Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

PHÁI SHIRAKABA Ở NHẬT BẢN VÀ NHÓM TỰ LỰC VĂN ĐOÀN Ở VIỆT NAM



Phái Shirakaba ở Nhật Bản và nhóm Tự lực văn đoàn ở Việt Nam đều xuất hiện trên văn đàn trong khoảng thời gian đầu thế kỷ XX và có đóng góp quan trọng cho tiến trình hiện đại hóa của mỗi nền văn học. Một số biểu hiện của phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn cho thấy hai trào lưu văn học này có những nét tương đồng về sinh hoạt văn chương, về tinh thần đổi mới và quan niệm thẩm mỹ. Trong khi đó, hoàn cảnh lịch sử - xã hội khác nhau ở mỗi quốc gia và sự lựa chọn của mỗi cá nhân làm nghệ thuật đã tạo nên nhiều điểm khác nhau giữa phái Shirakaba và Tự lực văn đoàn, tạo nên số phận khác nhau của mỗi trào lưu trong đời sống văn nghệ của mỗi nước. Nhưng trên hết, sự ra đời và hoạt động của mỗi bút nhóm trong mỗi nền văn học đều hàm chứa những thông điệp thú vị về sự vận động văn học – tư tưởng ở mỗi quốc gia, kết quả tương tác giữa một trào lưu văn học với điều kiện tồn tại và phát triển của nó cũng cho thấy ý nghĩa tồn tại của văn chương và sự nhìn nhận, đánh giá văn chương của công chúng trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Do đó, sau khi khảo sát những phương diện khác nhau về sự ra đời, hoạt động và đặc điểm văn học của phái Shirakaba và thông qua đó để hiểu chi tiết hơn về diện mạo cũng như những vận động bên trong của văn học Nhật Bản hiện đại, trong phần này phái Shirakaba sẽ được nhìn nhận trong sự so sánh với nhóm Tự lực văn đoàn của Việt Nam, và các vấn đề như hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa tồn tại, thành tựu và hạn chế của mỗi nhóm trong từng phối cảnh văn học sẽ được xem xét trong cái nhìn tương chiếu, mang lại cho người đọc những cảm nhận mới về văn học Nhật Bản và văn học Việt Nam hiện đại qua sự vận động và đặc điểm của các trào lưu sáng tác xuất hiện trong những thập niên đầu thế kỷ XX.
Về hoàn cảnh lịch sử - xã hội
Phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn đều xuất hiện khi văn học Nhật Bản và Việt Nam đang trên đường đổi mới, trong không khí sôi nổi của đời sống văn học hiện đại với xu hướng tiếp nhận văn hóa – tư tưởng phương Tây để mở mang đời sống văn hóa trong nước và hiện đại hóa cả nội dung lẫn hình thức văn học. Những năm đầu thế kỷ XX là khoảng thời gian mà cả văn học Việt Nam và Nhật Bản đều trải qua những thay đổi lớn trong quá trình vận động mạnh mẽ để chuyển hóa từ văn học truyền thống trong không gian khép kín, tĩnh lặng sang văn học hiện đại trong không gian rộng mở với sự tiếp nhận văn học nước ngoài qua dịch thuật và phóng tác, sự du nhập các thể loại mới như tiểu thuyết và thơ tự do, sự phát triển của ý thức văn học gắn với lý luận và phê bình văn học, sự xuất hiện và can thiệp của báo chí vào hoạt động văn chương và xã hội v.v... Vì vậy, tuy sự xuất hiện của phái Shirakaba gắn với việc sáng lập tạp chí cùng tên (năm 1910) và sự ra đời của nhóm Tự lực văn đoàn được đánh dấu bằng việc in tuyên ngôn và tôn chỉ trên tuần báo Phong hóa số 87 (ra ngày 2 tháng 3 năm 1934) có chênh lệch về thời gian hơn 20 năm nhưng mục đích thành lập văn phái, lý tưởng về văn chương và quan niệm sáng tác của các nhà văn trong hai nhóm trên đều bị chi phối bởi đời sống văn nghệ nói riêng và hoàn cảnh văn  hóa – xã hội trong nước nói chung. Biểu hiện dễ thấy nhất của sự ảnh hưởng này là cả hai văn phái đều coi trọng sự tồn tại của tạp chí văn nghệ đóng vai trò cơ quan ngôn luận cho cả nhóm, đều thông qua hoạt động của tạp chí để khẳng định quan niệm, đường lối sinh hoạt văn nghệ trên diễn đàn chung của nền văn học cả nước đang tồn tại nhiều quan niệm, nhiều lối viết của nhiều trào lưu văn học, nhiều phong cách báo chí khác nhau.
Tuy nhiên, nếu quan sát ở phạm vi rộng hơn và đánh giá ở mức độ sâu hơn, người nghiên cứu sẽ dễ dàng nhận thấy hoàn cảnh văn hóa – xã hội cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn có nhiều điểm khác nhau, và sự khác biệt ấy phần nào quyết định hướng đi, khả năng tồn tại, thành tựu cũng như hạn chế của từng văn phái trong hoạt động văn nghệ và xã hội ở mỗi nước.
Sự khác biệt căn bản nhất là tình hình chính trị - xã hội ở Việt Nam và Nhật Bản nửa đầu thế kỷ XX. Nằm trong khu vực Viễn Đông là mục tiêu quan trọng của các nước phương Tây trên con đường phát triển thương mại và tìm kiếm những nguồn tài nguyên mới, Việt Nam và Nhật Bản đều trải qua những cuộc va chạm căng thẳng với phương Tây khi thương thuyền các nước này đến “gõ cửa” những hải cảng lớn, khi chính quyền của nhà nước phong kiến đã quen với tình hình “bế quan tỏa cảng” phải đối mặt với hoạt động thương mại bị gây sức ép từ bên ngoài, với việc truyền bá tôn giáo gắn liền với sức mạnh của văn minh phương Tây đang đe dọa chủ quyền đất nước. Nhưng nhờ có Minh Trị duy tân, Nhật Bản đã nhanh chóng vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh chính trị trong cuộc đối đầu Đông – Tây, với thành tựu quan trọng nhất là xây dựng thành công thể chế nhà nước mới, đủ năng lực để cải cách toàn diện và phát triển đất nước trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa đuổi theo các nước phương Tây. Nhờ thành công của cải cách Minh Trị, trong những thập niên cuối thế kỷ XIX Nhật Bản đã có đủ điều kiện xã hội và điều kiện kinh tế để có thể đổi mới văn hóa một cách tập trung, mạnh mẽ và toàn diện. Bước sang thế kỷ XX, Nhật Bản đã trải qua một giai đoạn tuy không dài nhưng đã xác định được một cách rõ ràng hướng đi, nhịp độ và tính chất của công cuộc hiện đại hóa, đã có được những thành tựu bước đầu về ý thức xã hội và giáo dục để dễ dàng phát triển văn hóa nghệ thuật cả về chiều rộng và chiều sâu.
Khác với tình hình ở Nhật Bản, những thập niên cuối thế kỷ XIX ở Việt Nam trôi qua trong khủng hoảng và xung đột kéo dài. Kể từ lúc “va chạm” với phương Tây mà cụ thể là thực dân Pháp, Việt Nam đã liên tiếp bị cuốn vào những khó khăn trong cả vấn đề nội chính và vấn đề đối ngoại, rồi cuối cùng sự suy yếu không tránh khỏi của chính quyền phong kiến đã đưa đất nước vào hoàn cảnh bị chiếm đóng, bị chia cắt, bị chi phối về mọi phương diện từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục. Vì vậy, trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX tình hình văn hóa – xã hội ở Việt Nam rất phức tạp, khác hẳn với khuynh hướng đi lên một chiều ở Nhật Bản. Một mặt, người Pháp đến Việt Nam mang theo ít nhiều yếu tố, biểu hiện của một nền văn minh lớn ở Tây Âu, “cấy ghép” những yếu tố văn minh ấy vào xã hội Việt Nam một cách có chủ ý, nhưng sự tiếp thu văn minh phương Tây trong hoàn cảnh ấy chỉ mang tính áp đặt, khiên cưỡng vì không xuất phát từ nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân. Hơn nữa, sự du nhập văn minh phương Tây theo cách thức như vậy còn kích thích ý thức phản kháng từ phía người dân trong hoàn cảnh bị thống trị, bị đô hộ. Mặt khác, đứng trước tình hình khó khăn về chính trị - xã hội và nhận ra sự yếu kém trong nước do lạc hậu quá xa so với sự phát triển của phương Tây, một số người thuộc tầng lớp trí thức tiến bộ ở Việt Nam đã có chủ trương tiếp thu văn minh phương Tây hoặc học tập thành tựu hiện đại hóa của Nhật Bản để phát triển nguồn lực trong nước, tạo nên nội lực đối kháng với sự thống trị của thực dân. Hai phương diện nói trên cho thấy những vấn đề chính trị - xã hội đã tạo nên tình trạng khó khăn, thiếu nhất quán trong việc đổi mới và phát triển văn hóa. Trong hoàn cảnh như vậy, sự du nhập của văn hóa phương Tây vào Việt Nam là một xu hướng tất yếu, nhưng không trở thành một tiến trình thống nhất, liên tục và được thực hiện rộng rãi trên toàn xã hội như trong điều kiện phát triển đất nước độc lập ở Nhật Bản. Hoàn cảnh đặc biệt này không cho phép trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam chỉ tập trung vào việc phát triển văn hóa – văn nghệ. Mọi tư tưởng, hoạt động của văn nghệ sĩ ở giai đoạn này đều bị chi phối bởi tình hình chính trị - xã hội trong nước, bởi nhu cầu bức thiết của dân tộc phải giành lại độc lập và quyền phát triển tự do.
Hoàn cảnh chính trị - xã hội nói trên đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực văn hóa – văn nghệ, tạo ra sự khác biệt về diện mạo bên trong của đời sống văn nghệ ở Việt Nam và Nhật Bản. Nếu như các nhà văn Nhật Bản trưởng thành và phát triển vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX chủ yếu tập trung vào việc đánh giá tiến trình hiện đại hóa, nhìn nhận xã hội văn minh đã trở thành một guồng máy lớn với quỹ đạo rõ ràng và trên hết là quan tâm đến mối quan hệ giữa hiện thực và văn học, đến việc đổi mới văn chương từ bút pháp đến chủ đề, nội dung thì các nhà văn Việt Nam đương thời luôn phải ưu tư về vận mệnh của đất nước, về số phận của dân tộc và đau đáu với vấn đề chống xâm lược, giành lại độc lập tự do. Vì thế nên tuy rằng về mặt hiện tượng thì những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam và Nhật Bản đều có khuynh hướng chịu ảnh hưởng của văn học phương Tây, có sự xuất hiện của nhiều trào lưu, quan điểm sáng tác và sự hoạt động mạnh mẽ của báo chí nhưng trên thực tế thì nội dung, tâm thế tồn tại và con đường phát triển của báo chí và đời sống văn nghệ ở hai nước rất khác nhau. Nói cách khác, Việt Nam không có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi để tiến hành hiện đại hóa văn học theo một tiến trình liên tục và nhất quán. Việc tiếp thu các yếu tố hiện đại của phương Tây không được thực hiện với tâm thế chủ động. Đặc biệt trong văn chương là lĩnh vực gắn liền với quan niệm sống, tư tưởng con người, sự du nhập các yếu tố ngoại lai trong tình huống phức tạp như thế không tạo điều kiện cho việc cách tân văn học đạt đến đỉnh cao hoặc đi hết con đường phát triển. Còn các nhà văn ở Nhật Bản đương thời lại có điều kiện về mọi mặt để theo đuổi đến cùng một khuynh hướng sáng tác, một quan niệm nghệ thuật, thậm chí có thể làm cho việc phát triển một quan niệm hay một bút pháp trở nên thái quá đến mức cực đoan. Hoàn cảnh văn hóa – xã hội như trên vừa là môi trường cho sự xuất hiện của phái Shirakaba lẫn nhóm Tự lực văn đoàn vừa là yếu tố quyết định tính chất, kết quả hoạt động văn nghệ của cả hai văn phái.    
Về tổ chức và hoạt động văn nghệ
Có lẽ ấn tượng đầu tiên về sự giống nhau giữa phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn đến từ thông tin về các thành viên tham gia văn phái. Cả hai bên đều có 5 thành viên vừa những cây bút chủ lực vừa là nhà văn chuyên sáng tác ở thể loại văn xuôi tự sự. Các nhà văn của phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn đều xuất thân từ những gia đình có kinh tế khá giả và vị trí xã hội tương đối tốt, hầu hết là gia đình thuộc tầng lớp quan chức và trí thức đương thời, nên được giáo dục chu đáo ngay từ nhỏ và sớm có điều kiện tiếp xúc với tư tưởng – văn hóa phương Tây. Một chi tiết thú vị là cả hai văn phái đều có số lượng thành viên không nhiều nhưng trong đó có 3 người là anh em ruột (nhóm Tự lực văn đoàn có Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam, phái Shirakaba có Arishima Takeo, Arishima Ikuma và Satomi Ton).
Hoạt động văn nghệ của phái Shirakaba gắn với sự tồn tại của tạp chí Shirakaba còn hoạt động văn nghệ của nhóm Tự lực văn đoàn lại gắn với hai tờ báo Phong hóaNgày nay, được thực hiện lần lượt trong hai giai đoạn nối tiếp nhau và đều là cơ quan ngôn luận của nhóm. Ở đây cần lưu ý rằng, phong cách và nội dung của tạp chí Shirakaba so với báo Phong hóaNgày nay cũng thể hiện rõ nét hoàn cảnh văn hóa – xã hội chi phối hoạt động văn nghệ của hai văn phái. Shirakaba là tạp chí văn nghệ thuần túy, chỉ đăng sáng tác văn chương, tin văn nghệ, các bài viết phê bình nghệ thuật và giới thiệu những tác phẩm nổi bật của mỹ thuật phương Tây. Phong hóaNgày nay tuy cũng có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu các sáng tác văn chương của Tự lực văn đoàn nhưng chủ yếu là loại báo trào phúng. Nội dung và cách thể hiện vấn đề của Phong hóaNgày nay cho thấy mục đích chính của Tự lực văn đoàn là sử dụng báo chí làm công cụ để châm biếm, đã kích những thói xấu, những biểu hiện đời thường của lối sống cổ hủ, lạc hậu với mong muốn làm cho văn hóa đại chúng trở nên tốt đẹp hơn, làm cho người bình dân cũng quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa mới, từ bỏ những quan niệm lạc hậu gắn với tư tưởng phong kiến lỗi thời. Như vậy, một bên là phái Shirakaba chỉ tập trung vào việc sáng tác, phê bình nghệ thuật và qua đó đóng góp cho quá trình xây dựng một nền văn hóa – nghệ thuật hiện đại giàu tính hiện thực và thẩm mỹ, một bên là nhóm Tự lực văn đoàn vừa là những nhà văn có tài năng và đam mê sáng tác vừa là những trí thức tự đặt ra cho mình trách nhiệm định hướng, điều chỉnh sự phát triển của văn hóa đại chúng trong hoàn cảnh xã hội phức tạp lúc giao thời, khi văn hóa dân tộc đứng trước ngưỡng cửa cần thay đổi nhưng lại thiếu một chủ trương xuyên suốt cho một sự vận động trong toàn xã hội. Cũng chính vì điều đó mà tuy cũng thể hiện tinh thần yêu mỹ thuật, cũng thu hút được sự cộng tác của các họa sĩ danh tiếng đương thời nhưng tác phẩm hội họa xuất hiện trên báo Phong hóaNgày nay chủ yếu là biếm họa, tạo nên một phong vị rất khác so với Shirakaba thường xuyên giới thiệu những tác phẩm hội họa thuộc trường phái ấn tượng và trường phái tả thực đang được đánh giá cao ở phương Tây. 
Một nét khác biệt giữa hai văn phái trong hoạt động văn nghệ là tạp chí Shirakaba gắn với nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật thời Taisho do nhóm Shirakaba tổ chức, còn sự tồn tại của nhóm Tự lực văn đoàn thì gắn với giải thưởng văn học cũng mang tên Tự lực văn đoàn. Tuy nhiên, cả hai hoạt động này đều cho thấy thái độ tích cực của hai văn phái trong việc giới thiệu, khuếch trương những giá trị nghệ thuật mới nhằm đóng góp cho sự phát triển của một nền văn nghệ hiện đại. Do hoàn cảnh kinh tế - xã hội và mức độ hiện đại hóa khác nhau trong đời sống văn nghệ ở Việt Nam và Nhật Bản nên nhóm Tự lực văn đoàn coi trọng việc giới thiệu những cây bút mới có triển vọng phát huy văn tài để tạo nên một đời sống văn học phong phú, mới mẻ ở giai đoạn tiếp theo, còn phái Shirakaba thì có điều kiện để giới thiệu những trào lưu mới của mỹ thuật phương Tây với công chúng Nhật Bản, góp phần xây dựng một ngành nghệ thuật mới trong đời sống văn hóa hiện đại. 
Các nhà văn của phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn đều có tham gia những hoạt động thực tế xã hội ngoài việc làm báo và sáng tác. Điểm tương đồng đáng ghi nhận là những hoạt động xã hội của họ đều thể hiện tư tưởng nhân đạo, tin tưởng vào khả năng xây dựng một xã hội tốt đẹp dựa trên những mối quan hệ ôn hòa, nhân ái. Hội Ánh sáng của Tự lực văn đoàn cũng như Làng mới của Mushanokoji Saneatsu hay Nông trường tập thể của Arishima Takeo đều cho thấy một nét đẹp của lòng nhiệt tình đối với vấn đề cải cách xã hội, thể hiện tự khuynh hướng dấn thân của các nhà văn, với tư cách là những trí thức tiến bộ đương thời, tuy rằng khuynh hướng nhân đạo mang màu sắc của chủ nghĩa lý tưởng không giúp họ thành công trong hoạt động xã hội như trong sáng tác văn chương.
Các thành viên của phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn chủ yếu gắn bó với nhau trong thời gian hoạt động báo chí. Về khía cạnh này thì phái Shirakaba có thời gian hoạt động dài hơn hẳn (1910 – 1923) so với nhóm Tự lực văn đoàn (1934 – 1939). Tuy nhiên, cả hai văn phái đều chấm dứt hoạt động báo chí một cách khá đột ngột, nhưng một bên là do sự kiện tự nhiên (trận động đất ở vùng Kanto năm 1923), một bên là do biến động trong đời sống chính trị - xã hội. Cũng do sự khác nhau về hoàn cảnh mà sau khi chấm dứt thời kỳ cộng tác để làm báo, các nhà văn thuộc phái Shirakaba vẫn tiếp tục sáng tác và tạo nên những văn nghiệp lớn, còn nhóm Tự lực văn đoàn thì thật sự tan rã, chìm khuất vào dòng xoáy của những xáo trộn lịch sử diễn ra ở Việt Nam từ thập niên 1940.
Về đặc điểm văn chương
Phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn xuất hiện trên diễn đàn văn học ở mỗi nước như là sự quy tụ những nhà văn có cá tính, có những điểm mới trong quan niệm về văn chương và bút pháp sáng tạo. Và trên thực tế cả hai văn phái này đều có những đóng góp mới mẻ, được độc giả đương thời và nhiều nhà phê bình đánh giá cao.
Trong sáng tác văn chương, các nhà văn của phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn gặp gỡ nhau ở một số đặc điểm nhất định. Thứ nhất, cả hai văn phái này đều sáng tác chủ yếu ở thể loại tiểu thuyết – một thể loại có vai trò quan trọng trong văn học hiện đại, xuất hiện ở các nước Đông Á cùng với sự ảnh hưởng của văn học phương Tây. Thứ hai, Shirakaba và Tự lực văn đoàn đều có khuynh hướng ủng hộ cái mới trong đời sống và trong nghệ thuật như yêu thích mỹ thuật hiện đại, ủng hộ sự phát triển của thơ mới, đề cao cái tôi cá nhân, xây dựng hình ảnh con người lý tưởng trong tác phẩm. Những đặc điểm này cũng là sự biểu hiện của khuynh hướng tiếp nhận văn hóa – tư tưởng phương Tây trong bối cảnh của đời sống văn nghệ đương thời. Thứ ba là nhiều tác phẩm của phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn có lối viết trong sáng, giản dị và miêu tả những khoảnh khắc, những hình ảnh đẹp của con người cá nhân, hoặc của quan hệ giữa con người với nhau trong tình cảm nhân ái và tư tưởng ôn hòa. Mặt khác, vẻ đẹp trong văn chương Shirakaba và Tự lực văn đoàn có chứa đựng cả cái nhìn lý tưởng hóa hiện thực của tác giả, nên nhiều khi tác phẩm là một bầu không khí đặc biệt do nhà văn sáng tạo ra, tách rời sự phức tạp và nhiều vẻ của cuộc sống đời thường để làm nổi bật một quan niệm, một cách cảm nhận riêng biệt nào đó ở tác giả. Sự tổng hợp của các đặc điểm trên trong sáng tác của phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn làm cho văn chương của hai trào lưu này đều là sự pha trộn của hiện thực và lý tưởng, đều có sự kết hợp của văn hóa truyền thống và yếu tố hiện đại chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.
Tuy nhiên, do những khác biệt về hoàn cảnh văn hóa – xã hội và tư tưởng cá nhân của các nhà văn, bên cạnh những điểm tương đồng nói trên thì phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn vẫn có nhiều điểm khác nhau về cả đề tài sáng tác và hình thức biểu đạt.
Văn chương Tự lực văn đoàn cho thấy các nhà văn thuộc nhóm này đã thật sự cố gắng thực hiện những chủ trương mà họ đề ra trong tuyên ngôn và tôn chỉ được công bố khi thành lập nhóm. Với chủ trương “làm giàu thêm văn sản trong nước”, “ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước” và “làm cho người và xã hội ngày một hay hơn”, các nhà văn Tự lực văn đoàn đặc biệt chú ý đến yếu tố dân tộc trong sáng tác. Hình ảnh quê hương Việt Nam, đặc biệt là những hình ảnh về nông thôn, trong văn xuôi Tự lực văn đoàn được miêu tả bằng ngòi bút giàu tình cảm, với giọng văn trong sáng và tinh tế, làm nổi bật vẻ đẹp chất phác, đơn sơ mà trong trẻo, bình yên. Văn chương Shirakaba cũng có không ít hình ảnh đẹp về phong cảnh tự nhiên, thậm chí có nhiều hình ảnh tươi mới và rạng rỡ như những bức tranh của trường phái ấn tượng. Nhưng nhìn chung thì nhóm Tự lực văn đoàn có xu hướng miêu tả để làm nổi bật vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam như một bức tranh nền, và trên bức tranh ấy tùy theo trường hợp sẽ hiện lên những hình ảnh khác nhau về diện mạo con người và đời sống của người dân trong nước. Đặc điểm này được thể hiện rõ nhất trong thế giới truyện ngắn của Thạch Lam và một số tác phẩm mang dấu ấn lãng mạn rõ nét của Nhất Linh, Khái Hưng. Trong khi đó, các nhà văn Shirakaba lại thường tả khung cảnh gắn với tâm trạng nhân vật, hoặc gắn với một vấn đề nổi bật về con người và đời sống được ký thác vào tác phẩm, chẳng hạn hình ảnh “vầng trăng màu xám” trong Haiiro no tsuki, hay khung cảnh đồi núi ở Tottori trong Anya koro của Shiga Naoya. Vì không có những động cơ mạnh mẽ về mặt xã hội để nhấn mạnh tinh thần dân tộc trong sáng tác như trường hợp Tự lực văn đoàn nên các nhà văn Shirakaba miêu tả phong cảnh tự nhiên với cái nhìn tĩnh tại, khách quan của một người làm nghệ thuật, và khung cảnh ở Nhật Bản hay ở các nước phương Tây đều có thể trở thành những hình ảnh đẹp trong tác phẩm.
Một đặc điểm nổi bật của văn chương Tự lực văn đoàn là tinh thần chống phong kiến, phản đối những quan niệm, lối sống bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo và cổ vũ cho lối sống mới, cho khuynh hướng giải phóng con người và tôn trọng tự do cá nhân. Đây là khía cạnh làm cho văn chương Tự lực văn đoàn tuy nổi bật với giọng điệu mơ mộng và lý tưởng nhưng vẫn có yếu tố hiện thực, vẫn thể hiện vai trò đấu tranh với mặt trái của xã hội để hướng con người đến lối sống hiện đại, văn minh, tạo cho con người niềm tin và lý tưởng để dũng cảm vượt thoát những ràng buộc lâu đời, xây dựng những giá trị mới và tốt đẹp cho đời sống tương lai.
Đặc điểm trên có lẽ là sự thể hiện rõ nét nhất sự khác biệt về phong cách văn chương của phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn, cũng là sự khác biệt quan trọng do sự chi phối của điều kiện văn hóa – xã hội làm nền tảng cho hoạt động của hai văn phái. Vì ra đời và hoạt động trong một xã hội đang chịu ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai trong khi cả dân tộc đang loay hoay tìm một hướng đi cho việc đổi mới đất nước kết hợp với giành quyền tự chủ, nhóm Tự lực văn đoàn chủ động đảm nhận vai trò của trí thức đương thời là định hướng cho đại chúng, đặc biệt cho tầng lớp bình dân, trong việc đổi mới tư tưởng và lối sống. Phái Shirakaba thì may mắn hơn, có điều kiện để chỉ tập trung vào vấn đề sáng tạo cái đẹp trong nghệ thuật. Các nhà văn Shirakaba quan tâm nhiều hơn đến phương diện tâm lý, đào sâu vào thế giới nội tâm của con người và qua đó thể hiện cái nhìn sắc sảo về bản chất, thân phận con người nói chung. Các nhà văn Tự lực văn đoàn thì dừng lại ở hình ảnh con người sống trong thời kỳ quá độ, trước sự suy tàn của tư tưởng phong kiến và sự chi phối của văn hóa – tư tưởng phương Tây, khát khao vươn đến lý tưởng về một đời sống mới. Vì vậy hình ảnh con người trong văn chương Tự lực văn đoàn gắn với không khí xã hội nhiều hơn con người trong văn học Shirakaba, nhưng các nhà văn Shirakaba lại có những tìm tòi sâu sắc, thể hiện thành những trang viết mạnh mẽ và giàu tính nghệ thuật hơn về bản chất, tâm lý con người.
Mức độ, khuynh hướng khác nhau trong cảm nhận và miêu tả con người ở phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn thể hiện rõ nhất ở hình ảnh con người cá nhân trong tác phẩm. Con người cá nhân trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn hầu như luôn là hình ảnh đại diện cho một lớp người, thể hiện quan niệm, lối sống của một tầng lớp nhất định trong xã hội. Vì thế con người cá nhân được các nhà văn Tự lực văn đoàn miêu tả theo kiểu điển hình hóa nhưng không tách rời những vấn đề căn bản của xã hội Việt Nam đương thời như vấn đề xung đột tư tưởng và lối sống giữa các thế hệ, vấn đề giải phóng cá nhân khỏi những ràng buộc lỗi thời của tư tưởng phong kiến. Trong khi đó, các nhà văn Shirakaba có khuynh hướng xây dựng hình ảnh con người cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có tư tưởng riêng, lối suy nghĩ độc đáo có thể khó gặp lại ở một cá nhân khác. Như vậy, phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn đều quan tâm đến con người cá nhân nhưng các nhà văn Shirakaba miêu tả cá nhân theo hướng đào sâu cá tính, thể hiện sự độc đáo nổi bật, thậm chí phát triển hình tượng cá nhân đến mức cực đoan theo cái nhìn của chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa vị kỷ, còn các nhà văn Tự lực văn đoàn gửi gắm vào hình ảnh con người cá nhân những ước vọng của tác giả và việc giải phóng con người, về vấn đề cải tạo xã hội và xây dựng một đời sống mới. Vì vậy hình ảnh con người cá nhân trong văn chương Tự lực văn đoàn thường đóng vai trò là phương tiện trung gian để tác giả nói đến sự xung đột giữa các nhóm người trong xã hội trong quá trình khẳng định tự do cá nhân, hướng đến sự giải phóng cá nhân. Trong văn chương Shirakaba thì vấn đề tự do cá nhân trong lối sống không còn là mục tiêu phản ánh quan trọng, vì ý thức về cá nhân đã phát triển sâu rộng trong xã hội Nhật Bản đương thời. Các nhà văn ở giai đoạn này bắt đầu đưa ra những kiến giải mới mẻ hơn, sâu sắc hơn về con người cá nhân như là một thực thể độc đáo, kết hợp yếu tố tự nhiên và xã hội, có đời sống nội tâm phức tạp và trải qua những vận động tâm lý tinh tế trong những hoàn cảnh đặc biệt, dưới sự tác động của nhận thức xã hội kết hợp với phản xạ của bản năng. Do theo đuổi lối viết tập trung vào hình ảnh con người cá nhân độc đáo, các nhà văn Shirakaba thường sử dụng hình thức tự truyện, trong khi các nhà văn Tự lực văn đoàn lại thường viết tiểu thuyết luận đề để trình bày quan điểm của cá nhân tác giả về con người và đời sống trong bối cảnh xã hội đương thời ở Việt Nam.
Để thể hiện những vấn đề phức tạp và tinh tế về con người và đời sống, các nhà văn Shirakaba phải đi sâu vào miêu tả nội tâm, khám phá tư tưởng, vì vậy nhiều tác phẩm của văn học Shirakaba là “truyện không có truyện”, trong đó tác giả chủ yếu nói về những suy tư trong dòng ý thức của nhân vật chính mà không chủ trương xây dựng cốt truyện kịch tính, hấp dẫn vì xung đột sự kiện. Sáng tác của nhóm Tự lực văn đoàn thì nhấn mạnh vấn đề xung đột tư tưởng, lối sống giữa lớp người trẻ tuổi đề cao tự do cá nhân với những người đại diện cho khuynh hướng bảo thủ của các đại gia đình phong kiến, cho nên có nhiều tiểu thuyết thiên về yếu tố sự kiện nhằm miêu tả một cách ấn tượng những xung đột giữa hai nhóm người nói trên, tuy rằng vẫn có một số tác phẩm, đặc biệt là truyện ngắn của Thạch Lam, cũng là kiểu “truyện không có truyện” vì chủ yếu miêu tả tâm hồn, tình cảm của nhân vật.
V vị trí của văn phái trong nn văn học quốc dân
Xuất hiện trên diễn đàn văn học đang trong tiến trình hiện đại hóa ở Việt Nam và Nhật Bản, phái Shirakaba và nhóm Tự lực văn đoàn đều có những đóng góp đáng ghi nhận cho sự phát triển của văn học hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của thể loại tiểu thuyết về cả nội dung, chủ đề và phương pháp biểu đạt. Tuy nhiên, do Việt Nam và Nhật Bản đương thời có hoàn cảnh văn hóa – xã hội khác nhau nên dấu ấn và ảnh hưởng của hai văn phái để lại trong hai nền văn học không hoàn toàn giống nhau.
Tác phẩm văn học, như quan niệm của một số nhà lý luận – phê bình, chỉ trở nên hoàn chỉnh khi được người đọc tiếp nhận. Cho nên đánh giá thành tựu của một tác giả hay một trường phái, một trào lưu văn học cũng không thể bỏ qua vấn đề tiếp nhận thành tựu ấy từ phía độc giả. Hơn thế nữa, có thể nói chính thái độ tiếp nhận, nội dung bình luận, đánh giá của độc giả ở môi trường văn hóa mà tác phẩm được sinh ra quyết định phần lớn sự tồn tại và vị trí của một tác phẩm, một tác giả hay một trào lưu trong nền văn học.
Trong trường hợp của hai văn phái Shirakaba và Tự lực văn đoàn, độc giả tiếp nhận tác phẩm của những nhà văn này là công chúng ở Nhật Bản và Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, bao gồm cả người đọc thông thường và giới văn nghệ sĩ, giới phê bình văn học. Sự khác nhau về trình độ nhận thức, nhu cầu thẩm mỹ hay quan niệm nghệ thuật của công chúng ở hai bên có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định vị trí của từng văn phái trong nền văn học quốc dân ở Việt Nam và Nhật Bản.
Như đã nói ở phần trên, sự thống trị của thực dân Pháp và sự xâm nhập đột ngột, mang tính khiên cưỡng của văn hóa – tư tưởng phương Tây vào Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX đã làm cho văn hóa – xã hội Việt Nam trở nên phức tạp vì bao hàm nhiều yếu tố đan xen vào nhau, nhiều điểm đứt nối và nhiều sự kết hợp chưa nhuần nhuyễn hoặc không tương thích. Trong tình hình chung như thế, vấn đề sáng tác và tiếp nhận nghệ thuật đều bị phân hóa thành nhiều xu hướng khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Tác phẩm của các nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn thiên về ủng hộ cái mới, hướng đến việc xây dựng một nền văn học quốc ngữ đại chúng và chủ trương giải phóng cái tôi cá nhân đã thổi vào diễn đàn văn nghệ đương thời một luồng gió mới, nên nhanh chóng gây được ấn tượng với một bộ phận công chúng có khuynh hướng ủng hộ lối sống mới hoặc ủng hộ sự cách tân trong sáng tác văn chương. Hình ảnh những chàng trai, cô gái trẻ trong tình yêu lãng mạn hoặc những nhân vật được lý tưởng hóa về đạo đức, lối sống đã tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ của văn chương Tự lực văn đoàn, đặc biệt đối với một tầng lớp độc giả trẻ đang tìm kiếm tự do cá nhân và yêu chuộng vẻ đẹp thanh tân, trong trẻo. Nhờ vậy, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn không những sớm khẳng định được vị trí trong đời sống văn nghệ đương thời mà còn có tác động mạnh mẽ đến lối sống, suy nghĩ và hoài bão của không ít thanh niên trong khoảng thời gian xã hội Việt Nam đang diễn ra sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, đang tiến hành đồng thời việc học hỏi phương Tây và đấu tranh chống phương Tây.
Tuy nhiên, do đất nước đang bị ngoại bang đô hộ nên việc đấu tranh giành độc lập vẫn luôn là vấn đề bức thiết hàng đầu, chi phối tư tưởng và cảm xúc của mọi tầng lớp người trong xã hội. Từ thập niên 1930, phong trào cách mạng và công cuộc kháng chiến chống Pháp đã nhanh chóng trở thành tâm điểm trong ý thức xã hội của mọi người. Không chỉ những thanh niên lên đường nhập ngũ mà đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức cũng quan tâm theo dõi từng bước đi của phong trào cách mạng. Trong hoàn cảnh ấy, mỗi người dân trong nước đều mong muốn được góp phần vào công cuộc đấu tranh của toàn dân, mọi nguồn lực của cá nhân và xã hội đều cần được tập trung cho sự thành công của kháng chiến. Sự thay đổi nhanh chóng và nhất loạt của tình hình xã hội đã tác động sâu sắc đến đời sống văn nghệ đương thời, và nghệ thuật cũng được xem là một nguồn lực phục vụ cho phong trào cách mạng. Từ đó, ý thức cách mạng chi phối mọi phương diện trong sáng tác văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung, đòi hỏi văn nghệ sĩ phải dùng tài năng nghệ thuật để cổ vũ tinh thần cho kháng chiến. Phong cách lãng mạn và vẻ đẹp thơ mộng của văn chương Tự lực văn đoàn rõ ràng không phù hợp với những yêu cầu do sự vận động xã hội trong thời kỳ ấy đặt ra, và từ chỗ đại diện cho cái mới đã trở nên lạc lõng, bị đẩy ra bên lề của công cuộc vận động đang thu hút mọi nguồn lực xã hội và chi phối sâu sắc suy nghĩ, cảm xúc của mỗi cá nhân.
Phái Shirakaba xuất hiện sớm hơn nhóm Tự lực văn đoàn hai thập niên nhưng trải qua quá trình sinh hoạt văn nghệ trong một bối cảnh khác. Ở thời điểm mà phái Shirakaba chính thức góp mặt vào văn đàn thì văn học Nhật Bản đã trải qua một quá trình thay đổi khá dài với nhiều giai đoạn biến đổi và nhiều thành tựu lớn. Thơ cách tân và tiểu thuyết đều được phát triển đến trình độ cao và đã trở nên quen thuộc với độc giả đương thời. Việc học hỏi kỹ thuật viết của văn học hiện đại phương Tây cũng đã qua thời kỳ mô phỏng hay tiếp thu một cách cứng nhắc, tiến đến giai đoạn mà các nhà văn trong nước có thể phát huy cá tính và bút pháp riêng, có thể kết hợp các yếu tố Đông – Tây để tạo ra lối viết mới. Cho nên, văn chương Shirakaba tuy có nhiều điểm mới, thể hiện ở một mức độ nhất định tư tưởng và phong cách độc đáo của nhà văn nhưng chỉ là một giai đoạn nằm giữa tiến trình hiện đại hóa văn học. Đó là những yếu tố quan trọng đã chi phối ý thức tiếp nhận của độc giả đối với sáng tác của phái Shirakaba.
Một mặt, văn chương Shirakaba trong nhận thức của độc giả đương thời chỉ là sự thể hiện một khuynh hướng sáng tác, và không gây ấn tượng mạnh mẽ như tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn với vai trò định hướng và khuếch trương cái mới trong hoàn cảnh văn hóa – xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Mặt khác, phái Shirakaba – cũng như nhiều trường phái, trào lưu văn học khác – đến một thời điểm nhất định thì lùi vào “hậu trường” của sân khấu văn nghệ, khi có sự xuất hiện của một hay nhiều trào lưu, phong cách văn chương mới được độc giả ủng hộ nhiệt tình hơn. Đó cũng là quy luật thông thường của sự vận động trong đời sống nghệ thuật nói riêng và của sự phát triển nói chung. Trong trường hợp như vậy thì một trào lưu, một lối viết không còn chiếm lĩnh vị trí trung tâm của văn đàn không có nghĩa là bị xóa bỏ, bị phủ nhận trong hiện tại. Những thành tựu, đóng góp của các nhà văn, các trào lưu văn học đã lùi vào quá khứ vẫn được độc giả nhiều thế hệ thưởng thức, tìm hiểu, đánh giá từ nhiều góc nhìn, nhiều cách cảm nhận khác nhau. Phái Shirakaba trong tiến trình văn học hiện đại Nhật Bản đã bừng nở trong một thời điểm nhất định và được lưu danh như một đoạn đường nhất định mà nền văn học phải đi qua để tiếp tục đổi mới và phát triển. Trong khi đó, vì xuất hiện ở thời điểm “bản lề” của cuộc vận động xã hội có quy mô lớn mà nhóm Tự lực văn đoàn cũng trải qua một quá trình biến động khác thường, và thành tựu văn học của các nhà văn trong nhóm đã được tiếp nhận với thái độ, cảm xúc rất khác nhau trong tiến trình lịch sử nhiều giai đoạn. Vì vậy, tìm hiểu vị trí của mỗi văn phái trong nền văn học quốc dân trên cơ sở so sánh với một trường hợp tương đương của nền văn học khác không chỉ có tác dụng làm rõ đặc trưng, thành tựu của riêng văn phái ấy mà còn giúp người nghiên cứu nhìn ra được nhiều chi tiết để nhận xét đầy đủ hơn về ý nghĩa của một giai đoạn, một thời kỳ văn học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét