Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

GENJI MONOGATARI – VẤN ĐỀ TÁC GIẢ VÀ LỊCH SỬ VĂN BẢN



Dẫn nhập
Trong bài viết này, chúng tôi đã trình bày những vấn đề cơ bản liên quan đến tư liệu và nghiên cứu Genji monogatari, hay là những vấn đề phát sinh do tính lịch sử của tác phẩm. Những vấn đề trên cho thấy sức hấp dẫn đi kèm với những thách thức lớn trong công việc tìm hiểu tác phẩm này, từ vấn đề tác giả đến lịch sử, ngôn ngữ và nội dung văn bản. Đồng thời, qua đó cũng có thể thấy được vị trí của Genji monogatari trong việc nghiên cứu văn học Nhật Bản nói riêng và trong đời sống văn hóa Nhật Bản nói chung, trải qua nhiều giai đoạn trong khoảng mười thế kỷ. Những câu hỏi về Genji monogatari không có lời giải đáp vẫn tồn tại trong suốt tiến trình này, như một nghịch lý của văn hóa và tâm hồn Nhật Bản, để công việc nghiên cứu tác phẩm này luôn là một hành trình mở rộng về phía trước, thu hút nhiều học giả ở Nhật Bản và trên thế giới tham gia.
Từ khóa: “Genji monogatari”, “vấn đề tác giả”, “lịch sử văn bản”, “lịch sử chú giải” “nghi vấn”, “dị bản”, “sao chép”.
1. Murasaki Shikibu và vấn đề tác giả Genji monogatari
Ngày nay, ai biết đến tác phẩm Genji monogatari源氏物語  (Truyện Genji) cũng đều biết Murasaki Shikibu 紫式部là tác giả. Với những người chỉ tiếp cận Genji monogatari ở góc độ thưởng thức hay tham khảo thì Murasaki Shikibu đương nhiên là tác giả của tác phẩm này. Trên mọi ấn bản Genji monogatari – từ bộ ảnh chụp bản chép tay, nguyên bản có chú thích đến các bản dịch sang tiếng Nhật hiện đại – đều ghi tên tác giả là Murasaki Shikibu. Trong các công trình nghiên cứu, các học giả cũng thường dùng cách ghi “Genji monogatari của Murasaki Shikibu” để nói đến tác phẩm này. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ các công trình nghiên cứu về Genji monogatari bằng tiếng Nhật thì chắc chắn sẽ gặp không ít bài viết tập trung hoặc có đề cập đến vấn đề tác giả của bộ truyện, hoặc sẽ gặp những công trình đưa ra giả thuyết rằng Genji monogatari là tác phẩm của nhiều tác giả. Vậy nên hiểu thế nào về vấn đề này?
Trước hết, phải công nhận rằng vấn đề trên là một tồn nghi tất yếu mang tính lịch sử, do những thiếu sót về tư liệu liên quan đến Murasaki Shikibu và tác phẩm Genji monogatari. Trong các tư liệu viết bằng tiếng Nhật thường thấy ghi rằng: Genji monogatari là một truyện kể trường thiên (hay tiểu thuyết) xuất hiện vào trung kỳ thời Heian (hoặc vào thế kỷ XI). Vậy có thể nói rằng, cũng như nhiều trường hợp đã được biết trong lịch sử nghiên cứu văn học cổ điển, không có tư liệu chính xác cho thời điểm xuất hiện của Genji monogatari. Còn về Murasaki Shikibu thì các tư liệu đều cho biết là một tác giả nữ sống vào thời Heian nhưng không rõ năm sinh và năm mất, kể cả tên gọi Murasaki Shikibu cũng không phải là tên thật của bà. Do những chỗ trống về tư liệu trong lịch sử tác phẩm Genji monogatari và tiểu sử Murasaki Shikibu nên việc xác lập mối liên hệ giữa Murasaki Shikibu và tác phẩm Genji monogatari cũng còn tồn tại nhiều nghi vấn. Vì vậy, trong những trường hợp cần đảm bảo tính chính xác, người ta chỉ dùng những cách nói không xác định như “Murasaki Shikibu được cho là tác giả của Genji monogatari” hoặc “theo những tư liệu lịch sử ban đầu thì phần lớn tác phẩm Genji monogatari được Murasaki Shikibu viết vào khoảng năm Choho 3 (tức khoảng năm 1001)”.
Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu về tác phẩm Genji monogatari, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều điểm gây thắc mắc về vấn đề sáng tác ra tác phẩm, và mỗi nhà nghiên cứu có thể có những cách lý giải khác nhau, hoặc đưa ra những giả thuyết khác nhau, về những vấn đề đó, tùy theo góc độ tiếp cận hoặc tùy vào quan điểm cá nhân. Thực trạng đó một mặt thể hiện vị trí, tầm quan trọng của tác phẩm Genji monogatari trong nền văn học Nhật Bản và chứng minh cho sự nhiệt tình, công phu của các học giả dành cho việc nghiên cứu tác phẩm này, đóng góp thêm tư liệu cho việc tìm hiểu và lý giải tác phẩm. Mặt khác, cũng chính thực trạng ấy làm cho việc tiếp cận tác phẩm ngày càng phức tạp hơn, vì những người nghiên cứu thuộc lớp sau phải đối mặt với rất nhiều giả thuyết, nhiều quan niệm, nhiều cách giải thích - có khi mâu thuẫn, đối lập nhau - về cùng một vấn đề, trước khi tự mình tìm ra câu trả lời hợp lý. Ít nhất, trong phạm vi những tài liệu nghiên cứu mà chúng tôi tiếp cận được, có những quan điểm và lập luận về vấn đề tác giả của Genji monogatari như sau:
Có lập luận cho rằng Genji monogatari không phải là tác phẩm của riêng tác giả Murasaki Shikibu mà là một bộ truyện do nhiều người viết nên. Nhà nghiên cứu Fujimoto Izumi trong công trình “Genji monogatari” tasusakusha no akashi『源氏物語』多数作者の証 (Bằng chứng đa tác giả của Genji monogatari)[1] đã chứng minh cho lập luận này bằng cách chỉ ra những điểm gây nghi vấn trong tác phẩm, cụ thể là những bằng chứng về tính không thống nhất trong cách miêu tả nhân vật, thể hiện ở tính cách, hành động, lời nói, tâm lý, hoàn cảnh sống v.v... của các nhân vật chính cũng như tính không liên tục trong mối quan hệ với các nhân vật phụ. Tác giả cuốn sách đã phân tích cụ thể từng nhân vật quan trọng để chứng minh cho các lập luận này. Tuy nhiên, tác giả công trình không khẳng định những ai là tác giả cụ thể của những phần nào, cũng không phủ nhận Murasaki Shikibu đã viết nên tác phẩm Genji monogatari, mà chỉ đưa ra những minh chứng cho thấy còn tồn tại nhiều nghi vấn trong việc xác định tác giả đích thực của tác phẩm này, đồng thời cho thấy tác giả nghi ngờ về thành tựu văn học nữ lưu Nhật Bản thời Heian, khác với những quan niệm mang tính chủ lưu về văn học nữ thời Heian trong lịch sử văn học Nhật Bản. Tương tự, có thể thấy một vài cuốn sách thiên về giả thuyết này như “Genji monogatari” 99 nazo 源氏物語99の謎 (99 bí ẩn trong Genji monogatari) hay “Genji monogatari” no nazo 源氏物語 (Những bí ẩn trong Genji monogatari).
Nhà nghiên cứu Nakamura Hiroshi trong bài viết “Genji monogatari no sakusha” 源氏物語作者 (Tác giả của Genji monogatari)[2] cũng cho rằng: có nhiều giả thuyết về vấn đề tác giả của Genji monogatari. Tuy rằng từ thời Muromachi (1333 - 1573) trở đi, giả thuyết cho rằng Murasaki Shikibu là tác giả duy nhất sáng tác toàn bộ tác phẩm được nhiều người chấp nhận, dù vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt, nhiều giả thuyết và nghi vấn xung quanh vấn đề này. Chẳng hạn như trong truyện Uji Dainagon monogatari 宇治大納言物語 (Truyện về quan Dainagon ở Uji) có đề cập đến việc con gái của Murasaki Shikibu là Daini Sanmi đã viết các chương trong phần “Uji thập thiếp” (10 chương cuối của Genji monogatari hiện nay). Hay nhà nghiên cứu Keichu tuy công nhận Murasaki Shikibu là tác giả Genji monogatari nhưng vẫn đặt nghi vấn về việc bà có sáng tác toàn bộ tác phẩm hay không.
Ngoài ra, theo một số tài liệu khác thì trong lịch sử tiếp nhận, tìm hiểu Genji monogatari, đã từng có giả thuyết cho rằng người viết nên tác phẩm này không phải là Murasaki Shikibu mà là cha của bà, Fujiwara Tametoki. Tuy nhiên, giả thuyết này chỉ xuất hiện và tồn tại trong thời kỳ chưa có những khảo cứu nghiêm túc và chính thức về tác phẩm. Sau khi có những công trình công phu được viết ra để chú giải về Genji monogatari, đồng thời có những học giả, nhà văn nhà thơ nổi tiếng chính thức công bố quan điểm của mình về tác phẩm này thì người ta nghiêng về xu hướng chấp nhận Murasaki Shikibu là tác giả, và giả thuyết này bị gạt ra khỏi dòng nghiên cứu chủ lưu hay chỉ tồn tại như là một vấn đề lịch sử mang tính tham khảo.
Nói chung, Genji monogatari là một tác phẩm kiệt xuất nhưng lại xuất hiện từ rất sớm và có quá trình lưu truyền, tồn tại lâu dài trong lịch sử văn học Nhật Bản, nên việc nảy sinh những vấn đề thiếu rõ ràng về tác giả hay bản thân tác phẩm là điều tất yếu. Việc hoài nghi về tác giả của bộ truyện này cũng cần được đặt ra và thảo luận để có thể nghiên cứu tác phẩm chi tiết hơn. Tuy nhiên, qua việc khảo sát tư liệu nghiên cứu, có thể thấy rằng cho đến nay, những ý kiến đặt nghi vấn về vấn đề tác giả chỉ là thiểu số so với toàn bộ những công trình nghiên cứu về tác phẩm. Hơn nữa, những quan điểm theo hướng này thường được trình bày bởi những nhà nghiên cứu không chuyên nghiệp, và tác phẩm của họ thường không phổ biến, không xuất hiện nhiều trong kho tài liệu học thuật ở các môi trường nghiên cứu hàn lâm. Bản thân tác giả của những cuốn sách này cũng tự ý thức rằng quan điểm của mình là “khác thường” so với cách nhìn phổ biến về tác phẩm, như mấy câu trong lời đầu sách của Fujimoto: “Tựa đề cuốn sách này có lẽ hơi lạ lùng đối với người xem. Nói đến Genji monogatari thì hầu như người ta đã xác định rằng Murasaki Shikibu là tác giả độc lập, nên hẳn có người sẽ nhíu mày tự hỏi, tác giả muốn nói điều gì khi đặt tựa sách làBằng chứng đa tác giả của Genji monogatari”?”[3] .
Mặt khác, dù có những ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về vấn đề tác giả của Genji monogatari thì những tác giả trình bày các quan điểm ấy chưa từng phủ nhận hoàn toàn quyền tác giả của Murasaki Shikibu mà thay vào đó chỉ đưa ra giả định rằng có nhiều người cùng sáng tác nên tác phẩm, hoặc cho rằng tác phẩm đã được chỉnh sửa, bổ sung, thậm chí thay đổi một số nội dung nào đó. Nói tóm lại, những luận điểm này đều được trình bày theo kiểu dựa trên những bằng chứng về một số điểm mâu thuẫn hay thiếu tính nhất quán trong tác phẩm để đặt ra nghi vấn xoay quanh vấn đề sáng tác ra tác phẩm: “liệu Murasaki Shikibu có phải là người viết ra toàn bộ tác phẩm hay không?”, “nếu Murasaki chỉ sáng tác một phần thì giới hạn của phần ấy ở chỗ nào?”, hoặc “tác phẩm đã được cải biên, chỉnh sửa, thêm bớt như thế nào bởi thế hệ sau Murasaki?” v.v...
Ở phía ngược lại, hầu hết những nhà nghiên cứu Genji monogatari cho rằng tác phẩm là do Murasaki Shikibu sáng tác, đã dựa vào đâu để khẳng định điều này? Vì không có bản thảo gốc do chính Murasaki Shikibu viết, nên mọi thông tin về tác phẩm cũng như tác giả đều được xác định dựa vào những thư tịch thời Heian – mà chủ yếu là Murasaki Shikibu nikki 紫式部日記(Nhật ký Murasaki Shikibu) Sarashina nikki 更級日記 (Nhật ký Sarashina) - cùng những công trình chú giải Genji monogatari do các nhà nghiên cứu biên soạn từ thời Kamakura (1192 – 1333) trở về sau, chẳng hạn như Suigensho 水源抄do Kawachigata (những người thuộc họ nhà Kawachi) biên soạn vào thế kỷ XIII, Okuiri 奥入do Fujiwara Sadaie biên soạn vào khoảng năm 1233, Koan Genji rongi 弘安源氏論議 là sách thảo luận dưới dạng vấn đáp, do một nhóm tác giả biên soạn vào khoảng năm 1280 và Kakaisho河海抄 do Yotsutsuji Yoshinari biên soạn trong khoảng những năm 1362 – 1367 (thời Muromachi). Trong Nhật ký Murasaki thì không có thông tin chính thức ghi nhận sự kiện Murasaki Shikibu sáng tác Genji monogatari nhưng có kể chuyện thiên hoàng Ichijo đọc và nhận xét về người viết, hay các loại giấy được chuẩn bị và cung cấp cho việc viết tác phẩm này. Trong Nhật ký Sarashina thì có viết về chuyện tác giả nhật ký này thưởng thức và chép lại tác phẩm Genji monogatari. Những công trình chú thích cũng được viết theo các quan điểm khác nhau và bản thân tác phẩm Genji monogatari vào thời kỳ ấy cũng tồn tại nhiều dị bản, được sao chép, sưu tầm và bảo tồn bởi những nhà nghiên cứu khác nhau nên có thể nói tư liệu để khẳng định bản quyền tác phẩm là khá mơ hồ và ít ỏi. Tuy vậy, theo Nakamura Hiroshi thì những nhà nghiên cứu có uy tín từ thời Kamakura trở đi đã có những suy luận hợp lý trên cơ sở tìm hiểu và đánh giá về năng lực văn chương của Murasaki Shikibu để cho rằng bà chính là tác giả của Genji monogatari. Để nói rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin trình bày những giới thiệu sơ lược về Murasaki Shikibu – một cây bút nữ nổi tiếng trên văn đàn Nhật Bản thời Heian bên cạnh Sei Shonagon và Izumi Shikibu.
Murasaki Shikibu là một nhân vật có thật trong lịch sử Nhật Bản, nhưng không ai rõ năm sinh và năm mất của bà. Các tư liệu chỉ ghi rằng Murasaki Shikibu là một nhà thơ, nhà văn nữ sống vào trung kỳ thời Heian và là một trong những tên tuổi của các nhóm thi nhân nổi tiếng thời bấy giờ.
Như phần trên đã nói, “Murasaki Shikibu” không phải là tên thật của nữ sĩ này. Theo tập quán thời Heian, phụ nữ thuộc giới quý tộc thường không được gọi bằng tên riêng mà được gọi theo tước vị của cha hoặc chồng, và “Shikibu” cũng là một cách gọi như thế vì cha của bà đã bắt đầu con đường làm quan bằng tước vị này. Còn “Murasaki” – theo suy luận của các nhà nghiên cứu – là cách gọi theo nhân vật Murasaki trong tác phẩm Genji monogatari.
Murasaki Shikibu sinh trưởng trong một gia đình quý tộc, là hậu duệ của Fujiwara Yoshifusa trong một dòng dõi quý tộc lừng lẫy thời Heian vào thế kỷ thứ IX. Tuy thế lực của gia tộc bị sa sút dần đi, và những người thuộc thế hệ gần với Murasaki Shikibu có địa vị không cao lắm trong giới túy tộc đương thời, nhưng gia đình Murasaki vẫn giữ được tiếng tăm về truyền thống văn nghệ. Fujiwara Kanesuke, một ông tổ trong dòng họ Fujiwara, là một tên tuổi lớn của tập thơ Gosenshu 後撰集 (Hậu soạn tập – một thi tập lớn được biên soạn theo sắc lệnh của triều đình). Cha của Murasaki Shikibu là Fujiwara Tametoki, một trí thức và cũng là một nhà thơ lớn. Những nhà nghiên cứu khi viết về thân thế Murasaki Shikibu thường nói đến giai thoại kể rằng, có lần vì một bài thơ cảm thán của Tametoki mà thiên hoàng Ichijo đã thay đổi quyết định, bổ nhiệm cho ông một chức vụ tốt hơn[4], và nhận xét rằng giai thoại này chủ yếu nói về tài năng thơ ca của Tametoki hơn là sự thăng tiến của ông trên hoạn lộ.
Murasaki Shikibu từ nhỏ đã tỏ ra là người có năng lực về học vấn, có thể học chữ Hán như nam giới và tiếp thu kiến thức Hán học rất nhanh. Nhiều học giả hiện đại nghiên cứu về Murasaki Shikibu đã dùng từ “khí chất học giả” hay “sự thông tuệ thiên bẩm” để nói về tài năng văn chương cũng như mức độ tiếp thu Hán học của bà. Điều đó khiến cho cha của bà rất ngạc nhiên nhưng cũng có thể là một động lực để ông truyền đạt cho con gái nhiều tri thức về văn học cổ điển.
Theo phong tục thời Heian, con gái trong gia đình thường được cha mẹ sắp xếp chuyện hôn nhân, và đối tượng kết hôn thường là những người quen biết với gia đình. Murasaki kết hôn với Fujiwara Noritaka - một người cùng thế hệ và cũng khá thân thiết với Fujiwara Tametoki, và sinh con gái là Daini Sanmi – sau trở thành nhũ mẫu của thiên hoàng Reizei[5]. Cũng có nhiều giai thoại quanh cuộc hôn nhân này. Có giai thoại cho rằng Murasaki Shikibu đã từng theo cha đến nhiệm sở ở xa kinh đô để trốn tránh cuộc hôn nhân. Cũng có giai thoại cho rằng Fujiwara Noritaka đã theo đuổi cuộc hôn nhân vì cảm phục văn tài của nữ văn sĩ. Nhưng nói chung, các tư liệu đều ghi nhận đây là một cuộc hôn nhân ngắn ngủi vì Noritaka mất sớm. Sau khi chồng mất, Murasaki Shikibu vào cung làm nữ quan[6], phục vụ cho thứ phi Akiko (tức Fujiwara Shoshi), vợ của thiên hoàng Ichijo.
Dựa vào ca tập của dòng họ Fujiwara và Nhật ký Murasaki Shikibu, các nhà nghiên cứu cho rằng trong thời gian làm nữ quan cho thứ phi Akiko, Murasaki Shikibu mang tâm trạng của một phụ nữ góa bụa, nỗi buồn vì cuộc sống đơn chiếc thiếu hạnh phúc gia đình; nhưng bù lại, chính hoàn cảnh và tâm trạng ấy, kết hợp với tài năng thiên bẩm và vốn tri thức đáng kể về văn học cổ điển, đã trở thành điều kiện sáng tác lý tưởng, đặc biệt cho trường hợp đầu tư để viết tản văn dài bằng chữ kana. Theo tư liệu nghiên cứu, đây là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của bà. Theo đó, trong thời gian này Murasaki Shikibu đã viết nhiều thơ tanka, Nhật ký Murasaki ShikibuGenji monogatari.
Từ những tư liệu trên, có thể thấy rằng, tuy còn nhiều điểm chưa rõ và nhiều vấn đề phức tạp về tác phẩm Genji monogatari và thân thế Murasaki Shikibu, nhưng suy luận cho rằng Murasaki Shikibu là tác giả Genji monogatari không phải là không hợp lý, trước hết vì Genji monogatari được viết bằng chữ kana – loại văn tự mà nữ giới quý tộc thời Heian thường sử dụng trong viết lách. Tuy nữ giới thời kỳ ấy không tham gia vào chính sự và hệ thống quan lại của triều đình, nhưng các cô gái sinh trưởng trong những gia đình quý tộc thì vẫn được dạy dỗ chu đáo, tinh thông Hán học và có thể làm thơ, viết văn. Bằng chứng là bên cạnh Murasaki còn có các nữ sĩ tên tuổi gắn với những tác phẩm nổi tiếng như Sei Shonagon với Makura no soshi 枕草子 hay Izumi Shikibu với Izumi Shikibu nikki 和泉式部日記 (Nhật ký Izumi Shikibu). Từ đó, có thể thấy rằng tuy Genji monogatari là một kiệt tác không có tiền lệ, khó có thể tin là xuất hiện vào thời điểm ấy, nhưng không có nghĩa phải là nam giới mới đủ bút lực để viết nên một tác phẩm như vậy. Hơn nữa, xét mức độ thống nhất về ý thức thẩm mỹ và tư duy nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm, khó có thể cho rằng Genji monogatari là thành quả của nhiều người có tư tưởng và trình độ khác nhau. Vì vậy có thể nói, như nhận xét của nhà nghiên cứu Kano Shigefumi[7], nếu Murasaki Shikibu không phải là người viết nên toàn bộ tác phẩm Genji monogatari thì cũng sáng tác phần lớn tác phẩm ấy; và nếu có người nối tiếp Murasaki Shikibu viết phần còn lại thì người ấy phải rất gần với Murasaki Shikibu về trình độ, tư tưởng và cảm thức thẩm mỹ.
2. Những vấn đề về lịch sử văn bản Genji monogatari
Như đã nói ở phần trên, tồn nghi trong nghiên cứu về Genji monogatari không chỉ có vấn đề tác giả mà còn có rất nhiều thắc mắc, giả thuyết về bản thân tác phẩm Genji monogatari. Nói đúng hơn, chính tính lịch sử của tác phẩm hay hiện trạng không hoàn thiện của tác phẩm do những thất thoát về tư liệu trong quá trình bảo tồn và lưu truyền tác phẩm qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau đã làm nảy sinh những vấn đề như trên, kích thích sự tìm tòi khảo sát về tác giả và tác phẩm nhưng đồng thời cũng gây không ít khó khăn cho các nhà nghiên cứu. Để xem xét về khía cạnh này, chúng tôi xin nêu ra một số vấn đề liên quan đến tính lịch sử của tác phẩm đã được các học giả Nhật Bản đặt ra và tìm cách giải đáp trong quá trình nghiên cứu Genji monogatari, gắn liền với quá trình sao chép và lưu truyền tác phẩm.
Trước hết là vấn đề dị bản. Các nhà nghiên cứu Genji monogatari, tuy rằng có thể không thống nhất ý kiến ở một số điểm, đều nhận thấy vấn đề tồn tại dị bản của tác phẩm này. Vả chăng, nếu nhìn vào lịch sử bảo tồn và lưu truyền tác phẩm, sẽ dễ dàng thấy rằng việc phát sinh dị bản là vấn đề tất yếu.
Theo giả thuyết đáng tin cậy nhất hiện nay thì Genji monogatari được viết trong khoảng thời gian đầu thế kỷ XI (1001 - 1008), tức là vào nửa cuối thời Heian (794 – 1185). Bản thảo gốc của tác phẩm hẳn là bản chép tay trên giấy washi, theo lời kể trong Nhật ký Murasaki Shikibu. Vì thời kỳ này chưa có kỹ thuật in nên trong quá trình tác phẩm được phổ biến, những người muốn đọc hoặc yêu thích tác phẩm này cũng phải tự chép lại bằng tay, như tác giả Nhật ký Sarashina đã kể rằng mình tự tay chép lại tác phẩm. Có thể hình dung việc phát sinh dị bản là do những sai lệch vô tình hay cố ý khi tác phẩm được nhiều người sao chép qua nhiều lần như vậy. Và theo các nhà nghiên cứu thì do hoàn cảnh lịch sử, không chỉ riêng trường hợp Genji monogatari mà nói chung những tác phẩm văn học cổ - tiêu biểu là Kaidoki 海道記 (Hải đạo ký) Heike monogatari 平家物語 (Truyện Heike) - tồn tại và được lưu truyền qua một thời gian dài dưới dạng chép tay như thế đều phát sinh dị bản.
Vấn đề này có được đề cập và phân tích trong một số bài viết, công trình nghiên cứu về Genji monogatari. Viết về vấn đề này một cách tập trung và chi tiết nhất là tác giả Inaga Keiji với công trình Genji monogatari no kenkyu – seiritsu to denryu 源氏物語研究成立伝流 (Nghiên cứu Genji monogatariVấn đề hình thành và lưu truyền tác phẩm). Trong cuốn sách này, Inaga Keiji đã khảo sát chi tiết từ hoàn cảnh sáng tác, quá trình lưu truyền Genji monogatari, vấn đề biên soạn các sách chú giải cho tác phẩm và việc chỉnh lý theo hướng thu gọn hay mở rộng bản gốc. Theo đó, quá trình tiếp nhận, nghiên cứu và chỉnh lý Genji monogatari là hết sức phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ học giả và đã tạo ra một khối lượng thư tịch đồ sộ gồm các bản chép tay, các bộ Genji monogatari được chỉnh lý, các bộ sách chú giải và sách phê bình, nghiên cứu về Genji monogatari. Ngoài ra, trong bộ sách Nihon bungaku kenkyu shiryo 日本文学研究資料叢書 (Tổng hợp các bài nghiên cứu về Genji monogatari) cũng có một số bài viết phân tích về vấn đề này. Chẳng hạn tác giả Tokieda Motoki trong bài viết “Bunsho ni okeru suiko-kaiko-bekko” 文章における推敲改稿別稿 (Vấn đề chỉnh sửa, cải biên và dị bản trong văn chương) đã phân tích sự khác biệt về chủ đề của các chương trong phần “Uji thập thiếp” và cho rằng tác phẩm có dị bản ở phần này, hay phần này có thể được viết bởi hai người khác nhau[8].
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, có lẽ cần phải biết qua lịch sử văn bản của tác phẩm Genji monogatari qua các thời kỳ. Tác phẩm được sáng tác vào nửa cuối thời Heian, vào lúc mà tầng lớp quý tộc nắm giữ quyền lực chính trị đang ở đỉnh cao của sự phồn vinh nhưng sắp sửa bước vào giai đoạn thoái trào. Vì vậy, không khó để hình dung rằng chẳng bao lâu sau đó, quyền lực của tầng lớp quý tộc chuyển dần sang tầng lớp võ sĩ, và có nhiều xung đột xảy ra do sự biến chuyển này, cho đến lúc Mạc phủ được thành lập ở Kamakura vào năm 1192. Trong hoàn cảnh lịch sử như vậy, Genji monogatari - được xem là đỉnh cao văn học Heian – đã được đón nhận nồng nhiệt trong đời sống văn hóa cung đình từ lúc được viết ra, và tiếp tục được lưu truyền trong xã hội quý tộc đang trên đường suy thoái.
Vào thời Kamakura, có các tác gia đồng thời là nhà nghiên cứu văn học đã tập hợp, chỉnh lý các bản chép tay Genji monogatari vốn đã tồn tại một thời gian dài trong trạng thái đa tạp và tản mạn. Kết quả của việc làm công phu này là sự xuất hiện của 3 bộ Genji monogatari với 3 tên gọi khác nhau. Bộ thứ nhất là Aobyoshibonkei 青表紙本系 (Bộ sách bìa xanh) hay còn gọi là Teikahon 定家本 (Sách của Teika), do Fujiwara Sadaie (Fujiwara Teika) tập hợp và chỉnh lý. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu hiện đại Ikeda Kikan thì đây là bộ có giá trị nhất vì có nội dung gần với nguyên bản nhất. Bộ thứ hai là Kawachibon 河内本 (Sách của Kawachi), do Minamoto Mitsuyuki và con là Minamoto Chikayuki (những người thuộc họ Kawachi, tức dòng họ đã từng làm quan ở Kawachi) tập hợp và chỉnh lý từ những bản chép tay được lưu truyền. Ngoài ra còn có một bộ tương đối đặc biệt là Beppon 別本 (nghĩa là một loại sách khác), không rõ người biên soạn. Sách này có nội dung khác với Aobyoshibonkei mà cũng không giống Kawachibon, nhưng không phải là một loại sách có nội dung khác hẳn. Vì vậy có ý kiến cho rằng sách này là một sự pha trộn của AobyoshibonkeiKawachibon, hoặc là dạng chưa hoàn chỉnh của Aobyoshibonkei mà Fujiwara Sadaie lưu lại trong quá trình chỉnh lý[9]. Cả 3 bộ sách trên – đặc biệt là Aobyoshibonkei - được xem là văn bản chính thống của Genji monogatari, cùng tồn tại trong một thời gian dài và là tư liệu căn bản cho việc chỉnh lý, chú giải, nghiên cứu, biên dịch tác phẩm từ thời Kamakura trở về sau, đồng thời cũng là tư liệu cho ấn bản Genji monogatari đầu tiên trong thời Edo (1600 – 1867).
Từ thời Muromachi trở đi, việc ghi chép, chỉnh lý Genji monogatari vẫn được tiếp tục thực hiện cùng với việc chú giải, nghiên cứu và phê bình tác phẩm. Vì tất cả những tư liệu ghi chép trong thời trung đại đều là bản viết tay nên cùng trong khoảng thời gian đó, tư liệu về Genji monogatari tăng lên rất nhiều về số lượng (riêng văn bản Genji monogatari thời Muromachi đã có một trăm mấy chục bản) đồng thời có những công trình đã hoàn thiện lại bị phân tán, thất lạc dần đi. Bộ Aobyoshibonkei của Fujiwara Sadaie cũng bị thất lạc khá nhiều, đến nay chỉ còn lại 4 chương. Quá trình sao chép và lưu truyền các bản thảo Genji monogatari được thực hiện liên tục qua các thời kỳ lịch sử, tạo ra một kho sách đồ sộ và phong phú đồng thời cũng làm phát sinh nhiều sai biệt giữa các văn bản vì nhiều lý do.
Đến cuối thời Edo, nhờ du nhập kỹ thuật in, văn bản Genji monogatari được chuyển sang một hình thức mới, tạo điều kiện cho việc bảo tồn tác phẩm ở dạng thống nhất về nội dung. Bản in Genji monogatari đầu tiên được thực hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, có tên là Kokatsujibon 古活字本 (nghĩa là bản in hoạt tự cổ). Bản này được in chữ cỡ lớn, gồm 10 cuốn, đến nay vẫn được bảo tồn tại kho sách của nhà xuất bản Ryumon Bunko, tại thư viện Quốc hội Nhật Bản và thư viện trường Đại học nữ Tokyo.
Từ quá trình sao chép và lưu truyền tác phẩm, như đã trình bày ở phần trên, có thể thấy rằng một lịch sử tồn tại và thay đổi như thế chắc hẳn sẽ dẫn đến nhiều thất thoát về tư liệu và sai lệch về nội dung. Việc phát sinh dị bản hay việc thêm bớt nội dung, chỉnh sửa câu chuyện trong nguyên tác có thể được xem là vấn đề tất yếu mang tính lịch sử. Vì vậy các nhà nghiên cứu hiện đại cũng đặt ra rất nhiều nghi vấn và giả thuyết liên quan đến vấn đề này, và quá trình tìm kiếm câu trả lời, hay quá trình chứng minh cho những giả thuyết ấy, cũng là những quãng đường thú vị trong hành trình nghiên cứu Genji monogatari.
Ngoài vấn đề dị bản như đã trình bày, vấn đề về các chương (tiếng Nhật là “kan” - quyển) trong cấu trúc tác phẩm cũng là một mảng đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu. Theo các nhà nghiên cứu thì trong văn bản Genji monogatari hiện nay có các chương được gọi là “narabi no kan” (các chương song hành). Nội dung ở các chương này không thể hiện rõ trình tự trước sau trong cơ cấu chung của tác phẩm[10]. Có thể hình dung các chương này là những câu chuyện được triển khai đồng thời trong một khoảng thời gian nào đó. Do vậy, việc xếp chương nào trước, chương nào sau là rất khó quyết định và không có tính thuyết phục cao, vì trong văn bản Genji monogatari thì các chương chỉ được đặt tên mà không được đánh số thứ tự (chỉ riêng các chương trong phần “Uji thập thiếp” là có đánh số thứ tự, theo chú thích trong các bản chú giải cổ). Bên cạnh đó lại có những nhân vật đột ngột xuất hiện trong một chương nào đó, như một kiểu “đi tắt” vào câu chuyện mà độc giả chưa từng được làm quen trong những chương trước (chẳng hạn nhân vật Rokujo đột ngột xuất hiện ở chương Yugao 夕顔). Và cũng có trường hợp chỉ có tên chương mà không có nội dung (như chương Kumogakure 雲隠) đặt ra nhiều nghi vấn về vị trí, ý nghĩa của chương này trong tác phẩm, hay ý đồ của tác giả về chương này trong quá trình sáng tác. Mức độ dài ngắn, độ phức tạp cũng như sức hấp dẫn của câu chuyện khác nhau trong từng chương cũng đặt ra nhiều câu hỏi khó về tác phẩm. Thậm chí có những nhà nghiên cứu đi sâu vào nội dung chi tiết của tác phẩm, đã cho rằng chương đầu tiên của tác phẩm có cấu trúc và tuyến truyện phức tạp hơn cả, nên có khả năng được viết sau các chương khác, hoặc do người đời sau viết thêm vào[11]. Đồng thời, dựa vào một số tư liệu lịch sử có liên quan đến tác phẩm, cũng có nhiều giả thuyết về số chương thực có của văn bản Genji monogatari. Các giả thuyết này cho rằng so với bản gốc, văn bản Genji monogatari hiện nay có thể có những chương đã bị mất đi, cũng như những chương được viết thêm vào.
 Những thắc mắc liên quan đến các vấn đề trên trở thành các đề tài được triển khai phân tích trong nhiều bài nghiên cứu chuyên sâu, hoặc trong những chuyên luận công phu về tác phẩm. Trong những công trình đó, nhiều nhà nghiên cứu đã trình bày những phát hiện thú vị, hoặc những suy luận khá thuyết phục về tác phẩm. Chẳng hạn trong bài “Genji monogatari no seiritsu” 源氏物語成立 (Sự hình thành Genji monogatari), nhà nghiên cứu Nakamura Hiroshi cho biết chương Kiritsubo 桐壺 (chương đầu của tác phẩm Genji monogatari) còn có tên gọi khác là Tsubosenzai 壺前裁, và không chỉ chương này mà các chương sau đó như Hahakigi 賢木, Akashi 明石, Niou no Miya 匂宮 v.v... đều có tên gọi khác. Đồng thời tác giả cũng lập luận rằng, trong tác phẩm có nhiều điểm ngữ pháp được sử dụng vào thời Kamakura, và một số nhân vật được miêu tả về mặt tính cách, cư xử giống như kiểu phụ nữ điển hình thời trung đại, nên có nhiều khả năng tác phẩm được người đời sau chỉnh sửa hoặc viết thêm một số đoạn, và văn bản được lưu truyền bị biến đổi khá nhiều so với bản gốc[12].
Những nội dung trên cho thấy sự phức tạp trong vấn đề tư liệu của tác phẩm Genji monogatari. Điều đó gợi lên những đề tài nghiên cứu, những tìm tòi phân tích thú vị về tác phẩm, và cũng là minh chứng cho thấy văn bản Genji monogatari hiện nay là kết quả của một quá trình lịch sử lâu dài và phức tạp, vì vậy đã trải qua nhiều thay đổi, bao gồm nhiều sai lệch so với bản gốc ban đầu. Do vậy, những giả thuyết và nghi vấn liên quan đến tính lịch sử của Genji monogatari, tuy rằng rất có ích và cần thiết cho việc tiếp nhận và nghiên cứu tác phẩm này, vẫn khó có được bằng chứng rõ ràng hay câu trả lời chính xác. Thực trạng đó là sức hấp dẫn và cũng là thách thức lớn trên con đường nghiên cứu Genji monogatari.
3. Lịch sử chú giải Genji monogatari
Văn bản Genji monogatari, như đã trình bày ở phần trên, trải qua một lịch sử phức tạp, nhiều biến đổi. Và trên thực tế là, trong tiến trình lịch sử phức tạp ấy, sự tồn tại và lưu truyền tác phẩm Genji monogatari không thể tách rời quá trình chú giải, khảo cứu về tác phẩm. Do vậy, nói về những vấn đề mang tính lịch sử của tác phẩm Genji monogatari không thể không nói đến vấn đề chú giải và tiếp nhận tác phẩm này.
Theo nhà nghiên cứu Inaga Keiji thì việc chú giải Genji monogatari là hết sức cần thiết để đông đảo người đọc tiếp cận tác phẩm. Ngay trong chương đầu tiên của công trình Nghiên cứu Genji monogatariVấn đề hình thành và lưu truyền tác phẩm, ông đã viết rằng: “Những người đọc Genji monogatari, thoạt tiên vì một niềm hoài cổ mơ hồ nào đó, đã lật mở trang đầu tiên của bộ sách này. Nhưng rồi họ chóng mặt khi đối diện với một dung lượng vô cùng đồ sộ, cộng với văn phong, từ ngữ khác xa ngôn ngữ đời thường, và không ít người đã quay lưng với thế giới cổ điển[13]. Những câu này đã nói lên một thực tế quan trọng trong vấn đề tiếp nhận Genji monogatari. Thực trạng này, cũng như vấn đề tác giả và văn bản tác phẩm, nảy sinh từ thực tế lịch sử và văn hóa Nhật Bản, nghĩa là từ bối cảnh mà tác phẩm ra đời và tồn tại.
Genji monogatari được ra đời vào nửa cuối thời Heian thì đến thời Kamakura, những bộ sách chú giải về tác phẩm đã xuất hiện, gần như đồng thời với những văn bản chỉnh lý được nói đến ở phần trên. Tuy rằng khoảng cách giữa sự xuất hiện của Genji monogatari với những công trình đầu tiên chú giải về tác phẩm này chỉ khoảng chừng 2 thế kỷ (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII), nhưng đó là khoảng thời gian mà lịch sử văn hóa Nhật Bản có sự thay đổi lớn. Khi tầng lớp quý tộc thời Heian đánh mất quyền lực chính trị vào tay giới võ sĩ đã thành lập nên Mạc phủ, thì nền văn hóa mang tính chất phong lưu tao nhã rất đặc trưng của thời Heian cũng lùi dần vào quá khứ. Từ thời Kamakura trở đi, những người làm chủ nền chính trị Nhật Bản không hẳn là những người có học thức hay trình độ thẩm mỹ cao nhất trong xã hội, nên văn hóa của thời trung đại dần chuyền sang một màu sắc khác, dung dị và gần gũi với tầng lớp bình dân hơn. Do đó, thời trung đại được ghi nhận là thời kỳ mà các loại hình văn hóa nghệ thuật mang tính đại chúng nảy sinh và phát triển. Nhưng từ đó cũng có thể thấy rằng, văn hóa quý tộc thời Heian, với những di sản còn lưu lại, dần trở nên xa lạ với sự thưởng thức của đại chúng thông thường. Trong hoàn cảnh trên, có thể hình dung độc giả thời Kamakura, tuy so với độc giả ngày nay thì rất gần với thời điểm ra đời của Genji monogatari, cũng gặp không ít khó khăn nếu muốn hiểu toàn bộ tác phẩm này, vì Genji monogarari sử dụng ngôn ngữ, lối viết đặc trưng của giới quý tộc thời Heian, sử dụng nhiều điển cố và có nhiều ý thơ trích dẫn từ tư liệu văn học cổ điển. Hoàn cảnh lịch sử như vậy có thể là lý do ra đời của những bộ sách chú giải Genji monogatari.
Theo tư liệu nghiên cứu hiện nay thì từ thời Kamakura trở đi, lịch sử chú giải, nghiên cứu Genji monogatari phát triển song song với lịch sử sao chép và lưu truyền tác phẩm này. Vì vậy, khối lượng tư liệu chú giải cũng đồ sộ và phức tạp không kém khối lượng văn bản Genji monogatari qua các thời kỳ lịch sử. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ có thể giới thiệu sơ lược những tên tuổi và những công trình quan trọng trong quá trình khảo cứu, chú giải tác phẩm từ thời Kamakura.
Vì quá trình chú giải Genji monogatari bắt đầu từ thời Kamakura và vẫn tiếp tục phát triển cho đến thời hiện đại, nên ngày nay người ta gọi chung những công trình được biên soạn trước thời Meiji là “kochushaku” 古注釈 (nghĩa là sách chú giải thời cổ điển), hoặc cụ thể hơn, những công trình cổ nhất được biên soạn vào thời Kamakura và Muromachi thì gọi là “kochu” 古注 (cổ chú giải), những công trình được biên soạn sau đó cho đến đầu thời Edo (cuối thế kỷ XVII) thì gọi là “kyuchu” 旧注 (cựu chú giải) và những công trình từ cuối thời Edo đến nay được gọi là “shinchu” 新注 (tân chú giải).
Những công trình thuộc loại “cổ chú giải” là những bộ sách đầu tiên được biên soạn với mục đích giải thích về Genji monogatari, như một cách bổ trợ cho người đọc tiếp thu tác phẩm này. Theo nhà nghiên cứu Inaga Keiji thì những công trình trong giai đoạn này chủ yếu thiên hướng về chú thích các sự kiện được mô tả trong tác phẩm, giải thích các điển cố và các ý thơ được trích dẫn từ tư liệu văn học cổ điển. Theo quan niệm phổ biến nhất thì “cổ chú giải” gồm có các công trình Genjishaku 源氏釈, Okuiri奥入, Suigensho 水原抄, Shimeisho 紫明抄, Ihonshimeisho 異本紫明抄, Genchusaihisho 原中最秘抄, Koan Genji rongi 弘安源氏論議Kakaish河海抄. Trong đó Genjishaku của Fujiwara Koreyuki, Suigensho của Kawachigata, Okuiri của Fujiwara Sadaie và Kakaisho của Yotsutsuji Yoshinari được biết đến nhiều nhất, và là những công trình do các tác gia, các nhà nghiên cứu nổi tiếng đương thời biên soạn. Đi kèm với các công trình này còn có những bộ sách giải thích nội dung Genji monogatari theo hướng đối chiếu nhân vật trong tác phẩm với các nhân vật lịch sử có thực, sau này được các nhà nghiên cứu hiện đại tập hợp và chỉnh lý thành bộ sách Genji monogatari kokeizu 源氏物語古系図[14] .
Những công trình thuộc loại “cựu chú giải” được biên soạn trong khoảng thời gian từ nửa cuối thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVII, gồm hơn 20 bộ sách. Trong đó thường được biết đến là các công trình như Genjiwahisho 源氏和秘抄Kachoyosei 花鳥余情 của Ichijo Kaneyoshi, Rokasho 弄花抄 của Sanjonishi Sanetaka, Kogetsusho 湖月抄 của Nishimura Kigin. So với những công trình “cổ chú giải” thì những công trình này chú thích về Genji monogatari trên cái nhìn cấu trúc toàn diện về tác phẩm, vì trong giai đoạn mà những công trình này được biên soạn thì văn bản Genji monogatari cũng đã chính thức được công nhận có cấu trúc 54 chương như hiện nay. Về đặc điểm nội dung thì, theo nhận xét của nhà nghiên cứu Inaga Keiji, những công trình thuộc loại “cựu chú giải” chú trọng đến việc bình chú những đặc điểm văn chương của tác phẩm hơn là đặc điểm tư liệu[15]. Thêm vào đó, đối tượng độc giả của Genji monogatari ngày càng mở rộng theo hướng bình dân hóa, nên những công trình chú giải của thời kỳ này, so với thời kỳ “cổ chú giải”, cũng được viết theo hướng gần gũi với đại chúng hơn.
Những công trình thuộc thời kỳ “tân chú giải” được viết trong khoảng thời gian từ trung kỳ thời Edo trở về sau, theo Từ điển Bách khoa toàn thư thì đến năm 1861 có 10 công trình thuộc loại này được biên soạn, trong đó nổi bật nhất là các công trình Genji monogatari tama no ogushi 源氏物語玉小櫛 (1796) của Motoori Norinaga, Genji monogatari shinshaku 源氏物語新釈 (1762) của Kamo Mabuchi, Shikashichiron 紫家七論 (1703) của Ando Tameakira và Genji monogatari hyoshaku 源氏物語評釈 (1861) của Hagiwara Hiromichi[16]. Có thể thấy hầu hết những công trình “tân chú giải” đều được viết bởi các nhà quốc học nổi tiếng, trong trào lưu quốc học thịnh hành ở Nhật Bản vào thế kỷ XVIII – XIX. Vì vậy, những công trình này cũng chịu sự chi phối chủ yếu của tư tưởng quốc học. Thay vì chú trọng đến tính văn chương của tác phẩm như các bộ sách “cựu chú giải”, những công trình “tân chú giải”, theo tinh thần Nho giáo thời quốc học, đã có khuynh hướng bình giải Genji monogatari theo quan niệm giáo hóa về luân lý đạo đức của Nho giáo và Phật giáo. Tuy nhiên, trong số các nhà nghiên cứu Genji monogatari thời kỳ này có Motoori Norinaga là người đã đưa ra lý thuyết về ý thức thẩm mỹ “mono no aware” với công trình Genji monogatari tama no ogushi, được cho là một phát hiện quan trọng về tư duy nghệ thuật của Genji monogatari, được nhiều học giả đương thời và sau này công nhận.
Từ thế kỷ XX đến nay, nhờ những điều kiện thuận lợi do sự thay đổi hoàn cảnh kinh tế - xã hội, việc tiếp nhận và nghiên cứu Genji monogatari ngày càng phát triển, tạo ra khối lượng thư tịch về tác phẩm ngày càng nhiều hơn, phong phú hơn. Ngày nay, ngoài những công trình chú giải thuộc các giai đoạn kể trên còn có nhiều công trình mới. Nếu tìm kiếm ở các thư viện hoặc cửa hàng sách sẽ thấy hàng loạt các công trình có tựa đề gần giống nhau như Genji monogatari chushaku 源氏物語注釈 (nghĩa là chú giải Genji monogatari), Genji monogatari shinshaku 源氏物語新釈 (nghĩa là chú giải mới về Genji monogatari) hoặc Genji monogatari hyoshaku 源氏物語評釈 (nghĩa là bình giải Genji monogatari). Vì độc giả càng ngày càng cách xa thời đại sáng tác Genji monogatari nên trong thời hiện đại, việc chú giải tác phẩm hầu như gắn liền với việc dịch nguyên tác ra tiếng Nhật kim văn. Do đó, loại sách được đánh giá cao và được dùng phổ biến nhất hiện nay là sách có in nguyên tác kèm theo phần chú giải và bản dịch hiện đại.
Kết luận
Genji monogatari là một tuyệt tác của văn học cổ điển Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ độc giả kể từ lúc được viết ra vào thế kỷ XI. Người Nhật không chỉ thưởng thức Genji monogatari như một truyện kể thú vị mà thực sự xem tác phẩm này là một thế giới phong phú do một nữ sĩ tài hoa thời Heian sáng tạo, hàm chứa nhiều thông điệp về văn hóa – nghệ thuật cổ điển, là một khung cửa rộng cho người Nhật nhiều thế hệ tìm hiểu về ý thức thẩm mỹ Nhật Bản và văn hóa – xã hội thời Heian. Vì vậy bên cạnh việc sao chép, bảo tồn bản thân tác phẩm, từ thời Kamakura trở đi đã có nhiều học giả say mê tìm hiểu và biên soạn những công trình nghiên cứu, chú giải Genji monogatari một cách chi tiết, công phu. Lịch sử tiếp nhận, nghiên cứu tác phẩm từ thời Heian đến nay đã tạo ra một khối lượng tư liệu đồ sộ, phong phú về Genji monogatari, mặt khác cũng làm phát sinh nhiều “điểm mờ” trong văn bản tác phẩm cũng như nhiều nghi vấn về vấn đề tác giả và lịch sử hình thành tác phẩm này. Những tư liệu ấy có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu Genji monogatari trong thời đại ngày nay, cung cấp cho người nghiên cứu những thông tin chi tiết, quan trọng về tác giả, về văn bản và vị trí tác phẩm trong đời sống văn học Nhật Bản. Bên cạnh đó, người nghiên cứu - đặc biệt là người nước ngoài nghiên cứu về văn học Nhật - cũng cần tìm hiểu thêm về sự phức tạp và những nghi vấn nói trên để có sự thận trọng cần thiết khi đưa ra những khẳng định, nhận xét về văn bản tác phẩm, hoặc có những nghiên cứu mới, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề mang tính lịch sử còn tồn tại đến ngày nay.

Tài liệu tham khảo
1.      Donald Keene (2004), Murasaki Shikibu’s The Tale of Genji (Edited and with an introduction by Harold Bloom), Chelsea House Publisher.
2.       藤本泉 Fujimoto Izumi,「『源氏物語』多数作者(Bằng chứng đa tác giả của Genji monogatari), 講談社出版, 1988.
3.       伊井春樹 Ii Haruki,「源氏物語注釈史研究」(Nghiên cứu Lịch sử chú giải Genji monogatari), 桜楓社, 1980.
4.      池田亀鑑 Ikeda Kikan,源氏物語する論考(Khảo luận về Genji monogatari), 目黒書店, 1947.
5.       稲賀敬二Inaga Keiji,「源氏物語の研究成立と伝流」(Nghiên cứu Genji monogatariVấn đề hình thành và lưu truyền tác phẩm), 笠間書院, 1977.
6.      稲賀敬二 Inaga Keiji,「源氏の作者―紫式部」(Tác giả Genji – Murasaki Shikibu), 新典社, 1982.
7.       加納重文 Kano Shigefumi,げんじものがたりのはなし(Câu chuyện về Genji monogatari), 和泉書院, 1987.
8.      南波浩 Namba Hiroshi,「物語文学」(Văn học monogatari), 三一書房, 1971.
日本文学研究資料叢書「源氏物語Ⅰ―Ⅳ(Bộ sách nghiên cứu văn học Nhật Bản, phần tổng hợp các bài nghiên cứu về Genji monogatari tổng cộng 4 tập), 有精堂, 1972.


[1]藤本泉「『源氏物語』多数作者の証」、講談社出版, 1988.
[2]日本文学研究資料叢書「源氏物語Ⅱ」有精堂, 1972
[3]藤本泉 (Fujimoto Izumi), tlđd, tr. 3.
[4] Xem 今小路覚(Imakouzi Kakusui), 『紫式部生涯性格』(Murasaki Shikibu – Cuộc đời và tính cách) in trong 日本文学研究資料叢書「源氏物語Ⅱ」有精堂、1972, tr. 74- 80 và Donald Keene (2004), Murasaki Shikibu’s The Tale of Genji (Edited and with an introduction by Harold Bloom), Chelsea House Publisher, pp. 11.
[5]石村貞吉 (Ishimura Sadakichi), 「紫式部大弐三位」(Murasaki Shikibu và Daini Sanmi), 本文学研究資料叢書「源氏物語Ⅱ」有精堂、1972, tr. 75.
[6] “Nữ quan” trong tiếng Nhật là 女房, chỉ những người hầu cận cho vua và hoàng tộc thời Heian. Những người này thường có cha, anh hoặc chồng là võ sĩ phục vụ trong quân đội Hoàng gia. Họ chủ yếu phục vụ cho đời sống tinh thần của nhà vua và các cung phi, có địa vị cao hơn những cung nữ chỉ chuyên hầu hạ trong đời sống sinh hoạt thường ngày.
[7]加納重文,「げんじものがたりのはなし」(Truyện Genji monogatari), 和泉書院, 1987.
[8]時枝誠記 Tokieda Motoki『文章における推敲改稿別稿』(Vấn đề chỉnh sửa, cải biên và dị bản trong văn chương) in trong日本文学研究資料叢書「源氏物語Ⅲ」有精堂、1972, tr. 243 – 254.
[9]池田亀鑑 Ikeda Kikan,源氏物語に関する論(Khảo luận về Genji monogatari), 目黒書店, 1947.
[10] Chẳng hạn chương Miotsukushi「澪標」,Yomogiu「 蓬生」 và chương Sekima「関屋」hay các chương trong câu chuyện về nàng Tamakazura.
[11]中村浩 Nakamura Hiroshi,『源氏物語成立』(Sự hình thành Genji monogatari), in trong 日本文学研究資料叢書「源氏物語」有精堂, 1972, tr. 1- 19.
[12]中村浩 Nakamura Hiroshi, tlđd.
[13]稲賀敬二Inaga Keiji「源氏物語の研究―成立と伝流」(Nghiên cứu Genji monogatariVấn đề hình thành và lưu truyền tác phẩm), 笠間書院, 1977, tr. 13.
[14] Theo 伊井春樹 Ii Haruki,「源氏物語注釈史(Nghiên cứu Lịch sử chú giải Genji monogatari), 桜楓, 1980.
[15] Inaga Keiji, tlđd.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét