỉ để tham gia một khóa bồi dưỡng ngắn hạn và trải nghiệm văn hóa. “Sứ mệnh” này có vẻ cực kỳ đơn giản nên mỗi thành viên trong nhóm đều hớn hở trước một viễn cảnh được tha hồ thưởng ngoạn. Thế mà cũng có lắm khi chúng tôi phải ăn trưa vội vàng bằng cơm nắm, thậm chí vừa đi vừa ăn cho kịp giờ lên xe buýt theo lịch trình xếp sẵn. Sở dĩ chật vật về thời gian như vậy là do lịch sinh hoạt buổi chiều được xếp quá gần giờ tan học buổi sáng, vì người Nhật thì không có thời gian dành cho việc nghỉ trưa (các nhân viên làm việc tại công ty thường chỉ có 30 phút để ăn trưa rồi lập tức bước vào khoảng thời gian làm việc buổi chiều). Đến lúc ấy chúng tôi mới thực sự hiểu vì sao người Nhật đi bộ rất nhanh và thường có dáng đi hấp tấp, dù đang ở trong tình huống không có gì cần thiết phải vội vàng.
Lần thứ hai đặt chân lên quốc đảo, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì mình không bị ràng buộc vào bất cứ một lịch trình nào do người Nhật sắp xếp và quản lý, ngoài mấy cuộc hẹn với nhân viên phụ trách chương trình của Quỹ giao lưu quốc tế và giáo sư hướng dẫn nghiên cứu ở trường đại học. Tôi khoan khoái tự nhủ rằng lần này mình sẽ được tự do, được thong thả “ngắm nhìn” Tokyo căng thẳng và hối hả bằng con mắt của một người ngoài cuộc.
Nhưng ngay trong ngày đầu tiên của chương trình, tôi đã bị hệ thống giao thông đường sắt khổng lồ của Tokyo cuốn phăng khỏi những suy nghĩ ngây ngô vì thiếu hiểu biết về môi trường sống ở nơi mình mới đến. Tôi hoa cả mắt khi nhìn vào tấm bản đồ chằng chịt các tuyến tàu điện thuộc hệ thống đường sắt JR, căng mắt nhìn giá vé trong các nhà ga mỗi lúc phải đổi tàu, hoang mang vì sợ nhầm đường tàu, tuyến tàu, cửa soát vé và căng thẳng theo dõi tên các ga tàu vì sợ xuống nhầm ga. Kết quả là tôi mất gần gấp đôi khoảng thời gian dự kiến để di chuyển từ nơi ở đến trường, và trễ giờ hẹn gặp giáo sư hơn 30 phút!
Từ lần ấy, tôi cứ vừa mò mẫm tìm cách “giải mã” cái mạng lưới đường sắt khổng lồ kia vừa khắc phục dần những nhầm lẫn không đáng có bằng cách... hỏi nhân viên đường sắt và hành khách đi tàu cẩn thận hơn. Và trong mấy ngày liên tiếp tôi vẫn còn cảm giác hồi hộp sợ muộn giờ hẹn nếu nhầm ga hoặc nhầm tàu. Rồi không biết tự lúc nào, tôi chợt nhận ra mình cũng giống như những hành khách người bản xứ, cũng hối hả chạy lên cầu thang cuốn để kịp lên chuyến tàu sớm nhất (dù các chuyến tàu chỉ cách nhau vài ba phút và luôn luôn đến ga rất đúng giờ), cũng mở sách ra đọc hoặc tranh thủ xem một thứ tài liệu nào đó lúc đợi tàu trên sân ga, hay lúc có được một chỗ ngồi hiếm hoi trên những tuyến tàu đông khách.
Một lần, trong lúc bước theo quán tính xuống cầu thang ở ga Shinjuku để chuyển tàu, tôi chợt nhận ra mình đang đi cùng nhịp điệu với làn sóng hành khách đang rùng rùng di chuyển. Thật ra thì đã khá lâu rồi, tôi quen đi cùng một nhịp bước, một tốc độ với mọi người xung quanh như vậy. Điều quan trọng là tôi chợt hiểu rằng, mình bước đi như thế không phải là vì sợ bị trễ giờ hẹn với ai ở một nơi nào đó, hay sợ bị nhầm ga, nhầm tàu trong tình trạng hoang mang của những ngày đầu đến Nhật. Tôi biết mình đang bị chi phối, và đã bắt đầu thích nghi được với tốc độ của đời sống nơi đây. Tôi biết nếu vì lý do gì đó mà mình đi chậm lại, mình sẽ có cảm giác như một người bị đẩy ra bên lề cuộc sống, như một kẻ đứng bên cầu nhìn dòng nước trôi đi trước mặt, và dĩ nhiên sẽ thấy dòng nước đó không thuộc về thế giới của mình.
Thật hài hước nếu tôi nói rằng mình cảm thấy tự tin khi đi cùng tốc độ với mọi người ở nơi mình đang sống, nhưng tôi biết cảm giác ấy là có thật, vì tốc độ cũng là một yếu tố làm nên diện mạo của đời sống văn hóa đặc trưng ở đô thị khổng lồ này. Và tôi thấy mình hạnh phúc khi có thể đi nhanh như người bản xứ nhưng không bị ràng buộc bởi một sự quản lý, một thời gian biểu hoặc một sứ mệnh nào cụ thể ở nơi đây.
Rồi tôi nhận ra cái “văn hóa tốc độ” kia đã thâm nhập vào mình cả trong suy nghĩ và hành động. Vì thời gian tôi có được ở Tokyo quá ít so với những gì tôi muốn làm (và biết rằng mình có thể làm tốt trong điều kiện văn hóa – xã hội ở nơi này), tôi bắt đầu “quản lý” bản thân bằng lịch trình sinh hoạt khắt khe và bắt mình phải di chuyển gấp gáp, hối hả như người bản xứ. Tôi tính toán thật chi tiết cho từng chuyến đi, hăng hái tìm kiếm những điểm đến quan trọng và nhọc công tra cứu, thu thập thông tin để có thể kết hợp nhiều điểm đến trong thời gian ngắn nhất. Tôi tận dụng từng khoảng thời gian nhỏ cho những việc cần làm, và cảm thấy thú vị khi ngồi đọc mỹ học Kant bằng tiếng Việt trong gian phòng xinh xắn ở một lữ quán bé nhỏ giữa thiên nhiên trù phú của miền thung lũng Furano, hay khi vừa đọc lịch sử văn học Nhật Bản vừa đợi xe buýt đêm trong phòng chờ nhỏ xíu ở nhà ga Takamatsu để di chuyển từ đảo Shikoku sang đảo Kyushu, trong một đêm mùa đông lạnh lẽo và mưa dầm rả rích. Và đặc biệt là tôi có cảm giác được chia sẻ khi mọi người xung quanh cũng... tranh thủ thời gian giống như mình!
Nhưng thật lạ lùng là ở một nơi mà tốc độ đã trở thành văn hóa, người Nhật vẫn có những lúc... bình thản và chậm rãi đến mức khiến mình phải ngạc nhiên. Bao nhiêu lần tôi dừng chân trước một con hẻm khi thấy chiếc ô tô đang chạy ra đường lớn là bấy nhiêu lần người lái ô tô cẩn thận dừng xe lại và ra hiệu nhường đường cho khách bộ hành. Có khi tôi mải ngắm những bồn hoa trên vỉa hè nên không nhìn thấy, thì người ngồi trong xe mở cả cửa xe, chồm hẳn ra ngoài và... nói to rằng họ dừng xe để nhường tôi đi trước. Rồi có lần nhóm bốn người chúng tôi đi lang thang trên đường phố Kanazawa và sơ ý làm rơi tấm bản đồ. Chúng tôi không hề hay biết gì nhưng có một người đang di chuyển bằng ô tô ở phía bên kia đường nhìn thấy, bèn dừng ngay xe lại và nhiệt tình nhắc nhở. Vì khoảng cách khá rộng, hai bên không thể nghe được lời nói của nhau nên anh ta phải mở cửa xe, chồm ra ngoài và giơ tay khua khoắng, múa may một hồi lâu, cho đến khi chúng tôi hiểu được vấn đề. Chỉ là một việc rất nhỏ và diễn ra trong im lặng nhưng thái độ của người ấy đã khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều về văn hóa Nhật. Tôi lại càng kính trọng người dân ở nơi này vì thấy họ luôn biết chậm rãi và kiên nhẫn khi cần thiết. Sự bình thản và nghiêm cẩn của những chiếc ô tô dừng lại đợi khách bộ hành trái ngược với tốc độ ào ạt của những chuyến tàu cao tốc, cũng giống như những ngôi đền, mái chùa rêu phong cổ kính tồn tại yên bình ngay bên cạnh những tòa building cao ngất, như những món đồ mỹ nghệ tinh xảo được bày bán trong khu thương mại cùng với những mặt hàng điện tử tối tân. Đó là những biểu hiện khác nhau của một nền văn hóa dung hòa nhiều yếu tố đối lập. Đối lập nhưng không tạo nên một tình trạng phi lý và không nhất thiết phải dẫn đến loại trừ nhau. Tôi thoáng buồn khi chợt nhận ra rằng, điều đó rất khác với sự đối lập ở Việt Nam, nơi có rất nhiều người chạy xe trên đường với tinh thần... giành từng centimet nhưng lúc đến công sở thì lại... ngồi thong thả uống cà phê trong giờ làm việc!
Dù có ngưỡng mộ tinh thần Nhật Bản đến đâu, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ “nghiện” thứ “văn hóa tốc độ” ở nơi này. Tôi là kiểu người bị quyến rũ bởi một lữ quán miền núi được miêu tả trong tiểu thuyết của Kawabata hơn là khu thương mại Akihabara sầm uất, nên cũng thích ngồi trên xe điện một toa cũ kĩ chạy xuyên qua bình nguyên bát ngát ở Hokkaido hơn là bước lên một chuyến tàu shinkansen có tốc độ nhanh nhất thế giới. Nhưng phải thú thật rằng tôi không sao quên được cảm giác khó tả khi đứng trên sân ga nhìn những con tàu sáng choang và dài tít tắp chạy vù qua trước mặt. Trong một thoáng, tôi cảm thấy như có một mãnh lực mơ hồ nhấc mình lên khỏi thực tại và đẩy mình hướng đến một cái gì rất rộng lớn, nghiêm trang. Và tôi nhận thấy sức hút tỏa ra từ con tàu không chỉ là thành tựu kỹ thuật của một nền văn minh, mà còn là vẻ đẹp văn hóa một dân tộc đủ mạnh để “chung sống” với nhiều loại thiên tai, đủ dũng cảm và quyết tâm để đi đến tận cùng những con đường đã chọn. “Dân tộc” ở đây không phải là một khái niệm trừu tượng, mơ hồ. Họ chính là những người đang ngồi trong con tàu vừa mới lướt qua kia, đang tranh thủ thời gian đọc sách hay làm việc trên máy tính, và cả những người đang đứng rất gần tôi, đang nghiêm chỉnh xếp hàng trên sân ga trong yên lặng. Tôi biết rằng khi đứng trên sân ga đợi tàu là mình đang ở rất gần thứ vật chất tiêu biểu nhất của “văn hóa tốc độ”, nhưng chỉ cần một chút sơ xuất trong hành xử, một chút lệch lạc trong dáng đứng, bước đi thì tôi sẽ cách xa nền văn minh đã sinh ra con tàu ấy đến bao nhiêu thập kỷ!
Rồi không biết tự lúc nào tôi đã để mình cảm nhiễm cái chất văn hóa ấy. Rồi tôi cũng chia tay nước Nhật và bỏ lại Tokyo cao rộng phía sau lưng. Nhưng đến tận bây giờ, những khi tự thấy mình trì trệ và mệt mỏi, bỗng nhiên tôi lại thèm cảm giác đang đứng ở sân ga lúc đợi tàu, thèm được nhắm mắt lại để “nghe” một chuyến tàu chạy vù qua trong tâm tưởng...

3 nhận xét:

  1. Đó là những biểu hiện khác nhau của một nền văn hóa dung hòa nhiều yếu tố đối lập. Đối lập nhưng không tạo nên một tình trạng phi lý và không nhất thiết phải dẫn đến loại trừ nhau.

    Bạn viết có nhiều câu rất hay!

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa