Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

HOẠT ĐỘNG VÀ THÀNH TỰU CỦA PHÁI SHIRAKABA



1.      Hoạt động trong lĩnh vực văn học

Hoạt động chủ yếu, quan trọng và có ý nghĩa nhất của phái Shirakaba trong lĩnh vực văn học chính là việc sáng lập và duy trì tạp chí văn nghệ có tên là Shirakaba trong 13 năm (từ 1910 đến 1923). Tạp chí Shirakaba trước hết là cơ quan ngôn luận của bút nhóm này, là nơi đăng tải các tác phẩm của những thành viên trong nhóm. Shirakaba còn là một trong những diễn đàn văn nghệ nổi bật ở Nhật Bản thời Taisho – nơi giới thiệu tác phẩm của những cây bút mới, giới thiệu đến người đọc Nhật Bản những tác phẩm, trào lưu văn học và mỹ thuật phương Tây, thông tin đến người đọc những sự kiện quan trọng của văn nghệ thế giới và bình luận về các sự kiện, nhân vật nổi bật, qua đó các thành viên trong nhóm bày tỏ quan điểm cá nhân và khuynh hướng hoạt động văn nghệ của phái Shirakaba.
Tạp chí Shirakaba được thành lập vào năm 1910, xuất phát từ ý tưởng của hai thành viên chủ chốt trong nhóm là Shiga Naoya và Mushanokoji Saneatsu. Hai nhà văn này vốn là bạn học ở trường Gakushuin và đều yêu thích hoạt động văn nghệ, có sáng tác văn chương cũng như tham gia làm tập san văn nghệ từ khi còn đi học. Từ tháng 10 năm 1907, Shiga Naoya và Mushanokoji Saneatsu đã thảo luận với nhau về chuyện thành lập một tạp chí văn nghệ tại lữ quán Azumaya[1], trên bờ biển Kugenuma, thuộc Fujisawa-cho, tỉnh Kanagawa[2]. Chuyện này về sau được Shiga Naoya ghi lại trong nhật ký. Với ý tưởng đó, họ đã quy tụ các bạn bè yêu văn nghệ - đa số là bạn học tại Gakushuin – để chuẩn bị nhân lực và tài chính cho việc thực hiện tạp chí này. Nguồn tài chính để thành lập tạp chí là khoản tiền do các thành viên ban đầu của nhóm – khoảng 10 người – đóng góp hàng tháng, từ năm 1908. Tháng 2 năm 1910, Arishima Ikuma trở về Nhật Bản, sau thời gian 5 năm du học ở phương Tây, trở thành nhân vật quan trọng trong hoạt động văn nghệ của nhóm và thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn việc mở ra một diễn đàn văn nghệ cho hoạt động mỹ thuật và văn chương. Với động cơ mạnh mẽ từ phía những người chủ trương sáng lập và nhờ sự thuận lợi của môi trường văn nghệ Nhật Bản đương thời, số đầu tiên của tạp chí Shirakaba đã được phát hành vào tháng 4 năm 1910, với trang bìa trình bày đẹp và nhiều bài viết gây ấn tượng. Xin giới thiệu qua danh mục các bài viết trong số phát hành đầu tiên của tạp chí Shirakaba như sau[3]:
(1)  Về tiểu thuyết “Sorekara” (Natsume Soseki): bình luận văn học của Mushanokoji Saneatsu
(2)  “Neuidealisten” trong hội họa Đức: phê bình nghệ thuật của Kojima Kikuo (bút danh KK Sei)
(3)  Raba nite (Ở La Mã): thơ mới của Arishima Ikuma (bút danh Uto Sei)
(4)  Himo (Sợi dây): thơ tanka của Kinoshita Rigen
(5)  Omoi uta (bài thơ nhọc nhằn): thơ mới của Mushanokoji Saneatsu
(6)  Sơ lược về vở nhạc kịch Elektra (Hofmannsthal): phê bình nghệ thuật của Kayano Nijuichi
(7)  Cuộc họp gia đình (Chekhov): phê bình văn học của Satomi Ton
(8)  Truyền thuyết phương Tây (Sienkiewicz): phê bình văn học của Arishima Takeo
(9)  Abashiri made (Đến tận Abashiri): truyện của Shiga Naoya
(10) Yorozuya (Tiệm tạp hóa): truyện của Ogimachi Kinkazu
Ngoài ra, trên số này còn có phần “sưu tầm hội họa”, in tác phẩm của các họa sĩ phương Tây như Bocklin, Klingel, Stuck v.v... và một số tin bài ngắn của các cộng tác viên về việc phát hành tạp chí và sưu tầm hội họa.
Như vậy, ngay từ số phát hành đầu tiên, tạp chí Shirakaba thể hiện rõ khuynh hướng hoạt động nghệ thuật của phái Shirakaba là tập trung vào lĩnh vực văn chương và mỹ thuật. Đồng thời, qua danh mục các bài viết nêu trên, cũng có thể thấy rằng phái Shirakaba chủ yếu hướng đến việc đóng góp cho công cuộc hiện đại hóa văn học trong nước cũng như giới thiệu văn học - nghệ thuật phương Tây vào Nhật Bản.
Trên thực tế, việc cách tân các thể loại văn học, sáng tạo các thể loại mới và tiếp thu tinh hoa của văn học – nghệ thuật phương Tây là những hoạt động cốt lõi của phong trào hiện đại hóa văn học Nhật Bản cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Nhiều tạp chí văn nghệ được sáng lập và lưu hành trong khoảng thời gian này cùng nỗ lực đóng góp cho tiến trình hiện đại hóa văn học bằng việc giới thiệu thơ mới của các tác giả trẻ, đặc biệt giới thiệu truyện ngắn hay tiểu thuyết là những thể loại văn xuôi mới xuất hiện và trở nên nổi bật trong thời kỳ hiện đại, nhưng mỗi tạp chí lại có một phong vị khác, do thể hiện phong cách của các trào lưu văn học khác nhau. Sự kết hợp của văn chương và mỹ thuật, đặc biệt khuynh hướng đề cao trường phái ấn tượng và hậu ấn tượng của nghệ thuật phương Tây có thể được xem là một nét đặc trưng về định hướng nghệ thuật của phái Shirakaba, thể hiện qua tạp chí này, trên diễn đàn rộng lớn của văn học Nhật Bản đầu thế kỷ XX.
Ngoài các số thông thường là một tập hợp đa dạng các bài viết với nhiều chủ đề khác nhau, nhóm Shirakaba đã nhiều lần thực hiện các số chuyên san gồm nhiều bài viết tập trung vào một chủ đề nhất định. Các số này được phát hành khi nhóm sáng lập muốn làm nổi bật một vấn đề có ý nghĩa nào đó, thường là số kỷ niệm về một nghệ sĩ lớn hoặc nhân một sự kiện văn học – nghệ thuật quan trọng.
Trong  năm đầu tiên phát hành tạp chí Shirakaba, nhóm Shirakaba đã thực hiện chuyên san về Auguste Rodin[4], nhân sinh nhật lần thứ 70 của điêu khắc gia nổi tiếng này, vào tháng 11 năm 1910. Chuyên san này là một công trình công phu, được chuẩn bị trong thời gian khá dài để có thể thu thập nhiều tư liệu, hình ảnh về Rodin, đặc biệt là những tư liệu do chính Rodin cung cấp. Nhờ các thành viên trong nhóm có mối quan hệ với giới nghệ sĩ châu Âu – trong đó có Rodin – trong thời gian du học tại phương Tây và với sự nhiệt tình dành cho công việc sưu tầm tư liệu về một nghệ sĩ lớn trong thế giới mỹ thuật, nhằm mục đích giới thiệu đến độc giả Nhật Bản những thông tin chi tiết và ấn tượng về nghệ thuật điêu khắc, cuối cùng nhóm Shirakaba đã nhận được sự chia sẻ tư liệu, hình ảnh cá nhân từ Rodin để thực hiện một chuyên san phong phú và chất lượng. Trang đầu tạp chí có in ảnh kèm bút tích do Rodin chính gửi đến. Nội dung tạp chí gồm nhiều bài giới thiệu, phân tích hay ghi chép cảm tưởng, tập trung làm nổi bật chân dung nghệ sĩ Rodin và thành tựu nghệ thuật của ông như “Câu chuyện nhỏ về Auguste Rodin” của Satomi Ton, “Những cảm xúc được khơi gợi từ Rodin” của Saito Yori, “Nghệ thuật điêu khắc gợi cảm” của Anezaki Masaharu, “Rodin và cuộc đời” của Mushanokoji Saneatsu, “Nghệ sĩ Rodin” của Shinkai Taketaro, “Tác phẩm của Rodin – người quan sát chính mình” của Nagai Sokichi[5], “Rodin như một nhà tôn giáo” của Yanagi Muneyoshi, “Rodin và kiến trúc” của Sakai Yunosuke, “Nghệ thuật của Rodin” của Morita Kamenosuke, “Rodin – con người và tác phẩm” của Arishima Ikuma, “Chân dung Rodin” của Yanagi Muneyoshi v.v...
Tuy là chuyên san đầu tiên và chỉ là số thứ 8 của tạp chí Shirakaba nhưng số lượng và nội dung các bài viết trong chuyên san về Rodin thể hiện rõ tinh thần giao lưu văn hóa, tinh thần vì nghệ thuật cũng như uy tín của những thành viên nhóm Shirakaba trên diễn đàn văn nghệ Nhật Bản đương thời. Ngoài những cây bút chủ lực vốn là thành viên của nhóm, Shirakaba còn quy tụ được những gương mặt nổi bật như nhà phê bình nghệ thuật Sairo Yori, nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Morita Kamenosuke, nhà văn Nagai Kafu, kiến trúc sư Sakai Yunosuke, điêu khắc gia Shinkai Taketaro v.v... cùng góp sức để hoàn thành chuyên san xứng tầm với một nghệ sĩ lớn của mỹ thuật thế giới. Qua các bài viết trên, người đọc Nhật Bản không chỉ biết đến Auguste Rodin như một điêu khắc gia nổi tiếng của châu Âu mà còn hiểu được giá trị nghệ thuật của tác phẩm, hiểu con người cá nhân và con người nghệ sĩ của Rodin trên nhiều phương diện và qua đó hiểu thêm bức tranh rộng lớn của mỹ thuật phương Tây cũng như con đường hiện đại hóa mỹ thuật Nhật Bản mà các thành viên nhóm Shirakaba thuộc tầng lớp tiên phong có vai trò định hướng.
Cũng trong tháng 11 – 1910, nhóm Shirakaba nhận được tin nhà văn Nga Lev Tolstoy qua đời. Tuy nhiên, do thông tin công bố lúc đầu chưa được xác nhận chắc chắn nên nhóm biên tập Shirakaba không kịp đưa tin và đăng bài tưởng niệm nhà văn đúng thời điểm. Vì vậy, số phát hành vào tháng 12 – 1910 được thực hiện như một chuyên san về văn học Nga. Sang đầu năm 1911, nhóm Shirakaba này lại dành phần lớn nội dung của số tháng 1 để đăng các bài viết tưởng niệm Tolstoy. Tuy không có quy mô lớn như chuyên san về Rodin nhưng số báo tưởng niệm Tolstoy cũng là một tập hợp nhiều bài viết về nhà văn như “Chân dung Tolstoy” của Ilya Yefimovich Repin[6], “Thư tịch của Tolstoy” của Tamura Hirosada, “Những chuyện về Tolstoy” của Yanagi Muneyoshi v.v...
Hai số báo nối tiếp nhau như trên có lẽ cũng đủ gây ấn tượng với người đọc Nhật Bản về sự ra đi của một văn hào thế giới, đồng thời cung cấp thêm những thông tin thú vị về cuộc đời cũng như sự nghiệp văn chương của Tolstoy. Tuy nhiên, liên quan đến sự kiện này vẫn còn một vấn đề khó lý giải. Các nhà nghiên cứu đều biết rằng Lev Tolstoy là nhà văn có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng và lối viết của các thành viên nhóm Shirakaba, trong đó trường hợp thể hiện rõ rệt nhất là Mushanokoji Saneatsu. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng những hoạt động xã hội nổi bật của nhóm Shirakaba là việc lập “làng kiểu mới” của Mushanokoji Saneatsu và việc xây dựng nông trường của Arishima Takeo đều chịu ảnh hưởng của văn chương Tolstoy. Và trên thực tế, cũng không khó hình dung rằng việc tập hợp và đăng các bài viết về một tiểu thuyết gia không khó thực hiện hơn việc sưu tầm và giới thiệu tác phẩm hội họa của một họa sĩ, trong điều kiện cả hai đối tượng đều sống ở phương Tây. Thế nhưng, việc tưởng niệm Tolstoy sau khi nhà văn qua đời không được thể hiện thành kết quả công phu và có quy mô lớn như trường hợp kỷ niệm sinh nhật Rodin. Hơn nữa, người chịu ảnh hưởng Tolstoy nhiều nhất trong nhóm là Mushanokoji Saneatsu lại không viết bài nào về Tolstoy trong số báo dành để tưởng niệm nhà văn nổi tiếng này, phát hành vào tháng 1 – 1911. Phải chăng các nhà văn Shirakaba không muốn làm độc giả chú ý thêm về việc Tolstoy có ảnh hưởng sâu đậm đến nhóm này nói riêng và văn học Nhật Bản hiện đại nói chung? Hay là do quan niệm độc đáo của người Nhật về tương quan giữa sự sống và cái chết, giữa việc tiếp tục với việc bỏ dở con đường đang đi mà phái Shirakaba có cách thể hiện khác nhau vào dịp sinh nhật của Rodin và khi Tolstoy từ giã cõi đời?
Tạp chí Shirakaba tuy chỉ tồn tại hơn một thập niên nhưng là hoạt động văn nghệ cơ bản của nhóm Shirakaba và là một thành tựu quan trọng của văn học Nhật Bản hiện đại. 160 số báo được phát hành trong 13 năm trở thành một kho tư liệu phong phú cho việc nghiên cứu hoạt động văn nghệ trong thời kỳ hiện đại hóa văn học Nhật Bản những năm đầu thế kỷ XX.
Trước hết, tạp chí này là một cánh cửa mà thông qua đó, các nhà văn của phái Shirakaba trình diện với độc giả và giới văn nghệ sĩ trên toàn quốc. Những nhà văn nòng cốt của nhóm và cũng là người sáng lập tạp chí như Shiga Naoya, Mushanokoji Saneatsu đều đăng hàng loạt tác phẩm thơ và văn xuôi – thường là kể từ tiểu thuyết đầu tay – trên Shirakaba, như một hình thức để khẳng định sự có mặt và những hoạt động của mình trên văn đàn.
Nhưng Shirakaba không chỉ có vai trò giới thiệu sáng tác của các thành viên trong nhóm. Trái lại, việc thực hiện tạp chí văn nghệ này thể hiện ý chí của các nhà văn Shirakaba muốn khẳng định tiếng nói của mình trên văn đàn toàn quốc và từ đó đóng góp ngòi bút của mình vào công cuộc hiện đại hóa văn học Nhật Bản, nâng tầm hiểu biết của văn nghệ sĩ và người đọc trong nước nói chung về văn học – nghệ thuật thế giới qua việc chắt lọc, đề cao những giá trị tinh hoa của văn học – nghệ thuật hiện đại ở Nhật Bản và phương Tây.
Nhìn vào danh mục bài viết của tạp chí Shirakaba, có thể thấy tạp chí này là một diễn đàn văn nghệ lớn, dành được sự quan tâm cộng tác của những nhà văn tên tuổi thuộc lớp tiên phong trong phong trào hiện đại hóa đất nước thời Meiji và lôi cuốn sự tham gia của cả những văn nghệ sĩ ở các bút nhóm khác, kể cả văn nghệ sĩ nước ngoài. Như vậy, thông qua việc thực hiện tạp chí Shirakaba, các nhà văn trong nhóm này đã thành công trong việc tạo ra một diễn đàn sôi nổi cho hoạt động sáng tác và giao lưu văn nghệ. Đặc biệt, các thành viên nhóm Shirakaba có mối quan hệ gần gũi và gắn bó với các nhà văn chủ lực của tạp chí Subaru[7] như Kinoshita Mokutaro, Takamura Kotaro, Kitahara Hakushu v.v… Vì vậy, các nhà văn Shirakaba như Satomi Ton, Yanagi Muneyoshi vẫn thường đăng bài viết trên tạp chí Subaru, và ngược lại tạp chí Shirakaba cũng nhận được sự đóng góp của Takamura Kotaro, Kitahara Hakushu. Ngoài việc viết bài cho tạp chí, các nhà văn ở hai nhóm này vẫn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin văn nghệ và tổ chức nhiều hoạt động giao lưu trong không khí sôi nổi chung của phong trào hiện đại hóa văn học.
Trong việc kiến tạo một không gian sinh động cho việc giao lưu văn học – nghệ thuật đầu thế kỷ XX, các nhà văn Shirakaba không chỉ hướng đến việc cách tân văn học và tạo điều kiện cho những yếu tố mới phát triển mà còn thẳng thắn tranh luận về tư tưởng sáng tác qua những bài phê bình văn học gây ấn tượng trong giới văn nghệ sĩ đương thời. Khía cạnh này thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ khá phức tạp nhưng không kém phần thú vị giữa nhóm Shirakaba với nhà văn Natsume Soseki.
Mối quan hệ nói trên được hình thành từ những bài phê bình của Mushanokoji Saneatsu về tác phẩm của Natsume Soseki. Khoảng thời gian mà các nhà văn nhóm Shirakaba bắt đầu cuộc đời hoạt động văn nghệ (1907 – 1910) cũng là lúc Natsume Soseki – đang ở giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp văn chương – công bố một loạt tiểu thuyết có tiếng vang như Nowaki 野分 (Bão mùa thu), Gubijinso 虞美人草 (Hoa anh túc), Sanshiro 三四郎 (Chàng Sanshiro), Sorekara それから (Từ dạo ấy), Mon (Cánh cổng). Theo ghi chép của nhà nghiên cứu Nishigaki Tsutomu thì các nhà văn nhóm Shirakaba – chủ yếu là hai nhà văn Shiga Naoya và Mushanokoji Saneatsu – có ấn tượng sâu sắc với những tác phẩm của Natsume Soseki và trình bày ý kiến khá thẳng thắn về những tác phẩm này. Chẳng hạn trong bài viết có tựa đề Samidare 五月雨 (Mưa tháng năm) đăng trên mục văn nghệ của báo Asahi ngày 18 – 7 – 1910, Mushanokoji có phát biểu rằng ông không có thể yêu thích lối viết lạnh lùng ảm đạm trong tiểu thuyết Mon của Natsume Soseki[8]. Sau đó, Natsume Soseki có viết thư cho Mushanokoji bày tỏ sự phản đối, và Mushanokoji cũng viết thư trả lời. Cuối cùng hai bên phải gặp nhau nói chuyện cụ thể để hiểu được quan điểm của nhau và xóa bỏ sự căng thẳng. Sự kiện này đã được Mushanokoji kể lại trong tác phẩm Aru otoko (Một người đàn ông).
Tiếp đó, Mushanokoji và Shiga vẫn tiếp tục quan tâm và bày tỏ nhận xét về các tác phẩm NowakiSorekara. Những nhân vật trong tác phẩm này, là những hình tượng thể hiện tư tưởng của bản thân tác giả về thân phận của giới trí thức trong một bối cảnh xã hội phức tạp, có sức lôi cuốn đối với Mushanokoji cũng như Shiga, và Mushanokoji đã viết bài phê bình Sorekara đăng trên số đầu tiên của tạp chí Shirakaba, trình bày một cách chi tiết những suy nghĩ của ông về tiểu thuyết này.
Trong bài viết “Về tác phẩm Sorekara”, Mushanokoji đã cho rằng Natsume Soseki thể hiện tư tưởng chủ quan của mình qua việc xây dựng nhân vật chính – Nagai Dainosuke. Cụ thể hơn, Mushanokoji hiểu rằng nhân vật chính của Sorekara là hình ảnh thể hiện sự mâu thuẫn gay gắt giữa con người tự nhiên và con người xã hội trong một cá nhân, và kết luận rằng đó là sự ký thác tư tưởng của chính Natsume Soseki vào trong tác phẩm. Trong khi đó, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng Natsume Soseki chỉ phê phán tình trạng tự mâu thuẫn của nhân vật Nagai Daisuke để qua đó thể hiện bi kịch nội tâm của giới trí thức trong xã hội Nhật Bản đang trên đường hiện đại hóa. Vì vậy, nếu so sánh với quan điểm của các nhà nghiên cứu khác thì ý kiến phê bình của Mushanokoji về Sorekara không thật sự thỏa đáng, tuy rằng bài viết này thể hiện sự sắc sảo của tác giả về văn học và tư tưởng, mà cũng là một cách đánh giá tích cực về lối viết của Natsume Soseki. Sau khi bài viết được công bố, Natsume Soseki cũng có thư trao đổi với Mushanokoji về nội dung phê bình, nhưng lần này nhà văn tiền bối trao đổi theo hướng ghi nhận thiện chí và sự những nhận xét tích cực của Mushanokoji[9].
Sau những lần trao đổi văn chương như trên, mối quan hệ giữa Natsume Soseki và nhóm Shirakaba vẫn được tiếp tục một cách tốt đẹp. Mushanokoji có những cuộc gặp gỡ thân mật với Natsume Soseki tại nhà riêng. Natsume Soseki cũng tỏ ý trân trọng văn tài của Shiga Naoya và năm 1913 đã từng đề nghị Shiga Naoya viết tiểu thuyết nhiều kỳ cho báo Asahi. Shiga tích cực hợp tác nhưng bị thất bại ngoài ý muốn nên vào năm 1917, khi công bố tiểu thuyết Sasaki no baai 佐々木場合 (Cảnh ngộ của Sasaki), Shiga có lời đề tặng “nhà văn quá cố Natsume Soseki”.
Trên thực tế, ngoài những lần phê bình tác phẩm của Natsume Soseki và trao đổi quan điểm về văn học với nhà văn tiền bối này, hòa vào không khí chung của văn đàn Nhật Bản hiện đại các thành viên của nhóm Shirakaba còn có nhiều lần “bút chiến” với các nhà văn khác, như Arishima Takeo đã từng tranh luận với Hirotsu Kazuo về sự dung hợp giữa tư tưởng con người và đời sống thực tế, Mushanokoji Saneatsu tranh luận với nhà phê bình Ikuta Choko về quan điểm nghệ thuật của phái Shirakaba trên cơ sở so sánh với quan điểm của phái tự nhiên, hay Satomi Ton tranh luận với Kikuchi Kan về “giá trị”[10] của thể loại tiểu thuyết. Ở đây cần nói thêm rằng, tranh luận về văn học – nghệ thuật cũng là một khía cạnh quan trọng của văn học Nhật Bản trong tiến trình hiện đại hóa. Đã có nhiều cuộc tranh luận về quan điểm nghệ thuật giữa các các nhân hoặc các trường phái văn nghệ diễn ra trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Về sau, một số nhà nghiên cứu đã ghi chép lại một cách tỉ mỉ nội dung các cuộc tranh luận này, làm nổi bật một đặc điểm quan trọng và thú vị của văn học Nhật Bản hiện đại.
Từ những nội dung trên, có thể thấy tạp chí Shirakaba có vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn nghệ của phái Shirakaba. Shirakaba thực sự là một tạp chí văn nghệ có nội dung phong phú và sâu sắc, là nơi giới thiệu các tác giả có tài năng và nhiệt huyết theo đuổi con đường nghệ thuật. Tạp chí còn là nơi cập nhật những thông tin văn nghệ mới, nơi các nhà văn thẳng thắn bày tỏ quan điểm nghệ thuật, thậm chí có thể tranh luận công khai về một vấn đề nghệ thuật – tư tưởng nào đó. Vì thế tạp chí là nơi gặp gỡ giữa người sáng tác với người thưởng thức và nhà nghiên cứu – phê bình, là môi trường tạo mối quan hệ giữa các cá nhân nghệ sĩ, các trường phái, trào lưu nghệ thuật cũng như tạo điều kiện cho các thế hệ văn nghệ sĩ tiếp cận, tìm hiểu nhau và hỗ trợ lẫn nhau vì sự phát triển của văn học Nhật Bản hiện đại. Có thể nói rằng các nhà văn nhóm Shirakaba đã thông qua tạp chí này để thực hiện giao lưu văn nghệ trong nước và quốc tế. Ngược lại, nhờ sự tồn tại của tạp chí mà nhóm các nhà văn Shirakaba có được vị trí quan trọng trên văn đàn Nhật Bản thời Taisho. Nhờ tạp chí này mà nhóm Shirakaba thể hiện được một cách rõ ràng quan điểm, khuynh hướng hoạt động văn nghệ của nhóm và được biết đến như một trào lưu văn nghệ nổi bật trong mấy thập niên đầu thế kỷ XX.
Hơn nữa, văn đàn Nhật Bản đương thời là một bầu không khí sôi nổi và rộng mở, nên ngoài việc thực hiện tạp chí Shirakaba – cũng như sau khi tạp chí này đình bản – các thành viên trong nhóm còn viết bài cho nhiều báo và tạp chí khác. Tạp chí Subaru là nơi thu hút nhiều nhất sự cộng tác từ nhóm Shirakaba. Các nhà văn thường viết bài cho Subaru gồm có Shiga Naoya, Kori Torahiko, Satomi Ton. Ngoài ra, một số nhà văn trong nhóm thường cộng tác với chuyên mục văn nghệ của báo Asahi và đăng tiểu thuyết nhiều kỳ trên các báo và tạp chí văn nghệ đương thời như Kaizo, Chuo koron, Jiji Shimpo, Mainichi shimpun, Kokumin shimpun v.v…
Tuy nhiên, hoạt động của các nhà văn Shirakaba không chỉ dừng lại ở việc thực hiện và viết bài cho tạp chí. Nói đúng hơn, tạp chí Shirakaba là không gian văn nghệ mà cả nhóm mở ra để sinh hoạt chung, để có thể cộng tác với nhau và để xác lập chỗ đứng trên văn đàn, còn lao động nghệ thuật chủ yếu của mỗi nhà văn vẫn là hoạt động sáng tác – công việc đòi hỏi mỗi người phải có cá tính, bản lĩnh và cách thực hiện độc lập. Vì vậy, trên thực tế thì các nhà văn trong nhóm có tiến trình hoạt động văn nghệ khác nhau, mà việc thực hiện tạp chí Shirakaba chỉ là một giai đoạn, một phần nội dung sinh hoạt văn chương. Điều này đặc biệt thể hiện rõ ở những thành viên trẻ tuổi hoặc tham gia vào bút nhóm muộn hơn các thành viên khác, chẳng hạn như Satomi Ton hay Nagayo Yoshiro.
Một mặt, các nhà văn phái Shirakaba có thể chia sẻ với nhau về quan điểm nghệ thuật nên dễ dàng hợp tác với nhau trên con đường hoạt động văn nghệ. Tạp chí Shirakaba được thực hiện liên tục trong 13 năm, phát hành tổng cộng 160 số là một thành quả lớn của việc hợp tác ấy. Nhưng mặt khác, trong lĩnh vực sáng tác văn chương thì mỗi nhà văn lại thể hiện rất rõ cá tính, phong cách của mình. Người đọc nếu chỉ tiếp cận những nhà văn này qua những sáng tác của họ sẽ khó có thể hình dung rằng họ là những “đồng chí” gắn bó mật thiết với nhau trên diễn đàn văn nghệ thời Taisho. Trong khi Shiga Naoya luôn được các nhà nghiên cứu – phê bình nhắc đến như một nhà văn hiện thực thì Mushanokoji Saneatsu thể hiện rõ khuynh hướng lý tưởng hóa trong sáng tác, ngay cả khi tác giả viết về những nhân vật có thực trong đời sống hay những trải nghiệm thực tế của bản thân. Thú vị hơn, văn chương của Arishima Takeo lại là một thế giới đa thanh, phong phú. Bên cạnh những tác phẩm có văn phong nhẹ nhàng, trong trẻo của một người theo chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa nhân đạo lại là những tác phẩm phản ánh một hiện thực tối tăm, lạnh lùng đến khốc liệt, khiến cho nhà phê bình đôi lúc phải hoài nghi về tình cảm mà tác giả dành cho nhân vật do chính ông sáng tạo ra. Nhóm nhà văn Shiga Naoya, Mushanokoji Saneatsu, Arishima Ikuma và Satomi Ton gắn bó với nhau trong đời sống và sát cánh bên nhau trong rất nhiều nội dung sinh hoạt văn nghệ như làm báo, giao lưu văn nghệ, phê bình văn chương, tìm kiếm và giới thiệu các nhà văn trẻ có triển vọng. Họ cũng chia sẻ và giúp đỡ nhau trong sáng tác qua việc đọc và bình luận tác phẩm của nhau, với thái độ thưởng thức vô tư và phê bình thẳng thắn. Những nhà văn này có thể cùng yêu thích một phong cách nghệ thuật, cùng chịu ảnh hưởng của một trào lưu tư tưởng hay một lối viết độc đáo của một nhà văn lớn nhưng những điều đó tan vào thế giới văn chương của họ theo những cách khác nhau. Vì vậy, người đọc không có cảm nhận rằng họ cố gắng thể hiện những điểm chung về tư tưởng nghệ thuật bằng tác phẩm, và cũng không thể cho rằng các nhà văn trong cùng nhóm có ảnh hưởng lối viết của nhau. Nhờ đó, trong khi việc cộng tác của các nhà văn Shirakaba tạo một ấn tượng sâu đậm về hoạt động văn nghệ của một trường phái văn chương trên văn đàn Nhật Bản hiện đại thì mỗi nhà văn trong nhóm vẫn tồn tại trên văn đàn và trong lòng người đọc như một phong cách văn chương độc đáo. Điều đó thể hiện thành một thực tế rõ rệt là cho đến nay, các công trình nghiên cứu về từng cá nhân nhà văn trong nhóm, hoặc nghiên cứu so sánh một nhà văn trong nhóm với một nhà văn không phải là thành viên của nhóm, luôn nhiều hơn các công trình nghiên cứu về toàn thể nhóm Shirakaba.
Các nhà văn trong nhóm Shirakaba thường sáng tác nhiều thể loại: thơ, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, truyện ngắn, tiểu thuyết. Đó là một sự đóng góp tích cực và phong phú cho tiến trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, với những thành công về thơ tự do và tiểu thuyết, nhóm Shirakaba đã góp phần quan trọng vào việc cách tân văn thể và phát triển thể loại mới – hai nội dung chủ yếu của công cuộc hiện đại hóa văn học ở Nhật Bản nói riêng và khu vực Đông Á nói chung.
Các nhà văn trong nhóm như Mushanokoji Saneatsu hay Satomi Ton đều có đăng thơ cách tân trên tạp chí Shirakaba, nhưng Takamura Kotaro – một thành viên tham gia nhóm Shirakaba tương đối muộn nhưng là một thi tài nổi bật thời Taisho, đồng thời là bạn thân của Hagiwara Sakutaro – mới là người có đóng góp nổi bật cho trào lưu cách tân thi ca trên thi đàn hiện đại. Nếu như “thơ mới” được đề xướng vào thời Meiji – xuất hiện lần đầu tiên trong tập Shintaishisho 新体詩抄 (Tân thể thi sao) – chỉ là một dạng “biến tấu” của tanka, với những câu thơ tuy dài song vẫn ngắt nhịp 7/5 truyền thống – thì thơ của Takamura Kotaro, cũng như thơ Hagiwara Sakutaro hay Mushanokoji Saneatsu, thật sự là thơ được viết theo văn nói, thoát ly hẳn tính khuôn khổ về mặt nhịp điệu của thơ ca cổ điển. Để nêu ví dụ trực tiếp và dễ hiểu, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn trong bài Jinrui no izumi 人類 (Dòng suối của nhân loại) của Takamura Kotaro:
世界がわかわかしい緑になつて
青い雨がまた降つて来ます
この雨の音が
むらがり起る生物のいのちのあらわれとなつて
いつも私を堪(たま)らなくおびやかすのです
そして私のいきり立つ魂は
私を乗り超え私を脱(のが)れて
づんづんと私を作つてゆくのです
いま死んで いま生れるので
Sekai ga wakawakashi midori ni natte
Aoi ame ga mata futte kimasu
Kono ame no oto ga
Muragari okoru seibutsu no inochi no araware to natte
Itsumo watashi wo tamaranaku obiyakasu nodesu
Soshite watashi no ikiritatsu tamashii wa
Watashi wo norikoe watashi wo nogarete
Zunzun to watashi wo tsukutte yuku nodesu
Ima shinde ima umareru nodesu
Tuy nhiên, thành tựu quan trọng nhất trong hoạt động văn nghệ của nhóm Shirakaba vẫn là những sáng tác ở thể loại văn xuôi tự sự. Giai đoạn cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX là thời kỳ mà tiểu thuyết phương Tây lần đầu tiên được giới thiệu vào Nhật Bản và có nhiều nhà văn Nhật Bản đã học hỏi để sáng tác theo hình thức này. Điều thú vị là sự xuất hiện của tiểu thuyết kiểu phương Tây trên văn đàn hiện đại gắn liền với sự thay đổi cơ cấu thể loại trong nền văn học Nhật Bản. Chỉ trong vòng vài thập niên từ khi tác phẩm được xem là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên xuất hiện, thể loại này đã nhanh chóng giành được vị trí trung tâm của nền văn học – vị trí mà trong suốt nhiều thế kỷ trước đó thuộc về các thể loại thơ ca. So với những tác phẩm mang tính chất “mở đường” thời Meiji có cấu trúc nội tại tương đối đơn giản, tiểu thuyết của các nhà văn nhóm Shirakaba thiên về miêu tả đời sống nội tâm con người, thậm chí có những tác phẩm miêu tả những trạng thái tâm lý đặc biệt phức tạp như Aru onna của Arishima Takeo, Omedetaki hito của Mushanokoji Saneatsu hay Anyakoro của Shiga Naoya. Vì vậy, tiểu thuyết của phái Shirakaba cũng được xem là thành tựu cơ bản của văn học thời Taisho, thể hiện một bước phát triển của tiểu thuyết hiện đại Nhật Bản theo hướng tiếp cận hiện thực tâm lý, đi sâu vào thế giới nội tâm của con người.
Như vậy, tuy không trực tiếp phủ định con đường sáng tác của các nhà văn thuộc trường phái tự nhiên nhưng với những tiểu thuyết gây được tiếng vang trên văn đàn Nhật Bản đương thời, các nhà văn nhóm Shirakaba đã được xem là những ngòi bút chủ lực trong tiến trình phát triển thể loại tiểu thuyết hiện đại thời Taisho. Bên cạnh đó, với những sinh hoạt văn nghệ xung quanh việc thực hiện tạp chí Shirakaba, các nhà văn trong nhóm này còn đóng góp cho việc xây dựng nền văn học hiện đại Nhật Bản trong các lĩnh vực như sáng tác thơ tự do, lý luận và phê bình văn học. Phái Shirakaba – gắn với hoạt động của tạp chí văn nghệ cùng tên – là một hiện tượng văn nghệ nổi bật và độc đáo trong đời sống văn nghệ Nhật Bản nửa đầu thế kỷ XX, đồng thời là một thành tựu nổi bật về sự gắn bó, hợp tác hiệu quả giữa những người bạn cùng chí hướng nhưng cũng là những nhà văn – nghệ sĩ giàu cá tính và hết lòng cho công cuộc phát triển văn học – nghệ thuật Nhật Bản theo con đường học hỏi phương Tây.

2.      Hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật

Cũng như trên lĩnh vực văn học, những đóng góp của phái Shirakaba trên lĩnh vực mỹ thuật chủ yếu được thực hiện thông qua tạp chí văn nghệ Shirakaba, và trong số những thành viên của nhóm thì Arishima Ikuma và Mushanokoji Saneatsu là có thành tựu về hoạt động mỹ thuật nhiều hơn cả.
Thành tựu mỹ thuật của Arishima Ikuma trong thời gian thực hiện tạp chí Shirakaba có nguồn gốc từ những kinh nghiệm và hoạt động của ông tại châu Âu trong quá trình du học. Arishima may mắn được học hội họa phương Tây tại những nơi được xem là trung tâm của nền mỹ thuật phương Tây là Ý và Pháp, được tiếp cận với những kiến thức và thành tựu mới nhất của hội họa châu Âu. Trong ba năm đầu du học tại Rome, Arishima Ikuma đã theo học tại khoa ký họa ở trường mỹ thuật và tham gia sinh hoạt nghệ thuật tại học viện French Academy[11]. Ông được học cả nghệ thuật cổ điển và mỹ thuật hiện đại nhưng đặc biệt yêu thích hội họa của trường phái ấn tượng. Sau đó, ông đã cùng với Arishima Takeo đi du lịch vòng quanh châu Âu và quyết định chuyển sang Paris để tiếp tục học về hội họa, kết hợp với trau dồi kiến thức về điêu khắc. Mùa thu năm 1908, Arishima Ikuma được xem triển lãm tưởng niệm Paul Cézanne[12] tại Paris và bị chinh phục bởi lối vẽ phóng khoáng, mạnh mẽ và thuần khiết của họa sĩ này. Từ đó, ông quyết tâm rèn luyện theo phương pháp của trường phái ấn tượng để thể hiện đối tượng miêu tả bằng cái nhìn trực tiếp từ tâm hồn chân thật, trong sáng của con người cá nhân.
Với tình yêu nghệ thuật, niềm say mê học hỏi vốn có và tận dụng những điều kiện thuận lợi trong thời gian du học tại châu Âu, Arishima Ikuma đã thực hiện nhiều cuộc gặp gỡ thú vị với các họa sĩ bậc thầy và qua đó học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức bổ ích cho hoạt động nghệ thuật. Ông cũng gặp gỡ nhiều họa sĩ, điêu khắc gia Nhật Bản đang du học tại châu Âu như Umehara Ryuzaburo, Ogiwara Morie, Saito Yori, Yamashita Shintaro, Shirataki Ikunosuke, Minami Kunzo v.v… và thường xuyên đi lại, thiết lập mối quan hệ thân hữu với những nghệ sĩ này. Thông qua việc giao lưu, sinh hoạt nghệ thuật với những nghệ sĩ cùng thế hệ đang du học tại phương Tây, trên cơ sở những kiến thức và kinh nghiệm học hỏi trực tiếp từ môi trường mỹ thuật châu Âu hiện đại với những bậc thầy về hội họa và điêu khắc như Renoir, Rodin v.v…, Arishima Ikuma dần dần hiểu rõ về năng lực, cá tính, khuynh hướng nghệ thuật của bản thân và cũng xác định được vị trí của mình trong thế giới mỹ thuật hiện đại. Những hiểu biết và xác tín như vậy là điều kiện nền tảng để ông có thể lựa chọn con đường phù hợp cho quá trình hoạt động nghệ thuật lâu dài sau khi về nước, và thông qua những hoạt động đó thực hiện những đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngành mỹ thuật hiện đại tại Nhật Bản.
Sau khi về nước (năm 1910), Arishima Ikuma gặp gỡ những bạn học trước đây như Shiga Naoya, Mushanokoji Saneatsu và xúc tiến nhanh chóng việc thực hiện tạp chí văn nghệ Shirakaba, với mục đích giới thiệu đến độc giả Nhật Bản đương thời những thông tin mới mẻ và những tác phẩm xuất sắc của hội họa phương Tây, bên cạnh việc công bố những sáng tác và bình luận văn chương của các nhà văn trong nhóm. Vì vậy, mỗi số phát hành của tạp chí Shirakaba đều có chuyên mục dành riêng để giới thiệu những tác phẩm của hội họa phương Tây. Bên cạnh đó, nhóm Shirakaba còn thực hiện những chuyên san tập trung giới thiệu những nghệ sĩ bậc thầy của mỹ thuật châu Âu như Paul Cézanne, Auguste Rodin, Pierre-Auguste Renoir, Vincent van Gogh v.v…. Tạp chí này cũng thường xuyên đăng các bài bình luận về mỹ thuật của các thành viên trong nhóm cũng như cộng tác viên.
Nhà nghiên cứu Nishimura Shuko đã tổng kết những hoạt động mỹ thuật của phái Shirakaba trong thời gian thực hiện tạp chí Shirakaba như bảng liệt kê dưới đây[13]:
Bảng 1: Các hoạt động mỹ thuật của phái Shirakaba
Thời điểm
Hoạt động mỹ thuật của phái Shirakaba và nội dung tạp chí Shirakaba
Meiji 43 (1910)
Tháng 4
Tháng 7

Phát hành số đầu tiên của tạp chí Shirakaba
Triển lãm hội họa kỷ niệm thời gian du học tại châu Âu, do Minami Kunzo và Arishima Ikuma thực hiện
Minami Kunzo: 47 bức tranh màu nước và 7 bức tranh sơn dầu
Arishima Ikuma: 2 bức màu nước, 67 bức sơn dầu, 1 bức tempera
Ngoài ra còn trưng bày tác phẩm của Collin, Harada Naojiro, Inuzuka Kinuko và Velasquez dưới dạng tranh chép
Tháng 9
Liên lạc với Rodin (về việc thực hiện chuyên san về Rodin) và gửi cho Rodin 30 bức tranh khắc gỗ ukiyo
Tháng 11
Thực hiện chuyên san về Rodin
Meiji 44 (1911)
Tháng 3

Thực hiện chuyên san về Renoir
Tháng 4
Thực hiện chuyên san về Manet
Triển lãm cá nhân của Yamawaki Shintoku. Kinoshita Mokutaro phê bình cách biểu đạt của Yamawaki qua bài viết đăng trên tạp chí Chuo koron số phát hành tháng 6.
Tháng 9
Yamawaki Shintoku phản hồi bài viết của Kinoshita, bắt đầu cuộc tranh luận về “sứ mệnh của hội họa”.
Tháng 10
Triển lãm hội họa do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Akasaka và Sankaido, Tokyo)
Nhóm tác phẩm hội họa phương Tây gồm có 189 bức của 36 họa sĩ như Breadsley, Klingel, Munch v.v...
Nhóm tác phẩm hội họa Nhật Bản gồm có 119 bức của 21 họa sĩ như Yamawaki Shintoku, Fujishima Takeji, Saito Yori, Yamashita Shintaro v.v...
Tháng 12
Tiếp nhận 3 tác phẩm điêu khắc của Rodin đáp lễ món quà 30 bức tranh khắc gỗ Nhật Bản
Meiji 45 (1912)
Tháng 2

Triển lãm mỹ thuật lần thứ 4 do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Akasaka và Sankaido, Tokyo).
Tác phẩm trưng bày gồm có 3 tác phẩm điêu khắc do Rodin gửi tặng, một bức họa của Renoir thuộc sở hữu của Yamashita Shintaro và các tác phẩm ký họa, sơn dầu của Vogeler, Yamawaki Shintoku và điêu khắc của Leach.
Tháng 4
Triển lãm mỹ thuật lần thứ 5 do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Thư viện Kyoto, công viên Okazaki, Kyoto).
Trưng bày những tác phẩm khắc đá của Toulouse-Lautrec, tác phẩm điêu khắc của Breadsley, Klinger, Munch bổ sung vào những tác phẩm đã được trưng bày trong đợt triển lãm lần thứ 4.
Tháng 11
Thực hiện chuyên san về Vincent van Gogh
Taisho 2 (1913)
Tháng 4

Triển lãm mỹ thuật lần thứ 6 do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Chúng nghị viện, Tokyo).
Trưng bày những tác phẩm hội họa của Cézanne, van Gogh, Gauguin, Matisse, tác phẩm khắc đá của Toulouse-Lautrec, khắc đồng của Munch v.v...
Tháng 10
Triển lãm tranh sơn dầu của Umehara Ryutaro do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Kanda)
Trưng bày 111 tác phẩm được sáng tác ở châu Âu, trong đó có những bức nổi bật như “Chân dung tự họa”, “Sợi dây chuyền vàng” v.v...
Thực hiện chuyên san về Gustave Courbet[14]
Taisho 3 (1914)
Tháng 2

Triển lãm hội họa phương Tây do Hội giáo dục Suwa (thuộc Trường trung học nữ Suwa) tổ chức, trưng bày những tác phẩm thuộc sở hữu của nhóm Shirakaba
Tháng 4
Kỷ niệm 5 năm thành lập Shirakaba. Thực hiện chuyên san về William Blake[15].
Taisho 4 (1915)
Tháng 2

Triển lãm mỹ thuật lần thứ 7 do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Bảo tàng mỹ thuật Hibiya, Yuraku-cho, Tokyo).
Trưng bày 150 tác phẩm, gồm 15 bức họa của Blake và các tác phẩm ký họa của Goya, Rembrandt, Michelangelo v.v...
Tháng 3
Triển lãm mỹ thuật lần thứ 7 do nhóm Shirakaba tổ chức tại Kyoto (Thư viện Kyoto, công viên Okazaki, Kyoto). Ngoài những tác phẩm đã trưng bày tại triển lãm ở Tokyo còn có thêm 60 bức họa của Redon và một số tác phẩm của các danh họa khác như Leonardo de Vinci, Tintoretto v.v...
Taisho 5 (1916)
Tháng 3

Tạp chí Shirakaba bị cấm phát hành vì in tranh bìa của Mantegna[16]
Taisho 6 (1917)
Tháng 10

Thông qua tạp chí Shirakaba, kêu gọi thành lập bảo tàng mỹ thuật Shirakaba
Tháng 12
Triển lãm tác phẩm của Bernard Leach (tại Kanda)
Taisho 7 (1918)
Tháng 1

Thực hiện chuyên san tưởng niệm Rodin
Tháng 4
Tổ chức buổi độc xướng của Yanagi Kaneko[17] tại Kyoto và Kobe nhằm gây quỹ cho việc thành lập Bảo tàng mỹ thuật Shirakaba
Tháng 6
Triển lãm mỹ thuật lần thứ 8 do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Akasaka và Sankaido, Tokyo).
Trưng bày 3 tác phẩm điêu khắc đồng của Rodin và những tác phẩm của Hy Lạp, của thời kỳ Phục Hưng và mỹ thuật châu Âu hiện đại.
Tháng 11
Triển lãm mỹ thuật lần thứ 8 do nhóm Shirakaba tổ chức (tại Thư viện Kyoto). Nội dung giống như lần triển lãm tại Tokyo.
Tháng 12
Tổ chức buổi trình diễn piano của Kuno Hisa tại Trường âm nhạc Tokyo nhằm gây quỹ cho việc thành lập Bảo tàng mỹ thuật Shirakaba
Taisho 8 (1919)
Tháng 4

Kỷ niệm 10 năm thành lập Shirakaba
Tổ chức đại hội kỷ niệm thành lập Shirakaba (tại Kanda). Các diễn giả phát biểu trong đại hội gồm 6 người là Nagayo Yoshiro, Mushanokoji Saneatsu, Yanagi Muneyoshi, Koizumi Magane, Kondo Keiichi và Kishida Ryusei.
Tổ chức triển lãm cá nhân của Kishida Ryusei kỷ niệm 10 năm thành lập Shirakaba (tại Tokyo). Trưng bày 108 tác phẩm được sáng tác từ 1913, do chính tác giả lựa chọn.
Tháng 5
Tổ chức triển lãm cá nhân của Kishida Ryusei kỷ niệm 10 năm thành lập Shirakaba (tại Thư viện Kyoto)
Tháng 11
Triển lãm những tác phẩm phục chế của William Blake (tại Kanda)
Taisho 9 (1920)
Tháng 5

Thực hiện chuyên san kỷ niệm Bernard Leach
Triển lãm tác phẩm của Leach
Taisho 10 (1921)
Tháng 2

Triển lãm lần đầu tiên tại Bảo tàng mỹ thuật Shirakaba.
Trưng bày 14 tác phẩm gồm tranh sơn dầu, ký họa và tranh màu nước của Cézanne, tranh sơn dầu của van Gogh, ký họa của Rodin, tác phẩm điêu khắc của Durer, ký họa của Delacroix, ký họa của Chavannes v.v...
Tháng 3
Triển lãm mỹ thuật dân tộc Triều Tiên
Taisho 11 (1922)
Tháng 1

Triển lãm cá nhân của Kono Michisei (tại Kanda). Trưng bày 10 bức sơn dầu và 50 bức ký họa.
Tháng 4
Triển lãm cá nhân của Tsubaki Sadao (tại Kanda). Trưng bày khoảng 30 bức sơn dầu, màu nước và ký họa.
Triển lãm đồ gốm của Leach.
Taisho 12 (1923)
Tạp chí Shirakaba đình bản do động đất lớn tại vùng Kanto, tổng cộng đã phát hành 160 số.

Qua bảng trên, có thể thấy hoạt động của nhóm Shirakaba trên lĩnh vực mỹ thuật được tổ chức thường xuyên, đa dạng và có quy mô lớn. Với nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật trong suốt thời gian thực hiện tạp chí Shirakaba, nhóm nghệ sĩ này đã tạo điều kiện cho người dân trong nước tiếp xúc với thành tựu của mỹ thuật phương Tây trong nhiều giai đoạn, qua tác phẩm của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và đặc biệt tạo ấn tượng sâu sắc về hội họa phương Tây hiện đại qua việc trưng bày, giới thiệu tác phẩm của nhiều họa sĩ bậc thầy của châu Âu thế kỷ XIX – XX, chủ yếu thuộc trường phái ấn tượng và tả thực. Thêm vào đó, nhóm Shirakaba còn thực hiện nhiều chuyên san về các nghệ sĩ nổi bật của mỹ thuật châu Âu nhằm cung cấp cho độc giả cũng như giới nghệ sĩ trong nước nhiều thông tin chi tiết hơn về thành tựu nghệ thuật đỉnh cao của phương Tây và thế giới, tạo điều kiện để xúc tiến những hoạt động giao lưu văn hóa – nghệ thuật giữa Nhật Bản và phương Tây. Tuy có ý kiến cho rằng việc giới thiệu mỹ thuật phương Tây theo cách thức mà nhóm Shirakaba thực hiện là không hệ thống vì không theo trật tự niên đại của lịch sử mỹ thuật, cũng như có ý kiến cho rằng giới thiệu Cézanne vào Nhật Bản ở thời điểm đầu thế kỷ XX là còn quá sớm, nhưng nói chung những hoạt động mang tinh thần tiên phong của nhóm Shirakaba cần được ghi nhận là những đóng góp rất quan trọng cho việc xây dựng một nền mỹ thuật Nhật Bản hiện đại vừa bảo tồn được những thành tựu cổ điển vừa ứng dụng được những kỹ thuật tối tân của châu Âu.
Để thực hiện thành công một tạp chí có nội dung bao trùm trên cả hai lĩnh vực văn chương và mỹ thuật, nhóm Shirakaba cũng phải kêu gọi nhiều nghệ sĩ và nhà nghiên cứu mỹ thuật tham gia vào việc trình bày tạp chí, sưu tầm và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật phương Tây và đóng góp ý kiến trên diễn đàn phê bình nghệ thuật. Trên thực tế, tạp chí Shirakaba đã được thực hiện với sự góp mặt của nhiều tên tuổi nổi bật trong giới mỹ thuật đương thời như các họa sĩ Nakagawa Kazumasa, Umehara Ryuzaburo, Kishida Ryusei v.v…; các nhà nghiên cứu mỹ thuật như Morita Kamenosuke, Kojima Kikuo v.v…
Điều thú vị là ở tạp chí Shirakaba, hai mảng nội dung văn chương và mỹ thuật được trình bày trong một mối quan hệ gắn bó, tạo nên một không gian sinh hoạt nghệ thuật phong phú và tự nhiên chứ không gây cảm giác về một sự lắp ghép khiên cưỡng và rời rạc. Nền tảng quan trọng để đạt được thành công này có lẽ là thiên hướng nghệ thuật tự nhiên của các thành viên Shirakaba. Hai thành viên trụ cột của nhóm là Arishima Ikuma và Mushanokoji Saneatsu đều là những tài năng trên cả hai lĩnh vực văn chương và hội họa. Với năng khiếu bẩm sinh và vốn kiến thức phong phú, sắc sảo nhờ được đào tạo trong môi trường giáo dục tiến bộ, rộng mở, họ đã trở thành những nghệ sĩ lớn và có thể kết hợp hai lĩnh vực nghệ thuật một cách tự nhiên trong hoạt động sáng tác cũng như lý luận – phê bình. Mặt khác, nếu suy ngẫm sâu xa hơn, có thể lý giải sự kết hợp văn chương và mỹ thuật ở phái Shirakaba từ nhân sinh quan và quan niệm nghệ thuật của các thành viên trong nhóm văn nghệ này. 
Hướng đến chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa nhân đạo, các nhà văn nhóm Shirakaba chủ trương đề cao con người và phát huy mọi tố chất tốt đẹp ở từng cá nhân. Văn chương và mỹ thuật trước hết là các môn nghệ thuật, là những “nghề chơi” của con người nhưng đồng thời cũng là những hoạt động sáng tạo mà qua đó tâm hồn của con người được thăng hoa cùng cái đẹp. Nói cách khác, với tư cách là bộ môn nghệ thuật, cả mỹ thuật và văn chương đều có tác dụng giáo dục con người, đưa tinh thần con người đến gần với cái đẹp và sự thanh cao, nhưng trong khi văn chương mang vẻ đẹp trừu tượng và kích thích khả năng tưởng tượng của người sáng tác cũng như người cảm nhận thì mỹ thuật thể hiện vẻ đẹp rõ ràng, sinh động bằng sắc màu và đường nét. Sự kết hợp của hai bộ môn này làm cho một tập san văn nghệ vừa có sức cuốn hút của cái đẹp được cảm nhận trực tiếp, lại vừa có vẻ đẹp sâu sắc ẩn giấu trong lớp vỏ ngôn từ, đòi hỏi người thưởng thức phải ngẫm ngợi và suy tưởng.
Cũng có thể hiểu rằng sự kết hợp của văn chương và mỹ thuật ở tạp chí Shirakaba xuất phát từ quan niệm về đường lối biểu đạt. Nhìn lại các hoạt động mỹ thuật của nhóm Shirakaba thì thấy những thành viên của nhóm này đặc biệt quan tâm đến phong cách của trường phái ấn tượng và tả thực. Còn trong lĩnh vực văn chương thì các thành viên Shirakaba chủ trương thể hiện một cách sâu sắc và tinh tế đời sống tâm lý của con người. Từ đó, có thể thấy trường phái này đề cao việc biểu đạt những gì phức tạp và tinh vi bằng thủ pháp gây ấn tượng và lối miêu tả chân thực, tỉ mỉ. Họ đã tìm thấy điều đó trong hội họa ấn tượng của phương Tây và trong thể loại tiểu thuyết hiện đại, nên tạp chí Shirakaba vừa là nơi mà các nghệ sĩ trong nhóm bày tỏ quan niệm nghệ thuật đồng thời là nơi thể nghiệm và là diễn đàn mở rộng để phê bình, định hướng và điều chỉnh sự phát triển đó.
Nếu như mỹ thuật làm cho tạp chí Shirakaba trở nên nổi bật vì vẻ đẹp và sự mới mẻ so với những tạp chí văn nghệ đương thời thì ngược lại, tính văn chương làm nên chiều sâu tư tưởng cho hoạt động mỹ thuật của phái Shirakaba. Hoạt động mỹ thuật của nhóm này không chỉ có việc sáng tác và trưng bày tại các cuộc triển lãm mà còn bao gồm cả lý luận – phê bình mỹ thuật diễn ra thường xuyên và sôi nổi trên tạp chí Shirakaba, thậm chí có khi trở thành cuộc tranh luận về một vấn đề phức tạp nào đó trong lý luận nghệ thuật như cuộc “bút chiến” giữa Yamawaki Shintoku, Kinoshita Mokutaro và Mushanokoji Saneatsu xoay quanh vấn đề giá trị của tác phẩm hội họa và việc biểu đạt cái tôi cá nhân của nghệ sĩ, khởi đầu từ bài viết của Kinoshita Mokutaro đăng trên tạp chí Chuo koron với nội dung phê bình tranh vẽ của Yamawaki Shintoku trong cuộc triển lãm cá nhân của họa sĩ này tháng 4 - 1911. Trong cuộc “bút chiến” này, Mushanokoji Saneatsu đã tham gia bằng nhiều bài viết đăng trên tạp chí Shirakaba, dùng lập luận của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa lý tưởng như chủ trương của ông trong đời sống và trong sáng tác văn chương để nói về hình thức “nghệ thuật vì cái tôi” trong hội họa. Cách lý luận của Mushanokoji có thể gây cảm tưởng là nhà văn đẩy vấn đề tranh luận theo hướng triết lý về bản chất và lối sống của con người hơn là làm rõ bản chất của nghệ thuật, nhưng mặt khác cũng là một cách thể hiện trình độ thưởng thức mỹ thuật của giới nghệ sĩ đương thời, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác và làm cho công chúng quan tâm nhiều hơn đến giá trị của mỹ thuật hiện đại.
Nói về hoạt động mỹ thuật của nhóm Shirakaba cũng cần phải kể đến những đóng góp độc đáo của Yanagi Muneyoshi và mối quan hệ bằng hữu của ông với nghệ sĩ – nhà nghiên cứu nghệ thuật gốm Bernard Leach.
Yanagi Muneyoshi (1889 – 1961) là nhà tư tưởng – tôn giáo đồng thời là người sưu tầm và nghiên cứu nghệ thuật dân gian, chủ yếu là đồ gốm mỹ nghệ. Yanagi cũng trải qua thời kỳ học phổ thông tại Gakushuin và sau đó tốt nghiệp Đại học Đế quốc Tokyo, ngành triết học – tôn giáo phương Tây. Ông tham gia sinh hoạt văn nghệ với nhóm Shirakaba trong thời gian học ở Gakushuin và đại học nhưng không đi theo con đường văn chương hay hội họa phương Tây mà vốn có niềm say mê riêng với những sản phẩm mỹ nghệ dân gian và chủ trương đề cao “cái đẹp thực tế” của những vật dụng này. Ông cũng dành nhiều tâm huyết cho việc vận động bảo tồn, phát triển ngành mỹ nghệ dân gian và thành lập Bảo tàng mỹ nghệ dân gian Nhật Bản[18]. Tuy là một gương mặt không mấy nổi bật trong hoạt động của nhóm Shirakaba trong thời gian thực hiện tạp chí Shirakaba nhưng Yanagi lại có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành mỹ thuật dân gian Nhật Bản và Đông Á, và ông đã thực hiện những hoạt động có ý nghĩa lớn trong lĩnh vực này trong suốt nhiều năm sau khi tạp chí Shirakaba đình bản.
Yanagi Muneyoshi đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật gốm sứ cũng như tranh dân gian Triều Tiên sản phẩm mỹ nghệ truyền thống của Okinawa (đặc biệt là mỹ nghệ ở thời kỳ văn hóa Ryukyu). Ông đã dành nhiều thời gian cho việc sưu tập, nghiên cứu mỹ thuật dân gian Triều Tiên và là một trong những người chủ trương thành lập Bảo tàng mỹ thuật dân gian Triều Tiên[19] vào năm 1924. Từ 1938 đến 1940 ông đến Okinawa để tập trung nghiên cứu những đặc trưng văn hóa của khu vực này, sau đó đã viết nhiều công trình khảo cứu quan trọng như Văn nhân Okinawa, Văn hóa Okinawa, Đồ gốm Okinawa v.v..., về sau được tập hợp trong bộ sách Yanagi Muneyoshi toàn tập, do Chikuma shobo xuất bản trong khoảng thời gian 1980 – 1992.
Ngoài ra, Yanagi Muneyoshi còn thực hiện các tạp chí chuyên về văn nghệ dân gian, với sự giúp đỡ và cộng tác của Bernard Leach và nhiều nghệ nhân Nhật Bản.
Tạp chí Mingei 民藝 (Văn nghệ dân gian) do Yanagi Muneyoshi sáng lập trong quá trình thực hiện phong trào “vận động vì văn nghệ dân gian” cùng với hai nghệ nhân trong ngành gốm là Hamada Shoji và Kawai Kanjiro, được phát hành lần đầu tiên năm 1926. Mingei là diễn đàn để giới thiệu và bình luận về sản phẩm của các loại hình mỹ nghệ dân gian như đồ gốm, đồ sơn mài hay các loại vải được dệt và nhuộm theo phương thức thủ công truyền thống. Những ngành thủ công này không được xem là mỹ thuật (fine-art) theo quan niệm phương Tây nhưng lại là một bộ phận không thể thiếu của văn hóa Nhật Bản, thậm chí có thể nói là những lĩnh vực thể hiện một cách rõ ràng nhất ý thức thẩm mỹ truyền thống của người Nhật. Vì vậy, tạp chí Mingei được thực hiện với mục đích lôi cuốn sự chú ý của công chúng đến “cái đẹp thực tế” đặc trưng của thẩm mỹ Nhật Bản thể hiện trên các sản phẩm của mỹ nghệ dân gian, hướng đến việc bảo tồn, phát triển những ngành nghề thủ công truyền thống và giới thiệu ra thế giới vẻ đẹp riêng của mỹ nghệ dân gian Nhật Bản. Những người thực hiện tạp chí Mingei đều là những nghệ nhân yêu vẻ đẹp thuần khiết và chân thực của các ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống, đã dành thời gian đi khắp các vùng miền trên đất nước Nhật Bản để sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu vẻ đẹp giản dị mà độc đáo của những vật dụng được chế tác tinh xảo, làm cho thế giới biết đến một khía cạnh đặc sắc của văn hóa truyền thống Nhật Bản.
Tạp chí Mingei được xuất bản liên tục đến năm 1945 thì bị ngưng do tình hình chiến sự căng thẳng. Sau chiến tranh, tạp chí này được Hiệp hội nghệ thuật dân gian Nhật Bản[20] tiếp tục thực hiện cho đến ngày nay. Hiệp hội nghệ thuật dân gian Nhật Bản cũng là một tổ chức do Yanagi Muneyoshi sáng lập nhằm vận động cho việc bảo tồn và phát triển văn nghệ dân gian, nay đã phát triển thành một tổ chức lớn, gồm 32 chi hội có trụ sở tại các tỉnh thành trên toàn quốc từ Aomori (vùng Tohoku) đến Okinawa.
Yanagi Muneyoshi cũng là người chủ trương thực hiện tạp chí Kogei 工藝 (Thủ công mỹ nghệ), phát hành trong khoảng thời gian từ 1931 đến 1951, tổng cộng 120 số. Kogei cũng là tạp chí chuyên về giới thiệu sản phẩm của các ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống ở Nhật Bản. Kogei thường đăng các bài viết về lý luận và thực tiễn sáng tạo của các loại hình thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc giới thiệu các sản phẩm thủ công qua tranh vẽ và hình ảnh, những người thực hiện còn đính vào tạp chí cả những vật mẫu như vải, giấy, chất sơn để mang đến cho người đọc những thông tin thực tế và chi tiết về sản phẩm được giới thiệu.
Cuối cùng, nói đến những hoạt động trên lĩnh vực mỹ thuật của nhóm Shirakaba còn phải kể đến sự đóng góp của Bernard Howell Leach (1887 – 1979), một nhà nghiên cứu mỹ nghệ người Anh có mối quan hệ thân thiết với các thành viên của nhóm Shirakaba và là một người yêu thích sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở các nước Đông Bắc Á. Leach sinh ở Hồng Kông và học về mỹ thuật ở London nhưng quá trình nghiên cứu mỹ nghệ phương Đông của ông chủ yếu được thực hiện trong những thập niên đầu thế kỷ XX là khoảng thời gian ông sinh sống tại Nhật. Ông quen biết họa sĩ Takamura Kotaro trong thời gian Takamura du học ở London. Sau khi đến Tokyo năm 1909, Leach kết bạn với Yanagi Muneyoshi nên thường đi lại giao du với nhóm Shirakaba và tham gia vào những sinh hoạt văn nghệ của nhóm này.
Bernard Leach đã nghiên cứu để chế tác những sản phẩm mỹ nghệ kết hợp cả triết lý và mỹ học của phương Đông và phương Tây, hướng đến việc bảo tồn, phát triển ngành gốm mỹ nghệ ở Nhật Bản – Triều Tiên – Trung Quốc đồng thời phục chế những sản phẩm gốm truyền thống ở các nước Tây Âu như Anh, Đức. Ông cũng đã hợp tác với Yanagi Muneyoshi trong những hoạt động kêu gọi bảo tồn ngành mỹ nghệ và thành lập Bảo tàng nghệ thuật dân gian. Năm 1940, Leach đã xuất bản công trình A Potter’s Book (Sách của nhà làm gốm) trình bày tư tưởng của ông về kỹ thuật và triết lý trong nghệ thuật chế tác đồ gốm. Với công trình này, ông thực sự trở thành một chuyên gia tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu mỹ nghệ phương Đông. Những sản phẩm mỹ nghệ do ông chế tác hiện nay vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Victoria and Albert, London. Leach đã từng nhận giải thưởng của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản vì những đóng góp của ông cho ngành mỹ nghệ ở Nhật và cho việc giao lưu văn hóa – nghệ thuật giữa Nhật Bản với các nước phương Tây.
Những hoạt động nhằm kêu gọi việc bảo tồn và phát triển các ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống Nhật Bản đồng thời hướng đến việc giới thiệu vẻ đẹp đặc trưng của nghệ thuật dân gian Nhật Bản với thế giới tạo nên một nét mới trong nội dung hoạt động mỹ thuật của nhóm Shirakaba. Điều đó cũng góp phần làm rõ hơn tính tương chiếu của văn hóa Nhật Bản, đặc biệt trong trường hợp có sự gặp gỡ của các yếu tố văn hóa khác nhau, thậm chí tương phản nhau. Một mặt, những thành viên của nhóm Shirakaba rất tích cực trong việc học hỏi, tiếp thu những thành tựu mới nhất, đặc sắc nhất của mỹ thuật phương Tây và thông qua tạp chí Shirakaba cũng như các cuộc triển lãm nghệ thuật để giới thiệu những thành tựu này với công chúng và giới nghệ sĩ trong nước, hướng đến việc phổ biến những kỹ thuật, phương pháp hiện đại của mỹ thuật phương Tây vào Nhật Bản. Mặt khác, một số thành viên và cộng tác viên của nhóm lại có khuynh hướng đề cao vẻ đẹp giản dị, thuần phác và mang hơi thở cuộc sống của các sản phẩm mỹ nghệ như đồ gốm, đồ sơn mài và vải nhuộm thủ công. Nhóm nghệ sĩ theo hướng này cũng hết sức nhiệt tình trong việc sưu tầm, nghiên cứu và giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ Nhật Bản qua các tạp chí chuyên ngành, làm cho thế giới biết đến các ngành mỹ nghệ truyền thống của Nhật đồng thời tạo điều kiện cho những ngành này được bảo tồn và phát triển mạnh hơn. Tuy vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến đánh giá khác nhau xung quanh các hoạt động này nhưng có lẽ ai cũng dễ dàng công nhận rằng cả hai khuynh hướng nói trên đều thể hiện thái độ tích cực và đúng đắn của người Nhật trong việc bảo tồn và tiếp thu văn hóa. Rõ ràng việc tiếp thu, phổ biến mỹ thuật hiện đại phương Tây vào Nhật Bản và việc vận động để bảo tồn các ngành mỹ nghệ truyền thống trong nước đều cần thiết cho công cuộc hiện đại hóa Nhật Bản trong lĩnh vực văn hóa – văn nghệ đầu thế kỷ XX. Nhờ đó mà Nhật Bản ngày nay vừa được biết đến như một đất nước của những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo, phong phú lại vừa có một nền mỹ thuật hiện đại không kém gì các nước Tây Âu.
Nhìn lại các hoạt động văn nghệ của phái Shirakaba, có thể thấy tạp chí Shirakaba do nhóm này thực hiện liên tục trong khoảng thời gian hơn 13 năm là một thành tựu lớn. Shirakaba đã thể hiện đầy đủ vai trò của một tạp chí văn nghệ bao gồm hai mảng nội dung là văn chương và mỹ thuật. Sự kết hợp này khó có thể tìm thấy ở một trào lưu văn nghệ, đặc biệt là trong tình hình hoạt động nghệ thuật tại các nước phương Đông. Thành công của tạp chí Shirakaba cho thấy các thành viên của nhóm Shirakaba là tầng lớp thanh niên ưu tú trong thời kỳ hiện đại hóa Nhật Bản. Họ may mắn được theo học tại những trường có chất lượng giáo dục tốt trong nước và được đào tạo bài bản tại phương Tây, nhờ đó có thể tiếp cận với những tri thức mới mẻ về triết học và lý luận nghệ thuật. Đồng thời, họ cũng là những người có tinh thần xây dựng đất nước, đã tận dụng vốn kiến thức và phát huy hết năng lực cá nhân để đóng góp cho việc bảo tồn những giá trị nghệ thuật truyền thống và xây dựng những giá trị về văn chương – nghệ thuật cho tiến trình hiện đại hóa Nhật Bản. Đặc biệt nhóm Shirakaba đã thể hiện vai trò rất lớn trong việc xây dựng nền mỹ thuật hiện đại Nhật Bản qua nhiều hoạt động thu hút sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ đương thời.

3.      Hoạt động xã hội

Bên cạnh những hoạt động văn nghệ có tiếng vang trong giới văn nghệ sĩ thời Taisho, một số thành viên của phái Shirakaba còn theo đuổi những chương trình hoạt động xã hội nhằm mục đích hiện thực hóa quan niệm xã hội và lý tưởng cá nhân, trong đó nổi bật nhất là cuộc vận động xây dựng “Làng mới” (atarashiki mura) của Mushanokoji Saneatsu.
Như đã giới thiệu ở chương 1, Mushanokoji Saneatsu được biết đến như một người theo chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa nhân đạo, là nhà tư tưởng nổi bật trong nhóm Shirakaba. Không chỉ thể hiện tư tưởng qua những tác phẩm văn chương, Mushanokoji còn tích cực dấn thân vào hoạt động xã hội để hiện thực hóa lý tưởng về một cộng đồng hoàn toàn bình đẳng và không có đấu tranh giai cấp mà ông gọi là “Làng mới”.
“Làng mới” được bắt đầu thành lập từ năm 1918 tại Kijo-cho, Kuyu-gun, tỉnh Miyazaki[21] thuộc đảo Kyushu ở miền nam Nhật Bản. Làng được xây dựng trên một diện tích tương đối rộng (phần còn lại hiện nay là 5.5 ha), gồm phần đất canh tác nông nghiệp để tạo nguồn thu nhập cho các thành viên trong làng và nhiều kiến trúc chức năng phục vụ cho đời sống tinh thần của cộng đồng như nhà sinh hoạt công cộng, nhà trưng bày tác phẩm mỹ thuật, nhà văn hóa, cửa hàng kinh doanh[22] v.v… (Xem thêm những hình ảnh minh họa ở phần phụ lục 1).
“Làng mới” được vận động thành lập ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, một năm sau sự kiện Cách mạng Tháng Mười thành công ở Nga. Đây là khoảng thời gian mà các phong trào vận động theo hướng chủ nghĩa nhân đạo phát triển đến cao điểm. Nền kinh tế Nhật Bản ở thời điểm đó cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều người có cái nhìn bi quan về tương lai kinh tế của đất nước nên ở Nhật cũng hình thành nhiều tổ chức ủng hộ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa vô chính phủ. Vì vậy việc thành lập “Làng mới” như một mô hình về xã hội lý tưởng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Trong vòng chưa đầy một tháng đã có hơn 100 người đăng ký làm thành viên. Ngoài ra còn có những người không tham gia với tư cách là thành viên chính thức nhưng ủng hộ chương trình bằng cách gửi tiền đóng góp cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Mushanokoji Saneatsu bắt đầu vận động vào tháng 5 thì đến tháng 9 những người chủ trương lập làng đã đến Kyushu để tìm đất dựng làng và bắt tay vào công việc kiến thiết[23].
“Làng mới” tồn tại ở địa điểm nói trên đến năm 1938 thì do việc xây dựng đập thủy điện trong vùng có khả năng làm ngập nước một phần diện tích làng nên một bộ phận trong làng đã chuyển đến vị trí hiện tại của “Làng miền Đông”, thuộc tỉnh Saitama. Bộ phận còn lại vẫn tiếp tục tồn tại với tên gọi là “Làng mới Hyuga”. “Làng mới” hiện nay được xây dựng trên một khu đất rộng 10 ha ở Moroyama-machi, Iruma-gun, tỉnh Saitama, gần Tokyo. Theo số liệu thống kê vào năm 2007 thì thành viên chính thức của “Làng mới” ở Saitama gồm có 21 người thuộc 16 hộ gia đình, còn “Làng mới Hyuga” ở Miyazaki thì chỉ còn 5 người thuộc 3 hộ gia đình. Ngoài ra còn có khoảng 200 người gồm những thành viên không chính thức và những người ủng hộ chương trình nhưng vẫn sống độc lập bên ngoài cơ cấu tổ chức của làng[24].
Thu nhập của cộng đồng “Làng mới” chủ yếu được tạo ra từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các thành viên trong làng canh tác lúa gạo, trồng các loại rau, nấm và dành một phần diện tích trồng trọt cho các loại cây như chè, mai lấy quả v.v… Họ còn tổ chức nuôi gà công nghiệp và làm bánh mì để tăng thêm thu nhập.
Tất cả thu nhập do các thành viên trong làng tạo ra đều trở thành tài sản chung của cộng đồng. Mỗi người chỉ được nhận lại một số tiền nhỏ để tiêu dùng cá nhân. Các nhu cầu cơ bản của con người như nhà ở, ăn uống và các dịch vụ y tế, giáo dục đều được đáp ứng bằng công quỹ.
Thành viên trong làng sống thành từng hộ gia đình và mỗi hộ có nhà ở là không gian sinh hoạt riêng, nhưng việc tổ chức ăn uống thì được thực hiện tại nhà ăn tập thể. Nhà ăn cũng là nơi sinh hoạt công cộng, có cả sân khấu để biểu diễn âm nhạc và kịch nghệ. Sinh hoạt chủ yếu của cộng đồng là cuộc họp dành cho tất cả các thành viên, được tổ chức mỗi tháng một lần để thảo luận và quyết định những việc quan trọng đối với tập thể làng. Theo nguyên tắc thì mỗi quyết định được đưa ra từ cuộc họp này đều phải đạt được sự nhất trí của tất cả mọi thành viên tham gia.
“Làng mới” được thành lập theo chủ trương của Mushanokoji Saneatsu về việc phát triển con người cá nhân. Vì vậy mục tiêu cơ bản của cộng đồng làng là mỗi người đóng góp sức lao động cá nhân ở một mức độ nhất định để xây dựng một cuộc sống “đủ ăn, đủ mặc”, từ đó sẽ tạo điều kiện cho con người có đời sống tinh thần ngày càng phong phú hơn.
So với các hình thức cộng đồng theo kiểu “làng quốc tế” đã từng xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới thì “Làng mới” của Mushanokoji có đặc trưng riêng là khuynh hướng xây dựng một cuộc sống phong phú về mặt nghệ thuật. Trong làng có nơi vẽ tranh và nơi trưng bày tác phẩm mỹ thuật, thể hiện rõ sự quan tâm đến mỹ thuật hiện đại theo khuynh hướng của nhóm Shirakaba.
Chủ trương của “Làng mới” được thể hiện rõ nhất qua hình ảnh lá cờ của làng và câu quy định ghi trên cổng làng. Lá cờ của làng hình chữ nhật gồm 4 hình vuông có 4 màu ghép liền với nhau. 4 màu trắng, đen, đỏ, vàng của 4 hình vuông tượng trưng cho 4 chủng tộc lớn của nhân loại trên toàn thế giới. Hình ảnh lá cờ là sự thể hiện mơ ước về một thế giới đại đồng, trong đó các thành viên tuy có nguồn gốc xuất thân khác nhau nhưng luôn có thiện chí gắn bó với nhau để cùng xây dựng một cuộc sống hòa hợp, thịnh vượng. Trong khi lá cờ là hình ảnh về một cộng đồng đoàn kết gắn bó thì quy định ghi trên cổng làng lại nhấn mạnh tư tưởng coi trọng con người cá nhân: “Những ai bước qua cổng này đều phải tôn trọng sinh mệnh của bản thân và của người khác”.
Cụ thể hơn, chủ trương của “Làng mới” còn được thể hiện qua 6 điều quy định do Mushanokoji đặt ra cho các thành viên trong làng. 6 điều quy định này được in trên bìa sau của mỗi số nội san do cộng đồng làng thực hiện, gồm các nội dung[25]:
(1) Lý tưởng của làng là mọi người trên toàn thế giới đều thực hiện đầy đủ thiên chức của mình và phát triển bản thân một cách toàn vẹn trong khi sống với những người xung quanh.
(2) Để thực hiện điều đó, để phát triển con người cá nhân thì không được gây hại cho cái tôi của người khác.
(3) Để làm được như vậy thì phải phát triển bản thân đúng cách. Để có được sự thoải mái, hạnh phúc và tự do thì không được xâm phạm đến sinh mệnh tự nhiên và nhu cầu chính đáng của người khác.
(4) Trên cơ sở mọi người trên thế giới đều đồng lòng với nhau và đều có cách sống như nhau, cộng đồng phấn đấu để xây dựng lối sống sao cho mọi người trên thế giới đều có thể thực hiện những nghĩa vụ như nhau, có thể sống đàng hoàng, tự do và thực hiện đầy đủ thiên chức của mình.
(5) Thành viên của “Làng mới” là anh chị em một nhà, là những người chủ trương lối sống theo nội dung ghi trên, những người tin tưởng rằng điều đó là khả thi, cầu mong mọi người trên thế giới thực hiện đúng như vậy và tha thiết mong đợi một cuộc sống như thế.
(6) Thành viên của “Làng mới” là những người tin tưởng rằng trong điều kiện không có chiến tranh giữa các quốc gia, không có đấu tranh giai cấp, tất cả mọi người đều thực hiện hay nỗ lực thực hiện lối sống đúng đắn và tất cả những người như thế đều thật sự hợp tác với nhau thì sẽ kiến tạo được một thế giới như chúng ta mong muốn, và là những người tha thiết mong cho điều đó được thực hiện.
“Làng mới” hiện nay là một tổ chức pháp nhân tồn tại và hoạt động độc lập tuy có nhận sự trợ giúp của một số người ủng hộ từ bên ngoài. Trong làng có công viên và bảo tàng mỹ thuật để tưởng niệm Mushanokoji Saneatsu. Cơ quan xuất bản tự túc của làng đi vào hoạt động từ năm 2006. Việc phát hành nguyệt san “Làng mới” vẫn được duy trì đều đặn cho đến nay. Những vật lưu niệm và tư liệu văn hóa – nghệ thuật trong làng được trưng bày công khai tại bảo tàng nghệ thuật và nhà văn hóa. Tất cả mọi người đều có thể đến các địa điểm này tham quan và mượn các sách vở, tài liệu liên quan nếu muốn tìm hiểu về cộng đồng “Làng mới” hoặc cá nhân Mushanokoji Saneatsu. Tại Hyuga, tỉnh Miyazaki hiện nay vẫn còn nhà lưu niệm Mushanokoji Saneatsu ở địa điểm trước đây thuộc về “Làng mới Hyuga”.
Hiện nay “Làng mới” cũng đang đối diện với vấn đề chung của toàn nước Nhật là thực trạng già hóa dân số và khan hiếm trẻ em. Tuy nhiên, các thành viên trong làng vẫn duy trì niềm tin và lý tưởng về việc xây dựng một cộng đồng có lối sống bình đẳng, bác ái và phong phú về mặt tinh thần, như chủ trương của Mushanokoji Saneatsu lúc vận động lập làng vào đầu thế kỷ XX. Tuy rằng số lượng thành viên trong làng có giảm đi theo thời gian, việc tồn tại một ngôi làng được xây dựng với chủ trương kiến tạo một thế giới lý tưởng trong khoảng thời gian gần một thế kỷ tại một quốc gia có điều kiện kinh tế khắc nghiệt như Nhật Bản là một thành công ngoài mong đợi, nếu nhận xét từ cách nhìn khách quan và thực tế.
Mushanokoji Saneatsu đã thực hiện việc xây dựng “Làng mới” cùng với các thành viên chính thức của cộng đồng. Tuy nhiên, vì cần thời gian và sự tập trung cho công việc sáng tác nên ông đã chuyển sang chế độ “thành viên ngoại trú”[26] từ năm 1924, vì vậy trên thực tế ông chỉ làm thành viên chính thức của “Làng mới” trong 6 năm kể từ lúc lập làng. Tuy vậy, cộng đồng thành viên của làng cũng như các nhà phê bình đều ghi nhận những hoạt động mà ông thực hiện trong thời gian sinh hoạt ở “Làng mới” có ảnh hưởng khá rõ nét đến những sáng tác về sau của ông, ngược lại con người cá nhân và tư tưởng của Mushanokoji cũng có ảnh hưởng nhất định đến chủ trương và hoạt động chung của cộng đồng làng.
“Làng mới” là kết quả hoạt động của Mushanokoji Saneatsu nhằm xây dựng một thế giới đại đồng không có mâu thuẫn và đấu tranh, tức là một không gian lý tưởng để con người sống ở đó có thể phát triển tối đa năng lực của bản thân và tạo điều kiện cho những người xung quanh cùng phát triển. Thật ra, khi vận động thành lập “Làng mới” thì Mushanokoji có tham vọng xây dựng một thế giới hoàn hảo, có đầy đủ các cơ sở vật chất từ trường học, bệnh viện đến nhà hát, thư viện, nhà hội nghị v.v… Khi đó các thành viên trong làng được tận hưởng một cuộc sống viên mãn và được sử dụng các dịch vụ miễn phí. Ông còn có tham vọng rằng trong tương lai, các thành viên trong làng đều có thể sử dụng thành thạo các ngoại ngữ cần thiết để “Làng mới” trở thành một cộng đồng quốc tế thật sự.
Nếu căn cứ vào mục tiêu như trên thì có thể nói rằng “Làng mới” chỉ là kết quả nghèo nàn, là “di tích” của một tham vọng theo chủ nghĩa lý tưởng, không phù hợp với thực tế nên không thể trở thành hiện thực. Chính vì tham vọng như thế mà bản thân Mushanokoji đã bị chỉ trích và bị xem là một người theo chủ nghĩa không tưởng. Nhưng mặt khác, sự tồn tại bền bỉ của “Làng mới” cho đến ngày nay trong điều kiện kinh tế khá chật vật ở một đất nước có tốc độ hiện đại hóa cao như Nhật Bản cũng là một bằng chứng thực tế cho thấy con người vẫn luôn mơ ước về một xã hội được xây dựng bằng các mối quan hệ ôn hòa và bình đẳng, tuy rằng việc kiến tạo một xã hội như vậy là không khả thi vì mỗi con người cá nhân là một thực thể phức tạp và đa diện, và trên thực tế một cộng đồng xã hội không phải là một tập hợp những cá thể giống nhau hoàn toàn.
Nhìn lại công trình “Làng mới”, Mushanokoji đã tự nhận xét rằng:
Tôi kỳ vọng ở con người khá nhiều. Đồng thời tôi cũng biết rằng hình thức này đang ở trong một tình trạng hết sức mong manh. Nếu mọi người thực sự mong muốn kiến tạo một đất nước như vậy thì chính điều đó sẽ làm thay đổi số phận con người. Nếu công trình của tôi không thành công mà bị tàn lụi đi thì nguyên nhân không phải là đường lối của tôi mơ hồ lỏng lẻo mà chỉ vì tôi không đủ lòng tin, vì sự chân thành của tôi không có đủ sức mạnh làm lay động người khác[27]”.
Trong khi đó, các nhà phê bình thì cho rằng Mushanokoji là người có mục tiêu và có nhiệt tình, ý chí để thực hiện mục tiêu nhưng lại không có phương pháp đúng đắn để đạt đến thành công, bởi vì để thành công trong việc cải cách xã hội không chỉ đòi hỏi lòng nhiệt tình để “lay động người khác” mà còn phải có hướng đi phù hợp dựa trên sự lý giải đúng đắn về bản chất tự nhiên và xã hội của con người.
Mushanokoji dấn thân vào hoạt động xã hội qua công trình xây dựng “Làng mới” cũng là một biểu hiện cho thấy sự ảnh hưởng của chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa nhân đạo phương Tây đến xã hội Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Cũng thuộc trào lưu tiếp thu tư tưởng cải cách xã hội từ triết học và văn học phương Tây, một thành viên khác của nhóm Shirakaba là Arishima Takeo đã biểu hiện khuynh hướng lý tưởng hóa cuộc sống theo hướng xã hội chủ nghĩa khi quyết định thực hiện chế độ công hữu ở nông trường vốn là đất đai thuộc sở hữu của gia đình.
Nông trường của gia đình Arishima Takeo nằm ở Niseko, Sapporo thuộc đảo Hokkaido ở miền bắc Nhật Bản. Những người nông dân được thuê đến làm việc từ năm 1899, dưới sự quản lý của Arishima Takeshi, cha của Arishima Takeo. Theo ghi chép của Arishima Takeo trong bài viết Nojo kaiho tenmatsu 農場開放顛末 (Ngọn ngành chuyện giải thể nông trường)[28] thì lúc còn đi học, Takeo chỉ đến nông trường để tham quan và nhận thấy những người nông dân làm việc ở nông trường có đời sống khó khăn, làm việc cực nhọc nhưng thu nhập thấp. Tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, Arishima Takeo chủ trương thay chế độ tư hữu ruộng đất thành công hữu để tạo điều kiện cho những người lao động trực tiếp ở nông trường cải thiện đời sống. Tuy nhiên, trong thời gian đi học thì ông vẫn sống nhờ vào nguồn tài chính do gia đình chu cấp, trong đó thu nhập từ nông trường đóng một vai trò khá quan trọng, nên ông chưa áp dụng được ý tưởng của mình vào việc quản lý nông trường. Tuy vậy, ông vẫn không thay đổi quan niệm riêng về vấn đề tư hữu, cho rằng tài sản của gia đình không những không làm cho những người trong gia đình gắn bó với nhau hơn mà ngược lại còn làm cho quan hệ cha con trở nên nặng nề, nhiều áp lực.
Kết thúc thời gian du học ở Mỹ, Arishima Takeo trở về Nhật Bản năm 1907 và sau đó đến nhận công tác tại Đại học nông nghiệp ở Sapporo. Sự gắn bó của Arishima với thành phố Sapporo và đảo Hokkaido cũng là một điều kiện thuận lợi để ông quan tâm đến hoạt động của nông trường Niseko. Sau khi Arishima Takeshi qua đời vào năm 1916, Arishima Takeo quyết định thực hiện ý tưởng công hữu hóa nông trường, với mong muốn cải thiện đời sống cho những người nông dân đã làm việc ở đây.
Arishima Takeo đến nông trường và trực tiếp gặp gỡ nông dân để nói chuyện về vấn đề công hữu hóa. Trong dịp này, Arishima đã trình bày rằng ông không tán thành chế độ tư hữu và không muốn thu lợi từ nguồn tài sản thuộc sở hữu tư nhân. Vì vậy, ông tuyên bố nông trường là tài sản chung của tập thể nông dân đang canh tác, cho phép các hộ nông dân được sử dụng nguồn thu nhập do chính họ làm ra và mong muốn họ chung sống hòa thuận với nhau trên cơ sở hợp tác về sản xuất.
Tuy nhiên, trên thực tế thì Arishima Takeo vẫn lúng túng về phương pháp thực hiện công hữu hóa, không tìm được một hình thức tổ chức hoàn chỉnh của nông trường tập thể như ông mong muốn. Cũng giống như Mushanokoji, Arishima xuất phát từ tư tưởng nhân đạo tốt đẹp nhưng kết quả cuối cùng không như mong đợi vì mục tiêu mà ông hướng đến là một hình thái lý tưởng khó có thể xây dựng được. Nhưng bản thân Arishima thì cho rằng ông gặp khó khăn trong việc này là vì những người nông dân đang làm việc ở nông trường của ông không có hiểu biết cần thiết cho việc hợp tác xây dựng nông trường tập thể, khác với cộng đồng “Làng mới” của Mushanokoji là tập hợp những người tự nguyện và có ý thức về tổ chức mà mình tham gia.
Trong khi vẫn chưa tìm được phương pháp tổ chức hợp lý để cho hình thức nông trường tập thể thì Arishima Takeo đột ngột tự sát vào năm 1923, khi ông mới vừa bước qua tuổi 45. Năm 1949, nhà nước đã quản lý nông trường Niseko theo luật mới về việc “xử lý các trường hợp canh tác tự do đặc biệt”, chấm dứt sự tồn tại của nông trường Arishima.
Tuy rằng dự án xây dựng nông trường tập thể không thành công nhưng Arishima Takeo vẫn được ghi nhận là một nhân vật đã để lại ảnh hưởng sâu đậm ở Sapporo. Nơi ông đã sinh sống trong thời gian dạy học tại Đại học nông nghiệp được sử dụng làm nhà lưu niệm Arishima Takeo. Ngoài ra còn có một nhà lưu niệm khác được xây dựng ngay tại địa điểm trước đây thuộc về nông trường Arishima ở Niseko. Dĩ nhiên, đối với người dân ở Sapporo thì Arishima Takeo vẫn được biết đến như một nhà văn hàng đầu và mang đậm khí chất của vùng Hokkaido hơn là một giáo sư hay một nhà hoạt động xã hội.
Hoạt động xã hội của Mushanokoji Saneatsu và Arishima Takeo, tuy không được thực hiện đồng bộ và không đạt thành quả lớn như hoạt động văn nghệ, cũng là sự thể hiện nhất quán tư tưởng của nhóm Shirakaba. Cả “Làng mới” của Mushanokoji và nông trường tập thể của Arishima đều là sự thể hiện chủ nghĩa lý tưởng. Trong khi chủ nghĩa lý tưởng của Arishima hướng đến việc thiết lập chế độ công hữu thay cho tư hữu thì chủ nghĩa lý tưởng của Mushanokoji đặt trọng tâm vào việc phát triển con người cá nhân. Cả hai đều có tham vọng xây dựng một cộng đồng bình đẳng, không có mâu thuẫn và đấu tranh vì quyền lợi kinh tế và cho rằng chỉ cần đạt được điều kiện đó thì con người có thể gắn bó thân thiện, mọi người đều có cuộc sống bình ổn và phong phú một cách tự nhiên. Nhưng thực tế hoạt động của hai ông đã chứng minh rằng việc xây dựng một cộng đồng hay điều hòa các mối quan hệ xã hội không đơn giản chỉ cần có lý tưởng.
Việc tham gia hoạt động xã hội của các nhà văn nhóm Shirakaba cũng là một biểu hiện cho thấy thái độ tích cực dấn thân của giới văn nghệ sĩ Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Họ là những người thuộc thế hệ tiên phong của đất nước đang trên đường hiện đại hóa, không chỉ thể hiện quan niệm cá nhân trong sáng tác nghệ thuật mà còn vận dụng tư tưởng và tri thức để góp phần cải thiện thực trạng xã hội, hướng đến xây dựng một không gian sống mới mẻ và tốt đẹp hơn trong tương lai.
Đều là sự thể hiện chủ nghĩa lý tưởng, nhưng trong khi hoạt động văn nghệ của các nhà văn Shirakaba đạt được nhiều thành tựu lớn thì hoạt động xã hội lại gặp nhiều khó khăn ngoài dự kiến và kết quả không được như mục tiêu ban đầu. Đó cũng là một hiện tượng phản ánh sự khác biệt về bản chất giữa hoạt động văn nghệ và hoạt động xã hội, cũng như sự khác biệt giữa tác phẩm nghệ thuật và thực tế cuộc sống. Chủ nghĩa lý tưởng có thể mang đến sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật nhưng đồng thời lại là sự sai biệt giữa khả năng tưởng tượng của con người với tính đa dạng của đời sống thực.


[1]Tức旅館東屋, là lữ quán được nhiều văn nghệ sĩ yêu thích nên còn được gọi là “quán trọ của văn nhân” (文士宿).
[2] Nay là Fujisawa-shi, tỉnh Kanagawa.
[3] Theo Shirakaba『白樺 』創刊  (Tạp chí Shirakaba số 1), 日本近代文学間, 東京 (Kho tư liệu của Bảo tàng văn học hiện đại Nhật Bản, Tokyo).
[4] Điêu khắc gia người Pháp.
[5] Bút danh của Nagai Kafu.
[6] Họa sĩ, điêu khắc gia người Nga.
[7] Tạp chí văn nghệ do các nhà văn, nhà thơ lớn đương thời là Mori Ogai, Yosano Tekkan và Yosano Akiko sáng lập, phát hành trong khoảng thời gian 1909 – 1913, được xem là cơ quan ngôn luận của các nhà thơ theo chủ nghĩa lãng mạn.
[8] Nishigaki Tsutomu 西垣勤 (1990), 『漱石白樺派』(Soseki và phái Shirakaba), 有精堂出版, tr. 134.
[9]Nishigaki Tsutomu 西垣勤 (1990), 『漱石白樺派』(Soseki và phái Shirakaba), 有精堂出版, tr. 134 – 135.
[10] Chữ “giá trị” ở đây được dùng với nghĩa là vai trò, ý nghĩa (của một thể loại văn học).
[11] French Academy tại Rome là nơi tuyển chọn và đào tạo những nghệ sĩ mỹ thuật từng đoạt giải Prix de Rome trong thế kỷ XVII – XIX.
[12] Họa sĩ người Pháp, thuộc trường phái ấn tượng, mất năm 1906.
[13] Theo Nishimura Shuko (2009), 西村修子『美術雑誌としての「白樺」にみる西洋美術認識』(Nhận thức về mỹ thuật phương Tây trong tạp chí Shirakaba, trong vai trò một tạp chí mỹ thuật), Journal of East Asian Studies, No.7, 2009.3, pp.137 – 153
[14] Gustave Courbet (1819 – 1877) là họa sĩ người Pháp, thuộc trường phái tả thực.
[15] William Blake (1757 – 1827) là nhà thơ, họa sĩ người Anh.
[16] Andrea Mantegna (1431 – 1506) là họa sĩ người Ý.
[17] Yanagi Kaneko là vợ của nghệ sĩ Yanagi Muneyoshi trong nhóm Shirakaba.
[18] Tức Nihon mingeikan 日本民藝館 ở Meguro, Tokyo.
[19] Tức Chosen minzoku bijutsukan 朝鮮民族美術館 tại Seoul.
[20] 日本民藝協会
[21] Nay là thành phố Hyuga, tỉnh Miyazaki,  đảo Kyushu.
[23] Theo Honda Shugo本田秋五 (1968),「白樺」派作家作品』 (Tác giả và tác phẩm thuộc phái Shirakaba), 未來社, tr. 15 – 16.
[24] Theo http://ja.wikipedia.org/wiki/しき và Zaidan hojin Atarashiki mura 財団法人新しき (Cơ quan pháp nhân “Làng mới”), http://www.atarashiki-mura.or.jp/
[25] Theo Zaidan hojin Atarashiki mura 財団法人新しき (Cơ quan pháp nhân “Làng mới”), http://www.atarashiki-mura.or.jp/
[26] Chỉ đóng hội phí mà không tham gia sản xuất và sinh hoạt như một thành viên chính thức trong làng.
[27]Mushanokoji 武者小路実篤『新しきいての対話』(Đối thoại về “Làng mới”), dẫn lại theo Honda Shugo本田秋五 (1968),「白樺」派作家作品』 (Tác giả và tác phẩm thuộc phái Shirakaba), 未來社, tr. 16.
[28] Theo www.aozora.gr.jp/農場開放顛末

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét