Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

THƠ TƯỢNG TRƯNG TRÊN TIẾN TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA THƠ CA



1.      Thơ tượng trưng – một bước phát triển so với thơ lãng mạn
Lịch sử của văn học hiện đại phương Tây bắt đầu từ thời kỳ Khai sáng ở thế kỷ XVIII, nhưng phải bước sang thế kỷ XX thì mới thật sự có chủ nghĩa hiện đại với hàng loạt những biểu hiện cách tân mang tính đột phá trong thơ và văn xuôi. Nói cách khác, hiện đại hóa văn học ở phương Tây là một tiến trình lịch sử kéo dài và đạt đến giai đoạn đỉnh cao ở chủ nghĩa hiện đại. Trong đó, điều đáng chú ý là chủ nghĩa hiện đại một khi đã hình thành rõ nét trong văn học thế kỷ XX thì nhanh chóng đạt đến đỉnh cao và chỉ trong vòng mấy thập niên đã chuyển sang giai đoạn hậu hiện đại; trong khi quá trình hiện đại hóa văn học trên nhiều bình diện đã bắt đầu từ trào lưu Khai sáng ở thế kỷ XVIII nhưng để đạt đến sự thay đổi hệ hình in dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn học với chủ nghĩa hiện đại thì quá trình ấy phải trải qua gần hai thế kỷ. Điều đó cho thấy một sự thật khách quan rằng hiện đại hóa văn học là một con đường không đơn giản. Con đường ấy phải đi qua nhiều giai đoạn và đỏi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các nhà văn nhà thơ nhằm đổi mới văn chương, tìm kiếm mọi cách thức để tác phẩm văn chương thoát khỏi sự cũ mòn, dù sự cũ mòn ấy là một kiểu thẩm mỹ “mực thước” đã được thừa nhận và đi vào khuôn khổ. Nếu nhìn lại lịch sử văn học hiện đại theo hướng này, người đọc hay nhà phê bình đều dễ dàng nhận thấy những trào lưu, xu hướng sáng tác ở các giai đoạn nối tiếp nhau đều là những bằng chứng sinh động về sự nỗ lực không ngừng của những người cầm bút để tác phẩm văn chương ngày càng mới mẻ hơn, vẻ đẹp trong văn chương ngày càng đa dạng, sâu sắc, ý vị hơn. Chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tượng trưng cũng là hai giai đoạn nối tiếp nhau đã có những đóng góp quan trọng cho tiến trình xây dựng nền thơ ca hiện đại.
Trào lưu lãng mạn trong văn học phương Tây có dấu hiệu bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII và đạt đến sự phát triển mạnh mẽ trong nửa đầu thế kỷ XIX. Sự ra đời và phát triển của trào lưu lãng mạn được ghi nhận như một cách thức phản kháng của nghệ sĩ và trí thức đương thời đối với những hệ quả của cách mạng công nghiệp gắn liền với chủ trương khai sáng, xuất phát từ sự thất vọng với thực tại đời sống nhiều xáo trộn và đổ vỡ trong xã hội phương Tây. Các nhà lãng mạn cũng thể hiện khuynh hướng chống lại chủ nghĩa duy lý trong khoa học, coi trọng cảm xúc và sự biểu đạt tình cảm trong sáng tác, nhấn mạnh những cảm xúc mãnh liệt có thể mang lại cho nghệ sĩ những kinh nghiệm thẩm mỹ sâu xa và bày tỏ niềm kính ngưỡng trước vẻ đẹp thăng hoa của thiên nhiên thuần khiết.
Thơ ca là một bộ phận lớn của thành tựu nghệ thuật trong trào lưu lãng mạn. Dấu ấn của thơ ca lãng mạn để lại trong lịch sử văn học phương Tây thật rõ nét với nhiều tên tuổi lớn như William Blake, Lord Byron, Johann Wolfgang von Goethe, Victor Hugo, Percy Bysshe Shelley v.v... Thơ lãng mạn là tiếng nói khi con người sống trọn vẹn với cảm xúc của cá nhân mình, khi con người chiêm ngưỡng vẻ đẹp đa hình đa sắc của thiên nhiên và lắng nghe mọi cung bậc cảm xúc trong lòng mình ngân lên trước bức tranh thiên nhiên tuyệt diệu. Bằng cách đó, thơ lãng mạn đã mở ra thế giới tình cảm phong phú trong tâm hồn thi nhân, trở thành con đường thẩm mỹ để cá nhân nghệ sĩ tìm thấy chính mình, thể hiện chính mình trong cảm xúc dịu dàng hay mãnh liệt, nhờ đó mà có thể bay bổng trên thực tại đời thường, thoát ra khỏi hiện thực ngổn ngang bất trắc để sống trong một thế giới lý tưởng của riêng mình với những kinh nghiệm thẩm mỹ độc đáo và lôi cuốn.
Xét hoàn cảnh ra đời của trào lưu lãng mạn, có thể nói rằng khuynh hướng này trước hết đã giúp cho nghệ sĩ tìm thấy lối thoát trước hiện thực xã hội khiến họ thất vọng và bất mãn nhưng không thể giải quyết bằng hoạt động thực tiễn như đã từng kỳ vọng vào cuộc cách mạng tư sản trước đó. Vì vậy, đó cũng là một bước đi tất yếu của nghệ thuật trong quan hệ tương tác với hiện thực đã tạo nên hoàn cảnh sống của nghệ sĩ và trí thức đương thời. Tuy nhiên, nghệ sĩ sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn không phải chỉ đơn thuần nhằm giải tỏa những bất bình với hiện thực xung quanh mà còn tạo ra một thế giới nghệ thuật sinh động và phong phú.
Hình thành và phát triển song song với nhiều loại hình nghệ thuật trong cùng một trào lưu, thơ lãng mạn đã trở thành một lối sáng tác tạo nên vẻ đẹp riêng cho ngôn ngữ thơ ca và gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc đương thời. Cái đẹp trong thơ lãng mạn là cái đẹp hiển lộ, phơi bày với nhiều màu sắc, hình ảnh được lọc qua tâm hồn tràn đầy cảm xúc của thi nhân. Với khuynh hướng miêu tả, giãi bày của trào lưu lãng mạn, ngôn ngữ thơ ca đã được chọn lọc, gọt giũa để thực hiện chức năng diễn đạt thẩm mỹ ở mức độ cao nhất, tinh tế nhất.
Tuy nhiên, khi thơ lãng mạn phát triển đến đỉnh cao, có thể nhận thấy việc miêu tả cảm xúc, hình ảnh quá rõ nét trong thơ sẽ phần nào hạn chế sức lan tỏa của bài thơ trong trải nghiệm thẩm mỹ của người thưởng thức. Thơ lãng mạn thu hút người đọc ở sức nặng của tình cảm hay sự bay bổng của cảm xúc gắn với kinh nghiệm thẩm mỹ của nhà thơ trong một hoàn cảnh nhất định nhưng cảm xúc được miêu tả rành rọt ở một mức độ nào đó lại làm cho bài thơ thiếu vắng dư âm. Do vậy mà thơ lãng mạn dường như chỉ dừng lại ở cảm xúc mãnh liệt nhất thời, khó có thể tác động đến bề sâu tâm thức, nên mỹ cảm trong thơ cũng dễ trở thành một vẻ đẹp sáo rỗng, tạo cảm giác trùng lặp, cũ mòn làm giảm đi sự tò mò, thích thú giúp độc giả tìm đến với thơ ca.
Một số nhà thơ ở thế kỷ XIX đã nhận ra sự khiếm khuyết này ở thơ lãng mạn và cố gắng tìm kiếm những phương thức biểu đạt mới để khôi phục sức sống trong thơ. Chủ trương cách tân thơ ca của những nhà thơ thuộc phái Parnasse cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận trong giai đoạn ấy. Các nhà thơ Parnasse phê phán cách bày tỏ tình cảm, cảm xúc trong thơ lãng mạn, chủ trương tiết chế sự biểu đạt cảm xúc trong thơ. Thay vào đó, các nhà thơ Parnasse chú trọng việc tìm kiếm cái đẹp của thơ ca trong nghệ thuật ngôn từ. Khuynh hướng cách tân này đã tỏ ra đúng hướng khi theo đuổi và nắm bắt được một trong những yếu tính của thơ ca. Đặc trưng thẩm mỹ của thơ ca chủ yếu tập trung ở nhịp điệu thơ và hình ảnh. Dù vậy, hình ảnh tả thực trong thơ một mặt có sức hấp dẫn của vẻ đẹp hiển lộ, rõ nét và phong phú, mặt khác lại hạn chế khả năng tưởng tượng của người đọc. Do đó, con đường cách tân thơ ca trong nửa cuối thế kỷ XIX không thể dừng lại ở phong cách thơ Parnasse mà vẫn tiếp tục mở ra một giai đoạn mới với thi pháp của trường phái tượng trưng.
Chủ trương của các nhà thơ tượng trưng đã tạo ra một vẻ đẹp thi ca khác hẳn với đường lối thẩm mỹ của thơ lãng mạn. Thơ tượng trưng không chỉ thoát khỏi sự miêu tả cảm xúc mà còn tránh cả lối miêu tả hình ảnh theo kiểu thơ Parnesse. Như vậy, cũng có thể nói rằng với sự ra đời của trào lưu tượng trưng, thơ phương Tây trong thế kỷ XIX đã trải qua hai lần cách tân để đến với chủ nghĩa hiện đại. Với trường phái thơ Parnasse, lần cách tân thứ nhất đã khắc phục được một phần đặc điểm hạn chế của thơ lãng mạn ở khuynh hướng thiên về việc miêu tả cảm xúc. Còn với trường phái thơ tượng trưng, lần cách tân thứ hai đã thay đổi một cách căn bản lối biểu đạt thẩm mỹ trong thơ, mở ra một giai đoạn quan trọng để thơ ca bước hẳn vào chủ nghĩa hiện đại với đầy đủ tính hiện đại trong âm điệu và hình ảnh.
2.      Thơ tượng trưng – một giai đoạn trên tiến trình vươn tới thơ ca hiện đại
Chủ nghĩa tượng trưng trong nghệ thuật phương Tây được biết đến như một trào lưu hình thành và phát triển trong những thập niên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nếu căn cứ vào bằng chứng lập thuyết thì có thể lấy sự kiện Jean Moreas công bố “Tuyên ngôn thơ tượng trưng” trên báo Le Figaro ngày 18 tháng 9 năm 1886 làm mốc khởi điểm cho sự hình thành của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ ca, nhưng theo nhận xét của các nhà lý luận, phê bình thì thơ tượng trưng đã thực sự có hình thái rõ nét từ tập thơ Fleurs du mal của nhà thơ Pháp Charles Baudelaire, được xuất bản năm 1857. Trong khi đó, thập niên 1860 cũng chứng kiến sự xuất hiện của trường phái Parnasse được thành lập bởi các nhà thơ phê phán thơ lãng mạn. Như vậy là vào giữa thế kỷ XIX đã có sự tồn tại đồng thời của ba phong cách thơ ca đều là những hình thức đang vươn tới tinh thần thơ hiện đại, trong đó thơ tượng trưng được xem là con đường lựa chọn thứ ba của các nhà thơ đương thời tỏ ra là sự lựa chọn hiệu quả nhất để mang lại tính hiện đại cho thơ về cả nội dung và hình thức ngôn ngữ. Sự thiếu tách bạch giữa các mốc thời gian và sự kiện như trên, sự tồn tại gối lên nhau của các giai đoạn cách tân thơ, một lần nữa, cho thấy tính phức tạp và thực trạng khó khăn của vấn đề cách tân nghệ thuật.
Thơ tượng trưng không đơn giản chỉ là thơ có sử dụng những ký hiệu ngôn ngữ mang ý nghĩa tượng trưng. Việc sử dụng ngôn ngữ như một ký hiệu có tính chất biểu tượng đã là một đặc điểm cố hữu của diễn ngôn văn học từ thời cổ điển và vẫn được duy trì qua rất nhiều thời đại thơ ca. Cho nên trong bài viết “The Double Aspect of Symbolism” Paul De Man cũng đã xác nhận rằng: “biểu đạt tượng trưng có hàm nghĩa rộng đến mức thật khó mà chỉ ra loại thơ nào không phải là thơ tượng trưng”.[1] Nhưng với các nhà thơ theo chủ nghĩa tượng trưng thì việc sử dụng ngôn ngữ biểu tượng không phải chỉ có giá trị của biện pháp tu từ mà trở thành vấn đề cốt lõi của sáng tạo thi ca và nhận thức thẩm mỹ. Vì vậy, nói về thơ tượng trưng trước hết cần làm rõ vấn đề này nhằm phân biệt thơ tượng trưng với thơ có sử dụng lối biểu đạt tượng trưng.
Ngôn ngữ biểu tượng có thể được sử dụng trong biểu đạt thơ ca như một thủ pháp làm tăng hiệu quả nghệ thuật, mở rộng và tạo độ nhòe cho ý nghĩa của từ, nhờ đó mà ngôn ngữ thơ vừa cô đọng vừa trở nên lung linh, giàu hình ảnh. Ngôn ngữ biểu tượng trong thơ tượng trưng đương nhiên cũng có tác dụng này, nhưng mục đích tối thượng của các nhà thơ tượng trưng không phải là làm cho ngôn từ diễn đạt đẹp hơn, bóng bẩy hơn. Với các nhà thơ tượng trưng, điều quan trọng là nghệ thuật biểu đạt của thơ ca phải thoát ra khỏi vấn đề miêu tả trực tiếp, tỉ mỉ, dù là miêu tả hình ảnh của khách thể thẩm mỹ hay kinh nghiệm cảm xúc của thi nhân. Ngôn ngữ biểu tượng trở thành một công cụ đắc dụng để các nhà thơ theo trường phái tượng trưng tạo nên trong thơ một lối nói gián tiếp, ẩn dụ với hàm nghĩa sâu xa, khó hiểu. Thơ cổ điển phương Đông cũng sử dụng phổ biến các hình ảnh biểu trưng nhưng thường là những hình ảnh quen thuộc với tất cả mọi người cùng sống trong cộng đồng văn hóa. Hơn nữa, hình ảnh ấy thường chỉ được sử dụng thay thế cho cách nói thông thường ở điểm nhấn nào đó của ngôn từ miêu tả trong thơ, và tồn tại độc lập với các yếu tố ngôn ngữ khác trong toàn tác phẩm (như cây tùng cây bách là hình ảnh biểu trưng cho người quân tử, chim nhạn là biểu tượng của mùa thu v.v...). Cho nên, sự xuất hiện của biểu tượng chỉ có tác dụng làm đẹp ngôn ngữ trong thơ không tạo ra sự gián cách đáng kể trong quá trình người đọc tiếp nhận thơ, từ vỏ ngôn ngữ đến thông điệp mà tác giả gửi gắm bên trong lớp vỏ ấy. Khác hẳn với lối diễn đạt này, thơ tượng trưng cố tình tạo ra khoảng cách giữa việc đọc thơ và việc hiểu thơ bằng việc sử dụng hàng loạt biểu tượng mang tính cá nhân và phi quy ước, không nói đến những điều có ý nghĩa văn hóa phổ quát mà gợi lên sự bí ẩn, xa vời. Người đọc đến với thơ tượng trưng không thể hiểu thơ bằng tư duy thường nghiệm mà phải lần theo những con đường liên tưởng xâu xa, kết hợp với sự nhạy bén của trực cảm để tìm về cội nguồn sâu kín của ký hiệu ngôn ngữ mang tính biểu tượng đã thoát ra từ kinh nghiệm thẩm mỹ ít nhiều mang tính chất thần bí trong tâm hồn thi nhân. Vì biểu tượng trong thơ tượng trưng thường là sự phát hiện mang tính độc sáng của tác giả và không bị chi phối bởi một hệ thống quy ước nào nên mỗi bài thơ là một sự khám phá thẩm mỹ độc đáo nhưng đồng thời cũng là một câu hỏi dành cho người đọc, một sự “đánh đố” đối với những ai muốn hiểu thơ theo quy luật của ngôn ngữ đời thường. Hình tượng “con tàu say” của Athur Rimbaud hay “con thiên nga” trong thơ Baudelaire là điển hình cho kiểu biểu tượng độc đáo mang tính cá nhân của nhà thơ đã tạo ra những trải nghiệm thẩm mỹ mới mẻ cho người đọc.
Giải thích về ý nghĩa của biểu tượng trong thơ tượng trưng, René Wellek đã viết trong bài “The term and concept of symbolism in literary history” rằng:
Các nhà thơ (thuộc phái tượng trưng) chủ yếu muốn rằng thơ phải thoát khỏi cách biểu đạt tu từ, nghĩa là họ đòi hỏi một sự gián cách với truyền thống của Hugo và phái Parnasse. Họ muốn ngôn ngữ không chỉ khẳng định mà còn khơi gợi; họ muốn sử dụng phép ẩn dụ, các phúng dụ và biểu tượng không chỉ như hình thức trang trí mà như những nguyên tắc tổ chức của bài thơ; họ muốn thơ của họ phải có“nhạc tính” và thực hiện điều đó bằng cách thôi sử dụng những giai điệu hùng hồn trong thơ Pháp, và đôi khi bỏ hẳn giai điệu thơ[2].
Với nhận xét của René Wellek, có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt căn bản giữa biểu tượng trong thơ tượng trưng và biểu tượng thông thường vẫn được sử dụng trong ngôn ngữ thơ ca. Các nhà thơ theo phái tượng trưng chống lại lối diễn đạt tu từ nhưng lại lấy việc sử dụng biểu tượng làm “nguyên tắc tổ chức của bài thơ”, cho nên biểu tượng trong thơ không xuất hiện như một “mã văn hóa” đơn nhất để thay thế cho một lối diễn đạt thô mộc hơn trong ngôn ngữ đời thường, mà chính là lối biểu đạt riêng của bài thơ, là sự thống nhất của hình thức ngôn ngữ và ý nghĩa thẩm mỹ. Nếu biểu tượng chỉ là việc làm đẹp ngôn ngữ thơ ca thì thơ vẫn chú trọng vấn đề miêu tả hay kể lại một điều gì đó, một trạng thái tâm hồn nào đó. Nhưng mục đích của thơ tượng trưng là “gợi” hơn là “tả”, nên các biểu tượng không nhất thiết phải quy chiếu về một đối tượng hay một trường hợp cụ thể nào. Thậm chí trong thơ có thể có những hình ảnh vốn dĩ không phải là biểu tượng văn hóa trong đời sống mà chỉ mang ý nghĩa tượng trưng khi được tác giả đưa vào chỉnh thể nghệ thuật của bài thơ, hay của nhiều bài thơ được sáng tác trong cùng một thời kỳ nhất định và được xếp cạnh nhau thành một dòng thơ cùng phong cách.
Bên cạnh đó, René Wellek cũng nói đến “nhạc tính” trong thơ tượng trưng, nhưng lại trình bày nội dung này trong một mệnh đề tưởng như đang hàm chứa mâu thuẫn nội tại. Vì sao các nhà thơ theo trường phái tượng trưng lại từ bỏ những giai điệu hùng hồn quen thuộc trong thơ Pháp và thậm chí “bỏ hẳn giai điệu” của bài thơ trong khi muốn thơ của mình phải có nhạc tính? Vấn đề này thật ra không có gì mâu thuẫn, và cũng không nằm ngoài hai đặc điểm đã tạo nên yếu tính của dòng thơ theo chủ nghĩa tượng trưng, là sự phá bỏ lối diễn đạt tu từ của thơ ca truyền thống và tạo nên sức gợi ở tầng sâu ngôn ngữ của bài thơ.
Thơ lãng mạn thiên về miêu tả thì sẽ có phong cách biểu đạt gần với nghệ thuật hội họa, còn thơ tượng trưng thiên về khả năng khơi gợi thì sẽ gần với phong cách biểu đạt của âm nhạc. Nhưng cụ thể là “gần” như thế nào? Hay nếu mượn cách nói của René Wellek, thì nên hiểu thế nào về “nhạc tính” trong thơ? Nếu hiểu rằng giai điệu, tức âm điệu nhịp nhàng trong thơ, là yếu tố khiến cho thơ trở nên gần gũi hơn với nghệ thuật âm nhạc thì không có gì sai, nhưng đó chỉ là sự tương cận hiển lộ trên bề mặt ngôn từ. Thơ tượng trưng muốn tạo nên một sự đột phá, muốn thoát khỏi truyền thống thơ ca đã mất đi sức sống vì cảm giác cũ mòn, nên việc từ bỏ những âm điệu hài hòa, nhịp nhàng cân đối trong thơ truyền thống cũng là một biểu hiện dễ hiểu. Vả chăng, không có giai điệu không phải là thơ ca đã mất đi nhạc tính. Trái lại, chính vì âm điệu không tuân theo quy luật để tạo sự hài hòa mà nhạc tính trong thơ càng mới mẻ, sinh động, cuốn hút hơn. Thêm vào đó, âm điệu tự do hay nhạc tính mới mẻ, phóng khoáng trong thơ tượng trưng cũng là một điều kiện quan trọng để sức gợi của bài thơ càng lan tỏa. Với âm điệu nhịp nhàng của thơ ca cổ điển, người đọc dễ có cảm giác là bài thơ bị nhốt vào một cái khuôn chật hẹp. Kiểu thơ ấy rất dễ gây nhàm chán và không tạo điều kiện việc mở rộng trải nghiệm thẩm mỹ của người đọc khi thưởng thức thơ. Các nhà thơ theo trường phái tượng trưng đã giải phóng tác phẩm của mình khỏi cái khuôn giai điệu của thơ ca cổ điển, nhờ đó có thể giúp cho người đọc hình thành những liên tưởng sâu xa để kết nối những hình ảnh tượng trưng thường khó hiểu do tính cá nhân và tính phi quy tắc, lắng nghe những cảm xúc và ý nghĩa tinh vi có thể được gợi lên bằng trực cảm, được truyền tải từ người viết đến người đọc thông qua sự thấu cảm khó giải thích bằng ngôn ngữ thông thường. Như vậy, có thể nói là thơ tượng trưng không những giàu nhạc tính, mà còn mở rộng, đào sâu cách biểu đạt khơi gợi nhờ kiểu nhạc tính tự do, phi quy tắc như biểu tượng trong thơ.
Với những đặc điểm trên, thơ tượng trưng là thành quả cho thấy những nỗ lực vượt bậc của các nhà thơ phương Tây thế kỷ XIX nhằm giải thoát cả việc sáng tạo  và tác phẩm thơ khỏi những khuôn thước thẩm mỹ đã trở nên cũ mòn, chật hẹp của thơ ca truyền thống, vươn đến sự thay đổi hệ hình trong sáng tác và thưởng thức thơ. Trải qua công cuộc cách tân này, thơ ca không còn là cách sử dụng ngôn từ có giai điệu, có hình ảnh để bày tỏ cảm xúc hay miêu tả đối tượng, mà là tác phẩm ngôn từ được tạo ra bằng những kết cấu chìm được tổ chức ở bề sâu, trong đó những hình ảnh mang ý nghĩa biểu trưng kết hợp với âm điệu mới mẻ, tự do không còn là chất liệu để miêu tả, để truyền cảm mà trở thành những yếu tố khơi gợi sự liên tưởng và cảm xúc “thần bí” ở người đọc.
Hai đặc điểm căn bản làm nên yếu tính của thơ tượng trưng, như đã nhắc đến ở phần trên, cũng chính là biểu hiện của tính hiện đại của thơ ca phương Tây thế kỷ XIX. Thứ nhất, hình ảnh và âm điệu trong thơ đã trở nên tự do, không còn bị ràng buộc trong khuôn khổ của tư duy duy lý. Tính tự do, bất quy tắc trong thơ là dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất của thơ ca hiện đại. Thứ hai, thơ tượng trưng chỉ dùng âm điệu và hình ảnh để khơi gợi mà không sa vào nội dung kể và tả. Điều đó làm mất đi vị trí của cái tôi trữ tình trong thơ truyền thống. Khi kể và tả thì nội dung trong thơ rành mạch, rõ ràng. Cũng trong sự rành mạch ấy mà vị trí của cái tôi cá nhân, của chủ thể trữ tình được xác định. Trái lại, khi trong thơ chỉ có những hình ảnh không thể gắn kết với nhau bằng logic của tư duy duy lý và quy luật của ngôn ngữ thông thường, khi hình ảnh và âm điệu chỉ có các dụng khơi gợi sự liên tưởng mà không nói về một đối tượng cụ thể thì cái tôi cá nhân sẽ không còn chỗ đứng trong thơ. Không còn chỗ đứng vì cách biểu đạt trong thơ đẩy mọi thứ vào trạng thái lơ lửng, không có sự quy chiếu đến các đối tượng và các mối quan hệ trong thực tại, lơ lửng kiểu như câu thơ “Ôi mùa, ôi lâu đài” rất đơn giản mà cũng rất khó hiểu của Athur Rimbaud.
Những đặc điểm nói trên cũng để lại dấu ấn rõ ràng trong ngôn ngữ thơ ca Việt Nam trong thời kỳ tiếp nhận văn học phương Tây kết hợp với hiện đại hóa văn học trong nước. Nếu như thơ lãng mạn có sự hài hòa về âm điệu và cú pháp được tổ chức rõ ràng với nhiều từ có chức năng ngữ pháp nhằm kết nối các thành phần trong câu như “tuy”, “nhưng”, “với”, “khi”, “để”, “cũng” v.v... thì thơ tượng trưng có âm điệu tự do và thiếu vắng chủ thể trữ tình như cách biểu đạt trong bài Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ.
Thơ ca, cũng như tất cả các loại hình nghệ thuật, luôn cần được cách tân theo sự đổi mới của xã hội, ngôn ngữ và văn hóa trong từng thời đại. Sự xuất hiện của trào lưu tượng trưng trong lịch sử văn học hiện đại cũng không nằm ngoài quy luật đó, xuất phát từ nỗ lực của các nhà thơ muốn mang lại cho sáng tác của mình sức sống mới để thơ ca tìm lại được chỗ đứng trong thời đại mà tiểu thuyết trở thành sân chơi chủ đạo của hoạt động văn chương. Thơ lãng mạn cũng có sự mới mẻ và giá trị riêng của một dòng thơ ra đời vào thời gian cái tôi cá nhân cần nói lên tâm sự trước thực tại xáo trộn và đổ vỡ. Khi phong cách lãng mạn phát triển đến đỉnh cao và bộc lộ những khiếm khuyết về biểu đạt thẩm mỹ, thơ Parnasse đã xuất hiện như một khuynh hướng cách tân với chủ trương tiết chế tình cảm để đào sâu việc miêu tả cái đẹp. Nhưng phải đến khi thơ tượng trưng ra đời thì tinh thần hiện đại trong thơ ca mới được thể hiện gần như đầy đủ. Như vậy, các trào lưu từ lãng mạn đến tượng trưng đều là các giai đoạn đổi mới của thơ ca trên con đường tiến đến chủ nghĩa hiện đại, trong đó trào lưu tượng trưng là giai đoạn cuối cùng đã hình thành nên các điều kiện hợp lý để thơ ca thực sự bước vào chủ nghĩa hiện đại trong thế kỷ XX.
3. Tính “bản lề” của trào lưu tượng trưng trong tiến trình hiện đại hóa thơ ca
Từ thế kỷ XX, thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung vẫn tiếp tục con đường phát triển qua nhiều hình thức cách tân đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử nghệ thuật như chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa hậu hiện đại v.v..., nhưng các trào lưu mới trong phạm vi của chủ nghĩa hiện đại chỉ là sự cải tiến, nâng cao những đặc điểm của tính hiện đại đã được xác lập trong phong cách tượng trưng chứ không phải là sự thay đổi hệ hình như trào lưu tượng trưng đã thể hiện trong quan hệ so sánh với truyền thống thơ ca trước đó. Cho nên, nhìn vào toàn bộ tiến trình của lịch sử văn học hiện đại bắt đầu từ thời kỳ Khai sáng, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện của trào lưu tượng trưng là giai đoạn mang tính “bản lề” để thơ ca thật sự chuyển đổi từ mô hình thẩm mỹ truyền thống sang mô hình thẩm mỹ hiện đại, bao gồm toàn bộ những vấn đề từ sáng tạo thơ đến thưởng thức thơ.
Trong mô hình thẩm mỹ truyền thống thì thơ ca là sự giãi bày cảm xúc hay kinh nghiệm thẩm mỹ của người viết bằng ngôn từ trau chuốt của nghệ thuật văn chương. Quá trình thưởng thức thơ là quá trình truyền dẫn nguồn cảm xúc đã tạo nên thi hứng từ người viết sang người đọc. Trong thời kỳ cổ điển, nghệ thuật thơ ca chủ yếu được biết đến ở quá trình lan tỏa cảm xúc từ người sáng tác thơ đến người thưởng thức thơ. Các thành tố làm nên quá trình đó gồm cảm xúc cá nhân và năng lực sáng tạo của nhà thơ, tác phẩm thơ như một văn bản nghệ thuật và hoạt động tiếp nhận thơ từ phía người đọc đều chưa có sự nhấn mạnh rõ nét.
Thơ lãng mạn đã đánh dấu cho sự mở đầu của thời kỳ hiện đại bằng việc đi sâu vào thế giới cảm xúc cá nhân của nhà thơ. Đó là bước thay đổi đầu tiên của mô hình thẩm mỹ thơ truyền thống. Tuy nhiên, sự thay đổi này chỉ mới thể hiện ở một khía cạnh của nghệ thuật thơ ca nên cần được nhanh chóng tiếp nối, mở rộng bởi hoạt động cách tân của các trào lưu khác. Phong cách thơ Parnasse ra đời đã mở rộng việc đổi mới sang vấn đề ngôn ngữ miêu tả, dịch chuyển trọng tâm của thơ ca từ cảm xúc của nhà thơ đến sự tồn tại của khách thể thẩm mỹ trong thơ. Khi trào lưu tượng trưng xuất hiện, việc đổi mới thơ ca trên con đường tiến đến chủ nghĩa hiện đại đã bước vào giai đoạn đột phá. Với trào lưu tượng trưng, vấn đề truyền cảm trong nghệ thuật thơ ca đã được chuyển đổi thành vấn đề liên tưởng, khơi gợi. Sự thay đổi căn bản này đã tạo nên hàng loạt những cái mới trong thơ. Khi thơ là nghệ thuật khơi gợi thì vị trí của chủ thể trữ tình cũng mất đi theo phong cách giãi bày và miêu tả. Thơ không còn mang sứ mệnh truyền dẫn cảm xúc mà là sự khám phá hiện thực ở bề sâu, hiện thực của một thế giới không thể nắm bắt được bằng tư duy duy lý mà đòi hỏi con người phải kích hoạt khả năng trực cảm, thậm chí là “thần cảm” để đạt đến kinh nghiệm thẩm mỹ sâu xa, vượt khỏi sự diễn đạt ở bề mặt ngôn từ.
Bằng cách phá bỏ mô hình thẩm mỹ truyền thống để đi vào chiều sâu của tâm linh, thơ tượng trưng đã xây dựng nên bộ khung vững chắc của ngôi nhà thơ ca hiện đại. Một khi toàn bộ những điều kiện của thẩm mỹ truyền thống bị phá bỏ, cả người sáng tác và người thưởng thức đều rơi vào trạng thái mất điểm tựa. Điều kỳ lạ là chính tình trạng mất điểm tựa này đã mở ra một khung trời mới, không chỉ trong thơ ca mà là cho việc sáng tạo cũng như tiếp nhận nghệ thuật trên diện rộng.
Mất điểm tựa cũng có nghĩa là thoát khỏi tư duy duy lý và quy luật của ngôn ngữ đời thường. Người sáng tác thơ không cần phải băn khoăn về vấn đề ý nghĩa của ngôn từ. Người thưởng thức thơ không có quyền đòi hỏi, đúng hơn là không cần thiết phải tìm kiếm, trong bài thơ một ý nghĩa, một vấn đề rành mạch. Khi đó, hình ảnh và ngôn từ trong thơ dường như được sử dụng một cách ngẫu nhiên, vì giữa chúng không tồn tại bất cứ mối liên hệ nào mang tính quy ước. Điều này cũng chính là nguyên lý căn bản tạo nên hình thức biểu đạt mới mẻ của nhiều phong cách nghệ thuật hiện đại mang những tên gọi khác nhau, mà những ví dụ tiêu biểu và quen thuộc nhất là phong cách lập thể trong nghệ thuật tạo hình và văn chương phi lý.
Từ đó, có thể thấy rằng thơ tượng trưng một mặt chỉ là một trong số nhiều trào lưu thể hiện sự nỗ lực cách tân không ngừng nghỉ của thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung trên tiến trình hiện đại hóa, mặt khác lại là một giai đoạn giữ vị trí “bản lề” của cánh cửa mở ra khung trời mới của nghệ thuật hiện đại. Trong khi thơ ca của trào lưu lãng mạn hay trường phái Parnasse chỉ dừng lại ở vấn đề bày tỏ sự bất đồng với truyền thống vốn có và nỗ lực đổi mới một khía cạnh nào đó của thơ ca thì trào lưu tượng trưng đã từ bỏ toàn bộ ngôi nhà của thẩm mỹ truyền thống và mở toang cánh cửa cho thơ ca và các loại hình nghệ thuật khác được tắm trong bầu không khí tinh khôi, lộng gió của thời hiện đại. Từ cú đột phá này, nghệ thuật trong thế kỷ XX bước vào một hệ hình tư duy mới, mà đặc điểm cốt lõi nằm ở chỗ người sáng tạo và người thưởng thức không còn giao tiếp với nhau bằng tư duy duy lý trong tác phẩm.
Khi quá trình truyền cảm từ người sáng tạo đến người thưởng thức bị cắt rời bằng nhát kéo của chủ nghĩa tượng trưng, tác phẩm nghệ thuật trở nên có vị trí độc lập, có thể tồn tại dưới nhiều hình dạng, kiểu cách, kết cấu khác nhau vì không cần phải nằm trong khuôn khổ định sẵn để chuyển tải một ý tưởng nhất định theo đường lối mang tính quy ước. Mỗi tác phẩm vì thế trở thành một “sinh thể thẩm mỹ” có đời sống riêng, tiếng nói riêng, mời gọi người thưởng thức đi vào một quá trình khám phá bằng đối thoại, bỏ lại sau lưng cách tiếp nhận đơn điệu, một chiều của mô hình thẩm mỹ truyền thống. Tất cả những điều này, như chúng ta đã thấy, tự biểu hiện và khơi nguồn cho những phong cách biểu hiện mới mẻ, ấn tượng hơn, tạo ra cả một thế giới thiên hình vạn trạng không những trong sáng tác mà còn trong triết học, mỹ học, lý luận và phê bình nghệ thuật hiện đại.
Nếu dựa vào “tuyên ngôn” của những cây bút sáng tác và phê bình đương thời của văn học phương Tây thì có thể thấy thơ tượng trưng chỉ là một trong số nhiều trào lưu của thơ ca hiện đại, thậm chí chỉ là một trào lưu có thời gian phát triển tương đối ngắn. Jean Moreas công bố tuyên ngôn trên báo Le Figaro năm 1886 xác nhận sự ra đời chính thức của chủ nghĩa tượng trưng thì cũng chính cây bút này năm 1891 đã viết một bài khác tuyên bố rằng “thơ tượng trưng đã chết”. Trong khi đó, theo quan điểm của René Wellek thì thơ tượng trưng, ít nhất là trong phạm vi ở Pháp, đã nhường hẳn vị trí cho trào lưu siêu thực từ năm 1933[3]. Tuy nhiên, vì là một giai đoạn mang tính chất “bản lề” trên con đường tiến tới chủ nghĩa hiện thực, thơ tượng trưng đã thể hiện sức lan tỏa lớn mạnh qua nhiều loại hình nghệ thuật trên thế giới. Ngay cả bây giờ, khi sáng tác và phê bình văn học đã trải qua nhiều lần đổi mới kể từ khi hình thành chủ nghĩa hiện đại, thơ tượng trưng vẫn tồn tại bên cạnh nhiều phong cách biểu đạt khác, vì chủ trương ban đầu của các nhà thơ đã lập nên trường phái tượng trưng vẫn chưa trở thành cũ kỹ, lạc hậu đến mức mâu thuẫn với nhu cầu làm mới thơ ca trong điều kiện ngày nay. Nói cách khác, các phong cách thơ ca hình thành sau trào lưu tượng trưng có thể đem đến nhiều tiếng nói mới lạ cho nghệ thuật thơ hiện đại nhưng về căn bản vẫn là sự phát triển nối tiếp của hệ hình tư duy mà thơ tượng trưng đã mở ra. Điều đó càng thể hiện rõ nét vai trò then chốt của trào lưu tượng trưng trên con đường cách tân không ngừng đã đưa thơ ca phương Tây thế kỷ XIX bước hẳn sang chủ nghĩa hiện đại.
Lời kết
Thơ tượng trưng không phải là sự xuất hiện đột ngột của một phương pháp biểu đạt thẩm mỹ hoàn toàn mới và chưa từng tồn tại trong thế giới thi ca. Cái mới của thơ tượng trưng là cái mới trong nhận thức thẩm mỹ. Và hạt nhân của nhận thức mới trong trào lưu tượng trưng là sự vượt thoát mô hình thẩm mỹ truyền thống gắn chặt với tư duy duy lý và vẻ đẹp của biểu đạt tu từ. Cái độc đáo của thơ tượng trưng là dùng một phương tiện rất truyền thống của thơ ca để đổi mới mô hình thẩm mỹ của thơ ca một cách toàn diện. Hình ảnh biểu trưng trong thơ là một điều rất cũ. Nhưng ký hiệu mang tính biểu tượng trong thơ tượng trưng lại rất mới, rất hiện đại. Từ hình ảnh nọ đến biểu tượng kia là cả một khoảng cách lớn của sự thay đổi mô hình thẩm mỹ. Kể từ khi thời hiện đại mở ra với trào lưu Khai sáng, thơ lãng mạn và thơ Parnasse đã nỗ lực rất nhiều để tìm ra những lối đi, những đường hướng thoát khỏi mô hình cũ. Nhưng phải đến khi có sự xuất hiện của chủ nghĩa tượng trưng thì thơ ca phương Tây mới thực sự bắt được nhịp cầu sang bến bờ hiện đại. Do đó, cần phải đặt những thành tựu của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ ca phương Tây thế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vào tiến trình xuyên suốt của thơ ca hiện đại thì mới có thể xem xét trào lưu này với đầy đủ ý nghĩa đóng góp của nó trên tiến trình hiện đại hóa thơ ca.
Tài liệu tham khảo
1.      Athur Rimbaud, Rimbaud toàn tập (Huỳnh Phan Anh dịch), NXB. Văn hóa Sài Gòn, 2006.
2.      Charles Baudelaire, Hoa của nỗi đau (Lê Trọng Bổng dịch), NXB. Thế giới, 1999.
3.      Đặng Anh Đào và nhóm biên soạn, Văn học phương Tây, NXB. Giáo dục, 2012.
4.      Northrop Frye , “Three Meanings of Symbolism”, Yale French Studies, No. 9, Symbol and Symbolism (1952), pp. 11 – 19, http://www.jstor.org/stable/2929052.
5.      Oreste F. Pucciani, “The Universal Language of Symbolism”, Yale French Studies, No. 9, Symbol and Symbolism (1952), pp. 27 – 35, http://www.jstor.org/stable/2929054.
6.      Paul De Man, “The Double Aspect of Symbolism”, Yale French Studies, No. 74, Phantom Proxies: Symbolism and the Rhetoric of History (1988), pp. 3 – 16, http://www.jstor.org/stable/2930287.
7.      René Wellek, “The Term and Concept of Symbolism in Literary History”, New Literary History, Vol. 1, No. 2, A Symbosium on Periods (Winter, 1970), pp. 249-270, http://www.jstor.org/stable/468631.
8.      Robert G. Cohn, “Symbolism”, The Journal of Aesthetics and Art Criticism, Vol. 33, No. 2 (Winter, 1974), pp. 181-192, http://www.jstor.org/stable/429086.



[1] Paul De Man, “The Double Aspect of Symbolism”, Yale French Studies, No. 74, Phantom Proxies: Symbolism and the Rhetoric of History (1988), pp. 3 – 16, http://www.jstor.org/stable/2930287.
[2] René Wellek, “The Term and Concept of Symbolism in Literary History”, New Literary History, Vol. 1, No. 2, A Symbosium on Periods (Winter, 1970), pp. 249-270, http://www.jstor.org/stable/468631.
[3] René Wellek, tlđd.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét