Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

“RẰNG: TỪ NGẪU NHĨ GẶP NHAU...”



Cuộc “gặp gỡ” giữa tôi và Nhật Bản, nếu xem nước Nhật là đối tượng nghiên cứu mà tôi đã lựa chọn khi đăng ký chuyên ngành, thì chủ yếu là do quyết định có mục đích, chứ không phải do yếu tố ngẫu nhiên. Tôi đã ghi từ “Nhật Bản” vào ô trống được dành để ghi chuyên ngành lựa chọn, khi tôi vẫn chưa nhìn thấy bất cứ ký tự nào trong tiếng Nhật, không biết bản đồ nước Nhật có hình dạng thế nào, hay thủ đô Nhật Bản cách Hà Nội khoảng mấy giờ bay. Nhưng đó là quyết định nghiêm túc và không hề miễn cưỡng. Tôi đã thiếu thông tin trầm trọng về đối tượng mà mình lựa chọn để nghiên cứu, nhưng điều đó không hề xuất phát từ ý chí hay tình cảm của riêng tôi.
Vì vậy, tôi sẽ không nói, mà đúng hơn là tôi không thể nói, rằng tôi “gặp” nước Nhật là do sự tình cờ. Nhưng có thể nói rằng việc lựa chọn Nhật Bản làm đối tượng nghiên cứu đã mang đến cho tôi nhiều cuộc gặp gỡ tình cờ với nhiều người, cả người Nhật và người Việt sống trên đất Nhật, trong đó có những người đã để lại ảnh hưởng sâu đậm trong quá trình học tập và nghiên cứu của tôi.
Những gặp gỡ ngẫu nhiên ban đầu là gặp gỡ giáo viên bản xứ trong giờ học đàm thoại tiếng Nhật. Lớp tôi dạo ấy được học với khá nhiều giáo viên, nên hình ảnh người Nhật mà tôi ghi nhận trong bốn năm ở trường dần trở nên đa dạng về cả diện mạo và tính cách. Nhưng nói cho công bằng thì không ai trong số đó để lại trong tôi nhiều thiện cảm về nước Nhật và kích thích lòng say mê tìm hiểu về Nhật Bản bằng người thầy đã dạy cho chúng tôi chuyên đề về kinh tế Nhật Bản vào cuối năm thứ ba.
Thầy là vị giáo sư duy nhất đã đến với chúng tôi, trong phạm vi thời gian của khóa học 4 năm, từ hệ thống đại học ở Nhật Bản. Nhưng thầy là người Việt. Khi ấy, cũng vì thiếu thông tin mà, trước khi thầy lên lớp, tôi chỉ được biết loáng thoáng rằng nơi thầy đang công tác là một trường đại học nổi tiếng ở Tokyo. Nhưng dù có được biết chi tiết hơn về lý lịch học thuật hay những mối quan hệ xã hội của thầy đi chăng nữa, tôi cũng không thể nào hình dung về thầy như những gì thầy thể hiện trước lớp, trong những giờ học mà tôi còn ghi nhớ rõ nét nhất khi hồi tưởng về những năm tháng sinh viên.
Với vẻ mặt tươi cười thân thiện, thầy nói lời đầu tiên trước lớp, mà tôi chỉ nhớ đại ý, là thầy xin phép sẽ nói... tiếng Quảng Nam, tuy rằng thầy đã sống và làm việc ở Nhật đến mấy chục năm rồi! Thú thật là cho đến thời điểm ấy tôi vẫn chưa đủ điều kiện để có ấn tượng gì đặc biệt về người Quảng Nam, hay người ở bất cứ vùng nào trên cả nước. Nhưng câu nói của thầy gợi lên trong tôi một linh cảm rằng giờ học với thầy sẽ vô cùng đặc biệt, như thể cái địa danh Quảng Nam, chứ không phải là Waseda danh tiếng hay Tokyo hoa lệ, đã thổi vào lớp học một làn gió lạ và tươi mát, trong lành.
Cho đến khi gặp thầy, tôi chưa từng nghĩ là mình thích học môn kinh tế, dù cũng chẳng có lý do gì để ghét học môn này. Với tôi, kinh tế chỉ là một môn học đem đến thông tin. Tôi không thấy nó gắn với cái gì khiến cho mình đam mê hay cảm động. Cho nên, nói một cách nôm na thì khi ấy tôi chỉ suy nghĩ đơn giản rằng, chuyên đề mà thầy dạy sẽ giúp tôi hiểu biết đôi điều về sự giàu có của người Nhật Bản.
Dù sao, tôi đã không lựa chọn chuyên ngành vì ngưỡng mộ nền kinh tế Nhật, nên chuyên đề kinh tế không phải là sự quan tâm số một của tôi. Dĩ nhiên là chúng tôi có được khích lệ hơn một chút khi biết rằng người giảng dạy là một vị giáo sư đến từ Nhật Bản. Nhưng cái danh vị ấy dường như cũng khiến thầy trở nên rất cao xa so với thế giới chật hẹp và nghèo nàn của chúng tôi lúc đó. Nói tóm lại, tôi chẳng có mong đợi gì đặc biệt khi đến lớp trong buổi đầu tiên được học với thầy.
Thầy không giảng bài theo kiểu của một nhà hùng biện. Không mang lại cho chúng tôi cảm giác rằng mình đang đón nhận cái gì đó rất kỳ vĩ, rất cao sang để đem về cất giữ. Thầy lên lớp trong tâm thế của một người tìm gặp các bạn trẻ để trao đổi, chuyện trò. Chỉ khi nào thấy chúng tôi ngơ ngác vì một khái niệm khó thì thầy mới giải thích bằng tri thức căn bản, còn lại thì giờ giảng của thầy luôn kết hợp giữa cung cấp thông tin và thảo luận vấn đề.
Tôi chỉ tiếc rằng khi ấy mình chưa đủ kiến thức nền tảng và năng lực tư duy về kinh tế xã hội để tích cực tham gia phát biểu trong giờ học, dù biết rằng chỉ nghe giảng không thôi thì chưa đủ. Nhưng tôi nhớ rất rõ phong thái của thầy khi tương tác với sinh viên. Dù chúng tôi phát biểu chưa chính xác, chưa đầy đủ hoặc thậm chí có những chỗ sai lệch, ngô nghê thì thầy vẫn ân cần lắng nghe với nụ cười khích lệ, sau đó mới nhẹ nhàng bình luận và giải thích để chúng tôi tự chỉnh sửa và mở rộng kiến thức tiếp thu.
Có lần lớp chúng tôi học giờ của thầy trong hội trường khá rộng, và thầy phải đứng trên sân khấu thay vì trên bục giảng. Điều kiện ấy có vẻ gây khó khăn cho thầy trong việc tương tác với sinh viên. Thầy phải nói to hơn thường lệ, còn chúng tôi cũng phải dồn về khu vực gần sân khấu để nhìn được rõ hơn những nội dung thầy ghi lên bảng. Người được thầy gọi tên đầu tiên hôm ấy là một cô bạn thân trong nhóm của tôi. Tôi không nhớ nội dung câu hỏi thầy đưa ra lúc ấy, chỉ nhớ là khi cô bạn tôi đứng dậy trả lời thì thầy đang đứng trên sân khấu với micro lùng nhùng dây nhợ trên tay. Khoảng cách giữa sân khấu và ghế ngồi của sinh viên khá xa nên dường như thầy không nghe rõ nội dung phát biểu. Gương mặt thầy có vẻ căng thẳng, rồi thoáng cái, để nghe được rõ hơn lời phát biểu của cô bạn tôi trong thời gian nhanh nhất, thầy đã bước vội xuống sàn phòng, gần như phải thực hiện một bước nhảy vì sân khấu khá cao, mà không dùng lối đi chính thức có bậc cấp ở gần bên hai cửa ra vào.
Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một giáo sư coi trọng việc lắng nghe ý kiến của sinh viên hơn việc giữ dáng vẻ đạo mạo của mình trên bục giảng. Và chính những biểu hiện như thế trong tác phong của thầy, chứ không phải chức danh giáo sư hay cái tên của một trường đại học danh tiếng, đã khiến tôi nghĩ về thầy như một người đến từ nước Nhật Bản văn minh. Dĩ nhiên tôi không ngớ ngẩn đến mức tưởng rằng ở đất nước văn minh thì ứng xử của mọi người nhất loạt giống nhau trong từng cử chỉ, nhưng tôi có cảm giác rằng thái độ và tác phong của thầy là biểu hiện của một nếp sinh hoạt khác với những gì tôi từng biết. Điều đó đã khơi dậy trong tôi niềm ao ước được đến thăm môi trường làm việc của thầy, vì tôi tin rằng ít nhất thì cái nếp sinh hoạt ấy phải được hình thành từ một hệ giá trị mà ý nghĩa nhân văn của hoạt động giáo dục được đặt vào đúng chỗ của nó.
Chuyên đề của thầy kết thúc rất nhanh chỉ sau vài buổi học. Đó cũng không phải là chuyên đề mà tôi đạt điểm cao, hay là hướng chuyên môn mà tôi lựa chọn đề nghiên cứu lâu dài. Nhưng điều tôi học được từ thầy không chỉ là nội dung về kinh tế Nhật Bản. Nói một cách đơn giản, sự xuất hiện của thầy đã có tác dụng động viên tôi rất nhiều trong những tháng ngày chật vật kiếm tìm một lối đi.
Lần đầu tiên tôi đọc sách viết về kinh tế - xã hội mà say mê như là đọc tiểu thuyết. Đó là cảm giác mà tôi còn nhớ được khi đọc một trong những trước tác của thầy. Và tôi đã đánh bạo viết thư điện tử để bày tỏ với thầy rằng tôi rất xúc động, rất tâm đắc với những lập luận của thầy trong sách. Hành động “liều lĩnh” khởi đầu này đã giúp tôi giữ liên lạc với thầy trong một khoảng thời gian khá dài kể từ khi tốt nghiệp.
Khi kế hoạch về chuyến tham quan Nhật Bản của nhóm chúng tôi được xác định rõ ràng, ý nghĩ đầu tiên đến với tôi là “mình đã tìm được cơ hội đến thăm nơi làm việc của thầy trên đất Nhật”. Cho nên, dù lần ấy chúng tôi chỉ ghé lại Tokyo có 3 ngày trước khi về nước, tôi đã cố gắng liên lạc sớm với thầy để thực hiện niềm mong ước mà bấy lâu tôi vẫn hằng ấp ủ. May mắn là thầy có thể thu xếp ngay một cuộc hẹn vào thời điểm khá thuận tiện cho tôi.
Cùng đi với tôi lần ấy có một cô bạn cũng mới vừa đến Nhật, chính là cô bạn đã phát biểu đầu tiên vào cái buổi thầy dạy chúng tôi ở hội trường.
Phòng nghiên cứu của thầy nằm trong một tòa nhà cao tầng bề thế giữa khuôn viên đại học. Cửa thang máy mở ra một hành lang yên lặng và dài tít tắp trước mắt tôi. Thảm trải sàn nuốt trọn tiếng bước chân để đảm bảo sự tĩnh lặng và thâm nghiêm như dấu hiệu đặc trưng ở khu vực các giáo sư làm việc. Chúng tôi vừa đi vừa nhìn từng cánh cửa để xác nhận số phòng. Trên cửa còn có tên của các giáo sư, được viết bằng Hán tự với cỡ chữ vừa đủ cho tầm nhìn của người đi dọc hành lang ấy.
Phòng của thầy nằm ở gần góc ngoặt hành lang. Mắt tôi đang lướt đều qua từng cánh cửa im ỉm khép với những cái tên Nhật viết bằng Hán tự thì đột nhiên khựng lại khi bắt gặp tên thầy. Nói cho chính xác là bắt gặp những mẫu tự trong hệ chữ kana ghi phiên âm tên tiếng Việt của thầy. Một chi tiết rất nhỏ nhưng đủ để khẳng định sự tồn tại của yếu tố khác biệt. Như một cây bạch dương đứng giữa rừng sồi. Một thanh âm khác lạ xen vào bản hòa âm cứ tưởng như sẽ ngân dài không dứt.
Có một điều gì đó bỗng xôn xao nhè nhẹ trong tôi. Tôi biết rằng mình chẳng can dự gì đến sự tồn tại của cái tên tiếng Việt được ghi bằng mẫu tự kana trên cánh cửa. Nhưng tôi có cảm giác như một người nông dân trên bước đường tha phương cầu thực chợt nhìn thấy một khoảng vườn xanh tươi giữa phố phường lô nhô cao ốc. Khoảng vườn tuy không thuộc về mình nhưng dường như tỏa ra một chút gì ấm áp thân quen. Và cứ như là nhờ màu xanh quen thuộc ấy mà mình thêm được chút tin yêu về cái đẹp từng gần gũi với mình trong thế giới đơn sơ mộc mạc. Sau này, khi kể lại cảm giác ấy với một vài người bạn, tôi vẫn nói đùa rằng nhờ “một thoáng xôn xao” đó tôi mới phát hiện ra, mới biết được trong góc khuất tâm hồn mình vẫn “có tinh thần dân tộc” hơn mình tưởng!
Gặp chúng tôi giữa lúc đang bộn bề công việc nhưng thầy vẫn luôn giữ phong thái nhẹ nhàng, trầm tĩnh. Thầy nói rất ít khi chúng tôi hỏi thăm thầy về công việc cá nhân, chỉ ân cần hỏi han chúng tôi về hoàn cảnh đến Nhật, về nguyện vọng học tập và công tác, rồi nhắc đến những vấn đề thời sự ở Việt Nam với ánh mắt đong đầy những khắc khoải, ưu tư. Điều đó làm tôi thấy xót xa mỗi khi nhớ đến thầy. Và cũng chính điều đó đã nhắc nhở tôi rằng, dù cho mình có trôi dạt đến đâu, có mang quốc tịch gì hay làm việc ở đất nước nào đi nữa, thì một phần nào đó trong con người của mình vẫn thuộc về cái nơi mà mình đã sinh ra, vẫn vui buồn nóng lạnh với từng cơn nắng sớm mưa chiều trên miền đất ấy.
Cho đến bây giờ, 12 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học, tôi chỉ mới được gặp thầy có hai lần trong phòng nghiên cứu ở nơi thầy làm việc, và một vài lần khác trong những chương trình trao đổi học thuật tổ chức ở Việt Nam bằng kinh phí tài trợ của Nhật Bản. Nhưng với tôi, như thế đã là sự may mắn hiếm có trong đời. Dù không đi theo hướng của thầy trong chuyên môn nghiên cứu, tôi vẫn nghĩ về thầy như một nguồn lực đã động viên, giúp đỡ tôi vượt qua những tháng ngày chông chênh nhất để đi tiếp con đường mình đã chọn.
Có một điều thú vị là tôi luôn cảm thấy được chia sẻ khi trò chuyện với thầy cũng như với các giáo sư người Nhật mà tôi đã quen biết do gặp gỡ tình cờ. “Chia sẻ” ở đây không chỉ có nghĩa đơn giản là người này tán thành ý kiến của người kia. Đó là một trạng thái rất dễ chịu khi những người đối thoại với nhau tự biết rằng mình có thể thẳng thắn và hết lòng trong tất cả những nội dung phát biểu hay tranh luận. Đặc biệt là sự chia sẻ mà tôi cảm nhận được trong những lần trò chuyện với giáo sư đã hướng dẫn tôi thực hiện đề tài nghiên cứu. Điều lạ lùng là với người thầy đã dạy tôi năm thứ ba đại học thì tôi cảm nhận rằng sự chia sẻ ấy đến từ việc cả hai thầy trò cùng ưu tư về “chuyện nắng mưa” trên xứ sở “rừng vàng biển bạc”, còn với thầy đã hướng dẫn tôi nghiên cứu trên đất Nhật thì tôi lại cảm thấy mình được thấu hiểu khi trò chuyện chân thành với một người nhìn nhận, lắng nghe mình từ nền văn hóa khác.
Thật ra thì chuyện “gặp gỡ từ hai nền văn hóa” ban đầu quả là thử thách lớn đối với tôi. Tuy có thể nói chuyện với thầy bằng tiếng Nhật nhưng tôi tự biết mình thuộc loại người “dưới điểm trung bình” về giao tiếp xã hội, còn thầy lại là vị giáo sư cao tuổi, đĩnh đạc và luôn toát ra vẻ lịch sự, nghiêm cẩn của văn hóa Nhật Bản truyền thống.
Lúc đầu tôi không hề nghĩ rằng mình vinh dự được thầy hướng dẫn là do chuyện tình cờ. Ít ra thì chuyện này cũng do sự sắp xếp của người thầy đang hướng dẫn tôi làm luận án trong chương trình nghiên cứu sinh ở Việt Nam. Nhưng về sau thì tôi được biết rằng vì có yếu tố tình cờ mà thầy mới quyết định làm thủ tục đồng ý hướng dẫn tôi trong chương trình nghiên cứu. Đó là do thời gian thực hiện chương trình mà tôi đề xuất vừa khớp với thời gian thầy còn làm việc ở trường cho đến lúc nghỉ hưu (nếu dài hơn thì hồ sơ sẽ là không hợp lệ). Sự trùng hợp ngẫu nhiên này là thông tin rõ ràng vì thầy trực tiếp xác nhận với tôi. Ngoài ra, tôi không rõ có yếu tố “tình cờ” nào khác hay không mà thầy đã đồng ý hướng dẫn tôi chỉ mấy tháng sau khi “tuyên bố” sẽ không nhận hướng dẫn bất cứ người Việt Nam nào nữa!
Không phải thầy có định kiến xấu hay là thiếu thiện cảm với người Việt Nam. Thậm chí phải nói ngược lại thì mới đúng. Thầy nghiên cứu văn học Việt Nam, nói sõi tiếng Việt và bày tỏ sự ưu ái với mọi người Việt Nam trong môi trường giáo dục mà thầy từng quen biết. Chuyện “tuyên bố” nói trên chẳng qua là do thầy quá thất vọng về một (hay là một trong nhiều) trường hợp học trò người Việt không giữ lễ với thầy.
Cũng vì cái trường hợp hết sức đáng buồn kia mà tôi phải chịu thêm áp lực trong khoảng thời gian đầu của chương trình nghiên cứu. Đã đành là tôi chẳng có gì đáng để thầy tin cậy, nhưng cái cách mà thầy bày tỏ sự lo lắng cho việc học của tôi càng khiến tôi thêm bối rối, hoang mang. Tuy nhiên, giờ đây nhớ về những ngày tháng làm việc với thầy như xem lại đoạn phim rất đẹp trong ký ức, tôi chợt nghĩ rằng có khi nhờ sự lo lắng ấy mà tôi có điều kiện được chia sẻ với thầy nhiều hơn, sâu sắc hơn nên những cuộc đàm đạo giữa hai thầy trò cũng ngày càng tự nhiên thoải mái hơn.
Thầy dành thời gian để gặp tôi mỗi tuần, cứ như tôi là sinh viên chính thức được thầy hướng dẫn làm khóa luận tốt nghiệp. Thậm chí còn hơn thế. Vì khi trường nghỉ hè thầy vẫn hẹn tôi đến cơ sở vệ tinh ở nội thành Tokyo để hướng dẫn tôi đọc sách, viết báo cáo và thảo luận. Khi học sinh ở trường nghỉ Tết, thầy vẫn tranh thủ thời gian làm việc ở phòng nghiên cứu để giúp đỡ tôi hoàn thành những công việc cuối cùng.
Mỗi lần bước vào phòng nghiên cứu của thầy, tôi đều nhận được một cốc trà nóng và thơm phức, cứ như tôi vừa đến một quán trà để gặp gỡ bạn văn, chứ không phải vào phòng nghiên cứu ở một trường đại học để làm việc với giáo sư hướng dẫn. Những lúc gặp thầy ở cơ sở vệ tinh, thầy còn mang bánh ngọt đến hội trường – nơi thầy hướng dẫn tôi học tiếng Nhật cổ qua việc đọc tài liệu, và sau khi xong việc thầy dẫn tôi đi uống cà phê. Chuyện ăn uống chẳng phải là nhất thiết hay có gì quan trọng. Nhưng nó trở thành chất xúc tác rất tuyệt cho những cuộc chuyện trò. Nội dung đàm thoại giữa hai thầy trò mỗi ngày càng mở rộng, từ chuyện nghiên cứu văn chương đến chuyện tôi tìm hiểu văn hóa Nhật, rồi chuyện đời sống xã hội ở Nhật Bản và ở Việt Nam v.v...
Mỗi khi có kế hoạch đi du lịch, hay vừa thực hiện xong một chuyến đi, tôi đều thông báo hoặc kể lại với thầy. Phần vì thầy là người chịu trách nhiệm về tôi với cơ quan tài trợ cho chương trình nghiên cứu. Phần vì tôi muốn tâm sự với thầy để trao đổi thêm những thông tin có liên quan. Thầy lo cho tôi nhưng rất nhiệt tình chia sẻ với mỗi chuyến đi mà tôi lựa chọn. Khi biết tôi sẽ đi leo núi Phú Sĩ, thầy dặn tôi chuẩn bị những gì cần thiết, hỏi tôi về lịch trình tour rồi bảo rằng với lịch trình như thế, nếu may mắn thì tôi sẽ được nhìn thấy những tia sáng mặt trời đầu tiên trên đỉnh núi lúc bình minh mới rạng. Quả thật tôi thấy mình đã gặp nhiều may mắn trong chuyến đi lần ấy, nhưng khi tôi kể chuyện với thầy và lấy làm lạ lùng vì sự may mắn đó thì thầy lại nói thật thản nhiên, rằng “sở dĩ như vậy vì em là người tốt”!
Tôi không biết điều gì đã khiến thầy nghĩ về tôi như thế. Sự có mặt của tôi chỉ khiến thầy phải mất thời gian và lo lắng vì trách nhiệm mà chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho thầy ở vị trí của một người hướng dẫn. May ra thì những lần trò chuyện với tôi, đặc biệt là về những vấn đề so sánh giữa văn học Việt Nam và văn học Nhật Bản, chỉ gợi lên một chút niềm vui vì thầy có thể chia sẻ được những nội dung nghiên cứu.
Cũng như tôi không hiểu điều gì đã đưa thầy đến với sự lựa chọn nghiên cứu về đất nước và văn học Việt Nam, để rồi phải vất vả với việc học tiếng Việt trong những năm 70, khi chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn chưa chấm dứt. Chỉ biết rằng tình cảm của thầy đối với đất nước tôi vẫn không hề thay đổi dù tai nạn giao thông ở Hà Nội khiến thầy phải bỏ dở kế hoạch nghiên cứu để quay về Nhật Bản phẫu thuật chân, rồi sau đó vì cái chân không thể phục hồi như cũ mà thầy phải bỏ hẳn các môn thể thao yêu thích. Có lẽ cũng vì tình cảm bền bỉ ấy mà sau nhiều lần thất vọng vì ứng xử của học trò người Việt, thầy vẫn đồng ý tiếp nhận tôi, để lại phải lo lắng vì đề tài nghiên cứu của tôi đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị. May mắn làm học trò của thầy, tôi mới dám tin rằng trong cuộc đời vẫn có những người tốt đến thế, chu đáo và vị tha đến thế! Thầy giống như một khối pha lê trong suốt để tôi đến soi vào mà thấy rõ những nhọc nhằn của cuộc đời nghiên cứu, những phiền muộn trong quan hệ giữa con người với con người, những miền sáng khoảng tối trong văn chương, văn hóa Việt Nam và Nhật Bản.
Chính vì thầy là một người quan sát Việt Nam, suy ngẫm về Việt Nam từ thực tại của một nền văn hóa khác nên với thầy, tôi có thể bày tỏ mọi nguồn cơn mưa nắng, về “gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, cũng như thầy có thể trò chuyện thoải mái với tôi về văn hóa, xã hội Nhật Bản và những buồn vui của thầy trong môi trường làm việc. Sau này, tôi lại có may mắn gặp gỡ và cộng tác với một giáo sư người Nhật cùng chuyên môn nghiên cứu, cũng có những ngày, những đêm ngồi nói chuyện “thời sự học thuật” đến quên cả thời gian, nhưng cảm giác tuyệt vời khi được sẻ chia và thấu hiểu, về cả nội dung nghiên cứu và quan niệm về đời sống nói chung, thì tôi chỉ có cơ hội duy nhất được trải nghiệm trong nửa năm học theo sự hướng dẫn của thầy.
Tôi thích khuôn viên đại học là nơi thầy làm việc, và đặc biệt thích những buổi đến gặp thầy trong phòng nghiên cứu. Hai bên tường là hai dãy kệ vừa rộng vừa cao đầy ắp những cuốn sách mà tôi thèm được đọc. Từ chỗ ghế tôi ngồi có thể phóng tầm mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi có một khoảng vườn rộng như một cánh rừng, cành lá đan vào nhau trên nền trời xanh thẳm, khiến tôi đã có lần buột miệng nói đùa, rằng “ngồi đây mà ngắm cảnh thì chắc là cũng làm thơ được đấy”, còn thầy chỉ gật đầu trầm ngâm với gương mặt vừa thoáng một nét cười, nhưng rồi cũng có hôm chợt rủ tôi đi dạo vì “nhìn ra ngoài cửa sổ thấy trời thu đẹp quá!”
Có lần đang nói chuyện văn chương và ngôn ngữ, thầy bỗng nhắc đến cuốn từ điển Việt – Nhật uy tín nhất, là công trình biên soạn công phu của một nhà Việt Nam học mà thầy kính nể. Thầy cho biết tác giả công trình ấy phải mất ba mươi năm làm việc để cuốn từ điển được hoàn thành, rồi thầy bảo tôi cũng nên soạn từ điển Nhật – Việt, soạn một cuốn thật tốt để có thể dùng làm công cụ học tập và nghiên cứu cho thế hệ đi sau. Mới nghe thầy nói thế, tôi đã vội vàng rụt cổ, thưa rằng việc ấy quá to tát nên tôi không đủ sức để làm. Nhưng thầy nghiêm mặt lại mà bảo rằng tôi không được suy nghĩ theo kiểu đó, rằng đó là trách nhiệm của một người học tiếng Nhật và nghiên cứu ngữ văn, rằng việc lớn cũng phải cố mà làm thì mới hoàn thành được, vì ai theo đuổi học thuật cũng phải nghĩ và làm như thế, nếu muốn còn chút gì để lại cho những kẻ hậu sinh... Những lời nói của thầy đã khiến tôi thật sự cảm thấy rất hổ thẹn, không chỉ vì mình không đủ sức làm những việc có ích theo đề nghị của thầy, mà chủ yếu vì nhận ra mình đã quen lối suy nghĩ thiếu trách nhiệm, vì bấy lâu mình nghiên cứu về Nhật Bản và theo học với thầy mà vẫn không sửa được những cố tật do “vô thức tập thể” đã thấm vào nếp nghĩ từ lâu!
Và tôi cố gắng để sửa đổi những khuyết điểm của mình sau mỗi lần “va chạm” theo kiểu ấy. Thầy động viên tôi trong công việc dịch thuật, gửi cho tôi cả một danh sách những tác phẩm văn học mà thầy nghĩ là nên có bản tiếng Việt để giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Tôi chỉ biết vâng dạ, lòng trĩu nặng mà tự nhủ rằng mình sẽ nỗ lực hơn nữa trong thời gian sắp tới. Nhưng đúng là nhờ thế mà sau nửa năm học với thầy, khi trở lại cơ quan để tiếp tục ngụp lặn trong một chuỗi công việc cứ gối đầu lên nhau để kéo dài ra mãi, tôi vẫn cố “tranh đấu” với hoàn cảnh, với thời gian, với năng lực kém cỏi và tâm lý trì trệ của chính bản thân mình để hoàn thành lời hứa với thầy về công trình dịch thuật. Tôi đã hiểu được rằng dù có phải bỏ ra mười năm, hai mươi năm hay bao nhiêu thời gian đi nữa, vẫn phải cố gắng làm cho xong một điều gì mang lại ý nghĩa cho mình và cho nhiều người khác, mà dù không xong được thì bản thân sự nỗ lực cũng đã là một ý nghĩa rồi. Rằng mình khởi sự làm một công trình lớn không phải là để nổi tiếng và được người xung quanh ngưỡng mộ, mà là để tạo nên động lực cho cả một tiến trình, tạo một tiền lệ có tác dụng khuyến khích sự nỗ lực và mạo hiểm của những người kế tiếp. Những điều ấy tôi biết mình không dễ gì học được dù có trả bao nhiêu học phí, đọc bao nhiêu sách vở ở những trường đại học chiếm vị trí hàng đầu trong những bảng xếp hạng ở Bắc Mỹ, châu Âu hay bất cứ nơi nào. Tôi may mắn học được chỉ vì tôi đã gặp một người thầy nhiệt tình với tôi, hiểu đất nước tôi, muốn tôi nỗ lực cùng thầy trong hoạt động giao lưu văn hóa và tiến bộ dần lên trong nghiên cứu, học thuật.
Nhiều lúc tưởng chừng không thể cố gắng nổi, tôi lại nhớ đến ánh mắt động viên và những lời nói trang nghiêm nhưng ấm áp của thầy, nhớ gương mặt thầy đầy vẻ cảm thông, nhớ thầy bảo tôi hãy gắng lên nhưng giọng thầy trầm xuống, cứ như là thầy đang ghé vai đỡ giúp những tảng đá đè nặng lòng tôi vậy...
Vì được chia sẻ và gắn bó với thầy mà nửa năm tôi ở Tokyo vèo trôi trong chớp mắt. Thầy cũng tiếc vì thấy tôi có quá ít thời gian, chỉ biết dặn dò, động viên và trông đợi tôi hoàn thành những công việc còn dang dở để lại tiếp tục bắt tay vào những kế hoạch mà thầy đã định hướng cho tôi trong thời gian sắp tới.
Hai ngày trước khi rời Nhật Bản, tôi lên trường trả lại thẻ thư viện. Tôi đã đi suốt một vòng trên chiếc cầu hình tròn rộng lớn, một hình ảnh kiến trúc đã từ lâu gắn bó với tên trưởng, để nhìn lại tòa nhà thư viện và tòa nhà có phòng nghiên cứu của thầy ở tầng 5. Hôm ấy là thứ Bảy nên các ô cửa ở dãy phòng của các giáo sư đều đóng cửa và buông mành phủ kín. Nhưng tôi vẫn đứng lại nhìn một lúc ô cửa sổ nằm ở cuối dãy phòng. Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi đã có bao nhiêu buổi chiều nhìn ra khoảng vườn phía sau trường từ ô cửa ấy. Tôi cũng biết rằng chỉ hai tháng sau khi tôi về nước thì gian phòng nằm ở cuối dãy kia cũng chẳng còn là không gian làm việc của thầy. Sẽ có một người khác ngồi sau ô cửa đó, và những cuốn sách khác được bày trên các kệ. Như mọi sự đổi thay vẫn diễn ra nối tiếp trên đời. Nhưng khoảng thời gian đã trở thành kỷ niệm sẽ ngưng kết thành những hình ảnh đẹp trong miền ký ức, sẽ tỏa ra hơi ấm để con người còn tìm đến con người trong hoài cảm, sẻ chia.
Trong nửa năm tạm trú trên đất Nhật, tôi đã có những chuyến đi thú vị. Những chuyến đi mang lại cho tôi nhiều gặp gỡ tình cờ. Có những cuộc gặp là bắt đầu cho một tình bạn. Cũng có cuộc gặp chỉ là một kỷ niệm thoáng qua. Tôi hiểu rằng chuyện tình cờ hay không chỉ là lúc ban đầu gặp gỡ, còn mọi chuyện sau đó vẫn phụ thuộc vào sự giao kết giữa hai thế giới tâm hồn. Có nhiều khi kỷ niệm thoáng qua cũng là một điều hay. Nhưng sự gắn bó tốt đẹp không bao giờ có được nếu những người trong cuộc không chân thành, không vì nhau hết lòng hết sức. Cho nên, điều may mắn nhất không phải là mình đã gặp ai đó trong khung cảnh ấn tượng hay tình huống lãng mạn bất ngờ, mà là những người đã gặp nhau hướng về nhau với tấm lòng chân thật và rộng mở, với tâm hồn có thể cất giữ hay sẻ chia những điều sâu sắc nhất.

5 nhận xét:

  1. Tôi đã hiểu được rằng dù có phải bỏ ra mười năm, hai mươi năm hay bao nhiêu thời gian đi nữa, vẫn phải cố gắng làm cho xong một điều gì mang lại ý nghĩa cho mình và cho nhiều người khác, mà dù không xong được thì bản thân sự nỗ lực cũng đã là một ý nghĩa rồi.

    Là thế bạn ạ. Và may mắn, tôi cho là thế khi trên đời được gặp những bậc Thầy, khiến một đời có "không thành công thì cũng thành nhân (不成功便成仁)", bởi như bạn nói đã hết sức nỗ lực rồi!

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn! Mình cũng nghĩ rằng mình đã rất may mắn.

    Trả lờiXóa
  3. Mong đọc những bài mới của bạn.
    Bạn giới thiệu cho mình vài quyển sách bạn đã dịch - những tác phẩm văn học.

    Trả lờiXóa
  4. Sách văn học mà mình dịch thì đến nay mới chỉ có 1 cuốn được xuất bản thôi. Đó là cuốn "Gối đầu lên cỏ" của Natsume Soseki. Khoảng 3 năm nay mình tập trung thời gian cho một bộ sách lớn, hy vọng sẽ làm xong trong một vài năm nữa.
    Cuốn "Gối đầu lên cỏ" in từ năm 2012, có thể bây giờ hơi khó tìm. Nếu bạn không tìm được thì mình gửi cho bạn file bản thảo để đọc tạm.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn bạn nhiều, bạn gởi cho mình file của bạn. Mình chưa về Saigon được. Mình có thấy những lời giới thiệu trên mạng. Khi về sẽ tìm tại các nhà sách sau.
    Email của mình: quachnhientran@gmail.com

    Trả lờiXóa