Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

BỐI CẢNH VĂN HÓA – XÃ HỘI NHẬT BẢN THỜI HEIAN VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA GENJI MONOGATARI



Genji monogatari là một tác phẩm xuất sắc, một thành tựu lớn và mang tính đột biến của văn học monogatari Nhật Bản thời Heian. Được bảo tồn và lưu truyền qua nhiều giai đoạn trong lịch sử, Genji monogatari không chỉ gây ra sự ngạc nhiên xen lẫn cảm giác thích thú ở độc giả thông thường hay thái độ trân trọng, cảm phục trong giới văn nhân, nhà nghiên cứu mà bên cạnh đó, sự ra đời và tồn tại của tác phẩm còn gây nhiều thắc mắc, đặt ra cho người tiếp nhận nhiều câu hỏi về nguồn gốc phát sinh và tư tưởng nghệ thuật của thành tựu văn học đặc biệt này. Vì vậy việc tiếp nhận và nghiên cứu Genji monogatari phải gắn liền với việc tìm hiểu và lý giải về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
1.      Genji monogatari: sự kết tinh của yếu tố nội sinh và ngoại nhập trong văn hóa Nhật Bản thời Heian
Trước hết, hoàn cảnh ra đời của Genji monogatari được hiểu theo nghĩa rộng là bối cảnh văn hóa – xã hội thời Heian mà trung tâm là tư tưởng, lối sống của tầng lớp quý tộc ở kinh đô. Điều này đã được nhà nghiên cứu Okano Hirohiko trình bày một cách cô đọng trong công trình「日本の心と源氏物語」(Tâm hồn Nhật Bản và Genji monogatari):
Bối cảnh ra đời của tác phẩm là đời sống cung đình mà trung tâm là Thiên hoàng, xã hội quý tộc và xã hội nữ quan thời Murasaki Shikibu. Nói cách khác, cần phải biết rằng Genji monogatari đã ra đời trong bối cảnh lịch sử mà trong đó dòng họ Fujiwara có thế lực chính trị vô cùng lớn kể từ thời kỳ Manyoshu và văn học chữ kana mà nữ giới có vai trò trung tâm đang nở rộ với những thành tựu xuất sắc[1].
Thời Heian kéo dài gần 400 năm từ cuối thế kỷ VIII đến cuối thế kỷ XII, khi triều đình của Thiên hoàng Nhật Bản đóng đô tại kinh thành Heian (khu vực trung tâm của Kyoto ngày nay). Đây là thời kỳ Nhật Bản vừa hoàn thiện hệ thống chính trị trung ương tập quyền, đã thiết lập chế độ quản lý trên mọi lĩnh vực từ trung ương đến địa phương, lại sẵn có vị trí của một quốc đảo độc lập và tinh thần học tập thành tựu văn minh từ lục địa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên nên con đường phát triển đang rộng mở.
Một trong những nguồn lực quan trọng dẫn đến sự bừng nở văn hóa nghệ thuật thời Heian là việc tiếp thu văn hóa, văn học Trung Quốc thời Đường và việc sử dụng văn tự kana. Việc tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của thơ Đường thể hiện rõ qua sự xuất hiện những nhà thơ nổi tiếng về Hán thi, thường là những nhà quý tộc lớn vốn thông tuệ về Hán học. Bên cạnh đó, tiểu thuyết truyền kỳ đời Đường khi tiếp xúc với văn hóa Heian cũng để lại ít nhiều ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của thể loại monogatari. Đặc biệt, việc hoàn thiện hệ chữ kana việc sử dụng phổ biến mẫu tự này trong thế giới của phụ nữ quý tộc đã thúc đẩy sự phát triển của thơ waka và là điều kiện quan trọng dẫn đến sự ra đời của dòng văn học nữ lưu, nở rộ với nhiều thành tựu lớn, tạo nên vẻ đẹp nữ tính, diễm lệ đặc trưng cho nền văn hóa – văn học thời kỳ này.
Là một tác phẩm lớn, tiêu biểu cho tinh thần văn hóa – nghệ thuật thời Heian, Genji monogatari phản ánh tất cả những nội dung tiếp thu văn hóa như vậy. Nhưng điều thú vị là tác phẩm này lại có một vẻ đẹp rất riêng, rất đặc trưng cho tâm hồn Nhật Bản chứ không phải chỉ là sản phẩm thô sơ, sống sượng của một quá trình giao lưu văn hóa. Hơn nữa, văn học Nhật Bản từ khởi thủy đã có khuynh hướng, diện mạo riêng, thể hiện tinh thần nghệ thuật độc đáo của người Nhật Bản và do vậy rất khác so với tinh thần văn học Trung Quốc cùng thời. Điều này thể hiện rõ trong tập thơ quốc âm đầu tiên của Nhật Bản là Manyoshu. Vì vậy, có thể nói rằng đối với sự ra đời của Genji monogatari, sự tiếp thu văn minh nhà Đường và văn học cổ điển Trung Quốc chỉ có ý nghĩa là sự bổ trợ công cụ, chất liệu cho quá trình sáng tác, còn về mặt ý thức thẩm mỹ, tư tưởng nghệ thuật thì Genji monogatari vẫn là thành tựu lớn của văn học Heian, mà trước hết là sản phẩm của không gian văn hóa cung đình.
Một trong những nét đặc biệt của văn hóa cung đình thời Heian là sự tồn tại một thế giới riêng của nữ giới quý tộc. Họ xuất thân từ những gia đình có thế lực, được hậu thuẫn tốt về kinh tế và được giáo dục tốt để có thể thuần thục những nghi lễ trong đời sống cung đình, có thể thưởng thức văn học cổ điển Trung Quốc và có thể làm thơ waka đối đáp trong những hoạt động giao tiếp thông thường. Đây là thời kỳ mà ý thức thẩm mỹ Nhật Bản phát triển rực rỡ, cái đẹp được trân trọng và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống nói chung và đặc biệt trong quan hệ giao tiếp, nên nữ giới quý tộc thường dành nhiều thời gian, công sức cho việc trau dồi cảm quan thẩm mỹ. Có thể nói rằng trong thời Heian, phụ nữ quý tộc được sinh ra và lớn lên trong đời sống phồn vinh, tao nhã và chính trong môi trường đó, tinh thần duy mỹ truyền thống của văn hóa Nhật Bản đã cộng hưởng với thiên tính nữ để tạo nên vẻ đẹp tinh tế, diễm lệ trong thế giới nghệ thuật và sinh hoạt cung đình. Đó là thời kỳ mà các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, hội họa đều phát triển mạnh mẽ, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của xã hội quý tộc. Việc làm thơ waka tặng đáp đã trở thành một tập quán giao tiếp thể hiện nét phong nhã đặc trưng của văn hóa thời Heian, đặc biệt trong tình yêu nam nữ. Những đặc trưng này đều được thể hiện rõ trong nội dung Genji monogatari. Trong tác phẩm, tình yêu nam nữ được thể hiện chủ yếu qua những bài thơ waka đối đáp trong những bức thư mà các nhân vật gửi cho nhau. Cả người gửi và người nhận đều chú ý và cẩn trọng trong từng nét chữ, từng từ ngữ đầy ý vị đã được chọn lọc tinh tế để trao gửi tâm tình. Bên cạnh đó, qua các chương「紅葉の賀」Lễ hội mùa lá đỏ,「花の宴」Lễ hội hoa đào,「絵合」Cuộc thi tranh, tác giả đã miêu tả một cách sinh động việc tổ chức những sự kiện để thưởng thức cái đẹp của tự nhiên và nghệ thuật trong đời sống cung đình. Khu dinh thự bề thế của Hikaru Genji cũng được miêu tả công phu với khu vườn có vẻ đẹp của thiên nhiên luân chuyển bốn mùa và những cuộc trình diễn, thưởng thức nghệ thuật đậm chất phong lưu, cao nhã.
Chính sự tồn tại của thế giới nữ lưu quý tộc đã tạo nên vẻ đẹp nữ tính của văn hóa, văn học thời Heian. Trong khi nam giới quý tộc dùng chữ Hán như một công cụ chính thức trong công việc ở triều đình, coi trọng kiến thức Hán học và tài năng làm thơ chữ Hán thì nữ giới sử dụng chữ kana để làm thơ waka và viết nhật ký, tùy bút. Nhờ đó mà thời kỳ này nở rộ những thành tựu của thể loại tản văn, gắn liền với tên tuổi của những cây bút nữ, tạo nên một không khí sôi nổi trong sáng tác với vẻ đẹp thanh tao, uyển chuyển rất đặc biệt của dòng văn học nữ lưu. Điều quan trọng là văn học Nhật Bản tuy có chịu ảnh hưởng của văn học cổ điển Trung Quốc nhưng từ khởi nguyên đã phát triển theo một hướng tư tưởng độc lập, không có sự phân biệt các tác phẩm, tác giả hay thể loại văn học theo trật tự cao thấp, hoặc hoặc phân biệt theo kiểu phân chia những sáng tác văn học thành hai dòng chính thống và phi chính thống. Vì vậy, trong khi việc dùng Hán tự và làm thơ chữ Hán phổ biến trong giới quan lại ở triều đình thì thơ waka vẫn phát triển theo một nguồn mạch không thay đổi từ thời Manyoshu, và những tác phẩm văn học viết bằng chữ kana do nữ giới sáng tác vẫn được đánh giá cao, được phổ biến rộng rãi và thậm chí được cả thiên hoàng quan tâm thưởng thức. Bầu không khí rộng mở, chan hòa trong sáng tác và thưởng thức văn nghệ đã trở thành nguồn mạch tinh thần cho sự bừng nở của những ngòi bút tài hoa, đặc biệt là những cây bút nữ xuất thân từ những gia đình có địa vị cao, có ý thức thẩm mỹ và năng khiếu văn chương để hòa mình vào thế giới của cái đẹp tao nhã trong đời sống cung đình.
Trong vấn đề này, cần phải nói rằng phong tục hôn nhân trong xã hội quý tộc thời Heian cũng là một điều kiện cho sự phát triển của văn học nghệ thuật trong thế giới phụ nữ. Theo phong tục hôn nhân của thời kỳ này thì phụ nữ sau khi kết hôn thường vẫn ở tại nhà bố mẹ, hoặc ở một nơi nhất định nào đó và người chồng chỉ đến thăm chứ không hoàn toàn chung sống như một gia đình, mà người vợ cũng không phải đến gia đình bên chồng làm dâu như hình thức hôn nhân phụ hệ phổ biến ở Đông Á thời phong kiến. Trong Genji monogatari, cuộc hôn nhân giữa Hikaru Genji và nàng Aoi cũng diễn ra theo hình thức như vậy.
Kiểu cách đặc biệt của phong tục hôn nhân trong xã hội quý tộc thời Heian không gây cảm giác nặng nề cho nữ giới vì không có sự ràng buộc hay áp đặt từ phía gia đình người chồng, nhưng mặt khác lại đưa người phụ nữ vào một tình huống hơi kỳ lạ. Với hình thức này, phụ nữ đã kết hôn vẫn ở trong tình thế bị động, không thể xây dựng một cuộc sống tình cảm theo mong muốn mà chỉ có thể chờ đợi những cuộc thăm viếng từ phía người chồng. Theo nhà nghiên cứu Tsujimoto Hiroshige thì hiện nay người ta vẫn không khẳng định được chế độ hôn nhân thời Heian là một vợ một một chồng hay là chế độ độ đa thê[2], nhưng chắc chắn là nam giới trong thời kỳ này thường có nhiều tình nhân ngoài vợ chính thức, và trong nhiều trường hợp thì mối quan hệ vợ chồng sau hôn nhân chỉ tồn tại về hình thức mà không có sự gắn bó trong tình cảm. Tình trạng đó được phản ánh một cách chi tiết và chân thật nhất trong日記」Nhật ký phù du – một tác phẩm thuộc dòng văn học nhật ký thời Heian (không rõ tên tác giả, chỉ biết rằng người viết là mẹ của Fujiwara Michitsuna, thuộc dòng họ Fujiwara danh tiếng). Có thể hiểu rằng cuộc sống ảm đạm và trống trải của phụ nữ quý tộc trong tình trạng hôn nhân thăm viếng cũng là một trong những điều kiện để nữ giới thời kỳ này tham gia vào hoạt động sáng tác văn chương.
Khác với nam giới thường có khuynh hướng dùng con đường sáng tác để bày tỏ chính kiến về những vấn đề chính trị - xã hội hoặc thể hiện tầm vóc tri thức về Hán học và văn chương cổ điển, nữ giới sáng tác chủ yếu để giải bày tâm trạng, tình cảm cá nhân và những cảm nhận về cuộc sống xung quanh trong những khoảnh khắc rung động vì cảm xúc thẩm mỹ, nên dễ hình dung rằng họ sẽ chọn loại văn tự mềm mại, uyển chuyển phù hợp với văn hóa truyền thống Nhật Bản và hình thức tản văn như nhật ký, tùy bút, monogatari để có thể biểu hiện cảm xúc một cách dàn trải, nhẹ nhàng với nhịp điệu thong thả, khoan thai và nội dung tự do, linh hoạt. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà trong thời Heian, việc dùng chữ kana để viết tản văn rất phổ biến trong thế giới của phụ nữ quý tộc ở cung đình.
Nói đến thế giới của phụ nữ quý tộc thời Heian cũng không thể bỏ qua sự tồn tại của một thành phần đặc biệt được gọi là “nữ quan”. Họ trước hết phải là những phụ nữ xuất thân từ gia đình có thế lực, có mối quan hệ gần gũi với hoàng tộc và thường là người thân của các cung phi. Sống trong không gian văn hóa thấm nhuần ý thức thẩm mỹ và có nhiều thời gian rỗi dành cho đời sống tinh thần, các công chúa hoặc cung phi trong thời kỳ này cần đến sự chia sẻ của những phụ nữ gần gũi với mình về địa vị và trình độ văn hóa để trau dồi cảm quan thẩm mỹ bằng hoạt động sáng tác, biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật. Và nữ quan là những phụ nữ quý tộc được tuyển vào cung để đảm nhận vai trò ấy, sống bên cạnh những công chúa hoặc những cung phi có địa vị vững chắc và trình độ thẩm mỹ cao. Hai nữ sĩ nổi tiếng của dòng văn học nữ lưu thời Heian là Murasaki Shikibu và Sei Shonagon đều là nữ quan trong thời gian trị vì của thiên hoàng Ichijo và phát triển phần lớn sự nghiệp văn chương trong thời gian đảm nhận chức danh này. Sự tập hợp của các nữ quan bên cạnh những phụ nữ trong hoàng tộc đã tạo ra một hình thức sinh hoạt văn nghệ độc đáo: “Đặc biệt ở thời Heian, những phòng khách văn chương của các nữ quan tập hợp quanh hoàng hậu Teishi, phòng khách văn chương của các nữ quan tập hợp quanh cung phi Akiko hay những nhóm sinh hoạt ở đền Kamo có sự cạnh tranh độc đáo với nhau về thành tựu văn học[3].
Một trong những công việc mà nữ quan đảm nhận là đọc truyện cho công chúa hoặc cung phi nghe. Công việc này đòi hỏi nữ quan phải có khả năng đọc truyện một cách diễn cảm, sử dụng lối phát âm, ngắt câu sao cho giọng đọc phát ra phải có nhịp điệu trầm bổng, ngân nga và thể hiện được nội dung câu chuyện một cách sinh động. Lối đọc này trong tiếng Nhật gọi là “yomikatari”, nghĩa là “đọc – kể”. Theo nhà nghiên cứu Orikuchi Shinobu và Matsuda Yoshiyuki thì việc đọc sách như vậy không đơn giản là một cách tiêu khiển trong lúc nhàn rỗi mà là một hình thức giáo dục tinh tế để rèn luyện vẻ đẹp tâm hồn bằng con đường cảm nhận và thẩm thấu: “Những nữ quan có trình độ văn hóa cao, bằng việc đọc lên những truyện kể xen lẫn những bài thơ có sức lay động mạnh mẽ, đã mở rộng tâm hồn cao nhã ở các nàng công chúa. Đó là một truyền thống nuôi dưỡng tâm hồn Nhật Bản, mà Orikuchi gọi là “giáo dục thẩm thấu tâm hồn”[4].
Tuy rằng theo quan niệm mang tính khuôn mẫu của nam giới trong xã hội quý tộc – như được phản ánh trong tác phẩm Genji monogatari – thì truyện kể hư cấu chỉ là những câu chuyện bịa đặt nằm ngoài lĩnh vực của sử sách chính thống, nhưng theo tư liệu nghiên cứu nói trên thì những truyện kể thuộc thể loại monogatari đã thâm nhập sâu vào đời sống cung đình, gắn bó với thế giới của phụ nữ quý tộc trong quá trình rèn luyện tâm hồn và phát triển cảm quan thẩm mỹ, do đó đã được giới quý tộc đương thời tiếp nhận với thái độ trân trọng và tâm thế hào hứng thường có khi thưởng thức nghệ thuật. Đó là môi trường tư tưởng và không gian văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với sự ra đời của Genji monogatari, và là một yếu tố không thể bỏ qua khi tìm hiểu bối cảnh ra đời của tác phẩm này.
2.      Genji monogatari trong tiến trình phát triển của văn chương tự sự monogatari
Từ nội dung trên, có thể nói rằng sự tồn tại của tầng lớp nữ quan gắn liền với hình thức giáo dục đặc biệt dành cho nữ giới có địa vị cao bằng cách đọc – kể những tác phẩm văn xuôi tự sự trong không gian văn hóa quý tộc thời Heian có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thể loại monogatari ở thời kỳ này. Tên gọi “monogatari” – có nghĩa là “kể chuyện về sự vật” – cũng thể hiện hình thức tồn tại của loại hình văn xuôi tự sự trong bối cảnh văn hóa nói trên, và hình thức tồn tại ấy đã tạo nên những đặc trưng thể loại, từ hình thức đến nội dung tác phẩm. Do đó, các nhà nghiên cứu Nhật Bản luôn quan niệm rằng: để lý giải đúng đắn giá trị nghệ thuật cũng như nội dung những tác phẩm văn học thời Heian, cần phải tìm hiểu tác phẩm trong bối cảnh ra đời của nó. Hướng tiếp cận này đặc biệt cần thiết cho việc nghiên cứu những tác phẩm lớn và phức tạp như Genji monogatari.
Một đặc điểm quan trọng của Genji monogatari – cũng là đặc điểm thường thấy ở các tác phẩm thuộc thể loại monogatari nói chung – là sự tập trung thể hiện về tình yêu và quan hệ nam nữ, đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu Okano Hirohiko: “Trong Genji monogatari không hề có chuyện chiến tranh hay những việc làm to tát của nam giới trên bình diện chính trị, mà chủ yếu chỉ có những truyện kể nối tiếp nhau về tình yêu nam nữ[5]. Nhìn vào tiến trình lịch sử của văn học Nhật Bản từ khởi thủy sẽ thấy đây là đặc điểm phổ biến của văn học cổ điển Nhật Bản, thể hiện trong cả hai lĩnh vực là truyện kể và thơ, nhưng đặc biệt rõ nét trong thế giới thần thoại. Nói cách khác, sự thể hiện tình yêu nam nữ trong văn học cổ điển Nhật Bản là một quá trình liên tục từ thế giới thần thoại trong giai đoạn cổ sơ đến thế giới monogatari của giai đoạn vương triều. Từ đặc điểm này, có thể thấy rằng thế giới thần thoại Nhật Bản cũng là một nguồn mạch quan trọng cho sự ra đời và phát triển của thể loại monogatari.
Thần thoại ở các nước Đông Á hầu như đều là những chuyện kể về quá trình dựng nước. Đây cũng là chủ đề chính của hệ thống thần thoại Nhật Bản, được tập hợp lại trong bộ sách ra đời sớm nhất ở Nhật Bản là Kojiki. Tuy nhiên, nói đến thần thoại Nhật Bản cũng không thể bỏ qua một điểm thú vị rằng, đây thực sự là những câu chuyện lãng mạn, đầy chất thơ về thế giới của các vị thần. Ngoài hệ thống những câu chuyện nối tiếp nhau kể về quá trình hình thành nên đảo quốc xinh đẹp giữa trùng dương sóng nước, từ lúc hai vị thần từ thiên cung bay xuống đại dương cho đến khi thiên hoàng đầu tiên của hoàng tộc Nhật Bản là Jinmu Tenno ra đời, thần thoại Nhật Bản còn có rất nhiều câu chuyện về tình yêu và quan nệ nam nữ, từ thế giới ban sơ chỉ có thần linh cho đến khi con người xuất hiện và hòa lẫn vào thế giới của các vị thần. Đó là những câu chuyện thú vị và thể hiện đậm nét tính cách vốn có ở con người như chuyện về tình yêu và sự kết hợp một cách tự nhiên của hai vị thần đầu tiên là Izanagi và Izanami, chuyện thần Okuninushi kết hợp với nữ thần Suseri Hime của xứ Izumo, chuyện cô gái giàu tình cảm là Isukeyori Hime cầu hôn thiên hoàng Jinmu, chuyện ghen tuông của nàng Ohokisaki Hime – hoàng hậu của Thiên hoàng Nintoku, chuyện thần Ninigi kết hôn với công chúa hoa, con gái của thần núi Oyamatsumi, chuyện giận dữ của nữ thần Amaterasu và thái độ khiêu khích của nữ thần Ame no Uzume[6] v.v… Chỉ cần đọc một số truyện chính của hệ thống thần thoại Nhật Bản đã có thể thấy đó là một thế giới khoáng đạt, trong đó tình yêu và quan hệ tính dục giữa nam và nữ diễn ra một cách tự nhiên và có phần phóng túng, chan hòa cùng không gian rộng mở và phong nhiêu của đảo quốc tươi đẹp mới hình thành.
Sự tồn tại của những câu chuyện thần thoại và cổ tích bằng hình thức truyền miệng trong cộng đồng đã dẫn đến sự ra đời của khái niệm “monogatari” trong thời kỳ khởi nguyên của văn học Nhật Bản, với nghĩa rộng nhất là chuyện kể, hay là việc kể lại những câu chuyện về sự vật, sự việc. Theo tư liệu nghiên cứu về lịch sử phát triển của thể loại monogatari thì trước khi có những truyện kể phổ biến, có cấu trúc hoàn chỉnh và còn được lưu truyền đến ngày nay như Taketori monogatari hay Ise monogatari, trong tiếng Nhật còn có cách gọi “katarigoto” – nghĩa là “những chuyện được kể” – để chỉ chung các loại truyện kể dân gian như thần thoại, cổ tích hay truyền thuyết[7].
Theo tiến trình phát triển chung của nền văn học, nội dung của truyện kể thay đổi theo hướng ngày càng gần gũi với đời sống thế tục của con người, giảm bớt những yếu tố hoang đường của thế giới thần linh. Những truyện kể đầu tiên có tên gọi “monogatari”, mà tiêu biểu là Taketori monogatariIse monogatari, tuy được xếp vào dòng văn học viết bằng chữ kana nhưng vẫn còn mang đậm tính chất của truyện kể dân gian, đặc biệt là những tình tiết hoang đường như trong thần thoại và cổ tích. Điều đáng chú ý là những truyện này vẫn nối tiếp tinh thần của thần thoại Nhật Bản từ thời Kojiki, chủ yếu là truyện kể về tình yêu và quan hệ nam nữ[8].
Là sự nối tiếp lịch sử phát triển của văn học monogatari thời Heian và cũng là thành tựu đỉnh cao của thể loại này, Genji monogatari đã không thể không chịu ảnh của truyện cổ Nhật Bản và những tác phẩm “monogatari” ra đời trước đó. Rất nhiều công trình nghiên cứu về Genji monogatari đã chỉ ra mối liên hệ giữa nội dung tác phẩm này với những truyện kể như Taketori monogatari, Ise monogatari, Utsuho monogatari[9]. Nhận xét về vị trí của Genji monogatari trong truyền thống văn học Nhật Bản từ khởi thủy, nhà nghiên cứu Okano Hirohiko có viết:
Để biết được người Nhật Bản nghĩ về Genji monogatari như thế nào, dĩ nhiên cũng phải xem xét đến vấn đề Murasaki Shikibu đã dày công tạo nên những đóng góp mới mẻ, biểu đạt và xây dựng tác phẩm theo một hình thức đặc biệt có những yếu tố giống như tiểu thuyết, nhưng nếu nhìn vào cả tiến trình rộng lớn thì không thể không nghĩ đến dòng văn học phát triển từ thế giới của Kojiki và Manyoshu, trong đó nhiều tác phẩm còn được lưu truyền dưới dạng thơ choka[10] và mang những đặc điểm của loại hình monogatari[11].
Nhận xét trên đã nêu ra một vấn đề quan trọng trong việc nghiên cứu Genji monogatari, đặc biệt là nghiên cứu về mặt thể loại hay tính văn học, giá trị thẩm mỹ của tác phẩm. Nếu hiểu Genji monogatari như là câu chuyện về những nhân vật lịch sử hoặc nếu áp đặt kiểu tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết gia hiện đại trong việc hiểu và phân tích tác phẩm này thì sẽ hiểu sai về tác phẩm, đồng thời sẽ không lý giải được cách cấu tứ, biểu đạt mà tác giả đã lựa chọn để xây dựng nên tác phẩm này. Nói một cách cụ thể, để tìm hiểu tư duy nghệ thuật thể hiện ở Genji monogatari, phải hiểu được khởi nguồn và thi pháp chung của thể loại monogatari trong văn học cổ điển Nhật Bản. Vì ra đời từ nguồn mạch văn chương monogatari, rất gần gũi với thế giới thần thoại đậm màu sắc tình yêu trong tinh thần khao khát cuộc sống và cái đẹp nên Genji monogatari mới đầy ắp những chuyện tình, trình hiện cả một thế giới phức tạp của mối quan hệ muôn đời giữa nam và nữ nhưng lại không đơn giản chỉ là chuyện kể về cuộc đời đắm sắc của một chàng hoàng tử giống như nhân vật Don Juan trong văn học phương Tây:
Nhân vật chính của tác phẩm (Hikaru Genji) đã có tình cảm với nhiều phụ nữ xinh đẹp giỏi giang, và gắn bó với họ bằng tình cảm mãnh liệt. Nếu chỉ nhìn vào câu chuyện như thế thì khó mà chấp nhận theo quan điểm đạo đức hiện nay, nhưng thực ra thì Hikaru Genji mang bóng dáng của những nhân vật chính trong những truyện kể dân gian như thần thoại, truyền thuyết vốn được lưu truyền từ lâu trong đời sống người Nhật. Và vì lẽ đó mà chuyện các nhân vật nữ gắn bó với chàng có ý nghĩa quan trọng[12].
Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Suzuki Hideo cũng cho rằng, nét đặc trưng của nhân vật Hikaru Genji là sự thể hiện tính cách “irogonomi”. Nhân vật này có sức hấp dẫn đối với người khác giống như những anh hùng hay những vị thần cổ xưa trong Kojiki. Điều đó tạo nên sức thu hút đặc biệt đối với những người phụ nữ xung quanh chàng. Sự rung động sâu sắc trong tâm hồn những người phụ nữ có tình cảm đối với Hikaru Genji đã làm phát sinh cảm thức mono no aware, là trạng thái cảm xúc chủ đạo được miêu tả nhiều lần trong tác phẩm[13].
3.      Genji monogatari và thế giới waka cổ điển
Vì là một tác phẩm trường thiên về tình yêu nam nữ nên nội dung Genji monogatari có xen lẫn nhiều thơ tanka. Đó cũng là một sự phản ánh đặc trưng của văn học cổ điển Nhật Bản, xuất phát từ mối liên hệ giữa quan niệm truyền thống của người Nhật về thơ ca – đặc biệt là ý thức thẩm mỹ Nhật Bản về vẻ đẹp của thơ waka - và cách biểu đạt của những tác phẩm văn học viết về tình yêu nam nữ.
Thơ waka ra đời rất sớm trong lịch sử văn học Nhật Bản, và cũng như thần thoại hay truyền thuyết, có vai trò quan trọng trong việc bày tỏ và nuôi dưỡng cảm quan thẩm mỹ của người Nhật. Trước hết, trong ý thức văn học Nhật Bản truyền thống thì thơ waka phát sinh từ sự rung động trong tâm hồn, và cũng là một cách một hình thức biểu hiện phù hợp nhất về sự rung động ấy. Mà trong những tình huống rung động tình cảm ở con người thì cảm xúc trong tình yêu nam nữ là trường hợp xảy ra nhiều nhất. Vì vậy, rất dễ thấy rằng thơ waka là thế giới của phong phú của tình yêu. Từ thời Manyoshu đến Kokinshu rồi Shinkokinshu[14], đã có vô số bài thơ tình ngâm vịnh về mọi cung bậc cảm xúc trong tình yêu nam nữ. Đặc biệt vào thời Heian, thơ waka mang vẻ đẹp tao nhã đặc trưng của văn hóa cung đình, và là được giới quý tộc sử dụng như một phương tiện thẩm mỹ để kết nối tình cảm, trong trường hợp cần bày tỏ cảm xúc của bản thân mình hay muốn làm rung động tình cảm ở đối phương. Thế giới trong Genji monogatari là thế giới đầy cảm xúc, tâm trạng trong tình yêu nên tác phẩm cũng là một kho tàng những bài tanka đẹp. Vì vậy, nếu nói rằng sự ra đời của Genji monogatari gắn với những truyện kể tình yêu trong thần thoại, thì cũng có thể nói Genji monogatari ra đời trong hương vị ngọt ngào và sâu đậm của waka. Thậm chí trong giới nghiên cứu đã có nhận xét thú vị rằng vẻ đẹp của Hikaru Genji rất giống với vẻ đẹp của thơ waka[15], nghĩa là ở nhân vật có sức mạnh nội tại làm lay động trái tim con người.
Nói sự ra đời của Genji monogatari gắn với thế giới thơ waka thời Heian không có nghĩa đơn giản là có một số lượng lớn thơ waka xuất hiện trong tác phẩm do các nhân vật trong truyện ngâm vịnh, đối đáp và thư từ cho nhau bằng thơ waka theo phong tục của giới quý tộc đương thời. Thật ra, về vấn đề này phải hiểu rằng Genji monogatari ra đời trong bối cảnh thấm đẫm tinh thần mỹ học của thơ waka như vậy, nên Genji monogatari là một truyện kể mang tinh thần nghệ thuật waka. Trong văn học Nhật Bản có một số tác phẩm văn xuôi – kể cả tiểu thuyết hiện đại như một số tác phẩm của Kawabata Yasunari vả Natsume Soseki – rất giàu chất thơ và phần nào sử dụng thi pháp của thơ ca trong nghệ thuật biểu đạt, nên trong tiếng Nhật có những cách nói như “tiểu thuyết haiku” (nghĩa chính xác trong tiếng Nhật là “tiểu thuyết mang tính chất haiku) để diễn tả sự kết hợp đặc biệt này. Genji monogatari cũng là một trường hợp “tản văn mang tính chất thi ca” như thế.
Vấn đề này sẽ trở nên dễ hiểu khi nghĩ đến một thực tế là, thơ ca (từ ca dao dân gian đến waka) và thần thoại vốn có mối quan hệ gắn bó với nhau từ giai đoạn khởi nguyên của văn học Nhật Bản. Từ xưa, việc ca hát và ngâm thơ đặc biệt gắn bó với sinh hoạt của người Nhật Bản, đặc biệt trong những sinh hoạt liên quan đến quan hệ nam nữ và tình yêu đôi lứa. Đặc điểm này thể hiện rõ ngay trong tuyển tập đầu tiên của thơ ca Nhật Bản là Manyoshu, nên trong giới nghiên cứu đã có nhận xét rằng: “Ca dao cổ đại Nhật Bản có một số lượng lớn về thơ luyến ái, khác với Kinh Thi của Trung Quốc nhiều hàm ý chính trị, cũng như khác với cả nội dung dân ca Omorosohi của quần đảo Okinawa[16]. Sở dĩ như vậy là vì người Nhật vốn quan niệm rằng thơ ca là sự khởi phát tự nhiên của tình cảm con người, có năng lực đặc biệt để cảm hóa và làm lay động tâm hồn người khác[17], nên nam nữ yêu nhau thường dùng thơ ca để bày tỏ tình cảm và chinh phục tâm hồn đối phương. Thần thoại Nhật Bản nói nhiều về sự chinh phục tình cảm, sự kết hợp lứa đôi nên thế giới của thần thoại cũng tràn ngập thơ ca. Nói đúng hơn là thần thoại và thơ ca hòa quyện vào nhau, tạo nên một thế giới tươi tắn và nồng nàn của tình yêu nam nữ. Dòng văn học monogatari ra đời từ sự kết hợp độc đáo này, nên ở Genji monogatari vừa có những nhân vật nổi bật như những hình ảnh cao đẹp của những vị thần hay những con người ưu tú trong thần thoại, lại vừa thể hiện được nỗi bi cảm của đời người như cảm xúc thẩm mỹ trong thơ waka.
Nếu hiểu được bối cảnh ra đời của Genji monogatari với những yếu tố cơ sở về ý thức thẩm mỹ và lịch sử văn học, sẽ biết được sự kết hợp nói trên trong hình thức truyện kể monogatari thời Heian và từ đó sẽ lý giải đúng tư tưởng, cấu tứ của tác phẩm này, vốn là một thách thức lớn đối với người đọc hiện đại, đặc biệt là người đọc xuất thân từ một truyền thống văn hóa ngoài Nhật Bản. Ở đây, chỉ cần đưa ra một ví dụ dễ thấy nhất về nội dung chính của tác phẩm Genji monogatari. Nhiều người đọc hiện đại cảm thấy khó hiểu vì sao tác giả lại xây dựng hình tượng nhân vật chính là một chàng hoàng tử có tài năng và phẩm chất tốt đẹp nhưng lại có một cuộc đời tình ái quá phóng túng, và tại sao rất nhiều phụ nữ quyền quý xung quanh, với hoàn cảnh sống chừng như toàn vẹn, không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn ở chàng. Nếu hiểu văn học monogatari từ khởi nguồn tư tưởng và cấu tứ, người đọc sẽ nhận ra đây là câu chuyện về quy luật tình cảm gắn với định mệnh của con người. Vẻ đẹp và sức quyến rũ của Hikaru Genji là một sức mạnh nội tại tỏa ra từ bản thân chàng, gắn chàng vào đời sống cung đình đầy khắc nghiệt bằng khả năng thu hút tình cảm những người xung quanh. Nhưng bản thân nhân vật này cũng vì tình cảm gắn bó với những người phụ nữ mà gặp bao phiền muộn. Đó là một phần bản năng ở mỗi con người, là động cơ đưa mỗi cá nhân vào hành trình trải nghiệm cuộc sống để nhận ra những mâu thuẫn cố hữu giữa lòng đam mê vô hạn và sự ngắn ngủi, bất toàn của đời sống nơi trần thế, giữa ý thức về quy chuẩn đạo đức – xã hội và những khao khát không thể chế ngự trong tình cảm. Đó cũng là nguồn gốc phát sinh cảm thức mono no aware – cảm thức thẩm mỹ chủ đạo của thơ waka truyền thống. Trên thực tế, sẽ khó mà hiểu được những điều trên nếu không tìm hiểu cấu tứ của tác phẩm trong mối quan hệ với cơ sở tư tưởng của dòng văn học monogatari. Nói cách khác, cần phải hiểu tính chất của “tiểu thuyết waka” ở Genji monogatari mới có thể lý giải đúng đắn những giá trị biểu đạt của tác phẩm.
Nói tóm lại, việc tìm hiểu bối cảnh ra đời của Genji monogatari là một vấn đề hết sức quan trọng, không chỉ trong phạm vi nghiên cứu tác phẩm này mà còn là con đường nghiên cứu văn học Heian nói chung. Lịch sử nghiên cứu văn học Nhật Bản đến nay đã cho thấy rằng, hiểu đúng một tác phẩm phức tạp và độc đáo như Genji monogatari là việc không đơn giản. Một mặt, tác phẩm này có một số phận may mắn khi ra đời và tồn tại trong tinh thần duy mỹ và hoài cổ của người Nhật Bản, được đánh giá cao, được tiếp thu nồng nhiệt và được giữ gìn trân trọng qua nhiều thời kỳ lịch sử, từ thế kỷ XI đến nay. Mặt khác, trong quá trình tiếp nhận lâu dài như vậy, đã có những đánh giá, những cách hiểu không thỏa đáng về tác phẩm này, chủ yếu do xuất phát từ cái nhìn thiên về quan niệm đạo đức – xã hội. Bên cạnh đó, cho đến nay vẫn còn những vấn đề chưa tìm được lời giải đáp mang tính toàn diện và thật sự thuyết phục về sự nở rộ của dòng văn học nữ lưu thời Heian, trong đó có sự xuất hiện của Genji monogatari như một thành tựu đột biến về văn xuôi tự sự trong tiến trình phát triển của thể loại này trên toàn thế giới. Những nhận xét đơn giản và phiến diện, xem Genji monogatari chỉ là một câu chuyện kể về một “Don Juan Nhật Bản” có nguyên mẫu là hoàng tử Takaakira, hoặc là sản phẩm của sự tiếp thu văn học Trung Quốc thời Đường mà chủ yếu và chịu ảnh hưởng từ Trường hận ca của Bạch Cư Dị đều không phải là kết quả của quá trình nghiên cứu nghiêm túc và hướng giải quyết đúng đắn cho vấn đề xác định giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng ở Genji monogatari. Vì vậy, các giáo sư, học giả có uy tín trong giới nghiên cứu Nhật Bản đã chủ trương tìm hiểu Genji monogatari nói riêng và văn học nữ lưu thời Heian nói chung trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về bối cảnh văn hóa của thời kỳ này, gắn liền với tư tưởng thẩm mỹ và quan niệm văn học truyền thống, khởi nguyên từ ca dao và thần thoại. Với cách tiếp cận này, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những khám phá mới mẻ và những nhận xét hợp lý về Genji monogatari. Mới mẻ vì đưa người đọc thoát khỏi những quan niệm cứng nhắc, khuôn mẫu trước đây đã từng chi phối việc nghiên cứu tác phẩm này, và hợp lý là vì từ những nhận xét đó, người đọc không chỉ hiểu về Genji monogatari như một tác phẩm độc lập mà còn hiểu được tinh thần văn học Nhật Bản nói chung, nhờ đó có thể làm sáng tỏ những thắc mắc thường gặp về cách thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan độc đáo của người Nhật trong văn học – những yếu tố làm cho người tiếp nhận đến từ một nền văn hóa khác thường cho là mơ hồ và khó hiểu.
Kết luận
Từ những nội dung trên, có thể nói rằng để hình thành nên một tác phẩm văn học lớn, có cấu tứ tinh tế và phức tạp như Genji monogatari, ngoài tài năng thiên bẩm và trình độ học thức của tác giả cũng phải kể đến vai trò của không gian văn hóa thời Heian, sự đóng góp của những di sản văn học ở thời kỳ trước đó, hay là tinh thần tiếp nối của ý thức văn học Nhật Bản từ lúc khởi sinh. Đó là một bối cảnh phức tạp, tổng hợp nhiều yếu tố bên ngoài và bên trong, quá khứ và hiện tại trong một khoảng thời gian tương đối dài, trong không gian của xã hội quý tộc có vẻ khép kín nhưng lại có một độ mở nhất định nhờ con đường giao lưu văn hóa. Nói một cách cụ thể thì bối cảnh này là sự hòa quyện của màu sắc tình yêu trong thần thoại với niềm bi cảm của thơ waka, là sự phát triển cấu tứ truyện kể trên cơ sở truyện cổ dân gian, những tác phẩm monogatari ra đời trước đó và một số truyện truyền kỳ đời Đường, kết hợp tinh thần duy mỹ của xã hội quý tộc và tình yêu thiên nhiên trong truyền thống Nhật Bản với ý thức về vẻ đẹp tráng lệ của văn hóa thời Đường, thổi vào tác phẩm bầu không khí phóng khoáng và diễm lệ của Đường thi để hình thành nên một Genji monogatari vừa rộng mở vừa tinh tế, mang tầm vóc của văn minh Đông Á nhưng vẫn toát ra vẻ đẹp độc đáo của văn học Nhật Bản. Cơ sở hình thành như vậy mở ra một viễn cảnh thú vị nhưng cũng đầy khó khăn cho công việc nghiên cứu, lý giải tác phẩm này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Anh
1.      David Pollack, “Informing Image “China in Genji Monogatari, Monumenta Nipponica, Vol. 38, No. 4 (Winter, 1983), pp. 359 – 375, Sophia University,  http://www.jstor.org/stable/2384634.
2.      Douglas E. Mills, “Popular Elements in Heian Literature”, The Journal – Newsletters of the Associtation of Teachers of Japanese, Vol. 3, No. 3 (Apr., 1966), pp. 38 – 41, Associtation of Teachers of Japanese, http://www.jstor.org/stable/488747.
3.      Donald Keene (2004), Murasaki Shikibu’s The Tale of Genji (Edited and with an introduction by Harold Bloom), Chelsea House Publisher.
4.      Harold Bloom (edited) (2004), Murasaki Shikibu’s the Tale of Genji, Chelsea House Publishers, Philadelphia.
5.      Haruo Shirane, The Aesthetics of Power: Politics in The Tale of Genji”, Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol. 45, No. 2 (Dec., 1985), pp. 615 – 647, Havard-Yenching Institute, http://www.jstor.org/stable/2718974.
6.      J. M. Maki, “Lady Murasaki and the Genji Monogatari”, Monumenta Nipponica, Vol. 3, No. 2 (Jul., 1940), pp. 480 – 503, http://www.jstor.org/stable/2382593.
7.      Leon Zolbrod, “The Four – Part Structure of the Tale of Genji”, The Journal of the Associtation of Teachers of Japanese, Vol. 15, No. 1 (Apr., 1980), pp. 22 – 31, Associtation of Teachers of Japanese, http://www.jstor.org/stable/488975.
8.      Murasaki Shikibu (1980), Genji monogatari – Translated with an Introduction by Edward G. Seidensticker, Alfred A. Knopf , New York.
9.      Richard Bowring (2004), Murasaki Shikibu – The Tale of Genji, Cambridge University Press.
Tiếng Nhật
10. 阿部秋生 Abe Akio (1974), 『源氏物語の研究』 (Nghiên cứu Genji monogatari), 東京大学出版.
11. 秋山 Akiyama Ken (2011), 『源氏物語の論』(Bàn về Genji monogatari),  笠間書院.
12. 秋山虔編集 Akiyama Ken (biên soạn) (1978), 『日本文学全史』2中古 (Lịch sử văn học Nhật Bản, Tập 2 – Thời trung cổ), 学燈社.
13. 伊井春樹 Ii Haruki (1980),源氏物語注釈史研究』(Nghiên cứu lịch sử chú giải Genji monogatari), 桜楓社.
14. 池田亀鑑 Ikeda Kikan (1947),源氏物語する論考』(Khảo luận về Genji monogatari), 目黒書店.
15. 稲賀敬二Inaga Keiji (1977),『源氏物語の研究成立と伝流』(Nghiên cứu Genji monogatari – Vấn đề hình thành và lưu truyền tác phẩm), 笠間書院.
16. 稲賀敬二 Inaga Keiji (1982),『源氏の作者紫式部』(Tác giả Genji – Murasaki Shikibu), 新典社.
17. 加納重文 Kano Shigefumi (1987),げんじものがたりのはなし(Câu chuyện về Genji monogatari), 和泉書院.
18. 松岡継雄 Matsuoka Tsuguo (1989), 『源氏物語の背景』 (Bối cảnh của Genji monogatari), 城野印刷所.
19. 紫式部 Murasaki Shikibu (1992), 『源氏物語』(Genji monogatari), 山岸徳平校注(Yamagishi Tokuhei chú giải), 岩波書店.
20. 紫式部 Murasaki Shikibu (1980),『源氏物語』円地文子全訳 (Bản dịch toàn văn Genji monogatari của Enchi Fumiko, 5 tập), 新潮文庫.
21. 紫式部 Murasaki Shikibu (2009),『源氏物語』与謝野晶子全訳 (Bản dịch toàn văn Genji monogatari của Yosano Akiko, 5 tập), 角川書店.
22. 紫式部 Murasaki Shikibu (2007),『源氏物語』瀬戸内寂聴全訳 (Bản dịch toàn văn Genji monogatari của Setouchi Jakucho, 10 tập), 講談社文庫.
23. 南波浩 Namba Hiroshi (1971),『物語文学』(Văn học monogatari), 三一書房.
24. 岡野弘彦 Okano Hirohiko (2010), 『日本の心と源氏物語』 (Genji monogatari với tâm hồn Nhật Bản), 思文閣出版.
25. 清水好子 Shimizu Yoshiko (1980), 『源氏物語の文体と方法』 (Ngôn ngữ và phương pháp trong Genji monogatari), 東京大学出版.
26. 鈴木日出男 Suzuki Hideo (2003), 『源氏物語虚構論』(Bàn về nghệ thuật hư cấu của Genji monogatari), 東京大学出版.
27. 鈴木日出男 Suzuki Hideo (1998), 『源氏物語への道』 (Con đường dẫn đến Genji monogatari), 小学館.
28. 日本文学研究資料叢書『源氏物語(Tổng tập nghiên cứu văn học Nhật Bản, phần tổng hợp các bài nghiên cứu về Genji monogatari tổng cộng 4 tập), 有精堂, 1972.


[1] 岡野弘彦 (Okano Hirohiko),「日本の心と源氏物語」(Tâm hồn Nhật Bản và Genji monogatari), 思文閣出版, 2009, tr. 4.
[2] 辻本裕成 (Tsujimoto Hiroshige),『源氏物語の男女関係・結婚・性のあり方』(Hình thức quan hệ nam nữ, hôn nhân và giới tính trong Genji monogatari) in trong「源氏物語研究集成第十二巻―源氏物語と王朝文化」(Tập hợp các bài nghiên cứu Genji monogatari, quyển 12 – Genji monogatari và văn hóa vương triều), 風間書房, 2001, tr. 41-42.
[3]岡野弘彦 (Okano Hirohiko), tr. 65.
[4]松田義幸 (Matsuda Yoshiyuki),『民俗学から読む『源氏物語』』(Đọc Genji monogatari từ quan điểm nghiên cứu dân gian), in trong 岡野弘彦 (Okano Hirohiko), 「日本の心と源氏物語」(Tâm hồn Nhật Bản và Genji monogatari), 思文閣出版, 2009, tr. 146.
[5]岡野弘彦 (Okano Hirohiko), sđd, tr. 6.
[6] Một số truyện cổ Nhật Bản trong số này đã được dịch và giới thiệu trong sách Đoàn Nhật Chấn, Truyện cổ nước Nhật và bản sắc dân tộc Nhật Bản, NXB Văn học, TP.HCM, 1996.
[7] 南波浩 (Namba Hiroshi),「物語文学」(Văn học monogatari), 三一書房, 1971, tr. 147.
[8] Taketori monogatari là câu chuyện kể về nàng tiên xinh đẹp giấu mình trong đốt tre, được hai vợ chồng ông cụ làm nghề đốn tre phát hiện, mang về nhà làm con nuôi. Vì rất xinh đẹp nên cô gái này được rất nhiều người cầu hôn, trong số đó có cả nhà vua và nhiều quý tộc đang là những vị quan lớn tại triều đình. Ise monogatari là tập hợp những câu chuyện ngắn được viết bằng thơ waka, kể về cuộc đời tình ái của một nhân vật nam không rõ danh tính. Cả hai truyện này đều xuất hiện vào thời Heian, khoảng thế kỷ X.
[9] Có thể xem những nội dung này trong các sách nghiên cứu tiêu biểu như南波浩 (Namba Hiroshi),「物語文学」(Văn học monogatari), 三一書房, 1971; 鈴木日出男, (Suzuki Hideo),「源氏物語の虚構論」(Bàn về nghệ thuật hư cấu trong Genji monogatari), 東京大学出版会, 2003; 岡野弘彦 (Okano Hirohiko), 「日本の心と源氏物語」(Tâm hồn Nhật Bản và Genji monogatari), 思文閣出版, 2009.
[10] Choka (長歌) là hình thức thơ waka dài, gồm nhiều bài tanka nối tiếp nhau.
[11]岡野弘彦 (Okano Hirohiko), sđd, tr. 34.
[12]岡野弘彦 (Okano Hirohiko), sđd, tr. 34 – 35.
[13]鈴木日出男, (Suzuki Hideo),「源氏物語の虚構論」(Bàn về nghệ thuật hư cấu trong Genji monogatari), 東京大学出版会, 2003, tr.8.
[14] Các tuyển tập thơ waka được biên soạn theo sắc lệnh của triều đình, nối tiếp nhau từ thời Nara đến thời Kamakura.
[15]鈴木日出男, (Suzuki Hideo),「源氏物語の虚構論」(Bàn về nghệ thuật hư cấu trong Genji monogatari), 東京大学出版会, 2003, tr. 87.
[16] Nhận xét của Kato Shuichi, dẫn lại theo Nguyễn Nam Trân, Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, NXB Giáo dục, 2011.
[17] Những ý này thường được trình bày trong lời đề tựa các tập thơ quốc âm cổ điển như Manyoshu, Kokinwakashu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét