Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

TINH THẦN MỸ THUẬT: LẼ NÀO CHỈ LÀ NIỀM “ĐAM MÊ VÔ ÍCH”?



Một trong những khái niệm mà những sinh viên ngành Nhật Bản như tôi phải làm quen từ sớm, thông qua sách giáo khoa, là “bảo tàng mỹ thuật”. Không phải là làm quen với ý nghĩa biểu đạt của từ này, mà làm quen với mật độ xuất hiện của từ trong nội dung của sách. Tiếp xúc với phần nào của sách, và bất kể là sách dạy kỹ năng gì, chúng tôi cũng thường xuyên bắt gặp những từ như “bảo tàng”, “bảo tàng mỹ thuật” hay “ngành mỹ thuật”.
Ở giai đoạn làm quen với một ngôn ngữ mới, khi gặp những cụm từ như vậy thì tôi chỉ dịch nghĩa một cách máy móc rồi cất vào kho từ vựng của mình. Chính xác là tôi chẳng có cảm giác gì với khái niệm “bảo tàng mỹ thuật”. Nhưng rồi tôi bắt đầu chú ý đến vấn đề mỹ thuật khi “phát hiện” ra người Nhật có thể vẽ phác họa một cách dễ dàng. Không phải là vẽ đẹp như một họa sĩ nhưng hầu như ai cũng biết cách vẽ ra được hình ảnh mà mình muốn minh họa cho điều gì đó. Một con vật. Một đám mây. Một vật dụng trong đời sống hàng ngày. Một gương mặt bé trai hay bé gái. Một chiếc tàu. Một quyển sách. Một giỏ hoa v.v... Từ những thầy cô dạy cho chúng tôi môn đàm thoại trong lớp học, những bạn sinh viên mà chúng tôi giao lưu ở câu lạc bộ Nhật ngữ đến những người Nhật bình dân mà tôi tình cờ gặp thoáng qua đâu đó, khi cần thiết đều có thể vẽ ra những hình ảnh như vậy bằng bàn tay thuần thục với những nét phác thảo dễ dàng.
Thoạt tiên, nhìn những đường nét thoáng cái kết hợp thành hình ảnh sinh động hiện ra trên trang giấy, tôi và các bạn bè xung quanh chỉ biết tròn mắt ngạc nhiên và thán phục. Nhưng trải qua nhiều lần như thế thì tôi đã hiểu ra, rằng nét vẽ thuần thục và tự nhiên đến vậy không phải là kết quả của năng khiếu bẩm sinh mà đúng hơn là thành tựu của phương pháp đào tạo và quá trình rèn luyện cá nhân ở học đường. Phát hiện tình cờ này khiến tôi càng cảm thấy tủi thân. Tôi biết mình không có năng khiếu về hội họa và cũng chẳng hề nuôi tham vọng trong lĩnh vực này, nhưng giá mà tôi cũng được trang bị kiến thức và kỹ năng đủ để diễn tả thế giới bằng đường nét cũng thoải mái như là bằng con chữ!
Khi ấy, còn lâu tôi mới biết được rằng sự xuất hiện thường xuyên của “bảo tàng mỹ thuật” trong giáo trình tiếng Nhật không phải vì trẻ em Nhật Bản được dạy dỗ chu đáo để có thể thoải mái biểu đạt thế giới bằng nét vẽ, mà vì mỹ thuật đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống người dân trên đảo quốc này.
Sự phong phú của mỹ thuật đương đại là một trong những ấn tượng sâu sắc còn lưu lại trong tôi từ những ngày đầu tiên đặt chân lên đất Nhật.
Đến một thành phố nhỏ như Kanazawa, du khách vẫn có thể thưởng thức nhiều tác phẩm tầm cỡ của mỹ thuật đương đại được trưng bày trong không gian rộng lớn có tên là “Bảo tàng mỹ thuật thế kỷ XXI”.
Đó là một tòa nhà rộng với kiến trúc hiện đại nằm trong một sân cỏ thênh thang gần vườn cảnh Kenrokuen nổi tiếng. Bảo tàng gồm nhiều khối kiến trúc được bố trí trong khuôn viên hình tròn, bên trong có những phòng triển lãm rất rộng với nhiều tác phẩm trưng bày vô cùng độc đáo. Đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác thật khó mà tả được khi tôi bước vào một gian phòng có ánh đèn sáng dịu và thấy mình đứng trước một “lỗ đen” – một hình tròn mở rộng màu đen gợi cảm giác thẳm sâu hun hút. Tôi không rõ nghệ sĩ định biểu đạt điều gì vì chẳng có lời chú giải, thuyết minh nào đi kèm theo tác phẩm. Và vì tôi không đủ khả năng, dù chỉ là khả năng thiên về cảm tính, để thưởng thức mỹ thuật đương đại. Nhưng cái “lỗ đen” to tướng ấy đúng là đã cho tôi cảm giác thật rõ ràng khi đối diện với một thứ nằm ngoài khả năng tri nhận của bản thân. Một cảm giác nửa như ngột ngạt vì áp lực và nửa như sợ hãi.
Ấn tượng mạnh hơn đến với tôi từ một gian phòng khác. Đúng ra là một góc của một sảnh trưng bày khá rộng. Nơi đó, đứng lặng lẽ như không muốn làm vướng bận tầm mắt của khách du rảo bước khắp tòa nhà, là bức tượng tạc chân dung một người đàn ông tuổi trung niên đang quay mặt vào tường. Bức tượng khoác bộ veston màu sẫm, trên đầu đội chiếc mũ dạ cũng tối màu, và dưới chân tượng là một vũng máu loang.
Cô bạn đi cùng tôi cho biết đây là tác phẩm của một điêu khắc gia nổi tiếng. Nghệ sĩ tạc tượng của chính mình và sắp đặt thành hình ảnh như vậy để trưng bày trong một triển lãm. Với bức tượng này, tôi không chỉ thấy sợ vì “va chạm” với cái mình không biết, mà còn sợ vì cái mà bấy lâu cứ ngỡ là đã biết phần nào. Tôi không thích nhìn cảnh tượng máu me như kiểu người ta thường trình diễn trong các phim bạo lực, nhưng cũng không phải là kiểu người bỏ chạy hoặc ngất xỉu khi thấy máu. Huống hồ “vũng máu” trước mặt tôi chỉ là sự bài trí có chức năng nghệ thuật. Nhưng tác phẩm này khiến tôi thật sự rất hoang mang. Lại một “lỗ đen” khác trong thế giới nội tâm, hay là một “lỗ đen” trong đời sống đang chờ đón bước chân định mệnh của con người?
Đó là những gì tôi còn nhớ sau lần duy nhất vào bảo tàng xem triển lãm về mỹ thuật đương đại. Nhưng tôi biết không cần vào bảo tàng mà chỉ cần lưu trú trên đất Nhật là tôi vẫn sống cùng với thế giới mỹ thuật cũng phong phú và đa dạng như thiên nhiên của xứ sở này. Hồi mới đến Kanazawa, đi dạo qua quảng trường ở trung tâm thành phố, tôi và mấy cô bạn ngạc nhiên khi nhìn thấy những bức tượng trên thảm cỏ công viên có hình dáng và tư thế thật lạ lùng, và cứ ngỡ ấy là những tác phẩm “đột xuất” của trường hợp đặc biệt nào đó có mối liên hệ với thành phố giàu di sản văn hóa mà chúng tôi đang được tham quan. Về sau, khi có dịp lưu trú dài ngày ở Tokyo và thường đi du lịch đến nơi này nơi khác, tôi mới hiểu ra rằng việc sáng tạo và trưng bày tác phẩm mỹ thuật là hoạt động hết sức tự nhiên trong đời sống của người dân Nhật Bản.
Một lần, trên đường tìm đến vườn cảnh Hamarikyuteien – một điểm tham quan gần vịnh Tokyo, tôi tình cờ đi ngang qua một công viên nhỏ. Sau đó, tôi tìm hiểu trên internet và được biết nơi ấy có tên là “Công viên Italia”, nhưng lúc gặp trên đường tôi cứ ngỡ là một vườn tượng của nghệ sĩ phương Tây nào đó. Vườn thì không rộng lắm và cũng không đặc biệt nhiều hoa, chỉ vừa đủ không gian và hơi thở của cây cối tự nhiên để trở thành nơi dừng chân lý tưởng cho khách bộ hành tình cờ đi dọc con đường ấy.
Ban đầu, khi nhìn thấy một khoảng vườn đột ngột mở ra ngay bên cạnh đường đi với những bồn hoa xinh xắn, những hàng cây được xén tỉa gọn gàng và những chiếc ghế đá bỏ trống như mời mọc, tôi cũng chỉ có ý định sẽ dừng chân uống nước để giảm nhiệt cho cơ thể trong phút chốc mà thôi (vì lúc ấy đang là mùa hè, trời rất nóng nên cơ thể chừng như “bốc hỏa” sau một hồi đi bộ). Nhưng rồi tôi nhìn thấy những pho tượng, với gương mặt đầy đặn và vóc dáng nuột nà trong nhiều kiểu tư thế khác nhau, đứng cuối vườn và lấp ló trong những hốc lõm của “bức tường” bằng cây xanh ken dày và được cắt phẳng ở phần ngọn. Tôi tò mò bước lại gần để nhìn cho rõ vẻ đẹp từng bức tượng và để dễ ghi hình những bức mà tôi thích. Đáng tiếc là một người mù tịt về mỹ thuật như tôi dù có nhìn rõ nét mặt, hình hài hay có đầy đủ thông số vật lý về bức tượng cũng chẳng biết thêm chút gì về thế giới nghệ thuật trong tâm hồn nghệ sĩ, về lai lịch và ý nghĩa của những hình khối tuyệt đẹp đang bày ra trước mắt kia. Chỉ biết rằng tất cả những bức tượng có màu trắng tinh khôi được trưng bày trong khu vườn ấy đều thể hiện vẻ đẹp của phái nữ và đều toát lên không khí rất đặc trưng của điêu khắc phương Tây truyền thống.
Không khí này làm tôi bất giác nhớ về kỷ niệm tham quan bảo tàng mỹ thuật truyền thống Nhật Bản ở Kanazawa. Một buổi chiều lang thang trong ngôi nhà bề thế với nhiều phòng triển lãm rộng rãi làm tôn lên vẻ đẹp mực thước, cổ kính và rất đỗi dịu dàng của tranh thủy mặc. Nhờ công viên Italia được phát hiện tình cờ lần ấy mà tôi có thêm ấn tượng rằng mỹ thuật Nhật Bản không chỉ là một phần tự nhiên trong đời sống người Nhật mà còn là một thế giới rộng lớn dung hợp nhiều vẻ đẹp kim cổ, Đông Tây – một phức thể mà mỗi phần đều tồn tại rất ổn với vị trí và vai trò riêng của nó.
Sau lần ấy, tôi không còn ngạc nhiên khi bắt gặp ở bất cứ đâu, trên đảo quốc mà tôi đang cố gắng để tham quan được càng nhiều nơi càng tốt, những tác phẩm dù bình thường hay độc đáo của mỹ thuật hiện đại, mà chỉ thích thú nhìn ngắm và nhờ máy ảnh trợ giúp cho trí nhớ để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp của sự phát hiện tình cờ trong những chuyến đi. Tôi đã có những khoảnh khắc như thế với bức tượng một chú ngựa cứ như được làm bằng vô số những bông hoa, và đang trong tư thế phi nước đại, được đặt oai vệ trước Bảo tàng mỹ thuật hiện đại Towada; với những tác phẩm điêu khắc có hình thù xoắn xuýt đầy vẻ cổ quái trên đường phố Nagasaki ở đoạn gần bến cảng; hay với những quả táo làm bằng đá hoa cương nguyên khối, xếp thành một hàng dài với đủ kiểu to nhỏ, tròn khuyết dọc theo lối đi rộng ở gần ga Hirosaki v.v...
Trong số những phát hiện kiểu ấy có một kỷ niệm tuy rất nhỏ nhưng khó mà quên được. Đó là lần tôi đến tham quan vườn cảnh Kairakuen ở thành phố Mito, tỉnh Ibaraki.
Ibaraki là một tỉnh thuộc vùng Kanto và nằm ở phía Đông Bắc thủ đô Tokyo. Tuy khoảng cách với Tokyo tương đối gần nhưng tỉnh này có nhiều khu vực không được thuận tiện lắm cho việc tiếp cận từ Tokyo bằng giao thông đường sắt. Theo kinh nghiệm cá nhân thì tôi chỉ biết thành phố Koga được kết nối với Tokyo nhờ tuyến tàu điện Utsunomiya, còn nếu muốn đến các thành phố khác của Ibaraki bằng tàu điện từ Tokyo thì đều phải đổi tàu nhiều lần, có khi phải đổi từ tàu điện sang xe buýt ở một ga nào đó.
Lộ trình đến vườn cảnh Kairakuen nằm ở thành phố Mito cũng phải được chia làm nhiều chặng. Sau một hồi tra cứu phương tiện giao thông trên internet, tôi quyết định đi xe buýt cao tốc từ ga Tokyo. Lựa chọn xong thì tôi liên lạc với một người quen hiện đang ở Ibaraki, hy vọng rằng có thể sắp xếp một cuộc gặp gỡ ở nơi nào đó gần điểm đến. Kết quả của sự sắp xếp này là tôi được đón bằng ô tô ở một điểm dừng của trạm xe buýt trên đường cao tốc, được hướng dẫn tham quan vườn Kairakuen và cả một số điểm của thành phố Mito.
Người quen mà tôi nói đến ở đây là một giáo viên tình nguyện đã đến dạy tiếng Nhật cho sinh viên trường tôi hai năm trước đó. Vì hoàn cảnh gia đình nên thầy mới về lại Ibaraki sau khi tôi sang Nhật mấy tuần. Thầy vốn làm việc trong ngành tài chính và có vẻ xa lạ với những điều mà tôi vốn quan tâm. Chẳng hạn thầy không hiểu vì sao tôi lại phải lặn lội tìm đến Kairakuen chỉ để nhìn thấy một vùng rộng mênh mông những cành khô cỏ cháy giữa tiết đông giá lạnh! Nhưng cho dù không hiểu thì thầy vẫn nhiệt tình dẫn tôi đi tham quan khắp nơi, rồi dẫn tôi đi tìm một chỗ nào dễ chịu để ăn trưa, trong hoàn cảnh các nhà hàng ở khu phố thương mại đều đóng cửa im lìm do nghỉ Tết.
Rốt cuộc thì chúng tôi cũng vào được một nhà hàng nằm ở một tầng khá cao của một tòa nhà lớn. Vị trí bàn ăn của chúng tôi nằm trong một sảnh hẹp và dài, chạy dọc theo vách ngoài của tòa nhà được lắp kính trong suốt. Khung cảnh thành phố mở ra trước mắt tôi, và ngay lập tức tôi chú ý đến một khối kiến trúc kỳ lạ, thoạt nhìn giống như một con rắn bằng kim loại khổng lồ cứ ngoằn ngoèo vươn cao từ mặt đất. Nói là rắn thì chưa chính xác vì không phải là một khối hình trụ tròn mà đúng hơn là các khối hình thoi chồng lên nhau với vị trí của tiết diện được thay đổi liên tục theo cùng hướng xoay tròn. Tôi lại lục tìm máy ảnh và tranh thủ hỏi thông tin về hình khối kỳ lạ ấy. Đồng nghiệp cũ của tôi cho biết đó là ngôi tháp của Bảo tàng nghệ thuật Mito. “Lại thêm một bảo tàng độc đáo!” Tôi bật cười và nói rằng mình rất ấn tượng với tinh thần mỹ thuật ở đất nước này, rằng tôi đã đi lang thang nhiều nơi, gặp nhiều tác phẩm kiến trúc và điêu khắc thú vị, vậy mà nhìn ngôi tháp ngoằn ngoèo ấy tôi vẫn khó hình dung nó là một kiến trúc bảo tàng.
Thật ra thì không phải chỉ có một mình tôi. Một số bạn bè khi nhìn ảnh tôi chụp tòa tháp độc đáo kia cũng đã hỏi ngay rằng “Cái gì kỳ lạ vậy?” Rõ ràng là khi chia sẻ hình ảnh trên internet tôi có ghi tên cho đối tượng trong ảnh, như một lời giải thích gián tiếp gửi đến người xem, thế mà mấy cô bạn của tôi vẫn không “kết nối” được cái tên “bảo tàng...” với “con rắn” khổng lồ ngoằn ngoèo ấy!
Tiếc là hôm đến chơi ở Mito tôi không đủ thời gian để tham quan Bảo tàng nghệ thuật. Đồng nghiệp cũ của tôi cũng chưa vào thăm tòa nhà độc đáo ấy bao giờ nên chẳng có nhiều thông tin để chia sẻ với tôi. Vẫn cảm giác mơ hồ tiếc nuối như khi tôi đi ngang Bảo tàng mỹ thuật hiện đại Towada thì bảo tàng đã hết giờ đón khách, và biết mình không có dịp quay lại tòa nhà ấy vì sẽ rời thành phố trong đêm.
Thật ra, nếu so sánh với nhiều phương diện khác thì trải nghiệm của tôi về mỹ thuật trên đất Nhật còn quá mỏng, chắc chắn là chưa hề xứng đáng với thành tựu của ngành mỹ thuật nước này. Những hình ảnh thoáng qua do “gặp gỡ” ngẫu nhiên trên bước đường lang thang đây đó chỉ đủ để lại trong tôi chút cảm nhận về tinh thần mỹ thuật, chứ không phải là sự hiểu biết nghiêm túc về các môn nghệ thuật vẫn ít nhiều xa lạ với xứ sở của tôi. Tuy nhiên, những “phát hiện” chỉ do tình cờ ấy cũng đủ để gợi nên trong tôi nhiều suy nghĩ. Điều khiến tôi bận tâm trước hết là, cần phải hiểu thế nào về mối quan hệ giữa tinh thần mỹ thuật với đặc trưng văn hóa và đời sống xã hội Nhật Bản.
Tất nhiên tôi vẫn hiểu rằng nghệ thuật chỉ là những trò chơi. Rằng những tòa nhà được thiết kế cầu kỳ lạ mắt hay những pho tượng “gây sốc” cho người xem cũng chẳng để làm gì, nếu nói theo tinh thần thực dụng. Vấn đề là vì sao một dân tộc giỏi làm kinh tế và tiết kiệm nổi tiếng như Nhật Bản lại xa xỉ trong sự chơi đến thế? Liệu họ có đúng là những con người thực dụng hay không? Hay bên cạnh con người thực dụng còn có thêm một con người nào khác?
Tôi tìm thấy phần nào lời giải đáp cho những vấn đề trên không phải từ tác phẩm mỹ thuật, mà là từ những “va chạm” khiến tôi phải suy nghĩ về văn hóa Nhật Bản trên nhiều bình diện khác nhau. Ít nhất thì tôi được biết rằng người Nhật duy mỹ và tôn trọng tinh thần sáng tạo. Con người được sinh ra cũng là bị ném vào cuộc sống. Mà cuộc sống của người dân nước Nhật thì không hề đơn giản. Nếu không có hoạt động sáng tạo và không biết làm đẹp cho thế giới xung quanh, con người sẽ không “cải thiện” được định mệnh của mình bằng cách thưởng thức đến tận cùng đời sống. Vậy nên mới có người tiết kiệm từng tám mươi yên chi phí cho các túi nylon đựng hàng mua trong siêu thị nhưng sẵn sàng trả cả nghìn yên khi vào bảo tàng mỹ thuật xem triển lãm!
Với những người suy nghĩ theo cách ấy thì làm kinh tế hay làm nghệ thuật chỉ là những hoạt động khác nhau để thưởng thức cuộc đời. Nếu sự thành công của người làm kinh tế phải nằm trong những tính toán và ràng buộc khắt khe thì sự thành công của người làm nghệ thuật lại gắn với tinh thần tự do sáng tạo. Một nhà ga có thể thiết kế kiểu này hay kiểu khác, miễn là vẫn đảm bảo chức năng của nhà ga. Một hình khối dù kỳ quặc đến đâu cũng có vẻ đẹp riêng trong thế giới đa tạp và rộng lớn. Một nghệ sĩ khi sáng tạo tự do sẽ liên tục làm mới chính mình và làm mới cho cuộc sống xung quanh. Người thưởng thức khi mở lòng với những cái khác, cái lạ trong nghệ thuật thì cũng được sống trong nhiều thế giới, làm phong phú cho trải nghiệm của mình và tìm thấy nhiều con đường đối thoại cùng khách thể.
Và một khi đã là sự thưởng thức cuộc đời thì nghệ thuật, suy cho cùng, không đơn giản chỉ là “niềm đam mê vô ích”. Nhà ga trung tâm của thành phố Kanazawa nếu không có kiến trúc đặc biệt thì vẫn đảm bảo chức năng của một nhà ga đường sắt, nhưng hình ảnh về Kanazawa trong lòng du khách chắc hẳn sẽ có phần nào đó khác đi. Những quả táo bằng đá hoa cương ở Hirosaki không chỉ nhắc nhở người đi đường về đặc sản địa phương mà còn thể hiện rằng người dân trong vùng đã trân trọng thành quả nông nghiệp của cộng đồng, đã hợp nhất vẻ đẹp của thiên nhiên với vẻ đẹp của lao động và nghệ thuật trong những khối đá được gọt đẽo công phu đến thế. Cho nên, dù cho những phát hiện của tôi là thuần túy tình cờ, và mỗi tác phẩm mà tôi từng nhìn thấy đều có thể khác đi vì quyền tự do của nghệ sĩ sáng tạo, thì sự tồn tại của những công trình mỹ thuật trên toàn đất nước vẫn là một phần không thể thiếu trong hình ảnh về nước Nhật ngày nay.
Sau khoảng thời gian mê mải ngao du trên đất Nhật, tôi vẫn còn mong muốn được học hỏi từ xa nên thỉnh thoảng xem vài chương trình TV về văn hóa Nhật Bản, và nhận ra đài NHK phát sóng bằng tiếng Anh thiết kế khá nhiều chương trình về mỹ thuật. Những nghệ sĩ được mời đến chương trình đã giúp tôi biết thêm ý nghĩa của nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc. Tôi nhận thấy ý tưởng thiết kế của họ chủ yếu tập trung vào vấn đề chất lượng đời sống và sự tương tác giữa con người với thiên nhiên. Với mục đích nâng cao chất lượng của đời sống và hướng đến tác dụng bảo vệ môi trường, một công trình có vẻ lập dị như nhà vệ sinh công cộng được thiết kế công phu và hoành tráng giữa một triền đồi có cảnh quan tuyệt đẹp cũng có ý nghĩa riêng.
Tôi chợt hiểu rằng vẻ lạ lùng hay kỳ quặc của những công trình mà tôi đã tình cờ trông thấy chỉ là những đường nét bên ngoài nhằm làm mới sự ghi nhận bằng giác quan của người thưởng thức. Bản thân sự tồn tại của mỗi hình khối mỹ thuật, mỗi công trình thiết kế đều được các nghệ sĩ Nhật Bản kết nối với ý nghĩa văn hóa – xã hội của đời sống cộng đồng. Như vậy vai trò của vẻ đẹp của mỹ thuật trong đời sống cũng giống như cảnh quan ta nhìn thấy từ trong phòng qua một khung cửa sổ. Nó không thuộc về phạm vi sở hữu của ta nhưng nó cho ta không gian để sống trong tưởng tượng. Không gian ấy tạo nên sự khác biệt giữa một căn phòng có cửa sổ mở ra đụng vách nhà hàng xóm và một căn phòng cho phép ta nhìn ngắm cảnh thiên nhiên trải rộng bên ngoài.
Và tưởng tượng hẳn không phải là điều vô ích. Nó giúp cho người ta, trong khoảnh khắc, có thể dịch chuyển qua một thế giới khác mà không cần phải phá vỡ thực tại với rất nhiều ràng buộc quanh mình. Mà, phải chăng, nếu chưa từng biết đến cái khác thì sự cảm nhận thế giới thuộc về bản thân mình cũng chưa là trọn vẹn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét