Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

KANAZAWA – CHÚT “DUYÊN NỢ” VỚI NGƯỜI BẢN XỨ



Tôi biết đến Kanazawa là do một chương trình giao lưu văn hóa của tổ chức Japan Foundation. Nhóm chúng tôi được gửi đến một trung tâm của tổ chức này để học tập và tham quan, trải nghiệm cùng người bản xứ trong hai tháng hè ngắn ngủi.
Kanazawa là một thành phố nhỏ nằm ở sườn tây của đảo Honshu, miền trung nước Nhật. So với những đô thị khổng lồ hoành tráng như Tokyo hay Osaka thì thành phố này chỉ là một mảnh đất vô cùng nhỏ bé, thậm chí còn là một nơi buồn tẻ đối với nhiều người trẻ tuổi ưa thích những nơi đông người vui nhộn.
Mấy tuần đầu tiên, chúng tôi được trung tâm giao lưu văn hóa sắp xếp cho lưu trú trong một nhà khách địa phương – một tòa nhà không đến nỗi nhỏ bé nhưng cũng chẳng phải là đồ sộ nằm chênh vênh bên triền núi. Mặt tiền nhà khách là một khoảng sân khá rộng nhìn xuống thành phố bên dưới lô xô nhà cửa, còn phía sau và hai bên nhà khách đều rậm rạp cây cối trong màu xanh ngút ngát của núi rừng. Những ngày mới đến, vào buổi chiều muộn chúng tôi thường ra khoảng sân rộng rãi đó nhìn xuống thành phố, ngạc nhiên khi đã bảy giờ rưỡi tối mà nắng vẫn còn rải vàng ươm trên các mái nhà. Mấy cô bạn cùng nhóm kêu nhớ nhà, bảo cái thành phố này sao mà lặng lẽ, rồi cái nhà khách này sao lại nằm trơ trọi ở một nơi buồn tẻ, chỉ có núi rừng và cây cối bao quanh...
Nhưng riêng tôi thì lại thấy hài lòng và thích thú khi được ở một nơi yên tĩnh, sạch đẹp và gần gũi thiên nhiên đến thế. Tôi thích con đường xanh rì tre trúc dẫn từ chân núi lên nhà khách, thích đứng bên triền núi nhìn dòng sông trong vắt với bãi sông đầy sỏi chảy qua thành phố lô nhô những mái ngói nâu trầm, thích những cây thông phía trước nhà khách với lũ quạ đen thường đậu trên ngọn cây cứ thỉnh thoảng lại kêu lên quàng quạc...
Và những người mà chúng tôi tiếp xúc nơi đây cũng vô cùng tử tế. Những chị đầu bếp đã nấu cho chúng tôi nhiều bữa ăn ngon, tuy có những món do không quen khẩu vị hoặc vì lượng thức ăn nhiều quá nên chúng tôi dù áy náy vẫn phải để lại thức ăn thừa. Các nhân viên lễ tân đều lịch sự, dịu dàng và luôn chỉ dẫn tận tình khi chúng tôi có điều gì thắc mắc. Nhưng người giúp đỡ chúng tôi nhiều nhất là chú trưởng phòng lễ tân. Do sắp xếp của trung tâm giao lưu văn hóa, chú thường lái xe đưa chúng tôi đến trung tâm để học rồi lại đến đón chúng tôi về. Lần đầu tiên đến Nhật nên chúng tôi luôn nhìn quang cảnh xung quanh với ánh mắt tò mò, lạ lẫm. Còn chú thì suốt đời sống ở cái thành phố dễ thương này và quanh năm bộn bề công việc nên lần đầu tiên mới tiếp xúc và trò chuyện với người Việt Nam. Thế là hai bên luôn tranh thủ mấy phút ngắn ngủi trên xe để hỏi nhau nhiều thứ. Và tuy rất bận rộn vì công việc nhưng chú thường tranh thủ chở chúng tôi đi tham quan nơi này nơi khác, thậm chí đã từng bỏ công tìm kiếm những nơi mà chúng tôi “trót” mở miệng hỏi thăm, dù đó chỉ là nơi thỏa mãn những thú vui vặt vãnh của bọn con gái chúng tôi như cửa hàng 100 yen hay quán thịt nướng đặc trưng kiểu Nhật.
Rồi một buổi trưa, trên đường chở chúng tôi từ trung tâm về nhà khách sau giờ học, chú bỗng nói với vẻ nghiêm trang rằng tối hôm ấy sẽ đưa chúng tôi đến một nơi thú vị trong vùng. Lời hứa hẹn của chú làm chúng tôi phấn khởi và hồi hộp. Mấy bạn trẻ hăng hái chọn quần áo đẹp dù không biết cụ thể sẽ được đến nơi nào. Khi gặp chúng tôi ở tiền sảnh của nhà khách trước giờ xuất phát, chú nhắc nhở rằng không nên mặc váy và áo ngắn tay, làm cô bé ăn diện đỏm dáng nhất trong cả nhóm phải lo lắng quay về phòng để thay đổi trang phục. Chú lái xe rất nhanh nên loáng cái chúng tôi đã ra khỏi nội thành. Xe chạy băng băng giữa cánh đồng trong bóng chiều nhập nhoạng. Thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy một đám sen lướt qua ô cửa kính. Rồi chú cho xe chạy chậm lại, rẽ vào một con đường đất nhỏ rồi đỗ lại ven đường. Chúng tôi đi bộ trên bờ ruộng đến bên một cái mương dẫn nước. Bên kia bờ mương là cây cối um tùm. Chú nhìn vào đám cây đang sẫm dần lại trong bóng tối với vẻ sốt ruột, rồi bảo rằng nơi này có nhiều đom đóm lắm, cứ kiên nhẫn đợi một tí mà xem. Tôi thật sự bất ngờ vì không thể tưởng tượng rằng mình được thưởng thức một thú vui độc đáo nhưng dường như đã lùi vào quá vãng của người Nhật một cách đơn giản thế này. Cứ như mình bỗng nhiên lạc vào những trang tiểu thuyết nên thơ của Kawabata hay là quay ngược thời gian để sống trong không khí của Truyện Genji vậy! Ánh đom đóm lập lòe trên cái nền cây cối dọc bờ mương đã trở nên đen thẫm, như đang trình diễn trước mắt chúng tôi một vũ hội độc đáo không lời. Cả nhóm cứ xuýt xoa, trầm trồ trước những đường bay ngoạn mục tạo nên một khung cảnh đặc biệt trong đêm mùa hạ giữa cánh đồng im vắng, nhưng người hướng dẫn rất nhiệt tình của chúng tôi thì có vẻ như không được hài lòng. Chú vừa nhìn ngắm cùng chúng tôi vừa luôn miệng bảo rằng có những đêm “vũ hội” còn đẹp hơn thế nữa, rằng chú đã từng nhìn thấy những chùm đom đóm tỏa ra đông đúc và sáng rực như người ta bắn pháo hoa...
Chuyến “du ngoạn” ra ngoại thành Kanazawa hôm ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt. Có thể điều đó chỉ gây được một chút bất ngờ thoáng qua đối với những bạn trẻ ưa thích cảnh phồn hoa và ngưỡng mộ nước Nhật vì những thành tựu kỹ thuật và kinh tế. Nhưng với tôi, chuyến đi ấy là một cuộc tiếp cận sâu sắc nhất văn hóa truyền thống và tư tưởng thẩm mỹ độc đáo của người Nhật Bản mà khó có tour du lịch đắt đỏ nào cung cấp được giữa thế giới hiện đại ngày nay. Không phải những đường bay ngoạn mục của loài đom đóm mà là sự nhiệt tình, thái độ, cảm xúc của “hướng dẫn viên” đặc biệt mà chúng tôi may mắn được gặp ở nhà khách tại Kanazawa đã nói với tôi rằng những thú vui tao nhã gắn với tình yêu thiên nhiên sâu sắc của người dân ở xứ sở này là có thật, rằng cái “văn hóa nhìn” của người Nhật Bản qua mấy nghìn năm vẫn sống trong dòng máu, trong hơi thở của những con người hiện đại, giữa vô vàn cao ốc và những thiết bị văn minh, chứ không phải chỉ là thứ ảo ảnh mỹ miều đã chết cứng từ lâu trong những trang sách cổ!
Tuy chỉ lưu trú trong nhà khách có ba tuần nhưng lòng nhiệt tình của nhân viên nhà khách và sự đối đãi ân cần, giàu tình cảm của chú trưởng phòng lễ tân đã nhanh chóng tạo nên cảm giác thân thương, quyến luyến của chúng tôi đối với nơi này. Khi chuẩn bị chia tay nhà khách để bước vào chương trình homestay theo sự sắp xếp của trung tâm giao lưu văn hóa, chúng tôi đã bày tỏ sự cảm kích với nhân viên nhà khách và tâm sự cùng chú “hướng dẫn viên” những điều lo lắng băn khoăn cho những ngày sắp đến, giống hệt như những đứa trẻ sắp phải rời xa tổ ấm gia đình để bước ra cuộc đời rộng lớn còn bất an về khả năng tự lập của mình. Tôi còn nhớ lúc ấy chú vẫn ân cần động viên chúng tôi, cho chúng tôi số điện thoại liên lạc và bảo rằng cứ gọi cho chú nếu cần thiết, hoặc lúc nào rảnh rỗi thì có thể gặp nhau trò chuyện trước khi chương trình kết thúc và chúng tôi rời khỏi Kanazawa. Chúng tôi cũng không quên cảnh chú cùng các nhân viên lễ tân đứng ở cửa nhà khách, vẫy tay chào chúng tôi xách những chiếc vali to đùng bước lên xe buýt về trung tâm, trong một buổi trưa mùa hạ có mưa bay lất phất. Hình ảnh ấy còn giúp tôi hiểu thêm rằng trong ngành dịch vụ, muốn lay động tình cảm của khách hàng thì ngoài tính chuyên nghiệp còn phải có thêm cả sự chân thành nữa, rằng nguyên nhân sâu xa nhất của sự phát triển nhanh chóng ở đảo quốc này không phải là sự giàu có về tài nguyên hay sự tiên tiến về kỹ thuật, mà là những con người luôn dốc sức và tận tâm trong công việc, dù là việc nặng nhọc hay nhỏ nhặt đến đâu.
Tuy đã được gặp nhiều người Nhật tử tế ở nhà khách nhưng “tiết mục” homestay vẫn là điều làm chúng tôi lo lắng nhất trong suốt cả chương trình. Chuyện người Nhật khó tính thì chúng tôi đã biết từ lâu. Và buổi nói chuyện với người phụ trách chương trình của chúng tôi ở Việt Nam, tuy có cung cấp thêm cho chúng tôi một số kinh nghiệm vể ứng xử và sinh hoạt thông thường trong gia đình người Nhật, lại làm cho tôi càng thêm hoang mang vì sự tỉ mỉ trong những chuyện “bếp núc” của chủ nhà. Biết rằng bản thân vốn là một người ít nữ tính và lại hay đểnh đoảng, tôi thật sự lo mình sẽ làm cho những vị chủ nhà khó tính nổi giận và làm ảnh hưởng đến uy tín của chương trình. Nỗi lo ấy ám ảnh tôi suốt mấy ngày cuối cùng trong nhà khách, tạo nên tâm lý căng thẳng và khiến cho những niềm vui nỗi buồn vì mọi chuyện xung quanh bị phân tán ít nhiều.
Mọi chuyện tuần tự diễn ra đúng như trong kế hoạch. Chuyến xe buýt đưa chúng tôi từ nhà khách trên triền núi xuống trung tâm giao lưu văn hóa trong một tòa nhà lớn nằm gần ga Kanazawa. Cùng với nhiều nhóm khác đến tham dự các chương trình giao lưu văn hóa và các khóa học tiếng Nhật ngắn hạn, chúng tôi tập trung vào một gian phòng để gặp người phụ trách, nghe phổ biến các thông tin về gia đình mà mình được gửi đến ở chung, rồi gặp mặt người đại diện gia đình đến đón chúng tôi hôm ấy.
Dù mấy năm gần đây tôi hay quên đến nỗi nhiều lúc phải tự ngạc nhiên về sự đãng trí của mình, nhưng diễn biến của buổi họp để bắt đầu chương trình homestay hôm ấy thì đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ. Khi người phụ trách cung cấp thông tin về các gia đình đã hợp tác với trung tâm để tiếp nhận chúng tôi, tôi thấy gia đình “của mình” cũng không có gì đặc biệt đáng mừng hay đáng lo. Theo lời người phụ trách thì nơi tiếp nhận tôi chỉ có hai vợ chồng tuổi đã trên dưới 70, nhà ở trong thành phố Kanazawa nhưng không quá gần trung tâm nên tôi sẽ phải đi xe buýt đến trường (vì trong chương trình homestay thì chúng tôi không còn được đưa đón mỗi ngày như lúc ở nhà khách trước đây). Mấy người bạn cùng nhóm đều được gặp các “phụ huynh” trẻ tuổi hơn nên tỏ ra ái ngại cho tôi phải ở cùng một “gia đình” buồn tẻ. Nhưng tôi thì chỉ lo lắng vì sự khó tính ở những người cao tuổi, chứ tuyệt nhiên không có kỳ vọng gì về sự vui nhộn trong cái “sứ mệnh” có vẻ hết sức khó khăn này! Chỉ đến lúc chúng tôi tạm thời chia tay nhau để mỗi người đi theo “gia đình mới” thì tôi mới thấy hơi “tủi thân” trước những cô bạn được đón về bằng ô tô, trong khi mình phải kéo mớ hành lý nặng trĩu ra ga cùng hai người phụ nữ - một người đã già yếu và một người ở tuổi bốn mươi nhưng cũng gầy gò nhỏ nhắn – để cùng họ đón xe buýt về “nhà”.
Bây giờ, nhớ lại những gì đã diễn ra trong chương trình homestay lần ấy, tôi mới thấm thía chuyện rủi may mà người ta gặp phải trong đời. Sau khi được tiếp nhận về các gia đình ở những nơi khác nhau trong ngày chủ nhật, bốn thành viên trong nhóm chúng tôi gặp lại nhau vào buổi sáng đầu tuần để tham gia giờ học ở trung tâm như thường lệ. Tôi sửng sốt khi hai bạn trẻ cùng nhóm vừa mở miệng hỏi thăm nhau khi chạm mặt ngoài hành lang đã cùng nhau bật khóc nức nở. Dù hết sức lo lắng nhưng tôi vẫn im lặng ngồi bên hai bạn và kiên nhẫn đợi cho cơn xúc động qua đi. Rồi các bạn cũng bình tâm lại và kể cho tôi nghe những điều không may trong ngày đầu tiên đến ở trong gia đình người Nhật. Câu chuyện của hai bạn quả thật cũng khiến tôi hơi lúng túng, vì ngoài yếu tố khách quan như tình trạng mâu thuẫn vợ chồng trong gia đình tiếp nhận homestay và thái độ lạnh nhạt của chủ nhà, tôi nhận thấy các bạn của mình có vẻ còn quá “trẻ” khi bước chân vào một chương trình như vậy. Có lẽ vì chưa từng phải sống một mình ở nơi xa lạ và chưa biết cách bỏ qua tình cảm cá nhân trong giao tiếp mà các bạn hầu như không chịu nổi khi cảm thấy chủ nhà thiếu niềm nở, thiếu quan tâm; thấy sợ khi phải một mình về “nhà” qua đoạn đường tối và vắng vẻ; ngỡ là mình bị khinh thường hay phân biệt đối xử khi chủ nhà cho uống nước máy vặn trực tiếp từ vòi nước nơi bồn rửa v.v... Nhưng nói cho cùng thì tôi cũng là một người Việt Nam và có lẽ cũng thiếu nhiều thứ kỹ năng sống không khác gì các bạn, nên tôi chỉ biết cảm thông và an ủi trước những trường hợp rủi ro này.
Về phần mình, tôi chẳng dám nói gì trước hai bạn vừa gặp cảnh ngộ không may mắn. Làm sao tôi có thể kể với những bạn ấy rằng mình đã trải qua một buổi tối tuyệt vời, chính xác hơn là một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ và thú vị, trong một ngôi nhà truyền thống nhỏ hẹp nhưng ấm cúng, với những người Nhật bình dân nhưng hết sức niềm nở, ân cần!
Những hồi hộp, lo lắng trong mấy ngày trước đó khiến tôi quên bẵng mất sinh nhật của mình, dù mới nhận được lời chúc mừng và những quà tặng dễ thương từ hai bạn trẻ. Ngày đầu tiên của chương trình homestay, bước chân vào ngôi nhà mà mình sẽ ở lại trong 3 tuần, tôi càng căng thẳng vì thấy đây rõ ràng là kiểu nhà truyền thống với phòng khách nhỏ xíu và kiểu bàn thấp có gắn kotatsu dùng trong mùa lạnh, với quy định cụ thể về chỗ ngồi của người chủ gia đình và các thành viên; với sự sạch sẽ tinh tươm thể hiện trong từng góc nhỏ và những lời dặn dò chu đáo về sinh hoạt trong nhà của hai vị chủ nhân mà từ lúc ấy tôi gọi là bố mẹ. Sau một loạt những lời hỏi đáp mà tôi cho là một kiểu “thủ tục” ban đầu, đang khép nép trên tấm đệm ngồi và rón rén nhấc chiếc ly thủy tinh đựng thứ trà gạo rang mình rất thích thì tôi nghe mẹ nuôi “thông báo” rằng tối nay mọi người trong nhà sẽ làm tiệc sinh nhật cho tôi – một kiểu tiệc nhỏ trong phạm vi gia đình. Tôi ngạc nhiên đến sững sờ và chẳng biết phải nói gì thêm nữa! Thấy mặt tôi cứ nghệch ra vì ngơ ngác, mẹ nuôi lại lục tìm hồ sơ nhận được từ trung tâm để xác nhận, thậm chí còn hỏi lại tôi rằng có đúng hôm ấy là ngày sinh của tôi không!
Cứ tưởng là khi ở căn nhà này thì tôi chỉ “liên quan” đến hai vị chủ nhà cao tuổi như trong hồ sơ giới thiệu của trung tâm, không ngờ mọi chuyện còn có sự tham gia của hai người chị là con gái của bố mẹ nuôi đã lập gia đình. Chị Miki ở ngay phía sau nhà bố mẹ, là người đã cùng với mẹ đến trung tâm đón tôi về trong ngày đầu tiên của chương trình và hàng ngày vẫn chạy qua giúp mẹ những việc nhà lặt vặt. Chị Mayumi thì ở cách nhà bố mẹ chừng mười phút lái xe, có vẻ rất bận rộn vì công việc nhưng lại rất nhiệt tình tham gia vào những “sự kiện” ở nhà mẹ đẻ. Hai chị khác hẳn nhau từ diện mạo đến tính tình, nhưng cả hai đều rất quan tâm đến người thân và hết sức khéo léo trong công việc chăm sóc, giúp đỡ người khác.
Bữa tiệc ấm cúng ở nhà bố mẹ nuôi hôm ấy là tiệc sinh nhật lớn và đẹp nhất của tôi cho đến hôm nay, mà cũng có thể là cho đến hết đời, vì tôi vốn hay quên ngày sinh của mình nên chuyện tổ chức sinh nhật hầu như không có. Hôm ấy mẹ nuôi và chị Miki làm các món ăn truyền thống, tuy số lượng không nhiều nhưng các món đều có màu sắc hấp dẫn và mùi vị khá dễ chịu đối với một người chưa quen các loại đồ tươi sống và thức ăn kiểu Nhật. Tôi cố gắng phụ bếp nhưng rốt cuộc chẳng làm được gì ngoài việc học tên các loại rau và “khám phá” ra thứ dụng cụ ngộ nghĩnh dùng để... làm khô lá rau xà lách sau khi rửa! Rồi chị Mayumi ập đến như một cơn gió lạ, dẫn theo cả chồng và con trai. Chị chào tôi với vẻ rất tự nhiên nhưng đôi mắt lại đang mở tròn xoe, chừng như ngạc nhiên và thích thú! Ngay khi vừa bước vào bếp, chị lấy từ túi xách trên tay một hộp quả anh đào đỏ mọng và hỏi tôi từng ăn thứ này chưa. Nghe tôi bảo chưa ăn, mắt chị sáng lên mừng rỡ vì nghĩ rằng mình đã mua được một món quà đúng lúc. Còn tôi thì ấn tượng với sự thẳng thắn ở chị khi tôi hỏi quả này có đắt không, chị bảo đắt chứ vì đây là loại hàng cao cấp, nhưng vì hôm nay làm sinh nhật cho tôi nên chị mới mua.
Và trong thời gian tôi còn ở lại nhà bố mẹ, chị Mayumi cũng là người có vai trò chủ yếu trong việc sắp xếp các buổi sinh hoạt nho nhỏ để tôi có điều kiện “giao lưu” nhiều hơn với gia đình, chẳng hạn như những buổi tổ chức nấu ăn để tôi giới thiệu món ăn Việt Nam và thưởng thức những món ăn Nhật mà tôi thích. Công việc của chị là chăm sóc người cao tuổi nên mỗi ngày phải lái xe đi thăm các thân nhân ở nhiều hộ gia đình. Tuy vất vả và bận rộn nhưng chị vẫn thường ghé lại nhà bố mẹ hỏi thăm tôi. Không phải chỉ là kiểu chào hỏi xã giao cho qua chuyện mà chị thật lòng muốn biết về tôi, về Việt Nam và luôn tìm hiểu nguyện vọng của tôi để giúp tôi có được những trải nghiệm hữu ích về Nhật Bản và những hình ảnh đẹp, kỷ niệm đẹp về thành phố bé nhỏ thanh bình mà chị gắn bó từ lúc mới sinh ra.
Khi biết rằng chỉ còn vài hôm nữa là chương trình homestay kết thúc, mẹ và chị Miki đợi tôi ở phòng khách trước giờ cơm chiều, rồi với vẻ chân thành đến mức gần như khẩn thiết và căng thẳng, xin lỗi vì thời gian vừa qua đã không sắp xếp được thời gian để đưa tôi đi chơi nhiều nơi như các gia đình đã tiếp nhận mấy người bạn cùng nhóm của tôi, rồi hỏi tôi có nguyện vọng gì trong khoảng thời gian còn lại. Tôi nghe xong thì suýt bật cười. Cứ như là còn mấy ngày nữa thì mình sẽ chết! Nhưng quả thật tôi không thể nào không xúc động trước những lời mộc mạc mà thể hiện sự quan tâm chân thành và tinh thần trách nhiệm cao, vội thưa rằng mình đã hoàn toàn mãn nguyện với thời gian gắn bó cùng gia đình trong chương trình homestay lần này, rất cảm kích trước tình cảm thân mật của mọi người và không có nguyện vọng gì đặc biệt vì cũng đã được thăm thú nhiều nơi qua các chương trình do trung tâm sắp xếp. Thế mà mọi người vẫn không yên lòng, vẫn thảo luận với nhau về những điểm tham quan trong thành phố và cố tìm hiểu sở thích của tôi xem nơi nào là phù hợp. Cuối cùng mọi người nhất trí rằng sẽ dành một buổi chiều để đưa tôi đi thăm khu mộ cổ của một dòng họ lãnh chúa thời Mạc phủ, trường đại học Kanazawa và một chợ hoa ở ngoại thành.
Vì chuyến đi lần ấy bắt đầu khoảng 3 giờ chiều nên cả chị Miki và chị Mayumi còn đang bận việc. Phải đến lúc bố mẹ chở tôi từ chợ hoa trở về thì cả nhà mới gặp nhau và cùng đi ăn tối ở nhà hàng – một kiểu tiệc chia tay nhỏ dành cho tôi. Với một người đam mê du lịch và khám phá những điều mới mẻ như tôi thì chuyến đi hôm ấy tuy chẳng phải là sự kiện trọng đại gì nhưng cũng giúp tôi thêm vào kho kỷ niệm một vài điều nho nhỏ. Điều quan trọng nhất đối với tôi hôm ấy là cảm xúc rất chân thành khi chị Mayumi vừa lái xe xuống con dốc dẫn vào nhà hàng vừa chỉ tôi nhìn cảnh hoàng hôn phía chân trời và bảo: “Mai này nếu có dịp đến Nhật thì em lại về Kanazawa chơi nhé. Nơi này đã ít nhiều quen thuộc với em rồi phải không?” Lúc ấy, dù vốn không thích bày tỏ tình cảm kiểu “đại ngôn” nhưng tôi đã nói với chị rằng mình sẽ nhớ đến nơi này như quê hương thứ hai - nơi có một mái nhà quen thuộc và những người mình thật sự thích sẻ chia, gặp gỡ.
Và cũng thật may mắn khi chỉ hơn hai năm sau lần chia tay ấy thì tôi đã có dịp xác nhận lại cảm xúc của mình. Đó là một đêm mùa thu Tokyo mưa dầm rả rích. Mưa chỉ lất phất bay nhưng làm cho bầu không khí trở nên lạnh hẳn đi và đầy hơi nước lại càng lạnh đối với một người chưa quen khí hậu vùng ôn đới như tôi. Sau một hồi lâu đứng co ro bên hành lang của một tòa nhà lớn, tôi được nhân viên của hãng xe buýt đêm chạy nhiều tuyến đường liên tỉnh hướng dẫn đến chỗ chuyến xe tôi đã đặt đang đón khách để chuẩn bị khởi hành. Vội vã xách ba lô chạy đến nơi đỗ xe dưới làn mưa càng lúc càng nặng hạt, tôi đang lóng ngóng gấp dù trước lúc bước lên xe thì một nhân viên đứng bên cạnh lái xe đến đỡ lấy ba lô của tôi để cất vào khoang hành lý và hỏi nhanh: “Chị xuống trạm nào?” “Ga Kanazawa”, tôi trả lời cũng rất nhanh rồi bước hẳn vào xe để tránh mưa. Khi đã yên vị ở chỗ ngồi thoải mái trong lòng xe hơi tối với không gian có điều hòa nhiệt độ ở mức dễ chịu, tôi bỗng nhớ lại câu trả lời ngắn gọn mà mình vừa thốt lên với nhân viên hãng xe trong cảm giác lạ lùng. Trong những chuyến đi trước đó cũng bằng xe buýt đường dài, khi thông báo với nhân viên hãng xe về điểm đến của mình tôi đã nói ra những cái tên của những vùng đất, những đô thị mà tôi chưa từng biết, chưa từng đặt chân đến bao giờ. Còn lần này, trong khoảnh khắc vừa qua, tôi cảm thấy mình đã thốt lên từ “Kanazawa” không phải như một địa danh xa lạ, một cái vỏ âm thanh trống rỗng. Đó là một tên gọi đã được làm đầy bởi ký ức và cảm xúc của tôi về cái nơi tôi đã từng quen thuộc, cái nơi mà tôi hằng nhớ về trong cảm giác thân thương. Với những điều như thế diễn ra trong suy tưởng, tôi chợt thấy mình “giàu có” hẳn vì biết mình có một nơi thân thuộc trên đất nước này. Một nơi mà mỗi lần trở lại mình có tâm trạng bồi hồi của một người “về thăm” chốn cũ.
Và quả thật cảm giác bồi hồi cứ thường trực trong tôi suốt mấy ngày thăm lại Kanazawa lần ấy, từ lúc xuống xe ở ga và gọi điện hỏi mẹ nuôi tuyến xe buýt nội thị để “về nhà” cho đến khi ngồi trong ô tô cùng hai chị đi ngang qua thành phố, nhưng đặc biệt là trong suốt một ngày tôi được bố cho mượn xe đạp để lang thang tùy thích mọi phố phường.
Tôi đã thăm lại những con phố, những công viên, những tòa nhà cũ vẫn thao thức bấy lâu trong một vùng ký ức có lá xanh, có hoa đỗ quyên hồng đẹp lung linh dưới nắng vàng đầu hạ. Còn lúc bấy giờ thì vườn Kenrokuen đang vào độ chớm thu. Cây phong to nhất vườn mới ửng màu đỏ nhạt trên vòm lá nhưng cũng đủ làm thay đổi hẳn diện mạo của khu vườn và níu chân nhiều du khách nán lại bên bờ ao dưới gốc cây chụp ảnh. Tôi thong thả đi ngang khu vườn rộng với niềm tự hào đã được ngắm Kenrokuen lần thứ hai, chỉ cần ghi lại vài hình ảnh thể hiện sự khác biệt của Kenrokuen lúc hạ tuần tháng mười so với khu vườn mùa hạ đã tồn tại từ lâu trong ký ức.
Rồi tôi lại thong dong đạp xe trên con đường vắng vẻ rộng thênh chạy dọc theo hào nước của thành Kanazawa và dẫn ra con đường lớn có nhiều tuyến xe buýt nội thành xuôi ngược. Nhưng tôi chưa vội ra đường lớn mà ngoặt vào lối đi hẹp chạy giữa hai công viên nho nhỏ. Trên đầu tôi là những tán lá phong đang lúc chuyển màu, còn dưới mặt đất thì rải rác những chiếc lá vàng lá đỏ như những bàn tay xòe tuyệt đẹp. Nắng thu rải vàng khắp xung quanh, làm cho những ngọn cây ửng đỏ càng rực lên như lửa cháy. Những đốm nắng nhảy nhót trên thảm lá vỉa hè, trên lối đi lát gạch ở công viên như hòa nhịp cùng tiếng cười đầy niềm vui thơ trẻ, khiến tôi không muốn rời khỏi nơi này nên cũng tìm đến một chiếc ghế công viên ở một góc vắng người nằm gần bảo tàng văn học mà tôi đã mấy lần ghé lại tham quan.
Theo thói quen, ngồi nghỉ được một lúc thì tôi lại giở sách ra đọc, và cảm thấy vui sướng lạ lùng vì chưa bao giờ được ngồi đọc sách trong một khung cảnh bình yên và nên thơ đến thế! Không khí vừa đủ lạnh để tôi thấy mình ấm áp trong chiếc áo lông và khăn len quàng cổ. Gió vừa đủ nhẹ để những chiếc lá rời cành còn kịp chao nghiêng trước khi đáp xuống khẽ khàng. Công viên vừa đủ nhỏ để tôi tận hưởng cảm giác thoáng đãng giữa thiên nhiên mà lại được ngắm nhìn những hình ảnh thân quen trong thành phố. Lúc ấy, vì chưa được tận mắt ngắm cảnh thu tuyệt sắc vùng ôn đới nên tôi thấy thế này đã là tuyệt diệu, là viên mãn lắm rồi. Sợ rằng cảm giác tuyệt vời kia rồi sẽ biến mất như một giấc mơ ngắn ngủi, tôi tự nhắc mình nhặt mấy chiếc lá phong mang về làm kỷ niệm.
Cứ ngỡ là chỉ được chiếu cố bằng cái cười nửa miệng dành cho những trò vô hại của trẻ con nhưng khi đem ra khoe “chiến lợi phẩm” của mình, tôi đã được mẹ nuôi nhiệt tình “giảng” cho sự khác nhau của lá phong gốc Mỹ và lá phong thuần Nhật. Mẹ bảo rằng loại lá tôi đã nhặt là phong gốc Mỹ nên lá to hơn, chia thùy ít hơn và cũng đổi màu sớm hơn mỗi độ thu về, khi trời chưa quá lạnh. Còn chị Mayumi thì nảy ra sáng kiến dùng loại màng nylon bọc thực phẩm để bảo quản thứ “quà lưu niệm” của tôi. Chị vui vẻ bảo rằng đây là loại quà “không bảo hiểm” nhưng rất quý, rằng nó sẽ nhắc tôi nhớ về Kanazawa và những kỷ niệm dễ thương ở nơi này. Còn tôi thì thấy mình may mắn biết bao khi được ở bên cạnh những người yêu thiên nhiên đến vậy!
Những ai biết nhiều về Nhật Bản sẽ không phủ nhận Kanazawa là một thành phố giàu văn hóa và đáng để tham quan. Nhưng tôi biết mình yêu thành phố này trước hết vì “duyên nợ” với người bản xứ, vì những người sống chân thành, giàu tình cảm mà tôi được gặp từ lần đầu tiên đặt chân lên quốc đảo nên thơ nhưng phức tạp này. Đặc biệt là nhờ những thành viên trong gia đình homestay lần ấy mà mỗi khi trở lại, tôi lại được nếm trải cảm giác bồi hồi của một người con xa xứ đang trở về quê cũ. Tôi thích một mình lên xe buýt từ ga Kanazawa, nhìn phố xá chầm chậm lướt qua trên con đường quen thuộc, nhất là “phố chùa” với những mái ngói nâu trầm của hàng loạt ngôi chùa thấp thoáng đằng sau những bóng thông xanh ngắt, rồi xuống xe ở ngã tư để thong thả đi bộ “về nhà”. Bước vào con hẻm ngắn, bao giờ tôi cũng đi chậm và nhìn thật kỹ các loại hoa lá được trồng ở xung quanh, rồi dừng lại trước hiên của gian nhà gỗ có trồng mấy chậu hoa mà tôi không nhớ nổi tên nhưng rất thích, ngắm nghía một lúc trước khi đẩy cửa vào nhà và cất lời chào bố mẹ. Ở gian nhà nhỏ bé hiền lành ấy, tôi biết mình sẽ được đón tiếp bằng một cốc trà gạo rang mát lạnh vào mùa hạ hay một cốc trà xanh nóng ấm vào mùa đông, sẽ thoải mái “phát biểu cảm tưởng” về những gì mình nghe, mình thấy và sẽ được hỏi về những nơi mình đã đi, những điều mình đã học và cả những thay đổi gần đây của đất nước mình. Nhưng thích nhất là lúc được cuộn mình trong những lớp chăn ấm áp trên cái giường bé nhỏ, trong gian phòng hẹp có cửa trượt kiểu truyền thống, có những tấm rèm cửa màu trắng dịu dàng và trên tường là những bức ảnh mẹ đã chụp phong cảnh các nơi trong nhiều chuyến đi du lịch. Tôi đã nói đùa với mẹ rằng cái phòng này sẽ luôn là “khách sạn” của tôi mỗi lần về Kanazawa, còn mẹ thì vui vẻ bảo rằng nó vẫn luôn sẵn sàng chờ đợi tôi trở lại!
Có lần tôi rời Kanazawa để lại đi tiếp sang Niigata bằng một chuyến xe buýt đường dài, trong tiết trời mùa thu ướt sũng vì mưa dầm không ngớt. Lần khác tôi lại rời Kanazawa để đi đến vùng núi Hakuba bằng đường sắt, và chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đó là được thỏa mắt nhìn cảnh tuyết phủ trắng núi đồi, cây cỏ xung quanh. Nhưng lần nào cũng vậy, rất lâu sau khi rời Kanazawa tôi vẫn còn xúc động vì tình cảm đôn hậu của bố mẹ, vì những chia sẻ thân tình của hai chị trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với các thành viên trong gia đình. Có lần thì mẹ gói cho tôi mấy lát bánh mì sandwich để tôi ra xe buýt kịp đến ga trước giờ tàu chạy. Có lần thì mẹ nhét vội quả chuối vào túi xách của tôi để “thêm năng lượng” cho chuyến đi đường dài kế tiếp. Lại có lần cả bố lẫn mẹ bỏ dở bữa ăn sáng để tiễn tôi ra trạm đón xe buýt dưới trời mưa tầm tã, và trò chuyện vui vẻ trong mưa cho đến lúc tôi bước vào xe buýt để lên đường. Rồi bao nhiêu hình ảnh khác trong những lần gặp gỡ cứ nối tiếp nhau lướt qua trong ký ức, để tôi sung sướng tự nhủ rằng mình có một gia đình thật ấm áp trong một thành phố thật đáng yêu. Và dù cái thành phố ấy có vô danh đến đâu trên hành tinh rộng lớn này đi nữa thì tôi vẫn thấy mình giàu có vô cùng vì những kỷ niệm gắn liền với tên gọi Kanazawa thân thương và xiết bao gợi nhớ!

6 nhận xét:

  1. "tôi mới thấm thía chuyện rủi may mà người ta gặp phải trong đời."
    Có lẽ vì thế mà người ta mạnh dạn bước tiếp con đường mình chọn.

    Trả lờiXóa
  2. Cứ đi tiếp và rồi sẽ gặp những bất ngờ...

    Trả lờiXóa
  3. Những bài viết thế này in thành một tập sách nhỏ đọc vui đấy.

    Trả lờiXóa
  4. Rất cảm ơn gợi ý của bạn. Mình cũng muốn thế nhưng phần vì công việc bận rộn, phần vì khó làm việc với giới xuất bản ở VN nên chưa xúc tiến được...

    Trả lờiXóa
  5. Qua tết thong thả, để mình tự làm một quyển và đọc vậy! Thỉnh thoảng đọc lại cũng vui. Mong bạn viết nhiều bài dạng này.
    "...khó mà làm việc...." Chính vậy, tập sách nho nhỏ của mình mình tự dàn dựng, in lai rai vài bản bằng máy in ở nhà, rồi tặng vài người quen!

    Trả lờiXóa
  6. Mình cũng luôn thích đọc cái gì đó ở dạng bản in trên giấy, nhưng vì lu bu công việc nên cũng chưa tin được những gì mình đã viết ra. Bây giờ lại có blog nên cứ chép bài lên cho tiện, vừa lưu trữ vừa chia sẻ với mọi người. Còn sách in thì chắc phải mất nhiều thời gian, công sức mới có sách được.

    Trả lờiXóa