Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

ĐƯỜNG SẮT NHẬT BẢN – NƠI GẶP GỠ CỦA HAI MIỀN SÁNG TỐI



Một người tìm hiểu văn hóa Nhật nếu chỉ biết kimono, trà đạo v.v... mà không quan tâm đến mạng lưới đường sắt thì cũng giống như một người không giao tiếp với đời sống hiện tại mà chỉ biết đắm chìm vào thế giới hoài niệm xa xưa. Trà đạo, hoa đạo là vẻ đẹp được chưng cất trong truyền thống văn hóa, còn hệ thống đường sắt là cốt tủy của đời sống Nhật Bản hiện đại.
Trong tiến trình hiện đại hóa Nhật Bản thời Minh Trị, giao thông đường sắt là một trong những chương trình được đầu tư sớm nhất và nhiều nhất. Nhờ đó mà Nhật Bản đã sớm xây dựng được mạng lưới đường sắt tỏa rộng trên cả nước, tạo điều kiện cho sự kết nối về kinh tế và văn hóa giữa các vùng.
Ngày nay, hệ thống đường sắt Nhật Bản trở thành một mạng lưới khổng lồ từ trung tâm của các đô thị sầm uất vươn đến những vùng sâu, vùng xa, xuyên qua nhiều núi đồi và vượt qua cả những eo biển lớn. Hệ thống ấy có những nhà ga được thiết kế độc đáo ở những địa phương là điểm đến du lịch, có những ga tàu điện ngầm sâu hút nhiều tầng trong lòng đất, có những đoàn tàu cao tốc (shinkansen) dài gần 800 met với tốc độ 350 km/h; và cũng có những loại tàu cũ kỹ chạy bằng động cơ hơi nước được bảo tồn để phục vụ du lịch, những tàu điện chỉ một hoặc hai toa chạy qua những khu vực thưa dân, vắng khách. Vận tải đường sắt bao gồm cả doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân, trong đó JR (Japan Railway Company) là tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trên toàn quốc, cung cấp cả dịch vụ vận tải và dịch vụ du lịch.
Giống như các thành quách, lâu đài của lãnh chúa đóng vai trò là tâm điểm để hình thành các đô thị thời Edo, các nhà ga đường sắt chiếm vị trí trung tâm trong quy hoạch đô thị ở Nhật Bản thời hiện đại. Bản thân những nhà ga lớn là cả một thế giới với sự góp mặt của vô số thương hiệu dịch vụ và hàng hóa. Xung quanh nhà ga là không gian mở rộng hơn, dành cho hàng loạt những dịch vụ tiện ích và khu phố thương mại. Ngân hàng, quán ăn, trường học, khách sạn, thư viện, trung tâm văn hóa, bưu điện, hiệu thuốc, cửa hàng thực phẩm, siêu thị điện máy, nhà sách, công viên v.v...
Hầu hết người dân sống ở đô thị lớn đều sử dụng phương tiện giao thông đường sắt (bao gồm cả tàu điện chạy trên mặt đất và tàu điện ngầm), nên mức độ tiện lợi của một căn hộ hay một ngôi nhà thường gắn với khoảng cách từ nơi ấy đến ga tàu gần nhất. Thông thường thì khoảng cách lý tưởng sẽ mất chừng mười phút đi bộ, và người dân sẽ kết hợp khoảng cách này với các tiêu chuẩn khác (như khoảng cách và tuyến tàu đến nơi làm việc hoặc đến trường, tầm nhìn thông thoáng của căn nhà và mức độ yên tĩnh của khu vực xung quanh, khả năng sử dụng các dịch vụ tiện ích v.v...) để lựa chọn một vị trí làm nơi lưu trú lâu dài. Với sự lựa chọn ấy, mỗi con người bận rộn trong cuộc sống đô thị đều có thể dễ dàng mua được các mặt hàng và thực hiện các giao dịch cần thiết cho cuộc sống hàng ngày mà chỉ mất vài phút để ghé lại đâu đó gần ga, trên đường đến ga để lên tàu hoặc trên đường từ ga trở về sau giờ làm việc.
Tôi bắt đầu có ý thức về mô hình quy hoạch này khi trao đổi thông tin về địa chỉ với người bản xứ và những người bạn sống lâu năm ở Nhật. Một khi có liên quan đến vấn đề di chuyển và tiếp cận thì địa chỉ của ai đó, hoặc cơ quan nào đó, bao giờ cũng phải kèm theo tên nhà ga gần nhất, trường hợp phức tạp thì thậm chí phải kèm theo hướng dẫn cách đi hoặc phương tiện giao thông phù hợp để di chuyển từ ga đến nơi cần tìm.
Ý thức như vậy về vị trí của các ga tàu cho thấy hệ thống đường sắt không đơn giản chỉ là một phương tiện giao thông mà đã trở thành một yếu tố quan trọng trong vấn đề tổ chức đời sống của người dân Nhật Bản. Nếu như chợ là nơi thể hiện quy mô kinh tế trong xã hội truyền thống Việt Nam thì nhà ga đường sắt cũng đảm nhận vai trò tương tự ở khắp các địa phương trên toàn nước Nhật. Cho nên, chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên khi bị cuốn vào dòng người hối hả như thác đổ trong những nhà ga thuộc khu vực trung tâm của các đô thị lớn, hay phải ngồi đợi tàu một mình suốt mấy chục phút tại một ga xép nào đó ở giữa bốn bề rừng núi quạnh hiu.
Với cư dân của những siêu đô thị như Tokyo thì mạng lưới đường sắt nội đô đã trở thành nhịp điệu quen thuộc của cuộc sống đời thường. Người ta hẹn nhau ở các nhà ga, mua sắm và ăn uống trong khu thương mại gần ga, đọc sách và làm việc bằng máy tính cá nhân trên các toa tàu v.v... Nhưng với một người quan sát đến từ nền văn hóa ngoài Nhật Bản như tôi thì hệ thống đường sắt còn là nơi thể hiện sức mạnh của nền kinh tế Nhật cũng như cách hành xử văn minh của người bản xứ. Những ga tàu nhiều tầng, nhiều tuyến đường, nhiều khu vực đến mức không đếm nổi. Những chuyến tàu cao tốc lướt êm vào sân ga, nhẹ nhàng như một chiếc ô tô cá nhân đỗ lại bên hè phố. Cầu vượt biển Seto Ohashi dài 12 kilomet và đường ngầm xuyên biển Seikan dài 53 kilomet đều được hoàn thành cuối thập niên 1980. Những toa tàu du lịch rộng rãi và sang trọng như sảnh đợi trong một khách sạn hay một nhà hàng lớn v.v... Điều quan trọng là không bao giờ xảy ra cảnh chen lấn lộn xộn, cho dù có đến mấy triệu lượt khách lên xuống trong một ngày ở những nhà ga khổng lồ như Shinjuku, cho dù những đoàn tàu nội đô Tokyo luôn chật cứng hành khách vào giờ cao điểm. Dòng người cứ lặng lẽ đứng đợi trên đường tàu, lặng lẽ bước vào khoang hành khách và tìm một chỗ đứng, lặng lẽ bước xuống khi đoàn tàu dừng lại và hàng loạt cánh cửa dọc thân tàu đồng loạt mở ra. Không ai nói gì, không một lời than phiền, một bộ mặt cáu kỉnh dù tàu đông đến mức không thở được, dù bị dòng người cuốn ra khỏi toa tàu khi vẫn chưa đến ga cần xuống, dù phải co ro trên đường tàu hun hút gió trong cái lạnh mùa đông lúc nửa đêm.
Nhưng đường sắt Nhật Bản còn để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi vì một phương diện khác.
Dạo mới làm quen với mạng lưới đường sắt Tokyo, vì chưa nhớ được tên của các nhà ga trên các lộ trình, mỗi khi lên tàu tôi thường tìm chỗ đứng thuận tiện để theo dõi các điểm dừng sắp tới lần lượt hiện lên bảng hiển thị nằm phía trên các khung cửa của toa tàu. Nhưng bảng hiển thị không chỉ có chức năng thông báo tên của các nhà ga. Tôi đọc thấy trên đó những thông tin liên quan đến các tuyến tàu cùng tham gia vào mạng lưới chằng chịt của hệ thống đường sắt ở miền Đông Nhật Bản. Chẳng hạn tuyến tàu nào đang phải dừng ở ga nào đó vì bão tuyết. Và nhiều lần tôi đọc được thông tin về những chuyến tàu đang bị trễ giờ vài phút hoặc đang phải dừng lại vì “sự cố con người”.
Từ “sự cố” trong tiếng Nhật thường được hiểu theo nghĩa là tai nạn, nên thoạt tiên khi nhìn thấy dòng thông tin như thế chạy qua bảng hiển thị thì tôi chỉ ghi nhận đơn giản rằng có một tai nạn xảy ra đâu đó trên đường sắt. Nhưng rồi tôi bắt đầu nảy sinh thắc mắc khi thấy cụm từ “sự cố con người”, gắn với nhiều tên của nhiều tuyến tàu khác nhau, xuất hiện trên bảng hiển thị khá thường xuyên. Trong phạm vi quan sát cá nhân, tôi cảm thấy các tuyến tàu điện nội đô đều hết sức an toàn, còn hành khách đi tàu thì thực hiện nội quy nghiêm túc với tinh thần kỷ luật rất cao, nên giao thông đường sắt không hề có vẻ là một môi trường dễ xảy ra tai nạn. Tôi không hiểu vì lý do gì mà “sự cố con người” lại xảy ra thường xuyên đến thế, và cũng không rõ những “sự cố” như vậy có nghiêm trọng đến mức làm thiệt hại tính mạng hành khách hay không.
Chưa kịp hỏi ai để giải tỏa những thắc mắc kiểu ấy thì tôi tình cờ nghe câu chuyện của mấy người bạn, dĩ nhiên là toàn những người có thâm niên cư trú ở Nhật Bản, về những trường hợp tự sát ở đường tàu điện ngầm. Một cô bạn kể rằng bản thân cô đã nhiều lần đi trên những chuyến tàu gặp sự cố vì có người tự sát, thậm chí có lần đã chứng kiến cảnh cấp cứu một ai đó bị thương vì lao xuống đường tàu.
Câu chuyện ấy làm tôi chợt nhớ đến “sự cố con người” trên bảng hiển thị của các toa tàu điện. Tôi bèn hỏi xem sự cố do tự sát có nằm trong nội hàm của thuật ngữ ấy không, thì được trả lời rằng “sự cố con người” thật ra hầu hết là sự cố do tự sát!
Câu trả lời quả là dễ tiếp nhận vì không hề mâu thuẫn với tính an toàn của đường sắt Nhật Bản theo cảm nhận của tôi, nhưng thông tin mà nó chứa đựng đã khiến tôi không khỏi bàng hoàng. Hầu hết các trường hợp thì đúng là nhiều quá! Tôi nghĩ đến dòng chữ thường xuyên xuất hiện trên các chuyến tàu ngược xuôi ngang dọc trong lòng phố mà bất giác rùng mình!
Từ dạo ấy, mỗi khi nhìn thấy dòng chữ quen thuộc kia chạy qua bảng hiển thị là tôi lại nghe như đâu đó quanh mình có cái gì đổ vỡ. Đặc biệt, khi gặp dòng chữ ấy trên một chuyến tàu trong buổi chiều mùng hai Tết thì cảm giác về sự dổ vỡ ấy đột ngột đẩy tôi vào trạng thái hoang mang. Hôm ấy tôi đi thăm tháp Tokyo, như một cách để nói lời chia tay thành phố, vì đợt lưu trú của tôi sẽ kết thúc trong vòng chưa đến 2 tuần nữa. Mặc dù khi ấy tôi đang ở nhà trọ một mình và đi thăm tòa tháp cũng một mình (cô bạn tôi đã dẫn em gái đi thăm hỏi người quen ở Shizuoka nhân dịp tân niên) nhưng tôi vẫn nghĩ rằng mình đang tận hưởng không khí ngày Tết cùng tất cả mọi người xung quanh, với tâm trạng hướng về những gì tốt đẹp, trong sáng nhất. Và khi dòng chữ ấy hiện lên trước mắt thì lòng tôi chợt hẫng... Như khi đang thưởng ngoạn phong cảnh trên con đường tuyệt đẹp thì nhìn thấy vực thẳm ngay phía dưới bước chân!
Thế giới này phức tạp hơn mình tưởng”, tôi lơ mơ nghĩ trong cảm giác bồng bềnh không trọng lượng, không thể nào hình dung được tâm cảnh đã đưa đẩy con người đến với những “sự cố” như vậy vào một buổi chiều yên ả lúc đầu năm, trong một đất nước văn minh thịnh vượng nhất nhì trên thế giới.
Tôi bất giác nhìn sang những hành khách đi tàu, tự nhủ rằng tâm hồn Nhật Bản vẫn là một thế giới thẳm sâu mà tôi không làm sao hiểu được, rằng khoảng cách giữa người với người có thể thu hẹp hay giãn ra vô tận trong khoảnh khắc, rằng phải chăng “chia sẻ” đôi khi chỉ là một ảo giác dễ chịu của con người...
Đó là sự “choáng váng” nhất thời khi trải nghiệm thực tế với nền văn hóa Nhật. Còn vấn đề tự sát của người dân nước này thì tôi đã được biết từ lâu qua sách vở. Nói là người Nhật khó hiểu hay suy nghĩ nặng nề cũng được, nhưng tôi không cho rằng người Nhật tự sát chỉ đơn giản vì họ lập dị hoặc bi quan. Tôi biết họ đủ thông minh và nhiệt tình để thưởng thức đến tận cùng mọi giá trị, tinh hoa trong đời sống.
Một văn hào Nhật Bản đã viết đại ý rằng nguồn sáng nào cũng tạo ra bóng tối. Phải chăng con cháu của nữ thần Mặt trời đã chấp nhận những góc tối nào đó như một phần định mệnh của một dân tộc được thế giới ngưỡng mộ vì thành tựu phát triển quốc gia?
Đó là những vấn đề không thể nào có được một đáp án duy nhất và vĩnh viễn, bất luận tôi thâm nhập xã hội Nhật Bản và trải nghiệm cùng người Nhật bao lâu. Tôi chỉ có cảm giác rằng hệ thống đường sắt là môi trường phong phú để quan sát văn hóa Nhật Bản như một sinh thể đa diện trong trạng thái vận động không ngừng. Sinh thể ấy có khi mạnh mẽ và vững chãi nhưng có lúc thật mỏng mảnh, chông chênh. Như hệ thống đường sắt là sự kết hợp của nhiều tầng thấp – cao với những miền sáng – tối. Và có lẽ một người quan sát với tầm nhìn hạn chế như tôi, trước một nền văn hóa phức tạp như Nhật Bản, cũng phải biết chấp nhận những khoảng lặng khi bóng tối ập đến trong khoảnh khắc, như một lữ khách muốn ngắm nhìn phong cảnh bên ngoài khung cửa sổ phải nhẫn nại đợi con tàu đi xuyên hết đường hầm?

7 nhận xét:

  1. Mình đang viết về sân bay Kansai thì đọc bài này của bạn.
    Mình đi tàu hai lần một lần từ Kyoto đến Shin Yokohoma, một lần từ Tokyo đến Narita. Mình rất để ý chuyện này. Và mình thường thích đi một mình trên những chuyến tàu như vậy (ở UK hệ thống đường ray không bằng ở đây, nhưng cũng khá thú vị).
    Cảm ơn bài viết này của bạn. Có một điều bạn nêu lên đang nằm trong thắc mắc của mình (“sự cố con người”), và mình vẫn chưa giải thích được. Nếu bạn tìm ra lý do, có thể viết một bài bạn nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn những nhận xét của bạn. Mình luôn cố gắng tìm hiểu về Nhật Bản, mà có nhiều điều vẫn còn chưa hiểu được. Thật ra thời gian ở Nhật của mình rất ít, vì quan tâm đến văn hóa NB nên mình mới có những suy nghĩ vậy thôi. Trong thời gian tới, nếu có cơ hội ở Nhật nhiều hơn, mình sẽ khảo sát để làm rõ thêm một số vấn đề mà mình đang thắc mắc.

    Trả lờiXóa
  3. "Dòng người cứ lặng lẽ đứng đợi trên đường tàu, lặng lẽ bước vào khoang hành khách và tìm một chỗ đứng, lặng lẽ bước xuống khi đoàn tàu dừng lại và hàng loạt cánh cửa dọc thân tàu đồng loạt mở ra."
    Mình đọc đi đọc lại bài này nhiều lần, thấy hình như người Việt trao đổi với nhau hơi nhiều khi đứng đợi, khi lên tàu và cả khi xuống tàu. Còn người Nhật, thì đúng như bạn viết.

    Mình có nhiều cảm nhận nhưng chưa thể viết bây giờ mà thôi.

    "khoảng cách giữa người với người có thể thu hẹp hay giãn ra vô tận trong khoảnh khắc", rồi đọc thêm câu này thật nhiều suy nghĩ "nguồn sáng nào cũng tạo ra bóng tối." Cái bóng tối của mỗi người thật đáng sợ, một khi đã rơi vào, thì có lẽ như bạn nói, phải chờ khi ra khỏi đường hầm!

    Tản mạn đôi dòng với bạn, nhân mình đang tra cứu một ít tư liệu về Nhật Bản.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn những chia sẻ của bạn. Chính là vì tìm hiểu về Nhật Bản mà mình suy nghĩ về con người nhiều hơn, và càng suy nghĩ lại càng thấy khó hiểu.

    Trả lờiXóa
  5. Cho mình hỏi một câu ngoài lề.
    Ban đầu chữ Hán sử dụng trong văn bản cho 4 nước Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Sau đó Triều Tiên đã chế ra loại chữ viết mới, hoàn toàn khác hẳn Hán Tự. Còn Việt Nam ban đầu có chế chữ Nôm, nhưng vẫn mượn chữ Hán để viết những từ nôm. Bây giờ thì có chữ Quốc ngữ.
    Còn Nhật Bản thì lúc nào bắt đầu có chữ viết như hiện nay, dù rằng mượn rất nhiều tiếng Hán, lúc trước mình có học Danh sách Kyōiku kanji bao gồm 1.945 chữ Hán gọi là "Jōyō kanji" (常用漢字). Chữ Hán thì mình biết lõm bõm, nên khi qua Nhật vừa đọc vừa đoán cũng hiểu đại khái những gì viết trên đường đi.
    Nhưng cuối cùng thì sao? Chữ viết Nhật vẫn liên quan đến chữ Hán. Đó là điều mình suy nghĩ, họ không có một chữ viết riêng sao!
    Có cách nào viết tóm tắt lý giải điều này không? Bạn trả lời vắn tắt cho mình thôi.

    Bài bạn viết rất dài, mình thật trân trọng điều này! Sẽ mất rất nhiều thời giờ để viết, vì ý tứ trong bài và bút pháp đều hay một cách đặc biệt.

    Trả lờiXóa
  6. Người Nhật lúc đầu cũng mượn chữ Hán để ghi âm tiếng Nhật. Sau đó họ sáng tạo ra chữ kana (gồm có 2 hệ thống ký tự là hiragana và katakana) để ghi âm tiếng Nhật và ghi cách đọc chữ Hán dùng trong tiếng Nhật. Tuy nhiên, vì tiếng Nhật có nhiều từ đồng âm khác nghĩa nên đến giờ người Nhật vẫn dùng chữ Hán để dễ phân biệt ý nghĩa các từ trong câu. Vì vậy trong văn bản tiếng Nhật hiện nay có sử dụng đồng thời 3 hệ thống văn tự.
    Mình viết dạng tạp ký thì hay viết lan man vì muốn nói ra hết những cảm xúc và suy nghĩ. Hơn nữa, khi ở Nhật có nhiều cảnh quan hoặc hiện tượng làm mình quan tâm, thích thú nên cũng muốn viết lại chi tiết để chia sẻ với mọi người. Mình thấy xung quanh có nhiều người ngưỡng mộ Nhật Bản nhưng ít người hiểu được văn hóa Nhật, nên muốn giúp mọi người có thêm một chút thông tin.

    Trả lờiXóa
  7. "tiếng Nhật có nhiều từ đồng âm khác nghĩa nên đến giờ người Nhật vẫn dùng chữ Hán để dễ phân biệt ý nghĩa các từ trong câu.

    Câu này của bạn trả lời được thắc mắc của mình rồi. Cảm ơn bạn.

    Trả lờiXóa