Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

MIỀN CỔ KÍNH TRONG MÀU THU LỘNG LẪY



Đã từ lâu tôi nghe nói cố đô của Nhật Bản là một nơi có cảnh thu tuyệt sắc, nhưng tôi đến Kyoto lần đầu tiên vào lúc giữa hè, và những trải nghiệm lần đầu của tôi ở nơi này đã khiến tôi gần như quên hết những hình dung đẹp đẽ trước kia.
Dạo ấy cả nước Nhật đang sôi lên trong đợt nóng đỉnh điểm của mùa hè. Nóng đến nỗi khi đi dưới màu xanh mướt mát của những vòm lá phong che rợp con đường nhỏ rất đẹp trong chùa Ryoanji dẫn đến vườn Thiền mà tôi vẫn cảm giác như cơ thể mình sắp sửa bốc hơi và tan biến vào tiếng ve sầu cứ râm ran inh ỏi! Cái nóng của thiên nhiên ôn đới ở vùng bồn địa trở thành một thách thức đáng sợ cho mấy cô gái mảnh khảnh cứ ngỡ rằng quê hương nhiệt đới của mình mới là nơi nóng nhất, khiến cho hai trong bốn thành viên của nhóm chúng tôi lúc ấy phải bỏ cuộc tham quan chỉ sau một chuyến xe buýt nội thành đến thăm mấy đền chùa nổi tiếng và ở những địa điểm khá gần khu vực trung tâm.
Bước ra khỏi không gian mát lạnh trên xe buýt vì máy điều hòa đang được chỉnh ở nhiệt độ thấp, tôi và mấy cô bạn đồng hành đều trải qua một cơn choáng nhẹ vì hơi nóng phả ra hầm hập từ mặt đường trải nhựa và khu nhà cao ốc toàn những khối bê tông đang phơi nắng giữa trưa hè. Mấy chị em vội vã dẫn nhau về lữ quán để nghỉ trưa, định buổi chiều sẽ đi thăm tiếp một số nơi đã làm dấu trên tấm bản đồ du lịch. Đáng buồn là chỉ sau một giấc ngủ ngắn thì hai cô bạn đi cùng đã thay đổi quyết định vì cảm thấy sức khỏe vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Tôi gật gù nghe quyết định của hai người bạn trẻ, không khỏi băn khoăn khi bản thân mình cũng đang phải chịu đựng một cơn nhức đầu khủng khiếp.
Lần ấy chúng tôi được trọ lại Kyoto trong một lữ quán nằm ở khu trung tâm, phòng nghỉ và bữa ăn đều được đặt trước theo chương trình giao lưu văn hóa. Lữ quán nằm trong một con hẻm nhỏ và yên tĩnh, mặt tiền trông giống như một ngôi nhà bình thường nhưng phòng nghỉ của chúng tôi là kiểu phòng của nhà ở truyền thống Nhật Bản, không gian rộng và nội thất trang nhã tạo cảm giác thư thái, vừa thâm trầm xưa cũ vừa mát mẻ tiện nghi. Và chính cảm giác tiện nghi, dễ chịu khi nghỉ ngơi trong gian phòng ấy đã biến thành một trở lực rất lớn cho tôi trong khoảnh khắc phải quyết định sẽ theo đuổi lịch trình tham quan hay ở lại trong phòng cùng hai cô bạn. Tôi đắn đo dăm phút rồi quyết định lôi thuốc cảm ra uống để tiếp tục lên đường.
Bỏ lại hai người bạn đồng hành nằm rúc rích chuyện trò giữa mớ chăn đệm thơm tho trong gian phòng mát rượi, tôi một mình rảo bước ra con đường lớn cho kịp giờ xe buýt. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình cần phải đi cho hết lịch trình để không phải áy náy vì cảm giác có lỗi với các nhà tài trợ đã công phu giúp mình một chuyến tham quan mà chi phí ăn ở, đi lại khá là đắt đỏ. Sau này, những khi rời gian nhà ấm cúng ngay sau giờ ăn tối, một mình xách vali ra đường dưới trời mưa tầm tã để lên xe buýt đêm từ Tokyo đi nơi này nơi khác, tôi mới nhận ra sự “ngoan cố” của chính bản thân mình, mới hiểu rằng một khi cuộc lữ đã là niềm đam mê thì bao nhiêu vất vả cũng khó mà thay đổi được!
Lần ấy, rốt cuộc thì tôi cũng đã trải qua chuyến tham quan Kyoto một cách an toàn, tuy có phần nuối tiếc và vội vã. Trên chuyến Shinkansen từ Kyoto đến Tokyo, tôi mang theo hình ảnh cố đô với đền chùa cổ kính và rất nhiều đèn lồng thắp sáng rực trên hè phố trong đêm. Tôi cũng nhớ rằng mình đã thấy rất nhiều vòm lá phong trong những vườn chùa, nên không thể tránh được cảm giác luyến tiếc vì chuyến đi của mình không được kéo dài đến mùa thu.
Cảm giác ấy khiến tôi dành cho Kyoto một vị trí quan trọng khi có dịp lưu lại xứ Phù Tang trong suốt cả mùa thu với lịch trình tham quan dày đặc, chen chúc nhiều địa danh hấp dẫn.
Sau khi thu thập nhiều thông tin liên quan và cân nhắc những việc cần làm, tôi chọn thời điểm trung tuần tháng mười một cho chuyến du lịch Kansai. Kansai chứ không phải chỉ riêng Kyoto như lần trước. Kansai với tham vọng kết hợp chuyến ngoạn cảnh mùa thu với tìm hiểu, liên hệ một vài nơi quan trọng trong vùng. Kansai với tâm thức muốn nắm bắt những hình ảnh nào đó của sự khác biệt giữa miền Đông và miền Tây, giữa cố đô cổ kính và thủ đô hiện đại.
Lúc đó là gian đoạn gần kết thúc chương trình nghiên cứu. Tôi phải hoàn thành bài nghiên cứu theo đề cương đã lập ra trước đó để nộp cho giáo sư, rồi sau đó còn phải làm một loạt các bài báo cáo gửi cơ quan tài trợ. Nhưng lúc đó cũng là khoảng thời gian mà sắc lá mùa thu đang rực lên ở khắp nơi trên toàn nước Nhật, như một thông điệp lặng lẽ mà quyến rũ của thế giới thiên nhiên, và người Nhật cũng đáp lại thông điệp đó bằng sự say mê rất đặc trưng của một nền văn hóa theo nhịp điệu mùa. Trong chuyến đi Nikko ngắn ngủi vào đầu tháng mười một, ban đầu tôi đã rất căng thẳng vì là lần đầu tiên đi chơi xa cùng với giáo sư, mọi thứ đều do ý tưởng và sự sắp xếp của thầy. Tôi không kỳ vọng về bất kỳ sự thưởng thức nào mà chỉ lo mình sẽ vô tình làm điều gì trái ý khiến thầy không vui, nhưng rồi chuyến đi chẳng những đã diễn ra tốt đẹp mà còn mang lại cho tôi cảm giác được thiên nhiên ôn đới “chiêu đãi” một bữa tiệc đầy những sắc màu của mùa thu lộng lẫy. Điều bất ngờ hơn nữa là chúng tôi bị kẹt xe suốt một ngày dài. Có lẽ vì ô tô là phương tiện hiệu quả nhất cho du khách đến tham quan ở vùng rừng núi Nikko nên các cung đường ở khu vực này – vốn là vùng rừng núi ít dân cư với không gian rộng mở và tĩnh lặng – đều đặc kín ô tô của du khách đến từ mọi tỉnh thành trên cả nước. Ngồi trong xe, chúng tôi ái ngại nhìn giáo sư cứ vừa xuýt xoa vừa ôm vô lăng để nhích từng chút một. Rồi chẳng còn biết làm cách nào khác để thay đổi tình hình nên chúng tôi nhìn ra bên ngoài cửa xe tìm cảm hứng, tìm đủ mọi đề tài mà tán chuyện cho đỡ ngán ngẩm vì cảm giác đợi chờ. Trước mặt chúng tôi là một hàng ô tô dường như kéo dài ra bất tận. Biển kiểm soát phía sau xe ghi tên đủ mọi tỉnh thành. “Cứ như mọi người trong cả nước đang dồn về nơi này vậy”, cô bạn ngồi cạnh tôi bật thốt. Giáo sư ngồi phía trước điềm đạm mỉm cười: “Đúng là như vậy thật, vì đúng dịp cao điểm để thưởng thức mùa lá đỏ ở đây mà! Mùa lá đỏ kéo dài mấy tuần, nhưng cao điểm chỉ có mấy ngày thôi”. Từ “cao điểm” của thầy cho tôi thêm một chút hiểu biết sống động về văn hóa theo nhịp điệu mùa ở Nhật. Tôi chợt nhận ra rằng trong khoảnh khắc ấy, trường nghĩa của từ “cao điểm” không chỉ có những cánh rừng với lá vàng lá đỏ như rực cháy xung quanh con đường đèo quanh co uốn lượn, mà còn có cả hình ảnh những chiếc ô tô đủ loại đang xếp hàng dài dằng dặc trên đường. “Cao điểm” của thiên nhiên và “cao điểm” của đời sống con người gặp nhau ở đó.
Điều thú vị là ấn tượng từ chuyện tắc đường lần ấy không những chẳng làm tôi nản lòng với những chuyến ngoạn du mà ngược lại còn khiến tôi muốn đi nhiều hơn nữa, đến những vùng trọng tâm hơn nữa để “cảm” được, “thấm” được cái tinh thần “cao điểm” ấy. Là một người quan sát, tôi luôn tự nhủ rằng phải hiểu cái cốt lõi của nền văn hóa này trước đã, rồi chuyện hay dở sẽ bình luận sau, nếu điều kiện không gian, thời gian và vấn đề phù hợp.
Biết tôi sẽ đi du lịch Kansai, thầy lại ân cần dặn phải mang nhiều áo ấm. “Kansai còn lạnh hơn Kanto nữa ạ?” Tôi hỏi thầy trong lúc chợt nhớ lại những ngày hè “bốc hỏa” ở Kyoto dạo trước. “Kyoto khá lạnh. Vì là vùng bồn địa nên hè nóng hơn mà đông cũng lạnh hơn”, thầy trầm ngâm bảo. Chắc thầy cũng đang nhớ về những kỷ niệm nào đó ở cố đô.
Không kịp hoàn thành bài nghiên cứu để gửi cho thầy trước khi đi, tôi đành mang theo một ít sách vở và laptop, tự nhủ mùa lạnh có phải kéo vali nặng hơn một chút cũng không sao.
Điểm tham quan đầu tiên của tôi là Himeji-jo, tòa thành được đánh giá là có kiến trúc đẹp nhất trong số những di sản thành quách thời lãnh chúa. Ngồi trên xe điện chạy dọc theo bờ biển, tôi thích thú tận hưởng cảm giác được ngắm nhìn hình ảnh sống động của những vùng đất mà trước đó tôi chỉ biết đến như là một địa danh trong sách cổ. Nhưng khi đến được thành Himeji thì mới biết tòa thành này đang được trùng tu. Người Nhật cứ phải trùng tu các di sản kiến trúc theo một chu kỳ nhất định, mà khi trùng tu phải đảm bảo giữ nguyên chất lượng, hình ảnh công trình và theo đúng kỹ thuật xây dựng truyền thống nên thời gian để trùng tu một công trình lớn thường phải mất mấy năm. Người dân xứ này đủ chuyên nghiệp để du khách có thể tham quan khuôn viên và một phần công trình kiến trúc ngay trong lúc trùng tu, đặc biệt là được xem hình ảnh và nghe thuyết minh về kỹ thuật trùng tu ở những chi tiết quan trọng của công trình, nhưng tôi vẫn tiếc không thể ghi được những hình ảnh đẹp về “lâu đài hạc trắng” vừa vươn cao vừa hài hòa thanh nhã như đã từng được biết qua phương tiện nghe nhìn từ lúc bước chân vào đại học. Cả tòa nhà giờ đây đang được quây kín lại, chỉ có khuôn viên trải rộng với những vòm cây lá đang tràn ngập sắc thu vẫn như một vòng tay dịu dàng đón chào du khách. Tôi có cảm giác như mình lặn lội đến thăm một bậc cao minh mà mình hằng ngưỡng mộ nhưng gặp lúc chủ nhà đang ốm, đành đi dạo loanh quanh trong khu vườn rộng lớn, để cho cả tâm hồn thấm đẫm màu sắc và không khí của mùa thu.
May mắn là tòa thành thứ hai tôi tìm đến trong cùng chuyến đi vẫn đang đón khách ở trạng thái bình thường. Osaka-jo cũng nằm trong một công viên rộng lớn, rộng đến mức đi chưa hết chiều dài đường kính là đã thấy mỏi chân. Nhưng nhờ vậy mà tôi được ngắm nhìn hình ảnh lâu đài từ nhiều góc độ, nhiều khoảng cách khác nhau để ghi nhận vẻ đẹp đa dạng của tòa kiến trúc. Nghe nói rằng theo cảm quan thẩm mỹ của người bản xứ thì đây chỉ là một tòa thành “hạng hai” so với Himeji-jo. Dù biết vậy, tôi vẫn thành thực ngưỡng mộ vẻ uy nghiêm và hoành tráng của tòa nhà đồ sộ vươn cao, khiến cho du khách đang đứng dưới chân thành phải ngửa đến oặt cổ mới nhìn được những diềm mái cong cong trên tầng lầu cao nhất. Tôi không hiểu biết gì về kiến trúc nên không mấy bận tâm đến việc chụp ảnh chi tiết những đường nét đặc trưng của tòa nhà, chỉ cần ghi lại hình ảnh tòa thành như một chứng nhân lịch sử vẫn hiên ngang sừng sững giữa một vùng cây cối đang nhuộm thẫm sắc thu trong ánh nắng dìu dịu cuối ngày. Trong lúc loay hoay tìm góc độ để ghi hình toàn cảnh, nhìn thấy những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng đang chăm chú chĩa ống kính vào tòa nhà trước mặt, tôi chợt nhận ra rằng có dùng máy ảnh hay ống kính loại nào cũng khó mà đưa được đồng thời vào khung ảnh toàn bộ tòa thành và một gương mặt hay dáng người ai đó ở độ lớn dễ nhìn, vì hai bên có chênh lệch quá lớn về kích thước. Rồi cũng từ đó mà tôi hiểu ra một lẽ tự nhiên rằng, khi đến với một cái gì thực sự là vĩ đại thì một cá nhân như mình chỉ có thể chiêm ngưỡng để thán phục mà thôi, còn nếu muốn đưa “cái tôi” của mình vào đó thì kết quả chỉ là một tác phẩm mất cân đối trầm trọng!
Sau một ngày liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác, chiều tối tôi mới tìm về quán trọ đã lựa chọn qua internet làm điểm dừng chân – một nhà nghỉ nhỏ bé nhưng có vẻ là kiểu nhà truyền thống của Nhật, với cửa gỗ và mấy chậu cây xanh tạo cảm giác thân thiện, hiền hòa. Nhà nghỉ nằm ở ngay trung tâm thành phố nhưng lại náu mình trong một con hẻm nhỏ. Xuống tàu điện ngầm ở ga Gojo như dự kiến, trong lúc thấm mệt và hơi vội vì đã trễ hơn ba mươi phút so với giờ hẹn check-in ở lễ tân, tôi không biết mình đã chọn nhầm cửa ra để chui từ đường ngầm lên mặt đất. Trước mắt tôi là một đại lộ trải rộng, nhiều làn xe, hai bên đường ngất ngưởng những tòa cao ốc với những biển hiệu quảng cáo rực rỡ ánh đèn. Đúng là diện mạo của một khu thương mại ở trung tâm thành phố, nhưng tôi chẳng tìm thấy dấu hiệu nào mà mình đã ghi nhớ để tìm về quán trọ.
Thấy tôi đứng tần ngần trên vỉa hè đại lộ, một cô gái trẻ đi ngang dừng lại hỏi “Bạn cần tìm gì đấy?” Tôi mừng rỡ, vội hỏi xem cô ấy có biết con đường lớn trước mặt tên là gì không, nhưng cô lắc đầu ngay và bảo: “Mình không biết tên đường. Bạn cần tìm chỗ nào cụ thể thì cho biết địa chỉ, may ra mình tìm được”. Khi tôi nói tên quán trọ và địa chỉ kèm theo, cô ấy liền rút điện thoại ra tra cứu, vừa thoăn thoắt ngón tay trên màn hình điện thoại vừa xin lỗi, bảo rằng cô không quen tra cứu kiểu này nên tôi phải chịu khó chờ một chút. Cô cũng cho biết rằng tôi đã đến đúng khu phố cần tìm, nhưng quán trọ cụ thể mà tôi muốn đến nằm ở con hẻm nào thì cô không nhớ rõ. Đang giữa lúc ấy, lại có một người đàn ông trẻ tuổi đi ngang. Cô gái nói tên quán trọ để hỏi người đàn ông, thì anh ta điềm nhiên đưa tay chỉ vào con hẻm nhỏ ngay cạnh chỗ chúng tôi đang đứng. “Theo tôi nhớ thì hình như là ở lối này”, anh vừa nói vừa như cố nhớ lại điều gì, rồi gật gật như để khẳng định. Sau một phút ngớ người, tôi và cô gái đi qua đường nhanh nhảu cảm ơn anh và bước vào con hẻm.
Trong hẻm khá tối vì không có đèn cao áp rọi sáng như ở ngoài đại lộ. Tôi còn chưa kịp nhận ra dấu hiệu nào có liên quan đến địa chỉ đang tìm thì cô gái đi bên cạnh hồ hởi bảo, “Đây rồi!” Cô đưa tay chỉ vào gian nhà ngay bên trái chỗ tôi vừa dừng lại. “Nhà ấy đấy! Mình có đi qua lối này rồi nhưng không chú ý nên mãi không nhớ được...” Tôi nhìn lại thì thấy đúng là hình ảnh gian nhà mà tôi đã xem qua trên website khi tìm địa chỉ khách sạn ở Kyoto để đặt phòng. Nhìn mãi mới thấy tấm biển ghi tên nhà nghỉ treo phía dưới mái hiên. Tôi thở phào nhẹ nhõm, quay sang cảm ơn cô gái đã giúp tìm địa chỉ và còn đưa tôi đến tận nơi. Cô tươi cười chúc tôi có một kỳ nghỉ thú vị, rồi tiếp tục đi sâu vào con hẻm.
Bước vào khoảng sân nhỏ, tôi vừa lên tiếng báo hiệu vừa mở cánh cửa gỗ của gian nhà nhỏ bé nhưng thanh lịch. Sau cánh cửa là quầy lễ tân trong một gian phòng nhỏ nhưng nội thất ấm áp vì khá nhiều màu nóng. Một cô gái trẻ đứng sau quầy lễ phép chào tôi và loay hoay tìm các giấy tờ. Tôi xin lỗi vì đến sai giờ hẹn và giải thích thêm một chút về việc tìm nhà, còn cô thì vẫn giữ nụ cười rất tươi trên gương mặt trắng trẻo, và liên tục hỏi han để bày tỏ lòng hiếu khách. Khi cô đưa cho tôi tờ giấy để ghi thông tin cá nhân của khách thuê phòng, tôi không thấy có quy định gì đặc biệt nên hỏi cô rằng có thể ghi tên bằng mẫu tự Latin được hay không[1]. “Sao ạ?” Cô hỏi lại trong lúc vẫn loay hoay với đám giấy tờ. Tôi bèn giải thích thêm rằng “tôi là người Việt Nam, vậy tôi có thể ghi tên mình ở dạng chữ Latin được chứ?” Câu hỏi lần này làm cho cô ngước lên rất nhanh và nhìn tôi bằng đôi mắt xoe tròn. “Chị là người nước ngoài thật sao? Vậy mà tôi cứ nghĩ là người Nhật chứ!” Đến phiên tôi ngớ ra vì câu nói của cô. Tôi nhớ rằng, vì những sự việc đã xảy ra trước đó, nên khi vừa đặt chân đến trước quầy lễ tân là tôi đã hỏi han và phân trần đủ thứ, có nghĩa là đã “cung cấp đủ cứ liệu” để cô biết tôi là khách nước ngoài. Sau chừng ấy nội dung giao tiếp mà cô vẫn nghĩ tôi là người Nhật thì thật lạ!
Hai chúng tôi bối rối nhìn nhau mất mấy giây, rồi cô trở lại vẻ hoạt bát của một người làm dịch vụ, bảo rằng tôi ghi tên kiểu gì cũng được, vẫn với một nụ cười tươi tắn trên môi. Tôi ghi mấy dòng vào mẩu giấy để hoàn thành thủ tục, nhận chìa khóa phòng và nghe cô giải thích cặn kẽ về các tiện ích trong nhà nghỉ. Rồi tôi tranh thủ hỏi thăm đường đến Trung tâm nghiên cứu văn hóa Nhật Bản, là nơi tôi có hẹn đến gặp một giáo sư lúc chiều mai.
Một lần nữa, câu hỏi của tôi lại làm cô lễ tân tròn xoe mắt, “Chị có việc cần phải đến Trung tâm nghiên cứu à?” Chắc cô không nghĩ một du khách trú tại một quán trọ kiểu này lại có mối liên hệ nào đó với một địa chỉ có vẻ “nghiêm trọng” thế. Tôi cười bảo không có gì đặc biệt, chỉ vì tôi sang đây để tìm hiểu về văn học cổ điển, nên nhân tiện đến Kyoto thì ghé chào vị giáo sư cùng chuyên ngành đang làm việc ở Trung tâm ấy mà thôi. Cô lại xuýt xoa tỏ vẻ ngạc nhiên, vừa hỏi xem tôi nghiên cứu cái gì, vừa tìm các bản đồ và các tập sách hướng dẫn để chỉ cho tôi cặn kẽ đường đi lẫn phương tiện giao thông phù hợp. Ngoài ra, cô còn tranh thủ chỉ thêm cho tôi những địa điểm nổi tiếng vì vẻ đẹp cảnh quan mùa lá đỏ, đặc biệt là những điểm ở gần Trung tâm nghiên cứu mà tôi khẳng định là sẽ đến. Cuộc nói chuyện thỉnh thoảng bị cắt ngang vì có những khách trọ từ tầng trên chạy xuống hỏi tìm gì đó, hoặc vì cô lễ tân ngẩng lên chào hỏi khách trở về quán trọ sau một ngày tham quan, nhưng tôi vẫn cảm nhận được lòng hiếu khách đặc biệt mà cô dành cho tôi, khi cung cấp thông tin lẫn khi hỏi thăm tôi chuyện học hành, nghiên cứu.
Chẳng biết có phải cảm nhận lúc ấy của tôi thật ra là dự báo của một điều gì thật sự đặc biệt hay không, nhưng đúng là ngay sau đó tôi đã trải qua những bất ngờ, khiến cho đợt lưu trú tại một quán trọ rẻ tiền trở thành một kỷ niệm sâu sắc của tôi về những ngày lang thang trên quốc đảo.
Bước vào gian phòng trọ ở tầng hai, tôi thật sự hài lòng vì phòng hẹp nhưng xinh xắn, đủ đáp ứng nhu cầu ngả lưng của một lữ khách rong ruổi ở cố đô giữa lúc trời thu đang chuyển dần sang mùa đông giá lạnh. Vẫn còn đang loay hay soạn quần áo, vật dụng từ vali thì tôi nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ và câu “xin lỗi” loáng thoáng vọng vào. Mở cửa ra, tôi gặp lại cô lễ tân trẻ trung hoạt bát, nhưng khi ấy đang có vẻ rụt rè e ngại một cách lạ lùng. Khi tôi mời vào phòng, cô khép nép bước vào đứng ngay sau cánh cửa, rồi, bằng những câu nói thể hiện vẻ lúng túng ngập ngừng, cô bảo rằng muốn nhờ tôi một việc. Cô không nói lý do trực tiếp, mà chỉ nói rằng quán trọ có việc đột xuất cần sử dụng phòng này vào ngày thứ ba trong chuỗi ngày mà tôi đã đặt phòng, và hỏi tôi có bằng lòng chuyển sang nghỉ lại ở phòng khác hay không. Nghĩ rằng mình phải di chuyển sang một địa chỉ khác, tôi hơi nản nhưng chỉ nói rằng: “Mình không câu nệ gì một chỗ trú chân trong lúc đi du lịch, nhưng vì mình đã tìm hiểu và đặt phòng ở đây rồi, giờ không có thời gian để tìm phòng khác nữa, nên nếu bạn xếp phòng mới cho mình thì vui lòng lo liệu giúp cho vấn đề đi lại”. Cô bảo rằng chuyện ấy rất dễ thôi, vì tôi sẽ ở ngay trong khu nhà này, chỉ là chuyển sang dãy phòng phía sau, tức là nơi gia đình cô đang ở. Tôi nhìn xuống mớ đồ đạc vừa mới soạn tung ra từ chiếc vali, giải thích rằng hôm ấy tôi sẽ rời phòng khá sớm và đi đến tận chiều, rồi hỏi xem cô có thể chuyển giúp hành lý của tôi sang phòng mới, trong lúc tôi không có mặt tại quán trọ hay không (dĩ nhiên là với điều kiện tôi đã thu dọn hành lý và xếp gọn vào vali để lại trong phòng). Cô lại tươi cười bảo rằng cô sẽ thu dọn giúp, để đến khi quay về quán trọ lúc chiều tối thì tôi chỉ việc ghé quầy lễ tân nhận lại hành lý để chuyển sang phòng khác mà thôi. Rồi cô đưa trả tôi số tiền phòng của một đêm không sử dụng, rối rít cảm ơn tôi với cái vẻ của một người vừa trút xong gánh nặng vì một nỗi phiền lo. Tôi không hiểu có chuyện gì khiến cho gian phòng cá nhân nhỏ xíu mà tôi chỉ cần thuê để nghỉ lại mấy đêm lại trở thành “vấn đề” với chủ nhà đến vậy. Nhưng chỉ cần có chỗ ngủ ấm áp ban đêm mà không phải di chuyển sang một địa chỉ lưu trú khác thì với tôi chẳng có gì là phiền toái cả. Tôi vui vẻ chào cô lễ tân và hơi bối rối vì cô cứ lặp đi lặp lại lời cảm ơn cho đến lúc ra khỏi cửa phòng.
Ngày thứ ba của chuyến du lịch Kansai, khi tôi trở lại quán trọ và đến trước quầy lễ tân thì vẫn cô gái trẻ có nụ cười tươi tắn đưa cho tôi chiếc vali và dẫn tôi ra khu vực phòng ở của gia đình, phía sau khu nhà mặt tiền dành cho khách. Chúng tôi leo lên một đoạn cầu thang gỗ, vừa đến tầng thứ hai thì gặp hai ông bà chủ nhà đang đứng chờ ở cửa. Nhìn thấy tôi, cả hai người đều cúi chào và cảm ơn nồng nhiệt, cứ như là tôi đã giúp họ việc gì to tát lắm. Đã quen với sự lễ phép của người Nhật từ lâu nhưng tôi vẫn không khỏi bối rối khi rơi vào những tình huống kiểu này. Liền sau đó, cô gái lễ tân cùng với bà chủ nhà trọ (mà tôi đoán là mẹ của cô) dẫn tôi vào một phòng thứ hai của một dãy chừng bốn phòng nối tiếp nhau, cách phòng khách của gian nhà chính bằng một lối đi hẹp.
Gian phòng rộng hơn nhiều so với phòng trọ cá nhân mà tôi đã nghỉ hai đêm trước. Phòng có giường rộng, bàn làm việc hơi cao và một chiếc bàn chân thấp, máy điều hòa loại lớn, máy sưởi, kệ sách, tủ quần áo và một số dụng cụ tập thể dục trong nhà. Có vẻ như đây vốn là phòng ngủ của một thành viên nào đấy trong gia đình, nhưng hiện tại không có người sử dụng. Những vật dụng tiện ích nằm im lìm mỗi thứ một nơi. Kệ sách chỉ lưa thưa mấy cuốn sách kỹ thuật, tin học đượm màu cũ kĩ.
Dẫn tôi vào phòng mới, bà chủ nhà trọ hướng dẫn tôi qua loa về việc sử dụng phòng, bảo tôi cứ sử dụng thoải mái những tiện nghi có sẵn, chỉ cho tôi nhà vệ sinh và nhà tắm nằm ở đầu dãy phòng, bên trái, và còn xin lỗi tôi “vì nhà tắm ít người dùng nên không được sạch sẽ, chỉn chu”. Còn cô gái trẻ làm công việc lễ tân thì trao cho tôi một tập sách mỏng in màu, là sách giới thiệu về danh tác cổ điển mà tôi đang nghiên cứu. Hôm đầu tiên gặp nhau ở quầy lễ tân, khi được cô hỏi han về chuyện học hành, tôi cũng có nói về nghiên cứu văn học cổ điển, có tâm sự rằng mình tìm đến Kansai lần này cũng là muốn nhân tiện đến thăm “quê hương của Truyện Genji” là Uji, một thành phố nhỏ chỉ cách Kyoto mười mấy phút đi tàu. Cô lễ tân nghe tôi nói thế thì tỏ vẻ đặc biệt quan tâm và hào hứng, bảo rằng Uji là quê gốc của cô, và những dịp đặc biệt trong năm gia đình cô vẫn trở về Uji thăm mộ tổ tiên, gặp gỡ họ hàng. Tôi tin rằng cô có tình cảm gắn bó với Uji thật sự, nhưng không nghĩ là cô lại nhiệt tình đến mức tặng tôi tập sách này. Cô lại còn rụt rè bảo tôi là “chuyên gia” nên chắc hẳn đã có nhiều thư tịch về đối tượng nghiên cứu, nếu tập sách của cô không đáng dùng thì chỉ xem như là một món quà kỷ niệm lúc chia tay. Tôi chẳng biết làm cách nào để bày tỏ lòng cảm kích, đành chỉ cảm ơn và tự nhủ khi trở về Tokyo sẽ gửi cho cô một tấm thiệp với đôi lời cảm tạ, cũng là cách “nhập gia tùy tục” ở nơi này.
Tuy đã quen với việc thay đổi chỗ ở trong những chuyến du lịch ngắn ngày nhưng đêm ấy tôi luôn có cảm giác lạ lùng như vừa mới “lạc” vào một không gian tiểu thuyết. Tôi không bận tâm mấy đến những vật dụng bài trí trong phòng, không bị trở ngại gì vì thiết bị điều hòa nhiệt độ và mạng internet không dây vẫn hoạt động rất tốt, nhưng cảm giác như mình bỗng dưng xen ngang vào câu chuyện của ai đó cứ bảng lảng trong đầu tôi cho đến lúc chìm vào giấc ngủ. Tôi cũng còn nhớ rõ, đến tận bây giờ, cảm giác ngạc nhiên thú vị khi bước vào khu “phức hợp” gồm nhà vệ sinh và nhà tắm nối liền nhau. Cái nơi mà bà chủ nhà trọ khi nói đến đã xin lỗi vì “không được sạch sẽ” mở ra trước mắt tôi với không gian rộng, thiết bị cực kỳ hiện đại và ... bóng loáng! Qua bấy nhiêu thời gian trải nghiệm trên đất Nhật, đêm hôm ấy tôi mới được biết đến cảm giác một mình sử dụng một không gian sang trọng, “tối tân” đến vậy chỉ để làm công việc vệ sinh thân thể!
Nhưng cảm giác ngạc nhiên của tôi về quán trọ “lạ lùng” này vẫn chưa dừng ở đó! Vì tranh thủ thời gian nên tôi có dự định sáng hôm sau sẽ rời Kyoto hơi sớm để đi tàu đến Nara, rồi sau đó còn tranh thủ ghé qua vài điểm khác trước khi kết thúc chuyến du lịch vào lúc cuối ngày. Nếu đang lưu trú như là một du khách thông thường thì việc ấy chỉ phụ thuộc vào ... đồng hồ báo thức của tôi, nhưng hôm ấy tôi lại chuyển sang nghỉ tạm trong tư thất của một gia đình nên việc rời đi chắc chắn phải phiền đến gia chủ. Tôi cũng rất băn khoăn nên đã ngỏ lời về việc ấy ngay khi được chuyển sang phòng mới. Vẫn giữ nguyên vẻ mặt điềm đạm, bà chủ quán trọ hỏi tôi định rời đi lúc mấy giờ, và khẳng định sẽ có mặt đúng lúc để mở cửa cho tôi. Còn cô bạn lễ tân trẻ trung hoạt bát thì nở nụ cười bối rối: “Thành thật xin lỗi vì mình không dậy sớm, vậy chúng ta chào nhau lúc này luôn!” Tôi có hơi áy náy vì biết rằng người Nhật quen dậy muộn, nhưng vì chuyện “xê dịch” của tôi không được thoải mái lắm về mặt thời gian nên đành “làm khó” gia chủ trong “tình huống đặc biệt” này. Mà thật ra thì tôi cũng phải “tự đấu tranh” ghê gớm mới có thể chui ra khỏi lớp chăn dày trên giường đệm ấm áp vào lúc trời tảng sáng, lập cập làm vệ sinh và chuẩn bị hành lý trong cái lạnh se sắt của vùng ôn đới giữa mùa thu, rồi cuối cùng thì kéo vali ra ngoài phố, vừa ngước mặt đón những cơn gió mùa tê tái vừa mải miết bước đi cho cơ thể ấm dần.
Điều bất ngờ cuối cùng mà tôi nhận được trong cuộc hạnh ngộ lần này là bữa sáng không đặt trước. Dù chỉ là một bữa sáng đơn giản với bánh mì sandwitch và một quả chuối tươi nhưng cái khay thơm phức do bà chủ nhà đích thân chuẩn bị, vào cái giờ mà tôi cảm thấy mình “quá đáng” khi làm phiền ai đó dậy mở cửa cho mình, đã khiến tôi thêm một lần nữa sửng sốt và cảm động! Tôi không có thói quen ăn sáng, và đặc biệt là rất khó có thể nhét món gì vào bụng trước tám giờ, nhưng hôm ấy đã ngoan ngoãn mang cái khay vào phòng đặt lên chiếc bàn chân thấp. Dù có phải cố gắng đến đâu tôi cũng quyết định sẽ ăn hết những gì đã được chuẩn bị sẵn cho mình, để có thể đàng hoàng nói lời cảm tạ rồi cất bước ra đi.
Chuyến đi Kansai lần ấy cũng không mấy rộng rãi về thời gian nhưng đã cho tôi cảm giác vô cùng mãn nguyện, có lẽ một phần nhờ câu chuyện bất ngờ và thú vị ở quán trọ mà tôi đã tình cờ chọn làm điểm nghỉ chân. Trước đó, thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe rằng, nếu nói về văn hóa vùng miền thì Kyoto có vẻ là một nơi đặc biệt “khép kín”. Nói như vậy không có nghĩa là người dân Kyoto không niềm nở, hiếu khách. Nhưng ở họ dường như có một tầng sâu nào đó về đời sống tinh thần, và tầng sâu đó khiến cho những người sinh trưởng ở vùng khác cảm nhận được một khoảng cách mơ hồ với họ trong giao tiếp xã hội, kể cả những trường hợp đã duy trì mối quan hệ dài lâu.
Đưa ra những nhận xét như vậy không chỉ có người Việt sống lâu năm ở Nhật mà còn có cả người Nhật, thậm chí người Nhật còn khá trẻ và có nhiều kinh nghiệm về giao lưu văn hóa. Điều đó vô tình làm nảy sinh trong tôi một cảm giác e ngại khi nghĩ đến chuyện “tiếp cận” với người dân ở cố đô. Nhưng hình như cảm giác ấy bắt đầu thay đổi khi tôi gặp cô gái trẻ đi ngang đường đã dừng lại tìm giúp tôi địa chỉ, rồi sau đó còn nhiệt tình dẫn tôi đến tận nơi, với lòng nhiệt tình dường như tỏa ra từ một tâm hồn trong trẻo không vết gợn.
Khi cô gái trẻ làm công việc lễ tân ở quán trọ bảo rằng cô không biết tôi là người nước ngoài, tôi không tin mình đã giao tiếp với cô bằng một thứ tiếng Nhật hoàn hảo, mà có cảm nhận rằng cô đón tiếp mọi du khách bằng tinh thần rộng mở, không xét nét, xuất phát từ một tâm hồn quý trọng sự giao lưu đích thực chứ không phải chỉ là thái độ niềm nở vì công việc kinh doanh. Và bây giờ thì tôi đã có thể khẳng định là mình không nhầm lẫn, vì giữa cô và tôi đã có được một tình bạn chân thành, dù mối liên hệ vốn đã rất mong manh chỉ được duy trì “thấp thoáng” qua thư từ và internet.
Trong ký ức của tôi, vì những trải nghiệm bất ngờ và thú vị ở quán trọ lần ấy mà hình ảnh về một Kyoto cổ kính, thâm trầm trong lộng lẫy sắc thu luôn thấp thoáng gương mặt tươi cười của cô lễ tân mảnh dẻ trong một gian nhà gỗ gợi cảm giác thanh sạch, hiền hòa. Tôi vẫn nhớ khi gặp lại cô sau một ngày đi lang thang nhiều nơi dưới khoảng trời như được lợp bằng tán lá phong đỏ rực, tôi đã khoe với cô về những địa điểm mình vừa mới tham quan, còn cô thì hay tròn xoe mắt hỏi tôi làm sao có thể đi nhanh thế, đi được nhiều nơi thế! Cô còn nói rằng cô “ghen tị” với tôi vì sống ở giữa Kyoto nhưng quanh năm bận rộn nên chẳng mấy khi đi tham quan, ngoạn cảnh. Tôi biết cô nói thật vì sau này, khi biết tôi về nước và chưa có dịp ngắm hoa đào ở Nhật, cô đã gắng tranh thủ thời gian tìm đến những địa điểm có cảnh hoa đào nở đẹp nhất Kyoto để tham quan và chụp ảnh gửi cho tôi.
Giờ đây, giữa bộn bề công việc và muôn sự phiền nhiễu của cuộc sống đời thường, thỉnh thoảng tôi lại nghĩ về người thầy đã giúp đỡ tôi hết lòng trong chương trình nghiên cứu, về gia đình thân thiện ở Kanazawa đã tiếp nhận tôi trong chương trình homestay, và về cô bạn gái mảnh dẻ mà hoạt bát ở quán trọ Jiyujin lần ấy. Tôi đã dành thời gian đọc sách, đã cố gắng suy nghĩ để lý giải sự độc đáo trong tính cách người Nhật và vẻ đẹp đặc trưng của văn hóa Nhật thể hiện trong văn học, nhưng thú thật là tôi chẳng bao giờ hết băn khoăn về những điều tốt đẹp mà tôi đã nhận được từ những người “xa lạ” trong những cuộc gặp gỡ tình cờ trên quốc đảo. Sự tốt đẹp - cũng như sự xấu xa, tàn bạo của con người - thì ở đâu cũng có, nhưng tôi đặc biệt ấn tượng về cái vẻ “thản nhiên như không” của những người đã mang lại cho mình bao điều đáng trân trọng với tinh thần chỉn chu và lòng quan tâm sâu sắc. Tôi tự hỏi, không biết điều gì đã tạo nên ở họ một thái độ “vô tư” tuyệt vời đến thế, và ước ao được sống cận kề với họ để may ra thì có thể “nhiễm” lấy một chút niềm thanh thản, vô tư!
Nhưng đó là chuyện của sau này, khi tôi trở về với quê hương nhiệt đới có những siêu đô thị đằm mình trong khói bụi, còn trong chuyến đi Kansai lần ấy thì tôi chẳng có được một chút thời gian mà suy ngẫm. Tôi vội vã chạy theo lịch trình, dù cái sự vội vã ấy rốt cuộc cũng chỉ là để ngắm cảnh, tham quan. Những nơi mà trước đó tôi đã biết tên, đã giẫm gót giày lên vỉa hè đường phố giờ hiện ra trước mắt tôi với diện mạo khác hẳn. Kyoto như một cô gái đã trút bỏ bộ áo xanh mùa hạ để khoác lên mình bộ áo của mùa thu với sắc đỏ là gam màu chủ đạo.
Khuôn viên Kim Các Tự trước đó chìm trong màu xanh miên man của núi đồi, giờ nổi bật với những vòm lá phong đỏ thắm. Những cành lá rực rỡ soi mình trên mặt nước, như âm thầm “đọ sắc” với tòa kiến trúc dát vàng và con phượng hoàng có đôi cánh làm “dội ngược thời gian”[2]. Nhìn đôi cánh phượng hoàng trong sắc vàng lung linh đáy nước, nhìn con đường nhỏ ven ao có lá phong rải thảm, rồi nhìn lên vòm lá trên đầu như gắn lên trời xanh những chiếc lá chia thùy đẹp mắt và có màu đỏ rực, tôi có cảm giác như mình đang trôi đi trong một giấc mơ, như là chỉ thoáng chốc nữa thôi thì toàn bộ khung cảnh xung quanh sẽ bốc cháy khi cái đẹp trôi vào miền vĩnh cửu.
Trong số những địa điểm tôi đã đến tham quan lần ấy, ngoài Himeji-jo còn có chùa Kiyomizudera và Byodoin cũng đang được trùng tu. Tôi hơi tiếc vì không được nhìn tòa kiến trúc thanh nhã trong dáng vẻ vốn có thường ngày để hình dung cảnh nữ sĩ Murasaki chắp bút thảo nên Truyện Genji nổi tiếng, lại phải đứng trú mưa hồi lâu dưới giàn hoa tử đằng, nhưng không hề có cảm giác mệt mỏi hay bực dọc. Đặt chân đến đâu tôi cũng được thiên nhiên ôn đới đón chào bằng những vòm lá thu rực cháy, hệt những ngày Tết ở quê đến bất cứ nhà nào cũng nhìn thấy trên bàn một khay mứt đầy vun màu đỏ. Nhờ vậy mà chỉ mấy ngày ngắn ngủi của chuyến du lịch Kansai đã in đậm trong tôi hình ảnh mùa thu đặc trưng của miền tây Nhật Bản với những mái chùa cổ kính màu nâu sẫm thấp thoáng trong những vòm lá đỏ, lá vàng rực rỡ, lung linh. Tôi biết mình sẽ không bao giờ quên cơn buốt lạnh đột ngột khi vừa xuống xe buýt ở một công viên vắng người trong buổi mai tinh khiết, trước mặt là dãy núi Arashi với những mảng màu xen lẫn đẹp như một bức tranh; hay những đôi mắt nai hiền lành trong công viên Nara rộng lớn và tĩnh lặng, cứ như một khu vườn cổ tích bị bỏ quên giữa cuộc đời ồn ã; rồi cầu vồng bảy sắc hiện lên sau vòm lá đỏ bên hồ Biwa trước buổi hoàng hôn; hay dòng sông ở miền Uji với cù lao Nakanoshima ở giữa dòng và cây cầu sơn màu đỏ tươi như hiện ra từ những trang sách cổ v.v... Lang thang một buổi chiều trong thành phố nhỏ được mệnh danh là “quê hương Truyện Genji”, tôi thích thú chiêm ngưỡng tượng nữ sĩ Murasaki và cả tượng hai nhân vật của bà ở hai bên bờ sông chỉ cách nhau một cây cầu nho nhỏ, rồi tham quan Bảo tàng Truyện Genji trầm lặng mà trang nghiêm trong khuôn viên cũng đang rực lên màu lá phong đỏ thắm, thấy mình đang có chút may mắn được hít thở bầu không khí còn vương lại hơi hướng cao sang của văn hóa quý tộc cung đình!
Khép lại chuyến đi, trước khi bước vào khu vực bách hóa ở ga Kyoto như một mê cung rộng lớn tìm mua quà lưu niệm, tôi còn đứng lại một lúc trước bãi đỗ xe buýt nhìn tháp Kyoto rực sáng trong đêm. Chợt nhớ lời thầy kể về một lần uống rượu cùng một bạn văn người Việt trên tòa tháp ấy, tôi thầm mong có lần nào đó, khi trở lại nơi này, sẽ cùng một người thân hay một “khách giang hồ” tri kỷ leo lên tòa tháp mà ngắm cảnh thành phố về đêm và hình dung cảnh phồn hoa diễm lệ của kinh thành Heian một thuở... Trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm giác “thèm thuồng” khi đứng đợi xe buýt để đi thăm thắng cảnh Amanohashidate, nhìn thấy nhiều địa danh khác nhau trên những tuyến xe khác đang lần lượt chạy qua trước mặt, thấy mình thật nhỏ bé trước “lòng tham vô hạn” muốn lấp đầy những cái tên mới mẻ kia bằng cảm giác sống động có sắc màu, hương vị của nắng, gió, mây trời và cỏ hoa, bằng những chuyến du hành như những con sóng duy trì nguồn năng lượng cho một tâm hồn mê dịch chuyển...


[1] Trong tiếng Nhật có nhiều loại văn tự, trường hợp là người nước ngoài thì có thể ghi tên bằng mẫu tự Latin, bằng Hán tự hoặc sử dụng mẫu tự kana để ghi phiên âm ra tiếng Nhật. Trong thủ tục hành chính, pháp lý, các mẫu giấy tờ thường quy định cụ thể là ghi tên đương sự ở dạng nào.
[2] Ý văn của Mishima Yukio trong tiểu thuyết Kim Các Tự.      

2 nhận xét:

  1. đặc biệt ấn tượng về cái vẻ “thản nhiên như không” của những người đã mang lại cho mình bao điều đáng trân trọng với tinh thần chỉn chu và lòng quan tâm sâu sắc. Tôi tự hỏi, không biết điều gì đã tạo nên ở họ một thái độ “vô tư” tuyệt vời đến thế..

    Mình thường hỏi vậy khi nghĩ về nước Nhật. Hôm ra sân bay, trước khi bước xuống thang cuốn, mình thấy một người đứng cầm vải lau tay cầu thang, cái vẻ "thản nhiên" trong công việc, dường như chẳng có gì đáng nói, chẳng có gì quan trọng, chẳng có gì hết... Mình không hiểu về tâm tình người Nhật, nhưng cách biểu hiện của họ, luôn làm mình nghĩ ngợi về nơi mình đang sống.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng là không phải chỉ riêng mình mới để ý chuyện này.

    Trả lờiXóa