Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

TƯỞNG TƯỢNG VÀ TƯ DUY THỊ GIÁC TRONG VĂN HỌC CỔ ĐIỂN NHẬT BẢN – TRƯỜNG HỢP GENJI MONOGATARI VÀ TANKA CỔ ĐIỂN



Tư duy thị giác gắn với năng lực tưởng tượng là một biểu hiện nổi bật làm nên tính độc đáo của văn hóa và văn học Nhật Bản. Nghệ thuật thị giác ở Nhật Bản ngày nay đã đạt đến trình độ phát triển rất cao. Tính thị giác cũng góp phần làm nên vẻ đẹp riêng của nhiều tác phẩm văn học Nhật Bản hiện đại và đã được nói đến trong công trình của các nhà phê bình, nghiên cứu. Trong bài viết này, chúng tôi muốn tìm về nguồn gốc của vẻ đẹp thị giác trong văn học Nhật Bản qua những biểu hiện của năng lực tưởng tượng và tư duy thị giác trong một số tác phẩm nổi bật, đại diện cho hai thể loại quan trọng nhất của văn học cổ điển Nhật Bản là monogatari và tanka. Bài viết được thực hiện với mong muốn giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam một khía cạnh đáng chú ý của truyền thống văn học và mỹ học Nhật Bản.
1.      Cái đẹp thị giác và “văn hóa nhìn” trong đời sống của người Nhật Bản
Khách du lịch dù lựa chọn điểm đến là bất cứ nơi nào trên đất nước Nhật Bản, chỉ cần một vòng tham quan nhỏ quanh một khu đô thị là có thể được thưởng ngoạn nhiều tác phẩm mỹ thuật vừa đa dạng vừa độc đáo, thậm chí có nhiều trường hợp khiến người xem giật mình kinh ngạc hay cảm thấy băn khoăn vì khó hiểu.
Đa dạng là bởi vì vẻ đẹp của nghệ thuật thị giác ở Nhật Bản ngày nay có rất nhiều hình thức, nhiều phong cách cùng tồn tại trong cuộc sống đời thường. Có công trình quy mô lớn như nhà ga trung tâm hay bảo tàng mỹ thuật của một thành phố. Lại có những tác phẩm khó nhìn thấy, khó phát hiện như hoa văn đặc thù trên nắp đậy bằng kim loại ở những miệng cống thoát nước bố trí dọc vỉa hè. Có những phong cách lạ mắt vì hiện đại như kiến trúc vặn xoắn ở mái che của một sân vận động. Lại có những vẻ đẹp truyền thống như kiến trúc đặc trưng của cổng đền, mái chùa hay các ngôi nhà ở khu phố cổ.
Độc đáo là bởi vì vẻ đẹp của nghệ thuật thị giác cũng mang tính cực đoan của đời sống văn hóa Nhật Bản. Có khi bên cạnh những mái ngói thâm trầm của những ngôi chùa cổ là sừng sững một tòa nhà hiện đại với kiến trúc cực kỳ lạ mắt. Có khi du khách đang đi dạo trên một vùng đồi cỏ bao la bỗng nhìn thấy một ngôi nhà thiết kế rất đẹp, đến gần thì mới biết đó là nhà vệ sinh công cộng nhưng cũng là công trình nổi tiếng của một kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế, người đã ký thác vào tác phẩm những triết lý sâu sắc về sự hài hòa giữa nghệ thuật và thiên nhiên.
Nhưng có thể ví dụ phổ biến nhất về đặc tính đam mê vẻ đẹp thị giác của người Nhật Bản là nghệ thuật trình bày món ăn trong các dụng cụ hết sức phong phú về hình dạng và màu sắc. Từ “moritsuke” 盛り付けtrong tiếng Nhật không phải chỉ có nghĩa đơn giản là “dọn bữa” mà còn hàm nghĩa về tính mỹ thuật trong việc dọn các món ăn, một công việc gắn với những quy tắc nhất định về sự phù hợp giữa nguyên liệu, màu sắc của từng món ăn với chất liệu và hình dáng của dụng cụ dùng để đựng món và tính mùa trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản.
Từ những hiện tượng, những hình ảnh của cái đẹp thị giác trong cuộc sống đời thường ở Nhật Bản hiện nay, người nghiên cứu có thể tìm về quá khứ, mở rộng hơn phạm vi quan sát để xác nhận tinh thần gắn bó với cái đẹp thị giác trong truyền thống văn hóa ở đất nước này. Một hiện tượng dễ nhận thấy vì vẫn còn để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống người Nhật hiện nay là “văn hóa nhìn”, được biết đến như một biểu hiện nổi bật của tinh thần duy mỹ và tâm thức sùng kính thiên nhiên.
“Văn hóa nhìn” là một cách nói nhằm bao quát tinh thần chung của các hoạt động thưởng thức vẻ đẹp thị giác gắn với tính mùa đặc trưng của thiên nhiên Nhật Bản. Nổi bật nhất trong số đó là “hanami” 花見– hội thưởng hoa đào diễn ra vào mùa xuân, trong thời gian anh đào mãn khai trên toàn nước Nhật. Theo những tác phẩm văn học thời Heian thì “hanami” trong xã hội quý tộc cung đình được tổ chức thành những cuộc vui trang trọng, kết hợp thưởng hoa với biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống, từ ca múa nhạc trên sân khấu cung đình đến các hội thơ dành cho các vị chức sắc có năng khiếu thơ ca trong giới quý tộc đương thời. Thật ra “hanami” không phải là “lễ hội” theo nghĩa chính xác của từ này, vì nó không có phần nghi lễ tâm linh gắn với một vị thần riêng biệt mà hầu như chỉ là một sinh hoạt mang tính hội hè, là biểu hiện rõ nét của tinh thần thưởng thức thiên nhiên theo mùa ở Nhật. Nhưng cũng chính vì điều đó mà, trong khi nhiều lễ hội tâm linh, tôn giáo đã mất đi hoặc bị biến đổi về thể thức theo thời gian, “hanami” ngày nay vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Nhật Bản. Hơn thế, “hanami” còn là một môi trường lý tưởng để người nước ngoài hiểu thêm về người Nhật, văn hóa Nhật thông qua sinh hoạt cộng đồng với tinh thần rộng mở giữa tiết trời dễ chịu và muôn hoa rực rỡ của mùa xuân.
Nếu như “hanami” là sinh hoạt cộng đồng với không gian mở rộng và tinh thần hội hè náo nhiệt thì “hotarumi” 蛍見 (ngắm đom đóm) là kiểu “văn hóa nhìn” độc đáo, chỉ dành cho cá nhân hoặc một nhóm ít người và thường diễn ra trong lặng lẽ. “Hotarumi” trong văn học cổ điển Nhật Bản gắn với nhân vật nổi tiếng Tamakazura trong Genji monogatari. Nàng Tamakazura vốn nổi tiếng với nhan sắc quyến rũ càng trở nên lung linh khi được miêu tả như một cô gái đắm chìm vào vẻ đẹp của ánh sáng đom đóm mỏng manh lập lòe trong đêm tối. Điều thú vị là chuyện ngắm đom đóm cứ như một tình tiết cường điệu do tác giả đưa vào để làm tăng sức hút của hình ảnh nhân vật trong truyện kể lại là một nét văn hóa có thật trong cuộc sống đời thường. Những ai được biết rằng Nhật Bản đã trải qua quá trình hiện đại hóa gắn với công nghiệp hóa và đô thị hóa rất nhanh hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi nhận ra “horatumi” hiện nay vẫn còn tồn tại ở các vùng nông thôn có nhiều diện tích trồng lúa nước, và “hotarumi” không phải là biểu hiện cho tính cách “phù phiếm” của một bậc tiểu thư quyền quý như nàng Tamakazura mà chỉ là niềm vui giản dị của những người dân bình thường sống trong tinh thần yêu thiên nhiên và khuynh hướng duy mỹ của dân tộc Nhật.
Có thể phổ biến ở diện rộng trong sinh hoạt cộng đồng như “hanami” nhưng cũng có thể diễn ra trầm lặng chỉ trong giới tao nhân mặc khách là “tsukimi” 月見 (ngắm trăng) – một biểu hiện khác của “văn hóa nhìn” Nhật Bản. Có kiểu thưởng trăng như tình cờ và dân dã như người nông dân trong một bài haiku của Basho, cũng có kiểu thưởng trăng cao nhã như trong thơ tanka của Saigyo. Ngày nay, “tsukimi” không phải là một dịp hội hè có quy mô rộng lớn như “hanami” nhưng vẫn là một khía cạnh quan trọng của đời sống văn hóa Nhật Bản và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những cuộc vui dành cho trẻ em vào dịp trung thu đến những tác phẩm nghệ thuật, những chiếc bánh, những món ăn có hình ảnh trăng tròn như một cách thưởng thức vẻ đẹp đặc trưng mà nhịp điệu mùa của thiên nhiên mang lại.
Một trường hợp rất thú vị của “văn hóa nhìn” ở Nhật Bản ngày nay là hội pháo hoa tổ chức giữa mùa hè. Trong khi “tsukimi” và “hotarumi” bị thu hẹp phạm vi do quá trình đô thị hóa thì mật độ và quy mô của hội pháo hoa lại lớn lên cùng với sự phát triển của đô thị và công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất pháo hoa. Ở Nhật Bản hiện nay, hội pháo hoa được tổ chức mỗi năm ở rất nhiều địa điểm trên toàn quốc, và số người đi xem hội cũng rất đông, trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu của mùa hè. Hội pháo hoa càng gắn bó với sinh hoạt cộng đồng của người Nhật Bản thì công nghiệp sản xuất pháo hoa ở nước này càng phát triển về cả doanh số và chất lượng. Điều đáng chú ý là, đối với người Nhật thì pháo hoa không đơn giản là một sản phẩm của công nghệ hiện đại mà còn là tác phẩm mỹ thuật, thể hiện rõ khuynh hướng duy mỹ và tinh thần gắn bó với thiên nhiên. Trong đêm hội pháo hoa, bầu trời tối thẫm trở thành một bức màn sân khấu vĩ đại chờ đón những màn trình diễn rực rỡ do muôn vàn tia lửa bắn ra trong khoảnh khắc. Rất nhiều hình ảnh đẹp mắt và thân thuộc trong cuộc sống đời thường nở bung trước mắt người xem, phô diễn sự tài hoa và công sức đầu tư của nhà sản xuất, đồng thời mang đến cho khán giả những giây phút tuyệt vời của sự hòa lẫn giữa tinh thần nỗ lực hết mình trong cuộc sống và tình cảm khoáng đạt hướng về thế giới tươi đẹp của thiên nhiên.
Một khi đã trở nên quen thuộc với sự tồn tại phổ biến của cái đẹp thị giác và “văn hóa nhìn” trong đời sống Nhật Bản thông qua những biểu hiện như trên, người quan sát có thể sẽ tiếp tục thắc mắc về nguồn gốc tư tưởng của những biểu hiện này. Trong phần tiếp theo, bài viết sẽ tìm về mỹ học và văn học cổ điển Nhật Bản, hy vọng làm sáng tỏ thêm một giai đoạn trên tiến trình khai mở của cái đẹp thị giác từ cội nguồn tư tưởng đến cuộc sống đời thường.
2.      Tính thị giác và tính mơ hồ trong mỹ học và văn học cổ điển Nhật Bản
Về biểu hiện của tính thị giác trong văn học cổ điển Nhật Bản thì có lẽ chẳng cần phải bàn cãi gì thêm. Bài viết này chỉ đưa ra một vài ví dụ với mong muốn làm nổi bật cũng như cụ thể hóa vấn đề. Genji monogatariKokinwakashu, hai đỉnh cao mang tính đại diện về thể loại của văn học vương triều, đều để lại ấn tượng rõ rệt về vẻ đẹp thị giác. Tác giả Genji monogatari say sưa với từng chi tiết nhỏ góp phần tạo nên vẻ diễm lệ của đời sống quý tộc đương thời. Từ những đường nét hoa văn tinh tế trên nếp áo của một quý phu nhân đến quang cảnh lộng lẫy của một đám rước trong lễ hội truyền thống. Từ một cành hoa nhỏ mang theo mấy dòng thư kín đáo đến phong cảnh khoáng đạt hùng vĩ của cả một vùng đồi núi và biển cả bao la. Tương tự, các nhà thơ của thời Kokinshu cũng sử dụng ngôn ngữ hình ảnh để bày tỏ tâm tình. Giọt sương, ngọn lá, vạt cỏ, cánh đồng hoa, vầng trăng sáng nửa đêm, áng mây lúc chiều tà v.v... đã trở thành những tứ thơ quen thuộc. Qua đó, nhà thơ vừa chuyển tải cảm thức mùa vừa kín đáo bộc lộ những tình cảm riêng tư sâu kín trong thế giới nội tâm.
Đặc biệt, cách dùng một hình ảnh cụ thể như ký hiệu tượng trưng để thay thế cho một khái niệm tổng quát, trừu tượng hoặc để khơi gợi sự liên tưởng trong một “trường” văn hóa có những mối liên hệ ở bề sâu là hiện tượng phổ biến trong cả hai trường hợp đại diện cho văn học cổ điển nói trên.
Genji monogatari “gây khó khăn” cho bất cứ dịch giả nào muốn diễn đạt lại nội dung tác phẩm bằng một ngôn ngữ khác, với sự xuất hiện của hàng loạt từ đa nghĩa, đa chức năng như “Kiritsubo” 桐壺, “Fujitsubo” 藤壺, “Utsusemi” 空蝉, “Yugao” 夕顔, “Hahakigi” 箒木, “Tamakazura” 玉鬘 v.v... Đơn cử như trường hợp “Kiritsubo”. Trước hết, đó là tên gọi của một khu nhà trong cấu trúc của hoàng cung. Tên gọi này được hình thành theo quy luật ghép tên của loại cây nổi bật được trồng trong vườn cảnh ở phía trước khu nhà với danh từ chung chỉ loại vườn như thế (tức “tsubosenzai” 壺前栽, gọi tắt là “tsubo”). Tên gọi này còn có thể được sử dụng như một “biệt danh” khi nói về chủ nhân của khu nhà ấy, thậm chí cả nhân vật có mối liên hệ quan trọng với cuộc đời của chủ nhân (trường hợp “Kiritsubo” được dùng để nói đến cả nhà vua và cung phi sống ở cung có trồng cây ngô đồng - “kiri”).
Đây không chỉ là một nét văn hóa thể hiện sự tế nhị trong giao tiếp của xã hội quý tộc đương thời[1] mà còn là một cách nói hình ảnh, ví von. Cách dùng từ theo kiểu đa nghĩa, đa chức năng như trên cho thấy việc sử dụng một danh từ gắn với một hình ảnh cụ thể có khả năng tạo ra một trường liên tưởng xoay quanh một yếu tố đại diện. Yếu tố này, tức hình ảnh cụ thể, vừa có tác dụng mở rộng trường liên tưởng một cách linh hoạt vừa nhấn mạnh hiệu quả thị giác cho bức chân dung về đối tượng ban đầu. Trường hợp thể hiện rõ nhất tác dụng ấy là “biệt danh” Yugao. Tên gọi này xuất hiện một cách ngẫu nhiên do nhân vật Genji nhìn thấy có nhiều hoa yugao (bìm bìm) nở trên bờ giậu của ngôi nhà đang là nơi sinh sống của một thiếu phụ xinh đẹp nhưng chưa rõ nguồn gốc xuất thân. Vẻ yếu ớt mong manh và cuộc đời ngắn ngủi của thiếu phụ đã tạo nên sự gắn kết đầy ý nghĩa giữa chân dung nhân vật với cái tên Yugao và hình ảnh những bông hoa trắng mỏng nở vào lúc chiều tà. Ấn tượng về hình ảnh và sự liên kết thú vị này cũng chính là nguồn gốc của cảm hứng đưa nàng Yugao từ Genji monogatari vào kịch bản của các hình thức nghệ thuật diễn xướng thời trung đại.
Tương tự, việc sử dụng hình ảnh tạo nên trường liên tưởng cũng hết sức phổ biến trong thế giới waka, trong đó chủ yếu là tanka cổ điển. Từ lúc mới hình thành, waka đã nổi bật ở khuynh hướng sử dụng một hình ảnh cụ thể, cô đọng để biểu đạt những ý nghĩa trừu tượng và bao quát, chẳng hạn khung cảnh thiên nhiên của các mùa trong năm được đưa vào bài thơ thông qua những hình ảnh đặc trưng như hoa đào, lá đỏ, tuyết trắng, cỏ xanh. Ngôn ngữ waka càng được trau chuốt thì những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng càng phong phú,  quan hệ liên tưởng càng uyển chuyển và phạm vi liên tưởng càng mở rộng: “kumoi” 雲井/雲居 (cung mây) có thể được dùng thay cho nhiều khái niệm như “vương giả”, “cung đình”, “quyền quý”, “cao sang” v.v...; “kusamakura” 草枕 (gối cỏ) được dùng thay cho “cuộc lữ”, “du hành”; “mirume” 海松布 (rong biển) được dùng như một cách nói bóng gió về nơi gặp gỡ, hẹn hò, hướng đến việc chinh phục đối phương trong quan hệ tình cảm riêng tư thầm kín, “asatsuyu” 露朝 (sương mai) tượng trưng cho cuộc đời phù du hay vẻ đẹp mong manh dễ mất.
Cũng do mối quan hệ liên tưởng kiểu này mà tanka cổ điển sau thời Kokinshu mới sử dụng kỹ thuật “honkadori” 本歌取り để kết nối giữa một danh tác của thi nhân đời trước với một bài thơ được viết ra ở thời điểm hiện tại. Với kỹ thuật này, thi nhân chỉ cần lặp lại một hình ảnh nổi bật trong một bài thơ được nhiều người biết đến từ thời Kokinshu là đưa được vào thơ cả không gian trữ tình và phong vị cổ điển đã trở thành một chuẩn mực thẩm mỹ của thi đàn. Với kỹ thuật này, một hình ảnh sơn thôn đầy hoa rụng có thể mang vào bài thơ cả nỗi nhớ nhung về những ngày xưa cũ. Tên một ngọn núi, một bờ vịnh có thể chở theo ký ức về một câu chuyện tình yêu.
Những ví dụ điển hình như thế đủ để làm rõ về tính thị giác trong văn học cổ điển, ở cả hình thức truyện kể và thơ ca. Yếu tố thị giác ở đây không phải chỉ là hình ảnh được miêu tả bằng ngôn ngữ. Nói đúng hơn, những ví dụ nêu trên cho thấy tính thị giác trong văn học cổ điển được tạo ra do hình ảnh chiếm vị trí quan trọng trong tác phẩm và có sức chi phối khả năng biểu đạt của ngôn ngữ văn chương. Sự xuất hiện của hình ảnh làm cho những ý niệm trừu trượng được cụ thể hóa và trở nên sinh động. Hình ảnh còn tạo ra các mối quan hệ liên tưởng với trường nghĩa có thể được mở rộng và thay đổi linh hoạt tùy bối cảnh thời đại và năng lực diễn ngôn của người cầm bút.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là, trong khi biểu hiện của tính thị giác rất rõ ràng trong văn học cổ điển Nhật Bản thì mỹ học truyền thống của nước này lại được biết đến qua những thuật ngữ có ý nghĩa rất mơ hồ.
“Mỹ học” ở đây được hiểu là quan niệm truyền thống của người Nhật Bản về cái đẹp trong sáng tạo nghệ thuật. Thời Heian, văn xuôi Nhật Bản đã xuất hiện những tác phẩm lớn như Genji monogatari, còn thơ quốc âm waka cũng đã đạt đến vẻ đẹp chuẩn mực về nhiều phương diện. Nhưng mỹ học Nhật Bản thì chưa trở thành một bộ môn lý luận có cơ cấu và hệ thống nội dung. Theo lập luận của các nhà nghiên cứu đời sau thì quan niệm thẩm mỹ của người Nhật Bản thời Heian chỉ mới được thể hiện chủ yếu qua từ “mono no aware”, thường xuất hiện trong tác phẩm văn chương ở dạng rút ngắn là “aware”.
“Aware” hay “mono no aware” đều là những từ không rõ ràng về ý nghĩa. Trong tiếng Nhật cổ thì “aware” là một từ cảm thán, là tiếng kêu bật lên tự nhiên khi con người trải qua một sự thay đổi trạng thái cảm xúc bất ngờ và mãnh liệt. Dần dần, qua những tổ hợp từ được sử dụng phổ biến như “biết aware” hay “có aware”, thành tố “aware” được tiếp nhận như một từ thể hiện trạng thái cảm xúc nói chung. Mãi về sau “aware” mới bị thu hẹp nghĩa thành một từ nói đến nỗi buồn do con người cảm thán trước sự tồn tại mong manh của vạn vật, đặc biệt là sự phù du của cái đẹp, cái giá trị mà con người muốn nâng niu, gìn giữ.
Thuật ngữ đầu tiên được các nhà thơ, nhà phê bình Nhật Bản sử dụng để nói đến giá trị thẩm mỹ của sáng tác thơ ca là “yugen”. Xuất hiện lần đầu tiên trong tập sách ghi chép những ý kiến phê bình về thơ ca Wakataijusshu (『和歌体十種』Mười loại waka) của Mibu Tadamine 壬生 (860 – 920) và trở thành một “từ khóa” trong quan niệm về thẩm mỹ waka của Fujiwara Teika 藤原定家 (1162 – 1241), “yugen” được biết đến như tinh thần chủ đạo của mỹ học Nhật Bản thời trung đại. Và cũng như “aware”, “yugen” là một từ có ý nghĩa mơ hồ. Cụ thể, các nhà nghiên cứu văn học cổ điển Nhật Bản trong nhiều thế hệ đã phải phân tích nhiều bài thơ được Fujiwara Teika xếp vào “loại yugen”, kết hợp với lời bình của các nhà thơ nổi tiếng cuối thời Heian và tài liệu mang tính lý luận về văn chương nghệ thuật thời trung đại có nhắc đến “yugen” để tìm hiểu ý nghĩa của từ này nhưng vẫn không thể có được một định nghĩa rõ ràng, chính xác. Kết quả của những tìm tòi như vậy chỉ là cách giải thích chung chung, rằng yugen là vẻ đẹp gắn với cảm nhận tâm linh, huyền diệu, thâm sâu và không được biểu hiện thành hình tướng cụ thể.
Cả “aware” và “yugen” đều được xem là những “từ khóa” của mỹ học cổ điển Nhật Bản. Điều đó cho thấy văn hóa truyền thống Nhật Bản thiên về cái đẹp mơ hồ, mong manh dễ mất hoặc cái đẹp sâu sắc nhưng trừu tượng, không rõ hình tướng và gần với sự huyền bí tâm linh.
Như vậy, ở đây xuất hiện nghi vấn là, liệu có tồn tại mâu thuẫn giữa tính thị giác của văn học cổ điển và tính mơ hồ trong mỹ học truyền thống Nhật Bản. Nói cách khác, khi người Nhật đề cao cái đẹp mơ hồ, khó nắm bắt thì tại sao những hình ảnh cụ thể lại có vai trò chủ đạo trong sáng tác văn học, như bài viết đã nêu ra ở phần trên? Để tìm lời giải đáp cho vấn đề này, trước hết người quan sát cần kiểm tra lại bản chất thẩm mỹ của hình ảnh thị giác trong văn học cổ điển Nhật Bản.
Nếu đối tượng tìm hiểu là Genji monogatari và tanka cổ điển, chỉ cần đôi chút khảo sát và suy nghiệm thì có thể dễ dàng nhận ra tính hai mặt của những hình ảnh cụ thể đã tạo nên vẻ đẹp thị giác cho ngôn ngữ biểu đạt của tác phẩm. Một mặt, như đã trình bày ở phần trên, những biệt danh như “Yugao”, “Utsusemi” có tác dụng tạo nên một ấn tượng nhất định ở người đọc trong sự hình dung về nhân vật. Mặt khác, ấn tượng thị giác trong sự hình dung ấy thật ra lại chỉ là một ấn tượng mơ hồ. Hình ảnh hoa yugao dù hiện lên sinh động trong tưởng tượng của người đọc nhưng lại không phải là chân dung rõ nét của nhân vật. Bông hoa ấy chỉ giúp cho người đọc có một ghi nhận mơ hồ rằng Yugao là một cô gái kiều mị và yếu đuối. Còn hình ảnh “utsusemi” (lốt ve) thật ra chỉ có tác dụng tạo ấn tượng về một “cuộc trốn tìm” kịch tính chứ hoàn toàn không cho biết thêm thông tin gì về ngoại hình nhân vật.
Tương tự, ngôn ngữ thơ tanka nhiều hình ảnh tả chân, sinh động nhưng nếu biểu đạt của bài thơ chỉ dừng lại ở đó thì tác phẩm không thể được xem là có giá trị thẩm mỹ cao. Có thể lấy một bài thơ của thời kỳ Shinkokinshu (Tân cổ kim tập) làm ví dụ.
春の夜の                      Haru no yoru no                       Rơi từ chiếc cầu mộng
夢の浮橋                      Yume no ukihashi                    Của một đêm xuân
とだえして                  Todaeshite                                 Tôi thức giấc
峰にわかるる              Mine ni wakaruru                     Trên trời một đám mây
横雲の空                      Yokogumo no sora                   Đã rời xa đỉnh núi
(藤原定家)                   (Fujiwara Teika)                       (Nhật Chiêu dịch)
Đây là một bài tanka mang đậm cảm thức yugen, dù trong thơ xuất hiện những hình ảnh cụ thể và sinh động. Hình ảnh đám mây ngang lưng trời vừa bay qua đỉnh núi là khung cảnh thật hiện ra trước cái nhìn tinh khôi của một đôi mắt vừa tỉnh giấc. Giấc mơ mà thi nhân vừa trải qua cũng được “cụ thể hóa” bằng hình ảnh chiếc cầu. Nhưng giữa các hình ảnh nói trên lại là một khoảng lặng chừng như sâu thẳm. Khoảng lặng giữa khoảnh khắc choàng tỉnh và trạng thái mơ, giữa hình ảnh đám mây bay qua đỉnh núi trước đôi mắt quan sát tỉnh táo và cảm giác hẫng của một người “rơi xuống” trong giấc mộng. Hơn nữa, “chiếc cầu” dù gợi sự hình dung về một vật thể có hình khối nhưng lại là “cầu bồng bềnh trong mơ” – một hình ảnh “hư” nhiều hơn “thực”. Vẻ đẹp yugen của bài thơ đến từ khoảng lặng và trạng thái nửa thực nửa hư như thế. Hình ảnh sinh động, rõ ràng là đám mây bay ngang đỉnh núi, hay sự hình dung về chiếc cầu trong mộng, chỉ đóng vai trò như một con đường dẫn người đọc vào thế giới của yugen. Như vậy, hình ảnh gây ấn tượng thị giác ở đây chỉ là một cách biểu hiện của tính mơ hồ. Hay có thể nói rằng tính mơ hồ và tính thị giác là hai mặt cùng tạo nên cảm thức thẩm mỹ sâu sắc cho văn học cổ điển Nhật Bản.
Điều đó cũng giải thích tại sao văn học cổ điển Nhật Bản rất giàu tính thị giác nhưng vẫn bị cho là khó hiểu. Thậm chí một tác phẩm lớn và thuộc thể loại văn xuôi tự sự như Genji monoagatari vẫn bị tranh cãi về ý nghĩa nội dung qua suốt thời trung đại. Nếu đi sâu hơn vào giá trị thẩm mỹ của tác phẩm, có thể nhận ra một điều thú vị rằng, tính thị giác và tính mơ hồ của văn học cổ điển và mỹ học truyền thống Nhật Bản hội tụ ở tinh thần của khái niệm “mono no aware”. “Aware” là cảm thức sâu xa, mơ hồ trước sự mong manh của cái đẹp. Mà cái đẹp trong bối cảnh văn hóa thời Heian được hiểu là cái đẹp hình sắc diễm lệ và cao nhã. “Mono no aware” gợi lên một viễn tượng mơ hồ, hư huyễn về sự tồn tại của hình sắc hiện thời, tạo nên cảm giác về một sự kết nối theo chiều hướng liên tưởng giữa “sắc” và “không”, từ tồn tại đến diệt vong, từ bừng nở đến suy tàn.
3. Năng lực tưởng tượng: chìa khóa của tư duy thị giác trong văn học cổ điển Nhật Bản
Điểm hội tụ giữa tính thị giác và tính mơ hồ của văn học cổ điển và mỹ học truyền thống Nhật Bản cho thấy vẻ đẹp thị giác trong trường hợp này không phải là hình ảnh tả thực mà đúng hơn là sự kết hợp giữa miêu tả, cảm nhận và tưởng tượng, trong đó hình ảnh thực tế chỉ được sử dụng theo lối biểu trưng và chỉ đóng vai trò gợi mở, còn năng lực tưởng tượng là yếu tố trung tâm đóng vai trò quyết định.
Như đã chỉ ra ở phần trên, thơ cổ điển Nhật Bản giàu hình ảnh thị giác nhưng cũng để lại khoảng trống đáng kể giữa hình ảnh được miêu tả và giá trị thẩm mỹ của tác phẩm. Đó là khoảng trống dành cho năng lực tưởng tượng của cả người sáng tác và người cảm thụ. Khi sáng tác, nhà thơ chỉ dùng những hình ảnh thực tế như một thứ công cụ hữu hình để chuyển tải, khơi gợi những vẻ đẹp trừu tượng, ẩn khuất, sâu kín. Bài thơ vì thế có phong cách thẩm mỹ giống như một bức tranh thủy mặc. Và cũng chính vì vậy mà việc cảm thụ thơ đòi hỏi người đọc phải dùng trí tưởng tượng của mình để thâm nhập khoảng trống mà thi nhân để lại trên tác phẩm, nghĩa là phải giải mã bài thơ theo con đường ngược với quá trình sáng tác được thực hiện theo hướng cô đọng ý tưởng bằng hình ảnh biểu trưng.
Trong tác phẩm văn xuôi, như trường hợp Genji monogatari chẳng hạn, khoảng trống có thể được biểu hiện ở nhiều phương diện khác nhau. Khoảng trống về hình tượng nhân vật được tạo ra khi tác giả để nhân vật hiện lên chỉ qua vài nét chấm phá về trang phục, hoặc chỉ bằng mấy câu ngắn ngủi miêu tả theo lối thậm xưng, so sánh: hoàng tử có vẻ đẹp rực rỡ lạ thường và trong sáng như một viên ngọc quý” hay “hoàng tử này càng lớn thì dung mạo lẫn tính cách lại càng có vẻ phi phàm[2]. Cách miêu tả như vậy một mặt tạo ra ấn tượng đặc biệt, khiến người đọc hình dung nhân vật chính của tác phẩm như một con người “khác thường”, “cao siêu”, mặt khác lại làm cho nhân vật trở thành một hình ảnh mơ hồ, xa xôi, khó nắm bắt vì không có những đường nét rõ rệt về nhân dạng. Miêu tả nhân vật theo lối ấy nghĩa là tác giả cho phép người đọc có thể hình dung một cách tự do nhưng lại không ngừng thử thách trí tưởng tượng của người đọc qua từng chi tiết mà nhân vật xuất hiện trong tác phẩm.
Bên cạnh vấn đề nhân vật, Genji monogatari còn để lại rất nhiều khoảng trống về không gian và sự kiện, cũng bằng thi pháp kết hợp những hình ảnh chấm phá với ngôn ngữ mơ hồ như thế. Nhưng khoảng trống lớn nhất chính là vấn đề gây tranh cãi về ý nghĩa nội dung tác phẩm, và theo cách lý giải của Motoori Norinaga thời cận đại là cảm thức “mono no aware”. Sự thú vị của khoảng trống này nằm ở nghịch lý là, trong khi Genji monogatari được ghi nhận là một áng văn đồ sộ, trình hiện một cách phong phú và chi tiết đời sống văn hóa của xã hội quý tộc thời Heian, nhiều thế hệ độc giả thời trung đại vẫn không tìm ra ý nghĩa chủ đạo của nội dung tác phẩm. Bắt đầu từ phát hiện mang tính đột phá của Motoori, con đường nghiên cứu Genji monogatari đã tìm ra “hợp chất” có khả năng hóa giải nghịch lý này. “Hợp chất” ấy là sự kết hợp giữa cảm thức “mono no aware” và nghệ thuật hư cấu của tiểu thuyết. Nói cách khác, phát hiện của Motoori đã làm sáng tỏ mối liên hệ giữa năng lực tưởng tượng và định hướng sáng tạo của tác giả. Từ đó, độc giả Genji monogatari có thể hiểu ra rằng, nếu vẻ đẹp thị giác trong tác phẩm là một bông hoa thì gốc rễ nuôi dưỡng bông hoa ấy là khả năng tưởng tượng của người cầm bút.
Văn xuôi tự sự là thể loại cho phép người sáng tác mở rộng khả năng tưởng tượng để tạo nên một thế giới hư cấu trong tác phẩm. Tuy nhiên, trong trường hợp sự tưởng tượng của tác giả phải gắn với đời sống thực tế để tạo ra những trang viết giàu vẻ đẹp thị giác và có sức lay động tâm hồn người đọc thì công việc này cũng đồng thời là một thách thức lớn lao. Chính vì vậy, việc Genji monogatari ra đời trong xã hội quý tộc khép kín thời Heian là một kỳ tích bất ngờ của văn học cổ điển Nhật Bản. Điều đó trước hết là một bằng chứng khẳng định sức tưởng tượng độc đáo của nữ sĩ Murasaki, và từ đó cũng có thể thấy rằng văn hóa Nhật Bản thời Heian hàm chứa những yếu tố tạo điều kiện cho quá trình chuyển hóa năng lực tưởng tượng cùa tác giả thành giá trị thẩm mỹ của văn chương, thông qua sự kết hợp giữa tư duy thị giác và khả năng diễn đạt ngôn từ. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là tinh thần “asobi” 遊び (chơi đùa, trò chơi) – động lực chính cho sự phát triển của văn hóa nghệ thuật Nhật Bản từ truyền thống đến hiện đại.
“Asobi” là nguồn lực chủ đạo tạo nên thế giới tanka cổ điển vừa tinh tế vừa khoáng đạt với ngôn từ thơ nhiều “khoảng trống”. Còn nếu nói về đời sống văn hóa ở Nhật Bản hiện nay thì “asobi” cũng là cách lý giải tốt nhất cho sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật tạo hình đương đại, với rất nhiều tác phẩm được chế tác hết sức công phu dù chỉ để làm vật trang trí nơi đường phố, thậm chí còn khiến cho nhiều khách bộ hành phải nhăn mặt vì khó hiểu. Ngày nay, “asobi” tràn ngập ở nhiều nơi, nhiều cộng đồng dân tộc với không khí tự do, sôi động của văn hóa đại chúng. Nhưng trong xã hội quý tộc khép kín với phong cách văn hóa tinh hoa, tao nhã thời Heian thì “asobi” là nguồn nhựa sống hiếm hoi và quý giá đã nuôi lớn khả năng tưởng tượng của người cầm bút, tạo nên những giá trị văn chương có ý nghĩa to lớn, vượt thời gian như tanka cổ điển và Genji monogatari. Chính năng lực tưởng tượng là cốt lõi của tư duy thị giác chi phối quá trình sáng tạo đã sinh ra vẻ đẹp đặc trưng kết hợp tính thị giác và tính mơ hồ trong văn học cổ điển và mỹ học truyền thống Nhật Bản.
Lời kết
Ngày nay, trong khi tinh thần duy mỹ và vẻ đẹp thị giác trong đời sống văn hóa Nhật Bản đã được biết đến ở nhiều nơi trên toàn thế giới, thì việc tìm kiếm ý nghĩa và nguồn gốc của tinh thần ấy, đối với người quan sát Nhật Bản từ một nền văn hóa khác, vẫn là cuộc hành trình không đơn giản nhưng vô cùng thú vị. Bài viết này là những lời chia sẻ từ một cuộc tìm kiếm theo hướng đó, từ cái đẹp thị giác và “văn hóa nhìn” trong đời sống của người Nhật Bản đến mối quan hệ sâu xa giữa năng lực tưởng tượng và tư duy thị giác trong mỹ học truyền thống và văn học cổ điển, hy vọng có thể cùng những ai quan tâm đến văn học và văn hóa Nhật Bản góp thêm một tiếng nói về tính đặc thù của văn học cổ điển Nhật Bản, vốn là một lĩnh vực khó hiểu do gắn với cội nguồn văn hóa Nhật bằng những mối liên hệ khó thấy nhưng bền vững, sâu xa.

Tài liệu tham khảo
1.      阿部秋生 Abe Akio (1974), 「源氏物語の研究」 (Nghiên cứu Genji monogatari), 東京大学出版.
2.      Clifton W. Royston, “The poetics ideals of Fujiwara Shunzei”, The Journal-Newsletter of the Association of Teachers of Japanese, Vol.5, No.2, Papers from the 1968 AAS Meetings (Jul., 1968), pp. 1-8, http://www.jstor.org/stable/488801.
3.      小島菜温子(編集)Kojima Naoko biên soạn (2009),「源氏物語と和歌」(Genji monogatari và waka), 青簡.
4.      Haruo Shirane, “Lyricism and Intertextuality: An Approach to Shunzei's Poetics”, Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol. 50, No. 1 (Jun., 1990), pp. 71-85, http://www.jstor.org/stable/2719223.
5.      増田繁夫 Masuda Shigeo, 鈴木日出男 Suzuki Hideo biên soạn (2000), 「源氏物語研究集成」第十二巻『源氏物語と王朝文化』(Tổng tập nghiên cứu Genji monogatari, quyển 12 - Genji monogatari và văn hóa vương triều), 風間書房.
6.      岡野弘彦Okano Hirohiko (2010),「日本の心と源氏物語」(Genji monogatari với tâm hồn Nhật Bản), 思文閣出版.
7.      岡崎義恵 Okazaki Yoshie (1960),「源氏物語の美」(Vẻ đẹp của Genji monogatari), 宝文.
8.      高橋文二 Takahashi Bunji (1999),「源氏物語の時空と想像力」(Thời gian, không gian và khả năng tưởng tượng trong Genji monogatari), 翰林書. 
9.   Tanaka Hiroki田仲洋己, 「藤原定家の十体論についてーその概略と定家の幽玄観についてー」(Về mười loại waka theo Fujiwara Teika – Khái lược và khảo sát quan niệm về yugen của Teika), ousar.lib.okayama-u.ac.jp/file/18499/011_027.pdf.


[1] Trong xã hội quý tộc thời xưa, một cá nhân hiếm khi được gọi bằng tên họ chính thức. Đối với nam giới thì tước hiệu thường được sử dụng trong giao tiếp thay cho tên họ. Phụ nữ thường được gọi theo tước hiệu của cha hoặc chồng. Những “biệt danh” được hình thành ngẫu nhiên như “Kiritsubo” cũng có thể được xem như một cách gọi tế nhị.
[2] Trích dịch từ nguyên tác紫式部 Murasaki Shikibu (1965), 「源氏物語」(Genji monogatari), 山岸徳平校注(Yamagishi Tokuhei chú giải), 岩波書店, chương 1 “Kiritsubo”.

2 nhận xét:

  1. Bài bạn viết công phu quá. Đến hôm nay thì mình dần hiểu được chữ “aware” .
    Chỉ bữa ăn cũng thấy dọn thật đặc biệt, tận mắt thấy, mới cảm nhận hết.

    Trả lờiXóa
  2. Em học tiếng Nhật và học văn hóa Nhật, mà phải mất rất nhiều thời gian để hiểu phần nào "aware". Có lẽ cũng chẳng bao giờ hiểu hết được.

    Trả lờiXóa